Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Về đâu hoa phượng

Về đâu hoa phượng

“Dặm nghìn nước thẳm non xa …”
Nguyễn Du
Buổi lễ bế giảng năm học kết thúc. Sân trường những ngày ào ạt tiếng nói cười giờ chỉ còn nắng vàng, soi bóng những hàng cây phượng đỏ rực. Lác đác còn vài cô cậu học sinh. Dưới những gốc bàng, chúng trao nhau cuốn lưu bút, cúi nhặt những cánh phượng rồi lặng im nhìn nhau chẳng nói điều gì. Vẫn biết rằng giờ phút này mới cảm thấy hết cái lưu luyến những tháng ngày đã qua. Nhưng giòng đời xô đẩy. Làm sao có thể ngồi mãi trên ghế đá để ôm ghì lấy kỷ niệm. Một lớp học sinh nữa lại ra trường. Năm này đến năm khác. Những lớp sóng xô vào bờ rồi lại rút đi. Lũ học trò tan vào lòng đời như muối tan vào lòng bể. Những con thuyền nhỏ giờ đây phải ra khơi, không biết sẽ đến được những bến bờ nào? Chắc sẽ không tránh khỏi giông bão. May ra, rồi sẽ thấy được ánh mặt trời. Kỷ niệm học trò chỉ còn là khoảnh khắc ngắn ngủi, những đốm sáng nhỏ nhoi. Sẽ chẳng còn ai gắn bó với ai. Đời là một cuộc vật lộn tử sinh, phải giành lấy cơm ăn, áo mặc. Cả những địa vị và bổng lộc. Chúng sẽ mặc những chiếc áo có con số. Những chiếc áo số phận. Có màu chói sáng, cũng có màu tím ngắt. Có màu thanh lịch bên cạnh những màu nham nhở tang tóc. Chẳng còn áo trắng thiên thần. Khuôn mặt chúng sẽ hằn lên những tỳ vết, hoặc chúng sẽ mang những mặt nạ , khiến chúng trở thành kẻ xa lạ với chính mình. Chúng là hiện thân của cuộc đời này…
Thầy Tâm ngồi một mình trong phòng nghĩ ngợi. Mùa hè đến, bao giờ cũng để lại trong lòng thầy những nỗi bâng khuâng khôn tả…
Có một cuốn lưu bút học trò để trên bàn. Cô cậu nào lại đưa lưu bút cho thầy vào phút cuối cùng này? Thầy ngạc nhiên.
Thầy Tâm cầm cuốn lưu bút, giở từng trang.
Không phải học trò đưa lưu bút cho thầy viết, mà là cuốn lưu bút viết cho thầy.
Trang thứ nhất:
“ Kính Gửi: “ thầy Tâm kính yêu …”
Trang tứ Hai: Tự bạch
-Họ và tên: Nguyễn Thụy Hiền
-Lớp 12 D
-Sinh: 1979
-Thích: ca hát, phim ảnh, du lịch .
-Món ăn khóai khẩu: bánh xèo .
-Lòai hoa yêu thích: Hoa Phù Dung và hoa Giấy
-Châm ngôn hành động: “bàn tay ta làm nên tầt cả “
-Thần tượng: Ca sĩ ĐT
-Ghét: cô giáo, ghét sự dối trá
-Ước mơ: làm ca sĩ
***
“ Ngày … tháng … Năm 1998
Có bao giờ thầy tự hỏi: ‘ Mình là ai “ không?
Đã có một thời gian khá lâu con tự đánh mất mình. Hôm nay, con giật mình. Thầy nói con có hai trái tim. Có những chuyện khó nói ra lắm. Có nói ra chưa chắc thầy đã tin. Mà thực sự là thầy không tin. Con cảm nhận điều ấy cụ thể lắm. Con gái mạnh về trực giác mà thầy.
Lần đầu tiên con gặp được thầy, một người đáng cho con kính trọng thực sự. Tài năng, tâm huyết cùng với sự quan tâm hết lòng của thấy với học trò, trong đó có con làm cho con tin thầy. Với con, những kẻ có tiền bạc, có địa vị, quyền chức càng cao, càng giàu sang thì con càng khinh bỉ họ…Trong số họ, tìm ra một kẻ chân chính... chắc có nước lòi mắt cá.
Con dành cho thầy tình cảm giống như một đứa con gái dành cho cha mình.
Thực sự trong lòng con chưa bao giờ có cha . Đó là khoảng trống , một thương tổn rất lớn đối với con . Không gì bù đắp được.Thầy biết rồi mà, ai cũng cần có một chỗ dựa tinh thần để mà sống tin yêu , nhưng đời con lại chòng chành . May mà con gặp được thầy.
Khi nói chuyện với thầy, con thấy dễ chịu. Vậy mà thầy đã làm cho con hụt hẫng ngay từ đầu …Thầy giữ thái độ lạnh lạnh, hơi lờ. Con nói gì thầy cũng chỉ ậm ừ và cười cười. Trong mắt con , nụ cười của thầy nó lạt lẽo và giả tạo. Chẳng lẽ thầy sợ con sao. Cũng có thể, vì con là con của một ông “cớm “.
Có nhiều lần vô lớp, thầy không hồn nhiên như thầy vẫn hồn nhiên... Làm sao con biết à? Aùnh mắt biết thổ lộ đó nha thầy, ánh mắt thầy xa xăm…
Thầy hay hỏi con: sao, có gì vui vẻ không? – không. Có gì buồn không? – không. - Có gì mới không? –không . - chuyện cũ còn không? – không .
Thầy bảo: Không vui, không buồn, không mới, không cũ, thế là hạnh phúc.
Con không nghĩ vậy. Con chẳng biết hạnh phúc là gì, nhưng con biết tại sao thầy lại hỏi con những câu lẩm cẩm ấy. Thầy định cạy răng con chứ gì, không được đâu. Thầy có cho con cạy răng thầy đâu, hì hì !
***
“ Ngày … Tháng … năm 1998
Có những lúc ngồi trong lớp học, con tưởng mình bị điên. Đầu con quay cuồng. Bao nhiêu chuyện đang vây lấy con, nhưng thầy không biết. Thầy bảo con hồn nhiên thơ trẻ. Thầy lầm rồi Thầy không thông minh như con tưởng cũng chẳng giỏi tâm lý như thầy học trong sách. Thầy không nhìn thấy những đau đớn trong tận cùng linh hồn con. Bề ngoài con lạnh băng là để che dấu một linh hồn ngập ngụa bóng tối. Thầy nói đúng. Trong con có hai con người, hai trái tim. Con chưa sống thật bao giờ.
“ … Ở lớp con là một cô học trò ngoan hiền nhưng về đến nhà thì con không còn tài nào kềm chế mình được. Chưa bao giờ con có được một phút yên vui. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Không biết lúc nào thì tai vạ khủng khiếp sẽ đổ xuống đầu Má và mấy chị em con. Đêm nào con cũng thấy ác mộng. Có khi con nhìn thấy trên trần nhà chờn vờn những móng vuốt của quỷ va dưới sàn nhà đầy máu tươi. Con kinh hoàng rú lên. Má con đến bên giường. Con ôm má, hai má con cùng khóc. Nức nở không thành tiếng. Đêm bao phủ những nỗi khiếp sợ.
Tự nhiên thầy nhắc đến ổng (ba con) làm gì chứ, lại còn bào chữa cho ổng nữa. Bao năm nay (19 năm) sống với cha ruột, con cảm thấy ghê tởm, khinh bỉ và khiếp sợ. Đó là điều con không nên nói ra. Nhưng đau thương mất mát ông gây ra cho má, cho chị em con quá lớn, và ngày càng chồng chất . Con chờ sự thay đổi, sự hồi tâm nơi ông. Nhưng con tuyệt vọng rồi.
Thầy có gặp ổng rồi mà. Thầy hình dung lại đi. Vẻ mặt ổng lầm lì. Hai mắt nhỏ và dài, độc địa như mắt rắn. Người cao to, da sần sùi. Cái bóng ông lù lù. Bụng ông trệ xuống và phồng to như bụng bầu, cái quần ông mặc trụt hẳn xuống. Đó là cái thùng bia rượu. Ổng đi nhậu suốt. Con người ông toát ra cái khí lạnh lẽo và dữ dội. Nó là tử khí. Uy lực của ông đè lên người đối diện là uy lực của tử thần . Ổng là một võ sĩ đai đen có hạng, lại là trại trưởng. Nghĩa là một con người đầy quyền lực, quyền lực của quả đấm và quyền lực do địa vị của ông đem lại.
Thầy biết không, hôm qua con đi Sai gòn có việc, không báo cho ổng biết. Ổng đến trường tìm con không thấy.Về nhà, ổng đánh má con một trận. Ổng bảo: Con hư tại mẹ. Ổng ngồi ở salong chờ con từ trưa đến chiều. Con vừa bước vô nhà, ổng sáng con liên tiếp... Những cái tát tai của ông như trời giáng. Con tối tăm mày mặt, quay quay rồi con té xấp xuống nền nhà. Có vài giọt máu nhỏ trên nền nhà. Máu từ mũi con đổ xuống. Con vẫn thường bị ổng đánh như thế. Ổng giáo dục bằng bạo lực. Lúc đầu con có kinh hòang, không phải vì bị ăn đòn, mà trố mắt nhìn ổng lúc ổng đánh con. Mắt ổng xanh lè. Con rợn người vì có cảm giác ổng muốn giết con, ổng dồn hết sức lực vào những cái tát. Tay ông quơ lên rồi chụp xuống như cánh tay một con cọp quất vào mặt. Cực kỳ hung bạo và tàn ác.. .Ông say máu người…”
***
“Ngày…tháng … năm 1998
Thầy bảo, con lạnh như giá băng …
Vì sao thầy biết không? Con là đứa con bị ruồng rẫy, xa lạ ngay trong chính gia đình mình, xa lạ gữa bạn bè trong lớp học. Và cả thầy nữa, thầy cũng rất thờ ơ với con.
Con chào đời chưa được bao nhiêu năm thì ổng đã đem chị em con vô trại, để chia cắt tình mẹ con của chị em con, để má con sẽ chết dần trong héo hon giá lạnh và sợ hãi. Tuổi thơ của con lớn lên trong những điều khủng khiếp. Chung quanh con toàn là phạm nhân. Một mặt con phải chịu sức ép của ổng, mặt khác, con phải chịu sự trả đũa của những người dưới quyền ổng.
Ổng xử với “phạm“ rất tàn nhẫn. Ổng coi họ chỉ là những con vật . Ổng có rất nhiều kẻ thù. Nhiều người ghét ổng lắm. Nhưng họ không làm gì được ổng. Họ dồn tất cả sự căm ghét ổng xuống đầu chúng con. Nhưng ổng không bao giờ biết.
Những ngày đó, con học cấp 1. Mỗi khi con bước ra đường, ai cũng biết con là con ổng. Họ nhìn con với ánh mắt khinh khi, thù ghét. Họ xầm xì về ổng. Những lời rất nhơ nhớp. Ở lớp, bạn con xa lánh, con cô độc suốt thời ấu thơ. Tụi nó nói ổng ác, ổng ăn hối lộ. Ổng bồ bịch hết bà này bà khác. Hôm nay nó rêu rao ổng chở bà này, mai chúng lại rêu rao gặp ổng cặp bà kia… nhiều chuyện lắm. Con thấy nhục và căm tức tận trong tâm can, căm tức bạn con và căm tức Ổng. Ổng làm những gì mà con phải chịu sự xỉ nhục như vậy? Ra đường, nhiều lần con bị người ta chọi đủ thứ vô người. Mặt con như bị hắt nước xình . Con đi, cái bóng đen của ổng rượt đuổi phía sau.
Má con phải chịu một cái án tử hình khủng khiếp hơn con nhiều. Ổng chửi má con như cơm bữa. Ổng túm lấy cổ má con, xách lên như xách một con mèo ốm rồi quăng má con xuống giường như quăng nhúm giẻ, chỉ thiếu điều vật má con một nhát cho chết, để hả cơn giận. Mà ổng giận gì? ổng bảo con hư tại mẹ. Ổng còn đay nghiến má con là đồ ăn hại, vì má con ốm đau luôn chẳng làm được việc gì.
Ở lớp, con không bao giờ chú ý học. Rất nhiều lần con bỏ học. Lớp 6, lớp 7, lớp 8 năm nào cũng thi lại. Năm lớp 9 con rớt tốt nghiệp. Con đau ê ẩm. Cũng chính lần rớt đau đớn đó, con người con thay đổi hoàn toàn.
Con ngày càng trở nên lầm lì. Trong con bắt đầu hình thành ý thức chống đối ổng, chống đối tới cùng. Tiếp đó là cái chết của chị Hai con. Con lại thêm một lần chao đảo, chút nữa con đã bỏ thi Tú tài. Con gần như suy sụp hòan tòan. Con rơi vào tình trạng hỏang lọan, kêu thất thanh mà không ai cứu ... Chính ổng đã gieo tiếng nhơ nhuốc cho chị Hai. Chị con chết trong tai tiếng nhục nhã: gái hoang.
Chị Hai con không chịu nổi ổng, đã bỏ nhà đi 5 lần. Có một lần đi tự tử bên hồ tắm. Chị con khờ lắm, chị uống thuốc ngủ nhưng lại uống chưa đủ dose, chỉ lăn ngủ ly bì. Người ta thấy vậy đưa vào bệnh viện xúc ruột. Chị con phải nộp phạt tiền ngu. Nhưng lần sau thì chị Hai đã đi thóat. Hôm ấy chị đi mua xăng. Chiếc Hon da chở một can xăng phía sau, từ trạm xăng vào rẫy. Đến ngã ba, chị quẹo gấp, bánh xe trượt cát. Chiếc xe lật nhào đè lên người chị, chân chị cài chặt trong bánh xe. Can xăng bung nắp, xối lên người chị. Chiếc xe bỗng bốc cháy. Đó là một quãng đường vắng. Khi có người tới cứu, dập tắt được ngọn lửa, thì chị đã chết. Xác chị Hai được đưa về nhà, con không dám nhìn. Một khối thịt cháy nham nhở. Khắp thân thể chị, da bị cháy, nứt nẻ, sùi mỡ, như một con chó thui già lửa. Con đau xót lắm. Ấn tượng về cái chết của chị ám ảnh con mấy tháng trời.
Lỗi là ở ổng. Ổng không nhận mà còn đổ lỗi cho con gái ổng hư hỏng. Con hận ổng đến xương tuỷ. Chỉ duy nhất chị Hai hiểu con, thương con. Chỉ có chị Hai mới chia xẻ với con mọi niềm vui nỗi buồn và che chở cho con. Cực khổ thì hai chị em cùng chịu. Chị Hai chết ổng hả hê lắm. Ổng bảo, đứa nào cãi ổng thì số phận sẽ như vậy. Cứ mở to mắt ra mà coi.
Ổng chỉ binh thằng Út thôi. Có lần nó trốn học, ổng đến nhà thầy chủ nhiệm của nó, đặt khẩu colt lên bàn rồi nói: con tôi mà ở lại lớp thì thầy không xong với tôi “. Ổng hầm hầm ra về. Thầy chủ nhiệm tái xanh mặt, ngồi chết trân. Dĩ nhiên thằng Út lên lớp đều đều. Nó vẫn trốn học đi chơi như cơm bữa.
Từ khi “người yêu“ ổng lên xe hoa, ông trở nên lạnh lùng và tàn ác hơn bao giờ. Uổng công xúc tép nuôi cò. Đó là một cô giáo. Cổ bòn rút của ổng không biết bao nhiêu tiền. Người ta bảo, ổng mua xe cho cổ, mua sắm nữ trang, chở đi chơi chỗ này chỗ kia. Từ khi cổ mới 22 đến khi 38 tuổi cổ mới chịu rời ổng. Đám cưới cổ, ổng cũng đi dự, ngồi trơ mặt nhìn “người yêu“ khóac tay chú rể đi qua đi lại trước mặt. Mọi ngưởi xầm xì. Thầy coi có nhục không?
***
“ ngày…tháng … năm 1998
Thằng Út em con, nó không màng đến chuyện gì trên đời này hết. Nó lao vào chơi bời.Theo bạn chui vào quán này rồi quán khác. Nó mới chỉ học lớp 8 mà đã thử thuốc thử bia. Nó uống cả rượu Tây. Con không biết nó có thử đến cái thứ chết người kia không nữa. Nó bỏ nhà đi bụi nhiều lần. Hết tiền, nó bán xe, bán đồng hồ. Nó bán cả đôi bông của con. Ở nhà với má, cái gì bán được thì nó bán hết. Má không nói được nó. Không mấy ngày không nghe người ta gọi điện đến mắng vốn má con. Không mấy ngày lại xảy ra một vụ đánh nhau, cả trấn lột học trò cấp 2.
Ổng đổ tất cả lỗi của thằng Út lên đầu con. Ổng bảo con không có trách nhiệm. Con thương thằng Út lắm, nhưng việc cảm hoá nó là ngoài sức của con. Ổng bắt con nặng tay với nó . Ổng mượn tay con, nhưng con không làm. Con biết ổng sẽ giết nó, và giết cả con, vì con bao che nó. Tại sao Ổng không dám nhận trách nhiệm làm cha?
Thằng út bỏ đi , ổng càng ngày càng hành hạ con, hành hạ má con. Ổng rủa xả không tiếc lời. Tội nghiệp, Má đau rề rề, nằm đó mà chịu đựng. Tối nào má cũng khóc. Má còn cầu kinh nữa. Con chẳng biết Má cầu ai và cầu những gì. Thánh, Thần, Tiên, Phật đâu không thấy, chỉ có ổng hiện diện như một hung thần. Quyền chức đem đến cho ổng sự hưởng thụ, bổng lộc ổng để nuôi gái. Còn tai tiếng dành cho gia đình. Má con lên tiếng thì ổng trấn áp. Ổng là Chúa, một bạo chúa, chỉ ban phát sự tàn nhẫn. Má nằm một chỗ lãnh đủ. Còn các con, “tẩu vi thượng sách“. Tụi con chỉ về nhà khi ổng không có nhà thôi.
Ngày nào đi về ổng cũng hù má. Khi thì ổng nói thằng Út đi giựt giây chuyền của người ta. Nó đang bị công an bắt. Một ngày kia ông lại nói thằng Út bị người ta đập chết. Nằm ngoài ngã ba. Người ta bó nó trong chiếu đó, bà ra mà ôm nó về. Ổng muốn giết má con trong những nỗi kinh hoàng bất tận? Ổng nói láo, ổng bịa đặt. Ruột gan con như lửa đốt. Má con cuống cuồng chạy ra ngã ba tìm em con. Chẳng có gì. Má con trở về sững sờ, như mất hồn. Thằng Út vẫn biền biệt…
Nhiều lần con tự nhủ sẽ không bao giờ kể cho ai nghe bất cứ điều gì về gia đình con. Vậy mà giờ đây, con lại kể với thầy. Con hiểu, người ta không thể chôn mình trong một nấm mồ cô độc và chịu đựng mãi sự tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn là sự tàn nhẫn, không thể biện minh. Ổng tàn nhẫn với tụi con, mà bảo rằng ỗng thương tụi con, quả là một sự mỉa mai muốn ói! Tàn nhẫn là bản năng súc vật. Tụi con đâu phải là con vật. Thầy nghĩ xem, ổng thương con ở điểm nào? Trong con không còn niềm tin nữa. Con chỉ tin vào hành động... Đừng ngụy biện với con. Người lớn chẳng chân thực bao giờ, họ luôn nguỵ biện, giả dối và tàn nhẫn, như ổng vậy?
Mỗi lần nhìn thằng em, con lại xót xa. Một lần kia, lúc giữa khuya, ổng lôi đầu thằng Út dậy và đập nó một trận. Lý do à, chỉ có ổng mới biết. Có lẽ ban ngày nó trốn biệt, ông phải tranh thủ xử lý lúc nó ngủ. Ổng dộng đầu thằng Út vô tường, Nó khuỵu xuống liền. Máu trên đầu nó chảy ròng ròng. Ổng giơ thẳng cẳng đạp thêm cho một đạp, nó lăn quay ra đất. Thầy biết không, lúc ấy con chẳng còn biết sợ là gì hết (lúc trước hễ gặp ổng là con chết khiếp). Con nhào vô phòng, kéo em con ra. Con lãnh đủ mấy cái bạt tai vô mặt. Con lầm bầm: ‘ba ác vừa vừa thôi! Ác giả ác bào, có ngày!‘. Ổng trợn ngược mắt, há hốc mồm, thóang nét bàng hòang nhìn con. Dường như ông vừa bị trúng một đòn vào tử huyệt. Con gái ổng chửi ổng.
Suốt 19 năm qua, đây là lần đầu tiên con mở miệng. Con nói đúng tim đen của ổng. Dĩ nhiên, con chuốc lấy một trận đòn thù, trận đòn “lịch sử“ của đời con. Đấy là sức mạnh quyền lực thú vật, ổng dùng để khuất phục con.
Sáng ra con vẫn đi học bình thường, nhưng trong lòng con , làm sao bình thường được.
Mấy ngày sau, tình hình còn căng thẳng hơn nữa. Nói cho đúng là chính con làm cho nó căng thẳng. Con làm đúng như lời ổng nói (từ nay ổng sẽ không ngó tới con nữa, đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Ổng coi như không còn đứa con này trong nhà nữa). Trước đây, mỗi lần đánh con, ông đều nói như vậy. Nhưng lần này con làm thiệt. Ổng tưởng con không dám hay sao. Sáng con đi học, trưa về nhà, mặt của ổng con không thèm ngó nữa chứ đừng nói chào. Con im lặng xem ổng còn ngó con không. Con tưởng ổng từ con thật, Ai ngờ mới sang ngày thứ hai, thấy con vậy, ổng nổi điên. Ông túm đầu con, dần con một trận nữa.
Thầy thử nghĩ xem con 19 tuổi đầu, đã học lớp 12, vậy mà ổng còn đánh con, vừa đánh vừa cố làm cho con nhục nhã. Nhân phẩm con bị xúc phạm cùng cực. Ổng xáng thẳng tay. Ổng giựt áo con cho bứt nút. Ổng quấn tóc con vào tay ổng như quấn giây thừng rồi ghì đầu con xuống, dúi con vào góc nhà. Con té ngồi, ổng lại nắm tóc dựng con lên và xáng một cái thẳng vô mặt, như võ sĩ đánh box, đánh một quả knock out. Con mềm nhũn và lăn ra nhà. Lúc con tỉnh dậy, ổng đã bỏ đi.
Ổng chơi trò bạo lực với con. Ổng không biết rằng: “ kẻ dùng gưom sẽ chết vì gươm”.
Thầy biết không, sau lần này, ổng thực sự chùn bước. Ổng “sợ “ con, thầy thấy có buồn cười không, không phải con sợ ổng. Dường như ổng nhận ra rằng bạo lực của ổng thất bại. Con đã từng thề độc là sẽ làm cho ổng phải tâm phục khẩu phục con. Nếu ổng hành hạ má con và các em con, thì dù chuyện gì, con cũng dám làm với ổng. Cái mạng này có mất cũng chẳng sao. (nói vậy chứ con sợ chết lắm ) nhưng sẽ có lúc con làm thiệt.
Con đang lo sau này khi con không còn ở trong nhà này nữa , thì không biết má con và hai em con sẽ sống như thế nào…Đó là một cái nhà lạnh ngắt, âm u, kinh hòang. Mỗi người là một thế giới riêng. Đã mấy lẫn con muốt thoát khỏi cái địa ngục trần gian này, nhưng thương má mà chưa dứt.
Lúc xưa nghe đâu ổng không có thương yêu gì má con. Trong một lần công tác chung gì đó, ổng hủ hoá với má con. Giữa rừng một mình, má lại nhỏ con, còn ổng thì như con hổ đói làm sao má chống cự. Thế rồi tổ chức buộc ổng phải hợp thức hoá chuyện vợ chồng. Vì con đường tiến thân, ổng không thể từ chối. Rồi tụi con lần lượt ra đời trong sự ghẻ lạnh của ổng. Má con không giàu sang không có nhan sắc. Má con cũng chẳng có gốc gác gì. Tham vọng công danh của ổng thì không có giới hạn, thành ra má là người cản trở con đường tiến thân của ổng. Hậu quả của sốt rét và thương tật làm má mất sức, đau yếu luôn. Ổng càng thất vọng. Khi ổng có quyền, có tiền, thì ổng sinh tật. Ổng muốn phá nát cái nhà này để đắp cao những tham vọng khác, nhưng không được. Căn nhà này trở thành địa ngục đày đọa má và các con.
***
“ ngày…Tháng …năm…
Thật là lạ, sao ổng và thầy đều cho rằng con đi công an là hợp lý. Cả hai người đều lầm. Con biết con rất dễ mủi lòng. Đọc đến đây chắc thầy buồn cười lắm phải không. Vì thường ngày con lạnh giá và cứng rắn lắm cơ mà, thầy chẳng thường bảo con vậy là gì. Con sẽ không làm công an được đâu. Tuy lúc nhỏ con cũng thích làm công an. Bây giờ, con nghĩ làm công an không dễ đâu… Giả sử có tên tội phạm nào gặp con, hắn làm giả bộ mặt đau khổ, chắc chắn con sẽ để cho hắn thoát thôi. Con không cầm lòng được khi thấy người khác đau khổ. Con đã nhìn thấy bao con người đau khổ trong tuổi ấu thơ của con, và cả con nữa, cũng đang triền miên đau khổ. Con không thể ra tay lạnh lùng như ổng được.
Thầy biết con thích nghề gì không. Con chỉ có một mơ ước là sau này trở thành ca sĩ. Con thích hát lắm. Con cũng thích vẽ nữa. Hồi nhỏ con có vẽ được mấy tập hình, đủ mọi loại hình: con người, núi sông, hoa cỏ, chim thú…Con nhớ chị Hai có đem mấy cuốn vẽ của con khoe với các bạn chị. Các chị khen con có hoa tay. Nét vẽ thật sống động. Lúc ấy con vui lắm. Nhưng có lần không biết sao ổng lại biết con thích vẽ. Ổng bắt con đưa mấy cuốn vẽ của con cho ổng coi. Con nhất định không chịu. Thế là lại ăn đòn. Ổng cấm con vẽ. Thật vô lý. Con vẽ thì có gì là xấu là có hại đâu, vậy mà ổng cũng cấm. Nhưng chắc có lẽ chẳng có ai trên đời này ủng hộ ước mơ con là ca sĩ đâu (Chỉ trừ có chị Hai là ủng hộ cho con, nhưng chị Hai chết rồi mà…). Nhưng con sẽ không từ bỏ ý định đó.
Thầy bảo, thế là con đang chạy theo ảo ảnh. Sắc màu và vinh quang của văn nghệ chỉ là ảo ảnh. Ý thầy muốn ngăn cản con chứ gì! Thầy sợ con đi theo văn nghệ thì hư hỏng chứ gì? Chẳng ai có thể làm con hư hỏng ngòai chính con. Con mơ làm ca sĩ, đó không phải là ảo ảnh. Thần tượng của con là một con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Anh ta là một người có chí tự lập. Mặc dù là con một, được gia đình yêu thương. Anh ta không chịu nghe lời cha đi theo con đường kinh doanh, mà theo đuổi ước vọng ca sĩ. Anh ta đã phải trả giá cho những tháng ngày long đong, đối đầu với bao nhiêu trở ngại. Bây giờ anh ta là ca sĩ nỗi tiếng và là một nhà đại sứ từ thiện…Thầy thấy thần tượng của con có đẹp không?
Thầy lại hù con bằng những câu chuyện nhân quả? Con rất khó chịu. Con không tin đâu. Nhưng thầy làm con suy nghĩ rất nhiều. Vì thầy nói chuyện có vẻ nghiêm túc. Và những chuyện thầy kể có vẻ là chuyện thật (con vẫn nghĩ, người lớn luôn nói dối và không có thiện tâm) Thầy còn bảo, cha ông nói rồi: “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Xưa quá rồi thầy! con đã nghe đầy tai những câu nói ấy rồi. Chẳng lẽ suốt đời con phải chịu cay đắng để trả nợ cho ổng hay sao? Ổng làm thì ổng chịu, sao bắt con chịu? Người ta còn bảo, Trời trả báo lên đầu con ổng, tại ổng làm ác. Chị Hai con chết mới chỉ là lời cảnh cáo thứ nhất của số phận.
***
“ Ngày …tháng,,, Năm…
Con biết thầy thích hoa hồng. Hoa hồng đẹp và kiêu sa! Nhưng con không thích. Con thích nhất là hoa Phù dung và hoa giấy. Con ao ước nhà mình có một vườn Phù dung và trước cổng là một giàn hoa giấy. Thật là tuyệt vời. Chẳng biết hoa Phù dung và hoa giấy có quan hệ gì với cuộc đời con không. Thầy thử nói cho con nghe với. “ Phù dung sớm nở tối tàn‘, người ta bảo vậy. Con không tin. Mỗi người đều có những sở thích, cái đó chẳng quan hệ gì với cuộc đời một con người, chẳng hạn con thích ăn bánh xèo. Một sở thích bẩm sinh. Chẳng lẽ cuộc đời con sau này sẽ “xèo“ một cái là xong! Con chỉ tiếc không có tiền để ngày nào cũng được ngồi ở vỉa hè ăn bánh xèo thôi…
Thầy có thích ăn bánh xèo không. Mỗi lần nghe đổ bánh, tiếng xèo xèo râm ran, khói bốc um lên, rồi mùi thơm làm chảy nước miếng. Lúc cho miếng bánh vào miệng, bánh giòn thơm, nước mắm pha, với rau sống nữa, thật là tuyệt thầy ạ. Con mà thi đậu ĐH thầy phải đãi con một chầu bánh xèo ăn cứng bụng đó nha. Thầy hứa nha. Thầy bảo thầy sẽ đãi một chầu kem khô. Thầy khôn quá trời. Kem thầy phơi đến bao giờ mới khô. Vậy mà con cứ hy vọng. Lần đầu tiên con khám phá ra nghệ thuật nói xạo của thầy.”

***
“ Ngày…tháng… năm…
Có một dấu hỏi to tướng không biết con có nên nói cho thầy biết không? Lúc con chào đời, ổng không nhìn mặt con. Ổng bỏ mặc con và má con ở ngoài bệnh viện. Má con tự bồng con về nhà. Rồi 19 năm qua ổng hành hạ con còn tệ hơn hành hạ một con chó. Ổng không coi con là con ổng. Chỉ má con là phải chịu đựng, không biết đến bao giờ. Đôi lúc con có tủi thân, thành ra con rất hỗn trong gia đình, vì con chịu hết nổi rồi. Thầy có tội nghiệp cho con không?
Con được biết ổng cũng đã gặp nhiều bất hạnh. Lúc ổng chào đời, người cha ổng (ông nội con) không hiểu lý do gì đã không nhận ổng. Bà nội có hai giòng con. Ổng bị mấy anh chị bên giòng kia ăn hiếp ổng dữ lắm. Ổng đã phải đi làm thuê làm mướn cực khổ. Nhưng ổng có tài. Mới 9,10 tuổi đã tự kiếm sống nuôi thân, nuôi cả bà nội, rồi thoát ly, giải phóng về, ổng làm lớn.
Biết được chuyện này, con có xót xa cho ổng. Thực ra tận sâu trong đáy lòng con vẫn dành cho ổng một chút tình thương .
Nhưng đã quá muộn rồi. Con với ổng bây giờ mỗi người ở một bên bờ vự thẳm. Chỉ chờ cả hai cùng rớt xuống vực.
Bây giờ con biết ổng rất cần sự chăm sóc. Ổng đã về hưu. Cũng đã lớn tuổi. Quyền lực không còn, bổng lộc cũng cạn, anh em đồng chí chỉ năm thì mười hoạ rủ ổng đi nhậu. Ổng bắt đầu đối diện với nhiều thứ bệnh tật nan y: tiểu đường, tim mạch, xơ gan…Thầy nói xem con nên làm gì bây giờ?
Con muốn sau này tự đi làm, vừa làm vừa học, cắt đứt mọi sự lệ thuộc vào gia đình. Con cũng biết rằng tự lập là rất khó, nhưng con sẽ cố gắng. Thầy bảo, con cứ níu lấy ổng. Ổng phải có trách nhiệm với con. Ổng có thế lực và quen biết nhiều, ổng sẽ lo cho con đi học Đại Học, ra trường ổng sẽ lo cho con một chỗ làm vững chắc, sẽ mau thăng tiến. Đó mới sự khôn ngoan.
Thầy nói nghe dễ dàng và thực dụng chủ nghĩa nữa! Con không bán linh hồn cho quỷ đâu! Con đã nói rồi, con không thừa hưởng ổng bất cứ điều gì, không nhờ vả ổng bất cứ việc gì. Có chết thảm con cũng không bao giờ cho ổng nhúng tay vào đời con. Ổng làm ổng hưởng, con làm con chịu. Con biết, con không có tương lai.
***
“Ngày…tháng … năm…
Con có bồ từ năm lớp 9 lận. Lớp con có một tên rất nổi bật. Hắn muốn làm ra như thế. Đầu tóc hắn nhuộm vàng. Hắn chẳng chịu học hành gì cả. Hắn cứ ngồi dòm con từ đầu buổi đến cuối buổi. Ngồi học mà con cảm thấy nhột nhột. Riết rồi cũng quen, con lại thấy tính của hắn hay hay. Con đã dành cho hắn những ý nghĩ tốt và tình cảm tốt. Nhưng con chưa bao giờ nói chuyện với hắn dù là học chung lớp cả năm. Vậy sao gọi là bồ được hả thầy. Nhưng hắn đã gửi hồn cho con rồi. Hôm vừa rồi hắn tỏ tình với con. Thầy biết không, con mắc cười quá, nhưng cố nhịn cười, phải cố lắm con mới nhịn cười được. Con thấy lòng mình lạnh ngắt như cục nước đá. Con nít mà nói chuyện yêu đượng, kỳ cục quá!
Năm lớp 10. Con có một ông “anh” ở cách chỗ con chừng 30 cây số. Sau thi lớp chín, con có lên chơi mấy lần. Ổng là bạn học của chị Hai, hơn con 4 tuổi. Lúc đầu thấy ổng, con hơi chướng mắt. Ổng còn con nít mà để hàm râu đen thui. Con chẳng hiểu vì lý do gì ổng lại thích con. Nhưng con nhất quyết không giao tiếp với người này. Con nghi ổng là hạng ngưởi “mắt sâu, râu rậm“, mặc dù con cũng chẳng hiểu rõ câu ấy nghiã là gì. Ổng thật đáng sợ, sành ăn chơi lắm, dù mới chỉ là sinh viên. Ổng xài tiền như nước. Ổng hay đến quán ăn gần nhà con để ăn nhậu và trồng cây si. Thầy biết rồi đó, chuyện nhậu nhẹt, hút thuốc đối với con là điều tối kỵ. Lúc nào ổng cũng rủ con đi chơi. Nhưng con chưa bao giờ đi. Con nghĩ nếu là con nai vàng ngơ ngác nào khác thì con đã sập bẫy rồi. Ổng giỏi các kiểu quyến rrủ rê con gái lắm. Ăn nói lịch sự, ga-lăng, chiều chuộng, chăm sóc chu tất và đáp ứng mọi nguyện vọng của đối tựợng. Nhưng ổng không che dấu được sự giả dối và tâm địa đen thui. Nhưng ổng lại tưởng tài tán gái của ổng sẽ làm con xiêu lòng. Ổng bỏ học, bỏ công chuyện từ thành phố về “thăm“ con, rủ con đi chơi. Con từ chối thẳng thừng. Ổng buồn ra mặt, phóng xe về thành phố. Sau này con còn biết ổng có ý định “cua “ luôn chị Ba của con. Thật là mắc cười, rõ là giống chó đểu.
Còn trong lớp 12 này, chẳng đứa nào ưa con . Chúng cũng né con ông “cớm“. Con chẳng cần. Số con đào hoa nhưng cô độc. Con ghét những đứa bạn học đòi son phấn, để quyến rũ bọn con trai. Chúng vắt mũi chưa sạch mà bày đặt bồ bịch. Với lại mỗi lần nghĩ đến, con lại hận. Chuyện bồ bịch của ba con.
***
“Mùa hè năm 1998
Con sắp bước vào cuộc chiến đấu mới. Con sẽ cố gắng hết sức mình. Không biết lần này thắng hay bại. Thầy nhớ cầu nguyện cho con thi đậu kỳ này nha (Con chẳng tin có thần, thánh, tiên Phật gì cả, chuyện bịa trong cổ tích mà, nhưng nhờ thầy cầu may). Con đăng ký ba trường: Hàng không, Tổng hợp, Ngoại thương. Nhưng con chỉ ao ước đậu Tổng Hợp.
Con đã từng nói ước g
ì con có người bố như thầy, mà có lẽ sau này, con cũng sẽ mãi mãi coi thầy như bố của con. Có điều này con muốn nói với thầy, con không thích nụ cười của thầy đâu. Nó hiền lành, độ lượng, nhưng lại che giấu một điều gì u ẩn và không thật. Lần sau gặp lại con, thầy nhớ sửa lại nụ cười nha!
Tất cả những gì về con, giờ đây thầy đã biết rồi. Nhưng giờ này con cũng đã ra trường, đã rời xa thầy, chẳng còn có dịp để nói chuyện với thầy nữa. Con chỉ mong qua những câu chuyện của con, thầy sẽ hiểu học trò và thương chúng hơn. Tâm hồn trẻ thơ là một thế giới mong manh. Sự tàn nhẫn và vô tâm sẽ hủy họai mọi ước mơ và hy vọng. Người lớn đã phạm vào những tội ác với chúng con, những tội ác không thể tha thứ!
Sau này khi con đi rồi, thầy luôn giữ gìn sức khoẻ. Con mong thầy luôn được an vui. Sẽ có thêm nhiều học trò mới ngoan hiền hơn con. Con sẽ cắm một bông hồng nhớ thầy trong ngày sinh nhật (dù biết rằng con sẽ quên). Ước gì thầy là bố của con. Tạm biệt bố của con... Bố có chúc con điều gì không? đừng nha bố. Con chẳng tin vào những lời chúc xã giao đâu. Thôi con đi…”
***
Cuốn lưu bút kết thúc bằng chữ “hết“. Câu chuyện chưa có phần kết.
Chuyện của Hiền còn dài. Nhưng đó là chuyện của “người lớn” về sau, không còn là chuyện học trò.
Thầy Tâm ngậm ngùi, lòng trĩu nặng xót thương. Ngoài sân, hoa phượng tơi tả trong mưa. Có một cánh phượng trôi theo dòng nước, không biết sẽ về đâu. Nhưng linh hồn phượng vẫn còn đây, trong những trang lưu bút này, như một lời tuyệt vọng gửi vào hư không.

5/2004
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú  Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham t...