Dặm trường một đóa hồng phai
Nước non ngàn dặm ra đi
N
|
àng giã từ quê hương, mang theo hành trang nước mắt, dặn
lòng quên đi nỗi niềm riêng, trung trinh gánh trên vai liễu trọng nhiệm đất nước.
Lênh đênh nghìn dặm làm vợ người, mang về vùng đất mới cho cơ nghiệp nước nhà để
rồi đêm về châu lệ ngàn hàng, lẻ loi thân quế nơi xứ lạ. Hàng trăm năm sau,
công tích của nàng hậu thế ghi tạc trong tim dân châu Ô, châu Lý ngày nào. Tên
nàng theo con dân xuống biển, tiếng gọi nàng còn vương trên non thẳm, tóc nàng
còn mướt xanh ruộng đồng. Nàng đi vào lịch sử cùng giấc mộng buồn, cùng đền
đài, bia đá, tháp ngà, con đường mang tên. Phận nàng như Chiêu Quân cống Hồ,
công lao của nàng không sách vở nào luận hết chữ. Nàng là công chúa Huyền Trân,
người Mẹ Xứ Sở của cư dân Thuận Quảng.
Như lệ hằng năm, những ngày giêng hai tôi cùng chúng bạn đi về
hướng Ngũ Phong, nương theo tiếng chuông ngân vọng từng hồi trên núi xa. Dọc đường
hoa anh đào nở rộ, khoe từng dải trắng hồng trên cành xanh. Trời vào xuân, trải
gấm hoa từng lối nhỏ quanh co. Đền Huyền Trân thâm u dựa vào chân núi, bốn bề rừng
thông phủ kín, cảnh trí thanh tịnh. Chúng tôi thành kính dâng hương tưởng niệm
công chúa Huyền Trân giữa khói hương nghi ngút, lồng trong tiếng chuông lần giấc
nguyện cầu. Chợt thấu hình ảnh ai đi trong gió trong sương, trên con đường xa
xôi ngàn dặm. Thuyền chèo mái nước, lòng còn vương vấn cung khuê. “Ngó ra quê
cha đường xa sông rộng/ Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao”, đường chia ly từ đây
chôn vùi mộng ước.
Huyền Trân công chúa (1287 - 1340) là một nhân vật lịch sử để
lại nhiều công lao và huyền thoại mở cõi vào thời nhà Trần. Mặc dù thân lá
ngọc cành vàng nhưng công chúa có số phận khá trắc trở, chông chênh. Năm lên
sáu tuổi đã mồ côi mẹ, vua cha Trần Nhân Tông bận rộn việc giang sơn nên cũng
không có nhiều thời giờ dành cho con cái. Huyền Trân suốt một đời cô quạnh, chồng
chết, lìa con, cuối cùng thoát tục an phận ni sư. Nói về đức vua cha Trần Nhân
Tông đã có công hai lần đánh bại giặc Nguyên Mông xâm phá giang sơn, thu vén
bang giao với vua Champa là Chế Mân, lo xong đại cục lại náu thân mình chốn thiền
môn để tu tập. Đức Phật Hoàng đã tính kế dài lâu, tạo sự hòa hiếu nên đã đích
thân vân du phương Nam vào năm 1301, vào trại Bố Chính, lập am Tri Kiến, nay là
vùng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, vừa trú ẩn, vừa đợi thời gian sang tận kinh đô Đồ
Bàn để mạn đàm với Chế Mân mưu sự lớn. Người nhận ra thế liên hoàn để phòng thủ
đất nước về phía Nam và cơ hội Nam tiến của dân Việt nên đã xuất ngôn hứa gả
công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Chế Mân. Năm năm sau, Huyền Trân công chúa vừa
trưởng thành đã rời đất kinh kỳ theo hôn ước của vua cha, dâng hiến thanh xuân
cho sự nghiệp mở nước, đem về cuộc đất vuông ngàn dặm, gieo thái bình cho muôn
dân. Công chúa xứng đáng là Vị Nữ Thần Anh Thư Nước Việt. Trước sự kiện trọng đại
ấy, vua Chế Mân đã cắt đất làm sính lễ là hai châu Vuyar và Ulik kể từ nam sông
Hiếu (Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ngày nay) vào đến bắc sông Ngũ Bồ (sông Thu Bồn,
tỉnh Quảng Nam bây giờ).
Món quà cưới ấy đã tạo cơ hội mở rộng lãnh thổ, còn mãi đến hôm nay. Kéo theo đó là những con dân Đại Việt đầu tiên từ trấn Hải Dương, Nam Định, vùng Thanh - Nghệ đã vào tiếp quản đất đai hai châu Ô, Lý, lập làng lập ấp. Năm 1307, vua Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài vào dẹp loạn ở các sách La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng, chiêu phủ dân chúng, đổi đất Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu. Thuận Châu là dải đất gồm các phủ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) và các huyện Phong Điền, Quảng Điền (Huế) ngày nay. Hóa Châu là dải trải dài từ huyện Hương Trà, đến Điện Bàn ngày nay, bao gồm cả hai thành phố Huế và Đà Nẵng. Đoàn Nhữ Hài là bậc tài trí, có nhiều chính sách kinh bang, hỗ trợ trăm họ hai châu Thuận, Hóa được an cư lạc nghiệp, biết chọn lựa và tin dùng người tài để rồi từ đó phát triển vùng đất “Ô châu ác địa” trở nên trù phú, đông vui. Tuy vậy, thời kỳ này, những nhóm người cư dân đầu tiên ấy sống trong tình hình chưa ổn định vì đất Thuận Hóa lúc ấy là miền biên cương phía nam của quốc gia Đại Việt, nơi thường diễn ra nhiều cuộc tranh chấp với Champa sau khi Chế Mân mất. Đến thời Hậu Lê thì các hạng quan chức, lính tráng được cử vào trấn giữ và mở mang bờ cõi phía Nam. Những người trong gia đình, kẻ hầu người hạ đi theo họ khiến cho thành phần dân cư thêm đông đúc. Nhiều làng xã hình thành với số lượng cư dân nhiều lên qua từng ngày. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Quảng (năm 1558), trong ý đồ xây dựng Đàng Trong để cát cứ, đất Thuận Hóa có sự phát triển mới. Được lệnh vào Nam, những bề tôi, đồng hương nghĩa dũng ở Tống Sơn (Thanh Hóa) và các vùng Nghệ - Tĩnh đã đi theo ông rất đông, đây chính là lực lượng hùng hậu bổ sung cho việc khai hoang lập làng, xây dựng và mở mang vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân.
Món quà cưới ấy đã tạo cơ hội mở rộng lãnh thổ, còn mãi đến hôm nay. Kéo theo đó là những con dân Đại Việt đầu tiên từ trấn Hải Dương, Nam Định, vùng Thanh - Nghệ đã vào tiếp quản đất đai hai châu Ô, Lý, lập làng lập ấp. Năm 1307, vua Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài vào dẹp loạn ở các sách La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng, chiêu phủ dân chúng, đổi đất Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu. Thuận Châu là dải đất gồm các phủ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) và các huyện Phong Điền, Quảng Điền (Huế) ngày nay. Hóa Châu là dải trải dài từ huyện Hương Trà, đến Điện Bàn ngày nay, bao gồm cả hai thành phố Huế và Đà Nẵng. Đoàn Nhữ Hài là bậc tài trí, có nhiều chính sách kinh bang, hỗ trợ trăm họ hai châu Thuận, Hóa được an cư lạc nghiệp, biết chọn lựa và tin dùng người tài để rồi từ đó phát triển vùng đất “Ô châu ác địa” trở nên trù phú, đông vui. Tuy vậy, thời kỳ này, những nhóm người cư dân đầu tiên ấy sống trong tình hình chưa ổn định vì đất Thuận Hóa lúc ấy là miền biên cương phía nam của quốc gia Đại Việt, nơi thường diễn ra nhiều cuộc tranh chấp với Champa sau khi Chế Mân mất. Đến thời Hậu Lê thì các hạng quan chức, lính tráng được cử vào trấn giữ và mở mang bờ cõi phía Nam. Những người trong gia đình, kẻ hầu người hạ đi theo họ khiến cho thành phần dân cư thêm đông đúc. Nhiều làng xã hình thành với số lượng cư dân nhiều lên qua từng ngày. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Quảng (năm 1558), trong ý đồ xây dựng Đàng Trong để cát cứ, đất Thuận Hóa có sự phát triển mới. Được lệnh vào Nam, những bề tôi, đồng hương nghĩa dũng ở Tống Sơn (Thanh Hóa) và các vùng Nghệ - Tĩnh đã đi theo ông rất đông, đây chính là lực lượng hùng hậu bổ sung cho việc khai hoang lập làng, xây dựng và mở mang vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân.
Sau sự kiện Huyền Trân, khắp vùng Thuận Hóa, nhiều miếu mạo,
đền thờ đã được lập lên để tưởng nhớ Huyền Trân công chúa. Suốt ba tỉnh Quảng
Trị, Huế, Đà Nẵng ngày nay vẫn còn một số di tích liên quan đến tục thờ này. Ở
Quảng Trị, làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong cũng thờ Huyền Trân
công chúa. Xưa nằm ở Bèng, là vùng đất cao ráo, thoáng đãng. Dân làng rất tôn
kính, hằng năm đều làm lễ nghinh thần. Tuy vị trí miếu có thay đổi vào ngày nay
nhưng tâm thức người dân vẫn một lòng tri ân hướng về. Ở làng Kim Đâu thuộc xã
Cam An, huyện Cam Lộ có di tích miếu thờ Huyền Trân công chúa. Theo dân làng,
miếu ngày xưa được xây dựng bằng gạch theo lối vòm cuốn thành ba tầng khá bề thế,
mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm. Miếu có tam quan, sân gạch, cây xanh rợp
bóng. Thời chiến tranh chống Mỹ, miếu thờ đã bị phá hủy. Sau chiến tranh, vào
năm 1978, dân làng góp sức phục dựng tạm lại miếu thờ để hương khói và xây dựng
lớn vào năm 1998, 2010.
Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng miếu Huyền Trân ở Kim Đâu là miếu thờ Bà Chúa Ngọc, một vị nữ thần của người Champa là Po Nagar. Vấn đề này được cắt nghĩa như là một hiện tượng giao thoa văn hóa Việt - Chăm thường gặp ở các làng xã miền Trung. Vốn đó là miếu thờ vị nữ thần Champa có tên gọi miếu Bà Chúa Ngọc, hay miếu thờ bà Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi khi người Việt vào tiếp quản đất vẫn tiếp tục thờ cúng hoặc phối thờ hoặc trên nền tảng đó tôn tạo một danh xưng mới. Những ngôi miếu này thường được người Việt dựng lên bên trên các phế tích đền tháp Champa, nơi linh thiêng của các làng. Vì lẽ đó, dân làng Kim Đâu cũng thờ phụng Huyền Trân công chúa theo motif nói trên. Điều này biểu hiện tấm lòng của hậu thế, rất đáng khen ngợi. Huyền Trân công chúa có một vị trí đặc biệt trong văn hóa, tâm thức, tín ngưỡng của người dân Quảng Trị và cả vùng Thuận Hóa xưa.
Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng miếu Huyền Trân ở Kim Đâu là miếu thờ Bà Chúa Ngọc, một vị nữ thần của người Champa là Po Nagar. Vấn đề này được cắt nghĩa như là một hiện tượng giao thoa văn hóa Việt - Chăm thường gặp ở các làng xã miền Trung. Vốn đó là miếu thờ vị nữ thần Champa có tên gọi miếu Bà Chúa Ngọc, hay miếu thờ bà Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi khi người Việt vào tiếp quản đất vẫn tiếp tục thờ cúng hoặc phối thờ hoặc trên nền tảng đó tôn tạo một danh xưng mới. Những ngôi miếu này thường được người Việt dựng lên bên trên các phế tích đền tháp Champa, nơi linh thiêng của các làng. Vì lẽ đó, dân làng Kim Đâu cũng thờ phụng Huyền Trân công chúa theo motif nói trên. Điều này biểu hiện tấm lòng của hậu thế, rất đáng khen ngợi. Huyền Trân công chúa có một vị trí đặc biệt trong văn hóa, tâm thức, tín ngưỡng của người dân Quảng Trị và cả vùng Thuận Hóa xưa.
Những chiều hè về chơi cửa Tư Hiền, một địa danh gắn liền với
trang sử Huyền Trân. Cửa biển trước có tên rất nổi tiếng suốt thời trung đại,
được nhiều bậc danh nhân đề thơ vịnh cảnh với cái tên Tư Dung hải khẩu. Cửa biển
Tư Dung trước kia thuộc về vương quốc Champa, đời Lý gọi là cửa Ô Long. Cái tên
Tư Dung có từ thời Trần, do lòng kính vọng công trạng của Huyền Trân công chúa
mà đặt nên. Khi xuất giá sang nước chồng, đoàn đưa công chúa Huyền Trân đã dừng
chân ở đây và công chúa quay mặt bái vọng tổ tiên. Người đời sau dùng hai chữ
Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này nhằm tưởng nhớ công ơn nàng công chúa đã hy
sinh hạnh phúc riêng tư để mang cuộc đất mới về cho đất nước. Tư là nghĩ đến,
tưởng nhớ đến; Dung là nét mặt, dung nhan, ý chỉ nàng công chúa nhà Trần xinh đẹp.
Cửa biển xưa qua ghi chép khá chi tiết trong cuốn Đại Nam nhất thống
chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn về cửa Tư Dung rằng: “Xưa
kia, cửa nguyên ở chỗ gần núi, cách phía nam cửa bây giờ chừng 5 dặm. Tương
truyền, vài trăm năm trước đây, cửa cũ rất sâu rộng, ghe thuyền rất thuận tiện
vào ra”.
Năm 1811, có lụt lớn, cửa biển Tư Dung bị lấp cạn dần và một
cửa biển mới hình thành ở vị trí của cửa biển Tư Hiền hiện nay. Đến năm 1823, cửa
Tư Dung bị lấp cạn đến độ có thể lội qua. Năm 1844, lụt lớn, cửa bị lở rồi lại
bồi. Khi cửa Tư Dung là cửa cũ, bị bồi lấp, cửa Tư Hiền là cửa mới mở. Tên cửa
Tư Hiền là do vua Thiệu Trị đặt và cho đó là điềm lành vì khi cửa lấp, kẻ địch
không đánh thọc nách kinh thành được, bèn đổi tên cửa Tư Hiền cho đến ngày nay
vẫn quen gọi vậy. Tên Tư Hiền ý là không còn hiểm nguy với sóng to gió lớn,
mong cầu cơ nghiệp nhà Nguyễn đang được ý trời giúp cho muôn thuở bền vững.
Lại nói chuyện, sau khi sứ bộ nhà Trần do Trần Khắc Chung dẫn
đầu vào cứu giá Huyền Trân khỏi nạn bị thiêu sống theo vua Chế Mân sau khi vị
vua này băng hà như luật lệ của vương triều Champa hồi đó. Công chúa được cứu
thoát và đưa lên thuyền về lại Thăng Long nhưng con của người mới vài tháng tuổi
thì không mang theo được, mẫu tử phải chịu cảnh chia lìa. Do thời tiết xấu,
đoàn đi rất chậm và lại về nghỉ ở Hóa Châu chờ cho gió ngừng, mưa tạnh.
Quan dân Hóa Châu đã vui mừng đón tiếp. Trước khi rời khỏi miền đất Hóa Châu,
thuyền ra cửa biển Tư Dung, Huyền Trân sai dừng chèo rồi công chúa lên một ngọn
núi cao nhô ra biển, đứng trông về phía Đồ Bàn nuốt lệ, thương con. Dưới triều
Quang Trung, Ngô Thì Nhậm miêu tả lại trong bài “Hầu thuyền ngự qua phá Hà
Trung, kính ghi” về ngọn núi đó rằng: “trên núi Linh Sơn buổi ấy, Huyền
Trân trở về nước, lên đây trú bão, có cho xây một cây tháp, lúc ta hầu Thánh
thượng lên núi thì tháp vẫn còn. Chính ông gọi là “Đảo Huyền Trân”. Ông
còn viết nên bài thơ “Mưa đêm trên đảo Huyền Trân” với những lời thống thiết: “Huyền
Trân ứa lệ tuôn sầu hận/ Xóm bến thâu đêm lã chã rào.”
Trời đất cũng khóc thay cho nỗi sầu nhân thế, cho thuyền
quyên phận nổi trôi không bến bờ. Ngô Thì Nhậm đã đồng cảm, thương thay một kiếp
cành vàng. Từ đó vùng duyên hải Phú Lộc, ngày nay thuộc các xã Vinh Hiền, Vinh
Hải, Vinh Giang, Vinh Mỹ, Vinh Hưng, được gọi tên là đảo Huyền Trân.
Công chúa Huyền Trân đi vào lòng muôn dân sâu đậm, khảm vô
vàn vết hoa lên vòng quay lịch sử. Tôi người làng Thần Phù (Hương Thủy, Huế) được
người lớn đọc cho nghe câu ca dao cửa miệng của một thời: Lênh đênh cửa biển
Thần Phù/ Kheo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Tiên tổ làng tôi theo tiếng gọi chiêu dân lập ấp đã dựng nghiệp
trên đất làng Thần Phù ngày nay và đặt tên làng theo tên cũ của quê hương bản
quán ngoài Bắc. Tên làng Thần Phù được đặt tên theo các địa danh Thần Phù ở hai
tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đã gắn bó với người dân Nam tiến trên vùng đất mới. Mới
hay, “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, xa cách nghìn dặm vẫn chung cội nguồn. Lại
nhắc đến Huyền Trân công chúa, không một người dân Việt nào trên vùng Thuận Quảng
quên ơn nàng. 600 năm sau, một người làng tôi là cụ Võ Chuẩn đã cảm khái viết
nên thi phẩm để đời:
Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi?/ Mượn màu son phấn/ Đền
nợ Ô Ly/ Đắng cay vì/ Đương độ xuân thì/ Độ xuân thì/ Cái lương duyên, hay là
cái nợ duyên gì?/ Má hồng da tuyết/ Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết/
Vang lộn theo chì.../ Đặng vài phân/ Vì lợi cho dân/ Tình đem lại mà cân/ Đắng
cay muôn phần.
Bài thơ sau được cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đưa vào điệu Nam
Bình, lưu truyền hậu thế. Cụ Võ Chuẩn, sinh năm 1895 tại làng Thần Phù, dòng
dõi họ Võ khoa bảng nổi tiếng. Ông bắt đầu nhậm chức Tỉnh trưởng tại Kontum, một
tỉnh nhỏ miền thượng du, rồi cứ mỗi vài năm lại đổi đi một tỉnh lớn hơn. Chức vụ
cao nhất cuối cùng của ông là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, phong hàm Thượng thư,
chánh nhị phẩm. Lúc sinh thời, Võ Chuẩn đã làm nhiều thơ, văn, phú, câu đối,
văn tế,... với bút hiệu Thạch Xuyên. Tập Thạch Xuyên thi tập của cụ là do con
cháu gom góp, để giữ lại dấu tích, cuộc đời và tâm sự của bậc trưởng thượng
kính yêu. Thi phẩm Nước non ngàn dặm đã đi cùng câu hò, điệu hát, thấm nhuần vẻ
đẹp cao khiết của người con gái đã hy sinh bản thân đem lại lợi ích chung cho
dân tộc. Chỉ một câu “nước non ngàn dặm ra đi” đủ gieo vào lòng người sự khắc
khoải, cảm thương cho một phận má đào. Từ đây, nàng biệt kinh kỳ, cuộc đời sang
trang mới với những trầm luân phía trước. Nước non ngàn dặm xa quá, mắt người
không thấy điều gì phía trước như số phận, như lịch sử. Một cuộc sống không thể
chọn lựa, không vì tình riêng, chịu hy sinh cái tôi nhỏ bé, mỏng manh để hiến
dâng cho đại cục. Sử nhà Trần còn chép truyện An Tư công chúa hiến mình cho giặc
Nguyên Mông, góp công đánh thắng quân địch ra bờ cõi. Sử nhà Nguyễn thương nhớ
công chúa Ngọc Vạn buộc phải gả cho vua Chân Lạp để ổn định cuộc đất phía Nam.
“Cái tình chi”, chẳng thể giãi bày, chẳng ai thấu hiểu. Xuân xanh ấy chưa từng
có ý trung nhân, giờ làm vợ người, như mối lương duyên của hai quốc gia. Tình
này là tình gì, đắng cay không sao kể xiết. Một đời nữ nhân, một cành vàng lá
ngọc đã được “mượn màu son phấn” để “đền nợ Ô Ly”. Câu thơ đã minh tường tất cả
cho chữ duyên trước thế cuộc. Hai từ “đền nợ” quả xót xa cho má hồng da tuyết,
làm sao cân đo nổi công tích ấy. Dưới điệu Nam Bình, bài thơ thật ngân nỗi bi
ai.
Hơn nửa thế kỷ sau, cảm tác từ con đường thiên lý Bắc Nam, nhạc
sĩ Phạm Duy một lần nữa đã đưa Huyền Trân công chúa vào trong trường ca Con
đường cái quan của mình. Đó là phần hai “Qua miền Trung” của trường
ca, lấy tiêu đề “Nước non ngàn dặm ra đi” từ ý thơ nói trên để nhắc nhớ về
một gương nữ liệt. Từ âm sắc của nhạc mà nhớ đất nhớ nước, nhớ người đem lại
cho mình giang sơn, bờ cõi. Người nghe có thể dùng tư duy của trường phái miêu
tả hay ấn tượng để thụ nhận theo cảm quan âm nhạc, nhưng là con dân đất Việt tiếng
lòng đủ để hiểu âm sắc ấy. Chúng ta hóa mình vào vai người lữ khách với một
trái tim và đôi chân đi ngàn dặm từ Bắc chí Nam, dừng chân đứng lại giữa khúc
ruột miền Trung mà nghe kể chuyện tình nước non. Người đã đi theo dấu chân Huyền
Trân: “Năm tê trong lúc sang Xuân/ Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường/
Đường máu xương đã lắm oán thương/ Đổi sắc hương lấy cõi giang san”.
Cả dặm trường ấy là máu xương, nước mắt, những oán thương biết
bao giờ nguôi. Những cơn biến động làm tháng năm lạnh lùng, người nhớ kẻ mong
thái bình. Câu “Đổi sắc hương lấy cõi giang san” chỉ bảy chữ đã nói được trọn vẹn
chuyện Huyền Trân.
Người lúc đi chậm, khi hối hả, có lúc ngừng lại để đánh giặc
trong một nét nhạc mang âm hưởng dân ca. Đi theo Huyền Trân công chúa thì kịp đến
đất Quảng Trị, Huế. Lời ca vang lên tha thiết:
Nước non ngàn dặm ra đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cô lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương nhớ người
Có con đường nào dài bằng lòng thương nhớ vô biên. Công chúa
Huyền Trân đã “Bước đi vào lòng muôn dân” từ hành trình ngàn dặm của mình. Sự
đi của nàng đã kéo dài đất nước, kéo dài lịch sử, mang lại thái bình, ấm no.
Dân mình đã sống trong chiến tranh loạn lạc, đau thương với bao nhiêu hy sinh,
chia ly, mất mát. Bao nhiêu trận chiến, bao thân người ngã xuống cũng không thể
mang lại một sự mở cõi vẹn toàn như một bước đi của Huyền Trân công chúa.
Nàng đã nguyện rằng:
“Tôi đi theo bước ái tình/ Đi cho trăm họ được hòa bình ấm
no”. Bản in năm 1965 đã để lại lời ngoài khuôn nhạc: “Công chúa Huyền Trân
muốn nói rằng con đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào
lòng người. Nàng mong lữ khách mau nối tiếp công việc đi vào Đất nước và lòng
người của nàng khi xưa”. Nàng đã thực hiện được “Ước nuôi dần hòa bình trong ái
ân” để dân tộc mình không phải oằn mình lên gánh nạn binh đao. Hòa bình trong
ái ân là nền hòa bình ngọt ngào mà mong manh.
Nàng đã bước chân đến xứ sở của “những ánh tháp vàng” để
rồi chỉ một mùa tang là hương sắc tan”. Tất cả trôi đi như chớp mắt, nàng trinh
nữ mơ màng ngày nào giờ đứng trước sóng gió con tạo xoay vần, để rồi Phạm Duy kết
thúc trong nhớ tiếc khôn khuây: “Mới hay tình nhẹ như tơ/ Mộng ngoài biên
giới mơ hồ/ Chẳng ngăn đuợc sóng vỗ bờ/ Với đêm mơ hồn về trên tháp mơ”.
Thanh xuân theo đó tàn phai, cả tình cũng nhẹ như tơ, thoáng
đến thoáng đi như nắng sớm chiều. Về lại Thăng Long, Huyền Trân gửi mộng mơ hồ
bên kia biên giới nhớ những ngày vui vầy ngắn ngủi, nhớ chồng nhớ con đã xa
cách nghìn trùng. Đời thế tục dừng lại đó khi theo dạy bảo và di mệnh của Đức
Phật Hoàng, sau khi Ngài viên tịch, Huyền Trân xuất gia đầu Phật tại núi Trâu
Sơn, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, dưới sự ấn chứng và chỉ dạy của Quốc sư Bảo Phác,
ban cho Huyền Trân pháp danh Hương Tràng. Ni sư Hương Tràng là người thông tuệ,
chỉ vài năm ngắn ngủi đã am hiểu kinh, luật, luận. Cuối năm Tân
Hợi, 1311, Hương Tràng lúc ấy vừa tròn 24 tuổi, được Quốc sư Bảo Phác
phái về tu tại chùa Nộn Sơn thuộc làng Hổ Sơn (Nam Định). Những năm Huyền Trân
tu ở chùa Hổ Sơn nhiều lần tìm về làng Thái Đường, nơi có lăng mộ tiên tổ là ba
vua đầu triều Trần và đền thờ thân mẫu của Bà. Ở Thái Đường, Huyền
Trân dạy dân biết cách trồng dâu, dệt vải theo lối người Chiêm. Người cũng đã
gom vàng mua đất cúng cho 36 làng xã để con dân có thêm đất trồng trọt, sau dân gọi
những mẫu ruộng ấy là “ruộng vàng”. An cư chốn thiền môn, mặc
cho trăng dọi trước thềm, mặc cho gió ngoài hiên thầm thì chuyện cũ lặng lẽ
trôi đi. Nàng công chúa ngày nào đã tuyết sương nhuộm trắng mái đầu, một câu A
di đà Phật độ nguyện cầu chúng sinh. Hơn 30 mùa an cư, giáo hóa dân chúng, Huyền
Trân công chúa - Ni sư Hương Tràng đã viên tịch vào đêm mồng Chín
tháng Giêng, năm 1340, khi vừa bước qua tuổi 53. Nhớ ơn người, sau này dân làng
Thái Đường đã tôn làm Mẫu Huyền Trân và dựng ngôi chùa Cả ở gần bờ sông Thái Sư
để thờ - nay dấu tích vẫn còn. Dân làng Dành lập ngôi đền thờ Huyền Trân, phong
làm Thành hoàng. Và nay, khắp đất nước ta, nhiều đền thờ Huyền Trân đã được lập
nên.
Hơn 700 năm qua, chuyện Huyền Trân công chúa vẫn còn đó nỗi
niềm. Dọc đường thiên lý sớm hôm, đi qua đèo cao nghe gió vi vu, nhớ lại chuyện
tình nước non một thuở mở cõi xưa. Tình này là tình chi?! Còn đây gót hài nhuốm
bụi quan san trên con đường ảo ảnh về Nam. Trong bộn bề huyền sử, nghe gió mưa
hàn huyên về đêm cuối cuộc đi xanh màu bờ cõi. Nước non ngàn dặm ra đi,
tôi ngân nga mãi câu hát, hồn trải mênh mông cùng núi biển sông hồ, để giọt thời
gian nghiêng xuống quê hương xứ sở.
Lê Vũ Trường Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét