Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Người vượt qua những khó khăn chất chồng để sống

Người vượt qua những 
khó khăn chất chồng để sống
Một buổi chiều thu đẹp nắng, anh Hai Rộng, trưởng ban nhân dân ấp dẫn nhóm anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi ghé vào một gia đình nông dân ở ấp Hai Thủ, xã cù lao Long Hòa. Cùng đi với nhóm Cần Thơ của chúng tôi còn có anh Lê Văn Trí, phó Chủ tịch xã Long Hòa và anh Trần Dũng, một cây viết đang sung sức của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, tác giả của tập truyện ký “Sóng cửa sông” vừa xuất bản năm 2006, đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng độc giả. Căn nhà vách gỗ không lớn lắm, nền đất và mái lá đơn sơ nhưng rất gọn gàng đủ để nói lên tính cần mẫn, ngăn nắp của chủ gia. Đón khách là cặp vợ chồng trẻ, ước chừng suýt soát 40. Chắc ít khi có khách ở xa ghé thăm nên nhìn họ có vẻ hơi lúng túng, lăng xăng. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Tài và chị Đoàn Thị Bảnh.
Sinh năm 1968 trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Hai Thủ, xã cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, anh Tài không có điều kiện đi học như những thanh niên khác. Đang học dở dang phổ thông cơ sở, anh phải nghỉ học đi làm mướn để vừa phụ giúp cha mẹ vừa kiếm kế sinh nhai. Có lẽ vừa đồng cảnh ngộ, vừa cảm thương cái nết chịu thương chịu khó ấy, cô Bảnh chẳng biết đã để ý anh từ lúc nào. Ông Tơ bà Nguyệt khéo xe cho họ đẹp duyên chồng vợ năm cả hai vừa tròn 22 tuổi. Năm đầu tiên sống chung với cha mẹ. Năm sau, họ đã phải tách ra tự lập. Nghe anh Tài kể mới thật mủi lòng: “Cha mẹ hai bên cùng nghèo cả, tiền vốn cho hai vợ chồng ra riêng chỉ đủ mua lại căn nhà trị giá 7 giạ lúa, tài sản vẻn vẹn chỉ có chục chén và 2 cái xoong, một nấu cơm, một nấu canh, không có miếng đất cắm dùi”.
Cứ như thế, chồng làm đất, đắp bờ, san vườn, lên vuông ăn công, trong khi vợ thì chằm lá mướn. Thu nhập cả hai kiếm được tổng cộng 9.000 đ/ngày. Thời gian rảnh rỗi họ tranh thủ đặt lợp, chài cá, mò cua, bắt còng, bắt ba khía vừa tăng thu nhập vừa cải thiện bữa ăn. Do có nguồn thức ăn tự kiếm này và ý thức tiết kiệm nên chi phí sinh hoạt hàng ngày của họ chỉ tốn 1.500 đồng tiền mua một lít gạo. Cũng năm đó họ có đứa con trai đầu lòng, bốn năm sau thì có thêm mụn con gái nữa. Thế là lại phải lo thêm mấy miệng ăn. Nhờ trời cả hai vợ chồng và hai cháu bé đều khỏe mạnh và công việc cũng xuôn sẻ nên cũng có đồng ra đồng vào.
Vừa cần mẫn, chí thú làm ăn, vừa tằn tiện, chắt chiu, họ đã có lưng vốn để lo cho tương lai. Năm 27 tuổi, họ mua được 5 công đất ruộng, năng suất lúa một vụ ở vùng này khá khiêm tốn. Lấy công làm lời, tính bình quân 7 giạ/công thì mỗi năm họ cũng có thêm 350 giạ lúa. Kể từ đó mỗi năm họ lại dành dụm để làm giàu. Mặc dù lúa ở đây chất lượng kém lắm, lúa chín ngã dính bùn nên khi chở về Trà Vinh bán, dân trong nghề gọi là “lúa cồn” hoặc “lúa bùn”, nhưng rồi “tích thiểu tất thành đa”. Đến năm 1999, quỹ đất của gia đình anh chị là 15.000 m2.
Bước ngoặt cuộc đời đến với hầu hết bà con ở xã cù lao này là khi nhà nước có chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Xã đã chỉ đạo bà con cải tạo diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Công việc lên ngạn bao vuông nuôi giữ tôm cá đã đem lại bộ mặt mới cho nông thôn, trong đó có cả gia đình anh. Tài từ tốn kể lại: “Vợ chồng em bắt đầu nuôi tôm từ năm 1999. Vụ đầu tiên em thả 20 thiên post 15 trên phần diện tích 1ha. Giá con giống hình như lúc đó là 70.000 đồng một thiên. Vì còn thiếu kinh nghiệm nên năm đó chỉ đủ vốn. Năm sau cũng thả với mật độ như vậy nhưng em cho ăn thêm thức ăn tự chế. Học hỏi bà con nông dân khác, em dùng lúa xay, trộn với ruốc rồi vò viên lại thả cho tôm ăn bổ sung. Thu hoạch năm này đạt 10 triệu, trừ chi phí tổng cộng các khoản chừng 3 triệu đồng thì vợ chồng em lời được 7 triệu”.
Anh dừng lại rót nước mời anh chị em chúng tôi, rồi lại chậm rãi: “Nghèo như tụi em có vậy cũng quý lắm rồi!” Anh Lê Văn Trí, người hướng dẫn phái đoàn, tiếp lời anh: “Từ sau khi điện vượt sông đến được với xã cù lao này thì đời sống của nông dân khởi sắc. Kết cấu hạ tầng cải thiện, bộ mặt kinh tế-xã hội thay da đổi thịt. Hiện toàn xã đã ngót nghét 70% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia”.
Anh Tài đã làm xong phép tắc xã giao thông thường, nên chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện tạm ngưng ban nãy. “Ham nhất là vụ tôm năm 2005, khi ấy em thả mật độ 5 con/m2, trên phần diện tích 4 ha. Doanh thu cả năm đạt 70 triệu đồng. Vui lắm anh ạ. Nhờ tiền nuôi tôm, tụi em sắm được xe máy, tivi, cho thằng con lớn học nghề sửa xe Honda, số còn lại tích lũy và đầu tư cho các vụ tiếp theo. Hiện tại, mỗi năm chúng em làm 2 vụ, vụ chính từ tháng 12 đến hết tháng 3, vụ sau từ tháng 4 đến hết tháng 7 âm lịch. Vụ sau này thường chỉ đạt bằng 30% vụ đầu. Vụ mới thu hoạch gần đây nhất, chúng em thu 20 triệu đồng, trừ sở phí cũng lời được 5 triệu”.
Tôi ngước mắt nhìn Tài. Khuôn mặt thư sinh dù đã rám hồng nắng gió, nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan khó tả, nên nhìn vẫn còn rất trẻ trung so với cuộc sống đồng quê chân lấm, tay bùn. Đôi bàn tay to bè, gân guốc, chai sạn đầy nghị lực của anh tưởng như thách thức mọi trở ngại. Chị Bảnh có nước da bánh mật mặn mà, nụ cười thật dịu dàng, dễ mến. Nhìn chị có vẻ bẽn lẽn và hơi ít nói. Nói đúng hơn thì chẳng ai không ngại khi phải nói về mình! Khi được hỏi, chị tủm tỉm cười nhìn chồng như cầu cứu. Hiểu ý vợ, Tài nhanh nhẹn đỡ lời. Có thể thấy rõ rằng hai anh chị này phối hợp với nhau rất ăn ý không chỉ trong chuyện làm ăn.
Anh Hai Rộng nhận xét: “Gia đình Tài chính là tấm gương tiêu biểu của tinh thần vượt khó, đi lên từ hai bàn tay trắng. Ngoài tính cần kiệm đáng trân trọng, họ còn có tấm lòng vàng, biết yêu thương đùm bọc bà con lối xóm, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, đồng thời chấp hành nghiêm túc mọi qui định của địa phương”.
Có tiếng chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, anh Lê Tân hỏi thăm công việc của nhóm và nhắc giờ quay lại Ủy ban nhân dân xã để cùng bàn thêm chút việc. Dù chưa muốn, chúng tôi cũng phải chia tay. Trên đường về, tôi còn theo anh Trần Dũng ghé vào đốt mấy cây nhang viếng vợ chồng chú Ba Ta, vốn là bạn già của anh vừa vội đi xa để nói đôi lời vĩnh biệt người đã khuất.
Đường về thị xã Trà Vinh lộng gió. Hoàng hôn lưu luyến rắc những vạt nắng vàng sậm còn sót lại cuối ngày lên những ngọn cây biếc xanh. Nhìn những hàng cây cổ thụ, bất giác gợi tôi nhớ về mấy câu thơ của tác giả Tăng Hữu Thơ viết trong bài “Cây nội ô”. Vừa chạy xe, tôi vừa khe khẽ ngâm nga:
“Trăm tuổi cây tuổi phố
Mấy thăng trầm bể dâu?”
Thật ra trong cây còn có bóng dáng của những trang đời! Cây vưọt qua khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại, tỏa bóng và tô xanh cho đất. Người vượt qua những khó khăn chất chồng để sống và gầy dựng tương lai.
* Ảnh vợ chồng anh Nguyễn Văn Tài.
Trà Vinh, tháng 9/2006
Nắng Xuân
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...