Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Khi văn chương trở thành máu thịt quê nhà

Khi văn chương trở thành 
máu thịt quê nhà
Với tôi, trước sau Nguyễn Ngọc Hạnh, dù là trong thơ hay trong văn xuôi, cũng là người của quê nhà; anh ra đi từ làng, mang theo trong trái tim cả cái làng quê xưa nồng nàn, để cuối cùng vẫn quay về làng cũ, văn chương anh trở thành máu thịt của mảnh đất quê nhà...
Tôi mới chỉ quen Nguyễn Ngọc Hạnh vài ba năm trở lại đây, nhưng tôi biết Hạnh từ rất nhiều năm trước, chỉ vì có hai câu thơ của anh cứ bám chặt tâm hồn tôi: “Xưa, tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”. Lạ thật, tưởng như không hề nói đến tình quê, mà cái tình ấy đầy chật cả tâm hồn. Tôi quý cái tình yêu quê nhà đằm thắm ấy. Thơ ấy chính là ngôn ngữ của dân gian, ngôn từ của trái tim đồng nội. Kịp đến khi quen biết Nguyễn Ngọc Hạnh, thì tôi nhận ra: Trong đời thực, Nguyễn Ngọc Hạnh cũng hiền lành, chừng mực, hệt như tình yêu quê nhà của anh vậy. Càng đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, càng hiểu tâm tình của anh, tôi càng xác tín điều ấy. Và hôm nay, khi đọc tập sách Lòng chưa cạn đêm sâu của Nguyễn Ngọc Hạnh, tôi lại càng như được củng cố hơn nhận định của mình.
Ở tập văn xuôi này, gần như không có sự khác biệt nào về chất liệu văn chương của anh; có chăng chỉ là cái tình quê trong anh càng được chính những trang văn tô đậm hơn, in dấu sâu hơn, rõ hơn và như có một thứ tiếng gọi thầm lay động hơn, trĩu nặng hơn và khiến ta bùi ngùi hơn. Và bỗng dưng, tôi muốn chơi chữ:  “Văn chính là người”, tôi muốn đổi lại, trong trường hợp này, “văn ấy là tiếng rơi vào lòng”. Khi đọc tập văn xuôi đa dạng gồm nhiều thể loại này, trong đó trước hết phải kể đến những bài viết của chính tác giả và sau đó là những bài của các nhà văn, nhà báo khác viết về anh, tôi cảm thấy rất rõ, đang có một sự rơi, một thứ tình cảm đặc thù nào đó rơi vào trái tim ta, chạm nhẹ mà ngân sâu, kêu gọi, đánh thức lòng ta quay về với tình người và với mảnh đất quê nhà.
Ở đây, phải thấy một điều gần như là nguyên lý của văn chương: Nhà văn - ngay trong những giờ khắc không tự tin nhất - vẫn là kẻ hoài niệm để sửa soạn cho những ngày tươi sáng hơn. Vì sao? Vì nhà văn là người hằng ôm ảo vọng. Chân đứng nơi này mà mắt nhìn phía khác. Ở bất cứ thời nào, nhà văn cũng như các nhà tiên tri, bàn tay anh ta tưởng như nắm bắt hết được mọi sự vật, mọi điều nhỏ nhặt chung quanh. Anh giơ lên, mặc những tiếng khen chê, anh soi chiếu như lay bó đuốc trên đầu mọi người, chỉ để âm thầm làm rạng rỡ cho ngày mai.
Nhà văn, trong bất cứ trường hợp nào, không phải là đất đai, nhưng là người của đất, tiếng nói của đất, của một vùng đất nhất định mà trở thành đất đai của cả núi sông, đất nước thiêng liêng; và luôn luôn là bạn của mọi con người. Vì chính qua nhà văn mà những con người khác, ngay cả những con người tầm thường nhất, đã được thể hiện và được hiểu biết, chia sẻ, đồng cảm, đồng điệu...
Tôi nhận ra, trong văn xuôi, dù là ở những bài viết ngắn, một Nguyễn Ngọc Hạnh chân tình, nặng lòng với bạn bè, bạn văn, bạn làng, bà con đồng bào, đồng loại, và nặng lòng với quê nhà.  “Hương vị của ly cà phê giữa làng quê ngoại Gò Nổi đầy ắp mùi rơm rạ, dường như có một cảm giác rờn rợn từ ngọn gió ngoài đồng thổi về mang yếu tố tâm linh huyền bí. Tôi lại tin vào điều kỳ diệu ấy, biết đâu ở một thế giới nào đó, mẹ tôi phát hiện ra đứa con trai của mình đã hơn sáu mươi tuổi rồi mới hiểu hết ngọn nguồn, quê mẹ. Và, tôi đang thả tâm hồn tôi, đang mơ được ngồi sau lưng ông ngoại trên yên ngựa để cùng ông lang bạt về nguồn, nơi có con sông Vu Gia một thời tuổi thơ tôi tắm mát” (Một ngày quê mẹ). 
Và đây nữa: “Nỗi nhớ làng luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn đến day dứt: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn...”. Đấy là những câu thơ tôi viết đã lâu rồi. Viết về cái làng Đại Hồng nhỏ bé quê tôi. Một bên là núi non thơ mộng, nơi có thắng cảnh Bằng Am - Khe Lim nổi tiếng, bên kia là con sông Vu Gia hiền hoà chảy dọc suốt tuổi thơ mình những năm tháng chiến tranh. Trong một góc nhỏ của ký ức, tôi vẫn luôn nhớ về làng quê ngày thơ bé với biết bao vui buồn”. (Về quê).
Cho nên, với tôi, trước sau Nguyễn Ngọc Hạnh, dù là trong thơ hay trong văn xuôi, cũng là người của quê nhà; anh ra đi từ làng quê, mang theo trong trái tim nồng nàn cả làng quê xưa, để cuối cùng vẫn quay về làng cũ, văn chương anh trở thành máu thịt của mảnh đất quê nhà Đại Lộc dâu tằm còn thấm đẫm trong nhịp sống hôm nay.
5/4/2020
Tần Hoài Dạ Vũ
Nguồn: Văn nghệ số 14/2020
Theo http://baovannghe.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...