Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Không phải tôiXXXX

Không phải tôi

Cuối cùng thì điều phi phi lý cũng xảy ra. Chả có gì phải bàn cãi hay ngạc nhiên cả: Hiền tài rơi vào tay độc tài.

Độc tài trông thế cũng có bằng tốt nghiệp tiểu học đấy. Có lần còn được học dự bị lớp chuyên toán. Nên cũng biết cái bài trong sách toán khó: Nói đúng thì chặt đầu, nói sai thì treo cổ. Nhà thông thái bảo: Hãy treo cổ tôi lên.
Hiền tài rơi vào tay độc tài là chết chắc rồi. Trạng Quỳnh mấy lần tự cứu mình thoát chết nhờ mau miệng trong những vụ kiểu Đào đoản thọ… nhưng rồi khẩu khí đâu mạnh hơn đê hèn tai trâu. Ngữ ngôn đâu mạnh hơn thuốc độc và bẩn quyền.
Độc tài trông thế mà cũng từ bi: Hãy nói mà không nói thì ta tha chết.
Hiền tài mỉm cười. Sủa gâu gâu gâu. Gâu gâu gâu là tiếng nói của chó nhưng chả phải tiếng nói của người. Nên là nói mà không nói vậy.
Được cái độc tài có tướng ưng khuyển làm mấy gã quân sư sướng quá phá lên cười. Độc tài giỏi toán mà dốt văn nên ngơ ngác. Nhưng làm nghề này cũng phải biết văn vở mà cười theo rồi hỏi khéo cận thần: Các người cười ta phải không?
Độc tài có cái khổ là suốt ngày phải ăn ngon, gặp gỡ gái đẹp, toàn thứ đáng sợ… nhưng cái sướng rành rành là càng giễu mình thì càng được nâng cao chót vót.
Bá quan văn võ thót tim. Ai ngờ ngài đúp lên đúp xuống mà minh triết thế. Nên mới vội tấu rằng: Dạ, đâu có ạ. Chúng thần cười là cười cái thằng đang bị chặt đứt gân khoeo quì dưới kia vì sợ chết mà phải sủa lên như chó.
Độc tài gật gù mãn nguyện: À ra thế. Mi thua rồi, mi phải chết. Nhưng ta là bậc minh quân, cho mi một cơ hội nữa. Coi như ta sinh ra mi thêm một lần nữa vậy.
Hiền tài cúi đầu cung kính. Đồng thời nước khai từ đũng quần xèo xèo rịn ra đầy tấm thảm xịn được cống từ nền tinh hoa dệt thuật đẹp đẽ nhất mà dân tình mông muội nhất.
Cái này hơi bất ngờ. Độc tài chả hiểu mô tê gì cả.
Còn các hoạn quan thì thi nhau xoen xoét:
- Láo, thằng này láo, dám đái bậy giữa nơi tôn nghiêm, phải hoạn, phải hoạn.
- Đâu có, nó sợ vãi tè đó mà. Bọn văn nghệ sỹ là chúa nhát gan.
Độc tài cười lớn rồi hát bài tủ: Nào, mi muốn thanh minh gì không. Nói đi. Nói bậy thì ta phang gậy. Nói lái thì ta cắt dái. Nói hỗn thì ta đâm rốn. Nói tắt thì ta móc mắt. Nói hay thì ta chặt tay. Không nói thì ta trói hồn.
Hiền tài mới ngoác miệng oe oe oe. Song le, mùi thối khắm bay ngập tràn nơi thiêng kính.
Các nịnh thần lại được dịp mở máy:
- Cha chả cha chả, thằng này hỗn xược hết chỗ nói. Lại dám mang cứt vào đây. Phải khâu đít lại. Phải khâu đít lại.
- Lại đâu có, nó lại sợ vãi cứt đấy thôi. Bọn văn nghệ sỹ là siêu chúa nhát gan.
Có một xu thời quan còn tí khí chất đứng im lặng nuốt lệ cắn lưỡi nãy giờ không chịu được mới phải lên tiếng:
- Bẩm ngài, anh ta ỉa đái ý là anh ta đã hoá hài nhi. Chính là nhờ ơn tái sinh của ngài vậy. Mà hài nhi thì như ấu trùng, dù ăn lá nhưng mà đều vô tội.
Hiền tài phá lên cười quá đỗi hồn nhiên làm xu thời quan biết mình thêm một lần ngu, liền ngậm miệng cúi đầu.
Độc tài nghe cũng vui tai thấy cũng vui mắt mới tiếp tục ban phát nhân từ: Vậy ta đẻ ngươi ra thêm một lần nữa nhé. Làm được việc này thì ta tha: Tạo ra âm thanh không vô nghĩa như chó sủa mà cũng vẫn không được nói.
Hiền tài cắn máu ngón tay viết lên thảm trắng cạnh bãi nước đái đã ngấm ố vàng một mảng:
thơ là hấp hối của âm thanh
là tiếng thét treo căng chỉ mành
và đêm buông xuống đêm buông xuống
rưới buồn lên mãi những mầm xanh
Viết đến đó, nhăn mặt. Có vẻ sợ đau, tiếc máu, liền đưa ngón tay lên miệng ngậm. Cả bộ sậu đều hận hiền tài nhưng xem cách chăm chú và há miệng nhểu dãi của họ thì có thể thấy họ như đang bị lôi cuốn đến không cưỡng được.
Hiền tài cứ ngậm ngón tay chán chê như trẻ con, cười trong nước mắt ri rỉ rơi đến nửa canh giờ mà xung quanh vẫn cứ im phăng phắc. Sau rồi hiền tài rút tay ra khỏi miệng. Vết thương trên da đã lành. Lại nhổ một bãi nước bọt lớn chưa từng thấy xuống thảm. Lạ thay, nước bọt cứ dập dềnh như thủy ngân, không ngấm đi đâu cả. Liền đó, lấy ngón tay vừa rồi, chấm nước bọt trong veo mà viết những chữ vô hình:
Chả ai hiểu gì cả. Chỉ mỗi độc tài và xu thời quan nghe một khúc nhạc ngân vang trong óc:
ngôn ngữ chỉ như chiếc phù du
làm mù kẻ sáng sáng kẻ mù
làm dại kẻ khôn khôn kẻ dại
giữa trần gian quá đỗi âm u
ngôn ngữ gợi muôn sức trẻ trai
cũng là thuốc phiện dỗ bất tài
biết lấy ngữ ngôn cười ngôn ngữ
mới là thâm nhập đúng và sai
ngôn ngữ là tim óc hiền nhân
cũng là cứt đái lũ bất cần
biết uống mưa nguồn hay ăn bả
cũng tuỳ cách cập nhật tha nhân
Xu thời quan ngã xuống ngất lịm. Nhưng không hộc máu. Sắc mặt chỉ tái xanh nhợt lúc ngã. Nằm im dần hồng hào trở lại.
Còn độc tài đê’ch hiểu nhưng không hiểu sao thấy rợn hết chịu nổi. Biết cứ tiếp tục trò chơi là mình sẽ hết muốn độc tài. Liền sai đao phủ chém treo ngành hiền tài.
Chả đao phủ nào dám chém. Thế là bị độc tài bắt lần lượt chém nhau. Đao phủ cuối hoá điên cầm đao lao vào độc tài. Nhưng quanh ngai vàng là lưới điện nên bị cháy đen thui.
Độc tài bèn gọi kiến trúc sư làm ngay một chuồng cọp quanh hiền tài để cả triều đình đứng ngoài song sắt xem trực tiếp. Tiếc là chả cọp beo nào dám cào. Lại còn liếm tay liếm chân mới nhột. Hí hí há há.
Thế này thì còn ra thể thống gì nữa. Hoạn quan thân cận nhất của độc tài hiến kế: Chi bằng ta bắt thân quyến hắn về đây rồi hành hạ trước mặt hắn. Đó mới là cái làm hắn đau đớn nhất vậy.
Độc tài gào lên như cháy chợ Đồng Xuân:
Đồ ngu! Đồ hèn! Đồ súc vật! Đồ mâ’t dạy! Đồ đê tiện! Đồ cho’ má! Đồ đáng khinh bỉ hơn bất cứ kẻ đáng khinh bỉ nào khiến một người nho nhã như ta phải văng bậy. Mi tưởng ta không biết cái kế tùng xẻo vợ vỡ tim chồng ấy sao. Nhưng thằng này đê’ch có ai thân thích được với nó cả. Vả lại đến cao siêu như Tôn Tử còn không thèm cho cái trò cực đại hạ tiện ấy vào binh pháp sạch ít bẩn nhiều trong cái thời triền miên chém giết vô tình vô nghĩa của mình. Ngay đến cả bạo chúa Nero tàn độc và hoang tưởng man rợ mình là nghệ sỹ cũng đã tuyên ngôn cái trò dùng tha nhân để bức tử kẻ thù là trò đê hèn kinh tởm nhất của mọi trò đê hèn kinh tởm mà bất cứ kẻ đê hèn kinh tởm vì không biết đê hèn kinh tởm là gì cũng phải thấy đê hèn và kinh tởm và nguyền rủa. Và tất cả những lời nguyền tích tụ đời đời kiếp kiếp ấy sẽ khiến bất cứ kẻ xâm phạm nào dù kiêu hãnh và vô cảm đến đâu cũng phải oằn oại vĩnh cửu trong đau đớn và nhục nhã. Đó chính là luật bất thành văn mà bất cứ kẻ thiện ác nào cũng phải tuân thủ. Mà Nero lại là thần tượng của ta.
Quả tình đây là khoảnh khắc thiên tài vĩ đại của độc tài khi nói được một số câu ít sai ngữ pháp, chính tả và có vẻ nghề nghệ thuần thuật như vầy.
Nói đoạn, sai người đi bắt vợ con tên hoạn quan về mà hành hạ trước mặt hắn.
Trong thời gian chờ đợi bắt vợ con hoạn quan về thì vẫn phải tính sổ với hiền tài cho đỡ sốt ruột.
Đao phủ vừa tuyệt chủng nhưng đã có kinh nghiệm, độc tài cho trực thăng đón ngay một tiểu tử bất kỳ ở một đất nước thuộc loài nghèo đói và mù văn hoá nhất quả đất. Rồi bảo thích làm gì thằng kia thì làm. Thông thường, tiểu tử này thường mổ bụng moi gan mút não nạn nhân. Như một thói quen của kẻ chuyên nghiệp. Chả bứt rứt gì. Ngon là khác. Hắn chả biết chữ cũng chả biết ai vào ai. Ai cho tiền rồi thích sai gì thì sai. Lần này, hắn bỗng rùng mình như cái lần đầu tiên sau khi người tưới đẫm máu cha mẹ mình. Chả hiểu tại sao. Đời sát thủ kỵ nhất những phút yếu lòng như thế. Vội rút AK 5-1 bắn ngay. Đạn bay như Matrix. Đến trước mặt hiền tài liền đổi hướng xuyên rào rào thẳng vào tim sát thủ cũng như tất thảy văn võ bá quan. Cả tim độc tài nữa. Xu thời quan nằm hồng dưới đất nên đạn không làm gì.
Cuối cùng, không trúng đạn. Nhưng mỗi hiền tài chết.
Và tình yêu sống lại.
Cùng lúc, cứt đái bay hơi hết.
Không. Như thế thì tình yêu phi lí và quá tầm thường. Không. Không sống lại.
Nảy mầm…
21.03.04
TẠM TÊN LÀ KHÔNG TÊN .
Với ngộ nhận thiên tài trong một khoảng thời gian dài (và không chắc sẽ thôi) thì tôi luôn bị mình bắt mình ý thức cái mình viết phải hay. Dù không phải lúc nào cũng tuyệt vời nhưng không được nhạt nhẽo. Và đã đầu tư viết cái gì thì thường phải có tính khái quát cao, diễn đạt được nhiều cái riêng, cái chung.
Tôi bỗng được khơi dậy vài suy nghĩ nhớ nhớ quên quên trong tiềm thức từ một số không ít chi tiết trong bài viết của bác, thế là tôi lại viết. Cảm ơn bác.
Tuy lười đọc và không mê triết nhưng cũng có lúc tôi muốn đọc lại cuốn Giáo trình triết học Mác-Lênin do NXB Chính trị quốc gia phát hành. Để tìm hiểu tại sao người thì cho triết thuyết ấy luôn đúng còn người thì lại cho là nó đã quá lạc hậu. Thế là tôi cứ nhẩn nha đọc, tính mình đọc trước quên sau nên không dám nhận định nhiều. Tôi không biết nguyên gốc các tác phẩm của Mác-Lênin là thế nào. Nhưng với những phần đọc được từ cuốn giáo trình này, tôi thấy hầu hết nội dung được biên soạn với một tinh thần học thuật chân chính chứ không hề nguỵ biện hay mị dân. Tuy nhiên, tinh thần học thuật thôi chưa đủ, nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại mà, phải có khả năng đạt đến học thuật nữa. Cái này tôi cũng thấy nội dung cuốn sách đạt được, ít ra là trong những phần trình bày về nhận thức; lí giải các qui luật tồn tại và phát triển của cuộc sống, con người. Mà cái này thì bất kỳ ai, đặc biệt là học sinh sinh viên cực kỳ cần nắm được. Mà nếu trí nhớ không lừa đảo tôi, thì hồi tôi còn học đại học, thầy giáo cũng chỉ tập trung dạy những phần ấy. Như vậy, không thể làm sinh viên tin vào những nội dung ấy ngu đi được. Từ những nhận thức ấy, người chịu tiếp thu sẽ được hình thành rõ rệt hơn một óc hoài nghi có tính học thuật tương đối. Chính Marx thích nhất câu “Hoài nghi tất cả”. Cuối sách có đề cập đến một số triết thuyết khác như của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Freud… và trình bày khá khách quan về ưu khuyết điểm của chúng nhưng hơi ít.
Còn những đoạn nói về CNXH hay CNCS hầu như không có hoặc chỉ nói đến một cách chung chung là xã hội hoà bình, công bằng, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Cuốn CHXH khoa học là một cuốn riêng, hay lí luận về xây dựng chế độ xã hội là vấn đề lớn mà để bàn cụ thể thì phải nghiên cứu kỹ bản gốc, dị bản… và có tinh thần trung thực. Cái này tôi chưa có hứng cũng như chưa đủ trình độ để đi sâu nên sẽ lắng nghe và suy ngẫm chứ khẳng định tốt xấu thì còn bỏ ngỏ. Bỏ ngỏ chứ không bỏ bê vì đây là một vấn đề lớn đời người phải đối diện. Nó là con đường bị/được chọn để đi của cả một dân tộc chứ có phải chơi đâu.
Tôi không cho rằng Giáo trình triết học Mác-Lênin hiện dạy cho sinh viên đại học là một giáo trình được biên soạn xuất sắc. Nhưng tôi tin nó là một trong những giáo trình có nhiều điểm tiến bộ và giá trị hơn nhiều sách khác biên soạn cho sinh viên. Nhân loại có vô số triết thuyết khác nhưng trước khi chúng được các nhà giáo dục Việt Nam đặt chúng cạnh triết học Mác-Lênin để người học được so sánh và tiếp xúc với sự phong phú của tri thức thế giới, thì cuốn giáo trình (quá ít chú thích) ấy vẫn là một cái đáng đọc và học. Việc đặt triết học Mác-Lênin bên cạnh các triết thuyết khác để giảng dạy tôi cho là một việc chắc chắn phải làm. Vì Mác-Lênin là người muốn điều đó nhất. Khi mà bản thân họ là một trong những người để viết nên học thuyết của mình đã phải là một trong những người nghiền ngẫm nhiều nhất các triết thuyết khác. Và là một trong những người bất bình vì được giảng dạy quá ít triết thuyết; hay trong giảng dạy, có quá nhiều thiên vị, bất công trong nhận định về các triết gia; cũng như lạm dụng, áp đặt tư tưởng của người đi trước mà thôi không tự suy nghĩ, tìm tòi một cách độc lập.
Có một điều dễ thấy ở Việt Nam là nhiều bản quyền tác giả hay bị nhập nhằng (cái này nhìn tình trạng đĩa lậu là rõ nhất) khiến dù có làm việc với một tinh thần trung thực thì bất cứ ai cũng dễ bị nhập nhằng theo khi phải xuất phát từ một nền tảng nhập nhằng. Nhưng một người đọc để tích luỹ tri thức thì trước tiên nên chọn lọc lấy cái hay; không vì chưa rõ nó là của ai mà không đọc. Tuy nhiên, người đọc cũng ít nhiều cần biết cái hay là của ai để biết ơn quá khứ. Vô ơn thì luôn dễ bị quả báo từ thế hệ sau. Cái của ai vào với ai này thì không phải là nhà nghiên cứu nên đành hy vọng vào tìm tòi và năng lực của những nhà nghiên cứu lịch sử, lịch sử triết học.
… (ba chấm này là để chuyển đoạn, không phải bị kiểm duyệt)
Để viết sơ sơ về cái khái quát, cái riêng cái chung, tôi phải viết một đoạn mào đầu khá là dài như vậy. Tôi không cho rằng nó lạc đề khi post vào đây. Tôi không nghĩ cứ phải đọc Mác-Lê mới làm thơ hay được nhưng làm thơ theo đúng nghĩa là luôn phải mở mang. Và Mác-Lê là một trong những triết thuyết quan trọng cần cập nhật.
Một lần đọc lướt cuốn giáo trình, tôi chợt dừng lại và rất thích thú đoạn nhận thức thoạt nghe có vẻ vô lí về cặp phạm trù “cái riêng cái chung” (trong 6 cặp phạm trù) của Mác-Lênin, đại ý là:
===========
Cái chung là tập con của cái riêng. Trong cái riêng có cái chung bởi cái chung thì ai cũng có nên suy ra cái riêng nào cũng có. Còn cái riêng thì là cái riêng nên không phải cái chung nào cũng có.
===========
Sau mỗi đoạn trình bày về nội dung, ý nghĩa của các cặp phạm trù thì cuốn giáo trình ấy bao giờ cũng có một kết luận là chúng có liên hệ khăng khít mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau đồng thời phủ định lẫn nhau. Thế nên không thể tách rời chúng, cũng không thể coi thường cái nào hơn cái nào.
Tôi mê nhất triết học Mác-Lênin ở điểm ấy. Sự biện chứng không nguỵ biện trong nhận thức.
Tôi không hiểu sao khi ứng dụng triết học Mác-Lênin vào đời sống người ta lại hay tuyệt đối hoá mọi thứ, hoàn toàn trái ngược với tinh thần của triết thuyết này mà lại cho là mình nắm vững nó. Tôi cho rằng lối tư duy biện chứng mà Mác-Lê sử dụng rất sát với thực tế. Và nhận thấy những người dù không đọc hoặc không thích Mác-Lê mà tư duy luôn mở rộng cũng có ít nhiều điểm chung với phong cách tư duy ấy.
Hãy cùng suy ngẫm một chút về cái riêng cái chung. Cụ thể hơn là nhận thức tập thể và nhận thức cá nhân.
Nhận thức tập thể: Nhìn quả cam cùng nhận định: A, quả cam. Bật cười vì sự đồng thanh này kiểu như tư tưởng lớn gặp nhau. Nhưng lần nào thấy quả cam cũng hô lên: A, quả cam thì sẽ nhàm chán nhau khủng khiếp.
Nhận thức cá nhân: Nhìn quả cam, mỗi người nhận định một kiểu: Hình tròn, Màu vàng, trái đất phủ chất độc màu da cam, những vòng xoắn, thực phẩm nhiều vitamin, cái mà Trần Quốc Toản bóp nát…
Hệ thống tư tưởng của Mác-Lê phần lớn sinh ra trong thời loạn lạc. Các ông thực sự cần tìm con đường cho đấu tranh trước tiên. Nên để có một hệ thống lí luận về nghệ thuật, sáng tạo xác thực thì tôi không cho rằng họ đủ quá vĩ đại để thâu tóm được nốt. Cái điều này, người đời sau, suy nghĩ biện chứng theo Mác-Lê, có lẽ phải rõ hơn ai hết. Và phải tự lực hơn ai hết.
Trong sáng tạo nghệ thuật, nhận thức cá nhân đặc biệt quan trọng, nó làm nghệ thuật trở nên phong phú. Rất dễ hiểu, mọi người đều thể hiện nhận thức, cảm quan riêng của mình về thế giới rồi cùng chấp nhận (cái không phản nghệ thuật của) nhau thì mỗi người khi chiêm ngưỡng nghệ thuật sẽ được diện kiến những góc nhìn khác nhau của người khác mình về cái chung với mình: Thế giới. Tôn trọng nghệ thuật chính là tôn trọng cái riêng trong mỗi con người.
Nhưng không phải cứ cố làm ngược với người khác là thành nghệ thuật, nó đòi hỏi khả năng thiên phú và cả sự tự nhiên trong nhận thức. Người sáng tạo nhiều khi là thực thể sinh ra đã bị khác biệt chứ không phải tự khác biệt. Tôi không gọi đó là định mệnh (không phải vì tôi vô thần hay tôi bị/được ảnh hưởng của Mác-Lê), tôi gọi đó là xác suất ngẫu nhiên và có lí mà tạo hoá ban tặng cho sự tồn tại của loài người. Nhưng khi đã muốn thành người sáng tạo thực thụ thì người sáng tạo phải biết thấy thú vị vì mình đã được khác biệt, dù khi tri thức loài người còn thấp họ luôn vô thức hoặc có ý thức vùi dập cái mới hơn họ. Và từ cái khác biệt bẩm sinh ban đầu (dần dần cũng rất dễ bị hoà lẫn với cái tầm tầm khuôn đúc do tồn tại với tư cách thiểu số đâu phải dễ) người sáng tạo phải tự ý thức luôn khác biệt trong sáng tạo. Tôi nhấn mạnh, trong sáng tạo. Người sáng tạo tôi dùng ở đây với nghĩa chuyên nghiệp, tức là lao động chuyên môn và chuyên tâm trong (ít ra là) một công việc đòi hỏi xu hướng phát triển. Ngoài ra, bất cứ ai, trong đời chẳng ít nhất một lần sáng tạo: Một câu nói hay, một cách chế biến món ăn mới hay tìm được một con đường tắt đến trường…
Sáng tạo (đặc biệt là bằng ngôn ngữ) nói chung là một công việc cô độc. Nhưng bởi sáng tạo chân chính không đơn thuần là một trò chơi mà một công việc vất vả (mà bất cứ một tri thức tiến bộ nào cũng hiểu đó là điều quá đỗi hiển nhiên) nên người sáng tạo dù năng lực cao đến đâu cũng không thể sáng tạo 24/24. Đó là một sặp đặt có lí của tạo hoá, người sáng tạo không được/bị sống mình mình vĩnh viễn. Anh ta còn có khoảng ngưng sáng tạo để không nhàm chán chính nó và tạm trở thành một kẻ sáng tạo nghiệp dư trong mỗi hành vi sống với loài người. Rồi anh ta lại đơn độc tác chiến. Chiến mệt thì lại sà vào vòng tay con người. Cứ thế mà luân hồi.
Đấy, sáng tạo mà được như thế là hạnh phúc. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, lúc anh ta cần sà vào vòng tay tập thể thì nhiều tập thể lại chả đá văng anh ta ra như một chú cún ghẻ ấy chứ. Thôi, tôi đừng bênh tập thể vội, nhìn vào GDP của kẻ sáng tạo thực thụ là mọi điều cần chứng minh đã được chứng minh.
Cái nhận thức tập thể trong sinh hoạt của đời sống là rất cần thiết. Nó giúp người ta có thể hiểu ngôn ngữ thường ngày của nhau dễ dàng và ứng xử với nhau nhanh và nhiều hơn là cứ dò dẫm suy ngẫm để hiểu nhau. Không thể cứ cố làm dáng để cái gì cũng thành sáng tạo như “đưa cho tôi cái đũa” thì nói thành “give ngộ a đua ngã”. Cái đó làm cuộc sống trở nên rườm rà và mất thời gian. Chính tác phong tập thể sẽ giúp cá nhân bớt sa đà vào cái thói quen sáng tạo kiểu ấy. Mà đã thành thói quen thì khó có thể gọi lâu là sáng tạo.
Một cá nhân sáng tạo và có bản lĩnh là một cá nhân tư duy theo nhiều hướng, biết tự phê bình, bào chữa, trừng phạt cũng như tha thứ cho bản thân mình. Trong những cá nhân như thế, chứa đựng cả một tập thể biết đùm bọc nhau và cũng biết chỉ ra cái sai của nhau và cùng khắc phục để phát triển. Nhưng như một sinh vật, nó vẫn cần hơi ấm tha nhân.
Còn một tập thể a dua và lười suy nghĩ thực chất chỉ là một cá nhân. Bởi ngoài nó ra, nó chả biết và chả chấp nhận cái gì khác lạ. Khi ấy, nó thực chất là một cá nhân tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, cái mà nó cho là nó căm thù.
Một tập thể chỉ là tiến bộ khi nó là một tập thể biết dung dưỡng những cá nhân sáng tạo, trao đổi và cập nhật tư duy tiến bộ của những cá nhân như thế. Việc đó sẽ tạo nên những rung động sâu sắc. Cùng lúc sẽ giúp bóc tách những rêu phong nhàm chán không rung động trong quan hệ theo thói quen đều đều bị ngộ nhận là đạo đức.

 Tôi thường cố trình bày sự việc một cách khái quát, nghĩa là nói về cái chung qua cách nhìn của cái riêng-tôi. Và nếu tôi thành công, người đọc thường có thể bắt gặp mình trong ấy (bởi cái chung thì cái riêng nào cũng có mà). Thế nên khi tôi viết về một vấn đề không nhằm vào riêng ai cả thì có thể rất rất nhiều người cảm thấy mình đang được ám chỉ.
Cái “có tật giật mình” hay không có tật cũng giật mình này khi đọc các tác phẩm khác, đôi lúc tôi cũng bị. Ví dụ như có tác phẩm nào nói về những gã mơ mộng viển vông ảo tưởng mình là tài năng mà thực ra chỉ toàn viết những thứ nhạt nhẽo và bắt chước thì tôi cứ tưởng có ai đó đang vừa quan sát mình vừa viết vậy.
Còn chuyện cho là thiên tài thì cứ phải ngạo mạn ngông nghênh hơn người thì tôi cũng đồng ý. Nếu có một định nghĩa cho toàn cầu rằng “muốn mình không bị bắt nạt và không chối bỏ sự thật” là ngạo mạn ngông nghênh.
Có một câu chuyện có thực thế này: Một triết gia lớn (tôi thật dốt vì cứ phải nói nếu không nhầm thì là Socrates) đang nằm sưởi nắng trong một cái thùng gỗ thì vua đến, vua bảo: Nào, ngươi muốn ta ban tặng ngươi cái gì? Triết gia nói: Ta chỉ muốn người tránh ra cho ta sưởi nắng. Tôi thích sự nếu bị gọi là ngông ấy, bởi nó là một tinh thần kiêu hãnh và thẳng thắn cần có của con người biết tự trọng trước những kẻ cho mình quyền ban phát, bố thí chứ không muốn đứng sánh vai với con người. Mỗi con người đều cần một cái Tôi lớn, vì chỉ khi ý thức được cái Tôi, hắn ta mới không trở thành một kẻ nhỏ bé a dua theo kiểu tầm thường. Vì thế, cái Tôi không đồng nghĩa với ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình. Mà nó gần với nghĩa biết mình. Biết khả năng mình đến đâu để không trốn tránh cái mình làm được cũng như không tham làm cái mình không làm được. Nói thế cũng chỉ là chung chung, nói chung, vẫn phải ném mình vào thử thách mới biết mình làm được đến đâu. Nhưng đã ném mình đi nghĩa là không hối hận và không than vãn khi nhận ra mình không có cánh.
Thiên tài về môn ăn 10 đĩa spagetti trong 5 phút, thiên tài về ngủ nướng hay thiên tài về đấm bốc thì có đặc trưng là tinh tướng, chê người hay không tôi không rõ. Chứ thiên tài về cái khoản hắn ta cần phải hiểu con người thì tôi có thể dám chắc rằng khi hắn nhìn thấy tật xấu của người khác thì có nghĩa là hắn phải nhìn qua chính kinh nghiệm về tật xấu của mình. Thêm nữa, hắn còn phải dần chuyển cái nhìn con người là thủ phạm sang cái nhìn con người là nạn nhân. Nhưng không được thương hại mà còn phải cố tìm cách nâng họ lên và giúp họ tự nâng mình lên cho dù hắn luôn là nạn nân của họ và luôn được họ bố thí cho lòng thương hại như ân xá một thủ phạm.
Bác (QDN) viết : “Tôi sinh ra trong thời đại mà chế độ Phong Kiến ở Việt Nam đã bị tẩy chay và xoá sạch.”
Tôi nghĩ đấy mới là vấn đề phiền não của chúng ta.
Chỉ đơn cử một ví dụ có những chú bộ đội khi tiếp quản sân bay địch lại bắn vỡ hết bóng đèn cửa kính, những cái mà sau này, để đưa sân bay vào phục vụ nhân dân, lại phải trang bị lại. Các anh đâu biết mỗi cái bóng đèn, cửa kính… lại là hàng tạ hàng tấn thóc của bà con phải nộp thuế chứ ít gì gì. Mà lúc trang bị lại còn đầy nguy cơ khai khống, chia chác với nhau…
Vạn lí trường thành là một sản phẩm thuộc chế độ phong kiến của Trung Quốc, nếu người ta “xoá sạch” nó thì cũng có nghĩa là xoá sạch xương máu mồ hôi nước mắt của hàng trăm hàng chục ngàn lương dân vô tội đói khát bị bắt đi xây thành. Cuối cùng, nó là một di sản của sức lao động nhân dân người ta cần giữ lại để bán vé du lịch phát triển đất nước cho dân đời sau đỡ khổ hơn. Khỏi phải đập đi rồi mai sau bắt lương dân nai lưng xây dựng những cái vạn lí trường thành khác.
Tôi nghĩ, “chế độ Phong Kiến ở Việt Nam đã bị tẩy chay và xoá sạch” trong thâm tâm bác QDN ý là đã “xoá sạch” những cái xấu xa của nó. Và tôi nghĩ, chắc chắn tôi đồng tình rằng chế độ PK là một chế độ xấu cực nhiều, tốt cực ít. Nhưng không thể phủ địch sạch trơn nó. Nó có những giai đoạn nghiêm minh trong thi cử và pháp luật mà mãi mãi về sau phải học hỏi. Những tinh hoa phong kiến như ông đồ già “hoa tay thảo những nét-như phượng múa rồng bay” dần bị “qua đường không ai hay” há chẳng làm người ta nuối tiếc và thương cảm lắm sao.
Người ta chỉ có thể được gọi là biết cách phủ định một chế độ khi phủ định những hệ thống tư tưởng phản tiến bộ. Chứ phủ định sạch trơn những cơ sở vật chất của nó thì có thể lí luận cả cái giải đất hình chữ S này đã có một thời thuộc về chế độ phong kiến, chi bằng “xoá sạch” nó đi; Hitler là tên phát xít, mọi cái của hắn đều không được bắt chước, hắn thở, suy ra không được thở. Người ta chỉ có thể san bằng hoàn toàn một chế độ khi mà đủ tiền để xây một chế độ mới đẹp đẽ và văn minh hơn trên cái nền đất ấy. Còn chỉ phá không mà không biết sau khi phá có gì xây lên thì chỉ ôm nhau đói trong một hoang mạc khô cằn. Cho đến thời đại này, người ta vẫn cứ phá đã rồi tính chuyện xây sau như cái chuyện đào đường chẳng hạn, thì làm sao có thể nói những tàn dư ấu trĩ của chế độ phong kiến đã bị “xoá sạch”.
Tôi hoàn toàn không cho rằng những điều đang viết này là lạc đề trong thica. Cũng chả có gì dính líu đến chính trị như nội quy diễn đàn là cấm thảo luận về chính trị. Nếu đã chụp mũ thì cái gì mà chả là chính trị: Bán cái con gà thì cũng là sản phẩm mà nền chính trị cho phép bán sau dịch cúm. Còn nếu đã muốn đề cập đến mọi mặt của cuộc sống thì chả có gì là chính trị cả. Chỉ là đời sống xã hội.
Hơn nữa, tôi đã biết gì về chính trị đâu mà nói. Tôi cũng là một điển hình của tình trạng đáng báo động của xã hội mà những người nhức đầu về nó đều biết là: Thanh niên xa lánh chính trị và có người còn tự hào về điều đó. Trong khi chính phủ cần tuổi trẻ am hiểu về chính trị để khi thay ca, quản lí đất nước và ngoại giao ngày một tốt và có lợi hơn. Thêm nữa, hình như trong thanh niên và nhiều tuổi khác hay bị một cái ám ảnh: Nói chuyện chính trị; đụng đến những từ như chính phủ, cách mạng (dù cách mạng có cực kỳ nhiều nghĩa chứ không phải là đánh nhau hay lật đổ)… ở nơi công cộng là phạm huý, là dễ bị qui kết phản động.
Phản động nguyên nghĩa của nó là chống lại sự vận động và phát triển. Phản động là không tiến bộ, chỉ đơn giản là vậy. Thế mà dần dà nó bị hiểu thành một từ rất phản động khi người ta sẵn sàng ném vào mặt nhau để dễ bề thanh toán.
Đấy, tôi viết mấy chuyện này chắc có không ít người đọc cảm thấy lúng túng, khó xử hay trong đầu lởn vởn ý nghĩ thằng này phản động. Hay bao dung hơn thì là một câu hỏi lớn của người ở truồng ngồi chống cằm suy tư: Thằng này phản động hay không phải động? To bè hay nót to bè?
Câu này viết hơi rối rắm nên muốn hiểu thường phải đọc kỹ: Vì tôi biết có không ít những suy nghĩ như thế trùm bóng lên ít nhiều cái (một người nhút nhát nhu nhược như) mình viết nên dù biết ở những nước nhiều dân chủ, người ta có quyền thảo luận chuyện chính trị và có ý thức về quyền ấy một cách hết sức bình thường, dù tôi viết những cái chả liên quan gì đến chính trị thì lòng tôi vẫn thường bất an lo những người xung quanh đã không thích bị liên luỵ mà tôi cứ dây vào làm phiền họ.
Thấy chưa, chúng ta toàn tự kỷ ám thị, toàn sợ cái mà xã hội tiến bộ khuyến khích. Vì sợ nên thấy đọc những điều này cứ như đọc chiêu bài phản động vậy. Những ý nghĩ tự kỷ ám thị ấy thực ra mới là những ý nghĩ phản động. Nó làm người ta trở nên bẽn lẽn và lảng tránh sự thật cần đối diện.
Những cái nhận thức này những trí thức tiến bộ đều nhận thức được cả rồi. Có khi tôi nghĩ oan cho ai đó, chứ ở đây có khi mỗi trí thức lùi bộ như tôi là chưa nhận thức được rằng ai cũng biết rồi. Mà cứ nhai đi nhai lại những điệp khúc đáng ra trở thành nhận thức bình dân, nhận thức của số đông cả rồi.
Có một điểm có thể gọi là tiến bộ là thanh niên tuy xa lánh chính trị nhưng lại dần bớt tránh né thảo luận về tình dục. Tất nhiên là thường thảo luận với nhau chứ trước mặt người lớn toàn là con ngoan trò giỏi cả. Mà nói trước mặt người lớn làm gì nhỉ, người lớn thì biết cả rồi, nên mới có trẻ con chứ. (Nhưng tạo ra trẻ con thế này thì chắc là cách thức hơi có vấn đề). Hiểu biết về tình dục là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và nữ quyền. Tiếc là đáng ra phải được bàn một cách “dân số kế hoạch hoá gia đình” để sống an toàn và lành mạnh trong tình dục thì lại cứ nhè vào chuyên đề “vú to mông nở” (tên tiếng Việt của một tiểu thuyết tôi chưa đọc của Mạc Ngôn).
Sống và va chạm với những tiền giáo sư chuyên đề “vú to mông nở” như thế những người đầy nhiệt huyết sống và phơi phới yêu đời như anh chị em thica, vănhọc chúng ta đây đôi khi cũng thấy buồn và xa lạ. Mà buồn rằng cứ thế buồn thôi. Chả tìm nguồn gốc lôi thôi làm gì. Chúng ta gọi đó là định mệnh, là nghiệp chướng, là duyên nợ. Không gọi thế thì chúng ta gọi buồn là một trò chơi, một gia vị thi vị trong đời sống “La Nausée”. Chúng ta chấp nhận cái lạc loài mà đành đạo mạo làm các cụ trẻ. Chả biết người khác thế nào chứ dù là một cụ trẻ lạc loài với “các bạn trẻ” mà các ca sỹ thường mơi “các bạn ơi”, tôi lạc lõng nốt với cả các cụ già.
Bạn nào bảo tôi phê phán cả thế hệ trẻ lẫn thế hệ già là oan cho tôi đấy nhá. Tôi không thuộc thế hệ trẻ thì thuộc thế hệ gì, và nếu không chết yểu thì nếu sẽ không thuộc thế hệ già thì thuộc hế thệ gi?
Quan tâm đến tình dục, ăn chơi, mốt; hoặc chăm cây kiểng phù tang, rượu quí, sắm sửa vỗ béo gái tơ… cũng đáng, cũng là làm đẹp cho đời. Sống nghĩa lí gì nếu không có hưởng thụ. Có điều, một cuộc sống lành mạnh đòi hỏi cả quan tâm đến những vấn đề khác, đặc biệt là chính trị, lịch sử. Nghĩa là để có một đời sống gọi là tiến bộ, lành mạnh, người ta (hay ít ra là người được trang bị tri thức) phải duy trì được một tỷ lệ thích hợp trong việc quan tâm đến những vấn đề chính trị, văn hoá, xã hội, hưởng thụ…
Công thức cho các tỷ lệ này chưa hề được hình thành như một ý thức xã hội thông thường. Thế nên thực tại mới buồn cười như một bức ảnh thiếu nữ mặc quần áo, những chỗ cần hở để thở thì che kín hết, còn những chỗ kín lại khoét hở hết cả. Cô thiếu nữ ấy tên là Việt Nam. Mà cô thiếu nữ ấy lại còn e ấp, ai nói đến sự thật rành rành ấy lại bẽn lẽn “em sợ lang quân em biết được-nghi ngờ đến cái tiết trinh em” tát sưng cả mặt người ta. Nếu ngay những người làm thơ cho mình có tâm hồn yêu thương đời sống hơn người, muốn nó tốt đẹp mà còn cho là tôi phản động thì chắc tôi còn được Việt Nam quê hương tôi cho ăn tát nhiều nhiều.
Cái truyện Không Phải Tôi, nếu cưỡi bộ kiểm duyệt tự động ưu tú của ttvnol xem hoa nhài cắm bãi cứt trâu thì sẽ thấy thằng này mang tiếng làm thơ sao ngôn ngữ tởm thế. Nhưng nếu thử một lần làm một hiền tài biết chắc mình phải chết trong tay một độc tài ngu dốt thì cũng đáng làm hài nhi và cũng thấy cái khung cảnh ấy đáng dựng thành phim cho dân tình xem lắm chứ. Tên truyện đã bảo là Không Phải Tôi. Nhưng cũng chả phải “chúng tôi nói về chúng tôi”. Chả mấy ai thích dây dưa mà làm chúng tôi cả.
Nói chung, nỗi oan của thiên tài thì ngoài hắn ra chẳng ai giải được giùm. Chẳng ai trải qua cái lạc lõng và và lạ lẫm từng ngày để hiểu hắn hơn chính hắn. Hắn phải tự cứu mình nếu không muốn đợi ít nhất “ba trăm năm lẻ nữa” hoặc trở thành một kẻ chất chứa hận thù mà dùng cái tài làm ác. Lúc đó thì “tất cả chúng ta đều đáng thương” như cái kết đầy cảnh báo của “Cõi người rung chuông tận thế” rung mãi mà độc giả cứ thờ ơ.
Có thể việc hắn tự cứu mình lại làm hắn ngày càng lún thêm vào đầm lầy những nỗi oan. Dân tình càng khinh bỉ: Có phải thiên tài quái đâu mà ra vẻ ta đây cho mình quyền cứu thiên tài.
Phật có nói: “Oan không cần phải biện bạch vì biện bạch là nhân ngã chưa xả”. Tôi không thích câu này. Nhưng biết đâu mình chạy mãi mà không qua bàn tay ngôn ngữ của gã thì sao?
Nhưng trước khi nhận ra điều luẩn quẩn đó thì tôi cứ tự cứu mình để vượt thoát khỏi cái cảm giác vô nghĩa (mà tôi thấy không vì bản thân nó vô nghĩa mà chỉ bởi con người tự làm mình bất lực) cái đã.
Có lẽ, ngoài những hiểm hoạ nó gieo rắc, phần nào internet được sinh ra để làm chuyện ấy.
LGỌLG
 
Đôi khi, trước những người nói ngọng, tôi tự hỏi: Thế thì có gì là xấu xa không? Và nếu nói đó là điều không tốt thì có vi phạm tự do cá nhân không? Người ta thích phát âm thế nào thì tuỳ người ta chứ. Cho rằng không phát âm giống mình là phạm lỗi thì mấy ông Tàu bà Tây sang Việt Nam chịu nói tiếng Việt đều đáng bỏ tù cả rồi. Nói thế là nguỵ biện. Người Việt nếu không bị bệnh bẩm sinh về đường phát âm thì cần nói sõi tiếng Việt (1). Nó như một bước chân trong những bước chân trên con đường tiến tới một cấp độ văn hoá cao hơn vậy.
Đọc lại cái câu phía trên, tôi thấy mình buồn cười vì tự dưng một kẻ cẩu thả trong ngôn ngữ lại lọ mọ ra vẻ ta đây tâm huyết với mấy chuyện tiếng Việt bao nhiêu người quan tâm mà chả ra đâu vào đâu, và mình chả hứng thú gì này.
 
Tôi có một thằng em nói ngọng “hỏi” thành “họi”, “ngã” thành “ngá” và một ông bạn nói “lờ” thành “nờ”. Tôi ngờ rằng bộ máy phát âm của hai đối tượng thân mến này có vấn đề vì họ không bao giờ nói ngọng theo chiều ngược lại, nghĩa là “nặng” thành “hỏi”, “sắc” thành “ngã” hay “n” thành “l”. Thằng em tôi thì dường như chả để ý gì mấy đến chuyện này. Còn ông bạn thì bên cạnh việc đôi khi lấy cái “bệnh” của mình làm trò cười cho mọi người vui như bác Phạm Bằng cho phép dân “gặp nhau cuối tuần” khai thác đến xói cả cái đầu hói của mình, cũng khá là day dứt. Nên âm thầm luyện lưỡi, có tiến bộ nhưng vẫn “vấp đĩa”.
 
Cái kết quả ngọng một chiều này thì tôi nghĩ có hai nguyên nhân. Một là do cấu trúc bộ phát âm của họ bị lỗi bẩm sinh. Hai là hồi học nói, lưỡi, răng, môi và vòm họng của họ không được trải qua hoặc trải qua rất ít những trạng thái phát âm những từ có dấu “hỏi” và “ngã” (trong trường hợp của thằng em tôi) và âm “lờ” (trong trường hợp của ông bạn tôi). Nhưng người lớn không để ý uốn nắn. Đến khi lớn rồi, chữ nào chữ nấy vào guồng cả rồi, miệng cứng mất rồi; như là một người cơ xương đã phát triển ổn định chưa tập xếp bằng chân này xoắn lên chân kia bao giờ thì không tài nào làm được cái trò trẻ con làm dễ ợt đó. Nhưng mà chịu khó tập thì chân dẻo lại, vẫn xếp được. Nghĩa là nguyên nhân ngọng thứ hai này là do miệng không được cập nhật cách phát âm, khổ luyện như một ông ngậm sỏi tập trước biển khơi là “qua khỏi”. Còn nguyên nhân thứ nhất nếu cơ chế phát âm trục trặc nặng, chắc phẫu thuật mới “cứu” được.
 
Tôi cho rằng những người rơi vào nguyên nhân thứ nhất, tức là có khả năng nói ngọng “bẩm sinh”, “trời phú”, rất ít. Nguyên nhân thứ hai nhiều khi do “tập quán”. Cả làng nói ngọng, cả phố nói ngọng thì cũng vô thức bắt chước mà ngọng theo. Người rơi vào hai trường hợp kể trên rõ ràng chỉ là “nạn nhân” vô tội của tạo hoá và môi trường.
 
Buồn nhất chính là ngọng hai chiều: Phát âm được mọi từ nhưng không xác định được từ lào là từ lào để phát âm đúng.
 
Cái này là do không nắm vững cách dùng từ (ở một cấp độ đơn giản, chứ phải nói ngay là mấy ai mà nắm vững được cách dùng từ) tiếng Việt (:-P thế nên đoạn vừa rồi có rào trước đón sau đến mấy, nếu đã không thích thì phá “firewall” quá đơn, chú Trần Mạnh Hảo nhờ :-).
 
Người Việt mắc triệu chứng ngọng hai chiều này khá nhiều, kể cả những đồng chí cán bộ phát biểu trên tivi. Đã chiếu trên tivi rồi thì yên tâm mà kể.
 
Trước những người nói ngọng, tôi thấy mình chẳng có quyền trách móc hay khinh thường gì, tôi chỉ cảm thấy việc cải thiện tình trạng nói ngọng cũng là góp phần phát triển văn hoá. Và văn hoá phát triển cũng góp phần không nhỏ làm xã hội tiến bộ hơn. Nên dù không thể coi nói ngọng là một tội (với đất nước) nhưng là một lỗi cần khắc phục. Trước tiên là cho chính mình. Bởi vì, người nói ngọng, đặc biệt khi làm việc trong xã hội bon chen của Việt Nam, giữa những người không nói ngọng, hơn ai hết cảm thấy việc nói ngọng cũng là một thứ ngăn trở sự thăng tiến của mình.
 
(Thực ra, cách phát âm chỉ là qui ước của tập thể, còn việc phát âm kiểu gì là tự do cá nhân. Nhưng cá nhân vốn chẳng mấy ai thoát được việc sinh hoạt trong môi trường tập thể. Hơn nữa, cái qui ước này có thể coi là một trong những qui ước đồng bộ để đỡ lộn xộn và tốt cho con người mà tập thể đặt ra được. Nhưng việc kỳ thị, chứ không phải góp ý giúp sửa chữa, của tập thể trước những kẻ chưa theo được qui ước là một tính rất xấu của nó. Bởi vì, dù kỳ thị có một phần là động lực kích thích được tạo ra một cách vô thức giúp cá nhân nỗ lực thì phần còn lại là mầm mống hận thù và làm người ta suy sụp nhiều hơn. Động lực kích thích thường giúp con người phát triển lành mạnh hơn khi nó được tạo ra một cách có ý thức và có trí tuệ).
 
Như vậy, nhiều khi người ta muốn khắc phục việc nói ngọng không vì ý thức cần trở thành người văn hoá văn minh mà chỉ để không bị thua kém, lạc lõng, hắt hủi. Sự nỗ lực khắc phục này tình cờ đóng góp giá trị cho một nền văn hoá. Nhưng chắc chắn nó sẽ không bằng sự đóng góp có ý thức khi người ta thấy mình cần tự sửa để đẹp hơn. Còn sửa chỉ vì áp lực của môi trường thì người ta sẽ có một cảm giác đối phó với tập thể dù đúng dù sai và chính những cảm giác này góp phần đẩy lùi nền văn hoá một đoạn dài hơn đoạn cá nhân đó đẩy nó tiến nhờ việc sửa nói ngọng.
 
Sở dĩ tôi là người không (hoặc ít) nói ngọng nhưng tôi vẫn mơ hồ cảm thấy cái bị kỳ thị của người nói ngọng khi vào một môi trường bon chen là vì như vầy...
 
Tôi còn nhớ những kỷ niệm vui vui khi thằng em tôi bị cả nhà cười và tự cười khi nói “mẹ ơi cho con tiền mua vợ”, rồi cả khi bị dụ nói “thèm nhỏ dãi”. Hoặc ông bạn tôi mỗi lần lên bảng thuyết trình tiếng Anh thường “vấp đĩa” và lúng túng ở câu đầu “hênô êvờri bôđi”. Hay một mẩu tiếu lâm: Ông quan về thăm dân nghèo phát biểu “các đồng chí đói là chúng tôi rất no, chúng tôi no là no khi các đồng chí đói”...
Đó chỉ là những chuyện tếu thân mật. Gia đình, bạn bè cùng lớp với nhau lúc nào cũng thông cảm và còn lấy làm thú vị nữa. Nhưng thằng em tôi thì có lẽ chưa biết chứ chắc ông bạn tôi luôn hiểu dòng đời xô bồ ganh đua không có lắm kẻ vị tha.
...
Nói có vẻ nghiêm trọng vậy chứ nhiều khi lói ngọng dễ trở thành mốt. Một phần có lẽ là do xu thế thanh niên bắt chước những tiểu phẩm hài có những nhân vật nói ngọng bao giờ cũng nổi bật hẳn lên và gây được nhiều thích thú cho khán giả. Hơn thế, con người nhiều khi muốn nổi loạn. Và ngôn ngữ là một trong những nơi nổi loạn mà không bị “ăn đòn” (trừ các nhà văn, nhà thơ). Vậy nên, không chỉ có nhiều dấu hiệu nói ngọng cho vui trong đời sống sinh hoạt thường ngày, trên các diễn đàn liên mạng, tình hình (người viết chưa đủ đào sâu suy nghĩ để gọi là tình trạng) viết ngọng dần trở thành một xu thế phổ thông.
 
Con người là lạ vậy đấy, nói ngọng một cách ngây thơ hồn nhiên thì bị mỉa mai còn nói ngọng, viết ngọng có chủ ý (mà cũng chả nghệ thuật gì) lại cảm thấy mình đang sáng tạo, đang rất Riêng, rất cá tính. Không, có những người trung thực sẽ bảo tôi: Ngươi chỉ giỏi vu khống, ta cố tình nói ngọng viết ngọng thế chả để chứng tỏ gì cả, ta chỉ a dua để không bị nạc nõng, nạc hậu với xu thế thời đại interlet lói ngọng viết ngọng, thế thôi.
Thật tình thì tôi cũng đôi lúc chơi trò lói ngọng để đổi gió. Hiềm nỗi, cái gì cũng thế, nhiều quá hoá độc. Nên đâm ra dần dà bị loạn, trong đời sống thường ngày, tự dưng nói ngọng nhiều lên. Viết xong bài này đọc lên cũng thấy ngọng. Chẳng biết người khác thấy thế nào chứ tôi nhiều lúc cảm thấy mình lại đánh mất thêm một miếng mình trong khi chưa tìm được miếng hay hơn.
 
Vậy ra dụng ý tôi gửi gắm trong bài viết này là gì nhỉ?.
Chú thích:
(1): Cá nhân tôi đến giờ chỉ cho rằng nói ngọng hỏi nặng ngã sắc lờ nờ hay bị mất phụ âm đầu (ví dụ: ất ụ âm ầu, ứt ẹ ưỡi ồi, cái này hình như do lưỡi ngắn hoặc bị cắt) hoặc vài kiểu nữa (nếu có nhưng không nhớ ra hoặc không biết và nếu biết thì sẽ đồng ý) là nói ngọng. Còn miền Nam, miền Trung hay các khu vực ở miền Bắc phát âm khác so với Hà Nội có thể do nguồn nước hay gì gì đó (gì gì đó ở đây không ám hề chỉ chuyện chính trị). Cái “thiên vị” trong chuyện ngọng và không ngọng này hay lấy tiếng Hà Nội làm tiếng “chuẩn” càng giúp chúng ta thấy rõ ngôn ngữ chỉ là một qui ước. Tuy vậy, để được tiếp tục sử dụng ngôn ngữ, tôi vẫn đành theo quy ước này cho đến khi mình hoặc ai đó bác bỏ được nó và tìm ra một quy ước ưu việt hơn cũng như đủ sức thuyết phục hơn. Cái tương đối này khiến tôi không tài nào coi nói ngọng là một tội. Nhưng tôi coi đó là một lỗi trước khi nó được chứng minh không phải lỗi. Bởi vì, nói ngọng thì dễ thôi, luyện để không nói ngọng mới khó, mà con người muốn mạnh thì phải ít nhiều trải qua cũng như giải quyết được đôi ba cái khó. Nói không ngọng biết đâu là một bài tập nhẹ đầu đời. Tôi cũng mong ít nhiều quan niệm của mình trong bài viết này sớm trở nên cổ hủ và lạc hậu.
8/3/2004
Nguyễn Thế Hoàng Linh
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...