Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Mùa hoa ban Tây Bắc

Mùa hoa ban Tây Bắc
Nếu tháng 12 hoa cải ngự trị ở khắp các nẻo đường Mộc Châu, tháng 2 là thời gian hoa mận, hoa đào, hoa mơ khoe sắc thì du khách đi du lịch Mộc Châu vào tháng 3 sẽ có cơ hội được ngắm nhìn mùa hoa ban nở trắng núi rừng.
Hoa ban nở khi cơn mưa phùn cuối mùa níu kéo mùa xuân ở lại, khoảng tháng 3 dương lịch hàng năm. Từ lâu hoa ban đã được coi là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp của nó được ví như vẻ đẹp của người con gái vùng cao, giản dị và thuần khiết. Hơn nữa nó còn mang trong mình câu chuyện tình yêu hết sức cảm động. Hơn nửa thế kỷ trước người ta thấy hoa ban nở rộ nhiều trong các trang ký của nhà văn Nguyễn Tuân. Cây ban thân mộc, cành uốn khúc khẳng khi như được tạo ra từ bàn tay tạo dáng của nghệ nhân.  
Vào mùa đông, cây ban rụng hết lá dồn nhựa sống để trỗi dậy vào mùa xuân. Mùa xuân ấm áp về, cây ban đâm chồi nảy lộc. Lá ban có hình móng giò như hai hình trái tim đặt cạnh nhau, lá ban mọc lưa thưa chứ không rậm rạp như các loài cây khác. Sức sống của cây ban khiến người ta phải nể phục. Cho dù là đồi có gianh khô cằn hay vách đá cheo leo, cứ qua thời gian đốt nương là nó trỗi dậy mạnh mẽ.
Hoa ban bắt đầu nở lác đác vào đầu mùa xuân, khoảng tháng 3, nở rộ nhất vào đầu tháng 4 và lụi tàn khi tháng 5. Khi hoa trên cây bung nở hết nó che lấp hết lá ban, trông từ xa cả cây hoa ban như một cây kẹo bông cỡ lớn vô cùng đẹp mắt. 
Khắp vùng Tây Bắc nơi nào cũng có hoa ban nhưng ít nơi có cây ban già, hoa ban to, nhiều và đẹp như ở Mộc Châu. 
Hoa ban không chỉ đẹp mà còn được đồng bào dân tộc vùng cao sử dụng như một thứ rau sạch để chế biến thành các món ngon như canh hoa ban, nộm hoa ban, măng đắng xào hoa ban…
Trăm năm ngắm hoa ban nở còn mãi mãi.
Mỗi mùa ban lại thêm trẻ ra, không già!

(Dân ca Thái)

Hàng nghìn đời nay, hoa Ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hoá - tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy, với những trò chơi thú vị hái hoa Ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa Ban vào mỗi độ xuân về.     
Hoa ban là biểu tượng kiêu hãnh trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc bởi đó là biểu trưng cho sự thuần khiết, trong trắng của người phụ nữ, cũng là biểu  tượng cho cuộc sống hạnh phúc, tình yêu và cả sự no ấm, tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, sự tôn kính các vị thần linh…   
Hoa ban trong tiếng Thái có nghĩa là “hoa ngọt”.  
Sự tích của loài hoa này - Chuyện kể rằng xưa kia nàng Ban và chàng Khum thông minh yêu nhau. Nhà chàng ở cách nhà nàng một dãy núi, đêm đêm chàng vẫn vượt qua mấy đoạn đường rừng, lội qua mấy suối tìm đến nhà nàng để tỏ tình đôi lứa và hẹn nhau ngày cưới. Nhưng tội nghiệp thay, bố mẹ nàng không chấp thuận cho nàng lấy chàng trai nghèo khổ. Giãi bày mãi mà cha mẹ không chấp nhận, vào một buổi sớm mùa xuân, nàng bỏ nhà ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi hết đồi này núi kia, hết ngày này đến ngày khác mà vẫn không tìm được chàng. Đi mãi cho đến khi nàng gục xuống và hóa thân vào đất, nơi nàng nằm xuống đã mọc lên muôn ngàn cây hoa cứ đến mùa xuân là bừng nở ra vô vàn cánh hoa trong trắng nõn nà ngan ngát hương thơm như gương mặt, như búp tay, như thân thể của nàng. Chàng Khun khi đến nơi hò hẹn ở nhà nàng nhưng không thấy nàng đâu, chỉ thấy chiếc khăn piêu để lại. Biết chuyện chẳng lành chàng vội chạy đi tìm nàng. Chạy hết đồi nọ, núi kia, chàng gọi nàng đến khản cổ mà không thấy tiếng nàng đáp lại. Chàng gọi mãi cho đến khi kiệt sức và biến thành con chim Lộc Khum. Từ đấy mỗi khi mùa xuân về hoa ban nở trắng rừng, chim Lộc Khum lại hót, chim hót gọi nàng suốt một mùa hoa.
Cũng về sự tích hoa ban, người Thái lại có câu chuyện cảm động rằng: Để tỏ lòng thương tiếc Chương Han - người anh hùng dân tộc dám chống lại các thế lực đàn áp, độc ác - nhân dân buộc những mảnh khăn tăng lên các cành cây. Về sau, thời gian như có phép nhiệm màu đã hoá những mảnh khăn tang thành những đoá hoa Ban trắng trong, tinh khiết.     
Cây ban mọc khắp nơi trên cao nguyên nhưng không được trồng thành từng cánh đồng như hoa cải và hoa mận. Để ngắm được hoa ban đẹp du khách sẽ phải đi dọc theo đường từ thị trấn Mộc Châu về thị xã Sơn La.
Nguồn: Internet
Theo https://truongtayson.net.tf/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...