Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại

Ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại 
(Nhìn từ giá trị nghệ thuật 
thị giác trong thơ Ly Hoàng Ly)
Rất khó khước từ cuộc “hôn phối” giữa thơ và các loại hình nghệ thuật khác trong những bước chuyển di của thơ ca đương đại ở Việt Nam. Chế Lan Viên có một ý thơ rất hay: “Xưa tôi làm thơ, giờ thử để Thơ làm”. Tất nhiên, đó là một cách nói, một phúng dụ về quá trình sáng tạo thơ (sáng tạo, không chỉ là sáng tác). “Thơ làm” thì cũng là “tôi làm” thôi, nhưng từ “tôi làm thơ” đến “thơ làm” là hai biên độ khác nhau của “sự làm thơ”.
“Tôi làm” thì thơ là kết quả của một quá trình, và “tôi” là thứ ngoài thơ nhưng áp đảo toàn bộ ý nghĩa thơ (Tôi làm thơ thì cái thơ ấy có thể không hẳn là thơ). Nhưng “thơ làm” thì thơ không còn là kết quả (không chỉ là kết quả) mà trở thành điểm phát khởi mà cứu cánh và mục đích đều vì chính nó. Khi ấy, cái “tôi” đã “vong hóa” thành công vào toàn bộ quá trình rọi lên những ảo ảnh cũng như sức sống của nhịp điệu vào ngôn từ. Khi ấy, thơ là “thơ ròng”.
Ký thác vào di cảo của mình những “triết luận thơ”, một cách tự nhiên, Chế Lan Viên cho thấy nhiều yếu tố “đương đại” và dự cảm nhiều biến chuyển “đương đại” của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Loại thơ “phác thảo”, cách thể nghiệm thơ văn xuôi, tư tưởng ủng hộ cái “thô bạo”, “cộc cằn”, “so le” của thơ “tuổi thanh xuân” mà Chế Lan Viên đề xuất từ sớm (nửa sau thế kỷ XX) ngẫu nhiên góp phần vào cái nền tảng dữ dội và táo bạo của một dòng chảy thơ đương đại sẽ đến vào cuối thế kỷ XX. Cùng Chế Lan Viên, những tên tuổi làm nên thần thái, đường nét của cuộc “nổi loạn” sang trọng về ngôn ngữ thơ thuộc về Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Dương Tường… Sự cực đoan trong thể nghiệm ngôn ngữ ở họ, mặt nào đó, là cái lý của niềm tin vào sức mạnh tự do và sự vô hạn của ngôn từ. Nếu Trần Dần chôn lấp các thành tựu đã ổn định của thơ ca tiền chiến bằng cách tạo ra lối thơ giàu tính“ám thị”, kiến tạo nhịp điệu mới, hướng tới tiếng nói nội quan, nội cảm, nội tâm triệt để thì Lê Đạt lại đi theo hướng “phu chữ”, tạo ra hệ thống mỹ cảm mới bằng cả trí năng, cảm năng để “chơi” với ngôn từ, khai sinh một lối thơ mới “haikâu” (biến thể của Haiku Nhật Bản thành loại thơ hai câu của Việt Nam). Đặng Đình Hưng và những vần thơ kỳ bí của ông là một “biến tấu” khác thường về tiếng Việt, một kiểu cấu trúc làm toát lên một hồn thơ kỳ đặc, cô đơn, mộng du, mê sảng. Trong khi đó, Hoàng Cầm lại đặt nền móng cho một loại ngôn ngữ thơ chứa chan “thi cảm”, hoà trộn hồn nhạc Kinh Bắc với những khám phá mãnh liệt về nội tâm, chuyển hóa hồn thơ hiền dịu thành những suy tư về phận tình, phận người. Gây ấn tượng ở tập trung vào việc chủ trương bản chất “con chữ” là “con âm”, Dương Tường cho rằng sức gợi ngôn từ nằm ở mặt chênh của chữ, “một thứ âm bồi hắt lên mặt chữ”. Danh sách những người mắc “duyên nợ” cách tân ngôn ngữ thơ đương đại nói chung vẫn còn dài: Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Nguyễn Lương Ngọc, Ý Nhi, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Phùng Khắc Bắc, Inrasara, Thi Hoàng, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh… , chưa kể nhiều câu thơ, ý thơ của một số tác giả đột xuất đó đây mà “đường nét” đương đại rất gây ấn tượng như:
“em đã quên sa mạc
quên vị máu từ cổ con lạc đà trong cơn khát
cơn bão quét qua
và mọi thứ trở về hỗn độn
cát rơi khỏi giày
em
không chắc mình còn sống
Có thể ta chỉ là giấc mơ của ai đó
trong buổi chiều chạng vạng
nhưng có hề chi”
(Khương Hà) [1]
“Con đường chuyển động
hàng cây ngắm nhìn
trần gian qua mắt lá
Anh dừng lại trên đỉnh thời gian
Những vòng tròn hình trôn ốc
Lũ kiến bò qua những phận người không toàn vẹn”
(Hoàng Diệp Lạc) [2]
Có nhiều cách gọi tên, định danh, phân loại các hình thức diễn đạt thơ đương đại thành nhiều đặc tính; song cái lớn hơn, đáng để lưu tâm là cái gì chuyển hóa công cuộc cách tân thành tinh hoa? Những sáng tạo trở thành tinh hoa sẽ tiềm ẩn những cách lý giải tinh hoa, tiềm ẩn sự cắt nghĩa một cách tinh hoa. Đương nhiên, tinh hoa cũng không phải là thứ để tán tụng. Người đọc cần nó để “vin” vào, để tin có sự thay đổi thực sự và tin sự thay đổi ấy là sự sống của thơ.
Bài viết này quan tâm đến hiện tượng thơ Ly Hoàng Ly bởi sự biến đổi ngôn từ trong thơ chị hàm chứa nhiều cách giải thích về khả năng khai phóng trong tư duy cách tân. Hơn nữa, với tư cách là một nghệ sĩ thị giác (họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt), Ly Hoàng Ly có thể là một minh chứng hiển nhiên về sự gặp gỡ của các loại hình nghệ thuật mà sản phẩm sáng tạo của chị sẽ cung cấp thêm những định nghĩa mới mẻ về thơ.
Thơ và nghệ thuật thị giác gặp nhau ở đâu?
Sự giao thoa của thơ và nghệ thuật thị giác trước hết là cuộc đối thoại đặc biệt của các loại chất liệu. Thơ thuộc về nghệ thuật thời gian (temporal art), trong khi nghệ thuật thị giác thuộc về nghệ thuật không gian (spacial art). Chất liệu của thơ là ngôn ngữ, chất liệu của nghệ thuật thị giác nói chung tập trung vào tất cả những gì mà đôi mắt con người có thể nắm bắt: hình khối, màu sắc, đường nét, chuyển động tạo hình trong không gian… Vậy, ngôn ngữ cũng có thể “tạo hình” thay vì xuất hiện tuyến tính theo thời gian không? Có. Bản chất ngôn ngữ có thể “thỏa hiệp”, tương ưng với những gì nó ám thị bằng cách tận dụng không gian trên trang giấy để tạo ra “đường nét” của tư tưởng mà nó biểu thị. Ví dụ các hình thức làm thơ dưới đây:
[nguồn: Triển lãm thơ thị giác và nghệ thuật ngôn ngữ (Toby Fitch), http://www.bansacviet.org/]
Trong trường hợp này, hình dáng, cách trình bày bài thơ liên quan đến “nghĩa” của bài thơ, đồng thời cũng là một trong những yếu tố “nghệ thuật” cố ý của nhà thơ. Nhìn chung, có ít nhất 2 mô thức thơ gắn với kỹ thuật, nghệ thuật thị giác:
Cách trình bày một tập thơ với dụng ý sắp đặt hình ảnh
Cách tạo hình cụ thể của dòng ngôn ngữ
Trường hợp Nguyễn Vỹ với bài Sương rơi được Hoài Thanh nhắc tới trong Thi nhân Việt Nam (1935) có thể được xem là cuộc giao thoa sớm nhất của thơ hiện đại Việt Nam và nghệ thuật thị giác.
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu …
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hắt hiu
Thấm vào
Em ơi
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương
(…)
(Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh)
Từ vóc dáng “hiền lành” theo kiểu dùng hai âm tiết và trình bày xuống dòng liên tục nhằm ám gợi sự đều đặn, nhỏ nhoi của giọt sương rơi như trên, thơ Việt tiến dần đến kiểu vắt dòng hiện đại và “dữ dội” hơn trong thơ Trần Dần:
Đi đâu?
                     Đi
                         đâu
                             ra
                                 khỏi
                                     TRẦN GIAN - BA CHIỀU
(Trần Dần - thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008)
Tuy nhiên, thơ thị giác không phải là chủ đề của bài viết này. Bởi đó vẫn chỉ là sự gặp gỡ về “hình tướng” của nghệ thuật thị giác và ngôn ngữ thơ. Con đường gặp gỡ bên trong phức tạp hơn nhiều. Chất liệu tinh tế được chắt lọc từ chiều sâu giao thoa các mô thức nghệ thuật, sự lắng đọng của nhiều tiếng nói hướng đến sáng tạo là điều khó được thành tựu, nếu người sáng tạo không sở hữu tư chất nghệ thuật sâu sắc và vững vàng. Hiện tượng Ly Hoàng Ly và thơ ca của chị cho thấy một hướng đi độc đáo của thơ đương đại của người Việt, dù điều này chưa bao giờ nằm trong mong muốn “lập thuyết” của một nghệ sĩ thị giác như chị.
Thơ Ly Hoàng Ly có đặc điểm, thần thái của loại thơ thuần nghệ thuật, được đẩy đến phần cao trào, cực đoan nhất có thể có của mỹ cảm. Yếu tố nhịp điệu, cảm xúc trực tiếp, tác động trực tiếp vào tình cảm người đọc hoàn toàn được chọn “hy sinh” cho khoảng cách tâm lý cần thiết nhằm thiết lập sự xuất hiện trọn vẹn của “dư ba nghệ thuật”. Phần nghệ thuật của thơ được làm ra trong bối cảnh cuộc trò chuyện của nhiều loại nghệ thuật, tạo nên một số “chủng tử” mới trong nguồn từ vựng của thơ, của ngôn ngữ nghệ thuật Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo
Chầm chậm, mở ba chiếc nút áo
Soi vào gương, chầm chậm, mở chiếc
nút thứ tư
Chầm chậm, mở năm chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở nút thứ sáu…
Tìm hoài không thấy nút thứ sáu
Soi vào gương, cố tìm nút thứ sáu,
nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín…
Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu trời đêm trong lồng ngực
Nhưng áo chỉ năm nút
Nhưng đêm là vô tận
Mở mãi, muốn mở mãi
Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm
Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
Bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
(Mở nút đêm)
Ý nghĩa dục tính trong bài thơ này, dường như, không có thật. Nó được pha chế huyễn hoặc trong nỗi bất lực thao thức trước cái huyền âm vô tận của bóng đêm, của thế giới, của cái tâm trong ngần mà xa xôi trong chính xác thân này. Tính chất cuồng phóng đương đại và sự tinh tế nghiêm ngặt của nó đã đưa thơ Ly đi rất xa trên hành trình thách thức những cảm thụ mới.
Thơ đương nhiên là nghệ thuật ngôn từ, nhưng trong những tính năng tồn tại khác, nó đã xé rách những cương giới ngọt ngào của vỏ âm thanh, những dòng nhạc điệu dễ bắt nhịp thường thấy để kết giao với các chất liệu ngoài ngôn ngữ. Theo đó, thơ Ly cho thấy một kiểu thơ không đi thẳng từ nguồn cội cảm xúc, tình cảm thông qua ngôn từ, mà có một lối đi riêng, “khiêu khích” những cảm nhận “hiền lành”. Lối đi ấy kết tụ mọi cảm xúc, tình cảm của người viết vào một “đấu trường” của sự sáng tạo nghệ thuật thuần túy, nung nấu chúng trong sự chuyển hóa của tư duy nghệ thuật rộng rãi hơn một thứ chất liệu thơ nguyên ủy là ngôn ngữ:
Tôi nhìn thấy đôi mắt trẻ thơ mọc trên gân lá
Hình dung tôi mọc trên gân mẹ tháng mười hai
(Mọc trên gân mẹ)
Vì thế, khi thơ được viết ra, ngôn ngữ trong đó đã được “luyện kim” ở một chốn khác, khoác thêm nhiều lớp tư duy của hội họa, xếp đặt, trình diễn,… để tạo ra một âm vang mới, ấn tượng mới. Lần đầu tiên, trong thơ Việt Nam, có một nhát cạo sát thương dị kỳ đến mức này:
(…)
Những người đàn bà khô queo
Vì đi lại quá nhiều
Quẩn quanh bức tranh khổ vuông do người khác vẽ
Đi được đến đâu
Khi xác đã bệt lại bởi những nhát mầu
Cầm chiếc bay
Cạo xác từng người đàn bà ra khỏi tranh
Thấy mình cũng rời ra từng mảnh
Không đau đớn
(Người trong tranh)
Những câu thơ hiện đại đến rùng rợn và thản nhiên - hồn nhiên như trên sẽ không có chỗ cho những cảm nhận bình dị, cũ kỹ như một sự an tâm về cảm thán, bày tỏ cảm xúc. Người đọc, dù muốn dù không, phải bước qua những cánh cửa mòn sờn để thẩm thụ một cách nói khác, một tâm thế khác, một ngưỡng đọc khác, một khoái cảm không đến từ sự hòa điệu cộng đồng mà đến từ tiếng thống thiết giữa thảo nguyên lẻ bóng của con sói xa. Những ý thơ “lẻ bóng”, “mồ côi” khác cũng xuất hiện trong thơ Ly, theo cách mà không ai “lường” được:
Về nhà
Giấc mơ chim sẻ biến mất
Giấc mơ hải âu cũng biến mất
Chim sẻ thì lon ton quá mà hải âu lại cô đơn quá
III. Tôi sẽ tự mọc cánh
(Giấc mơ)
Em ngồi đây
Trên cỏ xanh
Nhưng em thấy quanh mình là cỏ trắng
Cỏ trắng ngập nắng
Tràn vào lòng em
(Cỏ trắng)
Âm vang của nghệ thuật thị giác bộc lộ qua hình ảnh “người nói” trong thơ và “người câm” trong hội họa, trong trình diễn. Những “di chứng” sáng tạo trên sân chơi nghệ thuật thị giác không có lý do gì để không lộ ra nơi ngôn từ của Ly. Thơ Ly là sân chơi, là quảng trường kỳ lạ mà người nói và người câm cùng xuất hiện.
Anh nhâm nhi nỗi buồn
Rồi nhằn ra con mắt
Con mắt để lại vực thẳm
Vực thẳm nhìn anh
(Tranh anh Tuấn)
Lý luận văn học và lối mòn thuật ngữ “nhân vật trữ tình” không thể tìm một chỗ yên ổn trong các sáng tác của Ly. Thơ Ly (không mấy khác những công trình nghệ thuật thị giác của chị) đều có một “người nói” ú ớ bên trong lồng vào một “người câm” có bản ngã, kiểu “người lạ” ấy không phải là hiện thân của loại “nhân vật trữ tình” đối thoại với người đọc (hay sang trọng hơn là độc thoại với tác giả) mà là một “nhân vị” nào đó lấp lửng giữa người sáng tạo và người tiếp nhận, một “chiếc bóng” pha trộn mọi không gian trong hành trình sáng tạo, là những “nhân vật”, những thế hệ các nhân vật, bước ra trùng điệp các ảo ảnh từ các phương thức nghệ thuật khác để tìm cho được một sự xuất hiện dưới chiếc áo của ngôn từ. Họ đào thoát khỏi những chất liệu khác (hình ảnh, đường nét, màu sắc,…) để tự hoá kiếp cho mình vào chất liệu ngôn từ. Bởi vậy, họ có bóng dáng những linh hồn vừa tái sinh:
Người đàn ông áo đỏ đặt điếu thuốc lên môi
Thuốc đốt đỏ gạt tàn
Chỗ cuộc đời đã bị đốt xong
Rơi vào gạt tàn
Đổ tàn cuộc đời lên tóc
Tóc cháy thành tóc trắng
Đầu ai cũng đỏ lửa
Cháy mỗi ngày để sống
Sinh ra để đốt mình
Thành đất lạnh
(Đốt)
Quá nhiều điểm nhìn của “người nói - câm” trong bài thơ. Các điểm nhìn ấy làm nhòa hết giới hạn giữa cuộc tương tác người đọc và người viết. Nó mô phỏng cuộc thưởng thức lạ lùng của người xem nghệ thuật trình diễn và nghệ sĩ thị giác:
Tôi trong phòng trắng
Tại sao to tiếng với tôi
Tại sao nhìn tôi hằn học
Tôi trong phòng trắng
Tại sao õng ẹo với tôi
Tại sao cầm tay tôi rồi giật giật
Tôi trong phòng trắng
Tại sao uống nước mắt tôi
Tại sao cài tóc tôi vào lược
Tôi trong phòng trắng
Tại sao bẹo má tôi
Tại sao rót đầy bia vào giày tôi
Tôi kêu gào
Không ai nghe thấy tôi
Không ai nhìn thấy môi tôi cử động
Tôi trong phòng trắng
Tại sao giận dữ với tôi
Tại sao ném rau xanh vãi khắp người tôi
Tôi trong phòng trắng
Tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn
Tại sao làm cho tôi thương tổn
Tôi trong phòng trắng
Không ai nhìn thấy tôi
Không ai nhìn thấy
phòng trắng
Tôi cũng không nhìn thấy tôi
Tôi cũng trắng như phòng trắng
Tại sao tôi lại trắng và lại trong phòng trắng
Đó mới chính là câu hỏi phải được hỏi ngay từ đầu
Nhưng vì đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.
(Phòng trắng)
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2003, khi dự án nghệ thuật “Xuyên biên giới” (Pushing through borders) được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, người đọc thơ lần đầu biết đến một hình thức trình diễn thơ trên nền nghệ thuật sắp đặt (installation) của hai nghệ sĩ Ly Hoàng Ly và Anida Yeou Esguerra. Sự cộng hưởng hai hình thức nghệ thuật đặc biệt tạo ấn tượng mạnh mẽ với người thưởng thức. Khi đó, Ly Hoàng Ly đã xuất hiện dưới tạo hình người phụ nữ chải tóc và hát ru trong lồng sắt; tiếp sau là màn trình diễn tác phẩm thơ Người đàn bà và ngôi nhà cổ của chính Ly trong khi âm thanh ma mị từ những chiếc thìa đổ lên rào rào trên người chị. Bài Phòng trắng (trong tập Lô Lô) bên trên nếu tách biệt hoàn toàn khỏi những diễn biến tạo hình và phối kết thơ với nghệ thuật thị giác thì hiệu ứng tiếp nhận sẽ hẹp hơn rất nhiều. “Tôi” trong bài thơ là một nhân vật rất kỳ dị; hẳn rằng đó không phải là một kẻ mà là nhiều kẻ vươn qua nhiều  thế giới khác biệt để tỏa bóng trong một chữ tôi. Vì thế, tôi còn hơn cả những sự định danh nghiêm nghị kiểu như “hình ảnh tác giả, nhân vật trữ tình, hình tượng nhân vật”; những định danh cũ không còn đủ sức để cắm sâu nhận thức mới, khi tôi cùng lúc vong hoá liên tục thành các bản ngã câm lặng, khi tôi xuất hiện không phải để tỏ rõ một lý lịch mà để làm nhòa hết mọi nguồn cội. Màu trắng ở đây là ký hiệu, tín hiệu; tôi có lúc nhập vào màu trắng để lên tiếng từ mọi phương.
Bài Sóng đêm (tập Lô Lô) có phần trực diện hơn nữa quá trình hòa trộn thơ và nghệ thuật thị giác:
Những hỗn loạn của ban ngày
Đêm không bắt được
Những nỗi lòng như sông uẩn khúc
Chỉ chảy được về đêm
Tôi lặng lờ trôi vào đường hầm thời gian
Ánh sáng và bóng tối chỉ là chất liệu cho những gì diễn ra bên trong cơ thể
Như nồi súp đặc quánh nhiều gia vị lờ lợ
Tôi sôi lên lọc bọc bằng lửa của mình
Những xe chở cát muốn đem hết cát ngoài biển vào bảo tàng
Nghệ thuật sắp đặt sắp đặt người nghệ sĩ phải lao tâm và mòn mỏi vì những điều không tưởng
Những tiếng rì rầm đêm đã váng vất lên bầu trời đen mặt đất đen và vầng trăng nhe Nhói                                                                            
Đêm đã quá nhiều gia vị cho người ngộ độc thức ăn cuộc sống
Tôi trở về nằm trên chiếc giường êm màu hồng
Drap giường đính đầy hoa
Hoa khiến tôi ngạt thở dần dần
Ngạt thở dần dần…
Khi giấc ngủ đẫm hương hoa tưởng tượng
Tôi cứng đờ như xác ướp
Những hỗn loạn của ban ngày
Đêm không bắt được
Đêm tỏa sóng của đêm
Tôi - bắt - được - không?
Câu chuyện của Ly là câu chuyện không có chuyện. Nó không có gì để kể, nó không có gì để mô tả, nó không có gì để lĩnh hội một cách cụ thể. Nó là những mảnh rời của cảm giác bị trôi giạt nương theo ngôn ngữ. Nó không phải là một logic tự sự, vì thế, nó là thơ trong bản chất. Những cảm giác bất chợt trong thơ đôi khi là sự rùng mình sâu thẳm của nhận thức trước mỗi bước chuyển của sự sống. Đêm có thể chảy ngược lên không? Có thể. Bởi có hai thứ đêm, một thứ đêm của vũ trụ mang tới, chảy xuống, và một thứ “đêm” của cõi lòng, chảy ngược lên:
Kìa đêm chảy
Chảy lên trời
Buốt óc tôi
Vắt tóc lên mây
Tôi kéo đêm lại
Tóc rơi nghẹt sông
Kìa đêm chảy
Chảy lên trời
Máu tuột khỏi tim
Kìa đêm chảy
Chảy lên trời
Đáy sông khô cạn
Chiếc thìa nhôm đầy vết nứt
Tôi khát nước
Ngửa mặt lên trời hút đêm vào miệng
Lênh láng trời đen
Nhảy xuống lòng sông
Nằm chờ đêm ngập
Mặt trời nằm ốp la trên đất
Thiên thần mút lòng đỏ bằng đầu cánh mỏng
Thản nhiên nhìn
đêm chảy
chảy lên
tôi…
(Đêm chảy lên trời)
Không đơn giản chỉ là thủ pháp; không đơn giản chỉ là “cách” làm thơ, Đêm chảy lên trời bộc lộ ký hiệu mới: thị giác hóa cảm giác hiện sinh - một cuộc giao hoan lặng lẽ đầy khao khát mà cũng đầy bất lực giữa sự cảm hiểu của con người với sự phong nhiêu thâm ẩn của cõi bao la.
Thông điệp thơ - tư tưởng hay phi tư tưởng?
Thơ Ly tạo ra một logic khác thường, ít chia sẻ với logic tâm lý và tỉnh cảm nói chung, đó là logic về tiếng “nói ròng” của tâm linh và cảm giác. Nó không đợi làm ra một thông điệp, nó không tạo ra thông điệp cụ thể “có ý nghĩa” (meaning), mà nó chỉ lùa đám chữ có nghĩa (sense) ra giấy để các nghĩa được bay nhảy. “Đám chữ có nghĩa” đó là thứ lúa non, còn hấp mùi sữa của sáng tạo, còn tươi nhiên. “Nghĩa bay nhảy” mới gần với “nghĩa” của nghệ thuật.
Tôi nhốt tôi trong bọc đen
Cả thế giới không thể nhìn thấy tôi
Tìm cảm giác khi hơi thở đứt mà không ai biết
Bọc đen đầy hơi thở căng cứng
Khi vỡ tung sẽ thoát ra mùi gì?
Tôi nhốt tôi trong bọc trắng
Cả thế giới nhìn thấy đường gân tôi trên gương mặt
Tìm cảm giác được thương hại khi chết
Bọc trắng đầy mồ hôi mờ
Khi vỡ tung sẽ thoát ra mùi gì?
Mưa rơi lên bọc trắng
Mưa rơi lên bọc đen
Có gì khác?
Suỵt
Im lặng!
Hãy bịt tai nghe
Hãy bịt mũi ngửi
Hãy nhắm mắt nhìn
Rất khác!
(Hành xác và thử nghiệm)
Khả năng kết nối những cái đứt đoạn làm nên một chỉnh thể sống, đó là lời lẽ của nghệ thuật trình diễn, đó là lời lẽ nằm trên sân khấu và ngoài đường phố, không chỉ nằm gọn trên trang giấy. Nói đúng hơn, trang sách/ mặt phẳng trong thơ Ly trở thành không gian, còn không gian trong nghệ thuật thị giác thu gọn lại thành trang sách.
Khái niệm “tương tác”, vốn là thuật ngữ của nghệ thuật thị giác, có nhiều cơ hội trở thành . Người đọc không chỉ đọc, mà còn tương tác. Tương tác không chỉ tạo thêm nghĩa cho thơ, mà tạo thêm ý nghĩa cho bản thân người đọc - họ chứng nghiệm một phần cái mà họ thường đứng ngoài đọc vào.
Một đoạn trong bài Đứa bé gái trên biển được trình bày theo hình ảnh một chiếc bóng mong manh rơi xuống, cũng có dáng dấp một đứa bé ngây thơ với chùm tóc ngang:
Vẫy chào mặt trời trong bóng đổ của mặt trời     
Đứa bé gái là biểu tượng đồng nhất của ánh sáng và bóng tối
                              của đêm
                                 ngày
                                bi quan
                                hy vọng
                                    yếu
                                    đuối
                                sức mạnh
                                  đơn độc
                               mênh mang
(Đứa bé gái trên biển, Quà)
Thật đáng ngạc nhiên khi tác giả chia sẻ rằng, cách trình bày trong cả ba tập thơ Cỏ trắng (1999), Lô lô (2005), Quà (2008) đều do một người bạn, độc giả đặc biệt thực hiện. Người thể hiện ba tập thơ, hoạ sĩ Hà Thế Hiển, cho rằng “không thể không tương tác” khi đọc thơ Ly. Chi tiết “ngoài lề” này chứng minh một khả năng mang đến những mỹ cảm thị giác cho người tiếp nhận mà bản thân Ly không thể “lường” hết. Sự tham dự bất ngờ của người đọc vào hành trình thơ Ly càng cho thấy rằng “tính tương tác” là yếu tính làm nên một kiểu thơ đương đại, một giống thơ cần đến sự sống, hà hơi của người đọc một cách thiết tha.
Dưới đây là một vài hình ảnh trình bày theo mô thức tương tác giữa tác giả và người đọc/ người trình bày bản thảo:
Những dấu vân tay màu đen ở mỗi trang trong tập Lô lô ám gợi một dấu vết vô hình của người đọc vô hình, như một ấn chứng về sự thật của tâm hồn, như một ám gợi của đêm đen. Bài Thở dài lại có hình dáng mái chùa, những tầng tầng lớp lớp sự cô tịch, dường như gợi nghĩ đến bóng chùa Một Cột thanh cao…
Thơ Ly hiển thị những xúc chạm thường nhật, những cảm giác tức thời nhưng đạt tới độ cô đọng nghệ thuật, đạt tới cá tính thuần thục. Ly không làm thơ để chiêm nghiệm. Thơ Ly là để chứng nghiệm cái thực sự đang xảy ra. Mỗi cơn ảo giác, mỗi sợi tơ ý tưởng, đều được ghi lại theo cách tự xóa. Và người đọc lại ghi tiếp điều anh ta nhìn thấy.
Trong tư thế ngồi xổm kỳ quặc
Ông ta bịt mắt mình bằng băng dính
Trong ánh sáng kỳ quặc của chiếc đèn pin mất kiểm soát âm cực
Ông ta bịt tai mình bằng hai chiếc ly giấy
Trong âm thanh rè rè kỳ quặc từ máy xi đi cũ rích
Ông ta đập trứng
Lòng trắng lây nhây lòng đỏ cháy rực ly thủy tinh cáu bẩn
Mặt trời vỡ khi ông ta nuốt lòng đỏ vào bụng
Tự dưng ông ta tỏa sáng
Hả hê nhìn vỏ trứng nát
Ngỡ mình được sinh ra lần thứ hai
Lăng xăng tặng hoa hồng cho mọi người
Nhưng ai nấy đã đi hết rồi
Ông ta tỏa sáng một mình
Trong ánh sáng kỳ quặc của chiếc đèn pin mất kiểm soát âm cực
(Performance Trứng)
Thơ Ly phá bỏ khung tư tưởng và khung cảm thán như một thứ phụ tùng nghiêm ngặt mà “truyền thống” viết và đọc trang bị cho chúng ta từ bao lâu (“truyền thống” ở đây hiểu là một kiểu thói quen tiếp nhận được cộng đồng chấp nhận trong một quãng thời gian dài). Tư tưởng mà chúng ta thường hiểu và dùng nó để đọc thơ là tư tưởng do ý chí và kinh nghiệm mang lại, nó nhất định phải có hình khối, lối mường tượng, sự cô đúc ngụ ngôn; nó có xu thế cô đặc lại và tạo thói quen tâm lý khi đọc. Điều này chẳng có gì sai, nhưng cũng không có nghĩa là không thể khác đi. Mà thường là phải khác đi, khác đi thì mới có lý cho sự chuyển động không ngừng.
Thơ Ly chống lại sự cô đặc tư tưởng và thói quen thưởng thức. Tư tưởng mà chúng ta đọc được ở Ly là tư tưởng có được từ một hiện thực đang chảy từng dòng vào thơ, đang chảy cả cát bụi và không khí ô nhiễm, đang chảy một sự cái nhìn bất an và khốn cùng âm thầm nào đó, đang chảy hết cả những u ám quằn quại hay sự hồn nhiên trong sáng đến… vô nghĩa lý. Đó là một thứ tư tưởng đang thổn thức, hoài thai; tư tưởng không muốn được/bị định danh. Nếu ai đó gọi thơ đương đại Việt Nam là “thơ dòng chảy” thì thơ Ly là một ví dụ không thể rõ hơn, không thể thuyết phục hơn, dù tác giả chưa hề tuyên bố, và chắc là không bao giờ tuyên bố. Tư tưởng đó luôn động, nó sợ và tìm cách thoát khỏi mọi cái chết, mọi xác chết của ý niệm; nó luôn ở thế “đang là”, “đang như vậy”. Bởi lẽ, “Khi giải thích đã là mất mát”:
(…)
Đêm đem đen vào em
Em đem đêm vào đen
Màu đen vẽ hình những cám dỗ tưởng tượng
Dậy mùi trong đêm
Mùi đen mùi đen mùi đen
Dậy mùi trong em
Mùi đêm mùi đêm mùi đêm
Dậy mùi giữa hai dấu ngoặc đơn
Khi giải thích đã là mất mát.
(Ngoặc đơn trong đêm)
Cũng có thể nói rằng, thơ Ly tồn tại một sự thông diễn kép, cái này thông diễn cho cái kia cùng một lúc.
Con bướm ma nhả mình trước mặt tôi
Anh xanh mặt
Điềm chẳng lành.
Tôi vẽ những người mặt xanh áo chàm xanh
Người âm phủ
Miệt mài cây cọ tung toé màu
Màu xanh nhuộm xanh con bướm ma (…)
Tôi vẽ người âm phủ
Gọi bướm ma về nhập nhằng trước mặt tôi
Mặt tôi đủ sắc màu
Rân ran sắc màu nhảy múa
Tôi nguệch ngoạc bôi lên đầy mặt tôi.
Bướm ma sợ
Bay đi
(Bướm ma)
Có một cảm giác rất đặc biệt dành cho người đọc, đó là việc “tự chú thích”. Hiểu thế nào về con Bướm ma? Thông điệp gì trong ý thơ “ma quái” đó? Quá nhiều “nhân vật” xuất hiện, “tôi”, “anh”, “bướm ma”. Nhưng đừng vướng vào câu chuyện đó. Không có tôi, không có anh, không có bướm ma. Chỉ có một trận cầu độc đạo của màu sắc, anh và tôi và con bướm cũng chỉ là một trận cầu màu sắc của thế gian, ai biết được đâu là bóng ma thực. Chỉ có kẻ sáng tạo là biết. Thế thôi. Mọi thứ cùng đang thông diễn lẫn nhau. Tôi không tin điều ấy chỉ thuộc về kỹ thuật.
Còn bài thơ dưới đây được viết như là lời đề từ, lời giới thiệu liên văn bản cho một 5 cuộc trình diễn nghệ thuật đương đại nơi công cộng của Ly Hoàng Ly cùng bốn nghệ sĩ khác (Nguyễn Thủy Tiên, Đức Flying Bay, Patricia Nguyễn, Tuấn Mami) tại Hà Nội.
Có thể kiểm soát điểm khởi động
Không thể kiểm soát điểm đến
Bữa tiệc không thể có nếu vắng bóng người
Bữa tiệc có thể không có một bóng người
Thức ăn bầy ra cho ruồi
Hoặc không có thức ăn nên không có ruồi
Từ A đến B là một bữa tiệc mà điểm khởi động được kiểm soát
Điểm khởi động A, A’, A’’, A’’’, A’’’’, A’’’’’ và A nhiều phẩy hơn nữa không thể đếm bằng miệng trongmột đời người
Điểm khởi động được nối kết với một điểm dừng chân khác
Chuông điểm 12 giờ trưa
Các điểm khởi động bắt đầu lăn và dừng chân tại cùng một điểm
Mốc là 6 giờ chiều
Đã định là phải gặp nhau
Mà biết có nhìn thấy nhau không
Điểm dừng chân đâu phải điểm đến
Nhìn thấy nhau theo dõi nhau đâu phải hiểu nhau đang làm cái quái gì
Không nhìn thấy nhau không theo dõi nhau
Để người khác nhìn tất cả chúng ta
Còn chúng ta cứ sống cứ lăn cứ live stream thôi
Bữa tiệc có thể chỉ tồn tại online
Thức ăn liệt kê trên chiếc bàn hiện hữu được bọn online ngửi
như thức ăn sắp lên bàn thờ cho người âm
lũ người âm đội mồ màn hình
online xà quần thế gian
(từ . tới . | from . to . Có (không) khởi đầu và (có) không kết thúc)
Bài thơ này gần như không thể hiểu nếu bị tách rời khỏi lý do diễn ngôn của nó. Nó được viết ra vì mục tiêu biểu lộ nghệ thuật đương đại đường phố, nó vay mượn ý nghĩa của nghệ thuật từ không gian để làm cuộc phiêu lưu của nghệ thuật thời gian. Thơ bị đặt vào tình thế rất nguy hiểm: chia sẻ thêm nghĩa cho loại nghệ thuật vốn đã rất kén chọn người thưởng thức (sắp đặt - installationvà trình diễn - performance), và đến lượt nó, tự nó tạo thêm “nghĩa nghệ thuật” cho thơ. Thơ viết từ những sự kiện nghệ thuật, thơ được làm ra từ cảm hứng của những dự án nghệ thuật thị giác hay thơ cảm ứng về ký hiệu hội họa là minh chứng cho một “hệ sinh thái thơ” rất đặc thù của Ly Hoàng Ly.
Không phải là hình tướng của nghệ thuật thị giác trong thơ là điều hấp dẫn, mà là sự hài hoà, giao thoa các loại hình nghệ thuật trong tư duy sáng tác ngôn ngữ thơ. Sự hài hòa, giao thoa ấy có thể là ngẫu nhiên ở một vài trường hợp, nhưng cũng có thể là qui luật bên trong của con đường vươn tới sự liễu ngộ nghệ thuật. Ly Hoàng Ly và sự nghiệp nghệ thuật thị giác của chị có thể được biết đến nhiều hơn thơ, có giá trị quốc tế rộng rãi hơn thơ, nhưng không thể phủ nhận sự đột phá của thơ Ly trong phối cảnh của sân chơi nghệ thuật thị giác nói chung cũng như sự kiến tạo “vô tình” một lối đi mới cho ngôn ngữ Việt đương đại của một nghệ sĩ làm thơ.
Con đường đi ấy của thơ Ly đang “dọn sẵn” một nẻo ra thế giới: thơ ca không chỉ là câu chuyện của ngôn ngữ; nó khởi đi từ ngôn ngữ, được hiểu qua ngôn ngữ. Nhưng, ngôn ngữ không phải là điểm đến cuối cùng của thơ; nó làm trung gian cho nhiều thứ nghệ thuật khác cùng được lên tiếng. Bằng những bài thơ của mình, Ly dường như đã cung cấp một loại ngôn ngữ thơ mà các biên độ nghĩa, các ranh giới của ký hiệu, các lối mòn của biểu tượng đều đồng loạt xô đẩy nhau cho một trật tự mới, nơi ngôn ngữ có thể kết dính với các ký hiệu nghệ thuật khác và tự làm cho nó trở thành một sinh thế đa diện, lấp lánh, mời gọi nhiều hơn, để trống nhiều hơn, nơi tác giả “vong hoá” nhiều hơn đến độ… mất tích trong các thông điệp. Đó cũng là điều mà Chế Lan Viên ướm lời từ nửa thế kỷ trước “giờ thử để Thơ làm”.
Khi “Thơ tự làm” thì nó “gây sự” dai dẳng với ngôn ngữ và bắt ngôn ngữ phải mở ra những “khả nghĩa”, những chiều kích “sở thị” và “sở biểu” phong phú, đập toang những cánh cửa quen của tiếp nhận, đẩy người đọc vào vị thế một sinh mệnh thưởng thức, nghĩa là người đọc cũng có những chuyến lưu đày riêng trong hành trình cảm nghiệm thơ, trải nghiệm chất liệu tạo ra thơ. Họ cũng không thể yên ổn. Họ không chỉ đọc, họ còn được “âm thầm đề nghị” làm một người tham dự vào một tác phẩm trình diễn hay sắp đặt mơ hồ nào đó, họ đóng thêm vai của người đọc màu sắc, đọc đường nét, đọc cái vô biên của những bức tranh câm lặng… ở cùng một thời khắc đọc thơ qua lớp áo ngôn ngữ. Hãy “hành xác và thử nghiệm” - đó là lời mời mọc tinh tế và gãy gọn của Ly vào thơ; và (hy vọng rằng) cũng là một uyển ngữ cho mỹ học tiếp nhận đương đại.
TƯ LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Huỳnh Phan Anh: Thơ - trình diễn hay phơi mở. Nguồn: http://nguyentrongtao.info/
Nguyễn Việt Chiến, Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (1975 - 2005), Nxb Hội Nhà văn- Công ty Văn hoá trí tuệ Việt, Hà Nội, 2007.
Có (không) khởi đầu và (có) không kết thúc. Nguồn: http://tiasang.com.vn/
Trần Dần thơ, Nxb Đà Nẵng, 2008
Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.
Đặng Đình Hưng, Bến lạ, Nxb Văn nghệ, 1990
Hoàng Hưng, Hành trình, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.
Hoàng Hưng, Đọc và trình diễn thơ ở Việt Nam hiện nay, Văn nghệ, 25-10-2007.
Dương Bảo Linh, Đêm trong thơ Ly Hoàng Ly dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận. Nguồn: http://duongbaolinh3010.blogspot.jp/
Ly Hoàng Ly, Cỏ trắng, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999.
Ly Hoàng Ly, Lô Lô, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.
Ly Hoàng Ly, Quà, Nxb Trẻ, 2008.
Ly Hoàng Ly, Bồ câu thủ thỉ. Nguồn: http://soi.com.vn/
http://soi.today/
Modern and contemporary artists. Nguồn: http://the-artists.org
Nguyễn Thanh Nguyệt, Có chăng sự tiến bộ trong nghệ thuật? (suy nghĩ từ thực hành nghệ thuật của Ly Hoàng Ly). Nguồn: https://hieutn1979.wordpress.com/
Thu Nhi, Nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly: hành trình đi tìm cái đẹp. Nguồn:http://bazaarvietnam.vn/
The World’s Top Contemporary Artists. Nguồn: http://www.visual-arts-cork.com/
Lưu Khánh Thơ, Cách tân nghệ thuật và thơ trẻ đương đại. Nguồn: http://tonvinhvanhoadoc.vn/
Trang thơ Việt Nam đương đại, Tạp chí Sông Hương, số 287 (T.01-13)
Tọa đàm trực tuyến Bóng dáng nàng Thơ trong cuộc sống hiện đại. Nguồn: http://vietnamnet.vn/
Hà Thanh Vân thực hiện, Một góc nhìn thơ đương đại Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tháng 11-2008.
Xin chữ cho chữ, Nguồn: http://soi.today/
[1] Trang thơ Việt Nam đương đại, Tạp chí Sông Hương, số 287 (T.01-13)
[2] Trang thơ Việt Nam đương đại, Tạp chí Sông Hương, số 287 (T.01-13).
Lê Thị Thanh Tâm
Nguồn: Tham luận hội thảo 
Ngôn ngữ học Quốc tế lần thứ III do 
Viện Ngôn ngữ học tổ chức vào tháng 4-2017
Theo http://www.lyhoangly.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...