Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Lịch sử Việt Nam thời tự chủ 1

Lịch sử Việt Nam thời tự chủ 1
1. Khúc Tiên Chúa nhân thời cơ giành độc lập
Ngót một ngàn năm đô hộ, đất nước ta có những cuộc nổi dậy ở tầm mức lớn, như khởi nghĩa Hai Bà Trưng tồn tại trong vòng 3 năm [40-43], nhà Tiền Lý được18 năm [544-602], cuối cùng rơi vào vòng nô lệ. Phải đợi đến lượt Khúc Thừa Dụ, vị lãnh tụ đầu tiên thuộc họ Khúc, được người đời tôn là Khúc Tiên Chúa(1), đất nước ta bắt mới đầu dành độc lập.
Sách Khâm Định Việt Sử Cương Mục chép:
Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Đường gia phong chức đồng bình chương sự cho quan Tĩnh Hải quân tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ.
Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu [thuộc tỉnh Hải Dương].Thừa Dụ, tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường; nhân thế vua Đường cho làm chức ấy(2).
Sử Trung Quốc, Tư Trị Thông Giám Cương Mục của Tư Mã Quang ghi tương tự:
Đường Chiêu Tông Đế năm Thiên Hựu thứ 3 [906]
Ngày Ất Sửu tháng Giêng [7/2/906], thăng cho Tĩnh hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng bình chương sự. 乙丑,加靜海節度使曲承裕同平章事。Tư Trị Thông Giám quyển 265
Bằng cách nào một thường dân Việt Nam dành được nền độc lập cho nước nhà, được nhà Đường công nhận, phong tước hiệu Đồng bình chương sự, trên danh nghĩa ngang hàng với Tể tướng. Hãy xét về thời, thế, cơ, 3 yếu tố cần cho sự thành công; để tìm hiểu tiến trình thúc đẩy Khúc Thừa Dụ dấy lên, lập nên công nghiệp lớn:
Thời:bấy giờ Trung Quốc vào thời Đường mạt, Vua Tuyên Tông hoang dâm vô độ, Phiên trấn tại các địa phương nổi lên, trường kỳ tranh quyền với triều đình; đồng thời hoạn quan chuyên quyền, chính trị hủ bại; xã hội suy vi trầm trọng, dân không sống nổi. Năm Đại Trung thứ 3 [859] Cừu Phủ tại miền Đông tỉnh Chiết Giang lãnh đạo nông dân nổi dậy. Đến đời Vua Ý Tông năm Hàm Thông thứ 9 [868], Bàng Huân tại Quế châu [Quế Lâm, Quảng Tây] lãnh đạo quân trú phòng nổi dậy, sử gọi là “ Bàng Huân chi loạn 龐勳之變”. Hai loạn này tuy bị triều đình nhà Đường dập tắt sớm, nhưng chúng là tiếng nói đầu tiên báo hiệu cho mối loạn qui mô hơn, đó là cuộc nổi dậy của Hoàng Sào. Một trong những soạn giả Tân Đường Thư, Tống Kỳ(3) có lý, khi nhận xét rằng: “Nhà Đường mất bởi loạn Hoàng Sào, nhưng mối họa bắt đầu từ Quế Lâm 唐亡於黃巢,而禍基於桂林
Đời Ý Tông Càn Phù năm thứ 2 [875] Hoàng Sào nổi dậy tại Oan Cú [Hà Trạch thị] Sơn Đông. Tránh lực lượng mạnh của phiên trấn tại vùng trung nguyên tỉnh Hà Nam, Hoàng Sào xua quân về phía Nam, vượt sông Dương Tử, hoạt động tại vùng Lưỡng Hồ, phía nam An Huy, đông Chiết Giang, Phúc Kiến. Năm Càn Phù thứ 6 [879], Hoàng Sào vào vùng phía Nam Ngũ Lãnh, đánh chiếm thành lớn Quảng Châu, bắt sống Tiết độ sứ Lý Điều, quân đến 100 vạn, khống chế đại bộ phận Quảng Đông, Quảng Tây. Tại đây Hoàng Sào bố cáo: Sẽ mang đại quân đến kinh đô Trường An, lật đổ sự thống trị của nhà Đường. Tháng 10, quân Hoàng Sào lên phía Bắc chiếm Quế Lâm [Quảng Tây], rồi dùng bè xuôi dòng sông Tương tiến chiếm Đàm châu [Hồ Nam]. Tiếp tục qua Ngạc châu [Vũ Xương, Hồ Bắc], hướng về Đông tiêu diệt quân của Đại tướng Trương Lân; sau đánh Tín châu [Giang Tây], Tuyên châu [An Huy]. Đường Hy Tông Quang Minh thứ 1 [880], Hoàng Sào cho quân vượt sông Hoài, tiến chiếm Đông đô Lạc Dương, đến năm sau [881] vào chiếm kinh đô Trường An, lập chính quyền Đại Tề với niên hiệu Kim Thống.
Vua Đường Hy Tông phải rút lui sang đất Kiếm Nam [Tứ Xuyên], thu thập tàn quân chống cự. Bấy giờ Đại tướng Chu Ôn [tức Chu Toàn Trung, sau này cướp ngôi nhà Đường lập nên nhà Hậu Lương] phản Hoàng Sào, theo Đường; quân Hoàng Sào bị tổn thất nặng, nên phải rút ra khỏi kinh thành Trường An,  trở về vùng núi Thái Sơn tại Sơn Đông. Vào tháng 6 năm Trung Hòa thứ 4 [884], tại cốc Hổ Lang, Lai Vu [Lai Vu thị, Sơn Đông], Hoàng Sào giao chiến với tướng Đường, Thời Phổ, quân thua bèn tự tử.
: Trong khi Hoàng Sào tung hoành tại Trung Quốc, chính quyền địa phương thuộc Đường tại An Nam Đô Hộ Phủ bị cắt đứt với chính quốc; quân lính nhà Đường làm loạn, tự động bỏ hàng ngũ trở về Ung châu [Nam Ninh], sử chép:
Đường Hy Tông năm Quảng Minh thứ nhất [880],
Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về.安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道兵戍邕管者往往自歸。(Tư Trị Thông Giám, quyển 253)
Thế: Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nổi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dành lại nền độc lập cho nước nhà.
Việc làm của Tiên Chúa sáng suốt, bởi biết lợi dụng thời cơ mà tạo thế, bỏ sức ít mà công hiệu nhiều; khi ngoại xâm không còn ý chí chiến đấu, quân lính trên đường rã ngũ, thì việc đuổi chúng cũng dễ như đuổi một bầy gà! Tiên Chúa đã khéo thực hiện nguyên tắc kỳ diệu về sách lược dẫn đến thành công; mà trước Công Nguyên Lão Tử [老子] [chết 553 BC] đã đề ra, tại chương 63 sách Đạo Đức Kinh [道德經] như sau:
Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế; thiên hạ nan sự tất tác ư dị, thiên hạ đại sự tất tác ư tế
(圖難於其易,爲大於其細。天下難事必作於易,天下大事必作於細.)
Dịch nghĩa:
 Mưu đồ việc khó từ điểm dễ nhất, mưu đồ việc lớn từ cái nhỏ nhất. Việc khó khăn trong thiên hạ hãy ra tay từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ hãy bắt đầu từ chỗ nhỏ.
Dành độc lập cho nước nhà là việc khó, việc lớn nhất; Tiên Chúa đã chọn chỗ dễ là lúc nước cừu địch đắm chìm trong nội loạn để ra tay thành công.
Cùng vào thời trước Công Nguyên với Lão Tử, tại nước Hy Lạp phương Tây, nhà vật lý Archimedes [212 Bc] cũng có câunói nổi tiếng: “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi có thể nâng cả trái đất này lên.” (Give me a place to stand and I will move the earth).
Áp dụng câu nói này với việc làm của Tiên Chúa, thấy rằng Ngài đã dựa vào điểm tựa thời cơ một cách chuẩn xác, thành công bẫy lên được tảng đá nô lệ, đè nặng trên đầu dân tộc ta suốt cả ngàn năm.
Bấy giờ nền độc lập của nước Việt còn non trẻ, để tránh việc binh đao có thể xảy ra, Tiên Chúa sai sứ sang Trung Quốc cầu phong; việc làm cũng đúng thời điểm; vì Vua Đường đang bị Chu Toàn Trung áp chế, sắp sửa cướp ngôi, nên đành phải chấp nhận Tiên Chúa cai quản An Nam, sau đó phong chức Tiết độ sứ:
Đường Chiêu Tuyên Đế năm Thiên Hựu thứ 3 [906]
Ngày Ất Sửu tháng giêng [7/2/906], thăng cho Tĩnh hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng bình chương sự.乙丑,加靜海節度使曲承裕同平章事。(Tư Trị Thông Giám quyển 265.)
Năm 907, tại Trung Quốc, Chu Toàn Trung, cướp ngôi nhà Đường lập nên nhà Hậu Lương; gọi là Lương Thái Tổ, niên hiệu Khai Bình. Tuy là Vua đầu tiên thời Ngũ Đại, nhưng Lương Thái Tổ còn phải đối phó với các lực lượng cát cứ, lập nên 10 nước nhỏ, sử gọi là “Thập Quốc”. Tình hình trong nước như vậy, Vua Lương cũng không rảnh tay can thiệp vào nước ta, nên sau khi nghe tin Tiên Chúa mất bèn phong cho con là Khúc Hạo làm Tiết độ sứ:
Lương Thái Tổ Khai Bình năm thứ nhất [907],
Ngày Giáp Dần tháng 7 [8-9/907] Tĩnh hải Tiết độ sứ Khúc Dụ chết; ngày Bính Thân cho người con quyền Tri lưu hậu Hạo làm Tiết độ sứ. 靜海節度使曲裕卒,丙申,以其子權知留後顥為節度使。(Tư Trị Thông Giám quyển 266)”
Mấy năm sau, Tiết độ sứ Khúc Hạo mất, lại tiếp tục phong cho con là Khúc Thừa Mỹ làm Tiết độ sứ:
Lương Thái Tổ ngày Mậu Ngọ thánh 12 năm Càn Hòa thứ 1 [31/12/911].
Ngày Mậu Ngọ tháng 12 [31/12/911],cho Tĩnh Hải Lưu hầu Khúc Mỹ làm Tiết Độ Sứ. 戊午,以靜海留後曲美為節度使。(Tư Trị Thông Giám, quyển 268)
Khúc Thừa Mỹ không nhạy bén về thời cuộc như ông nội, vẫn tin tưởng rằng giao hảo tốt với nhà Hậu Lương thì yên ổn, không hiểu được tình hình Trung Quốc biến đổi hàng ngày. Bấy giờ thuộc thời Ngũ Đại, trong vòng trên 50 năm [907-960] chia thành 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu; mỗi triều đại có vài vua nối tiếp trị vì, có triều đại như nhà Hậu Hán vận mệnh ngắn ngủi, chỉ được 4 năm! Trung Quốc tuy có vua tại trung ương, nhưng quần hùng cát cứ lập nên các nước nhỏ, gọi là Thập Quốc. Riêng tại vùng Lãnh Nam tức Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay; phiên trấn Lưu Cung tự động lên ngôi vua vào năm 917, lập nên nước Nam Hán, đóng đô tại Phiên Ngung [Quảng Châu]; Nam Hán là 1 trongThập Quốc lúc bấy giờ.
Lãnh thổ An Nam sát nách với nước Nam Hán; vua Nam Hán vốn là tay hiếu chiến bèn sai tướng là Lương Khắc Trinh mang quân sang nước ta, đánh bắt Khúc Thừa Mỹ đưa về Phiên Ngung [Quảng Châu]:           
Đường Minh Tông năm Trường Hưng thứ nhất [930].
Tháng 9 [10/930], chúa Nam Hán sai tướng là Lương Khắc Trinh, Lý Thủ Phu đánh chiếm Giao Châu, bắt Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ đem về, sai tướng là Lý Tiến giữ Giao Châu.
Tháng 10, tướng Nam Hán, Lương Khắc Trinh vào đánh Chiêm Thành, lấy đồ vật quí mang về. 漢主遣其將梁克貞、李守鄜攻交州,拔之,執靜海節度使曲承美以歸,以其將李進守交州。漢將梁克貞入占城,取其寶貨以歸。Tư Trị Thông Giám, quyển 277
Triều đại họ Khúc tương đối ngắn, truyền được 3 đời, nhưng đào tạo được các tướng lãnh giỏi như Dương Đình Nghệ(4), Ngô Quyền, có chí thừa kế. Nhờ vậy nước An Nam chỉ tạm thời bị nước Nam Hán chiếm trong vòng 1 năm; Dương Đình Nghệ mang quân từ Thanh Hóa ra, đánh bại Lý Tiến chạy về Trung Quốc, lại tiêu diệt quân tiếp viện của Trịnh Bảo:
Đường Minh Tông năm Trường Hưng thứ 2 [931]
 Tháng chạp, tướng châu Ái [Thanh Hóa] Dương Đình Nghệ dưỡng 3.000 con nuôi, mưu đồ khôi phục Giao Châu; Chỉ huy Giao Châu, Lý Tiến, biết được, nhưng nhận hối lộ nên không báo tin về nước. Vào năm này Đình Nghệ mang quân vây Giao Châu, vua Nam Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo mang quân đến cứu, chưa đến nơi thì thành đã mất. Lý Tiến trốn về, bị vua Hán giết; Đình Nghê mang binh đánh, Bảo thua chết. 愛州將楊廷藝養假子三千人,圖復交州;漢交州守將李進知之,受其賂,不以聞。是歲,廷藝舉兵圍交州,漢主遣承旨程寶將兵救之,未至,城陷。進逃歸,漢主殺之。寶圍交州,廷藝出戰,寶敗死。Tư Trị Thông Giám quyển 277
Đến năm Đinh Dậu [937], Kiều Công Tiện làm phản, giết Đình Nghệ, rồi cầu cứu quân Nam Hán sang giúp. Lại cũng chỉ 1 năm sau, tức năm Mậu Tuất [938] Ngô Quyền đại thắng tại sông Bạch Đằng, giết Thái tử Hoàng Thao. Vua Nam Hán Lưu Cung tuy đóng binh yểm trợ tại cửa biển, nghe tin con chết chỉ biết gào khóc, chứ không dám có hành động gì hơn; cái thế độc lập của nước ta đã có cơ sở.
Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đã áp dụng sách lược “Việc khó hãy bắt đầu bằng chỗ dễ”, nên tổn thất ít mà thành công nhiều. Đọc qua sử nước nhà, thấy Vua Lê Lợi cũng theo nguyên tắc này, gặt hái được thành công. Trong khi đang vây thành Nghệ An [1426], được tin cánh quân của Lý Triện chiến thắng tại Bắc Hà; bèn giao cho quân địa phương uy hiếp thành này, mang đại quân ra vây Đông Đô [Hà Nội]. Tuy vây mà không cần đánh; nhắm tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng tại ải Chi Lăng, khiến quân giặc thế cùng lực tận phải xin rút quân ra khỏi nước. Giả sử nhà vua câu nệ, đánh từng thành, từng tỉnh, từ miền Trung ra Bắc, sẽ mất thêm thời gian, hy sinh thêm biết bao sinh mệnh.
Cả 2 vị anh hùng trong lịch sử nước nhà, linh động áp dụng nguyên tắc “Mưu đồ việc khó từ điểm dễ nhất, mưu đồ việc lớn từ cái nhỏ nhất. Việc khó khăn trong thiên hạ hãy ra tay từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ hãy bắt đầu từ chỗ nhỏ”; kết quả dành được nền độc lập cho nước nhà.
Chú thích:
1. Khúc Tiên Chúa: Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn chép Thừa Dụ tức Khúc Tiên Chúa; Tiên Chúa có nghĩa là vị Chúa đầu tiên của nước ta.
2. Khâm Định Việt Sử Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội: NXB Giáo Dục, trang 72.
3. Tống Kỳ cùng Âu Dương Tu soạn Tân Đường Thư.
4. Dương Đình Nghệ: vì chữ Đình [] và chữ Diên [] viết giống nhau, nên có sách chép là Dương Diên Nghệ.
2. Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, củng cố nền độc lập [939-944]
Ngô Quyền người xã Đường Lâm tỉnh Sơn Tây [theo An Nam Kỷ Yếu, quê tại  châu Ái, Thanh Hóa], là tướng giỏi của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nên được Tiết độ sứ gả con gái cho; rồi cho giữ Ái Châu. Sau khi phản tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ [937], Ngô Quyền mang quân từ châu Ái ra Bắc, đánh Kiều Công Tiễn; Công Tiễn không chống nổi, bèn mang của cải đút lót cho vua Nam Hán để xin cứu viện.
Đối phó với thù trong giặc ngoài, tướng Ngô Quyền ra tay diệt tan bè lũ Kiều Công Tiễn trước, rồi chuẩn bị chiến trận chống Nam Hán. Vua Nam Hán muốn nhân loạn chiếm nước Việt, bèn sai con là Vạn vương Hoằng Thao mang thủy quân sang đánh, riêng Vua Hán đóng quân tại cửa biển để làm thế yểm trợ. Hậu quả Hoằng Thao chết trận, quân tan, vua Hán khóc ròng, rút quân trở về nước, Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang chép về sự kiện này như sau:
Tư Trị, quyển 281Tấn Cao Tổ năm Thiên Phúc thứ 3 [938],
Tháng 10, tướng cũ của Dương Diên Nghệ [楊延藝] (1) là Ngô Quyền mang quân đánh Kiều Công Tiễn tại Giao Châu; Công Tiễn sai sứ hối lộ cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Hán muốn thừa lúc loạn đánh lấy, bèn cho con là Vạn vương Hoằng Thao làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ tiến phong Giao vương, mang quân cứu Công Tiễn; vua Hán đích thân đóng tại cửa biển để làm thế thanh viện. Vua Hán hỏi Sùng văn sứ Tiêu Ích về sách lược, Ích tâu:
 ‘Nay trời mưa lâm râm suốt tuần, đường biển xa xôi hiểm trở, Ngô Quyền lại là tay kiệt hiệt, nên không thể khinh địch. Đại quân cần từ từ thận trọng, dùng nhiều hướng đạo dân địa phương, mới nên tiến.’
Vua không nghe, ra lệnh Hoằng Tháo điều chiến thuyền theo sông Bạch Đằng tiến vào Giao Châu. Lúc này Quyền đã giết Công Tiễn, chiếm toàn Giao Châu, rồi mang quân đánh ngược lại. Trước hết tại cửa biển cho chôn cọc vót nhọn có bọc sắt; lại sai khinh binh khiêu chiến rồi giả thua rút. Hoàng Thao xua quân đuổi; chẳng bao lâu thủy triều xuống, tàu vướng cọc sắt không rút lui được, quân Hán thua to, quan quân bị lật tàu chết trôi quá nửa. Hoằng Tháo chết, vua Hán gào khóc, thu tàn quân trở về. Trước đó, Tả lang hầu Dung khuyên vua Hán bớt việc binh để yên dân, nay do dùng binh không phấn chấn, bèn qui lỗi cho Dung, sai phá quan tài phơi thây.”
(楊延藝故將吳權自愛州舉兵攻皎公羨於交州,公羨遣使以賂求救於漢。漢主欲乘其亂而取之,以其子萬王弘操為靜海節度使,徙封交王,將兵救公羨,漢主自將屯於海門,為之聲援。漢主問策於崇文使蕭益,益曰:「今霖雨積旬,海道險遠,吳權桀黠,未可輕也。大軍當持重,多用鄉導,然後可進。」不聽。命弘操帥戰艦自白籐江趣交州。權已殺公羨,據交州,引兵逆戰,先於海口多植大[+dặc: cái cọc]銳其首,冒之以鐵,遣輕舟乘潮挑戰而偽遁,弘操逐之,須臾潮落,漢艦皆礙鐵杙不得返,漢兵大敗,士卒覆溺者太半;弘操死,漢主慟哭,收餘眾而還。先是,著作佐郎侯融勸漢主弭兵息民,至是以兵不振,追咎融,剖棺暴其屍。益,仿之孫也。)
Một bộ sử khác của Trung Quốc, Tân Ngũ Đại Sử do Âu Dương Tu soạn, cũng chép tương tự:
Năm thứ 10 [937], Nha tướng Giao Châu Kiều Công Tiên giết Dương Đình Nghệ lên ngôi; tướng cũ của Đình Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu; Công Tiễn xin quân Nam Hán tiếp viện. Cung phong cho con, Hồng Tháo là Giao vương, ra quân đánh tại sông Bạch Đằng; Cung đóng quân tại cửa biển. Quyền sau khi giết Công Tiễn, đánh ngược ra cửa biển, cắm cọc sắt. Quân của Quyền chờ thuỷ triều lên bèn rút; đợi thủy triều xuống bèn quay thuyền  lại đánh, thuyền  quân Nam Hán vướng phải cọc đều lật đổ; Hồng Tháo chết, Lưu Cung thu tàn quân trở về.” [Tân Ngũ Đại Sử, Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5]
(十年,交州牙將皎公羨殺楊廷藝自立,廷藝故將吳權攻交州,公羨來乞師。龑封洪操交王,出兵白藤以攻之。龑以兵駐海門,權已殺公羨,逆戰海口,植鐵橛海中,權兵乘潮而進,洪操逐之,潮退舟還,轢橛者皆覆,洪操戰死,龑收余眾而還。)
Lợi dụng thủy triều để tranh thắng; điều quan trọng là thời gian phải chính xác. Lịch sử thế giới ca tụng danh tướng MacArthur đã thành công trong cuộc đổ bộ bất ngờ nguy hiểm tại hải cảng Inchon cách thủ đô Seoul Hàn Quốc 25 dặm, vào ngày 15/10/1950; cắt bán đảo Triều Tiên làm 2, khiến quân Bắc Hàn trên đường tấn công tại phía nam bị đánh tan, loại ra ngoài vòng chiến. Các nhà quân sự Bắc Hàn lúc bấy giờ cho rằng cảng Inchon nước cạn không thể dùng tàu đổ bộ, nên không chú ý đề phòng; nhưng họ không tính đến nước thủy triều lên cao trong một vài giờ, và tướng MacArthur đã dám chọn thời gian nghiệt ngã bất ngờ đó để tranh thắng. Thời MacArthur có đồng hồ chính xác từng giây, hải quân Hoa Kỳ thống kê mức thủy triều lên xuống từng phút; mà vẫn bị coi là liều lĩnh. Riêng Ngô vương phải sai người cắm cọc sắt như thế nào để lúc thủy triều lên địch không phát hiện được, thủy triều rút có thể đâm thủng thuyền giặc, rồi thời gian rút lui, thời gian tấn công cần phải chính xác; công việc tính toán về thủy triều cũng phải làm như MacArthur thực hiện khoảng 1.000 năm sau; so sánh như vậy thấy được Ngô vương là một thiên tài về quân sự.
Cùng một dòng sông, 2 lần đại phá quân địch; một việc ít khi xảy ra trong lịch sử chiến tranh thế giới. Tuy cũng là thủy chiến, cũng đóng cọc trên sông; hơn 300 năm sau [1288] Hưng Đạo vương lại tiêu diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, bắt và giết các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp; chỉ khác một chi tiết là đánh giặc khi chúng rút lui từ trong nội địa Đại Việt ra biển. Một dòng sông khác, cách sông Bạch Đằng không xa; đó là sông Như Nguyệt [sông Cầu], Lý Thường Kiệt từng chế ngự giặc thành công, trong cuộc chiến tranh Lý Tống năm 1076.
Đất nước Việt Nam ta núi sông hiểm trở không thiếu, tại địa danh sông Chi Lăng [thượng lưu sông Thương], vua Lê Đại Hành dụ bắt giết Hồng Nhân Bảo, chấm dứt cuộc chiến tranh Lý Tống vào năm 981; lại gần 500 năm sau [1427], dưới thời chống quân Minh, tướng Liễu Thăng mang đại quân sang cứu viện, bị nghĩa quân của Vua Lê Lợi đánh tan tại ải Chi Lăng.
Kỵ binh là sở trường của quân phương Bắc, đạo quân của Nùng Trí Cao dưới thời Tống từng hoành hành tại 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông như chỗ không người; chỉ trong vòng 2 tháng, đánh chiếm hàng chục châu quận trong đó có thành lớn Ung châu [Nam Ninh]; nhưng cuối cùng bị Địch Thanh dùng kỵ binh đánh tan trong một buổi sáng, tại cánh đồng bằng phẳng Qui Nhân Phố dưới chân núi Côn Lôn. Trong cuộc chiến tranh Lý Tống Quách Quì dùng 1 vạn kỵ binh; thời nhà Trần, quân Mông Cổ dưới quyền Trấn nam vương Thoát Hoan sử dụng ưu thế kỵ binh hầu mong nuốt chửng nước ta; nhưng địa thế nước ta khó có thể dàn trận lớn bằng kỵ binh, lại bị quân ta đánh tiêu hao người, ngựa, bằng chiến tranh hầm hố, nên hai lần xâm lăng đều bị thất bại. Thời hiện đại gọi xe tăng thiết giáp là kỵ binh [Armoured cavalry], địa thế tại Việt Nam miền Bắc, và Trung phần lớn núi rừng, miền Nam đất mềm nhiều sình lầy, nên thiết giáp chỉ phụ cho bộ binh; chứ không thể dàn hàng ngang hàng trăm chiếc để làm chủ chiến trường, như quân Đồng Minh và Đức từng tung hoành tại sa mạc châu Phi thời Thế chiến thứ 2.
Trong chiến tranh Nga Nhật năm 1905, hạm đội Nga trú an toàn tại hải cảng Cam Ranh nước ta, Nhật không có cách gì tiêu diệt, cuối cùng phải dùng biện pháp ngoại giao với Pháp, đuổi tàu Nga ra khỏi lãnh hải Việt Nam để đánh. Hải trình huyết mạch quốc tế từ ngàn xưa đến nay chạy dọc theo Biển Đông tức ven biển miền Trung; Cam Ranh nước ta là vị trí chiến lược tối quan trọng, với vũ khí hiện đại có thể kiểm soát hải trình này, và chống lại các thế lực vượt trội ta ngoài biển khơi.
Tóm lại, trong 3 yếu tố thiên thờiđịa lợinhân hòa; tổ tiên ta đã phấn đấu hàng ngàn năm để dành phần “địa lợi” cho con cháu; Ngô vương Quyền là bậc thầy muôn đời trong việc dùng địa lợi vào lãnh vực quân sự.
Sau khi dẹp xong ngoại xâm, năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền tự xưng Vương, đóng đô tại Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội ngày nay; lập Dương thị làm hoàng hậu. Dương Hậu là con gái Dương Diên Nghệ; thời Ngô vương Quyền làm nha tướng, được Diên Nghệ gả con gái cho.
Năm Giáp Thìn [944], Ngô vương Quyền mất. Lúc bệnh nguy kịch, trối trăng dặn Dương Tam Kha, em ruột Dương hậu, giúp con mình là Xương Ngập nối ngôi.
Sử thần Lê Văn Hưu đời Trần có lời bàn về Ngô vương Quyền, tuy ngắn nhưng nội dung có thể tóm tắt được sự nghiệp:
Lê Văn Hưu nói:
Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được” [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại kỷ, quyển 5].
 Sau khi Ngô vương mất, Tam Kha cướp ngôi của cháu, tiếm xưng là Bình vương; Xương Ngập sợ, chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương(2). Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô vương Quyền là Xương Văn làm con mình. Các con vợ thứ của Ngô vương là Nam Hưng, Kiền Hưng còn nhỏ, đều theo Dương hậu.
Tam Kha sai Quan sứ Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi lùng Xương Ngập: trước sau đến ba lần đều không bắt được. Được tin Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu trong động núi; Tam Kha cho sục sạo, cuối cùng vẫn không tìm thấy. Tam Kha lại sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cùng Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình (3). Khi đi đến huyện Từ Liêm, Xương Văn bảo hai Quan sứ rằng:
"Đức trạch của Tiên vương (4) ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được, nếu họ không phục thì làm thế nào?"
 Hai Quan sứ Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc trả lời:
"Tướng quân bảo như thế nào chúng tôi cũng xin vâng mệnh".
Xương Văn bảo:
"Ý tôi muốn đem quân quay về đánh úp Bình Vương để phục lại cơ nghiệp của tiền nhân, có nên không?".
Hai Quan sứ đều cho là phải. Bấy giờ mới trở về đánh úp được Tam Kha; mọi người muốn giết đi, nhưng Xương Văn bảo:
"Bình vương đối với ta cũng có ơn, nỡ nào đem giết?"
 Rồi giáng Tam Kha xuống làm Trương Dương công, nhân chỗ ở ấy cho làm thực ấp(5). Tam Kha tiếm ngôi 6 năm.
Năm Tân Hợi (951], Ngô Xương Văn lên ngôi xưng là Nam Tấn vương; rồi sai Sứ đón Xương Ngập ở tôn Trà Hương về kinh đô, cùng nhau trông coi việc nước. Sau đóThiên Sách vương Xương Ngập chuyên quyền, nên Nam Tấn vương không tham dự chínhsự nữa. Do đó hai anh em có sự xích mích; đến năm Giáp Dần [954], Xương Ngập mất, Nam Tấn vương mới chính mìnhcầm chính quyền; rồi sai Sứ sang xin mệnh chúa Nam Hán là Lưu Thạnh phong chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ kiêm An Nam đô hộ; Tư Trị Thông Giám(6) chép:
“Chu Thế Tông Hiển Đức năm thứ nhất [954]                              
Tháng Giêng [2/954], trước kia Tĩnh hải tiết độ sứ Ngô Quyền mất, con là Xương Ngập lập. Xương Ngập mất, em là Xương Văn [昌文] lập. Tháng này mới bắt đầu xin mệnh Nam Hán; Nam Hán phong Xương Văn Tĩnh hải quân tiết độ sứ kiêm chức An Nam đô hộ.”
(初,靜海節度使吳權卒,子昌岌立。昌岌卒,弟昌文立。是月,始請命於南漢,南漢以昌文為靜海節度使兼安南都護.)
Năm Ất Sửu [965], Nam Tấn vương đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Quân đến nơi, cắm thuyền, lên bộ đánh nhau; Nam Tấn vương bị trúng tên mai phục chết; trị vì được 15 năm.
Nhà Ngô mất. Ngô vương Quyền khởi lên từ năm Kỷ Hợi, mất năm Giáp Thìn, được 6 năm [939-944]; Nam Tấn Xương Văn lên ngôi từ năm Tân Hợi đến năm Ất Sửu [951-965], được 15 năm (951-965); cộng tất cả là 21 năm.
Từ khi Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Xương Văn tuy lấy lại được nước, nhưng hai anh em bất hòa, không thể thống nhất được; đến khi đi đánh Thái Bình, bị chết trận, từ đó trong nước rối loạn. Một viên tướng người họ Ngô là Ngô Xương Xí tụ tập quân giữ Bình Kiều. Nha tướng nhà Ngô là Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang. Thổ hào các nơi khác cũng nổi lên mỗi người giữ một nơi, ai cũng xưng hùng trưởng. Sau Tiên Hoàng nhà Đinh nổi lên, dẹp yên được cả, từ đấy giang sơn mới thống nhất.
Các hùng trưởng cát cứ các nơi, sử gọi là Thập Nhị Sứ Quân, xin liệt kê như sau:
1. Trần Lãm, tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải khẩu [thị xã tỉnh Thái Bình];
2. Kiểu Công Hãn tự xưng là Kiểu Tam Chế, giữ Phong Châu [huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú];
3. Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Nguyễn Gia Loan ở Tam Đái [huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú];
4. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm [Ba Vì, Hà Tây];
5. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại [huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc];
6. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh công, giữ Tiên Du [tỉnh Bắc Ninh];
7. Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang [huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc];
8. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt [Thanh Trì, Hà Nội];
9. Kiểu Thuận tự xưng là Kiểu Lệnh Công, giữ Hồi Hồ [huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú];
10. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu [huyện Kim Thị, tỉnh Hải Hưng].
11. Ngô Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều [huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa] ()
12. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Đỗ Động [Thanh Oai, tỉnh Hà Tây].
Ba nhân vật lịch sử phải chịu trách nhiệm về mối loạn 12 sứ quân cuối triều Ngô: trước hết phải kể đến Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu, dùng binh đánh dân vô tội; kế đến Ngô Xương Văn vì tình riêng không có thái độ dứt khoát với Dương Tam Kha, nuôi dưỡng kẻ phản bội; riêng Ngô Xương Ngập được em đón về lại giành chức của em. Các biến cố xảy ra khiến nhân tâm chia rẽ, chính quyền mới bắt đầu xây, điều hành lỏng lẻo, không có kỷ cương; đó là nguyên nhân chính gây nên loạn Thập nhị sứ quân.
Chú thích:
1. Dương Đình Nghệ: vì chữ Đình [] và chữ Diên [] viết giống nhau, nên có sách chép là Dương Diên Nghệ.
2. Trà Hương: thuộc huyện Kim Thành, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
3. Thôn Thái Bình: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
4. Tiên vương: Vương trước, chỉ Ngô Quyền.
5. Thực ấp: ấp được phong, có quyền thu thuế và hoa lợi.
6. Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang, quyển 291.
7. Danh sách và vị trí Thập Nhị Sứ Quân, căn cứ vào Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục tiền biên quyển 5; riêng Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, bản điện tử, trang 34; chép Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều thuộc tỉnh Hưng Yên.
3. Những nét đặc trưng về vua Đinh Tiên Hoàng [968-979]
Tư chất lãnh tụ của vua Đinh Tiên Hoàng tức Đinh Bộ Lĩnh, đã sớm xuất hiện từ thuở nhi đồng. Bấy giờ cha là Đinh Công Trứ, từng làm Thứ sử Châu Hoan [Nghệ An] cho Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền, chẳng may mất sớm; mẹ là Đàm Thị đem về động Hoa Lư [Ninh Bình] nuôi nấng; ngài thường đi chăn trâu ngoài đồng, chơi với đám trẻ con, chúng đều chịu phục. Cương Mục(1) chép: 
Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ Thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác: đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc. Mẹ thấy thế, mừng lắm, giết lợn nhà để khao chúng. Khi đã hơi lớn, ngài sai bảo được những người ở ấp lân cận. Phụ lão trong các sách(2) đều bảo nhau rằng:
‘Chú bé này có độ lượng khác thường, chắc rồi làm nên sự nghiệp’.
Họ liền đem con em theo ngài, lập ngài làm trùm, đóng ở sách Đào Úc, ngày ngày đi đánh những sách khác chưa chịu phục”.
Dưới thời nhà Ngô, sau khi Ngô vương Quyền mất, Dương Tam Kha, em vợ Vương cướp ngôi của cháu; sau đó bị con thứ của Vương là  Ngô Xương Văn truất phế. Năm Tân Hợi [951], Xương Văn lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn vương, sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về kinh sư, cùng trông coi việc nước, Xương Ngập  xưng là Thiên Sách Vương. Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư cậy núi khe hiểm trở, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều đình làm con tin. Liễn đến, hai Vương trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo quân đi đánh. Cương Mục [ChínhBiên, quyển 1] chép:
Hơn một tháng, không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói:
‘Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?’.
Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ bảo:
‘Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì.
Bèn không giết Liễn mà đem quân về.”
Việc làm của Đinh Bộ Lĩnh được cho là vì đại nghĩa, không đoái tưởng đến vợ con gia đình riêng tư; người  xưa gọi là “công nhi vong tư ”; tại Trung Quốc trước Công Nguyên thời Hán Sở Tranh Hùng, Hán Cao Tổ cũng kẹt vào trường hợp tương tự; rồi cũng giải quyết theo phương sách này.
Bấy giờ Hán Cao Tổ tức Lưu Bang cùng Hạng Võ thề làm anh em phò Sở Hoài vương chống lại nhà Tần. Khi chiếm được kinh đô Trường An diệt xong Tần, hai phe tranh Bá đồ Vương, đánh nhau kịch liệt. Sau khi Lưu Bang thất bại tại Bành Thành [-205], cha và vợ đều bị quân Hạng Vũ bắt. Vào năm -203 Hạng Vũ đóng quân tại núi Quảng Vũ chống nhau với Lưu Bang; quân Lưu dựa vào chỗ hiểm tại Vinh Dương [Xingyang, Hà Nam], khiến Hạng đánh mấy tháng không hạ được. Vì thiếu lương muốn giải quyết gấp, Hạng dọa Lưu ra hàng, nếu không tuân sẽ đem cha ra giết. Lưu Bang dứt khoát trả lời “Nếu có giết thì [nấu ra], chia cho tôi một bát canh với ”; sự việc được chép trong bộ sử Tư Trị Thông Giám(3) như sau:
Hạng Võ đóng quân tại núi Quảng Vũ, chống nhau với quân Hán; trải qua mấy tháng không hạ được, lương thực lại thiếu; Hạng Võ bèn đem Thái Công [cha Lưu Bang]lên thành, và bảo Lưu Bang rằng:
‘Nếu không hạ được thành gấp, ta đem Thái Công ra phanh thây’.
Hán vương [Lưu Bang]bảo:
‘Tôi và anh cùng hướng lên phương Bắc nhận mệnh của Hoài vương kết làm anh em; vậy cha tôi là cha anh; bây giờ nếu anh muốn giết ổng, [nấu ra]nhớ chia cho tôi một bát canh với!’
Hạng Bá [chú Hạng Võ đứng bên cạnh]khuyên:
‘Việc thiên hạ trong tương lai chưa biết ra làm sao; y vì thiên hạ không đoái đến gia đình, nếu có giết đi cũng vô ích, mà càng thêm gây họa’.
Hạng Võ đành nghe theo”.
(羽亦軍廣武,與漢相守。數月,楚軍食少。項王患之,乃為高祖,置太公其上,告漢王曰:「今不急下,吾烹太公!」漢王曰:「吾與羽俱北面受命懷王,約為兄弟,吾翁即若翁;必欲烹而翁,幸分我一杯羹!」項王怒,欲殺之。項伯曰:「天下事未可知。且為天下者不顧家,雖殺之,無益,只益禍耳!」項王從之.)
Vào năm Mậu Thìn [968],Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân lên ngôi, tức Vua Đinh Tiên Hoàng; ngài đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt [大瞿越], dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi; bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Việc ngài dùng quốc hiệu với chữ Nôm “Cồ” viết theo lối giả tá kèm giữa từ “Đại Việt” là một sáng kiến thoát Trung độc đáo, vượt ra ngoài lối mòn Trung Quốc; ngoài ra chữ “cồ” trong ngôn ngữ Việt còn hàm nghĩa “lớn, mạnh”. Sử gia Lê Văn Hưu, sống gần với thời nhà Đinh, có lời bàn về Đinh Tiên Hoàng như sau:
Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”(4)
Về việc bang giao; Vua các nước nhỏ như Việt Nam, Cao Ly lúc lên ngôi, thường sai sứ dâng biểu cầu phong Trung Quốc; tuy đó chỉ là hình thức nhưng cũng mang dấu ấn thần phục nước lớn. Riêng vua Đinh Tiên Hoàng khác biệt, bản thân chưa hề liên lạc trực tiếp với Trung Quốc; chỉ cho con là Đinh Liễn tiếp xúc. Thời Ngũ Đại Thập Quốc, Đinh Liễn được nhà Nam Hán cho làm Tiết độ sứ; Tân Ngũ Đại Sử(5) chép:
Nam Hán Lưu Trường niên hiệu Đại Bảo thứ 8 [965], Ngô Xương Văn tại Giao châu mất, phụ tá cho Văn là Lữ Xứ Bình tranh chấp với Thứ sử Phong châu Kiểu Công Hữu, khiến Giao Chỉ loạn lớn. Người trong châu Đinh Liễn mang quân đánh phá được, Lưu Trường giao cho Liễn làm Tiết độ sứ.”(Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5. Tân Ngũ Đại Sử)
(八年,交州吳昌文卒,其佐呂處平與峰州刺史喬知祐爭立,交趾大亂,州丁璉舉兵擊破之,鋹授璉交州節度)
Đến thời nhà Tống nắm quyền cai trị Trung Quốc, Đinh Liễn với tư cách là Tiết độ sứ triều Nam Hán cũ, gửi chế văn sang triều cống; qua nội dung chế văn triều Tống mới biết Liễn làm theo ý Vua cha; Tục Tư Trị Trường Biên của Lý Đào chép:
Trường Biên, quyển 14. Tống Thái Tổ ngày Giáp Tuất tháng 5 năm Khai Bảo thứ 6 [24/6/973], Nam Hán Tĩnh hải quân tiết độ sứ Đinh Liễn nghe tin vùng Lãnh Nam(6) đã bình định, bèn sai sứ triều cống; tờ biểu xưng rằng y nhận lệnh của cha là Bộ Lĩnh. Ngày Mậu Dần [28/6/973] ban cho Liễn chức Tĩnh hải tiết độ sứ. (Trong chế văn(7) ban cho Liễn chức Tiết độ sứ đại lược ghi “Cung kính tuân theo lệnh của cha, thấy nhục phải thờ nước ngụy(8)”; do đó biết được biểu văn của Liễn nội dung giống như vậy.” (Quyển 14. Năm Khai Bảo thứ 6 [973])
(南漢靜海節度使丁璉聞嶺南悉平,遣使朝貢,表稱其父部領之命。戊寅,以璉為靜海節度使。(除璉節度使制,其略曰:「虔遵父命,恥事偽邦。」則知必璉表云爾也。))
Triều đình nhà Tống do sự kính trọng Vua Đinh Tiên Hoàng, làm một việc ngoại lệ; tuy Vua không xin, vẫn tự ý sai Sứ phong chức Giao Chỉ quận vương:
Triều đình cho rằng Đinh Liễn từ phương xa lo làm tròn chức cống, vốn do ý của cha, bắt đầu bàn bạc tỏ ra kính trọng. Ngày Bính Ngọ tháng 8 [4/9/975]phong Bộ Lĩnh là Giao Chỉ quận vương; sai Hồng lô thiếu khanh Cao Bảo Tự, Hữu giám môn vệ suất Vương Ngạn Phù đi sứ. Cao Bảo Tự là chú Cao Kế Xung(9)”. (Tục Tư Trị Trường Biên, Quyển 16)
(朝廷以丁璉遠修職貢,本其父部領之意,始議崇寵之。丙午,封部領為交趾郡王,遣鴻臚少卿高保緒、右監門衛率王彥符往使。保緒,繼沖從父也。)
Trở về với việc nội trị, vua Đinh Tiên Hoàng chủ trương dùng oai lực chế trị thiên hạ, đặt vạc dầu lớn ở sân, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng:
 "Hễ kẻ nào vi phạm thì bắt bỏ vào nấu trong vạc, hay cho hổ ăn thịt".
Khiến ai nấy sợ hãi, không dám phạm pháp.
Năm Canh Ngọ [970], đặt niên hiệu Thái Bình năm thứ nhất; cho lập năm Hoàng hậu gồm: 1) Đan Gia; 2) Trinh Minh; 3) Kiểu Quốc; 4) Cồ Quốc; 5) Ca Ông.
Năm Tân Mùi Thái Bình thứ 2 (971), đặt phẩm trật cho các quan văn, quan võ và lãnh đạo các tôn giáo như Phật, Lão: Nguyễn Bặc làm Định quốc công; Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư(10); Lê Hoàn làm Thập Đạo(11) tướng quân. Ban hiệu Khuông Việt thái sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu; lại cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ(12), Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi(13).
Tháng 2 năm Giáp Tuất Thái Bình thứ 5 (974), chia đất nước làm mười đạo; cũng tổ chức quân đội thành 10 đạo quân, dưới quyền quan Thập đạo, mỗi đạo có mười quân, mỗi quân mười lữ, mỗi lữ mười tốt, mỗi tốt mười ngũ, mỗi ngũ mười người, đều đội mũ "Tứ phương bình đính"(14).
Tháng Giêng năm Mậu Dần, Thái Bình thứ 9 (978); lập con nhỏ là Hạng Lang làm Thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương.
Mùa Xuân năm Kỷ Mão, Thái Bình thứ 10 (979). Nam Việt vương Liễn giết Thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng, khó nhọc mà có công to; khi nhà vua đã được nước, Liễn được phong là NamViệt vương lại từng nhận tước phong của Tống. Khi sinh Hạng Lang, nhà vua tư vị cưng chiều, lập làm Tháitử. Vì thế, Liễn bất bình, sai người ngầm giết Hạng Lang.
Tháng 10, viên Chi hậu nội nhân(15) Đỗ Thích(16) giết nhà vua và Nam Việt vương Liễn. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc bắt được Đỗ Thích giết đi, rước Vệ vương Toàn lên ngôi. Trước kia, Đỗ Thích làm chức Thư lại ở Đồng Quan, đêm nằm ở trên cầu, bỗng thấy sao sa vàomiệng, tự phụ là điềm lạ, manh tâm chiếm ngôi cao. Đến đây, nhân dịp nhà vua đêm ăn yến,say rượu, nằm ở trong sân cung cấm, bèn giết nhà vua cùng với Nam Việt vương Liễn. Do bị lùngbắt gắt gao quá, Đỗ Thích nằm núp ở lòng máng xối trong cung, đã hơn ba ngày, khát lắm, gặp trờimưa, thò tay ra hứng nước uống. Cung nữ trông thấy, chạy báo Nguyễn Bặc. Nguyễn Bặc bắt lấy Thích,chém chết. Rồi cùng bọn Đinh Điền, Lê Hoàn rước Vệ vương Toàn lên ngôi; truy phong nhà vua là TiênHoàng đế; Vua Đinh ở ngôi 12 năm, thọ 56 tuổi.
Các Sử gia từng trách vua Đinh Tiên Hoàng 3 điều: thứ nhất bỏ con trưởng lập con thứ, dẫn đến cái chết của nhà vua và Đinh Liễn; thứ hai lập 5 Hoàng hậu; thứ ba, cai trị quá hà khắc.
Về điều thứ nhất, việc anh em tranh giành nhau do lỗi bởi cơ chế quân chủ chuyên chế, ngôi Vua trong chế độ này có nhiều đặc quyền đặc lợi nên sinh ra sự tranh giành. Tại nước ta, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê  Nguyễn, đều xảy ra hiện tượng anh em tranh giành ngôi vua. Xét cho cùng mọi đặc quyền đặc lợi trên đời này, nếu không do tài năng bản thân hành xử lương thiện mà có được; đều gây nên thảm họa; hơn nữa việc “Con Vua thì lại làm Vua”, không bảo đảm chọn được người tài ra giúp nước. Cũng vì lý do này phần lớn các nước trên thế giới đều theo chế độ dân chủ hoặc quân chủ lập hiến.
Điều thứ hai, việc Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu, càng gây sự xáo trộn trong chốn cung đình, tạo ra tiền lệ xấu, đến đời Vua Lê Đại Hành cũng bắt chước lập 5 Hoàng hậu. Sử gia Lê Văn Hưu có lời bàn như sau:
“Lê Văn Hưu nói: Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới
sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy(17)”.
Điều thứ ba, vua Đinh rút kinh nghiệm từ sự lỏng lẻo yếu mềm dưới thời nhà Ngô dẫn đến loạn Thập Nhị Sứ Quân, nên chủ trương cai trị hà khắc, khiến dân sợ phải tuân theo pháp luật. Thực tế cho thấy chính sách hà khắc khiến dân căm ghét sục sôi, dễ sinh ra biến động; nên các chính trị gia cổ kim chủ trương nghệ thuật cai trị giống như người nấu ăn giỏi, khéo điều hòa nồi canh với các gia vị (điều canh trị quốc), lấy sự khoan nhân hòa hợp với biện pháp mạnh; đó là cách cai trị hữu hiệu.
Chú Thích:
1. Cương mục, tức Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch, Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998, Chính Biên, quyển 1.
2. Sách: một khu vực hành chính xưa tại vùng rừng núi.
3. Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang, quyển 10.
4. Toàn Thư, tức Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1998, Bản Kỷ, quyển 1.
5. Tân Ngũ Đại Sử là một bộ sử trong Nhị Thập Tứ Sử do Âu Dương Tu đời Tống soạn.
6. Lãnh Nam: miền Nam Ngũ Lãnh, tức phía nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.
7. Chế văn: văn ban mệnh lệnh của vua
8. Nước Ngụy: chỉ Nam Hán, theo Tân Ngũ Đại Sử Đinh Liễn trước đó nhận sắc phong cùa Nam Hán.
9. Cao Thế Xung: là Quận chúa Nam Bình thời Ngũ Đại, sau nạp đất cho Tống Thái Tổ, mất vào năm Khai Bảo thứ 6 [973]
10. Đô hộ phủ sĩ sư: chức quan coi việc hình ngục.
11. Thập đạo: bấy giờ quân đội chia làm 10 đạo; bởi vậy Thập đạo tương đương với Tổng tư lệnh quân đội.
12. Tăng lục đạo sĩ: chức quan phong cho tăng nhân, đạo sĩ.
13. Sùng chân uy nghi: chức quan phong cho tăng nhân, đạo sĩ.
14. Lời chua về mũ "Bình đính": Làm bằng da, bốn bề khâu giáp lại với nhau; phía trên hẹp, dưới rộng, chóp phẳng.
15. Chi hậu nội nhân: chức quan nhỏ trong cung, dùng để sai bảo việc vặt.
16. Đỗ Thích: người đất Đại Đê, Thiên Bản; nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
17. Toàn Thư, Sđd Bản Kỷ, quyển 1.
4. Lê Đại Hành, vị vua anh hùng: dẹp loạn; phạt Tống, bình Chiêm [981-1005]
Vua họ Lê tên là Hoàn, người đất Ái Châu [Thanh Hóa] (1), làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; khi quân Tống xâm lược nước ta, đem quân ra chống cự thắng lợi, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941 - 1005]. Vua trừ nội loạn lên ngôi, đuổi giặc ngoại xâm yên dân, trong nước thanh bình.
Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy hạt chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào; đến ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu [941], sinh ra vua. Bà mẹ thấy con tướng mạo khác thường, lại nhân giấc mộng suy ra, bảo với mọi người rằng:
"Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó".
Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên Quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói:
"Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được".
Lại thấy cùng họ, nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn, tỏ ra phóng khoáng, có chí lớn. Vua Đinh Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ.
Tháng 10 năm Kỷ Mão [979], Vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị thích khách giết, bấy giờ vua nối dõi Đinh Toànmới 6 tuổi; Lê Hoàn nhiếp chính, xưng là Phó vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn, nhưng không đánh nổi, bị giết. Trước đó khi Điền và Bặc cất quân, Thái hậu Dương thị nghe tin, lo sợ bảo Hoàn rằng:
"Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi việc trừ nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau".
Hoàn nói:
"Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết biến họa thế nào, đều phải đảm đương trách nhiệm".
Rồi lo chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô(2). Điền, Bặc thua chạy, lại đem quân thủy ra đánh. Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Điền tại trận, bắt được Bặc đóng cũi đưa về kinh sư, kể tội rằng:
"Tiên đế mắc nạn, thần và người đều căm thẹn. Ngươi là bề tôi con lại nhân lúc tang tóc bối rối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế?".
Bèn chém đầu đem bêu cho công chúng thấy. Điền, Bặc đã chết, quân Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc Giang; Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Phạm Hạp đem về Kinh sư.
Bấy giờ, Vua Tống Thái Tông Trung Quốc thấy tình trạng nước ta Vua bị giết, trong nước có loạn, muốn thừa dịp mang quân xâm lăng. Lại nhân nội bộ triều Tống, hai viên tân, cựu Tễ tướng Lư Đa Tốn và Triệu Phổ hiềm khích với nhau; Lư Đa Tốn tâu vua đày Hầu Nhân Bảo, cháu ngoại Triệu Phổ làm Tri Ung châu [Nam Ninh, Quảng Tây], không được trở về kinh đô. Nhân Bảo sợ bị chết già tại Ung châu, nên nhân loạn tại nước Đại Cồ Việt, bèn dâng sớ xin về kinh đô để tâu trình chi tiết. Không muốn cho Nhân Bảo về triều, Lư Đa Tốn xin Vua sai Hầu Nhân Bảo mang quân đi đánh An Nam gấp, như “sấm sét không kịp bịt lỗ tai”, để tạo thế bất ngờ; thấy có lý, Vua Tống bèn chấp nhận. Sự việc được ghi lại trong bộ sử Tục Tư Trị Trường Biên(3) như sau:
Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]
Tháng 6, Thái thường bác sĩ tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo; nhân người cha tên Ích sống tại Lạc Dương, có nhà lớn ruộng tốt, sống nhàn du thích thản, không muốn làm quan, vợ là em gái của Triệu Phổ, Phổ là Tể tướng, Nhân Bảo làm quan tại phân ty tây kinh. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, nên tâu vua cho Nhân Bảo làm Tri Ung Châu, trong vòng 9 năm không được trở về kinh. Nhân Bảo sợ thời gian kéo dài chết già nơi xa xôi ngoài Ngũ Lãnh, bèn dâng sớ tâu rằng:
‘Chủ soái Giao Châu bị hại, nước này có loạn, có thể mang quân lấy được; xin ban chiếu chỉ cho về kinh, trực tiếp tâu, khiến tình trạng được rõ ràng.’
Nhận được tờ sớ vua rất mừng, mệnh cho dịch trạm gọi đến. Lúc mệnh chưa thi hành, thì Đa Tốn bèn tâu:
‘Giao Chỉ nội bộ nhiễu loạn, đây là lúc trời bắt diệt vong. Triều đình nên thừa lúc không ngờ, mang quân tập kích, như sét đánh không kịp bịt tai. Nay nếu gọi Nhân Bảo về triều, tất tiết lộ cơ mưu, bọn man biết được, dựa vào sông núi dự bị, thì không dễ gì chiếm. Chi bằng giao cho Nhân Bảo thi hành cấp tốc, ước tính công việc, tuyển tướng đều quân Kinh Hồ [Hồ Bắc, Hồ Nam] 1,2 vạn, tiến nhanh đuổi dài, thế tất vạn toàn, dễ hơn bẻ cành khô, củi mục’.
Nhà Vua cho là phải.”
(太常博士、知邕州侯仁寶,因其父益居洛陽,有大第良田,優游自適,不欲親吏事。其妻,趙普之妹也,普為宰相,仁寶得分司西京。盧多遜與普有隙,因白上以仁寶知邕州, 凡九年不得代。仁寶恐因循死嶺外,乃上疏言:「交州主帥被害,其國亂,可以偏師取之,願乘傳詣闕面奏其狀,庶得詳悉。」疏至,上大喜,令馳驛召,未發,多遜遽奏曰:「交阯內擾,此天亡之秋也,朝廷出其不意,用兵襲擊,所謂疾雷不及掩耳。今若先召仁寶,必泄其謀,蠻寇知之,阻山海預為備,則未易取也。不如授仁寶以飛輓之任,因令經度其事,選將發荊湖士卒一二萬人,長驅而往,勢必萬全,易於摧枯拉朽也。」上以為然。)
Vua Tống Thái Tông bèn ra lệnh cho các đạo quân thủy bộ từ Ung châu [Nam Ninh], Liêm châu, và kinh sư lên đường viễn chinh, dưới quyền chỉ huy của Hồng Nhân Bảo:
“Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]
Ngày Đinh Vị tháng 7 mùa Thu [19/8/980], dùng Nhân Bảo làm Thủy lục chuyển vận sứ Giao Châu; Đoàn luyện sứ Lan Châu Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Hác Thủ Tuấn, Án bí khố sứ Trần Khâm Tộ, Tả giám môn vệ tướng quân Thôi Lượng, tổng phối trí lộ binh mã Ung Châu. Thứ sử Ninh Châu Lưu Trừng, Quân khí khố phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan cáp môn chi hầu Vương Soạn, Tổng phối trí lộ binh mã Liêm Châu; thủy lộ cùng tiến đánh dẹp. Ngày Canh Tuất [22/8] bọn Toàn Hưng vào từ biệt; mệnh Tiến sứ Lương Huýnh tiễn tướng sĩ hành doanh tại vườn Ngọc Tân.”
(秋七月丁未,以仁寶為交州路水陸轉運使,蘭州團練使孫全興、八作使郝守濬、鞍轡庫使陳欽祚、左監門衛將軍崔亮為邕州路兵馬都部署,寧州刺史劉澄、軍器庫副使賈湜、供奉官閤門祗候王僎為廉州路兵馬都部署,水陸並進討。庚戌,全興等入辭,命引進使梁迥餞行營將士於玉津園。)
Bấy giờ quan tại Lạng Châu [Lạng Sơn] nước Đại Cồ Việt nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn mang quân đi đánh giặc, dùng người ở Nam Sách Giang(4) là Phạm Cư Lạng làm đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng:
Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho ? Chi bằng trước hãy tôn lâp ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”.
Quân sĩ nghe vậy đều hô:
"Vạn tuế ".
Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn (5) khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, năm thứ nhất [980], giáng phong vua cũ Đinh Toàn làm Vệ Vương.
Tháng 10 vua sắp phát binh, trước đó sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang Tống giả làm thư của Vệ Vương Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống. Nhưng lúc này vua Tống đang điều quân sang đánh nước ta, nên dìm đi không trả lời; sự việc chép trong Trường Biên như sau:
“Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]
Ngày Canh Tý tháng 11 [10/12/980], Lê Hoàn sai Nha hiệu Giang Cự Sâm [Vọng], Vương Thiệu Tộ mang sản vật địa phương đến cống; vẫn lấy tên Đinh Toàn dâng biểu, tự bảo rằng theo lời xin của tướng lại quân dân lãnh Tiết độ hành quân tư mã, tạm lãnh việc quân vụ; xin triều đình chính thức ban mệnh. Bấy giờ quân Tôn Toàn Hưng đã khởi hành, vua xét ý Hoàn muốn hoãn binh, nên dìm không đáp.”
(十一月庚子朔,黎桓遣牙校江巨瀮、王紹祚齎方物來貢,仍為丁璿上,自言徇將吏軍民之請【九】,已攝節度行軍司馬,權領軍府事,乞朝廷賜以真命。時,孫全興等出師既踰時,上察其意止欲緩兵,寢而不報。)
Sử nước ta, Toàn Thư chép về cuộc chiến như sau:
Mùa Xuân, tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng (6). Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nữa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế.” (Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 1)
Phối kiểm với Trường Biên sử Trung Quốc, xác nhận thủy quân Trung Quốc chiến thắng tại cửa sông Bạch Đằng, nhưng không liên lạc được với bộ binh. Cũng tương tự với Toàn Thư, chép bị mắc mưu trá hàng, chủ tướng Tôn Toàn Hưng bị giết; riêng tù binh như Quách Quân Biện thì Trường Biên ghi vào năm Tống Ung Hy thứ 3 [986], Sứ thần Lý Nhược Chuyết sang nước ta nhận về (7). Lại chép thêm quân Tống lúc trở về, rã ngũ cướp phá; các tướng lãnh bị xử tử, trách phạt nặng nề. Sự kiện ghi trong 2 văn bản dưới đây:
“Trường Biên quyển 21. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 [980]
Ngày Tân Mão tháng 12 [30/1/981], hành doanh Giao Châu báo phá hơn vạn quân giặc, chém 2.345 thủ cấp.”
(辛卯,交州行營言破賊萬餘眾,斬首二千三百四十五級。)
Trường Biên, quyển 22. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 6 [981]
Tháng 3, hành doanh Giao Châu báo đánh phá quân giặc vạn 5 ngàn tại cửa sông Bạch Đằng, chém hơn 1.000 thủ cấp, lấy được 200 chiến thuyền, áo giáp hàng vạn. Ngay lúc đó Hầu Nhân Bảo đốc suất tiền quân tiến trước; bọn Tôn Toàn Hưng đóng quân tại Hoa Bộ 70 ngày để đợi Lưu Trừng, Hầu Nhân Bảo đốc thúc nhưng không đi. Khi Trừng đến, cùng theo đường thủy bộ đến thôn Đa La nhưng không gặp giặc, lại tự tiện trở về Hoa Bộ. Giặc hứa hàng để dụ Nhân Bảo; Nhân Bảo tin nên bị hại. Có 2 quân thua trận chạy về ấp chợ, đoạt tiền dân, bị Chuyển vận sứ Chu Vị bắt chém; những kẻ đến sau đều ra lệnh cửi áo giáp đi vào, dân mới yên. Lúc bấy giờ quân trải qua lam chướng, lại có nhiều người chết; Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên chuyển thư tâu Nhân Bảo tử trận, lại xin ban sư; không đợi báo, chia quân đồn trú tại các châu, mở kho ban thưởng, cấp cho thuốc men; rồi bảo rằng:
“Nếu chờ cho phép, thì mấy vạn người đều chất thây nơi đồng rộng”.
Tiếp đó dâng sớ tự đàn hặc, chiếu thư khen [Trọng Tuyên] và chấp thuận; sai sứ hặc tội bọn Trừng. Rồi Vương Soạn bị bệnh chết, Trừng và Giả Thực bị giết tại chợ Ung Châu. Bắt bọn Toàn Hưng vào ngục, xử tử Toàn Hưng; Trần Khâm Tộ, Hác Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách phạt, giao cho chức Đoàn luyện phó sứ, Khâm Tộ tại Khánh châu; Thủ Tuấn tại Từ châu; Lượng tại Lam châu. Truy tặng Nhân Bảo Thị lang bộ Công, cho 2 con ra làm quan.”
(交州行營言破賊軍萬五千眾於白藤江口,斬首千餘級,獲戰艦二百艘,甲鎧以萬計。於是,侯仁寶率前軍先進,孫全興等頓兵花步七十日以竢劉澄,仁寶屢促之不行。及澄至,并軍由水路抵多羅村,不遇賊,復擅還花步。賊詐降以誘仁寶,仁寶信之,遂為所害。有二敗卒先至邑市,奪民錢,轉運使周渭捕斬之,後至者悉令解甲以入,民乃安。時諸軍冒炎瘴,又多死者,轉運使許仲宣馳奏仁寶戰沒,且乞班師,不待報,即分屯諸州,開庫賞賜,給其醫藥,謂人曰:「若竣報,則此數萬人皆積屍於廣野矣。」乃上章自劾,詔書嘉納之,遣使就劾澄等【六】。會王僎病死,澄與賈湜並戮於邕州市。徵全興等下獄,全興伏誅;陳欽祚、郝守濬,崔亮皆責授團練副使,欽祚慶州,守濬磁州,亮嵐州。贈仁寶工部侍郎,官其二子.
Nhân Chuyển vận sứ Điền Tích dâng sớ can gián việc gây hấn với nước ta, Vua Tống Thái Tông đưa lời biện bạch, và hứa chấm dứt chiến tranh:
Ngày Nhâm Dần tháng 9 [8/10/981], dùng Điền Tích làm Chuyển vận phó sứ Hà Bắc nam lộ, Tích vào triều từ biệt, nhân tiến dâng mật tấu như sau:
“… Nay Giao Chỉ chưa lấy được, chiến sĩ không lập được công, sách Xuân Thu (8) chép “Quân mệt, phí tiền tài” binh thư cho rằng “quân lính yếu nhụt, nhuệ khí tỗn thương”. Thần nghe thánh nhân không ham mở rộng cường thổ, chỉ mong mở rộng đức trạch; nếu thanh danh giáo hóa vươn ra, thì kẻ phương xa tự tìm đến. Thần đọc Hàn Thi Ngoại Truyện chép thời Chu Thành Vương, sứ Việt Thường trải qua mấy lần thông dịch đến cống. Chu Công hỏi lý do, thì bảo rằng:
‘Nước tôi 3 năm nay không thấy gió bão, mưa lụt, biển không có sóng giữ. Chắc Trung Quốc có thánh nhân, nên đến triều kiến.’
Như vậy thấy rằng không cần dùng thêm binh, tự nhiên nội phụ. Giao Châu ở nơi biển lam chướng, chiếm được như thu hoạch ruộng đá. Xin Bệ hạ nghĩ đến chinh chiến quân lính lao khổ, phải tiêu dùng nhiều, thương người, tiếc sức, không đồn trú binh khiến tiêu phí của cải; tu sửa đức, khai phục đất hoang, không vơ vét trong nước để lo chinh chiến bên ngoài, gấp ban chiếu cho họ, khoan hồng bỏ việc đánh dẹp; hà tất phải mệt nhọc giận dữ đối với man nhỏ bé phương nam; đó là một trong những điều đại thể…..”
Vua ban cho chiếu thư rằng:
“Xét nội dung tấu thư đưa lên, dùng điển tích cũ để can gián việc hiện tại, có những điều phạm bề trên nhưng không che dấu, ở địa vị phải trình bày những điều nên làm, hoặc cải bỏ, can đảm dám nói, phản tỉnh suy tư, đáng khen. Nhưng việc nước, xét có những nguyên nhân. Trẫm cho rằng Giao Chỉ xưng là phiên thần, đời đời lo chức cống; mới đây nghe tin tặc thần soán đoạt, hại cả gia đình chủ soái, bèn cử binh để cứu giúp; không phải vì tham đất đai, nay bỏ việc can qua….”.
(壬寅,以錫為河北南路轉運副使。錫因入辭,直進封事曰….
今交州未下,戰士無功,春秋謂「老師費財」,兵書曰「鈍兵挫銳」。臣聞聖人不務廣疆土,惟務廣德業,聲教遠被,自當來賓。臣嘗讀韓詩外傳,周成王時,越裳九譯來貢,周公問之,曰:「本國天無迅風疾雨,海不揚波三年矣。意者中國有聖人,盍往朝之。」是知不必加兵,自然內附。交州謂之瘴海,得之如獲石田。願陛下念征戍之勞,思用度之廣,愛人惜力,無屯兵以費財,修德服荒,無略內以勤遠,亟詔執事,寬其誅鋤,又何必蕞爾蠻陬,勞於震怒,此大體之一也
即賜詔書曰:「省所上書,陳古諷今,有犯無隱,居獻替之地,揚蹇諤之風,尋繹久之,深所嘉尚。然邦國之事,抑有由焉。朕以交趾稱藩,代修職貢,昨聞賊臣篡奪,害其主帥之家,聊舉師徒,用申赴救,非貪土地,尋罷干戈。)
Về việc bất hòa với nước Chiêm Thành; kể từ khi vua Đinh Tiên Hoàng mất đến dưới thời vua Lê Đại Hành, trong vòng 4 năm xãy ra 3 vụ:
·   Vụ thứ nhất vào cuối năm 979, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị thích khách giết; thủ phạm “cõng rắn cắn gà nhà ” là con rể Đinh Tiên Hoàng, Phò mã Ngô Nhật Khánh. Do Tiên Hoàng lấy mẹ Nhật Khánh làm vợ, nên y thù hận; thừa dịp vua Đinh mất, xui người Chiêm Thành vào cướp phá Đại Cồ Việt, Toàn Thư chép như sau:
Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác (9) và Tiểu Khang (10), qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là  cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gã cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn. Nhật Khánh bề ngoài cười nói như không, nhưng trong lòng vẫn bất bình, bèn đem cả vợ chạy sang Chiêm Thành, đến cửa biển Nam Giới (11) rút đao ngắn xẻo má vợ kể tội rằng:
‘Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta, lẽ nào ta vì mày mà quên tội ác của cha mày hay sao? Cho mày trở về, ta đi đằng khác tìm kẻ có thể cứu ta’.
Nói xong bèn đi. Đến đây nghe tin Tiên Hoàng băng, Khánh dẫn người Chiêm vào cướp.”
- Vụ thứ hai, do nước Chiêm Thành bắt giữ Sứ thần Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành bèn mang quân rửa hận, đánh đến tận kinh đô nước này:
Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (982).
Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế (12) tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.” (Toàn Thư, Bản Kỷ q.1, trang 16 a)
Có lẽ muốn biểu dương lực lượng để răn đe kẻ thù phương Bắc, nên sau khi chiến thắng Vua đưa một số tù binh cho nhà Tống:
Trường Biên quyển 23. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 [982]
Tháng 12 nhuần, trước đó Giao châu muốn đem 93 người Chiêm Thành bị nước này bắt, đem hiến [Trung Quốc]. Thiên tử lệnh cho Quảng châu giữ những người này lại, cấp cho y phục, lương thực trở về nước, cùng chiếu dụ Vương nước này. Đến nay nước Chiêm Thành sai sứ cửi voi đến cống sản vật địa phương; chiếu thư cho giữ voi tại Nam Hải [Quảng Đông].”
(先是,交州欲以占城俘九十三人來獻,上令廣州止其俘,給衣服資糧遣還占城,詔諭其王。於是占城國遣使乘象來貢方物,詔留象於南海。)
- Vụ thứ ba, về lý do cuộc hành quân đánh Chiêm Thành trong vụ này, Toàn Thư chép rằng có một viên quan tên là Lưu Kế Tông trốn tại Chiêm Thành nên vua Lê Đại Hành sai con nuôi đi đánh:
Quý Mùi, Thiên Phúc/ năm thứ 4 [983], (Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 8). …Trước kia vua đi đánh Chiêm Thành, Quảng Giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại nước ấy. Đến đây, vua sai người con nuôi (không rỏ tên) đi bắt được Kế Tông, đem chém.”
Nhưng trong biểu văn gửi cho vua Tống thì xưng rằng Chiêm Thành mang mấy vạn quân sang cướp phá; xét ra Chiêm Thành mới thua bại vào năm trước, chưa có khả năng làm điều này:
Trường Biên, quyển 24. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 [983]
Tháng 5, Giao châu tâu nước Chiêm Thành mang mấy vạn quân thủy bộ voi ngựa đến cướp phá; bèn điều động quân dưới quyền đánh đuổi, bắt và chém mấy ngàn tên.”
(交州言占城國水陸象馬數萬來寇,率所部兵擊走之,俘斬以數千計。)
Trải qua trên 1.000 năm lịch sử, có nhiều lời bàn về vua Lê Đại Hành, nhưng tựu trung chưa có ý kiến nào vượt qua nhận xét của Sử gia đời Trần, Lê văn Hưu; vậy xin trân trọng chép vào đây:
Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý.” (13)            
Chú thích:
1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư xin viết tắt là Toàn Thư [Bản Kỷ, q. 1] chép Lê Hoàn người đất Ái Châu, tức Thanh Hóa ngày nay. Đại Việt sử lược (q.1,18b) chép Lê Hoàn người Trường Châu, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Đại Việt sử ký tiền biên (q.1) phần chính văn bản chép Lê Hoàn người Ái Châu, nhưng phần cước chú lại ghi Lê Hoàn người Bảo Thái,huyện Thanh Liêm nay thuộc tỉnh Nam Hà Nam.
2. Tây đô: Vì Lê Hoàn người Ái Châu [Thanh Hóa], sau lên ngôi đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình; cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô.
3. Tục Tư Trị Thông Giám, Soạn giả Lý Đào đời Tống, xin viết tắt là Trường Biên.
4. Nam Sách: nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
5. Long cổn: áo vua mặc, thêu rồng chầu.
6. Sông Chi Lăng: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, viết tắt Cương Mục [Chính biên q.1, tr. 18] chú sông Chi Lăng tức sông Thương, đoạn chảy qua Chi Lăng, Lạng Sơn.
7. Văn bản tại Trường Biên ngày Canh Thân tháng 10 [29/11/986] xác nhận Sứ bộ Lý Nhược Chuyết nhận tù binh Quách Quân Biện về; trong văn bản có đoạn chép: “lại từ khước lễ vật, chỉ nhận sứ giả Quách Quân Biện trước kia bị bắt, mang trở về又卻其私覿,惟取陷蠻使臣鄧君辨以歸”.
8. Xuân Thu: sử nước Lỗ, tương truyền do Khổng Tử soạn ra.
9. Đại Ác: Theo Cương Mục, Đại Ác sau đổi thành Đại An, tại xã Quần Liêu, huyện Đại An, nay là cửa sông Đáy.
10. Tiểu Khang: theo Cương Mục thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình nay là cửa Càn.
11. Nam Giới: tên cửa biển ở phía Nam, gần Chiêm Thành, còn có tên là Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
12. Chú thích của bản dịch Toàn Thư: Bê Mi Thuế: Đại Việt sử lược (q.1, 19b) nói là vua Chiêm, Cương mục (CB1, 19a) nói là tướng Chiêm. G.Maspéro khôi phục tên Phạn ngữ của người này là Parames'varavarman I (Le Royaume de Champa); nhưng vẫn coi là giả thuyết vì chưa có cứ liệu xác nhận
13. Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 1, trang 14 b.
Đền thờ vua Lê Đại Hành. Nguồn Internet
5. Bang giao Việt Trung dưới thời Vua Lê Đại Hành
Sau cuộc chiến tranh Việt Trung năm 981, vua Tống Thái Tông chủ trương thôi đánh nước Đại Cồ Việt, ý định của nhà vua được tiết lộ với quần thần qua văn bản trả lời sớ can gián của viên Chuyển vận sứ Điền Tích vào tháng 9 năm Thái Bình Thiên Quốc thứ 6 [981]. Tuy nhiên đối với nước Việt, vua Tống vẫn tiếp tục đe dọa, bằng cách sai viên Chuyển vận sứ Lãnh Nam [Quảng Đông, Quảng Tây] Hứa Trọng Tuyên điều động các quân tại biên giới và dọa sẽ sang đánh. Phía Đại Cồ Việt cũng tỏ ra hòa hoàn, vua Lê Đại Hành dùng tên vua cũ Đinh Toàn dâng biểu tạ tội và triều cống:
Trường Biên (1), quyển 23. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 [982]
Tháng 3, trước đó Chuyển vận sứ Lãnh Nam Hứa Trọng Tuyên phân điều các quân chinh phạt phương Nam; rồi thảo hịch dụ Giao châu, trình bày rõ uy tín quốc gia, hẹn sẽ tái cử binh. Lê Hoàn cũng sợ triều đình sẽ mang quân đánh dẹp, ngày Giáp Dần [18/4/982] lại nhân danh Đinh Toàn dâng biểu tạ tội và cống sản vật địa phương.”
(初,嶺南轉運使許仲宣既分遣南伐之師,乃草檄諭交州,明國威信,期必再舉。黎桓亦懼朝廷終行討滅,甲寅,復為丁璿上表謝罪,且貢方物。(周渭傳亦稱渭檄交州,今止記仲宣。蓋仲宣不待詔即分屯諸軍,功最著故也。
Mặt khác, vua Lê Đại Hành gián tiếp biểu dương sức mạnh qua việc 2 lần báo tin cho Tống biết chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, cùng gửi một số tù binh sang cho nhà Tống (2) thấy. Rồi nhà Vua chính thức báo cho vua Tống Thái Tông rằng mẹ con Vua cũ đã trao ấn cai quản nước và tự xưng là Quyền Giao châu tam sứ lưu hậu: 
“Quyển 24. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 [983]
Ngày Canh Ngọ [28/6/983], Lê Hoàn sai Nha tướng Triệu Tử Ái mang sản vật địa phương đến cống, tự xưng Quyền Giao Châu tam sứ lưu hậu. Biểu ghi:
‘Tháng 10 năm ngoái, Đinh Toàn cùng mẹ đốc suất quan dân mang ấn và giây thao đưa cho Hoàn, Hoàn bèn cai quản phủ sự’.”
((庚午,黎桓遣牙吏趙子愛以方物來貢,自稱權交州三使留後。表言:「去年十月,丁璿及其母率軍民以印綬與桓,桓即攝領府事。Trường Biên, quyển 24.
Trước một việc đã rồi, vua Tống đành xuống nước, sai Cung phụng sứ Trương Tông Quyền đến nước ta đưa chiếu dụ đề nghị 2 giải pháp: hoặc Lê Hoàn phụ tá cho Đinh Toàn, chờ lúc Toàn lớn nếu không đủ tài trị nước thì cho thay; hoặc đem mẹ con Toàn sang Trung Quốc, cho Lê Hoàn thay thế. Nhưng cả 2, đều không được vua Lê Đại Hành chấp nhận:
Họ Đinh truyền ngôi đã 3 đời, coi sóc bảo vệ một phương; khanh là kẻ thân cận, làm tâm phúc, hãy theo lời xin của người trong nước, đừng phụ lòng của họ Đinh. Trẫm muốn cho Toàn trên danh nghĩa Thống soái, riêng khanh giữ chức phó, nhưng mọi việc do một tay Khanh trông coi. Đợi Đinh Toàn đến tuổi đội mũ (3), có thể tự lập, với sự phụ tá của khanh, trở nên sáng sủa; thì việc tưởng thưởng lòng trung thành, Trẫm đâu có tiếc. Trường hợp Đinh Toàn không có tài làm tướng, vẫn trẻ con như cũ, không thể tiếp tục nối dõi; thì đáng xả bỏ tiết việt, giáng xuống như quân lính. Theo lý làm như vậy cũng không tiện, nhưng tiếp tục cho giữ chức cũng không yên! Vậy lúc chiếu thư đến, khanh nên đem mẹ con Đinh Toàn cùng cả gia đình đến triều đình, đợi khi đến nơi, đắn đo sẽ xuống chiếu, rồi trao tiết việt cho khanh. Hai con đường, khanh nên thẩm định chọn một. Đinh Toàn đến kinh đô được ban thêm ưu lễ. Nay sai Cung phụng sứ Trương Tông Quyền đưa chiếu dụ, nói lên lòng mong mỏi của Trẫm.’
Rồi đưa cho Toàn chiếu thư giống như vậy; nhưng Lê Hoàn vẫn chuyên quyền chiếm nước, không tuân mệnh. ”
(丁氏傳襲三世,保據一方,卿既受其倚毗,爲之心膂,克徇邦人之請,無負丁氏之心。朕且欲令璿爲統帥之名,卿居副貳之任,剸裁制置,悉系於卿。俟丁璿既冠,有所成立,卿之輔翼,令德彌光,崇獎忠勳,朕亦何吝!若丁璿將材無取,童心如故,然其奕世紹襲,載綿星紀,一旦舍去節鉞,降同士伍,理既非便,居亦靡安。詔到,卿宜遣丁璿母子及其親屬盡室來歸。俟其入朝,便當揆日降制,授卿節旄。凡茲兩途,卿宜審處其一。丁璿到京,必加優禮。今遣供奉官張宗權齎詔諭旨,當悉朕懷。」亦賜璿詔書如旨。時黎桓已專據其土,不聽命。) (4)
Qua cuộc chiến Trung Việt năm 981, cùng 2 lần đánh dẹp Chiêm Thành, vua quan triều Tống đánh giá được sức mạnh của quân dân Đại Cồ Việt, nên muốn hòa hoàn tại phương nam; bởi vậy sau việc từ chối thẳng lời yêu cầu của vua Tống Thái Tông, tình hình không trở nên xấu hơn; khi vua Lê Đại Hành sai Sứ đến Trung Quốc triều cống, không có rắc rối gì xảy ra:
“Ngày Đinh Mão tháng 9 [23/10/983], Lê Hoàn tại Giao châu sai sứ đến cống sản vật địa phương.”
(丁卯,交州黎桓遣使來貢方物。Trường Biên, quyển 24.
Hai năm sau [985], nhà Vua lại cử một phái đoàn khác do Nha hiệu Trương Chiêu Phùng cầm đầu sang triều cống và xin phong:
“Năm Ung Hy thứ 2 [985], sai bọn Nha hiệu Trương Chiêu Phùng, Nguyễn Bá Trâm đến cống phương vật, cùng dâng biểu cầu xin chính thức ban tiết việt trấn thủ.”
(雍熙二年,遣牙校張紹馮、阮伯簪等貢方物,繼上表求正領節鎮Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
Lời thỉnh cầu được vua Tống đáp ứng, qua việc cử một phái đoàn đến nước ta vào năm sau []986]. Phái đoàn do Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết cầm đầu, Quốc tử bác sĩ Lý Giác phụ tá, mang Chế thư đến, chính thức tước bỏ tước Lưu hậu của vua cũ Đinh Toàn, và phong vua Lê Đại Hành chức Kiểm hiệu thái bảo, sử trì tiết Đô đốc Giao châu chư quân sự, An Nam đô hộ, sung Tĩnh hải quân Tiết độ sứ. Ngoài việc phong tước, phái đoàn còn nhận được tù binh mang về, trong đó có tướng Quách Quân Biện; cùng dò xét quan sát nước ta, nhận xét rằng nghi thức chế độ tiếm quyền, nhưng không dám ra mặt phản đối:
“Ngày Canh Thân tháng 10 [29/11/986], cho Lê Hoàn làm Tĩnh hải tiết độ sứ; mệnh Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc tử bác sĩ Lý Giác mang chiếu thư đi sứ. Hoàn có chế độ tiếm quyền, khi Nhược Chuyết vào nước, bảo tả hữu cẩn thận giữ nghi lễ bề tôi; riêng Hoàn bái chiếu rất cung kính. Trong ngày yến tiệc, đem hàng hóa đồ vật kỳ lạ bày ra, nhưng Chuyết không để mắt vào; lại từ khước lễ vật, chỉ nhận sứ giả Quách Quân Biện trước kia bị bắt, mang trở về. Hoàn lại bảo bọn Giác rằng:
‘Đất này sông núi hiểm trở, người Trung Quốc vừa mới trải qua, không mệt ư!’
Giác nói:
‘Quốc gia có đất phong vạn lý, quận đến 400; đất có chỗ bình dị, có chỗ hiểm trở; so với nơi này đâu đáng nói đến.’
Hoàn im lặng, xịu mặt.”
(庚申,以黎桓為靜海節度使,命左補闕李若拙、國子博士李覺齎詔往使。桓制度踰僭,若拙既入境,即遣左右戒以臣禮,桓拜詔盡恭。燕饗日,以奇貨異物列于前,若拙一不留盼,又卻其私覿,惟取陷蠻使臣鄧君辨以歸。桓又謂覺等曰:「此地山川悠遠,中朝人乍歷之,不亦勞乎!」覺對曰:「國家提封萬里,列郡四百,地有平易,亦有險固,此一方何足云也。」桓默然色沮。Trường Biên, quyển 27. Năm Ung Hy thứ 3 [986]
Về Chế thư ban cho Vua ta, bản dịch Tống Sử như sau:
 “Bực Vương giả xây dựng phép tắc, yêu mến vỗ về các phiên bang; dựng phủ đệ tại kinh sư giúp cho lễ hội đồng long trọng; ban cấp đất đai biểu dương quyền tiết chế. Nhân Giao Chỉ, đất chim diều hâu rơi thời Mã Viện (5), chăm lo việc triều cống, muốn thay đổi tướng soái, nhắm lợi lạc việc phong hầu, lòng cung kính không quên thỉnh mệnh, bèn ban ân điển thưởng công. Nay quyền Tri châu tam sứ lưu hậu Lê Hoàn, tư chất nghĩa dũng, bản tính trung thuần, được lòng dân trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Trước đây Đinh Toàn nhân tuổi trẻ thơ, không biết cách cai trị; Hoàn là người tâm phúc, chuyên nắm việc quân lữ, hiệu lệnh tự ban ra, uy ái cùng thi hành. Nay bỏ chức Tam sứ của Toàn, chiều theo lòng mong muốn của dân chúng. Người xa biểu lộ lòng thành, xin ban tiết việt. Bắt chước Sĩ Nhiếp cứng mạnh, thay đổi phong tục Việt; Úy Đà cung thuận, tuân chiếu Hán chẳng trái lời. Cần xứng chức nguyên nhung, dự hàng chư hầu tôn quí; khống chế man di, biểu dương thiên triều ân điển. [Cho Hoàn giữ chức] Kiểm hiệu thái bảo, sử trì tiết Đô đốc Giao châu chư quân sự, An Nam đô hộ, sung Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, Giao châu quản nội quan sát xử trí đẳng sứ, phong Kinh Triệu quận hầu, thực ấp 3.000 hộ, còn được ban hiệu Suy thành thuận hóa công thần.”
(制曰:「王者懋建皇極,寵綏列藩。設邸京師,所以盛會同之禮;胙土方面,所以表節制之雄。矧茲ㄢ鳶之隅,克修設羽之貢,式當易帥,爰利建侯,不忘請命之恭,用舉醻勞之典。權知交州三使留後黎桓,兼資義勇,特稟忠純,能得邦人之心,彌謹藩臣之禮。往者,丁璿方在童幼,昧於撫綏。桓乃肺腑之親,專掌軍旅之事,號令自出,威愛並行。璿盡解三使之權,以徇衆人之欲。遠輸誠款,求領節旄。土燮強明,化越俗而鹹乂;尉佗恭順,稟漢詔以無違。宜正元戎之稱,以列通侯之貴,控撫夷落,對揚天休。可檢校太保、使持節、都督交州諸軍事、安南都護,充靜海軍節度、交州管內觀察處置等使,封京兆郡侯,食邑三千戶,仍賜號推誠順化功臣。」遣左補闕李若拙、國子博士李覺爲使以賜之。Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
Năm sau [987], Quốc tử bác sĩ Lý Giác lại sang nước ta một lần nữa; lần này Sứ thần Lý Giác có dịp trổ tài văn chương, xướng họa với Thiền sư Đỗ Thuận, Toàn Thư chép như sau:
Đinh Hợi, /Thiên Phúc/ năm thứ 8 [987]… Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang (6), vua sai pháp sư tên là Thuận giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngửa mặt nhìn chân trời).
Pháp sư đương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
(Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi).
Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu.
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
(May gặp thời bình được giúp mưu,
Một mình hai lượt sứ Giao Châu.
Đông Đô mấy độ còn lưu luyến,
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm,
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài trời lại có trời soi nữa.
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)
Thuận đem thơ này dâng lên. Vua cho gọi sư Ngô Khuông Việt (7) đến xem. Khuông Việt nói: "Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống". Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu.” Toàn Thư, quyển 1, Bản Kỷ, trang 18b.
Tống Sử chép thêm về các năm kế tiếp như sau:
Năm Đoan Củng thứ nhất [988] gia phong Hoàn chức Kiểm hiệu thái úy, hưởng ấp 1.000 nhà; sai Lang trung bộ hộ Ngụy Tường, Viên ngoại lang trực sử quán Lý Độ đi sứ.
Mùa Hè năm Thuần Hóa thứ nhất [990] gia phong cho Hoàn đặc tiến ấp 1.000 hộ, thực phong 400 hộ; lại sai Tả chính ngôn trực sử quán Tống Cảo, Hữu chính ngôn trực sử quán Vương Thế Tắc đi sứ. Tháng 6 năm sau trở về kinh đô, Thiên tử lệnh trình bày hình thế sông núi, cùng sự tích về Lê Hoàn, bọn Cảo tâu đầy đủ như sau:
Mùa Thu năm ngoái đến biên giới Giao châu, Hoàn sai Đô chỉ huy sứ Đinh Thừa Chính điều 9 chiếc thuyền, 300 quân đến đón tại Thái Bình quân (8).Từ cửa biển vào biển lớn, trải qua sóng gió nguy hiểm; nửa tháng đến sông Bạch Đằng, qua Hải Nghĩa, thừa theo thủy triều mà đi. Phàm những nơi ghé nghỉ, đều trú trong 3 gian nhà lá, mái lợp còn mới; gọi đó là quán dịch. Tới Trường châu [tỉnh Ninh Bình], gần với [thủ đô] nước này, Hoàn phô bày lòe loẹt, nhắm khoa trương; đem hết thuyền binh chiến cụ ra, gọi là diễu binh.
Từ đó đi đêm đến bờ biển, nơi cách Giao châu khoảng 15 lý, có 5 gian nhà tranh, đề chữ ‘Mao Kính dịch”. Đến thành khoảng 100 lý, cho lùa đàn súc vật của dân xưng càn là trâu bò công; số lượng chưa đến 1 ngàn, thì nói tăng lên là mấy vạn. Lại điều dân gộp trong quân, y phục màu sắc hỗn tạp, đi thuyền la hét. Núi ở gần thành, treo cờ trắng, biểu hiệu bày binh. Trong khoảng khắc, quân hộ vệ đưa Hoàn tới nơi, làm lễ đón tiếp ngoài thành; Hoàn gìm ngựa, cúi đầu, sau khi hỏi thăm sức khỏe Thiên tử, buông cương cùng đi. Lúc bấy giờ đem trầu cau ra mời, nhai trên lưng ngựa; đó là phong tục hậu đãi tân khách. Thành không có dân cư, chỉ có nhà tre lợp lá khoảng chục trăm khu, dùng làm quân doanh. Còn phủ thự thì hẹp, trước cửa đề ‘Minh Đức môn”.
Hoàn dáng thô lậu, chột mắt; bảo rằng năm gần đây cùng quân Man tiếp chiến, ngã ngựa bị thương ở chân, nên nhận chiếu chỉ không thể bái. Sau khi đứng tiếp xúc, bèn mở yến tiệc. Lại đưa đến Hải Nghĩa, làm cuộc du ngoạn nhắm vui lòng khách. Hoàn chân trần lội xuống nước, cầm gậy nhắm đâm vào cá; mỗi lần trúng cá, quân lính hai bên đều hô vang. Phàm dự yến tiệc, kẻ tham dự đều được lệnh cởi thắt lưng, vẫn đội mũ. Hoàn thường mặc áo màu hồng có hoa, mũ trang sức trân châu, tự ca hát mời rượu, không hiểu lời nói gì. Từng sai mấy chục người gánh con rắn lớn dài mấy trượng, tặng sứ quán bảo rằng “Nếu có thể ăn thịt rắn này, sẽ làm đồ ăn đem hiến.” Lại mang đến 2 con cọp, để xem chơi, nhưng đều từ khước không nhận. Quân lính khoảng 3.000 tên, đều khắc trên trán hàng chữ ‘Thiên tử quân”. Lương cấp bằng lúa, ra lệnh tự xay giã mà ăn. Binh khí có cung, nõ, mộc bài, thuẫn, thương, trúc thương; người yếu không khiêng nổi.
Hoàn tính tàn nhẫn, thân cận với tiểu nhân, năm bảy tâm phúc hoạn quan chầu chực xung uống rượu, ra lệnh bằng tay. Phàm quan lại giỏi việc, cất nhắc ngay làm thân cận, bị lỗi nhỏ cũng giết, hoặc đánh vào lưng từ 100 đến 200. Bọn phụ tá không vừa lòng cũng đánh đòn từ 30 đến 50, hoặc giáng xuống cấp thấp; hết giận lại khai phục chức vị. Có cái tháp bằng gỗ, chế tạo thô lậu; một hôm Hoàn mời lên trên đó để ngắm cảnh. Đất không lạnh, tháng 11 vẫn mặc áo kép, dùng quạt.’ ”
( 端拱元年,加桓檢校太尉,進邑千戶,實封五百戶。遣戶部郎中魏庠、虞部員外郎直史館李度往使焉。淳化元年夏,加桓特進,邑千戶,實封四百戶。遣左正言直史館宋鎬、右正言直史館王世則又使焉。明年六月,歸闕,上令條列山川形勢及黎桓事蹟以聞。鎬等具奏曰
歲秋末抵交州境,桓遣牙內都指揮使丁承正等以船九艘、卒三百人至太平軍來迎,由海口入大海,冒涉風濤,頗曆危險。經半月至白藤,徑入海氵義,乘潮而行。凡宿泊之所皆有茅舍三間,營葺尚新,目爲館驛。至長州漸近本國,桓張惶虛誕,務爲誇詫,盡出舟師戰棹,謂之耀軍
自是宵征抵海岸,至交州僅十五里,有茅亭五間,題曰茅徑驛。至城一百里,驅部民畜產,妄稱官牛,數不滿千,揚言十萬。又廣率其民混於軍旅,衣以雜色之衣,乘船鼓噪。近城之山虛張白旗,以爲陳兵之象。俄而擁從桓至,展郊迎之禮,桓斂馬側身,問皇帝起居畢,按轡偕行。時以檳榔相遺,馬上食之,此風俗待賓之厚意也。城中無居民,止有茅竹屋數十百區,以爲軍營。而府署湫隘,題其門曰明德門
桓質陋而目眇,自言近歲與蠻寇接戰,墜馬傷足,受詔不拜。信宿之後,乃張筵飲宴。又出臨海氵義,以爲娛賓之遊。桓跣足持竿,入水標魚,每中一魚,左右皆叫噪歡躍。凡有宴會,預坐之人悉令解帶,冠以帽子。桓多衣花纈及紅色之衣,帽以真珠爲飾,或自歌勸酒,莫能曉其詞。嘗令數十人扛大蛇長數丈,饋於使館,且曰:「若能食此,當治之爲饌以獻焉。」又羈送二虎,以備縱觀。皆卻之不受。士卒殆三千人,悉黥其額曰「天子軍」。糧以禾穗日給,令自舂爲食。兵器止有弓弩、木牌、梭槍、竹槍,弱不可用
桓輕亻兌殘忍,昵比小人,腹心閹豎五七輩錯立其側。好狎飲,以手令爲樂。凡官屬善其事者,擢居親近左右,有小過亦殺之,或鞭其背一百至二百。賓佐小不如意,亦捶之三十至五十,黜爲閽吏;怒息,乃召復其位。有木塔,其制樸陋,桓一日請同登遊覽。地無寒氣,十一月猶衣夾衣揮扇云。Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
Sau khi phái đoàn Tống Cảo sang nước ta sách phong, lúc trở về dâng bản phúc trình chi tiết lên Tống Thái Tông; năm sau triều đình cử phái đoàn Đào Cần sang Tống đáp lễ:
Tân Mão, /Hưng Thống/ năm thứ 3 /991/. Mùa Xuân, tháng 2, sai Đào Cần sang nhà Tống thăm đáp lễToàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Năm Quí Tỵ [993], Trạng nguyên triều Tống Vương Thế Tắc làm Chánh sứ mang sách thư đến phong Vua Lê Đại Hành tước Giao Chỉ Quận Vương:
“Năm Quý Tỵ, Hưng Thống thứ 5/ 993/… Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
Năm sau, triều đình ta cử Nha hiệu Phí Sùng Đức sang Tống đáp lễ:
“Năm Giáp Ngọ tháng giêngnăm Ứng Thiên thứ 1/994/Sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống sang thăm đáp lễ.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
Đến năm Ất Vị [995] tình hình bang giao giữa 2 nước trở nên xấu đi, nguyên do lúc bấy giờ người trấn Triều Dương [Mông Cái, Quảng Ninh] phạm tội giết người, đem cả họ sang Trung Quốc trốn, được bọn quan lại địa phương thuộc trấn Như Tích, châu Khâm che chở; phía ta gửi văn thư xin bắt, nhưng không đáp ứng, bèn cho người đánh phá; Tống Sử chép:
Trước đây Bốc Văn Dõng, người dân Triều Dương Giao châu giết người, đem cả gia tộc đến trấn Như Tích [châu Khâm], bọn Trấn tướng Hoàng Lệnh Đức che chở cho trốn. Hoàn ra lệnh Trấn tướng Triều Dương Hoàng Thành Nhã gửi thông điệp đến xin bắt. Lệnh Đức không cho, nên gây chuyện hải tặc liền năm đến cướp phá.” Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(交州潮陽民卜文勇等殺人,並家亡命至如昔鎮,鎮將黃令德等匿之。桓令潮陽鎮將黃成雅移牒來捕,令德固不遣,因茲海賊連年剽掠。)
Các vụ đánh phá xảy ra cả hai mặt thủy bộ, nhưng triều đình nước ta không chính thức thừa nhận. Lại nhân lúc này bọn quan lại Trung Quốc tại biên giới tâu rằng vua Lê Đại Hành bị nhà Đinh cũ đuổi đi, trốn ra vùng biển cướp phá qua ngày; vua Tống Thái Tông cho kiểm chứng thấy gian dối, nên trị tội bọn tâu gian:
Mùa Xuân năm Chí Đạo thứ nhất [995], Chuyển vận sứ Quảng Nam tây lộ [Quảng Tây] Trương Quan, Binh mã giám áp vệ Như Hồng châu Khâm Chiêu Mỹ đều tâu rằng có hơn 100 chiếc thuyền đến cướp trấn Như Hồng, bắt dân cư, lấy lương thực rồi đi. Mùa Hè năm đó dân châu Tô Mậu (9)do Hoàn quản lãnh dùng 5.000 dân binh cướp phá châu Lộc thuộc Ung châu; Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh đuổi. Vua Thái Tông ý muốn chiêu phủ dân hoang dã, không hỏi tội. Trương Quan lại tâu rằng nghe đồn Lê Hoàn bị họ Đinh đuổi đi, đem quân còn sót lưu lạc tại vùng núi biển, không có căn cứ nhất định, cướp sống qua ngày, nay Hoàn đã chết; Quan còn dâng biểu chúc mừng.Chiếu ban Thái thường thừa Trần Sĩ Long, Cao phẩm Vũ Nguyên Cát phụng sứ Lãnh Nam, nhân trinh sát việc này. Bọn Sĩ Long lãnh mệnh, với lời tâu giống như Quan. Kỳ thực Hoàn vẫn sống, còn lời đồn thì sai lầm, bọn Quan không thấy rõ. Chẳng bao lâu có nhà buôn lớn từ Giao châu trở về, tâu rõ Hoàn vẫn là chủ soái như cũ. Chiếu đàn hặc bọn Quan; lúc này Quan bệnh chết, Chiêu Mỹ, Sĩ Long, Nguyên Cát bị tội.” Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(至道元年春,廣南西路轉運使張觀、欽州如洪鎮兵馬監押衛昭美皆上言,有交州戰船百餘艘寇如洪鎮,略居民,劫廩實而去。其夏,桓所管蘇茂州,又以鄉兵五千寇邕州所管綠州,都巡檢楊文傑擊走之。太宗志在撫寧荒服,不欲問罪。觀又言,風聞黎桓爲丁氏斥逐,擁餘衆山海間,失其所據,故以寇鈔自給,今則桓已死。觀仍上表稱賀。詔太常丞陳士隆、高品武元吉奉使嶺南,因偵其事。士隆等復命,所言與觀同。其實桓尚存,而傳聞者之誤,觀等不能審核。未幾,有大賈自交趾回,具言桓爲帥如故。詔劾觀等,會觀病卒,昭美、士隆、元吉抵罪)
Năm Chí Đạo thứ 2 [996] nhà Tống dùng Viên ngoại lang bộ Công Trần Nghiêu Tẩu làm Chuyển vận sứ Quảng Tây, viên quan này đến tận nơi trực tiếp điều tra tình hình biên giới; bèn cho bắt Văn Dõng cùng 130 người trong họ trả lại cho trấn Triều Dương, nội vụ được dàn xếp xong. Đáp lại vua Lê Đại Hành gửi thư cảm ơn, cùng bắt 25 hải tặc gửi cho Nghiêu Tẩu; thư báo rằng đã ước thúc các thủ lĩnh khe động, không được tao động:
Năm Chí Đạo thứ 2 [996] dùng Viên ngoại lang bộ công Trực sử quán Trần Nghiêu Tẩu làm Chuyển vận sứ, nhân gửi chiếu thư cho Hoàn. Nghiêu Tẩu đến, sai Huyện úy Hải Khang thuộc Lôi Châu, Lý Kiến Trung, gửi chiếu thư ủy lạo Hoàn. Nghiêu Tẩu lại đến Như Tích cật vấn việc che giấu cho Văn Dõng trốn, bắt được 130 người già trẻ trai gái, triệu quan trấn Triều Dương giao cho, và răn đừng làm điều phạm pháp. Thành Nhã nhận được người, gửi văn thư cảm tạ Nghiêu Tẩu. Hoàn cũng gửi tờ cảm ơn, cùng bắt 25 hải tặc gửi cho Nghiêu Tẩu; bảo rằng đã ước thúc các thủ lĩnh khe động, không được tao động”. Tống Sử, Bản Kỷ, Giao Chỉ.
(二年,以工部員外郎、直史館陳堯叟爲轉運使,因賜桓詔書。堯叟始至,遣攝雷州海康縣尉李建中齎詔勞問桓。堯叟又至如昔,詰得匿文勇之由,盡擒其男女老少一百三十口,召潮陽鎮吏付之,且戒勿加酷法。成雅得其人,以狀謝堯叟。桓遂上章感恩,並捕海賊二十五人送於堯叟,且言已約勒溪洞首領,不得騷動)
Nhắm làm ấm lại mối bang giao, vào tháng 7 cùng năm [996], vua Tống sai Chiêu văn quán Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư, cùng đai ngọc ban cho Vua Lê Đại Hành, trước mặt Sứ thần Trung Quốc nhà Vua khẳng định sẽ giữ gìn an ninh biển Trướng Hải tức Biển Đông; lời khẳng định trước Sứ thần nhà Tống, chứng tỏ chủ quyền biển Trướng Hải thuộc nước Đại Cồ Việt:
Tháng 7, vua Thái Tông sai Chủ khách lang trung, trực Chiêu văn quán Lý Nhược Chuyết sung Quốc tín sứ mang chiếu thư và đai mỹ ngọc ban cho Lê Hoàn. Khi Nhược Chuyết đến, Hoàn ra ngoài thành đón; nhưng lời lẽ có vẻ ngạo mạn, bảo Nhược Chuyết rằng:
Từ trước tới nay cướp Như Hồng đều là bọn Man tặc ở ngoài nước, Hoàng đế có biết rằng không phải quân Giao châu hay không? Nếu quả Giao châu làm phản thì trước hết đánh Phiên Ngung [Quảng châu], thứ đến đánh Mân [Phúc Kiến], Việt [Quảng Đông]; nào phải chỉ trấn Như Hồng mà thôi!”
Nhược Chuyết thung dung bảo Hoàn:
Thiên tử lúc đầu mới nghe việc cướp phá trấn Như Hồng, tuy chưa biết ai chủ mưu; nhưng cho rằng túc hạ được cất nhắc làm Nha hiệu Giao châu, nhận tiết chế, nên đáng tận trung để báo đáp, thì có lo gì! Đến lúc thấy bắt giải đến bọn giặc, thì việc đã rõ ràng. Nhưng đại thần họp bàn, cho rằng triều đình đã lập tiết soái, để yên vùng biển, nay thấy Man tặc đến cướp phá, như vậy một mình Giao châu không chế ngự được; xin điều một vài vạn quân mạnh cùng binh Giao châu đánh dẹp; khiến vùng Giao, Quảng không có mối lo về sau. Thiên tử phán “Chưa thể khinh suất cử sự, sợ Giao châu không biết ý định của triều đình, đâm ra kinh hãi; bất nhược giao cho Lê Hoàn đánh, rồi dần dần cũng yên; nên hôm nay không có việc hội binh.”
Hoàn ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy nói:
“Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần; Thánh quân khoan dung, ơn quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận, giữ yên nơi Trướng Hải.” Nhân đó hướng về phía bắc cúi đầu tạ.” Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(七月,太宗遣主客郎中、直昭文館李若拙齎詔書,充國信使,以美玉帶往賜桓。若拙既至,桓出郊迎,然其詞氣尚悖慢,謂若拙曰:「向者劫如洪鎮乃外境蠻賊也,皇帝知此非交州兵否?若使交州果叛命,則當首攻番禺,次擊閩、越,豈止如洪鎮而已!」若拙從容謂桓曰:「上初聞寇如洪鎮,雖未知其所自,然以足下拔自交州牙校,授之節制,固當盡忠以報,豈有他慮!及見執送海賊,事果明白。然而大臣僉議,以爲朝廷比建節帥,以寧海表,今既蠻賊爲寇害,乃是交州力不能獨制矣。請發勁卒數萬,會交兵以剪滅之,使交、廣無後患。上曰:'未可輕舉,慮交州不測朝旨,或致驚駭,不若且委黎桓討擊之,亦當漸至清謐。'今則不復會兵也。」桓愕然避席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職約,保永清於漲海。」因北望頓首謝)
Sau khi Sứ thần Lý Nhược Chuyết đến thăm, tình hình bang giao được cải thiện, năm 1001, Vua Lê Đại Hành sai Sứ cống tê ngưu và voi:
Trường Biên, quyển 48. Năm Hàm Bình thứ 4 [1001]
Ngày Mậu Thân tháng 2 [3/3/1001], Lê Hoàn đất Giao châu sai Sứ tiến cống tê ngưu thuần, voi.
(戊申,交州黎桓遣使貢馴犀、象。)
Trong năm 1003, hai lần xảy ra việc dân biên giới trốn sang Trung Quốc xin tá túc; lúc này nhà Tống không muốn làm mất lòng nước ta, nên đều khước từ:
Trường Biên, quyển 54. Năm Hàm Bình thứ 6 [1003]
Ngày Mồng Một tháng 3 ngày Tân Mão [5/4/1003], châu Khâm tâu  Bát châu sứ Giao châu Hoàng Khánh Tập đốc suất bọn dưới quyền hơn 450 qui phụ; chiếu sai Sứ an ủy phủ dụ, lệnh trở về đất cũ.
(三月辛卯朔,欽州言交州八州使黃慶集等率其屬四百五十餘口歸附,詔遣使慰撫之,令還本道。)
Trường BiênTháng 4 ngày Kỷ Sửu [2/6/1003], Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ (1) Phùng Liên tâu rằng hơn 400 hộ dân Giao châu đến châu Khâm, tới bờ biển; tuân chiếu ủy dụ, khiến trở về đất cũ.
(己丑,廣南西路轉運使馮連言,交州民四百餘戶來投欽州,至海岸,即準詔慰諭,遣還本道。)
Đáp lại cách xử sự hòa hoàn tại biên giới, năm sau vua Lê Đại Hành sai con là Minh Đề sang cống, được vua Tống sách phong:
Trường Biên, quyển 56. Năm Cảnh Đức thứ nhất [1004]
Ngày Giáp Tý tháng 6 [1/7/1004], Lê Hoàn đất Giao Châu sai con, Minh Đề, nhiếp quyền Thứ sử châu Hoan đến cống; Đề khẩn cầu gia ơn đến châu này để an ủy phủ dụ dân xa xôi. Hứa cho, vẫn để Minh Đề làm Thứ sử châu Hoan.
(交州黎桓遣其子攝驩州刺史明提來貢,懇求加恩使至本道慰撫遐裔。許之,仍以明提為驩州刺史)
Hoàng tử Minh Đề đi sứ chưa kịp trở về nước, thì vào tháng 3 năm Ứng Thiên thứ 12 [1005] vua Lê Đại Hành mất tại điện Trường Xuân. Trải qua 24 năm trị vị, với võ công hiển hách, nhà Vua đã nâng địa vị nước ta từ quốc gia nhược tiểu bị xâm lăng, trở thành hùng cường được tôn trọng. Quỹ tín dùng về sức mạnh dân tộc, không những dư dùng lúc Ngài trị vị, còn được dành lại cho con; qua những ngày tháng bất hạnh anh em tranh chấp; vua Tống tuy dòm ngó lăm le, lại được bọn bầy tôi dâng sẵn bản đồ xâm nhập; nhưng cuối cùng quyết định không  xâm lăng nước ta!
Chú thích:
1. Tục Tư Trị Thông Giám, Soạn giả Lý Đào đời Tống, xin viết tắt là Trường Biên.
2. Văn bản Trường Biên tháng 12 năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 [982] và tháng 5 năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 [983]
3. Tuổi đội mũ: tức “nhược quan”, từ 20 tuổi trở lên.
4. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
5. Mã Viện nói về hoàn cảnh tại hồ Lãng Bạc, Giao Chỉ như sau:
 “Khi ta ở Lãng Bạc, Tây Lý, giặc chưa diệt xong; dưới chân nước lụt, trên đầu mây mù giăng mắc, khí độc vần vũ, nhìn lên trời thấy chim diều hâu bay rồi đột nhiên rơi phịch xuống nước…”
6. Sông Sách: người dịch Toàn Thư chú thích rằng có lẽ lúc bấy giờ sông Sách là một đoạn của sông Thương.
7. Ngô Khuông Việt (933-1011: tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Ly; huyện Trường Lạc; trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông.
8. Thái Bình quân: sau đổi là Liêm Châu tức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, quân là đơn vị hành chính đầu thời Tống.
9.Châu Tô Mậu: Theo Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh, trang 121, Tô Mậu ngày nay thuộc Định Lập, tỉnh Hải Ninh
6. Vài nét về xã hội Việt Nam dưới thời vua Lê Đại Hành
Niên hiệu: Thiên Phúc: 980-988; Hưng Thống: 989-993; Ứng Thiên 994-1005
Lãnh thổ nước Đại Cồ Việt thời Vua Lê Đại Hành về phía bắc rộng hơn thời nhà Lý; do bởi dưới thời Vua Lý Nhân Tông, 2 tù trưởng Nùng Tôn Đán, Nùng Trí Hội tại biên giới qui phụ nhà Tống, nạp cho Tống hai động Vật Dương, Vật Ác, nay thuộc Tĩnh Tây thị [jinxi] tỉnh Quảng Tây. Bộ sử Tục Tư Trị Trường Biên của Lý Đào đời Tống chép như sau:
Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]
“…Ty Kinh Lược Hùng Bản cũng tâu rằng:
Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; thời Trị Bình [1064-1067]Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là  Qui Hóa châu.”
(經略司熊本亦言:「嘉祐中,儂宗旦以勿惡等峒歸明,賜名順安州。治平中,儂智會以勿陽峒歸明,賜名歸化州)
Về phía nam, qua mấy lần giao tranh với Chiêm Thành; lãnh thổ nước ta nới rộng ra đến tỉnh Quảng Bình. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi vào năm Hưng Thống thứ 4 [992], cho Chiêm Thành nhận người từ châu Địa Lý [huyện Lệ Ninh, Quảng Bình](1) đưa về châu Ô Lý(2):
Mùa Hạ, tháng 6, cho người Chiêm Thành nhận lĩnh hơn 360 người ở thành cũ châu Địa Lýđem về châu Ô Lý” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Đáp ứng với nhu cầu giao thông từ Bắc chí Nam, cũng trong năm 992, nhà vua cho mở đường từ cửa biển Nam Giới [chỗ giáp giới hai huyện Can Lộc và Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh] đến châu Địa Lý:
Mùa Thu, tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến Châu Địa Lý” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Trước đó lúc đi đánh Chiêm Thành, nhắm tránh đường biển không an toàn vì sóng gió; năm 983 cho đào kênh dọc theo ven biển tỉnh Thanh Hóa từ núi Đồng Cổ [sông Mã] đến sông Bà Hòa [Tĩnh Gia](3):
Quý Mùi, /Thiên Phúc/ năm thứ 4[ 983 ],…Kênh mới trên đường biển làm xong. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 1.
Năm 1003 nhà Vua lại cho đào kênh Đa Cái, nay là xã Hương Cái thuộc huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An để nối con kênh từ Thanh Hóa đến sông Lam:
Quý Mão,/ Ứng Thiên/ năm thứ 10/1003. Vua đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái thẳng đến Tư Củng trường ở Ám Châu.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1.
Dưới thời Vua Lê Đại Hành có những cuộc nổi dậy bởi các quan lại địa phương hoặc dân tộc miền núi. Phần lớn xảy ra tại vùng Thanh Nghệ, nơi Chiêm Thành thường mang quân ra vào cướp phá, khiến lòng người chưa ổn định. Tình hình có lúc trầm trọng, nhà Vua phải thân chinh đi đánh dẹp, chiếu theo thời gian, xin liệt kê:
Vào năm Hưng Thống thứ nhất [989], viên Quản giáp Dương Tiến Lộc xui dân châu Hoan [Nghệ An] và châu Ái [Thanh Hóa] nổi lên làm phản, Cương Mục(4) ghi như sau:
Tiến Lộc, làm chức Quản giáp, vâng mệnh đi thu thuế ở châu Hoan và châu Ái. Nhân đó, Lộc cầm đầu hai châu ấy nổi lên làm phản, rồi xin theo về với nước Chiêm Thành; nhưng người Chiêm Thành không nhận. Nhà vua đem quân đi đánh bắt giết được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể.”
Tháng 7, năm Ứng Thiên thứ 4 [997], nhà Vua đi đánh giặc ở Đỗ Động(5), vùng căn cứ của tướng Đỗ Cảnh Thạc thời Thập Nhị Sứ Quân, bắt được đồđảng đem về.
Năm thứ6 [999] Vua thân đi đánh Hà Động, thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; tất cả bốn mươi chín động trong vùng đều dẹp yên cả.
Năm thứ7 [1000], bọn Trịnh Hàng ởPhong Châu [tỉnh Vĩnh Phúc] làm loạn. Nhà vua điều khiển quân sĩ đi đánh. Trịnh Hàng chạy sang núi Tản Viên tỉnh Sơn Tây.
Năm thứ8 [1001], Vua cùng Vua cũ nhà Đinh tức Đinh Toàn mang quân đánh bộ tộc Cử Long(6) tại Thanh Hóa, Đinh Toàn tử trận, Cương Mục (7) chép như sau:
Nhà vua đi đánh Cử Long: Vệ vương Toàn theo đi. Bấy giờ quân giặc thấy nhà vua, chúng giương cung, chĩa tên, toan bắn, chiếc tên rơi xuống; chúng lại giương cung, dây cung đứt. Chúng sợ, rút lui. Nhà vua đi thuyền ven sông đuổi theo. Quân giặc ở hai bên bờ đánh khép lại. Quan quân bị hãm ở sông. Vệ vương Toàn trúng phải mũi tên bay, mất tại trận. Nhà vua kêu trời ba tiếng, rồi thân ra đốc chiến: quân giặc thua.”
Về phương diện văn học, dưới thời Tiền Lê tuy chưa tổ chức thi cử, nhưng việc học do Phật Giáo phụ trách, được duy trì tại các chùa chiền, tự viện. Các vị cao tăng như Pháp Thuận, Khuông Việt đều là những danh sĩ. Trung Quốc biết rõ nước ta là quốc gia văn hiến, nên  khi cử sứ bộ sang, ngoài viên Chánh sứ lo việc chính trị, còn có viên phụ tá, chuyện đối đáp thơ văn. Như phái đoàn Lý Nhược Chuyết sang nước ta năm 986, có Quốc tử giám bác sĩ Lý Giác phụ tá, từng để lại thơ xướng họa; phái đoàn Tống Cảo năm 990, phụ tá bởi Vương Thế Tắc, vị này từng lập kỳ tích trong lịch sử Trung Quốc, với 2 lần thi đậu Trạng nguyên (8).
Về phương diện y tế cũng được nhà Vua lưu ý, qua việc gửi biểu văn sang Trung Quốc xin những bài thuốc hay, để chữa trị cho dân; tờ biểu có đoạn như sau:
“… Lại bảo rằngVùng Lãnh Biểu (9) nóng ẩm, nhiều chướng lệ, xin quan cho giấy mực viết những bài thuốc cứu sống, để ban cho các châu.”
Chấp nhận lời xin này. [Trường Biên, quyển 43]
(又言:「嶺表炎蒸,又多瘴癘,請官給紙墨,寫攝生藥方,散付諸州。」從之。)
Sử xưa ít đề cập đến lãnh vực kinh tế, tuy nhiên qua sử liệu Trung Quốc dưới đây thấy được việc trồng dâu nuôi tằm tại nước ta khá thịnh vượng. Nguyên do lúc bấy giờ vua Tống Chân Tông, ban lệnh các nơi trồng dâu nuôi tằm. Viên quan đứng đầu Quảng Tây, Chuyển vận sứ Trần Nghiêu Tẩu tâu rằng thổ ngơi Quảng Tây có nhiều đá, thiếu đất trồng dâu, chỉ  cây trồng tơ gai mà thôi; riêng việc trồng dâu, nuôi 8 loại tằm sản xuất lụa gấm,  thì nổi tiếng tại An Nam:
Trường Biên quyển 43, ngày Nhâm Tuất tháng 7 [31/7/998], Trước đó có chiếu ban sai dân trồng nhiều dâu [để nuôi tằm], Chuyển vận sứ Quảng Tây Trần Nghiêu Tẩu tâu rằng:
‘Các châu dưới quyền coi sóc của thần, thổ ngơi khác biệt; nhiều ruộng đá, thiếu đất để trồng dâu; thường bảo rằng “những thứ gấm lụa từ 8 loại tằm” vốn không có tục sản xuất từ Ngũ Lãnh; nơi sản xuất chỉ tại An Nam. Dân tại đây ngoài việc cày ruộng nước, nguồn tài lợi dựa vào loại tơ gai gọi là ma ninh mà thôi’.”….
(先是,有詔諸路課民種桑棗,廣西轉運使陳堯叟上言曰:「臣所部諸州,土風本異,田多山石,地少桑蠶,昔云『八蠶之綿』,諒非五嶺之俗,度其所產,恐在安南。今其民除耕水田外,財利之博者,惟麻苧耳。)
Các nhà viết sử thời xưa thường chú ý đến việc làm của nhà vua, các cuộc chinh phạt, cùng Sứ thần các nước qua lại ngoại giao; rất ít khi đề cập đến sinh hoạt dân chúng; nên tư liệu để lại về kinh tế xã hội khá nghèo nàn; đó là điều đáng tiếc.
Chú thích:
1. Châu Địa Lý: tên châu của Chiêm Thành, sau khi sáp nhập vào lãnh thổ nhà Lý đổi gọi là châu Lâm Bình (1075). Nay là phần đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình.
2. Ô Lý: tên hai châu của nước Chiêm Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hóa Châu; nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên.
3. Theo lời chú Toàn Thư, Bản kỷ quyển 1; Sông Bà Hòa: sông chảy qua xã Bà Hòa, sau đổi là xã Đồng Hòa, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
4. Cương Mục: tức Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
5. Đỗ Động: theo chú thích của Toàn Thư, Ngoại Kỷ, quyển 5; thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
6. Cử Long: Cương Mục, Chính Biên, quyển 1 có lời chua như sau: Cử Long: Tên dân tộc Mán. Nhà Đinh, nhà Tiền Lê gọi là mán Cử Long, đến nhà Lý diệt được. Năm Thuận Thiên (1428-1433), nhà Lê đặt là huyện Lạc Thủy; năm Quang Thuận (1460-1469), đổi lại Cẩm Thủy. Bây giờ vẫn theo tên cũ, thuộc phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
7. Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
8. Theo Hoa Nhân Bách Khoa, Vương Thế Tắc đậu Trạng nguyên lần thứ nhất, khoa này có một viên Tiến sĩ bị khiếu nại, nên triều đình nhà Tống cho thi lại, Thế Tắc lại thi tiếp đậu Trạng nguyên lần thứ 2, nên được người đời gọi là “ Liên khoa Trạng nguyên 連科狀元"
9. Lãnh Biểu: vùng phía nam Ngũ Lãnh, chỉ vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây, thuộc nước Nam Việt xưa.
7. Thời một ông Vua tệ nhất nước: Lê Long Đĩnh [1006-1009]
Niên hiệu: Long Đĩnh: 1006-1007; Cảnh Thụy: 1008-1009
Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, nhắm duy trì ngôi báu, các vị Vua thường chọn một trong những giải pháp sau đây để trị nước: hoặc chia quyền cho người trong họ, hoặc giao cho quan võ giữ các phiên trấn, hoặc dùng quan văn để khống chế quan võ. Giải pháp nào cũng có nhược điểm: trường hợp các võ quan nắm trọng quyền, dễ sinh ra nạn sứ quân, như Thập Nhị Sứ Quân thời nhà Ngô; hoặc cướp ngôi, như trường hợp Mạc Đăng Dung dưới thời Lê Mạt. Dùng quan văn để khống chế quan võ, có thể bớt được nạn phiên trấn đoạt quyền, nhưng đất nước dễ trở nên duy nhược; đó là căn bệnh dưới triều Thiệu Trị, Tự Đức; chính vua Tự Đức cũng phải tự phê về triều đại mình như sau:
Thanh dung thịnh nhi võ bị suy, nghị luận đa nhi thành công thiểu
(Về mặt ngoài hào nhoáng, nhưng võ bị suy, bàn luận nhiều, mà thành công ít)
Dùng người trong họ có ưu điểm đạt được mức độ tin cậy cao hơn, nhưng nạn anh em tranh quyền thì hầu như thời nào cũng có.
Riêng Vua Lê Đại Hành chủ trương dùng người thân cai trị nước. Năm Hưng Thống thứ 1 (989],phong con trưởng là Long Thâu làm Kình Thiên đại vương, con thứ hai là Ngân Tích làm Đông Thành vương; lập con thứ ba là Long Việt làm Nam Phong vương.
Tháng giêng năm Hưng Thống thứ 4 [992], lại theo thứ tự tiếp tục thụ phong cho các con:
Con thứ 4 Ngự Man vương Long Đinh trấn tại Phong Châu nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Con thứ 5, Khai Minh vương Long Đĩnh, trấn tại Đằng Châu; nay thuộc huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên.
Con thứ 6, Ngự Bắc vương Long Ngận trấn tại Phù Lan; nay thuộc huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.
Con thứ 7, Định Phiên vương Long Tung trấn tại Ngũ huyện giang; nay thuộc Bắc Ninh.
Con thứ 8, Tư Doanh Thành phó vương Long Tương trấn đóng ở Đỗ Động; nay thuộc sông Nhuệ, Hà Nội.
Con thứ 9, Trung Quốc vương Long Kính trấn ở Mạt Liên; nay thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Con thứ 10, Nam Quốc vương Long Mang trấn đóng ở Vũ Lũng; nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Con thứ 11, Hành quân vương Long Đề [tức Minh Đề] đóng tại Cổ Lãm; nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Con nuôi Vua, Phù Đới vương [không rõ tên], trấn đóng tại Phù Đái; nay là huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.
Trước lúc vua Lê Đại Hành mất 1 năm, lúc này người con trưởng Long Thâu đã mất; nhà Vua phong cho con thứ 3 Long Việt làm Thái tử để chuẩn bị nối ngôi; chỉ cho con thứ 2 Ngân Tích làm Đại vương; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép như sau:
Cương Mục, Chính Biên, quyển 1, năm Ứng Thiên thứ 11 (1004).
Trước đây, con trưởng là Kình Thiên đại vương Long Thâu mất, Ngân Tích, theo thứ tự, đáng được lập. Bấy giờ Long Đĩnh cầu xin làm Thái tử, ý nhà vua muốn cho; đình thần bàn rằng không lập con trưởng mà lập con thứ thì không hợp lễ; thành thử lại thôi. Đến đây, lập Long Việt làm Thái tử, gia phong Đông Thành vương Ngân Tích và Khai Minh vương Long Đĩnh làm đại vương.”
Năm sau [1005] nhà vua mất, trong vòng 8 tháng, các Vương Ngân Tích, Long Kính, Long Đĩnh tranh dành ngôi vua với Long Việt. Cuối cùng Long Việt lên ngôi được 3 ngày, thì Long Đĩnh cho người trèo tường vào trong cung hành thích, rồi lên ngôi:
Trước đó, Đông Thành vương Ngân Tích, Trung Quốc vương Long Kính và Khai Minh vương Long Đĩnh đều làm loạn; Thái tử không lên ngôi được, cầm cự nhau đến 8 tháng, trong nước không ai làm chủ. Đến đây, Long Việt mới lên ngôi; Ngân Tích phải chạy, bị người châu Thạch Hà (1)giết chết.
… Vua Long Việt lên ngôi được 3 ngày; Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi, tự lập làm vua; truy đặt tên thụy vua Long Việt là Trung Tông hoàng đế.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 1.
Phối kiểm với sử Trung Quốc, nói chung sự kiện chép tương tự, chỉ sai chi tiết về tên; lại cho biết thêm vua Tống Chân Tông sai Thiệu Hoa làm An phủ sứ Quảng Nam Tây Lộ lập kế hoạch chuẩn bị xâm lăng nước ta:
Trường Biên, quyển 60. Năm Cảnh Đức thứ 2 [1005]
Tháng 5 [6/1005], Lê Hoàn đất Giao Châu mất, người con giữa là Long Việt tự lập, anh Long Việt là Long Toàn(2) cướp tài sản trong kho rồi trốn, em là Long Đĩnh(2) giết Long Việt tự lập, anh Long Đĩnh là Minh Hộ đốc suất trại Phù Lan đánh lại. Quốc tín sứ Thiệu Hoa trú tại nam Ngũ Lãnh đem việc này tâu lên. Ngày Mậu Tý ra lệnh Hoa làm An phủ sứ miền duyên hải Quảng Nam Tây Lộ, cho tiện nghi đặt phương lược. Con Hoàn là Minh Đề trước đây đến triều cống còn trên đường về, chiếu đưa Sứ thần bạn tống để an ủi phủ dụ thêm.”
(交州黎桓死,其仲子龍鉞自立,龍鉞兄龍全劫庫財而遁,其弟龍廷殺龍鉞自立,龍廷兄明護率扶闌寨兵攻戰。國信使邵曄駐嶺表,以其事聞。戊子,就命曄為廣南西路緣海安撫使,聽以便宜設方略。桓子明提先入貢還在路,詔送伴使臣,倍加安撫)
Riêng đối với Lê Minh Đề, con thứ 11 của vua Lê Đại Hành, được vua Tống cho nhiều tiền bạc, tạm lưu lại tại Quảng Châu [tỉnh Quảng Đông], có lẽ chuẩn bị cho làm chức bù nhìn, để quân Tống có danh nghĩa trong trường hợp xâm lăng nước ta:
Trường Biên, quyển 62. Năm Cảnh Đức thứ 3 [1006]
Binh loạn tại Giao Chỉ, Lê Minh Đề lưu ngụ tại Quảng Châu không về được; vào ngày Giáp Thìn tháng 3 [2/4/1006] chiếu mệnh ban riêng tiền 15 vạn, gạo 150 hộc, vẫn được cấp thẻ ngụ tại quán.
(交阯兵亂,黎明提等留廣州不得歸,三月甲辰,詔別賜錢十五萬、米百五斛,仍並給館券
Tuy bọn Thiệu Hoa, Sách Lăng đều tâu bày xin đánh nước Đại Cồ Việt; nhưng rút kinh nghiệm về những lần thua bại dưới thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, khiến vua Tống Chân Tông không dám mạo hiểm. Lại nhân về phía Bắc mới ký hiệp ước Thiền Uyên(3) [1005] với nước Liêu; vùng đất phía Bắc sông Hoàng Hà vẫn do Liêu chiếm cứ, hàng năm phải cống cho Liêu 15 vạn lượng bạc, 25 vạn tấm quyên. Như vậy mối họa về nước Liêu vẫn còn treo lơ lững tại phương Bắc, mối lo về nước Hạ thì canh cánh tại miền Thiểm Tây; nên vua Tống đành giả bộ nhân nghĩa tại phương Nam, rằng không mang quân đi đánh nước đang có tang:
Trường Biên, quyển 63. Năm Cảnh Đức thứ 3 [1006]
Trước đó có chiếu thư cho viên Tri Quảng Châu Lăng Sách và An phủ sứ duyên hải Thiệu Hoa thiết phương lược cùng ước tính việc nên làm tại Giao Chỉ. Vào ngày Tân Mão tháng 6 [18/7/1006] bọn Lăng Sách tâu rằng:
“Các con Lê Hoàn tranh ngôi, mỗi người tụ hợp một số quần chúng, chiếm lấy trại sách, quan lại chia lìa, nhân dân sợ hãi. Bọn Thủ lãnh Hoàng Khánh Tập, Hoàng Tú Loan hơn 1.000 người, không theo bọn chúng điều động, bị giết cả bà con họ hàng, bèn chạy đến châu Liêm. Cầu xin mang quân mã bình định Giao Chỉ; bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong, lập tức tiến công. Chúng thần họp bàn rằng nếu triều đình chấp thuận lời xin, chỉ cần phát binh trong châu, cộng thêm 2,3 ngàn quân tinh nhuệ Kinh Hồ [Hồ Nam, Hồ Bắc], thủy lục cùng tiến, thì có thể bình định lập tức.”
Vua phán:
“Lê Hoàn kế tục hoàn thành chức cống, lại từng sai con đến triều cận, giữ một góc biển an ninh, không mất điều trung thuận. Nay nghe tin y mất, chưa có thể đến điếu tế, lại mang quân đánh lúc có tang; hành động như vậy há kẻ Vương giả làm được ư!”
Bèn ban chiếu cho bọn Sách phủ dụ yên ổn; nhóm Khánh Tập chiếu theo nhân khẩu ban cho y phục và lương ăn, đặt chức, ban ruộng canh tác, chủ trương ưu đãi. Bọn Thiệu Hoa thể theo chiếu ban, bèn gửi thư cho Giao Chỉ, tuyên bố uy đức của triều đình. Nếu còn chém giết lẫn nhau như cá trên thớt, kéo dài không yên định; lúc đó triều đình sẽ mang quân đi hỏi tội, thì họ Lê không còn nòi giống. Lê Minh Hộ sợ, bèn tuân theo Long Đĩnh chủ trì việc quân. Rồi Thiều Hoa dùng lễ vật của Lê Hoàn đã tiến cống, cải ban cho quân mới. Hoa tâu lên rằng:
“Mềm dẻo vỗ về Di nước ngoài, đáng biểu thị sự thành tín; Nên chờ Long Đĩnh sai Sứ đến cống, sẽ phong tước ban cho ân sủng.”
Vua khen và chấp thuận.
(先是,有詔知廣州凌策與緣海安撫使邵曄等同設方略,經度交趾事宜。辛卯,策等言:「黎桓諸子爭立,各聚徒眾,散施寨柵,官屬離析【一五】,人民猜懼。頭首黃慶集、黃秀巒等千餘人,以不從驅率,戮及親族,來奔廉州,乞量出軍馬,平定交趾,慶集等願為先鋒,克日攻取。臣等會議,若朝廷允其所乞,止發本道屯兵,益以荊湖勁卒三二千人,水陸齊進,立可平定。」上曰:「黎桓繼修職貢,亦嘗遣其子入覲,海隅寧謐,不失忠順。今聞其死,未能弔恤,而遽伐其喪,此豈王者所為?」乃詔策等撫安之【一六】。慶集等仍計口給衣食,賜田署職,務從優厚。曄承詔,遂貽書交趾,諭以朝廷威德,如有自相魚肉,久無定位,偏師問罪,則黎氏無遺種矣。明護懼,即奉龍廷主軍事。於是,詔曄即以黎桓禮物改賜新帥。曄上言:「懷柔外夷,當示誠信,不若竢龍廷貢奉,別加封爵而寵錫之。」上嘉納焉。)
Tuy vậy viên An phủ sứ duyên hải Thiệu Hoa lại dâng thêm bản đồ xâm nhập Giao châu để thuyết phục, nhưng vua Chân Tông vẫn khăng khăng từ chối:
Trường Biên, quyển 63. Năm Cảnh Đức thứ 3 [1006]
Ngày Tân Dậu tháng 7 [17/8/1006], An phủ sứ duyên hải Thiệu Hoa dâng bản đồ thủy bộ từ Ung châu đến Giao châu, cùng bản đồ sông núi cần khống chế. Thiên tử đem việc này nói với các quan phụ tá rằng:
Giao châu chướng lệ, Nghi châu hiểm trở; tổ tiên mở cương vực rộng lớn đáng giữ cẩn thận mà thôi, không cần lao phí binh lực, tham các đất vô dụng; như các vùng đã phong đất cai tri, có loạn lạc, thì phải vì dân mà trừ hại.”
(緣海安撫使邵曄上邕州至交州水陸路及控制宜州山川等圖,上以示輔臣曰:「交州瘴癘,宜州險絕,祖宗開彊廣大,當謹守而已,不必勞費兵力,貪無用之土也。如封略之內有叛亂者,則須為民除害爾。)
Về nội bộ nước ta, Lê Long Đĩnh sau khi cướp ngôi vua, xưng tôn hiệu là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Vân Thấn Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế; lập bốn hoàng hậu. Bấy giờ Ngự Bắc Vương cùng với Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan [nay thuộc huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương] làm phản. Vua thân đi đánh;hai vương đóng chặt thành cố thủ. Vây đến vài tháng, trong thành cạn lương; Long Ngận bắt Long Kính đem dâng nộp. Nhà vua sai chém Long Kính và tha tội cho Long Ngận. Nhân tiện, đem quân đi đánh Ngự Man vương Long Đinh ở Phong Châu [nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú]; Long Đinh phải đầu hàng; từ đó các vương đều chịu phục.
Trước đây, nhà vua đóng tại xã Phù Lan, có tin chạy trạm đến tâu rằng mán Cử Long vào cướp, đã kéo đến cửa biển Thần Đầu(4). Khi đã dẹp yên Phong Châu, rút quân về đến sông Tham, nhà vua liền vào Ái Châu [Thanh Hóa] đánh xong giặc mán Cử Long.
Về mặt ngoại giao với Trung Quốc,Cương Mục [Chính Biên, quyển 2] ghi vào năm Ứng Thiên thứ 14 [1007] nhà Vua sai em là Minh Sưởng và Chưởng thư ký  Hoàng Thành Nhã sang cống, dâng biểu xin cửu kinh(5) và kinh sách đại tạng; nhà Tống ưng thuận cho cả. Sử Trung Quốc chép về việc này như sau:
Trường Biên, quyển 66. Tống Chân Tông năm Cảnh Đức thứ 4 [1007]
Lê Long Đình [Đĩnh] tự xưng Quyền An Nam tĩnh hải quân lưu hậu, sai em là Thứ sử Quán châu Minh Sưởng, và bọn Điện trung thừa Hoàng Thành Nhã đến cống. Ngày Tân Tỵ tháng 7 [1/9/1007]ban cho Long Đình chức Tĩnh hải tiết độ sứ Giao Chỉ quận vương, ban tên là Chí Trung, cấp cho cờ và phù tiết. Lại sai truy tặng cho Lê Hoàn Nam Việt vương; bọn Minh Sưởng đều được thăng trật. Lúc mở yến tiệc tại điện Hàm Quang, Minh Sưởng cũng dự; Thiên tử thấy Thành Nhã phải ngồi xa, muốn thăng ngôi thứ, bèn hỏi Tể tướng Vương Đán. Đán tâu:
“Trước kia Quản Trọng triều Chu, vua ban lễ Thượng khanh, Quản Trọng cố từ chối, nhận lễ Hạ khanh rồi trở về. Quốc gia vỗ yên các nước xa xôi, không hiềm việc ưu đãi khách sứ.”
Bèn thăng Thành Nhã vào bực Thượng thư ngũ phẩm.”
(黎龍廷自稱權安南靜海軍留後,遣其弟槵州刺史明昶、殿中丞黃成雅等來貢。辛巳,授龍廷靜海節度使、交趾郡王,賜名至忠,給以旌節。又追封黎桓為南越王,明昶等皆進秩。及含光殿大宴,明昶等與焉,上以成雅坐遠,欲稍升其位著,訪於宰相王旦,旦曰:「昔管仲朝周,王饗以上卿之禮,管仲固辭,受下卿之禮而還。國家綏靜遠方,優待客使,固無嫌也。」乃升成雅於尚書五品之次。(實錄誤以管仲為子產,今改之。
Lê Long Đĩnh là Vua tàn ác, dâm ô, làm những điều càn dở nhất trong lịch sử; Toàn Thư [Bản Kỷ, quyển 1] chép như sau:
Niên hiệu Cảnh Thụy năm thứ 1/1008], Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương(6), Vị Long, bắt được người Man và vài trăm con người, sai lấy gậy đánh, người Man đau qúa kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu[Nghệ An]và châu Thiên Liễu, bắt được người thì làm chuồng nhốt vào rồi đốt.
… Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết". Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh (7)sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợnmuốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn.”
Năm Cảnh Thụy thứ 2 [1009], vua theo lời xin của Đô đốc Kiểu Hành Hiến cho đào sông, đắp đường, lập đồn tại Thanh Hóa:
Đô đốc Kiểu Hành Hiến xin đào sông, đắp đường và lập đồn dựng mốc ở Ái Châu [Thanh Hóa]. Nhà vua nghetheo, xuống chiếu cho quân và dân châu ấy đào sông từ cửa ải Chi Long(8)qua núi Đính Sơn đến sông Vũ Lũng(9).” Cương Mục, Chính Biên, quyển 2.
Tháng 7, Vua lại mang quân vào đánh dẹp các châu Hoan Đường(10), Thạch Hà tại vùng Nghệ Tĩnh; rồi trở về kinh đô:
Tháng 7, mùa thu. Nhà vua thân đi đánh châu Hoan Đường và châu Thạch Hà.
Nhà vua đến sông Hoàn Giang, sai phòng át sứ Hồ Thủ Ích đem hơn năm nghìn quân sửa sang mở mang đường sá, từ sông Châu Giáp đến cửa Nam Giới (11). Nhà vua đi thuyền ra ngoài biển bỗng dưng sóng gió sôi nổi, mây mưa mờ mịt, bèn sai quay thuyền trở lại, đi đường bộ về kinh đô”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 2.
Cũng trong năm Cảnh Thụy thứ 2 [1009] nhà Vua sai sứ sang Trung Quốc cống tê ngưu, và xin buôn bán chung tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] nhưng bị nhà Tống từ chối:
Trường Biên, quyển 72, năm Đại Trung Tường Phù thứ 2 [1009]
Ngày Quí vị tháng 12 [21/12/1009], Lê Chí Trung Giao Châu sai Sứ đến cống, cùng hiến 1 con tê ngưu thuần. Thiên tử cho rằng tê ngưu trái với thủy thổ, không thể nuôi được, định từ chối. Lại sợ trái với ý của Chí Trung, nên chờ khi Sứ thần về, bèn ra lệnh thả tại bờ biển. Chí Trung lại sai Sứ dâng biểu xin một bộ giáp trụ, chấp thuận theo lời xin. Lại cầu buôn bán chung tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây], Chuyển vận sứ đạo này tâu lên; Thiên tử phán:
Những dân ven biển mấy lần bị Giao Châu xâm cướp, trước đây chỉ cho hỗ thị tại Khâm Châu cùng Như Hồng, vì rằng đó là nơi biên giới có thể khống chế. Nay lại cho đưa vào nội địa, sự việc có phần bất tiện.”
Chiếu cho đạo này ban dụ thể theo chế độ cũ.
(癸未,交州黎至忠遣使來貢,并獻馴犀一。上以犀違土性,不可豢畜,欲拒而不納;又慮逆至忠意,俟其使還,乃令縱之海澨。至忠又遣使表求甲胄、具裝,詔從其請。且求互市於邕州,本道轉運使以聞,上曰:「瀕海之民,數患交州侵寇,承前止許廉州及如洪寨互市,蓋為邊隅控扼之所。今或直趨內地,事頗非便。」詔令本道以舊制諭之。(求甲胄及互市,會要並在二年十二月貢馴犀後,而本傳並以其事屬之三年,實錄亦載求甲胄於三年正月,嫌其與廣西漕臣經度鎮撫相亂,今從會要,悉聯書之。))
Sứ thần từ Trung Quốc chưa kịp trở về nước, thì vua đã mất vào ngày Tân Hợi tháng 10 [19/11/1009], tại tẩm điện(12) gọi là Ngọa Triều; vì vua mắc bệnh trĩ lại say đắm tửu sắc, nên phải nằm mà chủ trì hội họp triều đình, ở ngôi được 4 năm, thọ 24 tuổi (986-1009).
Chú thích:
1. Thạch Hà: nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
2. Long Đĩnh: xem trên Cương Mục chép là Long Đỉnh; Long Toàn Cương Mục chép là Ngân Tích.
3. Thiền Uyên: hiệp ước ký tại Thiền Uyên thuộc Bộc Dương thị, tỉnh Hà Nam hiện nay.
4. Cửa Thần Đầu: Ở địa giới huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nhà Lê đổi là Thần Phù; bây giờ là cửa Chính Đại.
5. Cửu kinh: 9 bộ sách căn bản của Nho học gồm: 1) Dịch; 2) Thi; 3) Thư; 4) Lễ; 5) Xuân thu; 6) Hiếu kinh; 7) Luân ngữ; 8) Mạnh tử; 9) Chu lễ.
6. Toàn Thư chú, Vi Long: nay thuộc Chiêm Hóa tỉnh Hà Tuyên; Đô Lương: chưa rõ tại vùng nào.
7. Sông Ninh: Bản dịch Toàn Thư chú thích có thể là sông Ninh thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
8. Cửa ải Chi Long: Theo Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư, cửa ải Chi Long ở huyện Chi Nga, Chi Nga bây giờ là huyện Nga Sơn.
9. Vũ Lũng: Cương Mục chú, Vũ Lũng: Tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hóa; nhiều lần phân chia ra sao và lệ thuộc vào đâu, bây giờ không khảo được.
10. Châu Hoan Đường, Cương Mục, Chính Biên, quyển 2, có lời chua như sau: Hoan Đường: Thuộc đất Hoan Châu. Nhà Đinh, nhà Lê (Lê Đại Hành) gọi là châu Hoan Đường; khi thuộc Minh đổi là Thạch Đường; về sau, nhà Lê đổi là huyện Nam Đường. Nay vẫn theo như tên cũ, thuộc phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An.
11. Nam Giới: tên cửa biển ở phía Nam, gần Chiêm Thành, còn có tên là Cửa Sót, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
12. Tẩm điện: nhà ngủ của vua.
Tượng Lý Thái Tổ tại Hoàn Kiếm, Hà Nội 
(dựng năm 2004). nguồn vi.wikipedia.org
8. Lý Thái Tổ khởi nghiệp [1010-1027]
Niên hiệu: Thuận Thiên: 1010-1027      
Gạt ra ngoài những lời sấm ký về việc vua Lý Thái Tổ thay họ Lê lên ngôi:
Thụ căn diểu diểu,
Mộc biểu thanh thanh.
Hòa Đao mộc lạc,
Thập tử thành…..”
(Gốc rễ nước Nam sâu sâu thẳm;
Cành lá xanh tốt;
Cây Lê  [= chiết tự: hòa+đao+mộc]  rơi đổ;
Chồi Lý [= thập +bát+tử] mọc lên….”
Ý chỉ mệnh trời để vua Lý Thái Tổ lên ngôi.
Lịch sử là bộ môn khoa học xã hội, thiết tưởng nên dùng khoa học để lý giải. Dưới thời Lê Long Đĩnh tàn ác, vô đạo, dân sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Nhân vào năm 1009 Long Đĩnh mất, đất nước cần một vị lãnh đạo sáng suốt đức độ, giống như cảnh trời hạn hán cầu mưa. Bấy giờ Lý Công Uẩn [tên húy Vua Lý Thái Tổ] là vị quan nổi tiếng trung trực, từng cả gan ôm xác vua cũ là Trung Tông khóc, khi vua bị hành thích; lại đương chức Điện tiền chỉ huy sứ sẵn quyền lực trong tay; nên người người đều mong ông lên ngôi. Một viên quan đồng liêu là Đào Cam Mộc khuyến khích Lý Công Uẩn rằng:
"Gần đây chúa thượng [Lê Long Đĩnh] ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối dõi thơ ấu, không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nhao nhác, mong tìm chân chúa. Sao Thân vệ [Lý Công Uẩn] không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang, Vũ; gần xem việc làm của Đinh, Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ muốn khư khư giữ tiểu tiết làm gì!" (1) Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Công Uẩn còn chần chừ, Cam Mộc lại bàn thêm:
"‘Thân Vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được!’.
Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ sinh biến, mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui theo. Ngay ngày hôm ấy, điều họp cả ở trong triều, bàn rằng:
Hiện nay, dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối ngôi, mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không?’.
Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô "vạn tuế", vang dậy cả trong triều.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Riêng các bộ sử Trung Quốc (2) đều chép thêm rằng sau khi Lê Long Đĩnh mất, 2 người em là Minh Đề, Minh Xưởng dùng binh tranh ngôi, bị Đại hiệu Lý Công Uẩn giết; rồi lên ngôi; nhưng Vua Tống bỏ qua, vẫn tiếp tục phong tước cho Công Uẩn; nội dung xin trích dẫn qua 2 văn bản dưới đây:
Trường Biên, quyển 73. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 3 [1010]
Tháng 2, Chuyển vận sứ Quảng Tây Hà Lượng tâu:
Lê Chí Trung Giao Châu, cai trị hà ngược không theo phép tắc, nên lòng dân chia lìa. Lúc mất con trai mới 10 tuổi; em là Minh Đề, Minh Sưởng dùng binh tranh ngôi; Đại hiệu Lý Công Uẩn đốc suất dân trong nước đánh đuổi và giết được. Công Uẩn tuổi mới 26, là người thân cận của Chí Trung, Trung từng được lệnh đổi sang họ Lê; nay tự lãnh việc châu, xưng là An Nam Tĩnh hải quân quyền lưu hậu. Lại gửi văn thư xin mang sản vật địa phương phụng cống, xin giáng chế mệnh.’
Thiên tử ban:
Chí Trung bất nghĩa mà được nước, Công Uẩn lại bắt chước theo, càng đáng ghét.
Rồi bảo Lượng vỗ về yên dân biên giới, quan sát sự việc báo lên. Trước đó Chí Trung [Lê Long Đĩnh] sai Sứ phụng cống còn tại kinh sư, Thiên tử ra lệnh đem thực trạng báo cho biết, nếu muốn về cũng chấp thuận; Sứ giả nghe tin chỉ biết che mặt khóc.”
(廣西轉運使何亮言:「交州黎至忠,苛虐不法,眾心離叛。其卒也,一子纔十歲,弟明提、明昶用兵爭立,大校李公蘊率土人逐而殺之。公蘊年始二十六,至忠最所親任,常令以黎為姓,既而自領州事,稱安南靜海軍權留後。且移文言見率方物奉貢,請降制命。」上曰:「至忠不義而得,公蘊尤而效之,益可惡也。」即詔亮安撫邊民,察視機事以聞。先是,至忠遣使貢奉,猶在京師,上令以其狀諭之,如欲行服亦聽,使人聞之,掩泣而已。)
Trường Biên, quyển 73.Tháng 3, Năm Đại Trung Tường Phù thứ 3 [1010] Lý Công Uẩn sai Sứ đến cống. Thiên tử cho rằng man di không đáng để trách cứ; theo lệ cũ Lê Hoàn ban cho Công Uẩn Tĩnh Hải tiết độ sứ, phong Giao Chỉ quận vương, ban  y phục dây đai, tiền và khí vật.”
(李公蘊遣使入貢。上以蠻夷不足責,即用黎桓故事,授公蘊靜海節度使,封交趾郡王,賜衣帶、器幣)
Vừa mới lên ngôi, vua thấy kinh đô cũ thành Hoa Lư tại Ninh Bình chật hẹp, bèn  cho dời đô đến thành Đại La, rồi đổi tên là Thăng Long, tức  Hà Nội hiện nay. Đây là việc làm sáng suốt, vì Hà Nội là trung tâm giao lưu của cả nước; suốt một ngàn năm, ngoại trừ triều Nguyễn, các triều đại khác đều chọn nơi này làm kinh đô. Từng được tận mắt xem các vật liệu khảo cổ dưới chân thành Thăng Long; thấy các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc, có những kiến trúc, vật liệu đặc thù; có thể nói chân thành Thăng Long là một bộ sử vật thể, góp phần kiểm chứng và cung cấp tư liệu cho lịch sử nước nhà. Qua Chiếu chỉ dời đô, Vua Lý Thái Tổ có những lời tiên tri như sau:
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (3), ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?" Toàn Thư, Chính Biên, quyển 2.
Sách Việt Sử Lược [越史略mô tả thành Thăng Long thời Lý như sau:
Trong kinh thành Thăng Long xây điện Triều Nguyên, bên trái điện Tập Hiền, bên phải điện Giảng Võ; phía trái mở cửa Long Môn, phía phải mở cửa Đan Phượng. Chính dương xây Cao điện, giai gọi là Long Trì, quanh co hồi chuyển, bốn phía trang hoàng. Sau điện Càn Nguyên xây 2 điện Long An, Long Thụy; bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải Nguyệt Minh, phía sau có cung Thúy Hoa. Bốn phía thành xây 4 cửa, phía đông là cửa Tường Phù, phía tây Quảng Phúc, nam Đại Hưng, bắc Diệu Đức; tại thành nội lại xây chùa Hưng Thiên, lầu Ngũ Phượng Tinh, hướng nam [ly phương] thành, lập chùa Thắng Nghiêm.” Việt Sử Lược, quyển trung.
(昇龍京内起朝元殿,左置集賢殿,右置講武殿,左啓飛龍門,右啟丹鳳門。正陽啟髙殿,階曰龍墀。墀内翼以迴廊,周匝四面,乾元殿後置龍安、龍瑞二殿,左建日光殿,右建月明殿,後有翠華宮。城之四面啟四門,東曰祥符,西曰廣福,南曰大興,北曰曜德。又於城内起興天寺五鳳星樓,城離方創勝嚴寺,)
Nhà Vua lại bắt tay lo chấn chỉnh quân đội, rồi mang quân đi dẹp dân tộc thiểu số mán Cử Long (4), nổi dậy tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Loạn Cử Long dấy lên từ thời Đinh, Tiền Lê; năm 1001 Vua Lê Đại Hành mang quân đi đánh, tuy có thắng lợi nhưng vua cũ Đinh Toàn tử trận tại đây; đến nay vua Lý Thái Tổ mới dẹp được:
Thuận Thiên năm thứ 2 [1011]. Mùa Xuân, tháng Giêng, đặt quân tả hữu túc xa(5), mỗi đội đều 500 người. Tháng Hai, vua thấy giặc Cử Long ở Ái Châu hung hăng dữ tợn, trải hai triều Đinh, Lê không đánh nổi, đến nay càng dữ, mới đem sáu quân đi đánh, đốt bộ lạc, bắt kẻ đầu sỏ đem về, giặc ấy bèn tan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Bấy giờ vùng Thanh Nghệ, nơi Chiêm Thành từng ra vào cướp phá nên lòng người chưa ổn định, mối loạn thường nổi lên, khiến phải mang quân đi đánh dẹp; nhưng Vua tỏ ra thành khẩn, từng thắp hương cáo với trời đất, coi đó là việc bất đắc dĩ:
Tháng Chạp năm Thuận Thiên thứ 3 [1012] Vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện (6) gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng:
‘Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân (7) thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét’.
Khấn xong, gió sấm đều yên lặng.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Lúc cuối đời, Vua Lý Thái Tổ lại phải sai thuộc hạ đi đánh giặc tại Diễn Châu một lần nữa:
Năm Thuận Thiên] thứ 17 [1026], xuống chiếu cho Khai Thiên Vương đi đánh giặc ở Diễn Châu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Về phía tây bắc có loạn tại Phong châu [Vĩnh Phúc], Đô Kim (8); nhà Vua bèn sai Thái tử Phật Mã, Khai Quốc Bồ đi đánh dẹp:
Mùa Xuân năm Thuận Thiên thứ 15 [1024]; xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Phật Mã] đi đánh Phong Châu, Khai Quốc Vương [Bồ] đi đánh châu Đô Kim.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Một vụ phản loạn khác xảy ra tại thượng nguồn sông Lô, nay thuộc tỉnh Tuyên Quang, do nước Nam Chiếu tại Vân Nam yểm trợ. Nguyên do người Man Nam Chiếu thường xâm nhập vào nước ta buôn lậu ngựa, bị nhà Vua sai người đến bắt:
Năm Thuận Thiên thứ 3 [1012]; năm ấy người Mansang quá cột đồng, đến bến Kim Hoa và châu Vị Long [huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang] để buôn bán. Vua sai người bắt được người Man và hơn 1 vạn con ngựa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Năm sau, viên Tù trưởng địa phương là Hà Án Tuấn nổi lên làm phản, khiến nhà Vua phải thân chinh đi đánh:
Năm Thuận Thiên thứ 4 [1013]; mùa Đông, tháng 10, châu Vị Long làm phản, hùa theo người Man [Nam Chiếu]. Vua thân đi đánh. Thủ lĩnh là Hà Án Tuấn sợ, đem đồ đảng trốn vào rừng núi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Loạn này chưa dẹp xong, lại tiếp năm sau Nam Chiếu mang đại quân từ Vân Nam vượt biên giới sang cướp phá nước ta, nhắm cấu kết với dư đảng Hà Án Tuấn, Vua sai Dực Thánh Vương mang quân đánh, chém đầu đến hàng vạn; sau khi chiến thắng đem hàng trăm con ngựa sang biếu nhà Tống, khiến vua Tống rất nể trọng:
Năm Thuận Thiên thứ 5 [1014]. Mùa Xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa. Châu mục châu Bình Lâm (9) là Hoàng Ân Vinh đem việc tâu lên. Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu kể hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết. Xuống chiếu cho viên ngoại lang là Phùng Chân và Lý Thạc đem một trăm con ngựa bắt được của người Man sang biếu nhà Tống. Vua Tống xuống chiếu cho quan sở tại sai sứ thần đón tiếp, cùng đi đến cửa khuyết, mọi khoản cung đốn dọc đường đều được chu cấp đầy đủ. Khi đến, vua Tống gọi bọn Chân vào ra mắt ở điện Sùng Đức, ban cho mũ, đai, đồ dùng, tiền bạc theo thứ bậc khác nhauToàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Sử Trung Quốc xác nhận việc này, cho biết số lượng quân Nam Chiếu bị giết đến vài vạn người, văn bản ghi chiến trường xảy ra tại châu Phương Lâm, chắc là châu Bình Lâm đã nêu trong sử Việt:
Trường Biên, quyển 83. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 7 [1014]. Ngày Tân Sửu tháng 7 [15/8/1014], Lý Công Uẩn Giao Châu đánh bại man Hạc Chá [Nam Chiếu, Vân Nam] tại châu Phương Lâm; chém vài vạn, bắt được chỉ huy Dương Trương Huệ. Công Uẩn sai Sứ cống sản vật địa phương cùng báo tin chiến thắng.”
(辛丑,交州李公蘊敗鶴柘蠻於芳林州,斬首數萬,獲其主軍楊長惠,遣使來貢方物,且告捷。)
Triều đình Tống rất nể trọng chiến thắng này, vì dân tộc Nam Chiếu  trước khi bị quân Nguyên thôn tính lập thành tỉnh Vân Nam; là mối lo hàng ngàn năm của Trung Quốc. Hãy nghiên cứu thêm sử Trung Quốc để hiểu tầm quan trọng của chiến thắng:
Dưới thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng chủ trương Bắc phạt dẹp Tào Ngụy; nhưng chỉ lo quân Nam Chiếu dưới quyền Mạnh Hoạch đánh vùng hậu phương Tứ Xuyên tại phía sau lưng, khiến không có đường trở về. Nên dụng công đánh Mạnh Hoạch 7 lần, tha 7 lần [thất cầm, thất túng] (10); khiến Mạnh Hoạch hoàn toàn tin phục, rồi mới cất quân lên phương Bắc:          
Tư Trị Thông Giám, quyển 70. Ngụy Văn Hoàng đế năm Hoàng Sơ thứ 6 [225]
Tháng 7 [8/225], Gia Cát Lượng nhà Hán mang quân đến Nam Trung, chiến thắng nơi này, rồi tiến vào Việt Tuyển [Tây Xương thị, Xichang, Tứ Xuyên] chém Ung Khải và Cao Định; sai Lý Khôi, người đến hàng đốc Ích Châu, từ Ích Châu [Thành Đô, Cheng Du, Tứ Xuyên]vào; Môn hạ đốc Ba Tây Mã Trung từ Tường Kha [Quí Dương thị, Guiyang, Quí Châu] vào; đánh phá các huyện, cùng với quân Lượng họp lại. Mạnh Hoạch thu quân còn lại của Khải, nhắm chống lại Lượng. Hoạch vốn là dân Di, bị quân Hán bắt sống, Lượng cho xem quân doanh bố trí, rồi hỏi:
‘Quân ta bố trí ra sao.’
Hoạch nói:
‘Trước đây không biết rõ hư thực nên thua, nay được xem quân bố trí, nếu chỉ có vậy thôi, thì nhất định dễ thắng!’
Lượng cười, thả ra rồi đánh tiếp; 7 lần tha, 7 lần bắt; cuối cùng Hoạch dừng lại không đi nữa, nói rằng:
‘Ông có uy trời, người phương nam không dám phản nữa.’
Lượng bèn mang quân tới Điền Trì [hồ Côn Minh, Vân Nam].
Bốn quận Ích Châu, Vĩnh Xương, Tường Kha, Việt Tuyển đều được bình định; Lượng đặt những cừ soái địa phương coi sóc. Có kẻ can gián việc này; Lượng nói:
‘Nếu dùng tướng soái ngoài dân địa phương thì phải lưu binh giữ; binh đóng không có gì ăn, đó là điều khó thứ nhất. Hơn nữa dân di mới bị đánh phá, cha anh bị giết; dùng người ngoài dân địa phương mà không lưu binh ắt sẽ gây họa hoạn, đó là điều khó thứ hai. Di mấy lần bị đánh giết, sự hiềm thù còn nặng, nếu để người ngoài cai trị, sẽ không tin nhau, đó là điều khó thứ ba. Nay ta chọn không lưu binh, không vận lương; kỷ cương có thể đại khái định, Di Hán có thể đại khái yên.’
Lượng bèn dùng những người giỏi của Mạnh Hoạch cho làm quan dưới quyền; đem tiền bạc, sơn, thuốc cao đơn, trâu cày, ngựa chiến cho dân tộc này dùng; từ đó suốt đời Lượng dân Di không phản nữa.
(秋,七月,漢諸葛亮至南中,所在戰捷,亮由越巂入,斬雍闓及高定。使庲降督益州李恢由益州入,門下督巴西馬忠由牂柯入,擊破諸縣,復與亮合。孟獲收闓餘眾以拒亮。獲素為夷、漢所服,亮募生致之,既得,使觀於營陳之間,問曰:「此軍何如?」獲曰:「向者不知虛實,故敗。今蒙賜觀營陳,若只如此,即定易勝耳。」亮笑,縱使更戰。七縱七擒而亮猶遣獲,獲止不去,曰:「公,天威也,南人不復反矣!」亮遂至滇池
益州、永昌、牂柯、越巂四郡皆平,亮即其渠率而用之。或以諫亮,亮曰:「若留外人,則當留兵,兵留則無所食,一不易也;加夷新傷破,父兄死喪,留外人而無兵者,必成禍患,二不易也;又,夷累有廢殺之罪,自嫌釁重,若留外人,終不相信,三不易也。今吾欲使不留兵,不運糧,而綱紀粗定,夷、漢粗安故耳。」亮於是悉收其俊傑孟獲等以為官屬,出其金、銀、丹、漆、耕牛、戰馬以給軍國之用。自是終亮之世,夷不復反。)
Đời Đường phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc, để nuôi dạy hàng ngàn con em người Nam Chiếu đến học như du học sinh ngày nay; đến lúc quá tốn kém cung đốn không xuể, thì Nam Chiếu sinh ra oán giận làm loạn:
“Tư Trị Thông Giám, quyển 249, tháng 12 Đường Tuyên Tông năm Đại Trung thứ 13 [859]. Trước đây Hàn Cao tại Tây Xuyên [Tứ Xuyên], mở đường tại Thanh Khê để thông với các man, khiến sứ Do Độc vào cống. Lại chọn con cháu các man, tụ tập tại Thành Đô, dạy cho thư số (11); nhắm an ủi ky my. Khi học xong thì về, lại cho đám khác đến học, tiếp tục như vậy đến 50 năm. Con cháu đệ tử các man học tại Thành Đô có đến hàng ngàn; quan phủ chán nản về việc cung cấp. Lại thêm việc man Sứ vào cống, được hưởng lợi ban cho, nên số người đến càng đông. Đỗ Tông làm Tiết độ sứ Tây Xuyên, tâu xin tiết giảm số lượng, nhận được chiếu chấp thuận. Phong Hữu vua Nam Chiếu giận, sai Sứ giả Hạ Đông vào cống, đưa biểu văn tại Tuyển châu  rồi trở về. Lại yêu cầu cho con em được học tập, gửi biểu văn lời lẽ không từ tốn; từ đó vào cống không định kỳ, mấy lần quấy nhiễu biên giới. Vào lúc vua Tuyên Tông mất, sai Trung sứ cáo ai; lúc bấy giờ Phong Hữu Nam Chiếu mới mất, con là Tù Long lên thay, y giận bảo rằng:
‘Nước ta cũng có tang, triều đình sao không đến điếu tế; lại chỉ gửi chiếu thư cho Vương đã mất.’
Rồi cho Sứ giả ở quán ngoài, lễ nghi rất bạc bẽo; Sứ giả về, tâu rõ tình trạng. Vua cho rằng Tù Long không sai Sứ đến cáo tang, tên y lại gần trùng tên húy của vua Huyền Tông, nên không thi hành lễ sách phong. Tù Long bèn tự xưng Hoàng đế, quốc hiệu Đại Lễ, cải niên hiệu Kiến Cực, sai quân đánh Bá châu (12).”
(初,韋皋在西川,開青溪道以通群蠻,使由蜀入貢。又選群蠻子弟聚之成都,教以書數,欲以慰悅羈縻之。業成則去,復以他子弟繼之。如是五十年,群蠻子弟學於成都者殆以千數,軍府頗厭於稟給。又,蠻使入貢,利於賜與,所從傔人浸多,杜悰為西川節度使,奏請節減其數,詔從之。南詔豐祐怒,其賀冬使者留表付巂州而還。又索習學子弟,移牒不遜,自是入貢不時,頗擾邊境。會宣宗崩,遣中使告哀,時南詔豐祐適卒,子酋龍立,怒曰:「我國亦有喪,朝廷不弔祭。又詔書乃賜故王。」遂置使者於外館,禮遇甚薄。使者還,具以狀聞。上以酋龍不遣使來告喪,又名近玄宗諱,遂不行冊禮。酋龍乃自稱皇帝,國號大禮,改元建極,遣兵陷播州。)
Thời cuối Đường quân Nam Chiếu từng đánh chiếm An Nam đô hộ phủ, bèn sai Cao Biền mang đại quân tranh giành, lại chiếm phía nam tỉnh Quảng Tây, trong đó có Ung Châu tức Nam Ninh ngày nay:
Tư trị Thông Giám, quyển 250.Tháng 7 mùa Thu, năm Hàm Thông thứ 2 [861]; man Nam Chiếu đánh Ung Châu, chiếm được. Trước đó 3 đạo Quảng, Quế, Dung mang 3 ngàn quân đến đóng tại Ung Châu, 3 năm một lần thay đổi. Kinh lược sứ Đoàn Văn Sở xin lấy y phục và lương thực của 3 ngàn người đem mộ lính địa phương thay thế, triều đình chấp nhận. Số mộ chỉ mới được khoảng 500 tên. Lúc Văn Sở vào triều làm Kim ngô tướng quân, Kinh lược sứ Lý Mông lợi dụng việc thiếu ngạch y phục và lương thực, bãi quân lính của 3 đạo, dừng việc mộ binh phòng, Tả Giang, Hữu Giang, giảm đến 7,8 phần 10. Bấy giờ Lý Mông đã mất, Kinh lược sứ Lý Hoằng Nguyên mới đến trấn giữ được 10 ngày, không có quân để chống cự, Hoằng Nguyên cũng Giám quân thoát thân chạy đến Man châu. Hơn 20 ngày sau, man Nam Chiếu rút, bèn trở về nhiệm sở; Hoằng Nguyên bị biếm trích Ty hộ Kiến châu. Văn Sở lúc bấy giờ làm Điện trung giám, lại được trở lại làm Kinh lược sứ Ung quản. Đến nơi, thành ấp dân cư tiêu điều, mười không còn một.”
(秋,七月,南蠻攻邕州,陷之。先是,廣、桂、容三道共發兵三千人戍邕州,三年一代。經略使段文楚請以三道衣糧自募土軍以代之,朝廷許之,所募才得五百許人。文楚入為金吾將軍,經略使李蒙利其闕額衣糧以自入,悉罷遣三道戍卒,止以所募兵守左、右江,比舊什減七八,故蠻人乘虛入寇。時蒙已卒,經略使李弘源至鎮才十日,無兵以御之,城陷,弘源與監軍脫身奔蠻州,二十餘日,蠻去,乃還。弘源坐貶建州司戶。文楚時為殿中監,復以為邕管經略使,至鎮,城邑居人什不存一。)
Chiến thắng dưới triều Lý nước ta, làm suy yếu  quân Nam Chiếu; khiến Trung Quốc bớt vơi đi một gánh nặng. Có thể nói nhà Tống gián tiếp nhận ơn lớn từ nước ta, bởi vậy  mấy lần Vua Lý Thái Tổ cho mang quân đánh phá các châu Khâm Liêm, lý do vì xích mích biên giới; hoặc trừng phạt việc che chở những người Việt có hành động trái pháp luật vượt biên, được nhà cầm quyền địa phương Tống bao che; hoặc chống đánh người Tống tụ tập cướp phá; nhưng trước sau triều Tống giải quyết việc biên giới một cách hòa bình; sử liệu từ các nguồn thu thập như sau:
Trường Biên, quyển 83;tháng 9 năm Đại Trung Tường Phù thứ 7 [1014].Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ Cao Huệ Liên tâu giặc Giao Châu mang thuyền đến đậu tại cửa sông trấn Như Hồng (13); đã giới nghiêm tuần kiểm Ung Châu, Tân Châu (14) phòng bị biên cảnh. Chiếu ban chỉ phòng bị tại biên giới, không được sinh sự.”
(廣南西路轉運使高惠連,言交州賊船泊如洪寨江口,已戒邕、賓州巡檢使臣防護邊境。詔止於界上設備,無或生事)
Trường Biên, quyển 83; tháng Chạp, năm Đại Trung Tường Phù thứ 7 [1014]. Trước đó Trương Bà Khán thuộc dân Yêu Liêu Giao Châu, trốn tội được Tri Khâm châu mục Trọng Dĩnh che chở; Đô tuần kiểm Tang Tự ra lệnh trại Như Hồng khao trâu rượu. Giao Châu trinh sát biết được việc này, bèn bắt Yêu Liêu cùng cướp phá trại Như Hồng, bắt người và súc vật rất nhiều. Ty Chuyển vận gửi thông điệp cho Giao Châu truy bắt và báo cho biết. Chiếu thúc dục Lý Công Uẩn hộ tống [người bị bắt]; vẫn răn quan lại tại biên giới không được chiêu dụ man Liêu rồi sinh sự.”
(先是,交州[犭夭]獠張婆看避罪來奔,知欽州穆重穎召之,至中路復拒焉,都巡檢臧嗣令如洪寨犒以牛酒。交州偵知其事,因捕[犭夭]獠,遂寇如洪寨,掠人畜甚眾。轉運司移牒交州追索之,并以聞。詔督李公蘊護送,仍戒疆吏自今無得誘召蠻獠,以致生事。)
Trường Biên, quyển 85. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 8 [1015]
Tháng 12, Khâm Châu tâu giặc châu Tô Mậu (15) cướp người và súc vật thuộc huyện An Viễn (16); chiếu ban Chuyển vận sứ sở tại ngăn phòng.”
(欽州言蘇茂州賊寇安遠縣,劫掠人畜,詔本路轉運使防遏之。)
Sử nước ta, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng chép thêm về việc đánh trại Như Hồng, châu Khâm như sau:
Năm Thuận Thiên thứ 13 [1022], xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch. Quân ta đi sâu vào trại Như Hồngtrong đất Tống, đốt kho đụn ở đó rồi về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Ngoài ra còn có vụ tranh chấp biên giới tại tỉnh Lạng Sơn, phía ta giành được quyền làm chủ châu Thất Nguyên, thuộc huyện Tràng Định hiện nay:
Thuận Thiên năm thứ 18 [1027]; xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Thái tử Phật Mã] đi đánh châu Thất Nguyên (17), Đông Chinh Vương đi đánh Văn Châu (18).
Sử Trung Quốc xác nhận về cuộc tranh chấp này như sau:
“Trường Biên, quyển 106. Tống Nhân Tông năm Thiên Thánh thứ 6 [1028]
Tháng 4, quyền trại chủ châu Thất Nguyên, Ung Châu, Tam ban tá chức Lý Tự giao chiến với Giao Chỉ tử trận; nay đưa người con là Hòa làm Tam ban tá chức. Lý Công Uẩn tuy sai con là Hiển đến cống, nhưng lại ra lệnh cho con em và rể Thân Thừa Quí mang quân đến cướp phá.”
(邕州七源州權寨主、三班借職李緒與交趾戰死,錄其子和為三班借職。李公蘊雖遣李公顯來入貢,又令其子弟及壻申承貴率眾內寇也。)
Tháng sau, triều Tống lại gửi chiếu thư đòi trả lại những chiến lợi phẩm bị quân ta tịch thu:           
Trường Biên, quyển 106; tháng 5, Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ tâu Giao Chỉ vào cướp, đã ra lệnh Đô đồng tuần kiểm mang quân, cùng điều động dân đinh các khe động truy kích, đòi lại những dồ vật bị cướp của các nhà, chiếu thư cho biết nếu như không trả hết những đồ bị cướp, tất Tri Ung Châu sẽ họp binh thảo phạt. Lúc bấy giờ Văn tư sứ Tiêu Thủ Tiết Tri Ung Châu, sai người đến Giao Chỉ dụ điều lợi hại; Công Uẩn dâng tấu chương tạ tội.”
(廣南西路轉運使言,交趾入寇,已令都同巡檢領兵及發溪洞丁追取所略戶口。詔如不盡還所略,即與邕州知州會兵討捕之。時文思使焦守節知邕州,遣人入交趾,諭以利害,公蘊拜章謝。守節事,附見。)
Về phương nam, Vua Lý Thái Tổ từng ra lệnh cho Thái tử Phật Mã mang quân đi đánh Chiêm Thành tại tỉnh Quảng Bình, chém giết rất nhiều:
Mùa Đông, tháng 12 Thuận Thiên năm thứ 11 [1020], sai Khai Thiên Vương [Phật Mã] và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính(19), thẳng đến núi Long Tỵ(20), chém được tướng của chúng là Bố Linh tại trận, người Chiêmchết đến quá nửa.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Chú thích:
1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết tắt Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
2. Các bộ sử Trung Quốc: chỉ Tống Sử của Thoát Thoát, Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào.
3. Cao Vương: tức Cao Biền, tướng thời cuối Đường sang làm quan lúc An Nam bị đô hộ; từng xây đắp thành Đại La tức Thăng Long cũ.
4.Cử Long: Cương Mục, Chính Biên, quyển 1 có lời chua như sau: Cử Long: Tên dân tộc Mán. Nhà Đinh, nhà Tiền Lê gọi là mán Cử Long, đến nhà Lý diệt được. Năm Thuận Thiên (1428-1433), nhà Lê đặt là huyện Lạc Thủy; năm Quang Thuận (1460-1469), đổi lại Cẩm Thủy. Bây giờ vẫn theo tên cũ, thuộc phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
5. Túc xa: quân đi theo hầu vua.
6. Vũng Biện: Vũng Biện: nguyên văn là Biện Loan, vùng biển ở Biện Sơn, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
7. Sáu quân: thời xưa 6 quân, được gọi là lục quân; chỉ quân của Thiên tử.
8. Đô Kim: theo Đường Thư Địa, mục lý chí, nhà Đường đặt châu Đô Kim, rồi lại chia ra, cho lệ thuộc vào các châu khác. Bây giờ là đất tổng Đô Kim, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
9. Châu Bình Lâm: theo chú thích bản dịch Toàn Thư, châu Bình Lâm thuộc huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang ngày nay.
10. Thất cầm, thất túng: Sự kiện thất cầm thất túng, có thật trong lịch sử; riêng tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa phóng tác thêm để hấp dẫn người đọc.
11. Thư số: nằm trong Lục nghệ, tức 6 yếu tố giáo dục thời xưa; thư số tức chữ nghĩa và tính toán.
12. Bá châu: vị trí hiện nay tại Tuân Nghĩa thị, tỉnh Quí Châu.
13. Như Hồng: Cương mụcdẫn Khâm Châu chí nói trại Như Hồng ở phía tây Khâm Châu, giáp với trấn Như Tích, cách châu Vĩnh An của nước ta 20 dặm. Châu Vĩnh An tên cũ là trấn Triều Dương [đổi năm 1023], nay là đất huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh.
14. Tân Châu: gần Ung Châu, thuộc Quảng Nam Tây Lộ.
15. Châu Tô Mậu: Theo Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh, trang 121, Tô Mậu ngày nay thuộc Định Lập, tỉnh Hải Ninh.
16. Huyện An Viễn: thuộc Khâm Châu.
17. Thất Nguyên: tên châu thời Lý, nay là Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn.
18. Văn Châu: tên châu thời Lý, nay là đất huyện Văn Quan và một đất huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
19. Bố Chính: nay là đất các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
20. Núi Long Tỵ: theo Cương mục, ở địa phận xã Thuần Chất, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình, hình thể núi này nhô lên như vòi rồng, nên gọi là "Long tỵ". Huyện Bình Chính nay thuộc phía nam huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
9. Lý Thái Tổ khởi nghiệp [1010-1027]   
Niên hiệu: Thuận Thiên: 1010-1027
Về lãnh vực ngoại giao, sau khi lên ngôi vào năm Thuận Thiên thứ nhất [1010] Vua Lý Thái Tổ sai Sứ sang triều Tống giao hảo:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010] Sai Viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống để kết hảo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Triều Tống bèn phong chức cho Vua Lý Giao Chỉ Quận vương:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010] Nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Sử Trung Quốc chép, vào năm sau nhà Vua được phong tiếp chức Đồng bình chương sự:
Trường Biên, quyển 75. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 [1011]
Ngày Bính Tý tháng 5 [7/6/1011], gia phong Giao Chỉ quận vương Lý công Uẩn Đồng bình chương sự.”
(丙子,加交阯郡王李公蘊同平章事。)
Năm kế tiếp [1012], Sứ thần Đại Cồ Việt đến cống; triều Tống cho thăng trật, ưu đãi; riêng viên chức chết dọc đường được chu cấp đưa về quê nhà:
Trường Biên, quyển 77. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012]
Tháng 4, Lý Công Uẩn Giao Châu sai Sứ thần đến cống, viên Sứ được ưu đãi thăng trật; người tháp tùng bệnh chết trên đường, được chu cấp để đưa về nhà.”
(交州李公蘊遣使來貢,其使者並優進秩。從隸有道病死者,所賜物附還其家。)
Sử nước ta xác nhận trong chuyến đi này do các Sứ thần Thái bảo Đào Thạc Phụ, Viên ngoại lang Ngô Nhưỡng cầm đầu:
Năm Thuận Thiên thứ 3 [1012]; Mùa Đông, tháng 10, sai Thái bảo Đào Thạc Phụ và Viên ngoại lang Ngô Nhưỡng sang nước Tống để kết hảo.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Nội dung chuyến đi liên quan đến việc xin tổ chức buôn bán chung tại Nam Ninh Ung châu; nhưng vì lý do an ninh nên nhà Tống từ chối:
Trường Biên, quyển 78. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012]
Ngày Giáp Tý tháng 6 [19/7/1012], Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ tâu Lý Công Uẩn đất Giao Châu xin điều người và thuyền đến Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] hỗ thị. Thiên tử phán:
Dân ven biển thường sợ Giao Châu xâm lăng quấy nhiễu, theo thông lệ trước chỉ cho hỗ thị tại Quảng Châu [Quảng Đông] và trấn Như Hồng [Khâm Châu];vì rằng đó là chốn góc biển nơi có thể khống chế, nay nếu đưa vào thẳng nội địa, sự việc sẽ không thuận tiện; nên ra lệnh ty sở tại cẩn thận giữ qui chế cũ.
(甲子,廣南西路轉運使言,交州李公蘊乞發人船直趨邕州互市。上曰:「瀕海之民常懼交州侵擾,承前止令互市於廣州及如洪鎮【五】,蓋海隅有控扼之所。今若直趨內地,事頗非便,宜令本司謹守舊制。」)
Trong quá trình bang giao năm 1014, lúc viên quan soạn thảo chiếu thư trình bản thảo lên, trong chiếu thư dùng 4 chữ “thiện phủ lê manh 善撫黎氓” để khen vua ta khéo cai trị dân; nhưng vua Tống cẩn thận sợ chữ “lê” là dân đen, dễ bị hiểu lầm là họ “Lê” ám chỉ Vua Lê Đại Hành, nên bắt sửa lại:
Trường Biên, ngày Kỷ Tỵ tháng 8 [12/9/1014], Lý Công Uẩn đất Giao châu sai Sứ đến cống, Học sĩ viện thảo tờ chiếu ban cho Công Uẩn, trong đó có nhóm chữ “thiện phủ lê manh 善撫黎氓”[khéo léo vỗ về dân đen lưu manh không nghề nghiệp]. Vua bảo:
“Vì Công Uẩn gây bất lợi cho họ Lê [Lê Hoàn], sợ dân man không hiểu, cho là chế nhạo, nên ra lệnh đổi sang chữ khác.”
(己巳,交州李公蘊又遣使來貢,學士院草賜公蘊詔有「善撫黎氓」之語。上曰:「公蘊始不利於黎氏【七】,蠻夷不曉,或疑朝廷諷己,可令改易賜之。」)
Năm 1016, vua Tống ban chiếu phong Vua Lý Thái Tổ tước “Nam Bình Vương” có nghĩa là Vương dẹp loạn phương Nam, tước này cao hơn tước “Quận vương” trước đó phong cho Vua Lê Đại Hành. Xét về truyền thống lịch sử Việt, trân trọng với độc lập thực sự, nhận phong chỉ là ngoại giao; nhưng phía Trung Quốc thì họ phải cân nhắc, vậy đây có thể là đặc cách thưởng công Vua đã đánh dẹp Nam Chiếu:
Thuận Thiên năm thứ 7 [1016], nhà Tống phong vua chức Nam Bình Vương” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 2.
Sử nước ta chép năm 1018, nhà Vua sai Sứ sang Trung Quốc thỉnh kinh Tam Tạng(1):
Thuận Thiên năm thứ 9 [1018], Mùa Hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam Tạng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Phối kiểm với sử Trung Quốc thấy sự việc chép vào năm sau [1019], do phải cộng thêm thời gian di chuyển:
Trường Biên, quyển 94. Năm Thiên Hy thứ 3[1019]    
Ngày mồng một Ất Dậu tháng 8 [2/9/1019], Lý Công Uẩn đất Giao Châu sai em là Hạc đến cống sản vật địa phương.”
(八月乙酉朔,交州李公蘊遣其弟鶴來貢方物。)
Hai năm sau [1021], lại có một phái đoàn khác sang Trung Quốc cống sản vật địa phương:
Thuận Thiên năm thứ 12 [1021], Sai bọn Viên ngoại lang Nguyễn Khoan Thái và Nguyễn Thủ Cương sang nhà Tống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Cũng phải tính thêm nhu cầu đi lại, sử Trung Quốc chép vào năm sau [1022]:
Trường Biên, quyển 98. Năm Càn Hưng thứ nhất [1022]
Ngày Bính Dần tháng 4 [30/5/1022], Lý Công Uẩn đất Giao Châu sai Sứ đến cống sản vật địa phương.”
(丙寅,交州李公蘊遣使來貢方物。)
Cuối thời vua Lý Thái Tổ, vào năm 1026 cử phái bộ do Lý Trưng Hiến, Lê Tái Nghiêm cầm đầu sang triều Tống giao hảo:
Thuận Thiên năm thứ 17 [1026], Mùa Thu, tháng 8, sai Lý Trưng Hiển và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống kết hảo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Về việc giao thiệp tại phương nam, như thường lệ nước Chiêm Thành sai sứ cống sư tử:
Năm Thuận Thiên thứ 2 [1011]; Nước Chiêm Thành dâng sư tử.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Việc đột xuất xảy ra là nước Chân Lạp bắt đầu đến cống nước ta, và rất chăm việc triều cống, trong 18 năm dưới thời vua Lý Thái Tổ đến cống 5 lần:
“Năm Thuận Thiên thứ 3 [1012]; tháng Chạp nước Chân Lạp đến cống.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Năm Thuận Thiên thứ 5 [1014]. Nước Chân Lạp sang cống.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Thuận Thiên năm thứ 11 [1020]. Mùa Hạ, tháng 4, nước Chân Lạp đến cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Thuận Thiên năm thứ 16 [1025]. Mùa Xuân, tháng 2, nước Chân Lạp sang cống.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“Thuận Thiên năm thứ 17 [1026],Mùa Đông, tháng 11, nước Chân Lạp sang cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Vua Lý Thái Tổ chú ý việc an dân, nhà Vua hiểu rõ dưới thời Lê Long Đĩnh dân chúng không được sống yên, lưu lạc tha phương; nên lúc mới lên ngôi bèn xuống chiếu khuyến khích dân trở về quê cũ làm ăn:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; xuống chiếu truyền cho những kẻ trốn tránh phải về quê cũ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Lại cấp thuốc men, lương thực, quần áo cho người thiểu số bị bắt; cùng tha những người dân vùng Nam Giới [Hà Tĩnh] từng chống đối, cho trở về quê:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]. Cấp áo quần, lương thực, thuốc men cho 28 người lính man bị Ngọa Triều bắt,sai người đưa về quê cũ. Tha cho người ở vùng Nam Giới, huyện Thạch Hà thuộc châu Hoan được trở về bản huyện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Đối với tù binh Chiêm Thành nhà Vua cũng tỏ lượng khoan hồng, cho lập trại Định Phiên tại phía nam Nghệ An để dễ bề sinh sống và tiện việc quản lý:
Thuận Thiên năm thứ 16 [1025], xuống chiếu lập trại Định Phiên ở địa giới phía nam châu Hoan, cho quân giáp Lý Thai Giai làm chủ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Vua Lý Thái Tổ tỏ ra là nhà cai trị khéo, dùng phép trị nước giống như bà nội trợ điều hòa nồi canh “điều canh nhi trị”; nên lúc xây xong cung Thúy Hoa, xá giảm thuế khóa cho dân 3 năm, những người mồ côi, góa bụa, ốm đau từ lâu thiếu thuế đều được tha:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010. Mùa Đông, tháng 12, cung Thúy Hoa làm xong; lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Những năm được mùa, đều là dịp tốt để nhà Vua biểu lộ lòng nhân từ tha thuế cho dân:
Thuận Thiên năm thứ 7 [1016], năm ấy được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền. Cho thiên hạ 3 năm không phải nộp tô thuế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Thuận Thiên năm thứ 9 [1018], xá một nửa tô ruộng cho thiên hạ.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Thực hiện được những công việc xã hội nêu trên, cần một nền kinh tế tốt, vững, lành mạnh; là nước nông nghiệp với thành tích “30 bó lúa giá 70 tiền”, có thể đánh giá cao về nền kinh tế lúc bấy giờ.
Về phương diện cai trị, sau khi lên ngôi nhà Vua chia lãnh thổ thành 24 lộ, riêng vùng đất mới tại 2 châu Hoan [Nghệ An], Ái [Thanh Hóa] thì thiết lập trại:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Qui định chế độ thuế khóa một cách minh bạch, với 6 loại thuế trưng thu với mức độ khác nhau:
Năm Thuận Thiên thứ 4 [1013], Mùa Xuân, tháng 2, định các lệ thuế trong nước:
1 - Ao hồ ruộng đất,
2 - Tiền và thóc về bãi dâu,
3 - Sản vật ở núi nguồn các phiên trấn,
4 - Các quan ải xét hỏi về mắm muối,
5 -Sừng tê, ngà voi, hương liệu của người Man Lão,
6 - Các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn.” Toàn Thư, Bản kỷ, Q.2.
Quân đội xếp cấp bậc, thấp nhất là giáp, mỗi giáp 15 người, do 1 Quản giáp chỉ huy:
“Thuận Thiên năm thứ 16 [1025]; mùa Thu, tháng 8, định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người quản giáp.”
Nhà Vua sinh ra và lớn lên tại huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh, vùng đất nổi tiếng về hát Quan Họ, nên nghệ thuật trình diễn ca hát được lưu ý; bấy giờ có cô ca sĩ họ Đào nổi tiếng, nên thói quen từ đó con hát được gọi là Đào Nương:
Khi ấy có con hát là Đào thị, giỏi nghề hát, thường được ban thưởng. Người thời bấy giờ hâm mộ tiếng hát của Đào thị, phàm các con hát đều gọi là Đào nương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Có lẽ vì thuở bé vua sống ở trong chùa, nên Phật Giáo được ưu đãi; lúc mới lên ngôi, Vua cho xây trong phủ Thiên Đức quê nhà đến 8 ngôi chùa:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]. Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở, đều dựng bia ghi công.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Ra lệnh trong nước, nơi nào có chùa quán đổ nát, đều trùng tu lại:
Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Khuyến khích giúp đỡ dân xuất gia, lấy tiền kho ra đúc chuông:
Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo.”Toàn Thư, Bản Kỷ. quyển 2.
Mấy năm sau, lại cho xây chùa Chân Giáo ngay trong kinh thành Thăng Long:
Năm Thuận Thiên thứ 15 [1024]; mùa Thu, tháng 9, làm chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Về việc lạm dụng xây chùa, đúc chuông; Sử thần Lê Văn Hưu có nhận xét như sau:  
Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Tuy có tỳ vết như vậy, nhưng khi nhận xét tổng quát Lê Văn Hưu vẫn đánh giá cao vua Lý Thái Tổ, với lời bình như sau:
Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.
Chú thích:
1. Tam Tạng: ba bộ, gồm Kinh, Luật, Luận.
Hồ Bạch Thảo
Theo http://nghiencuuquocte.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...