Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Nói là nói vậy, nhưng màXXXX

Nói là nói vậy, nhưng mà…

Bài “Quản lý xã hội không ngoại lệ cho nghề văn” của Việt Thành in trong tạp chí Nhật Lệ số 152, 11-2007, trao đổi lại với bài “Phùng Quán trong tôi” in ở tạp chí này, số 150, tháng 9-2007 (bài viết này của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật trước đó đã công bố trên talawas, và tôi đã chọn vào tập sách Phùng Quán còn đây, NXB Văn Nghệ, 10-2007) có liên quan đến tôi và tôi thấy nhiều điều thú vị để ngẫm nghĩ về thời cuộc, nên viết bài này. Xin miên man đôi điều, không có ý tranh luận, vì chẳng có gì để tranh luận ở đây cả, mà chỉ để rút ra cái sự ứng xử cho riêng mình giữa cõi đời đen bạc này...
1. Tôi phục lăn ông Việt Thành, vì cho đến thời buổi đổi mới, hội nhập này mà ông vẫn “giữ vững lập trường” như cách đây 50 năm khi vụ Nhân văn-Giai phẩm xảy ra. Trong lúc nhiều quan chức chính trị, chính quyền cấp cao cấp thấp vì ăn cắp, tham nhũng mà vương vào tù tội; nhiều quan chức khác thì đục nước béo cò, chỉ nghĩ đến túi riêng nhiều hơn việc nước, thế mà còn có một cán bộ về hưu tuổi đã quá thất thập, lương ba cọc ba đồng lại “lập trường kiên định” như thế thật quý hoá biết bao. Rồi ông Việt Thành kể vanh vách về Phùng Quán viết Vượt Côn Đảo như thế nào, về tiến triển của vụ Nhân văn-Giai phẩm như thế nào, rất chỉnh chu quan điểm. Điều đó chứng tỏ ông Việt Thành rất quan tâm đến vấn đề xã hội, luôn lo lắng đến vấn đề đấu tranh tư tưởng để bảo vệ chế độ. Thật đáng đồng tiền bát gạo. Thật không phụ công nuôi dưỡng, trui rèn của của mái trường xã hội chủ nghĩa!
Nhưng nói chung là bài viết của ông Việt Thành không đặt ra vấn đề gì mới và lớn về tư tưởng cũng như học thuật cả, tất cả chỉ lặp lại lập luận cách đây 50 năm. Ông chỉ “thay mặt chế độ” để trao đổi nhẹ nhàng với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật qua những chi tiết cụ thể trong bài viết của nhà thơ. Ông đích thực là một chiến sĩ tốt, một người lính gác cửa đầy trách nhiệm của Đảng.
2. Ông Việt Thành trách Hoàng Vũ Thuật sao chuyện qua lâu rồi sao lại còn khơi lại. Quả thực đối với nhân dân, lịch sử không có việc gì trôi đi cả. Nó vẫn tồn tại hằng ngày với chúng ta, trong lòng 84 triệu người Việt Nam, cả cái được và chưa được, với những bài học hạnh phúc và đau đớn của nó. Chín năm chống Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ, cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm; kháng chiến chống Mỹ, Xuân Mậu Thân, chiến thắng lịch sử Xuân 75, cải tạo công thương nghiệp miền Nam, chuyện hàng triệu người Việt miền Nam vượt biên, chuyên người Hoa, chuyện vào WTO v.v… vẫn còn nóng hổi lòng người. Cho nên Hoàng Vũ Thuật viết hồi ức về Phùng Quán không phải là “khơi lại” vấn đề, mà là nhớ lại, viết lại để cùng nhau ngẫm nghĩ về cách ứng xử với trí thức văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới, để mong sao tạo ra sự đồng lòng, đồng sức xây dựng đất nước phồn vinh.
Ông Việt Thành cho việc Hoàng Vũ Thuật nhắc lại chuyện “bị kiểm điểm vì Phùng Quán” là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Vâng, cây muốn lặng, cây muôn yên, nhưng gió không bao giờ ngừng thổi. Gió là nhân dân. Nhân dân vẫn nhớ như in từng việc dù rất nhỏ của lịch sử. Nhân dân vẫn nhớ như in từng ông quan tham, từng ông quan gian ác đã bị lộ và chưa bị lộ. Nhân dân vẫn quặn thắt bởi những nỗi đau tinh thần và thể xác trong từng việc một. Nhà văn Tô Hoài vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang lớn Ba người khác, kể chuyện ba ông đội cải cách, hét ra lửa, muốn giết ai thì quy là địa chủ cho đủ 5% rồi đem ra xử bắn, nhưng bản thân mình thì bẩn thỉu từ tâm hồn đến thân xác. Nhà văn Tô Hoài không phải là “khơi lại”, mà viết lại, kể lại. Vì ngọn gió nhân dân không bao giờ ngừng thổi, nó sẽ thổi bật tất cả những ung nhọt xã hội, thổi bay bọn sâu bọ, kém cỏi, cực đoan, ăn cắp, bọn coi nhân dân như cỏ rác…, để làm cho cái cây ngày càng vững bền hơn.
Đọc cái tít bài viết “Quản lý xã hội không ngoại lệ cho nghề văn” của ông tôi cứ run run. Như thế nào là quản lý xã hội? Một thời ở miền Bắc, chúng ta đã không “quản lý xã hội” theo luật, mà quản lý theo mệnh lệnh cấp trên, nên mới sinh ra bao nhiêu sự trên đời. Không chỉ viết văn mà ai nói một câu “biểu tượng hai mặt”, hay nghe đài “địch” như BBC… đều bị cho là theo địch, đều nguy hiểm đến sinh mệnh. Chỉ vì một bài thơ viết tay phản ảnh sự thật địa phương thôi, không đăng ở đâu cả, một nông dân ở Nam Đàn đã phải ngồi tù ba năm và mất trắng tất cả ruộng đất. Đó là thông tin trên báo. Thậm chí chỉ cần một lời tố cáo vu khống thôi, không cần kiểm chứng, người bị tố cáo cũng dễ dàng bị bắt tù một gông. Tiểu thuyết Mở hầm của Nguyễn Dậu, Mùa hoa dẻ của Văn Linh, hay bài hát “Tình ca người thuỷ thủ” của Hoàng Vân phố thơ Hà Nhật v.v…, hay là thế cũng bị xếp vào tội “xét lại”, làm cho các tác giả một thời điêu đứng, mà không có một văn bản quyết định nào cả. Vì sợ thun dái nên ai cũng răm rắp, hoặc giả vờ răm rắp nghe theo sự “quản lý” đó. Tôi sợ sự “quản lý” như ông Việt Thành nói lắm. Một thời ấu trĩ, cực đoan do hoàn cảnh lịch sử ấy đã qua rồi, không thể lặp lại và mong đừng bao giờ lặp lại vì oan dân lắm, khổ dân lắm!
3. Câu chuyện của Phùng Quán sẽ vẫn còn được viết kỹ hơn trong nhiều thập niên nữa, chứ không phải chỉ “khơi lại” vấn đề thôi đâu ông Việt Thành ạ. Vì Phùng Quán là một trong những nhân vật đặc biệt của lịch sử văn học nước ta thế kỷ XX. Nhân cách, tài năng và cuộc đời ông cần được nghiên cứu, phân tích, bàn luận để tạo dựng một môi trường sáng tạo nghệ thuật tốt hơn cho các thế hệ văn nghệ sĩ tương lai. Đất nước đổi mới, hội nhập rồi, chúng ta quyết không để kiểu quản lý xã hội cực đoan một thời làm thui chột những tài năng. Hãy đọc kỹ lại hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, hai bài thơ bị “kết tội chống chế độ” ấy, một bài in ở báo Giai phẩm mùa Thu (1956) và một bài in ở báo Văn (1957), bằng cảm thức NGƯỜI, ta sẽ thấy nhà thơ vô cùng tâm huyết với cách mạng, với Tổ quốc. Nhà thơ không có lỗi, nhà thơ yêu nước, yêu cách mạng đến tột cùng. Lỗi là ở sự suy diễn, chụp mũ. Thế mà nhà thơ của chúng ta phải chịu 15 năm đi lao động cải tạo, 30 năm treo bút! Đau lắm. Vô lý lắm. Điều rất ngạc nhiên là ông Việt Thành nhớ rất rõ hành trình Phùng Quán thế mà lại không hề suy nghĩ đặt lại vấn đề tại sao Phùng Quán lại dính Nhân văn-Giai phẩm, nên mới hạ một câu: “Phục tài Phùng Quán chưa được bao lâu thì tôi cảm thấy bị hẫng khi nghe tin Phùng Quán tham gia vào nhóm Nhân văn-Giai phẩm”. Chỉ cần đọc hai bài thơ nói trên Phùng Quán là hiểu ra ngay vấn đề… Thơ là cái tâm, nhân tâm, không thể quy chụp vô căn cứ được!
Thế đấy! Tất cả đó là “cách quản lý xã hội” theo kiểu mệnh lệnh cần gột bỏ. Những chuyện như thế phải viết để mọi người biết, phải viết để xã hội hiểu đúng hơn, cởi mở hơn, dân chủ hơn, để mà sống với nhau cho ra con người hơn! Đó cũng chính là xây dựng đất nước, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Tôi đã cùng chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Phùng Quán, làm ba cuốn sách: Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ 2002), Ba phút sự thật (NXB Văn nghệ 2007), Phùng quán còn đây (NXB Văn nghệ 2007). Mục tiêu làm sách của chúng tôi là để khẳng định tài năng và nhân cách Phùng Quán. Trong cuốn Phùng Quán còn đây có in bài viết của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật mà ông Việt Thành đã viết bài trao đổi trên Nhật Lệ. Ở Đồng Hới hiện có năm tác giả có sách này, nếu ông Việt Thành mà tìm đọc chắc ông phải viết đến 100 bài phản đối giống như bài ông đã cho đã in trên tạp chí Nhật Lệ phản đối Hoàng Vũ Thuật.
4. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là người bộc trực. Tất cả các nhà văn nhà thơ chân chính đều đa cảm và bộc trực như thế. Từ năm 1988 sau khi phục hồi Hội tịch năm 1991, về mặt nhà nước thì Phùng Quán là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đương nhiên có quyền đi sáng tác bất cứ nơi đâu trên đất nước mình, mà không cần phải xin phép ai, chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân để đăng ký tạm trú là được (dù về hưu hay không về hưu). Nếu ở địa phương nào có các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ thì càng tạo điều kiện tốt hơn cho nhà văn đi sáng tác. Tháng 4-1991, Phùng Quán về Quảng Bình, vùng đất thép kiên cường anh đã từng một lần về trong bom đạn chiến tranh để có những bài thơ “Giấc mơ ở Ngư Thuỷ”, “Cỏ rười”, “Viết tặng thi hữu Vĩnh Tôn nhân bạn đổi tên là Hải Bằng”…: Cây cỏ rười chỉ mọc trên cát mặn / Nhà ngư dân cỏ lợp thay tranh / Bếp ngư dân cỏ cho lửa ấm / Khói cỏ rười mấy dặm biển còn thơm… (“Cỏ rười”). Nghĩa là Quảng Bình đã từng là vùng đất đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong thơ Phùng Quán. Vì thế mà khi đến Quảng Bình, Phùng Quán được anh em nhà thơ nhà văn đón tiếp nồng nhiệt. Hoàng Vũ Thuật lúc đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ, đã liên hệ các nơi, bố trí xe cơ quan chở Phùng Quán đi đọc thơ chỗ này chỗ khác trong tỉnh, vì thơ Phùng Quán nghe xong ai cũng bừng bừng khí thế cách mạng. Được nghe Phùng Quán đọc thơ là một vinh hạnh trong đời. Hoàng Vũ Thuật muốn thơ thấm đẫm tình cách mạng Phùng Quán đến nhiều hơn với người dân Quảng Bình hiếu học…
Điều không ngờ xảy ra sau đó là Hoàng Vũ Thuật được mời lên gặp lãnh đạo tỉnh uỷ, bắt phải viết kiểm điểm về việc dẫn Phùng Quán đi đọc thơ chỗ này chỗ khác, mà “không báo cáo xin ý kiến cấp trên”. Như thế là vô tổ chức ký luật. Ơ hay, đưa một nhà thơ cách mạng đi đọc thơ xưng tụng cách mạng cho nhân dân nghe mà phải báo cáo xin ý kiến cấp trên ư? Nghĩa là Phùng Quán không phải là người được tự do như Hoàng Vũ Thuật tưởng, tôi tưởng, anh tưởng, nhân dân tưởng, mà ông đi đâu cũng được bí mật theo dõi. Nhưng lại không ai thông báo lệnh “theo dõi Phùng Quán” cho mọi người, cũng như cho ông Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Bình Hoàng Vũ Thuật cả, biết làm sao bây giờ? Ông Việt Thành trong bài viết của mình đã chất vấn Hoàng Vũ Thuật rằng “làm sao Hoàng Vũ Thuật biết (có người theo dõi - NM) hay là có tật giật mình”. Dịch nghĩa câu viết của ông Việt Thành là: Vì Hoàng Vũ Thuật là người liên quan, liên đới với tên Nhân văn-Giai phẩm Phùng Quán, nên tâm trạng lúc nào cũgn sợ! Nói là nói vậy, nhưng mà việc gọi lên gặp ông phó bí thư để làm kiểm điểm sau đó đã nói lộ hết chuyện theo dõi Phùng Quán rồi còn gì nữa? Bây giờ Hoàng Vũ Thuật nhớ lại vẫn ấm ức. Ấm ức vì Phùng Quán “phản động” thế, nguy hiểm” thế, đi đâu cũng phải theo dõi, báo cáo cấp trên, trong lúc mình đường đường là một Chủ tịch Hội, một trưởng đầu ngành của tỉnh mà không hề hay biết, không được ai thông báo cho! Ấm ức quá đi chứ. May mới có một Phùng Quán, chứ có mươi Phùng Quán về Quảng Bình, chắc ông Chủ tịch Hội Văn nghệ ngu ngơ phải vào tù rũ xác!
5. Ông Việt Thành rất nhiệt thành bảo vệ việc ứng xử của công an đối với Phùng Quán trong thời gian nhà thơ ở Quảng Bình. Nói là nói vậy, nhưng mà nếu năm 1991 đó, mà ở Quảng Bình, có thông báo trong nội bộ lãnh đạo các ngành rằng với những người này… người này… (như Phùng Quán) đến địa bàn tỉnh, ai dắt đi đâu, làm gì phải lên kế hoạch, được duyệt mới thực hiện, thì đã không có bài của Hoàng Vũ Thuật nhớ lại sau này, khi tôi giục anh viết vài hồi ức về Phùng Quán ở Quảng Bình cho cuốn Phùng Quán còn đây. Có thể bài viết của anh làm cho người này người khác không vui lòng, hoặc bực tức, nhưng đó là sự thật. Đã là sự thật thì bây giờ không kể, trăm năm sau sẽ có người kể lại, viết lại. Cơ chế quản lý xã hội nào cũng vậy, minh bạch, công khai sáng rõ là văn minh; bí mật, nửa kín nửa hở là môi trường cho cái xấu, cái tiêu cực sinh sôi nảy nở, đó là tà đạo. Nghề văn là nghề “kiến trúc thượng tầng”. Văn nghệ sĩ là những người không ăn theo nói leo. Tất cả tư tưởng sáng tạo vì nhân dân, Tổ quốc, vì sự công bằng xã hội đều ở trong đầu nhà văn, muốn “quản”, muốn bắt nhà văn nghĩ khác đi cũng không thể “quản” được. bắt được. Trong thời Internet phát triển đến từng gia đình như hiện nay càng không thể có “bức tường lửa” nào quản được thông tin nhân loại! Ở một xã hội văn minh, phải quản theo luật. Đảng cầm quyền muốn “quản” trí thức văn nghệ sĩ thì tư tưởng của Đảng phải cuốn hút, dân chủ, thực tế hoạt động của Đảng phải công khai minh bạch và trong sạch, lành mạnh, luật lệ phải nghiêm minh, thực thi phải nghiêm túc; như thế mới hấp dẫn người viết, để cuốn hút họ đi theo. Xã hội thị trường là xã hội phân cực, mỗi người có thể đóng một lúc nhiều vai khác nhau, khó lường…
Sau cùng xin đính chính đôi chỗ ông Việt Thành viết chưa chính xác về Phùng Quán. Anh Phùng Quán về công tác ở Vụ Văn hoá Quần chúng sau 15 năm đi “cải tạo lao động” kể từ vụ Nhân văn, tức 1956, chứ không phải sau chiến tranh chống Mỹ thắng lợi. Tác phẩm mang tên Đào Phương in tập 1 là Buổi đầu thử thách chứ không phải Bắt đầu thử thách, chính do nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, lúc đó là biên tập viên NXB Thuận Hoá đã bí mật đề xuất in và biên tập để giúp đỡ anh Phùng Quán có chút nhuận bút. Năm 2007, Phùng Quán được Giải thưởng Nhà nước với bộ ba tác phẩm Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội và Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (Trường ca về liệt sĩ Võ Thị Sáu ) chứ không phải chỉ với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo.
Huế, 10-11-2007
Nguồn: Bài đã in trên tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) số tháng 12-2007 có cắt bớt một số đoạn, từ ngữ. Bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.

*
Phụ lục
Việt Thành
Quản lý xã hội không ngoại lệ cho nhà văn
Một ngày đầu tháng, tôi đến Hội Văn nghệ nhận cuốn tạp chí Nhật Lệ số 150 tháng 9-2007. Theo thói quen tôi đọc lướt đầu đề các bài đăng trong tạp chí tìm bài nào hợp với mình thì đọc trước. Tìm đến trang 44 thấy đăng bài “Phùng Quán trong tôi” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, tôi xem lướt các cái tiểu mục, đến tiểu mục 5, mang tiêu đề “Kiểm điểm vì Phùng Quán”, một cái tít khá “nóng” buộc tôi phải đọc đến dòng cuối tại sân Hội rồi về cơ quan mới đọc lại toàn bài. Tôi cảm thấy khó hiểu tại sao anh Hoàng Vũ Thuật lại khơi lại vấn đề này để làm gì, khi mà độc giả ngày nay không còn mấy người thấu hiểu vụ Nhân văn-Giai phẩm đã trôi qua nửa thế kỷ. Vậy là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, đã nói đi thì phải nói lại cho phân minh.
Nói về Phùng Quán tôi có may mắn trong số ít người đầu tiên ở tỉnh ta được đọc cuốn Vượt Côn Đảo của Phùng Quán (viết xong tháng 11-1954) do NXB Quân đội Nhân dân in đầu năm 1955 phát về mỗi đại đội chỉ được 1 cuốn. Thời điểm ấy chưa có hiệu sách nhân dân để phát hành rộng rãi. Lần đầu tiên được đọc cuốn truyện dày khá hay kể về những người cộng sản, những chiến sĩ quân đội bị giặc bắt đày ải ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo quá sức tưởng tượng của lớp trẻ chúng tôi thời ấy. Truyện kể càng hấp dẫn tôi càng phục tài Phùng Quán chỉ nghe những người tù từ Côn Đảo được trao trả tù binh tập kết về Sầm Sơn sau Hiệp định Genève kể lại mà viết thành cuốn truyện rất hay trong một thời gian rất ngắn. Phục tài Phùng Quán chưa được bao lâu thì tôi cảm thấy bị hụt hẫng khi nghe tin Phùng Quán tham gia vào nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Tôi dành số phụ cấp ít ỏi mua báo Văn nghệ, sách Người người lớp lớp viết về Điện Biên Phủ, Sắp cưới nói về cải cách ruộng đất và theo dõi sát cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Những ai sống trong thời điểm ấy đều lo lắng bởi miền Bắc vừa mới được giải phóng bắt đầu khôi phục kinh tế thì vấp phải sai lầm cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức gây xáo trộn vùng nông thôn. Trong lúc Đảng, Chính phủ tập trung lực lượng lớn cán bộ dân chính, cán bộ quân đội tích cực sữa chữa sai lầm CCRĐ; kết hợp vận động khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế thì Tết 1956, NXB Minh Đức phát hành Giai phẩm mùa Xuân đăng nhiều bài của văn nghệ sĩ (xin không nêu tên) miêu tả đời sống miền Bắc u ám, không tương lai, đi đâu cũng “không thấy phố / không thấy nhà / chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, rồi đem “bục công an đặt giữa trái tim người”. Tháng 8-1956 tiếp tục xuất bản Giai phẩm mùa Thu, rồi Giai phẩm mùa Đông. Từ tranh luận về văn học nghệ thuật chuyển dần sang lĩnh vực chính trị. Một số tác giả định nghĩa: “Văn nghệ là gì, nếu không phải là phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại” (?). “Văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền” (!?). Từ viết bài tranh luận đăng rải rác trên các báo, ngày 20-9-1956, họ cho ra mắt báo Nhân văn đăng nhiều bài đã kích chế độ muốn tạo ra sức ép lớn hơn đối với Nhà nước ta. Trong lúc công tác sửa sai CCRĐ đạt kết quả tốt, từng bước ổn định tình hình xã hội ở nông thôn thì mùa mưa 1956 lại xảy ra vỡ đê Mai Lâm làm ngập nước sâu cả một vùng rộng lớn. Chính phủ phải huy động hàng sư đoàn bộ đội cấp tốc hành quân đến cứu dân, cứu tài sản giúp dân phục hồi sản xuất. Tưởng thời cơ đã đến, báo Nhân văn số 6 đăng bài đòi tự do biểu tình, đòi công an phải bảo vệ người biểu tình “ao ước có sự thay đổi lớn”... Tư tưởng phản nghịch đã lộ rõ, buộc công nhân nhà in Xuân Thu đấu tranh không chịu in số báo này. Công nhân nhà in Sông Lô cũng từ chối in tạp chí Giai phẩm. Trước tình hình đó, ngày 15-12-1956, Uỷ ban Hành chính Hà Nội ra thông báo cấm lưu hành báo Nhân văn. Những quan điểm sai trái chống lại đường lối văn nghệ của Đảng còn dai dẳng mãi đến sau Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ 2 (2-1957), có nhà văn còn cay cú làm bài thơ “Vịnh con rùa Văn Miếu” trong đó có câu “Giật mình trước mắt nền dân chủ / Hất cái bia đi kẻo trái mùa” (?). Vậy là tác giả đó phủ nhận luôn biểu tượng thiêng liêng nền văn hiến của dân tộc ta. Kiêu ngạo đến thế thì thôi.
Những đoạn văn, câu thơ trích trên đây đã đưa vào giáo trình giảng dạy lịch sử văn học trong trường đại học những năm 60 thế kỷ trước. Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 6-1-1958 đã kết luận: “Rõ ràng những phần tử chống lại chủ nghĩa xã hội, chống Đảng đã nhân chỗ sơ hở của ta mà tiếp tục tiến công ta về mặt tư tưởng dưới hình thức văn nghệ. Sự hoạt động của những phần tử phá hoại trong giới văn nghệ là một hiện tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách cần giải quyết...”. Sự thật được khẳng định như vậy, không ai có thể nói khác được.
Trở lại chuyện Phùng Quán. Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, Phùng Quán ra khỏi quân đội đi lao động ở nhiều công trường. Sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, Phùng Quán về công tác ở Vụ Văn hoá Quần chúng Bộ Văn hoá, nghỉ hưu năm 1985. Năm 1988 được phục hồi hội viên Hội Nhà văn (kết nạp hội viên năm 1956). Tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội bắt đầu viết từ năm 1968 mãi đến năm 1986 mới hoàn thành. Năm 1983, NXB Thuận Hoá in tập 1 mang tên Bắt đầu thử thách, ký bút danh Đào Phương. Năm 1988 xuất bản lần thứ 2 đổi tên sách là Tuổi thơ dữ dội và lấy lại tên thật Phùng Quán. Tác phẩm này được tặng giải A Hội Nhà văn. Phùng Quán từ trần ngày 22-1-1995. Năm 2007, tiểu thuyết Vượt Côn Đảo được tặng Giải thưởng Nhà nước.
Như vậy Nhà nước ta công bằng, có công thì thưởng, sai phạm thì bị phạt, không thiên vị ai. Điều đáng tiếc là Hoàng Vũ Thuật quá đề cao giá trị tác phẩm qua cấp độ giải thưởng mà chưa chú ý đến bối cảnh làm bà đỡ cho sự ra đời của tác phẩm. Vượt Côn Đảo được viết trong không khí vô cùng hứng khởi của những ngày đầu tiên giành được hoà bình sau 9 năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, gió độc Nhân văn-Giai phẩm chưa hình thành. Tuổi thơ dữ dội ra đời 30 năm sau vụ Nhân văn-Giai phẩm mà ảnh hưởng của nó đã phai tàn, bản thân tác giả cũng đã rút ra những bài học cần thiết trong cuộc sống (nghĩa là Phùng Quán đã được giải độc Nhân văn-Giai phẩm trở về với đội ngũ nhà văn chân chính) để sáng tạo ra tác phẩm văn học đạt chất lượng cao về nội dung và giá trị nghệ thuật. Thế mà Hoàng Vũ Thuật viết “Tôi định cầm mấy bộ sách tuyển tập thơ, tiểu thuyết... của Phùng Quán đến nhà ông Phó Bí thư (Tỉnh uỷ) chỉ nói với ông một câu: ‘Ông thấy không, cái bằng chứng này cao hơn cả’...” (?). Cao hơn cái gì, cao hơn ai? Ai đặt ra tiêu chuẩn “siêu cao” này. Sỡ dĩ Hoàng Vũ Thuật ấm ức viết như vậy là nguyên do hồi tháng 11-1991, Phùng Quán đến chơi thăm Hội Văn nghệ tỉnh ta, Hoàng Vũ Thuật đã đưa Phùng Quán đi nói chuyện văn thơ nhiều nơi mà không lên chương trình kế hoạch cụ thể báo cáo với cấp quản lý, thậm chí Bí thư Đảng của Hội Văn nghệ cũng không biết. Đã không tự thấy khuyết điểm về ý thức tổ chức của mình, Hoàng Vũ Thuật lại viết theo lối suy diễn:“Tất cả những cuộc đi đâu về đâu đều có người theo dõi.” (Làm sao Hoàng Vũ Thuật biết, hay có tật giật mình) “Chúng tôi đi là họ đến.” (Họ là công an hay người dân cảnh giác với người lạ?). “Họ cấm không được tổ chức gặp gỡ, đọc thơ hay nói chuyện gì nữa.” (Ai ra lệnh cấm, có văn bản không?). Về chuyện Phùng Quán đến ở nhà Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật viết: “Ông (Phùng Quán) và Hải Kỳ vừa ra khỏi nhà, lập tức công an vào hỏi. Minh Văn con trai Hải Kỳ đang học cấp 2 khôn khéo đem giấu cái bị cói của Phùng Quán ra sau bàn thờ”. Công an địa bàn đến kiểm tra người lạ là đúng quy định của pháp luật về đăng ký khách tạm trú. Hoàng Vũ Thuật khen Minh Văn khôn khéo hóa ra là hại Minh Văn vì nếu không gian dối thì việc gì phải đem giấu cái bị cói của Phùng Quán ra sau bàn thờ.
Hoàng Vũ Thuật mạnh tay viết: “Tôi là một nhà văn được Thường vụ giao trọng trách quản lý Hội Văn nghệ...” cho nên Hoàng Vũ Thuật mới lọt vào diện cán bộ thuộc Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý. Khi thấy Hòang Vũ Thuật đưa Phùng Quán, một nhà văn nghỉ hưu, đi nói chuyện một số nơi không đúng nguyên tắc tổ chức và quản lý Nhà nước nên đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã mời Hoàng Vũ Thuật lên làm việc và yêu cầu Hòang Vũ Thuật viết bản kiểm điểm về trách nhiệm và ý thức tổ chức đối với sự việc đưa Phùng Quán đi nói chuyện vừa qua (không hề đả động gì đến cá nhân Phùng Quán) là đúng quyền hạn, chức năng của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trong công tác quản lý cán bộ đã được phân cấp. Vấn đề này thuộc về công việc nội bộ Đảng thế mà Hoàng Vũ Thuật lại đưa công khai trên mặt báo với thái độ ấm ức, thách thức: “Ông định làm gì nữa đây?” (!) với lời lẽ kém nhã nhặn, lộ ra sự non yếu về ý thức tổ chức của một cán bộ lãnh đạo. Điều nguy hiểm là qua bài báo của Hoàng Vũ Thuật đã gieo vào lòng người đọc về sự lãnh đạo của Đảng vẫn đầy kỳ thị nghi ngờ văn nghệ sĩ. Cần phải nhấn mạnh về lĩnh vực quản lý xã hội nghề văn cũng bình đẳng như mọi ngành nghề khác, không có ngoại lệ.
3/1/2008
Ngô Minh
Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ Quảng Bình 
số 11-2007
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...