Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Đầu súng trăng treo

Đầu súng trăng treo

Đồng chí Danh, chiến sĩ liên lạc đại đội tìm gặp tôi nói anh Định cho gọi tôi lên gặp anh tại hầm chỉ huy đại đội. Tôi vừa tới, anh nghiêm giọng nói luôn: “Hồi nãy trước mặt lính đồng chí tôi không nói. Những gì tôi nói rất có ích cho đồng chí sau này. Bớt tính ham chơi đi. Đây là chiến trường, là mặt trận, ta không có thời gian tiêu khiển. Trong rừng Pursat này đồng chí cố gắng lắng nghe. Cố gắng phấn đấu trở thành chỉ huy giỏi, lính bớt đổ máu”.
– Quái lạ! Không phân biệt được bộ đội Việt Nam đang ngủ hay gác, trong tay nó lúc nào cũng ôm cây súng.
Đó là lời của mấy lính Pốt nói với nhau lính ta lõm bõm nghe được. Cũng đúng. Bộ đội ta lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nghiêm các qui định ngoài chiến trường, trong mọi tình huống khẩn trương. Lúc này, bọn Khmer Đỏ bị quân ta đánh cho tan tác rồi chúng đã suy yếu nhưng vẫn còn lén lút hoạt động, chủ yếu phục kích, gài mìn, bắn tỉa, đốt rừng gây khó khăn và làm tổn thất quân ta thôi. Chúng không dám đánh trực diện nữa. Quân đội của Thủ tướng Hunsen còn yếu, chưa đủ sức đương đầu với bọn chúng nên buộc lòng ta phải kéo dài thời gian đóng quân để bảo vệ chế độ Hunsen. Thời điểm ta rút hết quân về nước là lúc quân đội bạn đã đủ sức tự bảo vệ mình.
Những ngày đơn vị chúng tôi tham gia đánh trận ở Leach (Phnum KraVah), một thị trấn nằm gần quốc lộ 5. Đây là con đường từ Phnom Pênh đi Bttambang, cách biên giới Thái Lan chừng tám mươi cây số. Để tấn công Leach, quân ta đã sử dụng một lực lượng rất lớn, gồm nhiều sư đoàn, quân đoàn từ nhiều hướng khác nhau đông, tây, nam, bắc đánh dồn lại giống như ta bắt chuột ngoài đồng. Một trận đánh tổng lực, quyết định kéo dài hơn cả tháng. Trận đánh này xét trên nhiều mặt, các đơn vị tham chiến tổn thất khá nặng nề.
Lúc vào trận, bộ đội ta cứ cầm súng mà bắn, cố sao cho trúng mục tiêu thật nhiều để trả thù cho đồng đội, đến độ đầu súng đỏ rực, tiếng đạn nổ giòn tan nghe chát chúa, ù cả tai, càng khiến mình hăng lên, nóng ran cả người. Trước mắt là kẻ thù, bên cạnh là đồng đội, sau lưng là người dân, mình không tiêu diệt bọn chúng mình chết trước. Giữa sự sống và cái chết nó mong manh không do dự được. Buộc lòng mình phải nổ súng theo mệnh lệnh trái tim người lính.
Ngày được mặc bộ quân phục, khoát ba lô lên đường làm nghĩa vụ công dân, tôi thấy vinh dự tự hào lắm. Lòng phới phới, gác việc riêng không bận bịu chi hết từ đó tập trung huấn luyện cho tốt háo hức để được ra chiến trường. Biết mẹ già rơi nước mắt nhưng lén giấu đi. Biết ba gượng rắn rỏi để động viên con trai thêm mạnh mẽ. Hiểu hết nỗi lòng của cha mẹ đau thắt ruột gan tôi vẫn phải cố bình tĩnh động viên hãy an lòng. Rồi cuộc chiến như một vòng xoáy cuốn mình vào không thể văng ra trừ cái chết vì pháo đạn kẻ thù hoặc sốt rét rừng ác tính hoặc thú dữ ăn thịt.
Đứng trước cái chết mọi thứ đều trở nên nhỏ bé, bình thường. Suy nghĩ vậy để khỏi bị chi phối, bận tâm. Anh sốt rét nhẹ sẽ tự khỏi, nặng lên bệnh xá điều trị, nếu không qua khỏi đã có anh em đồng đội lo. Lỡ đạp phải mìn, đứt một, hai ngón cũng bình thường. Vết thương lành vẫn chiến đấu tốt. Mặt trời vẫn mọc chói chang, ánh trăng vẫn lung linh chiếu sáng. Lúc nào có được phút giây bình yên, thằng lấy áo rách ra vá lại, thằng quần sứt chỉ thì chầm khiếu cho lành. Trong rừng thăm thẳm có ai dòm ngó chê khen đâu mà sợ. Còn phụ nữ, một năm may ra gặp một đôi lần. Anh nào dẻo miệng nói được vài ba câu tiếng Cam cũng chọc ghẹo mấy chị em Khmer cho đỡ nhớ nhà. Không đi truy lùng giặc thì ngồi kể chuyện vợ con, cha mẹ, anh em cho nhau nghe. Anh hứng lên hứa, nếu còn sống trở về gả chị, gả em cho đồng đội. Rồi lại hành quân tìm thằng giặc cuối cùng đánh cho hả dạ. Có trận đánh từ sáng tới tối, cứ còn thằng Pốt nào lú ra ta cứ bắn. Mưa xối xả và khói đạn cũng mù trời tới khi được lệnh ném lựu đạn kết thúc dọn đường cho xe vào chở thương binh và đưa tử sĩ ra, lúc đó bụng ai cũng đói meo mới nhớ cả ngày chưa ăn gì cả. Trời mưa hứng nước mưa uống, hôm nào xáp vô trận anh nuôi không nấu cơm được cũng chịu thôi. Sống chín gì ăn cũng được. Mọi thứ ở chiến trường phải chấp nhận.
Ba má ở nhà xót xa không biết thằng Hai, thằng Ba, có khi là thằng Út nó có tránh được đạn pháo, mìn gài của bọn Pốt không? Tổ cha chúng nó hiếu chiến chi cho con tao vất vả. Thương con thì chửi đổng cho bớt lo chớ có biết gì đâu ngoài mặt trận. Khi có giấy từ chiến trường gởi về chỉ biết ngồi lặng lẽ rơi nước mắt cho vơi bớt nỗi buồn. Thương con quặn thắt lòng là vậy. Còn anh em, đồng đội nó hy sinh ngoài mặt trận chưa tìm thấy thi thể để đưa về an táng trên đất mẹ Việt Nam càng thương hơn có bỏ được đứa nào đâu.
Mặt trận cần, quân không thiếu một người. Trong đội hình cao thấp không thành vấn đề. Vác được khẩu súng lên vai, bắn được giặc là tốt rồi. Khi ngồi lại với nhau dưới ánh trăng bàng bạc, những họng súng “ngửi trời” mới đẹp làm sao! Hình ảnh đó đi vào những áng văn, trang thơ trên sách báo, là bức tranh hiện thực sinh động nhất. “Đâu ai nghĩ bên chiến hào năm ấy. Những chàng trai ôm súng ngắm trăng sao”.
Lần ấy, trời chạng vạng tối, trinh sát báo tin “sắp có đánh lớn”. Có anh trải qua chiến đấu đầy kinh nghiệm rồi thấy bình thường. Đơn vị tôi có đồng chí Út Em người Cà Mau vừa nhập ngũ mới qua tới đơn vị ngày hôm trước, nghe nói thế đã run. Tôi hiểu tâm trạng đó, rất thông cảm và thương Út Em, kiểu “Súng bắn chưa quen. Quân sự mươi bài…” thì làm sao không sợ:
– Em sợ lắm anh đi đâu cho em theo với!
Dù thương nhưng tôi vẫn nổi nóng mà không kềm lại được. Khi đồng chí hy sinh tôi ân hận mãi tới giờ. Tôi đã dặn:
– Có chết anh em mình chết tại đây. Chớ bây giờ em sợ quá bỏ chạy ra tuyến sau bọn Pốt nó phát hiện bắn cũng chết, còn liên luỵ tới các đồng chí khác nữa. Nghe súng nổ, hoảng hồn chạy trên mặt đất cũng chết. Chốt của đơn vị mình nằm hơi cao, bên dưới còn mấy chốt nữa. Nếu bọn Pốt chiếm giữ thì tất cả đều chết. Em cứ ngồi yên đây. Anh còn em còn!
Tôi nói cứng như thế đồng chí mới tạm lấy lại bình tĩnh. Hôm ấy, bọn Khmer Đỏ bắn suốt ngày nhưng không xung phong. Tới tối nó dừng, bộ đội ta thấy ngớt đợt pháo tranh thủ bò lên xem tình hình. Trước mặt là bãi đất bị đạn cài nát, cỏ cây ngã la liệt, không còn chút gì gọi là sự sống.
Cả đêm hôm sau anh em còn thao thức lo củng cố lại hầm hào, công sự. Đang vừa mệt vừa buồn ngủ, nghe Út Em báo tin “có địch vào”. Báo động một tiếng tất cả đã vào vị trí chiến đấu. Nhưng tôi linh cảm một điều khác lạ, nó khác với qui luật của bọn Pốt, nói anh em cứ để quan sát kỹ đã. Nếu bọn Pốt dám lẻn vô tới đây đúng là nó đã ăn gan trời rồi. Tôi ra lệnh cho tất cả nằm yên. Đợi một lúc không thấy động tĩnh gì. Sau rồi cứ thấy bóng đen tiến tới sát vị trí chỉ huy, phát hiện ra “mùi” của quân ta. Thì ra các đồng chí trên C bộ cả ngày nghe bọn Pốt bắn ác liệt quá chẳng biết quân ta như thế nào mà chẳng thấy báo cáo về. Thế là nóng ruột lên chốt kiểm tra tình hình. Nói thật hôm ấy, chỉ cần tay mỗi đồng chí nhạy cảm một chút thì đã xong hết rồi.
Khoảng 3, 4 giờ sáng, đơn vị được hỗ trợ thêm quân. Tôi và đồng chí Út Em quay về giữ hầm cánh trái, anh em hậu cần đưa đồ ăn lên khá nhiều. Thương các anh nuôi dù khó khăn vẫn bảo đảm cơm nóng cho anh em trên chốt. Điều này làm anh em giữ chốt thấy phấn chấn hơn. Vì tầm quan trọng của chốt tiền tiêu, anh em hạ quyết tâm giữ chốt đến cùng. Nhưng lính Pốt càng đánh nó càng có kinh nghiệm. Có thể đã quan sát và học được cách phòng thủ của quân ta. Nó cũng đào công sự cạnh hốc đá, gốc cây. Cũng bò sát vào công sự ta quăng lựu đạn. Đánh kiểu ăn miếng trả miếng, gần như là cận chiến. Lúc này cấp trên nhận thấy, đánh cấp tiểu đoàn, đại đội không còn phù hợp nữa. Thế là phải thay đổi chiến thuật. Bộ đội chỉ vận động trong công sự, cứ bắn xong chỗ này lại chạy chỗ khác không được ở một chỗ bắn liên tục địch phát hiện rất dễ chết.
Bọn Pốt được sự hậu thuẫn của nước ngoài, trang bị vũ khí, lương thực thực phẩm đầy đủ hơn ta nên chúng rất khoẻ, chiến đấu rất sung. Giữa lúc này, nghe một tiếng nổ rát bụp bên cạnh, tôi quay lại thấy đồng chí Út Em ngã xuống, nằm trên vũng máu không kịp nói một lời. Đồng chí ra đi trong vòng tay của đồng đội. Tôi vuốt mặt cho bao đồng chí chiến đấu cạnh mình đã hy sinh, nhưng tôi vẫn thương Út Em nhứt. Cứ sợ tôi bỏ rơi, nên làm gì, đi đâu cũng lẽo đẽo theo tôi suốt. Út Em đi nghĩa vụ thế anh trai đang học Đại học nên chưa chuẩn bị tinh thần. Đồng chí chậm chạp và còn khờ lắm. Bọn Pốt cũng có tay thiện xạ, một viên đạn vô giữa trán trỗ ra sau thì còn gì thằng nhỏ. Tôi còn đang bần thần về cái chết của Út Em thì anh em báo tin đồng chí Đảm bị thương. Đảm với tôi đi bộ đội cùng ngày, về cùng đơn vị qua Cam cùng chuyến. Nói chung đã hỗ trợ, chia lửa cho nhau qua rất nhiều trận đánh. Tôi với đồng chí Đảm là đôi bạn chiến đấu. Lần này đồng chí bị thương tôi như mất đi cánh tay phải của mình. Bọn địch đánh chọc sườn ai yểm trợ cho tôi đây? Cầu mong vết thương đồng chí Đảm chỉ nhẹ thôi. Tôi kịp giao thi thể Út Em cho các đồng chí vận tải xong, chạy lại xem tình hình đồng chí Đảm như thế nào. Xem ra đồng chí bị thương khá nặng, đưa ngay về quân y điều trị. Có chuyến bay có thể đưa đồng chí Đảm về nước. Sau này đồng chí được ra quân với thương tật hạng 2 .
Anh Định là đại đội trưởng của tôi, quê Bình Đại – Bến Tre, đi bộ đội từ năm mười sáu tuổi. Anh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhất trong đơn vị. Anh đã phán đoán được trận đánh, thấy tình hình chỗ hào số một không an toàn nữa đã ra lệnh anh em di chuyển về hào số hai. Tôi thắc mắc: Tại sao bỏ hào số một? Nhưng vẫn chấp hành. Ngoài chiến trường phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất. Vì đồng chí ấy chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên.
Sau khi đơn vị chuyển sang hào số hai, bắt đầu cối 60 ly, cối 82 của bọn Pốt dập vào hào số một tới tấp. Bấy giờ tôi mới hiểu ý đồ chiến thuật của chỉ huy đại đội. Ta bắt đầu tấn công địch bằng hoả lực, địch trúng đạn vài thằng bỏ mạng, ta bỏ công sự dàn hàng ngang tiến lên truy kích chúng bằng AK, cối 60 ly thấy cả chục thằng tiếp tục ngã xuống. Sau đó ta được lệnh quay lại nhảy xuống tuyến hào số một tránh đạn. Bọn Pốt cũng không vừa chúng nã pháo vào đội hình của ta. Bộ đội rút vào hầm trốn. Trận chiến nào cũng có thương vong.
Hôm sau anh Định đi giao ban về nhắc “anh em cố gắng canh gác cẩn thận, không được bắn nhiều hao đạn, khi nào xung phong ta tính”. Tính anh Định ít nói, lúc nào cũng cẩn thận, lo cho anh em trong đơn vị như những đứa em của mình. Có nhiều đêm đang ngủ giật mình thức giấc thấy anh đi ém mùng cho lính mà thương lắm. Nhưng mình là đàn ông không biểu hiện cảm xúc ra ngoài như mấy chị em phụ nữ. Mỗi lần anh em bị thương hay tử trận anh cứ ngồi thừ ra, mặt đanh lại. Thế là biết ngày mai vào trận bằng mọi giá đơn vị phải tiêu diệt ít nhất vài thằng Pốt trả thù cho đồng đội.
Tôi nhớ dạo ấy gần tết, đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các đoàn xe tải qua tại chốt ở cua chữ U – suối Đá. Anh Liêm đại đội phó của chúng tôi, lúc nào cũng thể hiện, ra vẻ ta đây là chỉ huy. Lính cấp dưới bất mãn nhiều. May nhờ có anh Định đả thông tư tưởng, anh em mới bỏ qua.
Cứ nhắc tới tết dù không ai nói ra nhưng ai cũng mong, tâm lý mà. Hồi còn nhỏ ở nhà thì mong được mặc áo mới, nhận lì xì, được đốt pháo cúng ông bà. Còn ở chiến trường yên được lúc nào mừng lúc đó. Thực ra, chỉ ước có được điếu thuốc hút cho đỡ thèm là mừng lắm rồi. Lúc đó, lệnh tiểu đoàn cử lính đại đội tôi khoảng hai mươi đồng chí ra trung đoàn để nhận nhu yếu phẩm mang về cho bộ đội. Vào buổi chiều giáp tết, anh em đang chuẩn bị các thứ thì tiếng súng nổ lớn kéo dài. Biết anh em ta bị bọn Pốt phục kích và tấn công rồi. Việc này do chỉ huy không lường trước được tình huống bất ngờ mà hai mươi đồng chí chết một cách oan uổng chỉ cách vài ngày nữa thôi đã đón được cái tết cổ truyền ở chiến trường. Anh Liêm sẵn việc này, lấy cớ lính hy sinh nhiều phê bình anh Định rất gay gắt mà anh không nghĩ nếu mọi việc suôn sẻ anh cũng được hưởng phần trong đó. Anh Định trong tâm trạng đau buồn, không tranh cãi với Liêm, lệnh cho số còn lại của đơn vị tôi cơ động đi tiếp ứng, anh em cắt rừng mà đi tránh đường phục kích, gài mìn của bọn Pốt.
Đến nơi, anh em tập trung gom xác đồng đội đưa về nghĩa trang chôn cất. Mỗi ngày hình như nghĩa trang đã chật thêm. Có nhiều mộ chôn cạn vì bên dưới có lớp đá nên bị thú rừng mò tới moi lên ăn. Thấy cảnh đó thương đồng đội mình vô kể nhưng không biết phải làm sao. Phần nhu yếu phẩm anh em mang về đã bị bọn Pốt lấy sạch. Đó là một cái tết rất buồn dù cấp trên có cho đơn vị con heo về ăn.
Tôi lúc đó được phân công làm bê trưởng, đánh trận không sợ thằng nào, được cái cao to khoẻ mạnh, được anh Định tin tưởng nhưng tính tôi không nghĩ được sâu xa như anh Định. Một lần đi lạc trong rừng suýt chút bỏ mạng, nhớ suốt đời. Nghe tiếng gà gáy tôi rủ đồng chí Mến đi cùng. Men theo lòng suối, đi theo tiếng gà thì phát hiện có cả gà mẹ, gà con kêu chiêm chiếp nữa. Định bụng bắt sống đem về nên không bắn. Vào mùa khô lòng suối cạn, bỗng dưng có một luồng không khí lạnh và đám sương mù kéo tới hai đứa không còn xác định được đường nên cứ đi mà nhìn hoài không thấy cầu, không thấy chốt của mình đâu. Tôi bắt đầu đâm lo nói đồng chí Mến quay lại. Đồng chí lại bướng cứ đòi đi tới, tôi buộc lòng nói: “Ở đây tao là bê trưởng mầy phải nghe theo”. Cuối cùng, đồng chí Mến cũng nghe và quay lại cùng tôi.
Về tới chốt gặp anh Định. Nhìn thấy tôi và Mến mắt anh trừng như có lửa: “Tại sao đồng chí là bê trưởng toàn rủ lính đi lung tung vậy hả? Lỡ không may gặp bọn Pốt nó bắn rồi làm sao”. Anh nói xong rồi bỏ đi. Tôi biết có vấn đề rồi, thế nào anh cũng gọi lên cho hai đứa một trận. Dù biết lỗi nhưng tôi chưa biết giải thích như thế nào cho thủ trưởng hiểu.
Đồng chí Danh, chiến sĩ liên lạc đại đội tìm gặp tôi nói anh Định cho gọi tôi lên gặp anh tại hầm chỉ huy đại đội. Tôi vừa tới, anh nghiêm giọng nói luôn: “Hồi nãy trước mặt lính đồng chí tôi không nói. Những gì tôi nói rất có ích cho đồng chí sau này. Bớt tính ham chơi đi. Đây là chiến trường, là mặt trận, ta không có thời gian tiêu khiển. Trong rừng Pursat này đồng chí cố gắng lắng nghe. Cố gắng phấn đấu trở thành chỉ huy giỏi, lính bớt đổ máu”.
Thường thì anh hay mầy – tao với lính cho thân mật. Bữa nay, thấy anh nói nghiêm túc tôi càng lo, càng nghe tôi càng thấy thấm thía lời anh nói và rút ra bài học cho mình. Ở môi trường nào mình cũng phải tuân thủ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật của cấp trên. Có vậy mình mới trưởng thành và làm gương cho cấp dưới.
Ngay hôm ấy, anh Định đã kể cho tôi nghe rất nhiều về hoàn cảnh gia đình anh. Từ cậu bé mồ côi cha, vừa chăn trâu cho nhà giàu vừa đi học để biết chữ cho đến khi đi bộ đội. Nhờ đức tính khiêm tốn, chịu khó học hỏi, biết phấn đấu, lại gan dạ, nhất biết lắng nghe lời góp ý của đồng đội anh mới được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ giữ chốt tiền tiêu này.
Tôi ý thức được những điều anh dạy bảo, khắc phục những cái thiếu sót của mình. Chỉ tiếc rằng, tôi và đồng đội không bao giờ còn gặp lại anh nữa. Trận đánh tàn khốc mười bảy ngày đêm hầm chỉ huy của anh trúng đạn cối 12ly7 của bọn Pốt khi cuộc chiến sắp kết thúc. Chúng tôi không ai bảo ai, tập trung toàn bộ các loại súng đang có 12ly7, tiểu liên RBK, RBD, B40, B41… dốc toàn lực san bằng bọn Pốt trả thù cho đồng đội mình trong đó có đồng chí Định đại đội trưởng đáng kính của chúng tôi.
5/10/2023
Cao Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...