Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương xuất thân từ một gia đình có thể nói là gia đình hoàng tộc của tân nhạc Việt Nam. Thân phụ của ông là cụ Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cụ sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ là một công chức, thỉnh thoảng lên sân khấu để đóng kịch tài tử cho vui. Nhưng vợ của ông là một nữ kịch sĩ tài hoa chuyên nghiệp, đó là bà Kiều Hạnh. Bà còn nổi tiếng qua một thành tựu khác của bà là nhóm Tuổi Xanh, từng đào tạo nhiều ca sĩ thiếu nhi thành những ca sĩ chuyên nghiệp cho miền Nam. Con gái của ông bà là ca sĩ Mai Hương. Phạm Đình Viêm chính là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long, một ban nhạc khởi sự hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp ở Liên Khu 4 ngoài Bắc.
Tháng 6 năm 1951, ban hợp ca Thăng Long đến với “Nắng Đẹp Miền Nam”. Và kể từ đó, họ làm mưa làm gió trên sân khấu văn nghệ miền Nam qua lối trình diễn có một không hai của mình. Hoài Trung có tài bắt chước tiếng cầm thú. Khi nghe ban hợp ca Thăng Long trình bày những bài hát như “Ngựa Phi Đường Xa” của Lê Yên, “Sáng Rừng” của Phạm Đình Chương, nếu thỉnh thoảng bạn nghe tiếng ngựa hí, chim kêu thì đó là “tiếng kêu” bắt chước cầm thú của Hoài Trung.
Phạm Đình Chương là ca sĩ Hoài Bắc, linh hồn của ban hợp ca Thăng Long. Những thành viên khác của ban hợp ca như Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương) có thể vắng mặt hẳn hoặc thay thế, nhưng ca sĩ Hoài Bắc thì không thể thay thế được.
Dòng vợ sau của cụ Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy, người con gái út là Phạm thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh, một thời là vợ nam tài tử điện ảnh Lê Quỳnh (cha của ca sĩ Ý Lan, Quỳnh Hương). Còn người con trai giữa chính là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ông sinh năm 1929 (có tài liệu ghi năm 1930). Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học.
Ngoài tài ca hát, Phạm Ðình Chương còn được xem là một nhạc sĩ tài ba đồng thế hệ với Phạm Duy, Hoàng Trọng, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền v.v… Như bao nhiêu chàng trai yêu nước khác, ông theo kháng chiến chống Pháp ngay từ lúc ban đầu. Bốn anh em Phạm Đình Viêm, Phạm thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và Phạm thị Băng Thanh đều gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu 4.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác trong thời gian theo kháng chiến. Lúc ấy ông chỉ mới 18 tuổi. Những bài ca ra đời trong giai đoạn này là loại nhạc hùng tráng như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, Hò Leo Núi. Về thành rồi theo anh em vào Nam giữa năm 1951. Những sáng tác của ông trong giai đoạn này là những bài mang âm hưởng dân ca miền Bắc ca tụng cái đẹp của thôn quê như “Khúc Giao Duyên”, “Thằng Cuội”, “Được Mùa”, “Tiếng Dân Chài” như muốn nói lên tâm trạng hoài cố quận của mình. Cuối thập niên 50, qua ban hợp ca Thăng Long, giới yêu nhạc miền Nam được biết và yêu thích những sáng tác của ông như ”Xóm Đêm”, “Đợi Chờ”, “Ly Rượu Mừng”, “Đón Xuân”, v.v…
Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can như “Thuở Ban Đầu”, “Đêm Cuối Cùng”.
Phải nói là ông có biệt tài phổ thơ thành nhạc. Ngoài bài “Mộng Dưới Hoa” nói trên, ông đã đưa nét nhạc bi thiết vào những bài thơ như “Màu Kỷ Niệm” (thơ Nguyên Sa), “Nửa Hồn Thương Đau” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần Dạ Từ), “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng), “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” (thơ Hoàng Anh Tuấn), “Đêm Màu Hồng” (thơ Thanh Tâm Tuyền), để trở thành những tình khúc bất tử.
Có lẽ đóng góp lớn nhất của ông cho nền tân nhạc Việt Nam là trường ca “Hội Trùng Dương” sáng tác trong thập niên 60 gồm ba ca khúc “Tiếng Sông Hồng”, “Tiếng Sông Hương” và “Tiếng Sông Cửu Long”. Chúng Ta có thể kể hàng trăm bài hát ngợi ca tình yêu quê hương, thương mến đất nước trong gia tài nhạc Việt, nhưng không gì hùng vĩ và ý nghĩa bằng trường ca “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy và “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương.
Nhìn lại quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương từ ngày ông được sinh ra, tới ngày từ trần vào ngày 22 tháng 8 năm 1991, tại miền Nam California, Hoa Kỳ, với khoảng trên sáu mươi ca khúc, đủ loại, như những viên kim cương âm nhạc, hầu hết đã được thời gian thực chứng cho người ngạc sĩ tài danh này. Sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Con tằm đã nhả tơ cho đến sợi tơ cuối cùng. Và, những sợi tơ ấy giờ vẫn còn sáng ngời, lấp lánh và rực rỡ.

Thúy Vi
Theo https://forum.trungtamasia.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...