Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Sô Viết Cà MauXXX

Sô Viết Cà Mau

Lynh Bacardi [1] là một tác giả miền Nam, trong tất cả ý nghĩa của hai chữ miền Nam: Tự do, văn phong, thổ ngơi và bản sắc. Cả bốn yếu tố đều đã xuất hiện trong tác phẩm. Từ truyện ngắn đầu tay “Con bé bịt mắt” đến “Truyện Hậu sản của Lynh Bacardi” [2], xuyên qua “Tre rừng”, tác giả đã xuất hiện như một thau nhớt tái sinh. Thứ nhớt đã bị lược hết chất nhờn, đã xài quá date, đã tiêu dùng trên những đoạn đường xe đò nhồi xóc, đã vắt kiệt chất lượng, đã cải tạo độ bền, sức chịu nóng, sau khi chạy máy rồi đem tái sinh. Thứ nhớt mang thân phận của những nhà văn miền Nam sau 30 tháng 4 tàn khốc, tính cả thân phận của Sơn Nam, Vũ Hạnh như Mai Thảo kể lại [3] . Bình Nguyên Lộc biến mất, Nguyễn Thị Thụy Vũ im lặng, Tô Thùy Yên vào trại tập trung, Nguyễn Tất Nhiên vượt biển… phong vị Nam trong văn chương Việt, trong một thời kỳ dài, cạn kiệt ngay trên chính mảnh đất màu mỡ của những “Rừng mắm” [4]. Những chuyến “Đò dọc” tái sinh bằng “Những chuyến làm tình lụi tàn rêu ngói”, như một lời thơ của Lynh Bacardi, là hình ảnh đúng nhất, của một si mê chưa tắt, từ một mạch văn chưa đứt, chỉ còn lại tiếng thở dài mà những Nguyễn Quang Sáng về thành không thể thay thế.
Chưa tắt, nên có “Ngọn đèn không tắt” của Nguyễn Ngọc Tư. Chưa đứt, nên thành truyện “Hậu sản” của Lynh Bacardi [5]. Đến hôm nay, có thể trông thấy, mạch văn tiềm ẩn của miền Nam vẫn luân lưu, vẫn chan chứa dưới lòng đất, trong thân thể người miền Nam, bất kể các Ban Tuyên huấn và các Hội Nhà văn chiến thắng.
Nếu ưu điểm chính của Nguyễn Ngọc Tư là giọng văn gẫy gọn, đối thoại khi cần thiết, thổ ngơi Cà Mau đậm đặc trên mỗi câu chữ, thì ở Lynh Bacardi trước nhất nằm trong khả năng vận dụng hình ảnh. Nếu Nguyễn Ngọc Tư, sinh sau 1975, biết thâu vào truyện ngắn của mình nỗi buồn man mác của toàn xã hội mà cô cảm nhận luôn hiện diện trên đất nước dù đã chấm dứt chiến tranh, ở Lynh Bacardi là một bản năng bẩm sinh thấu đáo nỗi đau tấy đỏ của con người nằm trong chính khả năng chịu đựng sự tra tấn thể xác và tinh thần của con người. Chính khả năng gồng gánh đau đớn này của người Việt đã kéo dài thêm bi kịch của dân tộc. Truyện “Hậu sản” của Lynh Bacardi mang luận đề này.
Từ “Ngọn đèn chưa tắt” sang “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư chuyển hoá không còn là cô bé đón bắt những nỗi buồn không nguyên cớ ở các bậc cha chú, mà đã trở thành người đàn bà bắt đầu nghi vấn những chuyện không lành mạnh. Càng không lành mạnh khi tác giả kiểm chứng những buôn bán, đổi chác tình dục, ở ngay chính các bậc cha chú mình. Nguyễn Ngọc Tư thoát xác bằng những bước chậm, chắc. Nhà văn muốn đưa người đọc đến hiện trường để khảo sát một tình trạng đang sinh sôi nảy nở đến mức trở thành bản chất đồi trụy của xã hội. Hiện tượng của mầm mãi dâm đang lan tràn như dịch cúm gia cầm trên thân phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long, phải bán trôn để kiếm sống, trên một đất nước được quảng cáo Phát triển kinh tế và Đổi mới thành tựu.
Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn rất cẩn thận. Cô không phá rào đạo lý, không đạp đổ thuần phong mỹ tục, và chấp nhận bước đi dưới bóng râm của lăng ủy trong vòng phấn đã vạch sẵn. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không thể ngờ vòng phấn thắt chặt đến mức, chỉ cần cô nhúc nhích, ngón chân cái đã chạm đến vết phấn oan nghiệt. Tuyên án của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau là một chứng từ xác quyết đất nước còn đang ở thời kỳ quá độ Trung cổ, với quan lại tụt hậu văn hoá, tụt hậu nhận thức, và xơ cứng trong phản ứng. Ở đầu thế kỷ 21, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau khiến dư luận thấm thía nắm đấm đập bàn của Lenin: "Chính quyền trong tay Sô Viết!" [6]
Phải hiểu hay phải thông cảm các chính ủy của Sô Viết Cà Mau, trong quá khứ học tập cách mạng mùa Thu, tham gia Mặt trận Giải phóng miền Nam, tiếp thâu nhà cửa của dân chúng vượt biên rồi biển thủ kinh tế đến mức không còn biết đến một cuộc cách mạng nhân văn nào nữa. Hay phải quát lên như Adolf Hitler: "Trong một ngàn năm sắp đến, sẽ không còn cuộc cách mạng nào khác dưới nền Đệ tam Quốc xã! Vì dân tộc Đức dàn trải trước chúng ta. Vì dân tộc Đức sống trong lòng chúng ta. Vì dân tộc Đức đứng sau lưng chúng ta!" [7] hoặc phải quát lên như Lenin: "Dân chúng không cần tự do, vì tự do là một hình thức độc quyền của trưởng giả!" [8] hay phải viết tự kiểm: "Lao động là giải phóng" như tuồng chữ đã khô máu, nhưng hãy còn khắc ghi trên cổng trại tập trung cải tạo Auschwitz đã thiêu sống hàng triệu con người.
Tụt hậu lịch sử, nên không ai trong tỉnh ủy Cà Mau hiểu vì sao cuộc cách mạng vô sản Đức bùng phát tháng 11-1918 đã thất bại, ngay cả với sự tham gia của gương mặt trí thức cực tả lẫy lừng Rosa Luxemburg? Mà lại thất bại ngay sau Cách mạng tháng Mười 1917 của Lenin, khi dân chúng Đức đã chán ghét vô cùng chế độ quân chủ của Đức hoàng Kaiser Wilhelm II. Tụt hậu lịch sử nên các chính ủy khó hiểu nguyên nhân ra đời và nguyên nhân bức tử của nền Cộng hoà Weimar. Câu trả lời giản dị: Vì lòng ái quốc không nhất thiết chuyên chính vô sản và độc tài đã ám sát tự do.
Tụt hậu chính trị, khiến Sô Viết Cà Mau không nhìn thấy, không phải một đảng viên cộng sản, mà chính một nhà văn, Montesquieu của thế kỷ 18, tác giả của Những lá thư Ba Tư, Tinh thần pháp luật, đã đề nghị mô thức Lập pháp — Hành pháp — Tư pháp cho toàn nhân loại.
Tụt hậu phẩm chất, nên Sô Viết Cà Mau không thể hình dung ra sự suy đồi và tha hoá của giai cấp thứ trưởng, bộ trưởng đang cai trị Việt Nam bây giờ đã được dự báo, không bởi những triết gia, hay những nhà xã hội học, mà bởi một chuyên gia của chiến tranh, như chính bản thân những kẻ cầm quyền Việt Nam đã từng ưa thích chiến tranh, trong quá khứ hô hào chiến tranh và xem chiến tranh là một giải pháp hoàn hảo. Chính Helmuth Graf von Moltke, thống chế tổng tư lệnh lục quân Phổ, ngay năm 1880 đã viết: "Hoà bình là một giấc mơ, còn chiến tranh là một yếu tố tiên quyết trong trật tự thế giới của thượng đế. Trong chiến tranh, con người tìm ra những phẩm hạnh lớn nhất: Lòng can đảm, sự chối từ bản thân, lòng trung thành và ý chí hy sinh. Thiếu chiến tranh, thế giới sẽ chìm đắm vào chủ nghĩa vật chất" [9] . Von Moltke, một Moltke quý tộc với kế hoạch xâm lược Pháp xuyên qua Hoà Lan và Bỉ mà về sau tử tước Alfred Graf von Schlieffen kế thừa áp dụng trong Đệ nhất Thế chiến đưa đến hàng triệu thây ma, đã giải thích một cách thoáng gọn chuyện cá độ túc cầu 7 triệu đô la tại Việt Nam là một quy trình tất yếu.
Tụt hậu văn học, ít nhất tụt về đến thế kỷ Thập tự Chinh, nên các chính ủy của Sô Viết Cà Mau đã không biết đến Conrad Ferdinand Meyer, mà truyện ngắn “Plautus im Nonnenkloster” qua bản dịch Pháp văn “Plaute dans le couvent” [10] được vinh danh: Đã cách mạng khái niệm anh hùng trong cách kể chuyện ở phương Tây vào thế kỷ 19, bất chấp quan điểm của Giáo hội La Mã.
Sau Cách mạng Cộng hoà 1848, giữa thời Bismarck, thời đại mà tôn giáo, nhà thờ còn nắm nhiều quyền lực, Conrad Ferdinand Meyer, một văn gia Thụy Sĩ viết văn bằng tiếng Đức, đã công bố truyện ngắn “Plaute dans le couvent”. Nhìn từ bây giờ, Conrad Ferdinand Meyer chắc chắn là một nhà văn cổ điển, đồng thời với Gottfried Keller, Jacob Burckhardt, Gustave Flaubert, chuyên ngành mô tả hiện thực. Song Meyer rất táo bạo. Ông tập trung vào lý tưởng trừu tượng của truyện, không mô tả chi tiết, mà bắt nhân vật chính phải mang một sứ mệnh bí ẩn, tiền định, đôi khi trí mạng [11] . Đến đây chúng ta bắt gặp những sứ mệnh bí ẩn, chết chóc, định mệnh của thiếu nữ trong truyện “Hậu sản” của Lynh Bacardi [12] . Nhưng hãy tìm hiểu truyện ngắn của Meyer.
“Plaute dans le couvent” là câu chuyện của một thôn nữ ngoan ngoãn, chăm chỉ, mang niềm tin tôn giáo mãnh liệt của thời đại. Gertrude khoẻ mạnh, trắng trẻo và xinh đẹp, đã phát lời nguyện hiến trao cho đấng Kitô, dù trong sâu kín cô ham muốn trở thành vợ của một thanh niên cùng trang lứa, cùng làng, chung nghề cày cấy. Cả hai thường trao nhau những ánh mắt đa tình, nồng thắm. "Phấn đấu" rồi "khắc phục" khó khăn của cơ thể, Gertrude giữ vẹn toàn trinh tiết để hiến dâng cho Thượng đế. Cô tìm đến một chủng viện xin được làm nữ tu. Mẹ bề trên chấp thuận, với điều kiện phải qua thử thách… Gertrude phải đội mũ gai, phải vác thập tự to lớn bằng gỗ sồi trên lưng, đi suốt nhà nguyện, để diễn lại hành trình cứu thế lên đồi Golgotha chịu đóng đinh của đấng Christ. Đến đây, Meyer đã đưa vào truyện một chi tiết ly kỳ: Thiếu nữ có quyền chọn một trong nhiều thập tự, mà kích thước tương đương tuy sức nặng không đồng đều. Mẹ bề trên tìm cách chạy án, đã mách bảo cho cô cây thập tự nào nhẹ nhất. Nhưng Gertrude nhất quyết từ chối, cô chọn đúng thập tự nặng nhất, để biểu tỏ ý chí muốn dấn thân vào đường tu khổ hạnh. Trong thâm sâu, Gertrude còn muốn thử xem Đức Mẹ Maria hiển linh có thật sự muốn cô trở thành nữ tu hay không, có thật sự muốn nhận cô vào dòng Thánh thờ phượng Chúa Trời hay không? Nếu Maria thâu nhận, Đức Mẹ sẽ thêm sức cho cô vác thập tự. Đoạn đường lên đồi Golgotha trong Tân ước đầy chông gai, trong tu viện diễn ra trước im lặng của các dì phước. Tuy dùng hết sức bình sinh với tất cả đức tin, Gertrude vẫn té ngã, thập tự đè lên cô như một tảng núi... Gertrude phải rời chủng viện trở về làng và có thể kết hôn với người yêu.
Đoạn kết, qua lời kể của nhân vật Poggio, đã chứng kiến từ đầu chí cuối, Meyer viết:
"Như thế, một cách bình thản nàng tìm lại chính mình, từng bậc một, rạng rỡ vì sung sướng, trở lại làm một thôn nữ đơn sơ, vì bây giờ, lời ước nguyện khiêm tốn riêng tư đã được thăng hoa, nàng đã được phép trở về với đời sống bình thường. Tôi biết, nàng sẽ quên đi rất nhanh, với nhiều tự nguyện, sẽ quên đi cảnh tượng xúc động ban nãy khi nàng đã diễn xuất trong tuyệt vọng không vác được thập tự đến đích trước đám đông. Trong một khoảnh khắc, nàng đã kích động những giác quan trong tôi, đã hiển lộng như sự hoá thân của một bản thể cao vời, tựa một sinh vật của Satan, vừa như một sự thật đã đập phá tan tành ảo ảnh giữa hoan hỉ tập thể." [13]
Conrad Ferdinand Meyer, chỉ trong một truyện ngắn va chạm hầu hết các bài vị linh thiêng, từ thập tự đến Đức Mẹ Đồng trinh, Mẹ bề trên… đã chối Chúa như Judas bán Chúa rồi cùng lúc Judas “tư thông” với Đấng Chí tôn, khi tiềm ẩn cho Mẹ bề trên đang cần gấp nữ tu, đã “chạy án” vác thập tự. Meyer đi xa hơn nữa, khi xem tình yêu trai gái quý hơn tình yêu Chúa Trời, khi ngấm ngầm hoài nghi Mẹ Maria, khi thoải mái quăng thập tự rồi mô tả thôn nữ sáng rực lên tựa thiên thần ngay khi vừa thất bại. Với văn phong vô cùng mỹ lệ, tập trung vào các hoạ tiết chính, ít chi tiết phụ rườm rà, Meyer phóng từ lâu đài hiện thực xuống vỉa hè biểu trưng không chút ngại ngùng.
Với thủ pháp tượng trưng, truyện ngắn “Tu viện” hiển nhiên mang nhiều lớp nghĩa. Với giới phê bình chính thống Việt Nam, luôn khảo sát bối cảnh lịch sử hình thành tác phẩm, lấy nhân dân đối trọng với giai cấp thống trị — mà phải là giai cấp thống trị trước khi Sô Viết cầm quyền — ý nghĩa của “Tu viện” khác hẳn. Không mấy khó khăn, có thể suy đoán cách bình văn khuôn mẫu của Hội đồng Lý luận Phê bình: Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Cộng hoà mà mục đích đánh đổ vua Louis-Philippe, xoá bỏ chế độ nông nô, tách rời quyền lực giáo hội ra khỏi chính quyền, thực thi cử tri bầu phiếu, đã khiến Meyer trao quyền công dân cho Gertrude biết chối bỏ nhà thờ, vứt bỏ thập tự. Nhà văn chỉ giữ lại tình yêu trai gái như một tàn dư của chủ nghĩa lãng mạng trưởng giả. Thành tựu cơ bản của tác phẩm nằm trong ý thức cách mạng đang đả phá trật tự châu Âu của Bismarck, tuy nhiên, hãy còn những mặt giới hạn nhất định, chưa biết phát huy truyền thống đấu tranh của giai cấp nông dân giành thắng lợi làm chủ nhà thờ, chưa phổ cập ý thức hệ tư tưởng Marx đã phát sinh ở hậu bán thế kỷ 19, v.v...
Với giới sáng tác không chính thống, “Tu viện” sáng lừng lên vì thay đổi toàn diện và triệt để phẩm giá anh hùng mà Jacob Burckhardt, một nhà văn đương thời với Meyer, mệnh giá: “La grandeur est ce que nous ne sommes pas –- le héros est ce que nous ne sommes pas.” [14] Như thế, anh hùng là những kẻ không anh hùng. Là những con người thất bại, bất cập chu toàn hay những nạn nhân của đời thường. Hoặc giản dị, không còn muốn vác thập tự. Con người đã ý thức không thể vươn đến sự lớn lao bí mật của Thượng đế. Cú phóng tuyệt bích của Meyer là cú nhảy vọt qua đầu các hiệp sĩ chém đầu rồng. Chính cách nhìn nhân vật tiểu thuyết khác biệt nghìn dặm này, đã khiến Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đã lên án "chị Ba" làm đĩ, rồi khinh bỉ chi tiết "dập dìu đĩ" trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng Đĩ không phải kẻ xấu. Đĩ hôm nay cũng không phải tàn dư của chế độ Cộng hoà. Đĩ bây giờ 15, 16, 20 tuổi, trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được giáo huấn làm chủ tập thể để trở thành con người mới xã hội mới, như khẩu hiệu treo trước cổng vào tỉnh ủy Cà Mau sau ngày tiếp thu. Vậy mà vẫn đĩ. Vì công cuộc đổi mới kinh tế chưa về đến vùng sâu, hay vì đạo lý con người suy thoái tỷ lệ nghịch với kiên định tiến lên? Đừng lầm lẫn hiện tượng với bản chất là điều mà các chính ủy thường hay nhắc nhở. Nhưng một khi hiện tượng kéo quá dài, liên tục 30 năm, thì hiện tượng ấy biểu lộ bản chất ấy, hoặc bản chất nào thì hiện tượng ấy.
Những con Đĩ Cà Mau có thể được xem là những anh hùng, vì là nạn nhân, vì phải sống sót trong một xã hội quá quy ước, quá lý thuyết, hà khắc, mà trong thực tế, khái niệm Xã hội Nhà thờ ngoài nhang khói, cúng tế, lẵng hoa, lăng bia, đại hội, hãy còn cách quá xa thiên đàng. Nguyễn Ngọc Tư mang bản năng bẩm sinh của nhà văn hiểu ra điều ấy. Hiểu ra Xã hội Hoa cườm không ngó ngàng đến những búp nhụy hoa tươi đang bị giẫm nát. Tấm lòng đôn hậu của Nguyễn Ngọc Tư tỏa sáng suốt tác phẩm. Cô viết về Đĩ để trả cho Đĩ chức phận "Nạn nhân" chứ không phải chức danh "Tệ nạn" trong một quốc gia mà qua báo cáo, được lãnh đạo một cách ưu việt. Không ưu việt chút nào là thông điệp của Nguyễn Ngọc Tư. Lý trí nhà văn lay tỉnh ngay trong lời mào đầu:
"Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều, vớ được quyển sách nào đọc cái ấy. Cũng có điều hiểu được, học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải bó tay… Ví dụ như mấy lời này: ’Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì – dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ’ (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương — Tỳ kheo Visudd Hàcàraz). Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích. Sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao." [15]
Hậu sinh của Bình Nguyên Lộc bắt kịp nhân sinh quan của “Rừng mắm”. Từ những cây mắm lấy thân nuôi đời sau, đến những con mắm phải đem thân cho người làm mắm để lấy miếng ăn cho gia đình. Những con mắm im lặng sống hết phận mình. Nhà văn khác con mắm, nhà văn mà chức năng đầu tiên là cất tiếng nói, nên Ngọc Tư cầm bút viết. Viết cho hết cơn giận dữ của mình như cô khẳng định phải viết về nông dân, mà những con Đĩ cũng xuất thân nông dân: "Không viết về họ, thì viết về ai bây giờ. Và ai viết về họ?" [16] . Nguyễn Ngọc Tư viết về họ, không viết về Người mà viết về Đĩ, chính vì vậy mà trong Xã hội Tượng đài, Ngọc Tư là tác giả được độc giả hết mực yêu mến, dù không ai thỉnh cầu cô vượt vòng phấn. Không ai muốn Ngọc Tư phải viết như Conrad Ferdinand Meyer, thay thập tự bằng búa-liềm, thay Chúa Trời bằng Lenin, Mẹ Maria bằng Nguyễn Thị Minh Khai, Mẹ bề trên bằng bí thư chi bộ, tu viện bằng tỉnh ủy, thôn nữ bằng Yến Vi, nông phu bằng Lam Trường… Người dân chỉ khát khao mong muốn Nguyễn Ngọc Tư được sống an lành để thể hiện tất cả chân tình của một nhà văn với xã hội mình sinh sống, trong tự–do–sáng–tác.
Dư luận vừa qua, không ngừng hỗ trợ Nguyễn Ngọc Tư, vì hiểu, khi nhà văn tắt tiếng, dân chúng sẽ sưng mặt vì nắm đấm của Lenin, sẽ bị chăn dắt như Adolf Hitler bắt dân tộc xếp hàng trước mặt, xếp hàng dưới bục và xếp hàng sau lưng. Sẽ đến lúc, Sô Viết Cà Mau phải viết tự kiểm, vì không học tập người Marxist thực thụ Georg Lukács, vì đi ngược nguyện vọng của nhân dân, vì thiếu nhận thức: Không thể duy trì cùng một lúc ba thời kỳ văn học Thập tự Chinh (giải phóng), Pháp đình (truy quét) và Đổi mới (hội nhập) trong cùng một thế kỷ 21.
Với tập thể các nhà văn Việt, còn vang lên câu hỏi: Ở đâu, trên Trường Sa, những chính ủy tiếm xưng Bolshevik?.
Chú thích:
[1] Sinh năm 1981 tại Sài Gòn, tên thật Phạm Thị Thùy Linh, Lynh Bacardi trưởng thành trong một gia đình Bắc di cư vào lập nghiệp tại Lâm Đồng khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Tác giả khởi viết đầu thập niên 2000, công bố tác phẩm chủ yếu ngoài nước.
[2] "Hậu sản" xuất hiện lần đầu tiên trên web Da Màu ngày 21 tháng 10-2006, đăng lại trên web Tiền Vệ http://www.tienve.org, tên gốc là "Truyện Hậu sản của Lynh Bacardi". http://damau.org/
[3] Mai Thảo, "Nhân cách Bình Nguyên Lộc", Hợp Lưu số 88, tháng 4-2006. http://www.hopluu.net/
[4] Bình Nguyên Lộc, "Rừng mắm", in lại trên Hợp Lưu số 88, tháng 4-2006. http://www.hopluu.net/
[5] Tiểu Linh, "Hình tượng mẹ điếm trong ba truyện ngắn của Lynh Bacardi", talawas, 2007
[6] Vladimir Ilitch Oulianov Lénine, Oeuvres complètes, André Brissaud trích dẫn trong Staline, Trente millions de morts pour un empire, nxb J-C. Lattès, 1975.
[7] Joachim Fest, Hitler, tập 1, bản dịch Jeunesse et Conquête du pouvoir của Guy Fritsch Estrangin, nxb Gallimard, 1973.
[8] Vladimir Ilitch Oulianov Lénine, André Brissaud, Sđd
[9] Mémoires du maréchal Helmut Graf von Moltke, bản dịch Pháp văn của E. Jaeglé, Librairie H. Le Soudier xuất bản năm 1892.
[10] Plaute (Titus Maccius Plautus), thi sĩ kịch tác gia sinh trước Công nguyên, nổi tiếng với thể thơ tượng hình trữ tình vần điệu cùng các vở kịch trào phúng khá dâm dục tục tĩu. Khi đặt tựa truyện “(thi sĩ) Plaute trong tu viện”, Conrad Ferdinand Meyer chủ ý xác định tính chất trào lộng của tác phẩm.
[11] Conrad Ferdinand Meyer, xem Georg Lukács, Der Historische Roman, bản dịch Le Roman Historique của Robert Sailley, Editions Payot, 1965. Phân tích truyện ngắn "Plaute dans le couvent" trong bài viết này lặp lại phương thức phê bình và cách trình bày quan điểm của Georg Lukács.
[12] Ban Mai, "Lynh Bacardi và Truyện hậu sản của một đất nước ung bướu”, web Da Màu đăng lại từ tạp chí Văn Học, số 234 tháng 11-2006, California. http://damau.org/
[13] Dịch thoát từ bản dịch của Robert Sailley, xem Georg Lukács, Sđd. Dịch giả Trần Thiện Đạo, qua yêu cầu, dịch lại giùm cho sát nghĩa như sau: ‘‘Ờ thì nàng cứ thế mà động tác, càng lúc càng rạng rỡ trên gương mặt, bình thản trở về lại thân phận thôn nữ trước kia của mình; giờ đây sở nguyện nhỏ nhoi ấy đã được thỏa mãn, nàng đã được phép hoàn tục, chắc rồi nàng sẽ sẵn sàng bôi bỏ rất mau lẹ cảnh tượng xúc cảm mình đã diễn xuất trước mặt mọi người trong cơn tuyệt vọng nọ. Trong một khoảnh khắc, tôi đã bị hình ảnh thôn nữ đó phấn chấn cực cùng thể như nàng là hiện thân của một đấng thiêng liêng, của một quỷ sứ, của sự thật đang ra tay hủy diệt ảo tưởng một cách hồ hởi. Nhưng ai đâu thấu rõ sự thật là gì, như ngài biện lý Pilate đã phán.’’
[14] Xem Georg Lukács, Sđd
[15] Nguyễn Ngọc Tư, “Cánh đồng bất tận”, Lời tựa, nxb Trẻ 2005
[16] Nguyễn Ngọc Tư, “Từ nơi này tôi đã đến với nhiều nơi”, phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 14/06/2006, http://www.camau.gov.vn/forum/

[2] "Hậu sản" xuất hiện lần đầu tiên trên web Da Màu ngày 21 tháng 10-2006, đăng lại trên web Tiền Vệ http://www.tienve.org, tên gốc là "Truyện Hậu sản của Lynh Bacardi". http://damau.org/
[3] Mai Thảo, "Nhân cách Bình Nguyên Lộc", Hợp Lưu số 88, tháng 4-2006. http://www.hopluu.net/
[4] Bình Nguyên Lộc, "Rừng mắm", in lại trên Hợp Lưu số 88, tháng 4-2006. http://www.hopluu.net/
[5] Tiểu Linh, "Hình tượng mẹ điếm trong ba truyện ngắn của Lynh Bacardi", talawas, 2007
[6] Vladimir Ilitch Oulianov Lénine, Oeuvres complètes, André Brissaud trích dẫn trong Staline, Trente millions de morts pour un empire, nxb J-C. Lattès, 1975.
[7] Joachim Fest, Hitler, tập 1, bản dịch Jeunesse et Conquête du pouvoir của Guy Fritsch Estrangin, nxb Gallimard, 1973.
[8] Vladimir Ilitch Oulianov Lénine, André Brissaud, Sđd
[9] Mémoires du maréchal Helmut Graf von Moltke, bản dịch Pháp văn của E. Jaeglé, Librairie H. Le Soudier xuất bản năm 1892.
[10] Plaute (Titus Maccius Plautus), thi sĩ kịch tác gia sinh trước Công nguyên, nổi tiếng với thể thơ tượng hình trữ tình vần điệu cùng các vở kịch trào phúng khá dâm dục tục tĩu. Khi đặt tựa truyện “(thi sĩ) Plaute trong tu viện”, Conrad Ferdinand Meyer chủ ý xác định tính chất trào lộng của tác phẩm.
[11] Conrad Ferdinand Meyer, xem Georg Lukács, Der Historische Roman, bản dịch Le Roman Historique của Robert Sailley, Editions Payot, 1965. Phân tích truyện ngắn "Plaute dans le couvent" trong bài viết này lặp lại phương thức phê bình và cách trình bày quan điểm của Georg Lukács.
[12] Ban Mai, "Lynh Bacardi và Truyện hậu sản của một đất nước ung bướu”, web Da Màu đăng lại từ tạp chí Văn Học, số 234 tháng 11-2006, California. http://damau.org/
[13] Dịch thoát từ bản dịch của Robert Sailley, xem Georg Lukács, Sđd. Dịch giả Trần Thiện Đạo, qua yêu cầu, dịch lại giùm cho sát nghĩa như sau: ‘‘Ờ thì nàng cứ thế mà động tác, càng lúc càng rạng rỡ trên gương mặt, bình thản trở về lại thân phận thôn nữ trước kia của mình; giờ đây sở nguyện nhỏ nhoi ấy đã được thỏa mãn, nàng đã được phép hoàn tục, chắc rồi nàng sẽ sẵn sàng bôi bỏ rất mau lẹ cảnh tượng xúc cảm mình đã diễn xuất trước mặt mọi người trong cơn tuyệt vọng nọ. Trong một khoảnh khắc, tôi đã bị hình ảnh thôn nữ đó phấn chấn cực cùng thể như nàng là hiện thân của một đấng thiêng liêng, của một quỷ sứ, của sự thật đang ra tay hủy diệt ảo tưởng một cách hồ hởi. Nhưng ai đâu thấu rõ sự thật là gì, như ngài biện lý Pilate đã phán.’’
[14] Xem Georg Lukács, Sđd
[15] Nguyễn Ngọc Tư, “Cánh đồng bất tận”, Lời tựa, nxb Trẻ 2005
[16] Nguyễn Ngọc Tư, “Từ nơi này tôi đã đến với nhiều nơi”, phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 14/06/2006, http://www.camau.gov.vn/forum/
Giáp Tết Mậu Tý, 2008
Trần Vũ
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...