Tiếng ca mùa xuân
Nhan mở cửa sổ, gió khẽ lùa vào căn phòng nhỏ. Gió mải miết
đưa theo hương hoa từ đâu tới, thơm dìu dịu. Trước hiên nhà, cây bàng đang cựa
mình, thay lá. Những chồi non xanh biếc ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì đang tách mầm,
vẫy gọi xuân về. Mấy nữa mà hết năm. Mấy nữa mà sum vầy đón tết. Nhan lặng nghe
tiếng râm ran, lao xao vọng lại từ khu chợ cóc, nằm sâu trong ngõ nhỏ. Họ tất bật,
vội vã, lo toan cho hết bao bận bịu cuối cùng của năm cũ...
Trời dần hửng nắng. Nắng vàng thơm như mật. Những tia nắng sớm
luôn hừng lên trong lòng Nhan cảm giác ấm áp. Sống giữa phố chật ồn ào nhưng nỗi
nhớ nhà thường trực trong từng ý nghĩ của anh. Mỗi lần qua chợ, thấy người ta
bày biện lá trầu xanh vuông vức cạnh những chùm cau non, Nhan nhớ thương mẹ, thật
thương. Nhan nhớ tiếng ca cải lương phát ra từ chiếc đài cũ, mẹ nghe mỗi tối.
Nhớ bậc thềm nhà mẹ thường ngồi chải tóc, chắp nối hồi tưởng những ký ức buồn
vui xưa. Nhớ đốm lửa bập bùng trong căn bếp nhỏ, tiếng củi khô đượm nắng nổ lép
bép giòn thơm. Nhớ tô mì có cọng hành tươi non hái trong vườn, sớm mai Dịu nấu.
Thơm lừng… Nhan nhắm mắt mường tượng lại những điều thân thuộc ấy. Một hình
dung rõ nét. Cảm giác chỉ cần quờ tay chạm tới được. Nỗi nhớ đã day dứt Nhan mỗi
sớm mai cô đơn thức giấc ở xứ này....
Mùa xuân năm ấy, mẹ đứng lặng thật lâu trước bàn thờ ba xin
bán một phần đất nhà. Mẹ không khóc, nhưng Nhan biết lòng mẹ buồn biết mấy. Đất
bán có mảnh vườn với rất nhiều cây trái ba Nhan trồng từ những ngày anh còn thơ
bé. Khu vườn nhiều kỷ niệm, cất giùm mẹ và Nhan ký ức những tháng ngày vui vầy
hạnh phúc có ba. Cất giữ cả những đêm trăng hò hẹn yêu với Dịu. Khu vườn rồi
đây không còn thuộc về Nhan nữa. Họ có chặt bỏ cây trong vườn? Nghĩ đến đó thôi
là lòng Nhan dềnh lên bao xót xa.
Dịu bán hai chỉ vàng mẹ cho làm vốn, thêm đôi khuyên tai, thứ
duy nhất làm trang sức cho mình, ngược xuôi vay mượn, mới đủ trả hết cho khoản
nợ nông nổi của Nhan. Sau chuyện, mẹ không trách mắng chỉ nói với Nhan rằng ai
cũng có sai lầm trong đời. Nhưng sau sai lầm phải sống sao cho tốt đẹp hơn. Cả
đời vất vả, tảo tần nhưng mẹ đã nuôi Nhan lớn lên bằng tấm lòng hiền từ, bao
dung của mẹ.
Khi những cánh hoa mai chưa rụng hết, bánh chưng xanh mẹ còn
treo trong nhà, vại dưa hành còn thơm cay, ngoài đường họ vẫn còn nói cười với
nhau chuyện đi chơi tết thì Nhan đã muốn vào thành phố. Dịu buồn. Lặng lẽ. Mẹ
không cản ngăn, chỉ bảo: “Mong con đi chân cứng đá mềm. Đừng buồn lo gì cả. Đến
khi con về có thể vườn nhà vẫn còn nguyên đấy thôi. Họ ở trên thị trấn chắc gì
đã chuyển về đây”. Mẹ đỡ chiếc ba lô bạc thếch, nhẹ tênh lên vai Nhan. Mắt mẹ
thầm lặng nhìn ra con đường xa xăm trước mặt. Nhan muốn nói với mẹ một lời xin
lỗi. Nhưng sao không thể mở lời. Dịu đưa Nhan ra xe, mắt ngân ngấn nước. Nhan nắm
bàn tay gầy của Dịu, chạm phải những vết chai sần. Chỉ muốn rơi nước mắt…
Đi xa rồi Nhan mới biết thương mẹ hơn. Tuổi già đã lần tìm về
với mẹ. Tóc mẹ xanh từ khi nào đã lấm tấm màu khói sương. Thuốc Nhan gửi về, mẹ
uống có đỡ đau nhức chân tay mỗi khi trời trở lạnh. Mẹ chẳng bao giờ than mệt với
những đứa con. Chỉ có tháng năm qua, lặng lẽ tự kể chuyện đời mẹ khó nhọc. Mẹ
lo hết vụ mùa, rồi lo trồng bắp, khoai, sắn. Hết việc ruộng đồng, mẹ xoay quanh
đàn gà, đàn heo. Có mấy khi mẹ được nghỉ ngơi tay. Vậy mà đã có lúc, Nhan vô
tâm quên bao vất vả yêu thương mẹ đã chắt chiu nuôi mình.
Vắng Nhan, việc nặng nhọc trong nhà giờ đặt lên vai gầy của Dịu.
Dịu sống tình cảm, tảo tần, chu đáo. Mẹ thương Dịu, con dâu, như con gái trong
nhà. Gọi điện vào cho Nhan, lần nào Dịu cũng tha thiết dặn: “Anh nhớ giữ sức khỏe.
Việc nhà đã có em lo, em mong anh sớm về”. Từng lời Dịu nói thành thật, ấm nồng.
Sự dịu dàng, cần mẫn quá của Dịu, đôi khi, lại là nỗi ngại ngần, day dứt của
Nhan.
Nhan tha thiết muốn về lắm chứ. Có xa quê, mới thấu hiểu nỗi
nhớ, mong ngóng trở về. Thử hỏi có nơi nào yên lành bằng mảnh đất quê hương. Giữa
nhịp sống nhanh, vội vã ở thành phố này, ngày qua ngày, Nhan có gì ngoài công
việc với những tiếng dài mải miết tăng ca. Nhiều đêm về, ngả lưng xuống chiếc
giường ọp ẹp trong phòng trọ hẹp, chỉ nghe thấy tiếng lòng buồn sâu thẳm. Nhưng
Nhan biết, rồi tất cả khó nhọc, vất vả này sẽ sớm đi qua thôi, khi anh có mẹ và
Dịu ở cạnh bên....
Nhan đi. Đi qua hai tết chưa về nhà. Tết nào, Dịu cũng gọi
vào tha thiết chờ mong: “Anh có thu xếp về được không? Vắng anh, nhà mình thật
nhiều khoảng trống...”. Dịu vô tình làm rơi tiếng thở dài thật khẽ. Nước mắt
nghẹn lại trong từng lời Dịu nói. Tim Nhan nhói đau. Nhưng Nhan biết làm gì hơn
ngoài những lời động viên an ủi. Ai đã từng đón tết xa nhà, một mình, cô đơn
nơi xứ lạ, mới thấm thía hết nỗi buồn của Nhan. Vào giao thừa, gọi điện về nhà,
buông máy rồi Nhan cảm thấy trống vắng tỏa ra mênh mông khắp gian phòng nhỏ.
Ngoài trời, mưa bụi giăng giăng, mờ như khói. Những hạt mưa nhỏ li ti phơ phất
bay, đậu hờ lên mái tóc, lắc rắc trên vạt áo. Mẹ bảo đó là mưa xuân, mưa lộc.
Nhan ngó mưa, nghe lòng hiu hắt…
Tết này thì Nhan ngó lịch đếm ngược từng ngày. Lòng chộn rộn
vui, háo hức, chờ mong. Hơi thở mùa xuân đang về gần, thật gần. Những chuyến xe
ngược xuôi chở hoa về khắp phố, rực rỡ sắc màu, nào mai, nào cúc… Nhìn những
cành mai vẫn còn e ấp nụ. Nhan nhớ cây mai ba trồng trong vườn nhà. Mỗi độ xuân
về, cây mai bung nở những cánh hoa vàng rực rỡ. Ba nói trong rất nhiều sắc màu
tạo nên hương vị tết cổ truyền, thì sắc vàng hoa mai mang vẻ đẹp đặc biệt. Hoa
mai tinh khiết, cao nhã nhưng cũng thật ấm áp. Có hoa mai ba mới thấy trọn vị tết
trong nhà. Ba mất, tết nào, Nhan cũng lựa cành mai đẹp, nụ trải đều khắp các
cành, cánh mai vừa hé nở, cắm vào bình đặt trên ban thờ. Giờ vườn rào đó, cây
mai không người chăm, biết có còn kịp bung nở sắc vàng nhung nhớ?...
Nhan về gói ghém lại bao buồn lo, vất vả những năm cũ. Chặng
đường về không còn xa bởi niềm vui, mong mỏi về nhà đã chật chội tim. Ngang chợ,
Nhan nghe những tiếng ồn ào, xôn xao, tươi tắn đến nao lòng. Chợ tết quê Nhan
không chỉ là nơi trao đổi bán mua mà còn là nơi neo gửi tình quê ấm áp, chân
tình, mộc mạc. Qua chợ, dẫu có vội vàng, mọi người cũng kịp nán lại thân tình hỏi
thăm nhau đôi ba câu chuyện mùa cũ, chuyện lo tết đến đâu rồi. Trong gió phảng
phất mùi hương trầm ngào ngạt, mùi gạo nếp trắng ngần thơm nức, mùi đậu đỗ, mùi
lá dong xanh, mùi gừng… Tất cả quyện vào nhau thành hương vị tết.
Sân trước nhà không có ai, chỉ có những bó củi chắc nịch,
thơm thoang thoảng phơi ở góc sân Dịu mua dành để nấu bánh chưng ngày tết và
chú mèo lười cuộn tròn mình lim dim sưởi nắng. Nhà trên vắng lặng. Nhan nghe thấy
tiếng nước chảy bên thềm giếng. Nhìn từ phía sau, vai Dịu gầy quá. Nhan gọi khẽ:
- Dịu!
Nghe tiếng gọi, Dịu giật mình quay lại, vội đứng lên, bỏ cho
nước chảy hoài từ cái vòi đầy rêu xuống chậu.
- Anh về sao không gọi em ra đón? Đi đường xa anh có mệt lắm
không?
Dịu hỏi gấp gáp, lời ngắt quãng vào lúc nước mắt dồn nhau chảy
vòng quanh má. Nhan ôm bờ vai gầy của Dịu. Xót thương từng vết chân chim đâm li
ti nơi khóe mắt.
- Mẹ đâu em?
- Mẹ qua nhà bác Mây dặn dành cho mấy quả bưởi ngọt, đôi cây
mía lộc đẹp đặt bên ban thờ ngày tết. Chắc mẹ cũng sắp về rồi. Anh rửa tay chân
cho sạch sẽ, đường xa bụi bặm.
Mẹ từ cổng đi vào. Lưng còng xuống. Mẹ đã già thật rồi. Mà
Nhan đã lo được gì cho mẹ đâu, lòng buồn se sắt.
Nhan về nhà rổn rảng thêm tiếng nói cười. Mẹ như trẻ lại mấy
tuổi. Những nếp nhăn trên trán mẹ cũng cười. Dịu nấu cơm chiều với những món ăn
Nhan thích. Bếp như đượm lửa nồng nàn hơn. Hơi lửa hay vui mà má Dịu ửng hồng
như dặm phấn. Mẹ trải chiếu ra hiên. Dịu bưng mâm cơm đặt lên giữa chiếu.
Đĩa tép riu đỏ rọi rang với khế và lá chanh thơm phức, thịt kho tàu thơm ngầy ngậy, nồi canh cá chua nghi ngút khói, đã thật lâu rồi, Nhan mới được ăn bữa cơm nhà ấm cúng. Vừa ăn cơm, vừa râm ran trò chuyện. Mẹ kể chuyện nhà, chuyện họ mạc xóm làng lúc Nhan đi xa. Rồi mẹ nhắc chuyện tết, dặn Dịu sớm mai qua chợ nhớ mua hành về muối. Tết phải có vại dưa hành ăn kèm với bánh chưng xanh. Nhớ đừng mua thêm măng, mẹ làm bấy nhiêu đủ nấu tết rồi. Vào tháng Chạp mẹ thường chờ những ngày nắng lên. Nắng phủ màu vàng ươm lên hàng cúc vạn thọ. Mẹ vội mang sàng măng ra phơi. Miếng măng khô vàng cong, thơm nồng mùi của đất trộn lẫn mùi lá tre khô. Nhan chợt thèm hương vị bát canh măng nấu sườn non, thêm ít hành lá xắt nhỏ thơm lừng ngày tết.
Đĩa tép riu đỏ rọi rang với khế và lá chanh thơm phức, thịt kho tàu thơm ngầy ngậy, nồi canh cá chua nghi ngút khói, đã thật lâu rồi, Nhan mới được ăn bữa cơm nhà ấm cúng. Vừa ăn cơm, vừa râm ran trò chuyện. Mẹ kể chuyện nhà, chuyện họ mạc xóm làng lúc Nhan đi xa. Rồi mẹ nhắc chuyện tết, dặn Dịu sớm mai qua chợ nhớ mua hành về muối. Tết phải có vại dưa hành ăn kèm với bánh chưng xanh. Nhớ đừng mua thêm măng, mẹ làm bấy nhiêu đủ nấu tết rồi. Vào tháng Chạp mẹ thường chờ những ngày nắng lên. Nắng phủ màu vàng ươm lên hàng cúc vạn thọ. Mẹ vội mang sàng măng ra phơi. Miếng măng khô vàng cong, thơm nồng mùi của đất trộn lẫn mùi lá tre khô. Nhan chợt thèm hương vị bát canh măng nấu sườn non, thêm ít hành lá xắt nhỏ thơm lừng ngày tết.
Cơm xong, Nhan ngồi uống nước cùng mẹ. Chén chè xanh tươi âm ấm,
thơm ngát. Nhan nói: “Con đã có đủ tiền mua lại đất nhà mình. Bữa sau, con muốn
qua nói chuyện với người ta xem ý họ thế nào. Ngày mai, thì con muốn đi tảo mộ
cho ba. Hai năm rồi con không sửa sang mộ cho ba được”. Mẹ nhìn Nhan hiền hậu,
thoáng một nét cười, vòm mắt lấp lánh như tia nắng ấm mùa xuân.
Dịu lui cui trong bếp làm mứt dừa, mứt gừng, chuẩn bị gạo mai
xay bột ngào bánh nếp. Đôi bàn tay Dịu thoăn thoắt, khéo léo, vun vén giữ ấm bếp
nhà. Dịu kể hai năm anh không về, mẹ con em đón tết đơn giản lắm. Nhưng năm nay
thì khác, em muốn đón tết đủ đầy ấm áp. Mùi mứt gừng tỏa ra thơm và ấm khắp
gian nhà nhỏ. Nhan ngửi thấy cả mùi gió xuân dịu dàng đậu trên mái tóc Dịu
buông dài thơm hương bồ kết. Nhan khẽ nắm tay Dịu:
- Anh có quà cho em.
- Gì vậy anh?
Nhan mở chiếc hộp nhỏ, đeo lên tai Dịu đôi khuyên lấp lánh.
Dịu không nói gì. Dịu úp mặt vào ngực Nhan khóc. Nước mắt ướt
một khoảnh áo ngực Nhan. Dịu ngẩng lên, vấn lại mái tóc, lúng liếng một ánh
nhìn hạnh phúc mềm dịu giữa đêm xuân. Mùa xuân đã cất tiếng ca rộn ràng…
Thái Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét