Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Lạc giữa cõi đời

Lạc giữa cõi đời

Lão Quang nắm tay dắt lão Sáng lặng lẽ bước ra đường đón xe đến điểm hẹn với nhóm bạn. Hai lão ngẫm nghĩ, thời nay có thể một số thầy cô chỉ cần quà mà không cần thăm hỏi nhưng cô giáo già của các lão thì chắc chắn vẫn cần thăm hỏi chứ không cần nhận quà. Và cuốn “nhật ký trọn đời” sẽ được cô giáo viết tiếp những dòng tươi mới nhất. Nghĩ vậy nên hai lão lấy lại tự tin, mạnh dạn vui vẻ như hai cậu học trò lên đường đi chúc mừng cô giáo cũ.
Mặc dù lão Quang đã nhận quyết định nghỉ hưu và chia tay với nhà trường nhưng quán tính, thói quen công việc vẫn chưa kịp dừng trong lão. Cứ vào lúc bình minh, khi tiếng chuông nhà thờ vọng đến như những nốt nhạc thánh thiện là lão bật dậy để chuẩn bị đến trường. Sực nhớ ra mình đã nghỉ hưu, thế là lão lại ngồi bần thần. Gần 40 năm đi dạy học rồi làm hiệu trưởng, mọi thứ đã thành nếp, thành quy trình sống nên đâu phải cứ nghỉ hưu là quên ngay được.
Sáng nay lão Quang dậy sớm hơn cả tiếng chuông nhà thờ. Đêm qua lão lại khó ngủ. Lão trông cho trời mau sáng. Khí hậu mùa này ở thành phố biển thật dễ chịu nên vợ lão không phải nhắc lão mặc thêm áo khoác. Từ ngày nghỉ hưu, cái cặp da quen thuộc của lão nằm im lìm trên kệ sách. Mấy bộ đồ Tây cũng không mấy khi đụng đến. Lão đã quen với quần cộc áo thun để trông cháu cho tiện. Bây giờ đàn cháu xúm xít là niềm vui lớn nhất của lão. Và lão cũng nhận ra, tuy cuộc sống vẫn luôn có những thứ để ta vui nhưng cái vui này không thay thế được cái vui khác.
Con gái biết lão dậy sớm để chuẩn bị đi họp lớp nên vừa chế biến mấy món ăn sáng vừa ca cẩm bàn lùi:
– Ba ạ, ba và các bạn của ba đều lớn tuổi cả rồi, cũng nên hạn chế đi lại. Bây giờ ra đường nguy hiểm lắm. Có gì thật quan trọng mới phải tụ họp. Còn lễ lạt bình thường thì bạn bè cứ gặp nhau trên phây, trên mạng là được rồi. Mà con thấy người ta họp lớp cũng phải là lớp từ cấp 3 trở lên mới có ý nghĩa. Ai lại đi lập cái hội “cựu học trò vỡ lòng” như thế.
Lão Quang nghĩ, con gái không đồng tình cũng phải, vì có những chuyện xưa lớp trẻ bây giờ làm sao mà hiểu được. Lão nhẹ nhàng phân trần với con gái:
– Ba hiểu mà. Con thấy đấy, có biết bao nhiêu hội này hội nọ mời mọc mà ba có tham gia hội nào đâu. Còn cái hội này thực ra là một nhóm vô cùng đặc biệt. Ba là nhà giáo mà không biết “tôn sư trọng đạo” thì xấu hổ lắm. Ngồi ở nhà không tham gia ba càng bứt rứt khó chịu hơn con ạ.
– Ba à, con thấy mọi thứ đang khác đi rất nhanh. Hình như cái suy nghĩ về “tôn sư trọng đạo” đã khác trước nhiều lắm. Thế hệ của ba cũng nên suy nghĩ cho thoáng thì mới nhẹ lòng được.
Lão Quang thở dài:
– Có khi con nói đúng. Nhiều lúc ba cũng có cảm giác xã hội càng thay đổi thì người ta càng dễ lạc nhau giữa cuộc đời. Sống trong xã hội mà mọi người cùng đi lạc thì lại ngỡ đó là xã hội văn minh.
Con gái lão tiếp tục dạy khôn:
– Lại còn hội này hội kia nữa. Ba mà cứ nể nang là bị rủ rê rồi chẳng còn sức mà theo. Hưu rồi, đừng nên vướng bận vào những gì vô bổ ba ạ.
Nói đi rồi nghĩ lại, lão Quang thật đáng được thông cảm. Nếu lão ham hố nể nang thì làm sao mà thoát khỏi bao nhiêu loại hội đang bủa vây. Tính sơ cũng đến vài chục cái hội, mà hội nào cũng ý nghĩa, cũng quan trọng cả. Chỉ riêng mấy cái hội cơ bản như hội cựu học sinh, hội cựu sinh viên, hội cựu giáo chức, hội cựu cán bộ quản lý, hội đồng hương, hội người cao tuổi… và cả hội những người chưa quen về hưu nữa cũng đủ ngộp thở. Nói chung là lão thuộc dạng có ý chí, tự giác cai các loại hội. Lão chỉ theo đuổi một cái hội độc nhất vô nhị, đó là hội “Cựu học sinh vỡ lòng khoá 1”.  Ừ thì nghĩ cũng phải, nếu lão cứ dứt khoát “nói không” với mọi loại hội thì có mà thành kẻ lạc loài.
Lão Quang nhớ lại, cách đây mấy năm, vào một sáng Chủ nhật, khi lão đang ngồi nhâm nhi li trà trước hiên thì bỗng có một bà lão bước vào. Bà lão có mái tóc bạc phơ nhưng dáng đi còn khá nhanh nhẹn. Sững lại vài giây, mắt bà lão như sáng lên khi nhìn thấy lão Quang. Bất giác lão Quang cũng thoáng nhìn bà lão rồi đứng bật dậy, thảng thốt:
– Ôi cô Thanh! Có phải cô Thanh đây không?!
– Trời ơi! Đúng là thằng Quang rồi! Đúng rồi! Bà lão reo lên. Hai cô trò ôm chầm lấy nhau. Cô Thanh hết xoa đầu lại nắn vai lão Quang cứ y như người mẹ lâu ngày gặp lại đứa con trai bé bỏng. Mắt cô rưng rưng, miệng cô mắng yêu: “Tổ cha mi, răng mà mất mặt lâu rứa”! Thật không ngờ sau bao năm trời ròng rã mới gặp lại mà chỉ cần một thoáng là cô trò đã nhận ra nhau. Câu chuyện của hai cô trò cứ thế bùng lên. Lão Quang quên cả việc mời cô vào nhà.
Mấy phút sau, một người đàn ông trung niên từ ngoài ngõ bước vào:
– Em chào bác Quang. Hôm nay đi tìm bác lại không ngờ may mắn đến vậy. Theo địa chỉ là vào đúng nhà bác ngay.
Lão Quang đang ngơ ngác thì cô giáo già liền giới thiệu:
– À, cô quên mất, đây là thằng Điền, con trai của cô. Sắp xếp mãi hôm nay em nó mới đưa cô đi tìm được em đấy.
Lão Quang quay sang bắt tay Điền:
– Anh cảm ơn chú Điền nhiều lắm!
– Dạ, em phải cảm ơn bác chứ. Mấy tháng nay lúc nào mẹ em cũng hối thúc phải đưa mẹ đi tìm bằng được các bác… “lớp vỡ lòng khoá 1”. Thấy mẹ và bác gặp được nhau thế này em cũng vui lắm ạ.
Thật hiếm khi có cuộc trùng phùng bất ngờ và xúc động đến vậy. Một cô giáo già lặn lội đi tìm những đứa học sinh lớp vỡ lòng đầu tiên trong cuộc đời nhà giáo của mình. Nhớ lại, vào năm 1965, 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ bắt đầu diễn ra trên miền Bắc. Những khu làng dọc tuyến đường Quốc lộ số 8 ở Hà Tĩnh đều phải sơ tán. Làng tản cư hình thành. Cậu bé Quang trở thành một học sinh lớp vỡ lòng đầu tiên của cô giáo Thanh. Gọi là cô giáo nhưng thực ra khi đó cô Thanh mới 17 tuổi, vừa học hết Cấp 2 và được xã phân công dạy lớp vỡ lòng của làng tản cư.
Cô giáo già từ từ lấy trong túi xách ra một cuốn sổ màu nâu, cũ kỹ. Cô vừa chậm rãi lật từng trang vừa nói:
– Em còn nhớ hết các bạn trong lớp vỡ lòng ngày ấy không? Có mười tám bạn cả thảy. Quang bé nhất lớp nhưng lại đánh vần rất nhanh. Chỉ mỗi tội khi viết âm “trờ” toàn quên mất chữ “rờ”. Cái họ “Trần” mà cứ thành ra họ “Tần”.
Lão Quang xúc động vì không ngờ những chi tiết nhỏ bé như thế mà chừng đó năm rồi cô giáo vẫn còn nhớ y nguyên. Cô giáo trầm ngâm nói tiếp:
– Mười tám đứa. Đi bộ đội bốn đứa thì hai đứa thương binh, hai đứa liệt sỹ. Năm rồi lại mất thêm hai đứa nữa, một đứa tai nạn, một đứa ung thư. Hiện ở quê còn ba đứa. Mấy tỉnh trong đây vậy mà có đến sáu đứa…
– Trời ơi! Sao cô nắm được đầy đủ vậy ạ?
Lão Quang bất ngờ thốt lên. Cô giáo đưa cuốn sổ cho lão:
– Em xem cuốn sổ này đi.
Thì ra đó là cuốn sổ ghi chép về lớp vỡ lòng đầu tiên của cô giáo Thanh. Phần theo dõi học sinh, mỗi trò cô giáo dành cho bốn trang. Ngoài mấy dòng sơ lược lý lịch thì chủ yếu là ghi chép về những gì đáng chú ý nhất của từng trò. Sau khi trò học xong vỡ lòng, cô vẫn tiếp tục bổ sung. Lật từng trang sổ thấy đủ các màu mực. Những dòng ghi bằng thứ mực xanh đen nét chữ vẫn còn như mới. Các trang có màu mực xanh lá cây thì đã nhợt nhạt. Loè nhoè nhất là những chỗ viết bằng mực đỏ mực tím. Lão Quang lần mở đến trang ghi chép về mình, phần cuối có mấy dòng: “9/1978, nghe tin em đậu đại học sư phạm, cô mừng lắm”. “11/1982, biết em đã vào miền Nam công tác. Biết bao giờ mới gặp lại em”. Lướt qua từng trang, lão Quang như được trở về với các bạn xưa. Lật mở đến trang thuộc về trò Chu Văn Hạ, lão Quang giật mình khi đọc dòng chữ màu đỏ, nét chữ run run: “Em Hạ đã từ trần ngày 29 tháng 3 năm 2017 vì căn bệnh ung thư phổi”.
Lão Quang quá ngỡ ngàng xúc động. Cả đời lão theo đuổi nghề dạy học, cũng từng được học sinh, phụ huynh ca ngợi về sự tận tâm, hết lòng yêu quý học trò. Vậy mà giờ đây, khi đọc cuốn sổ “ghi chép trọn đời” lão bỗng cảm thấy mình thật kém cỏi và hổ thẹn với cô giáo cũ. Lão Quang bày tỏ:
– Thưa cô, em vô cùng biết ơn cô nhưng em cũng xấu hổ với cô lắm ạ. Cô giáo già thế này rồi mà vẫn quyết đi tìm trò, lại còn cuốn “nhật ký trọn đời” này nữa… Thưa cô, hôm nay em lại được học ở cô thêm một bài học đặc biệt đấy ạ.
Cô giáo già cười vui vẻ:
– Thôi đi anh, sao mà phải văn vẻ thế? Cô lặn lội tìm anh không phải để nghe anh nói vậy đâu. Anh thành đạt hơn các bạn trong lớp, cô vẫn luôn tự hào về anh mà. Bây giờ cô giao cho anh nhiệm vụ mới đây.
– Dạ, em sẵn sàng ạ!
– Quang ạ, cô cũng đã chuyển vào Long Thành ở với con cháu rồi. Em cố gắng liên lạc với sáu bạn ở loanh quanh ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước nhé. Anh em liên lạc động viên nhau. Em và cậu Sáng vậy là ổn. Mấy đứa kia nghe nói đang vất vả, thương lắm. Già rồi tinh thần cũng rất quan trọng em ạ.
– Dạ vâng! Có địa chỉ cô cho đây rồi, em sẽ liên lạc với các bạn ngay ạ. Quý hoá lắm cô ạ. Chúng em sẽ làm được.
Sau một tuần lão Quang hết “a lô”, nhí nhoáy nhắn tin rồi chạy đi chạy lại thì cũng đã có được cuộc gặp gỡ của sáu người bạn cũ thuở học cùng lớp vỡ lòng. Các lão nhìn thấy mặt nhau là vui mừng vì biết chắc còn sống. Một lão cao hứng vỗ ngực nói: đây sẽ là nhóm “sáu người đi khắp thế gian”. Thế rồi các lão cứ nhí nhố mày tao chi tớ, chẳng cần biết ai giàu ai nghèo, ai từng làm đến chức gì. Nhóm bạn quy định hàng năm cứ đúng sáng ngày 19/11 gặp mặt tại nhà cô giáo Thanh để cùng chúc mừng cô và cũng chúc mừng nhau luôn thể. Mỗi lần gặp gỡ như vậy là cả sáu lão lại như được “cải lão hoàn đồng” ríu rít kể hết kỷ niệm này đến kỷ niệm khác. Có lúc cãi nhau, ai cũng cho mình mới là người nhớ chính xác nhất. Cô giáo Thanh đành phải làm trọng tài phân xử. Có lão bị cô cốc đầu, nhéo tai mà vẫn cười sung sướng.
Một lần lão Sáng “đá xéo” chuyện lão Tuân, tuổi thì nhiều nhất lớp mà học cả năm cũng chẳng đọc được chữ nào. Chỉ giỏi xung phong làm phấn cho cô viết bảng. Khổ cái là phấn của Tuân sản xuất bằng đất thó trắng lấy ngoài bờ sông, nhìn đẹp mà cứng như đá cô giáo không tài nào viết được. Lão Tuân cay cú chơi lại lão Sáng: “Tao không đọc được thì tao không đọc. Thế thôi. Còn hơn cái thằng không biết mà vẫn cố đọc bậy. Trong sách vẽ cái ghế đẩu và một bên in chữ “ghế” rõ ràng thế mà dám đánh vần là “gờ ê ghê sắc… đẩu”. Cả nhóm cùng cười lăn.
Cô giáo già giống như người chị người mẹ. Các lão thì giống như những người anh em sau bao năm lưu lạc đã tìm được nhau. Dường như chỉ khi nào được tụ tập bù khú trong nhóm vỡ lòng đó thì các lão mới thực sự quên đi cuộc sống bon chen phức tạp để trở về thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong sáng. Một thế giới cách ly miễn nhiễm với đủ thứ thói đời đen bạc.
Riêng lão Quang lại có một trí nhớ hơi khác với các bạn. Lão kể còn nhớ như in, những lần tiếng kẻng báo động có máy bay địch vang lên, cô giáo Thanh cho trò xuống hầm xong liền ôm khẩu súng trường K44 nhảy lên miệng hầm quan sát, sẵn sàng chiến đấu. Tuy bé nhất lớp mà Quang cứ chen ra cửa hầm để được nhìn thấy hình ảnh cô mặc áo bà ba nâu, giương súng bắn máy bay địch. Khi đó Quang có cảm giác cô giáo như chàng Thạch Sanh chuẩn bị bắn rơi đại bàng.
Năm nay, sắp đến ngày 20/11, đúng hẹn với nhóm bạn vỡ lòng, lão Quang ghé qua nhà lão Sáng để cùng đi chúc mừng cô giáo cũ. Vừa đến ngoài sân nhà lão Sáng đã nghe tiếng cãi nhau oang oang. Lão Sáng nhìn thấy lão Quang đang lấp ló như gặp được đồng minh. Chưa kịp chào nhau, lão Sáng đã tuôn một tràng:
– Đây rồi, có bác Quang là nhà giáo, mời bác vô đây, đề nghị bác cho ý kiến luôn. Con với cái, bày dạy mà chẳng chịu nghe…
Chưa hiểu chuyện gì nhưng lão Quang cũng đưa đẩy:
– Chuyện chi mà cha con ông vui rứa? Còn bắt tui phát biểu nữa chứ.
Ông Sáng bức xúc:
– Tôn sư trọng đạo. Tui nhắc con gái là ngày Nhà giáo Việt Nam thì phải biết thể hiện tình cảm tri ân với những thầy cô dạy con mình. Bày cho mà nó không chịu nghe, bực hết sức ông ạ.
Nghe vậy lão Quang biết là chuyện liên quan đến thầy cô giáo nên hỏi lại:
– Chuyện là răng? Ông nói rõ tui nghe.
Lúc đó cô con gái của lão Sáng từ trong phòng đi ra nói:
– Ba cháu bắt cháu phải dẫn thằng Ken và con Bống đến tận nhà từng cô giáo để chúc mừng và cảm ơn. Bác ạ, thời nay đâu cần phải làm như thế.
Nghe vậy lão Sáng càng gay gắt:
– Đấy! Nó nói thế ông nghe được không? Ai đời chúc mừng cô giáo dạy con mình mà nó gửi tiền chuyển khoản.
Quá ngạc nhiên, lão Quang phải “thể hiện chính kiến”:
– Cháu làm vậy là không hay tí nào cả. Chuyển khoản tiền chúc mừng cho thầy cô thì còn ý nghĩa gì nữa. Ba cháu nói đúng đấy.
Con gái lão Sáng cãi lại:
– Cháu xin lỗi. Đúng là suy nghĩ của bác cũng chẳng khác gì ba cháu. Năm nay cháu chuyển khoản là do rút kinh nghiệm từ năm ngoái đấy ạ.
– Kinh nghiệm gì cháu? Lão Quang buột miệng.
Con gái lão Sáng thanh minh:
– Năm ngoái tính ra cháu phải tặng quà cho 6 cô giáo. Mỗi cô một lẵng hoa và một phong bì 5 trăm ngàn đồng, tổng cộng cũng đến 6 triệu. Đi lại vất vả còn suýt bị tai nạn nữa đấy.
Nghe vậy lão Sáng lại nổi nóng:
– Quà tặng không bằng cách tặng. Mày tặng quà theo kiểu chuyển khoản thì đó là hình thức nộp tiền trả tiền. Làm vậy các cô buồn lắm thôi con ơi!
Cô con gái bỗng cười giòn tan:
– Ba lại nhầm rồi. Con gọi điện xin số tài khoản, các cô đều vui vẻ cho ngay. Bây giờ thầy cô sống thật thà và hiện đại lắm, không phải như ngày xưa đâu. Năm nay tổng cũng là 6 triệu nhưng đỡ mua hoa lãng phí, đỡ phải đi lại. Có hai cô nhắn tin cảm ơn rồi đó. Buồn hay vui là do số tiền nhiều hay ít thôi. Bây giờ không có chuyện thăm hỏi suông đâu ạ.
Ngay lúc đó điện thoại lại kêu tinh tinh. Cô con gái cười tươi hơn:
– Đây này, cô chủ nhiệm con Bống cũng vừa nhắn tin cảm ơn. Để con đọc cho ba với bác Quang nghe luôn ạ.
– Thôi khỏi. Lão Sáng phẩy tay.
Hai lão bạn già bỗng dưng có cảm giác thiếu tự tin, nhìn nhau nghi ngại. Hay là hai lão già lẩn thẩn nên đã bị tụt hậu thất lạc với thời cuộc thật rồi? Thời buổi online, số hoá, mọi thứ đều thay đổi chóng mặt. Đúng là kéo nhau đến tận nhà rồi xếp hàng chờ đến lượt vào thăm hỏi tặng quà thầy cô giáo cũng có những cái phiền hà bất tiện thật. Mọi thứ đều quy đổi ra tiền rồi chuyển qua tài khoản, nhanh chóng tiện lợi đủ đường và quan trọng là cả đôi bên cùng vui vẻ. Một thời đại mới, một thế giới mới không có chỗ cho lối suy nghĩ của người già đã mở ra. Mọi tư tưởng, mọi giá trị đều có thể bị lỗi thời. Và cái “date” lạnh lùng như một quy luật sẽ không trừ một ai, không bỏ qua một thế hệ nào.
Lão Quang vỗ vai bạn:
– “Hậu sinh khả uý” mà, mai mốt cả xã hội số hoá, không dùng tiền mặt… có khi con gái ông lại là người tiên phong đi trước thời đại. Chúng ta tuổi càng già thì càng dễ mắc lỗi với thời đại ông ạ.
Lão Quang nắm tay dắt lão Sáng lặng lẽ bước ra đường đón xe đến điểm hẹn với nhóm bạn. Hai lão ngẫm nghĩ, thời nay có thể một số thầy cô chỉ cần quà mà không cần thăm hỏi nhưng cô giáo già của các lão thì chắc chắn vẫn cần thăm hỏi chứ không cần nhận quà. Và cuốn “nhật ký trọn đời” sẽ được cô giáo viết tiếp những dòng tươi mới nhất. Nghĩ vậy nên hai lão lấy lại tự tin, mạnh dạn vui vẻ như hai cậu học trò lên đường đi chúc mừng cô giáo cũ.
Bất cứ ai, bất cứ thế hệ nào cũng có thể đi lạc trong sự định hướng rực rỡ. Phải chăng cái đạo lý “tôn sư trọng đạo” đã sắp hết thời hay là thế hệ thầy trò của các lão đã trở thành những người đang đi lạc giữa cõi đời văn minh hiện đại?.
15/11/2023
Trần Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...