Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

XXXMột trò lố đương nhiên - Nhân những ồn ào quanh vụ "Cánh đồng bất tận

Một trò lố đương nhiên - Nhân những ồn ào
quanh vụ "Cánh đồng bất tận"

Có những chuyện tưởng không lạ lùng gì nữa nhưng khi xảy ra vẫn khiến tức cười. Tức cười vì rằng té ra lâu nay chúng ta chấp nhận nó như một trò lố bịch đương nhiên! Lần này là chuyện thời sự văn học xảy ra trong tháng qua, đang được dư luận quan tâm

1.
Quả thật, chuyện một cơ quan quản lý văn hóa đột ngột “xuống chiếu” nhắc nhở một nhà văn về việc viết lách của anh ta không lạ gì trên thế giới và càng quá quen thuộc tại Việt Nam. Vì thế, khi đọc những bài tranh cãi về những gì mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết trong tác phẩm là chuyện thật hay không thật, tôi thấy nực cười. Chúng ta đang nhìn văn chương theo một lăng kính của một kẻ đi săn thực tế mà không thưởng thức ở góc độ của kẻ kiếm tìm không gian nghệ thuật của nó.
Cười. Rồi buồn. Buồn vì có nhà báo còn lấy thâm niên làm báo của mình ra để đi cãi với ông Sở (Văn hóa), ông Ban (Tuyên giáo) kia cho bằng được là “rõ ràng tui thấy (và cam đoan) cái dụ mà cô kia viết trong sách là có thiệt!” Trong lúc ấy, có một vị quan chức nọ (không đáng nêu tên) có bằng thạc sĩ hẳn hoi thì lại phân tích một bài thiệt rõ dài chứng minh rằng cái chuyện “xã hội dập dìu đĩ” mà chị nhà văn kia viết là... không có thiệt. Xã hội ở tỉnh ta đẹp hơn thế nhiều!
Đi coi một tác phẩm văn học thiệt hay không thiệt, hình tượng, không gian nghệ thuật lại đi đào xới để gán vào thực tế rồi miệt thị nhau, điều đó thiển nghĩ không nên có trong một diễn đàn văn học trên báo chí. Dù tờ báo kia cũng muốn rộng đường dư luận và bảo vệ quyền sáng tạo cho nhà văn mà họ nâng niu.
Tới đây, cũng xin nhắc nhớ rằng, một năm, chúng ta có vài cuốn sách bị (và được) thu hồi, không phải tác giả nào cũng có một cơ quan thông tấn đứng ra “phanh phui” trước dư luận một cách rạch ròi như thế!

2.
Những vụ lùm xùm đại loại thế này sẽ chẳng đi đến đâu, không giải quyết được vấn đề gì cả nếu giáo dục dân trí văn học không cao hơn và tư duy về quản lý văn nghệ không được nâng tầm.
Nghĩ lại những luận chứng luận cứ của ông Ban (Tuyên giáo) tỉnh nọ, sực thấy có thể đó là não trạng chung của quản lý văn nghệ của chúng ta. Thời mở cửa, sau 20 năm đổi mới đất nước, chúng ta vẫn còn những đầu óc như thế nằm trong các ban bệ, nắm quyền sinh quyền sát những cuộc thi, cầm kéo biên tập những tờ báo văn học thì thực tại hiển nhiên ấy có gì mà phải la lô ầm ĩ.

3.
Không lạ gì khi dư luận cứ đổ xô đi săn những cuốn sách “nghe đồn” là có vấn đề. Vấn đề ở đây hóa ra chẳng có vấn đề gì cả. Người cấm và người bị cấm đều không thể giải thích một cách công khai rằng có vấn đề gì. Hoặc có cũng thường chỉ mơ màng không đủ thuyết phục. Mà có khi chỉ gặp một vài trục trặc trong các khâu xuất bản, phát hành, có khi bị thu hồi sau khi xuất bản bởi vì những lý do phi văn chương.
Đúng và sai miễn bàn. Văn học chỉ có thể nói là hay và dở. Cái dở tràn lan trên thị trường sách với những thứ làng nhàng cơm bữa, mì ăn liền. Khốn thay, chúng ta lại tập cho độc gải một thói quen chỉ đi tìm đọc những thứ... “có vấn đề”. Vậy hóa ra, có một cách để làm tăng số lượng phát hành sách, đó là chiêu tiếp thị theo phương pháp gán cho cuốn sách một cái nhãn “sách cấm”, “có vấn đề”... lập tức, được bán chạy như tôm tươi.
Thế nên, cái chuyện cấm còn có thể chia ra hai trường hợp chính: bị cấm (là những cuốn sách hay thực sự nhưng bị coi “có vấn đề”, trái pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam) và được cấm (là những cuốn sách dỏm nhưng cũng được đóng chuẩn “có vấn đề”). Cơ chế quản lý nọ nảy sinh tập quán kia khiến tự chúng ta đánh lận con đen với nhau. Điều đó góp phần giải thích vì sao chúng ta có nhiều sự kiện ồn ào như vỡ chợ nhưng lại ít có những tác phẩm hay, tồn tại lâu dài?
Báo chí giúp dư luận điểm, giới thiệu và làm công việc tư vấn những cuốn sách hay đến độc giả cũng thiếu những cây bút phê bình uy tín, đủ bảo chứng cho sự chọn lựa. Thật bất ngờ khi đọc lá thư một nhà phê bình (có cỡ) viết cho một nhà văn nhân sự kiện chị ta có tác phẩm đang bị “soi” lại viết với một giọng đầy cảm tính và sến hóa như thể diễn tuồng. Cái uy của một nhà phê bình đủ dũng cảm, tài năng, học thuật và trách nhiệm từ lâu thiếu vắng trong môi trường văn học của chúng ta. Trước những sự kiện, họ - những nàh phê bình - thường kiếm đường chuồn và lấp ló với vài bài báo vặt, không có một phân tích nào khả dĩ định hướng và giải quyết mối băn khoăn hay sự rối bòng bong của dư luận, độc giả...

4.
Trở lại với vụ ồn ào nọ. Thời buổi thông tin. Người ta rồi cũng sẽ quên sau vài ngày hoặc vài tuần. Đâu cũng lại vào đấy. Những cuốn sách vẫn tiếp tục được ra đời. Cũng sẽ lại bị soi với con mắt lòng đen, lòng trắng theo kiểu xã hội học dung tục như cũ. Ông Ban, ông Sở và nhiều ông Kẹ khác vẫn rình rập ở khắp nơi! Thôi, quan tâm chi, đó là việc của họ. Có khi ăn lương công chức cũng chỉ để làm cái công việc cầm đèn pin ấy!
Rồi vấn đề còn lại là anh nhà văn đứng trước một thách thức: có dám viết những gì diễn ra trong đầu mình hay không hay trong một ca phẫu thuật nào đấy, cái kéo, cái đèn pin của kẻ man rợ kia đã để lại trong não bộ của anh, khiến anh sợ hãi trước những cơn đau sáng tạo?.
Sài Gòn, 17/4/2006
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...