Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Những xuân ca trong đời tôi

Những xuân ca trong đời tôi
1948. Tôi lấy vợ. Khởi sự một niềm hạnh phúc dài 50 năm và còn hơn thế nữa, dù nhà tôi đã qua đời sau nửa thế kỷ chung sống với nhau.
Cũng là sự khởi đầu của những ca khúc mùa Xuân trong sự nghiệp có rất nhiều những chủ đề khác.
Có thể nói tôi soạn bài xuân ca đầu tiên là ĐÊM XUÂN để tặng cho người vợ yêu quý vừa kết hôn là Thái Hằng. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Trong sáng tác, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới.
ĐÊM XUÂN
(Chợ Neo, Thanh Hóa - 1948)
Đêm qua say tiếng đàn
Đôi chim uyên tới giường
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng
Em yêu câu hát buồn
Lả lướt trong màn trăng
Yêu trời thanh vắng đón đưa em tới chàng
Hồn em chùng đêm tối
Tình em còn chơi vơi
Lòng em yêu rồi xin đừng nhạt phai
Đừng nhạt phai...
Đêm Xuân - Thái Hiền trình bày

Đêm Xuân - Thái Hiền - Nhaccuatui

Tôi trưởng thành đúng lúc nước nhà đang trở mình, đang tranh đấu, đang vật vã trong hạnh phúc và khổ đau. Tôi đã phải lao mình vào những bài hát hiện thực xã hội, nhưng cũng có đôi lúc tôi lẻn mình vào hạnh phúc riêng với những bài mùa Xuân như:
HOA XUÂN
(Saigon - 1953)
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn
Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ ngàn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời.
Xuân! Hoa còn tươi mãi
Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui
Xuân! Hoa nở vì ai
Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai.
Có một chàng thi sĩ miền quê
Ngắt bông hoa biếu người xuân thì
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón Xuân về....
Hoa Xuân - Khánh Ly trình bày

HOA XUÂN Phạm Duy ) - Khánh Ly - YouTube

Ngay sau đó, tôi soạn bài XUÂN THÌ. Đó là sự phát triển đề tài và cảm hứng về một Mùa Xuân Thái Hòa đã có trong bài HOA XUÂN. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh tự vệ, đi trước một cuộc chiến tranh tương tàn, tôi đã mơ ước được nhìn thấy cảnh hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa...
XUÂN THÌ
(Saigon - 1953)
Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày Xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau.
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương...
Xuân Thì - Quỳnh Giao trình bày

Quỳnh Giao | Xuân Thì | Phạm Duy - YouTube

Khi tôi vào miền Nam sinh sống, bài XUÂN NỒNG ra đời mô tả mùa Xuân không có gió rét mưa phùn, chỉ có nắng to và gió bụi... Vậy mà vẫn nên thơ vì đó là mùa Xuân!.
XUÂN NỒNG
(Saigon - 1956)
Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà
Hương xuân la đà lọt cánh cửa qua
Ngoài trời tự do, lũ bướm quanh co
Theo đường tơ, ra ngoài nẻo mơ.
Có tiếng guốc kéo vang trên phố vắng
Đưa tôi ra gặp ngay ánh nắng
Có tiếng hát giáo đường trong gió sớm
Đưa tôi về cuộc đời đầm ấm.
Một mùa Xuân nóng giữa nơi kinh kỳ
Mưa bay không về, chỉ có bụi xe
Mặt trời phương Nam trong lúc Xuân sang
Yêu người dân, Xuân nồng tình doan...
Mùa Xuân bao giờ cũng làm cho lòng tôi xáo động. Sau bài Lữ Hành có tính chất siêu hình, vào mùa Xuân năm 1959, tôi có soạn một bài hát cũng mang tính chất tâm linh là XUÂN HÀNH. Với bài này tôi muốn trả lời câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? Cũng là câu hỏi mà tôi luôn luôn tự hỏi.
Tôi cho rằng: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánh và ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, rất là đắm say... Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng...
XUÂN HÀNH

(Saigon - 1959)
Người là TA, một mùa Xuân tỏa ánh nắng mai
Bước lên đời mang một duyên tình duyên mới
Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãi
Hết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯỜI
Cũng trong dòng nhạc tâm linh, tôi soạn bài XUÂN CA, lần này không phải là hành khúc hay âu ca mà là dân ca phát triển. Trong bài này, tôi muốn nói mùa Xuân của tôi đã có ngay trong đêm tân hôn của cha mẹ tôi. Xuân như mặt trời nổ trong lòng mẹ, rồi từ đó tôi ra đời, góp chung câu gào thiết tha cho mùa xuân vĩnh cửu. Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân. Bài XUÂN CA được soạn theo ngũ cung Việt Nam.
XUÂN CA
(Saigon - 1961)
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi (2 lần)
Xuân Ca - Duy Quang trình bày

Xuân ca - Duy Quang - YouTube

Cũng để nói về Xuân, trong dòng nhạc tình ca quê hương, nhạc tình tự dân tộc soạn theo nhạc thuật dân ca mới... tôi phát triển một bài ca dao cổ:
NỤ TẦM XUÂN
Trèo lên, lên trèo lên
Trèo lên, lên trèo lên
Lên cây bưởi y y y hái y y y hoa
Bước ra ra vườn cà
Bước ra ra vườn cà
Cà hái nụ ù u ú tầm ừ ư ứ xuân...
Nụ tầm xuân ới nụ tầm xuân
Nở ra a a a xanh y biếc a a a a á
Em lấy chồng
Em đi lấy chồng
Anh tiếc tiếc lắm thay...
Thấy chưa đủ thỏa mãn mùa Xuân thường trực trong lòng tôi, tôi lùng trong thi ca hiện đại những bài thơ nói tới mùa Xuân để phổ nhạc.
Chẳng hạn bài Tâm Sự Gởi Về Đâu của Lê Minh Ngọc trong đó, vào lúc Việt Nam bị chia đôi, một đôi uyên ương phải chia lìa, người ở lại miền Bắc, người di cư vào miền Nam, rồi hẹn nhau:
Hẹn mai về, hẹn mai về
Xuân rồi Xuân quạnh quẽ
Người gái quê, người gái quê
Xuân buồn Xuân vắng vẻ...

Hay đem bài thơ Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ phổ nhạc thành một bài xuân ca dìu dặt, thanh lãng (serene), tiên cảnh:
Xuân tươi, êm êm ánh Xuân nồng,
hiu hiu lũ cây tùng, dăm ba chú Kim Đồng...

Nhưng có lẽ bài thơ Mùa Xuân Yêu Em của Đỗ Quý Toàn mới thật sự là một xuân ca trẻ trung, tươi thắm, ngộ nghĩnh:
MÙA XUÂN YÊU EM
(Theo thơ Đỗ Quý Toàn - Phạm Duy phổ nhạc)
Anh yêu em vì em vì em biết nói
đã biết thưa: Thưa anh! em còn biết gọi
sáng trời mưa khiến cho anh nhớ em
bây giờ nắng anh nhớ em nhiều...
Ngồi xuống đây nghe chim là chim ca hót
Đồng cỏ như bàn tay, trời trong mắt say
Ta ngó nhau, ôi còn biết nói gì
Hai đứa ngồi ngồi đó, như hai hòn bi...
Mùa Xuân Yêu Em - Thái Hiền trình bày

Mùa Xuân Yêu Em - Thái Hiền - Phạm Duy

Soạn lời ca cho nhạc bán cổ điển hay dân ca ngoại quốc, tôi hay dùng bài nhạc của Strauss để nói rằng: Ngày ấy khi Xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui. Có lứa đôi, yêu nhau rồi, hẹn rằng còn mãi không nguôi (Khúc Hát Thanh Xuân). Hoặc chuyển bài dân ca Sakura của Nhật Bản thành bài:
HOA ĐÀO CA
Cổ ca Nhật Bản - Lời Việt Phạm Duy
Rượu nồng ta uống, uống uống say
Một đêm ngất ngây
Thả hồn theo gió heo may
Đến hôn hoa, những cánh hoa đào say...
Trời Xuân man mác những mối sầu
Tình thao gió mau,
Cánh hoa tươi tốt không lâu
Có đêm nao, sẽ rơi mau về đời sau...
Trong 10 bài Nữ Ca, bài TUỔI XUÂN một cô bé quá yêu đời, quá yêu người cho nên rất lo sợ rằng con tim nhỏ bé của mình sẽ bị toang vỡ vì tình yêu.
TUỔI XUÂN
(Saigon - 1972)
Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng yêu đời!
Nhìn mây trăng trắng bay trên nền trời
Nhìn mây trăng trắng bay ra ngoài khơi
Bỗng dưng yêu đời! Bỗng dưng yêu đời!
Tình yêu thứ nhất quê hương đẹp ngời
Rồi yêu kế tiếp năm châu mọi nơi.
Yêu biết bao cuộc sống
Yêu biết bao cuộc đời
Yêu từ ngày hôm nay
Yêu sẽ yêu còn dài...

Trong loạt 10 bài Bình Ca soạn trong năm 1970, có một bài hát mùa Xuân rất là cổ kính nhan đề Xuân Hiền, trong đó có nhiều danh từ Hán tự như Xuân Phong, Xuân Tiêu, Xuân Miên... để nói tới gió Xuân, tới ánh sáng mùa Xuân, tới giấc ngủ và giấc mộng đêm Xuân. Hình ảnh mà tôi thích nhất trong bài này là: khoanh tay ra bời giếng gọi tên Trời Đất.
XUÂN HIỀN
(Saigon - 1972)
Xuân tiêu em nằm trong giấc mơ yêu
Trăng xuân mỹ miều nhẹ bước đi theo
Đi thêm vào đó
Đôi chim bồ câu
Cất tiếng gù ấm lòng nhau
Xuân miên anh vào sâu giấc mơ tiên
Bứt trái hạnh đào, rượu uống liên miên
Anh ra bờ giếng
Khoanh tay gọi tên
Gọi đất trời rất ngoan hiền...
À ạ ơi! À ạ ơi! 
Xuân Hiền - Kiều Nga trình bày

Xuân Hiền - Kiều Nga - beta.chiasenhac.vn

Trong tất cả các thể ca, Xuân luôn luôn có mặt. Trong Trường Ca Mẹ Việt Nam, tôi xưng tụng phụ nữ Việt Nam trong mùa Xuân giết giặc. Trong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi muốn thấy cảnh hồi xứ của loài chim ngoan xây đắp quê hương với câu hát hân hoan cho mãi Xuân sang...
Trở về với những đoản khúc mùa Xuân thì trước ngày định mệnh 30 tháng Tư 1975, nhân dịp Tết, một hãng sản xuất băng nhạc nhờ tôi soạn hai bài hát mùa Xuân. Vì tôi còn đang trong không khí của những bài hoan ca, tôi soạn cho con gái yêu Thái Hiền bài hát nhan đề
TRÊN ĐỒI XUÂN
(Saigon - 1975)
Một buổi sáng vừa tỉnh giấc là tàn Đông 
Liền vội đứng dậy mở tung cửa đón Xuân 
Nắng trên thềm lấp lánh 
Lũ bướm vàng tung cánh 
Với to nhỏ chim hót trên cành 
Chải vội tóc, mặc áo vóc, xỏ giày cong 
Rồi mở cánh cửa mầu xanh, rời gót xinh 
Bước ra đường thơm mát 
Dắt lên đồi xanh ngát 
Đón Xuân về trên khắp quê hương...
Trên Đồi Xuân - Ái Vân trình bày

Trên Đồi Xuân - Ái Vân - Nhaccuatui

Gần ba chục năm sau, tôi mới có dịp ngó tới bài hát này, không ngờ đó là bài hát mùa Xuân cuối cùng được sống trên đất nước! Quê hương đẹp quá, khiến cô bé Việt Nam choàng dậy, chải vội mớ tóc mây, mặc bộ áo vóc vào người, xỏ đôi giày cong rồi chạy tung lên đồi. Cô bé đi như đi trong hơi thở của quê hương, gió mát và bầu trời ôm ấp cô, hoa cỏ làm thơm lòng cô và trong tim thì cô có sóng. Rồi một người trai mang kiếp rong rêu nào đó, muốn cùng với con ốc bò ra khỏi vỏ, và cùng với cô, cùng với loài dun dế âm thầm hay với bầy chuồn chuồn vô tư lự được... quấn quít đời, không muốn ra đi! Không muốn ra đi, nhưng cuối mùa Xuân đó, vẫn phải bỏ quê hương ra đi.
Trong cuộc sống lưu vong, có một ngày tôi thấy rằng đã đến lúc tôi phải giã từ trần thế để rong chơi nơi cõi khác... Cho nên tôi soạn 10 bài Rong Ca, trong đó có bài Ngụ Ngôn Mùa Xuân. Bài này còn vương vấn cõi trần và la một bài hát vui, nhưng hình ảnh lại rất ngậm ngùi như tân phận của những người dân nhược tiểu. Bài ngụ ngôn kể chuyện hai người mù đánh nhau, hai người câm cãi nhau, hai người điếc ngồi nghe những bản nhạc ngoại lai, hai người khỏe mạnh, mập mạp biết rằng đánh nhau thì chết nên cất vũ khí đi, xúi hai người còm ốm đánh nhau hộ mình... Tác giả hy vọng trăm năm sắp tới, người mù sẽ thấy được sự thực của nhân loại, của Việt Nam, người điếc được nghe tiếng nói của lương tâm, và người câm hát lên được tiếng hát đưa con người vào những thế kỷ tới.
NGỤ NGÔN MÙA XUÂN
(Tết Mậu Thìn - Tháng 2, 1988)
Bỗng đâu Người Tình ghé chơi một chuyến
Vào khi tàn rồi, cái cũ bách niên
Bỗng đâu nửa đêm ánh dương chói rạng
Làm cho người mù mắt sáng bừng lên
Bỗng đâu Người Tình ghé tai người điếc
Nói chi chẳng biết, mà nghe dịu dàng
Ðời hai nghìn đã vừa sang.
Ðã trông được thời bách niên đổi mới
Ðã nghe được lời sáng suốt bên tai
Ðã không còn câm và im tiếng gọi
Ðã nói được lời vói tới tương lai
Ðã ra được ngoài cõi tim tù tối
Ðã trông được những đường đi, nẻo về
Ðường đưa người tới nghìn thu.
Ngụ Ngôn Mùa Xuân
Rồi tôi bước hẳn vào cõi Thiền và soạn 10 Bài Thiền Ca. Mùa Xuân vẫn còn theo đuổi tôi cho nên trong 10 bài có một bài mang tên cụt lủn: Xuân.
THIỀN CA XUÂN
Bội bạc, dối trá cả rồi
Người người hung dữ, trừ tôi
Hận thù, chém giết bời bời
Rồi người chết hết, còn tôi
Lối cũ mỏi mòn năm tháng
Ngăn che người vắng tiếng cười
Muốn tới được bờ sông giác
An nhiên hát nhỏ, cùng tôi
Tôi là tôi, tôi cũng là em
Em là tôi, em cũng là anh
Là Xuân con bướm hút nhụy xuân tình
Là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ
Là ý thơ nồng trang giấy xuân thư.
Xuân - Thái Hiền trình bày

Bây giờ là năm 2004. Tôi đã già rồi và không muốn (hay không thể) ngồi soạn thêm một ca khúc mùa Xuân nữa, khi mùa Xuân đang tới. Âu là xin được ngồi hồi tưởng lại những Xuân Ca xa xưa của mình để âu yếm dâng tặng Nàng Xuân. Và kính tặng các bạn đọc.
Thị Trấn Giữa Đàng
Mùa Xuân 2004
Phạm Duy
Nguồn: http://phamduy.com/
Theo https://amnhac.fm/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...