Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Cung Tích Biền, giữa hai lằn đạnXXXX

Cung Tích Biền,
giữa hai lằn đạn

Nhân dịp Hội ngộ Liên trường Quảng Nam - Ðà Nẵng vào đầu tháng 9 năm 2007 vừa qua tại Little Saigon, gặp lại bạn bè, nói chuyện thơ văn quê nhà, có đề cập đến nhà văn Cung Tích Biền. Cuộc phỏng vấn của Lý Ðợi được phổ biến trên trang web talawas vào tháng 2 năm 2007, những điều Cung Tích Biền bộc bạch nói lên những điều uất khuất và rõ ràng, giải toả được phần nào những ngộ nhận trước kia và có sự cảm thông hoàn cảnh trớ trêu của anh. Tôi nói, trong giai đoạn đổi cả chế độ, đổi đời, hỗn mang... nhiều người cùng cảnh ngộ nghiệt ngã và cũng có trường hợp như nhà văn “cùng tất biến”, nhưng cần nhận chân đâu là sự thật. Trong giới văn nghệ và báo chí, có bạn có thù, kẻ ưa người ghét, những gì nghe qua trong bàn trà, cuộc rượu, có vẻ mù mờ “tam sao thất bổn” không thể vin vào để viết, phê phán. Ðôi khi có những lời bàn tán mà người trong cuộc không biết gì cả, khi biết được thì chưng hửng và không biết phát xuất từ đâu! Dư luận cũng là con dao hai lưỡi và xác tín phải trải qua thời gian.
Cách đây vài năm, tôi đọc bài viết trên nhật báo Người Việt ở Little Saigon về nhóm Mở Miệng, gồm các nhà thơ trẻ Lý Ðợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán và Bùi Chát. Tập thơ Bảy biến tấu con nhện của Lý Đợi được thực hiện theo kiểu phong thư, bì thư là bìa, ruột thư là những bài thơ, chỉ photocopy với số lượng 100 bản nhưng bị tịch thu và thiêu huỷ vào đầu năm 2004. Ở trong nước, mọi việc in ấn để phổ biến đều bị kiểm duyệt, không có phương tiện truyền thông trong tay, các bạn trẻ có vẻ lập dị để gây sự chú ý nhưng cũng nói lên cái gì đó về sự đột phá của giới trẻ. Trong ngành truyền thông hiện nay, có thêm hệ thống internet tạo được cơ hội thuận tiện cho bất cứ cá nhân ở xã hội nào bị trói buộc, bày tỏ ý nghĩ, ngòi bút của mình. Sau đó, đọc một số bài viết của Lý Ðợi trên trang web talawas và Da Màu, có thêm cây bút trẻ người cùng xứ nên để ý. Bài viết “Ngày xưa Vũ Hạnh” của Lý Ðợi, tuy ngắn nhưng nói lên thái độ bất bình của giới trẻ với Vũ Hạnh “vu cho cái tội đồi truỵ, phản động, và nên cho vào tù” khi bốn tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được Công ty Phương Nam và Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành trong nước. Dương Nghiễm Mậu bị Vũ Hạnh và Mai Quốc Liên đem ra đấu trường tố cáo.
Về trường hợp nhà văn Vũ Hạnh, tôi đã đề cập qua bài viết “Vũ Hạnh, kẻ hoạt đầu văn hoá”, đăng trên tờ Saigon Times ở Los Angeles, số ra ngày 27 tháng 12 năm 1991 và một số báo khác ở hải ngoại. Xin trích vài dòng trong bài viết của tôi về Vũ Hạnh: “.có một lần, vào năm 1988, bài thơ của Trần Vàng Sao đăng trên tạp chí Sông Hương đã dùng từ ‘chí sĩ’. Vũ Hạnh viết bài đả kích, chụp mũ nhà thơ trên báo Tuổi Trẻ và Công An, từ ‘chí sĩ’ ám chỉ Ngô Ðình Diệm. Tác giả và BBT Sông Hương bị kiểm điểm, đính chính! Lẽ nào ông không đọc Hoàng Lê nhất thống chí và hình ảnh Ngô Thời Nhậm (Ngô Thời Sĩ)?”. (Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức, Hà Nội 1931, định nghĩa chí sĩ là người có tiết tháo và trích dẫn hai câu trong phú chiến Tây hồ: Gánh quân thân ai đã mỏi vai rồi. Kẻ chí sĩ làm thinh đi chẳng dứt).
Với nhà văn Cung Tích Biền, qua bao năm im lặng, không hiểu vì lý do nào lại trả lời khá dài và đầy đủ chi tiết cuộc phỏng vấn với người bạn trẻ mới bước chân vào làng văn, nghề báo, không đại diện cho cơ quan truyền thông nào. Tôi đoán, là một người giàu kinh nghiệm và hiểu biết, có lẽ Cung Tích Biền đã phát hiện ở “người phỏng vấn” có điểm gì đó, nên mới “mở miệng”.
Qua cuộc phỏng vấn, cuộc đời Cung Tích Biền, nhà văn nổi tiếng thập niên 60, 70 ở miền Nam Việt Nam, với nhiều chi tiết mà trước đây những bài viết về tác giả này chưa đề cập đến. Bài phỏng vấn chỉ được phổ biến trên trang web talawas. Và, đây là cuộc phỏng vấn lâu nhất vì theo Lý Ðợi “... lần đầu tiên tôi đề nghị thực hiện phỏng vấn trực tiếp nhà văn Cung Tích Biền là ngày 28-11-2003, nhưng do một vài lý do khách và chủ quan, lần đó bất thành. Lần thứ hai, tôi đề nghị và được ông đồng ý để thực hiện trực tiếp là ngày 28-10-2006 và bài phỏng vấn này sơ kết câu hỏi cuối cùng vào ngày 22-01-2007, hoàn tất ngày 28-01-2007.”
Tuy không gần gũi với nhà văn Cung Tích Biền qua năm tháng nhưng đồng hương với nhau, khi đọc bài phỏng vấn của Lý Ðợi, tôi cũng có ý định tìm hiểu thêm qua vài nhân chứng để viết vì nhân cách nhà văn sống còn với tác phẩm. Gần tuổi thất thập, nhìn lại bản thân, Cung Tích Biền tự khiển trách mình khi đối diện với thực tế và bẽ bàng trước chế độ mà thời trai trẻ anh đã tưởng rằng hay ho, qua những tâm sự gởi gắm trong một số bài thơ khi còn sinh viên ở Huế. Nói như O. Wilde: “Khi ta tự khiển trách thì dường như không còn ai khác có quyền khiển trách”, vì vậy, tôi ghi lại những gì biết được còn sự thật, trắng đen... minh định với thời gian. Bài viết không có tính cách nhận định về tác giả và tác phẩm (sẽ đề cập sau) mà thu tóm những điều nhà văn Cung Tích Biền “mở miệng” phối hợp với ý kiến của các thân hữu thân quen với anh và tôi.

*
Cách đây gần nửa thế kỷ, nhân dịp Lễ Vu Lan, anh Cung Tích Biền và chị tôi cùng các huynh trưởng trong Gia đình Phật tử tổ chức sinh hoạt văn nghệ. Hình ảnh vũ khúc “Lên chùa dâng hoa” do anh sáng tác rất tuyệt vời, phần đầu với ca khúc “Lên chùa dâng hoa”, phiên khúc anh lồng vào dòng nhạc mở đầu ca khúc bán cổ điển Sérénata của Enrico Toselli. Anh đàn mandoline rất hay, tôi mê vũ khúc và tiếng đàn; từ đó, chị tôi khuyến khích cố gắng tập luyện sẽ trở thành Trần Ngọc Thao thứ hai. Anh và tôi, cùng họ và chữ lót, cùng quê (Thăng Bình, quê ngoại của tôi) vì vậy, sau nầy, nhiều người hỏi tôi có họ hàng gì với Cung Tích Biền. Anh là huynh trưởng, bạn của người chị thứ sáu tôi, không họ hàng gì cả, và, tôi được biết anh trong sinh hoạt Gia đình Phật tử từ đó.
Tôi quen thân với Phan Nhự Thức khi theo học Khoá I Nguyễn Trãi của Trường Ðại học Chiến tranh Chính trị Ðà Lạt vào cuối năm 1966. Vì trường còn trong thời kỳ phôi thai nên phải gởi học viên theo học giai đoạn I cùng với Khoá 24 của Trường Bộ binh Thủ Ðức. Lúc đó, Khối Chiến tranh Chính trị vừa thành lập ban biên tập SVSQ Khoá 23 và 24 cho tờ nguyệt san Thủ Ðức, gồm Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Trần Sơn Hà, Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng, Chu Tân, Cao Thoại Châu, Lâm Chương, Phan Nhự Thức... và tôi. Thân tình Phan Nhự Thức từ đó, sau nầy có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau, Phan Nhự Thức cho biết rất thích hai cây bút của quê tôi là Vũ Hạnh và Cung Tích Biền vừa nổi tiếng, nhưng tiếc rằng Vũ Hạnh đi theo con đường khuynh tả. Tôi nói, cả hai người là bạn với mấy người chị của tôi và cũng có óc địa phương nên sáng tác nào tôi cũng đọc hết, và tôi cũng đồng quan điểm đó.
Sau thời gian lao tù và quản chế, năm 1987, từ Ðà Lạt về Sài Gòn, nghe tin Phan Nhự Thức còn sống lang bạt đâu đó nên tôi đi tìm. Ðược tin anh Cung Tích Biền đang bán tranh sơn mài ở kiosque 28 trên đường Nguyễn Huệ, tôi ghé thăm và gặp Phan Nhự Thức. Phan Nhự Thức cho hay, sau khi ra tù, chui về Sài Gòn, sống vất vưởng, nhờ Cung Tích Biền đưa vào làm ở hãng nước đá của người thân có mối quan hệ với chính quyền nên ăn ngủ tại chỗ, tránh được sự truy lùng thành phần sống chui, không hộ khẩu.
Bạn bè cho biết, Cung Tích Biền là Ðại uý trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà (VNCH) nhưng không bị đi tù như anh em, còn được tự do làm ăn, thành phần bên kia chiến tuyến... không nên giao thiệp. Câu đầu tiên tôi hỏi, có ám hại, phản phé ai không? Khi nghe trả lời không, tôi nghĩ rằng anh dựa “lá bùa” để yên thân khi thời cuộc thay đổi, ít ra, còn giữ được lương tri của con người. Theo Phan Nhự Thức, gia đình Cung Tích Biền bị phân đôi, có hai người tập kết, hai người là sĩ quan trong Quân lực VNCH. Người anh tập kết, chết năm 1969 và thêm người anh, sĩ quan cấp tá Quân lực VNCH, chết trong trại tù năm 1978, cả hai không tìm được xác. Và, bút hiệu Cung Tích Biền là tên ghép của các anh chị. Có lẽ Cung Tích Biền đã giải ngũ năm 1973 nên sau năm 1975, biết “lăng ba vi bộ”, có ô dù thân nhân tập kết và vài người bạn cùng quê như Huỳnh Bá Thành, Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng... nên biết cách tránh né, mong an toàn mạng sống nhưng rồi cũng tan nát như chúng ta. Sau ngày 30 tháng Tư, cũng có vài sĩ quan trong văn giới mang bảng đỏ nhưng rồi bị thất sủng, vào tù, nay được định cư tại Hoa Kỳ.
Với bản thân Phan Nhự Thức, Cung Tích Biền là người bạn tốt, chân tình, trầm lặng, chấp nhận mọi thị phi để sống với vợ con. Sau đó, đôi ba lần, tôi ghé lại kiosque của anh, tán gẫu với nhau, tôi hỏi chuyện viết lách, anh cho biết, thỉnh thoảng viết lai rai, vì buôn bán tranh ở Pháp nên được vài tạp chí để đọc cho khuây khoả. Qua ý kiển giữa bạn bè và tâm sự của Phan Nhự Thức, xa cách quá lâu và coi anh với hình ảnh huynh trưởng ngày xưa nên tôi rất tế nhị khi giao tiếp; vả lại, mỗi người một hoàn cảnh, điều quan trọng đối với tôi là có bán rẻ nhân cách, xu thời, đạp lên mạng sống anh em?
Năm 1990, trước khi đi diện HO sang Hoa Kỳ, nhờ Trần Thanh Ngọc (khoá II ÐHCTCT) đèo, Huy Tưởng và tôi ghé thăm căn nhà tranh nho nhỏ của Phan Nhự Thức ở nơi xó xỉnh cuối phi trường Tân Sơn Nhất, xa Sài Gòn, làm nơi tá túc sau khi lập lại cuộc tình, bạn bè giúp đỡ tận tình, trong đó có Cung Tích Biền.

*
Cung Tích Biền tên thật là Trần Ngọc Thao, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1938 tại Thăng Bình, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống chữ nghĩa thơ phú. Năm 12 tuổi đã theo các anh các chị đi diễn kịch, đàn ca ở miền quê trong tỉnh. Năm 18 tuổi, bị bắt vào nhà lao Hà Lam, quận Thăng Bình tra khảo. Bị ăn đòn bằng những khúc tre tươi, vỡ đầu, suýt bị phèo óc, bị đánh, khi khúc tre nát ra tua tủa như tăm xỉa răng, lại thay khúc khác. Rất may, vì mới “tép riu”, chỉ là ở trong vùng kháng chiến, chưa phải thành phần cộng sản nguy hiểm cần treo ngược lên xà nhà, tra điện, hay bó rọ thả sông. Hồi còn học trung học đã làm thơ, viết truyện ngắn. Năm 1958, được một giải thưởng truyện ngắn toàn Quảng Nam. Lúc học tại Huế, được một giải thơ của Trường Quốc học. Theo học Ðại học Văn khoa ở Huế đầu thập niên 60, một thời gian phụ trách chương trình “Con tàu thi ca” cho đài phát thanh Huế, trong đó ngoài các chương trình thông thường “có ba chương trình phát liền nhau về các nhà thơ tiền chiến đang sống dưới chế độ Hà Nội. Ðài cúp ngay cái đám miệng còn hôi sữa. Thế là chết yểu.” [1]
Năm 1963, đang dạy học tại Ðiện Bàn, Quảng Nam (lúc này anh còn gần gũi một số bạn thân mà phần lớn trong số đó sau này ra khu Mặt trận Giải phóng miền Nam) thì bị động viên vào Trường Bộ binh Thủ Ðức. Ra trường, bị chính quyền Nguyễn Khánh có văn bản cưỡng bách cư trú tại miền Tây (Cần Thơ), không được về Trung, thời gian bốn năm. Năm 1967, thân mẫu qua đời, không về chôn cất. Mỗi tuần, phải trình diện An ninh Quân đội Vùng 4 chiến thuật một lần vào ngày Chủ nhật. Thấy Cần Thơ cũng chốn phồn hoa, An ninh Quân đội đẩy đi xa hơn, được lệnh về Bạc Liêu. “Miền Nam Cộng hoà có cái hay, nghi ngờ một sĩ quan động viên có liên hệ với cộng sản, tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống Ngô Ðình Diệm, từng sống trong vùng kháng chiến chín năm, có anh em ruột thịt tập kết ra Bắc, có liên hệ với bạn bè khá đông, rất thân quen, hiện đã ra khu Mặt trận Giải phóng miền Nam, vậy mà cứ cho lên lon, thăng chức bình thường như mọi sĩ quan khác”.
Tháng 11 năm 1965, sáng tác truyện ngắn “Ngoại ô”, “Dĩ an và linh hồn tôi” khi phục vụ tại Sư đoàn 21 Bộ binh, lưu lạc tận Bạc Liêu. Tháng 3 năm 1966, truyện đăng trên tuần báo Nghệ thuật, lần đầu tiên, ký bút hiệu Cung Tích Biền. Bút hiệu nầy giữ mãi tới ngày hôm nay. Từ 1968 đến 1973, mang lon Ðại uý Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Trú đóng ở tiền đồn, Ðức Hoà, Hậu Nghĩa, năm 1970 về căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh. Năm 1973 giải ngũ, cư ngụ tại Sài Gòn.
Sau tháng Tư năm 1975, đi học tập cải tạo thời gian ngắn, cùng tổ với Mai Bá Trác và Nguyễn Quốc Chính. “Mất nhà cửa vì bị tịch thu, (duyên cớ là ở nhờ nhà chị vợ, chị đi Mỹ, nhân thể tịch thu, người ta hốt ráo bất luận của ai ra ai). Nghèo khó ra đi, vợ ra tới cửa nhào vô lấy cái nôi của đứa con thơ, bị cậu quận đội Tân Bình ngăn lại không cho. Con cái ra nằm trần trên nền đất lề đường. Sau, ở nhờ nhà thi sĩ Ðoàn Minh Hải...”. Chị Mai, hiền thê của anh nhỏ hơn 15 tuổI, người Quảng Trị. Bên nội họ Hoàng. Bên ngoại Lê. Hồi trung học, học trường Ðồng Khánh, Huế. Vào Sài Gòn, ở nhờ nhà người cậu ruột là luật sư Lê Nguyên Phu, học trường Văn khoa, tốt nghiệp cử nhân triết Tây. Có viết một số truyện ngắn đăng trên vài tập san văn chương, bút hiệu Hoàng Thị Kim. Lấy chồng, sinh con, bỏ viết. Trong khi đó “Cả một đời, vợ con tôi chưa hề mua được một vật dụng gì cho ra hồn, từ tiền nhuận bút của tôi”.
Ðã năm năm nay, chị ăn chay trường, với anh là hình ảnh người mẹ, người chị vì cam chịu và lo lắng cho chồng con. “Sớm mai thường trực tụng kinh. Chiều chiều đi chùa. Tối thường cúng kiếng trước cổng nhà, vãi gạo muối bánh kẹo ra đường”. Ðó là mái ấm.
Cũng như hằng triệu người miền Nam thất sủng, đói khát bươn chải đủ thứ nghề, chạy xe ba gác, xe ôm chỗ Ngã Ba Ông Tạ. Ði làm thợ mây tre lá tuốt bên quận Tư cùng Chu Vương Miện và các thầy chùa ăn mặn, sướt máu bàn tay. Ra tận Bình Dương học nghề sơn mài bị sơn ăn sưng da phù mỏ. Ra đầu đường bán sách cũ, dọn vỉa hè bán cà phê bò kho, thu gom ve chai... Năm 1976 xuống tận Cà Mau làm cu ly xây trại nuôi heo cùng Thế Phong, Nguyễn Thuỵ Long.
Trong Hồi ức 40 năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Thuỵ Long có đề cập đến thời điểm nầy. Tôi email hỏi thăm Nguyễn Thuỵ Long và anh cho biết: “Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi và Thế Phong, Cung Tích Biền xuống tận Cà Mau làm cu li, thời gian không dài lắm, vài ba tháng. Tổ hợp “Việt Nam Kỹ thuật” bị giải thể vỉ chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngơi, người quen của nữ văn sĩ Lệ Hằng bị bắt vì tổ chức vượt biên. Tổ hợp giải thể, ba chúng tôi trở về Sài Gòn, sau đó tôi bị bắt và đi tù đến năm 1980 mới trở về. Khi ra khỏi tù tôi gặp Cung Tích Biền, tình cảm vẫn như xưa dù Cung Tích Biền bị mang tiếng nhiều là người “Cách mạng 30-4”, nhưng anh cũng chẳng hại gì ai hết, vẫn có những quý mến nhau như người xưa. Ðôi khi còn những có những giúp đỡ nhau thiết thực trong thời bao cấp... Như trường hợp thi sĩ Phan Nhự Thức bị bệnh ung thư và chết (tháng 11 năm 1995), tôi biết Cung Tích Biền lo cho bạn gần hết”.
Khi đề cập đến tác phẩm của mình ở trong nước, theo Cung Tích Biền:

Ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 nhà nước Việt Nam đã có lệnh cấm (bằng văn bản pháp quy, có danh sách rõ ràng từng tên tác giả, tên tác phẩm) là cấm lưu hành, in ấn, tàng trữ bất cứ dưới hình thức nào hầu hết tác phẩm dưới thời miền Nam Cộng Hoà. Toàn bộ tác phẩm của tôi cũng nằm trong lệnh cấm này. Một lệnh cấm mang tính an ninh triệt để. Vi phạm là phản động, đi tù không cần tuyên án. Ðể yểm trợ cho lệnh cấm này có hiệu quả tuyệt đối đã có những đơn vị xung kích đi từng nhà, từng khu phố thu gom sách. Ðốt.
Tháng 8 năm 2005, theo sự chỉ dẫn của nhà văn Mường Mán (vì anh đã được cho phép sao lục tác phẩm cũ) tôi đến một thư viện tại Sài Gòn để xin sao lục những sáng tác của tôi trước 1975, nay với tôi là tuyệt bản. Tại đây, Thư viện Khoa Học Tổng Hợp, bảo tôi về làm đơn xin phép nhà nước.
Ðơn viết xong, nhờ vợ tôi ra phường ký xác nhận. Nộp đơn vào thư viện, lại phải viết tiếp một đơn khác xin sao lục, vì đơn ở phường mới chỉ có giá trị chứng cư trú.
Ðơn xin sao lục được chấp nhận lại phải làm phiếu đăng ký xin sao lục những gì, trên báo, tạp chí nào tháng năm nào. Phiếu đăng ký nộp vô, bị gạch bỏ một số không được sao lục, số được phép thì do nhân viên thư viện chụp hình in ra đĩa CD. Thư viện có một chiếc máy rất cũ, làm việc rất chậm. Tôi không được quyền mang máy ảnh, quay phim tư liệu vào thư viện để tự thực hiện, cho nhanh. Ðóng tiền trước ba trăm nghìn đồng.
Ðúng một tháng sau, y hẹn, tôi đến thư viện. Ðĩa CD làm xong nhưng tôi được lệnh là không cho phép nhận mang về. Lý do: “Truyện phản động, không được phép sao lục, chưa có phép lưu hành.”
Từ đây có một cuộc phản kháng. Tôi nói với cô Hương cán bộ thư viện là tác phẩm của tôi, tài sản tinh thần của tôi, tôi có quyền sao lục. Tác giả sao lục tác phẩm chính mình sao lại gọi là lưu hành. Mà dù tôi chống lại lệnh cấm, tôi lưu hành là quyền của tôi, sẽ do pháp luật can thiệp, bỏ tù tôi chịu. Thư viện giam giữ đã ba mươi năm tác phẩm của tôi mà không cho tôi sao lục là một hình thức chiếm đoạt tài sản”.
Thế nhưng “ Ðã hơn một năm trôi qua tôi chẳng thấy ai thực hiện một cách sòng phẳng, đúng luật chơi là ký, và trao cho tôi cái giấy, là một lệnh cấm đó cả. Ba trăm nghìn đồng tôi ứng trước nay vẫn còn nằm trong thư viện. Hơn một năm tôi chưa hề nhận được cái giấy mời hay một cú điện thoại đến trả lời dứt khoát... Tôi rất ung dung tự tại. Không hề buồn hay uất mần chi chuyện vặt này. Hơn ba mươi năm kinh nghiệm dạy cho tôi cung cách “nằm nụng” tại “lơi lày”. Rằng thì là lánh, lãng, lơ, lì, lừa, luồn lách, lật lọng, lờ, lâu, rồi quên...
Khi email cho anh Hồ Nam (nhà thơ Vương Tân), tôi nói sẽ viết bài về anh Cung Tích Biền, cần biết rõ hư thực vì hai anh đã quen nhau trong nhiều thập niên, anh hồi âm cho biết, nên viết để giải toả được vấn đề, trả lại sự công bằng trong văn học. Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được bài viết của anh Hồ Nam từ Sài Gòn, với tựa đề “Cung Tich Biền và những biến chuyển của lịch sử”. Xin trích:
Cung Tích Biền (tên khai sinh Trần Quốc Thao sinh năm 1937 nhưng giấy tờ lại ghi 1938) được Mai Thảo khi làm chủ bút tuần báo Nghệ Thuật coi như một hiện tượng văn học khi giới thiệu truyện ngắn đầu tay của Biền đăng trên tờ này.
Cung Tích Biền mặc áo lính, học Trường Sĩ quan Hành chánh Tài chính, mãn khoá về một đơn vị thiết giáp đội mũ nồi đen, thường giao du với Nguyên Vũ và Tú Kếu nên đưa truyện dài cho Tú Kếu, nhờ Tú Kếu giới thiệu với Chu Tử và Chu Tử không những đã chọn đăng truyện dài của Cung Tích Biền mà còn nói với tôi, truyện dài của Cung Tích Biền viết không kém gì Nguyễn Thuỵ Long và trên chân Duyên Anh một bậc.
Dưới mắt tôi thời đó Cung Tích Biền chỉ là một người trẻ có văn tài và nhậu vào loại hào sảng, một người giao du được và chỉ thế thôi, không gì khác hơn.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, người ta thấy Cung Tích Biền đeo băng đỏ, đội nón cối, cùng với Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn) đến tiếp thu Câu lạc bộ Báo chí và có người còn nói Cung Tích Biền là Việt cộng ''nằm vùng'' cỡ thứ trưởng hay đại tá gì đó!
Sau những năm tôi đi tù cải tạo về, phụ giúp Phạm Kiều Tùng bán quán báo ở góc đường Bùi Chu và Võ Tánh, Cung Tích Biền ghé thăm, mời đi uống cà phê và nói ở nhà trên một cao ốc ở đường Nguyễn Huệ. Cung Tích Biền có một chai rượu ngon muốn mời tôi tới nhậu và tôi đã tới, dù Nguyễn Ðình Ðông “tay hòm chìa khoá” của Chu Tử khuyên không nên “giao du’’ với “công an chìm’’ như Cung Tích Biền.
Mãi tới cuối thế kỷ hai mươi, khi Phan Nhự Thức qua đời (tháng 11 năm 1995) vì bệnh ung thư, vợ con mang chôn ở Bình Hưng Hoà, tôi mới gặp lại Cung Tích Biền. Bữa đó Biền đọc ''điếu văn'' khóc Thức như một tiếng nấc nghẹn ngào của phận ''kẻ sĩ'' chịu nhiều oan trái (nhà thơ Phan Nhự Thức là chủ tịch Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi), bị đi tù cải tạo, ra tù lãnh tờ giấy ra trại đề ngày ký 31 tháng Hai, khi đi phỏng vấn của chương trình HO phái đoàn Mỹ nói giấy tờ gì Thức cũng thừa điều kiện sang Mỹ định cư, nhưng lịch của loài người không có ngày 31 tháng Hai. Thức cần điều chỉnh lại giấy ra trại, một thứ thông hành để được đi Mỹ. Thức điều chỉnh tờ giấy này mất cả năm trời, vừa được phái đoàn Mỹ báo chuyến bay thì lăn đùng ra chết vì ung thư!
Sang thế kỷ hai mươi mốt, một buổi trưa tôi nhận được điện thoại của Nguyễn Thuỵ Long báo Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu muốn nói chuyện với tôi, rồi chuyển điện thoại cho Nguyên Vũ. Nguyên Vũ mời tôi đến uống rượu vang tại một quán chuyên bán đặc sản Quảng Nam gần Tịnh xá Trung tâm, vùng Gò Vấp.
Tại quán nhậu này tôi thấy bên cạnh Nguyên Vũ có Nguyễn Thuỵ Long và Cung Tích Biền. Bữa đó khi rượu ngà ngà rồi, tôi hỏi Cung Tích Biền về chuyện đeo băng đỏ và tại sao Biền là Ðại uý Quân lực VNCH mà không bị đi cải tạo. Cung Tích Biền nói cảm ơn câu hỏi của tôi để có dịp cho anh giải toả sự hiểu lầm của nhiều người với mình. Trước hết, Biền nói đã giải ngũ trước ngày 30 tháng Tư nhiều năm, vì là thương binh nên có trình diện đi cải tạo tại trường Dũng Lạc (Gò Vấp), nhưng ở đây cán bộ Việt cộng cho về, có lẽ nhờ Huỳnh Bá Thành (hoạ sĩ Ớt, trung tá công an Việt cộng) nói giúp sao đó.
Cung Tích Biền thú thật có người anh ruột là Việt cộng đi tập kết đã chết ở Trường Sơn trước 1975 và giao du thân mật với Nguyễn Vạn Hồng và Huỳnh Bá Thành, nên ngày 30 tháng Tư có hu hợ đeo băng đỏ chứ chẳng hề ''nằm vùng” bao giờ cả. Cung Tích Biền không giấu chuyện có viết báo Công An thời Huỳnh Bá Thành làm Tổng Biên tập, khi Thành ''đột tử'' thì Cung Tích Biền bị ra rìa.
Cung Tích Biền thú thật làm văn nghệ có Ðảng lãnh đạo, Biền chịu không nổi, đã viết văn “chui” gửi cho Khánh Trường đăng trên tờ tạp chí văn học Hợp Lưu.
Nghe Cung Tích Biền nói, tôi bảo Phật Thích Ca từng quả quyết rằng tướng cướp tới cổng chùa quăng dao đi nghe kinh và “đầu” cửa Phật, chịu khó tu hành cũng có thể trở thành Bồ tát, huống chi Biền chỉ “hu hợ'' theo Việt cộng, nay đã nhìn thấy rõ con đường văn chương chữ nghĩa của mình và phản tỉnh, anh em có thể nói chuyện với nhau được. Có vấn đề gì đâu, huống chi đây chỉ là ngộ nhận.
Bữa đó có mấy người mà chúng tôi uống hết hơn 10 chai Bordeaux, Nguyên Vũ có vẻ hứng lắm, cười luôn miệng và tâm sự rằng rất tâm đắc với câu nói của Phật Thích Ca “tướng cướp quăng đao trước cổng chùa vào chùa nghe kinh có thể thành Bồ tát”.
Sau bữa nhậu đó, ít năm tôi thấy trên mạng bài trả lời phỏng vấn của Cung Tích Biền, chứng tỏ con người Biền đã khá dứt khoát sau khi được giải toả những “ẩn ức” và Biền xứng đáng là một người cầm bút của thời đại hôm nay, ngòi bút chỉ vì Chân Thiện Mỹ, không vì cái gì khác.
Trong cuộc gặp gỡ giữa người viết bài này chiều 11 tháng 9 năm 2007, tại quán bán đặc sản Ðất Quảng gần Tịnh xá Trung tâm. Cung Tích Biền cho biết Biền đang ung thư ruột già nên chương trình sáng tác chỉ lập cho từng ba tháng một và Biền đang viết bộ tiểu thuyết Chuồng trại (cũng có tên là Truồng chạy) rất đắc ý. Không biết Biền có hoàn thành kịp bộ tiểu thuyết này không vì ngoài ung thư còn tiểu đường nữa, bệnh nào cũng đang ở giai đoạn nghiêm trọng có thể “chùa thua” bất cứ lúc nào.
Trả lời câu hỏi chết đi được đầu thai lại làm người, Biền có muốn thay đổi thân phận không, Biền nói nếu được làm người nữa Biền chọn cái kiếp đang sống đầy oan khiên và bất trắc đã từng sống để tiếp tục sống.
Nói về chuyện tạp chí Da Mầu làm số đặc biệt về Cung Tích Biền, anh cho biết thế kỷ trước tờ Hợp Lưu có ý định làm một số về mình, Biền đã phản đối; nay trên 70 tuổi rồi, Cung Tích Biền đã đồng ý vì nghĩ mình đang gần đất xa trời, không nên phụ lòng người mến mộ mình”.
Hồ Nam
Cung Tích Biền cho biết “ròng 40 năm nay với bút hiệu nầy” và không viết bài nào đánh bóng chế độ trước cũng như sau 1975, “Từ khi được gọi là thành niên tới ngày hôm nay, tôi đã sống 21 năm trong nước Việt Nam Cộng hòa, 31 năm trong xã hội chủ nghĩa. Cộng lại hơn nửa thế kỷ. Tôi chưa từng dùng ngòi bút ca ngợi bất cứ một chế độ đương quyền nào”. Theo bài viết của Hồ Nam, không biết khi viết cho tờ Công An, dùng bút hiệu nào?
Theo hoạ sĩ Nguyễn Ðình Thuần ở Little Saigon, năm 1989 triển lãm tranh ở Hội Mỹ thuật, nhờ Cung Tích Biền viết cho bài giới thiệu, khi gởi bài viết đến tờ Lao Ðộng nhờ đăng tải, thấy tên Cung Tích Biền, họ từ chối, phải nhờ người khác viết mới đăng báo.
Qua những năm thăng trầm, anh có được cơ ngơi với cái kiosque để sinh sống và nơi tá túc ở chung cư Nguyễn Huệ, trước đây, bạn bè nói với tôi vì có gốc gác. Theo hoạ sĩ Hồ Thành Ðức, bạn thân của anh từ ngày ở Huế, còn thuộc những bài thơ của anh mà tác giả không còn lưu trữ hay đã quên (như đã đề cập ở trên, anh được giải thơ ở Trường Quốc học). Năm 1977 Hồ Thành Ðức vượt biên, bị tù hai năm, sau khi được thả, Hồ Thành Ðức có quen biết với vài giới chức trong Hội Văn nghệ nên được trông coi vài kiosque. Thấy Cung Tích Biền lông bông nên Hồ Thành Ðức giao cho kiosque để làm ăn và nhờ vậy xin được nơi cư ngụ ở chung cư Nguyễn Huệ. Còn vấn đề viết lách, không nghe Cung Tích Biền đề cập.
Hình ảnh sau ngày 30 tháng Tư, Cung Tích Biền được đưa lên báo “đeo bảng xanh, bảng đỏ” nhưng rồi bị tước đoạt tất cả, may mắn chỉ “học tập cải tạo” thời gian ngắn và làm lại cuộc đời trong hoàn cảnh trớ trêu. Trong một gia đình, bên nầy và bên kia chiến tuyến, không thể nào thoát khỏi oan trái xảy ra của mỗi chế độ, và người trong cuộc dễ bị ngộ nhận.
Giữa thập niên 60, sau thời gian xuất hiện với các truyện ngắn, Cung Tích Biền tạo được thế đứng trong làng văn, anh cho biết:
Có một thời gian, cùng lúc tôi viết feuilleton cho năm tờ nhật báo: Ðộc Lập, Ðông Phương, Ðiện Tín, Sóng Thần, Hòa Bình... Ngoài ra, còn viết mỗi tuần một kỳ hai trang cho tuần báo Ðời, do nhà báo Ðỗ Quý Toàn thư ký tòa soạn, họa sĩ Ðằng Giao trình bày, trang báo rất trang trọng, đẹp. Những truyện dài Bên dòng nước biếc, Luống cải vàng, Bến mưa ngâu của tôi xuất hiện trên Ðời.
Cũng thời gian này, truyện dài Những bọ và rắn được đăng trên tạp chí Quần Chúng do nhà báo Cao Thế Dung chủ trương. Truyện dài Trường Giang, đăng trên tuần báo Khởi Hành, do nhà thơ Viên Linh thư ký tòa soạn...
... Cho đến nay tôi chưa hề in một tác phẩm nào trong hơn 20 truyện dài đã đăng hoàn chỉnh trên các nhật báo Sài Gòn.
Các tác phẩm đã được xuất bản: Ai tỉnh ai điên (1968), Hòa bình nàng tình rỗng (1968), Nỗi buồn thắp sáng (1969), Cõi ngoài (1969)...
Nhà văn Cung Tích Biền thành danh, nổi tiếng qua nhiều tác phẩm trong thập niên 60, 70, quen thuộc với độc giả ở miền Nam Việt Nam, nhưng không hiểu vì sao ít có bài viết về anh và các tác phẩm của anh. Ở trong nước, tác phẩm của anh trước kia bị xếp vào bảng phong thần “truyện phản động không được phép sao lục, chưa có phép lưu hành”! Khi bị liệt kê vào bảng phong thần thì không có cây bút nào đả động đến và nếu có cũng không có tờ báo nào dám đăng tải. May ra có vài truyện ngắn sau nầy được đăng như “Thằng bắt quỷ” trong tổng tập Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX, NXB Kim Ðồng, truyện ngắn “Không thể là hiện thực” trong tuyển tập Ðêm bướm ma, NXB Văn Học...
Ở hải ngoại, các cây bút trong nước đã một thời quen thân với anh, hiện đảm trách nhiều tờ báo, nhưng suốt ba thập niên qua, ít ai đề cập đến anh. Có lẽ họ ngần ngại thời điểm anh đeo băng đỏ nhưng lại không “cảm thông” khi anh bị đuổi ra khỏi nhà, sống vất va vất vưởng, nghề không ra nghề, thợ không ra thợ để sống còn. Với những gì anh đã nhận chân sự thật để nói ra, nếu đó là sự thật thì “Sự chân thành là cái danh dự của lương tri”, nói như Galerita.
Trong quyển Văn học miền Nam tổng quan của nhà văn Võ Phiến, NXB Văn Nghệ, ấn hành năm 1986, trong phần tác giả, tác phẩm có ghi đôi dòng về tiểu sử Cung Tích Biền nhưng trong sách không một lời nhắc đến. Bộ sách Văn học miền Nam cũng của Võ Phiến, NXB Văn Nghệ 1999, phần truyện gồm ba tập, đề cập đến hầu hết các nhà văn nhưng cũng không có Cung Tích Biền. Quyển Văn học từ điển của Thanh Tùng, NXB Khai Trí năm 1973, tái bản ở Hoa Kỳ năm 1990, chỉ liệt kê tổng quát tiểu sử các tác giả; có vài tác giả chỉ có một, hai tác phẩm, chưa có tên tuổi, xuất hiện sau Cuing Tích Biền, cũng được đề cập nhưng không có tên anh.
Năm 1993, tập truyện Thằng bắt quỷ được Tân Thư ấn hành ở Hoa Kỳ, gồm các truyện ngắn trước và sau năm 1975: “Dị mộng”, “Qua sông”, “Ngoại ô Dĩ An và linh hồn tôi”, “Trong nghĩa địa xanh”, “Người tù tình nguyện”, “Giao thừa”, “Trên ngọn lửa”, “Lời ảo hóa”, “Rừng đôm đốm”, “Thằng bắt quỷ” và “Thừa dư”.
Trong các truyện ngắn sau này, Cung Tích Biền với bút pháp ẩn dụ, thế giới huyễn hoặc, không bày tỏ thực trạng của cuộc sống như những tác phẩm viết trước năm 1975. Trong khi đó, độc giả mong ở nhà văn thành danh với ngòi bút sắc bén với cái nhìn hiện thực.
Hiện nay, cuộc sống gia đình Cung Tích Biền được ổn định tại Gò Vấp, con gái lớn đã lập gia đình và ở Nam California. Tuy nhiên, anh vẫn mang nặng hình ảnh của hai người anh nên cuối bài phỏng vấn, Cung Tích Biền bày tỏ nỗi đau bây giờ, có hai người anh, bên này và bên kia đã chết mà không tìm được tông tích:
Người thứ nhất: ông Trần Ngọc Biền, bộ đội, chết năm 1969 tại Nghĩa Ðàn, Nghệ An. Người thứ hai: ông Trần Ngọc Tấn, Thiếu tá Quận trưởng Tịnh Sơn kiêm Quân trấn trưởng Quang Ngãi. Sau tháng 4 năm 1975, đi học tập và chết trong trại cải tạo. Gia đình chỉ được thông báo cái chết từ năm 1978 mà không biết nơi chôn cất. Cũng đã ở tuổi cổ lai hy, nếu được quy kết mộ hai ông anh ruột cũng là một thoả lòng.
Trong tình nghĩa bạn bè thân tình với nhau, cho rằng anh sống bạt mạng, đệ tử của Lưu Linh nên đôi khi cũng bất cần thân thể. Tuy nhiên, không tránh khỏi sự chê bai. Tôi nhớ, có lần người bạn nói với tôi rằng Trần Hoài Thư “cao ngạo, bộ mặt khinh khỉnh”, tỉnh bơ khi chào hỏi. Thật ra vì cận thị nặng, không nhìn xa được để đáp lễ nên bị mang tiếng và về Cung Tích Biền thì tôi nghe nói nhiều hơn. Ngày trước, mỗi lần Trần Hoài Thư từ núi rừng về Sài Gòn, tá túc ở nhà trọ Cung Tích Biền, ngồi quán cà phê, cả hai nhìn xa đều “mục hạ vô nhân” thì làm sao tránh khỏi lời chê trách “mục trung vô nhân”!
Thật ra, Cung Tích Biền chẳng vỗ ngực xưng danh “nhà văn nhớn” như vài người khác mà còn khiêm nhường. Qua câu hỏi của Lý Ðợi: “Vắng bóng trên thập kỷ rồi. Ông sẽ xuất hiện lại chứ. Ẩn danh mãi sao ông nhà văn?”. Cung Tích Biền: “Danh đâu mà ẩn. Chỉ là tìm chỗ trốn cái gió tanh mưa bụi. Tôi có một kho tàng sống qua mấy thời kỳ. Chỗ giáp ranh của thực hư, chính tà. Nửa tỉnh nửa điên...”.
Tròn hai thập niên, chưa gặp được anh. Những gì biết được, ghi lại, còn nhiều thiếu sót. Không gì hơn, đón nhận hồi ký của nhà văn Cung Tích Biền. Gần năm thập niên rồi, bên nầy bờ đại dương vẫn nhớ hình ảnh và ca khúc Sérénata:
“Viens, le soir descend
Et l'heure est charmeuse
Viens, toi si frileuse,
La nuit déjà comme un manteau s'étend...”.
Sống với nhau, sinh tử tử sinh, còn lại nhớ chăng ở đạo làm người. Mười bảy năm xa cách, mong có ngày cụng ly ở quán đặc sản Quảng Nam.
Vài dòng minh xác:
Như đã đề cập ở trên, bài viết không có tính cách nhận định về tác giả và tác phẩm mà thu tóm những điều nhà văn Cung Tích Biền “mở miệng” phối hợp với ý kiến các thân hữu thân quen với anh và tôi”.
Ðể giữ sự trung thực, khách quan và rõ ràng, tôi đã chuyển bài viết về nhà văn Cung Tích Biền để có tiếng nói của người trong cuộc. Trong email ngày 16 tháng 9-2007, anh cho biết: “Bài viết chân tình và khách quan. Tuy nhiên có vài đoạn trích dẫn, anh Hồ Nam viết về tôi không được chính xác lắm. Tôi có viết cho tờ báo Công An một dòng chữ nào đâu... nhưng không sao. Tôi từng bị ngộ nhận mà không hề cải chính. Huỳnh Bá Thành đã chết nhưng báo Công An còn đó, tôi còn đây, bao nhiêu người làm cho báo Công An hãy còn ở tại tòa soạn...
Tôi rất quý trọng anh Hồ Nam, anh Hồ Nam là một người sống rất có tình cảm với anh em, rất công bằng trong nhận xét. Nói chung, anh Hồ Nam là một người ngay thẳng, trước sau như một. Nhưng có thể đây là một sự nghe lầm trong lúc rượu vãng, trò chuyện...”.
Về tình trạng sức khỏe, anh cho biết bị tiểu đường đã 19 năm rồi, đau tim và ung thư đại tràng hơn một năm nay. Lúc nào sức khỏe được bình thường, đi tìm thú vui cho khuây khỏa.
Xin đính chính một chi tiết trong bài viết, là con trai anh du học và lập gia đình ở Cali.
Nhà văn Trần Hoài Thư vừa chuyển cho tôi bài phỏng vấn của Viên Linh trên tờ Thời Tập, tháng 6 năm 1974, cho biết anh ở trong ngành Hành chánh Tài chánh nên phục vụ qua các binh chủng. Lập gia đình năm 1972, trước khi giải ngũ.
Chú thích:
[1] “Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử”, Cung Tích Biền trả lời phỏng vấn của Lý Đợi, talawas 1.2.2007. Những đoạn in nghiêng trong bài đều trích từ bài phỏng vấn này.
11/9/2007
Vương Trùng Dương
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...