Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Chuyện của thiên tàiXXXX
Chuyện của
tôi không phải thiên tài. cả đời tôi phải đóng vai thiên tài
Tôi đỗ đại học, không tính điểm cộng do bác chuyển hộ khẩu
cho từ Hà Nội về khu vực ưu tiên thì thừa ra năm điểm rưỡi. Toán 7,5. Văn 8,5.
Anh 7. Điểm Văn trúng tủ nhưng cũng hơi bất ngờ. Điểm Anh thấp hơn thực lực. Điểm
Toán tôi không rõ thực chất thế nào, bài hôm đó tôi làm không tốt. Tôi viết chữ
BÀI LÀM theo ông ta dạy. Cái đêm trước hôm thi, tôi về không ngủ được. Khóc
xong không thấy đớn đau, chỉ thấy mông lung. Khóc không phải chỉ vì giận dữ mà
còn vì mình hèn. Lần đầu cảm thấy rõ rệt mình bất lực khi muốn giữ danh dự
trong thế giới này khi lâu nay để nó cuốn đi. Hôm sau đi thi thấy bình thường.
Môn Văn và môn Anh làm vèo như nước chảy. Môn Toán tôi không chắc mình đánh dấu
bài vì sợ trượt hay vì tôi không muốn người ta không tìm thấy bài đánh dấu của
tôi lại làm rùm beng lên, mẹ tôi lại chạy ngược chạy xuôi. Tôi muốn thi xong được
để yên. Môn Văn bố tôi cũng dẫn đến nhà thầy dậy Văn nói chuyện. Thầy có vẻ tốt
nhưng nhu nhược. Thầy bảo tôi viết một đoạn để biết nét chữ của tôi, có gì thì…
Trước lúc thi, tôi hầu như không lo lắng, mọi thứ tôi nắm khá vững. Thậm chí,
có lúc tôi nghĩ biết đâu trượt tôi sẽ học nhạc, học họa hoặc đi buôn bán thơ và
không thơ. Để thoát khỏi nỗi chán chường. Tôi chán đến trường ngồi ngoan ngoãn
và vô tích sự lắm rồi. Ban đầu giận bố mẹ làm tôi nhục. Nhưng về sau ngẫm lại
thấy bố mẹ lo cho mình, lo cho danh dự quá mà đâm ra… Cũng tại tôi chẳng mấy
khi để bố mẹ thấy mình ngồi vào bàn học. Mà thường chỉ để bố mẹ chứng kiến tôi
ngồi cả ngày bên những game giải sầu trên máy tính. Và vội vã ra sân bóng lúc
chiều còn gay gắt nắng. Cho đến bây giờ vẫn thế, họ vẫn luôn chứng kiến tôi nằm
ườn, viết lách, gõ, và đi đá bóng. Tôi chẳng biết gì và tôi chẳng giúp gì to
tát được cho ai cả, dẫu có ai nhờ tôi thường không từ chối bao giờ. Và tôi ảo
tưởng có thể cải tạo cuộc đời (có phải chỉ mình tôi ảo tưởng đâu). Họ thấy vậy.
Và tôi biết, những độc giả hời hợt cũng đâu thấy khác.
Bạn mơ cái gì đó về bóng đá, cái này thì bình thường. Rồi bạn
tỉnh dậy. Có vẻ là dậy thật. Nhưng chưa hết giờ ngủ trưa. Bạn lại nhắm mắt làm
tí ngủ nữa. Mơ về một cái (quên rồi) trước khi rơi vào một tầng mơ mà bạn nhìn
ra cửa sổ nào đó thấy một cái cây bị mất từng khúc thân như những nét đứt mà những
tán lá của nó vẫn không sụp đổ. Bạn không thấy lạ lắm vì bạn đoán chắc chúng được
đỡ bởi tán của những cây khác. Rồi bạn hồ nghi có đỡ thì cũng phải nghiêng ngả
chứ. Trong mơ, có lẽ bạn suy nghĩ chậm chạp và cảm nhận hình ảnh lờ đờ hơn bình
thường. Lát sau, thằng em đi vào. Trước đó, nó có làm một cái hoạt động gì đó ở
trường. Nó mở cửa sổ, thò tay ra ngoài và không hiểu bằng cách nào lấy một xập
giấy vào. Nó nhét vào cặp, cái cặp là lạ, và bảo có khá nhiều thư trả lời. Có vẻ
nó tổ chức một cuộc đấu giá. Đúng lúc đó thì một gã cổ quái từ đâu đi vào, gió
thổi mạnh lên. Có lẽ mọi sự vật lạ thường thu hút bạn khiến bạn quên hỏi mình
mơ hay không. Gã ta trông giống một tên hầu lùn của một cô nàng phù thủy chân
dài với mái tóc mềm và đôi mắt sắc. Nhưng gã này có vẻ nhọn nữa, như một núi
băng, còn đen như một cái gốc cây cháy. Trông như một thứ thực vật biến đổi gen
hoặc người cấy gen thực vật. Gã lừ đừ đi đến cái cửa sổ. Gió bắt đầu hú. Bầu trời
tối đen. Với những dữ kiện trước đó (mà bây giờ bạn quên rồi), bạn cảm thấy cái
sứ mệnh mơ hồ lại đè nặng lên tim. Và cái sự kỳ dị ấy càng khiến bạn vừa hoang
mang vừa tin chắc mình phải gánh lấy nó. Gã thực vật gai góc viết lên cửa sổ một
hàng chữ gần giống nét chữ của bạn. Hắn viết bằng chính tay hắn, một thứ than
chì thì phải. Mở đầu là tên của bạn, sau đó là “…is a..”, bạn theo phản xạ,
đoán ngay tiếp theo chắc là “…dog” Nhưng có vẻ không phải, tự nhiên hắn viết
ngoáy đi, một từ gì đó có 4 chữ cái mà bạn đọc mãi không ra. Rồi hắn biến đi
đâu đó. Mưa bắt đầu rơi rầm rầm, gió gào rú. Ô, cái cảnh này bạn đã gặp ở một
giấc mơ đã cũ. Bạn chẳng biết phải làm gì nữa. Có một bộ quần áo trên sàn và bạn
mặc nó. Cái áo ra sao đó. Còn cái quần thì rộng thùng thình. Không chắc lắm. Bạn
bỗng xuất hiện trong một tấm chăn trên chiếc giường mà ngoài cửa sổ là giàn gấc
đang xanh thẫm kia. Có lẽ bạn đã rơi khỏi giấc mơ trước. Bạn nghe tiếng tít tít
tít tít liên hồi từ nơi xa vắng. Lại cái đồng hồ báo thức đây. Hôm đầu đến ngủ
nhà bác, bạn cũng nghe cái tiếng ấy, khác với các loại chuông khác, mà không biết
là cái gì, cứ tưởng mình mơ. Phừ, đã đến lúc dậy rồi, bạn chui ra khỏi chăn.
Nhưng không được, cái chăn có vẻ rộng quá. Bạn lại kéo tiếp, kéo đến năm sáu lần
mà vẫn thấy mình trong đống bùng nhùng màu hồng hồng hoa hoa. Còn hơi khó thở.
Bạn cười cười, thế là vẫn chưa hết mơ rồi. Đã có kinh nghiệm, bạn nhắm mắt lại,
nằm im, tích tụ lực để vùng dậy. Một hai lần không ăn thua, bạn vùng mạnh, rồi
cũng thoát. Tiếng tít tít vẫn rót vào tai bạn, khe khẽ khe khẽ. Tiếng còi xe
ngoài đường vẫn ngân đều. I i i. Ta ta ta. Tu tu tu. Đủ loại. Bạn nằm xuống,
trùm chăn lên đầu. Được một lúc thì có người kéo chăn khỏi người bạn. Bạn kéo lại
và nhận ra ông anh họ. Hai anh em kéo co vài lần bỗng bạn thấy mình không thấy
mặt ông anh. Vẫn người, chân tay đầy đủ nhưng không tài nào nhìn thấy mặt. Bạn
xoay bên này thì ông anh nghiêng bên kia, như vô tình mà như giấu giếm. Thôi rồi,
chậc, lại mơ, bạn biết. Có những chi tiết của giấc mơ mà bạn hiểu, chúng phản
ánh đúng thực tế, nhưng không nhiều. Vì thế, bạn chỉ chơi với chúng thôi. Như một
thứ bạn bè cho xôm tụ. Còn tin tưởng thì mơ hồ lắm. Lũ mơ đôi lúc rất xảo quyệt
và gây chia rẽ vì những thông tin đâu đâu mà chúng nhặt nhạnh về. Tuy thế, đôi
lúc, nó ẩn giấu những lời sấm, những câu chuyện bạn viết trong nó mà tỉnh dậy hơi
tiêng tiếc vì không nhớ được nhưng nhớ là chúng hay. Tiếng tít tít vẫn va đập
vào não bộ cũng tiếng còi xe triền miên. Bạn cũng đã khá quen với sự ngộ độc âm
thanh. Đã thôi không quá nghĩ mình đáng nhẽ phải đi tĩnh dưỡng vì thần kinh
mình cần nghỉ thực sự. Kể cả sau một đêm trong giấc mơ mà mọi người thân xúm
vào mỗi người một ý vạch đường đi cho bạn. Ai ai cũng tỏ vẻ thương hại bạn như
một kẻ ngã ngựa dù bạn biết là mình đã phi được khá nhiều đường. Lúc đó, tự
nhiên bạn gầm lên: THÔI!!! Chỉ một tiếng và bạn tỉnh dậy. Hình như chưa bao giờ
bạn nói mê. Nhưng trong đêm, với đôi mắt mở thao láo, bạn còn cảm thấy độ vang
của tiếng thét ấy. Có tiếng bác gái ở giường bên trở mình, có lẽ vì bị đánh thức.
Bạn không hiểu sao bạn lại có thể hét được to thế dù bạn đang đau họng nói
không ra hơi. Và bạn biết sẽ không ai biết đó là tiếng THÔI mà bạn đã rống lên
vừa bực bội vừa ai oán vừa chán nản. Chỉ nghe một âm thanh đánh thức mình trong
giấc chập chờn. Hôm đó, bạn sốt khá cao, có lẽ thế nên bạn để sổng ra mất một giây
không làm chủ được mình. Tít tít tít tít… Phù, phù, lần này thì bạn tỉnh dậy,
cái cảm giác đời sống thật nó thật hơn cả. Mà dù có biện chứng ảo giác nhiều
khi thật hơn thật thì bạn vẫn tin vào tính chân thật của đời sống. Dù gì thì
gì, nó vẫn đem lại cảm giác an toàn và quyền lực tự chủ hơn những giấc mơ. Bạn
dậy tìm cái đồng hồ, không ra. Đoán rằng nó bên dưới tầng một vì nghe có vẻ xa
xôi. Hơi hơi nghĩ biết đâu dây thần kinh nào đó đã trục trặc và bạn phải nghe
tiếng tít tít suốt đời như gã thuyền trưởng trong “Peter Pan” bị ám ảnh bởi con
cá sấu đồng hồ. Mãi rồi bạn mới nghĩ ra phải bịt tai lại và quả nhiên là nó dứt.
Rồi bạn lại bỏ tay ra, nó cũng chẳng thể làm bạn khó chịu. Bạn bình thản. Bình
thản và mệt mỏi. Lát sau, bác bạn lên, mang theo chiếc đồng hồ báo thức còn
kêu. Cười. Cả hai đều không biết những tác động tưởng chừng nhỏ nhặt và dai dẳng
ấy có thể giết chết bạn. Khi bạn viết, cứ có một người đến gần là bạn phải gấp
lại. Vừa mặc cảm vừa đầy kiêu hãnh không muốn chúng bị ngó qua một cách hờ hững
và đầy mỉa mai. Cả hai đều không biết những sự ngắt cụt cảm hứng có thể dẫn đến
lãnh cảm. Mà dần dà đâm quen, bạn viết mà không biết nó có hay không. Như người
đầu bếp thiên tài mất hết khứu giác, vị giác. Không biết thì khó trách. Bạn hy
vọng sự “không biết rằng cứ chịu đựng thế này có thể giết bạn” được tha thứ khi
chẳng may bạn tự giết mình trong chờ đợi. Bạn chấp nhận khuôn khổ như một cuộc
chơi đầy thử thách.
Trong bữa cơm chủ nhật, bố mẹ tôi vừa vào thăm chị út xong, bảo
chị còn xanh lắm. Học nhiều quá. Sức khoẻ yếu thì học thêm tại chức tiếng Trung
với cả phấn đấu vào Đảng vội làm gì. Tôi nói: Cho con đi bệnh viện. Mẹ bảo:
Sao? Tôi cười: Bệnh viện tâm thần ấy. Mẹ cười: Con tinh khôn lắm. Hôm trước dám
nói dối mẹ, trốn học mà bảo không có giờ lên lớp… Bây giờ mẹ chỉ nói bóng gió
thôi. Chứ trước đây thì um nhà rồi. Cái bệnh của tôi bố mẹ đã hết thuốc chữa. Căn
bản cũng xuôi xuôi sau khi đọc một số cái tôi đưa. Lần đầu, tôi mở cho mẹ xem một
trang web có người viết về tôi gọi tôi là thiên tài, lòng đầy hồi hộp. Đầu tiên
mẹ hỏi: Con tự viết à? Tôi chỉ cho mẹ xem tên người viết ở cuối bài. Mẹ xem
xong bảo: Đây là trang hài hước à? Đôi lần tôi nửa đùa nửa thật: Con đứng trong
5 nhà thơ Việt Nam hay nhất. Mẹ bảo: Chả khiêm tốn tí nào. Hoặc: Con chỉ hoang
tưởng. Mưa dầm thấm lâu, với lại cộng cả bệnh đau của tôi, mẹ bớt nặng lời. Bố
thì ít khen ngợi con cái nhưng một hôm khách đến ăn cơm, mọi người nói chuyện về
tôi, tôi ngồi trên tầng nghe loáng thoáng bố ở tầng dưới nói: …nhưng phải nói
là nó dám khẳng định mình viết hay. Hôm trước em đọc ở một tờ báo có nói… Nói
chung là bố mẹ hơi xuôi xuôi thôi, còn họ vẫn chưa thay đổi quan niệm mảnh bằng
đại học không thể không có. Trong nhà, tôi đã trở thành một kẻ bất trị. Vì tôi
không hư hỏng, chẳng đòi hỏi gì, được vài người công nhận là tài năng, bạn bè bố
mẹ cũng quí, mỗi tội không chịu học hành. Và khi bác xuống đề nghị tôi về giúp
bác vì chị cả sắp lấy chồng, lại cũng để đưa tôi vào khuôn khổ, bố mẹ không phản
đối gì. Vì thế mà bên cạnh việc muốn đổi gió và tập điều độ, tôi hơi bực, tôi
đi. Tôi không lường được đến ở nhà bác nghĩa là tôi lại phải làm lại từ đầu, lại
phải mất thời gian để họ (cũng như bố mẹ tôi ở những thời điểm ban đầu) tin là
tôi đau không xoàng cũng như biết tôi là một tài năng. Để họ giảm bớt sự coi
thường và lợi dụng vô thức, như một thứ phản xạ theo chuẩn mực vốn có với bất kỳ
một thằng bé hai mốt tuổi lười học, sống lơ ngơ và luôn có thời gian rảnh nào.
Nói đây là cuộc chiến thì to tát quá. Nhưng đây là một trận bóng. Bố mẹ dắt
bóng nhưng không lừa qua được tôi. Nhưng lại không muốn mất bóng nên chuyền
sang cho bác. Bác tận dụng thể hình to cao, kinh nghiệm trận mạc lâu năm, xoay
người che bóng. Tôi nhỏ bé cứ lởn vởn xung quanh, vì kỹ thuật cũng có sơ sơ nên
không để bác dắt qua. Có điều bác che bóng khéo quá, cứ câu giờ cho đến hết trận
đấu thì thôi. Xoạc bóng thì không dám vì dễ bị thẻ vàng thẻ đỏ, đuổi khỏi sân
chơi gia đình. Về phía bác, tiếp nhận bệnh nhân tôi chuyển viện với vẻ đầy tự
tin. Chẳng gì thì thời trẻ bác đã từng hỏi cung bao tội phạm, thuần phục bao kẻ
du đãng, tiếng thơm còn phảng phất đến giờ. Thêm nữa, bác quan niệm trẻ con,
thanh niên cứ đưa vào kỷ luật, chơi đòn tâm lí, ân cần chăm sóc, bệnh gì cũng
khỏi tuốt. Kết quả đợt điều trị này chưa biết ra sao. Hơi lo cho bác vì ca này
khá nặng. Chắc bác chưa chữa cho thi sỹ bao giờ. Cái bệnh thơ nó loạn lắm. Mà
bác thì dùng toàn công thức. Bây giờ bác đang trăm mối lo. Con gái cả sắp lấy
chồng, con gái út mổ ruột thừa còn nằm viện, chuẩn bị hàng bán ngày 20-11… Lại
còn thằng cháu ngỗ ngược quỉ quái đội lốt trẻ em mắc những bệnh vô phương cứu
chữa vì có phải bệnh đâu. Mẹ thì độ này da sạm đi. Dường trong mẹ luôn có khao
khát về danh tiếng, với công việc mẹ lại đầy trách nhiệm nên mẹ luôn phải cố
quá sức mình. Thật ra sự thể có cái gì đâu, mọi người lo quá làm khổ nhau. Để bạn
yên và bạn có thể giúp họ rất nhiều mỗi khi bạn có thời gian bên họ. Bạn có thể
tìm hiểu và tư vấn cho bác nên bán hàng gì, giúp gia đình tìm một tráng thái
cân bằng. Và danh tiếng thì không có mới buồn cười. Nhưng những áp lực dai dẳng
khiến bạn đâm bệnh. Chả nghĩ nhiều cho ai được. Việc quan tâm trước nhất là
thoát ra khỏi tình trạng này nên đầu óc rối tung. Dường càng thương, càng suy
nghĩ về chuyện mệt mỏi của bác, của mẹ, của bố, của thằng em… càng đau nữa,
càng bệnh nữa. Dường mọi người đều liên hệ với nhau bằng những sợi dây tình cảm
vô hình. Đó cũng là một thứ trói buộc. Khi mà ai ai cũng giật thì chúng xoắn lại,
gỡ mãi không ra. Vừa gỡ xong mối này lại rối mối kia. Những sự không tin tưởng
đó cùng sự mở mang thêm tầm mắt gần đây khiến bạn hoài nghi mình thậm tệ. Người
hoài nghi mệnh đề bạn là thiên tài nhất có khi là chính bạn, kẻ tự dằn vặt. Người
ngoài chỉ tin, thờ ơ hoặc chế giễu. Họ không trăn trở. Vì bạn có là thiên tài
(thơ) hay không, với họ, không quan trọng. Họ không phải thiên tài, và họ cho rằng
thiên tài (thơ) của chả làm nên được cái gì, thế là họ không cần quá bận tâm đến
điều đó. Căn bản vì các dòng suy nghĩ cứ chảy nên bạn hay quên. Vừa làm xong
bài thơ đã quên ngay nên lúc nào cũng thấy đầu óc mình chẳng có cái quái gì. Thế
thì là thiên tài thế nào được. Nhưng những lúc mở tủ ra, đọc lại những bài thơ
đã và chưa gửi, những lúc đặt bút viết trôi chảy, bạn lại tin mình, tin vào những
gì đọng trong tiềm thức của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thời
gian mở tủ đọc lại. Hoặc khi thất vọng về mình, chẳng còn tâm trí đâu nhớ ra
nên mở tủ đọc lại. Hoặc mở tủ đọc lại thì dễ lại đâm chán đời, bất mãn. Tội bác
quá, bệnh nhân này quả khó chữa. Vì nó lại muốn chữa cho chính bác sỹ. Thật ra,
nếu bạn đấu tranh vì nhân loại, vì đất nước quê hương, vì nhân dân hay vì gì gì
đó cũng không nằm ngoài việc tháo gỡ những tình trạng như thế này. Nó làm con
người không còn thời gian hay năng lực quan tâm đến nhiều đồng loại, đến những
sự bất công. Và càng cô độc vì không được hiểu, con người ta càng dễ ích kỷ.
Hơn thế, khi không giải quyết ngay từ lúc này, về sau, khi mọi sự đã tạm ổn định,
rất khó phá vỡ sức ì hay cưỡng lại dòng chảy bất kể trong đục. Và thế là thế hệ
sau lại phải gánh những tàn tích. Lại buồn, lại khổ nhiều hơn cần thiết. Mà đời
người thì có mấy đâu. Mà cuộc sống thì không thiếu những điều tươi đẹp để tận
hưởng. Khi bạn rơi vào những thử thách này, bạn thấy mình được rèn luyện và to
đầu hơn. Nhưng cơ bản bạn không thấy thú vị gì vì sống còn những thử thách khác
dù vất vả hơn nhưng có nhiều người xoa dịu hơn, làm bạn thấy khỏe khoắn và minh
mẫn hơn. Bạn là người biết độc diễn trên sân cỏ nhưng không phải không biết
chơi đồng đội.
Hôm nay chị bạn ra viện. Lại đến lúc thay băng và họ lại lùa
hết người thân bệnh nhân ra. Bạn lại lang thang. Đôi mắt luôn nhìn thẳng nhưng
chẳng nhìn vào ai cả. Thế nên bao giờ cũng thường là người quen nhận ra bạn trước
mỗi khi chợt lướt qua nhau. Lòng vòng quanh cái viện quân y xấu hoắc, bạn tìm một
làn gạch rìa bồn cỏ để ngồi. Đưa mắt quanh quất. Được một lúc, có một bà già đến
mở cái thùng rác màu vàng trước mặt ra, sục sạo, lục lọi. Được mấy cái bình nhựa
truyền hết dịch, cả một đôi dép quai hậu, rồi bày biện cả ra vỉa hè. Bà già
hình như chột mắt, cử chỉ có vẻ khỏe mạnh và bất cần. Chả quan tâm đến gì ngoài
những cái thùng rác. Chẳng có gì để thấy xót thương. Đó cũng là một công việc,
thậm chí, nhàn nhã. Và bà già cần nhiều hộp nhựa hơn là lòng thương hại đâu
đâu. Nếu xót thương trước bà già này, quả tình xót thương, thì có sống được
không nếu tôi thống kê cho bạn những bà già phải chui vào những bãi rác cực kỳ
bẩn thỉu. Cả phụ nữ nửa, cả trẻ em nữa. Và họ còn phải chui vào những chỗ bẩn
thỉu hơn những bãi rác bẩn thỉu nữa. Bất cứ nơi nào cũng vô số những con
người như vậy. Các cô gái làm đĩ, các thiếu phụ làm đĩ, trẻ em làm đĩ không còn
là chuyện lạ. Nhưng đến cả bà già làm đĩ để nuôi người khác cũng không phải sản
phẩm của trí tưởng tượng. Nên bạn đừng ban phát lòng xót thương bừa bãi. Vì nó
sẽ chóng hết lắm khi bạn thấy sự thương cảm đã nhàm, những cảnh đời éo le càng
ngày càng hiện lên dày đặc và rõ ràng hơn với đôi mắt rách mất lớp màng ngây
thơ. Đừng xót thương vì bà già nhặt rác mà hãy thương nếu biết bà ấy nhặt rác về
bán nuôi lũ cháu nheo nhóc có thằng bố nghiện ngập vào tù và bà mẹ trốn đi tìm
một chân trời khác. Còn nếu không biết gì, cứ để bà già yên tâm với công việc của
bà ấy. Và lòng quả thấy băn khoăn thì hãy cho bà ấy tiền hoặc đến tận nhà thăm
hỏi. Hoặc trò chuyện với bà ấy nếu bà ấy có hứng thú tâm sự. Người lao động
nghèo luôn khổ nhưng không phải lúc nào họ cũng cảm thấy bi kịch. Bi kịch chỉ đến
khi họ bắt đầu khao khát nhận thức, khi họ bị ngăn cấm tình yêu, khi họ bệnh tật
không có tiền chữa chạy, và hứng chịu những bất công lớn. Lúc đó, họ sẽ thấy sự
tù túng và bất lực. Còn bình thường thì họ rất dễ ăn dễ ngủ. Cũng vì thế mà bi
kịch ngày càng nhiều. Và bản thân họ phải tự thoát ra. Nhưng người đem đến lí
luận và động lực lại chính là giới trí thức. Càng ngày càng đông những kẻ hững
hờ.
Mạnh theo cậu nghĩa là thế nào? Mạnh hơn theo kiểu không chơi
hay kiểu chơi? Là nhiều bom nguyên tử hơn hay nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn? Là
nắm được nhiều khoa học hơn hay nhiều tâm linh hơn? Là có năng lực lồ lộ hay năng
lực tiềm ẩn hơn? Là được nhiều người quí mến yêu thương hơn hay được nhiều người
sợ hãi, e dè hơn? Là to con hơn hay nhỏ con hơn? Là chào đời trước hay chửi đời
sau? Đẻ con trước hay đẻ sau? Sinh vịt bầu hay sinh chim cu gáy? Thứ bậc to hay
thứ bậc bé trong dòng tộc? Cà to hơn hay cà bé hơn? Khoai mập hơn hay khoai thư
sinh hơn? Tửu lượng cao hay tửu lượng thấp? Ngốn nhiều tiểu thuyết hơn hay truyện
tranh hơn? Đầu giống Zidane hay như Carlos? Lánh xa đàn bà hay ỡm ờ trăng gió?
Nhổ bọt xa hơn hay nhổ bọt gần hơn? Được chửi nhiều hay được chửi ít hơn? Vào
tù nhiều hơn hay vào tù ít hơn? Ăn một bữa bảy bát hay nhai nhóp nhép như mèo
hen? Hay là hắt xì hơi giống tiếng lợn kêu hơn? Hoặc là cùng lao đầu vào một ô
tô xem ai chết sớm hơn? Hay là được con chó chưa từng gặp quấn quít hơn? Hoặc một
con người xa lạ ghê tởm hơn? Liệt kê mấy cái này được nhiều hơn hay ít hơn?
Bình thường hơn hay quái lạ hơn?
Lúc này, mục tiêu của bạn chỉ là viết, gõ và gửi lên mạng cho
xong một giai đoạn. Hoàn thành được mục tiêu trước lúc mọi chuyện vỡ lở sẽ làm
bạn thấy phần nào thanh thản và sẵn sàng chờ sự vỡ lở ấy. Thậm chí, có thể xuất
hiện chút tò mò và hơi háo hức là khác. Đó là một sự chuyển đổi quan trọng. Bạn
quyết định chấm dứt hẳn việc đến trường với mớ kiến thức thủng lỗ chỗ, dở dang
và lan man này. Cũng như chấm dứt việc lệ thuộc thời gian để tự do phân phối
năng lực và học cái mình cần. Để kiếm tiền sạch và xứng đáng theo cách của bạn.
Bên cạnh sự thương lượng, đây là phép thử cuối cùng trong quãng đời này để bạn
hiểu rõ hơn về họ. Nếu đến nước này, họ tiếp tục coi việc dắt mũi đưa đường bạn
là một nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả thì tốt hơn là bạn nên ra đi. Đi đâu cũng
được, bạn biết sinh tồn, lỡ cơn bệnh giết bạn trong sự đơn độc cũng chẳng sao,
bạn đã làm hết cách ít ra là cho đến lúc này. Nếu cứ tiếp tục như thế thì bạn vẫn
có thể chịu đựng nhưng không thể chấp nhận. Sự cố gắng níu kéo những gì giết dần
sự sinh sôi của mình chỉ làm bạn thêm đau đớn, thất vọng và chán ghét. Như thế
sẽ chỉ làm khổ nhau. Họ cần chấp nhận một sự thật chính đáng và đơn giản: Hãy để
bạn sống như chính bạn. Họ muốn sống một đời sống bình thường và muốn bạn cũng
sống thế. Đó là mong muốn hết sức chân chính và cũng là mong muốn của bạn.
Nhưng họ sống không bình thường. Bình thường ở đây là hiểu theo nghĩa lành mạnh.
Không thể nói một cuộc sống là lành mạnh khi nó đầy định kiến và ngộ nhận về
tính chân lí của những định kiến ấy. Nó dẫn đến những hành động đầy cảm tính
khi cần lí tính và ngược lại. Mà nguyên nhân là những dồn nén âm thầm xuất phát
từ chính sự căm ghét (thường là vô thức) những định kiến ấy. Bạn chỉ muốn họ
nhìn vào sự thật nếu họ còn khả năng nhìn. Để thay đổi những điều cần và có thể
thay đổi. Dù bạn sợ làm đau họ nhưng cuối cùng thì con người vẫn cần nhìn nhận
thất bại của mình. Bạn sẽ không trình bày nhiều. Chỉ lấy một ví dụ điển hình và
đơn giản nhất. Đó là sự thiếu hòa hợp của họ với đối tác hôn nhân. Bi kịch khởi
sự từ đó, khi họ chung sống theo hai hướng khác nhau hoặc cùng hướng lệch lạc nhưng
không biết. Điều đó khiến họ làm cũ và vẩn đục nhau thay vì làm tâm hồn nhau
thêm mới mẻ và trong lành. Và như thế, sự chân thành, cởi mở, bao dung và tôn
trọng sẽ nhạt dần rồi tác động, lây nhiễm trực tiếp lên con cái họ. Họ đã hy
sinh, điều đó đem lại lòng biết ơn. Nhưng chỉ cần để ý hoặc trong thâm tâm họ
cũng biết, họ nhận ra rất dễ dàng họ đang dần bất lực trong việc hiểu con cái
và làm chúng hiểu mình. Khoảng cách giữa các thế hệ trước tiên là do người đi
trước tạo ra.
Bạn vói tay tắt chuông báo thức và nằm chờ có thể ngủ tiếp. Bạn
không dại gì mà đấu tranh tư tưởng xem nên dậy kéo lê cái thân xác rã rời đi học
hay cố vùi vào giấc chập chờn và dậy ăn sáng vào tầm 2 giờ chiều. Bởi vì bạn đã
từng làm thế, đã từng lết đi trong vài năm. Và bạn cảm thấy, nằm ngủ tiếp tiếp
có vẻ tốt hơn cho bạn. Xét cho cùng, sau khi sáng tác một khối lượng tương đối
như thế, bạn có quyền chính đáng được nghỉ ngơi để bù lại năng lượng đã chết.
Nhưng vấn đề đặt ra là đó có phải những sáng tác hay ho cho loài người không.
Hay bạn đang tự đày ải mình bằng những thứ chưa bán được. Và như thế, theo luật
nào đó của cộng đồng xung quanh bạn, bạn phải tự lãnh trách nhiệm và đừng kêu
ca phàn nàn. Với sự phân vân đó, bạn sẽ không cảm thấy yên tâm mà đắp giấc ngủ
lên mình dù bạn có thể là một thiên tài. Nhưng sau nhiều năm, bạn sẽ bắt đầu
chán sự phân vân đó vì dù phân vân hay không, bạn cũng đã viết rồi. Và bạn cần
nghỉ nếu không muốn chết sớm. Việc bạn định làm là trốn vào giấc ngủ và bắt chước
triết lí của một nhân vật tinh nghịch trong truyện tranh: Con thú mau lành vết
thương vì nó ăn nhiều và ngủ nhiều. Con người muốn mau lành bệnh cũng thế. Mặc
dù bạn biết ngủ nhiều cũng chẳng bổ béo gì cho sức khỏe. Hơn nữa, bạn chẳng ăn
đủ một lượng calo cần thiết để giấc ngủ được béo tốt. Hiểu biết này đến hết sức
đơn giản. Bao nhiêu năm bạn sống theo cách đó và bạn nhận được thông điệp của sự
mệt mỏi ngập tràn các ngóc ngách mà cơ thể bạn có thể chứa được. Nhưng như một
thói quen, bạn lựa chọn ngủ tiếp. Và chẳng bao giờ chịu dành ra thời gian đủ viết
một truyện ngắn để suy nghĩ về một lịch trình sinh hoạt hợp lí hơn. Nguyên nhân
thì rất khó xác định. Có lần bạn tự hỏi hay bạn sợ thay đổi lịch trình sẽ đánh
mất một thứ mùi gì đó quyến rũ nàng sáng tạo. Có thể nàng sẽ đến ít hơn dù nàng
đến thì cũng chả sung sướng gì. Có lần bạn tự hỏi hay bạn làm thế để có cớ
không phải đi học. Có lần bạn tự hỏi phải chăng đó là hạn chế của mọi kẻ cô
đơn.
Có nhiều trạng thái mà bây giờ mới lí giải được. Hoặc về sau
mới lí giải được. Hoặc không bao giờ. Cái trạng thái về chia sẻ rất phức tạp.
Nó cũng như tình yêu thương. Rất sợ đánh mất nó. Sợ vì cảm giác có thể đánh mất
rất dễ dàng. Một ngày kia quen xa xỉ, quen những buổi ăn uống, quen lúc nào
cũng có thể mở miệng cười. Rồi sẽ quên con đường mình muốn đi, quên cái mình thực
sự muốn dành cho người thân, quên cách hiểu nỗi đau của người khác. Hoặc sẽ bắt
mình quên. Cậu em kia, là một người tốt. Cậu biết buồn khi cha mẹ ốm đau. Biết
mua quà tặng người thân khi đi du lịch về. Có thể còn biết tình nguyện ủng hộ
người nghèo. Nhưng cái cảm giác bất bình trước một cuộc chiến phi nghĩa ở một xứ
sở xa xôi thì chắc là chưa có. Không ai ở xung quanh truyền cho cậu cảm giác
đó. Rồi một ngày kia, cậu ấy sẽ cảm thấy cần bất bình. Bởi nếu không bất bình,
thì tai họa sẽ đến. Cậu ấy là người tốt. Nhưng chỉ có thể tốt nhiều hay ít, khó
có thể tốt cho đủ. Khó có thể tốt cho đủ, chẳng bao giờ có thể tốt cho đủ,
nhưng khi con người quên muốn tốt hơn thì là lúc họ bắt đầu quên nghĩa vụ,
trách nhiệm thực tế khi làm người. Và sự yên bình lâu dài sẽ không đến nữa. Tai
họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Không chắc tại số phận. Sự quên tỷ lệ thuận
với rủi ro. Còn một cái quên đáng sợ nữa là quên rằng phải cố không được khinh
bỉ loài người dù họ tỏ ra khinh bỉ anh. Nếu quên, anh sẽ không bao giờ thèm viết
cho họ nữa…
Pha bóng nguy hiểm đầu tiên của trận bán kết 1 qua đi. Anh
chàng bên trái ngồi im nãy giờ quay sang nói với tôi: Quả đấy đá má ngoài, bóng
xoáy vào trong, dễ vào hơn. Tôi ầm ừ. Thế là có cớ mời anh ta chiếc kẹo. Một
khuôn mặt khá dễ mến và có vẻ quen thân từ trước. Tôi hơi để ý anh chàng, chắc
lớn hơn tôi độ dăm tuổi, xử lí cái vỏ kẹo thế nào. Anh ta thả miếng ni lông trắng
đục ấy xuống dưới chân. Tôi không định đánh giá con người qua hành động ấy. Chỉ
thấy một tí xíu thất vọng. Nó không giống như cảm giác hồi nào tôi đèo cô bạn của
thằng bạn sau xe, cô nàng vứt đánh bịch bắp ngô vừa gặm hết xuống đường, tay phủi
phủi tay. Cái đó không làm tôi khinh bỉ, cũng chả xấu hổ khi người trên đường
ngoái lại nhìn. Ai có lương tâm và danh dự của người nấy. Chỉ hơi rờn rợn và xa
cách. Ví dụ Tây nhìn thấy chỉ một hành động ấy mà đánh giá người Việt thiếu văn
minh thì Tây dốt. Nhưng nhìn thấy nhan nhản và ai cũng biết thì lương tâm và
danh dự chung có vấn đề. Có lương tâm và danh dự chung không? Có đấy. Hiện sinh
hết thì còn gì là người. Thế nên mới chả bao giờ hiện sinh tất tần tật cả. Chả
lo chuyện này. Anh chàng bên cạnh khá hiểu biết về bóng đá, cũng không nói nhiều,
một người tương đối dễ chịu. Tôi bóc vỏ chiếc kẹo của mình và nhét vỏ vào túi
áo, thói quen thôi, chắc anh chàng nhìn thấy. Cả buổi tôi mời anh chàng ba cái
kẹo nữa, anh ta từ chối cái cuối cùng. Tôi cũng chả để ý những cái tiếp theo
anh ta có vứt vỏ xuống đất không. Cái vỏ kẹo bé tí, sân vận động đằng nào chả
phải quét dọn. Có lẽ với cái vỏ to hơn, anh ta không vứt. Cũng chả phải nói ai
cũng vứt một tí như thế thì xã hội này ra gì. Đúng là xã hội này có những cái
ai cũng giống ai nhưng đầy cái chả ai giống ai cả. Lo nghĩ, chỉ dạy hộ cách sống
cho người khác chỉ mệt xác và vô nghĩa. Cái chính là tớ đã cho cái vỏ kẹo vào
túi và anh chàng chắc cũng nhìn thấy. Và từ đó, tớ không thấy rác rơi xuống từ
anh ta. Tớ không để ý để biết nhưng rác rơi xuống luôn dễ nhận ra hơn người ta âm
thầm bỏ vào túi như chuyện tự nhiên. Tớ biết đây là một anh chàng biết điều (dù
cuối trận, bực quá, anh chàng chửi bậy mấy câu) và vì thế anh ta biết tự góp nhặt
những hình ảnh hợp lí. Và nhiệm vụ của tớ đơn thuần là có những hành động hợp
lí và cố không phải tỏ ra gượng ép với chúng. Chúng ta cùng bắt chước nhau và
vô thức tốt hơn từ đó. Bây giờ có bảo tớ là đạo đức giả cũng chả mấy ai bắt chước
đâu.
- Ông quả là người biết lo xa. Vậy thì chuyện của ông sẽ chỉ được in duy
nhất một bản. Ông đã hài lòng chưa? Chỉ một bản và đoạt giải Nobel. Ha ha.
Có thể ví khi con người sinh ra, trong nó có một chiếc đồng hồ
cát. Hai khoang thiện, ác. Cát là tâm luân lưu giữa hai khoảng đó. Cái đồng hồ
cát nó không đứng yên vĩnh viễn để mặt thiện hoặc mặt ác bị úp xuống và trở thành
thuộc tính vĩnh cửu khi cát chảy xuống hết. Mà cái đồng hồ ấy xoay, lắc lư
trong đời sống. Tùy theo tâm tính người mà cát thường dồn về bên thiện hay về
bên ác. Khi một khoang được lấp đầy thì hành động thiện hoặc ác sẽ xuất hiện. Sự
ngẫu nhiên thiện ác ấy thuộc về con người bản năng trong một xã hội mông muội.
Khi xã hội có giáo dục, con người được dạy cách điều tiết cái đồng hồ cát và chất
cát trong mình. Cảm nhận được khi nào cát sắp đầy khoang ác thì làm gì đó để
xoay ngược lại. Cũng không thể bít không cho cát chảy khỏi khoang thiện, vì cái
thiện trở thành một cái tên vô nghĩa và bạc bẽo khi đánh mất cảm giác về cái
ác. Tình thường trở nên nông cạn khi phủ nhận sự ích kỷ. Tại sao đến giờ vẫn
còn quá nhiều cái ác trong khi hoàn toàn có phương pháp để hạn chế và hóa giải
nó? Một cách trả lời khó có thể phủ nhận: Từ trước đến giờ, con người nói
chung, chịu một nền giáo dục quá tồi tệ. Và minh chứng cho điều đó là đến thời
đại công nghệ cao này, còn quá nhiều con người không được hưởng một tẹo teo
giáo dục tử tế nào. Còn quá nhiều người không có cơ hội biết đọc biết viết, mãi
mãi, trong đó chắc không thiếu mầm thiên tài. Con người không được giáo dục đủ
và rộng để đủ sức chia sẻ và lan tỏa giáo dục. Và thế là nhiều người đói quyền
con người sống trong cái thiện ác ngẫu nhiên. Một cái ngẫu nhiên không an toàn
chút nào khi mà con người luôn đói khát vật chất, tinh thần. Thêm nữa, biết
công nghệ cao không đồng nghĩa với được giáo dục và tự giáo dục tốt (có người
biết công nghệ cao không biết điều này). Trong chính những con người thích ứng
với công nghệ hiện đại, cũng không nhiều người biết đến hoặc biết điều chỉnh
cái đồng hồ cát trong mình. Và loài người là dòng cát trong cái đồng hồ cát tạo
hóa mà mỗi hạt cát là một con người. Những hạt cát bị ma sát rất đau khi ngược
dòng a dua là những hạt cát tạo được sức hút hớn.
Bạn có hai giọng chính. Một giọng trầm, một giọng cao kiểu trẻ
con. Giọng trầm thường xuất hiện. Còn giọng cao thi thoảng ló ra khi giao tiếp
với những người lớn thân quen mà bạn thấy mình bé con và có thể buông lỏng phần
nào trước họ. Hoặc lúc phấn khích. Hình như là thế. Bạn không thích sự không nhất
quán này. Cũng như từng không thích nhiều sự không nhất quán của mình. Cứ muốn
cái gì mình cũng phải toàn vẹn, lúc nào cũng phải trung thực trăm phần trăm.
Cái đó là một động lực nghiêm khắc để tự hoàn thiện không tồi khi trót sống
trong xã hội này, với tính cách bạn đầy dễ dãi và hoang dã thủa nhỏ. Bạn không
coi đó là một nỗ lực sai lầm, huỷ hoại toàn bộ sự tự nhiên. Cái chính nằm ở sự
tự điều chỉnh. Nhiều lúc nó làm bạn cứng nhắc, định kiến với bản thân và xung
quanh. Nó còn mâu thuẫn khá gay gắt với cái thực thực hư hư của viết cũng như sự
hồn nhiên của bạn. Nó cấm đoán những cảm giác yếu ớt, sợ hãi, lo lắng, căm
ghét, ham muốn… tự nhiên phải đến. Chính nó làm bạn đau không ít. Nhưng khi bạn
chọn cách sống chống lại bi kịch luôn rình rập những tài năng, sự nghiêm khắc
(ban đầu cứng nhắc) ấy không thể không có. Bởi nó đem lại một bản lĩnh sơ sơ
trước khi bạn bị vứt ra giữa dòng hoang mang. Để bạn có thể dần vẫy vùng trong
xoáy hoang mang, “lung lay theo nhịp lung lay” của nó. Và trong những thời điểm
đó, bạn thường làm ra thơ. Và dần hình thành được nhiều cái trong đầu. Những
câu thơ hay bây giờ có lẽ không còn xuất thần, lại chắc chẳng còn mấy thơ ngây.
Nhưng thơ đâu có phải là một khối trọn vẹn thơ ngây. Nó còn có vô số uẩn ức và
những cái khác. Và dù thế nào, nó vẫn toát ra sự vô thức trong hoạt động viết
có ý thức. Đời sống toàn vẹn là đời sống nhiều trạng thái với những tỷ lệ khác
nhau mà tự thân chủ thể dung hợp, pha trộn. Cá nhân bạn dần dần hiểu ra điều
đó. Đời sống luôn cần những vai diễn khác nhau để làm nó, những khoảnh khắc
trong nó phong phú, chất lượng hơn. Để cả đời chúng ta không phải đeo chỉ một
chiếc mặt nạ. Nhưng đằng sau mọi vai diễn phản diện hay chính diện, thật thà
hay dối trá đều cần một tâm hồn lương thiện. Đơn giản bởi đời sống vốn dĩ đã
quá tàn nhẫn. Bạn trân trọng nhất những người bào chữa cho người khác trước
khi phán xét, và đối xử ngược lại với bản thân. Cũng như tự tìm thấy động lực
trong lúc động lực chưa tìm đến với mình. Thái độ đó làm cho cảm quan phong phú
thêm và đời sống gay gắt quá mức dịu đi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Một cách tiếp cận thơ Thiền
Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ thời Lý (1010-1225) - Trần...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét