Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Những mùa thu độc lập đã đi qua

Những mùa thu độc lập đã đi qua

Thật ra học tới cấp hai tôi mới biết chữ Quốc khánh. Cũng nhờ đó mà biết 2 tháng 9 là ngày Quốc khánh của nước mình chứ trước đó chỉ mong đến 2 tháng 9 để được ăn cơm đoàn kết ở giữa làng. Vui lắm. Mà bữa ăn ấy rất nhiều thịt lợn.
Hồi ấy những năm đầu 60 thế kỷ XX. Hòa Bình lập lại vài năm, lại mới vào hợp tác xã nên làng xóm thanh bình đến lạ. Ngày 2 tháng 9 là xã nhà có thi đấu thể thao. Nhảy cao nhảy xa, cướp cờ, kéo co, bịt mắt bắt dê. Nhưng lạ mắt và thích thú nhất là chỗ đánh tổ tôm điếm và chọi gà. Ở làng tôi chỉ có vài nhà có gà chọi. Họ đều là người dưới xuôi lên tản cư hồi chống Pháp. Đã gần 60 năm mà tôi vẫn nhớ gà nhà ai cựa dài, gà nhà ai cứ đi chọi là xoa rượu vào cổ vào ức vào mỏ khiến con gà đỏ lên ngầu lên hung dữ. Tôi chen vào tận vòng trong ngồi xuống bên cạnh cái vòng tròn bằng vôi vừa xem vừa dụi mắt bụi đất bay mù mịt. Xem chán rồi ra chỗ tổ tôm điếm nhìn ông già gõ cái trống con kêu tom tom và những bóng người đi lại. Chiều, cả làng ăn liên hoan. Chỗ liên hoan là sân trường cấp 1 trên đỉnh đồi và dưới chân nó là đường tàu Hà Nội – Lao Cai. Tôi nhớ tôi được ăn cơm canh chuối và thịt lợn luộc để vào lá chuối tươi giữa nong. Ăn rồi được quả chuối đứng nhìn tàu hỏa ngược qua làng còi kêu bô bô.
Có một năm. Gần đến 2 tháng 9 tôi bán mấy giỏ cua được 8 hào để dành ngày Quốc Khánh đi tàu hỏa lên thị xã Yên Bái ăn kem. Tàu hỏa ngày 2 tháng 9 đông lắm. Nông dân các vùng chỉ đợi ngày này ra thị xã xem các cuộc vui ngày quốc khánh. Lên đến thị xã đã gần trưa. Giữa thu nắng cháy vỏ bưởi. Xuống ga Yên Bái mấy thằng ron ron chân đất đi trên đường nhựa ngược lên thấy có chỗ đông người lắm. Họ bảo đấy là “sân căng”. Nơi này họ thi đấu bóng chuyền. Xem chán rồi đi quay về ga. Bố tôi dặn đừng đi rẽ ngang cứ đi đường thẳng rồi quay về khỏi lạc. Chả thấy hang kem chỗ nào. Đói quá khát quá. Dọc đường thấy người ta xúm đông xúm đỏ quanh cái vòi nước. Có mấy người dân tộc mặc áo quần thêu chỉ xanh đỏ cúi uống nước máy, cười nhe răng vàng. Tôi cũng chen vào nghiêng đầu cho nước vòi toe toe vào mồm ướt cả cổ. Thích thế.
Chuyến tàu xuôi 2 giờ chiều đầy những khuôn mặt nhà quê mệt mỏi hả hê trở về. Năm sau tôi dứt khoát không đi thị xã nữa. Ngày 2 tháng 9 cứ ở nhà mà xem mít tinh rồi xem các trò chơi của quê mình cũng vui chán. Thi thoảng có người làng được về tận Hà Nội xem lễ duyệt binh kể chuyện mấy ngày không hết. Nhưng họ cũng lại giống tôi là cũng đói và cũng ra vòi nước công cộng uống sùi bọt mép rồi lên tàu về quê. Điều thú vị nhất trong ngày tết độc lập ở Hà Nội là lễ duyệt binh. Từ năm 1965 trở đi chiến tranh với không quân Hoa Kỳ trên toàn miền Bắc. Từ ấy lễ duyệt binh mồng 2 tháng 9 trở thành quá khứ nhớ nhung khao khát của mỗi người Hà Nội. Mãi cho tới năm 1975 mới lại có lễ duyệt binh trở lại. Ngày 2 tháng 9 ở Hà Nội năm nào người ta cũng đón chờ xem duyệt binh, náo nức hào hùng tự hào và hi vọng.
Có một 2 tháng 9 ấy là năm 1969 liên hoan để đi học đại học. Mẹ đong cân rưỡi đậu tương cho tôi mang ra chợ đổi đậu phụ. Nhà làm đậu đổi 1 ký đậu tương ăn ký rưỡi đậu phụ. Mẹ mổ con ngan cả nhà xì xụp trong ngày Quốc Khánh. Mấy đứa em mặc quần đùi không có áo hỏi, anh đi đại học tận Bắc Thái có xa hơn Hà Nội không? Ừ xa lắm. Chúng nó được bữa cơm no có thịt là sướng rồi. Ngày hôm sau lên đường đi tập trung thì nghe tin Bác Hồ mất. May là ngày Quốc khánh đã qua rồi. Ai cũng buồn suốt cả những ngày mùa thu năm ấy.
Lại một ngày 2 tháng 9 tôi lên đường tòng quân đánh giặc. Lúc ấy tôi đã học năm thứ 3 đại học. Mùa thu nào cũng là dịp trai tráng lên đường. Những chuyến tàu hỏa chạy vào Nam buông trắng những lá thư không tem hoặc có tem xuống đường Nam Bộ. Năm ấy mồng 2 tháng 9 Hà Nội nắng vàng như mật. Chúng tôi hành quân từ phía cầu phao Chương Dương qua nhà Bát Cổ rồi ra ga Hà Nội. Chúng tôi đi dưới tán phượng tán cây sữa đường Tràng Thi. Giữa thu, lá phượng rơi dào dạt như cốm vàng trên mũ trên ba lô của lính. Qua Hồ Gươm tôi nhớ rõ trên đỉnh tháp rùa có ngôi sao và những bóng nữ công nhân đầu đội mũ sao vuông đeo súng trường đạp xe hối hả trên đường.
Nhớ một mồng 2 tháng 9 năm học trước chúng tôi kéo nhau về Hà Nội ra Hồ Tây ăn bánh tôm để thưởng thức không khí ngày quốc khánh. Mùa thu Hà Nội đẹp hơn tất cả các nơi khác trên đất nước mình. Cái mùi nắng mùi gió và mùi lá vàng trong lúc rơi rơi thật là thơm. Cái hương thơm mùa thu Hà Nội thật là nhẹ mà cứ vướng vất mãi trong gió. Tôi không thể hình dung ra lúc cha anh chúng tôi lắng nghe Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập gió ở quảng trường Ba Đình thế nào. Nhưng tôi cam đoan gió hôm 2 tháng 9 năm ấy và gió Hồ Tây hôm nay giống hệt nhau. Hôm ấy lũ sinh viên chúng tôi hít thở thật sâu cái mùi thơm như cốm của gió mùa thu Hà Nội vào lồng ngực và rồi đúng ngày 2 tháng 9 năm sau tôi đeo ba lô đi trên đường Hà Nội ra ga Hàng Cỏ vào chiến trường.
Quốc gia nào mà chả ngày Quốc Khánh. Ngày ấy là ngày tự hào, ngày vui của cả một dân tộc. Ngày ấy dứt khoát là sự đánh đổi không hề nhỏ của một quốc gia. Ngày ấy với bất kì nước lớn nước nhỏ cũng đều thiêng liêng như nhau. Nhưng Quốc Khánh của dân tộc ta lại vào mùa đẹp nhất trong một năm và nó diễn ra ở một vùng đất đẹp nhất trên tổ quốc mình.
Từ bấy đã mấy chục ngày Quốc Khánh. Có những cái Quốc Khánh chứng kiến đồng đội chết chưa kịp bữa liên hoan có tiêu chuẩn mùng 2 tháng 9 mỗi chiến sĩ nửa hộp thịt. Dịp Quốc Khánh nào cũng là những trận đánh quyết lập công dâng lên ngày độc lập của non sông mình. Đã 50 năm các bạn tôi hi sinh trong chiến dịch bảo vệ Thị Xã và thành cổ Quảng Trị hay ở Tây Nguyên. Họ vĩnh viễn đón những mùa thu lại là mùa mưa miền Nam, còn chúng tôi trở về nay tóc bạc chân run đi trong ngày Quốc Khánh ngạt ngào mùi trái bưởi trái na trái thị… mùi của mùa thu tinh khiết vàng.
Mùng 2 tháng 9 năm nào cũng lại sắp vào rằm Trung thu và tôi thấy năm nào nước sông Thao quê tôi dịp này cũng đầy nước. Năm nào trời Hà Nội cũng thơm như mật. Mà kỳ lạ vô cùng cứ sau ngày 2 tháng 9 là Hà Nội đổ mưa, cơn mưa xanh và sạch, cơn mưa dịu êm của mùa thu nay lung linh những con đường phố xá cao ốc đẹp xinh. Chẳng giống chúng tôi ngày xưa, con cháu bây giờ mặc thật đẹp và đi xe cũng rất đẹp lên công viên, ra đồng hoa sông Hồng, đi du thuyền đi cắm trại và những cuộc liên hoan tưng bừng trên phố trong các nhà hàng đèn nến sáng chưng. Tôi lên Hồ Tây, rồi lại ra Hồ Gươm ngồi lặng một mình dưới gốc cây lộc vừng nhìn lên tháp rùa có ngôi sao nhớ những ngày tết độc lập mà tôi đã đi qua.
19/9/2023
Nguyễn Trọng Luân 
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...