Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Tản mạn về phim truyện lịch sửXXX

Tản mạn về phim truyện lịch sử...

1. Hiện nay điện ảnh trong đó có phim truyện Việt Nam đang thoi thóp trước cơ chế thị trường, nạn trộm cắp bản quyền và thị hiếu thời mở cửa, nên không lạ gì mà việc các phim truyện lịch sử Trung Quốc tràn ngập trên các kênh truyền hình lại tạo ra sự xúc động của dư luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra mời gọi nhiều câu trả lời cả từ phía giới điện ảnh lẫn khán giả, nhưng tựu trung vấn đề nổi bật được nhiều người quan tâm nhất có lẽ là "Vì sao Việt Nam không có những phim truyện lịch sử hấp dẫn như Trung Quốc?". Câu hỏi này tự nó mang một vấn đề về cả nhận thức lẫn tâm lý mà nếu không giải quyết triệt để thì một ngày đẹp trời nào đó khi điện ảnh trong đó có phim truyện lịch sử Việt Nam đột nhiên khởi sắc, khán giả Việt Nam có thể thấy Tô Hiến Thành trong Tô Hiến Thành xử án hiện ra như một bản photocopy mang màu Đại Việt của nhân vật Bao Thanh Thiên...
2. Có sự khác biệt về tâm lý dân tộc trong thị hiếu khán giả. Khán giả Trung Quốc có thể ưa thích những phim Tam quốc diễn nghĩa, Bao Thanh Thiên... vì đề tài lịch sử dân tộc, nhưng khán giả Việt Nam ưa thích chúng không phải vì lịch sử Trung Quốc mà vì những câu chuyện và truyền thuyết lịch sử ấy qua tay những người làm phim Trung Quốc hiện nay đã mang những ý nghĩa xã hội khác, hiện đại hơn. Cái kết quả hiện đại ấy là kết tinh những tư liệu lịch sử Trung Quốc và sự lý giải chúng bằng tư duy nghệ thuật của giới điện ảnh Trung Quốc, trong đó có những người đã chứng kiến Cách mạng văn hóa và từ đó suy tư về lịch sử và số phận con người...
            Tài năng có phần do thiên phú và có phần do tao ngộ, những tao ngộ của giới điện ảnh Việt Nam tự chúng đã thừa phong phú và sâu sắc, cần gì phải vin vào kinh nghiệm xã hội và nghệ thuật của giới điện ảnh Trung Quốc để làm các phim truyện lịch sử Việt Nam?          
3. Người ta tìm hiểu lịch sử bằng hai cách tư duy, tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật. Truyện Tam quốc diễn nghĩa chép Quan Vũ tự ý tha chết cho Tào Tháo ở đường Hoa Dung vì nghĩa, nhưng phim Tam quốc diễn nghĩa đưa ra một cách hiểu logic hơn : Gia Cát Lượng không muốn giết Tào Tháo, vì có để lực lượng của Tào Tháo tồn tại thì mới có cái cản trở không cho Tôn Quyền thừa thắng đánh chiếm luôn Trung nguyên sau trận Xích Bích, cục diện tam phân thiên hạ mới có thể định hình và bá nghiệp của Lưu Bị mới có thể thành công... Ở đây sự khác biệt về tư duy khoa học đưa tới sự khác biệt về tư duy và hiệu quả nghệ thuật. Song đoạn Quan Vũ tha Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa vẫn không biến Quan Vũ thành một nhân vật chính trị thực dụng gây ra một phản cảm nơi người xem.
            Việc sáng tạo trong tiểu thuyết - kịch bản hay phim truyện lịch sử đòi hỏi một bản lĩnh bên cạnh một tri thức: nếu không có một sự hiểu biết thấu đáo về lịch sử và văn hóa dân tộc thì sẽ có hiện tượng như việc một nhân vật lịch sử thời Lê Trịnh mang dép râu đi nghễu nghện giữa cung đình.
           
4.
Nhu cầu hiểu biết lịch sử của con người có tính chất phổ biến và vĩnh cửu, và nếu thừa nhận ở đâu có nhu cầu thì ở đó có thị trường, thì trong lãnh vực điện ảnh thị trường ấy ở Việt Nam đang bị hàng ngoại chiếm lĩnh. Nhưng người Việt Nam đến Tết ăn bánh mì với fromage hay cơm chiên Dương Châu cũng không chết, có điều ai lại không thèm không nhớ bánh chưng bánh tét, thịt mỡ dưa hành... ? Chính nhờ tập trung vào tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu nhận thức và tâm lý mang tính dân tộc ấy của nhân dân họ nên giới điện ảnh Trung Quốc mới xây dựng được những phim hấp dẫn như Tam quốc diễn nghĩa, Bao Thanh Thiên hay rộng ra có thể kể thêm những phim như Hồng lâu mộng, chứ nếu họ trăn trở với các “chuẩn mực quốc tế” của những phim Chiến tranh và hòa bình, Nữ hoàng Cléopatre hay Ba chàng ngự lâm pháo thủ thì điện ảnh Trung Quốc hiện nay chắc cũng không hơn gì điện ảnh Việt Nam...
 
5.
Có những người Việt Nam không kế thừa được truyền thống văn hóa Việt Nam, song chắc không có người Việt Nam nào không rung cảm với lịch sử dân tộc. Các phim truyện lịch sử Việt Nam chẳng hạn về thời Nam Bắc triều, Trịnh Nguyễn phân tranh hay về Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, thậm chí cả Lê Chiêu Thống, Gia Long... nếu được thực hiện một cách chu đáo và có hiểu biết chắc chắn sẽ góp phần không ít vào việc nâng cao nhận thức lịch sử và tự hào văn hóa của khán giả Việt Nam, kể cả những người đang định cư ở nước ngoài.
            Vậy thì vì sao lại "Vì sao Việt Nam không có những phim truyện lịch sử hấp dẫn như Trung Quốc ?". Có thể đặt ra nhiều câu hỏi về phim truyện tình báo, hình sự, tâm lý xã hội... với những chữ "như" tương tự để không phải làm gì cả. Cho nên vấn đề là ở chỗ "hấp dẫn" chứ không phải là ở chỗ "như ai"...
 
Tháng 8. 1997
 
Cao Tự Thanh
 
 
Chúng ta chưa hiểu biết một cách có hệ thống...
(Việc dịch và giới thiệu văn học Trung Quốc hiện nay
dưới con mắt nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh)
 
Vương Trí Nhàn (thực hiện)
 
Một hai năm nay, bạn đọc Việt Nam kể cả các nhà văn các nhà nghiên cứu tỏ ra rất thú vị với việc phát hiện ra những Phế đô của Giả Bình Ao, Phong nhũ phì đồn, Đàn hương hình của Mạc Ngôn... Anh có cho đó là những tinh hoa của văn học Trung Quốc hiện nay ? Và theo anh việc dịch và giới thiệu những cuốn sách đó có thể có ích như thế nào với giới văn học trong nước ?
Cao Tự Thanh (CTT ): Về các tác giả Trung Quốc hiện đại thì tôi đọc chưa nhiều, những tôi cảm thấy sở dĩ những người như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn nổi bật lên dường như không phải nhờ họ phản ảnh thành công cuộc sống ở một Trung Quốc mới mà chủ yếu vì có những chiêm nghiệm, suy tư mới về số phận con người. Điều này cũng dễ hiểu, vì nếu chúng ta có quá khứ 1975 – 1985 thì họ cũng có quá khứ Đại cách mạng văn hóa. Có thể họ là những tác giả có tài, song tôi nghĩ chính người Trung Quốc hiện nay cũng chưa coi tác phẩm của họ là tinh hoa của văn học Trung Quốc, vì ngay văn hóa Trung Quốc hiện nay cũng vẫn đang trong giai đoạn quá độ “nền cũ đã đổ mà nhà mới chưa thành”, chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cho sự nảy sinh những tài năng kiệt xuất. Việc dịch và giới thiệu tác phẩm của họ vì thế dĩ nhiên vẫn có ích, nhưng cho người sáng tác, người nghiên cứu nhiều hơn là cho người đọc Việt Nam.
 
Anh giải thích sao về việc màn ảnh nhỏ của mình tràn ngập phim Trung Quốc và mặc dù nhiều người đã lên tiếng kêu ca nhưng mọi chuyện vẫn cứ đi theo những vệt mòn cũ. Trong sự tiếp nhận văn hóa tại sao lại có cái sự không thể cưỡng lại nổi kỳ cục như thế ?
CTT : Hiện tượng phim Trung Quốc nói riêng và phim nước ngoài nói chung chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ của chúng ta là kết quả của ít nhất ba lý do. Thứ nhất, phim Việt Nam chưa đáp ứng được khán giả về số lượng, chất lượng và thời gian, tóm lại ngành điện ảnh truyền hình của chúng ta chưa được hàng hóa hóa – hiểu theo nghĩa lành mạnh của từ này. Thứ hai, việc nhập phim của chúng ta lại đang có xu hướng thương mại hóa, điều này tất yếu dẫn tới việc nhập nhiều bộ phim tầm tầm và na ná như nhau, tóm lại là hàng chợ chứ không phải hàng hiệu... Thứ ba, dường như các nhà quản lý của chúng ta đang bị động, không có một định hướng rõ ràng trong việc nhập phim nước ngoài, nên gần như cứ khoán trắng cho các đơn vị kinh doanh, nhập phim gì cũng xong, miễn không có vấn đề chính trị, không khiêu dâm không bạo lực là được, thậm chí tư tưởng càng vô hại, nội dung càng tầm thường có khi họ lại càng yên tâm. Hệ thống phim nhập vì thế giống một thứ thuốc ngủ điện ảnh chứ không phải là thuốc bổ nghệ thuật, càng không phải là thuốc tăng lực văn hóa đối với khán giả Việt Nam. Cho nên cái kết quả có vẻ kỳ cục kia không có gì là kỳ cục, cái kỳ cục là tại sao điện ảnh của chúng ta vẫn chưa được hàng hóa hóa, tại sao việc nhập phim của chúng ta cứ bị thương mại hóa và tại sao hệ thống quản lý việc nhập phim của chúng ta lại bị vô hiệu hóa theo kiểu ấy mà thôi.
 
Nhiều người  cảm thấy mặc dù dịch và giới thiệu khá nhiều song chúng ta vẫn bỏ qua những thứ thực sự là tinh hoa của văn hóa Trung Quốc. Nếu cũng đồng ý với ý kiến đó, anh thường giải thích ra sao ? Có phải đây là căn bệnh cố hữu của văn hóa Việt Nam nghĩa là từ thời xưa các cụ đã vậy mà sang đến thế kỷ XX, nhiều bậc tiền bối của chúng ta cũng không thoát khỏi tình trạng như vậy ?
CTT: Tôi không đặt vấn đề như vậy. Những cái gọi là tinh hoa trong văn hóa Trung Quốc chưa chắc đã thật sự là tinh hoa đối với văn hóa Việt Nam, cũng như ngược lại, một giá trị bình thường trong văn hóa Trung Quốc trong những hoàn cảnh nào đó vẫn có thể có giá trị cao đối với người Việt Nam. Quá trình tiếp nhận hay kế thừa văn hóa luôn đi liền với sự chuyển dịch nội dung hay cơ cấu, tương quan của các giá trị, nên vấn đề ở đây thật ra là tiêu chuẩn về tinh hoa và tiêu chuẩn về sự tiếp nhận hay kế thừa tinh hoa. Khi chúng ta chưa có hệ thống chuẩn mực chính thống đúng đắn, phù hợp và đủ khả năng chế định trong việc tiếp nhận văn hóa ngoại sinh, trong việc kế thừa văn hóa truyền thống để phục vụ sự phát triển của văn hóa Việt Nam đương đại thì khoan hãy định giá tinh hoa hay chê bai người trước. Đã đành rằng ông cha chúng ta có những hạn chế về tri thức, về điều kiện nữa, nhưng nếu họ ngu dốt, hèn nhát hay vô trách nhiệm thì văn hóa Việt Nam đã bị Hán hóa lâu rồi.                 
 
Bệnh mê đồ Tàu còn lan sang cả khu vực ngôn ngữ. Chữ Hán thường bị hiểu sai, trong khi đó nhiều người dân thường cũng mê cách nói của Trung Quốc, sẵn sàng đặt cho cửa hàng mình những cái tên như Cầy tơ quán,  Cây trúc quán, cho rằng như thế mới sang. Xin anh ít lời  bình luận về chuyện này
CTT: Có hai cơ chế lệch lạc trong sự phát triển văn hóa ở những xã hội, những giai đoạn có nhiều biến động như xã hội Việt Nam hiện nay, một là vọng ngoại, hai là phục cổ. Hiện tượng sính chữ Hán trong các ví dụ trên là bằng chứng ngôn ngữ về sự lệch lạc theo hướng phục cổ, vì chúng chỉ giới hạn trong khu vực danh từ. Cầy tơ quán là một sự phục cổ nửa vời của giới bình dân, vì hai chữ Cầy tơ vẫn tuân thủ ngữ pháp Việt. Nói chung sự phục cổ nào cũng chỉ có thể nửa vời, nhưng ở trường hợp này thì cái từ pháp tân cổ giao duyên trang trọng một cách hài hước kia chỉ là một cách quảng cáo, giống hệt các nhà Về nguồn học cả quốc doanh lẫn tư nhân vẫn lấy việc về nguồn để quảng cáo vậy. Có điều ở đây ông chủ quán vui tính ấy chỉ tác nghiệp trong phạm vi nguồn cầy thôi, không làm ô nhiễm môi trường văn hóa - ngôn ngữ như nhiều học giả lẽ ra phải khả kính khác.
 
Nhận xét của anh về chất lượng các bản dịch Hán Việt và Hoa Việt hiện nay. Tại sao là con dân  của một đất nước đã có hàng ngàn năm tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa mà nhiều khi người ta vẫn dịch tồi như vậy ?
CTT: Tôi không dám lớn lối nhận xét thiên hạ. Bản thân tôi cũng có dịch, cả Hán văn lẫn Hoa văn ra tiếng Việt, và cũng không ít chỗ dở đâu. Song kinh nghiệm của tôi là phải tiếp cận nguyên bản từ bốn góc độ khác nhau : tiếp cận văn bản học (đặc biệt với chữ Hán và văn bản viết tay) để đề phòng sự sai sót của nguyên bản, tiếp cận ngôn ngữ học để nắm vững nội dung và nghệ thuật của nguyên bản, tiếp cận văn hóa học để xử lý sự chênh lệch giữa ngôn ngữ đối dịch với ngôn ngữ trong nguyên bản, và sau cùng là tiếp cận phong cách học (đặc biệt với tác phẩm văn học) để giữ gìn tối đa cái biệt sắc cá nhân của tác giả trong nguyên bản. Những bản dịch bị gọi là “tồi tệ” thường là vì người dịch không giỏi tiếng Việt đủ mức cần thiết đã đành, chứ sự sai sót trong các bản dịch không bị gọi là “tồi tệ” còn nằm ở bốn khâu trên, chẳng qua nhiều người đọc bình thường ít để ý thôi. Ngoài ra theo tôi một người dịch có năng lực và trách nhiệm thì phải dịch đúng và đủ chứ không được thêm thắt bớt xén, tóm tắt bình phẩm như các nhà “biên dịch” vẫn làm. Nếu muốn phát ngôn thì cứ viết riêng ra trong Lời người dịch, nếu không tán thành thì cứ chú thích chứ không được cắt xén nguyên văn. Sau cùng, cũng cần nhắc tới một số vị biên tập ở các Nhà xuất bản, chữ nghĩa không rõ có mấy bồ nhưng cứ cầm tới bản thảo là phải chọc bút vào một hai nhát, thậm chí không có nguyên bản trong tay hay không biết chữ Tàu cũng dám biên tập bản dịch sách chữ Tàu. Quy trình dịch thuật và xuất bản không có chuẩn mực nào như thế mà không có nhiều bản dịch “tồi tệ” thì mới là chuyện lạ đấy.
 
Triển vọng của việc nghiên cứu và dịch văn học Trung Quốc trong mươi năm tới, theo anh. Chẳng nhẽ chúng ta cứ làm ăn làng nhàng  mãi thế này hay sao ?
CTT: Tôi làm việc dịch vì phần đời chứ không làm nghề dịch vì phần đạo, nên ít để ý tới triển vọng của cái công việc bạc bẽo này. Có điều từ góc độ của một người đọc sách thì tôi cảm thấy chúng ta chưa biết về văn học và nói rộng ra là văn hóa Trung Quốc một cách có hệ thống. Điều này có nguyên nhân lịch sử, vì từ thời Pháp thuộc đến nay giới trí thức Việt Nam vẫn bị hút về phương Tây mạnh hơn. Chẳng hạn ngoài vài tác giả như Tào Tuyết Cần, Bồ Tùng Linh, Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, chúng ta không biết gì nhiều về văn học Trung Quốc từ thời Thanh đến thời Dân quốc (trước 1949). Sự liên tục và hoàn chỉnh của thực thể đã bị phản ảnh một cách đứt gãy, sứt mẻ ngay từ khâu kiến thức, thì làm sao chúng ta có được nhận thức và ý thức đủ để tổng kết, lý giải và dự báo về nó, làm sao việc nghiên cứu và dịch thuật văn học Trung Quốc của chúng ta có triển vọng thật sự được. Nếu trong mươi năm tới các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và văn học Trung Quốc lưu ý hàn gắn được những nét đứt gãy loại này, thì tình hình sẽ khác. Chứ như hiện nay thì tôi không muốn dùng từ làng nhàng, mà muốn dùng từ lăng nhăng để hình dung việc nghiên cứu và dịch thuật văn học Trung Quốc ở Việt Nam.
 
Tháng 1. 2003
 
 
Thị trường sách dịch Trung Quốc sẽ bão hòa
Hoàng Hoài Sơn (thực hiện)
 
Hiện nay văn học Trung Quốc chiếm đến 50% tổng số sách mảng văn học dịch. Thậm chí Nhà xuất bản Hội Nhà văn có trên 30 tựa sách của Quỳnh Dao, chiếm 2/3 số sách dịch trong kế hoạïch xuất bản. Điều này được coi như hiện tượng bùng nổ của sách dịch Trung Quốc, nếu không nói theo cách của một cơ quan quản lý là “hiện tượng tràn lan sách văn học dịch Trung Quốc”. Nhưng vì sao lại có hiện tượng này? Và liệu sách dịch Trung Quốc có tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới hay không? Nhà nghiên cứu – dịch giả Cao Tự Thanh có cuộc trao đổi với Thể thao và Văn hóa.
 
* Thưa, ông giải thích thế nào về sự bùng nổ của văn học Trung Quốc hiện nay  tại nước ta?
Thứ nhất, có một thực tế là trước nay văn học Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng hơn văn học các nước khác. Do sự gần gũi về truyền thống văn hóa trong quá khứ ảnh hưởng tới tâm lý, thị hiếu nên dù muốn hay không, người đọc Việt Nam bao giờ cũng dễ hiểu văn học Trung Quốc hơn.
Thứ hai, văn học Trung Quốc hiện đại nếu đứng về mặt ngôn ngữ mà nói thì có những câu người Việt Nam đọc là hiểu ngay, nên người dịch không phải gia công nhiều lắm. Trong khi đó dịch tác phẩm văn học của các nước khác thì nhiều khi chúng ta không nắm bắt kịp ngôn ngữ hiện đại của họ, nên khó dịch cho đúng và hay.
Thứ ba, theo tôi lý do chủ yếu là hoàn cảnh kinh tế - xã hội giữa hai nước có rất nhiều điểm tương đồng cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Trung Quốc lại mở cửa trước chúng ta, bởi sự tương đồng nói trên nên có sự tương đồng nhất định về một số quá trình xã hội. Văn học của họ phản ánh các quá trình ấy thì tự nhiên người Việt Nam cũng dễ nắm bắt, cảm nhận được. Tóm lại ở đây có một sự cộng hưởng của ba yếu tố văn hóa, ngôn ngữ và tâm lý. 
 
* Nhưng dù sao vẫn có ý kiến cho rằng đã có sự lệch và mất cân đối trong mảng văn học dịch hiện nay?
Do các nguyên nhân nêu trên, văn học Trung Quốc được dịch nhiều là chuyện giống như tất nhiên nếu không nói là tất yếu. Còn nếu cho rằng đã có sự lệch lạc về số lượng đầu sách trong việc dịch văn học Trung Quốc thì tôi cho rằng không phải 50% là văn học Trung Quốc đã dịch bị lệch, mà 50% không phải là văn học Trung Quốc đã dịch mới bị lệch.
 
* Xin phép mở rộng vấn đề: Phần lớn các nhà văn hiện đại Trung Quốc như Mạc Ngôn, Dư Hoa, Giả Bình Ao đều tập trung khai thác đề tài nông thôn. Và không ít các nhà văn Việt Nam cũng đi sâu vào đề tài này, nhưng vì sao các tác phẩm Việt Nam như vậy lại không ăn khách như các tác phẩm cùng thể tài của Trung Quốc ?
Nói thật tôi không đọc các tác phẩm văn học về nông thôn của nhà văn Việt Nam và Trung Quốc đủ để có thể phát ngôn. Song tôi nghĩ tuy cùng viết về nông thôn, nhưng tác phẩm của Giả Bình Ao, Mạc Ngôn... sở dĩ nổi bật không phải vì họ phản ảnh thành công cuộc sống mới của người nông dân Trung Quốc mà vì họ có những suy tư mới về số phận con người. Trung Quốc có quá khứ cách mạng văn hóa, Việt Nam có quá khứ 1945 – 1975 và quá khứ 1975 -1985. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có những lý do chủ quan mà nhà văn Trung Quốc hiểu được nhân dân của họ hơn nhà văn Việt Nam hiểu được nhân dân của mình. Hơn thế nữa, họ còn ý thức được rằng nhân dân  - nông dân của họ cần gì. Chính vì thế mà tác phẩm của họ có sức thu hút.
 
* Không chỉ văn học hiện đại, mà ngay cả Quỳnh Dao, hay loại truyện thâm cung bí sử hiện cũng được một bộ phận độc giả yêu thích...
Khi một bộ phận độc giả thích cái này mà không thích cái kia, thì có nghĩa là thị hiếu của độc giả đang phân hóa. Nhưng phân hóa là biểu hiện của phát triển hay thoái bộ thì còn phải bàn. Tôi nghĩ những tác phẩm loại thâm cung bí sử không thu hút được phần đông trí thức lâu đâu, chúng chỉ khơi gợi được sự hiếu kỳ của độc giả trong một thời gian nào đó thôi. Còn tác phẩm của Quỳnh Dao đã được dịch rất nhiều ở Sài Gòn từ  trước 1975, nó là “tiếng lòng” của một bộ phận tiểu thị dân. Các tác phẩm này được một loại thị dân mới hình thành trong thời mở cửa của Việt Nam ưa thích, có lẽ vì họ không có cái để đọc, nên phải đọc những cái đã cũ.
 
* Ông có cho rằng, các nhà văn Trung Quốc đã nói được những điều mà nhà văn Việt Nam chưa nói được? Và như vậy sách dịch Trung Quốc sẽ tiếp tục ăn khách?
Đã từ lâu, những giá trị của Trung Quốc không phải là những giá trị dẫn đường cho Việt Nam. Việt Nam có quá khứ của mình, nên các nhà văn Việt Nam phải nhận thức và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân mình. Tôi tin rằng nếu các nhà văn đương đại chưa làm được thì nhà văn các thế hệ sau sẽ làm được điều đó, và chắc chắn họ sẽ làm một cách độc lập. Có thể thấy các nhà văn Trung Quốc đã đi trước, vì họ mở cửa trước chúng ta. Năm 1974 họ có Hiến pháp mới, nhưng phải sau 20 năm chúng ta mới thấy Giả Bình Ao. Chúng ta mở cửa năm 1986 thì phải đến 2006 mới biết chúng ta có chậm hay không chứ? Nhận thức và tài năng phải có thời gian mới đạt tới độ chín cần thiết. Còn nếu cứ phát triển theo hướng sách võ hiệp, tiểu thuyết Quỳnh Dao, truyện thâm cung bí sử... thì thị trường sách dịch Trung Quốc sẽ mau chóng bão hòa. Có điều nếu cứ để sự bão hòa ấy diễn ra một cách tự nhiên thì ở đây sẽ diễn ra một sự phát triển - phân hóa mới, chẳng hạn luật cung cầu sẽ thúc đẩy sự hình thành một đội ngũ dịch giả sách Trung Quốc chuyên nghiệp, “ăn khách” hơn và có thể có lợi cho người đọc Việt Nam hơn. 
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Tháng 4/2003
Cao Tự Thanh
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...