Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Trăng muộn

Trăng muộn
Mãi ngồi cời than trong bếp đợi cho đến lúc cơm chín ăn xong, Hường mới đứng dậy lững thững đi ra giữa sân. Rằm tháng tám trăng đã lên quá đỉnh đầu. Mùa thu, đêm càng khuya, trăng càng sáng. Ánh vàng rười rượi rải xuống mặt sân lênh láng. Giá như có cách nào mà gom tất cả những ánh vàng ấy lại được thì hay nhỉ? Hường lẩn thẩn nghĩ vậy, mà tiếc cho ánh trăng cứ chảy suông hoài. Bỗng từ phía bên kia bờ rào dưới bóng cây nhãn có tiếng động sột soạt, rồi có những âm thanh lạo xạo như có tiếng bước chân người đi lại. Hường rón rén đến dưới bóng cây mít đứng lặng lẽ nhìn sang. Ô hay? Chẳng phải anh Hải đã ra đi lúc sáng rồi kia mà. Sao bây giờ ở phía vườn anh lại có bóng người xuất hiện? Hường lo lắng lặng lẽ theo dõi bóng đen. Hình người bên bờ giếng lom khom như đang tìm kiếm vật gì. Nhưng rồi lại ngẩng lên đi khuất vào phía nhà ở. Nhân lúc người ấy quay đi, Hường vội vàng vượt qua khoảng trống trước mặt chạy đến bên gốc bưởi sát với thềm giếng ngồi nép vào bụi chè phe. Người ấy vội vàng quay lại. Hồi lâu Hường nhận ra không phải là người lạ mà lại là anh Hải. Nhưng đã muộn anh ra đã cởi bỏ áo ngoài đang loay hoay để tắm. Thật tai hại Hường định vùng đứng lên để chạy về nhà nhưng không thể được nữa. Anh Hải đã xuống tất cả áo quần để tắm. Hường khựng người nhắm mắt đành phải ngồi xuống chết lặng sau bụi chè phe.
Mặt trăng tròn vành vạnh tỏa giữa đêm khuya, sáng vằng vặc như ban ngày. Tiếng nước cứ ào ào dội xuống giữa sân gạch. Những âm thanh ồn ả ấy cứ xuyên vào tai, vào óc làm cho Hường không tài nào nhắm nghiền mắt được mãi. Cô ngượng ngùng trước hình thể của người đàn ông lực lưỡng đang phô ra dưới ánh trăng vàng. Hường tự trách mình quá nông nổi. Mặt cô nóng bừng bừng, tim cô đập loạn nhịp. Thật quái ác, anh Hải lại cứ tưởng đêm khuya vắng người, lại chủ quan vườn nhà mình bốn phía đều có bóng cây che khuất nên không hề dè dặt cứ tự nhiên nhún nhảy như một vũ công đang vào nhịp. Những cơ bắp cứ lồ lộ hiện ra dưới ánh trăng nhễ nhại làm cho Hường trở nên xốn xang bối rối. Đã qua thì con gái, nhưng giờ đây hình ảnh người đàn ông bằng da bằng thịt hiện hữu trước ánh mắt vô tình khuấy động tâm can cô, làm cho người cô bừng dậy những cảm giác nôn nao của thời con gái. Những cảm xúc xốn xang mà nó đã bị vùi lấp dưới lớp bụi thời gian trong những tháng năm của cuộc đời. Bây giờ nó cứ bừng dậy lâng lâng khó tả. Hường cố dằn lòng mình xuống. Nhưng cô cố nén, thì nó cứ trào dậy, nôn nao những cảm giác từ ngày xưa cứ ùa về.
Ngày ấy Hường mới bước vào tuổi hai mươi cô là một trong những thành viên của đội Thanh niên xung phong 472 QB. Đại đội cô có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ bến Bãi Sỏi vào đến bến Đá Xanh, cung đường của đơn vị đi lại hơn ba chục cây số. Mỗi chuyến hàng đi thuận lợi chỉ có một đêm là trở về, nhưng gặp lúc máy bay địch đánh phá ác liệt phải tập kết lại dọc đường mất hai ba ngày mới đến.
Lần ấy, Hường và Hùng cùng đi một ca nô. Hàng lần này toàn bộ là chất dễ nổ, dễ cháy. Nên buổi ra quân toàn đơn vị đã làm lễ tuyên thệ dưới cờ; dù đạn bom ác liệt đến mấy cũng phải bảo vệ hàng đến địa điểm an toàn. Đêm tháng tư trời trong xanh lồng lộng, lợi dụng vào trăng sáng ca nô cứ thẳng giữa dòng mà chạy. Từng tốp ba chiếc một bám theo nhau. Máy đẩy đuôi tôm nổ nhỏ nhưng nhiều chiếc cộng hưởng với nhau nghe vang rền khó có thể phát hiện được tiếng máy bay của giặc từ xa. Kệ thây nó! Cứ chạy. Lúc nào thấy pháo sáng xuất hiện hãy dừng. Mặc dù đã phân công các thuyền đi đầu và đi cuối chú ý cảnh giới. Nhưng lần đó toàn đoàn mới vượt qua được trọng điểm cầu phao, đang lao vào khúc ngoặt ở bãi vắng. Thì nghe tiếng từng loạt rốc két đang nổ ầm ầm giữa sông. Các thuyền nhanh chóng vượt lên để băng qua cửa tử. Theo kinh nghiệm của mấy lần trước cho thấy ở đoạn sông này hai bên bờ không có một bóng cây che khuất nên khi máy bay thả pháo sáng ra thì những thuyền ai còn lại trên sông sẽ trở thành mục tiêu của chúng trong đêm. Đã có thuyền bị đạn bốc cháy, thuyền của Hường và Hùng ở sau cùng của đoàn cũng cố nhấn ga vọt lên để vượt qua cửa tử. Bùm, bùm, bùm những loạt pháo sáng từ thân máy bay vọt ra, những ngọn đèn dù thi nhau cháy lên, tỏa sáng rực cả khúc sông. Hình như địch đã phát hiện được mục tiêu của ta. Nên máy bay của chúng tràn đến đủ loại vừa F4H vừa F105. Chúng bắn rốc két và dội bom tới tấp. Lại một thuyền nữa bốc cháy. Đằng nào cũng đã lộ, Hùng mở hết tốc lực cho thuyền lao tới vun vút. Lại một loạt rốc két nữa nổ, lần này chỉ cách thuyền hai người ba mét. Một cột nước vọt lên cao rồi rào rào rơi xuống. Thuyền hai người bị thương, nước tràn vào khoang xối xả. Hường thay Hùng cầm lái để anh bịt lỗ thủng và tát nước ra. Từng loạt pháo sáng lại vọt lên sáng rực cả bầu trời. Cũng may thuyền của Hùng và Hường đã đến ngoẹo cây ổi. Ở đây đã có bóng cây hai bên bờ che khuất. Hường gạt tay lái cho thuyền tấp vào bờ.
Một tốp AD6 đến thay phiên bọn phản lực F4H. Bọn này đánh dai như đĩa đói, chúng quần đảo liên hồi, thả bom loạn xạ. Cả đội thuyền kẹt lại tản mác dọc sông. Khi ngớt tiếng máy bay thì trời cũng sắp sáng. Thuyền được lệnh sơ tán vào các rạch ngang. Thuyền của Hường và Hùng vừa sửa chữa xong cũng đã tìm được nơi neo đậu. Đêm lặng lẽ, hai người bây giờ mới có phút thư thản ngồi bên nhau. Ánh trăng mùa hạ càng khuya càng sáng. Những hạt sương đọng trên vòm lá rơi về nghe lành lạnh. Một ngọn gió lang thang đi qua, làm mặt sông xao động lấp lánh Hùng dịch sát vào người Hường, anh đặt tay qua vai cô giọng thì thầm xúc động:
- Em mệt lắm phải không?
Hường lặng im, những giây phút đạn bom nguy hiểm vừa mới xảy ra cách đây không lâu đã làm cho người cô trở nên rã rời mệt mỏi. Một thoáng suy nghĩ lo âu xuất hiện trong đầu. Bây giờ những cử chỉ dịu dàng cùng với những lời nói ngọt ngào âu yếm của Hùng càng làm cho lòng Hường thổn thức. Cô ngả đầu vào vai Hùng yên lặng nhìn vầng trăng xa.
Hùng với Hường ở cùng quê. Hai người đã yêu nhau từ hồi còn đi học. Nhưng chiến tranh đã ập tới một cách vội vàng. Họ đành phải tạm biệt mái trường để lên đường ra trận. Sau những tháng ngày chiến đấu khác đơn vị, bây giờ họ cùng được về một nơi. Cùng đi chung trên một con thuyền vận chuyển hàng ra phía trước. Nhiều lần qua ánh mắt đắm đuối của Hùng nhìn cô, Hường đã nhận ra trong ánh mắt ấy của người yêu đang muốn nói với cô điều gì. Nhưng những lần ấy Hường đã cứng rắn cưỡng lại lòng mình trước cái nhìn thôi miên đầy tia lửa ấy. Nhưng đến giờ phút này mọi sự cứng rắn của người con gái trong Hường như bị rạn nứt trước những đau thương mất mát của cuộc chiến tranh khốc liệt do kẻ thù xâm lược gây ra. Và nó như sắp vỡ vụn hoàn toàn trước màu vàng huyền ảo, diệu vợi của ánh trăng trong đêm mùa hạ. Lòng Hường nôn nao, run rẩy. Cô ngồi bất động lặng lẽ nghe tiếng tim mình thổn thức. Hơi ấm của đôi bàn tay người yêu đã làm bừng dậy những cảm giác lâng lâng trong lòng người con gái. Hường nhắm mắt đón nhận những nụ hôn ngọt ngào của Hùng...
Những tiếng bom chát chúa nổ rất gần. Hai người giật mình bừng tỉnh. Khung cảnh yên bình của đêm trăng mùa hạ bị tan biến trong khói bom mờ mịt. Những cảm giác ngọt ngào ngây ngất của hương vị tình yêu đang dâng trào mãnh liệt trong lòng người con gái bị tiếng bom xé nát, vỡ vụn tan tành.
Thuyền nổ máy ra đi. Họ lại phải đối mặt với lửa khói bom đạn.
Sau chuyến đi vận chuyển ấy, Hùng đã anh dũng hy sinh trên dọc cung đường của dòng sông. Còn Hường bị thương quá nặng phải chuyển về hậu cứ. Ngày tháng trôi đi, nhưng Hường vẫn không chút nguôi ngoai về sự ra đi của người bạn đời yêu dấu.
Hòa bình đã lâu Hường đã trở về với làng quê xứ sở. Nhưng sự tàn ác của chiến tranh đã dày vò làm cho con tim Hường không ngừng rỉ máu. Mái tóc đen dày óng mượt thời con gái của Hường bây giờ chỉ còn lơ thơ vài sợi đang ngả màu sương. Rồi những cơn sốt rét ở rừng cứ dai dẳng bám riết theo cô làm cho người Hường ngày càng thêm gầy gò xanh tái. Những vết thương trên da thịt cùng với những vết thương trong cội lòng đã làm cho Hường già đi trước tuổi.
Cùng ở trong một xóm với Hường, có anh Hải cũng là người từ mặt trận trở về. Hoàn cảnh của anh cũng vô cùng thương cảm. Anh đã lập gia đình từ những ngày mới ra đi bộ đội. Nhưng ở nhà bom đạn kẻ thù đã giết hại vợ con anh. Làm cho hạnh phúc của gia đình anh tan vỡ. Thông cảm với hoàn cảnh của nhau, mấy lần anh đã trực tiếp tâm sự với Hường. Anh muốn chia xẻ những nỗi niềm vui buồn với Hường trong đoạn đường còn lại của cuộc sống. Nhưng Hường không dám nhận lời. Vì cô nghĩ rằng mình là một người con gái bị thương tật nên rất khó đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho người khác. Nên dù Hường rất thương anh Hải nhưng cô cứ phải im lặng. Nhưng rồi những đêm trăng mùa hè trở về lại sáng. Ánh trăng như vô tình cứ khuấy động cỏi lòng của cô, làm cho cô bồi hồi xao xuyến.
Ngồi im lặng trong bụi chè phe mà lòng Hường cứ thổn thức bâng khuâng hoài. Bao nhiêu sự kìm nén trong chuỗi ngày qua bỗng vỡ òa.
- Anh Hải! Hường buột miệng bật ra thành lời.
Hải đã tắm xong đang sửa soạn vào nhà thì nghe có tiếng gọi. Bất ngờ đến lúng túng, anh thảng thốt quay lại nơi có tiếng gọi tên mình. Anh ngạc nhiên nhận ra cô gái láng giềng đang khóc sau bụi chè phe anh bối rối vụng về đến đứng kề bên ấp úng.
- Hường phải không em? Sao lại khóc? Vừa hỏi vừa đưa tay đỡ Hường dậy. Nhưng vì cả hai người đều lúng túng ngượng ngập nên suýt nữa họ ngã dúi vào nhau. Nhưng rồi họ cũng gượng lại được và đứng thẳng người lên cùng dắt tay nhau bước đi trong ánh trăng muộn màng của đêm mùa Thu tháng tám.
L.Đ.H
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 115, 
tháng 4 năm 2004
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng “Ở một chừng mực nào đó, dịch giả cũng giống như một người đầu bếp. Từ nguyên vật liệu ngoại, cần phải nấu...