Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

 

Nguyễn Văn Thắng với những câu thơ hái trong vườn

“Những câu thơ hái trong vườn” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ dành cho trẻ em gồm 89 bài, trình bày công phu, giấy dày bóng mịn, bìa đẹp và ruột sách đan xen một số tranh ảnh nhiều màu sắc, hấp dẫn trẻ em.

Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Văn Thắng, nguyên quán Hà Nam. Ông đang làm việc tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ông thuộc số những nhà văn hiện nay chuyên viết cho trẻ em. Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng là thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa X hiện tại. Từ năm 1990 đến nay ông đã in 11 tập thơ. Về Giải thưởng: Ba lần được tặng Giải Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam; Giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam; Giải Tác phẩm tuổi xanh lần thứ nhất của báo Tiền Phong. Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng còn có thơ văn in trong sách giáo khoa tiểu học.

Trước sát tập thơ này, năm 2019, cũng từ Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nguyễn Văn Thắng đã công bố tập thơ Vẽ màu lên hoa gồm 172 bài. Sang năm nay, 2023, ông có Những câu thơ hái trong vườn, ít bài hơn (89 bài), nhưng được bổ sung những thi ảnh mới mẻ, đưa đến cho bạn đọc nhỏ tuổi nhiều bài thơ hay trọn vẹn hơn. Dễ nhận ra từ nhan đề, rằng năm 2019, ông ngợi ca, tô điểm cho vẻ đẹp (vẽ màu lên hoa), thì năm 2023, ông hòa mình (bằng cả tâm hồn và thân thể) vào thiên nhiên hoa cỏ đất trời, trẻ nhỏ… để cùng trẻ thơ phát hiện cái đẹp, làm nên những câu thơ như những bông hoa, cành lá đẹp đẽ, tươi non mà con người có thể cầm nâng được (hái trong vườn), trân trọng dâng tặng các em, các cháu – những độc giả cũng đẹp như thơ ca, cỏ cây, mây trời và nghĩa tình con người vậy.

Xin nêu trước vài ba chi tiết mà người viết bài này băn khoăn: nên gọi hoa râm bụt, tránh viết dâm bụt; viết “ảnh bà chụp”, thật ra là ảnh về bà, ảnh của bà, bức ảnh chụp bà; bài Em bé mù vẫn thấy, tiếc rằng tứ thơ hay mà viết lại lệch hướng, gò gượng, không thoát: lẽ ra em bé mù nên thấy những cái gì khác kia,  thoáng rộng hơn; viết về cây dứa có gai nhọn sắc chi chít hai mép lá, thì hóa ra là khuyến khích bé thơ chơi đùa với nó ư ? Thêm nữa, dùng các từ nè, nha (cuối lời khuyên nhủ) không thuận tai lắm, bởi chúng không phổ biến, người miền Bắc ít dùng. Nên dùng chữ này, nhé.

Ưu điểm vẫn là điều bạn đọc quan tâm nhất về tập thơ này. Có một số bài thơ nổi trội. Thí dụ: Ai nghe gà gáy không? (bài số 12, trang 17), Công viên nhà mình (21, 28), Sau lũ (49, 60), Xe buýt (69, 79), Cơm niêu bà nấu (70,82), Mà cậu tên gì nhỉ ? (71, 83).

Ai nghe gà gáy không? là bài thơ có tứ – hiếm hoi ở tập thơ này – dễ hướng đến người đọc trưởng thành, viết cho trẻ em cũng được, bởi nước ta hiện nay có nhiều đô thị, nói đến mặt trái của nếp sống văn minh – thị trường, khi hồn quê dần đần phai nhạt, là thực trạng cần nêu ra.

Tiếp theo là bài Công viên nhà mình. Người ta viết về vườn tược, ruộng đồng, đồi bãi, rừng núi đã nhiều. Những cảnh quan ấy luôn luôn là chính nó. Công viên lại là “vườn hoa công cộng, làm nơi giải trí cho mọi người” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê, 1994). Trong thơ Nguyễn Văn Thắng, có công viên nhà mình. Xin mời già trẻ gái trai đến thăm:

Bước qua sân là đến./ Công viên nhà mình thôi/ Thích nhất ở trên đời/ Toàn những cây ăn quả/ Cũng rất nhiều điều lạ/ Trong công viên đây này/ Quả mít từ gốc cây/ Trĩu trịt lên tận ngọn.

Sau lũ là bài thơ cảm động,  nói đến cái buồn, sự mất mát đến với trẻ thơ.

Bản tan hoang sau lũ/ Tiếng khóc nghe xé lòng/ Có bao giờ mưa mặn/ Như nước mắt người không ?/ Những cuốn sách bìa bong/ Vừa lẫn trong bùn đất/ Bới lên rồi đem phơi/ Để các em còn học.

Bài Xe buýt (67, tr 79) rất ngộ nghĩnh, phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Xin tách hai khổ giữa:

Xe buýt như là/ Ngôi nhà di động/ Người lạ thành quen/ Mời lên nhanh chóng/ Xe buýt hiếu động/ Lượn vào, vòng ra/ Đến khuya thấm mệt/ Lặng lẽ về nhà.

Bút pháp nhân hóa (xem cái xe như con người) tạo nên cho bài thơ ý nghĩa giáo dục cần thiết một cách khéo léo. Ấy là khuyến khích mọi người đi lại bằng xe công cộng, nhằm tránh ùn tắc giao thông, chứ đâu phải chỉ dừng lại ở việc tả cái xe một cách dí dỏm.

Bìa tập thơ “Những câu thơ hái trong vườn”

Bài Cơm niêu bà nấu đưa người đọc trở về với xóm thôn quê kiểng, ở đó có ông bà, bố mẹ, anh em, con cháu… đã nhiều đời sống với ruộng đồng có ngô lúa, sắn, khoai… nuôi sống con người. Bài thơ không nói chung chung mà kể chuyện về người bà đang lúi húi trong bếp, làm bữa ăn cho cả nhà. Những đồ dùng thân thiện từng quen thuộc đối với các bậc phụ huynh, gợi nên nỗi lòng bịn rịn: cái kiềng sắt ba chân, cái niêu thổi cơm, kho cá, đôi đũa cả dùng đảo cơm sắp chín và xới cơm.

Hiện nay ở miền xuôi, cảnh đun nấu thế này ít diễn ra vì hầu hết mọi nhà đều có nồi cơm điện; cái kiềng sắt ba chân kê nồi để đun bằng củi, rạ rơm không còn nữa. Tuy nhiên, đây vẫn là bài thơ cảm động, mà người trưởng thành nên hướng dẫn các em, các cháu cảm thụ, hiểu biết về tập tục sinh hoạt thời trước.

Cuối cùng, bài Mà cậu tên gì nhỉ? cũng được viết bằng biện pháp nghệ thuật hiện thực, không nhân hóa, không đồng thoại, mà dí dỏm. Tứ thơ rất mới. Bạn nhỏ nọ nhìn vào tờ lịch thấy hình ảnh một cậu bé trạc tuổi mình, đã trò chuyện, tỏ ý vui đùa, san sẻ niềm vui, nỗi buồn đối với một người xa lạ.

Và cái kết bài thơ quá thú vị:

Ở nhà tớ cả năm/ Giờ thay tờ lịch mới/ Chào cậu, tớ định gọi/ Mà cậu tên là gì?

Vậy là, sáu bài thơ nêu trên, mỗi bài đều có cái hay riêng.

Mong rằng, sau đây nhà thơ Nguyễn Văn Thắng sẽ có thêm những sáng tác mới, cuốn hút bạn đọc trẻ thơ, đạt được ở mức cao cả hai giá trị nội dung và nghệ thuật.

2/10/2023

Phạm Đình Ân

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...