Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Lý do để hy vọngXXX

Lý do để hy vọng

Ngày 28 tháng 7 năm 2007, tại Vancouver, đã diễn ra cuộc ra mắt sách lý thú và ít gặp của hai người viết, một trong nước và một ở hải ngoại. Nhà văn Nam Dao từ Quebec với bộ tiểu thuyết lịch sử Bể dâu, gồm hai tập. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ Việt Nam với tập thơ Thế giới không còn trăng. Chương trình được tạp chí Người Việt Hải Ngoại đứng ra tổ chức. Rất đông bạn đọc đã đến dự, đóng góp ý kiến, trong đó, có bài tham luận dưới đây của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng.
talawas
Thật khó để cùng một lúc nói về hai người khác nhau, nhất là khi một người là nhà viết tiểu thuyết và một người là nhà thơ.
Điều may mắn của tôi là ở chỗ nhà văn Nam Dao cũng là người làm thơ và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng không xa lạ gì với văn xuôi.
Hôm nay tôi muốn kể với các bạn và hai tác giả, hai vị khách của chúng ta từ xa đến, về những kinh nghiệm của tôi như một người đọc.
Lúc còn nhỏ vào khoảng chín mười tuổi, tôi đã bắt đầu tập đọc sách. Thật khó nhớ lại xem cuốn tiểu thuyết hay tập thơ đầu tiên mà ta đọc lúc ấu thơ là cuốn sách nào. Vậy tôi xin gọi đó là những cuốn sách đầu tiên trong đời sống mỗi người.
Mẹ tôi đọc ca dao và kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, nhưng cha tôi thường đi xa và ông để lại cho tôi một tủ sách khá lớn. Tuy nhiên, tôi còn nhớ rằng niềm say mê với văn học chỉ bắt đầu trong một buổi trưa hè trong căn nhà của bà ngoại tôi, trên một vựa lúa lớn, nơi tôi tìm thấy cuốn sách đầu tiên của đời mình. Tôi còn nhớ đó là cuốn sách rất cũ, ố vàng của ai để lại nhiều năm, một tập tiểu thuyết đường rừng hình như của Lan Khai. Mặc dù cha tôi là người đọc sách, ông ít khi ở nhà, vì vậy thuở vào đời, tôi thật sự không có ai hướng dẫn. Vả lại thời đó nước ta còn nghèo và chiến tranh, lượng sách trên thị trường ít, nên người đọc không có nhiều chọn lựa. Tôi đọc tất cả những sách nào cầm được trong tay hay có thể năn nỉ mượn được.
Trước khi các chính phủ ban hành luật kiểm duyệt thì các bậc cha mẹ đã thực thi chúng rồi. Những cuốn sách bị cha tôi cấm đọc hồi ấy, thường là các sách kiếm hiệp và trinh thám. Tôi thường phải chui vào gầm bàn thờ, phía sau bức mành tre để đọc. Chị tôi còn táo bạo hơn, và tôi nhớ có lần chị ấy mê một cuốn võ hiệp Kim Dung, đã chui vào trong chăn và mở đèn pin lên đọc, trong khi ngoài trời mưa lớn. Cái thú đó bỗng cắt ngang vì bị cha tôi bắt gặp.
Những kinh nghiệm đọc như thế của tuổi thơ, ngày nay kể lại chỉ là những kỉ niệm đáng yêu. Tuy nhiên, việc đọc sách, đối với nhiều người có thể là một công việc gian nan, thậm chí nguy hiểm. Lịch sử của nhân loại và Việt Nam đã để lại biết bao câu chuyện đau thương về việc những người đọc sách, hay cất giữ sách báo bị cấm đoán, hay phát tán các sách báo này, đã bị hành hạ, ngược đãi, thậm chí tù tội ra sao. Ngày nay việc người đọc trong nước đọc sách báo hải ngoại và người đọc hải ngoại đọc sách báo trong nước, cũng không dễ dàng như ta tưởng. Ngày nay ở Việt Nam hay ở hải ngoại, viết là một hành động can đảm. Ngày nay, đọc cũng là một hành động can đảm. Con đường đi từ tác giả đến người đọc là con đường chông gai vạn dặm. Đáng ngạc nhiên thay, cùng một lúc, nó lại ngắn vô cùng, như con đường đi từ tâm hồn đến tâm hồn. Nhà văn Canada David Bergen, một người bạn mới quen của tôi kể cho tôi nghe là trong khi đi Việt Nam để tìm tác giả Bảo Ninh của cuốn Nỗi buồn chiến tranh (Sorrow Of War) mà ông yêu thích, mặc dù không gặp, đã thai nghén tác phẩm The Time in Between, được Nguyễn Tuệ Đan dịch ra tiếng Việt là Ở lưng chừng thời gian, khá nổi tiếng. Mặc dù theo tôi cả hai cuốn sách nói trên đều chưa phải là những tác phẩm cực kỳ xuất sắc, hay tạo ra được những giá trị thuyết phục, mối tình tri âm của một người đọc và một nhà văn như thế trong thời hiện đại là điều đáng suy nghĩ.
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có người nói với chúng ta rằng: tiểu thuyết của Nam Dao và thơ của Nguyễn Trọng Tạo là các loại sách báo “tuyên truyền” của nhà nước Việt Nam. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu có người khác lại khuyên chúng ta rằng: các tác phẩm của hai anh là “chống phá” nhà nước, “chống phá” Việt Nam.
Những điều như thế không có ích gì cho văn học và thực sự là không dân chủ. Người đọc tốt nhất là hãy lắng nghe tác giả nói về chính mình.
Người ước mình trẻ lại người ước mình già đi
Người ước mình vĩ đại người ước mình li ti
Ta không trẻ không già, không li ti không vĩ đại
Ta trung bình nhưng ta không giả dối
(Nguyễn Trọng Tạo, “Tội đồ của thời gian”)
Nguyễn Trọng Tạo là người có khả năng chỉ ra được tính chất đặc trưng của xã hội mà người Việt đang sống với những câu thơ hồn nhiên. Chính vì hồn nhiên nên thơ anh không trở thành phương tiện chuyển tải của các ý tưởng. Những ý định chuyển tải nội dung như thế thật ra là chống lại thơ ca, hạ thấp chúng.
Tôi hỏi Công chúa: Thạch Sanh đi đâu
Công chúa lầu bầu trả lời: không biết
Tôi hỏi Nguyệt Nga: Vân Tiên đi đâu
Nguyệt Nga âu sầu: hình như đã chết
Tôi hỏi cave. Cave cười ngất
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông
(Trong quán Lý Thông)
Như thế là Nguyễn Trọng Tạo đã xông thẳng vào quán Lý Thông, tức là cái hang ổ của lịch sử, của bi kịch lịch sử. Ở trong cái quán ấy, nếu tôi được phép nói một cách hình ảnh, anh cũng sẽ gặp Nam Dao từ một cánh cửa khác tiến lại, trên tay cầm bộ tiểu thuyết Bể dâu hai tập, gần một ngàn trang, vừa viết xong.
Nếu thơ là dòng suối thì tiểu thuyết là dòng sông, nếu thơ là dòng sông thì tiểu thuyết là biển cả. Nếu thơ là lời tâm tình của chính tác giả, thì tiểu thuyết là sự mô tả lịch sử bằng những giọng điệu khác nhau, hay trong lý luận văn học, gọi là bằng nhiều mặt nạ (persona). Nhà viết tiểu thuyết Nam Dao huy động rất nhiều các nhân vật tưởng tượng và có thật trong lịch sử vào một mặt trận lớn. Cuộc hội ngộ này dùng để làm gì?
Nam Dao đã từng viết: “Với tôi, lịch sử không là những xác chết và những sự cố biên niên ù lì. Trong tiểu thuyết lịch sử, quá khứ là lịch sử nhìn bởi nhà văn, nhà văn như chủ thể. Đó là thứ quá khứ tái chiếm hữu và tái tạo từ vị thế của chủ thể, với ý thức về giới hạn của sự truy lùng chân lý “khách quan”, một từ lẽ ra không bao giờ nên có ngoài cái chúng ta quen miệng gọi là khoa học tự nhiên! Để tái chiếm hữu lịch sử, nhà văn phải nhìn ngược thời gian, suy xét phân giải những sự cố, và thậm chí phán xử, cách này hay cách khác, những con người có tên tuổi trong chính sử. Minh oan, buộc tội… tùy nặng nhẹ, nhà văn bắt họ đội mồ đứng dậy.” [1]
Với tôi, khi đọc tiểu thuyết, câu hỏi thường đặt ra cho mình là “Những sự việc nào đã xảy ra và sẽ xảy ra?” (What?). Bất cứ người đọc nào cũng thích thú theo dõi diễn tiến của câu chuyện kể, và khoan khoái trước sự hồi hộp (suspense). Tính chất giả sử và hư cấu là đặc điểm hàng đầu của tiểu thuyết; tuy nhiên trong Bể dâu, tình chất này, hình như lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, bị thách thức một cách có hệ thống khi tác giả mô tả những nhân vật lịch sử có thật, với tên thật, và nhiều chi tiết mà ta có thể tin là chính xác hay gần như vậy.
Tôi xin mở ngoặc để nói thêm về một hướng khác. Việc đưa các yếu tố phi-hư-cấu (non-fiction) vào trong tiểu thuyết hình như là một trong những khuynh hướng của các nhà viết tiểu thuyết Việt Nam gần đây. Ví dụ như khi theo dõi trên Da Màu (damau.org) các trích đoạn tiểu thuyết Đẻ sách của Đỗ Quyên, nhà thơ có tên trong Ban biên tập Tạp chí Người Việt Hải Ngoại, ta có thể nhận ra các thách thức tương tự đối với tiểu thuyết truyền thống.
Câu hỏi kế tiếp của tôi là: “Sự việc ấy đã xảy ra như thế nào?” (How?). Tiểu thuyết tự nó bao giờ cũng có tính xã hội, nhưng tiểu thuyết lịch sử không những có tính xã hội mà còn chuyên chở trong nó các sự kiện chính trị vang động, có thật, của một thời đại.
Nhưng đọc tiểu thuyết lịch sử, trong trường hợp này là cuốn Bể dâu, tôi thường có một câu hỏi thứ ba, đó là: “Tại sao nó lại xảy ra như thế?” (Why?).
Tôi xin bước lùi lại. Việc đọc tiểu thuyết thực chất gồm ít nhất ba hành động căn bản, xảy ra cùng một lúc: đọc cốt truyện, đọc nhân vật, và đọc các chủ đề (themes) mà tác giả đưa ra. Theo tôi nghĩ, trong tiểu thuyết và nhất là tiểu thuyết lịch sử, đọc các nhân vật là quan trọng nhất.
Các nhân vật mang lại sự giải thích. Sự giải thích mang lại các giá trị (values). Như vậy các diễn trình tâm lý của nhân vật có vai trò rất lớn.
Nhân vật của tiểu thuyết thường có cấu trúc và diễn biến tâm lý phức tạp, hơn là đơn giản. Nếu một nhân vật thuần túy là xấu (phản diện), hay thuần túy là tốt (chính diện), thì nhân vật ấy thường là tiêu biểu cho một ý tưởng, hay cùng lắm là những nhân vật phụ, mà không thể trở thành nhân vật chính của tiểu thuyết. Ta có thể tìm thấy trong các tiểu thuyết có tính giải trí nhiều hơn tính văn học, ví dụ như các sách trinh thám hay võ hiệp thông thường, các nhân vật không quan trọng bằng sự hấp dẫn của cốt truyện. Thật ra việc mô tả các hành động của một nhân vật bao giờ cũng dễ hơn là mô tả bản thân nhân vật đó. Bất kỳ một cốt chuyện ly kỳ bí hiểm nào cũng không ly kỳ bí hiểm cho bằng tâm lý của một nhân vật. Sức mạnh của tiểu thuyết Nam Dao là ở chỗ hầu hết các nhân vật quan trọng của ông đều trải qua những biến đổi tâm lý phức tạp và vì vậy mà rất gần với cuộc đời. Một người kể chuyện thành công thường gây cho người đọc cảm giác muốn đi tìm câu trả lời cho mọi thứ. Nhưng ít khi họ tìm thấy câu trả lời như thế trong các cuốn tiểu thuyết. Theo tôi, Bể dâu thành công nhất ở điều này: cả người đọc lẫn tác giả có vẻ như cùng một lúc đi tìm câu trả lời cho những nhân vật của họ, và cứ mãi mãi theo đuổi như thế. Nhưng một cuốn tiểu thuyết hay không phải là một cuốn từ điển chứa những câu trả lời.
Thế mà người đọc vẫn không thể không tự hỏi: tại sao dân tộc mình lại có một lịch sử rắc rối khốn khổ và con người Việt Nam lại có một lịch sử bản thân khiếp nhược đến thế? Tức là, nói như Nguyễn Trọng Tạo: tại sao Lý Thông lại nhiều như thế?
Như vậy, theo tôi, trong khi thưởng thức nghệ thuật kể chuyện của Nam Dao, vốn là hành động chính của người đọc văn học (pleasure), chúng ta cũng cùng lúc đi tìm câu hỏi: giải thích lịch sử như thế nào?
Cách giải thích của Nam Dao có khác với cách giải thích của tôi. Điều đó tất nhiên là bình thường. Nhưng con người có tìm cách giải thích lịch sử của dân tộc mình thì mới đủ khả năng để tin rằng:
“Tôi ngửng lên. Cao vót, một cánh chim trắng liệng tròn. Cái có thể hiểu rất giới hạn. Nhưng tôi hiểu chim sinh ra để bay. Tôi hiểu, tư duy với chúng ta hệt như chim vẫy cánh. Và làm thơ, những nhà thơ mong phục hồi cái chức năng ấy cho chính mình và cho tất cả mọi người”
(Nam Dao, đoạn kết tiểu thuyết Bể dâu, trang cuối, 981)
Thú vị vô cùng là ở đoạn cuối cuốn tiểu thuyết, Nam Dao lại nhắc đến thơ và nhà thơ. Tôi không biết anh có ý định như thế từ đầu hay đây là cái kết thúc tự nhiên của toàn bộ câu chuyện qua nhân vật Phan Thượng Dân.
Nhắc đến thơ là nhắc đến cái tình. Trong vài ngày nữa, Nam Dao và Nguyễn Trọng Tạo tạm biệt chúng ta. Trên chuyến bay rời Vancouver về nhà, các anh chắc sẽ thầm đọc:
Mây như sóng như bông như núi trắng mịt mùng
Mây như biển duềnh lên tóc trắng
Không còn sông Visla tiếng khóc cười xa vắng
Bó hoa hồng người tặng chẳng còn tươi
(Nguyễn Trọng Tạo, “Trên chuyến bay giã biệt”)
Hoa thì không, nhưng tình vẫn còn tươi.
Riêng đối với chúng ta, những người đọc văn học Việt Nam, chúng ta vẫn còn hy vọng. Không những giá trị văn học của tập thơ Thế giới không còn trăng, lãng mạn và nhân đạo, nhưng hoàn toàn thoát ra khỏi khuynh hướng cổ điển, và của tập tiểu thuyết Bể dâu, trải rộng mà vẫn đi vào được từng số phận cá nhân, mà còn bản thân sự hiện diện của hai nhà văn khác nhau, một từ Quebec, một từ Việt Nam, trong buổi tối hôm nay giữa đông đảo người đọc của thành phố Vancouver thân ái và nồng nhiệt, như tôi chứng kiến, là những lý do của niềm hy vọng rằng văn học chúng ta trong thời gian tới sẽ lớn lên hơn nữa, đủ sức xuyên qua các biên giới của không gian và của lịch sử, tìm đến với người đọc, vốn lúc nào cũng rộng lượng và kiên nhẫn đối với các nhà văn.
Chú thích:
[1] Trích bài của Nam Dao trên talawas ngày 11 tháng 7, 2007: “Nhật nguyệt, ối a, hai bên”.
28/7/2007
Nguyễn Đức Tùng
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trâu và Binh pháp Việt cổ Đọc lại bài ca dao khuyến nông chẳng biết xuất hiện từ bao giờ: "Trâu ơi ta bảo trâu này" ...