Người ta đưa xác thằng Long về đúng vào lúc giao thừa. Chị Sáu bàng hòang, xuất
mồ hôi hạn, tay chân bủn rủn. Chị rùng mình xuất vía ngay khi nhìn thấy xác
con. Cái đầu nó dẹp lép như cái bánh tráng, nhầy nhụa óc trắng, máu và đất. Một
tay và một cẳng chân bị gẫy nát. Không thể nào nhận ra thằng Long nếu nó không
mặc bộ quần áo hằng ngày. Chiếc áo sơ mi cũ cài lệch khuy phanh ngực. Chiếc quần
bò rách gối. Nó bị xe cán. Chị nghe người ta nói lóang thoáng rằng, nó uống rượu
say xỉn. Mới vừa gây gổ với bạn xong thì bỏ về, vậy mà bây giờ hồn nó đã lìa khỏi
xác. Người ta tìm thấy nó nằm ngay giưã lộ, ở một quãng đường vắng, bên cạnh vẫn
còn một chai rượu vơi quá nửa. Chiếc xe cán lên nó bỏ chạy không ai biết. Lúc
đó gần giao thừa, con đường quê vắng ngắt. Người ta bảo nó ra giưã lộ nằm. Nó vẫn
thường nằm như thế để thách đố nhà xe. Nhưng những lúc như vậy thường có bạn
theo canh chừng, không xảy ra việc gì. Còn lần này, bạn bè còn bên bàn nhậu đón
giao thừa, chỉ có tử thần đón nó đi. Đi đêm lắm
cũng có ngày gặp ma.
Xác thằng Long được đặt trên cái sập giưã nhà. Anh Sáu phủ lên nó cái khăn bàn
rồi vội đi lo áo quan, trình báo công an và xin thủ tục chôn cất.
Bây giờ đã là 1 giờ sáng mồng một tết. Mọi khi giờ này chị Sáu đang thắp nhang
cho ông bà, cầu bình an cho một năm mới. Nhưng giờ này, chị Sáu chẳng còn lòng
dạ nào để nghĩ đến bất cứ chuyện gì ngòai nỗi đau đứt ruotä về thằng Long. Nó nằm
đó .
Nó là thằng con chị vất vả như chưa từng ai vất vả như thế. Lúc nhỏ nó nghịch
ngợm chịu không xiết, chẳng chịu học hành. Gò riết lắm mới xong cái Tiểu học. Lớn
khôn một chút, lơi mắt trông chừng là nó bỏ nhà lêu lổng. Mười bảy mười tám tuổi
đã nghênh ngang như một tay anh chị. Có lần ngồi quán café, thằng Long gây sự
đánh nhau với đám thanh niên cùng quán, bị đi tù một năm. Nó đánh con người ta
té xuống , không tha, lấy gót chân dộng lên gực thằng đó, gẫy 2 xương sườn. Chị
tốn bao nhiêu là tiền. Tiền thuốc thang, tiền hầu tòa, tiền chạy chọt cho nó,
và thăm nuôi nó suốt một năm, bỏ cả công ăn việc làm. Những đồng tiền chị tích
góp được vỗ cánh ra đi theo nó. Chị nghèo đi vì nó.
Thằng Long mãn tù, chị phải cưới vội cho nó con vợ, để có người kềm chân nó. Chị
chịu đời không thấu. Đó là một con bé chẳng môn đăng hộ đối gì. Nối nào úp vung
nấy, chị nghĩ vậy. Miễn nó ưng là được. Nó đòi anh chị Sáu phải chia cho nó 5
sào rẫy, một cái xe Honda và làm cho nó một căn nhà, nhà xây cấp 4 hẳn hoi.
Tưởng thế là anh chị được yên thân. Chẳng dè, mới được năm trước năm sau nó đã
bán rẫy trả nợ. Thằng chồng tối ngày xay xỉn. Con vợ chẳng chịu làm lụng gì, cứ
thậm thụt số đề. Anh chị không nói được con. Nói nó, nó gây gổ hỗn hào. Chị phải
xuống nước, dịu ngọt với nó. Anh Sáu bảo, bà chỉ được cái binh con, con nó hư
là tại bà. Nhưng chị Sáu biết rằng, sinh ra thằng con ngỗ nghịch, đất không chịu
trời thì trời phải chịu đất, may ra dần dần nó sẽ biết lo làm ăn như người ta.
Hãy ẩn nhẫn. Bây giờ nó chết, để lại ba đứa con, con vợ đang mang bầu đứa thứ
4. Chị Sáu đưa đầu ra nhận lấy cái oan nghiệt thằng con để lại .
Sau đám tang thằng Long, Chị Sáu nằm liệt gần một tháng. Chị kiệt sức vì đau khổ.
Sự mệt mỏi, căng thẳng quá sức chịu đựng. Thằng Long chết đã vậy, chị không yên
lòng về con vợ thằng Long và những đứa cháu. Lại bắt đầu những ngày như thằng
Long còn trứng nước. Ba đứa cháu lau nhau đeo đẳng không rời, chị không làm ăn
gì được. Có lúc phát khùng, nhưng thương con thương cháu, chị ứa nước mắt ngẩng
mặt nhìn trời. Con vợ thằng Long vẫn nhởn nhơ …
***
Con sông Thạch Hãn chảy êm ả. Nó không thơ mộng như sông Hương, nhưng cũng đủ
chuyên chở những kỷ niệm một thời thôn nữ. Chị Sáu lớn lên bên con sông đó. Một
vùng quê nghèo, một mẹ một con, tần tảo qua ngày.
Tình yêu của chị với anh Tòan nảy mầm, xanh như những vạt cỏ bên bờ con sông. Cả
hai học cùng học trường làng, chung một lớp, chơi chung những trò trẻ con, cùng
tắm trên một quãng sông. Anh Tòan bơi rất giỏi và lặn rất lâu dưới nước. Chị rất
thích. Lớn hơn, cả hai cùng đi làm đồng. Ngày ngày qua lại nhà nhau như ra vào
nhà mình. Anh mồ côi, ở với ông cậu. Cậu Chín cũng thương chị Sáu. Cậu hay nói,
con Sáu hiền và siêng.
Đêm hôm trước khi chị theo anh về làm vợ, hai người ngồi bên bờ sông, lặng im
chẳng nói lời nào. Nước sông chảy rất êm. Vạt cỏ dịu mềm. Họ nhìn giòng sông rồi
nhìn nhau. Họ đã gần gũi nhau từ nhỏ, cùng hòan cảnh mồ côi, biết rõ tâm tính
nhau. Thuộc cả lối đi, khỏang sân, góc nhà, kẹt cửa của nhau.
Thế nhưng có điều họ không biết được: ngày mai sẽ thế nào. Chiến tranh mỗi ngày
một quyết liệt hơn. Vùng quê của chị đã tràn tiếng súng. Lo âu ngập tràn trong
ánh mắt họ nhìn. Tình yêu trở nên mong manh. Làm sao giữ được đời nhau, giữ được
tình yêu? Anh Tòan thắp một nén nhang, đặt mấy trái cây trên vạt cỏ, cả hai
cùng đọc một lời thề: ”Chúng tôi thề yêu nhau suốt đời, suốt kiếp. Ai lỗi lời
thề, sẽ phải sống khổ chết khổ. Xin các vong linh khôn thiêng qua lại nơi đây
và thần linh sông Thạch Hãn chứng dám cho lời thề này”. Đọc xong lời thề, cả
hai xiết chặt tay nhau, tâm hồn hân hoan. Có tiếng súng nổ rất gần. Cây nhang bỗng
lóe sáng. Thân nhang cong xuống. Họ cùng ăn những trái cây và cười khúc khích.
Họ tin rằng lời thề sẽ giúp họ giữ được đời nhau, dù mưa bom bão đạn có trút xuống.
Một năm sau con Thúy ra đời. Cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn. Làng mạc quê chị
bị bom đạn Mỹ xới lên tơi bời. Đau thương ập tới. Căn chòi của chị trúng bom, mẹ
chị bị chôn vùi, không tìm thấy xác. Anh Tòan vừa nhìn được mặt con thì hy
sinh. Anh ở trong lực lượng du kích xã. Du kích và bộ đội chủ lực tấn công cổ
thành Quảng trị. Anh bị thương nặng ngay trong đợt nổ súng đầu tiên. Đồng đội
đưa anh về. Khắp người anh loang máu, ánh mắt đã dại đi. Chị vuốt mắt cho anh rồi
cùng đồng đội vùi xác anh dưới một nắm đất đắp vội. Chị bồng con Thúy ra đi
trong đau thương, bàng hòang. Căn chòi bên sông, nơi anh chị chung sống, giờ ủ
rũ, thê lương, hoang tàn…
***
Năm 1972 chị bỏ Quảng Trị mà chạy vào Nam. Chiến tranh khốc liệt quá. Thân côi
cút bơ vơ, chị không chịu đựng nổi. Trong khỏanh khắc, chị mất hai người thân
yêu. Hai vòng tang quấn trắng trên đầu, chị gạt nước mắt mà đi. Chị tìm vào Tây
Ninh, nơi chị còn một vài người họ hàng xa. Ở đây có vẻ yên tĩnh. Chị được người
thân giúp đỡ tìm việc kiếm sống. Chị mơ hồ rằng đất này ở bên ngoài cuộc chiến,
có lẽ là nơi bình yên .
Chị chỉ mong được bình yên để nuôi con Thuý. Nhưng giấc ngủ của chị luôn là những
cơn ác mộng kinh hòang. Chị ú ớ ..Những tiếng bom nổ long trời, Đất tung tóe
lên trời, căn chòi của mẹ chị tan trong cát bụi. Lại một hình ảnh khác: đồng đội
khiêng anh Tòan về, khắp người anh loang lỗ máu , mắt đã dại đi, chị khóc rũ
người bên anh, con Thúy hai tay quơ quơ, ngơ ngác nhìn mọi người..ù
Đêm nào cũng vậy, sau cơn mơ kinh hòang, chị lại ngồi dậy, thắp nhang cho má và
cho chồng, lâm râm khan vái người chết độ mạng mẹ con chị. Căn chòi cũ và dòng
sông Thạch Hãn hiển hiện trước mặt.
Rồi cuộc sống lôi chị đi về phía trước. Mỏi mòn rồi cũng nguôi ngoai.Tất cả đã
là quá khứ, quá khứ là quá khứ, vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Có lẽ chị bị
sock nặng quá nên tâm hồn u ám chăng. Có người bảo, chị còn rất trẻ, không nên
tự chôn vùi như vậy, nào ích gì. Lúc ấy chị mới 25 tuổi .
Người ta ngắm nghía vụng trộm: “gái một con trông mòn con mắt ‘. Đời chị còn
sáng ở tương lai. Đường đời còn dài lắm. Chị là một bông hoa vừa nở, nồng nàn
hương sắc, mời gọi bướm ong, không dấu được lửa tình trong khóe mắt, môi cười.
Dáng người dong dỏng nuột nà, lại có vẻ e ấp, chị trở thành mục tiêu đánh chiếm
cho bao nhiêu kẻ khao khát tình yêu nơi đất này. Con Thuý còn quá nhỏ để níu giữ
bước chân chị.
Thế rồi chị lấy anh Sáu, chồng chị bây giờ. Đó là một con người đeo bám chị như
đỉa. Anh ta nói năng ngọt lịm, chiều chuộng chị hết cách. Gia đình anh ta có một
cơ ngơi kha khá. Có điều anh ta là một cảnh sát Sài Gòn bị kỷ luật. Điều này
làm chị áy náy. Chị biện minh rằng, anh ta tự bắn vào bàn tay phải, làm mất
ngón tay trỏ, không bắn súng được, bị sa thải, về làm ruộng trốn chiến tranh. Một
người như thế không phải là “kẻ thù “ của người chồng trước. Chị nhắm mắt bước
qua lời thề. Chị không biết rằng anh đã một lần từ bỏ người vợ ở Quảng Nam trước
khi về sống ở Tây Ninh .
Còn anh, anh không cưỡng lại được sự quyến rũ của chị. Anh không hề biết rằng
chị là vợ “Việt cộng “, chỉ biết chị là một phụ nữ trẻ, chồng chết, có một đứa
con gái nhỏ. Trong chiến tranh ở đâu cũng có những người phụ nữ chồng chết trận.
Chuyện ấy là thường tình đối với anh.
Đêm trước khi về làm vợ anh Sáu, chị lại mơ thấy anh Tòan. Hai người ngồi bên bờ
sông Thạch Hãn, lời thề còn đó, cây nhang cháy sáng. Chị lại thấy căn chòi cũ,
hình ảnh anh Toàn loang máu, nấm mồ đắp vội. Tỉnh dậy, chị thắp cây nhang xá
vong linh người chết rồi thức suốt đêm, ngồi nhìn vào khỏang không ảo ảnh. Sáng
hôm sau chị bước đi theo anh Sáu như một cái xác không hồn.
***
Chị Sáu rất thương thằng Út. Chị chăm chút, chiều chuộng nó mọi điều. Chị dùng
tình thương để giáo dục con. Chị tin rằng tình thương có thể cảm hoá được con
người. Chị có thể chịu mọi vất vả lam lũ, nhịn ăn nhịn mặc mà không kêu than,
miễn là thấy con mình được như con người ta. Chị Sáu ở một căn nhà ngòai thị trấn:
trông nhà, trông cháu và chăn nuôi con heo con gà. Anh Sáu làm rẫy cách nhà hơn
chục cây, chạy xe bỏ mối hàng cho các đại lý. Anh chị làm việc cật lực. Thu nhập
đủ chi cho sinh họat hàng ngày, ấy là lúc cây trái được giá và gia đình bình
an.
Tốt nghiệp lớp 9, thằng Út thích đi học Saigòn học lớp 10, chị sẵng sàng lo cho
nó. Tiền ăn học hàng tháng của nó tốn hơn ba triệu đồng. Số tiền có thể làm
chóang váng một phụ huynh ở nông thôn. Chị dè sẻn mọi đồng, tích góp từ xu. Chị
mong con có tương lai. Gửi được con vào trường tốt , chị yên tâm phần giáo dục
con. Thằng Long chết rồi, chị dồn tất cả tình thương cho thằng Út. Thời gian rồi
sẽ xóa nhoà đau thương, sẽ ươm những mầm non mới, sống khỏe hơn những nhánh tàn
lụi trước đó.Chị hồi hộp hy vọng ở thằng Út.
Thằng Út học được mấy tháng thì nhà trường mời chị Sáu lên. Trường báo kết quả
học tập của nó và trả nó về gia đình. Chị sững người. Trường không thể quản lý
nổi nó. Nó thường trốn nhà tập thể đi chơi, không chịu học và vô phép với thầy quản
nhiệm. Răn đe, giáo dục thế nào cũng không hiệu quả. Hết cách. Thầy thuốc đã thử
hết thang, đành bó tay từ chối con bệnh. Thân nhân liệu mà tìm thầy khác.
Chị không tin điều ấy, không tin con chị lại hư hỏng như vậy. Cũng có thề nó sống
xa gia đình, lại chịu đựng cách quản lý nghiêm nhặt như trại lính của nhà trường,
thành ra vậy chăng. Chị đem con về, xin cho nó vào học ở một trường gần nhà để
chăm sóc con.
Công việc lại quấn lấy chị. Thằng Út đi học tối ngày. Hỏi nó, nó bảo nhà trường
phụ đạo. Thấy Nó chăm học, chị cũng mừng. Nhưng mà có khi nó vắng nhà ban đêm,
chị không biết nó đi đâu. Hỏi nó, nó bảo đến nhà bạn cùng học bài cho vui. Theo
bạn học tập ,vậy thì được. Chị tin con như tin chính mình. Luôn bao dung che chở
con. Có người nói eo xèo rằng thấy nó chơi với bọn hút chích. Chị nắm tay con,
kéo ra chỗ vắng hỏi nó. Nó bảo, ấy là người ta đặt điều. Đúng là nó có chơi với
bạn, nhưng nó không có dính dáng gì đến chuyện hút chích. Chị vỗ về nó: đừng dại
dột nghe con. Nghe mẹ đi, chịu khó học hành, muốn gì mẹ cũng sắm cho. Chị theo
dõi nó. Ở nha nó không có biểu hiện gì khác thường. Nó ngoan ngõan hơn là đàng
khác. Chị chép miệng: thiên hạ đặt điều.
Sáng sớm hôm ấy công an khu vực đến nhà tìm thằng Út. Chị Sáu bảo: nó đi học.
Công an bảo: nó không đến trường. Chị hớt hải: có chuyện gì không mấy chú? Công
an nói: nó là đối tượng hút sách, phụ huynh phải răn đe giáo dục. Nghe vậy chị
Sáu chới với!
Anh Sáu nghe tin rất giận. Cơn nóng bốc lên khiến anh có thể đập thằng Út chết
ngay, may mà nó không có nhà.
Trưa hôm ấy thằng Út đi học về, anh Sáu bắt nó vào trong rẫy ở với anh. Anh trực
tiếp quản. Anh đến trường xin phép cho nó nghỉ học một tuần. Chị Sáu xót ruột lắm,
chỉ sợ anh nặng tay với con, nhưng chị không dám can anh. Anh bảo, chuyện gì chứ,
công an họ đã báo thì chắc chắn là có vấn đề. Mình không thể thiếu trách nhiệm,
bà để tôi.
Anh lấy xích, xiềng cẳng thằng Út lại trong một căn chòi ngòai vườn. Căn chòi
cách chỗ anh ở chừng 50 mét, gần đường đi, nơi anh thường ngủ canh trộm coi vườn.
Anh đem cơm cho nó ngày 3 bữa. Suốt tuần lễ liền, anh chẳng thấy nó kêu than
gì, chỉ ăn với ngủ. Chị Sáu vào thăm con thấy vậy, tội quá, cằn nhằn sao anh xử
nặng với con. Chị xin anh cho nó về đi học. Thằng út vui như mở hội.
Thực ra, anh Sáu không biết. Khi nó biệt tích thì bạn bè đến nhà tìm ngay. Chị
Sáu vô tình kể lể chuyện nó bị xiềng trong rẫy. Thế là chúng liền mò vào. Bọn
quỷ xứ này, thiên đàng địa ngục chúng còn mò tới được, huống gì từ đây vào rẫy.
Chúng nấp nom ở bên ngòai hàng rào, ném cục đất vào chòi để bắt tín hiệu với thằng
Út . Chúng quan sát cái cách đi về quản lý của anh Sáu. Chúng biết ngày nào anh
cũng về nhà vào một giờ khắc nhất định. Anh về mua sắm những vật dụng cần thiết.
Khỏang trống quản lý ấy là thời cơ chúng lén tiếp tế thuốc cho thằng Út. Vì thế
suốt tuần, thằng Út ăn no ngủ kỹ. Anh Sáu không thấy nó có biểu hiện bị vật vì
thiếu thuốc. Anh thả nó ra.
Cuối năm học , ngay trong ngày bế giảng, công an đến báo anh chị Sáu thằng Út bị
bắt quả tang đang mua bán herôin. Nó đang bị tạm giam, chờ ra tòa.
Chị Sáu thực sự hỏang lọan. Anh sáu giận điên người. Sự xấu hổ và lo âu làm cho
Chị Sáu héo hon. Chị đã chờ đợi điều này từ lâu rồi. Chị biết rằng chị tự che dấu
mình bằng niềm tin mong manh. Có người mẹ nào lại tin rằng con mình hư hỏng.
Thằng Út bị tòa kêu án 5 năm tù giam. Ngồi dự phiên tòa xử thằng Út, lòng chị
như có dao cắt từng khúc ruột. Nhục nhã và đau thương không bút mực nào tả xiết.
Chẳng biết nó có sống sót nổi sau 5 năm trong tù hay nó sẽ bị vật chết vì thiếu
thuốc! Hai thằng con trai, một thằng chết tức chết tửi , một thằng sống khổ chết
dở. Lòng người mẹ nào chẳng héo khô …Chị không hiểu căn nguyên những nỗi thống
khổ ấy là do đâu.
Đêm trước ngày thằng Út ra tòa, chị Sáu lại mơ thấy người chồng cũ. Dòng sông
Thạch Hãn vẫn trôi êm ả. Đã mấy chục năm rồi còn gì! Những ám ảnh tưởng đã chôn
vùi từ lâu bỗng dưng hiện về. Chị sợ, sợ sự ứng nghiệm của lời thề xưa. Nhưng
chị lại xua đi. Chỉ có bọn trẻ con mới thề, vì chúng không biết rằng lời thề chẳng
có giá trị gì. Lời thề chỉ là để bày tỏ một khát vọng cháy bỏng. Mà khát vọng
thì không bao giờ thành hiện thực. Đời người có bao nhiêu là khát vọng. Người
chết thì đã chết rồi. Chị Sáu không cần phải giữ lời đã thề xưa…
***
Khi khách đã ra về hết, chị Sáu ngồi thừ người, hồn vía đã ở đâu đâu. Đầu óc chị
đặc cứng, không suy nghĩ được nữa.
Cảnh vật trước mắt chị bày ra đấy: sáu hộp quả bên nhà gái trả le ã. Họ từ hôn.
Đám hỏi thằng Hòang, con trai thứ ba của chị, mới cử hành tháng trước. Mọi chuyện
tưởng như đã xong đến 99 phần trăm. Vậy mà hôm nay họ đem trả lễ. Đại diện nhà
gái nói:
- Chúng tôi cũng biết rằng đây là sự việc xảy ra ngòai ý muốn của hai gia đình.
Âu cũng là duyên nợ của hai cháu. Các cháu có duyên với nhau, nhưng không có nợ.
Ông Tơ bà Nguyệt không se kết được. Chúng tôi cũng mong muốn được kết tình xui
gia với ông bà nhà đây. Ông bà là người thật là tình nghĩa, quý con quý cháu.
Chúng tôi nghĩ con gái chúng tôi nếu được là dâu con trong nhà ông bà hẳn là
phúc đức bao nhiêu đời nhà cháu. Chúng tôi cũng tiếc lắm, cháu Hòang hiền lành
chịu thương chịu khó, thời nay không dễ gì tìm được một đứa rể hiền như cháu…
Vị đại diện ngập ngừng:
-Nhưng xin ông bà cảm thông cho. Chúng ta làm cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm
lo cho hạnh phúc các con, nhưng chúng ta không thể quyết định thay cho các
cháu. Chuyện của các cháu, chúng tôi cũng không dám xen vào, các cháu là người
trưởng thành. Vì thế chúng tôi đành nhận lỗi với ông bà, cho phép chúng tôi được
gửi lại những gì ông bà đã dành cho gia đình chúng tôi. Chúng tôi xin rút lại lời
đính hôn với cháu Loan. Chúng tôi cũng ước mong rằng, không vì chuyện của cháu
Loan và cháu Hòang mà giữa người lớn hai gia đình chúng ta mất đi mối thiện hảo
đã có. Dù sao chúng tôi cũng xin nhận lỗi về phần mình và xin được ông bà thể
tình cho.
Chị sáu nghe họ nói rất ngọt, rất tình nghĩa, rất thuận thảo, không chê trách
vào đâu được. Nhưng mà họ dùng lời tình nghĩa để từ hôn. Nghe ra thì ý từ hôn
là do hai đứa, mà chắc là do con Loan. Nhưng nghe kỹ thì đó là cách họ nói đổ vậy
thôi. Chị Sáu biết hai đứa vẫn thương nhau.
Thằng Hòang học xong Trung học Chuyên nghiệp thì đi làm. Được một năm thì nó gặp
và yêu con Loan, dân thành phố. Được ít lâu nó về báo chị Sáu xin làm đám hỏi.
Chị sáu hỏi nó cặn kẽ:
_ Con nhỏ thế nào con?
_Gia đình đàng hòang. Loan là con gái út, có duyên. Tính tình dễ chịu.
_ Nó có đi làm gì không con?
_ Gia đình cho một kiốt làm tóc, làm móng tay móng chân. Thu nhập cũng được.
_ Ổng bả là người thế nào?
_ Dân thành phố, dĩ nhiên là họ khôn ngoan, nhưng là người đàng hòang. Ổng bả
có hai người con đi nước ngòai, một chị đi làm Nhà Nước, chị kế con Loan ở nhà
bán tạp hóa.
_ Má thấy, đó là một gia đình nề nếp, không dễ đâu con. Mình nên biết phận
mình!
_ Lúc đầu con cũng ngại …
_ Nhưng sao con lọt được vô nhà họ?
_ Con thường đến chơi, lúc nào con cũng giữ ý giữ tứ, họ thấy con hiền lành nên
có cảm tình. Con nói con đã học xong và đi làm. Gia đình ở dưới tỉnh, làm rẫy.
Họ bảo gia đình làm rẫy, có ruộng đất vườn cây chắc khá giả.
_ Con nói má xin làm đám hỏi, Liệu ba má lên hỏi, họ có chịu không ?
_ Con tin là họ chịu. Vấn đề là con Loan có chịu con không thôi. Mà con Loan,
con đã dò ý nó rồi, nó biểu anh cứ đưa ba má lên thăm dò ý kiến ba má em xem
sao. Đó là cái cách nó xúi mình tiến tới chứ gì?
Chị Sáu nghĩ, nhà mình đông con, lo được cho đứa nào thì mừng đứa nấy.
Anh chị sắm một lễ trà rượu, bánh trái đến gặp nhà gái để xem ý tứ họ thế nào.
Họ tiếp đãi lịch sự và thận trọng. Họ bảo, gia đình chúng tôi không câu chấp
giàu nghèo, miễn là hai đứa thương nhau. Họ hứa cho con Loan shop làm tóc hiện nay.
Hỏi cưới không đòi hỏi gì, nhưng phải đủ nghi lễ và tổ chức trân trọng.
Chị Sáu quan sát nhà cửa, xem xét cách họ nói năng cư xử: Cũng không quan cách
gì nhiều. Thằng Hòang lựạ được chỗ này thì tốt rồi. Họ thương con họ thì thằng
Hòang được ấm thân.
Đám hỏi diễn ra xuôn xẻ. Chị Sáu đi đủ sáu quả và một con heo quay. Chị chọn
bánh trái, trà rượi, trầu cau, lọai ngon và kèm theo 5 triệu tiền mặt. Đòan đi
đám chị nhờ những người lớn tuổi ăn vận lịch sự, đi đứng khuôn phép. Đó là cái
vẻ, cái danh dự cho thằng Hòang, keỏ nó bị khi dể. Mà chị cũng mát mặt một
chút. Nhà gái tỏ ra ưng ý.
Vậy mà họ từ hôn. Chị Sáu đau đớn lắm. Chị biết rõ nhà gái từ hôn không phải vì
nhà chị nghèo, mà vì những tai tiếng về gia đình chị. Người ta eo xèo. Thằng
Hòang kể rằng, ông bố vợ tương lai có gọi nó đến và hỏi chuyện mẹ nó lấy bố nó,
chuyện cái chết của anh hai, chuyện thằng Út bị tù , và cả chuyện con Huệ , em
Hòang, đang trọ học ở Sai gòn, nó sống thử với một bạn trai, thuê nhà ở riêng,
không thèm về nhà. Hòang chỉ ậm ừ cho qua, bởi đó là những nỗi đau không thể tỏ
lộ. Ông bố vợ vặn hỏi Hòang sao những chuyện như thế Chị Sáu lại dấu ổng. Thằng
Hòang chỉ biết im lặng .
Nhưng chị Sáu còn biết thêm rằng, đó chỉ là cái cớ bên ngòai, còn nguyên do bên
trong lại khác. Họ từ hôn thằng Hòang để gả con gái cho Việt kiều. Sau đám hỏi
con Loan một tuần, thằng anh ở nước ngòai về, dẫn theo một thanh niên về Việt
Nam tìm vợ. Anh ta giới thiệu em gái mình. Cả nhà thuê xe đi Đàlạt chơi một
chuyến. Sau chuyến đi ấy, Con Loan đổi ý. Thằng Hòang không biết, đến chơi như
mọi khi, con Loan tìm cớ gây sự. Thế là chia tay.
Thằng Hòang bị sock nặng. Nó tưởng rằng tại cha mẹ mà nó bị từ hôn. Nó đi ra đi
vào, nghẹn ngào nhìn cha nhìn mẹ. Chị Sáu an ủi nó:
_ Thôi con ạ, chuyện đã xong rồi! duyên số nó vậy. Không lấy con Loan thì lấy đứa
khác, con trai lấy đâu không được vợ.
Nó gào lên với chị Sáu:
_ Ba má sống ở đời làm sao mà để tụi con khốn khổ, nhục nhã như thế này!
Từ đó nó đi làm, cả năm không thèm về thăm nhà nữa.
Chị Sáu chết điếng trong lòng. Anh chị gây nhau một trận tơi bời vì chuyện thằng
Hòang.
***
Chuyện anh chị gây nhau đã bắt đầu từ lâu rồi, từ khi con Thúy có trí khôn. Chị
biết anh không thương con Thúy. Dầu vậy, ngòai mặt anh không xử tệ với nó. Chị
phải giữ ý giữ tứ từng chút. Mỗi khi mua sắm gì, chị phải mua đều cho sắp nhỏ.
Chị không để cho con Thúy quay rầy anh.
Sự hiện diện của con Thúy luôn gây cho anh điều gì đó bức xúc. Đã có lần chị
lén nhìn xem anh đối xử với con bé thế nào. Nó đến bên anh nương tựa. Anh bồng
nó, nhưng rồi thả nó xuống ngay. Anh đẩy nhẹ nó ra, nhìn nó rồi lầm bầm: tội
nghiệp. Anh không nuốt trôi được những gì đang nghẹn ứ trong cổ, cơn uất bốc
lên đầu. Người ta đàm tiếu “cảnh sát Sài Gòn nuôi con Việt cộng“. Anh cố hết sức
dằn lòng xuống. Bố con Thúy là ai? Anh không hề biết. Hãy để cho người chết được
yên nghỉ. Dù phía bên này hay phía bên kia, họ đều là người mình. Chiến tranh
mà! Nào ai tránh được bom đạn.
Chị Sáu không bao giờ tỏ lộ điều gì về người chồng cũ. Trong nhà, chị không để
di ảnh hay bàn thờ riêng cho anh, cũng không làm giỗ làm chạp. Chẳng ai biết
trong lòng chị, ân ái với người chồng cũ còn lại những g . Nhưng anh Sáu biết.
Tình của chị Sáu với người chồng cũ ẩn trong sự yêu thương bảo bọc con Thúy. Chị
Sáu chu tất mọi điều với anh, vì thế anh chẳng có cớ gì để gây với chị. Mà
không dằn vặt được chị, lòng anh ứ lên bao nỗi bực dọc. Bữa cơm không còn ngon
lành. Cái chén cái bát đụng chạm. Phần vì con cái mỗi năm thêm một đứa, nhà cửa
ngày càng luộm thuộm, phần vì tiền bạc thiếu trước hụt sau, phần vì tiếng ra tiếng
vào eo xèo. Chuyện làm ăn thất bại. Anh không còn giữ được bình tĩnh. Trăm sự
anh đều đổ lên đầu chị. Chị âm thầm chịu đựng.
Cho đến khi con Thúy học cấp 3, chị Sáu phải tính. Chị không thể giữ mãi những
bí mật về người chồng cũ với con gái, không thể để cho Thúy ở chung với dượng
ghẻ. Phải lo cho tương lai của nó. Chị về lại Quảng Trị làm hồ sơ ưu tiên cho
con. Dẫu sao nó cũng là con liệt sĩ. Nó phải được quyền hưởng cái phần xương
máu người cha đã hy sinh .
Quê cũ bây giờ khác nhiều lắm, Những căn chòi ngày xưa chẳng còn lại dấu tích
gì. Từ quốc lộ một, chị lần theo bờ con sông Thạch Hãn để tìm về chốn cũ. Kỷ niệm
hiện về như những nét mực tươi tắn. Chị đứng tần ngần bên bờ sông, nhìn khắp nơi.
Làng mạc thân quen xanh tươi. Nơi chị đang đứng là một mô đất có vạt cỏ mềm.
Hình như ngày xưa chị với anh Tòan ngồi ở nơi này, cùng đọc lời thề. Chị ngồi
xuống. Vạt cỏ êm êm. Chị mừng vui và ngậm ngùi. Chị cắm một nén nhang xuống đất,
nhìn khói bay bâng khuâng. Trong khỏanh khắc, chị như chìm vào một cơn mơ. Chị
nhìn rõ khuôn mặt anh Tòan lấp lóang trên dòng nước, anh cười rất tươi. Quá khứ
hiện về. Những bước chân tung tăng đến trường làng, nhưng cuộc chơi trẻ con, những
chiều tắm trên sông …
Có ai đó đến gần. Một người độ tuổi trung niên:
- Ủa chị làm gì ngồi đây ?
- À, tôi đi tìm người quen .. nhưng không thấy nhà.
- Chị tìm nhà ai?
- Nhà anh Tòan.
- Ở đây không có ai tên Tòan, chỉ có ông Chín đang làm trên Ủy ban. Ổng có người
cháu tên Tòan, chết lâu rồi.
Chị Sáu không ngờ cậu Chín vẫn còn sống. Gặp lại chị, ông già mừng rơi nước mắt.
Ông Chín vẫn gầy gầy như xưa, vẫn dáng dấp khắc khổ. Trông ông như một cây
xương rồng giữa xa mạc bom đạn. Con người bé nhỏ ấy lại chất chứa một sức sống
phi thường. Bom đạn như giông như bão vậy mà nó chừa ông ra. Ông bị thương hàng
chục lần nhưng chưa bao giờ phải nằm liệt. Ông mừng vì đất nước hết chiến
tranh. Nghĩ lại thấy thương những người đã nằm xuống.
Chị Sáu kể cho ông nghe tình cảnh của mình, và nói rõ mục đích chuyến đi. Ông
già trầm ngâm rất lâu, mắt ông nhìn ra xa:
_ Tội nghiệp thằng Tòan, phần số nó vắn quá, may còn lại giọt máu. Cậu chỉ tiếc
con lâm phải hòan cảnh khó xử như vậy. Âu cũng là cơ trời. Ăn ở cho khéo con ạ!
Đừng làm buồn lòng người sống, xong cũng không được ơ hờ với người đã khuất. Tội
nghiệp con! Người mình xưa nay lấy nghĩa tình làm trọng con ạ.
Con Thúy học xong Tú tài, nhờ có hồ sơ ưu tiê , nó được đi học chuyên nghiệp, rồi
đi lao động ở Đông Âu, Lấy chồng bên đó. Nó yên phận nó, chị Sáu thấy vui trong
bụng. Cũng chẳng mấy khi nó về thăm chị. Cuộc sống ở đâu cũng phải bươi trải.
Thương con, chị nghĩ vậy.
***
Bàn thờ được đặt sát nóc tầng gác của căn nhà. Chị Sáu dành riêng tầng gác này
kê một tủ thờ, bên trên có hình một con Mắt là biểu tượng của đấng Cao Đài. Mâm
ngũ quả lúc nào cũng tươi và đầy trái ngọt. Chị còn treo một cuộn nhang vòng,
khói hương toả thơm suốt tuần.
Ngày nào chị cũng dành ít nhất một canh giờ để tụng kinh và cầu Đấng Cao Đài phổ
độ. Đã mấy chục năm nay, chị ăn chay trường. Chẳng ai biết tại sao chị lại hành
xác như vậy. Người chị gầy guộc, kham khổ. Ở khuôn mặt chị chỉ có hai con mắt
và hai gò má. Hai con mắt buồn rười rượi, mệt mỏi. Hai gò má nhô cao, nó phô ra
sự bào mòn của thời gian và sức chịu đựng âm thầm của một kiếp người.
Cái thân xác gầy guộc ấy giờ đang mọp người trên một chiếc chiếu. Trên bàn thờ,
Con Mắt như nhìn thấu suốt linh hồn chị. Trong giờ phút thinh lặng như thế này,
chị Sáu biết rõ lòng mình hơn bao giờ hết, biết rõ cái căn kiếp khốn khổ của mình
là do đâu. Chị ngậm ngùi cay đắng. Kiếp người là kiếp khổ! Nó bị trói buộc
trong những hệ lụy không sao thóat ra được. Chị chỉ xin Đấng Cao Đài cho chị sự
bình an. Nhưng đấng Cao Đài vẫn thử thách lòng kiên nhẫn của chị, thử thách cho
đến khi chị kiệt sức mà từ bỏ cõi đời này.
Linh hồn chị cứ chập chờn trong bao nhiêu ám ảnh, hình ảnh này chồng lên hình ảnh
kia, quá khứ hiện tại lẫn lộn, sống chết tử sinh không có biên giới. Chị nhìn
đâu cũng thấy mênh mộng khổ ải…
Thằng Long chết chưa ấm mồ. Con vợ thằng Long sau khi sinh được bốn tháng đã bỏ
nhà đi, bồng theo đứa nhỏ. Đó là một bé trai kháu khỉnh, giống thằng Long y
khuôn. Nghe đâu nó đem bán thằng nhỏ… và đi theo một thằng khác, y hệt như lúc
trước nó theo thằng Long.
Chị Sáu nấc lên: Ơi con ơi! cháu ơi!...
Tháng 6/2004Bùi Công Thuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét