Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Tây Ban Nha - Hành trình không ngôn ngữ 2

Tây Ban Nha - Hành trình
không ngôn ngữ 2

Mùa đi
Quảng trường plaza del pilar
Thái gửi cho tôi hình ảnh một chiếc Audi 4 sang chảnh.
– Em đang đặt đi con xe này, hy vọng còn chỗ.
– Em có cần chơi sang thế không? Đến chỗ chị thôi chứ có đi gặp tổng thống đâu.
– Rẻ mà chị, có 12 euro thôi. Bằng vé xe buýt thậm chí còn rẻ hơn ấy chứ.
Tôi ngẩn tò te khi nghe Thái nói đến giá.
– Nó là dịch vụ xe gì mà rẻ thế hả em?
– Bla-Bla-Car
– Nghe vui tai thế!
Đó là lần đầu tiên tôi biết đến BlaBlaCar [6] khi cậu em xuống Zaragoza chơi. Từ đó đi đâu tôi cũng dùng BlaBlaCar.
– Chị ơi em thuê được xe khác rồi. 6 giờ chiều em bắt đầu đi từ đây, khoảng 9 giờ tối sẽ tới nơi chị nhé.
– Vậy để chị nhắn cho Sang đón em qua đó ngủ. Sáng mai chị em mình gặp nhau.
– Vâng, khi nào tới nơi em sẽ nhắn cho chị.
– Hai thằng tự tìm nhau nhé, đường xá đừng hỏi chị. Mà nhớ mua đồ chị dặn đấy.
– Em mua rồi, nước mắm, bánh đa nem, miến, mộc nhĩ. Em xếp vào ba lô cả rồi. Em thèm món đó lắm làm sao mà quên được.
Đây là lần đầu tiên tôi mời bạn bè đến nhà ăn cơm. Sinh viên Việt gặp nhau chỉ mong thấy hương vị của quê hương. Không quá khó để làm một mâm cơm Việt bình thường, nếu chịu khó mày mò tìm mua gia vị và thực phẩm ở hệ thống cửa hàng Trung Quốc còn làm được nhiều món hơn. Viết xong vài thứ cần mua tôi xách túi đi siêu thị trước khi trời đổ mưa xuống.
Sáng hôm sau, xuất hiện trước mặt tôi là một thằng bé cao gầy, cười toe toét để lộ hai chiếc răng khểnh. Đằng sau là một ông cụ non không nói không cười.
- Ôi hai cậu em mặt trăng - mặt trời của tôi. Mời vào nhà.
- Mình làm nem rán chứ chị?
- Ừ, mưa gió thế này ở nhà nấu nướng cho ấm cúng.
Chúng tôi nấu, bày biện thật đẹp mắt, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Buổi tối có món cá biển hấp gừng và salad rau củ. Đêm trời vẫn mưa không dứt nhưng ngày hôm sau tự nhiên nắng đẹp. Thái nhắn tin cho tôi từ rất sớm.
“Chị ơi!!! Nắng rồi. Dậy chuẩn bị đi chơi thôi.”
Tôi dẫn hai cậu em đi lại con đường mình đã khám phá ra lần trước. Chúng tôi đi lên con đường lớn rồi qua cầu sang bờ bên kia của sông Ebro và quay về hướng nhà thờ Basílica de Nuestra Señora del Pilar.
Thái nhí nhảnh, tung tăng chạy hết chỗ này đến chỗ kia chụp ảnh. Lâu rồi tôi mới phải cầm máy ảnh bấm lia lịa như thế này. Zaragoza hôm nay đúng là đẹp thật, đẹp đến tinh khôi. Mưa như rửa trôi tất cả để cho màu nắng trong và bầu trời xanh một màu thanh khiết. Bức ảnh nào cũng đẹp như tranh. Trong khi Sang trầm tư không nói gì, lủi thủi đi một mình. Thỉnh thoảng tôi quay máy bấm một cái, mặt anh chàng ngây đơ ra như muốn tỏ thái độ bất hợp tác.
Đến quảng trường Plaza del Pilar, khắp nơi rộn ràng tiếng nhạc, tiếng người cười nói, tiếng trẻ con chơi đùa. Đối diện nhà thờ là những cửa hàng ăn, quán cà phê, quán bánh mì, quán kem, shop bán đồ lưu niệm, thời trang,… Ngày cuối tuần nên đông nghịt người.
“Ở đây đông vui, nhộn nhịp và đẹp hơn Alcalá của em chị ạ. Em thích nơi này quá. Mọi người thích ăn gì không? Ở kia có quán kem kìa. Mình vào đó đi.” Không đợi ai trả lời, Thái đi thẳng đến cái bàn cạnh cửa sổ và ngồi sẵn ở đấy. Lần đầu tiên tôi vào quán ở Zaragoza. Tôi chưa đủ tự tin với khả năng tiếng Tây Ban Nha của mình để đi ra ngoài gọi món ăn trừ việc đi siêu thị và đi chợ mua thực phẩm. Tôi cũng không phải tín đồ của hàng quán.
“Quán kem Dino, một cửa hàng kem Ý, mở từ năm 1978.” Thái đọc vài thông tin giới thiệu về quán cho chúng tôi. Nhìn tôi và Sang lúc này như nhà quê ra tỉnh. Tôi gọi một ly Copa clásica, Sang chọn Sorbetes còn Thái thích Helados de yogur.
– Cuối tháng Ba có kỳ nghỉ lễ Semana Santa7 mọi người có định đi đâu không ạ? Thái quay sang hỏi tôi khi cốc kem đã vơi đi một nửa.
– Em có gợi ý gì hay không? Hay chị đến chỗ em chơi?
– Chỗ em chỉ một hai ngày là hết. Em đang định sang Đức thăm bác em. Chị đi cùng em sang đó đi.
Tôi gật đầu lia lịa, mắt hấp háy liên tục, mừng đến độ không cất được thành lời. Rồi cả tôi và Thái quay mặt nhìn “người Việt trầm lặng” và hỏi.
– Sang?
– Chưa biết.
Sang trả lời gọn lỏn một câu rồi lại cắm mặt vào ly kem ăn ngon lành như chưa bao giờ được ăn như thế. Nhìn lầm lì vậy thôi nhưng Sang tốt bụng, rất quan tâm giúp đỡ mọi người. Tôi đã quen với sự im lặng “thần thánh” này và không hề cảm thấy khó chịu khi đi bên cạnh Sang dù không nói chuyện gì. Hoặc do mỗi lần thằng bé mở miệng ra tính chuyện làm giàu ở xứ bò tót là tôi chặn họng: “Lo học hành tử tế đi. Học xong làm gì thì làm.”
Có lẽ một phần vì thế mà giờ cậu em không còn gì để nói. Tôi và Thái lại quay ra thao thao bất tuyệt bàn kế hoạch cho chuyến đi.
“Mình quyết định như thế chị nhé. Sắp đến giờ em phải về rồi. Em muốn đi dạo thêm một vòng quanh đây.”
Chúng tôi ra quảng trường và đi vào con đường cổ Alfonso. 5 giờ chiều Thái lên xe về Alcalá. Tôi và Sang đi ra phía bờ sông để về nhà.
“Chị nhớ gửi ảnh cho em đấy. Xem có đẹp không.” Sang bất chợt nói.
Tôi quay ngoắt người lại trợn tròn mắt nhìn Sang rồi cười không ngậm được miệng. Cậu em cũng đang tủm tỉm nhưng có chút xấu hổ.
Chú thích:
[6] Dịch vụ đi xe chung đường dài lớn nhất trên thế giới, một địa chỉ kết nối lái xe và hành khách sẵn sàng đi “du lịch” cùng nhau giữa các thành phố và chia sẻ chi phí cuộc hành trình đó. Hệ thống này có hơn 600 nhân viên và hơn 35 triệu thành viên trên 22 quốc gia. Do Frédéric Mazzella sáng lập vào năm 2003.
[7] Lễ Phục Sinh, một trong những lễ hội lớn nhất ở Tây Ban Nha. Sinh viên sẽ được nghỉ 1-2 tuần.
Ngược dòng ngôn ngữ
Ay, ay, ay, canta y no llores
Porque cantando se alegran
Cielito lindo los corazones”.
(Hãy hát lên đi và đừng khóc bởi vì khi hát,
thiên đường nhỏ xinh ơi, trái tim ta lại tràn đầy hạnh phúc).
Cô Marta thông báo chúng tôi sẽ được nghỉ mười ngày. Ai cũng háo hức và rậm rịch lên kế hoạch cho kỳ nghỉ dài đầu tiên này, nhất là đám sinh viên Việt Nam. Đây là dịp cho mọi người bứt mình ra khỏi lớp học nhỏ bé của Marta để khám phá Tây Ban Nha, khám phá châu Âu. Vận dụng những gì học được để trải nghiệm cuộc sống. Sang vẫn giữ im lặng. Dương cũng chưa xác định sẽ đi hướng nào. Có lẽ tôi là người rời khỏi thành phố này đầu tiên. Đây là chuyến đi du lịch đúng nghĩa nhất từ khi tôi bắt đầu ở Zaragoza. Thái tìm cho tôi một chiếc xe trên BlaBlaCar với giá 12 euro. Để đảm bảo tôi sẽ không bị lạc đi đâu, cậu em còn dụ dỗ được lái xe đến tận cửa nhà đón tôi và dặn anh ta thả tôi ở chỗ nào. Việc duy nhất tôi phải làm là lên xe và xuống xe. Tôi rời khỏi Zaragoza lúc 8 giờ sáng, mặt trời vẫn chưa kịp lên và thành phố vẫn còn thưa thớt người. Anh chàng lái xe khá trẻ và lịch thiệp. Anh nói phải đón một cô gái nữa. Xe chúng tôi có ba người. Đó là lần đầu tiên tôi bắt đầu bi bô chút tiếng Tây Ban Nha học được với những người bản xứ xa lạ. Lần đầu tiên tôi không học tiếng Tây Ban Nha mà sống với tiếng Tây Ban Nha. Lồng ngực tôi như lại được bơm đầy sức sống. Tôi nhìn cảnh vật bên ngoài qua cửa kính ô tô với một trái tim tràn ngập niềm tin yêu. Gần 3 tháng tôi mới nhìn lại con đường này, mọi thứ như đang bắt đầu hồi sinh trở lại.
Người lái xe thả tôi xuống đoạn đường đối diện siêu thị Carrefour: “Hola Alcalá!”
Tôi ngơ ngáo nhìn mọi thứ xung quanh và bật ra câu chào tiếng Tây Ban Nha. Hình như có vài người qua đường nghe thấy nên họ ngoái lại nhìn tôi, người tò mò, người thích thú, kẻ nghi ngờ,… Tôi mặc chân váy dài chấm gót màu xanh dương đậm, bên trong là chiếc áo ba lỗ hoa hồng đỏ, khoác bên ngoài một chiếc áo cardigan cùng màu với váy, tóc dài để xù, bên cạnh là chiếc va li kéo màu đỏ và đeo trên vai một chiếc ba lô màu nâu nhạt. Tôi nghĩ hôm nay mình khá phong cách và tạo được điểm nhấn cho mình ở thành phố này.
Tôi ngồi trên một bệ đá chờ Thái ra đón. Mọi thứ ở đây có vẻ êm ả, bình dị như một vùng tỉnh lẻ, khiêm tốn nép mình bên cạnh Madrid sầm uất và bề thế. Bên kia đường vài người già từ siêu thị bước ra, khoan thai đẩy túi đồ. Thỉnh thoảng có anh chàng mặc đồ công sở, tay xách cặp đi ngang qua mặt tôi. Ai mà ngờ được rằng ở đây đang lưu giữ một kho tàng di sản mang tầm quốc gia và thế giới, trong đó có cả ngôn ngữ mà tôi đang học. Tiếng Thái hỏi với từ xa.
– Chị, đợi em có lâu không?
– Không, tầm 5 phút thôi.
– Đưa đồ đây em cầm cho nào. Giờ mình đi bộ khoảng 10 phút nữa.
Những căn hộ màu đỏ gạch xếp liền nhau, một vài căn bên dưới là hàng quán và trên có thể là nhà ở.
– Đến chỗ em rồi. Mình lên tầng ba bằng thang máy.
Thái vừa nói vừa lễ mễ xách va li đi lên cầu thang tầng một. Cửa thang máy được sơn màu xanh bắt mắt. Thỉnh thoảng nó giật nhẹ một cái và có tiếng kêu ken két như muốn phân trần với khách: Các bạn biết đấy, tôi đã già rồi!
So với căn hộ hiện đại của tôi ở Zaragoza, đây là một trải nghiệm thú vị vì tôi là con bé thích những gì là cũ là cổ, thích nhìn những lớp bụi thời gian và những dấu vết của năm tháng in hằn trên đồ vật.
Nhà Thái là một sự kết hợp cổ điển và cũ. Phòng khách rất đẹp, thiết kế theo kiểu vintage, đồ đạc hoàn toàn làm bằng gỗ từ bàn ghế cho đến tủ rượu, kệ sách, cộng thêm một bộ salon màu đỏ mận nằm bên cạnh cửa sổ. Bên tay phải cửa phòng khách là ba phòng cá nhân. Phòng của Thái ở cuối cùng, đơn điệu, nhỏ chỉ đủ chiếc giường một, tủ quần áo và bàn học. Vẫn là một căn phòng đậm chất nam sinh dù ở Việt Nam hay châu Âu cũng không có gì khác biệt mấy. Một khung cửa sổ nhìn sang những căn hộ khác. Nhà bếp và nhà tắm là những gì đơn sơ nhất có thể.
Alcalá có một ngày nắng đẹp. Tên đầy đủ của nó là Alcalá de Henares, có nghĩa là pháo đài trên sông Henares, nằm cách thành phố Madrid hơn 30 ki lô mét về phía đông bắc, thuộc Cộng đồng tự trị Madrid.
Vào năm 1499, một sự kiện đặc biệt đã làm thay đổi tiến trình lịch sử cả thành phố trên sông Henares. Đức Hồng Y Jimenez de Cisneros quyết định thành lập trường Đại học Complutense, biến nơi đây trở thành một tổ chức quan trọng trong nền văn hóa của thời kỳ Phục Hưng. Alcalá là thành phố đầu tiên được thiết kế và xây dựng theo mô hình lấy trường đại học làm trung tâm. Đây cũng là mảnh đất đầu tiên cho ý tưởng Civitas Dei – Thành phố Thiên Chúa, mang ý nghĩa như một cộng đồng đô thị lý tưởng cho các nhà truyền giáo Tây Ban Nha. Hai mô hình này sau đó đã lan rộng khắp châu Âu, châu Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Theo lệnh của Hoàng gia, vào năm 1836, trường đại học này được chuyển đến Madrid và lấy tên là Đại học Văn Học, rồi Đại học Trung tâm Madrid. Cái tên Complutense được phục hồi lại vào những năm 1970.
Tại Alcalá phải đến năm 1977, ngôi trường mới được thành lập lại dưới tên gọi Đại học Alcalá de Henares sau đó được rút ngắn thành Đại học Alcalá vào năm 1996. Đây là trường đại học công lập cổ thứ hai tại Tây Ban Nha (chỉ đứng sau đại học Salamanca) và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1998.
Đặc biệt, sự phát triển của tiếng Tây Ban Nha có mối liên hệ mật thiết với vùng đất Alcalá. Sự kiện này gợi cho tôi ý tưởng làm một chuyến phiêu lưu ngược dòng về quá khứ để tìm cội nguồn ngôn ngữ Tây Ban Nha. Hãy bắt đầu từ đây, nơi đánh dấu những tiến bộ vượt bậc về ngôn ngữ học, nơi gắn với tên tuổi của người học trò vĩ đại Miguel de Cervantes và kiệt tác Don Quixote. Tác phẩm lớn nhất bằng tiếng Tây Ban Nha từng được viết và được coi như tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu. Đôi khi người ta gọi ngôn ngữ Tây Ban Nha là La Lengua de Cervantes – ngôn ngữ của Cervantes.
Ngày nay khi đến Alcalá, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều địa danh gắn với tên tuổi nhà văn lỗi lạc Miguel de Cervantes như nơi sinh của ông, nằm ở số 48 đường Mayor, phía ngoài cổng có hai bức tượng tạc anh chàng hiệp sĩ Don Quixote và người hầu Sancho Panza. Bên trong căn nhà vẫn còn lưu giữ những đồ nội thất từ thế kỷ XVI-XVII, đây là nơi tác giả đã trải qua thời kỳ thơ ấu của mình. Quảng trường Cervantes, từng là nơi buôn bán nhộn nhịp và cũng là đấu trường bò tót sôi động. Ở trung tâm của quảng trường có khắc bức tượng Cervantes. Ông được coi là một trong những biểu tượng quan trọng cho vùng đất này. Ngay cạnh đấy là nhà thờ cổ Santa María, nơi ông được rửa tội.
Trường đại học Alcalá vinh dự trở thành nơi trao Giải thưởng Văn học Cervantes danh giá cho các tác giả viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Giải thưởng này được đề cử bởi Viện Ngôn ngữ của các nước nói tiếng Tây Ban Nha và do Bộ Văn hóa Tây Ban Nha trao tặng.
Cách đây hơn 135 ki lô mét là thị trấn cổ Ávila, nơi sinh của các tác giả trong dòng văn học thần bí như Thánh Santa Teresa de Jesús và Thánh San Juan de la Cruz. Không khó để nhận ra trong những bức tường của thành phố, nhà thờ, cung điện hay những địa điểm mang dấu tích liên quan đến cuộc sống và công việc của hai vị thánh này như tu viện La Encarnación, tu viện San José và tu viện Santa Teresa. Tác phẩm của họ được xem là những tuyệt tác, đỉnh cao của văn học thần bí Tây Ban Nha giai đoạn thế kỷ XVI và vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Đi tiếp hơn 100 ki lô mét nữa là Salamanca. Đại học Salamanca dành vị trí “quán quân” về tuổi thọ với hơn 800 năm tồn tại, là ngôi trường lâu đời nhất Tây Ban Nha và là một trong ba ngôi trường cổ nhất châu Âu. Đây là nơi Antonio de Nebrija viết cuốn Ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha đầu tiên, đặt nền tảng và tiêu chuẩn cho những ghi chép về ngữ pháp hiện đại Tây Ban Nha tiếp theo.
Khi Antonio de Nebrija dâng cuốn sách lên Nữ hoàng Isabella I của Castilla, bà đã thắc mắc.
“Ta vốn đã biết ngôn ngữ đó rồi. Tại sao ta phải cần một tác phẩm như thế này?”
Ông đã nhấn mạnh rằng, tiếng Hy Lạp và tiếng Latin được chi phối bởi nghệ thuật nên đã giữ được sự thống nhất qua nhiều thế kỷ. Và nhiệm vụ cấp thiết của ông là chuyển ngôn ngữ Castilla (một cách gọi khác của ngôn ngữ Tây Ban Nha) thành một công cụ mà từ nay về sau bất cứ điều gì được viết bằng ngôn ngữ này cũng sẽ đạt đến một quy chuẩn và tồn tại lâu bền. Lợi ích cuối cùng hoàng gia có được khi vận dụng ngữ pháp của ông chính là danh tiếng của vương triều. Ngữ pháp của ông sẽ là phương tiện hiệu quả để truyền đạt ngôn ngữ Castilla đến những vùng đất mới nơi mà triều đình sẽ đặt ách thống trị.
Đại học Salamanca cũng trở thành một trung tâm văn hóa lớn với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng và là nơi có những giáo sư danh tiếng giảng dạy như Luis de León, Galindo Beatriz de Cano Melchor, Francisco de Vitoria và Miguel de Unamuno. Giảng đường của Luis de León vẫn được giữ nguyên qua nhiều thế kỷ.
Bạn có thể tìm thấy dấu ấn văn học xuất hiện trên các đường phố và đài kỷ niệm của Salamanca, gương mặt các nhà văn ở quảng trường Plaza Mayor, con bò đá bên cạnh cây cầu La Mã trong cuốn tiểu thuyết El Lazarillo de Tormes và các nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm La Celestina tại khu vườn Huerto de Calixto y Melibea.
Cách Salamanca 114 ki lô mét là Valladolid, thành phố này đã từng là thủ đô của Tây Ban Nha từ năm 1601-1606. Đây cũng là giai đoạn bối cảnh hoạt động văn hóa diễn ra mãnh liệt và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự lan rộng của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Trường đại học Valladolid là nơi đã đạt những thành công lớn trong trong việc xây dựng mô hình cho ngôn ngữ nói đến trình độ cao. Nhà thơ lãng mạn José Zorrilla được sinh ra tại chính Thành phố Valladolid này. Ngôi nhà của ông được hội đồng thành phố Valladolid mua lại và tu sửa thành bảo tàng để tưởng niệm nhà thơ. Hay tuyến đường Heretic, một tuyến đường duy nhất bao gồm các địa điểm trong thành phố Valladolid được đề cập trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Miguel Delibes The Heretic.
Trong bảo tàng của nước Anh, người ta lưu giữ một bản thảo thuộc nửa sau của thế kỷ X, những ký tự trong bản thảo được cho là một trong những ký tự đầu tiên của tiếng Tây Ban Nha (Las Glosas Silenses - những ghi chép giải thích một văn bản Latin). Bản thảo này được tìm thấy ở tu viện Santo Domingo de Silos, nằm ở phía đông bắc tỉnh Burgos, cách Valladolid khoảng 130 ki lô mét. Tu viện ở đây là một ví dụ điển hình cho nghệ thuật La Mã với những đầu cột được trang trí vô cùng tinh tế.
Và điểm cuối cùng, nơi được cho là khởi đầu của ngôn ngữ Tây Ban Nha cách Santo Domingo de Silos khoảng 110 ki lô mét, ngôi làng San Millán de la Cogolla, ở La Rioja. Trong các tu viện San Millan Yuso và San Millan Suso, người ta tìm thấy bản thảo thuộc cuối thế kỷ IX hoặc thế kỷ X. Nằm ở giữa các dòng hoặc bên lề của một văn bản latin, chứa những từ tương tự ngôn ngữ Romance mà sau này phát triển thành tiếng Tây Ban Nha. Những phần chú thích, hay Glosas Emilianenses, được cho là những từ đầu tiên của tiếng Tây Ban Nha.
Thư viện của tu viện Yuso cũng là một trong những thư viện quan trọng nhất ở Tây Ban Nha không chỉ vì số lượng tài liệu mà còn vì tuổi tác và giá trị lịch sử để lại. Thư viện này đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 1997. San Millán cũng là nơi Gonzalo de Berceo, nhà thơ đầu tiên đã viết những vần thơ của mình bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha.
Tôi nghĩ mình vừa khám phá ra một con đường ngôn ngữ rất thú vị. Nó không chỉ gắn liền với lịch sử phát triển ngôn ngữ Tây Ban Nha mà còn gắn với những địa danh nổi tiếng đã trở thành di sản của nhân loại.
Con đường Santiago của Sang
Có nhiều con đường để đến được nhà thờ Santiago de Compostela, nơi chôn cất Thánh James, Sang chọn tuyến đường nhiều người đi nhất, nó dài 780 ki lô mét. Đây không phải là hành trình nguy hiểm nhất nhưng nó buộc bạn phải đi bộ, đi bộ và đi bộ hết ngày này đến ngày khác, từ bình minh cho đến khi trời tối, thậm chí phải đi trong đêm hoặc ngủ ngoài trời. Nó thử thách kẻ dấn thân về sức khỏe, về lòng kiên trì và còn những điều thẳm sâu bên trong mà chỉ những ai trải nghiệm mới thực sự có thể thấy được. Chính vì giá trị tâm linh này mà Santiago de Compostela đã được vinh danh là con đường hành trình văn hóa của châu Âu. Mỗi năm có hàng ngàn người đến đây để thực hiện chuyến phiêu lưu trên con đường cuộc sống, thiêng liêng và lịch sử mang tên Santiago de Compostela.
Tôi nghĩ đây là một hành trình quá sức với một người chưa đi du lịch bao giờ như Sang. Tôi cảm thấy lo lắng và hỏi han cậu em đủ thứ:
– Vậy em đã chuẩn bị gì cho chuyến đi rồi? Chỗ ăn? Chỗ ở?
– Chỗ ở trên đường đi. Chỗ ăn có hàng quán bên đường và em cũng mang theo đồ ăn dự trữ. Cung đường em đi cũng thuộc cung đường chính từ Pháp đến Santiago de Compostela nên sẽ có nhiều hàng quán và người đi lại.
– Mang đủ đồ dùng cá nhân và thuốc thang em nhé. Mang thêm cái lều nữa, nhỡ không tìm được nhà trọ còn có nơi mà trú.
– Chị yên tâm, em tìm hiểu cả rồi.
Cuối cùng tôi chọn cái icon có hình con mèo và dòng chữ Yes phía trên, trông rất vui vẻ và đầy phấn khích để động viên Sang. Ít nhất một lần trong đời, cậu ấy đã dám từ bỏ thói quen sống, xa rời những hào nhoáng của đèn điện phố phường để đi trên con đường hành hương hoang sơ, đẩy mình vào giữa thiên nhiên hùng vĩ để kiếm tìm thiêng liêng, kiếm tìm bản ngã qua những thử thách cam go và cảm nghiệm riêng tư.
Ngày 22 tháng Ba, em bắt xe buýt từ Zaragoza đến Pamplona, trong lòng không tránh khỏi cảm giác vừa phấn chấn lại vừa lo sợ, trên lưng là chiếc ba lô nặng khoảng 10 ki lô gam. Đến nơi, em mua một giấy xác nhận cho người hành hương (credencial del peregrino). Hành trình của em bắt đầu từ đây.
Đi qua bức tường gió từ Pamplona đến Puente la Reina
Nhiệt độ ngoài trời khoảng 5 độ C và không có nắng. 9 giờ, em tạm biệt anh chủ trọ và lên đường. Anh ấy tặng em một cái vỏ sò có vẽ hình thánh giá.
Con đường đi xuyên qua Pamplona với những dấu hiệu liên tục cách nhau 1 mét, sau đó các dấu hiệu thưa dần, nhưng vẫn đủ để hướng dẫn cho người đi đường. Em đi qua những cánh đồng cỏ xanh bằng phẳng, rồi những con dốc bắt đầu xuất hiện. Đường dốc đá sỏi nối tiếp, có đoạn dốc với độ rộng chỉ nửa mét và một dòng nước nhỏ chảy ở giữa. Càng lên cao, gió thổi càng mạnh hơn. Những cơn gió như muốn hất văng em lên trời.
Cuối cùng em cũng chinh phục được ngọn núi dốc đá sỏi và chụp một bức ảnh trên đỉnh Alto del Perdón. Những bức tượng người hành hương đi bộ hoặc cưỡi ngựa được Vicente Galbete tạc nên từ những tấm sắt vào năm 1996 đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ và vĩnh cửu, tôn vinh những người dám dấn thân trên con đường Santiago de Compostela. Trên một con ngựa sắt còn khắc dòng chữ:
DONDE SE CRUZA
EL CAMINO DEL VIENTO
CON EL DE LAS ESTRELLAS [8]
Gặp gỡ những người bạn đồng hành
Chặng đường từ Puente đến Estella với 22 ki lô mét nhẹ nhàng hơn với những con dốc thoải, đường rộng và ít gió, lại pha thêm chút nắng. Vùng Estella thân thương với nhiều nhà thờ cổ được người dân bảo tồn rất tốt. Em đã tham dự thánh lễ tại một trong những nhà thờ ở đây.
Rời khỏi nhà thờ, em rảo bước nhanh về nhà trọ. Một khung cảnh thật đông vui với tiếng cười nói rôm rả của những người đồng hành trên con đường Santiago de Compostela. Họ như một gia đình, cùng ngồi chung một bàn dài, chia sẻ thức ăn và những câu chuyện.
Một anh bạn Tây Ban Nha với khuôn mặt tươi cười thân thiện hỏi thăm em. Đây là lần thứ tám anh chàng này đi hành hương. Anh ấy giới thiệu cho em món queso và tortilla tựa như món trứng chiên của dân Việt Nam, vì nó chỉ có thành phần duy nhất là trứng.
Thử thách cam go trong cơn mưa
6 giờ sáng, em đã dậy. Dường như theo hành trình này càng ngày em càng nghiêm túc giờ giấc và chuẩn bị kỹ càng hơn cho bản thân. Những ngày đầu em còn lơ ngơ với dấu hiệu chỉ đường, đến hôm nay, con mắt và cái đầu em có vẻ nhạy bén hơn.
Trước khi khởi hành, mọi người không quên chúc nhau câu chúc quen thuộc “Buen Camino!” – “Một hành trình may mắn!”. Chặng đường từ Estella đến Los Arcos dễ đi với đường rộng và ít dốc hơn. Los Arcos bắt đầu mang hơi hướng hiện đại với những quán bar nhỏ ở vỉa hè dành cho dân du lịch, nhưng không vì thế mà mất đi nét cổ kính bởi nhà thờ được xây với kiến trúc cầu kỳ, lạ mắt.
Nhưng rồi em quyết định đi tiếp đến Logroño. Một cơn mưa xuất hiện và bắt đầu nặng hạt. Em cố gắng bước nhanh trong cơn mưa và cơn mệt mỏi bắt đầu xuất hiện trong người. Cơn khát cũng đi theo cùng nó.
Lên núi, xuống núi, lên đồi, xuống đồi, đi từ đầu làng đến cuối làng, đi xuyên qua làng. Cơn mưa đã tạnh dần nhưng cơ thể càng ngày càng mệt với những cơn đau vai, đau hông chỗ xương chậu, đau chân, những thứ này như đang bào mòn tinh thần của em.
Chặng đường đã đi được hai phần ba, ban đầu nghĩ rằng tổng hai chặng đường là 40 ki lô mét, nhưng lúc này nghĩ lại, đó là gần 50 ki lô mét. Ối trời, em đã tính nhầm mà bây giờ còn cách Logroño 11 ki lô mét nữa. Em cảm thấy nhụt chí.
Cả người em đang đau nhức, hai bên hông chỗ xương chậu càng đau hơn vì đeo ba lô quá lâu. Lúc này, em cảm giác như không còn sức. Thành phố Logroño ngày càng gần trước mắt em kia rồi. Nghĩ rằng bình thường 4 ki lô mét không là gì, nhưng sao hôm nay nó dường như rất xa vời. Em vừa đi vừa nghĩ đến ngày mai, cảm giác mệt mỏi lúc này làm em sợ hãi cho cuộc hành trình tiếp theo. Thế rồi Logroño cũng ở ngay trước mắt.
Từ Nájera bình lặng đến Santo Domingo de la Calzada ồn ào
Thật may mắn vì chặng đường tiếp theo đến Nájera cũng khá dễ đi với vài con dốc cao vừa. 29 ki lô mét hôm nay, em đã hoàn thành khi đồng hồ điểm đến 3 giờ 30 chiều. Trời chiều tại Nájera thật đẹp. Em phơi mình trong cái nắng ấm áp sau khi tắm xong, ngắm nhìn đường phố và con sông bình yên trước mặt.
Từ Nájera đến Santo Domingo de la Calzada xuất hiện khí lạnh từ những ngọn núi tuyết phía xa xa. Mỗi vùng em đi qua đều có nét thú vị khác nhau, vùng Santo Domingo này thu hút khá nhiều du khách. Một hội chợ đông vui đang diễn ra ở đây với những gian hàng đồ ăn và trò chơi hấp dẫn.
Một nơi cũng rộng lớn nhưng chỉ có một nhà thờ. Ngoài ra còn các khu nhà, tu viện cổ lưu lại dấu tích xưa nhưng những tòa nhà mới và sự hiện đại cũng đang dần lấn át nơi đây.
Kết thúc hành trình ở San Juan de Ortega
Thời tiết đúng là đẹp, nhưng chặng đường từ Santo Domingo de la Calzada đến Belorado thì em và những người đồng hành phải đối mặt với những cơn gió khủng khiếp. Chúng nối tiếp nhau không ngừng, có những lúc em bước đi không nổi. Cây gậy đi đường có ích biết bao, nó giúp em leo núi, xuống đồi và trợ lực những bước đi trong cơn gió kinh hồn.
Em quyết định đi tiếp thêm một chặng nữa đến San Juan de Ortega. Nhưng khi còn cách đích đến khoảng 15 ki lô mét, ngọn núi lớn trước mặt bắt em phải leo hơn 2 ki lô mét và đi giữa khu rừng thông bạt ngàn với độ dài 10 ki lô mét. Một mình em bước đi trong cơn mưa lất phất trên con đường rộng và dài thênh thang không thấy điểm dừng. Nhưng rồi cứ đi một mình không ngừng như thế khiến em có cảm giác lạc lõng, cô đơn.
Ngôi làng nhỏ San Juan de Ortega cuối cùng cũng xuất hiện, đơn sơ chỉ có một nhà thờ, một quán ăn duy nhất, một nhà trọ duy nhất và một vài nhà dân. Ngân hàng, chợ, cửa hàng nhu yếu phẩm, tất cả không có lấy một tiệm. Người dân cần thức ăn phải đi xa 20 ki lô mét ra khỏi vùng rừng này.
Rồi cơn mưa kèm cái lạnh run người đến khi trời chập choạng tối, ngồi trong căn nhà trọ cũ với những di tích thời xưa để lại, em chợt nhìn xuống chân mình, ngón áp út đã sưng rộp và có máu bên trong, nếu đi tiếp sẽ nguy hiểm. Sau vài phút, em quyết định phải trở về Zaragoza trong ngày hôm sau. Thật lòng em không nỡ bỏ cuộc giữa chừng nhưng em cũng hiểu rằng hành trình đi bộ này không phải là một cuộc dạo chơi.
181 ki lô mét trong sáu ngày, em đã trải qua cả mưa gió, nóng lạnh; lên núi xuống đồi; băng qua rừng núi, cánh đồng, làng mạc; gặp gỡ rồi chia tay. Con đường Santiago de Compostela đã làm thay đổi con người em.
Tôi đã sợ và không tin Sang có thể thực hiện được nhưng cậu ấy đã thành công dù không đi trọn cả chặng đường. Đôi khi bạn không cần phải là ai đó từng trải hay được trang bị điều gì cả. Bạn chỉ cần đứng dậy và bước đi với trái tim khát khao được nhìn thế giới rộng mở ngoài kia. Cuộc sống trải nghiệm sẽ tự dạy chúng ta phải làm gì và sống ra sao để thích nghi tốt nhất.
Ai đi con đường Santiago de Compostela này cũng sẽ gặp không ít thử thách nhưng với con mắt của một kẻ phiêu lưu, niềm tin vào những dấu hiệu tốt lành và trái tim chân thành lắng nghe tất cả, cuối cùng sẽ hiểu được thứ ngôn ngữ không lời mà thiêng liêng nhất từ vũ trụ.
Hành trình của Sang.
Chú thích:
[8] Tạm dịch: Nơi vượt qua / Con đường của gió / Với những vì sao
Phía xa là khu làng nhỏ với những con dốc và Puente de Reina ở đằng sau những con dốc ấy.
Gửi gắm tương lai
Bữa tiệc cuối cùng tại nhà randy.
Lớp học của cô Marta trở lại nhưng mang một luồng sinh khí mới cũng như tiết trời và cảnh vật tháng Tư đang dệt may áo mới trên những cụm mây bồng. Sự sống đang nảy mầm trên những nhánh cây khô và lá héo, chúm chím lộc non, hoa cười rúc rích chen nhau kín cả cành. Sao mà tôi thấy thành phố này đẹp thế, đẹp như cô gái tuổi xuân thì. Thấy bài hát “Tháng Tư về” sao cũng hợp với trời tây!
Ai cũng rạng rỡ hơn, tự tin hơn, nhanh nhẹn hơn, nhạy bén hơn sau một kỳ nghỉ và những chuyến đi. Có lẽ đây cũng là điều cô Marta mong mỏi nhất. Ánh mắt cô reo vui khi nhìn chúng tôi trở về từ nơi này nơi kia, gặp người này người nọ quanh đất nước Tây Ban Nha.
Tôi thấy hai người thay đổi nhiều nhất là Sang và Randy. Randy đen đi nhiều nhưng béo hơn, nhìn sương gió bụi trần hơn. Còn Sang, xem nào, đây là người tôi mong được nhìn thấy sự thay đổi nhiều hơn cả. Dáng người vẫn vậy, không béo cũng không gầy đi bao nhiêu. Nhưng khuôn mặt cậu ấy đã khác đi rất nhiều, không còn vương những suy tư trên đó nữa, đôi mắt không phớt lờ nhìn cuộc đời nữa, giờ nó rạng rỡ và như biết nói biết cười. Cái miệng không còn làm thinh trên khuôn mặt mà lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Cậu ấy nói về chuyến đi, về những người bạn đã gặp, về những vùng đất mới dự định sẽ đến.
– Trước đây em lo sợ đủ điều.
– Giờ thì sao?
– Giờ em không sợ gì nữa, chuyện gì đến sẽ đến, nhìn mọi thứ thật giản đơn như những gì nó có. Đó là món quà kỳ diệu mà con đường Santiago de Compostela đã mang đến cho em.
Tôi cũng muốn chuyển sang một căn nhà mới để thay đổi không khí và muốn tìm ai đó có thể giúp tôi luyện tiếng Tây Ban Nha mỗi ngày. Tôi rất quý Ser và Will, nhưng lại không thể nói chuyện được nhiều vì giữa chúng tôi khác nhau nhiều thứ về phong cách sống, giờ giấc và giới tính. Ser mới 24 tuổi, nhưng là người đàn ông chững chạc, tự lập và sống tình cảm. Tối đó, Ser mang về nhà một chiếc bánh ngọt của hãng Lalmolda, tiệm bánh nơi cậu làm thêm. Chiếc bánh cho khẩu phần một người nhưng Ser chia cho tôi một nửa. Trông cậu ấy mệt mỏi và lo lắng.
– Có chuyện gì xảy ra với cậu à, Ser?
– Việc học ở trường, việc đi làm. Hôm nay tôi chỉ mệt vì có nhiều thứ phải làm thôi.
Nói xong Ser lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa sổ tối om trong nhà bếp. Cậu ấy đang theo học chuyên ngành kinh tế ở trường Đại học Zaragoza. Một ngày của cậu luôn được lấp đầy bởi lịch học buổi chiều, lịch làm thêm buổi tối và lịch chơi buổi đêm, sáng là thời gian dành cho giấc ngủ. Ser đẹp trai, dáng người cao cân đối, đạt chuẩn của một người mẫu, mái tóc đen bồng bềnh, đôi mắt ướt lúc nào cũng mơ màng như muốn hút hồn người đối diện, một khuôn mặt đẹp từ mọi góc nhìn.
Ser cũng là một người gọn gàng sạch sẽ và sống có trách nhiệm. Cậu ấy luôn muốn căn nhà bóng loáng không một hạt bụi vì thế trong tủ bếp lúc nào cũng có đầy đủ các loại nước rửa với từng loại rẻ lau chùi. Màu xanh lá lau bếp, màu vàng lau kính với nước, màu xám để lau khô bếp và màu hồng để lau khô kính. Nhiều lúc tôi loạn các màu là mặt cậu ấy xị ra.
18 tuổi Ser đã rời khỏi gia đình và đến sống tự lập ở Zaragoza. Căn hộ này đứng tên cậu ấy thuê, Ser cần đảm bảo các phòng đủ người nếu không sẽ phải bỏ tiền túi ra bù. Tôi chuyển đi cần có người khác thay vào. Ser hiểu nỗi cô đơn và sự ngột ngạt của tôi ở đây. Cậu ấy không nói nhiều nhưng biết quan sát và tinh tế trong việc nhận biết cảm xúc của người khác. Vùng đất Zaragoza đã là quê hương và cũng có thể là miền đất hứa trong tương lai cho cậu ấy. Có lẽ Ser sẽ định cư và phát triển sự nghiệp của mình ở đây sau khi ra trường. Với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, tính tình cởi mở và quảng giao cậu ấy sẽ tìm thấy thành công ở nơi này.
Cả căn nhà yên ắng, Will vẫn chưa về chỉ có hai chúng tôi ngồi ăn bánh trong lặng lẽ. Chiếc bánh được phủ bên trên một lớp kem màu trắng với một bông hoa hồng phấn và một trái cherry đỏ tươi đính bên cạnh. Ser nhường cho tôi phần có cả hoa, cherry và cố ý cắt sao cho lớp kem phía trên ngả về phần tôi nhiều hơn.
Đầu tháng Năm, tôi chuyển đến căn hộ mới, ở cùng với một cặp đôi trên tầng ba, đường Antonio Sangenis. Phòng của tôi là phòng đôi, rộng với đủ các loại tủ: tủ quần áo, tủ sách, tủ đầu giường kèm một chiếc đèn ngủ xinh xinh. Cô chủ nhà còn chuẩn bị sẵn chăn gối, đệm mới phủ ga với nền trắng điểm xuyết những cành hoa nhỏ li ti màu xanh dương. Cứ như cô ấy đọc được sở thích của tôi vậy. Đặc biệt là chiếc bàn dài đặt cạnh cửa sổ lớn choán hết một bên tường phía đường lớn, nơi những tán cây đùa giỡn với gió cả ngày. Tôi có cảm giác như mình đang ở cánh rừng nào đó mỗi khi nhìn ra ngoài khung cửa sổ ấy, nhất là vào những ngày trời mưa. Tôi yêu căn phòng vintage tràn ngập ánh sáng này. Tôi cũng yêu luôn cả giá của nó, 160 euro/tháng và đường đến trường cũng chỉ còn khoảng 1 ki lô mét.
Cô gái tên là Sonia và anh người yêu tên Farid, họ đều là dân lao động nhập cư. Họa hoằn lắm tôi mới gặp Farid ở nhà vì anh đi làm suốt, có khi làm cả ca đêm và nếu có gặp cũng chỉ chào hỏi xã giao. Anh cũng không tự nhiên lắm khi gặp tôi, chắc sợ tôi ngại hoặc do anh ngại. Họ muốn tìm một cô gái để Sonia có người bầu bạn vì cô rất nhiều thời gian rảnh ở nhà. May quá tôi đã tìm đúng chỗ, đúng người để có thể luyện nói tiếng Tây Ban Nha.

Sonia đến từ một vùng đất nghèo ở Honduras, tên chính thức là Cộng hòa Honduras, một đất nước tôi chưa nghe tên bao giờ khiến cô ấy phải mở bàn đồ và chỉ cho tôi xem. Quốc gia này thuộc Trung Mỹ, nằm tiếp giáp với Guatemala và Nicaragua, tôi định vị được nó nhờ hai tên nước phía sau. Trong chuyến đi cuối cùng tìm kiếm “Thế giới mới” Christopher Columbus đã tới bờ biển Honduras năm 1502 và sau đó Tây Ban Nha đã cai trị đất nước này gần ba thế kỷ. Người ta nói rằng khi người Tây Ban Nha tới Honduras, thành phố Copán ở đây đã hóa rừng già.
Sonia không phải học tiếng khi tới đây vì ngôn ngữ chính thức của Honduras là tiếng Tây Ban Nha. Cả Will và Ser cũng vậy. Họ chỉ khác nơi chốn chứ họ không khác biệt ngôn ngữ như tôi. Tây Ban Nha vẫn là nơi cho họ tìm kiếm tương lai dễ dàng hơn nhờ những hệ quả trong quá khứ thuộc địa.
Ngoài ấn tượng với căn phòng, tôi khoái chí nhận ra Sonia là một cô gái hay nói, dễ gần và dễ bắt chuyện nhất cái thành phố này, thích trang điểm và chụp ảnh selfie. Cô ấy mới 23 tuổi thôi mà, hơn nữa lại đang yêu nên tâm hồn lúc nào cũng hát ca và trái tim sẽ trao yêu thương cho tất tần tật mọi thứ trên đời. Thật may mắn cho tôi có mặt vào đúng thời điểm tuyệt vời này để phần nào đó phục vụ cho mục đích cá nhân của mình, ấy là giữa tháng Năm chúng tôi có kỳ thi hết khóa học và tôi cần một môi trường tốt để học tập. Kiếm đâu ra chỗ nào thiên thời – địa lợi – nhân hòa hơn chỗ này, tôi cười thầm trong bụng sung sướng cho sự may mắn lại một lần nữa mỉm cười với mình.
Sonia đang làm bảo mẫu cho các gia đình có con nhỏ ở quanh thành phố Zaragoza nhưng cô chỉ làm vào buổi sáng. Vì thế cả buổi chiều tôi có thể thoải mái trò chuyện với cô ấy, nhất là những giờ cả hai cùng nấu ăn trong bếp. Chúng tôi trao đổi ngôn ngữ với nhau, cô ấy nói muốn biết một chút tiếng Anh vì nó rất quan trọng và nó phổ biến ở mọi nơi, nếu biết tiếng Anh thì công việc của cô cũng thuận lợi hơn. Thỉnh thoảng cô hỏi tôi vài câu tiếng Việt vì tò mò. Cô không biết Việt Nam, chưa từng nghe về nó và chưa nhìn thấy người Việt Nam trước khi nhìn thấy tôi. Chúng tôi gọi tên những đồ vật trong nhà bằng ba thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và tiếng Việt. Sonia nấu ăn rất ngon và thường sáng tạo ra nhiều món mới, có lẽ đây là bí quyết để cô giữ tình yêu của mình vì người ta nói con đường đi đến trái tim đàn ông là đi qua dạ dày.
Thỉnh thoảng chúng tôi ra ngoài chụp ảnh, cô ấy thích mê những tấm ảnh chân dung tôi chụp rồi bảo để đấy dùng dần cho cả năm nhưng mỗi ngày trên Facebook, trên WhatsAapp tôi thấy cô đổi ảnh đến 3-4 lần. Nghĩ bụng có khi tôi chụp cả tháng cũng không đủ cho cô ấy dùng thì đùng một cái lại đen xì. Chắc anh người yêu không thích, tôi đoán vậy, yêu đương là thế đấy, mình luôn phải sống và phải nghĩ cho hai người. Tôi không quan tâm lắm miễn là họ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi nhưng từ đó Sonia cũng không bảo tôi đi chụp ảnh nữa.
Một ngày cô mở điện thoại cho tôi xem hình những đứa trẻ mà cô đã làm bảo mẫu. Cô lưu lại rất nhiều, có cả những gia đình sinh đôi. Thỉnh thoảng còn thấy cô chụp ảnh selfie với các bà mẹ. Rồi cô dừng lại ở bức ảnh một cậu bé.
– Òa, cậu ấy lớn… Đẹp trai nữa.
Tôi cố gắng diễn tả bằng tiếng Tây Ban Nha ngắn gọn và dễ hiểu khi nhìn bức hình đó. Sonia nhìn tôi mỉm cười với một đôi mắt tràn ngập niềm hạnh phúc và thật khác mọi ngày.
– Đó là con trai tôi đấy. Thằng bé 7 tuổi rồi và đang ở Honduras.
Tôi lặng người đi trong chốc lát, định thần lại tất cả những suy nghĩ từ trước đến giờ về Sonia. Vậy là cô ấy có con từ lúc 16 tuổi và có thể từng có gia đình. Tôi bắt chuyện tiếp cố không để lộ sự ngạc nhiên, bối rối của mình.
– Cô có về Honduras không?
Ý tôi muốn hỏi là cô ấy có hay về Honduras để thăm con trai không nhưng lúc đó tôi không nhớ từ thăm là gì cả, vậy mà cô ấy cũng hiểu được.
– Không. Vì tôi không có đủ tiền. Honduras rất xa.
Cô ấy không còn hồn nhiên, nhí nhảnh như tôi thường nghĩ nữa, cô ấy đang là một bà mẹ mang trách nhiệm nặng nề, phải kiếm tiền nuôi con và đang phải chịu nỗi đau chia cắt tình mẫu tử. Mọi thứ bị đảo ngược hoàn toàn trước mắt tôi. Đằng sau mỗi con người là một số phận khác, bên ngoài lớp áo tuổi tác và hành động thường ngày, bên trong mỗi người là những câu chuyện rất riêng tư và thầm kín cho đến khi chúng được chia sẻ một cách tự nhiên và tự nguyện vì người ta cảm thấy gần gũi và tin tưởng lẫn nhau.
Cô nói, Farid hơn cô 20 tuổi và từng lập gia đình, các con của anh đều đã trưởng thành. Cả hai đang mang gánh nặng, họ ra đi từ những nơi nghèo đói, khó khăn về tài chính hay cả những vấp ngã tinh thần để mong tìm thấy một cuộc sống tươi sáng hơn nơi thành phố này.
Tôi không khó chịu với sự sống chung không hôn nhân của họ. Điều mà đất nước tôi chưa thể chấp nhận và nhất là với đứa lớn lên từ làng quê như tôi.
Vì tình yêu của họ đẹp và thương quá!
Trong cái nhịp sống bươn chải đầy mệt nhọc và cô đơn này, họ làm nơi nương náu cho nhau, xoa dịu những vết thương lòng trong quá khứ vẫn còn hằn sâu, sưởi ấm trái tim lạnh lẽo vì thiếu vắng hơi ấm của người thân, gánh đỡ cho nhau những nhọc nhằn, cứ ngậm ngùi mà thương nhau như thế. Tôi và Sonia nắm tay nhau trong im lặng.
Biết bao nhiêu tâm hồn cứ co cụm vào nhau như thế trong thành phố này, trong những dòng người đang hối hả đi, vội vàng nói, tất bật nhìn vào giờ tan tầm dưới kia. Chỉ có tiếng cười của những đứa trẻ là thật thà và trong trẻo nhất đang đáp lại tôi.
Tiếng điện thoại báo có tin nhắn mới khiến tôi giật mình:
– Chị ôn thi đến đâu rồi? Có cần em gửi tiếp từ mới cho học không?
– Ồ, không, không, chị cảm ơn!
Tôi từ chối vội cái đống từ ngồn ngộn chữ của Sang trên tin nhắn Facebook. Tôi vẫn sợ thi như hồi tôi đi học cách đây mười năm, vẫn cảm giác hồi hộp lo lắng, ra đứng vào ngồi, ăn ngủ không yên thậm chí là ngủ mê mình trượt.
– Nếu học xong khóa học này chị tính thế nào?
Sau khóa học này tôi sẽ làm gì tiếp theo? Tiếp tục học một khóa tiếng nữa hay đăng ký học chuyên ngành? Với trình độ ngôn ngữ này sao? Tôi không đủ tự tin để nghĩ đến một mức cao hơn thời điểm này.
Tôi thử làm một bài toán học hành tại xứ bò tót thế này:
Mức chi phí sống: Từ 200-300 euro/tháng cho sinh viên, so với các nước châu Âu láng giềng, Tây Ban Nha là một nơi hấp dẫn để tiếp tục ở lại phát triển con đường học hành và sự nghiệp.
Cơ hội sau khóa học tiếng: Tùy vào trình độ của bạn đến đâu để lựa chọn học tiếng tiếp hay đăng ký học trường nghề, cao đẳng, đại học, thạc sỹ. Với các trường nghề thường không quá khắt khe đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ nhưng ít nhất sinh viên cũng nên đạt A2 để đảm bảo mình có thể theo được bài học. Từ cao đẳng trình độ tiếng phải đạt B1 trở lên.
Mức học phí: Các trường cao đẳng và trường nghề từ miễn phí đến khoảng 500 euro/năm. Học đại học sẽ phải thi đầu vào, cũng có một vài nơi chỉ xét tuyển, với mức phí giao động từ 800-4.000 euro/năm. Sinh viên cũng cần quy đổi bảng điểm THPT hoặc đại học của mình (gọi là Homologation) tại Bộ Giáo dục Tây Ban Nha trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, quy trình này mất từ 3-6 tháng. Mức phí học thạc sĩ từ 3.000 euro/năm trở lên.
Học bổng: Có lẽ vì học phí thấp và yêu cầu đầu vào dễ dàng nên học bổng của Tây Ban Nha không nhiều, một vài bạn sinh viên đã học đại học ở đây chia sẻ chỉ có một học bổng mà họ biết là Eramus, dành cho sinh viên quốc tế học trong các quốc gia khối châu Âu.
Việc làm thêm: Đây là điều nan giải nhất với sinh viên Việt Nam vì dường như cơ hội là không có. Mấy tháng nay, Dương đã lặn lội đi tìm mà không được. Tiếng Anh của Dương khá tốt, tiếng Tây Ban Nha cũng có thể giao tiếp cơ bản, lại được người quen giới thiệu đến làm bồi bàn, phục vụ cho một vài nhà hàng, quán café nhưng họ đều từ chối vì lý do cô đang là sinh viên và họ sợ vi phạm luật lao động nếu nhận cô vào làm.
Tôi hỏi thêm Thắng, cậu em đang học ở Alcalá, người duy nhất mà tôi biết có thể vừa học tốt vừa đi làm được.
– Em may mắn gặp được người chủ tốt thôi chị ạ. Còn đảm bảo được học tốt mà làm cũng tốt thì khó lắm. Chị nghĩ xem học xong lại lao đi rửa bát, chạy bàn. Ngày nào cũng những chồng bát cao ngất ngưởng bê ra bê vào phải khỏe lắm mới chịu nổi. Mà cơ hội kiếm được việc và người ta chấp nhận cho làm cũng vô cùng khó.
– Vậy khi nào họ mới có thể nhận sinh viên vào làm?
– Khi chị ở đây đủ ba năm và có thẻ xanh, lúc đó chị được phép làm việc. Hoặc đợi nghỉ hè đi làm thêm ở đây hoặc đến nước khác cũng được. Chứ vừa học vừa làm khó lắm chị ơi.
Tôi may mắn vì vẫn đang làm việc với cơ quan và đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng với các bạn sinh viên Việt còn lại, mọi viễn cảnh làm thêm vẽ ra trong đầu trước khi đặt chân đến đây đều vỡ vụn.
Thế rồi kỳ thi cuối khóa cũng tới, tất cả chúng tôi đều vượt qua trình độ A1 để lên A2. Randy, Fatima, Edwina, những người bạn nước ngoài sẽ kết thúc khóa học trong tháng Năm và trở về nước, chỉ còn nhóm sinh viên Việt Nam ở lại học tiếp khóa chuyên sâu A2. Chúng tôi làm một bữa tiệc nhỏ tại nhà Randy để chia tay nhau. Anh nhận làm đầu bếp chính và bày ra rất nhiều món từ thịt gà, thịt bò cho đến thịt lợn kết hợp cùng các loại rau củ và hương vị theo phong cách riêng. Dương góp thêm món cá sốt bơ chanh và Yuliya mang đến món Paella truyền thống của Tây Ban Nha do tay cô tự nấu. Marta đến dự với một chiếc đầm dài thướt tha khiến cả lớp tôi phải thốt lên kinh ngạc.
“Guapísima! – Xinh quá!”
Tôi ôm ghì cái máy ảnh đứng ở góc phòng hết quay lại chụp mong giữ lại những khoảnh khắc quý giá này của bạn bè. Trải nghiệm thêm cảm xúc của một cuộc chia tay quốc tế, cuộc chia tay gần như là mãi mãi, có thể không bao giờ còn gặp lại. Tôi lia máy ảnh đến từng người trong số họ.
Edwina trở lại Úc với bốn tháng trải nghiệm làm bảo mẫu trong một gia đình Tây Ban Nha.
Fatima về Canada tiếp tục công việc, kết thúc kỳ nghỉ của mình.
Yuliya tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời cô.
Randy trở về Trung Quốc và có thể một ngày nào đó anh sẽ quay lại đây với cuộc sống mới.
Những người bạn Việt Nam của tôi tiếp tục ở lại học cao hơn.
Thế giới này dài rộng bao la quá và tôi chỉ là con kiến nhỏ. Cuộc đời tôi chỉ là một con đường trong vô vàn các con đường được chia ngoằn ngoèo như mạng nhện trên trái đất tròn. Tôi chỉ được đi một lần duy nhất trên con đường ấy mà không bao giờ được lùi lại dù chỉ một li. Tôi cứ đi, cứ đi rồi trên hành trình đó gặp những con đường khác đi qua tôi, song hành với tôi ở một đoạn nào đó, hoặc dài hoặc ngắn và chia li là điều tất yếu.
“Chị Uyên.”
“Uyên. Đến đây!”
Mọi người gọi tôi vào bàn vì thức ăn đã bày biện xong. Tôi để cho máy ảnh tự ghi hình và chạy vào chiếc ghế giữa bàn để đó dành sẵn cho mình. Chúng tôi chỉ cần đối xử với nhau chân thành và luôn trân trọng những phút giây còn ở cạnh nhau trong hiện tại, vậy là đã đủ. Lúc nào đó, ai đó ở đây có gặp lại nhau trong những hành trình quanh trái đất này thì đó là một điều vô cùng may mắn và… biết đâu đấy.
“Chúng ta nâng ly nào.”
“¡Salud! (Tây Ban Nha).”
“Na zdorovie! (Nga).”
“Ganbèi. (Trung Quốc).”
“Zô! (Việt Nam).”
“Cheers! (Anh).”
CHƯƠNG 4 - Khám phá
Blablacar
Bla – nhìn ngắm phong cảnh trên đường đi.
BlaBla – sẽ không giữ im lặng.
BlaBlaBla – có thể nói chuyện.
BlaBla
Ngày từ Alcalá trở về Zaragoza là một ngày mưa tầm tã, tôi đi trên một chiếc xe màu đen đã cũ của ông già 70 tuổi. Chỉ có tôi và ông trên con đường dài trắng xóa mưa, nhưng đó là một kỷ niệm sâu sắc. Một cuộc trò chuyện thân tình.
Ông vội vã nói tên mình trong lúc giúp tôi để va li vào cốp xe vì trời đang mưa, cái tên lướt đi quá nhanh và tôi không thể nhớ. Tôi có chút ái ngại khi trên xe chỉ có mình tôi với ông, hình như ông cũng luống cuống. Một lúc lâu sau chúng tôi mới bắt đầu câu chuyện.
– Trời mưa quá! Ông lái xe cẩn thận nhé!
Tôi bắt đầu trước vì lo cho tính mạng của mình.
– Đừng lo, ông đã đi đường này nhiều rồi.
– Ông đi đâu?
– Ông đến Barcelona.
– Để làm việc ạ?
– Không, ông thăm các con và các cháu. Tất cả đều sống ở đó.
– Thường xuyên hay cuối tuần ạ?
– Ba buổi một tuần.
Tôi chỉ trợn tròn mắt và há hốc miệng ngạc nhiên không nói được gì, biểu cảm ấy còn đầy đủ ý nghĩa hơn cả một câu nói. Tiếng Tây Ban Nha ít ỏi chỉ đủ cho tôi hỏi những câu ngắn và đôi khi chỉ một từ khóa. Thật may ông không tỏ thái độ khó chịu vì những câu cụt ngủn của tôi mà rất nhiệt tình. Trong ngày mưa như trút thế này, người ta cũng dễ mở lòng hơn. Ông bắt đầu kể cho tôi một cách chậm chạp và giải thích bằng cả ngôn ngữ cơ thể câu chuyện đời ông.
– Ông có hai con, một trai một gái.
Ông giơ hai ngón tay ra dấu cho đến khi tôi gật đầu mới tiếp tục.
– Cả hai đều đã lập gia đình và ông có rất nhiều cháu. Chúng đều sống ở Barcelona. Cháu hiểu không?
Tôi gật đầu. Ông cũng học cách nói những câu ngắn và đôi khi chỉ dùng một từ khóa giống như tôi vì nói dài ông sợ tôi không kịp hiểu. Thỉnh thoảng ông say câu chuyện quá tôi phải nhắc ông lái xe cẩn thận. Mưa bên ngoài vẫn rơi càng ngày càng nặng hạt và dày hơn, khung cảnh hai bên đường, trước mặt và cả sau lưng bị xóa nhòa, thỉnh thoảng có chiếc xe vượt qua chúng tôi rồi mất hút vào trong bức tường mưa trắng xóa trước mặt. Lần đầu tiên tôi thấy một cơn mưa lớn như vậy ở Tây Ban Nha vào tháng Tư.
– Ông đã ly dị.
Nhưng tôi không hiểu vì thế ông làm dấu giải thích ông ở chỗ này và giờ vợ ông ở chỗ này, không liên quan đến nhau. Tôi gật đầu và ông lại tiếp.
– Ông ly dị vợ lúc 50 tuổi và đang sống một mình. Ông bán nông sản ở một khu chợ trên Madrid. Ông thường lái xe đến Barcelona ba ngày trong tuần.
– Nhưng Barcelona rất xa.
– Ông biết. Nhưng ông muốn gặp mọi người trong gia đình. Ông rất yêu và nhớ con cháu. Ông có nhiều thời gian để đi.
– Sẽ mất 6 giờ?
– Đúng thế và chiều ông lại phải quay về ngay.

Chiếc xe của ông đã tróc sơn nhiều chỗ, không có mùi của một thứ nước thơm nào, có lẽ lâu rồi nó cũng không được rửa và lau chùi. Ông rất sợ tôi cảm thấy khó chịu nên cố gắng giữ câu chuyện liên tục. Còn tôi vừa nghe vừa nhìn chằm chằm ra ngoài, xa nhất có thể để cảnh báo ông nếu gặp nguy hiểm, mưa làm cho tầm nhìn bị hạn chế, mưa cũng tạo thành một lớp nước mỏng trải đều trên mặt đường, lớp này trôi đi lớp khác thế vào, bánh xe lúc nào cũng bị ngập nước mưa.
Ông bật chiếc đài đến kênh radio ca nhạc. Một bài hát pop-ballad da diết cất lên khiến cho tôi như muốn héo queo rồi rủ xuống luôn. “Cháu thích nghe nhạc có guitar hoặc flamenco, rất nổi tiếng ở Tây Ban Nha. Ông có biết bài hát nào không?”
Ông xoay cái đài để tìm nhạc tôi thích, phải một lúc lâu mới có một bài hát pha lẫn tiếng đàn guitar. Tôi gật đầu, thích thú ngồi nghe và cố gắng tập trung nhìn xuyên qua màn mưa tìm kiếm những dấu hiệu của nhà cửa, cánh đồng, đồi núi, thế rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Mở mắt ra vẫn là một màn mưa mịt mù. Ông quay lại nhìn tôi cười.
– Cháu ngủ ngon chứ?
– Vâng, sắp đến Zaragoza chưa ông?
– Sắp rồi, khoảng một giờ nữa.
Tôi xoay câu chuyện sang mọi chủ đề có thể nghĩ ra.
– Ở Barcelona nói tiếng khác phải không ạ?
– Cháu đến đó chưa?
– Cháu chưa.
– Ở đó rất đẹp, cháu nên đi, họ nói cả tiếng Catalan.
– Tây Ban Nha có rất nhiều núi.
– Đúng thế.
– Giống ở Việt Nam.
– Thật sao!
– Ông đã đến châu Á bao giờ chưa?
– Ông chưa, nó xa lắm và ông không có nhiều tiền.
– Ở Tây Ban Nha thật ít rau.
– Ồ vậy à. Ông nghĩ nhiều đấy chứ.
– Ở Tây Ban Nha mưa nhiều không ông?
– Ừ, ta nghĩ không nhiều.
– Cháu vừa sang Đức về, đi du lịch.
– Cháu thật may mắn.
Cứ thế tôi nói hết cái này đến cái kia, một câu chuyện với các chủ đề không ăn nhập gì với nhau, cứ như thể tôi đang luyện từ mới và đặt câu ví dụ cho chúng.
– Cháu học tiếng Tây Ban Nha bao lâu rồi?
– Được ba tháng ông ạ. Cháu nói tệ lắm.
– Không, cháu nói rất tốt. Hãy luyện tập thường xuyên.
– Thế phải đi BlaBlaCar thường xuyên.
– Có lẽ thế, ông cũng đỡ tồn tiền đi thăm con cháu.
Cả hai chúng tôi cùng cười, xe bắt đầu đến thành phố. Ông thả tôi xuống và tiếp tục hành trình. Bộ quần áo trên người ông cũng xộc xệch và lấm bẩn mà bây giờ tôi mới để ý, có lẽ vì đi vội vàng. Ông còn phải đi một chặng đường dài tương đương với quãng đường tôi vừa đi cùng ông mới đến được Barcelona và chiều lại vòng về Madrid để kịp buổi chợ ngày mai.
Tình yêu đôi khi lớn lắm và cho người ta một sức dẻo dai bền bỉ quên tuổi tác.
Một cuộc đời ở Tây Ban Nha.
BlaBlaBla
Vài lần đặt BlaBlaCar, tôi rút ra kinh nghiệm nên đặt sớm để có giá rẻ và nhiều lựa chọn hoặc chơi trò may rủi đặt rất muộn, vớ được chiếc xe không có ai và họ sẽ giảm giá xuống mức thấp nhất có thể. Tôi may mắn trúng “xổ số” một lần nhưng vì nổi hứng muốn về sớm chứ không phải vì muốn rẻ.
12 giờ đêm tôi mò lên trang tìm xe để sáng sớm hôm sau từ Madrid về Zaragoza. Có một chiếc xe Volkswagen Golf màu trắng mới đẹp làm sao mà giá từ 15 euro đã rớt xuống 10 euro. Chủ xe là một anh chàng râu quai nón, bộ râu choán cả màn hình vì bức ảnh chụp từ dưới lên, nhìn gớm quá nhưng thôi không sao vì giá rẻ và xe đẹp. Đánh giá của những người đi trước đó khá tốt. Ồ, lại còn khen đẹp trai nữa chứ, tôi nghi ngờ điều này.
“Xin lỗi tôi đến muộn một chút vì giao thông.” Người lái xe nhắn vào WhatsApp của tôi.
7 giờ 10 phút, một anh chàng mặc chiếc áo phông màu trắng, quần soóc trắng, cao và đẹp trai đến chết người xuất hiện trước mặt tôi xin lỗi rối rít vì tắc đường.
“Ôi đẹp trai quá chị ơi!” Thêu ngả vào người tôi như kiểu các cô gái nhìn thấy trai đẹp không còn đứng vững được trong các quảng cáo.
Người đẹp, xe đẹp và một ngày rất đẹp nhưng tôi không nhớ tên cậu ấy bởi vì màn giới thiệu vội vàng trong lúc cậu chạy ra xin lỗi. Chúng tôi táp vào một quán café:
– Làm một cốc trà đi đường nhé? Tôi mời.
– Đây là quán quen của cậu à?
– Tôi cũng hay ghé vào đây.
Bà chủ quán nhìn chúng tôi và hỏi cậu có phải tôi là bạn gái không, tôi cười phá lên lắc đầu. Trước khi đi bà nhìn tôi và ra dấu hiệu cảnh báo đề phòng, bà để bàn tay lên ngang cổ như một con dao rồi cưa ngang một cái, mặt rất nghiêm trọng chỉ tay về phía sau. Tôi trợn mắt nhìn cậu bạn đẹp trai đang cầm hai cái bánh mì cười nhăn nhở. Lời cảnh báo tôi sẽ bị bắt cóc vào một buổi sáng cuối tuần trong xanh và ngập nắng thế này sao? Không có gì bất thường xảy ra cả, tôi không bị bắt cóc mà được BlaBlaBla ở mức level cao nhất từ trước đến giờ.
Hình như những anh chàng râu quai nón đều rất dễ gần, thân thiện và hài hước. Trên chuyến xe nào tôi cũng phải rào trước mình đang học tiếng Tây Ban Nha và muốn được luyện tập. Vậy là cậu ấy bắt tôi nói liên hồi, trộn cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, miễn câu chuyện được hiểu và không bị ngắt quãng.
– Cậu có thích đi du lịch bằng xe máy không?
– Ồ, tất nhiên, rất thích, tôi có một chiếc.
Nói xong cậu mở điện thoại và cho tôi xem hình một phụ nữ trung tuổi, dáng người hơi đậm, da nâu đang ngồi trên chiếc Benelli VLM 150 màu xanh dương.
– Xe của cậu đây à?
– Không, xe của chị gái tôi. Chị ấy cũng thích xe và đang sống ở Morocco.
– Moroccoooo…
Tôi hét lên trên xe.
– Đúng thế, cô đến đó rồi à? Nó đẹp phải không, một nơi xứng đáng để đi du lịch.
Cậu ta vỗ mạnh vào tay lái hét lên đồng tình.
– Không, tôi chưa đến nhưng đó là một nơi tôi rất muốn đến chỉ vì tôi thích bài hát Casablanca.
Nói xong tôi ngân luôn câu đầu tiên trong bài hát.
– “I fell in love with you watching Casablanca” (Anh đã phải lòng em khi xem Casablanca). Một người bạn của tôi đã đi xe máy dọc Bắc Phi, tôi chỉ được ngắm Morocco qua những bức ảnh của anh ấy chụp, nhưng tôi “đã phải lòng” nơi ấy.
– Cả gia đình tôi đều sống ở đó, nhưng tôi đến Madrid học rồi ở lại đây làm việc. Tôi là kỹ sư điện. Chúng ta đang đi trên đường cao tốc chính nối giữa Madrid và Barcelona, Zaragoza ở giữa.
– Điểm này tôi biết.
– Tốt, nhưng có con đường khác thú vị hơn nhiều. Nếu có thời gian hãy đi qua đó. Cả một hành trình du lịch khám phá cảnh đẹp, lịch sử và văn hóa cho cô đấy.
– Aha, làm ơn nói cho tôi biết.
– E hèm, đó là con đường được mở rộng và không nhiều người biết. Nó đi qua những ngôi làng Castilian xinh đẹp, lâu đài, nhà thờ theo phong cách Romanesque hoặc Mudéjar, các khách sạn nhà hàng, nhà máy sản xuất rượu vang, công viên thiên nhiên, những con đường danh lam thắng cảnh mà ít người biết đến. Cô còn được ngắm những con vật như kền kền, diều hâu, những lễ hội dân gian và thậm chí cả những bức tranh tuyệt đẹp của Picasso. Thú vị không?
– Tất nhiên, tất nhiên rồi. Cậu nói tiếp đi.
– Chặng đầu từ: Madrid-Torrelaguna. Đi theo đường cao tốc A-1 về phía Burgos, sau đó đi theo lối ra 50 hướng Torrelaguna, vào đường N-320 để đến Torrelaguna.
– Rắc rối quá, tôi không giỏi đường xá và thường xuyên lạc.
– Cô nên ghi lại và sử dụng Google map.
– Nó vô dụng với tôi.
– Ô, cái đó tôi hết cách.
– Thôi cậu tiếp đi.
– Thôi ghi luôn cả tuyến đi: Madrid - Torrelaguna - Patones de Arriba - Buitrago del Lozoya - Riaza - Ayllón - San Esteban de Gormaz - El Burgo de Osma - Calatañazor - Soria - Ágreda - Tarazona - Borja - Magallón – Zaragoza.
– Làm sao cậu biết nhiều vậy?
– Vì tôi đi đi lại lại con đường Madrid-Zaragoza này quá nhiều rồi, vào mỗi cuối tuần trong hai năm nay.
– Cậu có công việc ở Zaragoza hay thăm ai à?
– Tôi gặp người yêu mình ở đó.
– Cô ấy sống ở Zaragoza sao?
– Không, cô ấy ở Barcelona. Cô ấy đang học ngành kinh tế ở đó. Cô ấy cũng đến từ Morocco.
– Sao cậu không xuống thẳng đó?
– Cô biết đấy, chúng tôi từng làm thế nhưng sau đó thấy Barcelona quá xa và sẽ khó cho tôi đi lại trong một ngày, vì thế chúng tôi chọn Zaragoza, điểm giữa của Madrid và Barcelona. Cô ấy cũng đang trên đường đến Zaragoza. Chúng tôi chỉ có một ngày bên nhau, một tháng bốn lần.
– Lãng mạn quá!
– Cô nghĩ vậy à. Cảm ơn!
– Ê này, nếu một ngày tôi đến Morocco…
– Cô có số của tôi rồi đúng không? Chỉ cần báo cho tôi biết là được.
– Chúc cậu và bạn gái có một ngày lãng mạn ở Zaragoza.
– Zaragoza lúc nào cũng tuyệt vời trong mắt chúng tôi.
Bla
Một lần tôi muốn trải nghiệm với lái xe nữ, tôi nghĩ mình sẽ được thoải mái nói chuyện hơn vì con gái với nhau. Ai ngờ, chiếc xe bốn chỗ mà tận sáu người. Trong đó có tôi và một anh chàng là khách, còn lại là nhóm bạn thanh thiếu niên, họ có kỳ nghỉ dài ở Barcelona. Lái xe của chúng tôi là cô gái tóc vàng hoe, búi rối một nửa phía sau, người có vài vết xăm. Không vấn đề gì, chuyện này cũng bình thường, tôi đã quen với hình ảnh những cô gái xăm trổ trên người, ăn mặc kỳ kỳ, trang điểm đậm, miệng phì phèo hút thuốc đứng tám chuyện ở các góc đường phố với bạn bè. Họ không phải gái đứng đường, họ thích phong cách đó thôi. Lúc sau chiếc xe đỏ chót chật ních người và đồ cũng chuyển bánh. Bên cạnh cô là anh người yêu gầy gò đang mở gói thuốc, quấn trong giấy và châm lửa, tôi nghĩ anh chàng hút, nhưng không, anh chỉ phục vụ cho cô người yêu. Tôi không biết cô ấy hút bao nhiêu điếu trên đường đi, nhưng cứ hết thì anh người yêu lại cuốn và châm, thỉnh thoảng cố ngả người sang bên cạnh để hút từ tay anh ta hoặc một tay lái xe một tay cầm thuốc, chốc chốc lại quay sang trái nhả khói ra ngoài cửa kính.
Đôi khi con gái chưa chắc đã an toàn…
Tôi nghĩ thầm trong bụng và cố gắng an ủi dù sao nó cũng chỉ có 10 euro. Họ hỏi tôi có muốn tham gia câu chuyện không, tôi lắc đầu, để mức Bla – chỉ ngắm cảnh hai bên đường.
Mỗi chuyến xe là một câu chuyện khác nhau mà tôi được nghe hoặc ít hoặc nhiều, hoặc qua loa hoặc thân tình. Nhưng vì BlaBlaCar tôi đã hiểu nhiều hơn về những người khác quanh đây. Những chuyến xe còn mang thông điệp về tình yêu và tình bạn. Đôi khi họ muốn có người đồng hành trong chuyến đi hơn là tiết kiệm chi phí. Ý nghĩa của BlaBlaCar vì thế được mở rộng hơn và được nhiều người yêu mến hơn.
Thành phố gió
Con đường đi bộ Alfonso I
Bạn có biết nếu bạn hiểu tường tận thời tiết của một vùng đất bao nhiêu thì bạn cũng thân thiết và gắn bó với nó bấy nhiêu không?
Zaragoza có khí hậu Địa Trung Hải, có mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng. Với lượng mưa trung bình 318 mi li mét mỗi năm, lượng mưa thấp. Vào mùa hè có hạn hán và chỉ có một vài cơn bão vào cuối buổi chiều. Vào tháng Bảy và tháng Tám, nhiệt độ thường cao hơn 300C, đạt đến 400C vài ngày một năm.
Vào mùa đông nhiệt độ thấp, thường là từ -40C đến 100C, với sương mù vào ban đêm. Tuyết chỉ xảy ra mỗi năm một lần, sương mù là phổ biến (khoảng 20 ngày từ tháng Mười một đến tháng Một) và nhiệt độ sẽ không cao hơn 0-30C.
Tuy nhiên, phần tồi tệ nhất là Cierzo (gió mạnh nhất ở Tây Ban Nha), gió lạnh và khô thổi từ hướng tây bắc. Cẩn thận với những ngày nắng vào mùa xuân và mùa thu, nếu Cierzo thổi, bạn sẽ hối hận vì không có quần áo ấm. Đặc biệt cẩn thận với Cierzo vào mùa đông, cảm giác nhiệt độ đã ở mức -150C do tốc độ cao của nó.
Một bản tin thời tiết có tâm làm sao!
Kiểu khí hậu này khác hẳn Việt Nam và cũng không phải đặc trưng của châu Âu. Tôi chưa có dịp trải nghiệm, chỉ nhìn mức nhiệt độ mà đoán là vô cùng nóng và lạnh tái tê. Nhưng tôi bị cuốn hút bởi chữ “Cierzo”.
Đó là những cơn gió mạnh và lạnh thổi từ phía bắc hoặc tây bắc qua các vùng của Aragón (Zaragoza nằm trong vùng này), La Rioga và Navarra của thung lũng Ebro. Nó xảy ra khi xuất hiện một vùng xoáy nghịch trong vịnh Biscay và vùng áp suất thấp trên biển Địa Trung Hải. Cierzo được biết đến từ thời cổ đại và tên của nó bắt nguồn từ tiếng Latin “Circius”, có thể là một từ trong tiếng Iberia. Vào thế kỷ thứ II TCN, Cato the Elder đã mô tả nó như là “một cơn gió lấp đầy miệng bạn và lật đổ cả những chiếc xe ngựa và những người đàn ông được vũ trang”. Nó đạt tốc độ hơn 100km/h vài lần mỗi năm, tốc độ tối đa là 160km/h vào tháng Bảy năm 1956. Cierzo thường xuất hiện rõ rệt vào mùa thu và mùa đông, nhưng một sự chênh lệch áp suất nhỏ dọc thung lũng Ebro cũng đủ để bắt đầu một cơn gió Cierzo vào bất kỳ mùa nào trong năm.
Cuối cùng tôi cũng được lao đầu vào và thấm thía cơn gió ở Zaragoza với những ngày đi học xiêu vẹo hết cả người.
Buổi đêm là lúc tôi có thể cảm nhận sức mạnh của gió rõ ràng nhất khi mọi thanh âm của cuộc sống bắt đầu bị nuốt chửng vào đêm. Tôi nghe nó cào cấu vào cửa sổ, rít lên từng hồi. Tôi cảm tưởng như có một con ma gió khổng lồ lên cơn đói khát đang cố xông vào nhà bằng mọi cách. Tôi nằm ngoan như bé con trong chăn, im re không dám ngọ nguậy, mắt nhìn lên trần nhà, hai tay bấu vào đầu chăn và nằm nghe từng cơn từng cơn đập vào rồi lại bị đẩy ra.
Tôi nhớ đến những cơn gió mùa đông bắc hồi còn nhỏ ở làng quê, khi chưa có những tòa nhà cao tầng và mỗi nhà cách nhau một khoảng rộng mênh mông. Gió cứ rít lên, len lỏi vào bất cứ chỗ nào có khoảng trống, sắc lạnh như cắt da cắt thịt. Nhưng nó không ngấu nghiến như những cơn gió ở đây, nghĩ giờ mà ai đó còn ở ngoài đường chắc bị nó quật tới tấp vào người thậm chí hất tung lên trời cũng nên.
Một ngày cuối tháng Hai tôi đọc được mẩu tin có trận gió Cierzo vừa kéo qua Zaragoza đã gây ra những thiệt hại đáng kể, người ta đã phải đóng cửa các công viên công cộng, các xe cứu hỏa phải dọn dẹp nhiều cây đổ, mái hiên và cửa kính bị phá hủy,… Sức gió mạnh nhất đã đạt đến 102km/h. Không có mưa, trời vẫn nắng trong nhưng “bão gió”.
Bạn cứ nghĩ trong những ngày ấy Zaragoza tự dưng trồi lên trên đỉnh một ngọn núi cao và gió là một bức tường khổng lồ vô hình đang ập đến.
Nó đáng ghét phải không?
Ấy thế mà dần dà tôi lại yêu nó!
Vì nó mà sự ô nhiễm bầu khí quyển ở thành phố này giảm đi đáng kể, không khí ở Zaragoza là một trong những khu vực sạch nhất ở Tây Ban Nha. Nhất là vào mùa hè, cả thành phố như được làm mới lại bởi gió. Cũng nhờ gió mà cả vùng Arogón trong đó có Zaragoza là nơi sản xuất năng lượng gió thứ năm ở Tây Ban Nha.
Và dường như nó cũng một phần tạo nên nét gì đó rất riêng cho con người, cảnh vật Zaragoza. Chả thế mà một họa sĩ đã tạc nguyên một tác phẩm trên đường Carlos Oriz García (Khu vực Miralbueno, Zaragoza) lấy tên là Agua y Viento – Nước và Gió.
Vào một ngày gió lớn như bao ngày khác, tôi mở bài hát của một anh chàng ngoại quốc đến làm giáo viên tiếng Anh ở Zaragoza “tức gió sinh tình” mà sáng tác ra “Zaragoza Wind”, với tấm hình nhà thờ Basílica de Nuestra Señora del Pilar để đen trắng ẩn mình trong sương mù giá lạnh. Nhạc được pha trộn giữa tiếng đàn guitar và gió.
Ở ngoài kia gió cũng đang cào cấu. Nhưng bây giờ tôi không sợ mà như muốn chơi trò trốn tìm với nó. Tôi nằm vắt chân chữ ngũ, bên cạnh là gói socola và cốc nước, thư thái hưởng thụ. Nó chẳng thể vào đây, nơi căn nhà có hai lớp cửa và chỉ biết kêu gào ngoài kia, điều này làm tôi có cảm giác đắc thắng.
“Tiếng đàn mới ấm áp và êm dịu làm sao. Thưởng thức cùng không gió?”
GRỪỪỪ… GRÀOO… KÉÉÉT… PHẬP… BỘP…
Rồi mùa gió rét cũng qua đi khi tôi vừa kịp làm quen, kịp thích nghi, kịp yêu và nhớ nó nhưng cũng háo hức đón chờ nắng ấm mùa hè với những bộ cánh mỏng mỗi khi ra đường. Cảm giác như mình được trút bỏ hết nặng nhọc, u uẩn trong người mà nhẹ tênh với mây trời.
Dương tag tôi vào một status trên Facebook
“Hahahahaa so true.
Vừa kể với một người bạn ở Indonesia là cuối cùng cũng hiểu thế nào là mùa hè nóng bỏng Tây Ban Nha và everyone is going to die in summer9 nếu ở ngoài đường Zaragoza vào ban ngày. Nóng và nắng gay gắt hơn cả Đông Nam Á. Mà yêu lắm nhé, Zaragoza luôn biết cách làm mình “ngạc nhiên không - chịu - được”. Thế mà chiều nào cũng cuốc bộ chày chày mấy chục phút đi mấy chục phút về. 9 giờ tối trời vẫn nắng như đổ lửa. 10 giờ tối mới hoàng hôn. 11 giờ 30 tối mới đi tập thể dục.
Mà đây chưa phải là tháng kinh khủng nhất đấy nhé, nghe đồn tháng Bảy tháng Tám thì biết tay nhau. Bảo sao hôm trước nghe một em kể chuyện là học bên này xong mùa hè về thăm nhà, hết thảy họ hàng gia đình, bạn bè, bà con xóm phố ngạc nhiên vì tưởng con bé bên trời Âu về phải trắng như trứng gà bóc, không ngờ lại đen như từ Phi châu”.
Rồi trên các trang hướng dẫn du lịch người ta cũng dặn dò khách khi đến xứ Zaragoza:
“Sử dụng kem chống nắng thấp nhất là SPF 30+, một áo sơ mi, kính mát, mũ đội đầu. Chú ý không ở dưới ánh nắng mặt trời quá lâu”.
Trong một bài học về thời tiết, cô Marta nói rằng, sự chênh lệch lớn giữa cái nóng và cái lạnh khiến cho người Zaragoza nghĩ rằng họ chỉ có mùa đông và mùa hè mà hầu như không thấy mùa xuân và mùa thu.
Chẳng phải xứ sương mù mới quan tâm đến thời tiết mà ở đây người ta cũng có thể bắt đầu câu chuyện với nhau bằng chủ đề về nắng và gió. Trước khi những phương tiện dự báo thời tiết hiện đại ra đời, người xưa đã dựa vào kinh nghiệm bao đời sinh sống, làm ăn, gắn bó, quan sát, chiêm nghiệm của chính mình để đúc kết thành những câu thành ngữ, tục ngữ thấm thía, sâu cay, những dấu hiệu chuẩn xác về nắng – mưa – gió – bão. Thế nên hiểu thời tiết của một nơi cũng chính là hiểu cuộc sống, con người nơi đó. Chuyện nắng mưa của trời cũng là những nắng mưa của đời người. Khi bạn gắn bó với một nơi nào đó đủ lâu, bạn sẽ đọc được tính khí của trời đất, bạn luôn dự báo thời tiết mỗi khi ra đường. Bạn vui thích khi nắng đẹp hay trời mát dịu, bạn hậm hực khi nóng bức, bạn co ro khi gió lạnh,… Những biến đổi của thời tiết cũng xoay vần tâm trạng trong con người bạn. Bạn thỏa hiệp với nó để được một ngày đẹp đẽ hay bạn thách thức nó để tìm niềm vui.
Chú thích:
[9] Tạm dịch: Tất cả mọi người sẽ chết vào mùa hè.
Bộ hành
Cuộc bộ hành này không dài như hành trình Camino de Santiago của Sang. Tôi chỉ đang loanh quanh với hiện tại và quá khứ trong thành phố Zaragoza này thôi.
Tôi thích bắt đầu từ con phố đi bộ cổ Alfonso I, chỉ mất 10 phút để đi qua hết dãy phố, từ điểm giao cắt với con đường Coso kéo dài đến quảng trường Plaza del Pilar, đối diện trước mặt nhà thờ Basílica de Nuestra Señora del Pilar. Nó được mệnh danh là đường phố thanh lịch nhất Zaragoza trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX và đến bây giờ vẫn vậy.
Nó đẹp như một viên ngọc quý lấp lánh, khi màu xanh của trời in vào những mảng kính lớn trên các tòa nhà hai bên đường, nắng làm sáng bừng những khối màu xanh, vàng, hồng, tím, đỏ, đen, nâu,… trên tường nhà và đồ vật trang trí. Phía dưới là dòng người tấp nập cười nói, hàng quán xôn xao, nhạc đường phố du dương. Một bản hợp âm hỗn tạp cộng hưởng từ cuộc sống trong thành phố.
Nhưng tôi đang đi vào một ngày mưa và nó thâm u, kiêu hãnh, nổi từng đường khối như những nếp gấp thời gian. Lúc này khi đi bên nó, tôi có cảm giác mình đang bước vào không gian của nhiều thế kỷ trước. Tôi lấy vội máy ảnh chụp một bà già với chiếc ô hồng duyên dáng vừa đi qua căn nhà đóng kín bằng cánh cửa gỗ được tạo tác rất công phu. Cứ như thể bà là hiện thân cho những câu chuyện cũ còn sót lại trên con phố này.
Người ta ví khi bạn bước vào con đường này trong tình trạng đói khát và rách rưới cỡ nào thì khi ra khỏi đây bạn cũng sẽ là người no nê và sang trọng hơn bất kỳ ai. Bởi ở đây không thiếu thứ gì. Từ những cửa hàng quần áo thời trang, đồ trang sức, giày dép đến hàng ăn, quán café, quán bar. Cửa hàng bán đổ lưu niệm, đồ thủ công truyền thống như những thanh kẹo adoquines và trái cây có nhúng socola của vùng Aragón, những đồ dùng thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương như gốm từ Teruel và Muel,…
Tôi ngắm nhìn chiếc đồng hồ trang sức Aladrén trên mái của một quán café theo phong cách cổ điển, nó nằm ở khoảng giữa của con đường. Đây là một trong những điểm hẹn đông đúc của mọi người. Thời gian với trên chiếc đồng hồ như chẳng hề thay đổi, ý tôi là hình như nó không hoạt động. Alfonso I giống như một nơi bạn có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ đang trôi qua thành phố.
Đến cuối con đường cũng chỉ có vài người lặng lẽ đi qua tôi, quảng trường Plaza del Pilar rộng lớn cũng là nơi tập hợp một lượng lớn những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng, mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của Zaragoza. Vào những ngày nắng ráo, nơi đây sẽ không còn chỗ trống nhưng hôm nay nó thật trống trải.

Tôi bước ra giữa khoảng không và ngước lên nhìn nhà thờ Basílica de Nuestra Señora del Pilar (đôi khi được viết tắt là Basílica del Pilar) sừng sững, uy nghi trước mặt. Tôi không phải là một tín đồ Kitô giáo và đây là nhà thờ đầu tiên tôi bước chân vào. Cùng với nhà thờ lớn Santiago de Compostela, Basílica del Pilar là một trong những điểm đến tâm linh quan trọng nhất ở Tây Ban Nha. Mỗi năm nơi này thu hút hàng nghìn tín đồ và cũng trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Zaragoza. Tôi lặng lẽ đi theo sau hàng người đang cầu nguyện trong im lặng, choáng ngợp nhìn lên những mái vòm cao vút đủ màu sắc được tạo nên bởi nhiều bức vẽ của những họa sĩ nổi tiếng, trong đó có Francisco Goya.
Truyền thuyết kể rằng, vào năm 40 SCN, Thánh James đến rao giảng tin mừng ở vùng đất Caesaraugusta (nay là Zaragoza), nhưng rất ít người tin theo đạo. Một ngày khi ông đang cầu nguyện bên bờ sông Ebro cùng môn đệ, Đức Mẹ Maria hiển linh và trao cho ông cột trụ cùng bức tượng của Người. Sau đó, Thánh James đã cho xây dựng một thánh đường. Người dân Tây Ban Nha gọi Bà với tên trìu mến là Đức Mẹ Pilar. Câu chuyện hiển linh của Đức Mẹ đã làm cho nhà thờ này trở nên linh thiêng và nổi tiếng khắp nơi.
Ngày nay người hành hương vẫn có thể chiêm bái cột trụ và tượng Đức Mẹ Pilar được bao bọc bởi một áo choàng manto làm bằng giấy origami tại đây. Diện mạo hiện nay của nhà thờ bắt đầu được xây dựng và mở rộng trong thế kỷ XVII và XVIII mang đậm phong cách Baroque bắt nguồn từ Ý. Nghệ thuật kiến trúc này đi ngược với thời kỳ Phục Hưng vốn thừa hưởng từ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Nó mang đến những khám phá mới về hình dáng, ánh sáng và bóng với cường độ mạnh như một cách thức để phô trương sức mạnh của nhà thờ và chính quyền chuyên chế. Basílica del Pilar có tới mười một mái vòm, bốn tháp chuông và mười cửa trời. Có nhiều câu chuyện ly kỳ nói về phép lạ xảy ra liên quan đến nhà thờ Basílica del Pilar. Nổi tiếng là sự kiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, có hai quả bom đã rơi vào nhà thờ nhưng bị hỏng và không phát nổ. Người ta vẫn trưng bày những quả bom này như một minh chứng cho niềm tin và sức mạnh diệu kỳ từ Đức Mẹ Pilar và Chúa Jesus.
Dịch sang bên cạnh là nhà thờ La Seo, nó cũng đẹp và mang giá trị lịch sử không thua kém gì nhà thờ Basílica del Pilar. La Seo không mang tính nhất quán mà trải qua nhiều thay đổi từ nhà thờ Hồi giáo ban đầu đến Công giáo La Mã. Chính vì thế kiến trúc ở đây là sự pha trộn của nhiều phong cách, Hồi giáo, sau đó đến Roman, Gothic và Mudéjar. Hoàn toàn không rối mắt chút nào khi chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật này, trái lại với tôi đó là một sự kết hợp hoàn hảo, nhất là những bức tường được trang trí hoa văn đẹp như những tấm thảm.
Tôi nhìn xuống chân mình, hình như tôi vừa để nước mưa vào trong giày, tất ẩm và có cảm giác lạnh. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều khác phía dưới, sâu hơn nữa dưới lòng đất, bên dưới cả quảng trường và những kiến trúc này, tiết lộ những bí mật xa xưa hơn về mảnh đất Zaragoza.
Caesaraugusta, con đường La Mã! Có thể coi là những dấu tích gần như đầu tiên cho sự hình thành tên gọi Zaragoza!
Có vẻ như tôi đang lang thang về tận những điểm khởi đầu của thành phố này. Nằm dưới lòng đất là bảo tàng Hội trường Caesaraugusta, một trong bốn bảo tàng Khảo cổ học Lã Mã cổ đại ở Zaragoza. Dưới này là toàn bộ cuộc sống trong thời La Mã thịnh vượng, huy hoàng. Đối diện với La Seo là bảo tàng Nhà tắm công cộng Caesaraugusta. Tôi đi nhanh, ngược về phía nhà thờ Basílica del Pilar, vượt qua thác nước nhân tạo đến chỗ những bức tường đổ vỡ, đây rồi dấu tích còn lại của bức tường La Mã. Thật khó để hình dung đây đã từng là bức tường thành kiên cố vào bậc nhất, ngay cả sau này khi La Mã suy tàn, nó vẫn được người Hồi giáo tận dụng hiệu quả.
Người La Mã đã cho xây dựng thành phố này vào khoảng năm 14 TCN và đặt tên là Caesaraugusta, gần như là cái tên khởi nguồn của thành phố Zaragoza ngày nay. Phải đến thế kỷ III, họ mới tiến hành xây bức tường thành với chiều dài 3.000 mét và có 120 tháp phòng thủ. Sau đó trải qua nhiều lần biến đổi gắn với những thăng trầm, thịnh suy, chiếm đóng bởi những người cai trị của La Mã, Hồi giáo, từ tên Caesaraugusta thành Cesaracosta, Saraqusta, Saragoça, Çaragoça và cuối cùng thành phố mới mang tên Zaragoza.
Tôi ngước nhìn sang bên cạnh tường thành là tượng đồng màu đen khắc họa chân dung Hoàng đế Augustus, người đã lấy tên ông đặt cho vùng đất này.
Ông còn quá trẻ!
“Về thôi Uyên, tối rồi” Con người bí ẩn trong tôi vừa lên tiếng. Tôi nhìn ra xung quanh, một vài chỗ đã lên đèn. Chiếc áo vest màu đen đã thấm nước mưa.
“Về thôi. Tạm biệt Hoàng đế La Mã!”
Tôi rảo bước ngược lại phía quảng trường Plaza del Pilar, vòng lại con đường Alfonso I về nhà. Cảm giác thấy mình vẫn như đang bị bủa vây bởi tầng tầng lớp lớp lịch sử chất chồng lên nhau ở vùng đất này, đan xen giữa thực và hư, giữa lịch sử và truyền thuyết.
Zaragoza giờ đã là một thành phố lớn thứ năm và đứng thứ tư về phát triển kinh tế của Tây Ban Nha, nơi sinh sống của trên 50% dân số vùng Aragón. Ẩn trong một thành phố hiện đại là một vùng đất mang bề dày lịch sử hơn 2.000 năm, lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo và vô giá. Bảo sao bao nhiêu người cứ đắm đuối với thành phố này không dứt ra được. Chả thế mà có một truyền thuyết kể rằng:
Thánh Pedro, một lần đi vi hành với Chúa Jesus, đã hỏi một người ở vùng Aragón: Anh bạn đang đi đâu đấy?
Người vùng Aragón trả lời: Tôi đến Zaragoza.
Thánh Pedro đáp: Anh bạn, nếu đó là ý Chúa.
Người vùng Aragón trả lời: Dù Chúa có muốn hay không, tôi vẫn sẽ đến Zaragoza.
Chúa Jesus liền biến người vùng Aragón đó thành con ếch và thả vào vũng nước.
Nhiều thế kỷ trôi qua, Chúa Jesus cho người vùng Aragón trở lại hình dáng cũ.
Thánh Tông đồ hỏi lại người vùng Aragón đó lần nữa: Anh bạn đang đi đâu?
Người vùng Aragón trả lời không chút do dự: Đến Zaragoza hoặc vào vũng nước.
Nghĩ xong câu chuyện tôi cũng dẫm luôn vào vũng nước mưa trên đường. Giờ ướt tất, ướt chân thật rồi.
Có một anh chàng yêu hoàng hôn Madrid
Thêu và Antonio tại công viên Retiro

Tôi quay lại Madrid nhưng lần này không chỉ với Thêu mà với một anh chàng Madrid chính hiệu, Antonio.
Vì sao tôi quen à?
Đó là một câu chuyện tình lãng mạn!
Nhưng không phải cho tôi…
Nghỉ hè.
Cụm từ này nghe thân thương và nhiều hoài niệm. Mười năm đi làm giờ lại được là sinh viên để mong chờ những ngày hè rực cháy. Ở đây không có nỗi bâng khuâng khi nhìn bằng lăng tím, điệp vàng hay phượng đỏ cháy khoảng trời, cái nắng của mùa hè Tây Ban Nha chỉ thu hút một lượng lớn khách du lịch từ những vùng lạnh của châu Âu đổ về tấp nập.
Tôi nhắn tin cho Thêu.
– Chị có mười ngày nghỉ hè trước khi bước vào khóa học mới. Em có gợi ý nào hay cho chị không?
– Chị lên Madrid đi, em dẫn chị đi chơi. Lần này không phải đi tàu điện ngầm nữa mà có xe riêng và tài xế đưa đón nhé.
Cái tin úp úp mở mở này khiến cho tôi còn nóng ruột nóng gan hơn cả nhiệt độ ngoài trời. Tôi sắp xếp đồ đạc, đặt xe và đi ngay chiều hôm sau. 9 giờ tối, tôi có mặt ở Madrid, lúc sau một chiếc xe Peugeot màu đen tiến gần. Thêu bước ra cùng một anh chàng mập mập, có vẻ ít nói và bẽn lẽn.
– Đây là anh Antonio, bạn của em.
– Xin chào, rất vui được gặp cậu! Tôi tên là Uyên.
– Xin chào.
Bình thường tôi sẽ là người thiếu tự tin khi gặp người nói tiếng Tây Ban Nha nhưng lần này ngược lại, mặt anh chàng đỏ hết cả lên. Thêu như hiểu được ý giải thích ngay.
– Mới gặp lần đầu anh ấy sẽ ngại thế đấy, vài lần là quen và nói nhiều ngay mà chị.
Tôi trêu Thêu một lúc, còn Antonio cứ đứng tần ngần, ngây người ra không biết hai chị em đang nói gì. Nhìn điệu bộ con nhà lành 100%, trông không giống trai Tây tí nào. Tối đó tôi cũng lấy được chút thông tin sau một hồi tỉ tê moi móc:
“Em và anh ấy tình cờ gặp nhau vì có chung một người bạn. Sau lần gặp đó, anh ấy chủ động nhắn tin và nói chuyện với em. Lúc thân hơn còn vẽ tranh, làm thơ, làm đĩa nhạc tặng em. Anh ấy hiền và quan tâm đến em lắm.”
Những cơn gió thổi mạnh vào cửa sổ. Tôi lại chìm vào suy tư, cả tôi và Thêu đều là những cô gái truyền thống và nghiêm túc trong quan hệ yêu đương. Những lời gửi gắm bắt đầu lởn vởn trong đầu tôi.
“Sang đó cố kiếm một anh Tây mang về nhá. Bõ công đi.”
“Muốn yêu trai Tây thì phải cởi mở và thoáng hơn trong các mối quan hệ.”
“Với họ quan hệ trước hôn nhân là chuyện bình thường.”
“Cứ yêu đi cho biết.”
Tôi không mong tìm kiếm ai ở xứ bò tót này, tôi không nghĩ ai đó có thể chấp nhận sự khác biệt văn hóa khá lớn từ tôi. Nhưng tình yêu mà, đó là thứ bạn không bao giờ có thể đoán biết được. Nếu đủ lớn nó sẽ vượt qua mọi khoảng cách, đủ trân trọng nhau mọi khác biệt sẽ không còn. Có tiếng kêu từ điện thoại, vẫn còn sớm mà, không phải của tôi.
– Của anh Antonio đấy.
– Sao mà đoán giỏi thế.
– Sáng nào anh ấy cũng nhắn cho em mà. Chắc lại một bức tranh và bài thơ nào đấy.
Tôi ôm cái chăn như thể mình vừa được yêu, mắt lờ mờ nhìn ra ngoài khung cửa sổ, những tia nắng bình minh đang nhè nhẹ lướt vào phòng, khung cửa sổ sáng dần và chuyển sang màu vàng dịu của nắng mai. Cô em vẫn đang nhắn tin và cười khúc khích.
– Anh Antonio bảo 9 giờ sẽ đến đón chị em mình. Dậy đi chị còn chuẩn bị không muộn. Hôm nay sẽ dẫn chị chu du vòng quanh Madrid. Em nên mặc gì?
– Mặc đẹp nhé, hôm nay chị sẽ làm phó nháy, kỷ niệm cho hai người một bộ ảnh “tình yêu”.
Tôi lồm cồm bò dậy và loạng choạng đi ra ngoài ban công cho tỉnh hẳn. Chỉ có những mái nhà trải nắng. Nàng Thêu đang tất bật chuẩn bị trang phục.
Đúng 9 giờ Antonio có mặt dưới cửa tòa nhà và gọi lên. Nhìn thấy tôi anh chàng vẫn xấu hổ, có lẽ phải hết ngày hôm nay mới quen. Tôi cất tiếng hỏi:
– Xin phép cho hỏi ngày hôm nay mình được may mắn đi tham quan những đâu vậy?
Họ bàn bạc một lúc rồi Thêu quay ra truyền đạt lại với tôi.
– Mình đến công viên El Buen Retiro, đó là công viên nổi tiếng nhất ở Madrid. Antonio nói nó đã được công nhận như một khu vườn mang giá trị lịch sử và nghệ thuật vào năm 1935. Rộng lắm đó, có đi cả ngày chắc cũng không xem hết đâu chị.
Antonio phải tìm một bãi đỗ xe ngầm dưới đất, sau đó chúng tôi đi bộ vào công viên. Tôi chủ động bắt chuyện.
– Antonio. Công viên này rộng bao nhiêu?
– 140 héc ta.
– Lớn quá!
– Nó là một trong những công viên lớn nhất và được yêu thích nhất của Madrid, với rất nhiều tác phẩm điêu khắc, tượng đài, phòng trưng bày, bảo tàng, hồ nước và cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện.
Lớn vậy nhưng dường như không còn nhiều chỗ trống vì lượng người vào đây tham quan, vãn cảnh và nghỉ ngơi cũng rất đông. Không khí sôi động, náo nhiệt của mùa hè phủ khắp công viên, tiếng người đi lại cười nói, trẻ con chạy nhảy nô đùa, đủ mọi âm thanh và sắc màu cuộc sống.
Thêu bắt đầu giới thiệu:
“Anh Antonio nói, công viên này ra đời trong giai đoạn từ năm 1630-1640 khi Gaspar de Guzmán, Công tước của Olivares, dâng tặng Vua Philip IV làm nơi dành riêng cho Hoàng gia. Nó đã được nâng cấp qua các triều đại tiếp theo như thời Philip V có một khu vườn hoa mang phong cách Pháp. Trong thời trị vì của Ferdinand VI, Retiro đã được thiết lập cho những vở opera tuyệt vời của Ý. Charles III đã thay thế các bức tường cũ bằng những thanh sắt được thiết kế cách điệu và mềm mại. Đài Quan sát Thiên văn Juan de Villanueva được xây dựng dưới triều của Charles IV. Thời của Nữ hoàng Isabella II, Retiro đã có những thay đổi lớn, các khu vườn được phủ rất nhiều loại cây xanh: cây che bóng mát, cây ăn quả và cây cảnh. Retiro dần dần trở thành trái tim xanh của thành phố.”
Chuyến đi du lịch Tây Ban Nha hạnh phúc nhất của tôi, vừa có hướng dẫn viên bản địa vừa có phiên dịch viên đi kèm. Tôi thấy xúc động trong lồng ngực đến khó tả.

– Đây là tượng đài Alfonso XII, được dựng vào đầu thế kỷ XX. Có rất nhiều tượng, đài phun nước và các di tích tưởng niệm lấp đầy công viên và biến nơi đây thành một bảo tàng điêu khắc ngoài trời.
– Hai người đứng lại nào.
– Làm gì hả chị?
– Chụp ảnh.
– Ôi ngượng chết đi được.
– Xem hai người đỏ mặt kìa. Nắm tay nhau đi dọc hàng cây này nhé, nắng đẹp quá, cứ đi tự nhiên đừng để ý đến chị.
Một bức ảnh đẹp, lãng mạn như một cặp đôi trong phim Hàn Quốc. Ánh nắng chiếu xuyên qua những tán cây, hắt xuống mặt đường và khoảng không xung quanh một màu vàng lấp lánh. Có một đôi tình nhân tay trong tay an nhiên bước đi trong không gian ấy.
Giữa chiều chúng tôi rời công viên qua con đường Paseo de la Argentina, hai bên là những bức tượng đã từng được đặt bên trong Cung điện Hoàng gia. Quanh Madrid ở đâu cũng có những dấu tích của lịch sử. Chúng tôi len vào các con ngõ nhỏ nơi có những quán café theo phong cách cổ điển với chiếc xe đựng đầy hoa và những tấm biển gỗ. Một hiệu sách nhỏ có tên Librería de San Ginés rất lạ bên góc nhỏ của phố Arenal. Giá sách được làm bằng gỗ, gắn vào những bức tường của tòa nhà đằng sau, phía trên có mái gạch nhỏ, giống thư viện sách ngoài trời.
“Đây là hiệu sách rất cổ ở Madrid. Đặc sản của nó là sách cổ và sách cũ với rất nhiều chủng loại từ sách kỹ thuật về y học đến nghệ thuật, triết học.” Antonio thấy tôi quanh quẩn ở đó ngắm nghía bèn giải thích thêm như thế.
Vòng vèo qua những quán café, tôi bị cuốn theo những âm thanh ngày càng huyên náo hơn, ở đâu đó gần đây rất đông người. Một lúc sau con ngõ nhỏ ấy mở ra quảng trường Mayor.
Một quảng trường trung tâm của Madrid, hiếm hoi được mở rộng giữa những con phố đầy ắp của thành phố, sự kết hợp giữa kiến trúc ấn tượng, những câu chuyện lịch sử thăng trầm và cuộc sống đường phố sôi động. Tôi chạy ùa vào dòng người đang nườm nượp đi lại, quay bốn phía nhìn những tòa nhà ba tầng với khung cửa viền đỏ. Ấn tượng nhất là dãy nhà Real Casa de la Panadería với những bức tranh tường do họa sĩ Carlos Franco vẽ. Ông đã chọn hình ảnh từ các dấu hiệu của cung hoàng đạo và các vị thần để góp thêm một cảnh quan tuyệt đẹp cho nơi này.
“Có 237 ban công nhìn ra và chín lối đi vào quảng trường từ các hướng.” Antonio phải nói to hơn vì nơi này quá ồn ào và chúng tôi đang đứng ở trung tâm của quảng trường nơi đặt bức tượng của Vua Philippe III. Quảng trường này có sức chứa lên đến 50 nghìn người.
Trong quá khứ, đây từng là nơi họp chợ, buôn bán, nơi hành quyết, nơi tổ chức đấu bò tót trong các ngày kỷ niệm của Hoàng gia. Ngày nay nó là nơi diễn ra lễ kỷ niệm San Isidro, vị thánh bảo trợ của Madrid, điểm thu hút khách du lịch lớn với hàng ngàn người viếng thăm mỗi năm. Bao kín xung quanh phía trước các dãy nhà là những cửa hàng truyền thống và những quán café lúc nào cũng kín khách ra vào.
Chúng tôi bước ra khỏi quảng trường bằng một cổng khác. Tôi háo hức chờ đợi những địa điểm tiếp theo. Đi với thổ địa khác hẳn, hôm nay tôi có cảm giác mình là vị khách du lịch may mắn nhất ở Madrid. Đến giao lộ của hai con đường Bailén và Mayor là nhà thờ lớn Catedral de Santa Maria la Real de la Almudena – Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Madrid nơi dành cho Đức Mẹ Almudena.
Thêu vẫn tiếp tục dịch lại lời Antonio khi chúng tôi ngắm nhìn bức tượng của Đức Giáo hoàng John Paul II, người đã dâng hiến thánh đường vào năm 1993.
“Chuyện kể rằng, đầu thế kỷ VIII, đối mặt với cuộc xâm lăng của người Hồi giáo, các tín hữu của một ngôi làng đã đem giấu tượng Đức Mẹ vào trong một bức tường. Đến thời Giáo hoàng Gregorio VII, nhà Vua Alfonso VI tái chiếm lại vùng đất ấy, khi ông đến gần khu vực Đức Mẹ, những viên đá trên tường rơi xuống hiện ra Đức Mẹ bên trong. Năm 1085, nhà vua đã đặt bức tượng vào nhà thờ.”
Chúng tôi bước vào trong, đúng giờ làm lễ nên mọi người đang cầu nguyện rất đông. Chính giữa là tượng Đức Mẹ Almudena màu vàng, rất nhiều tranh khảm và tượng khắc xung quanh. Ở đâu người ta cũng cần một nơi để nương náu tâm hồn khi cuộc sống thực tại có quá nhiều chênh vênh, bất ổn. Ở mỗi vùng đất những truyền thuyết ly kỳ lại được đan xen cùng những câu chuyện lịch sử và cứ thế tồn tại song hành với nhau để cả người sang hay hèn, giàu hay nghèo, từ người đứng đầu cho đến kẻ tận cùng xã hội, mỗi khi gặp bất trắc trong cuộc sống đều dâng lên những lời thỉnh cầu đến một đấng linh thiêng nào đó. Ở đây người ta đến nhà thờ là một lẽ tự nhiên như người Việt đến chùa.
Ở tuổi 30, khi bước chân sang đây, tôi đã nhận ra những phần khuất lấp tận sâu bên trong mình. Những con người đối lập trong tôi chưa bao giờ lại giằng xé, nổi lên dữ dội như vậy. Càng ngày tôi càng muốn đi sâu vào bên trong hơn là thể hiện cái diện mạo bên ngoài. “Nhắm mắt lại lắng nghe, lắng nghe đi Uyên. Những thanh âm trong trẻo nhất, thanh cao nhất, bình an nhất.”
Thêu vỗ nhẹ vai tôi làm dấu đi ra ngoài. Chúng tôi đi đến cửa trước của nhà thờ. Không giống như các nhà thờ khác, có hướng truyền thống là Đông-Tây, nhà thờ Almudena có hướng Bắc-Nam nhằm tạo độ cân xứng với cung điện Hoàng gia đối diện phía trước, một mối tương quan, gắn bó mật thiết giữa vương quyền và thần quyền. Chúng tôi ngồi trên hiên cửa chính nhà thờ để nhìn được toàn bộ diện mạo bên ngoài cung điện. Antonio chỉ về phía đó và tiếp. “Cung điện có diện tích 135.000m2 và chứa 3.418 phòng. Đây có thể coi là cung điện Hoàng gia lớn nhất ở châu Âu.”
Cung điện giờ chỉ dành cho nghi lễ và khách du lịch tham quan. Gia đình Hoàng gia đang sống trong một lâu đài hiện đại hơn, La Zaruela ở ngoại ô Madrid. Từ nhà thờ đến cung điện là một khoảng sân rộng cho mọi người tụ tập. Tiếng kéo đàn violon của một nghệ sĩ đang ngồi dưới cây cột đèn đã mê hoặc người qua lại và tạo cảm hứng cho hai mẹ con nọ dừng lại và nhảy một điệu valse. Gió làm cho chiếc váy xanh và những lọn tóc vàng của cô bé bay bay. Ở giữa chúa và vua là nhịp sống thanh bình của những cư dân.
– Ôi, sắp đến giờ rồi.
Thêu thốt lên. Cả hai như đang mong đợi điều gì đó còn hơn cả khung cảnh lãng mạn và tráng lệ đang diễn ra ở đây.
– Đến giờ đi về à?
Tôi ỉu xìu hỏi lại.
– Không, đến giờ đẹp nhất và cảnh đẹp nhất.
Tôi chỉ nhìn hai người đó với ánh mắt ngạc nhiên, tò mò, mong đợi và hân hoan.
– Ngắm hoàng hôn chị ạ.
Antonio gật đầu nhắc lại bằng tiếng Việt mất dấu.
– Hoang hon.
– Ở đây à?
– Không chỗ khác chị ạ. Đó là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Madrid.
– Vậy phải lái xe đi xa ra ngoại ô, chỗ thưa vắng người và nhà cửa sao?
– Không ạ, rất gần đây, ngay phía trước.
– Thú vị thật!
6 giờ 30 chiều, mặt trời vẫn còn chiếu sáng như 3 giờ 30 chiều ở Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục rảo bước lên phía trước, đi qua cung điện rồi hướng lên một ngọn đồi. Một khung cảnh hoàn toàn khác biệt hiện ra trước mắt tôi.
“Ai Cập!”
Một món quà gửi đến từ sông Nile
Ngôi đền Ai Cập được đặt giữa một bể nước nhân tạo hình chữ nhật với ba cánh cổng lớn phía trước. Nơi này cũng nhộn nhịp không kém những địa điểm chúng tôi thăm chiều nay.
– Đây là đền thờ Debod. Nó không thuộc về kiến trúc đặc trưng của Tây Ban Nha, nó đến từ Ai Cập nhưng lại là một trong những nơi thu hút nhất và tạo điểm nhấn cho cả thành phố Madrid.
Thêu phiên dịch xong, Antonio nói thêm.
– Hoang hon đep!
Anh chàng đang cố gắng học tiếng Việt, nghe yêu yêu làm sao! Chúng tôi đi vòng quanh ngôi đền, nó không quá rộng, ánh nắng chiều hắt xuống những bức tường và mặt nước một màu vàng vẫn còn tươi rói. Nắng còn đủ sáng để lấp lánh mỗi khi nước gợn sóng lăn tăn.
Phía trước có đôi trai gái đang đàn hát cho nhau nghe. Cô gái ôm cây đàn ukulele và hát, còn anh cứ nhìn say mê như thể cả vẻ đẹp của chiều vàng hôm nay đã thu vào cô ấy. Một cô nhà báo đeo máy ảnh trước ngực đang trầm tư viết những dòng cảm xúc vào cuốn sổ, thỉnh thoảng lại mơ màng nhìn ra xa xăm để lấy cảm hứng hoặc tìm từ, khuôn mặt cô hiển hiện một niềm hạnh phúc viên mãn.
Từ điểm này, có thể nhìn cả thành phố Madrid với những mái nhà chạy dài đến tận cuối đường chân trời.
Thời điểm hoàng hôn mây kéo đến nhiều hơn, màu nắng nhạt dần đi như bị pha nước trắng, chỉ có một vệt đỏ bé nhỏ khuất phía sau những tán cây. Ấy thế mà ai cũng chụp lấy chụp để. Antonio ngó nghiêng chụp cho được ánh sáng cuối cùng ấy bằng mọi cách. Chụp xong cậu còn hí hửng ra khoe bức ảnh, một khoảng đỏ nhòe như màu của một đứa trẻ tập tô bị hỏng nhưng với cậu ấy nó lại rất đẹp và đặc biệt. Mỗi khi chụp hoàng hôn tôi cần một không gian mênh mông và tĩnh lặng hoàn toàn, cạnh bờ sông hoặc trên đỉnh núi, nơi mặt trời có thể khúc xạ ở mức tối đa độ rộng dài của nó.
Chúng tôi quay về chỗ ngồi, không hy vọng thấy hoàng hôn rực rỡ hôm nay, bỗng một màu như dát vàng chạy qua ngôi đền đẹp đến ngỡ ngàng và cũng thật nhanh, khiến cho tôi có cảm giác như các vị thần Ai Cập vừa lướt qua đây. Mọi người lại nhao ra chỗ hàng cây chụp ảnh, nhìn cảnh tượng này đến ngộ. Antonio cũng chạy hết chỗ này đến chỗ kia ngắm ngắm chụp chụp không biết mệt. Tôi thấy tò mò nên hỏi chuyện Antonio
– Cậu thích hoàng hôn à, Antonio?
– Rất thích!
Antonio vừa nói vừa tìm chỗ ngồi và mở điện thoại ra cho chúng tôi xem thêm vài tấm hình cậu vừa chụp, những mảng màu có rực hơn trước một chút.
– Cậu thích ngắm hoàng hôn từ khi nào thế?
– Khi tôi khoảng 19 tuổi. Vào mùa hè tôi hay đạp xe đi tập thể dục, ngắm cảnh, lúc quay về thường vào thời điểm hoàng hôn xuống và phát hiện ra những địa điểm rất đẹp để ngắm.
– Ngoài đền thờ này còn những chỗ nào nữa?
– Quảng trường Plaza de Oriente, nơi có vị trí đắc địa được bao quanh bởi cung điện Hoàng gia, khu vườn Sabatini và nhà hát Teatro Real. Mọi người có thể nhìn thấy mặt trời lặn xuống và ẩn phía sau công viên Casa de Campo. Hoặc đến đồi Cerro del Tío Pío nếu muốn nhìn toàn cảnh thành phố Madrid. Từ ngọn đồi đó có thể thấy đường chân trời Madrid và dãy núi Guadarrama, sẽ rất tuyệt để ngắm khoảnh khắc hoàng hôn xuống núi và cả thành phố lên đèn. Phía bắc của Madrid có khu rừng lớn El Pardo, hoàng hôn sẽ đi qua một cây thông, những cây sồi, cả những con nai và lợn rừng cũng muốn chạy theo ánh chiều vàng. Hay đến Fuente de Cossio, Tres Olivos,… có rất nhiều nơi quanh Madrid có thể nhìn thấy hoàng hôn đẹp, thậm chí trên một chiếc cầu vượt trong thành phố đông đúc xe cộ.
– Cậu nghĩ gì khi ngắm hoàng hôn?
– Chiêm nghiệm về màu sắc của chúng, nhìn ánh sáng của chúng mờ dần rồi biến mất. Bầu trời mang một hình hài khác giống như một hành tinh khổng lồ phía trên, song song với Trái Đất. Ánh sáng của nó kết hợp với những đám mây để kiến tạo nên đồi núi, sông hồ hay nó cũng có thể là phản chiếu của vùng đất trong một ngày. Bây giờ ngày nào tôi cũng ngắm hoàng hôn, nó giống như một bức tranh biết biến hình và không khi nào lặp lại lần hai. Khoảng 300 ngày trong năm Madrid có ánh sáng mặt trời, tôi có thể được chiêm ngưỡng ít nhất 300 bức tranh hoàng hôn mỗi năm.
– Màu sắc của hoàng hôn giữa các mùa khác nhau như thế nào?
– Vào mùa xuân và mùa thu, có nhiều đám mây, chúng chuyển sang màu da cam. Vào mùa đông, mặt trời yếu, ánh sáng mang màu lạnh rất đẹp. Mùa hè, mọi người sẽ được ngắm hoàng hôn rất dài.
– Vậy thời điểm nào để ngắm hoàng hôn đẹp nhất?
– Hạ chí khoảng gần 10 giờ tối và đông chí từ 5 giờ 30 đến 5 giờ 45 chiều. Khoảnh khắc đẹp nhất là 10 phút cuối cùng trước khi mặt trời lặn hẳn xuống đường chân trời.
– Làm sao mà tôi biết lúc nào là 10 phút huy hoàng ấy?
– Mặt trời rất gần với đường chân trời hoặc viền những ngọn núi.
Antonio chia sẻ cho tôi xem những tấm ảnh cậu đã chụp mỗi lần đi ngắm hoàng hôn ở Tío Pío, trong trường đại học, trên ngọn núi tuyết ở Rascafría, bên mặt hồ Zamora. Cái tịch lặng trong những bức ảnh làm xao lòng người. Tôi thấy một Madrid bình lặng, hiền hòa. Bỏ sau những ồn ào của xe cộ tấp nập, người như mắc cửu, nói cười rộn cả thành phố là một Madrid yên ả trong ánh hoàng hôn.
– Cậu thích ngắm hoàng hôn ở đâu nhất?
– Ở trong công viên cạnh nhà và trong hồ nước Sanabria ở Zamora.
– Vậy khoảnh khắc đẹp nhất của hoàng hôn cậu nhìn thấy ở đâu?
Đợi cho Thêu đi ra chỗ khác nghe điện thoại Antonio mới trả lời câu hỏi này của tôi.
– Trong đôi mắt của Thêu! Khi chúng tôi ngồi bên bờ hồ, nắm tay nhau nhìn hoàng hôn buông xuống, nó như đẹp hơn khi phản chiếu vào đôi mắt của cô ấy.
Mặt Antonio đỏ lên làm Thêu thấy khó hiểu, còn tôi nhìn hai người ngưỡng mộ. Khoảnh khắc này có lẽ mới là hoàng hôn đẹp nhất trong tôi vì nó mang màu sắc của một tình yêu rất chân thành, giản đơn mà vẫn đủ tinh tế, đầy lãng mạn giữa một cô gái Việt với anh chàng Tây. Bất giác tôi thấy ngôi đền huyền bí, thâm nghiêm trở nên gần gũi lạ kỳ. Một nơi vốn chỉ dành cho vua chúa tiến hành những nghi lễ linh thiêng ngày xưa, nay dành cho tất cả mọi người. Không còn khoảng cách về không gian và thời gian, chỉ còn vẻ đẹp của tình yêu ở đó.
Bóng tối bắt đầu bao phủ vạn vật xung quanh. Ngôi đền sáng rực lên bởi ánh điện vàng. Tôi cứ ngỡ mình vừa có chuyến hành trình thần tốc sang Ai Cập, đang ngồi ở Ai Cập và chạm tới linh thiêng. Tôi mê và bị hút vào những đền đài, kim tự tháp, lăng mộ, những hình vẽ đầy bí ẩn và huyền hoặc của Ai Cập xa xưa. Những câu chuyện thực thực hư hư của miền đất bên dòng sông Nile huyền bí, một trong những con sông dài nhất thế giới.
Vào đầu thế kỷ thứ II TCN, Vua Adijalamani của Meroe cho xây một đền thờ nhỏ dành cho Thần Amun của Debod và Nữ thần Isis của Philae, ở Aswan gần thác nước lớn thứ nhất của sông Nile, hạ Nubia, miền nam Ai Cập. Sau đó nó bị cả thế giới lãng quên trong hơn 1.000 năm. Tại sao ngày hôm nay, ngôi đền lại ở đây? Tôi không chắc mình có buột câu hỏi ra khỏi miệng hay không nhưng lại có câu trả lời từ Antonio:
“Chính phủ Ai Cập đã trao tặng Debod cho Tây Ban Nha để tỏ lòng biết ơn đất nước này trong đợt giải cứu các công trình của Ai Cập có nguy cơ biến mất. Quá trình vận chuyển các khối đá từ Ai Cập về Tây Ban Nha mất mười năm với tổng cộng 1.350 hộp đá. Năm 1972, công trình này chính thức được mở cửa, đón chào du khách tham quan.”
Dù thế nào tôi cũng không thể đào bới đến tận cùng một mảnh đất. Nó có quá nhiều lớp lịch sử gối tiếp nhau hoặc đã hòa trộn vào nhau. Cơn đói bắt đầu nổi lên, tôi không thể đắm chìm thêm được nữa, hiện thực nhắc tôi phải chăm sóc cái dạ dày. Antonio dẫn chúng tôi đến quán Chocolatería San Ginés với chiếc cửa cũ màu xanh, hai chiếc đèn cổ treo hai bên, phía trên ghi năm 1894. Một lúc sau người phục vụ bê ra ba cốc socola nâu nóng hổi và một đĩa những chiếc bánh nhỏ và dài có phủ lớp đường mỏng.
“Đây là món churros chấm với socola, một món ăn nổi tiếng của Madrid đó chị.” Thêu giải thích, còn Antonio ăn trước để tôi biết cách làm theo. Cậu cầm thanh churros dài bằng bàn tay quệt vào cốc socola cho ngập kín đoạn cần ăn rồi thưởng thức ngon lành. Tôi bắt đầu làm theo, socola này không phải loại socola mọi người thường uống. Nó đặc và sánh mịn hơn rất nhiều. Vị ngọt có chút nhằng nhặng của socola quyện với vị béo ngọt, giòn dai của bánh churros, cắn một miếng, có cảm giác như mọi thứ trong miệng tôi quyện lấy nhau trước khi tan ra, rồi lấp đầy cổ họng, ngọt và ngậy cho đến tận dạ dày.
“Socola thường được phục vụ ở độ nóng 75-800C, trong một cốc sứ, churros có thể nóng hoặc lạnh. Nguyên liệu chính của churros là một loại bột nhào và được chiên vàng. Người Madrid rất thích món này, thường dành cho bữa sáng nhưng ở quán Chocolatería San Ginés, họ phục vụ 24 giờ.” Antonio vừa ăn vừa giới thiệu một cách tự hào. Nhìn cậu ấy và những người xung quanh tôi hiểu họ yêu thích món ăn này thế nào. Tôi ăn ngon lành cái churros thứ nhất nhưng đến cái thứ hai bắt đầu nghẹn ứ ở cổ vì ngọt, khát và ngấy.
Nhưng nếu ai đó dám liều làm điều giống người Madrid vẫn làm họ mới thực sự khám phá được tận cùng hương vị đặc biệt của món ăn này.
Hoàng hôn ở đền thờ Debod.
Đi tìm hồn cổ Tây Ban Nha
Hôm nay mình đi muộn một chút chị nhé, khoảng 2 giờ chiều, mình sẽ ra khỏi Madrid.
– Có xa đây không?
– Tầm 70km.
– Là chỗ nào vậy em?
– Một nơi cũng từng đóng vai trò quan trọng giống như Madrid. Mình ăn trưa xong rồi đi chị nhé.
– Ừ. Hôm nay mình ăn gì? Chị thèm món Việt.
– Nhà em lúc nào chả có. Canh mướp, mùng tơi và đậu phụ rán sốt cà chua nhé.
– Yeah. Giờ nó là sơn hào hải vị của chị đấy.
– Chỗ em ở rất thuận tiện, muốn ăn đồ Việt chỉ cần chạy ra ngoài đầu ngõ là thấy. Ở khu vực gần metro Tetuán (line 1) hoặc khu Usera (line 6) là hai nơi tập trung rất nhiều cửa hàng Trung Quốc bán đồ châu Á như đậu phụ, xì dầu, tương ớt, các loại rau, loại mì,… Hầu như thứ gì cũng có.
2 giờ kém 5 phút, tôi và Thêu đứng chờ sẵn Antonio ở cửa. Đúng 2 giờ anh chàng xuất hiện mà hai chị em giật mình không biết đi từ hướng nào ra.
Chiếc xe bắt đầu rời khỏi sự đông đúc của nhà cửa, phố xá, đến những khoảng đất trống, càng đi càng thấy mênh mông hơn. Giờ tôi thực sự tò mò muốn biết mình đang đi đâu. Định ngoi đầu lên trên hỏi hai người họ thì Thêu quay xuống nói.
“Mình đến thành cổ Toledo, trước đây từng là thủ đô của Tây Ban Nha. Em nghĩ chị sẽ rất thích.”
Xe cứ lên cao dần, tôi như được thoát khỏi khói bụi trần gian. Trước mắt chúng tôi là vòng cổng thành cao vây quanh một ngọn núi, bên trong hoàn toàn là một thành phố cổ. Vậy ra điều làm cho Toledo đặc biệt hơn so với những thành phố cũng mang dấu tích lịch sử ở chỗ nó không bị nuốt chửng, không bị lấn át, không phải chia sẻ với phần hiện đại nào. Những đường phố hẹp, quanh co, lát đá lọt trong những tòa nhà cao như nối với trời xanh và dẫn đến hư không.
“Thành cổ Toledo được sánh với Jerusalem và cảnh quan được cho là thuộc về Kinh Thánh.”
Antonio nói khi chúng tôi lang thang trong những con ngõ hun hút và không nhiều người, bóng ba người đang đổ dài dưới nền đá đen.
– Antonio, tại sao người ta lại ví nơi này với Jerusalem?
– Vì thành cổ này cũng đã hiện diện ở đây hơn 2.000 năm và là thành phố của ba tôn giáo: Hồi giáo (thường được gọi là người Moors trong lịch sử Tây Ban Nha), người Do Thái và Kitô giáo. Cũng giống như Jerusalem, đây là một khu khảo cổ học khổng lồ. Bất cứ nơi nào trong thành cổ cũng mang trong mình những dấu tích, huyền thoại và những nền văn hóa khác nhau. Người dân Toledo vẫn sinh sống trong những căn nhà giống như hàng ngàn năm trước tổ tiên họ đến đây. Cũng có luồng ý kiến cho rằng Toledo là linh hồn của Tây Ban Nha.
Hơn 2.000 năm, những dấu tích thời gian như không hiện hữu trên những công trình kiến trúc, trong mỗi nếp nhà. Giá trị biết bao khi được chạm tay vào những gì ngàn năm tuổi mà như không tuổi. Nhà thờ, tu viện Kitô vẫn chiếm ưu thế nhưng những ảnh hưởng của Hồi giáo cũng hiện diện khắp nơi.
Những bức tường pháo đài hẹp và quanh co, những căn nhà mở ra khoảng sân trong rất đẹp, trung tâm thực sự của cuộc sống gia đình và xã hội. Con đường cứ hun hút lên lại hun hút xuống, nhà cửa cũng phải theo nó mà uốn lượn, mềm mại như mái tóc dài gợn sóng của cô gái tuổi xuân thì.
“Con đường này được lát gạch nung từ thời Trung cổ bằng một chất liệu đặc biệt nào đó nên nó giữ được không khí thoáng mát.” Antonio nói vậy và tôi cũng có cảm giác đó, không chỉ con đường mà cả những bức tường đá như cũng phả ra hơi mát. Vòng vèo một hồi chúng tôi ra đến nhà thờ lớn Toledo (Catedral Primada Santa María de Toledo). Antonio chỉ về phía đó và nói.
“Nhà thờ này mất 267 năm để xây dựng, từ năm 1226 đến năm 1493 với kiến trúc chủ đạo là Gothic, trên nền cũ của nhà thờ Hồi giáo lớn trước đó.”
Người ta đã đầu tư rất lớn cho nhà thờ này bởi nó không chỉ là biểu hiện của niềm tin tôn giáo mà nó còn khẳng định cho vị trí và sức mạnh của vương quyền. Năm 1085, vua Alfonso VI đã tái thiết Toledo, người Kitô giáo lấy lại vị thế của mình. Toledo lấy lại vị trí chiến lược quan trọng của nó, trở thành thủ đô của Tây Ban Nha trong gần năm thế kỷ từ 1085 – 1561. Sự hòa hợp và lòng khoan dung chưa bao giờ được thăng hoa đến thế; nơi Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái sống cùng nhau và duy trì phong tục của riêng họ. Các thư viện của người Hồi giáo, Do thái vẫn được giữ lại thậm chí họ còn cho dịch lại những tư liệu này sang tiếng Tây Ban Nha, Latin. Cùng với bản dịch các tác phẩm Hy Lạp đã đưa Toledo trở thành một trung tâm tri thức ở châu Âu thời kỳ đó. Từ những tác phẩm dịch này, phần còn lại của châu Âu và thế giới có thể tiếp cận nền văn hoá và niềm tin của người Hồi giáo, Do Thái cũng như những lời dạy trong kinh điển Hy Lạp. Tên gọi Thành phố Hoàng gia cũng để gợi nhớ về Toledo thuở huy hoàng ấy.
“Ơ kìa, nhà quý tộc Don Quixote và anh hầu Sancho Panza đang đứng phía trước một cửa hàng lưu niệm”. Tôi bất giác reo lên khi nhìn thấy hai bức tượng phía trước.
- Xung quanh đây có rất nhiều tượng và đồ lưu niệm liên quan đến họ. Nếu muốn chụp ảnh, em bảo anh Antonio dẫn chị đi chụp cho đủ các tư thế và hành động được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết.
Thêu thấy tôi hứng khởi nên gợi ý thêm vài địa điểm nữa, nhưng chỉ nói đùa cho vui. Toledo ngày nay là thủ phủ của cộng đồng tự trị Castile – La Mancha. Hơn 400 năm trước, nhà văn Cervantes đã chọn vùng đất La Mancha làm nơi khởi đầu cho cuốn tiểu thuyết Don Quixote. Họ đã có một hành trình đi khắp đó đây quanh Tây Ban Nha, Toledo là một trong những nơi nằm trong hành trình đó.
Những tour du lịch mang tên “Đi theo bước chân của Don Quixote” bắt đầu cuốn hút mọi người. Kỳ thực ở xứ này, đi đâu bạn cũng có thể tìm ra một hành trình thú vị, không thiên nhiên thì tâm linh, di sản, văn hóa và giờ là văn học. Có một tuyến đường du lịch đã được công nhận chính thức đi qua 148 thị trấn với tổng đường đi là 2.000 ki lô mét. Wow! Tuyến đường dài nhất tôi biết đến và được viết trong cuốn sách này. Điểm bắt đầu từ Toledo. Nó được chia làm 10 hành trình với 56 chặng đi, liên kết với những địa điểm quan trọng nhất được nói đến trong kiệt tác của Cervantes và được công nhận như là tuyến đường văn hóa châu Âu.
Cũng khó chắc chắn đâu là con đường Don Quixote đã đi nhưng dù là cuộc hành trình nào đi nữa cũng sẽ giúp người theo dấu khám phá linh hồn La Mancha và truyền thống của nó, nguồn cảm hứng thực sự đằng sau Don Quixote. Vậy là tôi có một tấm ảnh với chàng hiệp sĩ ở Toledo.
Bên cạnh bức tượng là cửa hàng bán kiếm. Toledo tự hào là nơi cung cấp vũ khí cho quân đoàn La Mã, bí mật rèn kiếm nghìn năm của họ đã nổi tiếng trên thế giới khi Đế quốc La Mã, Đế quốc Tây Ban Nha đi chinh phạt và thống trị khắp nơi. Thậm chí những người Nhật cũng từng đến đây tìm hiểu. Chiến tranh đã qua, loại vũ khí này cũng không còn phù hợp với thời đại, những thanh kiếm Toledo trở thành một phần di sản của vùng đất.
Chúng tôi ra đến quảng trường Zocodover, ở đây bạn có thể mua một tấm vé trên con tàu mang tên Toledo Train Vision, có giá hơn 5 euro một lần, với chuyến hành trình quanh thành cổ, đi qua những dãy núi và ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên.
“El tour con la historia mejor contada, hasta en 16idiomas.
Te llevamos por los lugares más interesantes de la ciudad y al mejor precio”.
(Hành trình với câu chuyện lịch sử hay nhất được kể bằng 16 thứ tiếng. Chúng tôi sẽ đưa bạn đến những nơi thú vị nhất của thành phố với mức giá hấp dẫn.)
Nắng đổ màu vàng đậm hơn trên những con đường và tòa nhà báo hiệu chiều tà, tôi chắc Antonio sẽ lại sắp xếp một chỗ lý tưởng nào đó để ngắm hoàng hôn. Trời không có một gợn mây, hôm nay hoàng hôn sẽ đẹp. Chúng tôi đi dần ra phía cổng ngoài. Xe chạy sang bên kia bờ sông và lên cao hơn, mặt trời đang xuống nhanh nhưng cậu vẫn chưa tìm được chỗ ưng ý, bên lề đường đã có nhiều xe đỗ. Tôi ngoái ra bên ngoài cửa kính nhìn cả thành cổ Toledo quay tròn theo tay lái của Antonio. Cuối cùng cũng tìm được một chỗ trống nhưng mặt trời đã lặn hẳn chỉ còn một màu vàng cam thẫm tối và yếu hắt lên. Antonio tiếc hùi hụi còn tôi đang hân hoan chờ đợi khoảnh khắc huy hoàng khác.
Ngồi trên bậc lan can đường được làm khá to và rộng, tôi mãn nhãn nhìn sang thành phố Toledo trải dài trên sườn núi, hướng mặt ra phía dòng sông. Địa thế này sẽ thuận tiện cho việc đi lại giao thương và kín kẽ khi cần phòng thủ. Con sông Tagus trong hành trình của mình đã uốn qua ba mặt ngọn núi để tạo nên một phong cảnh hữu tình. Hơn bốn thế kỷ trước, vì vẻ kiều diễm và cổ kính của Toledo, một họa sĩ đã lang thang đến đây để rồi gắn bó cả phần đời còn lại của mình với nơi này. El Greco sinh ra ở Hy Lạp, sau đó tìm đến thành Rome nước Ý để mong phát triển sự nghiệp nhưng cuối cùng Toledo mới là nơi cho ông tất cả. Có thể từ một điểm nào đó quanh đây, ông đã vẽ kiệt tác Toàn cảnh Toledo.
Thời khắc chờ đợi của tôi đến rồi. Đèn bên thành cổ bắt đầu bật lên. Từng con đường vòng quanh núi, đi lên cao hay chạy dần xuống bờ sông, nhà cửa cứ thế dựng men theo. Buổi tối, đứng từ đây, tôi có thể nhìn rõ cấu trúc không gian của Toledo vì ban ngày chỉ thấy nhà cửa san sát nhau và những con đường như biến mất.
Phố xá không lung linh, hào nhoáng ánh đèn như Madrid, ở đây mỗi căn nhà là một đốm sáng; cũng không tấp nập xe cộ, mọi con đường như bình yên ngủ dưới những hàng cây nhỏ. Chỉ có pháo đài và nhà thờ lớn được phủ đầy ánh sáng. Dưới sông mặt nước im lìm. Gần 12 giờ đêm, tôi ngồi trên thành bức tường chắn của con đường bao quanh dòng sông Tagus, bên kia là thành cổ Toledo trọn vẹn trong tầm mắt. Mặt hơi ngửa lên một chút để hứng những cơn gió mùa hè. Tai nghe thứ âm thanh ran ran từ côn trùng kêu hai bên bờ sông. Hít vào thở ra nhẹ nhàng, cứ thế mắt tôi dần nhắm lại, những âm thanh xa vắng cứ to dần, giây phút đó tôi như đang trở về thời Trung cổ. Thấy các gia đình quây quần bên những căn nhà nhỏ xinh có sân trong, tiếng nện thép vang rền trong những lò rèn đỏ lửa, màu lụa óng mềm bay phấp phới dưới nắng trời, tiếng cười của những người phụ nữ đẹp, tiếng bán buôn nơi quảng trường, tiếng cầu kinh trong những nhà thờ,...
CHƯƠNG 5 - Những ngày Kadampa
Quyển kinh, bức ảnh Phật và chuỗi hạt
Nếu bạn nói chuyện với một người bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu, những điều đó sẽ được ghi nhớ bằng đầu. Nếu bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ, những điều đó sẽ khắc sâu vào tim.
Nelson Mandela
Quyển Kinh, bức ảnh Phật và chuỗi hạt
Vốn làm những chương trình về tôn giáo và thực hành thiền định nên trong hành trang của mình, tôi còn mang theo ba vật: một cuốn Kinh nhật tụng, một tấm ảnh Phật và một chuỗi tràng hạt đeo tay như những bảo vật hộ thân. Tôi nuôi một mong ước lúc nào đó trên hành trình này sẽ tìm ra được những miền đất Phật ở trời Âu.
“chị ơi, chiều nay em mang va li đồ qua nhà chị gửi nghen.”
Hương nhắn tin cho tôi.
“Em mang qua đi, chiều nay chị ở nhà. Qua chị chơi hàn huyên trước khi đi.”
“Vâng, vậy em hẹn 3 giờ chiều nha chị.”
Giọng điệu mấy cô gái miền Nam nghe thật dễ thương. Hương không học khóa chuyên sâu nên được nghỉ sớm từ cuối tháng Năm. Tôi mở toang cửa sổ cho gió vào phòng, những chiếc lá trên cây rung rinh, lấp loáng ánh nắng. Chiều nay khung cửa sổ này sẽ có thêm một thứ rất thơ.
“Mình nên đặt nó ở góc bên phải hay bên trái?”
“Nên ở bên phải”
Tự thoại và cười trước khung cửa sổ một hồi rồi tôi quay ra bếp chuẩn bị nấu ăn, miệng lẩm bẩm bài hát Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều), được truyền cảm hứng từ Dương. Hôm nay dậy muộn nên bữa sáng được gộp chung vào bữa trưa.
Sonia và bạn trai đã đi chơi, tôi vui vì cô ấy hạnh phúc trong căn nhà này. Giờ mỗi lần nhìn Sonia vui vẻ ca hát khi nấu ăn hay chăm chút làm đẹp từ màu sơn móng tay, móng chân, đến cài nơ trên đầu, trang điểm đậm nhưng không đi đâu chỉ chạy quanh nhà chụp ảnh gửi cho mọi người, thay đổi hình đại diện trên WhatsApp, Facebook liên tục, tôi đều thấy đó là việc làm chính đáng. Tôi đã thấm thía nỗi cô đơn và xa người thân đủ để đồng cảm với cô gái ấy, bất luận ai đó có nhìn hành động này ra sao, tôi vẫn thấy cô xứng đáng được như thế và nên làm như thế. Yêu đời, làm đẹp là nhu cầu tất yếu, tự nhiên và cần thiết cho một người phụ nữ.
Tôi lại ngồi cắt cắt tỉa tỉa món rau củ luộc của mình thành hình hoa, sau đó bày biện đĩa cơm đẹp nhất có thể trước khi ăn. Từ lúc về căn nhà này tôi cũng chuyển hẳn sang ăn chay. Thỉnh thoảng vào bữa trưa, khi không có bạn trai ở nhà, Sonia cũng chỉ nấu rau củ ăn giống tôi nhưng với mục đích khác, cô muốn giảm cân hoặc không tăng thêm nữa.
Không gian và không khí căn nhà đã giúp tôi quay về với thiền định tốt hơn vào mỗi buổi tối, tôi đang lấy lại cuộc sống bình ổn mình vốn có khi còn ở Hà Nội. Tôi đang thỏa thuận thành công và gỡ dần những rắc rối bên trong mình, mỗi khi nó nổi loạn tôi cần trấn an nó, mỗi khi nó lo sợ tôi cần an ủi nó, mỗi khi nó ốm đau tôi cần chữa trị cho nó. Tôi thấy rõ ràng hai con người đang phân tách trong mình. Một ai đó rất tỉnh táo, điềm tĩnh, minh triết, như biết trước mọi thứ, như thấu hiểu mọi điều và một con người thể hiện mạnh mẽ những hỷ, nộ, ái, ố trần tục nhất. Tự tôi hỏi tự tôi trả lời, tự tôi an ủi chính tôi, tự tôi khóc rồi tự tôi vỗ về chính mình,… Kỳ thực đã luôn có những câu trả lời đúng đắn, những sự kiện bất ngờ đến với tôi vào đúng thời điểm thích hợp và kịp thời nhất, trong những lúc bế tắc nhất, mất hy vọng và cùng đường nhất.
Tôi đã sống khá bình ổn ở Hà Nội, với công việc yêu thích, mức thu nhập tốt, những cuối tuần nuông chiều bản thân trong hương thơm và đẹp đẽ của các loại hoa mua từ chợ, trồng trên ban công, thảnh thơi trong những trang sách,… Tôi cảm thấy như mình đã đạt được một trạng thái quân bình cho tất cả và sẵn sàng cho một chuyến đi dài hơi hơn mà không phải lo lắng điều gì nữa.
Tôi sẽ không nhận ra con người mình còn nhiều vấn đề như thế nếu không đến đây. Tất cả những gì tôi nghĩ mình đã vượt qua kỳ thực tôi chưa từng trải qua và nó đã đánh gục tôi một cách dễ dàng. Tôi co ro sợ hãi, tôi khóc lóc như một đứa trẻ cho đến khi không còn sức lực tôi mới chợt nhận ra tự tôi phải bước ra khỏi đó.
Ngoài cửa có tiếng ồn nói chuyện, lúc sau chuông cửa reo, chắc Hương mang đồ đến.
– Em chào chị. Em mang đồ đến gửi, có cái va li xanh này thôi.
– Hai chị em vào nhà đi.
– Dạ, em để Hương ở đây chơi với chị thôi. Em phải đi có việc bây giờ.
Cả hai chị em song sinh đều tên Hương nhưng tôi có thể dễ dàng phân biệt được nhờ mái tóc ngắn của cô chị và dài của cô em. Tính cách của hai người cũng hoàn toàn khác biệt. Hương lớn cá tính và mạnh mẽ trong khi Hương em lại hiền dịu, dễ thương. Hai người ra đời cách nhau mấy phút nhưng cô chị chững chạc như hơn em tận mấy năm. Hương lớn phải đi còn Hương bé ở lại với tôi.
– Em mang đàn guitar cho chị nữa nè.
– Tuyệt quá, cảm ơn em. Có cái để “nghịch” lúc nhàn hạ rồi.
– Dạ, chị cứ tập chơi đi. Em với chị gái sẽ đi tình nguyện ở Orbanajo, một vùng núi gần thị trấn Ponferada, phía bắc của Tây Ban Nha. Họ có ba căn nhà cho khách du lịch thuê nên hai chị em xuống đó sẽ tập làm nhân viên phục vụ phòng.
– Hay quá, làm thế nào mà hai chị em có thể tìm được thế?
– Em cũng muốn đi tình nguyện lâu rồi, nên tự tìm trên mạng, nghe bạn bè quốc tế nói website Workaway.info này rất ổn. Chị có thể đăng ký làm tình nguyện viên với nhiều hoại hình công việc khác nhau trên toàn thế giới. Bạn em đã từng đi rồi nên em yên tâm đăng ký. Thao tác đơn giản lắm. Đầu tiên chị phải vào register, đăng ký một tài khoản cá nhân của mình. Phí hàng năm, mỗi người một tài khoản là 29 euro/năm, nhưng nếu chị đăng ký hai người trên một tài khoản sẽ tiết kiệm hơn là 38 euro/năm và hai người phải đi chung một dự án chứ không được tách riêng ra. Mỗi dự án có thể đăng ký đi từ hai tuần trở lên. Em đăng ký bốn tuần chị à.
– Bao giờ hai chị em đi?
– Dạ gửi đồ xong cho chị là hai chị em đi liền nè chị. Em chỉ mang theo ba lô nhỏ gọn gồm quần áo và đồ dùng cá nhân vì chủ nhà đã lo chỗ ăn chỗ ở cho rồi.
– Mà ở đó có xa đây không? Hai chị em đi gì tới đó?
– Cũng xa đó chị. Em đi tàu nhanh AVE mất khoảng 2 giờ rưỡi còn đi xe buýt sẽ mất hơn 8 giờ lận.
– Mà chị có tính đi đâu sau khi học xong không ạ?
– Chị cũng muốn đi tình nguyện nhưng chị chưa tìm được chỗ phù hợp.
Ý tưởng đi tình nguyện hay tham gia một nhóm cộng đồng nào đó là kế hoạch ngay từ những ngày đầu đến Zaragoza của tôi. Tôi thực sự muốn sống cùng người bản địa và trải nghiệm cuộc sống của họ nhưng theo một cách khác. Nơi mà tôi muốn đến là những trung tâm thiền và những tu viện Phật giáo. Ở các nước châu Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan,… bạn có thể dễ dàng tìm đến một ngôi chùa nhưng ở đây không hề đơn giản hoặc tôi vẫn chưa đủ duyên để gặp.
Một ngày giữa tháng Năm, trong lúc tuyệt vọng tôi nhìn thấy dòng chữ này hiện trên Google:
Voluntariado – Centro de Meditación Kadampa Madrid.
(Tình nguyện – Trung tâm Thiền Kadampa Madrid).
Tôi mở vào trang web đó:
http://meditaenmadrid.org/voluntariado/
Màn hình nền là một cậu bé cầm ống nhòm ngồi giữa một đồng cỏ khô điểm xuyết những bông hoa tím đầy nghệ thuật. Phía dưới là nội dung mô tả công việc tình nguyện.
Lưu trú và làm việc, một trải nghiệm độc đáo
Tình nguyện là một cơ hội lý tưởng để trải nghiệm trực tiếp lối sống của Phật giáo. Thường kéo dài một tuần, tuy nhiên thời gian lưu trú này có thể được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của từng trường hợp.
Công việc tình nguyện rất đa dạng bao gồm: dọn dẹp, nấu nướng, làm vườn, giúp văn phòng, vẽ tranh, trang trí,... Nếu bạn có kỹ năng cụ thể, vui lòng cho biết trong mẫu đơn.
Thức ăn được cung cấp ở Trung tâm là đồ chay và phòng ngủ tập thể, rất thoải mái. Tất cả những gì bạn cần mang là túi ngủ và khăn tắm.
Vì Trung tâm là một cộng đồng Phật giáo nên bạn không được uống rượu và hút thuốc tại nơi làm việc, không ăn thịt cá, không chơi nhạc,...
Trong thời gian lưu trú bạn có thể tham gia các hoạt động của Trung tâm. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, vào những buổi chiều, bạn có thể tham dự các lớp học giáo lý và thiền định. Hoặc bạn có thể tham dự những buổi tụng kinh, cầu nguyện hàng ngày của chúng tôi trong phòng thiền.
Chương trình này bao gồm chỗ ở, các bữa ăn và tham gia miễn phí tất cả bài giảng giáo lý và thiền định không trùng với giờ tình nguyện. Bạn phải làm việc 7 giờ mỗi ngày và có hai ngày nghỉ mỗi tuần. Đây là cơ hội tuyệt vời cho bạn.
Dưới cùng của trang web là hình ảnh làm tình nguyện của mọi người. Một khung cảnh bình an với không khí làm việc thân mật, đầm ấm mà tôi luôn ao ước.
Tôi nhảy lên sung sướng, lấy ngay bức ảnh Phật trong quyển kinh ra chiêm ngưỡng và lòng thầm cảm ơn vì sự màu nhiệm này. Đây là tất cả những gì tôi tìm kiếm, tất cả những gì tôi cần trong hành trình đi tìm Phật của mình ở trời Âu.
Tôi gửi ngay đường link này cho Thêu.
“Xem này chị đã tìm được rồi!”
“Chị tìm được cái gì cơ? Mà chị gửi cho em link gì đấy?”
“Trung tâm Phật giáo, nơi chị có thể làm tình nguyện ở đó. Nó ở trung tâm Madrid đấy. Em đọc thử xem.”
“Chà, đúng tâm nguyện của chị rồi nhé.”
“Yeah!”
“Để chị đăng ký. Chị cũng sắp được nghỉ hè rồi.”
“Chị điền vào bản đăng ký rồi đưa lại em xem trước khi gửi đi cho họ.”
“Được rồi chị làm ngay đây.”
Tôi điền các thông tin theo yêu cầu bao gồm tên tuổi, địa chỉ hiện tại, số điện thoại, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, một bản tự thuật nói về mong muốn và sở trường. Tôi nhấn mạnh thêm mình đã từng học và làm nhiều chương trình về Phật giáo và rất mong được trải nghiệm, học hỏi những giáo lý Phật đà từ phương Tây. Ngày tình nguyện từ 24-27 tháng Năm. Tôi chuyển cho Thêu xem lại câu chữ, chính tả rồi gửi đi và chờ đợi.
Kỳ học kết thúc tôi vẫn không thấy email trả lời lại. Tôi nhắn cho Thêu và lên Madrid đi chơi vòng quanh thủ đô cùng người bạn mới Antonio. Một vài ngày sau đó, tôi và Thêu tranh thủ đến hai địa chỉ đã ghi trên trang web. Một ở trung tâm Madrid nhưng không tìm thấy. Tôi muốn tìm bằng được nơi này vì thế đã năn nỉ Thêu đi ra ngoại ô đến địa chỉ Fábrica, Majadahonda. Cô em nhìn cái bản mặt đầy tha thiết, quyết tâm của tôi mà chiều theo. Chúng tôi bắt tàu ra khỏi trung tâm, cũng không quá xa và khó tìm, khung cảnh lại đẹp nên Thêu mê tít. Trung tâm nằm trên một ngọn đồi, con đường nhỏ đi vào nên thơ lắm, hai bên là những hàng thông reo. Nhưng rồi cửa vẫn đóng và một bản thông báo không làm việc cuối tuần. Tôi lại tiu ngỉu một lần nữa và nghĩ rằng mình không còn cơ hội, hay duyên lành gì với nơi này nữa, chấp nhận bỏ cuộc và trở về Zaragoza.
Tôi viết thư than thở với bạn mình bên Anh rằng tại sao ở châu Âu này tiếp cận với một tu viện Phật giáo lại khó đến thế. Ở đất nước tôi, những ngôi chùa luôn mở cửa, chốn đó giống như một ngôi nhà luôn rộng cửa cho những ai muốn tìm đến Phật, thậm chí cũng có thể là chốn dừng chân cho kẻ lạc đường, những người gặp nạn. Nếu cần cứ bước chân vào, Phật luôn hiện hữu ở đó với tất cả từ tâm và độ lượng.
Bạn tôi lý giải vì ở đây các tu viện phải hoạt động theo một cách thức khác cho phù hợp với văn hóa và luật pháp. Tôi không thực sự hiểu được lời giải thích này.
Khi trở về Zaragoza, tôi bất ngờ nhận được email của trung tâm phản hồi lại. Ít nhất cũng có chút an ủi vì họ đã đọc thư của tôi.
Xin chào, bạn có thể tình nguyện vào khoảng thời gian khác được không?
Tôi trả lời lại đầy thất vọng và không hy vọng gì thêm.
“Xin chào và cảm ơn!
Tôi chỉ có một kỳ nghỉ trong mười ngày và sau đó đã phải quay trở lại Zaragoza để học. Tôi đã đến thăm tu viện vào cuối tuần nhưng tu viện đóng cửa.
Tôi hy vọng mình có thể trở lại vào một ngày nào đó.”
Chúng tôi bị cuốn vào tốc độ học nhanh hơn của cô Marta khi đã lên A2. Tôi có cảm giác thời gian của một ngày cũng rút ngắn đi một nửa. Tôi bắt đầu phải hỏi: Mình sẽ làm gì tiếp theo?
Chiều, khi kết thúc buổi học, là lúc tôi lang thang đi tìm kiếm những con đường mới quanh nhà và lạc đến một cung điện tuyệt đẹp có tên Palacio de la Aljaferia. Cung điện này được xây dựng vào thế kỷ XI. Thời bấy giờ Zaragoza là một vùng đất Hồi giáo thịnh vượng với một nền văn minh phát triển ở bậc cao. Palacio de la Aljaferia là một trong những công trình lớn, nguyên vẹn duy nhất còn sót lại ở Tây Ban Nha. Một kiến trúc điển hình mang phong cách Mudéjar.
Mudéjar là một từ mới của tiếng Tây Ban Nha thời Trung Cổ, có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập là “Mudajjan” với ý nghĩa là “được phép ở lại”. Khi lấy lại đất nước, người Tây Ban Nha gọi người Hồi giáo sống trong những vùng lãnh thổ mới của mình là Mudéjares, họ được giữ nguyên tôn giáo và lối sống cũ. Mudéjar cũng trở thành tên phong cách kiến trúc từ thời kỳ này, nó là sự kết hợp Moorish, Gothic và Romanesque. Cung điện sau đó vẫn được triều đình Tây Ban Nha sử dụng và mở rộng thêm.
Những người kế tiếp đã không vì thù hằn chính trị hay sắc tộc mà phá bỏ những công trình trước đó, kiến trúc Tây Ban Nha trải qua lịch sử phát triển của đất nước càng trở nên phong phú và đa dạng. Những câu chuyện và thông điệp lịch sử của đất nước này qua các thời kỳ cũng được biết đến một cách sống động, cảm xúc và chân thực hơn.
Tôi cứ đi quanh cung điện hết vòng này đến vòng khác, từ ngày này sang ngày khác. Mỏi chân lại ngồi trên đồi cỏ ngắm nhìn những hàng cây và những bông hoa trắng mà tôi không thể gọi tên. Nó đẹp thanh thoát như sen trắng và tinh khiết như hoa quỳnh. Không hiểu sao tôi lại nghĩ đến châu Phi, đến Morocco khi nhìn khung cảnh này, có lẽ vì nắng và màu đất của cung điện làm cho tôi liên tưởng đến sa mạc Sahara. Tôi bắt đầu hỏi con người minh triết, bí ẩn trong mình.
“Mình sẽ tiếp tục ở lại mảnh đất Zaragoza này chứ?”
Im lặng.
“Học tiếp một khóa tiếng nữa? Hay sẽ đăng ký học trường nghề với ngành truyền hình và trong quá trình đó sẽ học thêm tiếng? Mình vừa tìm được vài trường và thử đọc thông tin rồi, họ không yêu cầu ngôn ngữ quá cao và chỉ xét tuyển.”
Im lặng.
Tôi thở dài, đứng dậy đi về nhà. Một người đàn ông ngồi xe lăn đang đứng ở cổng mua vé để vào cung điện nhìn tôi không chớp mắt. Có lẽ vì bộ quần áo hơi có phần Alibaba của tôi hoặc do ông để ý thấy tôi đã đi quá nhiều vòng quanh cung điện này mà không vào trong. Tôi nháy mắt tinh quái chào người đàn ông lạ rồi thản nhiên bước qua. Từ lúc nào, tôi thấy nơi này thành thân thuộc và đã hết rồi những ngại ngùng, tự ti, sợ sệt.
Việc đầu tiên khi bước vào cửa nhà, tôi mở điện thoại nhắn tin cho bạn mình bên Anh.
“Hey, em nghĩ đến lúc mình sang Anh rồi, anh thấy thế nào?”
“Chào mừng em!!! Đây là thời điểm tốt để đến Anh, mùa hè sẽ ấm áp và có nhiều thứ để ngắm nhìn.”
Tôi nhắn thêm một câu phụng phịu.
“Em cũng muốn đến một tu viện Phật giáo nữa.”
“Sẽ đến!!!”
Bạn tôi gửi thư mời và tôi chuẩn bị hồ sơ cho việc xin một tấm visa khác. Tôi lùi hai khóa học tiếng chuyên sâu của mình sang tháng Chín và tháng Mười. Sau chuyến đi lúc trở về tôi sẽ biết rõ mình cần gì hơn. Lời hẹn với nước Anh cũng đã trì hoãn lâu lắm rồi.
Trong lúc đang ngồi lọc thư từ trung tâm dịch vụ làm visa, tôi ngạc nhiên nhìn thấy dòng chữ từ Kadampa.
“Xin chào, bạn vẫn muốn làm tình nguyện viên ở Trung tâm Kadampa đấy chứ? Chúng tôi có khoảng thời gian từ ngày 20 đến ngày 30 tháng Sáu, hãy chọn vài ngày thích hợp nhất.
Thân thương,”
Tôi ngồi chưng hửng nhìn màn hình máy tính.
“Sao mà Phật khéo đùa con!”
Nó là thời điểm cận kề lịch đi Anh của tôi. Quá gấp gáp để chuẩn bị vì lịch học, giấy tờ cho visa, gói ghém đồ đạc, tôi không còn thời gian.
“Xin chào,
Cảm ơn rất nhiều vì vẫn nhớ đến tôi và cho tôi một cơ hội làm tình nguyện viên. Nhưng tôi rất lấy làm tiếc vì thời điểm đó tôi vẫn phải học và chuẩn bị một số giấy tờ, công việc cho dự định khác.
Tôi sẽ quay lại Kadampa bất cứ khi nào tôi có thể.
Nguyện một ngày an lành!”
Viết xong tôi đi lại quanh phòng, nhìn quyển Kinh, bức ảnh và lần chuỗi hạt đang đeo trên cổ tay, lòng vẫn phân vân, nửa này nửa kia.
“Chẳng phải mình vẫn luôn mong muốn điều này sao?”
“Chẳng phải mình đã cất công đến tận đó tìm họ rồi sao?”
“Chẳng phải đây là một cơ hội tốt hay sao?”
“Nhưng không còn thời gian. Thư mời bạn đã viết, không thể thay đổi.”
Tôi quyết định ấn nút gửi. Nắng chiều hắt qua khung cửa sổ làm chiếc đàn guitar rực lên. Tôi nhớ là mình mới sờ vào nó được vài lần, tập được vài gam rồi để đó làm cảnh. Vài ngày nữa nó lại về nhà khác cùng với chiếc va li của Hương gửi.
“Nào người bạn mến, hôm nay ta với ngươi ngồi lại tâm tình.”
Tôi ôm cây đàn ngồi lên bàn, nghĩ đến hình ảnh nàng Audrey Hepburn chơi đàn trong ánh chiều tà bên cầu thang, miệng ngân nga giai điệu Moon River trong phim Breakfast at Tiffany’s. Nhạc đệm cho bài hát đã được tôi ngẫu hứng theo một cách hoàn toàn khác mà đến chính tôi cũng không hiểu được. Nhưng có sao đâu, nếu ta đồng điệu được với nhau.
Moon river, wider than a mile
I’m crossing you in style some day
Oh, dream maker, you heart breaker
Wherever you’re goin’, I’m goin’ your way
Two drifters, off to see the world
There’s such a lot of world to see
We’re after the same rainbow’s end, waitin’ ‘round the bend
My huckleberry friend, moon river, and me.
(Dòng sông trăng, mênh mông trải rộng. Ngày nào đó tôi sẽ băng qua bạn, đường hoàng. Bạn – kẻ gọi giấc mơ. Bạn – kẻ làm tan vỡ con tim. Dù bạn trôi nơi đâu. Tôi cũng sẽ trôi theo. Hai kẻ lang thang ngắm nhìn thế giới. Có biết bao thứ để xem. Ta cùng đuổi theo cầu vồng. Chờ đợi nơi khúc quanh. Người bạn tri kỷ của tôi ơi. Dòng sông trăng và tôi).
Vài ngày sau tôi nhắn tin cho bạn mình.
“Em nghĩ mình sẽ không kịp để đi vào đầu tháng Bảy. Anh có thể viết lại thư mời đến giữa tháng Bảy được không?”
“Không sao, anh sẽ viết lại nó vào tối nay. Đừng lo!”
Kế hoạch của tôi thay đổi như chong chóng, đến tôi cũng không còn kiểm soát được nó. Tôi lấy chiếc túi thổ cẩm mang vào bếp, Sonia vừa hát vừa nấu ăn, cô đang rất vui vì vừa có một chỗ trông trẻ tốt hơn. Tôi tặng cô chiếc túi và nói mình sẽ không thuê căn phòng này nữa. Cô ấy bối rối.
– Tôi sẽ sang Anh một thời gian. Nhưng sẽ tốn kém nếu cứ giữ phòng mà không ở.
– Tôi biết, chúng tôi sẽ tìm người khác. Không sao cả.
Ngày hôm sau, Sonia tặng tôi một chiếc váy màu đen xẻ cao một bên. Tôi vẫn hẹn ngày trở lại sẽ gặp cô ấy nhưng tôi không chắc chắn. Trong những hành trình xuyên quốc gia, những lời hẹn dường như không còn mang một ý nghĩa đơn thuần với tôi nữa. Nó giống như một dấu hiệu tôi ghim vào vũ trụ này để nhắc nhớ cho một thời điểm nào đó xa xôi hơn, chẳng phải kiếp này. Nhưng mà tôi tin:
Bất cứ người nào tôi gặp cũng đúng là người mà tôi cần gặp. Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra. Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm. Những gì đã qua, cho qua. Không một giọt mưa nào lại tình cờ rơi sai chỗ.
(Bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ).
Và tôi vẫn muốn làm một điều trước khi rời khỏi Tây Ban Nha. Tôi đặt một hy vọng cuối cùng cho bức thư này.
Buổi sáng tốt lành,
Tôi đã hoàn thành khóa học tiếng Tây Ban Nha. Tôi có thể làm tình nguyện viên tại Kadampa từ ngày mùng 7 đến ngày 14 tháng Bảy được không? Hoặc một vài ngày trong khoảng thời gian đó?
Tôi rất mong chờ tin tốt từ Trung tâm!
Ngày gửi mùng 2 tháng Bảy, có thể nó sẽ quá gấp để cho họ kịp sắp xếp nên gửi xong tôi cũng không quá hy vọng. Một ngày, hai ngày, ba ngày vẫn không có thư hồi âm. Tôi lang thang ra cung điện Palacio de la Aljaferia vào cuối chiều. Đi một vòng quanh đó và gặp lại người đàn ông ngồi xe lăn nhưng hôm nay ông gật đầu và mỉm cười chào tôi rồi lăn bánh xe ra khỏi con đường bao quanh cung điện. Tôi ngồi đó lâu hơn mọi ngày, đi lên đỉnh ngọn đồi nơi có đặt những chiếc ghế và có thể ngắm hoàng hôn. Cứ ngồi đó cho đến khi cả thành phố lên đèn.
“Chị ơi, em vừa gửi email cho chị đó. Chị đọc hành trình đi tình nguyện của em chị nhé. Em gửi cả mấy bức ảnh nữa đó.”
Tin nhắn của Hương. Tôi vội mở máy tính ra xem. Rất đáng mong chờ hành trình này của hai chị em họ, có thể tôi cũng sẽ làm như thế khi hành trình tình nguyện của tôi đã đi tới bờ tuyệt vọng.
“Chị biết không lúc em tới trạm xe ở Ponferrada, cô chủ nhà lấy xe hơi đến tận nơi đón hai chị em. Em tới nhà cô chú tầm 7 giờ tối, sau khi giới thiệu xong, hai chị em lên làm vệ sinh cá nhân. Lúc xuống cô chú đã chuẩn bị cơm nước tươm tất rồi. Em ở phòng trên tầng gác mái, là phòng của con gái cô chú nhưng bạn ấy đang học ở Ba Lan. Ấn tượng lần đầu tiên của em là thấy gia đình cô chú rất thân thiện và dễ gần.
Buổi sáng hằng ngày đều có nước cam tươi chú hái ngoài vườn và buổi trưa không bao giờ thiếu sữa chua, mật ong và dâu rừng. Ong nhà cô chú nuôi, dâu cô chú trồng ở sân trước nhà đó chị.
Chú chủ nhà là ca sĩ và đánh guitar trong một ban nhạc, chú sống phóng khoáng và thích hòa mình với thiên nhiên, em còn có vài đĩa nhạc chú tặng. Cô chú có một phòng nhỏ như spa dùng để mát xa và kích thích giác quan bằng âm nhạc. Mọi người đến nằm và lắng nghe chú sử dụng nhạc cụ thiên nhiên trong vòng 40 giây, sau đó thấy tâm trạng thoải mái và phấn chấn hơn rất nhiều.
Em làm tình nguyện ở vùng núi tên là Orbanajo cách trung tâm Ponferrada 45 phút đi xe hơi. Công việc chính của em như nhân viên khách sạn, dọn dẹp phòng và trải ga giường. Em làm từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều.
Ngoài giờ làm hai chị em sẽ ra bể bơi. Nhà cô chú có hai hồ bơi, một ở trước sân nhà, một ở nhà bên kia cho khách du lịch thuê. Rồi đi hái trái cây ăn, thường là cherry và dâu rừng. Em cũng thích leo lên đỉnh núi, em hay đi với một chú chó, vì chó này họ nuôi để đuổi cáo và dẫn đi rừng không bị lạc.
Dân địa phương ở đây tầm 50 người, thường là người già và họ sống bằng nghề trồng trọt và nuôi gia cầm. Họ khá gần gũi và thân thiện. Orbanajo là nơi khách du lịch đến hòa mình vào thiên nhiên vì ít người, xung quanh là cây xanh và núi đồi, lúc nào cũng líu lo tiếng chim hót. Những điểm du lịch gần đó là thị trấn Ponferrada, một trong những cung đường trong hành trình đi Santiago khá nổi tiếng đó chị.
Mà lúc chia tay cô chú bịn rịn lắm, bảo coi hai đứa như con gái, hẹn em khi nào có dịp nhớ ghé thăm cô chú. Tiếng của em được cải thiện đáng kể rồi, học thêm vài thành ngữ mới tiếng Tây Ban Nha nữa chị. Em cũng hiểu hơn về văn hóa và món ăn Tây Ban Nha. À về cả Hippy, một phong trào được giới trẻ Tây Ban Nha tạo nên cách đây vài chục năm.
Đây là mấy bức ảnh em chụp ở đó nữa chị nè.”
Tôi vui mừng nhắn tin lại cho Hương.
“Một hành trình rất ý nghĩa em à.”
“Dạ chị. Chị có định đi đâu không?”
“Chị sẽ sang Anh du lịch một thời gian.”
“Oa, chị đi vui nhe chị!”
Tiện tay tôi ngồi xóa nốt mấy thư rác từ các công ty quảng cáo và dịch vụ. Thiếu chút nữa tôi xóa luôn những thư của Trung tâm Kadampa vì nó cũng hiện thư mới nhưng đang trên đà xóa nên tôi nhấn liền tay, may còn dừng kịp.
“Chào buổi chiều Uyen,
Chúng tôi vui mừng nhận bạn làm tình nguyện viên tại Kadampa Madrid trong khoảng thời gian từ ngày mùng 7 đến ngày 14 tháng Bảy.
Trong trường hợp bạn có việc đột xuất không lường trước và không thể đến với tư cách là tình nguyện viên, xin vui lòng báo cho chúng tôi biết càng sớm càng tốt. Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu cho chương trình tình nguyện viên, nếu bạn báo sớm chúng tôi có thể chuyển cho một người khác.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.
Hẹn gặp bạn vào ngày mùng 7 tháng Bảy ở số 8 Fábrica, 28221 Majadahonda.”
Chuyện gì đang xảy ra với tôi nhỉ? Tôi ngồi trong im lặng, nhìn ra ngoài cửa sổ và mỉm cười. Đó là tất cả cảm xúc khi đọc bức thư này.
Phụ bếp
– Sáng mai sang dọn đồ sớm cho chị nhé.
– Chị đi đâu à?
– Đến Trung tâm Phật giáo.
– Chị tu à?
– Ừ.
– Ơ!
7 giờ sáng, Sang có mặt trước cửa nhà với đủ các loại túi phục vụ cho đồ đạc của tôi. Mặt vẫn bơ phờ như vừa từ trên giường xuống.
– Hơ…ơ...ơ, chị cần chuyển cái gì?
– Em vẫn còn buồn ngủ thế cơ à. Chỉ có các loại gia vị, đồ ăn em cầm về nấu nốt. Sách vở và vài đồ dùng cá nhân của chị thôi. Quần áo hầu như chị mang đi hết rồi.
– Hơ…ơ…ơ. Được rồi.
Nói xong Sang ngồi xếp mọi thứ cho vào túi. Thực ra tôi có phải là kẻ không gia đình ở thành phố này đâu. Máy tính hỏng tôi cũng kêu gào đến sửa, lạc đường tôi bắt đưa đi đón về, không nói được tôi bắt đi phiên dịch, chuyển nhà tôi bắt đến dọn đồ rồi lễ mễ kéo lê tất cả một mình, đi đâu tôi cũng lôi đi cùng, thằng bé thực hiện nó một cách vô điều kiện. Chẳng phải chị em họ hàng ruột thịt, cũng không kết nghĩa vườn gì. Mọi thứ cứ tự nhiên mà chân tình như thế. Trong thành phố này tôi luôn có một người em trai rất mực thương tôi.
– Mấy giờ chị đi? Chị có nghe em hỏi không đấy?
– Hả? À, 2 giờ chiều nay.
– Xong rồi, một cái va li nhỏ của chị với thêm hai túi này nữa. Em tự mang về nhà được, chị không cần phải đi cùng đâu. Chị nghỉ ngơi chiều còn đi.
– Được rồi, hy vọng sớm gặp lại em.
– Chị đi may mắn và vui vẻ! Em về ngủ tiếp đây. Hơ...ơ...ơ.
Tôi quay vào dọn dẹp phòng trước khi đưa chìa khóa cho Sonia. Tạm biệt khung cửa sổ, tạm biệt chiếc bàn xinh, tôi đến từng góc trong căn phòng nói lời tạm biệt với tất cả đồ đạc ở lại. Lá xanh cũng vẫy vẫy ngoài cửa sổ chào tôi. Có hội ngộ tất phải có chia li, một lẽ tự nhiên của đời người. Bạn phải chấp nhận chia li một nơi cũ bạn mới có cơ hội đến với một nơi mới. Cuộc đời chúng ta cũng lớn lên, tâm hồn chúng ta trưởng thành hơn bởi những lần gặp gỡ, chia li nối tiếp nhau như thế.
Xong xuôi mọi thứ cũng đã 12 giờ, tôi ra bếp làm bữa trưa với bánh mì, trứng ốp và salad. Sonia và bạn trai đang ngồi trò chuyện trong phòng khách, có lẽ cả hai ở nhà để chào tạm biệt tôi. Tôi sẽ luôn cầu mong cho họ được hạnh phúc.
– Sonia.
– Tôi đây.
– Tôi đưa chìa khóa nhà. Cô có muốn kiểm tra lại phòng không? Tôi đã dọn dẹp và lau chùi cả rồi. Nếu còn bẩn cô giúp tôi dọn dẹp lại nhé.
– Phòng sạch lắm rồi, chúng tôi cảm ơn!
Tôi đưa lại chìa khóa và ôm Sonia một cái thật chặt rồi kéo chiếc va li đỏ ra khỏi phòng, Farid chạy ra mở cửa giúp tôi. Mặt trời hôm nay như được một ngày tỏa sáng huy hoàng, nắng như rang trên mặt đường. Nó không khác cái nắng cháy khô ở Lào hay nắng tháng Sáu “nước như ai nấu” ở Việt Nam. Tôi hẹn với lái xe BlaBlaCar ở trạm xe buýt trung tâm Estación Delicias Autobuses như thường lệ, đi bộ từ nhà ra đó mất 15 phút.
Kỳ lạ thật, cứ như thể tôi sẽ không quay lại đây nữa, mọi thứ như đang nhìn tôi với cái nhìn cuối cùng.
Bên rìa đường, một người vô gia cư đang rúm ró ngồi né vào bóng râm ít ỏi của bức tường lan can. Chỗ này nắng nhất nhưng cũng nhiều người đi bộ qua đó để vào trạm xe buýt. Bà gầy gò, đen đúa, chùm chiếc khăn nâu dài trên đầu, chiếc váy đã tã vì lê lết nhiều chỗ, đôi tay gầy guộc đưa ra cầu xin lòng hảo tâm của người đời. Tôi vét những đồng xu cuối cùng còn lại trong ba lô đưa cho bà một cách trân trọng nhất như tôi dâng vật phẩm cúng dường lên Đức Phật. Bà nhìn tôi ngạc nhiên, có lẽ chưa ai dâng cả hai tay đưa như thế. Tôi chỉ đang thực hành tín ngưỡng của một Phật tử khi bố thí cho người khác với tâm không phân biệt ai là người bố thí và đâu là người được nhận. Bà chắp hai tay để lên trán và nói điều gì đó như cảm ơn và cầu mong thần linh sẽ mang điều tốt lành đến cho tôi. Tôi cúi chào tạm biệt bà rồi đi tiếp. Được vài bước tôi chạy quay lại vui mừng vì trong ba lô vẫn còn một đồng 20 cent đưa nốt cho bà, rồi chạy đi không kịp nhìn xem phản ứng của bà ra sao. Giờ tôi mới là kẻ cháy túi nhưng bà chính là điều may mắn cho hành trình sắp tới của tôi.
7 giờ chiều tôi có mặt ở Madrid, Thêu và Antonio đã chờ sẵn để đón về nhà. Tây Ban Nha giờ thân thương và gần gũi hơn với tôi bởi những người bạn, người em thân thiết. Tôi không đơn độc ở đâu cả bởi chỗ nào đi cũng có người tiễn đưa, nơi nào đến cũng có ai đó đứng chờ. Đó chẳng phải là hạnh phúc lớn nhất của một kẻ đang lang thang trên những miền đất lạ như tôi sao. Thêu hỏi tôi khi cả ba đã ngồi trong ô tô:
– Chị mệt không?
– Không, chị đang rất hào hứng.
– Xem chị kìa. Giờ về nhà em nấu ăn, nghỉ ngơi. Chiều mai anh Antonio làm xong việc sẽ đưa chị xuống đó.
– Antonio. Cảm ơn!
– Không co gi!
Nói thế thôi chứ tôi hồi hộp lắm, cứ như con gái sắp về ở nhà chồng, vừa hạnh phúc vừa lo lắng, vừa bồn chồn lại hân hoan. Chả gì thì cũng lần đầu tiên trong sáu tháng ở xứ này tôi được sống trong một cộng đồng người bản xứ và người nói tiếng Tây Ban Nha một cách thân thiết nhất. Chả gì đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được trải nghiệm môi trường Phật giáo ở phương Tây. Chả gì thì họ cũng sẽ nhìn tôi như nhìn một phần văn hóa của người Việt Nam. Nhiều thứ chả gì này khiến tâm trạng tôi hỗn tạp.
Chiều hôm sau, Antonio và Thêu đưa tôi xuống đó. Tôi run run, hít một hơi thật sâu rồi bấm chuông. Chao ôi, bao nhiêu là hồi hộp! Không biết nói gì đây. Một anh chàng gầy với đôi mắt to và nụ cười rộng ra cổng đón tôi vào nhà ăn ngay bên phải cổng. Lúc tôi đến là 8 giờ tối, một vài người đang ở đó nói chuyện. Tôi làm động tác chắp tay xá chào trong Phật giáo và chỉ chào hỏi cơ bản như cô Marta dạy còn chủ yếu là Thêu nói, như mẹ chồng gửi gắm con gái về nhà thông gia. Có lẽ Antonio cũng lần đầu tiên đến một trung tâm Phật giáo nên có chút ngại ngùng không biết ứng xử ra sao. Nhưng tôi có cảm giác thân thiện và tin tưởng tuyệt đối. Đó là điều tôi thích nhất khi đến bất kỳ một địa chỉ Phật giáo nào, bởi tôi luôn tin ai đến đây cũng đều muốn phát khởi những điều tốt đẹp nhất trong bản thân và học cách sống thật nhất với chính con người mình nên giả dối không hiện hữu ở nơi này.
Tôi không nhớ tên ai cả, trên hai người giới thiệu cùng một lúc là bài toán khó cho tôi để ghi nhớ, hoặc tôi sẽ cố nhớ tên một người, hoặc tôi quên luôn tất cả. Lúc đó có một ni cô và một thầy tu trẻ, hai phụ nữ trung tuổi.
Tôi nói muốn đi dạo với Thêu và Antonio một lát quanh đây rồi tiễn họ về vì đã muộn nên để đồ đạc lại nhà ăn. Trời đã nhập nhoạng, mọi thứ khoác lên mình một lớp đen mờ, màu sắc của cảnh vật cũng nhờ đi.
– Thích thật đấy. Mọi người thân thiện, cởi mở, dễ gần chị ạ. Chỗ này hay thật.
– Ừ, chị cũng cảm thấy thế, hy vọng chị học hỏi được nhiều điều.
– Khung cảnh ở đây cũng đẹp. Nhất chị rồi đấy, tự nhiên lại tìm được chỗ này. Giờ em với anh Antonio phải về rồi, mười ngày sau quay lại hy vọng nhìn thấy chị với một diện mạo mới. Ha ha. Mà nhớ cập nhật thường xuyên cho em đấy.
– Biết rồi, hai người về đi không muộn.
Tôi quay lại phòng ăn. Anh chàng mở cửa lúc đầu vẫn đang đợi ở đó để dẫn tôi đi nhận phòng, anh ấy phụ trách công việc tình nguyện ở đây và nói tiếng Anh tốt. Nhưng giờ tôi không quan trọng ai nói được tiếng Anh mà là tôi sẽ nói được bao nhiêu tiếng Tây Ban Nha với mọi người. Anh dẫn tôi đi qua hành lang chính, đến phòng thiền chúng tôi gặp một thầy tu nữa đi ra, ông đã đứng tuổi. Nhìn ông mà tôi định phá lên cười. Họ trao đổi với nhau rồi ông nhìn tôi hóm hỉnh chào. Nhưng may gặp ông ấy mà tôi nhớ được tên anh chàng dẫn tôi đi là Gerard. Chúng tôi đi xuống tầng hầm, có một bức ảnh Phật đặt phía trước.
“Chúng ta rẽ tay trái, phòng cô ngay đầu này thôi.”
Một hành lang nhỏ, hai bên là phòng cá nhân của mọi người. Gerard gõ cửa, một cô gái xuất hiện. Tôi kéo va li vào trong và Gerard đi ra.
– Xin chào, tôi là Rocío.
– Tôi tên là Uyên.
– Uyen.
– Đúng rồi.
– Cô thích giường nào.
– Bên tay phải, tôi thích gần cửa sổ.
– Tôi cũng thế, giường tôi đối diện cô.
Căn phòng có hai giường tầng, tôi và Rocío ở phía dưới.
– Phòng này có bao nhiêu người vậy?
– Có ba người, còn một cô gái nữa, nhưng hôm nay cô ấy có việc bận nên không ở đây. Cô ấy cũng tên Rocío, giống tôi.
Nói xong Rocío chỉ cho tôi tủ để quần áo và nhà vệ sinh. Tôi mang vỏ chăn nhưng không dùng đến vì đã có đủ. Buổi tối đầu tiên được sống trong không khí như có gia đình bên cạnh.
Rocío nhìn sang tôi mỉm cười.
– Uyen, chúc ngủ ngon!
– Chúc ngủ ngon!
Ấm áp quá, ngủ ngon Uyên nhé. Mọi thứ cứ như một giấc mơ. Tối nay tôi nằm niệm Phật.
Có tiếng bước chân người đi lại ngoài hành lang làm tôi thức giấc. Tôi đã có một giấc ngủ sâu. Rocío đã dậy đi đâu đó, lúc sau cửa phòng mở.
– Chào buổi sáng! Cô ngủ ngon chứ!
– Vâng, chào buổi sáng!
Rocío đã thay quần áo xong. Tôi chui ra khỏi chăn gập lại mọi thứ rồi đi vệ sinh cá nhân. Không còn ai quanh đây, tôi đi qua bức ảnh Phật ngoài sảnh mỉm cười cúi chào và lên cầu thang. Sáng sớm trời nắng, gió và có chút se lạnh mang không khí trong lành của vùng đồi cách xa đô thị. Tôi đứng trước hành lang nhắm mắt hít hà một lúc. Phía dưới hành lang là một vườn hoa oải hương tím đang nở, đẹp đến nao lòng. Bất giác tôi nhớ đến cuốn sách Ngón tay còn thơm mùi oải hương của tác giả cùng tên Giáng Uyên, nó từng là cuốn sách khơi nguồn cảm hứng và khát khao khám phá châu Âu của tôi. Cứ nghĩ xa xôi lắm mới có thể chạm tay vào loài hoa này, giờ nó ở ngay đây, ram ráp lướt trên tay tôi, thơm nồng và tinh khôi trong nắng sớm. Bên cạnh là một bệ nước nhỏ chạy dài theo vườn hoa. Tôi qua cầu thang và ngồi xuống chiếc ghế gỗ mộc đã cũ, lắng nghe nước róc rách chảy và bầy ong đang say sưa hút mật trên những nhành hoa tím.
Phía nhà ăn có ai đó đang vẫy tôi, là Gerard.
– Chào buổi sáng! Cô ngủ ngon chứ?
– Chào buổi sáng. Tôi ngủ ngon. Cảm ơn anh.
Mọi người đang dùng bữa sáng trong nhà ăn rất đông.
– Chào buổi sáng Uyen.
– Chào Uyen.
– Chào buổi sáng Uyen
Tôi đi qua một hàng những lời chào và gật đầu đáp lại.
– Chào buổi sáng!
Ai cũng nhớ tên tôi mà tôi không nhớ tên ai. Tệ thật! Gerard đi theo hướng dẫn:
– Ở đây có bánh mì, bánh ngọt, mứt hoa quả, các loại đồ uống như sữa, nước cam,... Cần làm nóng bánh mì thì cho vào đây. Chúc ngon miệng!
– Cảm ơn!
Tôi loay hoay chọn hai lát bánh mì, mứt dâu tây và một cốc sữa gạo. Gerard cũng lấy một chút đồ ăn và ngồi cùng. Chắc sợ tôi chưa quen và anh còn muốn dặn dò gì đó. Mọi người kết thúc bữa sáng và bắt đầu tỏa đi các hướng khác nhau, mỗi người một việc.
– Đồ ăn ngon chứ?
– Rất ngon.
– Cô sẽ giúp mọi người làm các công việc trong bếp.
Ăn sáng xong tôi theo Gerard vào nhà bếp phía sau, đi qua vườn oải hương. Mọi người đang sửa lại một số công trình ở đó nên khá ồn. Ngày đầu tiên tôi làm phụ bếp cho sư Gyalchog. Ông lấy một chiếc tạp dề màu xanh dương và mặc cho tôi. Ông bắt tôi đội thêm cả mũ trùm tóc vì sợ tóc sẽ rơi vào thức ăn, rồi nhìn tôi gật đầu ra điều thế này duyệt được rồi. Tôi không thoải mái với cái mũ, nó làm cho tôi có cảm giác đang ở trong phòng khử trùng của bệnh viện.
Công việc ngày đầu tiên của tôi trong vai trò phụ bếp là rửa rau củ và thái chúng thành hình theo yêu cầu của bếp trưởng Gyalchog để ông cho vào món salad. Ông khá trầm tính và ít nói. Tôi được bữa cay xè mắt vì thái ớt và hành tây. Chờ mọi người ăn xong chúng tôi rửa chén đĩa và dọn dẹp nhà bếp. Mọi thứ kết thúc lúc 3 giờ chiều. Tôi mệt đờ người.
Ngày thứ hai tôi chủ động dậy sớm, ăn sáng và vào bếp đúng giờ. Hôm nay không phải sư Gyalchog. Mà là ai đây?
Tôi đứng tròn mắt nhìn người đàn ông đang chăm chú vào bảng danh sách tên của mọi người trong Trung tâm.
“Ô, lại đây nào.”
Là ông ấy, vị thầy tu tôi gặp ở cầu thang hôm đầu tiên mà mới thấy mặt chưa thấy tiếng tôi đã muốn cười rồi. Hôm nay ông mặc bộ quần áo thường dân, chiếc quần sooc và sơ mi cộc tay màu tím bên trên có dòng chữ “Eight steps to happiness” (Tám bước đến hạnh phúc), với những bước chân cứ nhỏ dần lên một hình tròn như mặt trăng ở gần chỗ trái tim. Có những người mà chỉ cần thấy họ bạn như cảm nhận được phúc lạc hân hoan, ông ấy là như thế, một ông Phật Di Lặc trong tôi.
Ông thậm chí còn không đeo tạp dề, điều này có nghĩa tôi có thể bỏ qua cái mũ trùm tóc. Tôi nhìn xuống dưới danh sách, ông đang đánh dấu những người đặt bữa ăn trưa nay.
– Sangdak là tên tôi.
Ông giới thiệu sau đó nhìn tôi rồi nhìn lên tấm bảng trên tường và viết vào danh sách bổ sung cái tên Nunyez. Tôi không nhìn thấy tên mình ở đó.
– Tên của tôi, không có ở đây.
– Nunyez (Nun nhẹt), tên cô đây.
Tôi nghẹn ứ ở cổ, nhăn nhó mặt như sắp khóc nhìn ông. Ông chỉ cho tôi tấm bảng treo trên tường và giải thích rằng sư Gyalchog đã viết tên tôi trên đó hôm qua.
Tôi đã nhìn thấy nhưng không nghĩ dòng chữ Nunyez được trịnh trọng viết trên đầu tấm bảng lại ám chỉ tên mình.
Ông cúi sát mặt, tròn mắt hỏi tôi.
– Không phải à?
Tôi lắc đầu
– Vậy cô tên gì?
– Uyên.
– Uyen?
Tôi gật đầu mặt đau khổ vô cùng còn ông cười một tràng dài. Từ hôm đó mỗi lần vào bếp nhìn thấy tôi là ông bắt đầu điệp khúc.
“Nun nhẹt, Nun nhẹt.”
Mặc cho tôi dậm chân, đập tay đầy hờn dỗi và tức tối.
Sau đó tôi phụ bếp cho Rocío là chính. Cô cho tôi toàn quyền làm món Salad. Nếu tôi thực sự muốn học nấu ăn, tôi phải học thuộc tên và công dụng của một hàng dài những lọ gia vị đang xếp đầy trên kệ. Không ngoa khi nói Tây Ban Nha là thiên đường cho những người yêu gia vị và thảo mộc. Một thời kỳ dài những người Hồi giáo đến đây, họ không chỉ để lại đền đài, kiến trúc mà còn cả những loại gia vị như thì là, rau mùi, hạt nhục đậu khấu, hạt tiêu, đinh hương, quế,... Columbus theo lệnh Nữ hoàng Isabella đi khám phá “thế giới mới” cũng mang về những gia vị đặc biệt là ớt, socola và vani. Và còn rất nhiều gia vị nổi tiếng của xứ sở này như dầu oliu, nghệ tây – thứ đắt đỏ nhất trên thế giới nhưng đã được trồng ở Tây Ban Nha cả nghìn năm,…
Mười ngày ở đây tôi chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng món Salad là một sự pha trộn ngẫu hứng giữa các loại rau củ quả, nó vừa sức với tôi. Mỗi đầu bếp lại cho tôi một phong cách thái và trộn rau củ khác nhau. Rocío thích mọi thứ nhỏ nhắn, thanh mảnh. Nhưng sư Gyalchog và sư Sangdak lại thích vuông vức và to bản. Gia vị không thể thiếu cho bất kỳ món salad nào là dầu oliu và không bữa nào thiếu món này, giống như món rau không thể thiếu trong bữa cơm người Việt.
Tây Ban Nha được coi là “vườn cây trái của châu Âu”, đặc biệt có một số khu vực hoạt động chủ yếu là nông nghiệp như Galicia, Extremadura và Andalusia. Tôi sẽ không thể đếm được có bao nhiêu loại salad ở Tây Ban Nha nhưng trong mười ngày tôi nghĩ mình sẽ có một bộ sưu tập kha khá. Cũng không quá tệ cho một phụ bếp như tôi.
Nghệ thuật ăn
Rocío nấu món pizza nấm

Tôi thích sự chỉn chu và cẩn thận cho bữa ăn của Rocío. Cô ấy đến từ Mexico nhưng đã ở Madrid một thời gian dài cho việc học. Cô đã lấy bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Khoa học, Hóa học Nông nghiệp và Dinh dưỡng học. Ít nhiều ba môn học cũng giúp cô nấu những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho tất cả mọi người trong Trung tâm nhưng cô không cần đạt đến trình độ tiến sĩ mới có thể làm được những công việc này. Nhưng sao Rocío lại chọn đến đây thay vì một nơi làm việc nào đó ở Madrid?
Rocío cũng mới đến Kadampa trong năm nay. Tôi tò mò hỏi cô có muốn chia sẻ câu chuyện của mình không. Tôi thường rất e dè khi đưa ra câu hỏi này bởi đó là thế giới riêng của mỗi người, đôi khi họ muốn giữ. Cái tính tò mò và muốn lắng nghe mọi thứ trên đời luôn khiến tôi chấp nhận liều lĩnh. Đôi khi phải chờ đợi rất lâu mới có phản hồi lại, đôi khi họ từ chối và giữ khoảng cách với tôi, đôi khi họ im lặng mãi mãi,… Được nghe một câu chuyện đời riêng tư của ai đó cũng giống như được đọc một cuốn tiểu thuyết độc nhất trên đời, giống như tôi được ai đó tin tưởng trọn vẹn. Và để có được cuốn tiểu thuyết ấy tôi cần một sự kiên trì, nhẫn nại, thấu hiểu và chân thành tuyệt đối.
Rocío đồng ý ngay khi tôi ngỏ lời, nhưng tôi sẽ không thể hiểu nếu trò chuyện tay bo bởi thuật ngữ Phật giáo rất khó vì thế tôi bảo cô hãy viết thư cho tôi. Tôi có thể dịch nó dần dần. Câu chuyện của cô ấy thực sự làm tôi xúc động và thêm một lý do để tôi tin vào sự màu nhiệm của cuộc sống cùng đức tin rằng: Khi bạn luôn tâm niệm một điều gì đó, rồi một ngày nó sẽ tìm đến bạn hoặc bạn tìm đến nó.
“Chào Uyên,
Tôi rất vui được chia sẻ hành trình tìm đến Kadampa và biết đến Phật giáo của mình.
Những thói quen của một tu sĩ Phật giáo đã thu hút sự chú ý của tôi từ khi còn nhỏ và tôi hạnh phúc khi nhìn thấy họ. Gần mười năm sau cái chết của Cha mình, tôi được gợi ý đọc cuốn sách “Sự Sống và Cái Chết” của Tây Tạng. Từ đó tôi bắt đầu nhận biết về triết lý Phật giáo. Tôi tiếp tục trong nhiều năm chỉ đọc các cụm từ và tìm kiếm ý nghĩa của chúng.
Nhiều năm sau, khi đã đạt được mục tiêu trong học vấn cao nhất, đã lấy bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Khoa học, Hóa học Nông nghiệp và Dinh dưỡng học nhưng tôi thấy cuộc sống của mình vẫn vô nghĩa. Và bên trong tôi có một điều gì đó thôi thúc rằng câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật. Vào lúc đó, tôi đã suy ngẫm về lựa chọn đi du lịch đến Tây Tạng và trú tại một tu viện Phật giáo.
Tôi đến Trung tâm Thiền Kadampa vì tôi muốn tìm một trung tâm Phật giáo ở Madrid, nơi tôi sinh sống. Tôi tìm thấy một vài nơi nhưng Trung tâm này đã thu hút sự chú ý của tôi từ phút đầu tiên.
Những trải nghiệm với tín ngưỡng truyền thống này đã giúp tôi tìm thấy sự bình an nội tâm mỗi ngày. Bây giờ tôi hiểu rằng những suy nghĩ và cảm xúc xuất phát từ tâm trí tôi chứ không phải từ bên ngoài. Tôi không dính mắc vào nó mà chỉ nhận biết nó như có thêm một trải nghiệm.
Trong thiền định, tôi đang luyện lòng từ bi và thực hành nhẫn nại. Tôi cảm thấy sự bình an trong những giấc mơ của mình. Dựa vào Pháp, tôi có thể dễ dàng chấp nhận những hoàn cảnh hay điều kiện bất như ý xảy đến với mình.
Tôi vẫn sẽ tiếp tục đọc, tham dự các lớp học, tu tập và thực hành Phật giáo tại Kadampa này.
Hãy nhận từ tôi những nụ hôn và một cái ôm thật lớn!”
Đây là lý do vì sao cô tiến sĩ trẻ, xinh đẹp, tài năng này ở trong bếp, tất bật nấu nướng, người đầy dầu mỡ và mùi thức ăn thay vì mùi thơm của nước hoa, son phấn. Rocío chăm chút rất cẩn thận bữa ăn của từng người, cô ấy luôn đặt thực phẩm lên bàn cân để tính toán khẩu phần và hàm lượng thức ăn cho mỗi bữa.
– Ở Việt Nam chế độ ăn chay rất phong phú vì chúng tôi có nhiều loại rau, hạt và quả. Ở đây thì sao? Làm thế nào mọi người đảm bảo được sức khỏe khi ăn chay?
– Theo khóa huấn luyện mà tôi nhận được, một người ăn chay nên bao gồm một chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ và bổ dưỡng để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Bao gồm các sản phẩm động vật như trứng và sữa, các loại rau lá xanh như củ cải, rau bina, rau diếp,… các loại hạt khác nhau. Ngoài ra cũng cần uống nước, giảm lượng chất béo bão hòa, dầu ăn đã hydro hóa, đường và muối. Tôi nghĩ ở đây đồ cho ăn chay cũng vô cùng phong phú.
Ở Kadampa, tôi thấy mọi người đều rất khỏe mạnh. Những người phụ nữ luôn giữ được vóc dáng cân đối, đàn ông và những thầy tu ai cũng to khỏe. Nếu tôi tiếp tục ở đây một thời gian tôi nghĩ mình sẽ tăng cân trông thấy. Các món ăn hoàn toàn không đơn điệu. Tôi thích món pizza nấm và đặc biệt là món Croquetas de Setas do Rocío nấu.
Một ngày cô đặt trước bàn chế biến một túi Croquetas de Setas mua sẵn rồi rán thử cho tôi ăn.
– Oa, ngon quá!
– Cô thích hả? Hôm nay chúng ta sẽ nấu món ăn này.
Hình dáng, màu sắc của nó làm tôi nhớ đến món bánh rán mặn ở Việt Nam. Bên ngoài giòn với lớp bột mì, bên trong béo bùi ngọt của khoai tây, nấm và hành tây. Món ăn này thành phần chính gồm có khoay tây luộc lên rồi đánh nhuyễn, nấm và hành tây thái nhỏ trộn cùng. Sau đó bạn nặn thành hình ô van, lăn qua một lớp trứng, rồi lăn vào bột mì và cho lên rán vàng.
– Uyen, chúng ta sẽ bỏ đĩa này và làm đĩa mới. Những chiếc bánh không đẹp và bị lỗi rồi. Để tôi đổ vào thùng rác.
– Ô, đừng, như thế không tốt.
– Tại sao không tốt?
– Không nên lãng phí thức ăn. Trong truyền thống Phật giáo, chúng tôi không lãng phí thức ăn. Tôi có thể ăn chúng hoặc mang cho những con chim.
Rocío đặt lại chiếc đĩa lên bàn và có phần bối rối như cảm thấy đó là thiếu sót trong hiểu biết của mình. Tôi ăn ngon lành phần nhân bên trong nhưng quá nhiều không thể ăn hết.
“Nun nhẹt, Nun nhẹt.”
Tôi liếc mắt ra ngoài cửa nhìn tức tối nhưng vui vì ông ghé vào bếp chơi. Sư Sangdak ngạc nhiên khi nhìn đĩa bánh nham nhở trên tay tôi. Rocio giải thích cho ông hiểu vì sao tôi vẫn giữ nó. Ông quay sang nhìn tôi rồi nhón một miếng, sau đó làm động tác của một chú chim đang bay, miệng đọc lại từ con chim trong tiếng Anh
“Bớt, bớt. Bớt, bớt.”
Tôi và Rocío lại cười té ghế. Tôi nghĩ ông ấy nên trở thành một danh hài trước khi làm một nhà sư. Tôi thấy thế giới vật chất ngoài kia đã bỏ phí một tài năng. Rồi tôi chia sẻ về nghệ thuật nấu ăn và ăn trong các ngôi chùa Phật giáo ở Việt Nam.
“Ở đất nước chúng tôi, nấu ăn cũng là một phương pháp để thực tập chánh niệm. Mọi người phải làm trong im lặng và không gây tiếng động. Trước khi ăn chúng tôi phải thực hành một số nghi thức để tịnh hóa thân tâm và nhận biết rằng thức ăn này do bao công khó nhọc mà có, phải biết trân quý nó.”
Tôi chỉ dùng những từ khóa và hành động để miêu tả là chính, thế mà cả hai cứ gật đầu chăm chú. Mừng quá họ hiểu tôi nói gì. Sư Sangdak giải thích.
– Ở đây chúng tôi nghĩ ăn là thời gian để mọi người trò chuyện với nhau.
– Tôi hiểu, nhưng nó sẽ không tốt cho sức khỏe và dạ dày đúng không?
– Có thể.
Tôi chia sẻ thêm với họ lời dạy của sư phụ mình về một bữa ăn trọn vẹn khi nó hợp đủ bốn yếu tố. Đầu tiên là thời điểm ăn, bạn phải đủ đói mới tìm đến bàn ăn. Thứ hai là cách bày biện đồ ăn phải đẹp mắt và tinh tế bạn mới có hứng ngồi xuống ăn. Thứ ba là người ăn cùng phải hợp, bạn mới có tâm trạng vui khi ăn. Cuối cùng mới là thức ăn được nấu hợp khẩu vị bạn mới ăn ngon.
“Nó rất hay.”
Sư Sangdak vừa nói xong mọi người cũng ùa vào bếp chuyện trò vui vẻ, đã đến giờ ăn. Lý thuyết là thế nhưng ở đây tôi thích không khí mọi người thế này hơn. Họ đã im lặng làm việc cả sáng nay và đây là giờ được nói. Món salad vẫn được tôi trang trí hoa hòe hoa sói, đủ các thể loại hình học để bắt mắt. Đôi khi mọi người ồ lên và không biết phải lấy thế nào để không phá vỡ kết cấu mà tôi đã mất công sắp đặt.
Cái đĩa cạnh tôi lại thêm vài miếng bánh hỏng, nhưng một vài người nhìn tôi và ngỏ ý muốn lấy một miếng trong đó cho vào đĩa. Tôi mỉm cười để cho họ lấy. Tôi cũng lấy thêm một miếng cho vào đĩa của mình và phần nham nhở còn lại tôi mang ra sau bếp, cắt nhỏ và rải dọc hàng rào cho lũ chim ăn.
Nấu Paëlla và nghĩ về Valencia
Món paëlla của sư Sangdak

Ông trịnh trọng đặt túi gạo lên bàn, một vài hộp gia vị. Ông đặt gạo lên cân, đong đong đếm đếm.
– Chúng ta nấu món gì Monje (Nhà sư)?
– Paella, Nun nhẹt!
Ông lấy trong khay ra các loại rau bảo tôi đi rửa và thái chúng: ớt ngọt, súp lơ trắng, cà rốt, nấm,…
Ông tìm trên chạn một cái chảo to nhất. Mọi thứ cứ va đập vào nhau loảng xoảng và thực phẩm vương mọi chỗ. Cứ như thể ông đang biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu. Tôi vừa thái đồ vừa cười đến chảy nước mắt. Nếu ở Việt Nam ông chưa thể làm một vị thầy tu được vì nấu ăn vẫn còn thiếu điềm tĩnh và gây ồn ào quá.
Trước khi đến Tây Ban Nha tôi đã được đọc và nghe rất nhiều về món paella này, bạn có thể hình dung đến món cơm trộn thập cẩm, nhưng công phu và phức tạp hơn nhiều. Yuliya cũng từng mang đến bữa tiệc chia tay lớp món Paella hải sản. Mọi người nói, đến Tây Ban Nha mà không thử ăn món paella là bỏ mất một cơ hội lớn khám phá ẩm thực xứ này. Nhưng hôm nay chúng tôi nấu món paella chay. Tôi đặt máy ảnh sẵn ở đó và nói với ông khi nào nấu xong tôi phải chụp lại.
– Monje, ông sinh ra ở đâu vậy?
– Ở nơi món ăn này sinh ra.
– Là Valencia.
Ông gật đầu.
Valencia nằm ở phía đông Tây Ban Nha. Đây là một trong những cảng tự nhiên lớn nhất Địa Trung Hải và là một trong những vùng sản xuất lúa gạo quan trọng của Tây Ban Nha. Vùng đất này nổi tiếng có loại gạo đặc biệt ngon và có lẽ vì thế nó đã khơi nguồn cảm hứng cho ai đó sáng tạo ra món paella nổi tiếng ngày nay.
– Monje, ông còn nhớ món paella lần đầu tiên được ăn không?
– Ồ đã lâu lắm rồi, những ký ức cứ mờ dần theo thời gian, giờ chỉ còn lại những mảnh ghép rời rạc. Khi tôi còn nhỏ lắm, tầm 2-3 tuổi. Lúc đó chúng tôi đang sống ở Valencia, tôi ở trong một vườn cây ăn trái, có một căn nhà. Tôi đã ăn món paella đầu tiên ở đó. Họ bày bàn ghế ra và đặt một đĩa salad rất lớn. Tôi nhớ có cả rượu và nước uống cho trẻ con. Rồi dao dĩa, bánh mì và cuối cùng là món paella nóng hổi vừa chín tới. Không có đĩa riêng cho từng người và tất cả ăn chung trong chảo.
– Ông có nhớ trong đó có gì không?
– Thành phần hả? Có gạo, thịt gà, thịt thỏ, ốc sên, rau, dầu oliu, muối, ớt đỏ, nghệ tây, vài tép tỏi, cà chua. À, có thêm vài nhánh hương thảo nữa.
– Ai đã nấu món paella đó vậy?
– Tôi không nhớ. Lúc đó tôi đang chơi đùa, tôi được gọi vào ăn khi món paella đã được đặt lên bàn.
– Nó trông có giống với món paella ngày nay không, Monje?
– Tôi không chắc lắm, theo cảm nhận chủ quan của tôi mùi vị của nó mạnh hơn và tự nhiên hơn bây giờ.
Tay ông vẫn đảo đều trên chảo và khói bay khắp mặt, những giọt mồ hôi bắt đầu lấm tấm rơi. Người ta nói món paella này xuất hiện từ khoảng thế kỷ XV-XVI và bắt đầu phổ biến khắp Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ XIX. Món paella đầu tiên ông ăn đã cách đây hơn 70 năm, hai phần ba thế kỷ đã trôi qua cuộc đời ông.
– Monje, món paella ngày đó và bây giờ có khác nhau nhiều không?
– Tôi có cảm giác món paella bây giờ không còn giữ được vị thơm ngon một cách tự nhiên bằng ngày xưa.
– Vậy ông thích loại paella nào nhất?
– Ừm, mỗi loại có một sự quyến rũ và hương vị riêng của nó. Có thể là tôi thích Él arroz a banda, món paella nguyên bản từ Valencia, gạo được nấu chín trong nước cá, rất điển hình ở vùng ven biển Alicante (cộng đồng Valencia), Murcia và mở rộng đến Garraf, Barcelona. Tôi cũng thích món paella truyền thống của Valencia. Trên thực tế, tôi không biết rõ lắm nhưng mọi người nói rằng có hơn 300 cách chế biến paella khác nhau: từ hải sản, gà, thịt thỏ, rau,…
– Ông có thể chỉ cho tôi biết một vài nơi ở Valencia nấu món paella ngon nhất không?
– Nếu thiên về mục đích kinh tế tôi không biết. Tôi chỉ biết những người vô danh nấu cho tôi những món paella đặc biệt ngon và họ không có địa chỉ cũng không kinh doanh.
Cũng có người nói, chỉ những người đàn ông sinh ra ở vùng hồ Albufera, nơi được cho là cái nôi của món paella, mới có thể nấu ngon nhất cũng như chỉ có cô gái gypsy sinh ra trong nghèo đói mới có thể nhảy điệu flamenco đẹp nhất. Đôi khi để tìm được món ăn truyền thống còn đúng vị bạn phải cố công lần mò đến những hang cùng ngõ hẻm không tên tuổi nào đó. Vì ở đó họ giữ món ăn như giữ nếp gia đình và truyền thống quê hương.
Tôi đã xong món salad theo ý tưởng của ông với cà chua xẻ làm bốn cắt đôi, củ rền ngâm cũng bổ tương tự, nhưng cà rốt lại nạo chỉ đặt bốn xung quanh, cộng thêm rau chân vịt và quả oliu muối. Giờ chỉ ngồi không và đợi thành quả của món chính paella. Ông đeo một bên găng tay và xoay xoay chiếc chảo quanh bếp, nó quá lớn và nóng để dùng hai tay. Nhiều lúc nhìn ông làm tôi có cảm tưởng như cái chảo và gạo sắp trôi ra khỏi bếp.
Ở Valencia, paella có nghĩa là “chảo chiên”, từ này có nguồn gốc Latin là patella. Món ăn được đặt tên như thế vì người ta phải nấu trong những cái chảo lớn có độ sâu 5-6 xen ty mét. Đường kính phụ thuộc vào số lượng thực khách, có thể trong khoảng 10-90 xen ty mét và có hai tai cầm hai bên.
Tôi cũng đọc được một giả thiết không chính thức khác nhưng lãng mạn hơn và tôi thích ý nghĩa của nó theo cách này, rằng paella là từ nối ngắn gọn của cụm từ “para ella” (dành cho cô ấy), gắn với một câu chuyện tình, đây là món ăn đầu tiền mà một anh chàng đã chuẩn bị cho vị hôn thê của mình. Nó cũng có một phần sự thật, giống như món BBQ ở Anh, phụ nữ vẫn hay nấu ăn nhưng món paella lại thường để lại cho những người đàn ông làm vì cần sức vóc của họ để xoay xoay, lắc lắc cái chảo to và đầy mùi bốc lên thế kia.
– Monje, ông đã tự nghĩ ra món paella chay này à?
– Không, tôi không tự nghĩ ra. Tôi cũng không biết ai nghĩ ra nó. Và tôi nghĩ cũng không ai biết. Có thể vào thời kỳ nghèo khó khi thịt gà và thỏ rất hiếm, họ quyết định làm món paella mà không cần thịt.
– Ha ha, vâng. Vậy ông tìm thấy công thức món paella này ở đâu?
– Một vài năm trước, tôi học từ nhà sư Lamchen. Ông ấy cũng được dạy lại từ một người khác, tôi không biết là ai.
– Ông truyền lại cho tôi công thức món paella chay này được không?
– Sẵn lòng, nguyên liệu gồm 200 gram gạo, 150 gram rau các loại, hai củ tỏi, một quả cà chua, dầu ăn, muối, tiêu, bột nghệ tây – thứ này rất đắt đỏ nhưng không thể thiếu vì nó tạo nên màu vàng cho món paella. Đầu tiên xào qua rau, sau đó đổ gạo vào xào 2 phút. Cho thêm tỏi đã thái lát xào vàng và sau đó thêm cà chua (tất cả đun nhỏ lửa) 2 phút. Xào chung tất cả rồi đổ thêm 4 lít nước rau hoặc nước thường, đun 5 phút cho sôi nước và để lửa vừa phải tầm 13 phút.
Nói xong ông quay sang món paella trên bếp kiểm tra. Nhìn cái chảo thật hấp dẫn, chủ đạo là màu vàng ươm của nghệ tây rồi điểm xuyết màu xanh, đỏ, trắng ngà và nâu của các loại rau.
– Công thức vừa rồi cho hai người ăn nhé, ăn một mình buồn lắm. Món này không nấu cho một người ăn.
Nói xong ông nháy mắt đầy ẩn ý. Paella là món ăn thể hiện tính cộng đồng và đoàn tụ. Người ta không chỉ ăn paella trong nhà hàng mà có thể nấu tại nhà vào những kỳ nghỉ cuối tuần, nơi bãi biển, những khu dã ngoại. Chính cách nấu nó đã tạo nên sự sum vầy, gắn kết và một không khí náo nhiệt vô cùng.
– Và chuẩn bị ăn nào!!
– Nó đã xong rồi sao?
– Cô thấy thế nào?
– Rất đẹp!
Cả tôi và ông cùng đứng chống tay vào cạnh sườn thích thú ngắm thành quả. Ông đi lấy một quả chanh vàng sắt làm sáu lát, xếp xung quanh chảo. Làm xong cũng vừa vặn đến giờ ăn. Mọi người bước vào nhà bếp, tay cầm đĩa xúc, miệng trầm trồ. Đến khi một nửa chảo đã trống, ai đó mới chỉ vào máy ảnh của tôi và hỏi chụp ảnh chưa. Ông tròn mắt sực nhớ ra rồi đi đi lại lại vò đầu bứt tai vì đã mất công trang trí mà không được tấm ảnh nào lưu lại. Mọi người ồ lên cười, còn ông chạy ra chảo san san lại mọi thứ cho đều và bảo tôi chụp. Sáu miếng chanh trang trí xung quanh chảo giờ chỉ còn ba, một nửa paella bằng phẳng chưa ai đụng đến và một nửa lổm nhổm như ai vừa cuốc xới để trồng rau. Thôi méo mó có hơn không, tôi vẫn cố tìm cách bấm máy cho đẹp nhất có thể rồi đưa cho ông xem.
– Ồ cũng đẹp đấy!
Khi chúng tôi dọn dẹp căn bếp sau bữa ăn, ông kể thêm cho tôi về Valencia. Ông nói rằng Valencia có lễ hội nổi tiếng Las Fallas (được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại), có bãi biển đẹp, thành phố của nghệ thuật và kiến trúc với các nền văn minh cổ đại như Iberians, La Mã, Godos, Ả Rập,... Nó vừa cổ kính lại hiện đại. Nhưng nếu có thêm thời gian và muốn đi sâu hơn vào tâm hồn của thành phố, không có cách nào tốt hơn là khám phá những vùng của Valencia một cách riêng lẻ, lang thang qua đường phố và đắm mình trong đó, tôi sẽ tìm thấy những viên đá quý ẩn tàng. Nhất là El Carem nằm trong thành phố cổ Valencia. Giờ nó nổi tiếng với nhiều quán café, quán bar, nhà hàng. Đây cũng là nơi sư Sangdak sinh ra. Nhưng ít lâu sau đó cha mẹ ông đã chuyển đến Al Marítimo, một vùng đánh bắt cá, nơi ông sống trong ba ngôi nhà khác nhau cho đến khi kết hôn ở tuổi 24.
– Kể cho tôi hành trình đi tìm Phật của ông đi Monje?
– Tôi đã bắt đầu tò mò về tâm linh, về Tây Tạng, về đức Lạt Ma từ khi 15 tuổi và về Phật giáo thì muộn hơn một chút. Nhờ vào một vài người đồng nghiệp, lúc tôi trên 60 tuổi và những năm đầu tuổi 70 gần như họ luôn nói về chủ đề này. Kể từ đó tôi bị thu hút. Tôi biết Kadampa từ lúc tôi ở Valencia trước khi tôi li dị, vào chín năm trước. Tôi tham gia các lớp học, mỗi lần tham gia tôi lại bị cuốn hút nhiều hơn và khám phá ra sự hấp dẫn của đạo Phật. Giờ cô thấy đấy, tôi đã là thầy tu được 2 năm. Tôi từng đến nước Anh, Ý, Pháp, Bồ Đà Nha để truyền dạy. Tôi truyền dạy giáo lý được khoảng 5 năm rồi. Chiều nay cô tham gia buổi tụng kinh và thiền định chứ?
– Là mấy giờ ạ?
– 7 giờ 30, cô có thể lên sớm hơn.
– Vâng.
Tôi chắp tay xá chào ông rồi quay về phòng, giờ cũng đã 5 giờ chiều, tôi sẽ đi ngủ một chút sau đó dậy vệ sinh cá nhân trước khi lên phòng thiền.
Có tiếng bước chân lịch bịch bên ngoài làm tôi tỉnh giấc, là sư Sangdak, phòng ông ở cuối dãy hàng lang này. Chắc ông đang chuẩn bị cho buổi tụng kinh cầu nguyện hàng ngày. Tôi rời khỏi giường đến nhà vệ sinh.
7 giờ 20 tôi có mặt ở đó, mặc chân váy dài, tóc để xõa khác hẳn với cái dáng lôi thôi cùng chiếc quần Alibaba dưới bếp, tóc bện chặt. Ông cũng khác hẳn khi rời khỏi chiếc tạp dề trong bếp và khoác chiếc áo choàng thầy tu theo kiểu các nhà sư Tây Tạng. Tôi thấy quý cả hai con người trong ông, một người dưới bếp và một người đang trong phòng thiền.
Có lần tôi tham gia một buổi giảng Pháp của ông. Tôi muốn ghi lại cho ông một chút hình ảnh nhưng tuyệt đối không được gây tiếng động. Lúc đó ông không còn là đầu bếp Sangdak tôi vẫn làm việc cùng. Ánh mắt nhìn, phong thái, cử chỉ và ngữ điệu của ông rất điềm đạm, khúc chiết, mạch lạc. Có vẻ như ông hơi nghiêm túc quá chăng. Tôi lại quen với con người hài hước của ông hơn.
Còn lúc này trong phòng thiền ông lại sốt sắng chỉ cho tôi chỗ bật nhạc và mở cho tôi nghe thử trước. Tay chân và vẻ mặt ông vẫn như thế, như khi ở dưới bếp. Ông lại gãi đầu gãi tai, đi đi lại lại khi dàn chỉnh âm thanh không làm việc.
Ở đây mọi người không tụng trực tiếp mà tụng theo bài đã được ghi âm sẵn. Ông đưa cho tôi hai quyển kinh và ngồi cạnh tôi ở hàng ghế cuối cùng. Bên trên có hai ba người cũng vừa mới đến. Thỉnh thoảng ông quay sang chỉ cho tôi vị trí bài kinh đang đọc vì sợ tôi không theo được hoặc lật sẵn trang ở quyển mới rồi đưa cho tôi. Giữa bài kinh là khoảng thời gian cho mọi người ngồi thiền, tôi không nhớ bao lâu.
Không có nhiều người đến tụng kinh và thiền hôm nay nhưng không vì thế mà ông hết sốt sắng với công việc này. Ông sốt sắng khi trở thành một nhà sư, một người hướng đạo. Một phong thái khác với những vị thầy châu Á. Nhưng hình tướng chỉ là hình tướng, cái rốt ráo cuối cùng là an định và hạnh phúc có được từ chính nội tâm. Tôi thấy ông đang rất hân hoan.
Buổi tụng kết thúc, ông đi đâu đó rồi quay trở lại đưa cho tôi một mảnh giấy, là bài kinh vừa tụng. Ông bảo tôi giữ lấy nếu muốn học thuộc và nói tôi có thể tìm bài tụng này trên mạng. “Oración liberadora” – Alabanza a Buda Shakyamuni (Nguyện cầu giải thoát – Tán dương công đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Tu sĩ và Phật tử Kadampa đều bắt đầu mỗi thực hành tôn giáo bằng cách đọc lời cầu nguyện đặc biệt này dâng lên Đức Phật. Bài cầu nguyện được sáng tác bởi Hòa thượng Geshe Gyalchog Gyatso, người sáng lập và là cựu lãnh đạo tinh thần của New Kadampa Tradition – International Kadampa Buddhist Union (Truyền thống Kadampa mới – Liên hiệp Phật giáo Kadampa Quốc tế). Đó là lý do vì sao khi đến đây tôi nhìn thấy ảnh của Ngài ở khắp nơi. Các Trung tâm Thiền Kadampa thiết lập ở rất nhiều địa điểm không chỉ quanh Tây Ban Nhà mà ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Chúng tôi bước ra khỏi phòng thiền và đứng nhìn tấm ảnh của đức Geshe Gyalchog Gyatso trên bàn sách.
– Monje, ông sẽ ở đây mãi chứ?
– Ồ, tôi không biết, cuộc đời tu sĩ không có nhà.
– Và không dính mắc với nơi nào cả?
– Ha ha, đúng thế.
– Monje, ông có biết cuốn sách – tôi làm dấu hai tay vòng ra như một cái ôm lớn rồi nói – Sambala.
Mắt ông sáng lên.
– Ồ, có, “Trong vòng tay Sambala”, tôi đã đọc, cô biết cuốn sách đó à?
– Tôi cũng đọc rồi và rất thích nó, về dãy núi thiêng Kailash ở Tây Tạng.
– Đúng thế và ai cũng có một ngọn núi thiêng Kailash ở đây.
Nói xong ông đặt tay vào trái tim nhìn tôi nở một nụ cười từ ái.
– Và giờ, ông biết không. Tôi đang được ở… “Trong vòng tay Kadampa”.
Tôi và ông không nói thêm gì nữa chỉ nhìn nhau với ánh nhìn thấu hiểu, mỉm cười rồi tản ra hai hướng. Valencia trong ông giờ là một miền ký ức. Ở đó có tuổi thơ và tuổi trẻ, gia đình và đổ vỡ. Giờ ông ở đây, với một gia đình lớn khác, lang thang trên con đường đạo, nhận mọi nơi làm nhà, tất cả mọi người là gia đình. Có một căn nhà rộng lớn không ngằn mé, căn nhà của niềm an lạc vĩnh cửu đang chờ ông phía trước.
“Tôi không biết bao giờ về đến nhà. Không biết đường về phía trước ra sao? Không biết nhà sẽ ở đâu? Nhưng tôi có tấm bản đồ kỳ diệu. Nó chỉ cho tôi đường về nơi ấy. Mỗi ngày, từng bước nhỏ. Nó dẫn tôi về nhà…”
Con người bí ẩn trong tôi đang tự hát ca. Nó dường như không thuộc quyền kiểm soát của bất kỳ ai, nó tự do tự tại làm mọi thứ. Tôi đi đến chiếc ghế gỗ mộc, ngồi đó, ngả đầu vào thành ghế nghe nước chảy và mùi oải hương nồng trong gió. Trăng đã lên qua mái nhà ăn, tròn và sáng, một vài vì sao nhấp nháy trên bầu trời trong không một vẩn mây.
Tôi đã từng ở đây chưa mà thân thương đến thế!
Gia đình
Uyên, cởm ơn!
Ai đó trong bàn vừa nói câu tiếng Việt đó với tôi, khi kịp nhìn lên tất cả đã đồng thanh nói.
– Cởm ơn!
Tôi không nói được gì cả, chỉ nhìn mọi người mà rơm rớm nước mắt vì cảm động khi tiếng mẹ đẻ của mình được đọc lên ở một nơi nó hoàn toàn xa lạ.
Một bữa cơm trưa đông hơn mọi khi, khoảng 12 người, có những người giờ tôi mới gặp. Ngoài việc tình nguyện ngắn ngày như tôi, mọi người hoàn toàn có thể đến Kadampa ở một thời gian và trải nghiệm đời sống Phật giáo cũng như làm việc tại đây. Có người mới đến vài tháng nhưng có người đã ở vài năm. Một vài người trong số họ đang làm việc bên ngoài, một vài người vẫn đang đi học.
Một phụ nữ, tôi mới nhìn thấy cô lần đầu, mở điện thoại vào phần mềm Google translate để dịch từ “gracias” trong tiếng Tây Ban Nha sang từ “cảm ơn” trong tiếng Việt và đọc theo. Mọi người có vẻ thích thú với điều này, sau một loạt lời “cảm ơn” và nhận thấy sự xúc động mạnh mẽ từ tôi, họ tiếp tục tìm những từ khác như “Tên tôi là…”, “Bạn khỏe không?” để nói chuyện. Tôi cảm động lắm nhưng tôi không nhớ tên ai cả vì quá nhiều người nói cùng một lúc, đành phải tìm hiểu tên họ theo cách ngấm ngầm khác vậy.
Trò này tôi và Ser hay làm vì cậu ấy ngại viết, những câu ngắn không sao nhưng đến những câu dài Google translate giống như người say rượu. Nó sẽ ghép cho bạn một câu vô nghĩa thậm chí vô cùng hài hước. Tôi thấy mọi người bắt đầu có xu hướng chuyển sang những câu dài hơn để thử nhưng lần này cơ bản Google translate không say mà mọi người không đọc được vì nó quá dài và nhiều dấu.
“Bạn có cảm thấy thoải mái khi ở đây với chúng tôi không?
Sau khi Google translate đọc xong mọi người tròn mắt nhìn tôi lắc đầu, phẩy tay và nói quá khó. Đó là một bữa trưa đặc biệt với tôi. Nó làm cho tôi nghiệm ra một điều mà Nelson Mandela đã từng nói:
Nếu bạn nói chuyện với một người bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu, những điều đó sẽ được ghi nhớ bằng đầu. Nếu bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ, những điều đó sẽ khắc sâu vào tim.
Giờ tôi có thể cảm nghiệm sâu sắc hơn câu nói này của ông. Tôi nhớ lại thái độ của anh nhân viên ngân hàng trong trường. Nếu tôi nhờ ai đó đi phiên dịch hộ hay tôi cố diễn đạt bằng tiếng Anh, anh sẽ nhìn tôi khinh khỉnh và khó chịu. Nhưng nếu tôi cố nói với anh bằng tiếng Tây Ban Nha anh sẽ vui vẻ hơn. Có lần tôi dùng sai câu anh đã giảng giải cho tôi một hồi là ở đây anh chấp nhận và hiểu được nhưng đến chỗ khác người ta sẽ không bao giờ cho tôi nói thế. Anh tức tối, tôi cảm thấy bị tổn thương và kinh hãi mỗi lần nghĩ đến ngân hàng. Nhưng bây giờ nghĩ lại tôi thấy không chừng anh còn bị tổn thương nhiều hơn tôi.
Ngại ngùng và xấu hổ khi nói chuyện với người bản ngữ bằng chính ngôn ngữ của họ là một điều vô lý. Chính tôi đã cảm thấy hạnh phúc thế nào khi họ chỉ nói với tôi vài từ tiếng Việt, thậm chí họ không hiểu được ngữ pháp của nó mà chỉ đọc lại theo Google translate. Tôi cảm thấy được trân trọng, được thấu hiểu, được yêu thương và nó còn gợi một điều gì đó rất sâu sắc về quê hương.
Xung quanh tôi mọi người vẫn đang rôm rả vừa ăn vừa nói. Lần này tôi muốn tham gia nhiều hơn vào câu chuyện, thay vì cắm đầu ăn như mọi khi, tôi chăm chú nhìn mắt người này, miệng người kia để cố gắng nghe. Mọi người như hiểu được khát khao hòa nhập cộng đồng của tôi nên Gerard quay ra hỏi.
– Cô có hiểu không?
Tôi lắc đầu và anh giải thích lại chậm hơn. Cứ thế lần lượt Rocío, sư Sangdak thay nhau quay ra giảng giải cho tôi. Mọi người chờ đợi đến khi tôi gật đầu mới lại tiếp câu chuyện. Khi tôi muốn nói, tất cả khích lệ bằng những ánh nhìn chăm chú. Tôi có cảm tưởng lúc đó mình bị biến hình thu nhỏ lại thành đứa trẻ đang trong giai đoạn tập nói quan trọng. Toàn thể gia đình tròn mắt hồi hộp, kiên nhẫn chờ đợi và tò mò muốn nghe những suy nghĩ, cảm xúc, chính kiến, hiểu biết từ chính miệng thành viên nhỏ nhất trong nhà chứ không phải là những biểu lộ lắc đầu, gật đầu, đập chân đập tay, ôm hôn thắm thiết, cười khanh khách hay kêu gào thảm thiết.
Sáu tháng ở Tây Ban Nha, trừ những khi nói chuyện với bạn bè Việt Nam, tôi thấy mình không khác gì trẻ con, nhất là ở Kadampa, lâu dần nó định hình thành một phong thái như thế khi tôi bắt đầu nói chuyện, mặt lúc nào cũng ngây thơ “vô số tội” vì hiểu thì nhiều mà từ thì không có. Ở quãng thời gian này tôi thấy tuổi tác tỷ lệ nghịch với tâm hồn ghê gớm. Những bữa cơm dường như cũng thú vị hơn khi có thêm một thành viên “mãi chưa chịu lớn”, lắp ba lắp bắp như tôi tham dự vào.
Tôi đã sống một thời gian dài ở đây ăn cơm một mình, dọn dẹp nhà cửa một mình. Mỗi người là một thế giới riêng và luôn có giới hạn trong những cuộc nói chuyện. Nhưng ở đây tôi thấy được an toàn, tôi thấy được yêu thương, được chăm sóc và không cô đơn chống chọi với mọi thứ. Mỗi ngày tôi được ngồi trong một mâm cơm lớn, tất cả mọi người cùng ăn, cùng cười nói với nhau. Nó làm tôi nhớ và được sống trong không khí của một gia đình.
Từ sau hôm đó thỉnh thoảng tôi lại được nghe vài câu tiếng Việt “xin chào”, “cảm ơn” khi đi quanh Kadampa. Những câu chuyện vì thế cũng được chia sẻ nhiều hơn với tôi. Khi tôi mở lòng với một ngôn ngữ mới tôi như mở lòng với chính trái tim mình và chạm vào trái tim người khác.
Những ngày ở đây cũng đang ngắn lại, chỉ còn hai ngày nữa. Sau bữa cơm trưa, tôi muốn bắt chuyện với những người chưa biết tên vì thế tôi chủ động mỉm cười với người phụ nữ ngồi đối diện mình. Tôi đã gặp bà hôm qua khi đi lang thang quanh Kadampa chụp ảnh, quay video vườn oải hương, lúc đó bà đang tưới cây ở khu vườn gần đó. Bà bảo chúng tôi ngồi sang bàn bên cạnh vì mọi người đang thảo luận hơi ồn.
Bà đến từ Granada, một thành phố yên bình và cổ kính nằm ở phía nam Tây Ban Nha. Ở đó có nhiều cung điện, lâu đài, thành quách cũ mang đậm dấu ấn của người Hồi giáo. Bà nói đó là một nơi rất đáng để du lịch và khám phá lịch sử.
Không hiểu sao tôi lại lôi hết nỗi cô đơn và cảm giác lạc lõng của mình khi đến Zaragoza kể cho bà. Người phụ nữ cứ im lặng lắng nghe, đặt tay lên vai tôi vỗ về. Có cái gì đó bắt đầu tràn lên khóe mắt và nghẹn ứ ở cổ, rồi bà cũng rơm rớm nước mắt cùng tôi.
– Cô bao nhiêu tuổi rồi?
– Tôi vừa bước sang tuổi 31 được hơn hai tháng.
– Ồ, bằng tuổi con gái tôi. Nó đang học ở nước ngoài.
Nói xong bà cho tôi xem ảnh cô ấy. Rồi bà vỗ vai tôi.
– Mọi thứ sẽ ổn thôi Hija (con gái)!
– Cảm ơn Mamá (Mẹ)!
Chúng tôi ôm nhau, tôi có một người mẹ ở Tây Ban Nha từ lúc đó, bà không muốn tôi nhắc tên trong cuốn sách này. Tôi cũng chỉ luôn gọi bà là Mamá.
Buổi tối tôi xuống nhà ăn muộn và tình cờ gặp sư Shima. Ở Kadampa chỉ nấu ăn chính vào bữa trưa, thức ăn còn thừa sẽ được dồn vào hộp ghi ngày nấu và đặt trong tủ lạnh để tối ăn hoặc 1-2 ngày sau đó. Bình thường sư Shima về muộn và ít khi ăn cùng mọi người. Sư là vị nữ tu duy nhất tôi thấy ở Trung tâm này, còn rất trẻ và xinh đẹp. Tôi luôn có một cảm giác khó gần và khó nói chuyện với sư. Đó là chuyện bình thường ở phương Đông nếu như bạn không đủ duyên với họ. Nhưng hôm nay sư quay sang bắt chuyện trước với tôi.
– Cô thấy ở Kadampa thế nào?
– Tôi cảm thấy hạnh phúc. Mọi người rất tốt, tôi thấy nơi này thân thuộc giống như gia đình của mình vậy.
– Tốt quá. Tôi rất thích Việt Nam. Tôi muốn đến Việt Nam để tu học một thời gian nhưng không đủ tiền, sẽ rất tốn kém để đến được đó và phải có tiền để sống. Tôi cũng không biết tiếng.
– Tôi thấy đời sống của tu sĩ và sinh hoạt Phật giáo ở Việt Nam rất khác ở đây. Các nhà sư sống trong những ngôi chùa và được Phật tử cúng dường vật phẩm, y phục. Người dân đến chùa học giáo lý họ cũng không phải trả tiền. Tất cả là sự cúng dường tùy tâm của mỗi người. Chúng tôi luôn có một sự kính trọng nhất định đối với nhà tu hành, khi gặp họ chúng tôi luôn chắp tay và cúi chào như thế này.
Nói xong tôi đứng dậy làm mẫu. Mọi người có vẻ ngạc nhiên, nhất là sư Shima.
– Ở đây chúng tôi vẫn phải làm việc như cô thấy đấy.
– Và tôi thấy ở đây mọi người rất bình đẳng với nhau chỉ khác nhau ở chiếc áo thường dân, tu sĩ và hình dáng bên ngoài. Tôi nghĩ sư sẽ không mất nhiều tiền mới có thể đến tu học trong một ngôi chùa ở Việt Nam.
– Thật sao?
– Hãy nói cho tôi biết khi nào sư muốn đến đó. Tôi có thể giúp.
Sư mừng rỡ ghi lại cho tôi địa chỉ email, bây giờ tôi lại thấy sư gần gũi hơn bất kỳ ai trong Trung tâm này. Không còn vẻ mặt nghiêm trang và những lời khách sáo, sư cứ cười nói quanh tôi như chú tiểu vừa khám phá được khu vườn thiền vi diệu.
Còn một ngày nữa ở lại đây, tôi đang đếm ngược thời gian và bắt đầu lo lắng. Tôi chưa nhận được tin tức gì về visa đi Anh của mình. Mọi người nói visa Anh rất khó và nhiều người đã trượt. Nếu không sang Anh tôi không biết mình sẽ ở đâu trong những ngày tiếp theo.
– Uyen, có chuyện gì thế?
Tôi giật mình nhìn lên xem ai đó vừa hỏi nhưng tất cả mọi người trong bàn ăn cùng nhìn tôi lo lắng.
– Tôi đang đợi kết quả visa đi Anh, nhưng vẫn chưa có.
– Cô sẽ đi Anh. Nước Anh đẹp lắm!
– Và đắt đỏ nữa.
– Tôi sẽ du lịch ở Anh một thời gian và thăm bạn ở đó. Nhưng tôi không biết mình có được chấp nhận visa không.
– Cô định bao giờ đi?
– Ngày 15 tháng Bảy, ngay sau khi rời khỏi đây.
– Ồ, tôi nghĩ không vấn đề gì đâu.
– Tôi không hiểu sao, chúng tôi xin visa các nước rất khó khăn.
– Ồ, chắc ổn thôi.
Mỗi người hỏi và động viên một câu. Sư Sangdak chốt cuối cùng.
– Hãy lên nói chuyện với Phật: “Cho con có visa đi Anh”.
Ông lúc nào cũng làm cho mọi vấn đề trở nên đơn giản và hài hước. Nhưng đến tối, lúc ngồi trong phòng thiền tôi đã thưa điều đó với Phật.
Hôm sau vẫn chưa có tin tức gì từ Đại sứ quán Anh. Tôi hỏi Gerard đang bận rộn với chiếc máy tính trong nhà ăn.
– Ai sẽ là người tiếp theo đến làm tình nguyện viên ở đây vậy Gerard?
– Vẫn chưa có ai cả. Nếu cô chưa có visa Anh hãy quay lại đây.
– Thật sao! Khi nào trở lại Tây Ban Nha tôi sẽ quay lại đây, còn tuần sau tôi không muốn gặp lại anh nữa đâu.
– Hãy báo cho chúng tôi biết khi cô có được visa và sang Anh an toàn nhé.
– Tôi sẽ báo, cảm ơn anh!
Cả hai cùng cười, Gerard quay lại với chiếc máy tính còn tôi xuống dọn dẹp nhà bếp. Hôm nay là buổi cuối cùng. Không có gì to tát, lớn lao, chỉ là những điều be bé, những câu chuyện rất đời nhưng có niềm vui, có tiếng cười, có tình yêu và sự chân thành. Mọi thứ chỉ cần tự nhiên như thế. Tôi thấy hạnh phúc khi biết rằng luôn có sẵn một nơi ở đây, một nơi thân thuộc như gia đình để cho tôi trở về.
Xong việc nhà bếp tôi ngồi lại nói chuyện với sư Sangdak. Ông lấy một tờ giới thiệu về Trung tâm Kadampa ở Barcelona, một ngôi chùa cổ kính và thâm nghiêm nằm trên núi, bao quanh bốn bề là núi.
– Khi nào quay về cô có thể đến đó.
Nó thực sự là nơi rất tuyệt vời để an định thân tâm và thiền định. Bất giác tôi nghĩ, tôi không chỉ có một mái nhà Kadampa ở Madrid, tôi có thể gặp những gia đình Kadampa ở khắp Tây Ban Nha. Tôi sẽ luôn được ở trong vòng tay Kadampa. Thêu nhắn tin cho tôi trên WhatApp
– 9 giờ tối em với anh Antonio đón chị ở cổng nhé.
– Ừ, chị đang xếp đồ rồi. Mong sớm gặp mọi người.
Roció có việc phải đi ra ngoài, cô để lại trên bàn một mảnh giấy chúc tôi lên đường may mắn. Sáu tháng nay, gia tài của tôi chỉ là chiếc va li màu đỏ kéo lê từ nhà này sang nhà khác, từ nơi này đến nơi kia. Một chân của nó đã lệch, trên thân đã có vài vết xước do va đập.
“Chúng ta lại tiếp tục hành trình thôi, bạn thân mến ạ!”
Tôi vỗ vỗ vào nó rồi kéo ra ngoài. Sư Shima, Mamá, Carmen đang đứng ở sảnh. Mamá tặng tôi một chiếc ống được làm bằng tre, phía đầu có hình Đức Phật và một lỗ nhỏ đề cắm hương, kèm theo gói hương nhỏ, bà dặn tôi khi nào ngồi thiền định hay tụng kinh có thể dùng. Carmen tặng tôi một chiếc hộp nhỏ hình trái tim màu tím lấp lánh rất đẹp, có lẽ tôi sẽ để trang sức như vòng cổ, khuyên tai vào đó. Sư Shima mang cho tôi một bộ chén nhỏ, sư nói khi nào cầu nguyện hãy đổ nước vào những chiếc chén, mỗi chén nước mang một ý nghĩa, cho da đẹp, cho mắt sáng, cho giọng nói trong trẻo, cho bệnh tật tiêu tan,…
Tôi tạm biệt mọi người với những cái ôm nghẹn ngào, giống như một lần nữa tôi lại tạm biệt những người thân trong gia đình để đi xa. Sư Shima nhận xách chiếc va li đỏ giúp tôi ra cổng. Phía xa nơi mái nhà ăn trăng bắt đầu lên, mùi oải hương như nồng nàn hơn quấn lấy chân tôi. Loài hoa, loài thảo mộc thiêng liêng của mùa hè gợi nhắc về sự thủy chung, điều may mắn và chờ đợi tình yêu.
Tôi và sư Shima còn một lời hẹn với Việt Nam. Tôi mong vào một ngày nào đó chúng tôi sẽ nhìn thấy nhau ở đất nước của tôi và đón sư như một thành viên của gia đình.
Tạm biệt Kadampa!
Trung tâm tiếp nhận Visa UK
Giơ tay lên cao. Rồi giờ cúi xuống. Được rồi. Chúc cô may mắn!
– Xin chào. Tài liệu của cô đây. Chúc cô may mắn!
– Thế nào hả chị? Mở ra xem đi. Ôi em hồi hộp quá.
3 phút sau.
– Chúc mừng chị!
Tôi báo cho bạn mình bên Anh và đặt vé đi chiều ngày hôm sau.
Tiễn tôi ở sân bay vẫn là Thêu, cô gái đã theo tôi suốt cuộc hành trình nhưng lần này có thêm Antonio. Năm lần đến đi ở sân bay quốc tế Madrid Barajas nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn nó thật lâu. Sân bay này là cửa ngõ của Tây Ban Nha và bán đảo Iberia ra châu Âu và thế giới nên nó lúc nào cũng bận rộn.
Trong cuộc hành trình, mỗi chúng ta sẽ luôn trở thành một ai đó ở nơi mà mình đến: một khách du lịch, một người lao động, một du học sinh, hay một người tình,… Là ai cũng được miễn bạn sống trọn vẹn với vai trò đó của mình.
– Em nghĩ đến giờ chị vào trong được rồi đấy.
– Ừ đến giờ đi thôi. Cho chị ôm cái nào. Cảm ơn cô gái đã vất vả quá nhiều vì chị!
– Gớm, lại bắt đầu rồi.
– Cảm ơn Antonio!
– Không co gi!
Tôi đi đến chỗ kiểm tra an ninh, quay lại nhìn hai người họ lần nữa. Tôi tin Thêu sẽ hạnh phúc ở vùng đất này vì cô đã yêu tiếng Tây Ban Nha bằng cả trái tim mình. Điều gì đến từ trái tim sẽ được đáp lại bằng trái tim.
– Cô đi đâu?
Người hải quan hỏi tôi bằng tiếng Anh
– Tôi đến Anh?
– Đi du lịch hả?
– Vâng.
– Cô đang làm gì ở Tây Ban Nha?
– Tôi là sinh viên, học tiếng Tây Ban Nha.
– Được bao lâu rồi?
– Sáu tháng.
Kiểm tra vài câu xem sao nào.
– ¿Cómo se llama? – Cô tên gì?
– Me llamo Uyên. – Tôi tên Uyên.
– ¿Cuántos años tienes? – Cô bao nhiêu tuổi rồi?
– Tengo 31 años. – Tôi 31 tuổi.
– ¿Qué te gusta más de España? – Cô thích nhất điều gì ở Tây Ban Nha?
– La genteeee!!! – Con ngườiiii!!!
– Vale, vale. – Được rồi, được rồi.
– Gracias! – Cảm ơn!
Tôi không biết rằng, tấm visa mới sẽ đưa tôi tới một hành trình hoàn toàn khác, nằm ngoài dự kiến.
Phụ lục:
9 lưu ý nhỏ cần biết cho hành trình du học ở Tây Ban Nha
1. Ghi lại địa chỉ nhà ở
Trước khi đến sân bay Tây Ban Nha hay trong những ngày đầu đi lại ở đây, hãy luôn mang theo mảnh giấy này phòng trường hợp không gặp người ra đón ở sân bay hoặc bị lạc đường.
“¿Perdón, me podría decir como llegar a …(địa chỉ của bạn). Estoy perdido/a y no puedo hablar Español.
¡Ayúdame por favor!
Gracias”
(Xin lỗi, bạn có thể cho tôi biết làm thế nào để đến được... Tôi bị lạc đường và tôi không thể nói tiếng Tây Ban Nha.
Làm ơn hãy giúp tôi!
Cảm ơn!)
2. Tìm đường đến trường
Trong trường hợp bạn chưa mua được SIM điện thoại và không chắc có thể bắt được Wi-fi, hãy in hay chụp lại bản đồ đường đi. Nếu có thời gian, bạn nên tìm hiểu đường xá trước ngày nhập học.
3. Không ngôn ngữ
Bạn sẽ mất một khoảng thời gian để quen với việc không hiểu mọi người xung quanh nói gì và không nói được gì – nhưng đó chính xác sẽ là cách giúp bạn học. Hãy luôn mang theo một cuốn từ điển hoặc từ điển điện tử.
4. Làm giấy tờ
Mọi giấy tờ cần làm ở Tây Ban Nha như thẻ ngân hàng, thẻ NIE, thẻ sinh viên,… hãy hỏi kinh nghiệm của những sinh viên đã làm rồi để tránh sai sót, thậm chí họ có thể giúp bạn.
5. Mất giấy tờ
Trước khi khởi hành, hãy chắc rằng bạn đã chuẩn bị một bản sao điện tử của tất cả các giấy tờ quan trọng. Nếu bạn bị mất hộ chiếu, hãy liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam có trụ sở tại Madrid (địa chỉ số 5 đường Segre, 28002 Madrid, Điện thoại: +34-91-5102867)
6. Kết nối với cộng đồng người Việt Nam tại Tây Ban Nha
Hãy làm quen với những sinh viên Việt Nam tại nơi bạn học và mở rộng cộng đồng của mình. Điều này rất quan trọng vì họ sẽ “truyền lại” cho bạn kinh nghiệm sống và học, bạn cũng sẽ cần sự giúp đỡ từ họ.
Những trang web bạn có thể tìm kiếm mọi thông tin về cuộc sống, học hành, công việc tại Tây Ban Nha; tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, cũng như cần sự giúp đỡ từ cộng đồng người Việt tại Tây Ban Nha.
– Trang VIETNAM – MADRID: https://www.facebook.com/...tnam.madrid/?ref=br_rs
– Trang Việt Nam – Tây Ban Nha
https://www.facebook.com/..ps/vietnamitasenespana/
– Trang Cộng đồng người Việt Nam tại Tây Ban Nha
https://www.facebook.com/vietnamitas.espana/
– Trang web Cộng đồng người Việt tại Tây Ban Nha
http://vietnamitas.es
7. Bắt chuyện với người bản xứ
Ngoài cách sống cùng họ, tham gia vào các hoạt động của họ, cách mà tôi hay làm là “giả vờ” lạc đường hoặc không biết đường và nhờ họ giúp đỡ, sau đó nói sang những vấn đề khác. Rất tế nhị mà hiệu quả.
8. Đừng lo không có cơm ăn
Ẩm thực Tây Ban Nha có rất nhiều món ăn được chế biến từ gạo, đặc biệt là món paella. Vì vậy gạo được bán ở hầu hết các siêu thị.
9. Hình ảnh Việt Nam
Người bản xứ sẽ nhìn nhận, đánh giá văn hóa – đất nước – con người Việt Nam qua thái độ ứng xử và hành động của chính sinh viên, những người Việt Nam họ gặp. Tôi chắc các bạn cũng luôn muốn giữ một hình ảnh đẹp trong mắt họ đúng không?.
Uyên Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tây Ban Nha - Hành trình không ngôn ngữ 2

Tây Ban Nha - Hành trình không ngôn ngữ 2 Mùa đi Quảng trường plaza del pilar Thái gửi cho tôi hình ảnh một chiếc Audi 4 sang chảnh. – Em đa...