Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về

Còn một đợt rét
chót, đêm nay sẽ về

Lếnh hậm hực đi ủng. Xằn mà là vợ có khi y đã táng cho mấy ủng. Đàn bà ba mươi, xoan như ngô trổ cờ thế mà lại mềm oặt, không ra cái hình người gì. Động tý chè đặc, hở tý điếu cầy. Đời cứ tấp muối thế bao giờ mới hết mặn. Cái việc bị chồng bỏ ở thời nào chả có, đàn bà bản Vá không bỏ chồng thì bị chồng bỏ. Có cái gì ghê gớm mà phải tự vo mình lại, sống trong cố chấp, mòn mỏi.
Đông vào chính vụ.
Cái rét đục răng đục lợi.
Cả dải đồi rên hừ hừ, tiếng rên át tiếng trở dạ của con suối cạn sau nhà.
Rét thế chó vẫn chui vào bụi sả khè nhau. Vì một miếng giẻ đứa tòng tọc sủa, đứa ư ử như bị ma bịt mồm.
Xằn nấu ốc sên cho chó. Cám cũ trộn cám mới bốc khói chua lòm. Dưới mom đất trồng sắn chó đang đua mồm sủa, rút bớt củi khỏi bếp Xằn chạy ra xem. Nhà A Lếnh bị dắt mất trâu hay trộm vào nhà ông then? Lão ấy vừa mua cái chăn lười giá bằng cả con lợn, ai đã chui vào cấm chui ra nổi vì ấm.
Chó chạy tới bụi mía dại thấy lão Sé môi tím lịm, củ sắn dưới chân lão bị cuốc xén phải, thâm sì. Ở bản này, không ai hay thứ gì hồi sức nhanh bằng thuốc lào. Nhồi tù tì ba bận khói vào người, lão Sé mở được mắt. A Lếnh dìu lão vào cái đệm ngô mới đan. Dân bản về hết còn mỗi ông then ở lại. Hất cái điếu về phía lão Sé, ông then khè khè nói:
– Ông Sé bị ma rừng dẫn tới quả đồi có cây cần sa. Đi nữa sẽ gặp thổ phỉ người Lào. Nhà đang không có phần âm, vận không có hậu. Phải tìm vợ cho ông Sé thì đi nương mới nhớ đường về, sống mới thọ. Muốn phá giải âm duyên thì phải trấn lại lối đi vào nhà ở chái hồi kia.
Ông then chỉ về cái dây phơi, ở đó vắt một cái váy xòe cũ có vạt chỉ màu lá mạ chạy uốn khúc như rắn bò. Lếnh vẫn chưa hiểu ý. Ông then giật hẳn cái váy xuống, chỉ vào hoa văn màu xanh:
– Có con ma trốn vào cái váy này, đem đốt đi thì mới hỏi được vợ cho ông Sé.
Cái váy đó là của vợ. Lão Sé đưa lên ràn bếp, xông lắm khói khiến vải bục ra, mùi đắng như mật cá. Xông thế vẫn không thấy vợ nóng ruột mà tìm về. Nhìn cái váy, bụng Lếnh lại nóng rừng rực.
Một sớm, Lếnh theo mẹ đi bán bánh, loại bánh ngô gói trong lá đót. Mẹ dừng lại chỗ tấm bạt bày áo nịt vú. Cái đỏ chót nấm độc. Cái hồng lè kẹo phẩm. Cái lại trắng lòng non. Mùi long não dợm ra, dợm vào hắc như mùi cái chai “666” vứt ở bờ ruộng làm Lếnh mệt. Mẹ hỏi giá rồi lặng lẽ đặt xuống. Gã bán hàng vội giữ lấy tay, cười nhăn nhở:
– Em thích cái nào, anh tặng. Vú mà thả rông nó mướp đi. Anh là người hết lòng tôn thờ và nâng đỡ cái đẹp.
Thằng chả này nói tiếng Kinh. “Tôn thờ, nâng đỡ” là cái mốc ghẻ gì, Lếnh nghe không hiểu. Hắn chuyên cõng hàng dọc biên giới, số coóc sê này hắn thó của chủ hàng mang ra chợ bán. Mẹ đỏ mặt rút tay ra, hắn liền đứng hẳn dậy:
– Nếu em ngại thì đưa bánh cho anh. Ít thôi. Anh yêu em bằng mắt đã no căng rốn rồi.
Vì sức hút của cặp áo vú phì độn. Vì những lời đưa đẩy của một thằng đĩ mồm. Mẹ đã thẳng tay vứt bỏ chồng con như đổ đi một bao gạo mốc. Đêm mẹ bỏ đi, chớp rạch cọ chui vào nhà còn bố tiều tụy ngồi bên ống điếu. Lếnh muốn đập vỡ điếu đi cho nhà bớt khét nhưng nhìn đóm lửa gầy đét cháy trong mắt người bố khốn khổ, Lếnh thấy cần giữ lại đoản tre hôi mù đó.
Mẹ giờ còn sống hay đã chết Lếnh không bận tâm. Chỉ có lão Sé là vẫn tập tễnh đi nương, lúc túi hết nhẵn thuốc lào thì nỗi đau bị vợ ruồng bỏ lại cồn lên, che cả lối đi về. Hết tuần hương, ông then thấy sao hôm luẩn quẩn trên đầu căn nhà có cột khói màu vôi đục, trước ngõ là cây hồng trụi lá, quả chín đỏ như đôi môi thiếu phụ chờ chồng. Càng tả Lếnh càng thấy quen.
“Hãy tới ngôi nhà đó” – Ông then chỉ cần nói thế là Lếnh hiểu. Bà Ảy nghe phong thanh liền tới tìm Xằn. Nhạt mồm nhạt miệng, bà rít liền mấy điếu. Lỗ rốn ấm lên, bà chậm rãi nói:
– A Lếnh giết gà, mời ông then về làm phép. Mày biết chưa?
– Mời làm gì? Ông A Sé chết à?
Còn lâu ông A Sé mới chết. Bà Ảy nhíu mày nói tiếp:
– Ông then bảo sao hôm mọc trên đỉnh đầu nhà mày, thần núi chỉ về hướng tây chỉ trúng mái nhà của mày đấy.
– Chỉ trúng thì làm sao?
Lại còn làm sao. Một già. Một trẻ. Hai kẻ cô đơn. Còn gì cấn cái sao không về thổi chung một bếp lửa, theo nhau xuống thung khe mà đặt cái rớ bắt con tôm. Xằn cười phịt khói vào mặt bà Ảy. Rõ là chuyện cào cuốc gì ông then cũng nghĩ ra. Cả bản còn mỗi A Lếnh ở độ tuổi lấy vợ, các cụ sắp xuống lỗ thì mối làm gì.
Trên đồi hạt ngô cứ lớn dần theo cái sự nhô, lặn của mặt trời. Bà Ảy đi mòn ủng, đạp chết cỏ cái bụng Xằn vẫn trắng như khói. Việc lấy vợ cho lão Sé cứ cà kê mãi chưa sàng sảy gì được.
Đêm muộn. Lửa vẫn còn thức. Lão Sé hít phải tro bếp, vục mặt vào ống điếu ho sù sụ. Tiếng ho vò nẫu ruột. Lếnh nhảy khỏi bãi đá đi tìm con dao quắm. Bà mối chùn cái chân, lạc cái giọng thì để Lếnh.
Chó sủa xáo làng xáo bản. Chó ở bản Vá có cái tật dễ sủa. Một hạt sương rơi cũng bắt mõm phải sủa. Lếnh dừng lại chỗ tảng đá bị ma vọc, tiện tay hái vài tai nấm đưa lên ngửi. Xằn gà gật đi ra. Khói còn thơm, người còn say. Xằn bám vào cột nhà, cười khì khì:
– Này… tới có việc gì?
– Sao cái bụng Xằn không chịu ưng bố tôi?
– Về bảo với ông A Sé, tôi không yêu, không lấy.
– Xằn cứ về sẽ yêu mà. Tội cho số phận của bố tôi.
– Thế còn A Lếnh. Sao không lấy vợ, cứ đi hỏi vợ cho bố thế?
Lếnh bỏ về. Hỏi khó thế Lếnh không trả lời được. Gà gáy. Lếnh dắt trâu xuống chợ. Hai bên đường sương tưới đẫm đêm lên đá, bãi phân bò vừa ráo mặt giờ lại ướt nhoe nhoét. A Lếnh dùng cuốc chim hót phân vào bao xác rắn, bắt trâu chở đi. Dọc đường Lếnh gặp bà Ảy vỗ lưng cho Xằn, thị bị sặc thuốc. Mồ hôi lạnh túa ra. Xằn ôm lấy rễ mít, bò toài đau khổ. Lếnh xốc Xằn lên, quay đầu về bản.
Trời về chiều. Mưa bay bay, hiên nhà hiu hiu rét. Xằn tỉnh lại. Người nhão như dây thun ngâm dầu, thổi là đứt. Lếnh bỏ bát nước ngô xuống, gằn giọng nói:
– Uống đi. Uống cho hết mệt.
– Không có nước chè à?
– Không có.
Lếnh hậm hực đi ủng. Xằn mà là vợ có khi y đã táng cho mấy ủng. Đàn bà ba mươi, xoan như ngô trổ cờ thế mà lại mềm oặt, không ra cái hình người gì. Động tý chè đặc, hở tý điếu cầy. Đời cứ tấp muối thế bao giờ mới hết mặn. Cái việc bị chồng bỏ ở thời nào chả có, đàn bà bản Vá không bỏ chồng thì bị chồng bỏ. Có cái gì ghê gớm mà phải tự vo mình lại, sống trong cố chấp, mòn mỏi. Lếnh hất cằm về phía cái rổ đang bốc khói, cố dịu giọng lại:
– Ngô kia. Ăn cho no. Ở đây đợi, tôi đi gọi bố về.
– Gọi làm gì?
– Xằn và bố tôi cần nói chuyện.
Bóng Lếnh xanh dần sau lùm ngô lố nhố bắp đã teo rốn. Nắng còn sang sảng vàng cái lạnh ở con thung gần nhà đã dềnh lên, dậy mùi lợn gạo bị xăng đốt. Lão Sé đặt gùi cạnh cái lưỡi cày bị mẻ, lom khom đi về phía cánh cửa có vết răng chó. Run run, lão thò cái đầu ướt nhoét vào nhà.
Bếp lặng ngắt, không có ai chỉ có con gà đuổi theo hạt cơm dính trên đầu con chó ghẻ, con mèo ngã vào đám ruồi dấm đang bâu kín đống chuối vằm dở. Cảnh cũ như tiếng mối, mọt đêm đêm xà xẻo cái cột, cái kèo. Ném cho trâu nắm rơm, Lếnh đi vào bếp. Lão Sé giật mình thả rơi que đóm, khuôn mặt tồi tội nhìn Lếnh với bạt ngàn câu hỏi nhưng không hé nửa lời.
Đêm càng khuya, lửa càng đỏ. Cái màu gắt gỏng đó khiến da ở hai bên má đỏ gào lên, ran ran nóng. Lếnh rẽ đêm đi vào bản. Chó sủa gãy ngồng măng, cụt ngọn cải. Chó theo chân Lếnh tới trước cây hồng trụi lá.
“Khuya rồi… lại tới có việc gì?”- Xằn buột miệng hỏi chứ không nhìn. Cái miệng cộc lốc của Xằn khiến Lếnh thêm tức khí. Thò tay vào nong chè nóng rãy, Lếnh chau mày hỏi:
– Sao Xằn không đợi bố tôi?
– Đợi để làm gì?
Dứt lời, Xằn lại lôi ống điếu ra vỗ để thông lỗ nỏ. Tiếng rít thuốc xe xé với âm vực lắt léo như đồ thị khiến Lếnh nóng mặt:
– Xằn nghĩ mình là ai? Hoa mắt mèo à?
Lếnh nói về loài hoa mọc trên vách đá cao vói. Cánh đỏ tiết dê, nhuỵ xanh lè. Người đi rừng ai nấy đều chỉ trỏ, ước ao. Hoa cứ cao ngạo khoe sắc, lặng lẽ tàn lụi. Không một ai chạm tới ngoài tiếng mèo rừng kêu róng riết mỗi đêm. Cổ ấm khói, Xằn nhìn A Lếnh cười ngặt nghẽo:
– Ông A Sé già rồi. Sắp chết thì lấy vợ làm gì?
– Không lấy thì đợi nói với bố tôi một câu. Sao Xằn lại bỏ về?
– Nói thật, ông A Sé chết thì sao?
Xằn nhay đi nhay lại từ “chết”. Cái từ quỷ ám đó nghe thum thủm như dải lòng trâu bị quạ tha bay qua bản thì làm rơi. Xằn nói thế là xui xẻo, trù úm. Nếu cứ già là ngồi đợi chết thì núi kia sao xanh mãi được tới bây giờ. Người không phải là núi nhưng cả người và núi ở tuổi nào cũng cần có bạn.
Tình yêu xét đến cùng cũng chỉ là một chai rượu quên nút lá, rót tới chén thứ tư thì đã nhạt phé rồi. Đề cao hay huyễn hoặc về nó chỉ khiến cuộc sống thêm lắm buồn lo, ngã rẽ.
Mấy tay bán muối ở dưới xuôi gọi tình yêu là một thứ hóc môn hạnh phúc có kỳ hạn, bay hơi dần vào chốn hỗn mang chẳng đọng lại gì ngoài những ký ức mặn xáp lưỡi, chát tịt cổ. Ở cái nơi lọt thõng giữa ruộng là ruộng này chuyện chắp vá, cộp cạp không cần phải viện dẫn nhiều đến thế. Nấu một nồi cơm, khê nhão gì chỉ cần vỗ no cái bụng là yêu, hà tất vì một thứ cảm xúc vô hình vô khối mà làm khó người làm khổ mình.
Lếnh ném cơn giận vào lũy đá ở ven đường, y tin theo thời gian cái mớ hẩm hiu đó sẽ bị chôn vùi và trở thành vỉa quặng.
Ngọn đồi bị đêm tán mịn nhào thành thứ bột đen mướt. Trăng ngót mỡ còn lại cái tóp giòn tan trên chảo trời rộng thênh thì gà gáy.
Chợ họp sớm. Mưa thổi dạt lúa ra. Gió tẽ đám lông măng bọc kín cái cổ cao lêu đêu của con cò mò ốc gần đó. Trai, gái đong đả nhau húp bát cháo lòng đặc tiết. A Mí cột dây thổ cẩm vào cổ chó con đem đi bán. Giữa bao la yên ả, Lếnh thấy mình bị lộn trái đem phơi trên cái sào nhẵn thín. Tết đến mà sao cứ thấy trống trải, thiêu thiếu cái gì đó nong nóng, cay cay.
Lếnh đứng dậy. Túi thuốc mắc vào cái đinh xe bò, gỡ thì rách, không gỡ thì thủng. Xằn vội chạy tới, cầm ô che để Lếnh gói số thuốc bị bục. Mưa giăng kín phiên chợ. Dòng người vơi có vơi, đầy vẫn đầy. Thấy Xằn, Lếnh quắc mắt hỏi:
– Cô tới đây làm gì?
– Không thấy à? Che ô cho A Lếnh.
– Tôi không cần.
– Cần hay không cũng che rồi. Đi uống rượu đi.
Xằn chạy về phía con chó đen tuyền đang nằm đẽo cục xương má. Chủ quán đưa dao ra liếc vài đường cho ấm thớt. Lòng non xào củ kiệu, gầu bò hầm măng nứa… Cái bọn đó mà nhắm với rượu sắn thì say dắt nhầm cả trâu. Cầm bát lên, Xằn lầm rầm niệm chú. Lếnh nghe loáng thoáng cái gì mà:
– Ta là người. Rượu là ma. Rượu vào với ta để chóng đầu thai mà làm người.
Nát tới độ này thì cái nút, cái chai cũng sợ. Lếnh dốc hết bát rượu. Rượu đốt tới đâu biết tới đó, bỏng râm ran như mẻ mật mới đổ vào bình.
Quán vắng. Một đàn ông. Một đàn bà. Rượu cứ rót lại vơi, vơi lại tràn. Ngồi một bàn, gắp một đĩa, trút một chai mà như lát nữa sẽ lên đỉnh Phu Xai để móc mắt, mổ bụng nhau ra. Chủ quán đặt chai thứ ba lên bàn thì Xằn ngăn:
– Gượm. Tôi phải về cho bò ăn.
Mắt díp. Hai má đỏ lựng. Xằn nhìn Lếnh, ghim chặt từng chữ:
– Cho gửi cái ô. Vác về mất sức lắm.
Xằn trờ tới xe bò thì đổ, không biết gì nữa. Trên suốt quãng đường về bản, Lếnh không nói gì. Y cứ làm một tảng đá có chân, đi là đi. Cái việc Xằn bảo ông Sé già, sắp chết thì cũng chỉ là buột mồm, buột miệng. Đã uống rượu là phải quên hết, vò tất cả lại, nhét vào lỗ nỏ mà đốt. Ai lại còn thuộc lòng từng chữ để chẻ đôi Xằn ra.
Xằn gối đầu lên ống điếu, bần thần nghĩ về A Lếnh. Chưa bao giờ Xằn chê thuốc nửa ngày ấy mà nay chê hẳn hai cữ chiều, tối. Với cái đà này làng Vá sắp nhổ thuốc lào trồng vừng tới nơi rồi.
Rét mót. Rét vét. Rét đau. Rét đớn.
Tuyết phủ trắng dải đồi trụi húi. Trâu trắng đúc mình thành khối đá đầy ẩn ức, đợi tới khi A Lếnh vuốt mặt mới đổ xuống. Lão Sé tiếc con trâu, ốm rệp chiếu. Cơn ho móc trào mật ra. Lão cố đốt bi thuốc để chuốc say lũ dòi đang ăn lũng phèo, phổi. Cô đơn như lúa vãi khắp nhà, kẻ hủy hoại tuổi thọ tàn khốc nhất mà không một sự lão hóa nào bắt kịp. Lão bây giờ liu riu như lửa kho cá, cạn nước là tắt. Lếnh trộn cơm nguội với nước lạnh đem vãi ra sân. Gà chạy lao ra, có đứa nhảy qua mặt lão Sé. Lếnh nhặt cái bát, nhìn bố lo lắng:
– Tôi nấu cháo gà cho bố nhé.
– Tao không ăn.
Cái bụng lão Sé kêu rọc rạch như suối khiến Lếnh càng sốt ruột. Lếnh ngồi xuống, cầm tay bố:
– Bố phải thương cái bụng. Nó đói, nó sôi đấy.
– Ông then bảo tìm vợ cho tao. Mày tìm chưa?
Lếnh nắm tay bố. Cái đầu cố gật gật. Gật là gật thế thôi chứ kỳ thực không biết gật để làm gì. Cái váy xoè treo ở chái hồi lão Sé không cho đốt, lời ông then vẫn vắt qua đống gỗ chờ mục đi cùng với lớp vỏ sù sì còn Xằn mãi là khối sắt không lửa nào nung chảy.
Tối trời. Cái chân lại xúi Lếnh ra khỏi nhà. Chó sủa lở đất, lở đá. Ở bản này nếu không có tiếng chó thì không ai biết có sự tồn tại của con người, nó đích thị là kỷ nguyên của dương xỉ, kỳ nhông và đá tảng.
Đêm nào Xằn cũng đợi tiếng chó sủa. Đêm nay chó sủa ác hơn mọi đêm, hẳn người lại tới. Xằn sẽ cho Lếnh vào nhà uống nước chè, ăn sắn luộc. Vấn vội tóc đi ra, Xằn sững lại khi thấy A Méo. Mất một lúc Xằn mới cất lên lời:
– … A Méo.
– Không là tao thì là ai?
A Méo xộc vào nhà. Chó nhớ chuyện cũ, chuyện từng bị Méo nhét đũa vào mồm đòi moi ruột làm dồi khiến cái mõm cứ như bị ai giật lên, sủa đến khô dãi. Méo hơ tay trước ngọn lửa phừng phực đỏ, mũi đỏ như quả nhót chín nẫu. Hắn không sôi tiết vì chó mà đợi Xằn vào để đổ giận:
– Làng này thừa cơm hay sao mà nuôi lắm chó. Mày tươi cái mặt lên. Tao đã chết đâu.
Đẩy ống điếu vào góc cột, Xằn hỏi lại:
– Mày đi Lào có vợ, có con giờ về để chửi à?
– Tao nhiều vợ là tại cái số.
Méo đá nong chè vào góc cột. Mặt dài như quả cà để giống. Da đen. Ngực lép. Gan to, bụng phưỡn. Cầm củ sắn lên, hắn chỉ vào mặt Xằn:
– Tại sao mày luôn cãi lời tao? Đàn bà ở cái bản này không ai giữ được chồng nhưng cãi rất khoẻ. Mày đưa cái thứ hôi hám đó vào người có khiến đời thơm lên được không?
Cái kiểu hỏi cho bon mồm. Méo không về để hiểu vì sao đàn bà làng Vá cần khói, tự Méo cũng biết sự tử tế hắn dành cho đàn bà rất ít có chăng chỉ là lúc thèm.
Méo ra ngoài lấy gió. Bản Vá vẫn thế, ngày nối ngày chà xát sự già nua trên đường ray hẻo lánh. Ngửi hạt lúa thấy hoi hoi khói thuốc. Chó sủa chua như bã sắn ngâm nước lã. Gà để quên con rết bắt được ở cối đá. Mèo rừng cắm vuốt vào bóng đêm. Rắn quấn lấy nhau, làm tình giữa sân nhà… Không bớt đi một thứ ớn rợn nào.
Củi hết. Ngọn lửa gầy rộc cố cháy nốt trước khi căn nhà bị bóng đêm xoá sổ. Trên đồi, ma chụm đầu che đóm cho nhau, chờ đến lượt hút xái thuốc sót lại trong lỗ nỏ.
Mắt Méo long lên khi thấy Lếnh đứng dưới gốc hồng trọc lá, bụng cồn lên những ý nghĩ bẩn cặn. Nhổ cái lá chua ra khỏi mồm, hắn cười khẩy. Đã là đồ của thằng Méo này, ai muốn lấy đều phải để tay lại. Kẻ đi săn nếu bại trận cũng phải gục chết bên con thú trúng tên của mình, những đứa đến sau sẽ phải ngậm ngùi nhặt về bộ xương đã róc thịt.
Dưới chân núi này làm gì có bữa ăn nào miễn phí khi tất cả những bộ răng, móng vuốt đều phải dùng để truy bắt và kết liễu. Đàn bà luôn là nơi khơi mào mọi cuộc chiến, vì đàn bà mà cái tôi của thằng đàn ông dù rẻ rúng nhất cũng trở nên khủng khiếp và bán kính sát thương là không giới hạn.
Gạt phăng nong chè, hắn lôi Xằn ném ra phản. “Tao sẽ khiến cho cả đời này mày không thể nói yêu ai được nữa” – Mồm nói, tay bốc tro nóng, hắn bóp miệng Xằn nhét tới tấp. Chó sủa long móng nhà, sụt nền bếp. Lếnh lao tới đẩy Méo bổ ngửa, bồi một tá tối tăm vào mặt. Biên phòng dắt chó đi tuần, tiếng béc giê nhồm nhoàm chạy trên lối mòn sau nhà khiến Méo nhột gáy. Hắn gạt mép chỉ vào mặt Lếnh:
– Mày nên nhớ là tao cho mày. Tao cho mày.
Cái bóng dao quắm của Méo nhập vào bóng đêm gai góc. Ánh đèn rà qua rà về soi vào mặt chó, soi vào lưng con trơ nhớt bò trên đá. Gió lạnh gây người, giọng Xằn thắt lại:
– A Lếnh về đi.
Xằn đã nói thế thì Lếnh về. Ai cũng có lúc không cần ai cả. Gió mạnh dần. Những hòn sỏi dưới suối bị lật lên, cái lông gà bị thổi bay ra khỏi ổ, những quả hồng bị ngắt rời cuống. Cảnh buồn như cái chết của một con bê bị ngạt trong bụng mẹ.
Lếnh ngồi với bát lòng cá nấu khế, chùm tiêu xanh gói trong lá chuối. Cái rét đau như kìm rút móng. Can rượu phải đặt cạnh bếp lửa để chống đông. Uống với y chỉ có khoảng trắng im ắt, chới với. Biết nói gì với Lếnh đây?
Tất cả mọi sự buồn trên cõi đời này đều từ đàn bà mà ra, vì đàn bà mà sinh nông nỗi. Thằng đàn ông nếu chưa một lần vỡ tim vì đàn bà thì nó phí phạm một lần làm giống đực đi. Cứ nhìn lão Sé mà suy ra, dù bị đàn bà găm ngàn mảnh nhục vào người, phá tung lục phủ ngũ tạng nhưng vẫn dành cả đời để chất vấn, mong mỏi; để rên xiết và để chết đi rồi sống lại.
Tình yêu là một dạng chất cấm, khi ta cho cả bánh vào thì kịch độc như thạch tín nhưng nếu rỉ cho vài “gam” thì lại là một thứ phoóc môn giữ tươi, chống thối rữa cho những phần thây thể không lành lặn.
Áp cái chén vào má, Lếnh ghì chặt lời A Méo.
Mày cho tao ư? Mày không cho ai thứ gì cả. A Méo ạ. Mày chỉ có được đàn bà khi tha về hang miếng thịt còn ấm. Đàn bà không ngồi yên để đợi thịt teo dần trên cái hông nở nang của mình. Trong cuộc chiến giữa các con đực, con nào bỏ đi con đó sẽ phải chống chọi với mùa đông bằng chính sự cô đơn và cái bụng rỗng nhưng không sao, có thể mùa đông sẽ tha cho mày vì mày rất nhiều vợ.
Tao đi tới căn nhà đó không phải vì lên cơn bức bấn muốn chiếm cứ giống cái đầy bản năng. Tao đi tìm người có thể khiến bố tao quên đi ám ảnh của rũ bỏ và phản bội. Một thằng chưa bao giờ chứng kiến sự rơi tự do của đàn ông thì làm sao hiểu được sự suy sụp, tuyệt vọng nó ác ôn và giết chóc đến thế nào.
Mày không bao giờ hiểu được thế nên hãy ngậm mồm lại và biến khỏi thế giới của người đàn bà có sức cứu rỗi của Chúa trời đó.
Lếnh buông chai, nằm vật ra. Con chó nhỏ kê cằm lên cổ tay chủ, bất lực nhìn Lếnh chảy thõng thượt ra sàn. Rượu ném Lếnh xuống hẻm vực không đáy. Vực sâu, người say. Lếnh rơi mãi cho tới khi mặt trời rọi vào mặt.
Cả đêm bị rượu dần cho ra bã nhưng Lếnh vẫn vác cày, dắt trâu đi không chút uể oải. Đám gái bản ngực vừa nhú thấy Lếnh liền đỏ mặt còn các bà nhìn Lếnh thì biết là giống tốt.
Chớm xuân.
Làng bản phập phè sương khói.
Cả dẻ đồi mơ, mận bay cứ nghĩ tuyết rơi.
Trong chợp chờn mê, tỉnh Lếnh thấy bản Vá buồn như đường kim luồn qua manh áo rách. Gió cuốn phăng sợi rơm con bò đang nhai dở. Mưa đá rải trắng con đường lơ thơ cỏ. Ở kia, ở kia chè bật gốc nằm phơi rễ dọc sườn đồi. Lá thuốc xắt nhỏ đổ ra nong, từng sợi khô dần dưới cái nắng hanh gầy, vàng vẩu. Trước sân nhà chuối bị tước để nút mẻ rượu đầu nồi, chó đứng cười những đứa trẻ vừa rụng răng sữa đã đánh đu với ống điếu… Hàn khí bao trùm. Cảnh như một bộ xương bị bỏ quên lâu ngày, đột ngột đội mồ sống lại.
Đi hết quãng đường ngoằn ngoèo, đèo dốc thì tới bãi đất chuyên họp chợ. Khi rừng mận nở bói vài bông thì chợ cũng tua tủa người và khói. Các bà ngồi lột da nhái, chờ nước sôi để thả nắm gạo vào. Khói xông trắng chậu tiết đỏ rói đã bị xắn già nửa thau, cỗ lòng non sờ vào còn âm ấm.
Từ đằng xa Lếnh thấy Xằn đi bán lứa gà. Khăn thổ cẩm đè trĩu đầu vì ướt. Cái dáng lanh lẹ, kiêu kỳ như hoa mắt mèo vừa hé nụ. A Lếnh cầm ô tiến lại, hồi hộp nhích từng bước. “Chiếc ô này, Xằn còn nhớ không?” – Lếnh che ô cho Xằn, cố ý nhắc lại cái lần say rượu có người gửi ô, không chịu cầm về. Xằn đỏ bừng hai má. Mắt hết nhìn ô lại nhìn gà.
Chiều nhừ như một cô gái muộn chồng. Gió từ núi ồ ạt đổ về. Khói lẩy bẩy bay lên. Xằn đặt nồi ngô bung lên cái kiềng ba chấu, tai đợi tiếng chân người dưới con dốc trơn nhẫy.
Chó sủa ngắt từng nhịp, bên kia đèo vẳng lên điệu khèn mùa hoa lê dệt gấm, mùa lửa nổ vào vụ đốt nương. A Lếnh đến với chai rượu ngô thơm phức, nách cắp chặt con gà trống có cái mào đỏ như mặt trời mùa gặt, ngập ngừng nói:
– Xằn đồng ý về làm dâu nhà họ Vừ nhé?
Xằn nhoẻn cười. Tiếng khèn trôi qua bờ mi trắng nõn, đậu lên đoá mắt mèo ướt đẫm, đung đưa cùng quả hồng bọc phấn đỏ. Còn ít ngày nữa khi cái sừng ngoi ngoi lên, con nghé é ọ gọi bạn, cổ biết đeo cái bừa để lội ruộng thì mùa xuân sẽ trả nắng về cho bản Vá.
Ông then làm lễ nhập gia cho Xằn. Lão Sé bị cơn ho móc dại người, ngồi lên lại ngã xuống. Lếnh kiếm cái giẻ đặt dưới sàn để lão nhổ đờm, mồi thêm củi cho ấm bức vách, chín hòn than. Xằn ôm hai con gà. Một trống. Một mái. Chân cột chỉ đỏ. Đợi cạn tuần hương thì ra sân vãi ngô, thả gà.
Gà cột chỉ đỏ đủ một trăm ngày, thông báo với cả bản nhà có hỷ. Phải cột kỹ để gà không dùng mỏ dứt ra, nếu để tuột là điềm không may mắn cũng có nghĩa là người phụ nữ đã tự do, không còn ràng buộc gì với nhà chồng.
Xằn thả gà ra sân thì ngọn dẻ trước nhà chìm vào màn mưa trắng nhợt.
Đêm xuống nhanh.
Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về.
Gió từ đồi tràn về, quật ngã buồng chuối. Nải này bấu nải kia, rốn chảy nhựa xanh lè. Dơi bay ngược gió, xô đẩy nhau chui vào tổ. Rét tạt xoe xoé vào hiên nhà, bụi đá phủ trắng những quả hồng săn mẩy. Lửa không soi rõ ba mặt người, một mặt chó. Lếnh nhìn Xằn. Ánh mắt tua tủa vết rạn như bình gốm dính sạn bị đẩy vào lò nung. Lão Sé nằm im, tai đếm chưa sót giọt mưa nào.
Đêm sâu dần. Chó nằm nhai cái chân dính đầy ve cỏ. Ngọn lửa lùng sục, đốt cháy chiếc lá nằm trong tro bếp. Lếnh ngoái cổ nhìn vào nhà, mưa nuốt dần y vào khoảng không gớm ghiếc. Lửa yếu dần, lão Sé lại đổ ho. Cơn ho đằng đẵng như sự vắng mặt của A Lếnh. Lão quờ quạng tìm nước, Xằn vội chạy tới:
– Nước… nước phải không?
– Phải. Sao Xằn cứ ngồi ở bếp lửa thế?
Đợi lão cắt cơn ho, Xằn run giọng nói:
– Tôi đợi A Lếnh.
– Sao lại đợi thằng Lếnh? Nó đi xin ván lợp nhà mới. Nhà này là của tôi và Xằn.
Xằn cố giữ lấy bát nước, lắp bắp hỏi:
– Nhà mới là… nhà nào?
– Không phải cái nhà này. Sao Xằn hỏi nhiều thế? Cởi quần cho tôi đi.
Xằn ngã ra đất. Sợ hãi ấn cái đầu bù xù xuống sàn. Ai nổ mìn phá đá trong núi, tiếng văng ra găm vào cây ngô đồng đứng ở mé đồi. Xằn bò ra cửa. Lão Sé bò theo. Cơn ho treo lão lên cái xà bếp nhám nhụa bồ hóng. Khói siết Xằn vào cây rơm rặt mùi trâu bò, muồm muỗm.
Lếnh dừng lại ở lưng đồi để yên cho tiếng chó cào xước má, vả tím mặt. Sao Lếnh lại làm thế? Hạnh phúc có phải miếng bánh đâu, sao có thể ai đói thì cho.
Xằn gạt chiếc ô trên tay A Lếnh, đau đớn dồn đỏ hai mắt. A Lếnh à? Cái gọi “làm dâu nhà họ Vừ” là đây sao? Xằn đấm liên tiếp vào ngực. Đấm để ngăn không cho máu bầm, máu tụ trong quả tim khờ khạo. Xằn cứ nghĩ mình là khói, khói ăn vào từng nang phổi, A Lếnh không hút điếu nào vẫn phải lao đao cả một đời. Thế mà không phải. Xằn giờ đã là mẹ kế, dì ghẻ là cái gì đó vời vợi, vô phương cứu chữa.
A Méo tròng thừng vào cái cổ gầy rạc. A Lếnh tròng thêm một sợi nữa. Sao đàn ông lại đối đãi với đàn bà nông cạn và ấu trĩ đến thế? Có lẽ, vì cuộc đời Xằn chưa đủ thiệt thòi nên đàn ông không ai thấy cần phải gánh vác, chở che.
“Tôi xin lỗi. Bố tôi khổ quá” – Lếnh cố cậy miệng ra để nói. Xằn co gối bẻ đôi ô như gập một thanh củi, ném về phía A Lếnh. Hãy quên câu chuyện về chiếc ô đi, quên cả thứ cảm xúc nảy nòi trên con đường về bản có tên là “yêu”. Có cuộc rượu nào khoả lấp được cái bụng không thật của mùa đông. Người cầm ô làm tín vật, ta vì người mà dầm mưa lĩnh lấy phút giây này.
Nước mắt. Nước mưa. Muối và axit xoá trắng người đàn bà dắt theo con chó trầy mõm. Tiếng ho móc lòi phổi của lão Sé kéo Lếnh về phía cửa. Máu me dính dớp, lão Sé nằm thở dốc cạnh đống lõi ngô mốc xanh. Cầm tay A Lếnh, lão nói khó nhọc:
– Sao Xằn lại… bỏ đi?
Lếnh ngậm chặt mồm, rưng rức khóc. Khi đàn ông khóc có nghĩa họ bị mất mát truy đuổi, họ cần được thứ tha nhưng phải trả giá. Đêm sâu. Gió lật tung nắp nồi. Cơn ho hất lão Sé lên ép sộc máu, sộc tiết. Lão nẩy lên như con cá bị kéo khỏi mặt nước, ném ra bãi cỏ. Lếnh gục đầu xuống, mếu máo gọi:
– Bố ơi. Bố đau ở đâu?
Lão Sé thở hắt ra, mắt trắng hếu. Mọi tan tác theo khói bay ra cửa, hoà vào mưa, xuôi về thung lũng. Khép lại chuỗi ngày đau tình, lụy vào khói, tàn phá tới cùng kiệt.
Lếnh rưới lên ụ đất chén rượu cay xè, châm lửa đốt cái váy treo ở chái hồi. Khói bay vào hố đen trống rỗng, tìm lên trời. Sao hôm trên đầu hấp háy đỏ nhắc y về cái tuổi giờ đã rậm như thảm cỏ giữa rừng già, ít ánh sáng nào lọt tới.
Rốt cuộc Xằn là gì trong ý nghĩ, trong khao khát của Lếnh? Câu hỏi đó Xằn từng cất trong vồng ngực đầy vun, giấu kỹ sau lớp vải thêu dích dắc những luống chỉ đỏ, vàng… giờ đã không còn thôi thúc nữa.
Tháng Chạp. Rét vẫn như giấy nhám đánh vào má. Chiều nhừ như một vốc đỗ hầm đượm củi. Xằn đốt một bi trước khi mặt trời hạ thổ cả làng Vá vào bóng tối. Đừng ai hỏi gì khi thấy đàn bà kẹp ống điếu giữa hai đùi, nó sẽ làm sống lại những con buồn đang ăn lũng hai lá gan, hai lá phổi.
Mưa rỉ rích. Mưa xiên qua mũi ô vát nhọn, vỡ vào đôi mắt con gà cột chỉ đỏ.
Chó sủa con rắn ráo núp trong bụi sả. Xằn chạm tay vào then gỗ. Khói tìm đường ra ngõ, va vào quả hồng chín đỏ.
Dưới gốc cây, A Lếnh lập cập tháo chỉ đỏ cột ở chân con gà mái mơ, thả nó chạy vào sân. Khói vây lấy mái tóc nhầy nhũa mưa phùn.
Xằn bấu vào phên cửa, môi cắn chặt.
Mưa vẫn rơi, cái rét nhổ từng chân tóc.
Khói cào cấu khoảng trời đen đặc phía sau lưng, cỏ gầy đi hay sao mà đá vào cây nào cũng thấy đau.
6/10/2023
Trang Thụy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. Ch...