Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Gõ đời vào phím cô đơn

Gõ đời vào phím cô đơn
Đọc GÕ CHIỀU VÀO BÀN PHÍM của 
Văn Công Hùng, NXB HỘI NHÀ VĂN - 2007
Từ Pleiku Văn Công Hùng gửi tặng tôi tập thơ GÕ CHIỀU VÀO BÀN PHÍM. Tên tập thơ gợi cho tôi nhớ đến một câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ nào đó mà tôi không nhớ tên: nhà thơ ơi, chiều rồi. Ngày xưa khi chưa mấp vào ngón văn chương, tôi hiểu rất nôm na như thế này: chiều rồi là sắp hết rồi, hết thời rồi, hết đời rồi. Nhưng hôm nay, chiều hình như có một nghĩa khác. Tôi hỏi một cô gái ở cơ quan: Này em, chiều đến em thấy thế nào. Dạ, chẳng thấy thế nào cả. Cả một núi công việc đến với em vào buổi chiều. Nào con, nào chồng, nào mấy con gà đòi ăn, chưa kịp hết nắng chiều đã tối trời mà vẫn không xong công việc. Tôi hỏi một ông già cỡ tuổi như tôi, gần sáu mươi. Ông trả lời: ngồi ngắm con, ngắm cháu. Thấy chúng tất bật mà thương. Thương chúng và thương cả mình nữa nên cứ thấy buồn buồn. Vì sao ư, chẳng làm được gì thêm cho chúng. Tôi hỏi cô bạn gái, người chẳng có mấy con chữ trong đầu: chiều đến em thấy sao? Nhớ anh. Chiều đến là nhớ. Chiều nào cũng nhớ. Thì ra có cả một thế giới mênh mông cho con người khi chiều về. Càng ngẫm càng thấy bao nhiêu điều kỳ thú vào chiều. Mỗi con người là một thế giới riêng biệt và thế giới riêng biệt ấy lại có những chiều, không phải một chiều mà nhiều buổi chiều riêng biệt khác. Và Văn Công Hùng cũng có những chiều riêng, lại là chiều của nhà thơ nó mông lung, nó trừu tượng, nó phong phú lắm. Ay thế mà Văn Công Hùng lại mang cả cái chiều phong phú, trừu tương, mông lung ấy mà gõ vào bàn phím thì tức là bao nhiêu nỗi niềm được thả vào mấy chục ký hiệu trên bàn phím, bắt nó cục cựa và nói thay Văn Công Hùng những điều không thể đứng trước thiên hạ mà gào lên, khóc lên, nghêu ngao lên. Chỉ có bàn phím rung lên để Văn Công Hùng tâm sự với những chiều của mình. Nhà thơ ơi, chiều rồi với Văn Công Hùng là tiếng gọi để nhà thơ mang hồn, mang xác mình mà đẫy đùa với bàn phím để thành thơ. Tôi đã nghĩ như  thế khi cầm tập thơ của Văn Công Hùng và tôi đã đọc Văn Công Hùng để thử cảm nhận của mình có đúng như vậy không. Nhưng tôi phải nói ngay, để những nhà phê bình đừng trách tôi: tôi cảm theo cách của tôi chứ không khẳng định, không võ đoán một điều gì cả.
Sẽ gặp chiều ở Pleiku nơi anh ở. Cuộc sống giữa chốn rừng xanh tưởng như tĩnh lặng ấy không ngờ nó chuyển động nhấp nhá mà với cái nhìn bình thường chẳng thể nhận ra. Đừng trách nhà thơ đa cảm. Bắt đầu từ sự đa cảm ấy mà nhà thơ mới thấy được sự chuyển động không cùng của xứ sở bạt ngàn rừng cây. Ở xứ Pleiku, nơi núi núi rừng rừng, thừa thãi những gập ghềnh, cảnh vật nhoáng nhoàng làm cho cảm giác thoắt hiện thoắt ẩn trước con mắt nhà thơ. Trong nhoáng nhoàng ấy, người thơ choáng ngợp tự tìm cho mình một chút tĩnh lặng bình yên. Cái duyên thơ của Văn Công Hùng là ở chỗ này. Anh không mô tả cho người đọc thấy cảnh non nước mây trời Pleiku, mà người ta vẫn cứ nhận ra xứ sở trúc trắc, gập ghềnh, trong những câu thơ chẳng cần đến cả chữ nghĩa gập ghềnh.
Đến cái hôn cũng vội
Để kịp nhìn thu ngơ ngác bên chiều
Không chạm đất chân trần se sẽ
Mơ hồ thôi một tiếng thở giữ trời.
Hay:
Thắp một bông gạo cuối mùa
Bông gạo cháy
Nỗi nhớ nhà lao lét núi xa
ĐÓN MÙA THU Ở PLEIKU
Đến nỗi nhớ mà cũng còn leo lét nữa thì còn gì heo hút hơn
Sẽ gặp chiều ở xứ Thanh nơi anh để lại núm nhau của mình. Mình là người phương Đông, nơi chôn núm nhau có khi còn được là quê hương thứ hai của mình. Nhất là với Văn Công Hùng, quê cha một nơi, quê mẹ một chốn, sinh ra chẳng phải ở quê cha, quê mẹ, mà ở một xứ khác. Nơi ấy, đã từng sải gót chân trên cát trong những ngày gió rét căm căm, những ngày sóng biển gầm gào, mà tất cả những hình ảnh đó  đã hằn vào tiềm thức khi còn thơ ấu. Rồi nơi ấy phải chăng từng có những cuộc hẹn hò với cô hàng xóm nào đó như bao đứa trẻ mới lớn mới khôn mà cô hàng xóm ấy lại tô đậm trong ký ức về sự lam lũ, vất vả kiếm sống trên ruộng, trên sông, ngoài biển với lúa, ngô, với đồng cói… Tất cả đều thành kỷ niệm không thể nào quên. Bây giờ không gọi là thăm thẳm xa, nhưng cũng là xa lắm rồi nên:
Cứ phơi vào gió những câu hát buồn
Cứ nhuộm vào xoan những vầng sóng tím
Cứ lặn vào chiều bơ thờ ánh mắt
Cứ tìm trong nhau giấc mơ ngày xưa
GỬI XỨ THANH
Nhất định phải có một buổi chiều nào đó nhà thơ của chúng ta ra ngẩn vào ngơ mà nhớ về miền đất đã gắn chặt với tuổi thơ mình.  
Sẽ gặp chiều khi nghe những bài hát của Phú Quang. Chiều vơi những khúc tình ca lại là chiều hoàn toàn khác. Nó mênh mang hơn: 
Về đi em, chiều đã chiều rồi
Theo nỗi nhớ ta gặp bầy chim sẻ
Sao phải giấu buồn trong câu hát
Cuối mùa thu một tia nắng vỡ đàn.
Và cứ thế tôi lãng đãng cùng với chiều của Văn Công Hùng. Đến với chiều cao nguyên: và phù du/ lạc qua miền nắng xế/ cái chớp mắt thiên thu nghìn trùng cổ tích/ lặng thầm như đá và trôi. Và cuối cùng căn phòng nhỏ/ nhẹ bâng tiếng thở dài trong một chiều cuối năm.
Chiều trong GÕ CHIỀU VÀO BÀN PHÍM của Văn Công Hùng chỉ là những nỗi niềm riêng tư, nhưng nỗi niềm riêng tư ấy gắn với những cuộc đời, gắn với quê hương xứ sở. Một chiều thu bên giếng cổ, Văn Công Hùng thấy cả một miền quê có bề dày lịch sử. Giếng cổ bị bỏ quên giống như em đã quên một cuộc tình dang dở. Văn Công Hùng còn tìm thấy trong chiều những hy sinh đến vĩ đại của những cô gái một thời gìn giữ những con đường cho những đoàn quân ra trận. Những cô gái đã mang hết tuổi xuân của mình dâng cho cuộc chiến đấu ngày xưa. Mơ ước một chút hạnh phúc cho riêng mình cũng có lúc bị dẹp sang một bên. Bây giờ giữa bao nhiêu hạnh phúc của muôn người có thể người ta quên hết nhưng với Văn Công Hùng thì không thể quên. Vào lúc rừng ngả bóng tới mặt trời anh nhớ tới ba mươi năm dằng dặc xưa của bao nhiêu cô gái tuổi xuân nặng nề rụng theo lá khô.
Để bây giờ, để bây giờ như thế
Có một thời con gái đã qua đi
Để bây giờ trời xanh như không thể
Có một thời xuân sắc thản nhiên trôi.
THÁNG TƯ K BANG
Làm sao mà thản nhiên được khi hôm nay còn có nhà thơ nhắc lại như nhắc lại giữa trời chiều tháng tư K Bang.
Đọc suốt tập thơ của Văn Công Hùng, bóng dáng bông dã quỳ cứ thấp thoáng hiện ra. Có người từng nói với tôi: bông dã quỳ là một thứ hoa đặc trưng cho cao nguyên. Mọc hoang, ở chỗ nào cũng mọc được. Trên thành ta luy của những con đường, dọc những bờ rào, ngang sườn núi. Mà lạ, lúc nào cũng tươi. Trời nắng hay mưa gì cũng không làm cho dã quỳ kém tươi. Bông hoa thực lớn và màu vàng của hoa rực rỡ như nắng. Nó quá quen thuộc với cao nguyên nên người cao nguyên coi dã quỳ tồn tại như chuyện đương nhiên không cần quan tâm đến. Mấy ai chăm sóc dã quỳ. Mấy ai mang dã quỳ trưng trong những bình hoa. Có lẽ vì thế mà nó làm nhà thơ động lòng. Mà nhà thơ thì hay lắm, hễ cái gì người ta không ngó đến là nhà thơ để tâm vào. Hoa cỏ may chẳng hạn, không biết bao nhiêu chữ dành cho nó. Hoa cúc dại nữa. Có cả những bông hoa chẳng ai đặt tên, khi nhà thơ động lòng gọi ngay tên tục của nó “hoa dại” trong thơ của mình. Và hoa dã quỳ, bông hoa quen thuộc mọc như hoang dã kia đã lọt vào mắt thơ Văn Công Hùng. Lâu lâu trong thơ lại thấy dã quỳ, nhưng đến bài MUỘN RỒI DÃ QUỲ ƠI thì Văn công Hùng dường như không chịu nổi nữa đã dành cho bông hoa mà anh yêu cả một bài riêng.
Càng đọc càng thấy xót xa. Lại càng xót xa hơn khi Văn Công Hùng thả dã quỳ vào một buổi chiều, khi tất cả những bông hoa đang héo dần trong lọ (đương nhiên không phải là dã quỳ rồi), khi không còn níu kéo được thời gian lại và khi hoàng hôn đã xuống, khi nắng chiều đã dần tắt, mà nhà thơ còn có những câu hỏi chưa được trả lời: nhưng còn một câu hỏi/ gửi trong hoàng hôn/ chỉ trái tim biết/ chiều không trả lời/ dã quỳ im lặng/ màu đắng/ dã quỳ ơi. Dã quỳ lăn lóc sống, lăn lóc tồn tại mặc nắng, mặc mưa, mặc gió, thì cũng như người thơ thôi, chắt mình mà sống, chắt sống thành chữ, chắt chữ thành hồn thế mà rồi vẫn đắng ngắt vì chẳng làm sao níu được chiều, phải tím hoàng hôn và rồi đêm xuống xoá nhoà đi tất cả trong đó có sắc nắng của dã quỳ.
Tôi xin dành những dòng cuối cùng này cho bài được đặt tên cho cả tập thơ: GÕ CHIỀU VÀO BÀN PHÍM. Càng đọc càng thấy thương ta, khi ta lệ thuộc vào những chấm tròn trên chiếc máy vi tính kia. Thiếu một cái chấm, thừa một cái chấm, một cái chấm vô duyên lạc vào, thì trước hết ta chẳng tìm thấy ta. Bao nhiêu con chữ, bao nhiêu xô bồ, xô bộn của đời ta gửi vào con chữ vậy mà chỉ vì cái chấm đen kia mà ta chẳng thấy được ta. Sau nữa, ta sẽ bị tách ra giữa không gian bao la mà ở đó ta có bạn bè, có những người yêu ta, ghét ta, kính trọng ta, khinh khi ta, mà với ta thì cái gì cũng cần, có khi còn cần hơn cả cơm ăn nước uống nữa. Có nghĩa là ta không tìm ra được chìa khoá của chính mình, như thế thì sợ quá đi chứ. Mà nỗi sợ không phải ai khác chính ta mang lại, mà nguyên nhân của nó là sự cô đơn. Khi gõ cả một chiều vào bàn phím mà đôi mắt buồn hiện ở chốn xa xăm, thì người thơ ơi, những cái chấm kia mà không  nhầm mới là chuyện lạ. Mà nhầm rồi sao ta tìm được ta. Nên:
Em ở phía không thể nào tới được
Một con sông đã khoá những nhịp cầu
Giá có thể lấp sông bằng nỗi nhớ
Một phía bờ sẽ lại hoá dòng sông.
Một kẻ đang cô đơn thì điều ước mong của họ rộng đến vô bờ. Khi không tìm được nơi đồng cảm, không tìm được chốn gửi gắm nỗi buồn thì mang cả chiều gõ vào bàn phím hình như vẫn còn là ít, mà mang cả đời mình gõ vào bàn phím thì cũng cứ thế thôi. Giá mà đời đừng lệ thuộc vào những cái chấm đen kia. Mà không, phải có nó thì nhà thơ mới có lúc tìm về sự tỉnh táo thường ngày. Mà thôi, tỉnh táo làm chi, cứ thế mới cho người đọc được đọc những gì mình viết khi tuyệt đỉnh sự cô đơn. Có như thế mới:
Tôi gõ chiều vào bàn phím
Hiện lên em ngơ ngác xa xăm…
Thế thì mang đời mà gõ vào bàn phím vẫn cứ cô đơn.
10-11-2007
Nguyễn Đức Thiện
Theo https://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...