Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Nhà văn và ức ép cộng đồngXXXX

Nhà văn và ức ép cộng đồng

Là một độc giả của talawas, tôi chăm chú theo dõi cuộc trao đổi về khả năng giao lưu, hội nhập và thậm chí đến cả hòa hợp hòa giải giữa các nhà văn trong và ngoài nước. Cuộc trao đổi này được khởi động từ loạt bài 4 kỳ của Tô Nhuận Vỹ, cựu tổng biên tập báo Sông Hương, và sau đó được phản hồi qua lại giữa các người cầm bút như Trần Văn Tích, Tiêu Dao Bảo Cự và vài nhà văn khác.
Tôi dành mọi sự kính trọng cho quý vị đã tham gia cuộc trao đổi này, vì mỗi người từ góc độ cá nhân của mình đã lý luận khá thuyết phục và thẳng thắn phát biểu điều mình suy nghĩ. Sự khâm phục của tôi đặc biệt dành cho hai nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Tiêu Dao Bảo Cự, những người hiện đang sống trong nước mà tính lương thiện trí thức của họ gần như đồng nghĩa với lòng can đảm. Nhưng vẫn có điều tôi không đồng ý với hai vị này.
Qua bài viết của Tô Nhuận Vỹ và Tiêu Dao Bảo Cự, tôi hiểu rằng, lý do thúc đẩy họ kêu gọi giao lưu, hội nhập, hòa hợp hòa giải, phát xuất từ cách nhìn của họ về số phận bị o ép của nhà văn Việt Nam hiện đang sống trên cả hai bên bờ Thái Bình Dương và châu Âu. Nói tắt một câu, theo hai nhà văn này, ở trong nước nhà văn không có tự do vì phải đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong khi đó ở ngoài nước nhà văn phải chịu sự khống chế của các cộng đồng người Việt. Trong kỳ 3 của “Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và Hội nhập”, Tô Nhuận Vỹ đã nhận xét:
“Với nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại thì cái mũ ‘cộng sản’ của cộng đồng luôn luôn chực chờ để chụp xuống đầu họ. Báo chí không ít lần đã phải kêu lên về cái thực trạng ‘mũ cối ở đây nhiều hơn ở cả Hà Nội!’. Cho nên, các nhà văn luôn phải ‘biểu diễn lập trường’ (chữ của Nguyễn Mộng Giác). Trong nhiều dịp chuyện trò tâm sự, không ít anh em đồng nghiệp ở Mỹ trong khi cho rằng trong nước hoàn toàn chưa có tự do sáng tác với khá nhiều ví dụ thì đồng thời cũng khẳng định lúc này, tại đây, cũng chưa có tự do sáng tác như mình ao ước, nên có lúc phải sống hai mặt.”
Trong bài “Giao lưu, hội nhập văn học Việt Nam trong và ngoài nước”, Tiêu Dao Bảo Cự kêu gọi giới cầm bút phải vượt thoát khỏi số phận bất bình thường của mình, một bên do Đảng và nhà nước quan phòng và bên kia do các nhóm “chống cộng cực đoan” áp đặt, để hai bên có thể giao lưu và tạo điều kiện hội nhập với nhau:
“Dĩ nhiên ai cũng biết rằng có tình trạng trên trong văn học cũng như những ngăn trở trong vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc có cốt lõi nguyên nhân nằm ở chỗ khác. Nói rõ ra đó là do đường lối chính sách của Đảng và nhà nước hiện nay, và cả sự chi phối của một số người có ảnh hưởng trong ‘Cộng đồng người Việt Tự do’ ‘chống văn hoá vận cộng sản’ như có người đã phân tích (Ý kiến ngắn của Phạm Quang Tuấn ngày 11/1/08). Trong khi chưa thay đổi được đường lối chính sách và sự chi phối đó chẳng lẽ không còn con đường nào khác để thoát ra tình trạng què quặt, phi lý nói trên?”
Tô Nhuận Vỹ và Tiêu Dao Bảo Cự đã đặt người đọc trước một phương trình, với vế bên này là nhà văn trong nước chịu sự lãnh đạo của Đảng và vế bên kia là nhà văn hải ngoại bị những người chống cộng cực đoan o ép, làm mất tự do. Tôi thấy cách lập phương trình như thế là không ổn. Không ổn ở chỗ là nó có thể làm cho những người thiếu tiếp cận với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu lầm là hiện có những nhóm áp lực can thiệp triệt để vào sinh hoạt trí thức của đồng bào ta trong “cộng đồng di tản”, mà hệ luận là họ có thể tước đoạt tự do của những người cầm bút sống xa Tổ quốc.
Một số nhà văn hải ngoại, mà Tô Nhuận Vỹ và Tiêu Dao Bảo Cự trích dẫn, qui trách việc mất tự do giao lưu với đồng nghiệp trong nước cho những thành phần “chống cộng cực đoan”. Nhưng cực đoan ở mức độ nào thì chỉ được minh hoạ sơ sài, như hành vi chụp mũ “thân cộng”, cho người khác “đội nón cối”, hay những phát biểu như lời thề không về thăm lại quê hương khi Việt Nam còn nằm dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản. Những biểu hiện như thế, nếu có trong một xã hội đa nguyên cũng là chuyện bình thường, và nhất định không có tác dụng đàn áp. Chừng hai, ba chục năm về trước, khi những tổ chức kêu gọi quang phục quê hương bằng vũ trang hoặc những nổ lực “chống du lịch Việt cộng” còn được một số đồng bào tị nạn đồng tình hoặc tích cực ủng hộ, nếu bị cho đội nón cối như thế cũng là điều đáng ngại. Nhưng bây giờ, tình hình thay đổi rất nhiều. Nhất là sau vụ khủng bố 11-9-2001. Chẳng hạn, vì sợ bị qui kết vào tội khủng bố theo luật pháp của nước sở tại, ngay cả một tổ chức từng hô hào dùng vũ lực để “giải phóng Việt Nam” đã phải thay đổi danh xưng và chấp nhận “đấu tranh bất bạo động”. Giữa người Việt Nam với nhau ở nước ngoài, không ai có quyền mời một đồng bào khác đến nhà hoặc đến một trụ sở nào đó để “làm việc” hay “lên lớp”. Người nào dại dột làm điều đó có thể bị nạn nhân khởi tố trước pháp luật về tội sách nhiễu hay mạ lị. Vì thế việc đem so sánh, nâng sức ép của “một số người có ảnh hưởng trong ‘Cộng đồng người Việt Tự do’” lên ngang tầm với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với báo chí và hội nhà văn ở trong nước là viết sai phương trình, là cường điệu, không phản ảnh được thực tế. Thực tế là, ở Mỹ chẳng hạn, tham dự cộng đồng dù về mặt xã hội hay chính trị là sinh hoạt tự nguyện, ai vui thì đến, ai không thích thì ở nhà hoặc đi chỗ khác chơi. Nếu so sánh với các cộng đồng châu Á khác, có thể nói cộng đồng Việt Nam là một sắc dân (ethnic group) thiếu tổ chức và có sinh hoạt rất lỏng lẻo. Trong một thư kêu gọi độc giả ủng hộ báo Thông luận, chủ nhiệm Nguyễn Văn Huy đã thẳng thắn phản ảnh:
“Mặt khác, cũng phải nhìn nhận một sự thật: thời gian cũng đã khiến sự gắn bó với đất nước không còn đậm đà như trước. Cộng đồng người Việt hải ngoại có lẽ là một trong những cộng đồng mất bản sắc dân tộc nhanh chóng nhất. Chúng ta đã quá quan tâm đến thành công cá nhân và gia đình, và nói chung đã thành công, nhưng bù lại nhiều con em của chúng ta đã không còn là người Việt. Có những trường hợp mà những thành công cá nhân cộng lại không phải là thành công của tập thể.”
Cảnh tượng mạnh ai nấy sống, mất bản sắc dân tộc và lơ là với văn hoá Việt Nam, trong đó có tình trạng người ta không còn dành ưu tiên cho việc đọc các tác phẩm tiếng Việt, mới thật sự là điều đáng báo động đối với các nhà văn ở hải ngoại, chứ không phải là sức ép của những “phần tử cực đoan”.
So với hành động võ biền mang màu sắc xã hội đen của mấy chục năm về trước, mà nạn nhân chẳng hạn ông Dương Trọng Lâm cuả báo Cái Đình Làng bị hạ sát năm 1981 hay ông Lê Triết của báo Văn nghệ Tiền phong bị giết năm 1990, [1] nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta phải hãnh diện về những bước tiến của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trên con đường hội nhập, tiếp thu tinh thần dân chủ và lối ứng xử văn minh. Cụ thể mà nói, bây giờ ngay cả trong những cuộc tranh luận công khai, thông thường là trên báo chí, mặc dù có những nhà văn bị chụp mũ là cộng sản hay thiên cộng, nhưng đối tượng của những cáo buột kiểu này vẫn giữ được bình tĩnh, không giao động hay sợ hãi, thậm chí không thèm lên tiếng thanh minh. Hãy lật báo Con Ong ra mà xem ông Nguyễn Văn Chức trao hàng chục nón cối cho ông Bùi Tín và ông Nguyễn Gia Kiểng. Cũng gần đây thôi, ngay trên talawas, có cuộc đối thoại sôi nổi giữa luật sư Nguyễn Hữu Liêm và tiến sĩ Hoàng Cơ Định, trong đó vị lãnh tụ của Đảng Việt Tân, bào đệ của cố đề đốc Hoàng Cơ Minh, đã thoải mái gọi luật sư Liêm là người thân cộng. Và tôi tin luật sư Liêm cũng lắng nghe thoải mái thôi, chẳng mảy may lo lắng về an ninh bản thân mình.
Đối diện với số độc giả ngày một thưa dần trong cộng đồng hải ngoại [2], nhiều nhà văn đã đưa tác phẩm của mình về xuất bản trong nước. Nếu nhiều ca sĩ đã về nước tìm thính giả trong biển người gồm 81 triệu, thì tại sao nhà văn không đi tìm độc giả cho mình trong cách thế tương tự. Nhu cầu giao lưu và hội nhập về phía nhà văn hải ngoại, vì thế, vừa chính đáng vừa bức thiết. Dẫu sao, phần lớn những nhà văn này tóc cũng đã ngả màu hoa râm. “Chim bay về núi túi rồi, anh không toan liệu anh ngồi rứa răng?” Chính đáng, nhưng điều kiện khách quan ở trong nước có cho phép không lại là vấn đề khác. Tất nhiên, khi một nhà văn nào đó có sách xuất bản ở trong nước, thì trong cộng đồng lại thì thầm “lời ong tiếng ve”, có khi được khởi động từ một đồng nghiệp nào đó, mà động lực chẳng qua “ganh nhau vì tiếng gáy” rồi sau đó mới khoác lên màu cờ sắc áo, chống cọng chống que. Một nhà văn có bản lãnh sẽ không giao động trước những chuyện vặt này để vội cho đó là sức ép của những người có thanh thế trong cộng đồng. Xã hội đa nguyên mà! Nếu được một số phiếu trên 50 phần trăm, anh nên mở tiệc ăn mừng, đừng nên trông chờ số phiếu trên 90 phần trăm của các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa. An toàn trong dị biệt, safe for diversity [3] là thuộc tính cơ bản của một xã hội tự do và đa văn hoá. Tôn trọng sự dị biệt ở người khác là chủ đề được giảng dạy thường xuyên không những trong học đường mà còn trong các công ty, nhà máy, nơi có nhân viên đến từ nhiều gốc gác khác nhau. Sau mấy thập niên sống và làm việc trong văn hoá đa nguyên, những nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt thừa biết rằng xâm phạm đến tự do hay danh dự của người khác là vi phạm luật pháp và có thể phải trả lời trước toà án. Trong mười mấy năm qua, hằng triệu người đã về Việt Nam thăm thân nhân. Mỗi lượt qua về như vậy nhiều người mang theo cả sách báo vào và ra khỏi nước; có thể nói cho đến bây giờ đã có hàng triệu cuốn sách nằm trong va-li đi qua sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Nếu ai gọi dạng thức giao lưu này hay giao lưu giữa các cá nhân nhà văn ở trong và ngoài nước là “văn hóa vận cộng sản”, người đó đã coi thường khả năng tiếp thu và óc phán đoán của kiều bào ta và không có tư cách đại diện cho cộng đồng.
Chú thích:
[1] http://www.diendan.org/.
[2] Đa số “Việt kiều” không đọc được sách tiếng Việt và trong số người mù chữ (Việt) này có cả những thanh niên mang học vị bác sĩ hay tiến sĩ của các đại học phương Tây nhưng thiếu động lực để học ngôn ngữ của cha ông. Muốn có đủ tiếng Việt để thưởng thức một tác phẩm văn chương, chí ít độc giả phải học xong chương trình trung học phổ thông bên Việt Nam. Như thế, nhà văn hải ngoại phải loại ra ngoài danh sách bạn đọc của mình gần như toàn bộ dân số của thế hệ thứ hai và thứ ba (phỏng tính là những người dưới 40 tuổi và ngôn ngữ chính của họ là tiếng nói của quê hương thứ hai). Vậy số độc giả mà nhà văn có thể nhắm đến trong cộng đồng là quý ông bà tóc đã ngả màu muối tiêu hay phơ phơ đầu bạc. Nhưng với ngày tháng chẳng còn bao lăm, quỹ thời gian sắp cạn kiệt, người cao niên tất nhiên đâm ra so đo với khoảng thời gian hàng chục giờ phải bỏ ra để đọc cho xong một tác phẩm văn chương. Nguyễn Gia Kiểng còn rất mực chi li khi ông viết trong lời nói đầu của Tổ quốc ăn năn: “Thời giờ là cuộc sống, đọc một cuốn sách là bỏ ra một phần của đời mình, vì thế người đọc phải được trả giá một cách xứng đáng, nếu không thì chỉ mất thì giờ vô ích, và như thế cuốn sách giống như một vụ mưu sát nhỏ”.
[3] An toàn trong dị biệt là cụm từ nổi bậc trong bài diễn văn John F. Kennedy đọc tại American University, Washington, D.C., ngày 10-6-1963: “Chúng ta không nhắm mắt làm ngơ trước những dị biệt-nhưng chúng ta phải tập chú vào lợi ích chung và phương cách giải quyết những dị biệt ấy. Và nếu ngay bây giờ chúng ta không chấm dứt được những dị biệt, chí ít chúng ta cũng có thể làm cho thế giới an toàn cho sự phong phú nhờ dị biệt (Let us not be blind to our differences-but let us also direct attention to our common interests and the means by which those differences can be resolved. And if we cannot end now our differences, at least we can help make the world safe for diversity)”.
7/2/2008
Trần Ngọc Cư
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...