Lê Thị Kim là một phụ nữ đa tài, từ một cử nhân, một nghiên cứu
sinh về hóa lý hữu cơ, chị làm thơ và trở thành thi nhân, là thi sĩ chị vươn
sang hội họa, tranh chị cũng hết sức ấn tượng đã làm nên tên tuổi nữ họa sĩ có
phong cách sang trọng được mến yêu.
Song có lẽ trong cuộc đời của mình, chị đã đến với khoa học tự
nhiên như một ân nghĩa chân nền, sáng tác tranh là cách sống còn với thơ là ám ảnh
thi ca... Nỗi ám ảnh vương mang dìu dịu nhưng theo suốt cuộc đời, gắn bó suốt
cuộc đời. Ngoài những tập thơ in chung, chị có nhiều tập thơ của riêng mình
như Khi tình yêu đến - 1988; Đóa quỳ hư ảo - 1991; Sương
bụi tình yêu - 1997... Năm 2020 chị cho ra mắt tập Thơ - Họa Em
lạc đâu sao Kim khá ấn tượng. Đây như là một tri ân của tác giả với con chữ
và nét vẽ vậy. Tri ân bởi ngôn từ và đường cọ đã làm nên một tên tuổi Lê Thị
Kim cùng những bức tranh lóng lánh sắc màu gợi cảm quyến rũ, những vần thơ tỏa
sáng lung linh huyền diệu như ánh sao đêm.
Bài viết này đề cập đến mảng thơ trong ấn phẩm mới này của chị.
Thơ Lê Thị Kim cứ vấn vít ý tình và dư ba âm điệu: Tà áo
em trôi - trời xô lệch/ Cả lòng ta cuốn với chiều say/ Tứ thân một dải đà ngây
dại/ Huống hồ chìm nổi bốn dòng mây/ Em đi khép mở manh yếm mỏng/ Che chắn ỡm ờ
vai lá non/ .../ Em cười mà lòng ta má lúm/ Câu ca quan họ cứ tròn xoe (Câu
ca quan họ trong chiều tứ thân).
Bài thơ đã cuốn người đọc vào lễ hội trong sáng, bừng khởi của
quan họ theo cách thật hấp dẫn và đầy gợi cảm... Những câu thơ cột níu lòng ta
vào câu ca quan họ cùng với người con gái mộng yêu. “Em cười mà lòng ta má
lúm” là đỉnh điểm của cảm xúc ấy, để rồi “Câu ca quan họ cứ tròn xoe” như
một ngỡ ngàng của vượt thoát thanh tao.
Có tia mắt nhìn hẹn đợi/ Theo em khắp nẻo đường đi/ Nhắc bước
chân em vội vội/ Giục em nhớ nẻo đường về (Đừng như sương khói).
Ánh nhìn đã là “đặc sản” của nhà thơ Lê Thị Kim từ rất lâu rồi: Đừng
nhìn em như thế/ cháy lòng em còn gì/ sự nồng nàn của bể/ cuốn mất hồn em
đi (Đừng nhìn em như thế). Tia nhìn nay có khác nhưng tình vẫn đắm
say. Xưa em bị cuốn hút, nay em không thể rời xa. Hoàn cảnh và tâm thế khác nhưng
vẫn còn đó trọn vẹn một tình yêu. Khác chăng xưa yêu bão lửa còn nay yêu bờ bến,
vấn vương. Bởi nên “Có tia mắt nhìn hẹn đợi” đã thành sự quấn quýt, luyến lưu,
nhung nhớ và thủy chung của tình yêu trong thơ Lê Thị Kim như một “đặc vị” khó
quên.
Em gầy như cọng gió heo may/ Chợt bước nhẹ giữa đời ta giông
bão/ Ta bỗng thấy cần hơi may ấy/ Chốn trú chân cho một kiếp đi về. (Thơ)…
Bằng một liên tưởng thú vị và dự phần hư ảo, Lê Thị Kim đã tạo ra một tương cảm
bất đối xứng nhưng đáng yêu đến nao lòng. Những ao ước trong đời đôi khi cũng
nho nhỏ vậy thôi mà sao khó vô cùng. Với Lê Thị Kim, “em” thơ đôi khi chỉ cần một
tứ, một vần, một khắc khoải là nên duyên, thơ luôn ám ảnh chị như thế trên đường
đời, ngả thơ.
Con chuồn kim mầu chỉ/ Lặng lẽ khâu tháng ngày/ Vườn tôi đang
rộng mở/ Tha hồ chuồn kim bay. (Viết cho chuồn chuồn kim). Hình ảnh của
câu thơ khá thú vị mà đầy suy tư, “khâu tháng ngày” là một nỗi niềm vừa trăn trở
vừa vương mang nhưng đầy bao dung và nhân ái. Dù vui hay buồn, sướng hay khổ
thì đều cần khép lại cánh cửa thời gian quá khứ để mà hướng tới con đường tương
lai, quên để nhớ và nhớ để mà quên chính là một sự “lặng lẽ khâu tháng ngày”. Một
tấm lòng vị tha: “Vườn tôi đang rộng mở” tha hồ để ta và người cùng khép lại những
ám ảnh sân si...
Hình ảnh so sánh trong thơ Lê Thị Kim luôn sinh động. Giữa
thiên hà chuyển xoay/ Em là vì sao thốt tắt/ Hay mới mọc/ Giữa thiên hà mắt
anh/ Cớ chi rực sáng khát khao người (Khi định nói yêu em)… Vì sao “thốt tắt”
hay “mới mọc” đều bừng cháy những khát mê. Thốt tắt - đam mê của một thiên hà
chuyển xoay, mới mọc - được chào đón bởi thiên hà nhân gian lung linh, kỳ diệu,
nơi hiện hữu tinh thần. Sự “thốt tắt” hay “mới mọc” đều là nút nhấn, là khoảng
bùng phát của cả ánh sáng thường và ánh sáng tâm linh, là chỉ dấu son cho một
chặng đường trong cuộc trường chinh... đó chính là bước chuyển dời tâm thế để
vươn tầm tâm thức vô ngã vô ưu.
Không có khuôn mặt nào đẹp, dịu dàng bằng khuôn mặt tình
yêu (Buổi sáng). Một chân lý tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ
dàng thốt lên được. Khuôn mặt “ngụy tình yêu” vốn dĩ được che đậy bằng rất nhiều
ngôn từ cùng sự giả dối đến mức hệt như khuôn mặt của tình yêu. Chỉ có tình yêu
mới nhận diện được khuôn mặt đích thực của tình yêu, cũng chỉ có tình yêu mới
thấu cảm và hiểu lẽ vô thường bởi tình yêu...
Trong thơ Lê Thị Kim, tình yêu thổn thức, mênh mang với con
người và thiên nhiên. Cà phê uống giữa đêm huyễn mộng/ Ta cầm thìa múc ánh
trăng non/ Một mình - một mình chẳng đủ bàn tay ấm/ Thêm tiếng dương cầm - bớt
giá băng (Cà phê 2). Một siêu hình nho nhỏ trong một thực tế ảo mờ cùng nỗi
cô đơn nhưng đã mang tính khái quát cao. Trong một tứ thơ có cả nỗi vương vấn,
sự huyễn hoặc và nốt chấm phá bất ngờ của âm nhạc, Lê Thị Kim thật xuất sắc
trong tia cảm chợt lóe của mình. Thi ca hay hội họa đều cần đến những phút cô
đơn thăng hoa. Âm nhạc cũng không ngoại lệ nhưng ở đây âm nhạc đã dự phần cứu
cánh bởi không dễ ai có thể ngự mãi trên đỉnh tuyệt đối cô đơn, họ phải sống để
thấu cảm và hòa cảm với đời, với người và với thiên nhiên vốn dĩ hào phóng muôn
trùng...
Tiếng run rẩy của những cánh hoa bươm bướm/ Tiếng vỗ cánh
mong manh của những chú chuồn kim/ Như một ngày nào tôi đã lắng nghe/ Tôi đã ngắm
nhìn/ Khi - Tựa - Bên - Vai - Người - Ấy (Chào Nhâm Ngọ). Sự tinh tế
đến mức “mong manh” như tiếng vỗ cánh của chú chuồn kim hay tiếng run rẩy của
những cánh hoa có lẽ đã là đạt đến “thần cảm” rồi, ta ngơ ngẩn, thẫn thờ cùng
thơ chị... để rồi hiểu thêm lẽ huyền vi của tạo hóa khi tình yêu dịch chuyển về
phía vô biên... “Vai - Người - Ấy” chính là tình yêu của ta bên ngoài ta được
khái quát theo cách đáng yêu nhất tựa như khuôn mặt của tình yêu vậy.
Cô đơn trong thơ Lê Thị Kim luôn là nỗi cô đơn lạc
quan. Thích ai.../ Thích ai - lá rớt vào tay/ Chợt nhiên không thích - lá
bay về trời/ Như giờ - Như giờ... tôi... chỉ mình tôi. (Lá trời)… “Lá trời”
như một huyền nhiệm linh thiêng của tạo hóa ban phát cho con người. Một ngẫu
nhiên trong một tất nhiên để thành một phần số an bài. Chấp nhận và an nhiên
như một cứu cánh không cần phản biện, đó là bản năng trữ tình trong thơ chị. Lê
Thị Kim đã trải tâm hồn cùng thơ theo cách thẩm thấu, tinh lọc nhất…
Lê Thị Kim hòa giọng cùng thiên nhiên theo cách gần gũi, nhẹ
nhàng và tinh tế nhất: Mùa đông - tay trong tay chiều giông tố/ Em là tia
nắng băng ngang trời/ Em là tiếng hát xui ta cười/ Em là bóng tối/ Em là bóng tối...
cho ta ngồi nghe ta (Em cùng mùa đông).
Ngỡ chỉ như những ví von liên tưởng bình thường nhưng lại là
một đúc kết từng trải, một triết lý sâu sắc và cực kỳ tinh nhạy. Khi “em là
bóng tối” thì cảm nhận mới vượt thoát hay thăng hoa... Đây chính là sự hấp dẫn
và sắc sảo trong thơ Lê Thị Kim. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một “ta ru ta ngậm
ngùi” thì thi sĩ Lê Thị Kim cũng có một “Em là bóng tối/ Em là bóng tối...
cho ta ngồi nghe ta” đầy nỗi niềm ám ảnh vấn vương...
Con trai bé bỏng/ Con là sáng tạo của ta/ Nhưng/ Chính con đã
sáng tạo lại ta./ Muôn lần sáng tạo/ Như mỗi ngày ta lại được mới ra (Con
trai bé bỏng)… Từ hiện thực rất đỗi thân yêu, nhà thơ đã phát hiện ra sự
sáng tạo song lập giầu thức tỉnh và vô cùng thi vị. Cha mẹ sinh con đâu chỉ là
sáng tạo của riêng tạo hóa mà còn là sự sáng tạo tâm thức của chính con người.
Mẹ truyền dẫn tinh thần và cha nâng đỡ tinh thần ấy từ khi con mới buổi đầu
phôi thai. Để rồi khi tình yêu được kết nối bền chặt thẳm sâu thì chính con lại
truyền dẫn niềm tin và động lực sống mãnh liệt cho mẹ cha. Tình yêu con và tình
yêu của con đã thay đổi và sáng tạo tâm thức cho mẹ cho cha... Sự mới ra mỗi
ngày mang ý nghĩa sáng tạo của tình yêu thương nhưng đầy triết lý…
Cũng như xuân cứ đến lại đi/ Như hạnh phúc có ai ghì lại được/
Như ta đây cứ ngỡ Ta - là - điều - có - thực/ Cái phẩy tay của trời ta đã hóa
hư vô. (Điều có thật).
Tỉnh thức tâm linh nhiệm mầu chính là bến đỗ tinh thần cho
thi ca. Bằng niềm tin có biết bao nhiêu hiện thực được thi vị hóa. Không có niềm
tin, biết bao chân lý bỗng mù mờ. Bởi nên ta là điều có thực nhưng rồi ta cũng
là hư vô khi “cái phẩy tay của trời” chợt đến, chợt đi. Vừa là một tự nhắc nhở,
một nhắn gửi, vừa thực vừa hư ảo, tác giả đưa ta về với con đò tĩnh tâm, an
nhiên hướng tới vô thường theo cách biến chuyển đầy dũng khí.
Lê Thị Kim luôn mượt mà ấm áp, ấm áp ngay cả với nỗi cô
đơn... đó là điều tuyệt vời nhất. Thơ chị không quá lạc quan cũng không bi lụy,
khômg hào hùng mà cũng chẳng tịch liêu. Thơ chị nhẹ nhàng, đôi chút cô đơn. Bút
pháp giản dị, không cầu kỳ câu chữ nhưng ý thâm trầm và tứ rất giầu triết luận.
Triết luận theo cách thật tự nhiên không bị gò ép hay biểu đạt rối rắm. Từng
câu từng ý cứ tự tỏa hương như hoa trái đến mùa, quanh năm muôn loài đua vụ,
luôn tình tứ và thật đáng yêu. Thơ chị cũng là những cảm ngộ sâu sắc và thức tỉnh
vượt thoát để đón nhận những diệu kỳ mà cuộc sống ban tặng hoặc đánh thức cõi
lòng. Từ trong những lóe sáng của tinh thần, chị đã cần mẫn, nhẫn nại xếp đặt,
thổi hồn vào câu chữ để tạo nên nguồn sáng thanh nhẹ mà ấm áp, dịu dàng mà sâu
xa: Cuốn hút, dẫn nhập, khai mở và đưa đường. Với hồn thơ tràn sức sống của
trái tim yêu, sáng ý nghĩa của một tâm hồn đủ dịu nhẹ miên man của ngôn từ và
chất tơ vương tỏa trải dài cùng thơ, chị đã làm nên những cảm xúc đẹp đẽ, trong
trẻo từ những lý lẽ giản đơn của đời thường.
4/3/2020
Hoàng Đỗ
Nguồn: Văn nghệ số 11/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét