Nhà thơ Thanh Tịnh:
Một đoạn tơ trời lững thững bay
Khi Thạch Lam khen tác phẩm của Thanh Tịnh "Truyện ngắn
nào hay đều có chất thơ, và bài thơ nào hay đều có chất truyện", tôi đồ chừng
ông muốn nhắc tới hai thi phẩm "Rồi một hôm" và "Mòn mỏi" -
một bài từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Hà Nội báo năm 1936, và một bài đã
được đưa vào bộ hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài
Chân. Đây là hai bài vẫn thường được nhắc tới trong mảng thơ tiền chiến của
Thanh Tịnh, cũng nằm trong số hiếm hoi những thi phẩm của Thanh Tịnh còn ngoi
ngụp đến được với chúng ta ngày hôm nay.
Cả hai bài đều có chung đặc điểm là thơ phóng tác. Bài
"Mòn mỏi" được phóng tác theo truyện "Barbe bleue" của nhà
văn Pháp Charles Perrault. Bài "Rồi một hôm" được phóng tác theo bài
"Nếu một ngày" của nhà thơ Bỉ viết tiếng Pháp Maurice Maeterlinck (giải
thưởng Nobel văn học 1911).
Tôi chưa được đọc truyện của Perrault để đối chiếu xem khả
năng phóng tác của Thanh Tịnh đến đâu, song tôi tin vào nhận định của các tác
giả "Thi nhân Việt Nam", rằng "Thanh Tịnh đã tạo ra một không
khí rất Á Đông". Cái không khí ấy nó không chỉ được thể hiện ở các hình ảnh
cây liễu, con chim nhạn - những chất liệu đậm chất Á Đông, mà nó còn thể hiện ở
việc tác giả cho xen vào phần thơ thất ngôn những cặp câu lục bát - là thể thơ
chỉ riêng Việt Nam mới có. Bài thơ không chỉ hay ở cái tứ, với sự bất ngờ của
hình ảnh chiếc yên ngựa vắng người trong câu kết, mà còn quyến rũ người đọc bởi
giọng thơ da diết, chìm ngập nỗi buồn của người thiếu phụ mòn mỏi đợi chờ bóng
tình quân.
Bài "Rồi một hôm" cũng được triển khai trên cái sườn
hỏi - đáp, nhưng cái khác ở đây là lời mẹ và con (chứ không phải chị và em như
trong bài "Mòn mỏi", cũng như trong bài "Nếu một ngày" của
Maeterlinck). Gần đây, tôi có được đọc bài "Nếu một ngày" qua bản dịch
của Nguyễn Viết Thắng và nhận thấy ở bản phóng tác của Thanh Tịnh có những điểm
khác sau đây: Ngoài việc chuyển sự hỏi đáp từ chị - em sang mẹ - con như đã nói
ở trên, Thanh Tịnh đã lược đi một khổ. Đó là khổ thứ hai. Trong bài thơ của
Maeterlinck, khổ thơ này hơi tối nghĩa và là sự thêm thắt không cần thiết cho
khổ thứ nhất. Việc lược đi khổ thơ này chứng tỏ Thanh Tịnh biên tập rất chắc
tay. Còn về cơ bản thì khổ mở đầu bài thơ của Thanh Tịnh:
Rồi một hôm nếu về cha hỏi
Mẹ ở đâu? Con biết nói sao?
- Con hãy bảo trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau
Mẹ ở đâu? Con biết nói sao?
- Con hãy bảo trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau
Nếu một ngày người ấy quay trở lại
Thì em biết nói gì với người ta?
- Hãy nói rằng chị đã chờ mòn mỏi
Đến một hôm đã kiệt sức trông chờ
Thì em biết nói gì với người ta?
- Hãy nói rằng chị đã chờ mòn mỏi
Đến một hôm đã kiệt sức trông chờ
Khổ thứ hai trong bài thơ của Thanh Tịnh:
Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao?
- Con hãy chỉ bình hương khói rẽ
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao?
- Con hãy chỉ bình hương khói rẽ
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao
so với khổ thứ tư trong bài của Maeterlinck:
Nhưng nếu như người ta hỏi em rằng
Sao không có lửa, sao nhà vắng vậy
- Em hãy chỉ vào cánh cửa mở toang
Và ngọn đèn đã tắt cho người ấy
Sao không có lửa, sao nhà vắng vậy
- Em hãy chỉ vào cánh cửa mở toang
Và ngọn đèn đã tắt cho người ấy
cũng chỉ khác một đôi chi tiết (bình hương, đĩa dầu) cho hợp
với sự tiếp nhận của bạn đọc Việt Nam hơn mà thôi.
Khổ thứ ba trong bài thơ của Thanh Tịnh:
Nếu cha hỏi: cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng
- Con hãy chỉ một gốc đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng
- Con hãy chỉ một gốc đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên
nếu so với khổ thơ thứ ba trong bài "Nếu một ngày"
của Maeterlinck thì gần như không có chút dây mơ rễ má gì với nhau:
Nếu người hỏi biết tìm chị nơi đâu
Thì biết nói sao cho người yên dạ
Chiếc nhẫn vàng của chị em hãy trao
Cho người ấy, đừng nói thêm gì cả.
Thì biết nói sao cho người yên dạ
Chiếc nhẫn vàng của chị em hãy trao
Cho người ấy, đừng nói thêm gì cả.
Khổ cuối cùng bài thơ của Thanh Tịnh lại hơi kín kẽ, khiến độc
giả thả sức suy đoán:
Còn mồ mẹ nếu cha muốn biết
Phải hướng nào con nói cùng cha?
- Con hãy chỉ bầu trời xanh biếc
Và bên trời chị nội cỏ xa
Phải hướng nào con nói cùng cha?
- Con hãy chỉ bầu trời xanh biếc
Và bên trời chị nội cỏ xa
thì ở khổ cuối bài thơ của Maeterlinck, thái độ của nhân vật
rất cụ thể, thậm chí là quyết liệt:
Thế nếu người ấy hỏi em rằng
Chị có buồn, chị có từng than thở
- Em hãy nói rằng chị đã cười lên
Để người ta vì chị mà đau khổ…
Chị có buồn, chị có từng than thở
- Em hãy nói rằng chị đã cười lên
Để người ta vì chị mà đau khổ…
Đúng là hai cách xử sự, một thể hiện cái lành hiền, ý nhị của
người Á Đông, một thể hiện sự dứt khoát, thẳng thừng của người phương Tây. Tuy
nhiên, công bằng mà nói, so với bài thơ của Maeterlinck thì bài thơ của Thanh Tịnh
vẫn chỉ là bài thơ phóng tác. Chỗ thật khác thì chưa hay hơn, chỗ hay hơn thì
chưa thật khác. Nghĩa là, nếu ghi điểm cho Thanh Tịnh thì vẫn chỉ là ghi điểm về
mặt ông đã có một "bản dịch" mượt mà, phóng túng hơn bản dịch của
Nguyễn Viết Thắng. Bởi vậy mà so với bài "Mòn mỏi", thì bài "Rồi
một hôm" nhẹ cân hơn nhiều. "Mòn mỏi" là một bài thơ chữ nghĩa
nhuần nhuyễn, ý tứ nhất quán khiến mạch cảm xúc rất tập trung. Cả bài thơ văng
vẳng một giai điệu trầm buồn xa vắng, một vẻ đẹp cố hữu dễ gợi ta nhớ tới
"Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn…
Ngoài các bài "Mòn mỏi", "Rồi một hôm",
hai bài thơ cũng thi thoảng được nhắc tới của Thanh Tịnh là "Tơ trời với
tơ lòng" viết trước cách mạng và "Nhớ Huế quê tôi" viết năm
1956. "Gió đã dậy, phải liệu mà sống chứ" - thi sĩ Pháp Paul Valery
đã viết như vậy. Thanh Tịnh hẳn là người có những mẫn cảm đặc biệt với… gió. Cả
hai bài thơ nhắc tới trên của ông đều chung một điệu thơ (thất ngôn) và đều có
những câu về… gió khá khơi gợi:
Còn nhớ hôm xưa độ tháng này
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay
(bài "Tơ trời với tơ lòng")
Mười một năm trời mang Huế theo
Đèo cao nắng tắt, bóng cheo leo
Giọng hò mái đẩy vờn mây núi
Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo
Đèo cao nắng tắt, bóng cheo leo
Giọng hò mái đẩy vờn mây núi
Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo
(bài "Nhớ Huế quê tôi")
Phải yêu quê, nhớ quê đến độ nào, phải "nhớ" gió,
"mê" gió đến thế nào tác giả mới để nảy ra được trong mạch thơ một
câu thần diệu (Man mác sông Hương lướt đỉnh đèo)? Càng hiểu sao khi xưa, Hàn Mặc
Tử từng có lúc phải "Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió/ Tưởng chừng như trong
đó có hương/ Của người mình nhớ mình thương"… Hình như càng cô đơn người
ta càng cảm nhận được cái lạnh trong nhung nhớ như thế này…
Tuy nhiên, chỉ một đôi câu như vậy chưa làm nên một bài thơ
hay. Và vì Thanh Tịnh làm thơ quá ít và cũng quá ít những bài đặc sắc nên khi cần
có tên Thanh Tịnh xuất hiện trong một tuyển thơ nào đó, người biên soạn đành phải
chọn những bài này (nhất là bài "Nhớ Huế quê tôi", đại diện cho mảng
thơ sau cách mạng của ông), chứ thực ra đó chưa phải là những bài thơ nhô lên hẳn
so với mặt bằng thơ đương đại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Khải, nhân nói về việc làm thơ quá ít và không
mấy hiệu quả của Thanh Tịnh, đã cho rằng: "Văn chương đối với anh chưa phải
là niềm say mê nhất, anh chưa hết lòng phục vụ nó, sống vì nó. Anh có quá nhiều
sự đam mê. Nghề dạy học cũng là một cái mê, nghề hướng dẫn du lịch cũng rất mê,
làm báo cũng mê, biểu diễn độc tấu và đóng kịch hình như anh mê hơn cả"
(sách "Nghề văn cũng lắm công phu" - NXB Trẻ, 2003).
Tôi thì tôi lại nghĩ, có lẽ là do Thanh Tịnh "chưa tìm
được cái mạnh riêng của mình" như chính ông từng có lần tâm sự với Nguyễn
Khải (nguyên văn: "Viết chưa hay là do chưa tìm được cái mạnh riêng của
mình, chứ đã là người cầm bút ai mà chả có một chút tài…"). Như với trường
hợp hai bài thơ được gợi bởi Perrault và Maeterlinck, hình như Thanh Tịnh phải
tựa vào cốt truyện nó mới tạo ra xung lực, mới đẩy được mạch thơ ông chảy trôi.
Sinh thời Thanh Tịnh là người rất nổi tiếng với những câu nói hóm hỉnh, những
câu ngạn ngữ, châm ngôn mang tính đúc kết (kiểu như: "Dễ trăm lần không
dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong" - mà có không ít người nhầm
là của Bác Hồ), song trong sáng tạo, đặc biệt trong việc làm thơ, mạch thơ của
ông xem ra luôn bị ngưng trệ. Nếu có "thoát" ra được thì cũng chỉ được
một quãng ngắn. Thơ ông thường không dài vì thế. Cũng có lúc ông viết rất dài,
như với tập trường ca 2000 câu "Đi từ giữa một mùa sen" (viết về tuổi
thơ của Bác Hồ), song đấy là tác giả dựa trên một "cốt truyện" có sẵn
(là nguồn tư liệu mà ông trực tiếp sưu tầm được).
Tiếc là, khác với các nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu - tác
giả hai tập trường ca "Bài thơ Hắc Hải" và "Theo chân Bác",
đều viết về đề tài lãnh tụ, tập trường ca của Thanh Tịnh quá nệ vào hiện thực,
kể chuyện tỉ mỉ kiểu con cà con kê, thiếu sự thăng hoa làm say lòng người đọc.
Tuy thể thơ được dùng là lục bát song Thanh Tịnh còn để lọt nhiều câu non lép,
chất thơ không vang.
Nghĩ về Thanh Tịnh, không hiểu sao tôi luôn nghĩ tới một mẫu
nhà thơ đến với cuộc đời nhàn tản như một hướng dẫn viên du lịch (nghề ông từng
làm hồi trẻ), dù rằng đời riêng ông có không ít truân chuyên, trắc trở. Và con
người ấy, trong những phút thăng hoa nào đó, đã có những câu thơ tinh tế. Nó thả
xuống lòng người đọc một sự vương vấn, như thể "một đoạn tơ trời lững thững
bay" mà hôm xưa, trên cánh đồng "xào xạc gió đùa cây", thi sĩ đã
từng bắt gặp. Và phải chăng như vậy cũng đủ để một nhà thơ có thể toại nguyện với
chính mình?.
3/4/2011
P.K
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét