Ba bức tranh tuyệt mỹ
Trong hằng ngàn bức tranh và nét vẽ của nhạc sĩ/ họa sĩ, tôi chọn thêm
ba bức sau đây để thử bàn thêm về sự phong phú về hình tượng của Phạm Duy.
1.- Bài Gánh Lúa hoặc bài Nương Chiều sau đây đều là những bức tranh hiện thực/ trữ tình:
Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều!
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều!
Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều!
Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh
Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều.
Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều.
Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!
Đây là bài dân ca hay nhất trong những bài dân ca của Phạm Duy, đồng thời cũng là của dân ca Việt Nam. Hãy nghe Thái Thanh hát để công nhận như thế với tôi. Chép lời riêng ra, nó là một bài thơ quá hay. Và là một bức tranh tuyệt mỹ mang một tâm hồn mộc mạc như lúa khoai và sâu thẳm như buổi chiều miền núi. Tâm hồn ấy hiện ra trong những nét độc đáo. Tôi hát và nghe hát bài này trên 30 năm nay. Mỗi lần nghe lại vẫn thấy sự rung động còn mới nguyên cho tới bây giờ. Tôi đã sống những ngày rừng núi, đi lang thang dưới tàng cây rừng đại ngàn Lam Sơn ở Thanh Hóa và từng ngồi ở mỏm đá bến phà Mục nhìn ngắm và suy nghĩ miên man. Cho nên tôi quả quyết rằng Nương Chiều đã được Phạm Duy họa lại trong tôi như một mẩu giang san cẩm tú, càng nhìn càng yêu mến thêm, càng nghe càng ngỡ hồn mình bay về cảnh cũ, bên tai văng vẳng tiếng mõ trâu bò trở về buôn bản.
Đúng ra, đây là một bộ tranh liên hoàn gồm ba bức, tôi tạm xếp như sau:
Bức số 1: Cảnh vật nương chiều với những nét xuất sắc mô tả lũ trâu bò về chuồng. Chậm rãi qua những rú rậm, chiếc mõ đeo trên cổ khua phát tiếng rơi rơi như một điệu nhạc độc điệu buồn não. Rồi một chiếc áo chàm, vai quảy lúa, in hình vào sườn núi chơi vơi. Chữ ''quảy'' này rất đúng. Nếu vẽ ra ''gánh'' thì sai. Người Thượng quảy, thồ, vác nhiều hơn gánh. Có lẽ vì đường núi trúc trắc, quảy tiện hơn gánh. Nét thứ ba là con đường mòn, trên đó vương đôi bông lúa rơi từ quảy trên vai áo chàm kia. Họa sĩ đã chọn ba nét độc đáo của miền núi buổi chiều ngày mùa để dựng nên cái không khí sâu thẳm và man mác buồn.
Bức số 2: Cũng vẫn cảnh nương chiều. Nhưng với nét lao động mệt mỏi. Người dân ngừng tay phá rừng, đưa tay lau mồ hôi trán, mắt nhìn khoảng rừng mình mới phá xong, đang gây luống. Bên ven luống mới, lúa chín ngát hương. Bỗng người nông phu ngoảnh lại nhìn về phía có tiếng súng tấn công đồn giặc xa xa nên nghĩ ngợi: lấy máu tô cho thắm núi xanh! Trộn lẫn vào cảnh lao động đó là tình cảm nồng nàn của người dân đối với người gìn giữ non nước. Vì thế cho nên bức này có cả nội tâm lẫn tình cảm của nhân vật.
Bức số 3: Áo chàm về tới nhà. Với những nét thơ mộng vô cùng êm ái: Mảnh trăng cong như sừng trâu mọc trên mái nhà sàn. Ánh trăng tỏa nhẹ làm cho người lao động quên cả một ngày mệt mỏi, hưởng phút thần tiên. Mái nhà sàn thở khói âm u. Nét cọ này rất thần tình. Nhà sàn thở khói. Rất âm u, rất tuyệt, và rất khoa học. Khói ở miền núi nặng nề bốc chậm chứ không bay bổng lả lơi như ở đồng quê khoáng đạt. Làn khói báo hiệu một bếp lửa ấm áp bên trong ngôi nhà, sự sum họp, một bữa cơm ngon, chứng minh cho câu áp chót ở đoạn đầu: Lúc chiều về là lúc yên vui... Câu này được làn khói nói thay cho ở đoạn 3. Lấy khói bếp để nói sự yên vui và đây là một nét có màu sắc địa phương đậm đà nhất. Cô nàng về để suối tương tư. Trong câu này có hai nhân vật: cô nàng và suối; và tình cảm độc nhất: tương tư. Chỉ có ba chữ suối tương tư nhưng đã nghệ sĩ mô tả cả một sinh hoạt thần tiên của miền sơn cước. Nếu ở nét trên, hoạ sĩ đã cho ngôi nhà sàn biết thở thì ở đây con suối thờ thẫn tương tư khi các cô nàng rời suối. Sự nhân cách hóa này thiệt phải chỗ và tinh tế vô cùng. Có bao giờ bạn đi hoặc sống ở miền Thượng mà gặp những nàng ngọc nữ từ trên thiên đàng lén bay xuống phàm, gỡ cánh ra giấu, rồi thoát y xuống suối trần ai đùa nghịch chăng? Nếu có chắc bạn sẽ lẻn đến cướp những chiếc cánh ấy để cắt đường về trời của các nàng tiên. Và như vậy bạn sẽ hiểu sự rạo rực của từng hòn đá rong, từng hòn sỏi cuội, hiểu nỗi lòng phàm tục của suối khi da thịt nõn nà phô bày cọ xát hoặc đắm chìm trong lòng suối. Từ đó bạn sẽ thông cảm sự tương tư của chàng suối ở lại một mình giữa các thiên thai có tiên nam, không có tiên nữ.
II.- Bài Một Bàn Tay là một bức tranh hiện thực/ siêu thực:
Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời.
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai.
Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun sới, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời, thơ hát đầy vơi.
Trong cơn mưa hè, tay nào khô héo bắt anh về?
Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê
Nhưng tay em về, thơm mùi gỗ qúy, gỡ anh ra
Bàn tay nắng lóa, ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.
Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son, vẽ đời đôi.
Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa Đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi.
Ở đây, họa sĩ lại cũng mượn cái bàn tay như một cái cớ mọn để vẽ nên cái sự nghiệp của nó chứ không phải nó. Vẽ một bàn tay, dù là một bàn tay của người lao động bình thường hay bàn tay của một nữ nghệ sĩ dương cầm trẻ đẹp thì công sức đổ ra cũng thế thôi, nghĩa là không nhiều. Rất không nhiều bằng vẽ lên những kỳ công của nó. Một bày tay mà Phạm Duy vẽ ra đây, đó là bàn tay có phép lạ: Bàn tay son vẽ đời đôi. Bàn tay có phép lạ, nhưng không phải chỉ là bàn tay của các bà tiên Lê Sơn Thánh Mẫu, Thoại Ba Công Chúa hay Phàn Lê Huê, Thần Nữ... mà còn là bàn tay phàm trần xương thịt. Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người và lạ lùng khép kín làn mi. Cái bàn tay ấy có thiệt ở cuộc đời mà bạn và tôi đều có thể cầm nắm, ôm ấp, nâng niu, hôn hít với tình trong năm ngón nõn nà (cũng như bàn tay vuốt tóc chồng và nựng con thơ trong bài Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi Chờ Anh trong loại tị nạn ca sau này). Bàn tay hiện thực rõ ràng: trắng, thơm, êm ái. Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái, bàn tay thơm mùi gỗ quí, ôm anh, làm cho tim anh nở tròn ngày. Thế nhưng bày tay từng đưa anh đi gặp cuộc đời và từng vun xới, đưa lối (cho anh) bỗng trở thành bàn tay trừu tượng, không thấy, không nắm được. Trong cơn mưa hè, cũng bỗng có một bàn tay nào bắt anh về, đó là bàn tay ám khí, u mê, bàn tay che mắt anh! Nhưng rồi cũng có bàn tay kỳ diệu là bàn tay nắng lóa, bàn tay khơi gió, bàn tay ấm áp, bàn tay bão táp gỡ anh ra. Để lần cuối cùng, một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời... Như một cô đào thương tuyệt sắc đã từng khoác áo giáp nữ nguyên soái, mặc xiêm y công chúa tiểu thơ, làm say mê khán giả, trở lại cuộc sống thực áo cơm. Cái bàn tay kia bỏ hết phép lạ để trở thành bàn tay xương thịt, nhẹ nhàng vuốt mắt cho anh. Lạ lùng, tay khép làn mi cũng như ở bước đầu, đưa anh ra khỏi lòng người. Qua một cuộc đời dài siêu thực, bàn tay trở về là bàn tay hiện thực. Đó là bàn tay son, vẽ cả một bức tranh.
III. Bài Tiếng Đàn Tôi là một bức tranh siêu thực. Có lẽ tôi không cần phải phân tích để chứng minh như đã làm ở trên. Tôi xin kể một giai thoại về bản nhạc này:
Lúc tôi đi kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, tôi có một người bạn nhạc sĩ tên là Hoàng Lưu. Hoàng là con trai của một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Hoàng làm khá nhiều bài hát được phổ biến ở Nam Bộ nhất là ở miền Tây. Hoàng yêu một người con gái tên Kim Minh ở xã Phú Hữu, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Trong lúc đó bà mẹ Hoàng đem ra cho Hoàng một cây đàn ghi ta hiệu Sonora. Đó là một vật quý, nhất là đối với hoàng nhạc sĩ. Đi công tác ở đâu Hoàng cũng bỏ cây đàn dưới xuồng chèo đem theo như vật bất ly thân. - cơ quan, chiều chiều khi cơm nước xong, Hoàng mang cây đàn lên vai, ra đứng ở bờ kinh nhìn trời mây sông nước mà ''sô lô'' bản Tiếng Đàn Tôi một cách vô cùng say sưa như trình bày nhạc phẩm của mình trước các buổi họp dân. Tôi là thính giả, cũng là ca sĩ phụ họa theo tiếng đàn, lại vừa là người lính canh cho Hoàng hát thoải mái tự do. Hễ thấy nhân viên nào xuất hiện thì lại nháy cho Hoàng chuyển cung ''mi nơ'' qua ''ma giơ'' để đánh lừa họ. (Cũng kiểu như câu hát ''đời buồn như một cỗ xe tang'' của Phạm Duy bị cơ quan trong kháng chiến chỉnh là bi quan khiến tác giả phải chữa lại là ''đời buồn như một cỗ xe tăng''. Chỉ cần thêm có một dấu là hết bi quan ngay!). Cái kiểu chuyển cung của thằng bạn tôi cũng dễ như vậy. Hoàng cũng nhanh trí lắm, nên chúng tôi giữ bí mật được rất lâu.
Nhớ có lần nó đang mới khởi đầu đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt... thì bỗng có chiếc xuồng từ đâu trôi tới xĩa mũi lên bờ. Nó bèn tiếp ngay một cách hết sức tài tình như xuất khẩu thành thơ vậy:
Quyết tâm giết Tây chết cho nhiều
Vì bọn mình kháng chiến dài muôn năm... thay vì
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao... Tôi liếc thấy anh giao liên chèo thì biết là xuồng của ông Phó Ban Chính Trị tỉnh đội nên nhanh nhẩu ra hiệu cho Hoàng ngưng và làm bộ nói:
- ''... Ê này, lời của cậu còn đại khái và ép đôi chỗ đấy nhá...''
... như thể chúng tôi đang sáng tác một bài ca chung với nhau vậy. Thế là qua truông được một phát. Hú hồn!
Hoàng có kể cho tôi nghe một cách thích thú là mình đã nghe Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu ở trên sân khấu gánh hát Đức Huy ở Sài Gòn. Hoàng học bộ Phạm Duy ôm đàn và nghẻo đầu lên cần đàn hát say sưa như thế nào. Lúc đó tôi không biết gánh Đức Huy nhưng sau này nghe lại thì đúng là Phạm Duy có hát trên sân khấu này thật. Cũng không hiểu tại sao bản Tiếng Đàn Tôi không có in trong tập bài hát nào hết mà nghe lan tràn khắp Nam Bộ ở đâu cũng hát. Hát riết rồi bị cấm (cùng một lúc với Vọng Cổ)
Hoàng vẫn hát lén lút như thế và tôi rất thích thú đóng vai trò lính gác như thế một thời gian dài ở cơ quan. Rồi Hoàng vác đàn xuống xã Phú Hữu hát nghêu ngao vì ở nông thôn lúc bấy giờ hễ nghe đàn hát thì ham, chớ đâu có phân biệt xe tang hay xe tăng gì ? Bài hát này đã đóng vai ông mai cho Hoàng Lưu chiếm được trái tim của người đẹp có tâm hồn văn nghệ là Kim Minh. Đám cưới Hoàng, tôi có dự. Sau buổi lễ chánh thức, tới phần văn nghệ, Hoàng lại mang ghi ta hát trước bà con cô bác: Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...
Chẳng may trong tiệc trà văn nghệ có một vị cán bộ địch vận của Ban Chính Trị đến dự trong đám khách mà anh lính canh không kịp phát giác. Thành thử sau khi hưởng tuần trăng mật với vợ hiền, Hoàng nhạc sĩ vác đàn về cơ quan, thì phải mần bản tự kiểm thảo vì đã hát bài ủy mị của thành. (Người ta không biết bài đó của ai. Mà thật, lúc đó Phạm Duy còn đi kháng chiến). Hoàng Lưu phải hứa là từ nay không tái phạm. Tuy thế, nhưng đôi khi chúng tôi đi công tác chung với nhau, lúc chèo xuồng giữa dòng kinh khuya lạnh vắng, tôi chèo và bảo Hoàng lên dây cây Sonora để ''ngã mặn'' dưới trăng hay giữa đêm đen một cách trọn vẹn, không cần phải đổi chữ ă cho cỗ xe tang.
Sau đây là lời ca của bức tranh siêu thực đó:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu
Đời dù tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời
Người đẹp về trong lúc mùa Thu rơi
Tiếng chân tiễn đưa tới tôi
Mênh mông lả ơi!
Thuyền về đến bến Mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi
Hương hương nàng ôi!
Nàng về xõa tóc không lời
Khoan khoan hò ơi
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi
Buồm về dội nắng trên vai
Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi, người ôi! Có tiếng hát ru hồn tôi
Ru cho đau thương linh hồn đắm đuối
Mênh mông lả ơi!
Đường về xa tắp không lời
Khoan khoan hò ơi!
Lạnh lùng em đã rời tôi.Để cho hợp với mối tình của mình hơn, Hoàng Lưu có sửa đổi mấy chữ như sau trong lúc hát:
1. Tình đã chết hát ra tình đã sống
2. Thuyền về đến bến Mê rồi hát thành Thuyền về Phú Hữu đây rồi
3. Hương Hương nàng ôi thành Kim Minh nàng ôi
4. Lạnh lùng em đã rời tôi là Mặn nồng em đáp lời tôi.Hoàng Lưu tập kết và qua đời tức tưởi cô đơn tại Hà Nội năm 1958 lúc chưa đầy 30 tuổi. Tôi đã tẩm liệm Hoàng và đem cây Sonora theo cho Hoàng. Lúc đưa tiễn Hoàng ra nơi yên nghỉ cuối cùng, có nhạc sư Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng Phòng Âm Nhạc Đài Phát Thanh Hà Nội, thầy dạy nhạc của Hoàng Lưu, đi theo đám người thưa thớt. Phút hạ huyệt, tôi thầm bảo: ''Xuống dưới đó mày tha hồ hát Tiếng Đàn Tôi, không lo ai bắt kiểm thảo nữa!''
Ngót 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày đứng với nhau trên bờ kinh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ viết những dòng này, tôi như thấy lại Hoàng với chiếc đàn đeo trên vai, với giọng hát ngân nga say đắm:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...Lúc bé khi đi học tôi có xem một số hình trong quyển sách tập đọc Lecture Expliquée, không hiểu sao tôi còn nhớ mãi bức họa Tiếng Chuông Chiều (L'Angélus) của họa sĩ Pháp mà đến nay tôi cũng vẫn còn nhớ (chắc không sai) là của Henri F. Millet. Họa sĩ vẽ tiếng chuông chiều trên gương mặt của đôi vợ chồng người nông dân. Người đàn bà, đầu hơi cúi, khuôn mặt ngó nghiêng tuyệt đẹp, với đôi tay chắp trước ngực tỏ lòng thành kính. Cánh đồng chiều man mác. Xa xa trên đầu rặng cây là tháp chuông nhà thờ. Tiếng chuông vô hình như tỏa ra bao trùm buổi chiều quê.
Một cách bất ngờ và lý thú, tôi tìm thấy Phạm Duy cũng vẽ một bức tranh tương tự, trong trường ca Con đường cái quan ở ca khúc số 18: (đoạn mô tả khách lữ hành đã đặt chân đến Nam Bộ).
Đường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cày
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Đường về đây! Đường về đây!
Trời về Tây nghe gió cuồng bay.
Trong bức họa của Millet, tiếng chuông nhà thờ là linh hồn của buổi chiều đồng quê. Trong bức họa của Phạm Duy, tiếng chuông chùa là linh hồn của đồng quê. Trong dòng đời lạnh lùng trôi, tiếng đàn tôi là linh hồn. Đã vẽ được tiếng chuông nhà thờ, chắc người ta cũng vẽ được tiếng chuông chùa. Và cũng vẽ được tiếng đàn... tôi.
Tôi viết những dòng này như một bó hoa lòng kính viếng hương hồn người bạn năm xưa đã có một thời cùng nhau yêu một tiếng tơ bất hủ.
1.- Bài Gánh Lúa hoặc bài Nương Chiều sau đây đều là những bức tranh hiện thực/ trữ tình:
Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều!
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều!
Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều!
Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về, để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh
Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều.
Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều.
Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!
Đây là bài dân ca hay nhất trong những bài dân ca của Phạm Duy, đồng thời cũng là của dân ca Việt Nam. Hãy nghe Thái Thanh hát để công nhận như thế với tôi. Chép lời riêng ra, nó là một bài thơ quá hay. Và là một bức tranh tuyệt mỹ mang một tâm hồn mộc mạc như lúa khoai và sâu thẳm như buổi chiều miền núi. Tâm hồn ấy hiện ra trong những nét độc đáo. Tôi hát và nghe hát bài này trên 30 năm nay. Mỗi lần nghe lại vẫn thấy sự rung động còn mới nguyên cho tới bây giờ. Tôi đã sống những ngày rừng núi, đi lang thang dưới tàng cây rừng đại ngàn Lam Sơn ở Thanh Hóa và từng ngồi ở mỏm đá bến phà Mục nhìn ngắm và suy nghĩ miên man. Cho nên tôi quả quyết rằng Nương Chiều đã được Phạm Duy họa lại trong tôi như một mẩu giang san cẩm tú, càng nhìn càng yêu mến thêm, càng nghe càng ngỡ hồn mình bay về cảnh cũ, bên tai văng vẳng tiếng mõ trâu bò trở về buôn bản.
Đúng ra, đây là một bộ tranh liên hoàn gồm ba bức, tôi tạm xếp như sau:
Bức số 1: Cảnh vật nương chiều với những nét xuất sắc mô tả lũ trâu bò về chuồng. Chậm rãi qua những rú rậm, chiếc mõ đeo trên cổ khua phát tiếng rơi rơi như một điệu nhạc độc điệu buồn não. Rồi một chiếc áo chàm, vai quảy lúa, in hình vào sườn núi chơi vơi. Chữ ''quảy'' này rất đúng. Nếu vẽ ra ''gánh'' thì sai. Người Thượng quảy, thồ, vác nhiều hơn gánh. Có lẽ vì đường núi trúc trắc, quảy tiện hơn gánh. Nét thứ ba là con đường mòn, trên đó vương đôi bông lúa rơi từ quảy trên vai áo chàm kia. Họa sĩ đã chọn ba nét độc đáo của miền núi buổi chiều ngày mùa để dựng nên cái không khí sâu thẳm và man mác buồn.
Bức số 2: Cũng vẫn cảnh nương chiều. Nhưng với nét lao động mệt mỏi. Người dân ngừng tay phá rừng, đưa tay lau mồ hôi trán, mắt nhìn khoảng rừng mình mới phá xong, đang gây luống. Bên ven luống mới, lúa chín ngát hương. Bỗng người nông phu ngoảnh lại nhìn về phía có tiếng súng tấn công đồn giặc xa xa nên nghĩ ngợi: lấy máu tô cho thắm núi xanh! Trộn lẫn vào cảnh lao động đó là tình cảm nồng nàn của người dân đối với người gìn giữ non nước. Vì thế cho nên bức này có cả nội tâm lẫn tình cảm của nhân vật.
Bức số 3: Áo chàm về tới nhà. Với những nét thơ mộng vô cùng êm ái: Mảnh trăng cong như sừng trâu mọc trên mái nhà sàn. Ánh trăng tỏa nhẹ làm cho người lao động quên cả một ngày mệt mỏi, hưởng phút thần tiên. Mái nhà sàn thở khói âm u. Nét cọ này rất thần tình. Nhà sàn thở khói. Rất âm u, rất tuyệt, và rất khoa học. Khói ở miền núi nặng nề bốc chậm chứ không bay bổng lả lơi như ở đồng quê khoáng đạt. Làn khói báo hiệu một bếp lửa ấm áp bên trong ngôi nhà, sự sum họp, một bữa cơm ngon, chứng minh cho câu áp chót ở đoạn đầu: Lúc chiều về là lúc yên vui... Câu này được làn khói nói thay cho ở đoạn 3. Lấy khói bếp để nói sự yên vui và đây là một nét có màu sắc địa phương đậm đà nhất. Cô nàng về để suối tương tư. Trong câu này có hai nhân vật: cô nàng và suối; và tình cảm độc nhất: tương tư. Chỉ có ba chữ suối tương tư nhưng đã nghệ sĩ mô tả cả một sinh hoạt thần tiên của miền sơn cước. Nếu ở nét trên, hoạ sĩ đã cho ngôi nhà sàn biết thở thì ở đây con suối thờ thẫn tương tư khi các cô nàng rời suối. Sự nhân cách hóa này thiệt phải chỗ và tinh tế vô cùng. Có bao giờ bạn đi hoặc sống ở miền Thượng mà gặp những nàng ngọc nữ từ trên thiên đàng lén bay xuống phàm, gỡ cánh ra giấu, rồi thoát y xuống suối trần ai đùa nghịch chăng? Nếu có chắc bạn sẽ lẻn đến cướp những chiếc cánh ấy để cắt đường về trời của các nàng tiên. Và như vậy bạn sẽ hiểu sự rạo rực của từng hòn đá rong, từng hòn sỏi cuội, hiểu nỗi lòng phàm tục của suối khi da thịt nõn nà phô bày cọ xát hoặc đắm chìm trong lòng suối. Từ đó bạn sẽ thông cảm sự tương tư của chàng suối ở lại một mình giữa các thiên thai có tiên nam, không có tiên nữ.
II.- Bài Một Bàn Tay là một bức tranh hiện thực/ siêu thực:
Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời.
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai.
Bàn tay đưa anh đi gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun sới, ôi bàn tay đưa lối
Dọc đời, thơ hát đầy vơi.
Trong cơn mưa hè, tay nào khô héo bắt anh về?
Bàn tay che mắt, ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê
Nhưng tay em về, thơm mùi gỗ qúy, gỡ anh ra
Bàn tay nắng lóa, ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.
Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son, vẽ đời đôi.
Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa Đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi.
Ở đây, họa sĩ lại cũng mượn cái bàn tay như một cái cớ mọn để vẽ nên cái sự nghiệp của nó chứ không phải nó. Vẽ một bàn tay, dù là một bàn tay của người lao động bình thường hay bàn tay của một nữ nghệ sĩ dương cầm trẻ đẹp thì công sức đổ ra cũng thế thôi, nghĩa là không nhiều. Rất không nhiều bằng vẽ lên những kỳ công của nó. Một bày tay mà Phạm Duy vẽ ra đây, đó là bàn tay có phép lạ: Bàn tay son vẽ đời đôi. Bàn tay có phép lạ, nhưng không phải chỉ là bàn tay của các bà tiên Lê Sơn Thánh Mẫu, Thoại Ba Công Chúa hay Phàn Lê Huê, Thần Nữ... mà còn là bàn tay phàm trần xương thịt. Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người và lạ lùng khép kín làn mi. Cái bàn tay ấy có thiệt ở cuộc đời mà bạn và tôi đều có thể cầm nắm, ôm ấp, nâng niu, hôn hít với tình trong năm ngón nõn nà (cũng như bàn tay vuốt tóc chồng và nựng con thơ trong bài Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi Chờ Anh trong loại tị nạn ca sau này). Bàn tay hiện thực rõ ràng: trắng, thơm, êm ái. Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái, bàn tay thơm mùi gỗ quí, ôm anh, làm cho tim anh nở tròn ngày. Thế nhưng bày tay từng đưa anh đi gặp cuộc đời và từng vun xới, đưa lối (cho anh) bỗng trở thành bàn tay trừu tượng, không thấy, không nắm được. Trong cơn mưa hè, cũng bỗng có một bàn tay nào bắt anh về, đó là bàn tay ám khí, u mê, bàn tay che mắt anh! Nhưng rồi cũng có bàn tay kỳ diệu là bàn tay nắng lóa, bàn tay khơi gió, bàn tay ấm áp, bàn tay bão táp gỡ anh ra. Để lần cuối cùng, một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời... Như một cô đào thương tuyệt sắc đã từng khoác áo giáp nữ nguyên soái, mặc xiêm y công chúa tiểu thơ, làm say mê khán giả, trở lại cuộc sống thực áo cơm. Cái bàn tay kia bỏ hết phép lạ để trở thành bàn tay xương thịt, nhẹ nhàng vuốt mắt cho anh. Lạ lùng, tay khép làn mi cũng như ở bước đầu, đưa anh ra khỏi lòng người. Qua một cuộc đời dài siêu thực, bàn tay trở về là bàn tay hiện thực. Đó là bàn tay son, vẽ cả một bức tranh.
III. Bài Tiếng Đàn Tôi là một bức tranh siêu thực. Có lẽ tôi không cần phải phân tích để chứng minh như đã làm ở trên. Tôi xin kể một giai thoại về bản nhạc này:
Lúc tôi đi kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, tôi có một người bạn nhạc sĩ tên là Hoàng Lưu. Hoàng là con trai của một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Hoàng làm khá nhiều bài hát được phổ biến ở Nam Bộ nhất là ở miền Tây. Hoàng yêu một người con gái tên Kim Minh ở xã Phú Hữu, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Trong lúc đó bà mẹ Hoàng đem ra cho Hoàng một cây đàn ghi ta hiệu Sonora. Đó là một vật quý, nhất là đối với hoàng nhạc sĩ. Đi công tác ở đâu Hoàng cũng bỏ cây đàn dưới xuồng chèo đem theo như vật bất ly thân. - cơ quan, chiều chiều khi cơm nước xong, Hoàng mang cây đàn lên vai, ra đứng ở bờ kinh nhìn trời mây sông nước mà ''sô lô'' bản Tiếng Đàn Tôi một cách vô cùng say sưa như trình bày nhạc phẩm của mình trước các buổi họp dân. Tôi là thính giả, cũng là ca sĩ phụ họa theo tiếng đàn, lại vừa là người lính canh cho Hoàng hát thoải mái tự do. Hễ thấy nhân viên nào xuất hiện thì lại nháy cho Hoàng chuyển cung ''mi nơ'' qua ''ma giơ'' để đánh lừa họ. (Cũng kiểu như câu hát ''đời buồn như một cỗ xe tang'' của Phạm Duy bị cơ quan trong kháng chiến chỉnh là bi quan khiến tác giả phải chữa lại là ''đời buồn như một cỗ xe tăng''. Chỉ cần thêm có một dấu là hết bi quan ngay!). Cái kiểu chuyển cung của thằng bạn tôi cũng dễ như vậy. Hoàng cũng nhanh trí lắm, nên chúng tôi giữ bí mật được rất lâu.
Nhớ có lần nó đang mới khởi đầu đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt... thì bỗng có chiếc xuồng từ đâu trôi tới xĩa mũi lên bờ. Nó bèn tiếp ngay một cách hết sức tài tình như xuất khẩu thành thơ vậy:
Quyết tâm giết Tây chết cho nhiều
Vì bọn mình kháng chiến dài muôn năm... thay vì
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao... Tôi liếc thấy anh giao liên chèo thì biết là xuồng của ông Phó Ban Chính Trị tỉnh đội nên nhanh nhẩu ra hiệu cho Hoàng ngưng và làm bộ nói:
- ''... Ê này, lời của cậu còn đại khái và ép đôi chỗ đấy nhá...''
... như thể chúng tôi đang sáng tác một bài ca chung với nhau vậy. Thế là qua truông được một phát. Hú hồn!
Hoàng có kể cho tôi nghe một cách thích thú là mình đã nghe Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu ở trên sân khấu gánh hát Đức Huy ở Sài Gòn. Hoàng học bộ Phạm Duy ôm đàn và nghẻo đầu lên cần đàn hát say sưa như thế nào. Lúc đó tôi không biết gánh Đức Huy nhưng sau này nghe lại thì đúng là Phạm Duy có hát trên sân khấu này thật. Cũng không hiểu tại sao bản Tiếng Đàn Tôi không có in trong tập bài hát nào hết mà nghe lan tràn khắp Nam Bộ ở đâu cũng hát. Hát riết rồi bị cấm (cùng một lúc với Vọng Cổ)
Hoàng vẫn hát lén lút như thế và tôi rất thích thú đóng vai trò lính gác như thế một thời gian dài ở cơ quan. Rồi Hoàng vác đàn xuống xã Phú Hữu hát nghêu ngao vì ở nông thôn lúc bấy giờ hễ nghe đàn hát thì ham, chớ đâu có phân biệt xe tang hay xe tăng gì ? Bài hát này đã đóng vai ông mai cho Hoàng Lưu chiếm được trái tim của người đẹp có tâm hồn văn nghệ là Kim Minh. Đám cưới Hoàng, tôi có dự. Sau buổi lễ chánh thức, tới phần văn nghệ, Hoàng lại mang ghi ta hát trước bà con cô bác: Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...
Chẳng may trong tiệc trà văn nghệ có một vị cán bộ địch vận của Ban Chính Trị đến dự trong đám khách mà anh lính canh không kịp phát giác. Thành thử sau khi hưởng tuần trăng mật với vợ hiền, Hoàng nhạc sĩ vác đàn về cơ quan, thì phải mần bản tự kiểm thảo vì đã hát bài ủy mị của thành. (Người ta không biết bài đó của ai. Mà thật, lúc đó Phạm Duy còn đi kháng chiến). Hoàng Lưu phải hứa là từ nay không tái phạm. Tuy thế, nhưng đôi khi chúng tôi đi công tác chung với nhau, lúc chèo xuồng giữa dòng kinh khuya lạnh vắng, tôi chèo và bảo Hoàng lên dây cây Sonora để ''ngã mặn'' dưới trăng hay giữa đêm đen một cách trọn vẹn, không cần phải đổi chữ ă cho cỗ xe tang.
Sau đây là lời ca của bức tranh siêu thực đó:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu
Đời dù tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời
Người đẹp về trong lúc mùa Thu rơi
Tiếng chân tiễn đưa tới tôi
Mênh mông lả ơi!
Thuyền về đến bến Mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi
Hương hương nàng ôi!
Nàng về xõa tóc không lời
Khoan khoan hò ơi
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi
Buồm về dội nắng trên vai
Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi, người ôi! Có tiếng hát ru hồn tôi
Ru cho đau thương linh hồn đắm đuối
Mênh mông lả ơi!
Đường về xa tắp không lời
Khoan khoan hò ơi!
Lạnh lùng em đã rời tôi.Để cho hợp với mối tình của mình hơn, Hoàng Lưu có sửa đổi mấy chữ như sau trong lúc hát:
1. Tình đã chết hát ra tình đã sống
2. Thuyền về đến bến Mê rồi hát thành Thuyền về Phú Hữu đây rồi
3. Hương Hương nàng ôi thành Kim Minh nàng ôi
4. Lạnh lùng em đã rời tôi là Mặn nồng em đáp lời tôi.Hoàng Lưu tập kết và qua đời tức tưởi cô đơn tại Hà Nội năm 1958 lúc chưa đầy 30 tuổi. Tôi đã tẩm liệm Hoàng và đem cây Sonora theo cho Hoàng. Lúc đưa tiễn Hoàng ra nơi yên nghỉ cuối cùng, có nhạc sư Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng Phòng Âm Nhạc Đài Phát Thanh Hà Nội, thầy dạy nhạc của Hoàng Lưu, đi theo đám người thưa thớt. Phút hạ huyệt, tôi thầm bảo: ''Xuống dưới đó mày tha hồ hát Tiếng Đàn Tôi, không lo ai bắt kiểm thảo nữa!''
Ngót 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày đứng với nhau trên bờ kinh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ viết những dòng này, tôi như thấy lại Hoàng với chiếc đàn đeo trên vai, với giọng hát ngân nga say đắm:
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt...Lúc bé khi đi học tôi có xem một số hình trong quyển sách tập đọc Lecture Expliquée, không hiểu sao tôi còn nhớ mãi bức họa Tiếng Chuông Chiều (L'Angélus) của họa sĩ Pháp mà đến nay tôi cũng vẫn còn nhớ (chắc không sai) là của Henri F. Millet. Họa sĩ vẽ tiếng chuông chiều trên gương mặt của đôi vợ chồng người nông dân. Người đàn bà, đầu hơi cúi, khuôn mặt ngó nghiêng tuyệt đẹp, với đôi tay chắp trước ngực tỏ lòng thành kính. Cánh đồng chiều man mác. Xa xa trên đầu rặng cây là tháp chuông nhà thờ. Tiếng chuông vô hình như tỏa ra bao trùm buổi chiều quê.
Một cách bất ngờ và lý thú, tôi tìm thấy Phạm Duy cũng vẽ một bức tranh tương tự, trong trường ca Con đường cái quan ở ca khúc số 18: (đoạn mô tả khách lữ hành đã đặt chân đến Nam Bộ).
Đường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cày
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Đường về đây! Đường về đây!
Trời về Tây nghe gió cuồng bay.
Trong bức họa của Millet, tiếng chuông nhà thờ là linh hồn của buổi chiều đồng quê. Trong bức họa của Phạm Duy, tiếng chuông chùa là linh hồn của đồng quê. Trong dòng đời lạnh lùng trôi, tiếng đàn tôi là linh hồn. Đã vẽ được tiếng chuông nhà thờ, chắc người ta cũng vẽ được tiếng chuông chùa. Và cũng vẽ được tiếng đàn... tôi.
Tôi viết những dòng này như một bó hoa lòng kính viếng hương hồn người bạn năm xưa đã có một thời cùng nhau yêu một tiếng tơ bất hủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét