Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Bàn về giao lưu và hội nhậpXXX

Bàn về giao lưu và hội nhập

Trong bài “Giao lưu, hội nhập văn học Việt Nam trong và ngoài nước” tác giả Tiêu Dao Bảo Cự viết: “người trong nước không được đọc hầu hết tác phẩm văn học của miền Nam trước năm 1975”, điều này hoàn toàn đúng nhưng đây không phải là vấn đề giao lưu mà là việc hoà giải với quá khứ của một dân tộc bị phân chia bởi những ý thức hệ mà nhà nước hiện hành chưa cho phép, nên nhiều tác phẩm của miền Nam trước năm 1975 đã không được in lại và phổ biến.
Thư viện Đại học Berkeley có mấy nghìn 
đầu sách xuất bản tại Việt Nam

Về người Việt ở hải ngoại, ông viết: “Ở hải ngoại, mấy ai được đọc tác phẩm của tác giả trong nước”. Nhận xét này theo tôi không đúng lắm vì độc giả sống ngoài Việt Nam nếu muốn đọc những tác phẩm trong nước thì việc tìm đọc không khó khăn mấy. Họ có thể tìm mua trên mạng hay nhờ người trong nước mua sách gửi qua. Nếu ai đi du lịch Việt Nam có thể đến một tiệm sách ở Sài Gòn hay các tỉnh thành tìm mua các tác phẩm ưa thích đem về nơi đang sinh sống mà không có vấn đề gì. Tác phẩm nào ở trong nước mà có lên mạng thì người Việt ở nước ngoài có thể tìm đọc dễ dàng. Ngoài ra nhiều thư viện đại học ở Hoa Kỳ như Cornell, Yale, U.C. Berkeley, U.C. Los Angeles có một lượng sách lớn đến vài nghìn đầu sách xuất bản ở Việt Nam.
Báo xuất bản trong nước được bày bán 
trong một cửa hàng ở San Jose, California

Còn để người trong nước được đọc những sáng tác của người Việt hải ngoại thì thật là khó khăn. Nếu có phương tiện, họ có thể đọc được trên mạng nếu không bị tường lửa hay công an mạng theo dõi. Việc mua những tác phẩm của tác giả hải ngoại, mà hầu hết nằm trong danh sách những tác giả “có vấn đề” với nhà nước thì ai mà dám mua sách qua mạng để bưu điện gửi đến nhà, vì làm thế không những tiền mất mà còn có thể mang hoạ vào thân. Tôi không rõ về hệ thống thư viện ở Việt Nam, nhưng tin là trong đó chẳng có mấy tác phẩm của người Việt hải ngoại.
Nhiều lần có bạn từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chơi, có người rất ham thích đọc sách Việt ngữ của những tác giả Việt kiều mà tôi có trong tủ sách. Biết bạn thích mà nhiều khi thời gian ở Mỹ không nhiều, tôi thật tình đề nghị với bạn là nếu thích cuốn nào tôi tặng cho đem về, nhưng các bạn đều từ chối với lí do sợ sẽ có vấn đề với hải quan.
Tôi rất quan tâm đến những bài viết bàn về giao lưu văn học của người Việt trong và ngoài nước, vì đây là vấn đề gây bức xúc cho nhiều người và nó phản ánh mối quan hệ giữa người Việt trong ngoài.
Nhưng nhìn lại quá khứ, chuyện giao lưu đã chẳng có gì vì nhiều lý do. Có thể cứ đổ tội hết cho lệnh cấm vận mà Hoa Kỳ thù nghịch áp đặt lên Việt Nam trong gần 20 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng bây giờ không còn cấm vận, Việt Nam đã vào WTO với những luật chơi quốc tế sòng phẳng, nhưng chuyện giao lưu cũng chẳng có bao nhiêu, mà có thể nói là chỉ có một chiều từ trong nước tuôn ra với CD, VCD, DVD ca nhạc các loại, với sách báo được bầy bán ở nhiều cửa tiệm ở California. Còn sản phẩm của người Việt hải ngoại được đưa vào Việt Nam hầu như chỉ có sản phẩm lậu, vì chính thức thì nhà nước cấm. Ngay cả như sáng tác của những nghệ sĩ thành danh như nhạc sĩ Phạm Duy, tuy đã về sinh sống hẳn nơi quê hương cội nguồn, nhưng những tác phẩm của ông vẫn chỉ có một số ít được chính thức cho lưu hành trong nước. Từ đó suy ra tương lai liệu có gì để chúng ta lạc quan hơn so với những gì đang xảy ra, nếu không có những thay đổi trong chính sách của nhà nước mà hiện nay có chủ đích kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt văn hoá tư tưởng của người dân.
Mà không chỉ những tác phẩm của miền Nam trước năm 1975 không được lưu hành, ngay cả những sinh hoạt văn học đương đại, nhà nước cũng cấm cản, như nhà thơ Hoàng Hưng đã nhiều lần viết trên talawas (ngày 1.7.2007 và 24.9.2007).
Bàn đến giao lưu và hội nhập văn hóa, Tiêu Dao Bảo Cự khẳng định rằng đó “không phải là điều xấu” và theo ông thì việc đó còn “rất cần thiết trong giai đoạn này”.
Nhưng sao đến giờ chuyện giao lưu giữa những người sáng tác trong và ngoài nước đã không được công khai cổ vũ mà chỉ là những chuyện “xé rào”? Lực cản này theo tôi nằm ở phía chính quyền trong nước. Vì nếu người trong nước không bị cấm cản việc nói hay viết lên điều họ suy nghĩ về giao lưu thì đâu ai phải nghĩ đến chuyện xé rào.
Tôi có dịp nghe nhiều người trong nước ra hải ngoại nói chuyện về phim ảnh, văn học và có nhận xét là điều họ nói ra trước công chúng có thể là đã bị kiểm duyệt hay đã tự kiểm duyệt, vì thế những phát biểu của họ rất dễ cho người hải ngoại hiểu lầm đó là những lời tuyên truyền. Nhà làm phim Trần Văn Thuỷ đến Đại học Berkeley nói chuyện trước một số khán giả mấy trăm người, thế mà đến cuối chương trình, gặp ông tôi xin phỏng vấn thì ông từ chối và còn nói tôi đừng viết gì về những điều ông phát biểu trong buổi sinh hoạt hôm đó (talawas 13.7.2004).
Đây chẳng phải là chuyện yêu nước, không yêu nước, hay yêu nước thế nào là nhiều hay ít, mà là chuyện tự do tư tưởng đã bị một lực vô hình nào đó cản lại. Tôi có sự cảm thông với những người đang phải sống trong hoàn cảnh như thế.
Bàn về tự do tư tưởng, tôi nhớ đến một bài thơ của Thầy Nhất Hạnh đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ hơn 40 năm trước:
Tôi vẫn sống
Tôi vẫn ăn
Và tôi vẫn thở
Nhưng đến bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ, tôi ước mơ…
Dân tộc ta giờ vẫn đang chầm chậm tiến đến quá khứ, chứ làm gì đã bắt kịp hiện tại để mà mơ ước hội nhập trong tương lai.
Ảnh trong bài của Bùi Văn Phú.
29/1/2008
Bùi Văn Phú
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...