Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Chào nhau trong sương đêm

Chào nhau trong sương đêm 
Chiều hai bảy tháng Chạp, sư thầy về tới chùa thấy một bó huệ trắng đặt trên tợ gỗ. Nghe chú tiểu thưa chiều nay có một người đàn ông đến thăm chùa, dâng hoa cúng Phật.
Người đó sao?
Chú tiểu nghĩ một lúc mới nhớ ra.
À, ông ấy bảo làm nghề lái tàu hỏa.
Vị thí chủ nhắn gì nữa không?
Thưa thầy, hình như không, ông về lúc nào con cũng không hay.
Thầy cho phép đệ tử ra ngoài. Cái chú tiểu này chắc ham chơi nên chẳng thiết tha đón khách, hoặc cũng có thể vị thí chủ kia vội quá không ở chơi đợi thầy được. Tiếc quá, lâu nay thầy mong gặp người lái tàu mà giờ người ấy đến chùa lại nhằm lúc thầy vắng. Thôi thì tùy duyên. Cuối năm, thầy trò ở chùa vẫn thư thả mặc nhiên như giao thời vô thường, còn ngoài kia dân tình ai cũng bận rộn.
Lối ra đài Quan Âm sương phủ mỏng trên những lớp cỏ. Quanh năm hầu như đều thế, có sương, lúc ba giờ sáng, khi sư thầy thức dậy đi thắp hương quanh chùa để chuẩn bị tụng kinh. Vừa đi, thầy vừa niệm: Tùng triêu Dần đán trực chí mộ, nhất thế chúng sanh tự hồi hộ, nhược ư túc hạ táng kỳ hình, nguyện nhữ tức thời sanh tịnh độ (Từ sáng giờ Dần suốt đến tối, hết thảy chúng sanh tự giữ mình, nếu lỡ mất mạng dưới chân tôi, cầu nguyện tức thì sanh tịnh độ). Bài kệ trong sách Tỳ ni nhật dụng thiết yếu thầy thuộc lòng từ thuở bắt đầu học đạo.
Dường như thời khắc đó loài côn trùng đang ngủ, thầy không nghe được tiếng rỉ rả nào. Chỉ có một tiếng còi tàu hú rất gần. Tiếng hú ngắn, vừa đủ cho những ai đang đến gần đường ray nghe được, ai ngủ rồi thì không bị đánh thức.
Tiếng hú còi âm trầm như tiếng chuông chùa thầy thỉnh lúc này. Ba giờ sáng. Một tiếng chuông cũng chìm trong sương lạnh. Cái đại hồng chung bằng đồng vốn đã lạnh, thêm hơi sương canh khuya, sờ tay vào tỉnh ngủ ngay. Thầy thường áp mặt bàn tay vào chỗ núm tròn bát úp, cảm nhận một chút hơi lạnh cho tỉnh táo, cũng là để cái chỗ đánh chuông biết sắp bị thỉnh một chày kình.
Vùng bán sơn địa này mấy ai dậy giữa đêm, chỉ có thầy công phu khuya. Ngay cả đoàn tàu chạy qua đây, hành khách cũng không nhiều người thức, chỉ có người lái tàu vẫn phải tỉnh táo.
Một nhà sư.
Một người lái tàu.
Hai con người đã nhìn thấy nhau giữa đêm.
Và họ đã chào nhau. Trong sương đêm.
Kiểu chào cũng có đổi khác theo thời gian. Lúc thầy còn là chú tiểu mười hai tuổi, chú tiểu khi ấy đã cúi đầu chào người lái tàu. Người lái tàu hồi đó còn trẻ, cũng gật đầu chào lại.
Sau thọ giới Sa-di, chỏm tóc trên đầu chú tiểu đã được cạo sạch. Người lái tàu và chú sa-di đưa tay trái lên vẫy chào.
Đến lúc thầy đã thọ tỳ kheo, mỗi lần thấy nhau cả thầy cả người lái tàu đều đưa một tay lên ngực, các ngón tay khép khít, cung cách như đang vái nhau, rất khẽ.
Thầy có cảm giác đoạn qua đây người lái cho tàu chậm lại. Chỉ vài giây lướt qua, với một khoảng cách không quá gần không quá xa, đủ nhận ra khuôn mặt của nhau và nhìn thấy nụ cười nhau.
Thường mỗi tuần, vào đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật, thầy và người lái tàu lại nhìn thấy nhau. Cái thời gian biểu lặp đi lặp lại khiến thầy nghĩ hẳn người lái tàu phải là một người cô đơn lắm. Sao cứ phải nhận lấy những ngày cuối tuần ngồi buồng lái, chắc là không vợ con ít bạn bè. Ý nghĩ đó có dấy lên trong thầy chút thương cảm, và thầy mong có ngày gặp được người lái tàu.
Thế mà chiều nay người ấy chủ động đến chùa thầy lại đi khỏi.
Thầy cắm bó huệ trắng lên bàn chính giữa, ngay trong chánh điện, không quên nguyện cho người lái tàu được an lành.
Lật lịch, ba hôm nữa đến giao thừa, đúng vào đêm thứ bảy, là ca làm việc của vị thí chủ. Như thế có nghĩa thầy và người lái tàu sẽ được chào nhau vào ngày đầu năm mới. Cũng hay hay. Bao nhiêu năm nay nhìn thấy nhau, cúi chào nhau, thế mà thầy và người lái tàu chưa được gửi lời chúc năm mới cùng nhau. Nếu đúng như dự tính của thầy, người lái tàu chính là người xông đất cho ngôi chùa này. Không ai khác ngoài cái người ngồi ở mũi tàu sẽ băng qua vườn chùa đầu tiên năm mới.
Thầy cảm nhận rõ sự tất bật từ những chuyến tàu chạy qua bên vườn chùa. Những nhốn nháo lố nhố chật chội trên toa mấy ngày cận Tết, khác hẳn ngày thường. Nhưng thầy cũng thấy xốn xao vui lây niềm vui của những người được về quê. Thỉnh thoảng thoáng qua cửa toa một cành đào hồng trên chuyến tàu vào Nam, hay một chậu quất chở ngược ra Bắc. Thầy vui, như ngày xưa còn nhỏ ở chùa nhìn thấy máy bay lướt qua bầu trời. Chỉ một vài khoảnh khắc đó thôi mà như thấy cả sự chuyển động bên ngoài kỳ vĩ. Nó làm cho cái sự yên tĩnh ở ngôi chùa này bớt cô quạnh. Nhất là trong những ngày năm cùng tháng tận, hoa trên tàu như gợi nỗi tha hương.
Thầy không biết quê hương. Ngài sư phụ đã nhận được thầy trên thềm hiên ngôi chùa này, nghe kể lúc đó thầy mới sanh được vài ba tháng. Lớn lên thầy nhận đất Phật làm quê hương.
Hồi thầy còn là chú tiểu, mỗi bốn giờ sáng lục cục thức dậy tụng kinh, sư phụ cứ tưởng chú tiểu đang sửa soạn bỏ chùa đi. Đấy là khoảng thời gian đoàn tàu sắp chạy qua chùa huýt một hồi còi nửa xua đuổi nửa mời gọi. Một đứa trẻ không biết gốc gác rất dễ nhảy lên cái đoàn tàu giữa đêm để đi tìm nơi chốn mới.
Ngôi chùa này đâu có hứng thú gì cho một đứa trẻ hiếu động. Quanh quẩn chỉ vài cây cổ thụ hôm nào sư phụ cũng nhắc chú tiểu đi quanh gốc nhặt lá. Âm thanh chỉ tiếng chuông trống, tiếng tụng kinh. Ít khi nghe tiếng người nói chuyện. Còn có ai nữa ngoài sư phụ và chú tiểu.
Và chú tiểu đã đôi lần xao động, định bỏ đi. Tay nải ra đến cổng lại nghĩ nếu đi thì ông sư phụ ở lại một mình chắc thủ thỉ với gió, buồn chết. Lê dép qua vườn cỏ trong đêm sương trơn trượt, chú tiểu lo nếu lỡ sư phụ ngã không biết kêu ai. Đành quay trở vô chùa.
Cũng có lần qua chùa một quãng người lái tàu phải dừng. Đường ray hỏng cần sửa chữa. Chú tiểu đã phóng ào tới chỗ tàu. Vô thức phóng đi như bị hút bởi sự lạ. Hay có lẽ chú cần một chút ồn ào lúc canh thâu. Những cánh cửa toa hé mở, lồng lộng gió trời đẩy tiếng xôn xao tới chỗ chú tiểu, mỗi lúc mỗi to hơn. Chỉ còn một quãng ngắn nữa chú sẽ vị được một cái ô cửa nào đó. Đúng lúc ấy đoàn tàu chuyển bánh. Người lái tàu quay ra cửa nhìn chú tiểu. Một tiếng chuông chùa sư phụ vừa thỉnh, kịp kéo đệ tử quay về.
Lần cuối cùng thầy có ý định bỏ đi là khi sư phụ đã viên tịch. Không còn ai ở chốn này cần thầy nữa. Thì đi. Chọn thời điểm nửa đêm, lặng lẽ ra đi vào cái thời điểm như khi từng được bỏ rơi ở đây. Nhưng một hồi còi dài đã thức tỉnh thầy. Và điệu chào của người lái tàu đã giúp thầy bình tâm trở lại. Một cái gật đầu từ trên buồng lái như dặn dò người phía dưới hãy ở yên đấy.
Nghề lái tàu chắc là chán lắm? Thầy muốn gặp người ta chỉ để hỏi một câu đó thôi. Một hành trình lặp đi lặp lại không gì đổi khác, một cái khoang nhỏ tự đóng mình trong đó với sự canh chừng đầy căng thẳng.
Thầy cũng đóng mình trong ngôi chùa đó thôi. Thậm chí ngôi chùa này còn không có một hành trình nào cả.
Thầy và người lái tàu, hai con người buộc giữ mình trong hai khoảng không cố định. Một cái động lướt qua một cái tĩnh. Cái động làm cho cái tĩnh đỡ vắng lặng. Cái tĩnh của thầy cũng giúp cho cái động ổn định trên hành trình của nó. Bốn giờ sáng, thời điểm người ta rất dễ bị chìm vào giấc ngủ. Người lái tàu qua đây nhớ ra phải tỉnh táo để chào thầy một cái. Thành ra, cả hai người như mang ơn nhau, có duyên với nhau trên hành trình của mình.
Qua giao thừa, thầy ngồi uống trà khai xuân. Đây là đêm duy nhất trong năm có nhiều người thức. Một khởi đầu năm mới thức đón những tinh hoa ban mai. Thầy cũng thức trắng để đợi người lái tàu.
Lúc thầy cắm nhang vào chiếc lư ở đài Quán Âm chợt giật mình nghe tiếng còi tàu. Tiếng còi khác những lần trước, réo vang hơn, sảng khoái. Không còn cái âm trầm như mọi lần. Bắt đầu một năm cái gì cũng mang tín hiệu mới, có lẽ thế. Nhưng đó không phải người lái tàu thường chào thầy. Ngày Tết, ngành đường sắt thay đổi lịch làm việc là chuyện bình thường.
Thầy vẫn đưa tay lên chào đoàn tàu, dù không có bàn tay nào trên kia chào lại.
Tết, người ta có thể nghỉ ngơi để vui xuân, chùa thì vẫn khói hương tụng kinh như thường. Bắt đầu từ ngày mùng một là ngày vía ngài Di Lặc - Đức Phật vị lai biểu thị niềm lạc quan hạnh phúc. Nếp quen ba giờ sáng dậy tụng kinh thầy vẫn giữ, không có nghỉ Tết.
Đã hai mươi ba năm thầy biết người lái tàu, một quãng thời gian dài trong đời người. Tàu lướt qua nhanh, thầy chỉ thoáng thấy gương mặt mà không nhìn được mái tóc người lái tàu, có lẽ ông ta đã già, đã nghỉ hưu. Cũng có thể ông chỉ nghỉ phép trong dịp Tết này. Hay vì một sự cố nào đó trên đường ray ám ảnh buộc ông phải nghỉ dài ngày để tĩnh tâm.
Hết Tết, vẫn chưa được chào người lái tàu, thầy dò la thông tin xem mấy bữa trước có sự cố tàu hỏa nào không. Tin tức ngành đường sắt ngày Tết ngoài chuyện hành khách đông đúc không thấy có gì trầm trọng. Tất nhiên có nhiều chuyện trong ngành chỉ biết với nhau, thậm chí chỉ những người trong khoang lái biết thôi.
Hoa huệ của vị thí chủ lái tàu đem cúng đã tàn. Ngày đem bình xuống súc rửa thầy nghĩ thôi thì dù sao người lái tàu cũng không phải rong ruổi trên hành trình quen thuộc mấy ngày tết nhất. Có khi vị thí chủ được ăn Tết ấm cúng rồi cũng nên. Phải chăng thầy và người lái tàu chỉ có duyên chào nhau mà không thể bắt tay nhau, không nói được câu nào với nhau.
Từ cái Tết đó, phải thêm mười năm sau thầy mới lại nhìn thấy người lái tàu và biết tên ông, thậm chí thấy rõ hơn khuôn mặt từng thoáng qua sau tấm kính trong. Một tấm hình bán thân đen trắng kèm theo bài báo tưởng niệm người lái tàu cần mẫn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ba mươi sáu năm làm nghề lái tàu của ông là lần kịp hãm phanh cứu sống một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa hai đường ray. Người lái tàu đã bồng đứa bé ra từ dưới đầu máy, và gửi vào một ngôi chùa. Trên hành trình chạy tàu, qua chùa, ông vẫn nhìn được sự trưởng thành của đứa bé mình từng cứu sống, bây giờ đã là sư thầy. Nhưng người lái tàu không gặp lại sư thầy để cho biết chuyện xưa, bởi ông không muốn sự xuất hiện của mình làm xáo động con đường đang đi của người kia. Hơn ai hết, người lái tàu hiểu một hành trình khi bị trật ray nguy hiểm đến nhường nào.
Bức ảnh in kèm bài báo chụp người lái tàu mỉm cười, đưa tay lên khép ngón như đang vái chào.
Thầy cũng đưa tay lên chào bức hình.
Trong đêm.
Sương đẫm.
Hoàng Công Danh
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 292, 
tháng 1 năm 2019
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...