Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Mùi hương

Mùi hương

Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha...
Trịnh Công Sơn

I. - Chị ơi, bán cho em một nghìn quất.
- Không có đâu... 
- Bán cho mình một nghìn quất.
- Anh bảo gì cơ ạ?
- Cho mình nghìn quất.
- Nhà em chỉ có một ít để vắt vào phở cả nước mắm thôi ạ. Anh thông cảm.
- À. Cảm ơn nhé... 
- Anh ơi, bán tôi nghìn quất.
- Làm gì có roi mà quất.
- Quất quất vào phở ấy.
- Hết rồi. À, chợ có đấy.
- Chợ nào nhỉ?
- Ông từ nơi khác đến à? Mà lại đi bộ. Lạ nhỉ. Đi thẳng 50 mét. Rẽ trái.
- Cảm ơn nhá.
- Ơn huệ gì. Lịch sự vãi đái... 
- Cô ơi, cháu nghìn quất. 
Bà hàng phở không nói gì, tay thoăn thoắt mở túi nilông, bốc từng vốc quất cho vào. Hắn nghĩ: Nhiều thế. Chắc thấy trên tay mình cầm tờ năm nghìn nên bà ấy nghe nhầm. Hắn đưa tờ tiền cho bà bán phở. 
- Mẹ, đếch có tiền giả lại đâu. Sang kia đổi kìa. 
Chị bán nước đang nạt nựng đứa trẻ ngồi xe ba bánh:
- Nào, ăn ngoan nào, không mẹ mách bác Cường bây giờ.
Đứa trẻ ăn ngay. Không biết bác Cường là ai
- Chị ơi, đổi giúp năm nghìn.
- Lại tiền lẻ à, khó nhỉ.
- Chị đổi giúp.
- Có ít tiền lẻ để đổi lắm. Hay mua gì đi.
- Ờ, vậy..., chị cho hai điếu bạc hà...
Cảm ơn người bán phở, cầm túi quất hơn ba chục quả, hắn đi. 
II. Tại con dốc này, hồi hắn mới lấy vợ, đã xảy ra một chuyện cười. Chuyện này được ông anh vợ hắn, một nhà văn, kể lại trong một tác phẩm đề ngày tháng vào hồi đó. Con dốc được mô tả rất chi tiết, ai đã đọc truyện đó, đi qua đây chắc phải rùng mình vì cảm giác lạc vào trong truyện. Nhưng chuyện xảy ra trên nó thì ít gặp đến nỗi hắn không biết là thật hay bịa. Hắn vẫn biết đọc truyện thì đâu cần quá rạch ròi thật giả. Sự thật là gì? Tuy thế, hắn vẫn hơi tò mò có phải ông anh vợ chính là nhân vật đánh rơi bao cao su ra giữa đường không. Nếu không phải cũng chẳng sao. Nhưng nếu phải, chắc hắn thêm quý trọng ông anh vợ. 
Một mùi hương thoang thoảng kéo hắn ra khỏi con dốc. Trên đỉnh dốc, giữa phố xá nhộn nhịp như một dàn hợp xướng mà mỗi nhạc công nghiệp dư chơi một bản mình thích; giữa mùi bia, mùi xào nấu từ dãy quán ăn, hắn không tìm được hướng của mùi hương lạ. 
Trên? Dưới? Trái? Phải? Trước? Sau? Hắn ngửng đầu lên hít hít. Không phải đến từ bầu trời. Hắn cúi đầu xuống hít hít. Không phải đến từ mặt đất. Hắn bước vài bước về bên trái. Hình như không phải. Hắn trở lại chỗ cũ, đứng lại tư thế cũ, bước vài bước về phía sau. Không phải. Rồi bên phải, rồi phía trước. Vẫn không phải. Hắn bước lại về bên trái, nơi mà cảm giác về sự không phải có vẻ mơ hồ. Ừ, mùi hương ở phía này ẩn hiện nhiều hơn, có lẽ đi theo hướng này là khả dĩ hơn cả. 
Mùi hương cứ dắt hắn đi một lúc rồi lại trốn biệt. Hắn đành dừng lại và tiếp tục trò lấy mũi làm la bàn. Hìhì, mình là một con chó nhỏ lang thang trong thế giới mùi, kẻ mù lòa trong thế giới màu, kẻ câm điếc trong thế giới âm thanh... 
III. 
Lần dừng lại thứ hai của hắn là ở nơi đang có chuyện buồn thảm. Người viết quyết định không kể chuyện đó ra. Có thể sẽ đưa nó vào khí quyển một chuyện kể khác. Quả thật, người viết ngày càng thấy bất lực trong ý định thâu tóm tất tật những số phận buồn vui của nhân gian vào một câu chuyện. Liệu có ai cho rằng mình đã và đang viết nháp, chờ một ngày xuất thần tạo nên kiệt tác thâu tóm ấy, tất cả những gì đã tạo ra trước đó bỗng biến thành thứ vứt đi? Người viết thì chỉ hy vọng mình đang gom góp những mảnh vỡ của đời sống bằng những câu chuyện. Và cùng mỗi độc giả xếp chúng lại theo cách riêng của mình. Vậy là ta vẽ bức tranh đời sống bằng bút hồn ta. Các mảnh vỡ đều có giá trị trong bức xếp hình hồn ấy. Ta tìm được số phận của mình trong số phận của người khác.
Theo cách của riêng mình? Người viết chợt tự hỏi câu chuyện buồn thảm là do cách cảm nhận của riêng mình thôi ư? Có nhiều người cảm thấy nó buồn thảm như mình không? Có ai thấy nó hết sức vui nhộn? Vui hay buồn trước chuyện ấy là đúng? Nên vui hay nên buồn khi biết chuyện mình cho là buồn thảm lại cho người khác cảm giác vui? 
Với bạn, chiến tranh là vui hay buồn? Bạn buồn hay vui khi bạn buồn vì chiến tranh mà người khác lại vui, và ngược lại? 
Với người viết, chiến tranh là chuyện hết sức đáng buồn. Và chuyện loài người không đồng nhất ghét chiến tranh chẳng thể làm người viết vui vì sự đa dạng trong lựa chọn. (Người viết sẽ bớt buồn khi bạn bảo: Chuyện hiển nhiên như vậy mà cũng khoe, ra cái vẻ nhân nghĩa. Phải, nếu bạn bảo thế, người viết sẽ bớt buồn, mặc dù, lại mang một nỗi buồn khác: Bạn không hiểu dụng ý của người viết khi viết ra điều đó). 
Theo cảm nhận của người viết, câu chuyện buồn thảm xảy ra ở nơi dừng chân lần hai của “hắn” giống một cuộc chiến thu nhỏ. Nó đầy bất công và phi nghĩa. Chính vì thế mà người viết không muốn đặt nó vào hơi thở của chuyện kể này. Chúng ta đã chứng kiến những sự bất công và phi nghĩa ở nhiều nơi (người viết có thể giới thiệu cho bạn khá nhiều trang báo, chương trình tivi hoặc tác phẩm mô tả chúng hết sức cụ thể). Đôi khi, một không gian dịu nhẹ có thể khiến chúng ta được giải thoát khỏi cảm giác bất lực và có thêm sức lực để bất bình về chúng. Và làm từ thiện. Bởi vậy, chúng ta hãy quay lại theo dõi lần dừng chân đầu tiên của hắn... 
IV. 
Hắn đứng đánh hơi quanh nơi bán xà phòng, dầu gội, sữa tắm, nước làm mềm vải...
Không khí sắm Tết như thổi căng siêu thị thành một cái bong bóng khổng lồ. May thay, nó có những cái cửa như những lỗ châm kim. Nhờ thế, nó không bị nổ tung. Hơi nóng xì bớt ra đường khiến người qua lại muốn đứng gần thật lâu để sưởi. 
Một cô gái bị một anh bảo vệ xách nách lôi đi. 
- Buông ra... Buông tay ra... Ông không có quyền.
- Im ngay! Ăn cắp còn la làng!
- Thả tôi ra! Thả tôi ra! Giết người! Giết người! Cứu tôi với!
- Câm! Gái đĩ già mồm! 
Tất cả ánh mắt đổ dồn về phía tiếng ồn làm cả người xách và người bị xách đều cảm thấy ngột ngạt và đang bị phán xử.
- Cậu làm gì thế? Có chuyện gì?
- Dạ thưa giám đốc, em bắt quả tang con này đang ăn cắp mỹ phẩm. Tang vật còn nguyên trong túi xách của nó.
- Cậu cứ thả người ta ra đã. Cháu có sao không?
- ...
- Cho bác xem có gì trong túi xách của cháu nhé. 
Cô gái không kháng cự. Sự xuất hiện đột ngột của người đàn ông hút bớt những luồng mắt xói vào cô. Dường như cô có cảm giác vừa biết ơn vừa không có khả năng chống lại sức mạnh ấy. Cô lưỡng lự chìa chiếc túi ra. 
Ba thỏi son. Hai hộp trang điểm. Một vỉ thuốc tránh thai. (Xin giấu tên các hãng sản xuất vì nhiều lý do). 
Thuốc tránh thai chưa được bán ở siêu thị này. Ông giám đốc không tỏ ra luống cuống. Ông thu lại hai thỏi son và hai hộp trang điểm. 
- Sắp Tết rồi, bác tặng cháu một thỏi son. Chúc cháu năm mới mạnh khỏe, ngày một duyên dáng hơn. Mong cháu tiếp tục đến đây. Cũng mong bác cháu mình không phải gặp tình huống thế này nữa. Nếu cứ thế này, bác rất tiếc sẽ phải làm mạnh tay. Bác chỉ muốn phục vụ khách hàng. Mình cùng tôn trọng, giữ gìn cho nhau. Được không? Cháu về đi, cô bé. 
Cô gái chạy biến, để lại toàn bộ cổ phần ánh mắt cho ông giám đốc. Tiếng vỗ tay lộp độp nổi lên. Rồi rào rào rào rào. Ông giám đốc tỏ ra hơi luống cuống. Rồi trấn tĩnh lại ngay: 
- Xin qúy khách thứ lỗi cho sự cố này. Mời quý khách tiếp tục mua sắm và nhận quà khuyến mại. Chúc mừng năm mới. 
Rồi ông nhẹ nhàng rút lui. 
Hắn chứng kiến cảnh tượng đó với một sự thán phục đầy hoài nghi. Một người nhân hậu hay một người làm marketing lọc lõi? Hay cả hai? 
Cách cư xử của người đàn ông toát lên lòng tốt và sự khiêm tốn. Nó được rèn luyện kỹ càng qua ngôn từ đến độ trở thành biểu hiện tự nhiên. Hành động của người đàn ông ngay từ đầu đã được giới thiệu mang thương hiệu “giám đốc” đem lại ám ảnh về điều thiện cho đám đông, đem lại ám ảnh về điều thiện lý tính cho hắn. Dù hắn không chắc chắn bộ mặt thật của người đàn ông là gì, hắn vẫn có cảm giác biết ơn và bớt hoài nghi. 
V. 
Một cái gì đó mờ nhạt trong tiềm thức đột ngột ập về. Rồi nó chầm chậm tua lại cảnh tượng hắn cùng vợ chứng kiến trong một siêu thị khác: Một người đàn bà và một đứa trẻ đang giằng nhau một cái ô tô. Đứa trẻ gào khóc, hai tay tóm riết lấy đồ chơi, ghì chặt vào ngực, cong mình như tôm phòng thủ. Người đàn bà bặm môi, nghiến răng bẻ từng ngón tay nó hòng tước đoạt. Vừa bẻ tay đứa trẻ, người đàn bà vừa oang oang lặp đi lặp lại: 
- Tao đã dặn muốn cái gì phải hỏi mẹ, không được lấy cơ mà! Sao mày lại đổ đốn thế chứ! Ở nhà thì có thiếu gì chứ! 
Ra khỏi siêu thị, đôi mắt hơi thất thần, vợ hắn rủ rỉ: 
- Mình sẽ không để con mình thế, anh nhỉ.
- Nhỡ anh vô sinh thì sao?
- Chả sao cả. Nhưng nếu mình có con, chắc nó sẽ giống anh.
- Ngày bé anh cũng ăn cắp đấy. Mà nếu mình có con, để trường lớp dậy dỗ anh chả yên tâm. Khéo phải tự dậy tự dỗ nó ở nhà.
- Ôi giời. Anh mà đòi dậy con. Thể nào con cũng làm hư bố.
- Lúc ở nhà, bố cũng là cô giáo. Kỹ năng sự phạm thì mẹ nó có rồi. Nhưng nếu chỉ học ở nhà, nó sẽ không được va chạm với những cái đứa khác va chạm, không được sống trong những môi trường đa dạng tính cách.
- Không phải lăn tăn trước nhiều đâu anh. Trẻ con thích nghi giỏi cực, chọn lọc cũng giỏi. Chỉ cần định hướng cho chúng nó chút là được.
- Biết nó hợp với hướng nào mà định hở em...
- Thì cơ bản mình cứ kiếm tiền nuôi nó thật khỏe. Mình rèn cho nó ngã tự đứng dậy. Mình dẫn nó đi chơi khắp nơi...
- Ừ, phải cho nó chơi nhiều vào. Đời người vui một gang tay. Ai không ngủ ngày là thiệt nửa gang.
- Nào... Vẫn phải cho nó đi học để có kinh nghiệm sống tập thể. Bọn trẻ con quen sống tập thể tác phong nhanh nhẹn, tự lập thích lắm.
- Ừ, tập thể là người bạn tốt. Luôn quyết định hộ ta mọi việc. Kể cả việc ta không định quyết định.
- Nào... Mình định võ lâm truyền kỳ mối thù tập thể sang con à.
- Anh có thù gì nó đâu. Chỉ nó cứ thù anh.
- Em đang nói những mặt tích cực cơ mà. Anh cứ lái sang nghĩa khác. Anh chả bảo có những điều không có tập thể thì cá nhân không hoàn thiện được. Em thấy, cũng tùy loại tập thể. Tập thể của trẻ con mềm mại, vui vẻ hơn.
- Đồng ý cả bốn chân. Thế lúc gặp mặt tiêu cực nó sẽ xử lý thế nào?
- Nó sẽ tìm được cách thôi. Nhà mình thì vợ chồng mình cứ à ơi với nhau, cư xử với người thân thoải mái, tự do thế này. Nó sẽ tự biết chọn lọc hành vi phù hợp với nó. Ở ngoài thì ngoài những người ngẫu nhiên nó gặp, mình cho nó tiếp xúc nhiều với nhiều người hay.
- Anh tiếp xúc với bao người hay, sao anh ra nông nỗi này...
- Nào, em đang nói nghiêm túc đấy. Còn sách báo nữa chứ. Ở nhà, mình đóng cho nó một cái giá sách trẻ con, nó hợp quyển nào thì đọc. Đọc hết thì sang giá sách của bố mẹ. Em đang lăn tăn là mấy tuổi thì cho nó vào mạng nhỉ?
- Tùy duyên thôi em ạ. Lúc nào mạng muốn dùng đến nó.
- Anh nói cứ như nhập ngũ không bằng.
- “New blood joins this earth. And quickly he’s subdued”. Anh cũng không biết nên cho nó đọc sách gì trước. Mấy tuổi đọc Pautovsky, Nguyên Sa, Hồng Lâu Mộng? Mấy tuổi đọc Tam Quốc, Thủy Hử, Hồ Quý Ly? Mấy tuổi đọc Sherlock Holmes, Agatha, Sidney Sheldon, Jeffrey Archer? Mấy tuổi đọc Nietzsche, Sartre, Camus? Mấy tuổi đọc Đốt, Phụng, Thiệp, Kafka, Hemingway, Caver, Marquez, Kundera, Harukami, Cao Hành Kiện? Mấy tuổi đọc Azit Nersin?
- Tùy duyên thôi anh ạ. Lúc nào nó muốn dùng đến sách.
- Hêhê.
- Anđécxen, Hoàng tử bé, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Đôrêmon, Nhóc Marưkô, Chie cô bé hạt tiêu đọc tuổi nào cũng hợp.
- Dế mèn phiêu lưu kí, Tây du kí, Đônkihôtê, Kim Dung, Bút Tre nữa.
- Bùi Giáng, Amichai Yehuda nữa.
- Hêhê, sách vở nguy hiểm thật. Tẩu hỏa nhập ma như chơi. À, cho nó đọc sách kỹ thuật sớm vào. Khi nào chán nản, làm thử một cái máy hoặc tháo ra lắp vào một cái đồ gì đó hay cực. Thân xác được vận động, đầu óc không chữ nghĩa, không luân lí, lại vui.
- Hi hi, rồi nó lại giống anh, làm hỏng hết đồ đạc. Với lại, em thấy trẻ con chơi với máy móc hơi nguy hiểm. Đợi nó lớn hơn một tí đã. Em sẽ dạy nó quét nhà, lau nhà, rửa bát. Cho nó dùng hai tay thật khéo léo. Làm sạch cả không đánh vỡ.
- Chân thì sao. Đá bóng nữa chứ. Cho chân biết nghĩ.
- Thế thì vỡ hết kính à?
- Thì để luyện đến cảnh giới làm sạch với lại không đánh vỡ cũng phải kinh qua làm bẩn cả đánh vỡ nhiều chứ. Dành chỗ cho nó nghịch trong nhà còn hơn để nó đá bóng lòng đường, nguy hiểm cực. Cũng phải chịu khó hy sinh một số đồ yêu thích làm chi phí kinh nghiệm cho con. Nghe tiếng vỡ mẹ nó đừng nổi điên lên.
- Thì lúc đấy em có cáu con đâu. Nhưng phải giả vờ đe nẹt. Hi hi. Trẻ con tự ý thức còn non, thỉnh thoảng phải gầm ghè thúc bách một tí. Một tí thôi.
- Anh còn non hơn. Xin em thúc anh hai tí.
- Nào... Mà em thấy anh nói như chắc chắn đẻ con trai í.
- Ai bảo thế.
- Toàn nói chuyện máy móc với lại bóng bánh. Đẻ con gái chắc anh thất vọng lắm.
- Tại chính em phân biệt giới tính của sở thích đấy chứ. À... Chắc tại anh đang trong cảm giác lúc mình tái sinh thì tái tạo thế nào. Để ám ảnh thế cũng nguy hiểm. Anh sẽ sửa. Con có cuộc sống riêng của nó, không phải sự tái sinh của mình.
- Nhưng chắc chắn nó sẽ có những cái giống anh.
- Ừ, nhưng cảm giác sống của nó là của riêng nó. Có khi đẻ con gái anh còn thích hơn.
- Thật không? Tại sao?
- Thật. Vì nó khác biệt hơn và mình phải cố gắng hiểu nó nhiều hơn. Hiểu thêm được một người cũng tự nhiên hiểu thêm được nhiều người khác.
- Công nhận. Có lúc nói chuyện bọn trẻ con em cảm giác như đang nói chuyện với bố mẹ chúng nó. Em thấy rất nhiều cái bệnh hoạn, đau khổ của họ. Thấy cả những người rất vui tính, tử tế nữa.
- Ừ. Nên nhìn trẻ con vui người lớn cũng vui lây. Mà cũng không hẳn anh đang tưởng tượng về bản sao của anh đâu. Đọc sách to đầu ra nhưng yếu người đi. Anh muốn con nghịch máy với đá bóng là muốn nó cân bằng cả có sức khỏe để chạm được nhiều thứ.
- Nấu ăn nữa. Con trai con gái em đều dậy. Em sẽ dậy nó nấu ngon mà chả tốn tiền mấy. Đi đâu xa tự nấu ăn được mới khỏe. Ăn uống tưng bừng buồn mấy cũng vui ngay.
- Ừ, khách đưa một miếng lên miệng, lim dim mắt nhai, mở choàng mắt, giơ ngón cái, môi dưới trườn lên lấp môi trên, đầu gật gật... Rồi kiếm cớ tế nhị cáo từ. Tốn làm sao được.
- Anh đã nói thế thì tối nay anh nhịn nhé.
- Anh xin mình. Mà nhịn gì cơ?
- Nhịn tất.
- Nhịn ăn cũng được xin đừng nhịn yêu. Ờ... Sách yêu đương thì sao nhỉ? Anh không biết nó dẫn một cô bé ễnh bụng về thì mình làm thế nào?
-  Thì tủ sách của nó cũng có sách giáo dục giới tính mà. Đến tuổi dậy thì, nó sẽ tự biết cách quan hệ an toàn, hi hi. Thời bọn mình lo lỡ có trẻ con, lỡ bệnh tật thế nào, thời chúng nó còn lo gấp vạn.
- Nhỡ đâu chả lo gì. Nên chả biết gì.
- Chưa biết mình sẽ bảo. Mà con anh chuyện ấy chắc chả phải bảo gì đâu.
- Hê hê. Chả phải bảo nhưng có dám manh động đâu. Đọc sách xong rồi sao?
- Anh tự hỏi mình í. Anh có bao giờ bảo xong chuyện đọc sách đâu. Suốt ngày...
- Em có thể chọn lại người khác mà.
- Em xin mình. Nhưng mình cho em dạy nó hiểu biết về tiền bạc, hành chính sớm sớm nhé.
- Không. Dạy chơi games, huýt sáo, đàn hát, bơi, đi chơi.
- Thời buổi này không có tiền sao chơi được hở mình.
- Biết chơi cũng ra tiền chứ.
- Vâng. Cái đấy em không lo lắm. Nhưng em nói thật với mình, mình chả biết gì về hành chính cả. Đời con mình phải vẽ hình tròn tròn hơn, mình ạ.
- Sao anh không biết chứ.
- Nhưng Kafka bi quan toàn cục. Hồi mới gặp nhau anh nói gì. Nào là “Đời là bể khổ nhưng cũng có cá ngon, hoang đảo, dừa tươi, gái đẹp”. Nào là “Cái mình cần là hiểu biết để tìm cảm giác tự do trong những hành vi hàng ngày”. Hồi ấy tôi ngây dại tin người quá.
- Tôi mà bảo thế á? Hay em nhầm với mối tình nào đó?
- Em ghét anh đấy. Suốt ngày giả vờ quên...
- “Ôi, chưa bao giờ anh quên được em...”
- Nào... Con mình hiểu biết về hành chính, nó đi lại các nơi sẽ thoải mái. Muốn làm gì cũng đỡ tốn thời gian. Chỉ để tự do hơn chứ có gì đâu.
- Anh đọc Kafka lại thấy lạc quan. Vẻ đẹp mới mẻ tìm được cho mình sự lạc quan. Văn học cần thiết là vì thế.
- Vâng. Không đọc Kafka thì em cũng không bị thôi thúc phải hiểu biết về hành chính đến thế. Biết để còn làm chân chạy cho chồng em chứ. Văn học thực tế là vì thế. Tạo ra hiểu biết. Tạo ra ham muốn hiểu biết thực tế. Tạo ra cả thực tế.
- Trời. Chân lý là đây. Tính cơm áo của văn học.
- Nào... Riêng anh bồng bềnh em chiều được. Nhưng con mình nhiều lúc phải tự lo. Em ví dụ rất nhỏ nhé. Đi nước ngoài chẳng hạn. Không biết thủ tục, lề luật, vừa phải chạy đi chạy lại lâu la vừa tốn kém.
- Thời con mình mọi thứ thủ tục chắc vẽ hình tròn tròn hơn nhiều, không thành hình zích zắc.
- Vâng. Chắc thế. Nhưng chất Lâu đài, Vụ án thì vẫn mãi xanh tươi. Em không bi quan. Nhưng cũng không yên tâm lạc quan đâu nhé.
- Hêhê. Vợ anh độ này triết líý kinh nhỉ.
- Em không dám. Vợ chồng thì dễ lây nhau.
- Không biết con mình có lây mình không. Mình nhồi cho nó đủ thứ thế rồi sao hở em?
- Em có nhồi đâu. Cứ liệt kê ra thế, còn thiếu nhiều í chứ. Chuẩn bị trước có bao giờ thừa đâu. Rồi để nó tự nguyện chọn cơ mà. À, phải học tiếng sơm sớm nữa nhé.
- Tất nhiên. Cái đấy khỏi phải bàn.
- Thế học mấy thứ tiếng?
- Tiếng Anh để đọc sách cái đã. Còn lại tùy tâm.
- Lịch sử, địa lý thì sao?
- Có chứ. Cũng nên có kỹ năng để biết thời gian, không gian nào đang chi phối mình. Sinh học nữa. Cho nó biết nó thuộc dạng sinh vật nào, luật chơi nào.
- Nghệ thuật thì sao?
- Nếu nó có duyên, nghệ thuật tự tìm đến nó.
- Anh có sợ nếu nó có duyên với nghệ thuật nó sẽ khổ không?
- Cũng hơi sợ. Nhưng mị dân tí: Có duyên rồi thì không quá bận tâm sướng khổ.
- Hi hi. Mình AQ nhá.
- Thì em xem, trong môi trường như thế, AQ còn biết làm gì. Chả nhẽ lại điên lên giết người với khóc lóc suốt.
- Ừ nhỉ. Cái đó có nhân vật khác đảm nhiệm rồi.
- Tạm thời chuẩn bị thế đã nhỉ. Anh thấy khí hơi nhiều. Thân anh còn chưa đâu vào đâu.
- Vâng. Mình cứ từ từ. Rồi lúc nào nó đủ lông đủ cánh, đủ sức sống trong nhiều môi trường, mình để nó tự quyết định hướng đi đời nó.
- Tèn tén ten. Bao giờ mới đủ hở em...
- Em biết sẽ vất vả. Nhiều lúc khổ sở nữa. Những lúc nó ốm đau, những lúc nó bi quan, những lúc nó nổi loạn, những lúc nó phạm lỗi. Có thể cả phạm tội nữa. Cũng khó nói trước điều gì. Nhưng mình làm được vì mình chọn làm. Anh tin em không?
- Vợ anh thông minh thế...
- Nào. Đưa ngay đây em quản lý. Hôm nay anh hút nhiều rồi đấy.
- Hút để con anh không hút. Đời cha ăn mặn đời con khát nước.
- Vâng. Mình cũng nên rượu chè hộ con luôn. Mai đề đóm gái gú games online nữa cho đủ bộ. Bố bê tha thế mà cũng đòi dậy con.
- Đời mà em...
- Anh thì suốt ngày “đời mà em”... Mà mình có nên dậy nó thỉnh thoảng đầu gấu, bất cần tí không nhỉ? Hi hi.
- Cái đấy đời sẽ dậy. Mà nó có gen của mẹ rồi.
- Anh đầu gấu, bất cần í.
- Đâu. Bà vừa xong mới gấu, mới bất cần.
- Ừ, em thấy ghét bà í quá. Có gì về nhà dạy con, việc gì phải bù lu bù loa oang oang khắp siêu thị. Lại còn bẻ tay thằng bé rõ đau. Dã man kinh khủng. Mà thằng bé thì rõ xinh.
- Xinh hay xấu can hệ gì. Bà í có định dạy thằng cu đâu. Chỉ muốn lu loa mình vô can. Luôn mồm dẫn chứng nhà mình giầu cóc cần ăn cắp. Chả cần biết cái gì đang diễn ra trong thằng cu.
- ...
- ...
VI. 
Đôi khi, đang chuyện trò sôi nổi, hai vợ chồng đột ngột im lặng. Ngôn từ vừa phát ra không biến mất, tụ lại như một lớp sương nhẹ bao quanh họ. Hắn bảo đó là nước bọt mà lòng ngầm phục phát hiện tinh tế của vợ.

Vợ hắn viết trong cuốn sổ chi tiêu hàng ngày, dưới những cột số ríu rít tiền rau thịt, áo quần, xà phòng, điện nước, internet, tang lễ, cưới hỏi, đầy tháng...:
“... Khi đó, sự im lặng như những cánh chim bay lượn trong lớp sương ngôn từ ấy. Sự im lặng số nhiều. Sự im lặng cũng đa dạng như ngôn từ. Có khi hơn. Tiếng hót, tiếng vỗ cánh, hay tiếng lông vũ chạm vào hơi nước... tạo thành một bản nhạc nối chúng tôi với nhau. Thế giới như tan đi dưới âm nhạc trong màn sương ấy. Chúng tôi trở nên xa lạ với loài người. Trần trụi, riêng tư và hạnh phúc. Hạnh phúc cả với những cơn lạnh buốt đột ngột, tiếng hót u uất và tiếng va chạm chói tai. Đơn giản bởi chúng tôi đang chia sẻ điều đó với nhau. Cứ thế, luân chuyển, mỗi khi màn sương nhạc ấy tan đi (không, nó không tan đi đâu cả, nó ngấm vào chúng tôi), thế giới lại hiện ra rõ nét hơn. Bằng cách phát tiết và tiếp nạp ấy, chúng tôi thêm hiểu và cảm thông với nhau, với con người. Những khổ đau của chúng tôi trở nên dịu nhẹ. 
Tâm hồn chúng tôi cùng tập bằng lòng với sự ngăn cách bởi những lớp thân xác yếu ớt và nhỏ bé trước đe dọa của vô vàn biến động khôn lường. Chúng tôi tập yêu mến thân xác nhau, vun đắp hệ thẩm mỹ riêng về thân xác nhau, coi thân xác như bãi bồi đỏ nặng phù sa của tâm hồn, để nó không là ngăn cách nữa. Linh hồn cũng là một bãi bồi nối dài thân xác vậy. Chúng tái tạo lẫn nhau, cùng chịu khổ đau và hạnh phúc của nhau. Mỗi con người một hồn một xác đã là một cơ chế yêu thương. Hai thân xác hai tâm hồn có bao giờ chạm được vào nhau thân thiết thế để nâng cấp tình yêu cô đơn vì hoài nghi tha nhân ấy?
Tâm hồn và thân xác em có đủ bền bỉ để cập nhật trọn vẹn tâm hồn và thân xác anh? Em phải làm gì để anh có thể yêu em không chỉ xác-xác, xác-hồn, hồn-hồn, hồn-xác hồn hay hồn xác-xác. Mà như em khao khát: Hồn hồn xác xác? (Nghe cứ như Hồng Hồng Tuyết Tuyết í nhỉ). Em tham lam quá? Nhưng đây là lòng tham em lựa chọn và sẽ dè chừng nó để không chiếm đoạt anh. Em muốn thuộc về anh nhiều hơn nữa. Em cảm thấy tình yêu này rất mãnh liệt và bền bỉ. Dù có thể, anh sẽ tự hỏi anh: Có thật vậy không? Hay đây chỉ là dư âm của xao động tối nay?”
Hắn như nghe thấy một giọng nói khác của vợ khi đọc dòng chảy ngôn ngữ ấy. Vừa gần riết vừa xa hút. Cái gần cái xa đuổi theo nhau quanh một vòng tròn. 
VII.
Bâng lâng, đôi chân rối bời, hắn ngồi xuống cái ghế chữ T ở một trạm xe bus vắng tanh. Áo ấm đủ màu trôi như bay qua mặt. Những nét phẩy dứt khoát của Monet. Nhưng không đọng lại. Hiện tại bị tương lai lôi tuột đi. Không còn ai thong thả nữa. Hai ngón tay phải di dọc thái dương, bàn tay trái bấm lấy bắp tay phải, hắn co mình mỉm cười nghe tiếp chuyện xưa vang lên trong lớp nhạc sương lâu lắm mới trở về: 
- Thằng bé chắc là đau lắm, bẻ gì mà mạnh, cứ từ từ bảo nó bỏ ra trả lại đã sao. Bà í làm bất ngờ quá, em chẳng kịp phản ứng gì cả, cứ trơ mắt nhìn. Em tệ thật.
- Kịp sao nổi dã tâm. Bà í phải giật vội món đồ chơi khỏi tay nó. Để theo ngay phe đám đông kết tội nó. Để nhanh nhanh ra về với một phẩm giá thanh sạch không dính líu gì đến tội lỗi của nó.
- Khiếp. Mình cũng đang kết tội bà í đấy. Có vẻ bà í không hiểu cách nhìn của người khác lắm. Làm thế chỉ phản tác dụng.
- Anh cảm giác rất mạnh bà í cực kỳ ích kỷ. Người ích kỷ lại còn nóng nảy thì rất khó hiểu người khác. Họ nghĩ ra cái người khác nghĩ và cho đó là khách quan.
- Mình kết luận vậy có vội quá không? Mà em thấy mọi người đều nghĩ ra cái người khác nghĩ và cho đó là khách quan chứ chả riêng bà í.
- Thì ai chả ích kỷ và nhầm lẫn. Nhưng mức độ khác nhau. Mức độ bà í nhớn hơn cần thiết. Vợ anh đừng ngụy biện.
- Hi hi. Nhưng nói “cực kỳ ích kỷ” thì hơi nặng lời. Mình của em hôm nay khó tính với phụ nữ thế. Tại phải xách đồ cho em lâu quá à?
- Vớ vẩn. Anh không nói bừa đâu. Luận ra thì, vì mình, bà í sẵn sàng cô lập thằng cu đang hết sức tiếc nuối, lạc lõng và không hiểu cái gì đang diễn ra. Bà í tước đoạt sự sở hữu cái không phải của nó khỏi tay thằng cu nhưng cách tước đoạt của bà í lại cho thấy bà í cho mình quyền sở hữu nó. Cho anh điếu nữa...
- Không. Hôm nay thế là đủ rồi.
- Nốt một điếu thôi.
- Anh có nghe em không?
- Nghe.
- Mẹ nào chả muốn con là của mình. Em cũng vậy. Nhất là khi nó còn bé xíu.
- Lúc nào các cô chả cho rằng con mình bé xíu làm nó không lớn được.
- Hi hi. Nhưng bố mẹ mình vẫn coi mình là trẻ con, mình cũng thích thế còn gì.
- Nhưng mình có thích sự thô bạo không. Bố mẹ mình có thô bạo với mình không. Bà kia thì thế nào. Đấy là con bà í. Thử bẻ tay, quát tháo con em xem em còn thông cảm không. Chả xông vào cắn xé người ta te tua. Khác gì sư tử cái.
- Hihi, đúng. Ích kỷ thì được, nhưng không được thô bạo.
- Cứ ích kỷ đính kèm thô bạo thế thì anh đoán bà í không bao giờ dám thú nhận mình gián tiếp tạo nên những thói xấu của thằng cu.
- Nhưng khi nó có thành tích gì, có thể bà í sẽ nhận mình là người trực tiếp dạy dỗ nó.
- Ha ha, rất dễ thế nhé. Bệnh người nhớn mà. Em để ý mà xem. Bao nhiêu trường học suốt ngày khoe mình đào tạo ra toàn công dân có ích cho xã hội. Một người thành đạt có tiếng tăm thì từ lớp mầm lớp lá đến đại học cao học hắn kinh qua đều cập nhật tên hắn vào bảng vàng thành tích. Mà đã dám nhận công dân tốt là do mình đào tạo, sao không can đảm update luôn cả những sản phẩm từ công nghệ đào tạo của mình đang nghiện hút, trộm cướp, côn đồ, tham nhũng, khủng bố, mất trí...
- Ơ, đúng. Thế mà em không nghĩ ra...
- Em phải bảo vệ giai cấp của em chứ.
- Không phải. Em có quan tâm đến thành tích trường em đâu. Em chỉ muốn tốt cho bọn trẻ con. Mấy anh chị dậy cùng em cũng thế. Bảo nhau tranh thủ trang bị cho chúng nó khi mình còn ở cạnh. Lớn lên, chúng nó vuột khỏi tay mình rồi.
- Ừ. Em như chim bồ câu trắng bay giữa trời sấm sét.
- Em thấy biết ơn bọn trẻ con. Chúng nó cho mình buồn vui khác hẳn buồn vui với người lớn. Cho mình thêm hiểu biết về hiện sinh của chúng nó, của gia đình chúng nó.
- Hiện sinh hư thì sao? Không có đứa nào hư à?
- Có chứ. Thỉnh thoảng có những đứa như kiểu sinh ra đã hư hơn người rồi. Bố mẹ rất hiền lành tử tế nhưng bản năng phá phách của nó rất mạnh. Trông nó khỏe mạnh bụ bẫm thì thích thật, nhưng dạy nó tôn trọng tự do của các bạn khác mệt ơi là mệt. Hình như nó biết thế là tốt nhưng hơi tí lại quên. Kiểu như lúc bản năng trỗi dậy thì không còn biết đúng sai với lại hậu quả gì. Có lúc đánh bạn te tua xong lại khóc thút thít xin lỗi rồi ngồi buồn thiu.
- Kiểu người này gần với thú hoang dã. Lúc tạm cạn năng lượng thì năng lượng mới ngang bằng năng lượng của người thường. Lúc đấy bản năng của nó mới chạm được vào cảm giác cảm thông với cái đau của người khác. Nhưng lúc nó nạp pin xong thì... hì hì.
- Đúng rồi. Lúc nó khóc xong, ăn như hổ đói, ăn xong lăn ra ngủ. Lúc dậy mải vui thì lại đâu vào đấy.
- Hì hì. Hồi trước anh cũng thế.
- Thật á? Hi hi. Thảo nào nhiều người bảo hồi bé anh hư, bao nhiêu người ghét, em lại không tin.
- Bây giờ anh vẫn được nhiều người ghét đấy chứ.
- Được ghét như anh em cũng thèm.
- Hê hê. Chắc bây giờ mình đáng ghét kiểu khác. Anh may mắn là hồi bé được ở với ông ngoại lúc bố mẹ anh đi nhiệm kỳ 3 năm bên Đức.
- Đây là lần đầu anh kể về ông ngoại với em.
- Ừ. Ông ngoại anh thích sống một mình, bà ngoại anh lấy chồng rồi định cư ở Đức từ lúc anh và đời chưa biết mặt mũi nhau thế nào. Ông ít giao tiếp nhưng lúc anh đến ông dành nhiều thời gian chăm sóc, quan sát cả dậy anh. Lúc anh quá lắm ông mới cho ăn roi nhưng chỉ vụt những lúc ông đang bình tĩnh. Vừa vụt vừa phân tích. Anh ăn roi quắn đít mà tâm phục khẩu phục.
- Nhà anh ứng xử với nhau hay nhỉ.
- Nhưng không hẳn tại thế mà anh bớt cuồng cẳng đâu. Ông anh còn dậy anh vẽ nữa. Hồi đấy anh thích quệt thật đậm mầu rồi bôi xoáy nhoe nhoét lung tung. Ông anh thì vẽ chậm rãi, có bức vẽ hàng năm. Anh thấy là lạ, thế là anh bắt chước. Nhưng chả được. Chỉn chu được chừng chục nét là cái tay lại quào bút ướt toạc tờ giấy. Ông anh điềm đạm thế mà có lúc phải kêu trời vì anh. Nói chung, sống với ông cả đọc sách của ông, anh hiểu nhiều thứ hơn những đứa khác nhưng lúc hành động thì ngu xuẩn hơn nhiều.
- Hi hi. Ông mà thấy anh bây giờ, chắc ông vui lắm.
- Cũng chưa đâu vào đâu. Thỉnh thoảng anh vẫn phải viện đến ông mới bình tĩnh được.
- Thế anh bớt quậy lúc nào?
- Lúc ông mất. Một người đi ẩu đâm phải.
- Ông có đau không?
- Chắc là không, ngã xong ông dậy được luôn, đi lại bình thường. Anh kể cho người khác, người ta toàn hỏi: “Thế có bắt được thủ phạm không?”. Vợ anh hay thật.
- Thế có bắt được thủ phạm không?
- Không. Không phải bắt. Ông bảo tự về được nhưng người lái xe nằng nặc đưa ông về tận nhà, gửi tiền khám bệnh, còn để lại địa chỉ. Sáng hôm sau anh gọi mãi ông không dậy. Sợ quá, gọi hàng xóm sang thì họ bảo ông mất trong giấc ngủ rồi.
- Thế thì chắc ông đi cũng nhẹ nhõm.
- Ừ. Lúc ấy anh mới biết thế nào là mất mát lớn. Xung quanh chẳng có người lớn nào yêu thương mình thế. Lắm lúc còn nhả nhớn hái quả, tắm sông như bạn bè. Lúc sống thì bạn toàn chịu đựng mình, lúc bạn chết mình chẳng chịu được gì cho bạn. Bất công. Anh bực bội kinh khủng mà chả biết trút vào đâu. Khó chịu lắm. Hơn cả lúc mình bị cấm đi chơi, muốn trốn đi mà không cách nào trốn được. Anh định đi tính sổ với người lái xe. Cũng nghĩ đến chuyện nương tay vì người ta biết lỗi. Nhưng gạt đi. Giết người là giết người. Xin lỗi là xong à, đâu dễ thế. Nói chung, lúc anh bực bội thì anh ngu cực.
- Em thấy mình bực bội trông cũng dễ thương đấy chứ.
- Bây giờ bực kiểu khác rồi. Thế là vác gậy đến nhà người ta, vừa hùng hổ đi vừa nhớ ông ngoại. Thế nào mà nhớ đúng cái câu ông bảo lúc bực anh: “Đến chịu mày. Có khi ông chết mày cũng chẳng ngồi yên được một lúc. Chắc trong đít mày có cả ổ kiến lửa.”. Ông anh cũng lạ. Lúc bực vẫn không quên pha trò. Thế là anh rẽ sang đường ra sông, vứt gậy nhảy xuống, vùng vằng điên cuồng. Chuột rút cứng người.
- Thế có chết không?

- Hê hê. Có. Chắc có một cái gì đó chết. Anh lết lên bờ nằm thở, kiệt sức anh mới bắt đầu suy nghĩ tử tế được. Ông thì chẳng bao giờ muốn đánh người, cũng chẳng hề muốn mình đánh người. Mình đánh người ta để thỏa lòng mình chứ có phải vì ông đâu. Bạn chết rồi mà mình vẫn nhân danh bạn để thỏa mãn mình, hèn quá. Nhưng bảo mình hèn hay không thì giờ còn ăn thua gì. Cái loại làm ẩu rồi day dứt. Khác quái gì ông lái xe kia. Thế nào nếu người đâm ông không phải là ông í mà chính là mình? Anh lạnh toát người. Sợ run lên, chẳng còn kiêu hãnh, chẳng biết mình là ai nữa. Cơn sợ qua đi, chưa bao giờ trống rỗng thế trong đời. Tự nhiên anh ngồi dậy lấy cái cành cây ngồi vạch thật chậm lên bãi sông. Cứ ngồi vạch suốt đêm.
- Anh không không đói, không sợ tối, không sợ lạnh à?
- Có chứ. Nhưng cứ kệ.
- Ở đấy ban đêm có nguy hiểm không?
- Hình như hồi ấy thì không. Nhưng có cũng chẳng ăn thua, lúc đấy hâm hâm rồi, chỉ mải vẽ thôi. Gần như vô thức.
- Anh vẽ cái gì?
- Chả nhớ. Tỉnh dậy đã thấy nằm trên giường nhà rồi. Ốm một trận tơi bời.
- Thế là từ đấy anh hết nghịch à?
- Đâu có dễ dàng thế. Ốm xong đâu lại vào đấy. Nhưng lúc nào thấy trò nghịch sắp tai hại, mình có mấy cái phanh mới mọc lên là nghĩ đến ông ngoại, vẽ hoặc đọc sách. Lúc đầu thì phanh chả ăn mấy. Nên anh thấy phải hết sức thông cảm với bọn nhỏ ngỗ nghịch.
- Cũng may là vài trăm đứa mới có một đứa thế thôi, những đứa khác biết ứng xử mềm dẻo theo cách người khác ứng xử với mình. Có đứa thì tốt bụng bẩm sinh, có cái gì ngon cũng chia cho mọi người. Đứa nào hư theo kiểu nói bậy, ăn cắp đồ, gian dối, trả thù vặt thì hầu hết là tại bắt chiếc cái hư của người lớn. Em hay cảm thấy có lỗi với chúng nó vì giúp được chúng nó ít quá.
- Thì em lại giúp lứa khác. Lứa khác sẽ giúp tiếp chúng nó. Pay it forward cơ mà.
- Em cũng nghĩ thế. Nên lắm lúc bực mình với cái kiểu quản lí độc tài của bà hiệu phó, ông hiệu trưởng thì người đâu mà nhu nhược, nản ơi là nản, em cũng có bỏ nghề được đâu. Đành AQ đó cũng là một hiện sinh không tránh khỏi.
- ...
- ... 
VIII. 
Một cơn lá vàng ào ào trút xuống đường. Trút cả lên hắn. Hắn thò tay chộp một chiếc lá mỏng và dài đang lao đến. Trượt. Chộp tiếp. Trượt. Chộp tiếp. Được rồi. Hắn vân vê trượt ngón trỏ và ngón cái trên bề mặt ram ráp. Cảm nhận xác lá. Như tìm hơi ấm. Những tiếng rú thích thú, trẻ trung từ những nét phẩy chớp nhoáng bùng lên theo quán tính rồi tắt lạnh, bị cuốn đi ngay... 
- Hi hi, em dùng từ “hiện sinh” có đúng không?
- Đúng. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền để nhận thức về hiện sinh như em.
- Có tiền thì liên quan gì hở mình?
- Có tiền thì có được nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn, cái mình chọn là cái mình thích, đồng nghiệp cũng không dám bắt nạt. Có tiền thì có nhiều thời gian quan sát, suy ngẫm hơn. Có tiền thì lúc thấy mình làm dở hoặc bị ức chế, muốn dừng là dừng lại đi chơi được. Có tiền thì không cần chạy theo tiền thưởng thành tích.
- Có người cần thành tích hơn tiền.
- Cũng chỉ là quy về cơ hội có chứng chỉ cao hơn để kiếm tiền nhiều hơn. Hoặc là giầu rồi thì muốn học làm sang.
- Nhưng thực tế thì có người hy sinh mọi thứ chỉ để sưu tầm thành tích, nghèo mấy cũng cam.
- Họa hoằn lắm anh mới gặp một người sống vì thuần thành tích. Quả là những tinh hoa rơi rớt lại trong quá trình toàn cầu hóa tính thực dụng.
- Nhưng chị Miên chị í lương chỉ đủ ăn tằn tiện mà vẫn yêu nghề. Chị í cũng chả cần thành tích. Anh giải thích thế nào?
- Chị í là Thánh rồi em ạ. Lại là một siêu thiểu số. Người đâu mà đẹp người đẹp nết.
- Lúc nào cũng khen người ta đẹp.
- Em ghen lẫy làm gì. Hơi tí là ghen thế, chả mấy mà tiêu hết tài khoản ghen.
- Chắc anh gặp chị í trước em, anh đã cưới chị í rồi.
- Nhưng chị í chả chịu cưới anh đâu. Anh không phải người đàn ông lý tưởng của chị í.
- Anh đừng đánh trống lảng. Thế người đàn ông lý tưởng của chị í thế nào?
- Phương châm sống của chị í là giữ cho mình trăm phần trăm cơ thể là nước tinh khiết. Lý tưởng của chị í là được một hoàng tử tinh khiết như nước khoáng thiên nhiên đến cầu hôn. Anh chỉ là hoàng tử tinh trùng.
- Hi hi. Đáng đời. Nói năng thế làm sao người ta mê được.
- Khi hoàng tử tinh khiết của chị í chưa đến để gọi chị í là hỡi công chúa tinh khiết của lòng anh, chị í cần một lượng lớn khán giả vuốt ve sự tinh khiết bằng ánh mắt ngưỡng mộ hàng ngày, ngoài mặt thì tỏ vẻ không cần. Anh tự hỏi, đêm đến, chị í có vô thức mơ tưởng đến những người thô lỗ như anh không nhỉ?
- Nào. Sao ai anh cũng mỉa mai được thế. Hi hi.
- Vì anh thấy những cái mọi người trầm trồ là tinh khiết ấy không tự nhiên, cũng không chứa đủ hiểu biết. Chỉ chạy theo khái niệm tinh khiết. Có khi, xô ngã mọi người để chạy theo. Mẹ đồ tể quá, mẹ cao đạo quá, con đều khổ.
- Em thì sao?
- Em ở giữa. Nhưng em cũng biết giả nai, mượn đao giết người.
- ...
- ...
IX.
- Anh xin lỗi. Anh đùa. Anh cũng thế mà.
- Không. Anh khác.
- Thì em cũng khác. Đã bảo anh đùa. Kể ra bà í cũng tài thật. Chăm chỉ dậy chuẩn mực làm người, thỉnh thoảng dẫn vài câu triết lí mị dân về cái đẹp. Thế là thu phục được bao nhiêu lòng người.
- Em thấy chị í không định mị dân. Mị dân là biết cái khái niệm đẹp mình đưa ra là xấu, là để lừa phỉnh, đúng không. Còn đây, chị í chịu khổ để bảo vệ, phổ biến các khái niệm đó vì vẫn tin là đẹp. Ít ra chị í cũng là người dám sống chết vì lí tưởng.
- Mỗi người chọn một đức tin, nhưng được coi là biểu tượng của giáo viên mẫu mực thế thì chết học sinh. Học sinh đi học kiến thức khoa học, xã hội để hiểu về cái tương đối chứ có phải đi làm tín đồ của bà í đâu. Tôn giáo là sinh hoạt ngoại khóa tự chọn chứ.
- Đúng rồi. Ở cạnh chị í, em thấy thoang thoảng mùi tế lễ.
- Hôm mình đến thăm bà í ở bệnh viện, bà í ngồi xếp bằng mắt lim dim truyền đạo: “Mình không thể nhận quà để nâng điểm cho các em. Làm thế, các em chỉ biết ơn mình lúc đó. Phải làm sao để các em biết ơn mình suốt đời”, anh thấy gai cả người.
- Em cũng thế. Nghe cứ sờ sợ thế nào í.
- Hồi đấy mới quen em anh ngại nói ra. Ai lại muốn nhau đeo tình cảm như đeo đá. Hình như có những người vướng vào món nợ tinh thần nặng nề nào đó suốt đời. Họ ý thức hoặc vô thức muốn đồng hóa người khác vào cùng danh sách con nợ.
- Hihi. Học sinh đeo cặp đầy ụ sách vở đã nặng kinh khủng rồi. Những cái gì mình không nói được với ai, mình cứ nói với em. Em sẽ bảo mọi người giữ bí mật cho mình.
- Ừ, em đừng bảo với ai là anh thích mặc váy hồng có đăng ten.
- Hihi, chị Miên dị ứng với dân gay lắm đấy. Anh còn ít cơ hội lắm.
- Ừ, chỉ nên có tình thương và sự bình đẳng với những người được sách giáo khoa quy định.
-Tôi quyết định yêu em vì trang 15 sách giáo khoa đã chứng minh rằng em có đủ tiêu chuẩn để tôi yêu.
- Hê hê. Anh dị ứng với những chú tư duy mặc váy hồng có đăng ten với lại đóng hộp hơn. Chứ dân gay nhiều người ăn mặc hơi bị nam tính, giản dị.
- Em cũng thấy nhiều người gay đàn ông hơn bao nhiêu đàn ông. Họ bình đẳng với cả người không bình đẳng với họ.
- Khéo họ gay vì gặp nhiều đàn bà đàn ông quá.
- Hi hi, từ cứ loạn cả lên anh nhỉ.
- Ừ, tại ngôn ngữ tạo ra nhiều sự phân biệt quá. Có cái phân loại hợp lý nhưng cũng nhiều cái phản tự nhiên, nhất là về cảm xúc. Hình như chị Miên nhà em là người lạm dụng khoái cảm bằng ngôn ngữ. Nên chị í khó chấp nhận những cách đạt khoái cảm khác.
- Nhà em, nhà em. Nhà anh thì có. Nhưng anh nói thế là lại thêm một hố thẳm khác biệt nữa. Anh hết cơ hội rồi. Em chả phải giả nai mượn đao giết người nữa.
- Ái chà. Ái chà. Để bụng kinh không. Anh thấy ở trường em, có mỗi em và vài người nữa bắt vở được bà í. Bây giờ mà thử trắc nghiệm EQ, IQ của toàn bộ công chức ngành giáo dục nhỉ. Sẽ sửng sốt lắm đây.
- Hi hi.
- À, mà cũng chả sửng sốt đâu. Có những bài xuất sắc bằng thực lực. Nhưng sẽ bị copy hàng loạt. Ai chả có tuổi học trò. Đâu dễ gì phai nhạt.
- Hi hi, anh chỉ được cái bôi bác.
- Không. Vợ chồng mình với nhau, đẩy mọi thứ đi xa hơn mọi ngày thì nói thế thôi. Anh thông cảm mà. Ai chẳng là thủ phạm. Ai chẳng là nạn nhân.
- Vâng. Em hiểu.
- Hồi trước anh tuyệt vọng cực. Dần dần phải nhận ra, phải chấp nhận đâu phải ai cũng đủ năng lực với lại điều kiện để sòng phẳng. Đòi hỏi đạo đức của con người trong môi trường đạo đức thì còn hợp lý. Chứ trong chỗ vô đạo lại còn túng bấn, đạo đức là tự giết mình. Đa số phải sinh tồn như thú vật.
- Không hẳn đâu anh. Cũng có người phải dẫm lên người khác để nuôi sống và bảo vệ nhà mình. Em gặp nhiều người ra đường thì hung hăng, lừa đảo, nịnh bợ nhưng về đến nhà thì tử tế không ai bằng. Nhịn ăn nhịn mặc cho người khác, lại còn phải quanh co là kiếm được tiền từ việc lương thiện, khổ ơi là khổ. Đạo đức này cứ phải đánh đổi đạo đức kia, phi lí bỏ xừ. Em ghét cái kiểu nhà nước nào để dân phải sống như thế.
- Nhiều lúc anh thấy người ngoài đường cứ như đang lồng lộn sinh tồn bằng luật rừng, không có thiện ác đúng sai.
- Bạn em sang đây toàn bảo giao thông nước mình super crazy. Không bao giờ họ dám tự lái xe ở đây.
- Nói thế thôi, sống ở đây một thời gian là quen hết. Con người là con thú bị mài móng đi để học đạo làm người. Nhưng đạo làm người không mạnh bằng bản năng thích nghi với quan hệ dân sự.
- Em không hiểu lắm.
- Tây thì hệ giao thông công cộng của họ tốt, cứ thế mà đi. Vừa để tự giác vừa có hệ thống quan sát. Ai không tôn trọng công cộng là bị xử lý ngay hoặc bị coi như người đẳng cấp thấp. Trong quan hệ dân sự đã có đạo rồi.
- Còn mình?
- Mình thì cả người xây đường cả người đi đường ý thức đều lởm, đều muốn ăn chặn đường của nhau thì đào đâu ra đạo. Trong quan hệ dân sự mà đối với nhau chả ra gì thì móng vuốt trong đầu lại mọc dài ra, lại trở về thời rừng rú.
- Đâu phải ai cũng thế đâu.
- Ừ. Nhưng người tự mài móng để không làm đau người khác thì đâm ra chùn chân, bấn loạn trong một thứ rừng rậm nửa kín nửa hở ngay giữa đô thị.
- Em thấy anh có bấn loạn đâu.
- Thì anh cũng vô đạo, hê hê. Nhưng vẫn bấn loạn. Nhiều là khác.
- Ví dụ?
- Cái đấy ai chả có, khoe ra làm gì cho người khác thêm bấn loạn. Với lại, anh không hối tiếc những lúc bị bấn loạn khi mài móng. Vì anh thấy hướng đến năng lượng cái thiện là thích hợp. Dần dần, anh thấy dễ chịu với nó. Nó làm anh hòa hợp được với những người anh quý.
- ...
- ...
- ...
- Sao thế?
- Không. Anh nói tiếp đi. Em đang vừa nghe vừa nghĩ.
- Anh vẫn tin rồi mọi thứ sẽ tử tế hơn nếu người ta biết nhiều cách chuyển hóa năng lượng. Mọi con người đều chứa mọi khả năng tính cách. Không sống cạnh ông ngoại hồi bé, có khi anh thành mafia rồi. Hình như cuộc sống với ông ngoại chuyển hóa năng lượng phá phách của anh vào ham muốn tạo ra những hành vi nghệ thuật.
- Nhưng không phải ai có nguy cơ phá hoại như anh cũng có ông ngoại bên cạnh giúp chuyển hóa.
- Đúng là nếu không được giúp chuyển hóa, những hiện sinh đấy không thể xoay chiều trước khi gây ra những thứ đáng sợ.
- Thế nên em mới nói may mà tỷ lệ những người bẩm sinh thú dữ như chồng em không cao.
- Không cao nhưng năng lượng phá hoại với lại năng lượng kích động khả năng phá hoại trong người khác thì kinh khủng. Hítle chẳng hạn.
- Em đọc thấy Hítle có thời là một họa sỹ làng nhàng. Không biết bị ai kích động không?
- Hình như anh biết, để anh nghĩ tí.
- ...
- ...
- ...
- Hai thứ. Một là năng lượng phá hoại tiềm ẩn. Hai là xã hội bỏ bê những ngoại lệ, không cho con người những cơ hội chuyển hóa năng lượng. Xã hội bỏ bê ngoại lệ nên nó cũng không đủ sức kiểm soát khi cái ngoại lệ đã trở nên độc ác. Sự thờ ơ của nó đồng lõa với tội ác.
- Em thấy cũng nhiều người quan tâm đến những ngoại lệ cả làm từ thiện. Nhưng đúng là so với những người không quan tâm với không làm thì ít quá.
- Ừ. Nhưng những người đó cho mình năng lượng. Mỗi khi gặp một người cư xử dân chủ hoặc gặp được tác phẩm nào hay hay, anh thường cảm thấy gặp lại ông ngoại. Chẳng ai bắt họ làm thế, nhưng họ chọn. Mỗi tội xác suất tồn tại những người như thế nhỏ hơn những người không như thế nhiều. Là lẽ tự nhiên.
- Vâng. Tỷ lệ vàng. Có ông gì ông í bảo, trong một tập thể thì thường 80% là người kéo nó xuống, 20% còn lại kéo nó lên.
- Anh thấy thay người bằng hành vi thì chính xác hơn. 80% người thường xuyên kéo nó xuống thỉnh thoảng cũng có hành vi kéo nó lên.
- A, đúng rồi.
- Trong 20% hành vi kéo lên có nhiều hành vi của người tài nên cũng có khi sức kéo lớn hơn, ảnh hưởng cũng không nhỏ. Hai bên làm động lực cho nhau. Sức mạnh nào chả cần điểm tựa. Sau các kiểu kỳ thị, vùi dập thì chất sáng tạo vẫn được phổ biến. Mưa dầm thấm lâu. Cuộc sống cứ ngầm văn minh dần.
- Vâng. Anh cứ nghĩ thế cho thoải mái.

- Ừ. Anh đang tập nghĩ thế. Hơi nản là các kiểu giá trị thường không được nhìn nhận đầy đủ nên hay bị xuyên tạc. Đám đông cập nhật cái hay chậm. Hầu như ai cũng vẫn hãnh diện khi thuộc về đám đông, vẫn thấy mình là chân lý khi nhân danh đám đông. Nơi nào ít tài năng cả đạo đức thì sức ì của 80% hành vi lớn quá làm tốc độ dân chủ chậm theo.
- Làm sao mà nhanh được, mình. Nhé, em không phải người sáng tạo như mình nhưng em đọc nhiều xem nhiều em cũng biết, người sáng tạo chầm chậm làm ra một tác phẩm từ bao nhiêu nôn nóng, thăm trầm, tinh túy. Người không sáng tạo như bọn em lại cho mình là Thượng Đế, liếc mắt qua là có thể kết luận về toàn bộ tác phẩm ngay. Mình vừa nói xong còn gì, điều kiện nhìn nhận sòng phẳng với lại giới hạn năng lực của mỗi người khác nhau. 
- “Em không phải người sáng tạo như mình” với chả “bọn em”. Ái chà, duyên không.
- Hi hi.
- Ừ, đúng là văn mình vợ người. Anh thấy đến với một tác phẩm cứ như thực hiện một cuộc hôn nhân. Thường là đầy may rủi. 
Hắn thèm một cơn lá nữa. Thèm tóm ngẫu nhiên một chiếc lá nữa. Thèm một hơi ấm bên ngoài nữa. Nhưng gió đã lặng. Những nét phẩy cũng dần thưa thớt. Chỉ còn hắn với niềm im lặng của kí ức, của dòng chảy tư duy. Mình đang ở đây nghĩa là sao? Sao bỗng dưng mình lại ở đây? Nghĩa là sao? Nghĩa là sao?
X. 
- Nghĩa là sao?
- Hai bên gặp nhau như hai căn phòng nhiều ngăn thông với nhau bằng các cánh cửa. Tùy theo mức độ thân mật, mỗi bên mở những cánh cửa mình muốn người kia chứng kiến... Tùy theo tầm văn hóa, mỗi bên hiểu được những khoảng mở của nhau ở mức độ nào đó. Có người mở được cả những cánh cửa mà người kia chưa định mở cho xem hoặc chính người kia còn chưa mở được.
- Có những cánh cửa nào?
- Nhiều lắm. Cánh cửa gia cảnh. Cánh cửa giao tiếp xã hội. Cánh cửa nhà bếp. Cánh cửa phòng khách. Cánh cửa phòng ngủ. Cánh cửa sở thích. Cánh cửa đam mê. Cánh cửa ý thức hệ. Cánh cửa vết thương. Nhiều. Sau một cánh cửa, có thể còn nhiều lớp cửa. Lớp ngụy trang, lớp chân thật, lớp còn chưa nắm rõ mình là ai.
- Em hiểu rồi... Thường là chưa thấu đáo những gì trong căn phòng của nhau đã lấy nhau hoặc phải lấy nhau... Vì đam mê đối với cánh cửa nào đó quá lớn hoặc phải trả giá cho đam mê đó bằng hôn nhân...
- Nhưng nếu đợi thấu đáo được hết nhau mới cưới thì chắc đám cưới sẽ tuyệt chủng. Các dịch vụ đi kèm kiểu môi giới, phụ tùng đám cưới, thám tử, luật sư... sẽ căm hờn những người kêu gọi tìm hiểu nhau cho kỹ. Đằng sau hôn nhân là một cỗ máy dịch vụ, hành chính cực kỳ cồng kềnh.
- Em nghĩ, đã yêu nhau thì cưới chỉ là để hợp pháp về phong tục. Quan trọng là thành thật với nhau về cánh cửa tâm linh. Nó là cánh cửa đằng sau các cánh cửa. Khi cởi mở với nhau về cánh cửa tâm linh, cả hai sẽ cùng nhau tìm được cách ứng xử với các cánh cửa khác.
- Hợp pháp về phong tục, hê hê. Vợ anh hơi bị thông minh. Nhưng mở cửa tâm linh khó lắm. Trên thế giới này, bao nhiêu cặp lấy nhau có thể gọi là tâm đầu ý hợp, tỷ lệ là bao nhiêu so với các đám cưới hàng ngày. Thế càng chứng tỏ sự may rủi của hôn nhân.
- Nhưng lấy nhau làm con người sống trách nhiệm hơn.
- Ừ. Thường là thế. Nhưng anh thấy văn minh thì không lấy đám cưới làm lễ trao chìa khóa cánh cửa trinh tiết. Nó cứ khiến trước đám cưới, các bên phải phòng thủ, đối phó, ức chế thế nào í. Nhất là nhiều chú rể tương lai phải lén lút đi giải tỏa chỗ khác, có cô dâu lại phải âm thầm đi chắp vá. Vừa tốn tiền vừa nguy hiểm.
- Nhưng nó cũng là thử thách để xem cô dâu chú rể tương lai có thể hạnh phúc về tinh thần trước đám cưới dù không làm chuyện ấy không.
- Ừ. Nếu họ cùng chọn luật chơi thế thì cũng đáng, dù anh chả tin là trong lúc chơi, họ không đồng lõa ăn gian.
- Hi hi. Như kiểu Pari Hintơn tuyên bố kiêng sếch trong một năm. Đúng là được ba bảy hai mốt ngày. Các cụ nói cấm có sai.
- Hê hê. Đấy là trò chơi. Nhưng nhiều trường hợp, chỉ một bên muốn nhịn, hoặc là cả hai đều không muốn nhịn nhưng nỗi sợ dư luận ép họ nhịn.
- Em không tin người nhịn yêu vì dư luận là người biết yêu.
- Ừ. Giấu diếm thân xác nhau chỉ vì sợ dư luận thì sau hôn nhân dễ xảy ra khủng hoảng vì đủ thứ bất đồng thẩm mỹ, tình dục. Ai đời cứ phải xoay như chong chóng theo quan niệm của các kiểu người.
- Vâng. Nhưng ý em không phải thế. Em nghĩ, khi đã yêu, khi chưa quan hệ cũng vẫn có thể hiểu nhau. Khi em cho anh, là em đã sẵn sàng lấy anh, dù có thể anh chưa sẵn sàng. Em sẽ đợi.
- Anh sẵn sàng rồi.
- Thật không?
- Thật. Anh thấy gọi em là vợ cực kỳ thoải mái. Gọi em thế, anh thấy ấm lòng.
- Ấm thế nào?
- Ấm hơn đọc sách. 
XI. 
Người hắn chợt lao xao trong cái siết ghì của vợ. Dây trói dịu mềm. Hắn buông một tay bao bọc lấy dây trói ấy, tay kia giảm ga trong lúc bờ môi ẩm cùng hơi thở ấm lùa vào gáy. Hắn thấy cái gì ướt ướt mằn mặn thấm qua tóc.
Im lặng hồi lâu. Rồi hắn chợt cất lời:
- Em là thế nhưng có trường hợp thì ngược lại. Vợ nói rất chuẩn nhé: “Trả giá cho đam mê bằng hôn nhân”.
- Vô duyên. Đang thích thì...
- Nhiều cô dâu dùng trinh tiết câu chú rể. Chú rể mờ mắt vì miếng mồi chứ có chọn bị giật tung lên rách cả mép đâu. Đúng là đang thích thì...
- Hi hi. Như kiểu mèo buộc dây vào phomát, nhứ nhứ từ sân dụ chuột vào nhà, chốt chặt cửa lại rồi há miệng nuốt chìa khóa đánh ực cái.
- Hê hê. Tưởng tượng lúc mèo bắt đầu ung dung vờn chuột trong căn phòng tối om không ai biết, ghê nhỉ.
- Nhưng có phải mỗi cô dâu mới là mèo đâu. Có khi, vì những xã hội quá coi trọng chữ trinh mà cô dâu không có cơ hội thoát khỏi chú rể độc ác.
- Thế nên văn minh thì cũng không trầm trọng hóa chuyện ly thân, ly hôn. Kìm kẹp nhau làm gì. Đời người vốn đã ngắn xìu.
- Nhưng cũng tại đông người làm ẩu nữa, càng tự do càng vô trách nhiệm. Cứ giả sử xã hội chấp nhận không nặng nề về hôn nhân, trinh tiết, ly dị. Nhưng còn trẻ con?
- Không chấp nhận không được, vì càng không chấp nhận, cuộc sống càng bị dồn nén, càng giả dối. Xem tỷ lệ cave với ngoại tình là rõ ngay. Hiện sinh của con người đi chệch với giáo điều thì phải tìm quy tắc nào hợp lý hơn. Cứ giữ những nguyên giáo điều để dạy trẻ con rồi sống khác hẳn, người lớn đau khổ một thì trẻ con đau khổ mười.
- Em thấy có những bài học đạo đức bỏ đi con người còn sống đạo đức hơn.
- Tất nhiên. Anh thấy đạo đức cần thiết nhất của con người là tôn trọng luật công cộng. Cứ lấy mức độ tôn trọng công cộng ra mà đối chiếu nhân cách xã hội của mình.
- Khó lắm mình ạ. Có những cái đèn đỏ vô duyên gây ách tắc giao thông không thể không vượt.
- Tất nhiên, luật công cộng mãi mãi phải biến tấu cho hợp lý. Vì nó là luật của mọi người lúc mỗi cá nhân đều đồng sở hữu một môi trường. Còn nhân cách cá nhân, mình sở hữu mình thì tự mình biết riêng mình thôi.
- “Không có đâu em này. Không có cái chết đầu tiên. Và có đâu bao giờ. Đâu có cái chết sau cùng. Tự mình biết riêng mình. Và ta biết riêng ta...” 
XII.
“... Hòn đá lăn trên đồi. Hòn đá rớt xuống cành mai. Rụng cánh hoa mai gầy. Chim chóc hót tiếng qua đời...”
Hắn cất giọng hòa cùng với vợ. “Gọi tên bốn mùa” nối tiếp “Ngẫu nhiên”. “Mưa hồng”, “Gia tài của mẹ”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Ở trọ”, “Tuổi đời mênh mông”, “Nối vòng tay lớn”, “Hãy yêu nhau đi”, “Ru đời đi nhé”, “Đêm thấy ta là thác đổ”... tiếp tục nối dài.
“Người nằm co, như loài thú khi mùa đông về...”
Mê mải, tiếng hát của hai người tựa vào nhau. Những khiếm khuyết được bù lấp theo những cách lạ lùng. Những rung động được cộng hưởng chảy trôi. Đôi khi, có những nốt của hắn như bước hụt chân, suýt rơi khỏi khuông nhạc xuống một vực thẳm im lặng thì nốt của vợ hắn lại da diết kéo lên. Lúc nốt của vợ hắn vút lên mênh mang, nốt của hắn thổi một luồng không khí ấm nâng đỡ cho chuyển động của cánh nhạc thêm thanh thoát. Những âm thanh lang thang, tung tăng cùng nhau trong khu rừng ca từ làm cả hai sảng khoái, xôn xao.
“... Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” 
- Hê hê. Vợ độ này hát tiến bộ phết.
- Anh í. Toàn không thuộc lời, lại còn sai nhạc, hỏng hết cả bài hát.
- Tại anh không quen hát nhạc Trịnh Công Sơn. Không ngờ hay phết.
- Sao nhiều người cứ quy nhạc Trịnh là ủy mị, trì trệ nhỉ. Bất công bỏ xừ. Miễn là ông í nói hộ phận người. Không dạy dỗ gì mà vẫn mang cách ứng xử với đời. Người nghệ sĩ được một vài bài như thế đã quý rồi. Đây, người ta sáng tác được bao nhiêu. Mà cũng đầy bài nhạc điệu vui tươi, thản nhiên. Nhiều người toàn bới cái dở ra đè lấp cái hay.
- Vợ không nên nhầm lẫn giữa nhạc và lời. Trịnh Công Sơn khó gọi là nhạc sĩ thiên tài được nếu so với tầm Bách cả Bétthôven. Vì nhiều người gọi Trịnh Công Sơn là thiên tài nên cũng có người muốn xét lại.
- Nhưng đây là hòa được nhạc với lời. Bách với Bétthôven thử viết lời xem, chả xách dép cho Trịnh Công Sơn.
- Nhưng họ chuyên nhạc không lời.
- Thế thì sao mình lại lấy hệ quy chiếu nhạc không lời sang cho nhạc có lời.
- Thì anh đang nói về đẳng cấp soạn nhạc.
- Em nói Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ thiên tài chứ em có nói là nhà soạn nhạc thiên tài đâu. Hoành tráng như nhạc Bách cả Bét cũng hay mà vẻ đẹp tối giản của nhạc Trịnh cũng đáng kể chứ. Kớt Côban của anh cũng chỉ biến tấu quanh vài gam kiểu thế còn gì. Quan trọng người ta kết hợp được tốt nhất những chất liệu mình có theo cách của mình. Nhạc cổ điển làm người ta muốn im lặng lẩm nhẩm trong đầu thì nhạc Trịnh, nhạc rock làm người ta muốn hát muốn hét lên. Miễn là người ta thích. Đã thích thì im lặng, hát hay hét lên đều đem lại bao nhiêu là giải tỏa. Làm cho bao nhiêu người càng nghe càng thích cũng khó lắm chứ. Mà em kệ anh, anh cứ so bì khập khiễng thế, anh không thưởng thức được thì trước tiên là thiệt thân anh chứ thiệt ai.
- Hê hê, bảo vệ thần tượng kinh không.
- Em không có thần tượng. Em chỉ bảo vệ cái hợp lý.
- Ái chà. Giương vây kinh không. Hợp lý là gì? Đang chuyện nọ xọ chuyện kia à? Đang nói chuyện hôn nhân, ly dị, tự nhiên bê ông độc thân vào.
- Hi hi. Thế mới gọi là đạo trò chuyện vợ chồng. Thế con cái mới có cái mà bắt chiếc chứ. À, anh vẫn chưa trả lời thắc mắc của em. Nếu xã hội cởi mở chuyện trinh tiết, hôn nhân, ly dị thì có ảnh hưởng xấu đến trẻ con không?
- Còn tùy cách cởi mở. Anh thấy cái đạo đức này mới cực kỳ quan trọng: Con người từ tuổi dậy thì trở đi phải am hiểu về trách nhiệm với trẻ con, phải nắm chắc các biện pháp tránh thai, phòng bệnh. Mỗi người lúc sinh ra cần được cấp thẻ AĐêNờ.
- Thẻ ÂyĐiEn làm gì?
- Rút kinh nghiệm từ nàng Tô Thị, những người định có con với nhau nên đối chiếu thẻ AĐêNờ.
- Hi hi. Càng ngày càng nhiều thủ tục nhỉ.
- Hướng sống mới phát sinh tất nhiên cần thủ tục mới. Em tưởng rắc rối thế thôi, gọn cực. Bù lại, các thủ tục nặng nề cũ sẽ dần bị đào thải.
- Nhưng có những thủ tục lâu đời định hướng ý thức, bỏ đi có thể làm con người sống thiếu trách nhiệm
- Xây dựng ý thức công cộng, hiểu biết tình dục an toàn, có trách nhiệm với trẻ con thì các ý thức trách nhiệm khác sẽ tự nảy nở.
- Đến lúc nhiều người có ý thức công cộng với trách nhiệm với trẻ con cũng lâu lắm mình ạ. Với lại, mình mà coi hiểu biết tình dục an toàn là đạo đức thì nhiều người Việt Nam sẽ bị sốc. Sẽ coi là thác loạn.
- Em nói điều này ở Mỹ thì cũng có nhiều người coi là thác loạn thôi. Người không chấp nhận thực tế cả vội vã phán xét ở đâu chả có. Nhưng anh có cổ vũ toàn cầu hóa tự do tình dục ngay lập tức đâu. Anh chỉ muốn hướng đến những cách ứng xử với tình dục cho nó bớt gây đau khổ. Ôsô nói, đại khái là, con người được tự do trải nghiệm tình dục ở tuổi phát dục thì dần không thèm khát tình dục kiểu trái cấm và sẽ được giải phóng nhiều ức chế để hướng đến nhiều điều hay ho khác như nghệ thuật, tôn giáo. Cũng đúng. Nghĩ như thế thì tình dục sẽ không bị trở thành thước đo lớn nhất đo phẩm chất con người. Lấy Fờrớt với mụn trứng cá ra để hạ thấp nhau thì chỉ là trò hề tự hạ thấp mình.

- Nhưng ông í không nói thêm đấy là trong xã hội người ta còn có nhiều điều kiện giải tỏa khác. Chứ ở những nơi con người bí bách thì nó thành thuốc phiện. Mà dân trí thấp không biết phòng tránh nữa thì thôi rồi. Cứ xem số người nhiễm HIV trong đó có bao nhiêu trẻ con thì biết.
- Ừ. Hình như với văn hóa của thế giới này, khi con người nhận thức và làm chủ mình cực kém, tự do quá cũng dễ dàng dẫn đến thác loạn. Ở các nước mới chỉ đang dần tiếp xúc với các tư tưởng tự do, các barie truyền thống không thể bỏ đi một sớm một chiều.
- Loạn nhì anh nhỉ.
- Ừ, vì khó lắm. Người ở nước thiếu văn minh muốn văn minh phải nỗ lực hai lần.
- Sao lại thế?
- Một lần là nỗ lực ứng xử như người văn minh. Lần hai là chịu đàm tiếu của những người không văn minh đầy rẫy vì những ứng xử ấy. Những hành vi được coi là hiển nhiên ở những nơi văn minh thì ở nơi thiếu văn minh, được coi là lập dị.
- Hi hi. Đúng rồi. Thỉnh thoảng mình rửa bát cho em mà cũng có người nói này nói nọ. Người ta tiến hóa chậm nhỉ.
- Ừ. Tùy chất lượng hạt giống, tùy đất gieo. Nghĩ đến chuyện ma sát góc nhìn giữa những chỗ tạm gọi là văn minh với chỗ quá thiếu văn minh thì cũng rối rắm phết. Lúc thì đầy ảo tưởng mình vĩ đại rồi kỳ thị lẫn nhau. Lúc lại sùng bái, lấy giầy người làm lí lẽ cho chân mình. Đến người lớn còn tự đối diện với lại nhìn nhau lệch lạc thế thì trẻ con tha hồ bị dậy dỗ lệch lạc theo.
- Lệch lạc thế nào?
- Về tự do, sở hữu, phẩm giá, yêu thương. Cho anh điếu nữa đi.
Nghe đến đó, hắn bỗng nhiên thèm thuốc. Sự rạc rã lâu nay làm hắn chán cả thuốc, có khi cả tuần không buồn hút. Hai điếu bạc hà mềm mại bị đánh thức khỏi túi áo, nhăn nhăn nhó nhó. Nhưng không có lửa. Hắn nhỏm dậy đi tìm lửa.
XIII.
Làn hơi nóng của chén trà nghi ngút làm lớp nhạc sương như tan biến hẳn. Hơi thuốc lâu lâu gặp lại, tưởng ngon mà nhạt nhẽo. Hắn rít bừa một hơi nữa, nhẩn nha nhả, nhìn khói luênh loang.
- Bà cũng hút thuốc ạ.
- Vâng. Năm nay lạnh quá. Lâu lâu tôi mới hút chú ạ.
- Ngon không ạ?
- Chả ngon gì. Nhưng cũng thinh thích. Tại tôi nhìn các chú hút, tôi thử, rồi biết. Lần đầu ho rũ rượi, cả ngày cứ nôn nao là.
- Cho cháu bao Vina.
- Chín ngàn chú ạ.
- Cháu gửi bà. Cháu chào bà.
- Vâng. Chào chú.
Vừa đi hắn vừa bật cười cách bà già hút thuốc. Trông thật lố bịch, châm chọc kỹ năng. Nhưng đem lại vẻ đẹp lạ. Vợ hắn cũng thế. Ra vẻ học đòi. Mấy lần cầm điếu thuốc lóng nga lóng ngóng, hít chưa tới phổi đã vội vã phun ra. Hắn cấm. Vợ hắn thi thoảng lại đặt điếu thuốc lên môi vờ châm lửa trêu tức, cốt chỉ để nghe hắn hăm dọa. Nhưng có một lần, hắn bắt gặp vợ ngồi hút một mình. Anh làm em chán đến thế à? Không. Em muốn thử ngồi chỗ của anh, day thái dương như anh, hút bao thuốc của anh, cầm thuốc như anh, hít vào như anh, nhả khói như anh, vẩy thuốc như anh. Em muốn thử chạm vào nỗi buồn của anh. Em ngốc lắm. Đàn ông hút thuốc để ra vẻ buồn cho vui, mưu mô tỏ ra từng trải với lại sành điệu, lúc đấy buồn quái gì đâu. Đưa ngay đây cho anh. 
XIV.
- Đúng lần này thôi nhé. Anh có thói quen cứ nói chuyện là thèm thuốc rồi đấy.
- Vợ tâm lý thế.
- Anh nói tiếp đi.
- Đến đâu rồi nhỉ?
- “Dậy dỗ lệch lạc về tự do, sở hữu, phẩm giá, yêu thương”, “cho anh điếu nữa”, “vợ tâm lý thế”, “đến đâu rồi nhỉ”. Tùy anh chọn tiếp.
- Em thích tiếp từ đâu?
- Anh nói tiếp về ma sát góc nhìn đi. Đang có mốt nói chuyện toàn cầu hóa. Em xin phỏng vấn chồng: Thưa anh, anh thấy trong nền kinh tế toàn cầu hóa, các văn hóa gặp gỡ nhau thì thế nào?
- Cái thác loạn dễ dàng hòa với cái thác loạn. Cái dân chủ cộng hưởng cái dân chủ. Những ý thức hệ cùng muốn kìm kẹp con người thì tôn vinh lẫn nhau, chơi trò nhân danh, gọi sự trói buộc là bản sắc văn hóa với lại truyền thống phải gìn giữ.
- Theo anh, cái nào đang thắng thế?
- Theo thiển ý của tôi, trong cái tinh túy của văn hóa, không có thắng thua. Cái dân chủ phải ứng xử với cả hai cái còn lại. Bền bỉ và mệt mỏi. Các cụ nói cấm sai. Đúng là một trăm chỗ lệch kê sao cho bằng. Nhiều chuyện bi hài rồi. Còn nhiều chuyện bi hài nữa.
- Cụ thể là...
- Lúc mọi thứ diễn ra đều đều, trong cùng một ý thức hệ, tội lỗi giáo dục khó bị lộ mặt, nó vẫn mang mặt nạ tình thương hoặc chỉ là một tình thương nhàn nhạt đuổi theo ngôn từ. Nhưng sự cố xảy ra, những chiều thông tin rọi vào, tất cả sẽ bị bóc trần.
- Ví dụ...
- Chuyện vừa xong chẳng hạn. Mọi người trong siêu thị có nhìn bà í đồng tình đâu. Cái siêu thị là sản phẩm của toàn cầu hóa, người đi siêu thị gia nhập quá trình ấy. Mọi thứ kỳ ảo đi rồi. Nhưng bà í vẫn nghĩ mình thuộc về đám đông thô sơ quen thuộc. 
- Cái này thì em công nhận.
- Bạn thành đồng minh của anh rồi hở? Ai đời hai thanh niên lại hùa vào bắt nạt một bà mẹ. Mất hết tính đối xứng của câu chuyện.
- Ai bảo bà í bắt nạt trẻ con trước. Nhưng em nghĩ, không nhiều bà mẹ như thế đâu.
- Anh không phủ nhận tình mẫu tử. Anh không biết những lúc thằng cu ốm đau thì bà í chăm sóc, xót con thế nào.
- Đúng rồi, lúc đó mới biết mèo nào cắn mỉu nào. Mấy đứa bạn em đấy, đanh đá kinh hoàng, nhưng làm mẹ thì dịu dàng kinh khủng. Thỉnh thoảng lại quát con loạn cả nhà nhưng đứa nào con ốm đau trông còn hốc hác hơn con. Đầu bù tóc rối trông vừa buồn cười vừa thương lắm í.
- Lòng mẹ lúc đó có thể phủ định tất cả các suy luận của anh, nhất là khi anh chỉ gặp gỡ một lát cắt trong quan hệ mẹ con nhà ấy.
- Đúng. Nhỡ có nhiều uẩn khúc đằng sau...
- Loại trừ khả năng đang có ức chế không kiểm soát được. Vì bà í nói mãi một câu nhưng câu đó lại chứa đầy ẩn ý. Loại trừ cả khả năng giả vờ đánh con để đánh lạc hướng sự trừng phạt của mọi người? Bà í bẻ quặp tay làm thằng bé đau ré cả lên. Anh có kinh nghiệm về đánh vờ đánh thật, lực tác động thế nào, anh biết. Đấy là nếu em cần phân tích chi ly...
- Khiếp. Mình lạnh lùng thế.
- Nhưng anh có duy lí đâu, anh dựa vào trực giác trước đấy chứ.
- Nhưng em không cãi lại được anh, không có nghĩa là anh đúng. Có thể bà í cũng cho thằng bé nhiều lúc hạnh phúc.
- Ừ. Anh cũng mong thế. Anh chỉ sợ nó thô bạo giống mẹ. Tìm kiếm hạnh phúc trong sự khống chế người khác.
- Tại sao phải tìm hạnh phúc bằng cách đó?
- Người thô bạo có dục vọng sở hữu rất mạnh. Người thô bạo có đầu óc thì biết đặt ra chiến lược đe dọa nhân danh chân, thiện, mỹ để lừa đảo và chiếm đoạt nhiều hơn... Anh sợ thế giới đang được những người thô bạo điều hành.
- Làm sao để họ bớt thô bạo?

- Làm sao anh biết được. Cái chính là họ có muốn vậy không, họ phải tự nghiệm sinh thô bạo của họ. Còn ai muốn cuộc sống bớt thô bạo thì phải bớt sự thô bạo trong mình.
- Em có thô bạo không?
- Có. Kém anh một chút.
- Hi hi. Anh có vũ phu bao giờ đâu. À, hồi bé, hi hi.
- Tạm thời thì nó đang là gen lặn. Ai cũng thô bạo cả. Chỉ là dám làm và có cơ hội làm không thôi. Thô bạo là định mệnh chung của loài người.
- Nghĩa là rất có thể anh sẽ đánh em? Chỉ vì tạm thời anh chưa dám và chưa có cơ hội?
- Có khi còn tùy ngoại lực. Luật chơi của anh không có sự thô bạo. Nhưng khi bị dồn vào sân chơi có luật chơi thô bạo, nếu hết cách, có thể anh buộc phải dùng chính luật ấy để phòng vệ.
- Ai cũng có quyền phòng vệ chính đáng.
- Nhưng hành vi thô bạo một khi đã được thực hiện thì rất dễ trở thành thói quen. Như kiểu chất gây nghiện. Rồi chính anh có thể lại áp đặt luật chơi thô bạo lên người không muốn chơi thế. Xu hướng của bản năng là trả thù những hành vi xấu xa bằng cách tái hiện nó. Như con nghiện trở thành kẻ bán thuốc phiện. Sự thô bạo càng va đập với nhau càng dao động mạnh.
- ...
- ...
XV.
Lất phất mưa. Mưa như những nhát đao mềm. Đao cỏ. Cái xanh của sự trong trẻo vuốt ve nỗi buồn loang máu. Mưa mùa đông không lạnh. Trời có lúc động lòng với ý người.
- Em nghĩ, nếu nhường nhịn nhau một chút, chịu học cái mềm mại của trẻ con bằng sự suy nghiệm của người lớn thì phản lực sẽ yếu đi, dao động dịu dàng dần. Đấy là tác động ngược trở lại của lý trí tới định mệnh.
- Hay. Anh cũng muốn thế. Cũng xác định cố gắng gửi đi thông điệp ấy trong các hành vi sinh hoạt hàng ngày. Rồi tâm niệm cố biến đó thành điều không phải cố. Một lúc nào đó, cố gắng sẽ thành tự nhiên. Nhưng không biết độ đàn hồi của mình đến đâu.
- Em hiểu. Em cũng thế. Em cố gắng không sở hữu anh. Nhưng những lúc ghen, lúc sợ mất anh vào tay người khác, hoặc phải chia sẻ anh với một người khác, em lại thấy em rất bạo lực. Có lúc em không biết phải ứng xử thế nào với dục vọng sở hữu?
- ...
- ...
- Nói chuyện với vợ, anh thấy cái này rất ngộ nhé. Hiện sinh chung nhất giữa các sinh vật là hiện sinh liên tục phải ứng xử với sở hữu và không sở hữu. Từ cách ứng xử sở hữu hay không sở hữu của Thượng Đế với muôn loài đến các chính quyền với nhân dân. Rồi tập thể với cá nhân. Con người với con vật. Kẻ mạnh với kẻ yếu. Cấp trên với cấp dưới. Vợ chồng, người yêu, bạn bè với nhau. Bố mẹ với con cái. Người ta nói: “Ta không phải là của ta. Vậy làm sao con ta là của ta”. Ai tin được đến đâu thì tin.
- Hi hi. Em hơi hơi tin. Không phải vì Phật nói đâu. Nhưng hồi con còn bé, cho em nghĩ nó là của mình nhé.
- Em muốn thế vì em muốn chở che con. Em đảm bảo tự do cho con càng tốt chứ sao. Như bạn em chẳng hạn, đanh đá nhưng không đàn áp... Dù có thể không biết về sở hữu và tự do trên ngôn ngữ, nhưng mấy nàng đã có bản năng tin vào điều đó rồi. Quan trọng là ứng xử lúc trẻ con dần không cần mình nữa. Yêu là xót xa thả tự do.
- Yêu là xót xa thả tự do. Em thích câu này lắm.
- Hy vọng các bà mẹ và các quan phụ mẫu cũng thích.
- Hi hi. Rõ ràng nó nằm ì trong bụng mình, rồi nó lại không thuộc về mình mà mình vẫn xót xa vì nó. Có con mệt nhỉ.
- Nhưng được ốm vì con như bạn em cũng hay hay.
- Mình của em biết chạnh lòng như ông già từ lúc nào thế. Mình sẽ có mà. Chắc cũng xinh như thằng bé lúc nãy. Xấu như em cũng chả sao. Con nào chả là con.
- Chạnh lòng gì đâu. Có con cũng sợ lắm. Anh thấy sợ cho tương lai của thằng cu lúc nãy. Sợ nó bất hạnh. Hoặc là sợ chính nó. Sợ nó chọn tìm hạnh phúc bằng cách gieo bất hạnh. Sợ con mình lớn lên sẽ sống cùng những đứa trẻ bị nhiễm kiểu giáo dục ấy. Nó có bị tiêm nhiễm từ những đứa trẻ ấy không? Nó có thay đổi được chúng không? Nó có thể tìm được những sự an lành khi không thay đổi nổi? Thế giới sẽ chuyển động cùng cách giáo dục nào?
- Mình đặt ra nhiều khả năng quá. Trong khi cái duyên sẽ chia nhỏ các khả năng ra cho mọi người. Thực tại của mỗi người chỉ diễn ra một số khả năng thôi. Ai cũng có bản năng tự chuyển động và thích nghi mà. Mình lo lắng chuẩn bị bao nhiêu điều thế là mình cũng định sở hữu con quá nhiều đấy nhé.
- Ừ nhỉ. Sao em không nói sớm.
- Thì giờ em mới chợt nghĩ ra. Mình cũng hơi tinh vi đấy. Mình cho là mình hiểu hết được bản năng sống của mình. Làm như tất cả đã phát lộ. Rồi đâm lo mình ít vốn.
- Em vừa bảo chuẩn bị trước vẫn hơn mà.
- Nhưng có những cái làm sao mà chuẩn bị được. Mình làm như mình kiểm soát được toàn bộ khả năng của mình í.
- Anh làm gì có khả năng gì.
- Đấy. Mình toàn nói thế. Rồi mình lại toàn ép uổng mình phải sẵn sàng như siêu nhân, một mình gánh chịu tất cả các khả năng của cuộc sống liền một lúc. Mình độc tài lắm. Mình còn chê ai.
- Mịa, đau thế. Gậy ông đập lưng ông. Đúng là ý vợ là ý trời.
- Hi hi. Em có bảo mình sai đâu. Càng khảo sát được nhiều khả năng càng hay. Em ghen với mình í chứ. Nhưng lúc nào việc khảo sát làm mình giảm quá nhiều năng lượng sống thì mình tạm dừng để em nạp cho mình. Cái ông Kunđêra lúc rời bàn viết về đủ thứ vây bủa chắc ông í cũng hưởng lạc bỏ xừ. Mình hiểu em không? Mình đi ăn kem đi.
- Anh nói nhiều quá à?
- Không, không sao. Em thích nghe mà.
- Điếu cuối ngày mừng trăng đẹp nhé.
- Không là không. Cái này anh đừng trách em thô bạo.
XVI.
Nhớ lại đến đó, hắn chợt mỉm cười trước khuôn mặt tươi vui ngày nào của vợ, chợt đau nhói vì khuôn mặt vợ đã héo đi nhiều. Ngôn từ của cuộc chuyện trò có thể bị trí nhớ và suy tưởng thêm bớt, nhưng trạng thái của vợ hắn khi phát ra ngôn từ đúng là rất tươi tắn và hạnh phúc. Thời gian và hắn đã làm héo đi những bông hoa thân xác và tâm hồn được trao gửi. Hắn cũng chợt nhận ra từ rất lâu rồi, hắn e sợ cho đứa con có thể được sinh ra. Hắn hoang mang có nên sinh nó ra không vì hắn thiếu một khả năng bảo vệ nó.
Hồi đó, hắn đã muốn làm gì đó cho thằng bé trong siêu thị, đã muốn nói những suy nghĩ của hắn với mẹ nó. Nhưng dường hắn không tự tin điều hắn làm có thể đem lại sự tích cực cho dù mong muốn của hắn là tích cực.
Người đàn ông ở siêu thị nọ có đủ sức mạnh của địa vị, kinh nghiệm trước đám đông cũng như sự khôn khéo để tin chắc thành công. Kẻ từng trải hiểu rõ phê phán thẳng thừng không có tác dụng thay đổi người không sẵn sàng nhận lỗi. Ông ta dùng sức mạnh của lời lẽ yêu thương và hứa hẹn những sự trừng phạt nếu nó không được tôn trọng. Nếu hồi đó ông ta xuất hiện, biết đâu, thằng bé đã được cứu rỗi phần nào dù nó không được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tình yêu.
Không hẳn? Hắn không cảm thấy mình nhỏ bé hơn người đàn ông kia. Thông thường, cách nói của hắn, cử chỉ của hắn không có khả năng thu hút và giải tán đám đông như thế. Cũng những lời từ miệng người đàn ông kia, nếu phát ra từ miệng hắn sẽ làm đám đông buồn ngủ. Nhưng khi thực sự cần, hắn cũng có thể trở nên mạnh mẽ và lôi cuốn đám đông theo cách của riêng hắn. Tại sao hắn lại kéo vợ bỏ đi? Mong muốn che chở cho thằng bé quá mong manh? Hay hắn đã không còn tin vào việc có thể thuyết phục một người yêu thương người khác, không còn tin thằng bé có thể cảm nhận sự an ủi chớp nhoáng khi nó đang ở trong một trạng thái không thể hiểu nổi con người?
Hắn sợ hắn không yêu con mình đủ để nó cảm thấy hạnh phúc khi mà hắn luôn chỉ đi lạc trong những hoài nghi và dự cảm mơ hồ? 
Hắn sợ tạo ra một sinh linh phải sống cuộc đời bất hạnh hoặc tìm kiếm hạnh phúc bằng cách mang bất hạnh đến cho cuộc đời, khi nó có người cha ích kỷ với một trái tim lạnh giá?
Hắn sợ chứng kiến một đứa con độc ác như mình làm tha nhân đau khổ?
Nhưng sợ hơn là nhìn một đứa con nhân hậu như mình bị tha nhân làm đau khổ dần dần?
- Em tin em sẽ yêu con, anh cũng thế. Khi có con, tức khắc mình sẽ biết che chở nó. Đứa con là động lực cho mình sức mạnh. Mình lo lắng là mình không coi con là một điều kỳ diệu, mà mình biết nó là điều kỳ diệu cơ mà, nên mình đừng lo lắng nhé. 
Hắn thấy biết ơn vợ nhưng không hoàn toàn tin vào điều đó...
XVII.
Lần dừng lại tiếp theo của hắn là trước cánh cửa đóng của một ngôi nhà. Hắn nghe rõ một tiếng nước. Không rõ là rót từ bình vào cốc hay từ bộ phận tè rót xuống bồn cầu. Không thấy tiếng giật nước, hắn đoán là từ bình vào cốc. Hắn nghe tiếng người nói chuyện:
- Em thèm ăn thịt gà quá. Tết không có gà cứ thế nào ấy nhỉ.
- Ai bảo không có. Thằng bạn anh làm chỗ nhập khẩu thịt gà đảm bảo an toàn. Em thích thì mai anh lấy về cho.
- Có chắc là đảm bảo không?
- Úi giời, bọn Tây mà không an toàn thì có mà loạn.
- Híhí, thế mai anh mua về luôn đi. Em sẽ luộc nửa con, rán nửa con.
- Em làm anh rỏ cả dãi.
- Híhí, mang biếu bố mẹ anh nữa nhé.
- Thôi đừng. Ông cụ đang đau vì bị diệt sạch đàn chim quý. Bố đắn đo mãi nên thả bọn nó bay hết đi hay nộp. Cuối cùng bố cũng đem đi nộp. Bố sụt bốn cân rưỡi. Bằng số cân của bọn chim.
- Hic, anh kể ghê quá. Thịt chim mà như thịt người.
- Ọe, em nói còn ghê hơn. 
Mùi hương lại giục hắn bước tiếp, nhường lại sự riêng tư cho những tiếng rúc rích. 

Cái ngõ lạ hắn lạc vào tỏa ra một vị hay. Không có tiếng tivi, chuông điện thoại, súng đạn từ hàng games; không có những lúc hắn phải nép vào tường rêu nhường chỗ cho Dylan, @... thì hắn đã tưởng mình đang lạc về một ngõ quê. Tiếng trẻ con khóc cười, tiếng vợ chồng nhấm nhẳng nhau, tiếng bố quát con, tiếng chị dạy em học tiếng Anh hao đu iu đu am phờ dom Viết Nam, tiếng bà già dỗ cháu, tiếng ông già rít thuốc lào, tiếng ghita chơi bản “Nỗi nhớ mùa đông”... hòa tiếng lá reo từ những tán cây trèo ra khỏi bờ tường. Điểm vàng và xanh mướt. Cây ngọc lan làm hắn muốn nhúng ngón tay vào lá non rồi vẽ luôn màu xanh ướt ấy lên tường. Những búp hoa trắng hiếm hoi cúi xuống thả hơi thở dịu ngát như bàn tay vuốt tóc thế gian...
Vẫn không phải vị hương rủ rê hắn dưới dốc. Miệng bỗng đắng ngọt, hắn nhắm mắt để tìm hướng đi của mùi hương lạ trong sự lôi kéo nồng nàn của ngọc lan.
Bức tranh! Bức tranh dần hiện lên rồi! Cái tên của nó đã ra đời: “Đường hương bay” hay “quãng đường đi của mùi”?
Đã lâu rồi. Lâu quá rồi, mình mới đi như thế. 
Vợ mình đợi! 
XVIII.
Mình đã sống trong một sự cũ kỹ của cảm xúc? Mình luôn lẫn lộn nó với sự cũ kỹ của thế giới? Từ khi mình lấy vợ?
Đấy, vừa nhớ ra vợ đợi, mùi hương biến mất. Mình không được đi với sự cô đơn nữa, chính vì thế mà mình trở nên cũ kỹ?
Nhưng tại sao? Chính cô nàng đã cứu mình ra khỏi sự cũ kỹ và mệt mỏi của cô đơn, đem lại cho mình biết bao cảm hứng mới.
Hay là sự no đủ? Là thế này: Mình no đủ sự cô đơn, cô nàng đến, đổi món làm mình hạnh phúc. Khi mình no đủ sự đôi lứa, mình lại cần đổi món?
Không phải? Đó không phải sự nhàm chán của no đủ? Vợ chồng mình bị ngăn cách bởi một cái gì đó? Trước khi lấy nhau, nó được lường trước nhưng không ngờ giải quyết khó như vậy. 
Mình vẫn mang một nỗi lo lắng kỳ quặc về tương lai và nó ăn mòn năng lượng của mình. Nàng đã làm nhiều cách để cố giải thoát mình khỏi nỗi lo ấy, mình cũng muốn giúp nàng nhưng mình cứ chìm trong nó, cảm giác nó rất chính đáng khiến nỗ lực của nàng gần như đơn phương. Mình vừa muốn buông xuôi cùng sự vô nghĩa vừa muốn tích lũy năng lượng kháng cự lại tương lai có vẻ bi quan mà mình e ngại. Nhưng mình kháng cự yếu quá. 
XIX. 
Kẻ hướng thiện trở nên khó xử khi không muốn ứng xử bằng luật rừng với những đồng loại chơi luật ấy. 
Nó đã không muốn hại người, đã yêu thương người khác và có thể tạo ra người khác. Và nó đã sai lầm khi sống giữa đám đông tự tin mình là người tiến bộ nhưng hễ có cơ hội đứng trên là đối xử tàn tệ với tha nhân? Sự bất lực trước sức ì nhận thức của đám đông biến cuộc sống của nó thành vô nghĩa, biến nó thành vô cảm để không đau thêm.
Nó từng nhịn chết để chờ cảm giác yêu thương trở lại cứu rỗi tình trạng phi lí này. Vừa nhịn chết vừa mang nỗi sợ mình có thể trở thành kẻ hủy diệt khi không chờ được nữa và hư vô xâm chiếm. 
Thế rồi, (là ngẫu nhiên hay là một phần thưởng cho kẻ biết chờ đợi?) cảm giác yêu thương chợt quay về. Nhưng cảm giác yêu thương lại làm nó trở lại nỗi lo sợ mình không bảo vệ được tha nhân. Có thể gia đình nó tìm được sự bình ổn trong tâm hồn, nhưng còn người khác? Làm sao bảo vệ tha nhân khi tha nhân không phải là mình? Nếu không thiết lập được một hệ thống ươm mầm chuyển hóa trong họ, sự tuyệt vọng của họ sẽ trở thành mối đe dọa cho tất cả.
Hệ thống ươm mầm khổng lồ ấy, nó không thể nào một mình tạo được. 
Nhất là khi nó còn đang mơ hồ hệ thống ấy là gì? 
Người ta hay nói về sự cứu rỗi của tôn giáo. 
Tôn giáo ư? Những tôn giáo hướng thiện có chuyển hóa được những kẻ lợi dụng cái tên của chính những tôn giáo ấy để làm ác?
XX.
Tại sao nói đến tôn giáo, mi lập tức nghĩ đến đạo Phật?
Có bao nhiêu người đang tin đạo Phật là triết học hơn là một tôn giáo theo nghĩa bị sùng bái của tôn giáo? 
Có bao nhiêu người đang biết đạo Phật là triết học về tự do, sức mạnh tinh thần, cái thiện, sự giản dị, sự hòa hợp tự nhiên, sự tương đối, sự hoài nghi bản chất và sự tự giải thoát? 
Có bao nhiêu người đang hiểu đạo Phật là triết học song hành giữa tra vấn và hành động? Hướng hữu ngôn đến thực hành để rồi vô ngôn rồi lại hữu ngôn thực hành... Cứ thế, luân hồi. Vô ngôn để lắng lại, trộn lại bát canh suông ngôn ngữ vừa nêm thêm thực hành. Thế rồi, nước chảy mây trôi, lượng đổi chất đổi, không bận tâm phải trọn vẹn hữu ngôn hay vô ngôn. Điều bận tâm duy nhất là dùng những hành vi của mình để đem lại cái thiện cho đời.
Không đúng. Tâm không thiện không ác, tâm vô thường. Đâu cần bận tâm thiện ác.
Thế tại luận giải về vô thường lại làm ấm lòng? Tại sao từ “vô thường” lại nghe đầy thiện tính? Tại sao có “tà tâm”, “thiện tâm” mà chỉ cần nói “có tâm” lập tức được hiểu là “có thiện tâm”? Tại sao Phật, người trong những giai thoại vật lộn với tâm (... bị tâm đè, cưỡi tâm, nhập làm một với tâm, không là tâm nữa...) gần như hoàn toàn không bị gắn với điều ác?
Nếu con người không thiên về thiện, liệu nó có thể tạo ra hệ thống ngôn ngữ hướng thiện? Nếu con người không thiên về thiện, liệu nó có đau đớn vô ngôn khi ngôn ngữ bị những con người khác dùng làm phương tiện nhân danh cái thiện, trà trộn vào hàng ngũ cái thiện, thủ tiêu dần cái thiện? Nếu con người không thiên về thiện, liệu nó có chấp nhận đau đớn để phát ngôn vì cái thiện? Nếu con người không thiên về thiện, liệu nó có tiếp tục đau đớn vô ngôn khi phát ngôn ấy bị đổi trắng thay đen? Nếu con người không thiên về thiện, liệu nó có cần đi tìm sự bình an cho cái tâm tuyệt vọng khi chọn vô ngôn hay hữu ngôn đều đầy nhầm lẫn và không tài nào kiểm soát được đường bay của lời, của không lời? Những đường bay có thể sát thương dù hữu ý hay vô ý, dù giữa bầu trời tự do hay bầu trời đính kèm trạm kiểm soát không lưu.
Vậy dòng chảy của thực tại có hướng thiện không? Hay đây chỉ là cảm giác của dòng chảy ngôn ngữ nơi tâm ta?
Trong Jesus Christ có Thích-ca Mâu-ni và Thích-ca Mâu-ni thì tại tâm. Tâm là nơi ta tự hỏi Jesus Christ bao nhiêu phần là Jesus Christ, bao nhiêu phần do tâm người tạo ra?
Đời tạo ra tâm hay tâm tạo ra tâm? Sóng cảm giác của ta vĩnh viễn cô độc? “Ôi trái tim đang bay theo thời gian, làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”. Hay cũng được tha nhân sẻ chia tần số?

Người đang lướt ngang mặt ta vừa dằn còi vừa chửi bới làm xém chút nữa tâm ta xui ta túm mi lại mặc cái xe không lái văng vào bất cứ ai bất cứ nơi nào để rồi ta ném mi xuống đất nắm tay siết chặt dồn hết đau đớn vào mi mà không cần biết hành vi của mi xuất phát từ thói quen thô bạo ngu xuẩn của mi hay mi bùng vỡ vì cũng đang có điều gì ứ đọng như ta... mi có cảm giác thèm cái thiện như ta không?
Cô bé đang bi bô làm quen với ngôn ngữ bên thềm nhà nơi mà nếu ta túm kẻ ồn ĩ kia lại xác suất chiếc xe văng thẳng đến sẽ rất cao và gia đình mi có thể sẽ hận thù ta... mi có cảm giác thèm cái thiện như ta không? 
Một kẻ nào đó đang đọc được suy nghĩ của ta... mi có cảm giác thèm cái thiện như ta không? 
Đạo Phật giản dị như hơi thở. Bởi nó là một mã nguồn mở được những hành vi mang Phật tính hay Jesus tính nâng cấp. Để thêm một người hiểu ra điều đó, phải mất bao lâu và bao nhiêu năng lượng của sự nhẫn nại, tha thứ? 
Phải mất bao lâu và bao nhiêu năng lượng của sự nhẫn nại, tha thứ để uninstall hệ thống ngôn ngữ nhân danh bị những kẻ nhân danh và nạn nhân của chúng cài đặt vào óc mỗi con người?
Để có thêm một con người có thể có đạo mà không cần theo đạo, không cần câu nệ cái tên của đạo, phải mất bao lâu và bao nhiêu năng lượng của sự nhẫn nại, tha thứ? 
Bể khổ mênh mông. Làm sao con người có thể nhẫn nại tha thứ mãi?
XXI.
Thêm một lần, nó muốn trốn chạy. Nhưng khi đã yêu thương, nó không còn khả năng cho phép mình chọn lối thoát của cái chết hay sự cô độc.
Lối thoát đó có thể khiến nó không còn lo sợ cho tha nhân. Nhưng muốn vào, phải bước qua xác một nỗi lo sợ khác mà nó không hề muốn giết đi: Nỗi lo sợ làm tổn thương những người nó tin không đáng bị tổn thương thêm. 
Khi chọn sống, bản năng không còn cách nào khác là phải chai lì đi để chống lại những nỗi lo sợ. Nhưng thói quen chai lì thêm một lần làm đông cứng cảm giác yêu thương.
Chỉ còn một bản năng khác nơi lý trí và ngôn ngữ vẫn mang nặng cảm giác thèm thuồng có lại sức yêu thương. Nỗi nhớ da diết của lý trí và ngôn ngữ giữ cho thân xác vô cảm khỏi bùng lên xung năng tha hóa. Bản năng của lý trí và ngôn ngữ vẫn chung thủy, vừa nhẫn nại chờ đợi vừa bền bỉ tiếp tục dò tìm sự cứu rỗi từ sóng yêu thương của tha nhân. 
Nhờ sự chung thủy đó mà sự bế tắc tư duy trong mi không bị biến thành hư vô, bạo lực mà thành những giây phút tranh thủ an nhiên? 
Nhưng mi đã để sự nản lòng và mong muốn thay đổi nhập nhằng quá lâu trong tiềm thức. Cái “hiền minh của sự lưỡng lự” đã hết tươi mới và bắt đầu bốc mùi trong sự lười biếng biểu hiện nó. Nó cần được thay thế bởi cái “hiền minh của sự lưỡng lự” khác... Ngôn từ thì sến. Nhưng sự thật là như thế...
Phải rồi. Cái chai lì không thể chịu nổi nữa này là luân hồi của bế tắc. Là một kiếp nữa của tuyệt vọng. Cũng là một mốc lột xác mới mi không biết mình có thêm một lần vượt qua không.
Mi đã tranh thủ an nhiên trong sự bất lực trước sinh mệnh nhân loại. Nhưng mi đã không tranh thủ gột rửa cái vô nghĩa trong sinh mệnh của mi bằng sự tái tạo ý nghĩa nơi từng hành vi nhỏ? 
Câu chuyện giữa mi với nàng mi tưởng ngộ ra trên ngôn ngữ là yên tâm kết thúc được ư?
Ngu xuẩn!
XXII.
Bỗng nhiên muốn làm một cánh gì đó thật mạnh bạo. Hắn bóp nghiến bao thuốc rồi ném thẳng vào cái miệng thùng rác phía trước đang trống rỗng há ra. Trượt. Sợi thuốc bắn tung tóe. Hắn cúi nhặt rồi thả nhẹ vào như thả một bức thư.

Vớ vẩn thật. Phí tiền. Dở hơi. Để làm gì. Có bỏ được đâu. Nhưng cũng là một cái gì đánh dấu một điều gì đó. Cần một sự khởi xướng đột ngột để làm mới. Mình điên rồi. Thôi, đừng gọi tên gì nữa. Đóng cửa ngôn ngữ lại. Mở toang các giác quan còn lại xem nào. Sao mi vẫn không thể ngừng ngôn ngữ. Tưởng mi mạnh ư. Tưởng mi không vướng gì ư. Nó trói mi rồi đấy. Ngôn ngữ của mi là ứng xử với mầu sắc cơ mà. Mi đang là mầu sắc đấy. Vợ mi đang là mầu sắc đấy. Xung quanh mi đang là mầu sắc đấy. Mầu sắc không phải là mầu sắc. Ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ. Cái tẩu không phải là cái tẩu. Magritte không phải là Magritte. Hê hê. Mi chưa hẳn là mi. Nhưng sự tầm thường nguyên nghĩa đang chiếm lấy mi. Không hề phi lý. Cực kỳ lôgic. Sự tầm thường là sự tầm thường. Không thể nào ngụy biện. Sự tầm thường là Cái Là thật nhất, bám đuổi dai dẳng nhất. Sòng phẳng với mình đi nhé. Hê hê.
Những suy nghĩ trải dài trên đường vô thức bước về nhà làm hắn quên tiếng gọi của mùi hương...
XXIII.
Hắn dừng lại trước cửa nhà mình. Vào hay đi tiếp? Trời nổi gió. Lạnh buốt. Hắn vào.
- Anh đi gì mà khiếp thế. Làm em lo. Lạnh hết cả mặt cả tay rồi này. Nào, để em ủ cho.
- Đi mấy hàng mới mua được. Xong anh đi dạo một lát.
- Lại còn không mang di động. Á à, đi dạo ở nhà cô nào?
- Ờ thì, một vài cô.
- Véo tai cho chừa này... Anh, sao trông anh buồn thế?
- Anh không biết. Tự nhiên nó lại đến.
- A, túi quất to thế. Bao nhiêu hở anh?
- Một nghìn.
- Anh của em mua giỏi thế. Thưởng anh này.
- Tại người bán hào phóng đấy chứ.
- Không, anh của em mua giỏi. Thưởng cho bé này. À, lại đây em cho anh xem.
Ông anh vợ năm nào cũng tặng vợ chồng hắn một cành đào. Ba năm, chẳng năm nào nở hoa. Chỉ lá xanh mướt. Vợ hắn kêu rầm trời, nhõng nhẽo bắt đền ông anh. Hắn bảo lá xanh mới là nhiều lộc. Năm ngoái, ông anh rút kinh nghiệm, tặng cả một cây đào nhiều nụ. Hai vợ chồng tưới bón, cho uống thuốc đủ kiểu, nụ vẫn hoàn nụ. Còn lại, chỉ xanh những lá.
- Đẹp đấy chứ. Anh vô sinh, người toàn lá là lá, mà em có chê anh đâu.
- Nào, cấm nghĩ linh tinh. Rồi mình sẽ có mà. Mà không có cũng chẳng sao. Em yêu anh.
- Thôi, em đừng an ủi anh nữa.
- Ai cho phép anh nghĩ thế. Anh hư quá.
- Ừ, không nghĩ nữa vậy. Dù sao cũng đỡ tốn tiền mua bao cao su.
- Ghét quá. Lớn rồi mà suốt ngày ăn nói lung tung.
Năm nay rét hơn mọi năm, cây đào bấy lâu bị quên lãng lấm tấm nụ. Để ý kỹ mới thấy len trong nách lá xum xuê không được cắt tỉa, một bông mềm nở viên mãn.
- Anh tìm thấy chưa?
- Tìm thấy gì cơ?
- Bông hoa.
- Chưa.
- Anh tìm kỹ đi.
- Tìm mãi không thấy.
- Đây này, đây này.
Vợ hắn sốt sắng, quên cả nhận ra sự vờ vĩnh của hắn, vạch khe lá ra khoe những cánh phớt hồng.
Hắn mỉm cười nhìn vợ. Cô nàng hớn hở như chính bông hoa và bất giác vừa nhảy cẫng lên vừa ôm chầm lấy hắn. Như hồi mới cưới. 
Chuyện này đã không xảy ra suốt một năm. 
Từ bông hoa hay từ hơi thở của vợ, mùi hương mong manh lại đột ngột xuất hiện, nhuốm từng tế bào không khí.
Mùi hương làm hắn khẽ rùng mình (chuyện này đã không xảy ra trong nhiều tháng):
- Sớm mai em rửa bút cho anh nhé. Anh cần vẽ một bức tranh...
9/10/2006
Nguyễn Thế Hoàng Linh
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...