Một chút tình si
trong thơ Ma Trường Nguyên
Đọc CÂU HÁT VẮT QUA VAI của Ma Trường Nguyên
Tết Nguyên Đán Bính Tuất này tôi có một niềm vui khá đặc biệt.
Nhận được một lúc hai tờ báo Thái Nguyên và Văn nghệ Thái Nguyên. Đành rằng
trong hai tờ báo ấy có bài được đăng tôi mới có báo, nhưng tôi vẫn cho đấy là
những món quà xuân quý báu với tôi, nhờ nó mà tôi có không khí Thái nguyên
trong nhà. Có một người ngày xưa có tình cảm khá đặc biệt với tôi gửi cho tôi
hai ký chè Thái Nguyên chính hiệu, thế là có thêm hương vị của Thái Nguyên
trong những ngày đón Tết. Một món quà nữa làm tôi xúc động đó là tập thơ CÂU
HÁT VẮT QUA VAI của Ma Trường Nguyên. Thế là tôi pha một ấm chè thật đậm, đọc
và viết bài này, để Thái Nguyên thật tươi trong tâm tưởng tôi.
Bao nhiêu năm sống nơi thị thành mà Ma Trường Nguyên vẫn giữ
nguyên cái gốc gác của một người dân tộc. Thơ anh cũng vậy, cái gì cũng như nắm
được, sờ được và nhìn thấy được. Đó là cảm giác đầu tiên khi tôi đọc CÂU THƠ VẮT
QUA VAI của Ma Trường Nguyên do Hội Văn Học nghệ thuật Thái Nguyên xuất bản vào
cuối năm 2005 vừa rồi. Thêm một điều nữa khi đọc tập thơ này, đó là, trong Ma
Trường Nguyên vẫn còn nguyên vẹn sự trẻ trung, trẻ trung và trong sáng, nhất là
khi viết những bài thơ về tình yêu. Không thấy sự ủ rũ, thất tình như thường gặp,
mà ngay cả khi viết về thất tình, Ma trường Nguyên cũng làm cho nó trong sáng
lên, tươi tắn lên.
Tôi quen Ma Trường Nguyên trong những ngày sống ở Thái
Nguyên. Mỗi lần anh em gặp nhau là mỗi lần phải mượn một chai rượu để đẩy đưa
câu chuyện. Không phải mượn men làm qùa đâu, mà chính nhờ men mà câu chuyện giữa
chúng tôi mới trở nên đậm đà hơn và đậm chất thơ hơn. Bao giờ cũng thế, Ma Trường
Nguyên cứ hề hế cười mà đọc thơ. Kể cả những câu thơ chất buồn nhiều hơn vui,
Ma Trường Ngyuên vẫn cứ hề hề cười và đọc. Hôm nay trong tay tôi là tập thơ
anh, tôi vẫn có cái cảm giác đang nghe Ma Trường Nguyên cười và đọc:
Cả đêm hết nằm lại ngồi
Đợi lòng đi yêu về ngủ
Xoay ngửa nghiêng người đủ chỗ
Lăn lóc như vỏ đỗ queo
Có một anh chàng si tình, đêm nhớ người yêu không ngủ được. Nếu
nói toạc ra như thế thì con gì là thơ. Ma Trường Nguyên tách thân xác ra một
đàng, tách lòng mình ra một nẻo. Long nó yêu nó đi tìm người yêu, làm cho cái
thân xác này khổ. Xác muốn ngủ cho khoẻ, mà long cứ trốn đi yêu thì hỏi xác làm
sao mà ngủ được.
Ma trường Nguyên có lối viết tình yêu là lạ như thế. Trong
bài EM THOÁNG ĐẾN NHƯ NGƯỜI XIN LỬA, Ma trường Nguyên muốn nói đến một thứ tình
yêu thoáng qua. Cuộc đời này thiếu gì chuyện như thế. Bất chợt gặp, bất chợt
nhìn thấy thế mà trong lòng oà lên một tình cảm không thể cưỡng được. Nhưng chỉ
dừng ở tình yêu thoáng chốc thôi thì bài thơ này sẽ đi vào lối mòn muôn thuở, tức
là cứ gửi gắm tình yêu đến nơi không bến, không bờ. Bài thơ cho ta cái cản giác
lớn hơn, bao la hơn:
Em như khách miền rừng không một nhà
Mà một bếp cùng chung ngọn lửa
Em thoáng đến rộng hồn anh mở
Biết đời còn lắm ấm, nhiều nồng
Thật khéo khi là: lắm ấm nhiều nồng. Tình cảm riêng tư ấy
nó không còn bó hẹp trong riêng tư của mỗi con người, mà nó cho ta cảm
giác trong mái nhà chung của chúng ta, ai cũng có thể san sẻ cho nhau tình người
vốn có, giúp nhau tìm được cái lý để mà sống chan hoà, gần gũi. Cũng cái mạch
tâm tư ấy, ở một bài thơ khác, Ma Trường Nguyên đẩy đưa chuyện tình yêu đến mạnh
mẽ hơn. Vẫn cứ lối nói năng chất phác thật thà của một người Tày
nguyên gốc, Ma Trường Nguyên bảo rằng, tôi yêu em, nhưng chẳng dám gần em.
Nhưng càng không dám gần em lại càng phải tìm em. Thử bước một mình xem, thử
vác lòng dấu đi xem, thử dấu cả tấm thân đi xem… Nhưng không được:
Đã gặp em yêu rồi mê
Thấy người được tăng đôi sức mạnh
Bị xa em như mất đi nửa gánh
Nửa con tim và nửa chân tay.
Mất đến như thế thì chịu làm sao nổi. Khuất mặt làm sao khuất
lòng, thôi thì để mặc lòng mình yêu thổn thức để:
Từ buổi yêu em chập hai trái tim làm đuốc
Cả tập thơ của Ma trường Nguyên cuộn lên khát vọng yêu. Khi
thì thấy mình trong ngày xuân cô đơn trong phòng, tự thấy mình thừa ra trước
đôi thạch sùng tình tự. Khi thấy mình thật vô lý khi có một mình, mà một mình
thì làm sao thành người. Cũng có khi còn thương cho thân phận những người đàn
bà mất đi người mình yêu, họ cô đơn cũng làm cho tác giả cũng cô đơn theo. Lại
có lúc tưng tửng vui. Cái vui của thời trai trẻ với những cuộc hẹn hò, khi chờ
đợi nôn nao, tưởng mình là cũ kỹ, tưởng mình là thừa thãi, nhưng đúng giờ hẹn,
người tình đến bỗng tất cả như mới lại, sáng bừng. Bằng niềm tin nơi tình yêu của
con người có lúc Ma Trường Nguyên lấy cái đẹp làm đích vươn tới:
Dẫu em chẳng là của anh
Cho anh bỗng chốc thành mình
Em đẹp làm anh khao khát
Suốt đời vươn tới thành anh.
Điều mà tôi nhắc đến đầu tiên ở bài viết này là: Ma trường
Nguyên đã sống căn cơ ở thị thành nhiều năm mà vẫn giữ nguyên hồn của một người
dân tộc. Điều này thể hiện rõ nhất ở bài thơ mà anh lấy làm tên tập thơ của
mình: CÂU HÁT VẮT QUA VAI. Trong bài thơ, chất chứa rất nhiều chi tiết đời thường
cùa quê hương rừng núi. Núi chiều, mây bọc, con chim, con sóc, con gà gô… Vượt
lên trên tất cả là câu hát. Ta thử hình dung, giữa một vùng đồi núi hoang vu,
nơi bản mường người ở thưa thớt, chỉ có gió rừng, suối reo, chin kêu, vượn hú bỗng
được nghe tiếng hát của một người con gái, ai mà chẳng xao quyến, lâng lâng, nhất
là anh chàng si tình như người thơ Ma Trường Nguyên. Thế thì bó củi trên vai hết
nặng, bàn chân bước luống cuống, không thấy lối cửa, lối nhà cũng là phải thôi.
Rồi sau đó là sự chiếm hữu. Xuyên rừng già, băng rừng trẻ để tìm người có câu
hát mà bó củi vẫn vác trên vai, để nếu gặp thì nổi lửa làm bếp. Mà cái bếp với
người dân tộc nó quan trọng vô cùng. Bếp lửa lúc nào cũng phải ủ than hồng. Bếp
lửa ủ than hồng là thể hiện cuộc sống gia đình ấm êm hạnh phúc. Tuy nhiên đâu
có phải cứ muốn là được. Tình si được Ma Trường Nguyên đẩy tới mức cao hơn:
thôi thì nếu không làm bếp giữ em được thi giữ lấy lời hát của em vậy:
Anh chỉ giữ lấy lời hát say mê
Không cho lan ra bốn bề được thấy
Bởi lời hát em mọc dậy
Sự sống tràn đầy…
Không bằng anh lấy câu hát em về
Xây hạnh phúc…
Chất rừng núi, chất dân tộc đã được thể hiện thật sâu sắc
không chỉ ở tả ảnh và tả người, mà nó còn đậm đà trong tình cảm. Tôi còn tìm thấy
những điều này ở một số bài thơ khác trong tập. Như bài: TIỀN EM MỪNG TUỔI XUÂN
chẳng hạn. Đọc bài này, không hiểu sao tôi thấy nhớ Ma Trường Nguyên với cái cười
hề hề thật thà của nhà thơ. Có một anh chàng được ngừơi con gái cho một đồng tiền
mừng tuổi xuân. Anh ta chẳng dám tiêu mà dành làm vốn cho nỗi nhớ của mình. Có
mỗi một đồng tiền thôi mà cứ đếm. Đến ra làn da, đếm ra mái tóc, đến thấy váy
Mường eo chẽn hoa văn, thấy cả nơi cất rượu, thấy cổ tay tròn như nắm xôi nóng
hổi, thấy cả vồng ngực em nữa. Chao ôi, đồng tiền mừng tuổi xuân ấy cho nhà thơ
“một vốn tới trăm nghìn lời” thế này, thảo nào anh chàng đếm mãi là phải:
Mỗi lần đếm mùa xuân nhân lên mãi
Tuổi xuân anh nhuận lại với xuân tươi
Nhà thơ ơi sao mà tham lam thế.
Lâu lắm rồi tôi mới đọc lại Ma Trường Nguyên trọn vẹn trong một
tập thơ. Hình dung ra anh vẫn vậy, thật thà, chất phác, làm thơ tưng tửng như
đùa, chẳng triết lý sâu xa, cũng không gồng lên cường điệu, nhưng trong đó lại
là cả một tâm hồn trong trẻo tha thiết yêu thương và không thiếu chút tình si.
Trong tập cũng có đôi bài anh làm mới lại thơ mình, nhưng thực ra đó chính lại
làm cho anh già nua đi, cũ đi. Đó là những bài về các địa danh, về những chuyến
tham qua, những bài này chỉ được cái “đúng”, mà chất thơ không nhiều, và đặc biệt
không “đúng” với chất thơ của Ma Trường Nguyên.
Tôi viết và mong: giá mà lúc này được ngồi bên chai rượu,
nghe Ma Trường Nguyên hề hề cười và đọc thơ thì thích thật. Có khi còn một một
cuộc tranh luận ra trò với những điều tôi khen và chê trên đây nữa kìa. Hy vọng
có một ngày như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét