Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Có một người đàn bà như thế

Có một người đàn bà như thế 
Cơn mưa buổi chiều tháng Bảy ập xuống nghĩa trang Lộc Vinh cách trị trấn Lộc Ninh vài cây số. Nước xối trắng trời, trắng đất. Rừng cao su chìm trong mưa. Cô gái níu cánh tay người đàn bà đứng tuổi đứng bên ngôi mộ trong nghĩa trang đất đỏ, nước mắt hòa mưa...
Ông Tùng chọn bộ quần áo đẹp nhưng nền nã, hỏi vợ:
– Em mua đồ gì đến giỗ anh Hỷ?
Vân ngồi trước bàn phấn, mắt sáng, môi hồng, da mịn, mỉm cười:
– Năm nay ngoài bánh trái, hoa quả, em sắm tặng anh Hỷ chiếc ô tô.
– Anh nhìn gói đồ đi ăn giỗ to quá. Anh Hỷ hy sinh ở Bình Long năm bảy hai, không biết lái xe hơi?
– Mấy người ta mua xe hơi cho người thân, em cũng tặng anh ấy một chiếc.

Lúc đó hai đứa con của họ, thằng Hưng mười sáu tuổi, chở bé Hương mười tuổi, đi học thêm về. Từ trên lầu chị Vân gọi vóng xuống:
– Con à, hai đứa chuẩn bị đi qua nhà cô Ninh ăn giỗ.
Tiếng “dạ” của hai đứa ấm cả căn nhà.
Tùng lái xe con bốn chỗ sáng bóng chở ba mẹ con Vân dừng lại ở căn nhà nhỏ, khang trang, sạch sẽ trong hẻm rộng đường số 16, Thủ Đức.
Từ trong bếp, chị Ninh đon đả chạy ra, vẫn cầm đôi đũa bếp:
– Chào cả nhà!

Vân bước tới ôm lấy chị Ninh, nói:
– Chị vẫn trẻ, khỏe.
Tùng cười gật đầu thay lời chào Ninh, anh sững lại thấy Ninh ngót năm chục tuổi, vẫn thon thả, mắt sáng, da hồng. Thằng Hưng và bé Hương khoanh tay:
– Con chào bác Ninh. Anh Vinh có nhà không bác?
– Anh Vinh đi mua bia chút về.
Ninh kéo Vân vào nhà. Tùng bưng gói đồ lễ đặt lên bàn thờ, trước di ảnh anh bộ đội trẻ, mỉm cười, mắt trong veo, lồng trong khung kính, khung có hoa văn rất đẹp. Lư hương khói nhang uốn éo như múa tỏa mùi trầm đằm trong căn nhà ấm cúng.
Vinh chạy xe Honda chở thùng bia về tới cửa thì Hưng và Hương reo lên:
– A… em chào anh Vinh.
– Anh chào hai em!
Ông Tùng trong nhà đi ra, Vinh xuống xe khoanh tay:
– Con chào bố. Dì Vân có qua không bố?
– Có. Bà ấy trong bếp với mẹ con. Hai bà gặp nhau là không bao giờ hết chuyện.
Hôm nay ngày giỗ anh Trần Hỷ, hy sinh ngày mười bảy, tháng tám, năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai, tại làng Mười lăm, quốc lộ Mười ba, cách Chân Thành (Chơn Thành) sáu cây số.
Tiếng rù rì của hai người đàn bà trong bếp; tiếng hỏi và tiếng trả lời của Vinh với Hưng và bé Hương vọng vào tai ông Tùng. Bé Hương nhõng nhẽo với Vinh đàn bản “Con mèo lười”, nhưng Hưng năn nỉ Vinh đàn bài “Chiều trên bến cảng”. Vinh cười vuốt tóc hai đứa em cùng cha khác mẹ. Ông Tùng sau khi đốt nhang trên bàn thờ, khấn vái xong, khoanh tay nhìn ba đứa con, bỗng nói:
– Theo bố, hôm nay giỗ bác Hỷ, Vinh đàn bài “Tiến về Sài Gòn”, điều mong ước của bao chiến sĩ chiến trường trong những năm chống Mỹ. Nhưng bố Hỷ của các con không có mặt ở Sài Gòn ngày Ba mươi tháng Tư năm Bảy nhăm. Vinh ơi, đàn bài đó cho bố Hỷ và mọi người trong gia đình mình nghe.
Vinh cười, xoa đầu bé Hương nói:
– Con đốt nhang khấn bố Hỷ, con đàn bài “Tiến về Sài Gòn” mời bố con về. Ăn cơm xong Hưng và Hương yêu cầu bài gì anh đàn bài đó. Được không?
Bé Hương vỗ tay hoan hô.
Tiếng đàn piano vang lên bản nhạc rộn ràng, trầm hùng lao xao cả khói nhang. Từ bếp chị Ninh và Vân lên nhà, bố con Tùng cùng Vinh vừa đàn vừa hát. Chị Ninh và Vân cũng hát theo. Chị Ninh cầm đôi đũa bếp gõ nhịp nhịp: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”.
Lúc sau tiếng hát của gia đình Tùng và chị Ninh đã dừng, Vinh dạo thêm một khúc nhạc lời hai của bài hát; tiếng đàn vang trong căn nhà, mọi người đứng nghiêm nhìn lên bàn thờ, tấm hình của người chiến sĩ lung linh mờ ảo trong khói nhang như cũng mỉm cười.
Khách của chị Ninh đến là bác tổ trưởng dân phố, anh Chính, đồng đội cũ của anh Hỷ. Mâm cơm cúng ngày giỗ của người chiến sĩ, chị Ninh nấu đơn giản, canh rau cần nấu với lòng gà, quả trứng, chén cơm, thịt gà luộc lá chanh…
Vinh cùng ông Tùng hóa vàng, khi Tùng đốt cái xe hơi làm bằng giấy, Vinh bỗng buồn buồn nói:
– Bố con nhà quê chưa bao giờ ngồi xe con, không biết ông có hài lòng nhận món quà này không?
Cái xe hơi cháy bùng, tàn đỏ rực, gió cuốn bay tứ tung.
Chị Vân xách xô nước chạy ra nhìn tàn tro của cái xe hơi bay, chị nói:
– Anh Hỷ nhận xe rồi đó - Và chị té nước vào đám tro hóa vàng.
Ăn cơm xong, lúc sau bé Hương kéo Vinh vào chỗ để đàn piano. Chị Ninh và Vân dọn dẹp xong lên nhà. Tùng nói với Vân:
– Anh có việc ở công ty, em và hai con ở đây chơi, chiều anh ghé đón.
Thằng Hưng và Hương khoanh tay chào bố, Vinh rời cây đàn ra cửa khoanh tay:
– Con chào bố ạ!
Con Hương cười vênh cái má trắng hồng hỏi:
– Mẹ ơi, sao anh Vinh đã có bố Hỷ còn có cả bố Tùng, sao anh có hai bố hả mẹ?
Vinh ngồi đàn bản nhạc bản theo yêu cầu của bé Hương.
Cơn mưa buổi chiều tháng Bảy ập xuống nghĩa trang Lộc Vinh cách trị trấn Lộc Ninh vài cây số. Nước xối trắng trời, trắng đất. Rừng cao su chìm trong mưa. Cô gái níu cánh tay người đàn bà đứng tuổi đứng bên ngôi mộ trong nghĩa trang đất đỏ, nước mắt hòa mưa:
– Mẹ ơi, đúng phần mộ anh Hỷ rồi. Bia người ta đề chữ Liệt sĩ Trần Hỹ hy sinh ngày 17 tháng 8 năm 1972. Giấy của tỉnh đội ghi rõ đúng nghĩa trang, đúng phần mộ và ngày, tháng hy sinh. Anh tên Hỷ, người ta đánh dấu “ngã” thay dấu “hỏi “.
Người đàn bà nấc lên:
– Con ơi, Hỷ ơi, mẹ Hào và em Ninh đến thăm con đây. Mưa quá làm sao đốt nhang được Ninh ơi!
Cô Ninh và bà Hào quỳ trước ngôi mộ mà tấm bia tên “Liệt sỹ Trần Hỹ”. Mưa ào ào, tưởng như trời có bao nhiêu nước trút xuống vùng trời Lộc Ninh có nghĩa trang này. Bà Hào để bánh trái, nến tiền vàng mã lên mộ của con trùm áo mưa lên. Trời tối nhanh. Ninh đưa áo mưa của mình cho bà Hào, hai mẹ con về chợ Lộc Ninh gặp anh bộ đội. Bà Hào hỏi:
– Anh “rì” ơi, cho tôi hỏi ở đây có nhà “chọ” không?
Anh bộ đội nghe thổ ngữ vùng sông Thái Bình, nhận ra đồng hương. Anh hỏi:
– Cô và bác người Thái Bình phải không?
Bà Hào rét run, nói:
– Mẹ con tôi người Quỳnh Phụ, Thái Bình.
– Quê cháu rồi. Mời bác và cô theo cháu vào đơn vị có chỗ ăn nghỉ.
Bà Hào và Ninh theo anh bộ đội vào đơn vị nơi anh công tác. Anh nói tên Tùng trung úy, cán bộ ở đây. Tùng đưa hai mẹ con bà Hào vào phòng khách của đơn vị, anh nuôi lo cơm nước. Lúc sau bà Hào và Ninh tắm xong, Tùng mời hai mẹ con bà Hào xuống bếp ăn cơm. Ăn cơm xong, Tùng vào phòng khách thăm mẹ con bà Hào.
Trời se lạnh, trong tiếng mưa rơi, bà Hào kể với Tùng: “Anh Tùng ạ, Ninh không phải con gái mà là người yêu của Hỷ con trai tôi. Ninh và Hỷ ở cùng xã, Hỷ đang học Đại học Thủy lợi ở Hà Nội được lệnh nhập ngũ. Hỷ về thăm nhà trước ngày lên đường. Hai đứa yêu nhau đã mấy năm, Hỷ bảo gia đình bỏ trầu để không anh nào nhòm ngó cô Ninh nữa. Tôi nói với ông nhà tôi như thế cũng tốt, đứa ở ngoài mặt trận vững tin chiến đấu, con Ninh ở nhà chú tâm học tập. Trước sau gì đất nước mình cũng hòa bình, Hỷ về là cưới ngay.
Sau ngày bỏ trầu, tôi coi Ninh như một thành viên trong gia đình. Ngày giỗ, tết Ninh đến nhà tôi như đứa con về nhà mình. Hai gia đình lúc vui bàn chuyện ngày Hỷ về làm đám cưới to nhất làng. Đùng một cái cuối năm Bảy ba, ông Phó chủ tịch và ông Xã đội trưởng đến thăm gia đình. Hai ông cán bộ xã nhìn nhau. Tôi hỏi: "Thằng Hỷ nhà tôi hy sinh rồi phải không?”. Ông Phó chủ tịch mở sắc cốt lấy tờ giấy báo tử trao cho chồng tôi. Tối hôm sau chính quyền xã làm lễ truy điệu đồng chí Liệt sĩ Trần Hỷ.
Sau ngày giải phóng, tờ giấy báo tử ghi rõ hy sinh ngày 17 tháng 8 năm 1972 tại mặt trận Bình Long. Tháng sáu con Ninh nhà tôi tốt nghiệp, hai mẹ con đi thăm mộ Hỷ…”.
Nghe chuyện của bà Hào, Tùng xúc động nhìn Ninh trân trọng.
Hôm sau chia tay, Tùng hỏi Ninh ra trường về dạy ở đâu chưa?
Nhìn trời Lộc Ninh, nắng mùa mưa hiền dịu, rừng cao su xanh đến nôn nao cả lòng người. Ninh nói:
– Em ước được dạy học gần đây, có điều kiện chăm sóc phần mộ anh Hỷ.
Ninh và bà Hào về quê rồi, Tùng cứ băn khoăn điều ước muốn của Ninh.
Ba năm sau, Tùng chuyển ngành về Sở Xây dựng thành phố, rồi bất ngờ nhận được thư của Ninh nói nhờ người thân xin cho Ninh dạy ở Trường phổ thông cơ sở Giồng Ông Tám. Tùng đến thăm Ninh, hai người thỉnh thoảng đi chơi với nhau.
Năm sau nhân ngày hai bảy tháng bảy, Tùng chở Ninh viếng mộ Hỷ ở Lộc Ninh. Sáng đi, chiều về. Ninh mệt. Tùng đưa Ninh về phòng của mình ăn uống, Ninh mệt ngủ thiếp đi. Gần sáng, Tùng năn nỉ, Ninh buông xuôi. Khi biết Ninh có thai, Tùng cầu hôn. Ninh khóc. Sau nhiều lần Tùng năn nỉ, Ninh im lặng. Rồi Ninh sanh bé trai, kháu khỉnh, đặt tên là Vinh. Tùng đến chăm sóc. Một hôm Ninh nói với Tùng:
– Thiệt lòng em rất quý trọng anh, nhưng nghĩ đến việc chung sống với anh là ngực em ngộp thở. Lạ thật. Tình yêu nó có tiếng nói riêng, không phải có con với nhau là có tình yêu.
Tùng buồn so.
Thế rồi năm sau nữa Ninh và Tùng đi Lộc Ninh viếng mộ Hỷ. Tùng đặt trái cây, tiền vàng, lên phần mộ của Hỷ. Mộ Hỷ cùng những ngôi mộ trong nghĩa trang đã được xây khang trang đẹp đẽ. Tùng đốt nhang khấn: “Anh Hỷ ơi, em là Tùng, chiến sĩ của tiểu đoàn mười hai, cùng sư đoàn với anh đây. Ninh và em đã lỡ có con với nhau, em lạy anh tha thứ cho chúng em để Ninh về ở với em…”. Bỗng gió từ rừng cao su ào tới cuốn bay tứ tung những tờ tiền vàng. Ninh đuổi theo nhặt lại nói: “Anh Hỷ em nổi giận đó! Tình yêu của em đã trao cho anh Hỷ rồi”.
Năm sau Tùng về quê lấy vợ đưa vào thành phố. Đó là Vân, cô gái trẻ hơn Ninh gần mười tuổi, xinh đẹp. Vừa học xong Trung cấp kế toán.
Thời gian trôi đi, năm Vinh mười tuổi, hai mẹ con đến nhà Tùng chơi. Hôm đó Vân đang giỡn với bé Hưng sáu tuổi. Thấy người đàn bà dắt cậu con trai tươi cười vào nhà:
– Chào Vân, anh Tùng có nhà không em?
Vân nhìn người đàn bà xa lạ cùng cậu con trai coi thông minh:
– Chị gặp anh Tùng có việc gì, nếu không ngại chị nói với em, em nói lại với anh ấy.
– Tôi đến thăm anh Tùng có việc riêng, không nhờ gì.
Vân lên lầu nói với chồng có một chị và cậu con trai chờ ở phòng khách. Tùng bước xuống cầu thang. Vừa thấy Ninh, Tùng reo lên:
– Chào Ninh và con trai!
Vân trố mắt nhìn chồng. Vân nhớ chuyện khi anh ngỏ lời yêu, anh nói có đứa con trai là sự thật. Lúc đó Vân cho Tùng nói đùa thử lòng Vân. Ninh và Tùng hỏi thăm công việc sức khỏe của nhau. Ninh cười kéo Vinh ngồi vào ghế và gọi Vân:
– Vân lại đây chị có chuyện cần nói.
Rồi bằng giọng bình thản nhẹ nhàng, Ninh kể chuyện chị có con với Tùng. Việc này không ai có lỗi. Vinh là đứa con ngoan, thông minh, học giỏi. Là người ai cũng phải biết nguồn cội của mình, cha là ai, phải có bà con dòng họ nội ngoại. Ninh ôm vai con trai chỉ vào người đàn ông ngồi đối diện:
– Cha của con đó. Con lại với cha của con.
Vinh lau nước mắt bước ôm lấy Tùng. Tùng ôm chặt lấy Vinh. Chị Vân và Ninh cũng đẫm lệ.
Từ đó Ninh thường đưa Vinh đến thăm gia đình Tùng, Tùng cũng đưa vợ con đến thăm nhà Ninh. Họ trở thành bạn thân của nhau. Ninh và Vân coi nhau như chị em.
Nắng nhạt. Bầu trời thành phố dịu mát. Tùng dừng xe ở cửa nhà Ninh. Anh xuống xe vào nhà thì Vân và Ninh vẫn thủ thỉ chuyện về tính nết của những đứa con. Tùng chào cả nhà rồi nói:
– Chiều nay mời cả nhà đi ăn cháo mực!
Quay sang chỗ Ninh và Vân, Tùng nói:
- Vinh có bạn gái rồi đó, hai bà bàn rồi tính lo cho Vinh để sớm có cháu bồng nghe.
Bé Hương đang đánh nhịp cho Vinh đàn, nghe vậy vỗ tay reo lên:
– Hoan hô anh Vinh. Anh Vinh cưới vợ thì vui quá phải không anh Hưng - Bé Hương nũng nịu - Anh Vinh có vợ vẫn phải đàn cho em nghen.
Cả nhà cùng cười!
Chiếc xe con Tùng lái hòa cùng dòng xe trên con đường rợp bóng cây buổi chiều dịu mát này.
Nguyễn Ngọc Mộc
Theo http://quehuongonline.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...