Thùy đến trước. Chị thấy thích cái không gian này. Nhạc không
lời, ánh sáng dịu, tường treo mấy bức tĩnh vật, ghế gỗ, bàn trải khăn ăn màu
nâu, mặt bàn đặt lọ hoa cẩm chướng, loại hoa lâu tàn.
Cửa phòng xịch mở, cả lũ gần như ùa vào cùng một
lúc. Thùy la lên:
- Đã dặn…
Không đứa nào để Thùy nói. Cả bọn đặt vào tay Thùy, toàn là hồng.
Bó hồng, giỏ hồng, lẵng hồng, đẹp hết cỡ, nồng nàn hết cỡ. Tất cả cùng gào lên:
"Happy Birthday to you!…", ồn ào, hết mình như… hai mươi năm trước.
Thùy ngộp hương hồng và tình bạn. Chị hát theo. Bài hát dứt.
Cả bọn tranh nhau chúc. Chúc sức khỏe, chúc hạnh
phúc, chúc thành đạt, những lời chúc cũ xì và những lời chúc nửa thật
lòng nửa trêu đùa:
- Chúc Thùy có gì mới trong tuổi mới…
Thùy đỏ mặt. Chị cắt ngang:
- Chúc gì thì chúc, cấm chúc có gì mới!
Không khí chùng xuống. Thùy hơi tiếc. Chị thấy mình cũng dở,
lẽ ra cứ để bọn nó chúc gì thì chúc, chớ mắc gì cấm với cản. Như vậy, hóa ra,
chị vẫn còn tơ tưởng đến cái cơ hội vẫn có thể tìm gặp tình duyên ở cái tuổi bốn
mươi, cái tuổi đã có được nhiều thứ lại càng thấy khao khát cái mình thiếu.
Thùy như sực nhớ, giục:
- Bọn mình gọi thức ăn nước uống đi chớ!
Thùy cầm một tờ thực đơn trên tay. Những con chữ con số cũng
đang trêu cợt chị, nhòe nhòe, mờ mờ. Thùy mở xắc tay, không thấy cặp mắt kính.
Chị nói với cả bọn:
- Đứa nào có kính, cho tao mượn!
Ngà, đứa bạn nhiều năm cùng trường cùng lớp và cũng cùng mắc
cái chứng lười ăn biếng ngủ vì ông thầy đẹp mã, hát hay vọt miệng:
- Kính thì mượn được, chứ cái khác cũng… cho mượn luôn, mượn
không tính lãi!
Cả bọn cười rần. Thùy lấy kính của Ngà, đeo vào, chậm rãi lựa
chọn, gọi món ăn, nước uống. Trả kính lại cho Ngà, Thùy vênh mặt:
- Cái gì thì cần, chớ cái đó của mày, biếu không
tao cũng không thèm!
- Thiệt hôn đó? - Ngà hất mặt hỏi.
- Sao lại không? Nhìn mày sấp ngửa tất bật cũng đủ ớn, nếu
không vướng cái của nợ đó, giờ mày đã khác.
- Giỏi lắm thì cũng có cái bằng tiến sĩ lận lưng như mày!
Thân thì thân nhưng cả hai, thỉnh thoảng cũng giương những
cái móng sắc, cào nhau xước da.
Chai Bordeaux ngấm lạnh. Người phục vụ bàn rót rượu ra năm ly
đều như nhau. Cúc, người lúc nào cũng quyến rũ như đóa hoa hàm tiếu, được phu
quân chiều hết mực, sáng nào trước khi đi làm, cũng được chồng kín đáo bỏ một
bông lài vào túi; cầm ly rượu đứng lên:
- Đứa nào nói chuyện không vui thì phạt!
Cúc thay Thùy mời cả bọn cùng chạm ly. Đặt ly xuống, Cúc quay
lại, yêu cầu nhà hàng cho đổi nhạc có lời. Vy, người có cái duyên e ấp của bông
hoa mắc cỡ, đệm thêm:
- Nhạc gì đó… trừ nhạc Trịnh!
- Sợ kỷ niệm phải không? - Cúc vặn.
- Còn hơn kỷ niệm! - Vy nói luôn.
- Hơn kỷ niệm - Ngà dẫn dắt - yêu, chỉ có yêu!
Cả bọn nâng ly, lao nhao:
- Chúc tình yêu còn âm ỉ cháy, cháy dai dẳng!
Có chút rượu, mắt đứa nào cũng long lanh và khi nhắc đến tình
yêu, mọi gánh nặng nghĩa vụ thường ngày hất biến đi, đứa nào trông cũng có thần
sắc và dường như trẻ lại, trẻ nhiều so với cái tuổi bốn chục của mình. Thi, người
mảnh mai nhẹ nhõm như đóa tóc tiên và là người ít lời nhất trong bọn
cũng đưa ly lên:
- Chúc tình yêu không tuổi tác!
Lời chúc không mới, không hay, không lạ, không ấn tượng,
không có gì đặc biệt, ai cũng có thể nói được và cũng không dành riêng cho ai
nhưng sao trông Thi là lạ, nhất là đôi mắt đen rười rượi. Dường như đóa tóc
tiên luôn sống trên cao đang chạm phải một luồng gió, thứ gió mang hương nồng từ
một miền ký ức nào đó. Thi bồn chồn như đợi như chờ. Lặng lẽ, Thi uống cạn ly
và lặng lẽ rót cho mình một ly nữa.
- Cừ lắm! -Thùy vỗ vào lưng Thi.
- Ối! - Thi kêu lên, mặt biến sắc, trông đau đớn tột cùng, loạng
choạng, tì người vào ghế và đổ gục xuống bàn.
Lúc đó Thùy, Vy, Ngà và Cúc mới chợt nhớ là vết mổ của lần mổ
gần đây của Thi vẫn chưa lành. Thi bị một căn bệnh nan y và cả bọn đều
tránh gọi đúng tên. Sợ Thi mang mặc cảm bệnh tật, đứa nào cũng dành cho Thi cái
cách ứng xử bình đẳng như dành cho một người bình thường, khỏe mạnh. Và cũng vì
vậy, những người bạn gần gũi nhất của Thi lại quên đi cái đau đớn mà một mình
Thi chống chọi. Vô tình, Thi và những người bạn của Thi đã tự tước mất niềm hạnh
phúc được sẻ chia, tước mất cái quyền năng duy nhất khiến họ tìm đến nhau.
Thùy gọi mang ngay cái khăn nóng. Chị lau mồ hôi toát ra từ
trán, từ thái dương Thi. Cúc, Ngà, Vy hấp tấp gọi chanh nóng, gọi mang dầu và
móc điện thoại cầm tay gọi số 115. Nghe gọi bệnh viện cấp cứu, Thi gượng dậy, với
tay chụp cái máy điện thoại đang áp vào tai Cúc:
- Không cần, không cần đâu! - Thi nhấn mạnh nút tắt trên
máy.
Trả cái di động lại cho Cúc, Thi nở một nụ cười tái nhợt và lấy
khăn trong tay Thùy, tự lau mồ hôi cho mình, cố làm ra tươi tỉnh:
- Qua rồi, qua rồi, không việc gì!
Thi không trấn an được ai. Đứa nào cũng biết nỗi đau bệnh tật
của Thi chưa qua và không thể qua, trừ khi … Ngà tức tưởi:
- Sao ngày nào mày cũng đi làm, không chịu ở nhà dưỡng bệnh?
- Ở nhà làm sao tao chịu nổi! - Thi đáp nhỏ.
- Nhưng mày cũng phải cố, phải biết thương mình nữa chớ? -
Cúc nói và đặt ly chanh nóng vào tay Thi.
- Đi làm được gặp gỡ, được tiếp xúc, được nhìn thấy tụi bây
tao cảm thấy khỏe hơn; với lại, tao đang làm dở một việc, sợ… không còn kịp!
Không ai khóc thành tiếng nhưng đứa nào cũng đỏ hoe con mắt.
Thi không chịu nổi. Diễn cảnh ly biệt và nỗi xót xa này còn đau gấp trăm lần nỗi
đau mà Thi âm thầm chịu đựng. Làm ra vẻ mạnh mẽ, Thi vứt khăn ướt xuống bàn, vừa
dọa, vừa nài:
- Tụi bây muốn tao… đi sớm phải không?
Thi chỉ đủ cứng rắn để nói được chừng đó, rồi không nói được
nữa. Thùy, Vy, Ngà và Cúc, đứa nào cũng cố giữ những giọt nước mắt đừng trào
ra; không đứa nào nhìn đứa nào, mà nhìn đâu đó: những đóa hồng đang nở; những
ngọn đèn vàng ấm trong ánh sáng ngày; những bức tranh với chùm nho, trái táo,
cái tách, gạt tàn, vài ba sợi khói và những ngọn nến lung linh; và nhìn xuyên
qua cửa kính, ngoài kia, ồn ã ngược xuôi trên đường, ai cũng mặc phong phanh,
không còn thấy những chiếc áo len nhiều màu nhiều sắc. Lại một mùa đông nữa
trôi qua và nắng xuân đang tràn tới. Thi cầm khăn ướt lau mắt, lau mặt và đứng
lên:
- Tao xin lỗi vì làm mất vui trong cái ngày lẽ ra phải vui!
- Mày đáng bị phạt vì câu nói… vô duyên đó! - Thùy độp lại,
đôi môi méo xệch.
Rượu phạt được rót ra. Thùy cầm ly chạm vào ly Thi:
- Tao uống thay mày!
Thùy uống cạn ly và ngạc nhiên với chính mình.
Chưa bao giờ chị uống được nhiều như thế. Chị biết mọi thứ đã qua đi và sẽ tiếp
tục qua đi.
Ngày hôm nay, cái ngày của bốn mươi năm trước chị đã khóc tiếng
khóc hiện diện với cuộc đời, rồi cũng sẽ qua đi, nỗi đau thân xác củaThi rồi sẽ
không còn nữa, những vết cào xước của Thùy và Ngà sẽ thôi rướm máu, những kỷ niệm
đẹp về tình yêu của Vy cũng sẽ nhạt nhòa, những bông lài ép trong túi áo của
Cúc sẽ không còn thơm… tất cả rồi cũng sẽ qua đi; chỉ có ước vọng sẻ chia và
khao khát yêu thương là còn ở lại, mãi mãi ở lại với cõi đời này!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét