Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Bàn thêm về vụ tranh luận xung quanh dự án Website của hội nhà văn

Bàn thêm về vụ tranh luận xung quanh
dự án Website của hội nhà văn

Trao đổi về bài “Thực sự có người phá dự án Website của Hội Nhà văn Việt Nam?” [1] của ông Văn Chinh.
Về chuyện dự án Website Hội Nhà văn, không biết hình thành từ khi nào, mà bây giờ nó gặp sự cố, bị ách tắc, mới được công khai trên mạngwww.trannhuong.com, rồi www.phongdiep.net, mà mới chỉ thông qua bài viết của ông Nguyễn Xuân Hưng (người được ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giao trách nhiệm tư vấn và thực hiện dự án), và bức thư phản hồi của cô Phan Thị Vàng Anh (ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn), rồi đến bài của ông Văn Chinh (nhà văn, nhà báo) gần như quy kết đổ tội hết lên đầu cô Phan Thị Vàng Anh, cho ta thấy vụ việc này quả là hệ trọng và rất cần bạch hoá, trong khi, cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam chưa hề có bất cứ thông tin gì cho hội viên chúng ta biết về chuyện này.
Theo tôi nếu muốn xem xét nguyên nhân và kết luận vấn đề này một cách nghiêm túc và khách quan, nhằm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, với tư cách hội viên, ta có quyền đòi hỏi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam công khai trên tờ báo Văn nghệ của Hội, trần tình về vấn đề này một cách thấu đáo, có trách nhiệm; tại sao ông Hữu Thỉnh quyết định phân công phân nhiệm cho ông Nguyễn Xuân Hưng đặc trách về dự án này với vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng mà trước đó không thông qua Ban Chấp hành? Ðặc biệt về phiên họp mà ý kiến phản biện của cô Phan Thị Vàng Anh mang tính quyết định, đi đến sự đồng thuận của Ban Chấp hành: dừng lại việc giao dự án đó cho ông Nguyễn Xuân Hưng tư vấn và thực hiện là đúng hay sai?
Còn thông tin mà cả ông Nguyễn Xuân Hưng lẫn cô Phan Thị Vàng Anh đưa ra khiến rất nhiều hội viên thắc mắc và thấy mơ hồ ở chỗ là: danh tính của hai vị thuộc Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư. Nếu quả thực có hai vị ấy xuống rút tiền lại, xin Ban Chấp hành Hội Nhà văn công khai cho chúng tôi được biết đích xác. Một điều nữa khiến rất nhiều người muốn tìm hiểu, đó là cung cách làm việc của các ban ngành liên quan, khi rót vốn và cả khi rút vốn cho dự án này, họ đã căn cứ vào những văn bản nào? Hay là đều do công lao vận động hành lang như ông Nguyễn Xuân Hưng đã tường thuật? Thêm nữa, có đúng là 2 tỉ ấy đã được rút về Bộ không? Hay chui vào túi ai? Ðề nghị Ban Chấp hành công bố văn bản rút tiền lại của các cơ quan bộ, ngành. Còn nữa, trong dự án này ai là chủ đầu tư? Hội Nhà văn Việt Nam hay là ông Nguyễn Xuân Hưng? Vậy tại sao khi ông Nguyễn Xuân Hưng không được chỉ định thầu nữa thì nhà nước bỗng rút lại vốn đầu tư (gần 2 tỉ VNĐ), trong khi đó Ban Chấp hành Hội Nhà văn vẫn chủ trương công khai và mời thầu rộng rãi, xem ai có đủ chuyên môn nhất, có giải pháp kĩ thuật tốt nhất, lợi nhất... thì làm cơ mà!
Trước khi có được những thông tin đầy đủ, nhiều chiều; khi các thành viên Ban Chấp hành, những người lãnh trách nhiệm của hơn 800 nhà văn giao phó, đồng thời cũng là những cốt cán của Hội Nhà văn, có quyền biểu quyết, theo dõi, bám sát vụ việc mà vẫn chưa phát ngôn chính thức, thì hà cớ ông Văn Chinh phải vội vã đến vậy? Ông Văn Chinh có biết những tội danh “phá (hoại) dự án”, “lòe (bịp)”, “phản dân chủ”, “là người nguy hiểm” [2]… mà ông muốn gán cho một bà hốt rác, một ông ăn mày thôi cũng cần phải có đầy đủ chứng cứ, chứng nhân, phải thông qua tòa án xét xử, chứ huống hồ người ông muốn gán tội là một cán bộ Hội Nhà văn (theo tôi) tuy trẻ tuổi, nhưng có bản lĩnh vững vàng.
Hơn nữa lập luận của ông không hề thuyết phục:
Cứ cho rằng cô Phan Thị Vàng Anh có ý đồ và hành vi “phá” dự án như ông ám chỉ, thế nhưng, cả thảy 6 uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn là hồ đồ cả ư, mà lại để cho cô ta hoành hành khuynh loát đến vậy?
Nếu ông Văn Chinh đã khẳng định rằng cô Phan Thị Vàng Anh căn vặn các chuyên gia tin học, về vấn đề giữa “cổng” và “báo” điện tử trong dự án là một thủ thuật tranh biện, thì là lành mạnh lắm chứ. Ðó là văn hoá tranh biện, vì bất cứ cử toạ nào cũng có thể sử dụng mọi thủ pháp tranh biện trong cuộc tọa đàm để đi đến chân lý cơ mà! Tại sao lại vu cho cô ta là “lòe”? Mà lòe ai? Loè các chuyên gia thì loè sao nổi? Còn với những người mù tin học thì loè làm gì? Phí sức!
Tất cả những phát hiện và phát ngôn của cô Phan Thị Vàng Anh hoàn toàn công khai giữa thanh thiên bạch nhật, đàng hoàng ngay giữa cuộc bàn tròn chính thức của cơ quan Hội Nhà văn, tôi tin rằng có biên bản đầy đủ, chắc cô ấy không thể chối bỏ trách nhiệm. Cô ấy không bắn lén, không nặc danh, không phao tin, vậy lẽ gì ông Văn Chinh rêu rao cô ấy là người nguy hiểm? Nếu căn cứ trong cuộc họp Ban Chấp hành nọ, ý kiến phản biện của một mình cô ấy đưa ra làm đảo lộn tình thế và khiến Ban Chấp hành phải tạm dừng dự án đang tiến triển để xem xét lại (như bài viết của Nguyễn Xuân Hưng), mà suy diễn cô ta là người nguy hiểm, thì quả là quá lời. Tại sao ta không đặt vấn đề ngược lại: có phải dự án đó còn có điều gì chưa ổn mới dẫn đến các uỷ viên trong Ban Chấp hành phải nhất trí với những thắc mắc của Phan Thị Vàng Anh?
Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Xuân Hưng nhớ lại (mặc dù độ tin cậy chưa biết đến mức nào): “Phát biểu về một vấn đề, không ít hơn một lần tôi nghe vị uỷ viên chấp hành trẻ nhất (Phan Thị Vàng Anh) này nói: ‘Tôi chỉ nói một lần thôi… Ðây là…’. Thế là thế nào nhỉ? Tư thế nào mới nói như thế chứ?" Chỉ qua chi tiết này mà ông Văn Chinh có thể gán thêm cho Phan Thị Vàng Anh một tội nữa: là độc đoán, là phản dân chủ.
Riêng tôi lại có quan niệm khác hẳn hai ông Nguyễn Xuân Hưng và Văn Chinh. Tôi cho rằng cô Phan Thị Vàng Anh đưa ra một mô thức thương thuyết cùng đối tác với yêu cầu súc tích, ngắn gọn, không lặp lại! Ðó là tác phong công nghiệp cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng phát biểu ê a, nhai đi nhai lại làm mất thì giờ của người khác, vốn trở thành đặc quyền của một số “nhà” có cương vị, hoặc thói tật của các “nhà” thích giải trình, thích tranh luận nhưng lại thiếu khoa học. Cô ấy đưa ra một nguyên tắc hành xử, một cách thức làm việc cho bản thân cô, mà có bắt buộc mọi người phải theo đâu? Các vị hoàn toàn có quyền bác bỏ không thèm nghe cơ mà! Hoặc hoàn toàn có quyền gạn hỏi khi cảm thấy lời lẽ của cô ấy khó hiểu và tối nghĩa chứ! Tôi còn chưa đi sâu phân tích đến sự đề đạt ấy là hữu ích như thế nào, nếu được mọi người áp dụng, sẽ rất hiệu quả cho công việc. Một tư duy mới – một tác phong văn minh trong phát biểu cần đến tốc độ, ấn tượng và hiệu quả! Mà tại sao người trẻ tuổi không được phép đòi hỏi? Mà phải có tư thế nào mới được phép đòi hỏi hở ông Nguyễn Xuân Hưng? Tại sao đòi hỏi đó lại là độc đoán, là phản dân chủ hở ông Văn Chinh? Việc cô Phan Thị Vàng Anh không bỏ phiếu, là quyền hợp pháp của một thành viên, có gì là độc đoán, phản dân chủ? Nhưng thôi, xét cho cùng, chúng ta đang bình luận trên những chi tiết hồi tưởng của riêng ông Nguyễn Xuân Hưng, một người vừa mới bị “loại khỏi vòng độc tấu”, câu chữ thực hư như thế nào còn phải xét đến bối cảnh của nó, chiết ra từng câu, từng đoạn trong tâm trạng bị ức chế như thế, liệu có chuẩn xác không?
Ông Văn Chinh hối hận vì đã trót bầu cô Phan Thị Vàng Anh vào Ban Chấp hành khoá vừa rồi, dựa trên bản luận tội của ông như tôi vừa trao đổi, đó là quyền của ông. Theo tôi, nếu theo dõi công việc mà Ban Chấp hành đã phân công trong nhiệm kỳ này, thì không muốn cũng phải công nhận rằng Phan Thị Vàng Anh có khả năng đoàn kết và quy tụ anh chị em hội viên. Cô và các cộng sự đã chứng tỏ khả năng, và nhiệt tình hơn hẳn các nhiệm kỳ trước, bằng chứng là thành công của các hoạt động có sáng tạo, mang tính đột phá. Phan Thị Vàng Anh đảm nhiệm công việc Ban Nhà văn Nữ và Ban Nhà văn Trẻ. Các thành viên cả hai Ban, cùng lực lượng cộng tác viên thường trực ủng hộ các hoạt động chuyên đề… đều là những nhà văn nổi tiếng và năng động. Thực tế cho thấy họ hiệp đồng, cộng tác với Phan Thị Vàng Anh đều hồ hởi và tự giác. Họ lần lượt đưa ra nhiều sáng kiến và đều được cô Vàng Anh coi trọng, phân trách nhiệm tổ chức các hoạt động mang tính tiên phong (chưa từng có): lần đầu tiên có sân thơ trẻ trong ngày thơ Việt Nam, lần đầu tiên có poster tác gia thơ được trưng bầy trong Văn Miếu, lần đầu tiên tổ chức Đại hội Nhà văn Trẻ tại Hội An, một quang cảnh mới - khác địa bàn Hà Nội; lần đầu tiên có bàn tròn văn nghệ (mỗi tháng) tại Thành phố HCM, lần đầu tiên mở các tọa đàm văn chương có chuẩn bị tham luận nghiêm túc dành riêng cho các nhà văn nữ và cho các nhà văn trẻ… Ðó là chưa tính đến các chuyến tham quan thực tế, giao lưu văn hoá và thâm nhập các tỉnh thành… đều được các anh chị em chung tay lập kế hoạch khai thác, thực hiện rất hiệu quả. Phan Thị Vàng Anh là một nhân tố năng động, sáng tạo, nghiêm túc và không vụ lợi trong bộ máy lãnh đạo đương nhiệm của Hội Nhà văn Nam.
Cuối bài, tôi muốn bày tỏ sự đáng tiếc của cuộc trao đổi này. Bởi lẽ, không giải thích nổi tại sao ông Văn Chinh góp ý cho thịnh vượng chung của Hội Nhà văn mà như đỉa phải vôi. Còn bởi lẽ ông Văn Chinh và cô Phan Thị Vàng Anh là hai bạn đồng nghiệp mà tôi đều quý mến.
Chú thích:
[1] http://www.phongdiep.net/.
[2] Các chữ in trong bài này đều là trích từ bài “Thực sự có người phá dự án website của Hội Nhà văn?” của Văn Chinh, và từ bài “Vì sao Hội Nhà văn chưa (không) có báo điện tử? (phần 1)” của Nguyễn Xuân Hưng.
Hải Phòng, 3/12/2007
Dư Thị Hoàn
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt “L’amour est au monde pour l’oubli du monde (Tình yêu có trên đời là để cho quên hết đời đi)” Paul...