Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

XXXXThư ngỏ gửi Phùng Xuân Bính và Huy Thắng

Thư ngỏ gửi 
Phùng Xuân Bính và Huy Thắng

Thưa hai anh Phùng Xuân Bính và Huy Thắng,
Sau đợt ra tham dự Hội chợ sách Quốc tế Vân Hồ (Hà Nội) ra mắt 2 tập sách mới của nhà thơ Phùng Quán Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào và cuốn sách bạn bè viết về Phùng Quán Phùng Quán còn đây, tôi đi lang thang rượu thơ với bạn bè vùng châu thổ Sông Hồng 10 ngày, không biết gì về tin tức báo chí. Về Huế đọc mới thấy trên số báo Văn nghệ số 43, ra ngày 27-10-2007, có in bài viết “Đôi điều cần nói rõ thêm về nhà thơ Phùng Quán” của Phùng Xuân Bính và Huy Thắng. Mở đầu bài viết, hai tác giả cho rằng:
“Trong mấy năm qua có nhiều sách báo nói về cuộc đời và văn thơ của nhà thơ Phùng Quán. Trong một số bài viết, chúng tôi nhận thấy có những chi tiết không đúng, thậm chí cường điệu. Đặc biệt gần đây tác giả Ngô Minh viết một bài báo dài đăng trên Tiền phong Cuối tuần “Chuyện tình ‘Trăng Hoàng Cung’ và nỗi niềm Phùng Quán. Tác giả đã hơn một lần nói đến một quãng đời của Phùng Quán với những cụm từ:
30 năm bị khổ đau
30 năm bị ném ra vỉa hè
30 năm bị dìm xuống bùn nhơ lăng nhục…
Chắc chắn tác giả Ngô Minh có những tư liệu chính xác nào đó cho nên đã hạ những câu chữ hết sức nặng nề về thân phận thi sĩ họ Phùng như vậy?”
Sau khi nghi ngờ tính chân thực trong những nhận định của tôi trong bài viết trên báo Tiền phong nói trên, hai tác giả cho rằng, họ đã làm việc và sống hết sức gần gũi với Phùng Quán trong hơn 20 năm liền ở Vụ Văn hoá Quần chúng, Bộ Văn hoá (cho đến khi anh Quán về hưu 1985), nên họ thấy viết về Phùng Quán như vậy là không đúng, vì thực tế không ai làm gì nhà thơ Phùng Quán cả! Bài viết của hai tác giả xin tóm tắt như sau: Ở cơ quan Bộ Văn hoá, nhà thơ Phùng Quán đã sống và làm việc hết sức bình thường như tất cả mọi người, mọi chế độ tem phiếu hoàn toàn giống như người khác. Phùng Quán được mọi người yêu mến, gần gũi. Phùng Quán thường xuyên đi về các địa phương, đi tận Nghệ An, Quảng Bình. Các bạn bè văn nghệ Hà Nội như Lê Huy Quang, Tạ Vũ, Trúc Cương, Nguyễn Quang Thân… vẫn đến phòng ông làm việc để trò chuyện rất thoải mái. Việc lên Thái Nguyên tăng gia 3 năm là do anh Quán khúc mắc chuyện riêng tư nên tình nguyện xin đi, cùng với một cán bộ tên là Hoan. Quãng thời gian này Phùng Quán viết đều, mượn tên một cán bộ trong cơ quan là Phương Văn… Ông không bao giờ nói năng bất mãn, xỏ xiên, bóng gió… Chỉ có một lần đi thực tế, đọc thơ ở Cát Hải, Hải Phòng, khi nói về bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu, Phùng Quán cho rằng, trong bài thơ phải đổi câu “Hồ Chí Minh muôn năm” lên trước câu “Đả đảo Nguyễn Khánh” mới hợp truyền thống người Việt Nam. Sau đó địa phương phản ánh lên cho rằng Phùng Quán về Cát Hải chê thơ Tố Hữu. Mà chê thơ ai chứ chê thơ Tố Hữu là chắc chắn có tội rồi. Thế là Phùng Quán không được đi thực tế nữa, mà được bố trí phụ trách tủ sách tư liệu nghiệp vụ, v.v…
Thưa hai anh Phùng Xuân Bính và Huy Thắng,
Đọc bài viết của hai anh, tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ. Anh Phùng Quán đã nhiều lần kể với tôi về anh Phùng Xuân Bính, người bạn tốt đã cưu mang giúp đỡ gia đình anh Quán rất nhiều trong những năm hai người quen biết nhau. Tôi cũng đã từng được anh Quán dẫn đến đọc thơ tại nhà văn hoá bên bờ Hồ Gươm, nơi anh Bính nhiều năm làm giám đốc. Anh Phùng Quán còn kể với tôi rằng, gỗ để Phùng Quán dựng Chòi Ngắm Sóng đa phần là nhờ anh Bính kiếm giúp. Vì lẽ đó mà những điều hai anh kể về Phùng Quán trong bài viết “Đôi điều cần nói rõ thêm về nhà thơ Phùng Quán” là điều có thật 100%. Tôi tin là như vậy.
Nhưng thưa hai anh, nhà thơ Phùng Quán là một trong những nhân vật đặc biệt của lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nhân cách, số phận và tác phẩm Phùng Quán đặt ra nhiều vấn sâu sắc cần suy nghĩ, nghiên cứu, lý giải để góp phần tạo dựng môi trường sáng tạo văn học nghệ thuật tốt đẹp hơn cho các thế hệ tiếp sau của đất nước. Con người Phùng Quán có hai phần: Phần tâm linh, nội tâm và phần cuộc sống ngày thường. Một số hiện thực mà các anh “nói rõ thêm” trong bài viết của mình chỉ mới là một phần nhỏ của cuộc sống mặt nổi của Phùng Quán. Trong cuộc sống mặt nổi này, Phùng Quán còn có nhiều điều quan trọng “cần nói rõ thêm” nữa, và nhiều người đã viết đã nói trong hai cuốn sách dày mà chị Bội Trâm (vợ anh Quán) và tôi đã sưu tầm, biên soạn: Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ, 2002) và Phùng Quán còn đây (NXB Văn Nghệ, 2007). Như việc: Phùng Quán lấy vợ không có đám cưới, không có nhà để đón dâu; không có chiếc gường tân hôn. Cô dâu Vũ Bội Trâm không được lên xe hoa, không được đưa dâu như bao người con gái khác khi đi lấy chồng - đó vừa là nỗi đau tâm linh vừa là nỗi đau thường nhật. Rồi chuyện sau 20 năm lấy vợ, đã có hai mặt con, Phùng Quán mới có một phòng xép gọi là “nhà” để hai vợ chồng sống chung. Chuyện không có sữa cho con bú, chuyện 30 năm “cá trộm - văn chui - rượu chịu” cũng là một sự thật; rồi chuyện mượn tên để in sách chui, không chỉ có anh cán bộ Phương Văn ở cùng cơ quan, Phùng Quán còn mượn tên nhà thơ đồng hương Thanh Tịnh, Đào Phương, Vũ Quang Khải (em ruột vợ) v.v… Cho đến năm 1987, trước lúc có quyết định phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn, Phùng Quán vẫn phải mượn tên Đào Phương để in tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội với cái tên khác Buổi đầu thử thách ở NXB Thuận Hoá, Huế, nhờ một người bạn thơ là Hoàng Vũ Thuật đề xuất in và lặng lẽ biên tập. Mới in được một tập thì Phùng Quán được quyền ký tên trên sách, nên dừng lại để chuyển thành Tuổi thơ dữ dội. Nhiều người cho mượn tên để giúp Phùng Quán có chút nhuận bút như nhà thơ Thanh Tịnh. Nhưng cũng có người cho mượn tên rồi biết hoàn cảnh éo le của Phùng Quan nên cuỗm luôn nhuận bút. Anh Quán kể rằng, có lần anh thoả thuận với người ta mượn tên chia một nửa nhuận bút, nhưng sau đó anh đi đòi mãi, họ không trả tiền, chỉ cho lại Phùng Quán một cuộn giấy dầu cũ! Chỉ riêng nỗi khổ, nỗi nhục trong trong việc mượn tên đó lại không được gọi là “lăng nhục”, là “bị ném ra vỉa hè”, là “khổ đau” hay sao?
Thưa hai anh Phùng Xuân Bính và Huy Thắng,
Nhưng tôi biết, 30 năm Phùng Quán (tính từ vụ Nhân văn đến khi được phụ hồi Hội viên Hội Nhà văn (1957-1987) không đau đớn nhiều về cuộc sống vật chất dù vô cùng cơ cực, thiếu thốn. Trước khi về làm cán bộ bộ văn hóa có lương, có tem phiếu, từ sau Nhân văn - Giai phẩm Phùng Quán vẫn có trợ cấp của Hội Nhà văn 27 đồng một tháng, đủ ăn cơm đầu ghế (cơm bụi) lúc đó; mà đau đớn nhất của Phùng Quán là nỗi đau tinh thần. Là người yêu nước đến tột cùng, yêu nước từ trong cội nguồn máu thịt; yêu nước bừng bừng trong từng con chữ, vậy mà lúc nào cũng bị cấp trên nghi là “phản động”, “chống đối”, đi đâu cũng bị theo dõi dưới mọi hình thức. Đến nỗi, những người yêu mến in thơ cho Phùng Quán hay đưa Phùng Quán đi nói chuyện ở vài chỗ trong địa phương mình cũng bị liên luỵ. Nhà báo Ngô Quy Nhơn, Tổng Biên tập báo Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Trung Dân, thư ký toà soạn báo Qủang Nam – Đà Nẵng Cuối tuần, năm 1987, vì in “Trường ca cây cà” của Phùng Quán đã bị mất chức ngay. Sau này nhà báo Ngô Quy Nhơn trở lại làm Tổng Biên tập báo Đà Nẵng. Còn nhà báo kỳ cựu Trung Dân thì vĩnh viễn xa nghề báo từ đó. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Bình, 4/1991, vì đưa Phùng Quán đi đọc thơ ở một số trường học, hợp tác xã ở Đồng Hới, đã phải viết bản kiểm điểm v.v… Cho đến tận giữa năm 1994, trước khi mất mấy tháng, Phùng Quán còn bị nghi là tham gia tổ chức phản động ở Sài Gòn. Chuyện ấy được thông báo đến từng tận đảng viên và cán bộ đoàn thể, nên ai cũng biết. Điều đó còn hơn sự lăng nhục. Đó là nỗi đau lớn nhất trong đời Phùng Quán. Tôi có đủ tất cả tài liệu về việc này.
Cho nên, kết thúc bộ tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội hơn ngàn trang, thằng Mừng, nhân vật chính, cũng chính là Phùng Quán, bi trọng thương, trước khi chết đã khóc lóc, năm nỉ với anh phụ trách: “Anh đừng nghi em là Việt gian nữa, anh hí”. Trong lời đề từ bài thơ “Trường ca cây cà” (Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, 2003), Phùng Quán viết:
Ba mươi năm trước
Tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ
Tôi lại hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang…
Chữ “chết” ấy còn nặng nề hơn những “khổ đau”, “bị ném ra vỉa hè”, “bị bùn nhơ lăng nhục”.
Trong Trăng Hoàng Cung (NXB Văn nghệ 2007, tr. 87-88), Phùng Quán viết:
Quá đau khổ
Tôi hoá thành lì lợm
Tôi xin em bớt giận…
Nếu không được ngồi
Thì tôi xin đứng
Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà
Nếu không được thở
Tôi sẽ nín thở!

Em giận dữ la lên:
Đứng trong xó nhà cũng không được đứng…
Thì tôi xin ra đứng trước hiên…
Đứng trước hiên cũng không được đứng!
Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ…
Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng!
Thì tôi xin ra đứng đầu đường…
Đứng đầu đường cũng không được đứng!
Lời yêu thương cũng không được nói!
Thì tôi xin chết…
Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…
Dù hoả táng
Dù chôn xuống chín tầng đất
Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình!
Bài thơ quá đau buồn. Nhưng đó chính là tình cảnh “yêu không được yêu, nói không được nói”, chính là chân dung 30 năm của Phùng Quán. Nỗi đau đớn lưu lạc ấy được anh Quán cho là bằng “hai suất Kiều”, “và tôi đã trả giá cho Thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình” (Trăng Hoàng Cung, tr. 14); “Và trong cuộc chiến đấu nguy hiểm đó (tức chống tham ô lãng phí - NM) anh đã bị thương? – PQ: Phải. Trọng thương. 15 năm đi lao động cải tạo và tước quyền sáng tác xuất bản trong 30 năm - quyền thiêng liêng nhất của một nghệ sĩ” (Phùng Quán còn đây, tr. 11, NXB Văn nghệ 2007). Cái quyền thiêng liêng bị mất đó còn chết người hơn cả bị ném ra vỉa hè, bị bùn nhơ lăng nhục. Phải không hai anh Phùng Xuân Bính và Huy Thắng?
Thưa hai anh Phùng Xuân Bính và Huy Thắng,
Tôi là người rất yêu mộ nhân cách nhà thơ Phùng Quán. Vì tình yêu ấy mà tôi đã cùng chị Bội Trâm tổ chức bản thảo, sưu tầm, biên sọan đến ba cuốn sách Phùng Quán viết và viết về Phùng Quán. Mục đích làm sách là để người đời, nhất là các thế hệ sau hiểu đúng hơn tầm vóc của nhân cách và tài năng Phùng Quán. Ngoài ra không có một ý đồ gì khác. Hai anh đọc kỹ hai cuốn Nhớ Phùng Quán và Phùng Quán còn đây sẽ hiểu sâu sắc thêm, rõ thêm về nhà thơ Phùng Quán rất gần gũi của chúng ta. Gần gũi đến độ chúng ta đã hiểu nhầm anh, đã cho anh là “bình thường”, thậm chí tầm thường như mình, mà quên mất rằng, để cùng chạm cốc, cùng vui vẻ cười nói với chúng ta hàng ngày, anh phải nén nỗi đau đớn của mình vào lòng, nén đến độ nhiều người đã không nhìn thấy. Phùng Quán không oán trách, thù ghét ai, Phùng Quán không “bất mãn, xỏ xiên, bóng gió” như các anh đã viết, nhưng Phùng Quán luôn đau đớn tâm can vì luôn bị nghi ngờ, rồi bị tước mất quyền sáng tạo 30 năm sung sức nhất của đời mình. Đó là sự thật phải hiểu, phải thấy. Và Phùng Quán cũng đã viết về điều ấy không ít lần…
Kính chào hai anh. Mong có lần tái ngộ…
Kính thư.
Huế, 7/11/2007
Ngô Minh
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...