Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

XXXXVăn chương và triết học - Nghĩ về Nguyễn Huy Thiệp và François Jullien

Văn chương và triết học - Nghĩ về
Nguyễn Huy Thiệp và François Jullien

"Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách"
(Nguyễn Huy Thiệp, "Không có vua")
Bài của Ngô Quốc Phương làm tôi chợt nhớ buổi nói chuyện của F. Jullien tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Lúc đó là vào khoảng cuối tháng 4 năm 2001. Lần đầu tiên, F. Jullien đến Việt Nam sau khi một số công trình của ông đã được Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu. Ông ngỏ ý muốn gặp các đồng nghiệp và sinh viên Việt. Vì thế, sau các ngày làm việc tại Viện Sử học và Tòa soạn báo Xưa & Nay, chúng tôi (cùng Ngô Quốc Phương) tổ chức cuộc trao đổi của ông tại giảng đường Đại học Quốc gia. Hôm đó, Đào Hùng và Emmanuel Poisson, hai "thông dịch viên" của ông, đều không đến được. F. Jullien đề nghị tôi, nhưng tôi chữ tác đánh thành chữ tộ, Khổng Tử và Trang Tử tôi nhầm lẫn luôn luôn. Kết quả, chúng tôi nhờ tới Phan Ngọc như Ngô Quốc Phương kể. Đó là một trong rất hiếm những người sót lại của Việt Nam chuyên sâu cả Tây học lẫn Hán học.
Trên đường đến Đại học Quốc gia, để chuẩn bị tinh thần cho F. Jullien, tôi bảo ông: "Nói khoa triết cho sang thôi, chứ thực ra là triết học Mác - Lê…" Ông nháy mắt: "Yên tâm đi, các trường đại học Trung Quốc trong vòng rất lâu đều thế cả". Ông kể, tốt nghiệp Đại học Sư phạm xong, ông viết luận văn về Lỗ Tấn (do Rolland Barthes hướng dẫn), rồi sang Bắc Kinh học tiếng Hoa. Lúc đó là những năm 1970. Ông biết thế nào là Ngày thứ Bảy cộng sản và Cách mạng Văn hóa.
Tôi nói với ông, sẽ có "ngạc nhiên" cho ông trong cử tọa. Trước đó, tôi đã mời một số nhà văn.
Người tới đầu tiên là Nguyễn Việt Hà, sau đó Nguyễn Bình Phương, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo. Người cuối cùng là Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng phần lớn công chúng vẫn là các chuyên gia Mác - Lê. Hôm đó, F. Jullien nói về quan niệm thời gian trong văn minh Trung Hoa và văn minh Hy Lạp. Như mọi lần, ông có tài mê hoặc người nghe nhờ cách giảng bài mạch lạc, sâu rộng và đầy nhiệt tình. Say mê này, ông có thể tìm thấy trước bất kỳ cử toạ nào, dù đó là sinh viên, đồng nghiệp hay các thương gia. Tôi đã có dịp chứng kiến ông nói về văn hoá Trung Quốc trước các doanh nghiệp Pháp, mà vẫn đầy thông tuệ, không hề dung tục.
Sau buổi nói chuyện hôm đó, ông tỏ ý quan tâm đến văn học Việt Nam. "Ở xứ này, văn chương sum suê như cây đa cây đề, trong khi triết học có vẻ như cây si trồng trong chậu cảnh", ông nói. Sau khi đọc chương đầu "Cơ hội của Chúa" và "Người đi vắng" mà tôi đang dịch, ông ngỏ ý muốn được gặp hai nhà văn trẻ họ Nguyễn.
Không hẹn mà nên, cả hai đều chọn Hồ Tây. Nguyễn Việt Hà, một cây nhậu cừ khôi, mời chúng tôi đến một tiệm ăn. Anh say sưa nói về Khổng giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, và thường có nhiều nhận xét hóm hỉnh. Nguyễn Bình Phương, trái lại, kéo chúng tôi đến một quán cà phê đường Cổ Ngư. Khi được hỏi về tiểu thuyết đang viết, sau một lúc ngần ngại, anh đưa tay chỉ vùng nước lãng đãng chiều trước mặt và kể về những hồn ma đang lẩn quất đâu đây. Lúc ở sân bay Nội Bài, F. Jullien bảo với chúng tôi đây là hai khám phá ấn tượng nhất của ông trong chuyến đi.
Sau này, Nguyễn Bình Phương có viết một bài dài về F. Jullien, còn Nguyễn Việt Hà đưa ông vào thế giới ảo (nếu tôi nhớ không nhầm, thì đó là Khải huyền muộn).

*
Nguyễn Huy Thiệp, sau cuộc marathon 4 giờ đồng hồ của F. Jullien và Phan Ngọc, nói với tôi rằng cái "tạng" của anh không hợp với cách diễn đạt "kinh kệ" này. "Mệt lắm", anh bảo. Tôi lờ mờ hiểu anh muốn nói gì, và chợt nhớ một câu Đoài nói với Khảm trong "Không có vua": "Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy." Có lẽ chỉ Nguyễn Huy Thiệp mới có một cách định nghĩa vừa bất ngờ vừa cụ thể và giản dị về một khái niệm cực kỳ trừu tượng và phức tạp như vậy. Anh là người của thực tế vật chất, của cơm áo gạo tiền. Cái sâu sắc của Nguyễn Huy Thiệp là cái tinh thâm của kẻ luôn phải vật lộn với mưu kế sinh nhai.
Một ví dụ khác: thay vì lý thuyết dông dài về ý nghĩa hay quyền lực của văn chương chữ nghĩa, Nguyễn Huy Thiệp thuật lại câu chuyện của hai ông đồ (một đồ tể với một đồ nho).
Ông Bình Chi bảo: "Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn". Ông Gia bảo: "Tôi hiểu rồi. Tôi là nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi, Nhưng cũng là thịt cả thôi". Ông Bình Chi bảo: "Đúng đấy. Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?". Ông Gia bảo: "Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự như thế không, chỉ vừa phải, nhiều người theo thì cho cháu học". Ông Bình Chi bảo: "Tôi hiểu rồi. Đấy là thứ văn chương học để làm quan". Ông Gia vỗ tay reo: "Phải". ("Giọt máu")
Đúng là Nguyễn Huy Thiệp hay nói bằng hình tượng, nhưng hình tượng đó đã được đúc kết qua cái nhìn chăm chú về cuộc sống của chính nhà văn, chứ không phải thứ hình ảnh lượm lặt đâu đó trong sách vở kinh điển. Sau này, truyện của Nguyễn Huy Thiệp kém thuyết phục có lẽ vì nó thiếu dần đi cái từng làm lên máu thịt cho những truyện ngắn đầu tay của anh?
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp gần F. Jullien hơn anh nghĩ. Đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp tôi thường liên tưởng đến triết của F. Jullien. Và ngược lại.
Đầu năm 2007, khi được đặt viết một bài về "quan hệ gia đình trong văn học Việt Nam đương đại" cho một công trình chung của nhóm Archipel (CNRS, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp), tôi đã chọn khảo sát tình phụ tử trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Trong khi hình ảnh người mẹ gần như mờ nhạt [1] , thì người cha lại chiếm vị trí trung tâm trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp viết vào những năm cuối thập niên 1980 ("Tướng về hưu", "Không có vua", "Giọt máu", "Tội ác và trừng phạt"). Các nhân vật người cha, dù là ông tướng, ông thợ sửa xe hay ông nông dân, đều có một mối quan hệ kỳ lạ với những đứa con của mình. Dẫu không thiếu yêu thương, tình phụ tử thường mang nhiều trách móc, tranh chấp, thậm chí hận thù. Các ông bố của Nguyễn Huy Thiệp coi con trai mình là kẻ hèn nhát ("Tướng về hưu"), mắng mỏ tàn nhẫn con cái ("Không có vua"), hiếp con gái ("Tội ác và trừng phạt"). Những đứa con hoặc sẽ mong cha chết, dù mong mỏi đó có lẽ chỉ là vô thức ("Tướng về hưu"), hoặc sẽ biểu quyết giết cha - "Ai đồng ý bố chết giơ tay" ("Không có vua"), hoặc sẽ lấy rìu bổ vào đầu cha ("Tội ác và trừng phạt") [2] . Chưa hết, Thuân, cháu ông tướng trong "Tướng về hưu", cầm dao dọa giết bố. Tác giả dường như bị thôi miên bởi thứ tội ác tày đình này.
Nguyễn Huy Thiệp khẩn báo sự suy đồi đạo đức của xã hội và gia đình Việt Nam hậu chiến tranh? Điều này, đã nhiều tác giả nói đến. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm vài điểm.
Trước hết, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mang một thông điệp chính trị như chính tên gọi của chúng. "Không có vua", "Tướng về hưu" là những cái tựa mang nhiều ý nghĩa trong một đất nước như Việt Nam, nơi văn hoá Khổng Tử đã đưa người cha lên vai trò hàng đầu, chính quyền nằm trong tay một Đảng duy nhất, quân đội là một nhà nước trong nhà nước. Hồ Chí Minh, 50 tuổi, đã tự xưng là "cha già dân tộc".
Tiếp theo, Nguyễn Huy Thiệp đã tỏ ra sáng suốt khi phân tích mối tương quan giữa kinh tế và dân số học. Ta biết rằng năm 1985 - 1987, vào thời điểm Nguyễn Huy Thiệp viết các truyện ngắn này, Việt Nam với tổng số 60 triệu dân, phải gánh tới 27 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Nền kinh tế quốc doanh cộng với hai cuộc chiến, chống Trung Quốc ở phía Bắc và Campuchia ở phía Nam, làm cho tình hình càng thêm trầm trọng. Chưa kể Mỹ cấm vận và gần như cả thế giới tư bản bỏ rơi. Với thu nhập khoảng 100 đôla trên đầu người một năm, Việt Nam lúc đó là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bình tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết. Hai truyện ngắn "Tướng về hưu" và "Không có vua", vì vậy, phản ánh nỗi lo âu của mỗi gia đình Việt Nam trong buổi thóc cao gạo kém: muốn tồn tại, phải duy trì một số lượng thành viên không đổi. Trong "Không có vua", để có một cuộc sinh nở, ta có tới hai cái chết: của lão Kiền và cậu Vỹ. Nếu dòng trên thông báo "triệu chứng có thai" của Sinh, thì dòng dưới viết: "Lão Kiền ốm". Trong cùng một câu, người ta đọc: "Sau hôm giỗ lão Kiền một trăm ngày, Sinh đẻ con gái". "Tướng về hưu" cũng được xây dựng trên một sơ đồ tương tự: một sự sinh (đứa cháu gái mới đẻ của ông tướng) và hai sự chết (của mẹ và của cha).
Luân lý Khổng giáo, qua "Nhị thập tứ hiếu", răn rằng trong những ngày đói kém, Quách Cự và vợ phải chôn sống đứa con trai để dành bát cơm duy nhất nuôi mẹ già (Vị mẫu mai nhi). Nhà nước Việt Nam đương thời khẳng định sinh đẻ kế hoạch là điều kiện để dân giàu nước mạnh. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề ngược lại: người già chết đi dành chỗ cho con trẻ, đó phải chăng không là một giải pháp [3] ?
Nhưng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp trước hết là những câu hỏi về thế gian, về thời gian, cuộc sống, cái chết. Qui luật mà Nguyễn Huy Thiệp quan tâm nhiều nhất, là quy luật của tự nhiên. "Không có vua" gồm nhiều "chương", chỉ các thời điểm khác nhau trong ngày (chương 2 "Buổi sáng", chương 4 "Buổi chiều", chương 6 "Buổi tối"). Cuộc sống luân phiên chảy, nhưng có chu kỳ, được đánh dấu bằng các sự kiện không ngừng lặp đi lặp lại: "Ngày giỗ" (chương 3), "Ngày Tết" (chương 5). Trong truyện ngắn vỏn vẹn 30 trang này, người ta tham dự vào những thời điểm quan trọng nhất trong đời người: đám cưới, sinh con, hấp hối, chết, giỗ, Tết.
Ở đây, cuộc sống quyết định cái chết, hay nói đúng hơn, cái chết làm nảy sinh sự sống. Sự tiếp nối này làm cho cái chết (của cha của mẹ) vừa là một bất hạnh vừa là một giải thoát, cho người ra đi và cho người ở lại. Trong "Tướng về hưu", ở đám ma ông tướng về, con dâu và em trai ông bàn tán cảnh đẹp bên đường. Sau đó, con trai ông nói: "Nếp sống của gia đình tôi trở lại như là trước ngày cha tôi nghỉ hưu". Chẳng phải nhờ có sự ra đi của tướng Thuấn mà con trai ông đã cầm bút viết văn? Trong "Không có vua", một trăm ngày lão Kiền mất, đám con ông làm tiệc mừng đứa trẻ mới sinh. Nhận được điện thông báo ông cậu vừa từ trần, Đoài bảo: "Các bác già chết đi có gì là lạ?". Cái chết của lão Kiền cho phép đám con lão nói đến ngày mai: "Cuộc sống dù khỉ gió nhưng vẫn đẹp tuyệt vời. Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó". Có lẽ đây là một trong những suy nghĩ táo bạo nhất của Nguyễn Huy Thiệp, ở những năm đầu hăm hở công phá của anh.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp thường cho người con quyền phát ngôn. "Tướng về hưu" được viết ở ngôi thứ nhất: chuyện tướng Thuấn hoàn toàn do con trai ông kể lại, không bao giờ chúng ta được biết ông thực sự nghĩ gì. "Không có vua" dành nhiều chỗ cho đối đáp của Đoài, đứa con đòi biếu quyết giết cha. Đoài là kẻ khốn nạn, nhưng lại là nhân vật được Nguyễn Huy Thiệp chăm chút nhất. Tên Đoài xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm (116 lần), trên cả lão Kiền, Sinh, Tốn, Khảm, Khiêm. Những nhận xét của Đoài thường thông minh, hài hước, sắc sảo. "Tội ác và trừng phạt" cho cô con gái kể lại từng chi tiết cuộc hành quyết ông bố loạn luân. Khi câu chuyện mở ra thì ông ta đã bị sát hại, và người đọc không bao giờ được nghe một lời của nhân vật này. Chưa hết, người-kể-chuyện dùng những dòng thương cảm nhất để khép lại câu chuyện của nữ tội nhân: đọc bên mộ cô một bài tụng "vô tướng" của Lục tổ Huệ Năng. Như để tiếp lời cho kẻ giết cha, mang lại sự sống mới cho cô, dẫu cô đã ở trong cõi chết. Và đây cũng là một tác phẩm mang nhiều tính tự truyện nhất của Nguyễn Huy Thiệp: nhân vật xưng Tôi tự nhận là nhà văn - "Đã có nhiều bạn đọc đến với tôi, họ kể lể về cuộc đời… Trước mặt tôi là một cô gái 16 tuổi… Cô phạm một tội rất nặng". Hơn bao giờ hết, Nguyễn Huy Thiệp công khai đứng về phía kẻ giết cha.
Vì vậy, nếu quả thật trong những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi đắng cay về thời đại của mình, thì qua những suy nghĩ về mối giao hòa giữa tự nhiên và cõi người, về sự sống và cái chết, tác giả dường như muốn đạt tới một cái nhìn tổng quát về nhân gian: không có "thay đổi" cũng không có "cách mạng", cuộc sống không toàn tốt không toàn xấu. Đó là sự chuyển hoá không ngừng giữa đêm và ngày, giữa đông và hè, giữa tĩnh và động, giữa thiện và ác.
Còn đây là suy nghĩ của F. Jullien về sự luân chuyển trong trời đất, khi ông phân tích Vương Phu Chi, triết gia Trung Hoa thế kỷ 17: "Sinh và tử trao đổi với nhau, cái chết tiếp tay cho cuộc sống, luôn là khởi điểm của sự sống" hoặc "Nếu sự luân chuyển có tính tuần hoàn, nó đối lập với sự lặp lại cằn cỗi: chính nó cho phép thời cuộc tiếp tục" [4].
Chú thích:
[1] Nguyễn Huy Thiệp có một truyện ngắn đặt tên là "Tâm hồn mẹ". Nhưng chính ở đây, người mẹ lại hoàn toàn vắng mặt. Nhân vật chính, thằng bé Đăng mồ côi mẹ. Trong "Tướng về hưu", bà Thuấn mắc bệnh tâm thần. Trong "Không có vua", lão Kiền goá vợ. Trong "Tội ác và trừng phạt", bà mẹ bị mù.
[2] Hai thập kỷ sau, trong Tuổi hai mươi yêu dấu, một nhà văn danh tiếng hiện lên dưới con mắt của đứa con trai du thử du thực của mình như một "người cha xấu". Cuối truyện, lúc người cha chết cũng là khi đứa con trai trưởng thành, như thể chỉ cái chết của ông mới mang lại ý nghĩa cho tình phụ tử. Nhưng tiểu thuyết này khônng thành công, có lẽ vì Nguyễn Huy Thiệp, dù để cho nhân vật đứa con trai xưng Tôi, lại nhét vào miệng nó những ý tưởng già cỗi của người cha. Giống như "hồn Trương Ba da hàng thịt" vậy.
[3] Vấn đề này cũng được đặt ra trong nhiều xã hội bị cái đói đe doạ. Bộ phim Bài ca Narayama của Nhật (giải thưởng Cành cọ Vàng tại Cannes năm 1983) kể rằng trong một làng nghèo hẻo lánh nước Nhật, người dân có tục đem người già bỏ vào núi, vì họ trở nên "vô dụng". Tục bỏ rơi người già cũng được dân Esquimaux (tộc Thulé) coi như một phương tiện để điều hoà dân số (xem Jean Malaurie, Les derniers rois de Thulé, Plon, Col. Terre humaine, 1976).
[4] François Jullien, Procès et création. Une introduction à la pensée chinoise, Le Livre De Poche, coll. Biblio Essais, 1997, tr. 65 và 27

7/2/2008
Đoàn Cầm Thi
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ Sâm - Nỗi làng đau đáu Đọc bài thơ Làng Nguyệt* của Từ Sâm May mắn thay cho ai sinh ra và lớn lên luôn có làng để thương về. Bởi trong ...