Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

XXXXCái trưng ra, cái vắng mặt và những bất ổn của định giá

Cái trưng ra, cái vắng mặt
và những bất ổn của định giá

1. Bài viết này viết lại từ bài “Mấy nguy cơ của Cấn Vân Khánh hay cái đèm đẹp vừa vặn” tham gia hội thảo về tác giả Cấn Vân Khánh tại Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Sáng tác-Lý luận-Phê bình của Trường Đại học Văn hóa) ngày 5.10.2007. Có những ý tôi quyết định thay đổi và làm rõ thêm, điều đó là cần thiết và cẩn trọng. Bài đọc tại hội thảo xin được hủy.

2.1. Nổi lên qua việc công bố lượng sách phát hành và tái bản, Cấn Vân Khánh có thể tạm được coi là một hiện tượng xuất bản, chứ không phải một hiện tượng văn học – nghĩa là có một hiện diện độc đáo. Cấn Vân Khánh tỏ ra biết kể những câu chuyện lãng mạn và biết làm duyên văn từ. Nhưng cái tưởng là vẻ đẹp đã sa sẩy thành cái “đèm đẹp” khi nó cố gắng vừa khuôn khả năng/giới hạn của người viết và vừa lối đọc của một lớp độc giả. Sự sa sẩy của người viết trẻ xuất phát ngay từ lựa chọn và ý thức viết với nguyên tắc đón vừa: dễ bằng lòng với lời chúc tụng của độc giả, họ sẽ mãi là kẻ men mén bờ nước, thậm chí quyết không để chân mình dính nước, chứ chưa nói đến việc dám xuống thử khả năng bơi. Đi men bờ thì bao giờ cũng duyên dáng, và không ướt chân.
2.2. Và như thế, Cấn Vân Khánh chỉ có thể tạo những truyện vừa khuôn, với cách viết cũ - thậm chí không lưu tâm sáng tạo những cách kể: bám vào một cái cốt nào đó rồi tung ra những mô tả tâm lí đơn giản và nghe như triết lí, dù trong quá trình viết, cốt truyện nhiều khi đã tự tiêu biến, tan thành những mảnh tản văn (“Xa em đi”, “Khi nào anh thuộc về em”, “Thuộc về mùa đông”... là một vài dẫn dụ), nhưng chỉ vỡ ra đôi ba suy tư - đơn giản, nghèo nàn, dán vào đôi ba hình ảnh của nhân vật - chứ không là một nhân vật. Tất nhiên, bám vào một lối tự sự cũ (cốt truyện, nhân vật, tâm lí...) vẫn là quyền lựa chọn của người viết khi họ chưa thấy cần phải mới, và vẫn được nhận tiếp (không phải tiếp (xúc) rồi nhận (ra) mà là (chấp) nhận tiếp (xúc, đón), nếu nó đem lại những ấn tượng mới. Nhưng sẽ thấy, nếu không đặt trong một tập riêng, Cấn Vân Khánh sẽ lẫn vào vô số những trang viết tương tự, hoặc may mắn hơn, có thể thành tên gọi cho lối viết “kiểu Cấn Vân Khánh” (nhưng cái may mắn này cũng khó xảy ra). Nói gọn, với bạn đọc dễ tính, Cấn Vân Khánh đã tạo nên những truyện ngắn gây cảm giác đẹp phải phép. Nhưng nếu chỉ có thế, (không đi sâu hơn hoặc phá thoát khỏi khuôn khổ ấy, nhìn từ “bản năng” tồn tại của văn học là khám phá/tạo tác cái chưa có), nó chỉ là cái đèm đẹp - như một thợ gia công đồ trang sức đã/sẽ mất giá.
2.3. “Sự nhạy cảm”, tên một truyện ngắn trong tập Khi nào anh thuộc về em, nhìn bề ngoài dễ lầm tưởng là đặc tính văn chương của Cấn Vân Khánh (đề tài, từ ngữ khơi gợi cảm giác, tính nữ…) nhưng đó lại là một từ dễ ngụy tạo và lừa mị. Cấn Vân Khánh có nhiều độc giả bởi họ dễ quyến luyến với “sự nhạy cảm” có vẻ sâu lắng, dễ ve vuốt này nhưng nếu theo chân dòng văn nữ Trung Quốc: giữa nhạy và sến chỉ là một lằn ranh.
Thực ra, Cấn Vân Khánh, và cả người đọc đã bị oan với lời kết tội đâu đó rằng văn chương cô là sex. Tình dục trong truyện của Cấn Vân Khánh không thành được đề tài, mà chỉ là một kĩ xảo tạo gia vị cho cảm giác "trẻ trung hợp thời”, với cách đặt vấn đề dễ chịu và quen thuộc, rằng tình dục là một hành vi tự nhiên trong cách thể hiện tình yêu của con người, bởi “người ta còn có thể chỉ thuộc về nhau bằng tâm hồn”, một kiểu lãng mạn thoát thai từ Tự lực. Rõ ràng, nếu nhìn từ thị hiếu độc giả, sẽ thấy Cấn Vân Khánh chọn cách nhìn tình yêu phẳng phiu - không gây hấn, không suồng sã, không gai góc, không dằn vặt, có “bi kịch”, “chia li” song nhẹ nhàng, chỉ đủ gợi bản năng của người trẻ đang dậy thì yêu. Cái tên Khi nào anh thuộc về em không phải là/ không chỉ là một cách đặt nhan đề bắt khách, mà, ở tiếng nói của người nữ, nó có–thể-được-suy–đoán-dễ-dàng là một tìm kiếm, đôi khi thụ động, cam chịu, nhưng vẫn là một khát vọng được đến đích. Và cả các chàng trai cũng có thể suy đoán như vậy. Một hành trình tìm kiếm tình yêu tuyệt đối, trong ý thức vô vọng - cái này tuy đảm bảo tính hợp lí của đời thường, nhưng tác giả vẫn quyết không để những trần tục đời thường làm đen xạm tình đôi lứa. Cách giải quyết thường hướng tới sự “gọn gàng”: người đàn bà ngoại tình rốt cuộc không đi theo người tình hoặc chàng trai sẽ bỏ đi không phải vì họ không thể cùng ký vào lá đơn li dị, mà chắc là sâu xa hơn, họ đều biết không thể thuộc mãi về nhau, vân vân… Thường thấy ở Cấn Vân Khánh cái motive một trong hai người lặng lẽ biến mất, trong một sáng mai tỉnh giấc, sau một đêm mãn nguyện cho cả hai bên… – được giải thích đó không phải là tình dục thuần túy mà là sự đồng điệu và thăng hoa của tình yêu. Tuy vậy, viết về tình yêu như thế vẫn cứ là đi theo cái bóng thướt tha của văn nữ Trung Quốc - dòng văn rất dễ quyến rũ nhiều người viết trẻ hiện nay. Lực viết khó vượt lên họ đã đành, mà những câu chuyện tình yêu xúc động cũng sẽ dần chỉ còn là món khai vị nhàm chán trong bữa tiệc nhộn nhạo của cuộc sống hàng ngày, nhất là khi những lời tâm tình kiểu đó không hiếm. Nếu chỉ tạo ra những truyện ngắn đèm đẹp vừa khuôn, người sáng tạo sẽ không khác thợ gia công, đó là một nguy cơ của sự dễ tính trong hành vi tạo tác và cái họ chứng tỏ được chỉ là khả năng viết câu tiếng Việt không sai chuẩn (chính tả chung), thậm chí dễ đọc, nhưng sẽ còn cái gì ở đằng sau con chữ?
Như vậy là từ trong ý thức sáng tác (có thể nhận ra qua chính tác phẩm chứ không phải qua phát biểu, tuyên ngôn hay số bản in), qua việc tìm chuyện để kể và trau chuốt lời văn, qua cách viết về tình yêu, dễ thấy trạng thái đèm đẹp, “lưỡng lự” của Cấn Vân Khánh: đó chính là cái làm vừa lòng độc giả dễ tính và đang cần một người mơn man trò chuyện về tình yêu, và rõ ràng, tác phẩm của Cấn Vân Khánh có thể đem lại nhiều thứ ngoài văn chương cho chính tác giả, cho các nhà sách hoặc nhà xuất bản, nhưng với sự chuyển động của văn học, cái tên Cấn Vân Khánh hiện nay vẫn chỉ có thể xuất hiện trong mục điểm danh người viết mà thôi. Nếu so với những bạn viết đã đứng ngồi chung trong các tuyển trước như Lynh Bacardi, Phạm Ngọc Lương, và ngay một người viết “rỗng” như Từ Nữ Triệu Vương, thì thấy họ vẫn có ý thức kiếm tìm một quẫy đạp, một cái gì khác. Còn nếu vẫn tiếp tục thế này, cái tên Cấn Vân Khánh sẽ chỉ còn được nhắc một đôi lần sau khi ra sách rồi có thể ung dung viết, xuất bản, giao lưu với độc giả của mình đến khi nào họ còn đứng nguyên ở không gian đọc đó, hoặc sẽ có thêm độc giả khác tuồn vào, hoặc Cấn Vân Khánh sẽ di chuyển đến một không gian mới để có được những độc giả cũ. Đây tất nhiên là một / quyền lựa chọn của người viết, và cũng có thể một người viết không cần làm văn học, nghĩa là không cần làm nhà văn. Việc chê khen với họ không hẳn quan trọng bằng việc bán hay không bán được sách. Còn với những độc giả không có nhu cầu tìm kiếm nhà văn, họ hoàn toàn không có lỗi, thậm chí họ đã chẳng bao giờ ý thức mình có thể thành “nạn nhân” tự nguyện cho một kiểu viết, một lối đọc. Vấn đề là người viết và người đọc tin nhau.
3.1. Từ “hiệu ứng cảm động” của người đọc qua một số hiện tượng như Cấn Vân Khánh, Trang Hạ... có thể nghĩ xa hơn về một hướng tự sự đi vào cảm giác, chao đảo giữa ranh giới giữa thơ và truyện, và ở đó, không chỉ cảm giác mà sâu hơn, có thể thế giới của bản năng, sẽ khơi mở. Ở hướng này, việc viết cũng sẽ diễn ra đồng thời quá trình hủy cốt truyện; việc miêu tả, trình bày tâm lí một cách lí tính-có lí (đã mất giá) sẽ được vượt qua để thâm nhập vào cái phi lí với sự chồng thấm lạ lùng những khơi gợi đầy năng lượng. Tuy vậy người viết cần một bản lĩnh điều khiển chữ hoặc để chữ điều khiển, một khả năng làm đẫm cảm giác chữ để tạo sức năng tỏa tâm lí nhiều chiều, nếu không, ở một cực đoan khác, lại rơi vào sự mù mịt của chính những điều phi lí ấy. Dấu hiệu này được thấy rất ấn tượng ở cách viết của Nguyễn Thị Thanh Phượng (có thể đọc trên tienve.org). Tất nhiên, cách viết này không mở cửa cho những người đọc giữ gìn mãi lối cảm thụ duy lí, rõ ràng, và sẽ có những chướng ngại mà chính người viết cũng phải biết vượt qua. Đây có thể là một hướng đi, để khắc phục sự mòn sáo và vô lí của việc mô tả diễn biến tâm lí trong tự sự, khắc phục sự nhàm tẻ áp đặt của việc bắt người đọc chạy theo cốt truyện.
Lối văn cảm giác trong văn học Việt Nam đã (có thể) khởi sự từ Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh... Nhưng với những khám phá của tâm lí học hiện đại, tâm lí không thể chỉ được diễn tả tuyến tính và rõ ràng bằng câu chữ nếu người viết muốn đến tận cùng bản thể con người. Và với hướng viết như thế, những câu chuyện có mất đi không? Sẽ chẳng bao giờ những câu chuyện mất đi. Có điều, khác biệt của nhà văn với người kể chuyện là, nếu người kể chuyện gia công câu chuyện để kể lại, thì nhà văn sẽ tạo ra tầng tầng lớp lớp những câu chuyện trong khám phá của người đọc bằng ngôn ngữ tác phẩm, nghĩa là không phải dùng ngôn ngữ để kể lại câu chuyện mà chính câu chuyện sẽ sinh thành từ ngôn ngữ, những câu chuyện ở đằng sau ngôn ngữ, ở bề sâu của ngôn ngữ đang mời bạn đọc khám phá.
3.2. Áp đặt những đánh giá lên người viết trẻ là một điều vô lí. Khi lao vào một cuộc chơi, với không ít cạm bẫy (chẳng hạn cạm bẫy của ảo tưởng, của mối giao lưu với bạn đọc, của xuất bản...), tự bản thân họ đã phải đặt mình vào những ràng buộc, những khắc nghiệt của nghề. Gần đây cuộc đối thoại của các nhà phê bình và người viết trẻ về văn học 8x (một cái tên dễ tính) (Văn nghệ Trẻ số 39, 30.09.2007) đã đặt ra vấn đề “văn học 8x còn thiếu sự quyết liệt”. Điều này đúng với những người viết không chọn khả năng dám là một nhà văn độc đạo, (chẳng hạn Cấn Vân Khánh), bởi đó là hướng đi không bắt người viết phải quyết liệt – nghĩa là chọn một kiểu văn chương ràng buộc chặt chẽ vào độc giả với một cái bẫy tự giăng: độc giả còn, tôi còn viết. Biết tìm kiếm độc giả, và tìm kiếm được, là một cách để thành nhà văn chuyên nghiệp, như lời Nguyễn Huy Thiệp “muốn thành nhà văn, trước hết phải nổi tiếng”. Có nghĩa, trước hết, người viết dám xác định mình đang là một nhà văn trước độc giả của họ, và như thế, phải chấp nhận những hệ lụy, sự ủng hộ và công kích, sự sa thải của công chúng nếu người viết chỉ có được thứ văn chương tiêu dùng, hoặc, chẳng may, không dưng lớp công chúng đó biến mất mà người viết chưa kịp theo lớp mới. Do đó, người viết nên quan sát độc giả chứ đừng chạy theo họ, bởi độc giả bao giờ cũng dễ dàng bạc bẽo - đó là cái quyền của họ, và bởi, chạy theo độc giả thì hoặc tốn sức hoặc dễ kiệt sức, hoặc cả hai. Mà để viết dài, phải có thời gian cộng với sức bền của nội lực.
Tuy vậy, luận điểm về sự quyết liệt kia cũng chỉ là một mặt của văn chương trẻ, chưa nói đó có thể chỉ là cái mặt tiền – trưng ra của văn chương. Các cây bút các nhà phê bình nhắc đến không hề có ý nghĩa đại diện cho cả những cây bút 8x (như đã nói, một từ dễ tính và không cần thiết) đang viết trừ việc họ đã đứng chung trong một tuyển tập. Đã đến lúc các nhà phê bình cần quan tâm hơn đến những người viết, mà tôi gọi là những người viết vắng mặt (trong các hội nghị, tọa đàm, không ở mặt tiền). Chẳng hạn, Hoàng Long, sinh năm 1980, vừa xuất hiện bằng tập Thế giới trùm chăn, xác quyết một hướng đi của riêng mình, không phải là 8x ư? Chẳng hạn những người viết mà sáng tác của họ hiện nay, dù mới/ chỉ xuất hiện trên mạng nhưng đã bắt đầu chứng minh được bản lĩnh viết như Nguyễn Thị Thanh Phượng, P.K… mà tác phẩm của họ chưa được cơ hội dễ dàng ra mắt độc giả, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân không dễ được độc giả tiếp nhận. Hay một tác giả khác đáng được gợi nghĩ về cách viết, cách ứng xử với nghề viết là Nguyễn Nguyên Phước (tập Thượng đế và đất sét, NXB Hội Nhà văn và Nhà sách Kiến thức, 2006). Những hiện tượng xuất bản hay bị nhầm lẫn là những hiện tượng văn chương mà chính truyền thông và niềm tin vào một nhóm công chúng của người viết đôi khi đã làm hỏng sự quyết liệt của các cây bút đang vỡ viết. Và ngược lại, truyền thông, có cả các nhà phê bình lại làm hỏng, hoặc làm chững cách đọc của bạn đọc. Và điều đáng nói là, luôn luôn, những người được nhắc đến nhiều và được coi là “ăn khách”, mà bạn đọc dễ dàng chiêm ngắm, tiếp xúc và bàn luận, rất ít khi được bạn đọc và nhất là các nhà phê bình ý thức rằng đó chỉ là mặt tiền của sân khấu văn chương Việt bi hài lẫn lộn. Những gương mặt dễ nhìn sẽ làm vừa lòng bạn đọc nếu họ biết cách trang điểm. Ở khung sân khấu đó, nó mang “cái đẹp vừa vặn” với “tầm đón đợi” của một lớp không gian đọc tạo bởi những người trẻ, ưa cái dễ đọc mang dáng vẻ hiện đại; với giới hạn của bản thân tác giả, và nếu nói rộng ra, to tát hơn, nó vừa vặn với một nỗi thiếu thốn văn hóa đọc vốn dễ kích động những bình luận ồn ào. Tuy nhiên, sân khấu văn học là một sân khấu tự quay, hoặc dù thế nào nó cũng quay dưới những lực tác động âm thầm, và chắc chắn cái chưa nổi lên có thể sẽ được định giá lại. Những 8x đã xuất hiện không phải là tất cả văn học đang vận động, chưa nói việc có cái sẽ không phải là văn học. Có lẽ cũng không cần phải lo lắng vì sao họ chưa hay. Điều ấy không quan trọng bằng việc một nhà văn ý thức chuyên nghiệp không thể không biết đến những nguy cơ rình rập mình, nguy cơ thiếu vắng sức nén đọng và tỏa lan đằng sau con chữ hiện diện trên mặt giấy, nguy cơ của việc thiếu một ý thức không yên ổn văn phong và tư tưởng, nguy cơ của việc chìm đắm quá lâu trong cái đèm đẹp vừa vặn. Rõ ràng đây không chỉ là nguy cơ riêng với một người viết cụ thể mà với tất cả những người xác định nghề viết. Và mọi đánh giá cũng luôn là không yên ổn, luôn cần không yên ổn khi sự thất vọng bao giờ cũng khởi sinh chờ đợi vào lao động viết.
8/10/2007
Nhã Thuyên
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những chuyển động của hiện thực tinh thần trong Dưới trăng và một bậc cửa Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, kí ức, cõi âm...