Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Người lưu giữ cội nguồn Phú Quốc

Người lưu giữ cội nguồn Phú Quốc
Giữa mùa mưa, từ Hà Tiên, chúng tôi vượt biển ra đảo Phú Quốc, tìm đường đến khóm I - thị trấn Dương Đông để thăm anh Huỳnh Phước Huệ, một doanh nhân thành đạt, chủ nhân của Bảo tàng Cội nguồn. Ở đây, người ta gọi anh bằng nhiều tên khác nhau như Huệ bảo tàng, Huệ gỗ lũa, Huệ ngọc trai, v.v… Đó là những cái tên ít nhiều gắn liền với ngành nghề hay các mặt hàng có liên quan đến công việc kinh doanh của anh.
Giữa câu chuyện với người xứ đảo này, anh hay nhắc: Dù có làm gì thì trước sau, tôi vẫn là con dân của Phú Quốc. Có lẽ chính tâm nguyện nầy đã khởi đầu cho việc anh làm Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Tây, nơi lưu giữ cội nguồn Phú Quốc đang trở nên nổi tiếng…
"Dù có làm gì thì trước sau, tôi vẫn là con dân của Phú Quốc" - Có lẽ chính tâm nguyện này đã khởi đầu cho việc anh Huỳnh Phước Huệ làm Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Tây, nơi lưu giữ cội nguồn Phú Quốc đang trở nên nổi tiếng.
Anh Huỳnh Phước Huệ sinh năm 1973 tại thị trấn Dương Đông thuộc huyện đảo Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang, trong một gia đình đã có ba đời sinh sống ở nơi đây. Năm 1992, 19 tuổi, anh rời Phú Quốc lên Sài Gòn học đại học, ngành quản trị kinh doanh. Sống giữa nơi phồn hoa đô hội, Huỳnh Phước Huệ vẫn không nguôi nỗi nhớ hòn đảo quê hương. Bốn năm ở Sài Gòn, nhớ đảo, anh ấp ủ ý tưởng tìm hiểu cho thấu đáo về xứ sở quê hương mình.
Anh vào các thư viện tìm hỏi mượn sách - báo - tài liệu về Phú Quốc. Cái nào xin được thì xin, không xin được thì anh mượn photocopy. Ngày ra trường, trong hành trang trở lại quê nhà của anh đã có khoảng 300 tài liệu quý hiếm viết về Phú Quốc bằng tiếng Việt - Anh - Pháp - Hán. Ngày nay, số tài liệu này vẫn được cất giữ cẩn thận trong một căn phòng của riêng anh, mà anh gọi là Phòng sách.
15 năm sau ngày Huỳnh Phước Huệ quay lại Phú Quốc và trở nên nổi tiếng với các bộ sưu tập của mình, mỗi khi cần tìm hiểu về Phú Quốc, từ trong đất liền, các nhà nghiên cứu lại vượt biển ra đảo tìm anh để nhờ cung cấp thông tin. Lần nào cũng vậy, Huỳnh Phước Huệ vui vẻ lên Phòng sách, lục lọi trong kho tàng của mình những tài liệu cần thiết và chia sẻ với mọi người. Từng biên soạn một cuốn sách có tên là “Tiềm năng Phú Quốc xưa và nay”, một loại sách cẩm nang dành cho hướng dẫn viên (HDV) du lịch, Huỳnh Phước Huệ hiểu rất rõ giá trị của thông tin cũng như điểm đến của những nguồn thông tin quý giá ấy.
Khi mới trở về Phú Quốc, Huỳnh Phước Huệ vào làm việc ở một số công ty du lịch như công ty Kim Hoa, công ty Hương Biển. Rất nhanh chóng, anh trở thành một HDV dạn dày. Công việc chính của anh là hướng dẫn khách du lịch tham quan quần đảo Phú Quốc. Những chuyến đi đi về về, hết lên rừng lại xuống biển như thế khiến cho tình yêu đối với những vẻ đẹp tuyệt vời của Phú Quốc vốn có trong anh càng thêm sâu sắc.

Anh bắt đầu mơ ước về một Phòng trưng bày các hiện vật có thể thể hiện và lưu giữ được những vẻ đẹp của vùng đất từng được vinh danh là Đảo Ngọc. Thoạt đầu, trong mắt anh, đó mới chỉ là vẻ đẹp của tự nhiên, như hình dáng kỳ lạ của các loại vỏ ốc ven biển, sắc màu đa dạng của các loại cát trên những hòn đảo hoang hay của đá ngoài ghềnh, gốc cây trong rừng, v.v… Càng về sau, anh càng nhận ra rằng, một hiện vật sẽ có vẻ đẹp đích thực khi trong nó chứa đựng, bao hàm được cả những giá trị về lịch sử và văn hóa.
Không bao lâu sau, Huỳnh Phước Huệ trở thành một nhà sưu tập đúng nghĩa. Theo thời gian, các bộ sưu tập của anh dần trở nên phong phú, đa dạng và độc đáo. Mọi khía cạnh giá trị của hiện vật đều được anh tìm hiểu và nghiên cứu cặn kẽ.
Năm 2002, anh cho ra mắt Phòng trưng bày nghệ thuật mang tên Cội nguồn, tiền thân của bảo tàng Cội nguồn ngày nay. 7 năm sau đó, vào ngày 30/4/2009, bảo tàng Cội nguồn chính thức được thành lập.
Gỗ cây bời lời lang ben rất dẻo dai, người Phú Quốc dùng để đóng thùng nước mắm, có thể sử dụng bền tới hàng trăm năm.
Trong số 5.000 hiện vật đang được trưng bày tại đây, có tới hơn 50% là cổ vật, trong đó, Hội đồng thẩm định cổ vật thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang đánh giá rằng có 1.120 cổ vật có giá trị cao, như các loại dụng cụ và rìu bằng đá, xương cá cúi - cá voi, nanh heo rừng, các loài sò - ốc và san hô. Đặc biệt nhất là rêu hóa thạch có tuổi hàng triệu năm.
Đây là bộ sưu tập các loại gỗ quý rừng Phú Quốc, bao gồm 57 hiện vật, trong đó có cây trai - một loại cây dường như chỉ có ở nơi đây - và cây sao đen. Hai loại cây này có gỗ rất cứng, người xưa dùng đóng tàu đi biển.
Gỗ cây bời lời lang ben rất dẻo dai, người Phú Quốc dùng để đóng thùng nước mắm, có thể sử dụng bền tới hàng trăm năm.
Cây trâm kiền kiền là loại cây có vỏ rất đặc biệt, dùng làm vách nhà có thể chịu đựng được qua mấy chục mùa mưa nắng, vân vân…
Từng có người cắc cớ hỏi Huỳnh Phước Huệ: Để có hiện vật trưng bày như thế này, anh chắc đã đốn mất 57 cây gỗ quý trên rừng? Anh Huệ chỉ cười hiền lành, giải thích: Khi xây dựng sân bay Phú Quốc, người ta đã phải đốn hạ nhiều cánh rừng. Đây chính là những gốc cây người ta vứt bỏ, anh lượm về và chế tác thành hiện vật…
Một trong số những bộ sưu tập quý giá và được anh Huệ ưa thích nhất là bộ dụng cụ và rìu đá với hơn 100 hiện vật. Anh Huệ kể lại: Đây là những chiếc rìu và vật dụng bằng đá có tuổi ước tính khoảng 2.500 năm, được những người nông dân sinh sống trong lưu vực sông Cửa Cạn tìm thấy trong quá trình khai phá đất rừng làm rẫy trồng tiêu. Mỗi hiện vật bé nhỏ và xinh xinh như thế này, đều được anh Huệ mua lại với một niềm vui lớn, như anh nói là niềm vui của con dân Phú Quốc…

Mỗi hiện vật bé nhỏ và xinh xinh như thế này, đều được anh Huệ mua lại với một niềm vui lớn, như anh nói là niềm vui của con dân Phú Quốc…
Lý giải nguyên nhân yêu thích đối với bộ sưu tập này, anh Huệ nói: Bởi đó là minh chứng cho biết hơn 2.500 năm trước, trên hòn đảo xa xôi và cách trở với đất liền như Phú Quốc đã có dấu chân của con người tìm đến sinh sống. Đó sẽ là một dữ liệu quý cho các công trình nghiên cứu khoa học về sau này.
Huỳnh Phước Huệ đưa chúng tôi đi tham quan công trình lớn của đời anh. Tại tầng ba, chúng tôi đã dừng lại trước gian trưng bày các hiện vật gốm sứ được ngư dân đảo Phú Quốc vớt lên từ một con tàu đắm ở ngoài khơi.
Bước đầu, người ta đã xác định được rằng đây là gốm Thái có niên đại vào khoảng thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII.
Chủ nhân của bảo tàng này đã trở thành một thuyết trình viên thực sự xuất sắc. Anh am hiểu kỹ lưỡng nguồn gốc, tính chất và giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của các hiện vật. Huỳnh Phước Huệ có một câu nói cửa miệng: Mỗi hiện vật đều có lịch sử, mỗi hiện vật đều có câu chuyện của nó.
Hiện vật gốm sứ được ngư dân đảo Phú Quốc vớt lên từ một con tàu đắm ở ngoài khơi
Xem những hiện vật gốm Thái thế kỷ XV này, thấy gốm còn rất thô, họa tiết trang trí là những đường hoa văn đơn giản, hoặc hình bông hoa, hình chim hình cá đơn sơ, người ta có thể hình dung được phần nào trình độ sống của cư dân vùng Đông Nam Á 500 năm trước.
Với mô hình nhà bếp của người dân đảo Phú Quốc xưa, toàn bộ công trình này, từ cột - kèo cho đến vách - mái đều được dựng bằng những vật liệu tự nhiên tìm thấy trên đảo Phú Quốc.
Vách nhà Phú Quốc xưa được làm bằng vỏ cây trâm kiền kiền. Loại vỏ này có đặc tính gặp nóng thì co lại mà gặp lạnh thì nở ra. Chính vì vậy, vào mùa nắng, vỏ cây kiền kiền co lại, tạo ra các lỗ hổng trên bức vách, giúp gió lùa vào làm mát không gian trong nhà. Đến mùa mưa, khi nước mưa thấm vào vỏ cây, vỏ cây sẽ tự động giãn nở, bít lại các lỗ hổng, giúp ngăn chặn gió lạnh và mưa tạt, giữ ấm cho căn nhà. Ở Cội nguồn, chúng tôi nhận ra rằng, con người xứ đảo đã mang tự nhiên vào cuộc sống một cách thật hài hòa.
Lắng nghe những câu chuyện của Huỳnh Phước Huệ, chúng tôi cảm nhận được điều anh đã nói: Mỗi hiện vật đều chứa đựng bên trong nó một câu chuyện, và người sưu tầm hiện vật như anh chính là người lưu giữ những câu chuyện vượt thời gian.
144 năm về trước, tức là vào năm 1878, cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực bị thất bại. Phú Quốc là điểm dừng chân cuối cùng của ông. Trong một trận quân Pháp truy đuổi, ghe lương của Nguyễn Trung Trực đã bị đánh chìm tại khu vực Ba Trại – Cửa Cạn. Sau ngày ông mất, người dân Phú Quốc lập miếu thờ ông. Không đủ lực để trục vớt chiếc thuyền, gia đình ông bà họ Lâm ở Cửa Cạn đã lặn xuống đáy biển, gỡ mấy mảnh gỗ nhỏ đem về thờ trong miếu.

Mất nhiều lần thuyết phục, Huỳnh Phước Huệ mới được ông bà Lâm đồng ý cho thỉnh lại những tấm ván này. Không chỉ là chứng tích lịch sử , chứa đựng bên trong chúng còn là những câu chuyện kể về tình yêu thiêng liêng của người dân đối với Tổ quốc, với quê hương . Đứng trước những kỷ vật vô giá này, cảm xúc về hai chữ con dân trong chúng tôi là điều có thật. Phú Quốc đã thật vinh dự vì có những con dân như vậy.
Sau khi xây dựng thành công Bảo tàng Cội nguồn, cùng với vợ là chị Phương Đài, anh Huỳnh Phước Huệ phát triển cơ sở của mình thành một hệ thống kinh doanh liên hoàn, bao gồm việc bán vé cho du khách vào tham quan Bảo tàng, bán đồ lưu niệm và trang sức bằng ngọc trai, cung cấp dịch vụ nhà nghỉ và các dịch vụ đi kèm, vân vân… Trong năm qua, chỉ tính riêng việc có 71.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng cũng đã mang lại cho anh chị một nguồn thu không nhỏ.
Trong một lần đến thăm Phú Quốc, dừng chân tại Cội nguồn, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận xét: Đây là một mô hình tuyệt vời. Các hoạt động trong Cội nguồn góp phần nuôi và thúc đẩy lẫn nhau.
Từ ngày Huỳnh Phước Huệ rời trường đại học và quay trở lại quê nhà, đến nay tính ra mới mười lăm năm. Trong việc dựng nghiệp của đời người, mười lăm năm là khoảng thời gian không ngắn cũng không dài, nhưngvới những gì Huỳnh Phước Huệ đạt được thì phải thừa nhận rằng đó là thành công. Trên bước đường lập nghiệp, Huỳnh Phước Huệ có thể đã gặp được nhiều thuận lợi và may mắn, nhưng có một điều chắc chắn, cốt lõi của thành công ấy phải là niềm đam mê và tình yêu mà anh đã dành cho việc lưu giữ các hiện vật hướng về cội nguồn Phú Quốc.
Lắng nghe những câu chuyện của Huỳnh Phước Huệ, chúng tôi cảm nhận được điều anh đã nói: Mỗi hiện vật đều chứa đựng bên trong nó một câu chuyện, và người sưu tầm hiện vật như anh chính là người lưu giữ những câu chuyện vượt thời gian.
Từ khi Bảo tàng Cội nguồn hãy còn là một phòng trưng bày nhỏ, Huỳnh Phước Huệ đã được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chú ý và hết lòng ủng hộ, khuyến khích. Giáo sư Vũ Khiêu và nhà sử học Dương Trung Quốc từng đến thăm phòng trưng bày này và đánh giá rất cao giá trị của các loại cổ vật mà Huỳnh Phước Huệ sưu tầm được cũng như ý tưởng thành lập bảo tàng tư nhân của anh. Giáo sư Vũ Khiêu còn viết tặng anh hai câu thơ:
Chắt lọc tinh hoa kim cổ lại
Nêu cao nguồn cội nước non này.

Đối chiếu các số liệu thống kê, người ta biết rằng, có đến 90% lượng du khách đến Phú Quốc đã ghé thăm Bảo tàng Cội nguồn, trong số đó có khá nhiều chính khách, nhà khoa học và văn nghệ sĩ. Hầu hết đều bày tỏ sự cảm động và ngạc nhiên trước công trình này. Trong Sổ vàng lưu niệm của Bảo tàng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã viết: Tôi hết sức ngạc nhiên và vui mừng vì trên đảo này có một bảo tàng tư nhân mang tên Cội nguồn. Sau khi tham quan, tôi nghĩ rằng, người Việt Nam ta giỏi giang thật. Những ý tưởng qua từng gian trưng bày giúp tôi hiểu hơn về Phú Quốc. Nhà văn Lê Ngọc Minh cũng không tiếc lời để ngợi khen: Thật đáng khâm phục. Đây là công trình di sản nghệ thuật thứ hai mà tôi thấy do sự đam mê và tài năng của một nhà sưu tầm tư nhân có thể làm được. Đó là Phủ Thành Chương ở Hà Nội và Bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc…
Một đời theo đuổi hoài bão, khát vọng và lao động hết mình để đạt tới thành công, Huỳnh Phước Huệ là tấm gương tiêu biểu về một tuổi trẻ dám nghĩ dám làm. Có một câu châm ngôn đã nói: Ngày nào bạn tìm được công việc mình yêu thích, ngày đó bạn không còn phải lao động để mưu sinh. Chúng tôi nghĩ, Huỳnh Phước Huệ thực sự là người hạnh phúc bởi anh đã tìm được cho mình một con đường đi như thế.
Với Đảo Ngọc Phú Quốc, anh là một con dân xứng đáng của quê hương.
PHIÊN BẢN ĐẢO PHÚ QUỐC TRONG BẢO TÀNG CỘI NGUỒN
Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang, Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc được biết đến như một phiên bản của hòn đảo ngọc này.
Bảo tàng Cội nguồn. (Nguồn: metinfo)
Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long và bảo tàng thứ chín trên cả nước mà chủ nhân của nó sau hơn 15 năm dày công sưu tập, đầu tư mới có được.
Bảo tàng Cội nguồn với diện tích 60.000m², là một quần thể đậm tính nhân văn gồm khu bảo tàng giới thiệu điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa của Phú Quốc; khu trưng bày và bán ngọc trai, đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm và các sản vật của Phú Quốc; khu vườn sinh vật cảnh và bảo tồn chó xoáy, đại bàng, các loài chim biển.
Tòa nhà Bảo tàng Cội nguồn cao năm tầng, ấn tượng với hơn 4.000 hiện vật phong phú, đa dạng tái hiện lịch sử hình thành, phát triển đảo Phú Quốc xưa và nay. Trong đó, hơn 1.000 cổ vật đã được các nhà khoa học lịch sử xác định niên đại và giá trị văn hóa cao.

Tầng một trưng bày, giới thiệu về điều kiện tự nhiên đảo Phú Quốc; tầng hai giới thiệu khái quát lịch sử hình thành khai phá và đấu tranh bảo vệ, xây dựng đảo; tầng ba trưng bày, giới thiệu những sưu tập cổ vật, hiện vật sưu tầm tại đảo; tầng bốn trưng bày mô hình tàu đắm, giới thiệu cổ vật được vớt lên từ tàu đắm ở phía đông đảo; tầng năm giới thiệu cuộc sống sinh hoạt đời thường của cư dân đảo Phú Quốc. Cuối cùng là sân thượng bảo tàng để mọi người ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Dương Đông và màu xanh ngút mắt của biển, rừng Phú Quốc.
Cổ vật gốm sứ sưu tầm từ những con tàu đắm quanh đảo. (Nguồn: metinfo)
Anh Huỳnh Phước Huệ, chủ nhân Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc chia sẻ, “Là người con của biển-đảo quê hương, trong cuộc đời mình tôi muốn làm một điều gì đó có ích cho Phú Quốc. Bảo tàng Cội nguồn là một phần công sức của tôi, là thông điệp của Phú Quốc gửi tới bè bạn trong nước và quốc tế giới thiệu lịch sử phát triển đảo du lịch Phú Quốc. Nơi mà tạo hóa ban đã tặng cho một phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, với những sản vật nổi tiếng và con người thật bình dị, giàu lòng mến khách.”
Thật không quá lời khi nói Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc là một phiên bản, một Phú Quốc thu nhỏ trong lòng Phú Quốc. Ở đây có những mẫu hóa thạch của gỗ có niên đại hàng triệu năm, từ khi hình thành đảo cho đến bộ sưu tầm hàng trăm loài ốc, đồi mồi và san hô biển, những mẫu đất đá, các tiêu bản thực vật, động vật trên khắp đảo giúp mọi người như tận mắt thấy được sự phong phú và đa dạng của hệ sinh thái Phú Quốc.
Cụ thể, các loài thực vật cổ đại 250-300 triệu năm tuổi là những bằng chứng về thời gian, chứng minh sự tồn tại lâu dài của hòn đảo ngọc.
Chẳng hạn như những lõi gỗ quý hiếm, gốc cây mai núi, tre gốc, đá cuội, cát vàng, cát trắng và nhiều công trình nghệ thuật bằng gỗ; những bộ xương cá Ong, các loại ngọc trai, sò, ốc, san hô, xương bò biển, heo rừng, cá sấu; các bộ phận của thuyền bị hỏng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sử dụng trong chiến đấu chống lại thực dân Pháp.
Rìu đá được tìm thấy ở Cửa Cạn, cột bằng gỗ quý hóa thạch, xương hóa thạch của Dugong; bộ sưu tập đồ gốm cổ ở Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc từ thế kỷ thứ XI, ngoài giá trị lịch sử văn hóa, khoa học và nghệ thuật còn phản ánh sinh động cuộc sống của người dân Phú Quốc trong quá khứ. Đặc biệt, nhóm cổ vật trục vớt từ con tàu cổ dưới biển Phú Quốc đã xác định có niên đại khoảng 3.500 năm.
Bảo tàng giới thiệu và tri ân những nhân vật lịch sử, người sáng lập và bảo vệ đất nước dọc theo biên giới phía Nam Tổ quốc như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Trung Trực.
Để hình thành và phát triển Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc, anh Huệ cho biết, đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng cơ ngơi, dày công sưu tầm hiện vật, cổ vật trên đảo Phú Quốc.
Kể từ lúc đi vào hoạt động tháng 4/2009 đến nay, Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đến đây khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của đảo Phú Quốc cả trong quá khứ cũng như hiện tại.
RA PHÚ QUỐC GẶP CỘI NGUỒN
Có một cặp vợ chồng năm nay ngoài ba mươi tuổi, mê đảo Phú Quốc tới nỗi, đã lập ra bảo tàng tư nhân đầu tiên ở ĐBSCL mang tên Cội Nguồn Phú Quốc. Bảo tàng này mọc lên sau gần mười năm họ say mê sưu tầm và bảo tồn mọi thứ gắn bó với hòn đảo du lịch nổi tiếng ở vùng biển Tây Nam đất nước…
Phước Huệ và Phương Đài
Đó là một khu nhà năm tầng đồ sộ dựa lưng vào một ngọn đồi thoai thoải nằm bên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông. Chưa tính tiền đất từ hơn năm héc ta do cha mẹ cho, vợ chồng Huỳnh Phước Huệ và Nguyễn Thị Phương Đài đã bỏ ra hơn sáu tỉ đồng đầu tư vào đây. Quanh bảo tàng là những khu cây xanh xen trong các gian nhà nuôi chó xoáy Phú Quốc, chim ó biển và khu bán quà lưu niệm đặc sản Phú Quốc. Đã ba lần ghé thăm nơi này, mỗi lần gần một buổi, vậy mà tôi cũng chỉ như người “cỡi ngựa xem hoa”.
Theo lời anh Huệ, Phú Quốc có lịch sử khai hoang lập ấp khá sớm ở ĐBSCL. Năm ngoái là tròn 300 năm hình thành Phú Quốc kể từ 1708 - năm Mạc Cửu sáp nhập vùng đất Hà Tiên bao gồm đảo Phú Quốc, vào xứ Đàng Trong của Việt Nam. Nói rồi, hai vợ chồng dẫn khách lang thang qua từng gian trưng bày hàng nghìn hiện vật. Có gian âm u những cánh rừng già trăm tuổi với hàng chục loại gỗ rừng nhiệt đới. Có gian trưng bày dấu tích vua Gia Long những năm trôi dạt ra đây (1782 - 1786). Chỗ khác, khách đứng trầm tư bên hai miếng ván ghe lương thực lấy từ xác con thuyền bị giặc Pháp đánh chìm, của người anh hùng Nguyễn Trung Trực, mất năm 1868. Rồi những thuyền chài, làng chài nguyên thủy với nghề làm nước mắm, trồng tiêu… cùng bao nhiêu phong tục tập quán của người dân tứ xứ mang tới hòn đảo xinh đẹp ấy. Cội Nguồn Phú Quốc đang trưng bày 540 hiện vật liên quan tới những chuyện này.
Nhà sàn Phú Quốc
Gian bếp ngư dân Phú Quốc xưa
Mảnh ván thuyền lương của Nguyễn Trung Trực
Bình gốm nhặt trên các xác tàu thuyền chìm quanh đảo
Một sắc phong của triều Nguyễn dành cho Mạc Cửu
Dáng người gầy, giọng nói nhỏ nhẹ, Phước Huệ luôn được Phương Đài “bổ sung thông tin” trong những câu chuyện khởi nghiệp của hai vợ chồng. Từ khi còn học đại học quản trị kinh doanh ở TP.HCM, Huệ đã viết cẩm nang du lịch về đảo Phú Quốc. Ra trường về làm hướng dẫn viên du lịch cho khách sạn Sài Gòn – Phú Quốc, anh càng có dịp khám phá và say mê hơn hòn đảo quê nhà. Rồi anh gặp chị, cùng làm nghề du lịch. Thế là tận dụng mọi cơ hội lang thang khắp đảo, hai vợ chồng không bỏ qua một mảnh vỡ sành, một nhánh cây khô hay một hòn đá sỏi nào trong những chuyến lên rừng xuống biển cùng du khách. Rồi nghe có ngư dân nào muốn bán món này món kia, anh chị lại lặn lội tìm mua cho được.
Huỳnh Phước Huệ bên số cổ vật chờ bày biện
Dần dà, họ mở cơ sở Cội Nguồn, chuyên trưng bày các món sưu tầm được, kết hợp với việc bán hàng lưu niệm cho du khách – hầu hết là hàng mỹ nghệ vỏ ốc, vỏ sò và ngọc trai Phú Quốc (có viên ngọc trai giá tới 4.000 đô-la Mỹ). Ba năm nay, du khách ghé Cội Nguồn ngày càng đông và theo lời Huệ, mỗi ngày có khoảng 90% du khách ra Phú Quốc ghé Cội Nguồn. Năm ngoái, thấy đã có quá nhiều người “mê” Phú Quốc, hai vợ chồng quyết định lập bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc. Ngày 23-2-2009, UBND tỉnh Kiên Giang đã ký quyết định thành lập bảo tàng này – đây là bảo tàng tư nhân thứ chín ở Việt Nam, cho tới thời điểm này. Nơi đây đang có gần hai mươi nhân viên làm việc, trong đó có người được đào tạo chuyên ngành bảo tàng từ trong đất liền ra.
Vịnh Thái Lan nhìn từ sân thượng bảo tàng Cội Nguồn
“Có phải để bán hàng cho sung hơn không?” - tôi hỏi vui. Huỳnh Phước Huệ từ tốn nói: “Hai vợ chồng chỉ muốn có thêm nhiều người hiểu về Phú Quốc”. Nguyễn Thị Phương Đài nhỏ nhẹ: “Ảnh sợ nay mai Phú Quốc mất đi nhiều thứ vì bây giờ người ta xây dựng dữ quá”. “Nhưng, thí dụ như để có 57 lát gỗ trưng bày kia thì chắc là anh phải đốn hạ tới 57 cây gỗ rừng?”. Huỳnh Phước Huệ lại từ tốn trả lời: “Cái đó mình sưu tầm tại công trình sân bay Phú Quốc đang thi công, ở đó cây cối bị đốn bỏ nhiều lắm”.
Thu Hà
Theo http://www.coinguonphuquoc.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...