Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Cây lúa của Phạm Duy

Cây lúa của Phạm Duy

Không biết có dân nước nào đặt tên cho con như dân ta không: Điệp, Cúc, Mai, Lan, Liễu, Mận, Đào, Trúc, Sen, Gừng, Riềng, Ớt, Hành, Hẹ, Quít, Cam, Nhãn, Chanh, Ổi, Mít, Dâu, Măng, Trê, Lóc, Thúng, Nia, Nong, Sàng v.v... và v.v... Và Lúa. Ở Nam Bộ có cả một điệu hò lúa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như sau:
Lúa ta là lúa nuôi quân
Quân là quân của mình
Mình là mình đánh Tây
Dân là dân của mình
Mình là mình thắng Tây...
Thuở đó tôi mới 20 tuổi, thường điều khiển cho bộ đội hò điệu này, câu hò là do tôi đặt tuồng bụng và ứng khẩu.
Lúa là sức sống của dân tộc ta. Những nhà kinh tế thường gọi Việt Nam là vựa lúa của Á Châu và thế giới. Một bước ra khỏi nhà là gặp lúa. Mắt nhìn đâu cũng gặp lúa. Hơi thở đầy hương lúa. Ngủ nghe lúa reo, mơ thấy lúa và chết cũng nằm ở ruộng lúa để được nhạc đồng quê ru giấc nghìn thu giữa hương lúa. O objets inanimés, avez vous donc une âme? Cây lúa vô tư cũng có linh hồn chăng? Thưa rằng có. Trong nhạc Phạm Duy.
Lúa trong nhạc Phạm Duy là một nhân vật kỳ lạ. Giở tập NGÀN LỜI CA ra xem là tôi nghe lúa reo, thấy lúa lớn, lúa chín và cơm gạo mới ngon lành bốc từ chiếc nồi đất ở thôn ổ quê nghèo Gio Linh trong kháng chiến, hay ở Trạm Chôi của tuổi thơ anh về thăm bà vú nuôi yêu mến, ăn bát cơm ngô sắn.
Chương LÚA này tôi viết xong đã lâu, lâu lắm, 10 năm có lẽ, nay đưa in, mới hay đã mất. Đáng lẽ thì cáo lỗi cùng anh Phạm Duy và bà con độc giả, nhưng tôi mường tượng cái thân lúa đứng giữa đời sống Việt, cái bông lúa vàng giữa đồng ruộng Việt và cây lúa trong biển nhạc Phạm Duy, thấy nó đẹp quá, không thể thiếu được, nên phải viết lại thì sách in ra mới yên lòng.
Tôi còn nhớ một bài hát tên là Thi Đua Ái Quốc:
Anh có cây súng kia thì tôi có bàn tay thợ
Em có bông lúa vàng thì tôi có một cây đàn
Anh giết thêm thực dân thì tôi đúc thêm súng đạn
Em có bông lúa vàng thì tôi có ngàn lời thơ.
Trong thời kháng chiến, chính nhạc sĩ Văn Luyện, với sự giúp đỡ của tôi, đã trình diễn ở xã Trường Long, quận Ô môn, tỉnh Cần Thơ, dưới hình thức hoạt cảnh, có các vai anh chiến sĩ, cô thôn nữ, anh công nhân, chàng thi sĩ (tôi đóng vai thi sĩ). Mới đây mà đã non nửa thế kỷ. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy lại tôi trong cái hoạt cảnh xưa, có bông lúa vàng ở trên tay cô thôn nữ cùng đóng kịch với tôi tên là Phấn. Lúc đó Phạm Duy 30 tuổi, đang ở Gio Linh hay Việt Bắc. Bây giờ Phạm Duy 75 tuổi. Thế mà trong nhạc Phạm Duy, bông lúa vàng lẫn chị Phấn vẫn rực rỡ và cây lúa vẫn xanh tươi. Con người thì có tuổi, còn nghệ thuật thì không là vậy. Phạm Duy yêu nước qua nhiều hình thái và sự vật: tâm tư, sông núi, đất đai, hoa cỏ... nhưng có lẽ sâu đậm nhất là qua cây lúa. Phạm Duy thể hiện cây lúa không như một loài cây cỏ mà như con người. Phạm Duy nhìn cây lúa với tấm lòng thiết tha vô bờ, với sự rung động tự tâm ra, với niềm tự hào của một người dân đất Việt.
Ai có đi chống Pháp vào năm 1946 thì có hát bài này:
Một mùa Thu năm qua Cách Mạng tiến ra
Đất Việt bừng ngàn tiếng, thanh niên tung gông phá xiềng...
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ
Phất cờ hồng nhuộm máu, đấu tranh cho muôn kiếp sầu...
Cùng đi! Đem máu lên đỏ ngọn cờ
Cùng đi! Đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh
Tôi cùng anh, ta tranh hùng chờ ngày hoà bình
Nồng nàn sống vui tuổi xanh.
Tuổi xanh như lúa mai
Đời thanh niên sáng tươi
(Nhạc Tuổi Xanh)
Bài hát như một điệu kèn xung phong vô cùng hùng tráng, chẳng những thúc giục thanh niên mà còn dựng cả tuổi già dậy, lao ra tung gông phá xiềng. Giữa cái quang cảnh bừng sôi đó, Phạm Duy cấy lúa vào. Lúa mai... Lúa đó là thanh niên. Quê hương của lúa là bờ ruộng xanh. Tâm hồn của lúa là sự sáng tươi. Ý chí của lúa là phá xiềng. Lý tưởng của lúa là tự do. Lúa đã đứng lên hát vang trời mây và:
Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta, ta cứ cầy đợi ngày
Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia
Cười vang ta hát câu Tự Do.

Năm 1947, Phạm Duy ở chiến khu cùng với Văn Cao, Đỗ Nhuận. Phạm Duy về đồng hoang ở Phú Thọ.
Đồng ruộng kia, ta gieo căm thù
Để mọc lên ngàn muôn cánh lúa...
Nơi cô thôn, ta xây cánh đồng kháng chiến
Từ bụi khoai, bụi sắn, nhạc lên oai hùng
Nét oai hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp còn được mô tả trong bài Đường Về Quê:
Một đoàn người đi miên man trên đường gian nan
In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát
Người đi tìm chân trời, nơi miền quê...
Kìa đoàn người đi say sưa qua đồng mênh mông
 
(lúa)
Đồng quê, lũy tre, sáo diều, bé chăn trâu, bát cơm, khoanh cà... là hình ảnh thân yêu của Phạm Duy quyện chặt cùng với lúa. Có nơi nào lúa đứng mà không nghe tiếng sáo diều, mà không thấy lũy tre và bé chăn trâu? Lúa reo với tiếng hát của nông phu, và:
Có những lúc (lúa) tươi cười với tiếng hát cô hàng
Tan chợ chiều trên đường về cô thôn.
Lúa đứng bên đường nhìn anh chiến sĩ hành quân và lúa chạy theo nhập vào đoàn quân để trở thành Vệ Quốc Quân đi cứu nước. Lúa biến hoá thiên hình vạn trạng. Trong bài Nhớ Người Thương Binh, ta bắt gặp cô nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù vào lúc chiều về trên cánh đồng xanh. Cô nàng gánh lúa đó chính là lúa hoá thân ngay trên cánh đồng xanh quê mình để một ngày kia, đón chàng về, chàng về, nay đã cụt tay. Tôi có xem một đoạn phim quay hoạt cảnh này do một ca sĩ Mỹ hát. Thật xúc động! Trong cuộc hành quân chiến đấu, trên đường về quê, anh bộ đội đôi khi dừng lại một cảnh đồi nương vào lúc chiều tà:
Qua đường mòn ngửi lúa thơ ngơi (và)
Lúa ngát thơm trên những cánh nương (để)
Nhà nông phá rừng gây luống (đã)
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.
Ở đây lúa lại là cô nàng tắm suối để cho anh bộ đội tương tư chăng?
Phạm Duy là hoạ sĩ của mầu xanh. Mầu xanh đó, Phạm Duy dùng một phần lớn cho thôn quê, đồng ruộng, nương rẫy, cho lũy tre, cho lúa:
(Làng tôi) có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai...
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy...
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
(Quê Nghèo)
Cảnh vui, tình buồn, niềm đau khổ, qua Phạm Duy đều có mang hình dáng cây lúa, củ khoai, củ sắn. Hãy coi bài Bà Mẹ Gio Linh:
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy...
Ra công sới vun cầy cấy...
Mẹ già đi nấu nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Đọc câu này hẳn bạn thấy nồi khoai thân thuộc dưới mái tranh nghèo và mùi hương bốc lên thơm phức. Và đây, nỗi thiết tha của rừng núi và ruộng đồng gắn chặt, ôm nhau, yêu thương nhau như trẻ thơ.
Về miền Trung
Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao sắm sửa về đô thành
(Tôi hát như vậy trong kháng chiến)
Hò hô hò! Hò hố hô!
Về đây với lúa, với nàng...
Tiếng ai vừa hát qua làng
Lúc em gặt lúa trên đồng
Hát rằng: Hà há hơ!
Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông
(Về Miền Trung)
Viết đến đây, tôi rưng nước mắt. Tôi nhớ lại tôi. Nhớ bạn bè thời chống Pháp đẹp đẽ, cao quý vô cùng. Thời đó tôi làm văn nghệ, đủ loại, thứ gì cũng làm: thơ, văn, hoạ, kịch. Cả hát độc xướng trên sân khấu. 1947 hay 49, miền Đông bị lụt, Chiến Khu Đ không ở được, cán bộ chạy xuống Khu 9 tá túc. Có anh chàng nhạc sĩ tên là Văn Cử đàn ghi ta tay trái. Anh cứ để nguyên dây đàn như vậy, thay vì từ trên đánh xuống, anh ta lại từ dưới quẹt lên. Tôi không hiểu tay kia anh bấm accords như thế nào nhưng nghe cũng rất đúng. Chính anh ta đệm đàn cho tôi hát bài Về Miền Trung của Phạm Duy. Tôi cũng làm nhiều người rơi lệ chứ phải vừa đâu! Lúc nào không có Văn Cử thì tôi ''kên'' ghi ta một mình nhưng chỉ bấm vài accords thôi, nếu đổi nhiều sợ bấm trật. Về lời ca, chép đi sao lại, chúng tôi có một cuộc cãi nhau về câu ôi quê hương xứ dân gầy. Người thì bảo xứ thông gầy vì vùng đó có nhiều thông. Kẻ khác lại cho rằng xứ thân gầy vì miền Trung là khoảng đất hẹp nhất của nước ta.
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ... Những hình tượng mà gây nhớ nhung bỏng cháy. Bông lúa, con sông, thành phố... có gì lạ đâu? Sao mà nhạc làm nó trở nên kỳ diệu? Có lẽ vì Phạm Duy dựng nó trên cảnh điêu tàn của quê hương, có cảnh tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi. Trong bài này, Phạm Duy nhắc lúa tới ba lần mà lần nào cũng nghe dường như có nước mắt. Tôi hát cũng với nước mắt: Ôi bông lúa, về đây với lúavới nàng, tiếng cười, tiếng ca trên lúa, trên sông (tiếng lúa kéo dài, ngân vang, thiệt đã cái cổ họng). Đó là vào năm 1948, nhạc sĩ Phạm Duy 27 tuổi, còn ''ca sĩ'' Xuân Vũ mới 18 cái xuân xanh. Quả thiệt là:
Lúc em gặt lúa trên đồng
Nhớ thương về chiến khu mờ...

Buồn năm phút thôi! Đủ rồi! Bây giờ lại tiếp tục hành trình của ''nhân vật lúa''. Trong bài Gánh Lúa, Phạm Duy mô tả nông thôn Việt Nam một cách tài tình. Có thể so sánh với truyện ngắn Chí Phèo (mà tôi cho là truyện ngắn hay nhất thế giới). Vì sao? Vì đọc Chí Phèo người ta có thể hiểu toàn bộ cuộc sống nông thôn đời Pháp thuộc. Nghe bài Gánh Lúa, người ta có thể hình dung được nông thôn Việt Nam ngày mùa, với niềm hạnh phúc của người nông dân và hơn nữa, sức sống của dân Việt Nam.
Mênh mông, mênh mông, sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông...
Rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh
Cánh đồng mà xinh xinh, rằng xinh...
Thóc bà phơi nắng, lúa nhà tôi gánh
Hai vai đem sức nuôi toàn dân...
Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới
Đi nuôi dân gánh một thành hai
Gánh lúa! Việc đó ai mà không biết hoặc không thấy: ''gánh'' và ''lúa''. Nhưng qua con mắt nghệ sĩ, lúa rung rinh, lúa xinh xinh, sóng lúa mênh mông, lúa nuôi toàn dân, một gánh thành hai... Rồi lại còn thêm tình yêu:
Có nàng xay lúa quyến tròn thương nhớ
Thương chàng dãi nắng dầm mưa.

Và còn:
Môi trầu tươi đám cỏ xanh
Lão bà tóc trắng, kĩu kịt quang gánh

Ta thấy lúa trải vàng óng, thấy lúa nghiêng ngả và nghe cả tiếng quang gánh đang nhún nhảy theo bước chân nhịp nhàng trên đường ruộng. Đời cần nghệ sĩ biết bao. Nghệ sĩ đưa vào nghệ thuật những hình ảnh đơn sơ làm ta giật nảy người lên vì nó đẹp hơn cả ngàn lần sự thực. Nhưng nó vẫn thực vô cùng. Như cái đòn gánh để gánh lúa, của Phạm Duy. Xin hãy nghe lại bản nhạc để thấy lại quê hương chút!
Nhân vật lúa của Phạm Duy mà ta bắt gặp rải rác khắp nơi có sức hút lạ lùng. Có khi thấy lúa còn rất bé như lúa mạ, có lúc là lúa con gái mới lên, có khi biến thành lão bà, thành ông già mặc áo rách vai v.v...
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
 
(có ở miền Bắc mới hiểu được tại sao ruộng vuông vắn)
Lúa thơm cho đủ hai mùa...
Văn Cao cũng có một bài mô tả đồng quê rất hay. Đó là bài Ngày Mùa, sáng tác có lẽ cùng lúc với bài Gánh Lúa của Phạm Duy:
Ngày mùa vui năm nay, lúa reo như hát mừng...
Lúa, lúa vàng, mầu lúa bát ngát trời
Bao tay liềm, từng nhánh lúa thơm rơi
Mùa vui quân du kích đứng im trong lúa rập rờn
Ngày ngày qua gánh lúa, nón nghiêng nghiêng nhìn theo

Nhưng bản Ngày Mùa dùng nhịp valse 3/4 chứ không dùng nhịp dân ca. Do đó bài hát rất hay nhưng theo tôi biết thì ít thâm nhập vào quần chúng mà chỉ đi vào giới cán bộ thời đó nhiều hơn. Riêng tôi rất thích bài đó nhưng chỉ hoà nhạc và hát một mình, chứ không ''biểu diễn'' trước quần chúng.
Trở về với bài Tình Hoài Hương, với câu hát: Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê. Không hiểu tâm tình nhà nông, không viết được hai chữ đê mê này. Lúa reo, lúa chuyển mình, hương lúa đê mê hay nhà nông đê mê? Có lẽ cả hai, lúa lẫn người, lúa biến thành người, người mơ theo lúa, tâm hồn của lúa và của người hoà lẫn. Cũng với tình cảm đó, Phạm Duy viết những bài anh cho vào một loại gọi là tình ca quê hương, tình tự dân tộc với nhiều nét đặc sắc mà chỉ nhà văn mới có. Nhưng trong ba bài vừa kể, Phạm Duy vẫn không bỏ qua cây lúa (và cả ngô, khoai và sắn nữa):
Mưa nhiều càng tươi bông lúa
Nắng nhiều thì phơi lúa ra...
(Bà Mẹ Quê)
Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai...
Chàng vừa cầy sâu vừa hứng mưa trên đất mầu
Hái bông ngô vàng hay bới khoai nâu...
(Vợ Chồng Quê)
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo, em đánh vần thật mau
Khoai lùi bếp nóng, ngon hơn là vàng...
Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy đồng.
(Em Bé Quê)
Lúa ở đây là bà mẹ, là đôi vợ chồng son và là em bé chăn trâu. Không lúc nào vắng hình cây lúa trong nhạc quê hương Phạm Duy.
Bài Ngày Trở Về, Phạm Duy soạn trên chuyến tầu biển, đang lênh đênh trên Ấn Độ Dương, lúc anh đi du học bên Pháp và lúc tạm có hoà bình. Anh mơ tới ngày trở về, anh (thương binh) con trâu xanh hết lòng giúp đỡ nhưng cũng phải có:
Lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Có em vui tươi xách gạo bếp nước
Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng.

Trở lên, Phạm Duy tỏ tình yêu với ''cô lúa Bắc''. Từ đây, (với bài Tiếng Hò Miền Nam) Phạm Duy yêu thêm ''cô lúa Nam'':
Ruộng đồng lúa trổ bông mau
Lạch nguồn cá lội xôn xao...
Tình quê như chín con sông
Nước trôi vào lòng đất cầy thơm nồng
Đợi mùa lúa tốt trổ bông
Gặt về cho bõ nhọc công.

''Em lúa'' ở đây có dung nhan khác với ''cô lúa'' trên đường tan chợ chiều về cô thôn, nhưng em vẫn đáng yêu như thường:
Yêu em đôi mắt hạt huyền
Yêu làn tóc rối yêu liền nước da.
Yêu em tấm áo thô sơ
Dãi dầu nắng mưa vẫn chưa phai mối tình.

Nỗi vui sướng của Phạm Duy giống y của một nông dân, ngồi bờ đìa, nhổ rau đắng, cặp cá nướng, dzô ba xí đế:
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa.
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta

Phạm Duy mô tả cây lúa phàm trần nghĩa là cây lúa thực với nghĩa đen của nó, cây lúa như ta cấy, ta thấy cây lúa trổ bông, làm ra gạo, như trong mấy bài kể trên, nhưng trong Nhạc Tuổi Xanh, Thi Đua Ái Quốc, Nương Chiều, cây lúa lên bực siêu. Vậy có thể nói cây lúa đã từ phàm lên tới siêu vậy. Hơn nữa, đó là cây lúa Việt Nam, không giống như đồng loại của nó ở những khu vực khác của địa cầu. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này, bởi vì từ nửa thế kỷ nay, cây lúa (nghĩa là dân tộc) Việt Nam bị đắm chìm trong khói lửa, phải vươn lên để sinh tồn. Lúa lo sợ súng (Lời tôi ca xin lúa đừng lo: tâm ca phạm duy đã vỗ về lúa như vậy), lúa mọc trên ruộng máu, trong chiến tranh và hận thù.
Hồi 17 tuổi, tôi bất thần làm ẩu một bài thơ ngũ ngôn tựa là Em Lớn Lên đăng ở báo NHÂN DÂN MIỀN NAM trong thời kháng chiến. Chủ nhiệm Trần Bạch Đằng khen nức nở và bảo gởi thêm, nhưng tôi có bài nào nữa đâu mà gởi. Bài thơ này được nhạc sĩ Phan Vân phổ nhạc, có mấy đoạn như sau:
Em ăn rau ăn cải
Trồng trên đống tro tàn
Trên nền nhà rụi cháy
Hàng cột ngã thành than
Cơm em ăn mỗi ngày
Đều có dính máu Tây
Vì mùa khô mùa nước
Tây phơi xác ruộng này...

Ít lâu sau, tôi thấy những hình ảnh đau thương đó cũng được Phạm Duy nói tới trong bài Về Miền Trung:
Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi

Bà mẹ Gio Linh cuốc đất trồng khoai. 
Mảnh đất đó phải chăng đã ươm bao nhiêu hạt căm thù? Cây lúa Bình Trị Thiên, Phú Thọ, Cà Mau phải chăng đã được tưới bằng nước mắt toàn dân? Tiếng lúa Việt Nam reo lẫn trong tiếng ru của mẹ Việt Nam, trong đó có tiếng gào thét của những bà mẹ bị giặc bắt phải ném con mình xuống sông Thu Bồn?
Ôi cây lúa Việt Nam, cây lúa linh thiêng, giống cây thần thánh. Nhưng nếu không có bàn tay phù phép của lão phù thủy Phạm Duy thì cây lúa, giồng khoai, luống sắn chỉ còn là những giống cây bình thường, tầm thường nữa là khác.
Ta hãy nghe lại bài Tình Ca. Có phải ta đã nghe, thấy và yêu cây lúa hơn lên? Bác nông phu vai đồng xương sắt đứng trên ruộng đất đã vài ngàn năm, luôn luôn cất lên những tiếng gọi: Nước ơi! Lúa ơi! Như một câu đối, và như thế, tiếng ''lúa'' cũng nặng ngang tiếng ''nước''. Trong bài đại tình ca này, dù tác giả chỉ nhắc tới lúa hai lần, nhưng những hình ảnh khác, mặc dù không nói tới lúa, vẫn có dính dáng, quyện chặt hay nằm giữa lúa:
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Những câu hò giận hờn không nguôi
Tiếng cô gái bên nhà, lẳng lơ như tiếng sáo diều

Người nông phu đã đứng và lúa đã mọc hơn vài ngàn năm trên đồng ruộng Việt Nam. Ta cũng chỉ có thể nghe những câu hò, câu hát, tiếng diều... trên đồng lúa mà thôi. Có đồng lúa mới có tiếng diều. Chả nhẽ nghe tiếng diều ở thành phố à? Vậy bác nông phu, chính là lúa. Cây lúa có từ bao giờ? Từ đời Hồng Bàng? Từ thời Việt Câu Tiễn (luộc thóc rồi tặng Ngô Phù Sai làm thóc giống)? Người nông phu không có lúa thì không thành người nông phu. Bài Tình Ca có nhiều nét trữ tình hơn nét thực. Bài Gánh Lúa có nhiều nét thực hơn trữ tình (tuy cả hai đều có đủ hai nét ấy). Đều là những bài hát đem dến cho thính giả hương quê, tình quê và hình ảnh quê hương.
Trở lại cây lúa siêu phàm, ta thấy Phạm Duy đã đặt cây lúa vào Trường Ca Mẹ Việt Nam một cách tuyệt vời:

Mẹ Việt Nam
Bên bờ đại dương,
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn
Mẹ mong chồng cũng như là ruộng sâu nông
Ruộng cứng hay mềm cũng êm đềm đón lưỡi cầy tìm da thơm

Phạm Duy khắc hoạ hình tượng Mẹ Việt Nam như một cánh đồng (Đất Mẹ) để đặt cây lúa vào đó, gọi là Lúa Mẹ:
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
Thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng
Chẩy vào lòng cặp tình nhân
Bên nhau khi lúa xanh rờn
Chia nhau bông chĩu thơm vàng
Đem nhau ra giữa sân làng
Nhìn đèn trăng kể truyện xưa
Xinh xinh bãi lúa xanh rì
Ngoan như cơn gió đêm hè
Nghe hơi dưới đất vỗ về
Một lời thề nặng tình quê
Vươn vai lúa nhớn dậy thì
Mưa thu cưới lúa đem về
Nâng niu lúa chín tới kỳ
Kỳ nở hoa, đẹp lòng ta!

Trường Ca Mẹ Việt Nam có bốn phần, gồm 22 chương. Phạm Duy dành nguyên một chương để ca ngợi cây lúa. Mới đọc qua, người ta có cảm tưởng đó là một truyện nửa thần thoại, nửa nhân gian, kể bằng thơ. Mẹ ơi, Nước ơi và Lúa ơi... Nghe như tiếng hợp tấu của những dòng sông Hồng, sông Hương và Cửu Long Giang.
Nhân đây, tôi xin kể một chuyện nhỏ: Năm 1972, tôi đi du lịch mấy nước tư bản lớn, gặp mùa tuyết phủ, khó tìm ra một tiệm ăn Á Châu. Khi tới Luân Đôn, mới kiếm ra một tiệm ăn Tàu, thằng bạn tôi hối hả gọi cơm rồi chan xì dầu và lùa một hơi ba tô cơm bự. Đến chừng thức ăn dọn ra, nó vỗ bụng: ''Tao đủ rồi! Không cần dồn thứ gì vào bao tử nữa''. Mà thật, sau ba tô cơm, nó ăn thêm hai tô nữa, tổng cộng năm tô. Chuyện nghe như phàm tục, nhưng gẫm ra không phàm tục chút nào. Mà có phần siêu nữa.
Xuân Vũ
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ tết Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam ...