Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Dương Thiệu Tước và “Tiếng Xưa”

Dương Thiệu Tước và “Tiếng Xưa”
Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, người làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) là cháu nội cụ nghè Dương Khuê - một nhà thơ trữ tình nổi tiếng. Thời trẻ Dương Thiệu Tước học trường Albert Sarraut Hà Nội.
Là chủ một tiệm bán đàn ở phố Hàng Gai, Dương Thiệu Tước đứng ra quy tụ anh em nhạc sĩ tiền phong để cùng tự học rồi sáng tác. Ông đứng ra lo việc in ấn và phát hành. Sau đó ông cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh tiến hành một phong trào Khuyến nhạc để rồi sau đó có được hội Khuyến nhạc tại Hà Nội. Từ năm 1930 ông bắt đầu sáng tác nhạc phẩm. Phần lớn nhạc lúc đầu của ông đều bằng tiếng Pháp hay loại “bài Tây theo điệu ta” và chính nó đã mở ra một hướng mới cho nền tân nhạc Việt Nam. Ông được đào tạo căn bản tại Pháp những năm 1938-1940.
Đến đầu thập niên 40, Dương Thiệu Tước rời Hà Nội để vào Huế… Thời gian dừng chân ở Huế, ông sưu tầm và ký âm được rất nhiều điệu dân ca của miền Trung. Dương Thiệu Tước đã có được một cái vốn về dân ca Huế rất là phong phú như những điệu hò mái nhất, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giã gạo, Nam bình, Nam ai… Chính vì thế mà khi viết nhạc, ông viết được thật đúng và thật đầy đủ để bất cứ ai đàn đúng bài là nghe thấy rõ điệu hát có âm hưởng dân tộc. Thời gian này, Dương Thiệu Tước đã có một vài sáng tác trữ tình, trong đó có bài Tiếng xưa là hay nhất, mở đầu cho những sáng tác sau này:
Hoàng hôn lá reo bên thềm. Hoàng hôn tơi bời lá thu
Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh. Bâng khuâng phím loan vương tình
Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường phai tàn một thời liệt oanh
Xa đưa gió mây lạnh lùng. Chiều thu nhớ nhung vì đâu
Thắm đôi dòng châu tiếc thay tại sao đành lỡ làng
Man mác khói hương bay dịu dàng như tóc mây vương
Dáng liễu mơ màng cung đàn nhỏ lệ
Tầm Dương ai đó, tri âm biết cùng…
Tiếp đó, Dương Thiệu Tước lại sáng tác bài Đêm tàn Bến Ngự:
Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng. Nhớ chăng non nước Hương Bình
Có những ngày xanh lưu luyến bao tình, vương mối tơ mành!
Hàng cây soi bóng nước gương, thuyền xa đậu bến Tiêu Tương,
Lưu luyến thay phút say hương dịu hiền
Nhưng thoảng nghe khúc ca “Nam bình” sầu than!
Như nức nở khóc duyên bẽ bàng!
Rời Huế, Dương Thiệu Tước vào Sài Gòn làm chủ sự phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh Sài Gòn. Thời gian này ông sáng tác được nhiều bản nhạc có giá trị được mọi người yêu thích như: Ngọc Lan, Bóng chiều xưa, Thiếu niên xuân khúc và bài Chiều phổ thơ Hồ Dzếnh.
Vào thập niên 60 và 70, Dương Thiệu Tước được mời dạy guitare classique tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong hai thập niên dạy đàn, ông đã đào tạo được nhiều học trò giỏi, sau này là những danh cầm của thành phố.
Sau ngày 30-4-1975 một vài năm, Dương Thiệu Tước về cư ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh mở tại nhà một lớp dạy guitare classique rất đông học trò.
Ngoài những tác phẩm chính như Tiếng xưa, Đêm tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Ước hẹn chiều thu Dương Thiệu Tước còn có những bài nói lên tinh thần đạo đức Việt Nam như bài Ơn nghĩa sinh thành, hoặc những bài nói lên những rung động giữa con người với con người, con người và thiên nhiên như Trời xanh thẳm, Vầng trăng sáng, Thuyền mơ, Bến xuân xanh, Dưới nắng hồng…
Dương Thiệu Tước qua đời ngày 1-8-1995, hưởng thọ 81 tuổi.
Hoài Anh
Nguồn: Danh sĩ Hà Nội. Tác giả: Hoài Anh. 
Di cảo, sẽ xuất bản.
Theo https://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Giao xuân – Chùm thơ của Hồng Hạnh 1 Tháng Hai, 2022 Xuân tơ Xuân tơ mưa bụi giăng bay Ghé môi hôn cánh đào đầy mộng mơ. Véo v...