Nguyễn Xuân Khoát sinh ngày
11-2-1910 ở phố Chân Cầm, Hà Nội. Vùng Chân Cầm thời đó ngập tràn ao
chuôm sau những cơn mưa đầu hạ lại vang lên những tiếng ếch nhái nghe sao mà
quạnh vắng. Rồi tiếng chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội chỉ cách nhà ông vài bước là
một ấn tượng đi theo ông mãi suốt đời. Các chú ông đều có chân
trong ban kèn nhà thờ lớn. Từ khi lẫm chẫm biết đi, Nguyễn Xuân Khoát đã được
ông bố đưa vào dự lễ nhà thờ và được học nhạc lý qua những cuốn sách rất đẹp
in tại Pháp. Khi còn đi học Thành Chung ông đã bắt đầu chơi mandoline rồi bắt
chước chúng bạn chơi nhiều đàn khác và đi học tư các thầy đàn nhạc ta do ảnh
hưởng bên ngoại như nhị, đàn tứ.
Mười bảy tuổi, Nguyễn Xuân Khoát
xin vào học tại “Viễn Đông nhạc viện” do người Pháp mở tại Hà Nội. Đây là
khóa học đặc biệt vì là khóa đầu tiên nhưng cũng là khóa cuối cùng. Ba năm
sau ra trường, ông làm nhạc công kéo đàn contrebasse trong dàn nhạc Nga
Miluýt ở tiệm rượu góc phố đầu Hồ Gươm, có khi phục vụ ở các tiệm nhảy. Một
đêm gần về sáng vác đàn đi đánh thuê từ tiệm nhảy cuốc bộ về nhà, ông chợt
nghe qua một ô cửa sổ một tiếng phách tre, ông cảm thấy “mát ruột” vô cùng thấy
con người là mình, vừa ở hội tục tĩu bước ra, bỗng nhiên hồi sinh trong trẻo
lại! Với khiếu thẩm âm tinh tế, nghe tiếng mõ chùa trầm trầm âm vang với tiết
tấu đều đều kéo dài khi to khi nhỏ, gợi cho ta ý thức về sự nhẫn nại kiên
trì, trong lúc đó ngẫu nhiên vang lên tiếng chuông tươi sáng bay bổng, ngân
dài là sự cởi mở, giải thoát cho tư tưởng, tâm linh… Từ đó ông ngộ
ra, bắt đầu để tâm tìm hiểu chất nhạc lành mạnh ở ngay nhạc cổ Việt Nam, say
sưa nghiên cứu và trân trọng âm nhạc cổ truyền. Ông ký âm những bài Phụng mệnh
quân vương, Trấn thủ lưu đồn, Cúc bạc lưu tai…
Bài Bình minh (1938), phổ thơ Thế Lữ được
coi như nhạc phẩm mở ra buổi bình minh lịch sử tân nhạc Việt Nam từ cái nền
truyền thống trong có câu “Chờ đợi bình minh hồn non nước đang âm thầm”. Con
cò mà đi ăn đêm, Thằng Bờm… được viết trong những năm 1939-1940 trở nên quen
thuộc với mọi tầng lớp, nét nhạc dí dỏm gần gũi với dân ca đồng dao.
Các tác phẩm: Màu thời gian (phổ
thơ Đoàn Phú Tứ), Mây bay cao, Hồn xuân (phổ thơ Thế Lữ) đã mang một hơi hướng
khác lạ với những tác phẩm đương thời, nó đã mang giai điệu dân gian. Ông còn
soạn nhạc cho vở kịch thơ Trầm hương đình và Mã ngôi pha của Thế Lữ do đoàn kịch
Anh Vũ biểu diễn và nhạc cho vở kịch Những bức thư tình của Đoàn Phú Tứ do
ban kịch Tinh Hoa biểu diễn. Khi đã có được một lưng vốn ít ỏi, và nhất là được
bạn bè có nhiệt tâm khích lệ và thông cảm, Nguyễn Xuân Khoát đã dời nhà về đầu
phố Nam Đồng cuối đường Khâm Thiên, mở một tiệm hát cô đầu để nghiên cứu dân
nhạc. Chính ở đây ông đã nghiên cứu cái hay, cái hồn dân nhạc trong lời hát ả
đào, ca trù, tìm trong đó những thể thức mới của nhạc cổ Việt Nam. Bài Hát ả
đào ông in lần đầu tiên trong nhiều kỳ báo Ngày nay (các số từ 214 đến 219 từ
ngày 29-6 đến ngày 8-8-1940), trong đó có đoạn viết: “Tôi không hiểu sao nước
Pháp một nước yêu mỹ thuật, chuộng sự bảo tồn, đối với các môn nghệ thuật
khác ở Đông Dương này thì để tâm, mà đối với âm nhạc thì lại thờ ơ thế - Những
công việc về sơn và tranh lụa của Trường Mỹ thuật, những công việc khảo cứu
và bảo tồn các đền đài lăng tẩm của Trường Bác Cổ, nay đem ra so sánh với Trường
Âm nhạc Viễn Đông sống được có ba năm giời thì người ta phải ngạc nhiên và buồn
rầu cho sự chênh lệch đó.
Không những riêng chính phủ, mà cả
đến người ngoại quốc sống ở Đông Dương này cũng lãnh đạm, đặt lời xét đoán âm
nhạc An Nam quá vội vàng, trong đó có những ý khinh miệt. Tôi không thể ngờ
được rằng nhạc gia sống nửa đời người ở bên An Nam mà lại nói rằng: “Người An
Nam không có âm nhạc. Người An Nam không có thiên tư về âm nhạc”.
Tôi không biết nhạc gia đó dựa vào
đâu mà dám đặt lời xét đoán như vậy? Dựa vào mấy người học trò An Nam có tiền
mà không có “khiếu” đã đến học mình chăng? Dựa vào sự tương tự ở mấy cây đàn
và phím đàn với những cây đàn của người Tàu chăng? Tiếc rằng nhạc gia đó
không được dạy ở Trường Viễn Đông xưa để so sánh sức học của học trò Tây Nam
học trong một lớp. Và chắc rằng nhạc gia đó cũng không biết đến cây đàn bầu
và cây đàn đáy và cũng không biết tới cái khóe nắn phím đàn, nắn vào một phím
cao mà lại nảy ra một tiếng thấp v.v…
Nhưng may thay tôi lại được đọc những
lời quý báu của nhạc sĩ trứ danh Claude Debussy khi nói về lối hát tuồng An
Nam: “Một chiếc kèn “dăm” một mực gợi cảm tình, một chiếc trống tả sự náo động,
chỉ có thế thôi… Một bản tình yêu mỹ thuật rất dễ chiều không có gì tỏ ra là
trái với khiếu thẩm mỹ cả…”.
Có người lại chê bai rằng âm nhạc
mình không có phần phụ họa… Phần phụ họa ta cũng có nhưng chỉ có khác thôi, một
đằng thì dụng “hiệp âm”, một đằng dụng điệu đàn, điệu phách.
Những người có ý nghĩ ấy sẽ nói sao
khi đọc mấy câu này của Koechlin nói về lối âm nhạc Grégorienne đã khiến ta
nhận thấy rằng một giọng hát không có phần phụ họa cũng có thể gợi lên cho ta
nhiều cảm giác rất đẹp… Ta có thể tin rằng, một ngày kia sẽ có sự phục hồi của
lối âm nhạc “một giọng” (monodie). Mấy bài hát ả đào kia có phải là lối âm nhạc
“một giọng” đó chăng?”.
Tiếp đó ông lại viết về cây đàn bầu
trên báo Tinh hoa.
Con đường nghiên cứu âm nhạc mà ông
đã lựa chọn đang đầy những hào hứng thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.
Ông rời Hà Nội trong một đêm mùa đông đầu năm 1947. Rừng già Việt Bắc đâu đâu
cũng in dấu chân của người nghệ sĩ vai vác cây đàn Contrebasse đi biểu diễn
cùng với đồng đội lặn lội trèo đèo, vượt suối phục vụ đồng bào chiến sĩ. Và
ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm đáng ghi nhớ của thời kỳ ấy: Uất hận, Giết
giặc, và đặc biệt bản Tiếng chuông nhà thờ viết vào cuối năm 1948: Thánh đường
tôn nghiêm, Giặc sàm tới chiếm, Gác cao đền thánh, Đặt súng thay chuông... Vừa
tố cáo tội ác của giặc Pháp, vừa nói lên quyết tâm kháng chiến của toàn dân.
Trong tác phẩm để đời này, nhạc sĩ đã thể hiện tài năng sáng tạo khi đưa vào
bài hát điệu thức liên hệ đến ngũ cung có bán âm của dân tộc, những nét rất
điển hình trong những bài dân ca cổ, ca trù, ở những đoạn giãi bày lại gần với
chất ngâm ngợi của cải lương. Có người nghe trong âm hưởng nhạc nhà thờ có cả
tiếng lao xao kể chuyện của người hát xẩm mù. Ở nhạc phẩm Chiều Việt Bắc ông
đã ý thức đưa nhạc gõ vào tác phẩm làm nổi bật tiếng mõ trâu khua
lóc cóc như một ý tưởng âm nhạc.
Trong giai đoạn tham gia quân đội,
ông đã cùng Nguyễn Đình Thi viết lại bài Con voi.
Năm 1948 ông cho ra đời ca khúc Hát
mừng bộ đội chiến thắng như tiếng reo vui hồ hởi của nhân dân ta:
Thắng trận rồi mới về làng, hả sao
a hả ghê
Ôi nàng vừa đẹp lại vừa khoái sao a
khoái thế
Ca khúc ngắn gọn với những điệp
khúc được nhắc lại nhiều lần này đã thật sự tiếp thêm sức mạnh cho quân dân ta
trong những năm khói lửa.
Hòa bình lập lại, Nguyễn Xuân Khoát
viết những ca khúc quần chúng như: Lúa thu, Ta đã lớn, Hò kiến thiết. Thời chống
Mỹ ông lại viết: Tay súng sẵn sàng, tay búa vững vàng, Theo lời Bác gọi (phổ
thơ Lê Kỳ Văn) đã như lời hiệu triệu bằng âm nhạc kêu gọi cả nước chiến đấu.
Ông cũng không quên dành thời gian để sáng tác cho thiếu nhi, đối tượng mà
ông vô cùng yêu mến, các ca khúc Ông giẳng ông giăng, Bao thuốc lá, Một bài đồng
ca… nhanh chóng vang lên dưới các mái trường.
Ông viết ca kịch Vượt sông Cái,
Tình bạn, thể nghiệm loại hợp xướng dân tộc, áp dụng 4 phong cách ca hát truyền
thống: chèo, tuồng, ca trù, quan họ. Ở phần khí nhạc, ông cũng rất quan tâm đến
âm hưởng tiết tấu dân gian, đi sâu nghiên cứu tính năng nhạc cụ dân tộc. Ông
sáng tác nhiều tác phẩm cho dàn nhạc cổ truyền: Suýt lỡ hẹn, Tiếng pháo giao
thừa, Cúc-Trúc-Tùng-Mai, gợi ý cho tác phẩm Giai điệu mùa hè của dàn nhạc dân
tộc Phù Đổng. Nhạc phim hoạt hình Ông Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh đều là những
thành công khi sử dụng nhạc cụ dân tộc, bộ gõ dân tộc hòa chung với nhạc cụ
Tây phương. Làm nhuần nhuyễn điều đó vì ông rất thông thạo nhạc cụ Tây
phương, chính từ thời kỳ 1930 ông đã viết một tổ khúc cho đàn piano với tiêu
đề Trống tràng thành dựa vào nội dung cuốn Chinh Phụ ngâm. Ông còn viết những
bài báo Những tiếng gõ, Tiếng hát của đào nương đăng Tác phẩm văn học. Ông viết
nhạc cho vở kịch Lu-ba, nhạc cho phim Trở lại Điện Biên…
Một thời gian dài ông là Chủ tịch Hội
nhạc sĩ Việt Nam (1957 - 1984)
Ông mất ngày 7-5-1993, đến năm 1996
ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Hoài Anh
Nguồn: Danh sĩ Hà Nội. Tác giả:
Hoài Anh.
Di cảo, sẽ xuất bản.
Theo https://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét