Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Tây Ban Nha - Hành trình không ngôn ngữ 1

Tây Ban Nha - Hành trình
không ngôn ngữ 1

Lời giới thiệu
Lời tựa
Bạn thường nghĩ gì về tuổi 30 của mình? 30 tuổi, chưa có công việc ổn định là quá muộn! Ba mươi tuổi chưa lập gia đình là quá muộn! 30 tuổi không yêu ai là quá muộn! 30 tuổi chưa có nhà, chưa có xe cũng là quá muộn! Và đương nhiên, xét theo chuẩn ấy, thì số đông các bạn gái đều cho rằng 30 tuổi để bắt đầu một cái gì đó cũng là quá muộn! Tôi biết một cô gái 30 tuổi vượt qua mọi định kiến cố hữu của người đời về sự “Quá muộn!” Tôi biết một cô gái chăm chỉ, nỗ lực, âm thầm nhích từng bước để thực hiện bằng được ước mơ ấp ủ trong lòng mình, bất chấp thời gian không đợi, bất chấp người đời không đồng tình, bất chấp cả những thách thức hữu hình và vô hình có thể nhìn thấy từ trước. Với cô gái ấy, tuổi 30 mới thực sự là tuổi để bắt đầu và tôi thực sự ngưỡng mộ sự khởi đầu tuyệt vời ấy!
Khi cô ấy nói với tôi ý định được đi vòng quanh châu Âu bằng tất cả số tiền tiết kiệm được sau gần chục năm đi làm của mình, tôi có phần kinh ngạc. Tôi động viên cô ấy, nhưng đồng thời, tự cảm thấy tiếc nuối cho tuổi 30 của mình, tuổi 30 cứ cố kìm hãm mãi những giấc mơ tự do của người phụ nữ như tôi.
Và từ đó, tôi dõi theo hành trình của cô ấy, từ khi chuẩn bị cho đến lúc lên đường, tôi cũng háo hức chờ đợi cô ấy chia sẻ trải nghiệm của mình. Tôi ghen tị, tôi ngưỡng mộ và tôi tự hào về tuổi 30 sống động của cô ấy!
Khi cô ấy nói về ý định viết một cuốn sách cẩm nang cho những người muốn đi du học dựa vào kinh nghiệm của bản thân, cô ấy hỏi tôi về cách viết. Tôi nói rằng, hãy kể về câu chuyện của em, hành trình của em, cảm nhận của em, những người em đã gặp vì bản thân những thứ đó mới là thứ cẩm nang tuyệt vời cho bất kỳ bạn trẻ nào muốn đi và sống một cuộc đời phong phú.
Và thế là, “Tây Ban Nha, HÀNH TRÌNH KHÔNG NGÔN NGỮ” đã ra đời 6 tháng sau đó. Tôi chắc chắn rằng, hành trình của cô gái bé nhỏ của tôi sẽ giúp cho nhiều bạn có khao khát mà đầy do dự ngoài kia có thêm động lực để lên đường.
Hãy nhét vào chiếc ba lô cuộc đời bạn mọi thứ, trừ sự nuối tiếc! “Tây Ban Nha, HÀNH TRÌNH KHÔNG NGÔN NGỮ” đã giúp tôi hiểu ra điều đó, và tôi mong rằng, bất kỳ ai đọc xong đều có đủ dũng khí để làm điều mình đam mê, đến những nơi mình thích và khám phá những gì mình chưa biết. Như vậy là ta đã có một cuộc đời đáng sống rồi!.
Hà Nội, tháng 8/2017
HUYỀN LÊ
Lời tựa
Tây Ban Nha, tôi chưa từng ấn tượng với đất nước này cho đến khi đọc được dòng chữ Du học Tây Ban Nha chỉ với hơn 30 triệu đồng, không yêu cầu ngôn ngữ đầu vào. Ngôn ngữ Tây Ban Nha là điều tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới cho đến một ngày nhận ra đây là cánh cửa đến với châu Âu. Vì hai điều này, một phụ nữ ở tuổi 30 như tôi đã quyết tâm bỏ tất cả những gì tốt đẹp và êm đềm đang có để bước vào hành trình: Du học ngôn ngữ.
Hành trình sáu tháng ở Tây Ban Nha đã làm tôi thay đổi quan điểm về du lịch và đưa tôi vào một trải nghiệm thú vị khác về đời sống của những du học sinh. Bạn có thể khám phá một đất nước như một lữ khách, đến nhìn ngắm và chụp những bức ảnh, check in được càng nhiều địa điểm càng tốt, thưởng thức những món ăn, hiểu đôi chút về câu chuyện lịch sử của quốc gia đó qua lời kể của hướng dẫn viên, trên sách báo và những tờ áp phích, tờ rơi quảng cáo. Sau đó bạn lâng lâng với cảm xúc tiếc nuối vì thời gian bạn được tận hưởng quá ngắn ngủi. Hay, bạn đến với vùng đất này như một người tham dự qua một trong những phương tiện giao tiếp thiết yếu và quan trọng nhất của loài người: ngôn ngữ.
Hành trình du lịch bằng cách học một ngôn ngữ mới sẽ cho bạn thời gian vừa đủ để khám phá văn hóa, có một chút vốn liếng giao tiếp với người bản xứ, tìm hiểu đời sống của chính họ. Nó cũng là bước đệm quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho những dự tính học hành xa hơn và cao hơn của bạn ở đất nước này.
Một đứa trẻ lớn lên trên quê hương qua từng giai đoạn học nói, gọi tên từng người thân trong đình, từng đồ vật, từng nhành cây, ngọn cỏ quanh nhà để hiểu được quê hương là gì. Hành trình ngôn ngữ cũng cho tôi có thêm một quê hương như thế.
Thân tặng bạn những tấm bản đồ nhỏ trong một tấm bản đồ lớn để khám phá Tây Ban Nha, vùng đất không chỉ có tiếng đàn guitar và điệu nhảy Flamenco say đắm lòng người mà còn rất nhiều bất ngờ khác đang chờ bạn dấn thân trải nghiệm.
CHƯƠNG 1 - Tôi đi học
Khóa học hơn 30 triệu đồng
Nếu luôn tâm niệm một điều gì đó, một ngày nó cũng sẽ đến bên bạn hoặc bạn tìm đến nó theo cách đầy bất ngờ và ngẫu hứng. Ước mơ châu Âu được nuôi dưỡng trong mười mấy năm trời của tôi cũng đến một cách tình cờ như thế.
Khóa học hơn 30 triệu đồng
Chưa bao giờ ước muốn đến trời Âu lại mạnh mẽ trong tôi đến thế. Thời gian qua tôi đã làm việc quá nhiều, có thể là tôi muốn đi đâu đó. Tôi mon men lên mạng tìm hiểu thông tin, giá vé máy bay, giá tour du lịch.
“Hay là săn vé giá rẻ, đi tự túc? Sau đó làm hồ sơ xin visa?”
“Đi đâu nhỉ? Anh? Pháp? Đức?”
Xin visa không phải là chuyện dễ dàng và đi một mình không đơn giản chút nào. Nếu đi tour thì sẽ đi được vài nước trong mấy ngày và không phải lo visa. Nhưng như thế phải đi theo lịch trình của họ, không phải là cách tôi thích. Với số tiền eo hẹp tôi phải tính toán mọi thứ thật chắc chắn. Rồi vài ngày sau tôi lại xếp ý tưởng này vào một góc đâu đó trong tâm trí.
Cái nắng tháng Bảy cháy rát và mùi khói bụi của Hà Nội khiến tôi muốn đi. Tôi nhắn cho Hạnh Hà:
“Hai ngày cuối tuần em lên chị chơi nhé. Mai Châu mùa này có gì không?”
“Mùa này cũng nắng nóng nhưng cứ lên đi, hai chị em đi xe máy lượn lòng vòng, có chỗ này hay lắm, không ai biết đâu.”
Hạnh Hà là giáo viên dạy ngữ văn, hơn tôi vài tuổi cũng rất mê du lịch bụi bằng xe máy. Ai mà nghĩ cái dáng người mảnh khảnh, mong manh của cô gái miền sơn cước ấy lại có nội lực mạnh mẽ đến thế. Và nếu có chọn ai để đi cùng tôi sẽ luôn gọi cho chị.
Cuối tuần tôi có mặt ở Mai Châu. Hạnh đèo tôi trên một con đường nhỏ rẽ từ đường lớn xuống. Đoạn đường này chỉ dài 20 ki lô mét và có vẻ như không mấy ai biết, chỉ có dân trong làng đi lại. Con đường bốn bề bao quanh bởi núi nên mát lạnh, đối lập hẳn với cái oi nồng ngoài đường lớn. Mùa này ngô hai bên đường xanh mướt. Với chúng tôi thế là đủ. Cảnh đẹp đôi khi không phải đích đến mà là đường đi và đi không vì mục đích gì cả. Đó là cách mà chúng tôi đi du lịch với nhau.
– Này, có nhớ em Thái ở Hà Nội không?
Hạnh hỏi tôi.
– Vâng. Có chuyện gì thế chị? Cậu ấy lại có câu chuyện tình lãng mạn nào cần các chuyên gia tư vấn à?
– Không! Thằng bé rủ chị sang Tây Ban Nha học. Nó bảo chỉ cần 50 đến 70 triệu là có thể đi học được rồi.
– Chị nói đi học?
– Ừ, nhưng chị chưa hỏi kỹ lắm vì chị cũng không thể đi được ở thời điểm này.
Chúng tôi dừng xe, thả bộ xuống một thung lũng. Phía xa xa có cái lều nhỏ ai đó dựng lên để trông chừng cả bãi ngô đang ra bắp. Trong đầu tôi lởn vởn những từ Tây Ban Nha, khóa học... Biết đâu đây là một cơ hội tốt. Tôi hỏi Hạnh số liên lạc của Thái trước khi trở về Hà Nội.
Hà Nội vẫn nóng như vậy, còn tôi đã cảm thấy mát mẻ hơn với vài mẩu thông tin mơ hồ vừa nhận được trong chuyến đi. Tôi lên mạng tìm thử xem đó là khóa học gì. “Nào, xem nào! Từ khóa: ‘Du học Tây Ban Nha’,... Enter’’’.
Chưa đầy một giây, nhan nhản các thông tin với giá mời chào đầy hấp dẫn. Đây rồi, khóa học ngôn ngữ tại Tây Ban Nha. Hấp dẫn thật! Một khóa học tiếng Tây Ban Nha từ sáu tháng đến một năm, giá chỉ từ 30 triệu đồng, thậm chí có chỗ còn thấp hơn. Không yêu cầu trình độ tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Một hành trình du học không ngôn ngữ.
Tôi đi đi lại lại trong phòng, lòng thầm cảm ơn đất nước Tây Ban Nha. Tôi không biết đất nước ấy như thế nào. Trong đầu tôi châu Âu là những cái tên như Anh, Pháp, Đức, Áo, Bỉ,…
Nhưng từ lúc này tôi quyết định, Tây Ban Nha là châu Âu của tôi!
Đất nước này có khoảng 80 trường đại học bao gồm hệ công lập, tư thục hoặc thuộc Giáo hội Công giáo. Tôi cần lựa chọn trường nào đó phù hợp nhất với nhu cầu, chi phí của bản thân. Tôi liên lạc với Thái qua viber để hỏi về thủ tục cũng như các khóa học tiếng ở nhiều thành phố khác nhau.
Thái liệt kê cho tôi một vài trường:
– Chị có thể đăng ký khóa học tại Đại học Barcelona nhưng chỗ này đắt đỏ.
– Thế thì loại khỏi danh sách em ạ. Giọng tôi đầy quả quyết.
– Hoặc nếu chị thích sống ở thủ đô của Tây Ban Nha thì có Đại học Complutense de Madrid. Đại học Alcalá, nơi em đang học cũng được nhưng hơi buồn và ảm đạm. Mức học phí ở những nơi này sẽ trong khoảng 2.000 euro.
– Có trường nào rẻ hơn không em?
– Dạ có, nếu chị muốn rẻ thì xuống trường Đại học Zaragoza.
Zaragoza là cái tên nghe như ở tận đâu đó vùng châu Phi xa xôi lại ấn tượng với tôi vì có mức học phí rẻ nhất, 1.340 euro/năm, chỉ hơn 30 triệu đồng.
– Nhưng em cảnh báo với chị là ở đó không có gì đâu, buồn lắm!
– Ôi, niềm vui là do mình tạo ra mà em. Chị cũng thích những nơi yên tĩnh.
Mức học phí có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đánh bạt cả những cảnh báo của cậu em từ đầu dây bên kia. Tôi vốn cũng không phải típ người thuộc về chốn phồn hoa đô hội. Mà thực lòng tôi cũng có ăn đời ở kiếp chỗ đó đâu, chỉ là bước chân đầu tiên trong hành trình thôi. Không quan trọng nó ở đâu, kể cả trên núi tuyết, rừng già hay sa mạc, miễn nó vẫn nằm trong hai tiếng “châu Âu”.
Thái cho tôi danh sách vài trung tâm mà cậu đã từng liên lạc để được tư vấn và hỗ trợ làm visa. Cậu em nhắc đi nhắc lại với tôi, phải tìm hiểu thông tin càng chi tiết càng tốt bởi các trung tâm sẽ đều tư vấn miễn phí.
Thái làm thủ tục du học thông qua một trung tâm tư vấn. Số tiền học là như vậy nhưng nếu cộng tất cả các dịch vụ và chi phí lại nó có thể cao hơn gấp nhiều lần. Sau khi sang đến nơi, Thái mới nhận ra số tiền đó mình hoàn toàn có thể tiết kiệm được nếu tìm hiểu thông tin kỹ càng hơn. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều bạn du học sinh Việt Nam. Thời điểm này, tôi vẫn đang quẩn quanh với rất nhiều nguồn tin và chưa tìm được hướng đi rõ ràng để có thể bước tiếp.
Cuộc trò chuyện với Thái kéo dài trong nhiều giờ. Tai tôi bỏng rát với cái điện thoại đang cắm sạc và đầu dây bên kia bắt đầu đổi sang giọng thê lương.
– Ở đây buồn lắm chị ạ. Chị sang nhanh rồi chị em mình đi chơi. Em ở đây không có nhiều bạn. Em nhớ nhà nữa, thèm ăn cơm Việt Nam,… bala bala…
– Ôi tại sao lại buồn nhỉ? Em có biết nỗi buồn của em đang là khát khao cháy bỏng của nhiều người, trong đó có chị hay không?
Tôi không hiểu được điều này cho đến khi chính mình trải nghiệm. Tôi cố gắng liên lạc thêm một số bạn du học sinh đang học ở Tây Ban Nha. Đây là cách tốt nhất để có được thông tin đa chiều và chân thực nhất về cuộc sống ở đó, cũng như sự giúp đỡ thiết thực. Có lẽ chỗ này tôi bị nhiễm bệnh nghề nghiệp, nhưng các cụ dạy rồi “cẩn tắc vô áy náy”.
Trời xui đất khiến thế nào mà trong bữa cơm, tôi lại thốt ra cái ý định muốn đi du học ở Tây Ban Nha với vợ chồng cô bạn thân cùng nhà. Bình thường tôi thích ngấm ngầm làm mọi thứ đến khi nào đạt kết quả mới thông báo vì sợ “nói trước bước không qua”.
– E hèm, tớ có một quyết định quan trọng!
– Ô, chuyển chỗ làm với mức lương cao hơn hay bạn được làm sếp?
Cô bạn tôi vừa hỏi vừa điềm tĩnh ăn, không có vẻ gì ngạc nhiên.
– Không. Tớ đi du học.
Rồi tôi thấy cô ấy trợn tròn mắt và thốt lên.
– Trời ơi, bạn có học bổng à?
– Không tớ đi tự túc.
– Hả? Đủ tiền không?
Một khuôn mặt với đầy đủ các cung bậc cảm xúc đan xen vào nhau đang nhìn tôi.
– Tớ vừa tìm hiểu thông tin thấy có khóa học chỉ khoảng 30 triệu mà không yêu cầu đầu vào.
– Ôi thần linh ơi! Không cần yêu cầu gì cả là sao? Khóa học gì mà vừa dễ vừa rẻ thế? Có sự hỗ trợ của tổ chức nào à?
– Hoàn toàn không. Đó là khóa học tiếng ở Tây Ban Nha. Bạn…
– Khoan! Bạn nói là Tây Ban Nha ấy hả? Tớ nhớ mang máng có ai nói với tớ về đất nước này rồi.
– Nhớ cái gì?
Tôi sốt ruột chờ trí nhớ của cô bạn phục hồi và mong đó là một thông tin đáng giá. Dù đã tìm hiểu nhiều nguồn trên mạng, gọi điện cho Thái và một số bạn khác nhưng tôi vẫn đứng ở ngã ba đường.
– A, nhớ rồi. Bạn nhớ em Thêu, em họ tớ không? Bạn đã gặp em ấy hồi cưới tớ ấy. Chú nhà tớ bảo Thêu đang học ở Tây Ban Nha.
Cứ tìm đâu xa lắc chân trời, ai ngờ người cần tìm lại gần ngay trước mắt. Vài ngày sau tôi có được số liên lạc của Thêu. Thời điểm đó Thêu đã hoàn thành khóa học sáu tháng tiếng Tây Ban Nha, lấy được bằng B2 và đang theo học chuyên ngành ở Thủ đô Madrid. Là một người thông minh, nhanh nhẹn và tháo vát, sau một thời gian, Thêu đã nắm bắt được mọi quy trình thủ tục giấy tờ cũng như việc đi lại, ăn ở tại Tây Ban Nha. Khi nghe tôi chia sẻ ý định của mình, Thêu đã nhiệt tình nhận lời giúp đỡ: “Chị cứ để em lo thủ tục giấy tờ bên này cho. Bình thường đại sứ quán sẽ yêu cầu ba thứ: thư mời học, giấy chứng nhận đóng tiền và địa chỉ nơi ở của chị. Em sẽ liên lạc với trường xem họ yêu cầu gì, sau đó chị gửi cho em là được”.
Được lời như cởi tấm lòng. Cuối cùng mọi vấn đề ở Tây Ban Nha của tôi đã được giải quyết: thủ tục giấy tờ, nhà ở và đưa đón. Nhiệm vụ của tôi hiện tại là giấy tờ ở Việt Nam để có được chiếc vé thông hành vào cửa ngõ châu Âu: visa.
Một tấm visa
Nếu ai đó hỏi một trong những vấn đề khó khăn nhất và khổ sở nhất của du học sinh Việt Nam là gì? Có lẽ nhiều bạn sẽ trả lời ngay là visa. Chúng tôi chia sẻ với các bạn học đến từ Canada, Úc, Nga về vấn đề này thì đã xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Dương và Fatima, đến từ Canada. Fatima rất ngạc nhiên và không nghĩ rằng xin visa với chúng tôi lại vất vả đến thế. Dương nộp hồ sơ xin visa du học Tây Ban Nha nhưng bị đánh trượt ngay ngày hôm sau. Nhưng nhờ khả năng tiếng Anh tốt và máu liều cao độ, cô đã viết thư thẳng cho đại sứ quán để xin phúc khảo và thuyết phục được họ.
Có lần tôi chia sẻ với một người bạn ở Anh những lo lắng của mình khi nộp đơn xin visa. Anh bạn tôi cười phá lên và bảo: “Tại sao phải lo lắng như thế. Cứ đưa những gì mình có cho họ thôi và xem chuyện gì xảy ra. Rất đơn giản đúng không? Chúng ta đã đóng tiền cho họ thì không có lý do gì mà không được cấp visa”.
Lúc này, visa với tôi giống một cuộc chơi may rủi, như kiểu được ăn cả ngã về không. Có hàng chục bài viết trên mạng hướng dẫn làm thế nào để đạt được visa. Tôi lưỡng lự không biết nên chọn cách nào.
Tự làm lấy mọi thứ?
Tôi vào website của Đại sứ quán Tây Ban Nha để biết cần chuẩn bị những gì và đọc chia sẻ của những bạn du học sinh đã tự xin visa thành công.
Nhưng làm sao đây?
Tôi không có nhiều thời gian và tôi còn phải làm việc. Đây cũng là thời điểm công việc bận nhất trong năm. Tôi chưa từng làm visa trước đó, hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào và cảm thấy không tự tin trong lĩnh vực này. Đây là tấm visa đầu tiên trong cuộc đời tôi mà cái gì đầu tiên cũng thường có sức ảnh hưởng lớn tới định hướng và hành động trong tương lai.
Hầu như tất cả các bạn du học sinh tôi hỏi đều thông qua trung tâm và họ khuyên tôi:
– Chị tự nộp hồ sơ xin visa đi.
– Tại sao tất cả các em đều khuyên chị tự xin visa?
– Vì sau khi qua rồi em mới nhận thấy nó thực sự không có gì là khó khăn cả, chỉ là mất thời gian thôi.
Giọng Thêu ở đầu dây bên kia đầy quả quyết khẳng định là tôi có thể làm được.
Với tất cả các ý kiến và thông tin thu thập được, tôi quyết định: Qua một trung tâm du học!
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ mất thêm một khoản tiền. Thủ tục visa của Tây Ban Nha có phần khác so với các nước ở chỗ ngoài những giấy tờ thông thường, dịch thuật, công chứng, còn có thêm phần chứng thực chữ ký trong các giấy tờ kèm theo. Do đó sẽ mất nhiều thời gian hơn. Làm thế nào để tiết kiệm được tối đa thời gian và chi phí cho cửa ải này?
Tôi gọi điện cho một vài trung tâm du học để khảo sát giá cả. Bảng chi phí mà tôi nhận được từ họ chia thành từng phần và tôi có thể chọn cần hỗ trợ phần nào. Phần tốn tiền nhất chính là thủ tục giấy tờ, đón đưa, nhà ở tại Tây Ban Nha.
Vấn đề của tôi là chỉ cần lo giấy tờ tại Việt Nam. Cuối cùng qua lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp, tôi cũng chọn một trung tâm và thỏa thuận được mức giá hợp lý.
Thêu nhắn tin cho tôi: “Chị à, thời điểm này chỉ có khóa học bốn tháng, từ tháng Một đến tháng Năm. Để đảm bảo có visa em nghĩ chị nên đăng ký thêm hai khóa intensive – khóa học chuyên sâu trong hai tháng.
Thường các khóa học cả năm sẽ bắt đầu vào tháng Chín và giá rẻ nhất. Thời điểm tôi đăng ký đã qua khóa học này. Tôi cần đăng ký thêm để có đủ 600 giờ học, đó là điều kiện trong visa. Tổng chi phí này sẽ gần bằng với chi phí khóa học một năm. Hơi xót tiền nhưng tôi không thể đợi thêm một năm nữa. Vật đổi sao dời, ai biết được lúc đó thế nào. Đi được càng sớm càng tốt.”
Thêu gửi cho tôi mẫu đăng ký học từ trường và hướng dẫn điền các thông tin cá nhân, chọn khóa học và nhắn nhủ thêm: “Xong rồi chị gửi kèm theo cả bản scan hộ chiếu, bằng tốt nghiệp, bảng điểm bao gồm cả bản gốc; bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha đã công chứng và một tấm ảnh thẻ cho em nhé.”
Bước cuối cùng là gửi tiền cho Thêu để đóng học phí. Đầu tháng Mười một tôi nhận được thư mời học và các giấy tờ cần thiết từ trường Zaragoza mà không mất thêm bất kỳ khoản phí nào. Tôi có hơn hai tháng để xin visa trước khi bước vào khóa học đầu tháng Một năm sau. Người trực tiếp hỗ trợ tôi làm thủ tục là Huyền, một cô gái nhẹ nhàng và sống giản dị, chân thành. Tôi thích những người như thế, ít nhất tôi không phải căng thẳng vắt óc ra tính toán và phân tích xem người đang nói có ẩn ý gì hay không. Hay mỗi khi phát ngôn tôi lại phải đắn đo từng câu chữ. Tôi thật thà hỏi Huyền:
– Theo kinh nghiệm làm hồ sơ visa của em, em thấy khả năng của chị thế nào?
– Em thấy hồ sơ của chị rất đẹp. Chị chứng minh được công việc và thu nhập ổn định tại Việt Nam; bằng cấp của chị tốt, chị có lý do chính đáng đi học để nâng cao trình độ; một số tiền tiết kiệm đủ đi học trong 1-2 năm, giấy tờ thủ tục bên kia đều đã ổn. Nhiều bạn em làm học vấn thấp nhưng vớt lại tài chính chắc chắn. Nhiều bạn nằm trong vùng danh sách đen của đại sứ quán. Nhiều lúc đau đầu lắm chị. Hồ sơ của chị sạch từ đầu đến chân vì thế khả năng đỗ sẽ rất cao.
Huyền quay ra nhìn tôi tự tin nói, rồi cuối cùng chốt một câu.
– Nhưng mà em cũng không dám chắc.
Không có gì đảm bảo rằng nếu tôi đến một trung tâm du học là sẽ đỗ visa 100% nhưng họ có kinh nghiệm để tư vấn và hướng dẫn tôi chuẩn bị hồ sơ sao cho tốt nhất.
– Chị ơi!
Huyền gọi cho tôi.
– Thôi chết rồi, cái giọng thảng thốt thế này thì biết có biến rồi.
– Vâng!
Huyền bật cười trước câu nói của tôi.
– Bằng tốt nghiệp, bảng điểm, giấy khai sinh của chị phải chứng thực lại chữ ký.
Cái tin này giống như bạn đang đi đến giữa sông rồi lại phải quay thuyền vào bờ ấy. Chứng thực chữ ký là công việc tốn thời gian đi lại và chờ đợi nhất. Tôi phải về địa phương để xin xác nhận và kế hoạch du học của tôi bị lộ tẩy. Ở làng quê, bạn biết rồi đấy, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Nếu bạn 20 tuổi, đi du học là một thành tích lớn, nhưng khi bạn 30 tuổi, việc đi học này có vẻ như quá sức. Tôi phải thú nhận với mẹ mình ý định này, nhưng chỉ một phần sự thật “Con đi học nhưng vẫn làm việc ở cơ quan.”
Câu nói lấp lửng này cũng làm yên lòng mẹ đôi chút. Nhưng nếu nhận được tin tôi có người yêu chắc bà sẽ mừng hơn. Châu Âu là một nơi không nằm trong vùng ngắm hay sự quan tâm của mẹ tôi: Xa xôi cách trở và mất thời gian.
Công cuộc chứng thực chữ ký này ngốn mất hơn tháng trời nhưng cuối cùng nó cũng xong kèm theo nhiều hệ lụy, tôi không thể ngấm ngầm làm mọi thứ được nữa.
Tôi vừa thở phào vượt qua cái đỉnh núi này, email của Huyền như đặt thêm một đỉnh núi nữa trước mặt: “Chị ơi! Đây là bảng câu hỏi bên em đã tổng hợp sau những lần các bạn tham gia phỏng vấn visa, chị tham khảo nhé. Có thể đại sứ quán sẽ không hỏi tất cả nhưng mình cần biết hết. Bên em sẽ tổ chức tập dượt trước cho mọi người.”
Gần chục năm trời làm báo, đi phỏng vấn, tôi chứng kiến rất nhiều trạng thái căng thẳng của mọi người và luôn giữ cho mình một nét mặt thân thiện, tự nhiên và tự tin nhất. Nhưng giờ lại bị người khác phỏng vấn, sự hoán đổi vị trí này không thú vị gì. Nó đem đến cảm giác hồi hội và áp lực vô cùng mặc dù cuộc phỏng vấn này sẽ không được công bố trên bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào.
– Bác nói vài câu cho trong giọng trước khi chúng ta bắt đầu ạ. Bác có giọng nói rất truyền cảm!
– Cô đừng căng thẳng, cứ tự nhiên như đang trò chuyện thân mật với cháu thôi, đừng nhìn camera.
– Hôm nay chị xinh quá!
– Ngài hãy nhìn vào tôi!
Tôi nhớ lại những câu nói trấn an tinh thần tôi thường dùng trước khi đi phỏng vấn. Đây không phải là cuộc phỏng vấn chia sẻ thông tin, lấy ý kiến, với tôi đây là cuộc phỏng vấn sống còn.
Tôi gọi cho Thái để học hỏi kinh nghiệm.
– Hồi trước đại sứ quán phỏng vấn em những gì?
– Em nhớ mang máng là vì sao đi học? Kế hoạch là gì?
– Thế em trả lời ra sao?
– Ôi, em không biết em nói cái gì nữa!
Thái trả lời xong, hai chị em tôi cùng phá lên cười.
– Em không mang lại tia hy vọng nào cho chị hết!
– Nhưng em chúc chị may mắn! Không sao đâu. Em thấy họ cũng thân thiện lắm!
Tôi quay sang hỏi Thêu, cô em có kinh nghiệm dày dặn và đang là vị thần hộ mệnh của tôi.
– Chị cố gắng học vài câu chào hỏi, giới thiệu bằng tiếng Tây Ban Nha đi, đảm bảo sẽ gây ấn tượng. Họ nghĩ là chị có tìm hiểu.
– Em viết cho chị vài câu đi. Nhớ là ngắn gọn thôi nhé.
– Đây nhá:
Buenos dias! – Chào buổi sáng!
Buenas tardes! – Chào buổi chiều!
Soy Uyên, tengo treinta anõs. – Tên tôi là Uyên, 30 tuổi.
Soy una reportera. – Tôi là một phóng viên.
Adios! – Chào tạm biệt!
– Chị chưa biết đọc. Em ghi âm lại rồi gửi cho chị.
– Rồi, để em đọc mẫu cho chị.
Tôi đi đi lại lại trong phòng, tập đọc như một con vẹt mấy câu tiếng Tây Ban Nha mà Thêu gửi, thỉnh thoảng nhìn vào gương diễn một khuôn mặt tự tin, nhưng cũng đầy tham vọng.
“Khi bước vào phải nói: Buenos dias/ Buenas tardes!”
“Ngồi xuống và giới thiệu: Soy Uyên, tengo treinta anõs.”
“Khi kết thúc phỏng vấn và đi ra: Adios!”
“Miệng lúc nào cũng phải mỉm cười!”
Cộp, cộp, cộp,… Giấy tờ của tôi đang được đóng dấu tại phòng nhận hồ sơ visa của Đại sứ quán Tây Ban Nha.
– Chị đứng nghiêm nhé!
Cô nhân viên tiếp nhận hồ sơ bảo tôi đứng đối diện chiếc camera. Tách – một tấm ảnh chân dung cho visa tương lai mà tôi không biết khuôn mặt mình thế nào và liệu nó có được sử dụng trong hộ chiếu của mình hay không.
– Chị lăn tay vào đây... Xong rồi đấy chị ạ.
Cô ấy nhìn tôi mỉm cười thân thiện.
Tháng Mười một, gió lạnh đã tràn về Hà Nội. Tôi ra ngoài hành lang chờ Huyền làm thủ tục cho những người còn lại. Chị lao công lặng lẽ quét lá dưới sân. Bên cạnh tòa nhà này là Đại sứ quán Ukraina, nơi tôi đã từng phỏng vấn ngài Đại sứ cho chương trình Tuần Văn hóa. Có lẽ một ngày nào đó tôi cũng sẽ làm về Tuần Văn hóa Tây Ban Nha, nhưng chắc chắn không phải lúc này. Tôi đã sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn.
– Alo… Ôi, em gọi cho chị mãi không được. Chị nhận được email gì chưa ạ?
Giọng của một bạn nhân viên từ trung tâm du học lo lắng gọi cho tôi.
– Chị còn chưa kiểm tra email.
Tôi nhìn lại điện thoại, thấy mười mấy cuộc gọi nhỡ. Là email từ Đại sứ quán Tây Ban Nha.
“La Embajada de España le notifica que su visado ha sido resuelto.
Đại sứ quán Tây Ban Nha xin thông báo đã có kết quả cho đơn xin thị thực của Bà.
The Embassy of Spain hereby informs that your visa application has already been resolved.”
Hôm nay là thứ Sáu ngày 11 tháng Mười hai. Vậy là tôi không phải trải qua vòng phỏng vấn. Thứ Hai tôi và Huyền đến đại sứ quán nhận kết quả. Tôi nhìn thấy tấm ảnh xinh xinh của mình chụp tháng trước được dán trong hộ chiếu.
Chào đất nước Tây Ban Nha! Hẹn gặp nhau vào tháng Một!
Gia tài của một cô gái 30
“Con nghĩ thế nào mà lại đi ở cái tuổi này?”
Giọng mẹ tôi cất lên vào lúc 3 giờ sáng, không gian im ắng như cố tình đẩy vấn đề trong câu hỏi của mẹ tôi lên mức độ cao hơn và trầm trọng hơn.
Những câu hỏi tương tự thế này bắt đầu diễn ra khi tôi ngấp nghé tuổi 30. Ở quê, tôi chắc chắn là một bà cô ế chỏng ế chơ. Giống như một luật bất thành văn, thành công của một cô gái 30 không phải là biết thêm một thứ ngôn ngữ mới, hạnh phúc không phải là đi khám phá thêm được nhiều nơi mà là có một tấm chồng và sinh những đứa con. Bình thường tôi sẽ vờ ngủ nếu mẹ có muốn tâm sự hay hỏi han. Nhưng hôm nay tôi trả lời: “Con đi học vì công việc của con mà!”
Không có âm thanh nào nữa, mọi thứ lại chìm vào thinh không cứ như thể mẹ tôi vừa nói mơ. Tôi 30 tuổi, độc thân, có một công việc hấp dẫn, một khoản tiền tiết kiệm, các mối quan hệ đang tiến triển tốt. Thời điểm cần phải ổn định, yên bề gia thất. Nhưng ngày mai tôi sẽ bỏ lại tất cả để bắt đầu cho một hành trình mới.
“Đã chuẩn bị xong hết đồ chưa chị? Đã mang đầy đủ những thứ em dặn dò chưa?” Tin nhắn của cô em gái từ Madrid gửi qua Facebook. Thêu cẩn thận đến mức gửi hẳn cho tôi một email dài hai trang dặn dò từng thứ một:
“Welcome Uyen to Spain. Have a nice trip![1]
¡Bienvenido Uyen a Spain! Que tengas un buen viaje!(2)
Chú thích:
(1 -2) Tạm dịch: Chào mừng chị Uyên đến với đất nước Tây Ban Nha! Chúc chị có một hành trình tuyệt vời!
GIẤY TỜ
Bảng điểm, bằng đại học đã dịch, đầy đủ dấu của đại sứ quán, lãnh sự quán (kèm bản gốc).
Giấy báo nhập học in màu (đem theo bản gốc, bản dịch chị để ở nhà cho người nhà chuyển euro vào tài khoản cho chị).
Chị photo sẵn mọi giấy tờ (cả gốc và bản đã dịch) bao gồm cả photo hộ chiếu thành nhiều bản.
Ảnh thẻ: Ảnh 3x4 và 4x6. Chị chụp ở các tư thế và mặc trang phục khác nhau, vài kiểu nhé. Chứ đừng chụp một kiểu. Mỗi kiểu rửa năm cái. Sang là đi làm cả đống giấy tờ rồi.
Làm thẻ Visa debit của ngân hàng Vietcombank để thanh toán khi mình đi mua sắm.
CÁC ĐỒ DÙNG CẦN THIẾT
Quần áo: mang đủ mặc, đem găng tay và khăn. Hai áo phao thật ấm. Quần áo mùa hè. Bàn là nhỏ.
Giầy dép: một đôi thể thao, một đôi búp bê, một đôi sandal. Hết, không mang giầy cao vì không bao giờ dùng đến. Toàn đi bộ với xe buýt, đi cao đau chân lắm.
Các thuốc cần thiết: đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, dầu gió, urgo vì có thể bị đứt tay, thuốc trị bỏng nữa, thêm vài gói trà gừng.
Sách vở: mang bút bi, bút chì, tẩy, gọt, thước. À, một dập ghim mini vì chị dùng giấy A4. Giấy A4 bên này rẻ ngang Việt Nam nhé, không phải vác từ nhà làm gì. Chị đem 2-3 quyển sổ nhỏ để ghi chép gì hằng ngày thôi, giấy note nữa.
Một ba lô hoặc túi xách đi học, ba lô thì tốt hơn vì còn đem nước với đồ ăn giữa giờ. Một túi xách nhỏ đi chơi, cứ đem một cái chị thích nhất, ngăn khóa chắc chắn, tránh bị móc túi.
Máy tính bỏ túi vì có thể sẽ phải học gì đến tính toán. Thực ra em dùng để tính toán tiền nong mua bán nữa ấy mà.
Laptop, ipad, máy tính bảng nếu có, tai nghe loại tốt. Smartphone loại pin bền một chút, để ra đường tra bản đồ nhiều. Sạc dự phòng.
Một vài món quà nhỏ truyền thống của Việt Nam để tặng những người mình yêu quý vì thiệp bên này hơi đắt.
Hai bộ cờ cá ngựa – mua cho em (cái này em nhờ bố mẹ lại sợ bố mẹ bảo ham chơi).
ĐỒ ĂN
Thức ăn khô (cá khô, mực khô, tôm khô), làm ít ruốc, lạc vừng để ăn thời gian đầu.
Bánh đậu xanh, kẹo dừa (nếu không ăn thì cho em, rồi em dẫn đi chơi).
Hạt nêm, một chai mắm nhỏ, một chai xì dầu, một lọ tương ớt nhỏ, ngũ vị hương nếu chị có dùng. Mang ít thính gạo nữa nhá chị.
Một nồi cơm điện mini nếu chị ăn cơm và mấy đôi đũa.”
“Con nhớ phải kiểm tra kỹ đồ xem có thiếu gì không?”. Mẹ tôi đang nấu ăn dưới bếp nói với lên. Luôn là như vậy, mẹ để tôi quyết định mọi thứ từ bé. Học trường nào, làm ở đâu, tôi chỉ đưa kết quả cuối cùng cho mẹ khi mọi việc đã xong. Chuyến đi này cũng vậy. Tôi biết mẹ lo lắng nhiều hơn những gì mẹ nói, nhưng có lẽ không ai hiểu tôi bằng mẹ. Bàn chân tôi đã luôn rời nhà từ khi biết đi. Tôi theo bố đi mọi chỗ, rồi sau đó theo cậu cháu trong họ rong chơi, phơi nắng ngoài đồng. Lớn chút nữa đi học xa nhà, rồi ở trọ. “Vâng, con đang ngồi so lại mọi thứ để cho vào va li rồi ạ!”
Gia tài tích cóp bao nhiêu năm của tôi cũng chỉ là đống sách vở, tiểu thuyết và một núi quần áo, váy vóc. Cần phải chọn ra một vài bộ mang đi. Từ giờ, tất cả tài sản của tôi chỉ còn trong hai chiếc va li này.
“Cậu ơi, kịch bản sắp xong chưa?” Tin nhắn từ cậu đạo diễn.
Tôi vẫn đang viết dở kịch bản phim về sông Thu Bồn và sẽ phải gửi vào hôm nay trước khi lên máy bay. Mọi thứ vào ngày cuối cùng vẫn thật bề bộn. Tôi bỏ dở đống đồ đạc và va li trên sàn nhà, ngồi vào bàn viết tiếp.
– Thế nào? Con gái sắp đi rồi hả bà? Chuẩn bị đến đâu rồi cháu?
Mấy bà đồng niên trong xóm qua chơi với mẹ tôi vào mỗi buổi chiều, đứng ngoài cổng hỏi vào.
– Dạ cháu cũng chuẩn bị hòm hòm rồi ạ. Các bác vào nhà chơi!
– Thế không sắp nốt đồ đi vẫn còn ngồi gõ mõ gì nữa?
– Dạ, cháu làm nốt chút việc ạ.
Tôi vừa trả lời vừa bật cười.
Mẹ tôi từ bếp đi ra thêm vào.
– Đấy gần đi rồi mà vẫn còn ngồi viết với lách đấy các bà ạ.
– Ngày xưa mình đi đâu cứ phải chuẩn bị tươm tất từ trước đó mấy ngày ấy chứ. Bây giờ người ta đi tận đẩu đâu mà vẫn như không ấy các bà ạ.
– Thì giờ máy bay, ô tô nhiều, đi đâu cũng tiện, có như chúng ta ngày xưa chỉ có đi bộ với lóc cóc cái xe đạp đâu.
– Ngày xưa tôi muốn về thăm nhà đẻ ở tỉnh bên thôi mà cũng phải đi bộ mất cả một ngày đấy chứ. Giờ ngồi lên xe máy mất có hơn một giờ là đến nơi rồi.
Hết quay nhìn đồ đạc dưới sàn nhà, lại nhìn vào cái máy tính với kịch bản phim đang viết dở, tôi không có cảm xúc bổi hồi bồi hồi, quyến luyến trong lúc này. Cảm giác chuyến bay dài hơn 20 giờ sắp tới cũng như chuyến đi công tác ở đâu đó trong nước. Mọi thứ quanh tôi vẫn diễn ra như nó vốn thế. Mẹ vẫn đang chuyện trò với các bà ngoài kia.
Cả hai thứ này: kịch bản và đồ đạc phải được đóng gói trước 12 giờ đêm nay. Bây giờ là 4 giờ chiều, cái nắng của tháng cuối năm xiên từ cửa sổ vào nhà một màu vàng hanh hanh đến lạ. Chút nữa thôi mặt trời sẽ lặn. Tổng cộng hơn 30 cân, quá cân cho phép một chút nhưng chắc không sao. Rồi cũng đến một ngày, cả gia tài của tôi chỉ còn vỏn vẹn trong chiếc va li, kéo từ nơi này đến nơi khác. Đầu không còn bận tâm suy nghĩ phải trang hoàng, sắm sửa cho căn phòng của mình thế nào, chấp nhận bất cứ nơi nào để ở, bất cứ chiếc giường nào có thể ngủ, mọi phương tiện có thể đi và bất kỳ ai để trở thành gia đình hay bè bạn. Nhưng chắc tâm hồn tôi sẽ giàu có hơn một chút.
Tôi cần viết đoạn kết cho kịch bản. Làm sao có thể chúi mặt vào cái máy tính khi ngoài trời nắng gió mời gọi thế kia?
– Mẹ à, con đạp xe quanh làng một chút. Các bác ở đây chơi với mẹ cháu ạ!
– Con sang nhà bên mà lấy xe, nó hơi cao đấy.
– Vâng, con biết rồi ạ!
Chiếc xe màu xanh, đã han một vài chỗ và xích hơi dão nên thỉnh thoảng lại kêu cạch một cái như muốn đứt rời. Xe cao nên tôi không thể ngồi trên yên xe mà chống chân xuống đất. Mỗi khi đạp lại phải vẹo người từ bên này sang bên kia, y như cái thời bé xíu tập xe. Nắng vẫn còn đủ cho tôi làm một vòng quanh làng. Chiếc xe bon bon qua con đường làng chạy thẳng ra cánh đồng. Mùa này ruộng chỉ còn gốc rạ mục, dòng sông bao quanh làng cũng không còn sen nở. Một màu nước trắng bạc phủ khắp nơi.
Tôi thích tha thẩn bên những dòng sông. Chúng chẳng nói gì nhưng lại nghe và lưu giữ tất cả ký ức của con người. Rồi tôi sẽ gặp nhiều dòng sông khác trên thế giới, sẽ sống như những dòng sông, không bao giờ ngừng chảy cho đến khi hòa vào biển lớn. Không có bức tường nào ngăn ta khám phá thế giới rộng lớn ngoài bức tường do chính ta tự xây nên.
Đã 10 giờ đêm, tôi ngồi vào bàn viết nốt đoạn kết: “… Trên mỗi miền đất và dọc dài những cảng thị, phố cổ mà nó đi qua, dòng sông luôn để lại những dấu ấn văn hóa sâu đậm, kiến tạo nên nét đặc trưng cho mỗi vùng, miền. Vắt từ điệp trùng Trường Sơn, qua châu thổ rồi về biển lớn ở điểm cuối đất liền Cù Lao Chàm, nhưng đây cũng là điểm khởi đầu cho một dấu ấn đặc biệt khác trên vùng đất này...”
Khởi đầu từ ki lô mét số 0
Chị cứ đi theo mọi người ra chỗ lấy hành lý nhé. Chị sẽ được sử dụng wifi miễn phí tại sân bay 30 phút, lúc đó nhắn tin cho em. Em sẽ đợi chị ở bên ngoài.”
Tôi đáp xuống sân bay Madrid lúc 11 giờ đêm. Chuyến bay dài nhất cuộc đời tôi từ trước đến giờ. Thời tiết lạnh giống như ở Hà Nội, không có gì đặc biệt vì không có tuyết rơi. Ngơ ngáo một hồi với hai cái va li đồ đạc, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy Thêu đứng lẫn trong dòng người đi đón.
– Chào mừng chị đến xứ sở bò tót. Cảm xúc thế nào?
– Người chị hạ cánh xuống đất rồi nhưng tâm trạng vẫn đang trên không em ạ.
– Bó tay bà, tỉnh chưa? Giờ đi theo em! Sẽ mất khoảng một tiếng đi tàu điện ngầm mới về đến chỗ em đấy. Hôm nay cho chị trải nghiệm giao thông ở Madrid.
– Như trong những bộ phim ấy hả?
– Không lãng mạn được như thế đâu. Nhớ phải theo sát em không lạc đấy.
Đúng là ma trận với cái đứa vốn mù đường như tôi. Các biển chỉ dẫn với một thứ ngôn ngữ duy nhất: Tây Ban Nha. Ai mà hiểu được, mà có hiểu cũng không biết đâu mà lần. Cách duy nhất là bám chặt cô em đi đằng trước.
– Em phải mua cho chị một vé tàu, chị sẽ dùng được mười lần với giá 12,2 euro.
Nói xong Thêu kéo tôi ra cái máy mua vé tự động. Người qua lại nườm nượp, bước chân ai cũng vội vã cùng với những chiếc va li. Một thế giới thật sinh động và khác biệt.
Vừa đi ra ga tàu Thêu vừa miêu tả hành trình về nhà của chúng tôi:
– Từ sân bay về mình sẽ bắt tàu ở đường ray số 8 đến trạm dừng Nuevos Ministerios đổi sang đường ray số 6, sang trạm Cuarto Caminos, rồi đổi sang đường ray số 1, đi thẳng về trạm Puente de Vallecas.
Tôi gật đầu nhưng không thể nhớ hết những cái tên vừa được xướng lên, nhà có vẻ còn xa lắm.
– Đây là ga tàu điện ngầm đầu tiên chị thấy và đây là cái tàu điện đầu tiên chị đi.
– Rất vinh dự cho chị khi được đi trên một trong những hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất trên thế giới.
Madrid có 300 nhà ga, được mở cửa từ năm 1919 với tổng chiều dài khoảng 293 ki lô mét. Người ta nói đây là hệ thống có tốc độ mở rộng nhanh nhất thế giới. Tôi nhìn xung quanh chỗ mình đứng, tàu vẫn đông, nhưng giờ này không nhiều nhân viên văn phòng mà chủ yếu là khách du lịch và sinh viên.
12 giờ đêm rời khỏi ga tàu, chúng tôi còn phải kéo lê hai chiếc va li một chặng đường dài nữa. Những con ngõ đã không còn người qua lại, thỉnh thoảng có vài đám thanh niên xăm trổ, cao lớn đứng trên vỉa hè tán chuyện, hút thuốc. Gió lạnh hơn còn hai chị em thì mệt lả.
– Đến nhà em rồi. Phòng em ở trên tầng 3…
Căn phòng nhỏ nhắn, vừa vặn cho những thứ cần thiết, một chiếc giường đôi, một tủ quần áo và bàn học. Tôi ấn tượng với khung cửa sổ nhìn ra ngoài đường phố. Sớm nay trời nắng và gió lạnh trong veo. “Chào buổi sáng Madrid!”
Tôi ngoái cổ ra ngoài cửa sổ nói lớn.
– Chị còn mệt không?
– Không. Chị khỏe lại rồi.
– Thế thì lát đi dạo phố với em. Ở đây hai ngày khám phá Thủ đô Madrid, rồi sau đó em đưa chị xuống Zaragoza. À em đặt vé xe buýt trước cả tháng nên rất rẻ. Một chiều xuống cho chị là 8 euro, khứ hồi cho em là 16 euro.
Tôi không biết nói gì để cảm ơn Thêu, nếu không có cô gái này chắc hành trình tới đây của tôi còn gian nan và tốn kém hơn rất nhiều. Trưa muộn chúng tôi ra khỏi nhà, bắt tàu vào Puerta del Sol – Quảng trường Cổng Mặt trời.
– Xin giới thiệu với chị, đây được coi là trung tâm của Madrid, có thể hiểu là trái tim của thành phố, một trong những nơi nổi tiếng và tấp nập nhất.
Thêu kéo tôi len lỏi qua dòng người và tiếng trò chuyện huyên náo. Đây từng là nơi xa nhất về phía đông của Madrid, là một trong những cổng thành bao quanh thành phố thời Trung Cổ. Cái tên Puerta del Sol cũng bắt nguồn từ đó với hình vẽ mặt trời mọc. Ở trung tâm là bức tượng Vua Carlos III, người đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng và những công trình công cộng trong thành phố. Kế bên là tòa nhà Casa de Correos, được xây dựng từ những năm 1760, phía trên có gắn một chiếc đồng hồ khổng lồ nhưng chỉ rung chuông một lần duy nhất vào thời khắc bước sang năm mới. Tôi đã bỏ lỡ sự kiện ấy một tuần trước. Có tới mười đại lộ dẫn vào quảng trường nên đây giống như nơi đón nhận tất cả dòng người từ mọi ngả đổ về.
– Chị phải đến chỗ này để đánh dấu.
– Đánh dấu gì cơ?
– Cứ đi rồi biết…
Nói xong, Thêu kéo tôi qua một con đường rộng. Giữa hàng trăm, hàng nghìn con người đang thao thao bất tuyệt với cơ man những câu chuyện, những vấn đề khác nhau mà người ta vẫn có thể trò chuyện riêng tư được ở chốn này. Thật là một điều kỳ diệu!
– Chị nhìn xuống dưới chân mình đi.
Thêu thúc vào tay tôi và chỉ xuống dưới.
Một biểu tượng nửa hình tròn, bên trong là bản đồ đất nước Tây Ban Nha với hai cái kim chỉ ra hai hướng, phía trên là dòng chữ Ki lô mét số 0 – Origen de Las Carreteras Radiales.
– Chị đặt chân vào đó đi em chụp cho.
– Không, chị ngắm nhìn nó thôi. Em chụp cho chị biểu tượng này đi.
Đây là điểm đầu tiên, trung tâm của mạng lưới giao thông xuyên Tây Ban Nha. Tôi nhìn xuống đầy xúc động, tưởng chừng như có thể quỳ xuống mà gửi một nụ hôn. Đặt chân đến Ki lô mét số 0 luôn là niềm mơ ước của nhiều người, nó không chỉ là điểm thiêng liêng như trái tim của một quốc gia, mà nó còn mang ý nghĩa tinh thần đối với những kẻ viễn du đặt chân đến đó. Với tôi đây không phải là điểm đến mà chính là nơi bắt đầu.
Tôi lại để Thêu kéo đi giữa dòng người tấp nập, nắng lên cao hơn và bầu trời trong xanh như ngọc, không một gợn mây.
Ngày thứ hai tôi và Thêu dành thời gian để tìm nhà.
– Đây là trang web mà sinh viên hay tìm phòng ở Tây Ban Nha này chị: http://pisocompartido.com/. Em thấy có một vài chỗ giá cả cũng ổn, khoảng 200 euro đổ lại bao gồm tất cả chi phí điện – nước – gas.
– Mình khoanh vùng một vài phòng, không cách trường xa quá, hẹn với họ trước rồi xuống đó xem thế nào.
– Chỗ này cách trường chị 1 ki lô mét, giá 210 euro, nhà có một nam và hai nữ. Một phòng nữa ở với hai vợ chồng trẻ, giá cũng như phòng trước. A, còn một chỗ khác cách trường chị gần 3 ki lô mét nhưng có ba nam, giá 200 euro. Theo em chị nên chọn chỗ xa hơn.
Thêu nói rồi nhìn tôi đầy tinh quái.
– Ở với ba nam???
Tôi bật lùi lại đằng sau và trợn tròn mắt nhìn Thêu.
– Ôi, nhìn chị kìa, có ai làm gì chị đâu. Nếu là em, em sẽ chọn ở với ba anh Tây đẹp trai, chị sẽ là người xinh đẹp nhất nhà, sẽ được chiều chuộng nhất nhà. Bao nhiêu cái lợi.
– Chị muốn ở với người già, sẽ học hỏi từ họ được nhiều hơn. Sao không có căn nhà nào mà toàn chung cư thế nhỉ? Chị ước ao được ở trong một ngôi nhà có hai ông bà già Tây Ban Nha với một khu vườn nhỏ xinh,…
Tôi mơ màng nghĩ đến ngôi nhà với khung cửa sổ đầy nắng, khu vườn đầy hoa đã từng nhìn thấy ở trên phim hay đọc trong tiểu thuyết.
– Tỉnh mộng đi chị ơi! Không có chỗ nào như thế ở đây đâu. Trong các thành phố chỉ có những cái hộp to, bên trong là nhiều hộp nhỏ mắc vào nhau như thế này thôi.
Thêu vừa nói vừa vẽ nhanh cho tôi một bản phác thảo sinh động mang tên Piso.
– Chốt ba chỗ này nhé. Em sẽ nhắn trước cho họ qua WhatsApp2. À đấy còn phải đi mua sim điện thoại cho chị nữa. Chị cầm theo hộ chiếu đi nhé!
Thêu dẫn tôi đến một cửa hàng điện thoại ngay gần nhà.
– Đuôi số của chị là 13 này. Con số không may cho những người châu Âu.
– Nhưng là con số may mắn của chị.
– Em chúc chị sẽ gặp được nhiều bạn bè tốt với số điện thoại này. Giờ em dẫn chị đi ăn trưa. Chỗ này có món rất hay.
Trời hôm nay vẫn đầy nắng và gió. Chúng tôi lại chạy xuống ga tàu để vào trung tâm thành phố.
– Nhanh chị, còn 1 phút nữa là tàu qua rồi.
Tôi nhớ đến những chuyến xe buýt thời sinh viên, cũng chạy hết hơi để đuổi xe, có khi đu người trên cánh cửa, rồi chen chúc giữa đám người đông đúc. Ở đây không đông như thế. Tàu chạy rất nhanh và tôi không thể cảm nhận được vận tốc thực của nó. Có anh chàng ôm cây đàn guitar và một anh chàng “ca sĩ” bước vào. Họ đi dọc khoang và hát. Chất giọng thật trầm ấm. Một quý bà đang đọc sách ngước lên mỉm cười với họ. Một vài người hát theo. Đầu tôi chưa mở cửa đón chào thứ ngôn ngữ này nên không hiểu họ hát gì nhưng vẫn cảm thấy ấm áp. Họ xuống ở trạm kế tiếp.
Chúng tôi xuống trạm dừng Sol, đi bộ vào quảng trường Puerta del Sol. Thêu dẫn tôi vào quán Takos al Pastor, ở số hai đường Abada gần quảng trường. Quán ăn nhưng bàn ghế gỗ lại được thiết kế theo kiểu của quán bar, rất cao.
– Quán này nổi tiếng với món Takos.
– Của Tây Ban Nha?
Tôi hỏi xen ngang lời Thêu.
– Không chị yêu ạ. Hôm nay chúng ta thưởng thức món ăn truyền thống và vô cùng nổi tiếng của… Mexico.
Nói xong Thêu rời khỏi ghế và ra quầy xếp hàng. Quán khá đông, các bàn gần như đã kín người nhưng vẫn còn một hàng dài khách đang chờ.
Takos phổ biến và nổi tiếng đến nỗi nó xuất hiện trong mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước Mexico. Từ những chiếc xe rong ruổi trên đường phố cho đến những nhà hàng sang trọng. Trong cuộc viễn chinh đến vùng Bắc Mỹ, người châu Âu đã khám phá ra món Takos và sau đó nó được du nhập khắp vùng Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á.
– Em gọi bốn vị: gà, lợn, bò và hải sản.
Thêu quay trở lại chỗ ngồi, một lúc lâu sau người phục vụ mang ra bốn chiếc Takos khác nhau. Một chiếc bánh Takos bao gồm vỏ bánh tortilla3 hình tròn, có đường kính gần bằng chiều dài của một gang tay, nhân bánh, gia vị rắc lên trên và nước sốt.
– Món này không thuộc Tây Ban Nha nhưng hơn 90% người dân Mexico nói tiếng Tây Ban Nha. Cũng có liên quan đấy chứ!
Nói xong tôi cắm mặt vào chiếc bánh, không có lý gì để chối từ một món ăn ngon như thế này cho dù nó xuất xứ từ đâu.
– Tây Ban Nha là đất nước của ẩm thực, chị muốn khám phá cần một hành trình dài bất tận.
– Thế nên cần ăn món này trước phải không?
– Ý em là vậy đấy…
Ăn xong chúng tôi lại đi ra đường phố, choáng ngợp trước những công trình cổ từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX đặt cạnh những tòa nhà hiện đại nhưng không hề tương phản. Những cửa hiệu thời trang của những thương hiệu lớn như Zara, Mango đang mùa giảm giá, tấp nập người ra vào. Madrid còn được biết đến là thiên đường mua sắm cho mọi tầng lớp trong xã hội.
– Để lần tới em sẽ dẫn chị đi nhiều hơn. Hai ngày chỉ lướt qua được thế thôi. Chúng ta còn nhiều thời gian.
Thành phố lên đèn và mỗi lúc một nhộn nhịp, đông đúc hơn. Những cửa tiệm được trang hoàng lộng lẫy. Nhạc từ các quán bar, nhà hàng, trên đường phố mời gọi: Hãy ra khỏi nhà và nhảy múa đi! Đêm Madrid như buổi dạ tiệc khổng lồ cho tất cả mọi người.
Từ những năm 1920-1930, Hemingway khi viết về đêm Madrid trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Death in the Afternoon (tạm dịch: Chết vào lúc xế trưa) của mình, ông ví von: Ở Madrid không ai ngủ cho đến khi họ bắt đêm phải đầu hàng. Những cuộc hẹn với bạn bè đều bắt đầu sau nửa đêm ở quán café. Không ai thích nếu bạn đi ngủ vào giờ này, thậm chí bạn còn bị coi là người có chút kỳ lạ.
Tất nhiên đó là triết lý của người Madrid, còn tôi vẫn phải đi ngủ sớm tối nay. Chúng tôi sẽ xuống Zaragoza vào ngày mai.
Chúc cả thành phố đêm nay vui vẻ!
Chú thích:
[2] Một ứng dụng nhắn tin có mặt trên hệ điều hành Symbian, Android, Blackberry, iOS và Windows Phone. WhatsApp được sử dụng để gửi và nhận tin nhắn tức thời mà không phát sinh chi phí tin nhắn SMS.
[3]. Bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha Torta có nghĩa là bánh tròn. Tortilla rất phổ biến ở các món được làm sẵn với các loại thịt như Tacos, burritos, và enchiladas. Bột bắp sau khi hòa với nước sẽ được gia giảm thêm một số loại gia vị rồi đem nướng vàng.
Anna
Khoảng cách giữa Madrid và Zaragoza gần 300 ki lô mét, chúng tôi sẽ phải mất hơn 4 giờ trên xe buýt mới tới nơi. Tôi quyết định dành trọn thời gian trên xe để ngó nghiêng sang hai bên đường, tận hưởng chuyến xe buýt đường dài đầu tiên ở châu Âu. Xe thoáng, đường rất êm, không có ổ gà ổ voi, cũng không khói bụi hay xe cộ chen chúc, bấm còi inh ỏi.
Hầu hết khung cảnh gần giống như hoang mạc, thỉnh thoảng có một vài khu công nghiệp nằm rải rác dọc đường, những mảng xanh nhỏ bé của cánh đồng oliu. Có lúc xe ẩn vào trong những dãy núi. Không có gì nhiều để nhìn ngắm ngoài đất trời mênh mông và con đường phía trước vẫn dài bất tận. Mọi người đều muốn ngủ. Bác tài xế có một khoang riêng cách biệt và im lặng lái xe. Tôi nhìn sang bên cạnh thấy Thêu đang thiu thiu ngủ, tay phải nắm chặt miếng gừng, tay trái giữ miếng vỏ cam che mũi. Nàng ấy say xe.
– Oa, cánh đồng cối xay gió kìa chị.
Tôi giật mình khi nghe tiếng Thêu, không biết tỉnh từ lúc nào. Tôi nhìn theo hướng tay Thêu chỉ, cả một cánh đồng cối xay gió rộng mênh mông mở ra trước mắt.
– Đây quả là chiến trường đáng mơ ước cho anh chàng Don Quixote!
– Em nghĩ có mất cả đời anh chàng cũng không với nổi đến mấy cái cánh quạt khổng lồ đang quay kia đâu.
– Có hình cả một chú bò đen rất to nữa kìa!
Tôi và Thêu cùng nói và chỉ về phía cái bóng đen to phía trước, dán mắt vào cửa kính nhìn khung cảnh ngoạn mục bên ngoài. Những chiếc cối xay gió khổng lồ màu trắng đang quay đều trên nền trời xanh thẳm. Đó là địa phận La Muela, một ngôi làng cổ, luôn có những cơn gió mạnh thổi qua. Nếu ghé vào La Muela, bạn sẽ được nghe người làng kể câu chuyện thần kỳ về gió và vị thị trưởng trẻ tuổi, người đã đến, làm thay đổi cuộc sống của cộng đồng nơi đây. Từ một nơi gần như bị lãng quên nay trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế cho vùng Aragón. Với chúng tôi đây là dấu hiệu thông báo gần đến địa phận của Thành phố Zaragoza.
– Phù, cuối cùng cũng đến nơi. Em chưa đến Zaragoza bao giờ, phải tranh thủ khám phá mới được.
Thêu vừa nói vừa vo mớ gừng và vỏ cam thành một nắm rồi bỏ vào thùng rác công cộng. Mặt cô nàng vẫn còn tai tái nhưng xem ra rất hào hứng.
– Đấy Zaragoza của chị đấy!

Tôi đang đứng ở trạm xe buýt nên không có cảm xúc gì ngoài việc nhìn chằm chằm vào dòng người đang vội vàng tỏa ra các ngả. Chúng tôi đi ra đường lớn và gọi một chiếc taxi vào trung tâm thành phố. Anh chàng lái xe đeo kính đen như tài tử điện ảnh, đang muốn biểu diễn tay lái lụa với hai cô gái đến từ châu Á. Rất nhiều đèn đỏ nhưng anh cứ phóng vèo vèo và phanh kít một cái. Thật may đoạn đường không quá dài.
Chúng tôi xuống xe và đi vào con đường nhỏ có tên Ciprés, Thêu đã đặt phòng từ trước cho hai người ở đó với giá 16 euro/người/đêm. Nó không phải là khách sạn mà giống như khu nghỉ trọ, với nhiều giường tầng và có một nhà ăn chung tự nấu. Chúng tôi chiếm dụng hai chiếc giường ở tầng một cạnh cửa sổ.
– Nằm nghỉ tí rồi em với chị ra chỗ trung tâm mua vài thứ về ăn.
– Không khéo phòng này chỉ có hai chị em mình ở.
Tôi vừa nói vừa đảo mắt nhìn quanh, có một chiếc giường ở tầng một phía sau giường tôi chăn gối hơi lộn xộn.
– Càng rộng và thoải mái chị ạ.
Thêu vừa nói xong cánh cửa phòng chợt mở. Thiếu chút nữa là tôi hét toáng lên.
– Sao phòng này lại có nam ở cùng?
Tôi hỏi Thêu, giọng đầy kinh hoàng. Vị khách nước ngoài không hiểu gì nhưng nhìn mặt của hai chị em chắc cũng đoán ra nên chào một cách ngượng ngùng. Tôi vẫn trợn tròn mắt nhìn nên quên cả chào lại.
– Ôi ở cùng là chuyện bình thường khi chị thuê phòng kiểu này.
– Ừ, nhưng chị nghĩ là nam với nam, nữ với nữ chứ nhỉ?
– Ở thế này cho có nếp có tẻ. Chủ trọ cũng tinh ý ra phết.
– Ôi trời đất ơi. Tối nay làm sao tôi ngủ được…
Tôi kêu lên rồi vùi mặt vào gối. Còn vị khách lạ vẫn đang luống cuống xếp đồ.
– Chị nhớ là chị đang ở tây nhé, không phải ta. Mà sắp tới có thể chị sẽ ở cùng nhà với ba nam chứ không phải một như thế này đâu. Làm quen dần đi chị. Có thế mới nhanh kiếm được anh tây.
Nghe cũng có lý, nhập gia phải tùy tục thôi. Tôi ngẩng mặt lên mỉm cười và chào lại bạn cùng phòng đêm nay. Nhìn bác vui chưa kìa, có lẽ bác cũng quá bối rối với tình thế này. Còn tôi không hiểu sao mình lại có thể xoay chuyển tình hình nhanh đến thế.
– Tôi là Martti, đến từ Phần Lan.
– Cháu là Uyên.
– Cháu là Thêu. Chúng cháu đến từ Việt Nam.
– Việt Nam! Tôi chưa đến đó bao giờ nhưng nghe nói đất nước của các cô xinh đẹp lắm!
Không khí tự nhiên hơn. Martti đã 63 tuổi, nhưng nhìn bác trẻ hơn rất nhiều. Bác là một kỹ sư điện, giờ đã nghỉ hưu và muốn dành những năm tháng còn lại của cuộc đời đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Bác lấy trong ba lô chiếc Ipad và chỉ cho chúng tôi xem ngôi nhà nhỏ ở Phần Lan.
– Đây là căn nhà của tôi, nó nằm gần một ngọn đồi.
– Ôi, bác trồng nhiều hoa quá. Những chiếc chậu gỗ này bác tự đóng phải không?
Tôi chỉ vào bức ảnh và hỏi.
– Đây là niềm vui của tôi sau công việc, chăm sóc cây cối và đóng những đồ đạc trong nhà.
Câu chuyện giữa chúng tôi ngày càng thân mật hơn khi bác chia sẻ thêm những bức ảnh riêng tư của gia đình.
– Đây là hai con của tôi, chúng đều đã có gia đình. Đây là vài bức ảnh hồi nhỏ và lúc đi học của các con mà tôi còn giữ.
Martti có một con trai và một con gái nhưng giờ bác đang sống một mình, bác vui với điều đó. Tôi ước gì mẹ mình cũng có tư tưởng phóng khoáng, thoải mái như bác và bây giờ bà đang trên chuyến xe đi đâu đấy thay vì ngồi bận tâm lo nghĩ cho tương lai của đứa con gái đã 30 tuổi là tôi.
– Xem này, đây là bức ảnh ở Madrid phải không bác?
Thêu nhìn vào bức ảnh một công viên và hỏi. Tôi không biết chỗ đó.
– Đúng thế, tôi vừa mới tới Zaragoza ngày hôm qua trước đó bác đã ở Madrid vài ngày. Đất nước Tây Ban Nha thật may mắn vì có nhiều nắng. Ở Phần Lan chủ yếu là tiết trời lạnh và tuyết rơi nhiều. Có vài bức ảnh tôi chụp ở quanh đây, nắng lúc hoàng hôn rất đẹp.
Có cả những bức ảnh chụp dòng sông Ebro và nhà thờ gần đấy nhưng lúc này tôi không biết tên.
– Nhất định lát phải qua chỗ này chị nhé. Zaragoza của chị cũng nhiều chỗ đẹp quá!
Nói xong chúng tôi chào bác Martti để đi dạo phố và mua đồ ăn. Bác nói sẽ đến một quán bar. Bên ngoài trời đã tối, con ngõ nhỏ thi thoảng có vài người lướt qua rồi mất hút trong một tòa nhà nào đó. Chúng tôi đi đến ngã ba, phía trước là khu chợ trung tâm Mercado Central đã đóng cửa, bên phải là con đường lớn Av. de César Augusto.
– Có thể đây là lối vào trung tâm thành phố. Chị em mình cứ dọc theo con đường này xem sao.
Thêu nói và nhìn về hướng tay phải. Đi một lúc chúng tôi thấy dòng người đông hơn và đang cùng đi về đâu đó. Chúng tôi cũng hòa vào với họ.
– Oa! Đông vui, nhộn nhịp và đẹp quá chị này!
Thêu vừa nói vừa tung tăng nhảy theo nhạc, ngó nghiêng vào các cửa hiệu thời trang, quán ăn, café hai bên đường. Chúng tôi ra tới quảng trường Plaza del Pilar, rồi men theo bờ sông.
– Em thấy thích thành phố này. Nó không quá đông đúc như Madrid nhưng không hẳn là buồn tẻ. Hợp với chị đấy!
Ở Zaragoza mọi thứ đều “vừa đủ” chứ không sầm uất như Madrid và Barcelona, vừa đủ sống, vừa đủ vui. Có thể Thêu nói đúng và hành trình của tôi mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi trở về bằng con đường khác và ghé vào một siêu thị mua chút đồ ăn. Bước chân của hai chị em phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc điện thoại đang bật Google map của Thêu.
– Ba phòng chị em mình tìm hôm trước, một chỗ cách đây 2 ki lô mét, một chỗ cách đây 3 ki lô mét. Hai chỗ này cách nhau 3 ki lô mét. Còn chỗ của hai vợ chồng nọ em không thấy họ phản hồi. Chắc sẽ chọn được một trong hai chỗ thôi. Em mong là chỗ ba anh chàng tây kia. Chúc chị ngủ ngon!
Nói xong Thêu chui vào chăn cười khúc khích. Với tôi chỗ nào cũng thế, miễn là thoải mái và yên tĩnh. Chiếc đồng hồ cổ trong phòng trọ điểm 10 giờ đêm, bác Martti vẫn chưa về, có lẽ bác gặp được nhiều bạn mới thú vị ở quán bar. Những cơn gió mạnh hơn táp vào cửa sổ. Mọi thứ im ắng và chìm dần vào giấc ngủ cùng tôi.
– Buổi sáng tốt lành!
Tôi và Thêu nhìn nhau tự hỏi xem giọng của ai vừa cất lên. Bác Martti đang lúi húi xếp đồ đạc phía sau cánh tủ. Về muộn nhưng bác dậy trước hai chị em. Tôi nhìn lên đồng hồ, đã 10 giờ sáng.
– Buổi sáng tốt lành bác Martti!
Hai chị em đồng thanh đáp nhưng vẫn không muốn rời khỏi giường.
– Bác phải đi bây giờ sao?
Thêu ngó đầu lên hỏi.
– Tôi sẽ trả phòng cho họ bây giờ và bắt xe xuống Barcelona. Đó là thành phố biển rất đẹp.
Tôi nhìn bác và gửi một lời mời:
– Cháu mong một ngày bác sẽ đến Việt Nam và Đông Nam Á. Ở đó mọi người rất thân thiện và hiếu khách. Bác sẽ được chào đón!
– Nơi đó xa quá! Tôi không biết mình còn đủ sức để đến đó không nhưng tôi sẽ lưu nó ở đây.
Nói xong bác đặt tay lên trái tim mình và vỗ nhẹ mấy cái. Giây phút đó chúng tôi không nói được gì, mọi thứ như ngưng lại. Rồi cả hai chị em đồng thanh.
– Vâng, chúc bác có chuyến đi may mắn!
Chúng tôi bắt tay tạm biệt bác trong tư thế vẫn đang ngồi trên giường, trùm chăn nửa người. Mọi cuộc gặp gỡ đều có lý do của nó, tôi luôn tin như thế. Nhưng nó luôn đến thật bất ngờ và có phần khôi hài, ví như cuộc gặp này của tôi. Trong ngôn ngữ của loài người, chúng ta sáng tạo ra câu “Xin chào” và không quên cho thêm câu “Tạm biệt”, để khép lại một cuộc gặp gỡ trong đời dù dài hay ngắn. Hình ảnh cuối cùng của bác Martti tôi còn lưu lại là nụ cười rạng rỡ và chiếc ba lô nhỏ gọn trên lưng, chỉ đủ cho những đồ dùng cá nhân thiết yếu nhất. Chúng ta làm việc cả đời để tích cóp thật nhiều nhưng niềm vui viên mãn nhất lúc cuối đời là có thể bỏ lại tất cả để được nhẹ gánh thênh thang.
Cửa phòng đóng lại, chúng tôi cũng rời khỏi giường, vệ sinh cá nhân và ra khỏi phòng trọ.
– Đi hướng này, à không sang bên phải… Từ từ đứng lại để em định vị…
Thêu vừa nhìn chằm chằm vào cái điện thoại vừa chỉ hướng. Loay hoay hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi cũng tìm thấy nhà thứ nhất. Một anh chàng đẹp trai mở cửa đón chúng tôi. Căn phòng khá đẹp. Ở đây chắc toàn người đi làm nên đầy đủ tiện nghi, trông rất sang trọng. Phòng ngủ rộng và có ban công. Nhưng thật tiếc cô gái ở phòng này giữa tháng mới chuyển đi mà tôi phải ổn định chỗ vào ngày mai vì 12 tháng Một là ngày tôi nhập học.
– Tiếc quá chị ạ. Phòng đẹp mà rẻ. Em còn tiếc cả anh chàng đẹp trai kia nữa!!!
– Chúng ta vẫn còn cơ hội thứ hai mà.
– Nhưng chủ nhà nói cậu ấy đi làm về muộn, khoảng 9 giờ tối. Bây giờ mới 5 giờ chiều. Lại đi loanh quanh đâu đó đi chị.
Những cơn gió ở Zaragoza như mạnh hơn. Chúng tôi ngồi trong một công viên nhỏ nghỉ ngơi. Hai cái bóng chụm đầu vào nhau đổ dài dưới nắng. Lang thang thêm vài con phố đông đúc nữa trời cũng tối. Chúng tôi quay trở lại con đường Miguel Servet.
– Tòa nhà 12, số nhà 3…
Thêu vừa lẩm bẩm vừa bấm chuông. Người mở cửa là anh chàng mập mập, có bộ râu quai nón vẽ thành hình vòng cung mảnh từ mai bên phải sang mai bên trái, ôm lấy cái cằm, mái tóc để dài phía trước rồi chải ngược ra đằng sau buộc lại thành một cái đuôi. Cậu ấy là William. William có thể nói một chút tiếng Anh nên tôi cũng mở miệng được chút ít.
Lúc sau người cần gặp cũng về, kéo theo một đoàn ba anh chàng nữa phía sau. Họ làm cho cả căn nhà rộn rã tiếng cười. Chủ nhà là Sergio, mới 24 tuổi. Anh chàng đẹp trai nhất nhà và có tiếng cười giòn tan.
Mọi người bắt đầu màn giới thiệu làm quen, tôi vốn dĩ không phải người có trí nhớ tốt nên chỉ nhớ tên hai người trên tổng số năm người có mặt ở đó, Sergio, tôi thường gọi tắt là Ser và William tôi gọi là Will. Còn những người khác vào tai này rồi ra tai kia ngay lập tức.
Đến cái tên của tôi là một màn tranh luận và tập dượt phát âm đầy vui nhộn.
– Tôi tên là Uyên!
Tôi cố đọc thật chậm, rõ ràng, truyền cảm nhất để mong họ có thể phát âm đúng tên mình. Nhưng ngay sau đó tôi nghe thấy những thanh âm mới lạ: Uyn, wuyen, wuyn, win… Họ xúm vào nhau đọc rồi quay ra nhìn tôi, rồi lại xúm vào nhau...
Cuối cùng cả nhóm cũng quay ra:
– An-na!
Tôi há hốc mồm vì cái tên này phát âm hoàn toàn khác xa với tên Uyên. Ser giải thích rằng, trong nhà có một nội quy, ai đến đây cũng đều có một tên Tây Ban Nha. Họ thấy Anna cũng có cái gì đó giống giống với tên tôi. Nhưng tôi thực sự không hiểu tại sao họ có thể đọc thành như thế. Tôi gật đầu đồng ý trong trạng thái vẫn phân vân, mơ hồ. Tự hỏi liệu có khi nào tôi quên mất tên mình khi ở đây một thời gian.
Giờ mi là Anna, sống ở Zaragoza, Tây Ban Nha, những âm A đầy hứa hẹn, chữ đầu tiên trong bảng chữ cái Latin sẽ mở đầu cho một cuộc sống mới của tôi.
– Anna, chào Anna!
Cái tên cứ lởn vởn trong đầu tôi khi theo Ser vào nhận phòng. Căn phòng của tôi nhỏ nhắn nhưng đầy đủ mọi thứ cho một cô gái. Chiếc giường một với kệ sách được đóng phía trên, bàn để đồ và một chiếc gương cao bằng chiều cao của tường nhà, đối diện với giường ngủ. Đặc biệt, chiếc tủ quần áo rất to. Tôi ước gì ở Hà Nội tôi có chiếc tủ như vậy nhưng ở đây chỉ có vài bộ quần áo, thành ra chúng như đang bơi giữa biển. Bên ngoài căn phòng còn một ngăn nữa giống ban công nhưng được đóng kín bằng các cửa sổ. Chỗ này cũng có chiếc gương phủ kín một bên tường, sau này tôi biến nó thành nơi phơi quần áo của riêng mình. Bếp và phòng khách là một, nhà vệ sinh khá rộng rãi và vô cùng sạch sẽ, ngăn nắp.
Về cơ bản tôi hài lòng với nơi này. Các bạn cùng nhà vui vẻ, thân thiện, có thể cứu vớt tâm hồn đang già nua của tôi. Đến giờ, đây cũng là lựa chọn cuối cùng và duy nhất. Ser đưa chìa khóa cho tôi, một chìa dưới tầng trệt và một chìa là cửa chính vào nhà. Ở đây các phòng cá nhân hầu như không khóa trừ khi người thuê có yêu cầu đặc biệt.
Sáng hôm sau chúng tôi chuyển đồ đến. Thêu cũng vội vã ra trạm xe buýt để trở về Madrid. Tôi có cảm giác hơi hụt hẫng.
– Mọi thứ sẽ ổn thôi… ANNA!
Tôi đặt tay lên tim mình, tự an ủi rồi quay vào phòng. Vẫn chưa ai thức dậy.
Ser ngoài cùng bên phải, Will thứ hai bên trái.
Hai thành viên ở cùng nhà.
CHƯƠNG 2 - Lớp học của cô Marta
Tấm vé về tuổi thơ
Một lớp học có bảy quốc gia, bốn châu lục. Có vẻ như mọi người không chỉ đến đây để học. Tôi cũng phải thú nhận tôi không hứng thú với việc học. Nhưng chúng tôi có một giáo viên vô cùng kiên trì, kiên tâm và kiên nhẫn. Hình như chúng tôi bắt đầu yêu…
Tấm vé về tuổi thơ
Danh sách sinh viên mới được dán trên chiếc bảng bên ngoài văn phòng trường. Tôi không nhìn thấy tên mình.
– Không lẽ mình không học ở đây? Vậy ở đâu?
Hoang mang, tôi hỏi một vài bạn sinh viên Việt Nam quanh đó.
– Chị vào văn phòng trường hỏi xem.
Một bạn nữ vừa bước từ đó ra chỉ cho tôi vào trong. Tôi đã không làm bài kiểm tra đầu vào nhà trường gửi qua email để phân lớp học. Vì chưa học gì nên mọi người bảo không cần làm, thành ra giờ tôi chưa có lớp.
Lúc sau tôi được một cô giáo dẫn đi.
– Cô tên là Nieves. Tên em là gì?
– Em tên là Uyên.
– Win,…
– Oen,…
Tôi gật đại vì biết sẽ khó để cô phát âm chuẩn tên của mình và ít nhất nó cũng không thành một cái tên hoàn toàn xa lạ. Vừa đi cô vừa vỗ vai an ủi, cầm hết cái này đến cái kia cho tôi. Không hiểu mặt tôi lúc đó trông bi đát thế nào mà cô phải quan tâm một cách đặc biệt và sâu sắc đến thế. Lúc sau tôi khiến cả túi đồ rơi vãi khắp sàn.
– Ôi, cẩn thận! Em vẫn ổn chứ? Cứ bình tĩnh không sao đâu. Hít thật sâu và thật thoải mái.
– Vâng, em ổn!
Cô cứ hỏi đi hỏi lại tôi có ổn không. Tất nhiên tôi cũng có chút hồi hộp nhưng không đến mức như cô nghĩ. Chỉ vì vận tốc cô đang đi quá nhanh làm tôi phải tập trung cao độ để cố đuổi theo. Chúng tôi đi qua sảnh của tầng 1 tòa nhà chính rồi rẽ về bên phải ra ngoài khuôn viên trường. Có một dãy phòng học đối diện phía trước. Lớp tôi ở cuối hành lang bên tay phải, phòng Aula 1.5.
Cô Nieves nói vài câu với cô chủ nhiệm rồi đi ra.
– Cô là Marta!
Cô chủ nhiệm nói bằng tiếng Anh, nhìn tôi và nở một nụ cười thật tươi chào đón tân sinh viên đến muộn, rồi quay lên bảng viết tiếp. Tôi loay hoay tìm chỗ cho mình. Trên bảng cô Marta đang viết các chữ cái và phiên âm. Ngày hôm nay tôi bắt đầu đi học và trong đầu không có một ý niệm gì với ngôn ngữ này.
Ngày mới của tôi báo hiệu bằng tiếng báo thức từ điện thoại lúc 7 giờ sáng, tôi để chế độ lặp lại nên cứ 5 phút nó sẽ báo một lần. Gần một tuần nay, tôi đang phải cố gắng làm quen với một khung giờ nhất định vào sáng sớm. Tôi không biết nó đã kêu và tôi đã tắt đi bao nhiêu lần rồi. Màn đối thoại quen thuộc bắt đầu.
– Nào dậy đi, dậy đi học!
– Thêm chút nữa thôi. Mình thực sự rất mệt…
– Nhưng còn phải ăn sáng và chuẩn bị trước khi đi.
– Hôm nay chúng ta có thể không ăn sáng…
– Thế thì trưa chết đói à? Học đến 1 giờ 30 chiều đấy…
– Nhưng trời còn chưa sáng hẳn và rất lạnh. Hay hôm nay không đi học hoặc đến từ tiết hai. Ở đây học hành tự do mà, cô có ý kiến gì đâu.
– Không được, nếu học thì học cho đàng hoàng.
– Ôi, nhưng mục đích của chúng ta là đi du lịch mà…
– Nhưng chúng ta đã đóng rất nhiều tiền cho khóa học này và chúng ta phải giữ danh dự cho sinh viên Việt Nam chứ.
– Có cần to tát thế không? Hôm nay là thứ Sáu rồi, chúng ta có thể nghỉ…
Chiếc chăn bị vung ra, tôi bật dậy mặc cho hai kẻ đang tranh cãi đứng như trời trồng. Tôi lơ ngơ bước ra khỏi giường, loạng choạng vào nhà vệ sinh nhìn khuôn mặt như người mất hồn của mình trong gương. Hẳn là thế rồi, hai con người trong tôi vẫn đang còn muốn tiếp tục đấu khẩu với nhau. Khi những tia nước ấm đầu tiên hắt lên mặt, tôi mới nhận ra mình, mỉm cười lại với khuôn mặt trong gương và bắt đầu cho một ngày tới lớp.
Đường từ nhà đến trường gần 3 ki lô mét, đi bộ mất gần một giờ đồng hồ. Tháng Một trời lạnh và thỉnh thoảng có mưa. Đường phố phủ một màu xám, không quá đông người đi lại khi tôi bước ra khỏi nhà lúc 8 giờ sáng.
Tôi bắt đầu quen với con đường này sau một tuần đi học nhưng đã mất cả một buổi chiều để tìm ra nó. Sau khi chuyển đồ đến phòng mới, tôi quyết định đến trường. Từ hôm đến Tây Ban Nha, tấm bản đồ của tôi là Thêu, giờ tôi phải dựa vào Google map trên điện thoại và trí nhớ siêu tệ của mình.
Tôi tìm lại địa chỉ của trường trong email.
“Edificio Interfacultades, 3ª planta Pedro Cerbuna, 12 E-50009 Zaragoza”.
Mở Google map và dán địa chỉ này vào rồi đi theo nó. Nghe rất đơn giản. Hy vọng nó làm việc hiệu quả. Mà không, hy vọng tôi làm việc hiệu quả thì đúng hơn vì đây là lần đầu tiên tôi dùng bản đồ online. Tôi thở mạnh một cái lấy tinh thần, mở cửa bước ra khỏi nhà, các cửa phòng khác vẫn đóng im ỉm.
Từ tòa nhà này rẽ phải, đi kịch đường tiếp tục rẽ tay phải, sau đó tiến thẳng con đường Camino de las Torres,… Ồ dễ nhớ quá!
Trên đường đi tôi nhìn thấy có vài siêu thị bán đồ ăn Mercado, Simply,… Một vài quán café bên vỉa hè, mùi bánh mì, bánh ngọt từ các tiệm làm bánh lan tỏa khắp nơi khiến bụng tôi kêu gào dù đã ăn trước ở nhà.
Vượt qua chiếc cầu, ở đây có đến bốn hướng đi, một đường lớn hai làn hơi chếch sang bên phải một chút so với cây cầu, hai bên là hai con đường nhỏ bị tách ra bởi các tòa nhà. Google map vẫn chỉ đi thẳng nhưng cái chấm nhỏ là tôi đang di chuyển và con đường định vị trên bản đồ đang xa rời nhau.
Tôi rẽ trái vào con đường nhỏ, đi một đoạn cái chấm lại lạc sang một nơi. Thế nào mà vẫn sai?
Tôi sang đường đi về phía tay phải. Ôi, còn sai hơn…
Loay hoay không biết còn con đường nào khác ngầm dưới đất ở chỗ này không. Tôi quay ngược lại vị trí bên kia cầu để xác định đường đi. Nó vẫn báo đi thẳng. Nhưng đi thẳng thế nào, xuyên qua tường mấy dãy nhà này sao?
Bất lực với đường xá, tôi đứng trên cầu nhìn dòng nước đang chảy xiết phía dưới. Mùa này cây cối thật u ám, chúng khoác lên mình màu tro bụi. Một vài người đang dắt chó đi dạo trên con đường đất phía dưới cầu. Không thể hỏi ai ở đây được vì họ không nói tiếng Anh và tôi không nói tiếng Tây Ban Nha. Hôm nay không tìm được đường, những ngày sau khó có thể đi học.
Tôi quyết định chọn một trong ba con đường phía trước theo sự mách bảo từ tiếng nói bên trong mình: “Quên Google map đi, hãy hướng về con đường lớn hai làn phía trước”. Rồi tôi cắm đầu đi một đoạn dài, sau đó mở lại điện thoại xem mình đang ở phương trời nào. Nó báo đúng đường. “Hãy tin vào trực giác của mình!”
Ai đó trong tôi đang nói đầy tự hào. Cuối cùng tôi cũng mò được đến trường sau vài pha lạc tương tự như thế. Đến một vùng đất mới bị lạc là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng nếu không cẩn thận nó sẽ trở thành một rắc rối lớn. Chuyên gia Google map và tinh tường đường xá như Thêu còn lạc một trận nhớ đời, huống chi tôi.
“Chị biết không, ngay ngày đầu tiên đi tàu điện ngầm em đã bị lạc, lúc đó điện thoại lại hết pin. Em hoảng quá chạy liều vào một quán ăn của người Trung Quốc nhưng em cũng có biết tiếng Trung đâu. Trong lúc đường cùng ấy, em dùng ngôn ngữ cơ thể, chật vật một hồi lâu cuối cùng họ hiểu em muốn gì. Thật là kỳ diệu! Họ lắp sim của em vào điện thoại của họ và gọi cho chủ nhà bảo đến chỗ đó đón em về. Rồi họ cũng dùng ngôn ngữ cơ thể hướng dẫn em cách đi tàu. Từ đó em không bao giờ lạc nữa.”
Nhưng chuyện lạc đường của tôi đã trở thành kinh điển với đám bạn du học sinh Việt Nam ở Tây Ban Nha vì tôi lạc đường như cơm bữa. Mỗi con đường mới dù dài hay ngắn mấy trăm mét mà chưa đi lần nào tôi vẫn lạc như thường. Hoặc chẳng may có hứng lên tìm một đường mới thay cho đường cũ, tôi sẽ loay hoay mất thêm vài giờ nữa để tìm được về đường cũ. Đến nỗi mỗi khi đi đâu, bạn bè chỉ dặn tôi duy nhất hai điều: “Bảo ai đó dẫn ra bến xe. Đến nơi đứng yên một chỗ sẽ có người ra đón.”
Tôi không biết đây là bất hạnh hay may mắn của mình?!
Đã đến vòng xoay, điểm giao giữa hai con đường lớn Camino de las Torres và Av. Cesário Alierta, tôi thường ngoái nhìn về phía tay trái mình. Thời điểm mặt trời lên từ phía đó. Con đường và những tòa nhà đã vô tình tạo thành một vị trí thuận lợi cho mặt trời dệt nên khung cảnh huy hoàng. Cả thành phố như bừng lên trong nắng sớm.
Khi tôi đến nơi, nắng đã chiếu ngập trường, một màu vàng rực rỡ như muốn khẳng định: Đi học là một vinh quang các bạn ạ! Tôi thích vì nó làm tôi ấm hơn. Tôi cố gắng đi nhanh qua đám sinh viên chuyện trò ngoài khuôn viên, nhưng chợt đứng khựng lại và quay ngoắt ra phía sau, hình như tôi vừa lướt qua điều gì đó rất lạ.
Một sinh viên tóc bạc, cao tầm 1m90, tuổi chừng 70, đeo một chiếc ba lô nhỏ xíu “màu thiếu nhi” trên lưng, đang nói chuyện với các bạn sinh viên 16, 17 tuổi rất hồn nhiên. Họ nói chủ yếu bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng “bi bô” chút tiếng Tây Ban Nha vừa học được. Mỗi lần phát âm tiếng Tây Ban Nha, mọi thao tác tay chân của ông trở nên gượng gạo, mặt ngây ngô như đứa trẻ.
Tôi nhìn lại mình từ đầu đến chân rồi lại nhìn người đàn ông đó. Người ta nói, 30 là tuổi đẹp nhất của người phụ nữ, đủ chín chắn, mặn mà và tự lập. Còn tôi lại bắt đầu bập bẹ đánh vần từng chữ cái, lại bắt đầu tập nói như trẻ con. Nhưng giờ tôi thấy mình vẫn còn trẻ chán! Suy nghĩ “già rồi còn đi học” đeo đẳng trong hành trình đã biến mất kể từ giây phút này. Nhìn nhóm bạn khập khiễng tuổi tác kia xem, họ đâu có sự phân biệt nào.
Bạn muốn tâm hồn mình ở tuổi bao nhiêu hãy đặt nó ở đó, đừng quan tâm đến tuổi của thời gian. Ở đây là trường học không tuổi và tất cả chúng tôi đến đây để thấy lại tuổi thơ mình lần nữa.
Tôi đang cầm tấm vé trở về tuổi thơ bước vào lớp học.
Gió tưng tửng cuốn lá chạy đuổi phía sau lưng.
Lớp học đa quốc gia
Tôi cảm thấy hài lòng với lớp học này vì bên cạnh những gương mặt hao hao giống mình còn có những khuôn mặt khác biệt. Tôi không mong mình sẽ vào lớp chỉ có người Việt. Tôi muốn có sự đa dạng và khác biệt hoàn toàn khi dốc toàn tâm, toàn của đến đây. Tôi chờ đợi những trải nghiệm thú vị trong một lớp học đa văn hóa và dân tộc.
Có bảy quốc gia trong lớp học này: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nepal, Nga, Canada, Úc. Số sinh viên Việt Nam vẫn áp đảo, các nước khác mỗi nước chỉ có một thành viên. Mỗi người chúng tôi đều mang những câu chuyện và những lý do hoàn toàn khác nhau để đến đây.
Geunmi: Cô bạn đến từ xứ kim chi
Nhìn cô ấy tôi nghĩ đến tính cách của những nữ diễn viên chính trong các bộ phim Hàn, ngoan ngoãn và hiền dịu nhưng cô bạn tôi không mong manh mà dáng người hơi đậm. Geunmi khá trầm tính và ít nói nhưng dễ gần. Có thể vì cô ấy không nói được tiếng Anh, trong lớp cũng không ai biết tiếng Hàn. Tôi là người nói chuyện với cô nhiều nhất… bằng tiếng Tây Ban Nha. Điều này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi vì cả hai mới học được vài ngày. Có lúc hai bên không hiểu nổi nhau dù đã vận dụng mọi cách từ chân, tay, miệng, hình ảnh, âm thanh, dấu hiệu, translate,… Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau bất lực, rồi ôm nhau để xí xóa đoạn thoại vô nghĩa vừa diễn ra. Lúc ấy tôi ước gì cả hai biết ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc.
Bạn đã từng xem hai đứa trẻ chưa biết nói đứng nói chuyện với nhau chưa? Nếu bạn nhìn cuộc nói chuyện của chúng tôi, nó cũng tương tự như thế. Dù sao tôi cũng biết Geunmi đang đi du lịch ở Tây Ban Nha và muốn học một ngôn ngữ mới trước khi trở về nước tiếp tục chương trình đại học. Còn những vấn đề khác tôi không chắc hiểu được những gì Geunmi nói và cô ấy cũng thế nhưng chúng tôi vẫn đối thoại với nhau vui vẻ trong 30 phút nghỉ trưa hoặc còn hơn thế nữa. Đó là điều bình thường trong trường học ngôn ngữ này, mọi thứ bất thường đều có thể xảy ra và mọi hành động đều được coi là dấu hiệu của ngôn ngữ. Nhưng chúng tôi không thể cứu vãn sự cô đơn của Geunmi, vài ngày sau cô chuyển sang lớp học với các bạn có chung tiếng nói.
Priyanka: Cô gái của gia đình
Tôi cũng thân với Priyanka đến từ Nepal, cô bạn thường chia sẻ đồ ăn trưa cho tôi, hôm thì bánh quy, hôm thì trái cây. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Priyanka kết hôn ở tuổi 23, chồng cô làm kinh doanh, phải di chuyển liên tục đến nhiều quốc gia và cô phải theo chồng. Hiện tại họ đang có dự án ở Tây Ban Nha, đó là lý do cô đến lớp học này. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy cô biến mất một tuần hoặc vài ngày, sau đó xuất hiện ở lớp với hai trạng thái, một là rất vui vẻ và hào hứng, hai là rất mệt mỏi. Priyanaka chia sẻ với tôi có lần cô đi liền ba ngày qua ba nước từ Tây Ban Nha sang Anh và Pháp, rồi trở về Tây Ban Nha và hầu như không có thời gian nghỉ ngơi vì luôn bị cuốn theo bước chân của chồng. Nhiều lúc tôi ước có được cuộc sống như cô ấy, bị cuốn theo ai đó và cứ đi mãi như thế. Priyanka chỉ học với chúng tôi ba tháng rồi cũng lại biến mất bất thình lình và không lý do như những lần trước. Có lẽ cô ấy sẽ học được rất nhiều ngôn ngữ từ những chuyến đi như thế.
Edwina: Sức sống từ đất nước kangaroo
Edwina, cô gái Úc đang căng đầy sức sống của tuổi bẻ gãy sừng trâu đến đây theo chương trình Au Pair – chương trình trao đổi ngôn ngữ, văn hóa dành cho sinh viên nước ngoài. Bạn có thể đến sống như một thành viên trong gia đình người bản xứ, giúp họ chăm sóc trẻ, dạy ngoại ngữ cho chúng và làm việc nhà. Đổi lại bạn sẽ được hỗ trợ ăn ở và tiền học. Mỗi năm hàng nghìn sinh viên, học sinh quốc tế tham gia chương trình giao lưu văn hóa quốc tế Au Pair này.
Tôi không chắc ở tuổi đó mình có thể làm được công việc của Edwina hay không, đi học và trở thành bảo mẫu của những đứa trẻ còn rất nhỏ, phải chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ đến việc vệ sinh cá nhân của chúng. Có lẽ sau này cô ấy sẽ trở thành một bà mẹ tốt từ kinh nghiệm lúc còn trẻ này. Nhưng đến lớp Edwina vẫn là cô gái hồn nhiên và năng động, không có gì làm cô ấy thay đổi, ngoại trừ thỉnh thoảng phải rời khỏi lớp sớm hay đến muộn hơn một chút so với mọi người.
Fatima: Cô nàng Hồi giáo hiện đại
Tôi vô cùng ấn tượng với phong cách ăn mặc của Fatima. Làn da ngăm ngăm, đôi môi dày, luôn quấn trên đầu một chiếc khăn lớn, trùm kín tóc và ăn mặc rất kín đáo. Thỉnh thoảng cô ấy mặc những chiếc váy dài chấm gót giống tôi, nhưng màu tối và phần trên được kết hợp với chiếc áo kín cổng cao tường, có khi là quần âu với áo sơ mi hoặc áo len,... Tôi nghĩ Fatima đến từ một vùng đất mà ở đó những truyền thống từ xa xưa vẫn được lưu giữ vẹn nguyên nhưng cô ấy đến từ Canada. Fatima chỉ đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình ở Tây Ban Nha và cô ấy là một phụ nữ theo đạo Hồi.
Trong Kinh Qu’ran, Thượng đế nói với các tín đồ của mình rằng phải ăn mặc thật giản dị. Với người phụ nữ, chiếc khăn Hijab trên đầu không chỉ là biểu tượng và niềm tin tôn giáo sâu sắc mà nó còn là phẩm giá, tiết hạnh của họ. Vì thế một người phụ nữ đạo Hồi sẽ mang theo chiếc khăn này suốt cuộc đời họ. Chúng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy mái tóc của Fatima ngắn hay dài, mỏng hay dày, thẳng hay xoăn nhưng chắc màu đen, tôi đoán vậy. Ngoại trừ trang phục, cô ấy hoàn toàn là một người phụ nữ Canada hiện đại và thông minh.
Yuliya: Nàng công chúa xứ bạch dương
Mỗi khi Yuliya bước vào lớp học, tôi lại thấy như mình đang ở một sàn diễn thời trang hay ở một cung điện nguy nga nào đó của nước Nga và cô ấy là công chúa. Dáng người cao, mảnh mai với mái tóc đen dài và ăn mặc rất thời trang, Yuliya luôn khiến tôi liên tưởng như thế khi nhìn cô.
Vào một ngày đẹp trời nào đó, khi đang lang thang không mục đích trên những con đường ở Zaragoza với Dương, cô bạn Việt Nam học cùng lớp, tôi tình cờ biết được lý do về sự có mặt của Yuliya trong lớp học này:
– Trên đời này có những tình yêu không biên giới hay thật đấy!
– Em đang nói đến ai đấy? Ồ, em đang yêu ai như thế à? Khai mau…
– Chị nhìn em có giống đang yêu không?
Tôi lắc đầu.
– Em đang nói đến Yuliya. Cô ấy yêu một anh chàng ở Zaragoza. Họ đã yêu nhau một thời gian rồi, em thật sự ngưỡng mộ tình yêu nàyyy...
– Ra là cô ấy đến đây theo tiếng gọi của trái tim! Liệu chúng ta có gặp được một tình yêu như thế không nhỉ? Ở đây? Hay một đất nước xa lạ nào đó trên hành trình lang thang? Hai đôi mắt nhìn vào sâu thẳm và trái tim thổn thức chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ không lời! Như ai đó đã từng nói “Những thứ cao quý và giá trị nhất trên đời không nhìn thấy được và không chạm vào được. Chúng chỉ được cảm nhận bằng con tim”.
Tôi khoác vai Dương, trời nắng nhưng gió mạnh như muốn thổi bay hai cái dáng còi còi, nhỏ thó đang mơ mộng trong cơn gió ngược chiều. Sau này Yuliya có chia sẻ thêm câu chuyện của cô ấy với tôi:
“Chúng tôi quen nhau khi anh ấy đến Nga vì công việc kinh doanh. Tôi giúp anh một số giấy tờ theo lời yêu cầu của bạn mình. Sau đó chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên. Một lần tôi bay đến đảo Madeira ở Bồ Đào Nha thăm bạn và anh cũng bay đến đó. Câu chuyện tình của chúng tôi bắt đầu như thế. Để tiến xa hơn chúng tôi quyết định sống chung. Tôi cần phải có ngôn ngữ để giao tiếp và kiếm một công việc ở đây. Đó là lý do tôi vào lớp học này.”
Ngoài tôi ra, các bạn sinh viên Việt Nam trong lớp đều muốn sau khóa học này có thể đủ điều kiện để học cao hơn, vào trường nghề, học cao đẳng, đại học hoặc thạc sĩ. Trình độ về ngôn ngữ sẽ là chìa khóa cho các bạn có những lựa chọn tiếp theo. Du học Tây Ban Nha là một cánh cửa mới và dễ thở hơn rất nhiều so với các nước châu Âu còn lại. Sinh viên hoàn toàn có thể bắt đầu từ con số 0 trong hành trình ngôn ngữ.
Có lẽ mỗi người đến đây đều mang theo một lý do thầm kín nào đó của riêng mình. Ngôn ngữ dường như là phương tiện tuyệt vời để họ thực hiện điều đó. Dù là gì đi nữa, tôi cũng thầm cảm ơn các bạn đã hiện diện sinh động trong lớp học, cho tôi – một kẻ tò mò, được biết thêm nhiều điều mới. Với tôi, mỗi người trong số họ là hiện thân cho một nền văn hóa, cho vẻ đẹp của một vùng đất nào đó trên hành tinh này. Tôi đã nhìn thấy bảy nền văn hóa, bảy quốc gia khác ở đây (bao gồm cả Tây Ban Nha).
Dù ai đến đây với lý do gì, lớp học vẫn chỉ theo một giáo trình nhất định của cô Marta với bảng chữ cái, nguyên tắc phát âm, các con số và dần chuyển sang những câu chào hỏi, giới thiệu đơn giản về bản thân. Điều này hoàn toàn bình thường nhưng với tôi thật không tự nhiên khi nhắc về tuổi tác.
Tôi kinh hoàng nhớ đến những tình huống liên quan đến tuổi của mình khi ở Việt Nam.
“30 tuổi rồi đấy con ạ. Còn đợi đến bao giờ?”
“Thế không lấy chồng đi à? Kén chọn mãi.”
“Ngoài 30 là sinh con khó lắm đấy…”
“Giờ tìm người bằng tuổi lấy cũng khó nói gì hơn…”
Thậm chí nó đã trở thành những cơn ác mộng. Tôi mơ có lần trở về nhà và thấy gia đình đang làm lễ ăn hỏi cho mình. Có khi tôi ngồi trên cầu thang với cái váy cưới và khóc nức nở. Trong những giấc mơ đó tôi đều không biết mặt, biết tên chú rể, mọi kế hoạch đã được an bài. Tôi tỉnh dậy với nỗi bàng hoàng, người đẫm mồ hôi.
Ai đó đang đặt câu hỏi cho tôi.
– ¿Cómo se llama? – Bạn tên gì?
– Me llamo Uyên. – Mình tên Uyên.
– ¿Cuántos años tienes? – Bạn bao nhiêu tuổi?
– Tengo… 30 años… – Mình… 30 rồi…
Tôi không mấy vui vẻ khi phải trả lời câu hỏi này. Các bạn ấy còn rất trẻ, tuổi từ 16 đến 28. Có cậu bạn Việt Nam cùng tuổi, cán mốc 30 như tôi đã lập gia đình.
– ¿Cómo se llama?
Tôi đặt lại câu hỏi, nhìn lên người bạn học đối diện với mình.
– Me llamo Randy.
Một câu trả lời chân thành và hào hứng. Tôi chưa nói chuyện với Randy từ lúc bước vào lớp học này. Randy phải đeo máy trợ thính. Tóc đã điểm bạc, tay không đeo nhẫn cưới, hẳn là người duy nhất nhiều tuổi hơn tôi.
– ¿De dónde eres? – Bạn đến từ đâu?
– Soy de China. – Tôi đến từ Trung Quốc.
– ¿Cuántos años tienes? – Bạn bao nhiêu tuổi?
– Tengo 46 años. – Tôi 46 tuổi.
Tôi cần nói chậm và to hơn so với mức thông thường để Randy có thể nghe rõ. Điều gì khiến người đàn ông 46 tuổi, thính lực kém đến đây học một ngôn ngữ mới? Randy là người tôi cảm thấy tò mò nhất, một trong những học trò chăm chỉ, đến đúng giờ và đều đặn, luôn ăn mặc chỉn chu mỗi lần đến lớp.
Chuyện của Randy
Randy trong một buổi học ngoại khóa của trường. Chúng tôi đi thăm các công trình lịch sử quanh thành phố Zaragoza.
Trong lớp tôi luôn quan sát cách Randy học. Đó là một trong những sở thích của tôi, quan sát hành động của người khác, nhất là những người tôi bị thu hút bởi một điều gì đó đặc biệt. Randy học rất tốt, nắm bắt từ và hiểu nghĩa rất nhanh. Trước đó anh đã thành thạo tiếng Anh. Khó khăn lớn nhất của Randy là phát âm vì đôi lúc anh không thể nghe rõ.
Tôi nhận thấy Randy hay nhầm lẫn khi phát âm những từ có chữ cái đầu là D và R, hai chữ này được đọc như Đ và R trong tiếng Việt. Dường như anh đoán bằng khẩu hình miệng nhiều hơn. Chúng tôi đã từng lặng người khi nhìn cô Marta kiên trì sửa lỗi phát âm cho Randy. Cô đọc chậm dần, đến độ không thể chậm hơn được nữa… và to hết mức có thể của mình. Randy cũng giảm dần tốc độ đọc và tăng âm lượng theo cô. Một lần, hai lần, thậm chí cả chục lần. Họ nhìn vào mắt nhau, vào khẩu hình miệng của nhau để cố tìm được điểm chung từ âm thanh phát ra. Tất cả chúng tôi chờ đợi. Tôi như đang được nhìn một thước phim quay chậm trong kỹ xảo điện ảnh. Có lần họ thành công, có lần thất bại nhưng cô Marta không để lộ điều này cho Randy. Tôi nghĩ anh cũng đoán được nhưng rất khéo giấu đi cảm xúc của mình. Trở ngại này không làm anh ngừng háo hức chuyện học hành. Lần sau khi chúng tôi quay trở lại với từ đó, tôi phát hiện Randy đã phát âm đúng.
Mỗi lần đến lớp tôi lại thấy Randy như trẻ thêm một tuổi, với chiếc ba lô trên vai lon ton bước vào cửa cúi chào mọi người, đôi mắt long lanh trên khuôn mặt ngây thơ mỗi lần nói chuyện, đôi tay luống cuống đưa đi đưa lại theo nhịp đọc còn vấp váp mỗi lần phát biểu. Tôi thấy một thân thể đang già đi vì tuổi tác và một tâm hồn đang trẻ ngược về tuổi thơ. Tất cả những biểu hiện trên con người anh thể hiện một khát khao muốn chinh phục ngôn ngữ này và có lẽ chinh phục cả chính bản thân mình.
Randy hòa nhập rất tốt với tất cả thành viên trong lớp hoặc anh đang cố gắng làm thế. Tôi không chắc chắn về điều này. Thỉnh thoảng tôi thấy anh hút thuốc một mình ở góc nào đó ngoài hành lang lớp học – kiêu hãnh và cô độc. Bí ẩn như mấy gã hút thuốc giữa đêm khuya lạnh lẽo ở đường phố châu Âu trong các tiểu thuyết trinh thám.
Ẩn sau vẻ ngoài nhí nhảnh, hài hước là một phong thái điềm tĩnh, tự tin và cái nhìn sắc bén. Một người đàn ông từng trải và dày dặn kinh nghiệm ở cả hai thái cực thành công – thất bại, hạnh phúc – khổ đau, đầm ấm – cô đơn.
“Chuyện gì đã xảy ra với Randy? Tại sao anh đến đây?”
Mỗi lần nhìn anh trên lớp học tôi đều muốn hỏi như thế.
– Này, chị rất tò mò về Randy.
Tôi chia sẻ với Hương.
– Ôi, anh Randy tội lắm chị.
– Em biết vì sao Randy bị vậy không?
– Dạ, anh có kể cho em nghe. Hồi trước Randy cũng có gia đình rồi chị, anh còn làm cho một công ty nước ngoài, lương rất cao, thường xuyên đi công tác. Anh hay bị ù tai khi đi máy bay. Trong một chuyến đi nọ, tai anh bị ù lâu hơn nhưng anh không để ý, rồi cứ thế không nghe được gì luôn đó chị. Đi khám bác sĩ nói, tai Randy không thể chữa lành được nữa. Sau tai nạn đó, công ty cho anh nghỉ việc sớm với một khoản tiền bồi thường. Rồi cuộc sống gia đình cũng không hạnh phúc nữa, vợ chồng anh ly hôn và anh sống một mình cho đến giờ.
Tiền tài và danh vọng, gia đình và hạnh phúc biến mất chỉ như một cái chớp mắt. Giờ tôi hiểu tại sao Randy lại luôn thu mình một góc như thế. Nhưng tôi không biết tại sao anh chọn nơi này. Tôi đánh liều soạn một bức thư gửi cho Randy. Có thể anh sẽ đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, có thể không nhưng tôi phải thử. Một tuần sau đó, tôi nhận được thư trả lời của anh.
“Tôi đã từng đến Tây Ban Nha vào năm 2015 để tham dự một cuộc thi marathon. Đó là vùng Gran Canaria, một hòn đảo xinh đẹp thuộc quần đảo Canaria nằm ở ngoài khơi phía tây châu Phi. Gran Canaria được mệnh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất châu Âu, được tạo nên bởi những ngọn núi lửa hàng triệu năm trước. Tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tự nhiên, khí hậu mát lành và ẩm thực tuyệt vời của đất nước này từ đó.
Sau khi trở về Trung Quốc, tôi bắt đầu lên kế hoạch tìm hiểu và nghiên cứu về Tây Ban Nha. Trong đầu tôi nảy sinh ý tưởng muốn chuyển đến vùng đất này sinh sống. Để hiện thực hóa nó, tôi quyết định bắt đầu bằng một khóa học ngôn ngữ, từ đó có thể hiểu nhiều hơn về nơi mình sẽ đến trước khi đưa ra quyết định nghiêm túc. Đăng ký học tại trường Zaragoza dường như là một lựa chọn lý tưởng về học phí, chi phí ăn ở và môi trường sống. Tôi cảm thấy hài lòng với mọi thứ ở Zaragoza.
Về gia đình tôi à? Họ luôn ủng hộ bất cứ điều gì tôi muốn làm, muốn thử. Nhưng về cơ bản họ không biết ý định ở ẩn của tôi. Tôi bị mê hoặc bởi ý tưởng khám phá khả năng học một ngôn ngữ mới hoàn toàn với thính giác được cấy ghép của mình. Tôi muốn kiểm tra tính năng của thiết bị trợ thính nhân tạo mình đang mang, Cochlear Implant. Đây là một thiết bị điện tử được đưa vào bên trong ốc tai, nhờ đó các tín hiệu âm thanh có thể vượt qua các phần bị tổn thương của tai trong và truyền thẳng tới dây thần kinh thính giác.
Tôi không lo lắng nhiều về chuyến đi đến Tây Ban Nha lần này. Tôi đã đi rất nhiều trong tám năm qua, có một số kinh nghiệm nhất định cho những hành trình xuyên quốc gia và trải nghiệm nhiều nền văn hoá. Mối quan tâm duy nhất là liệu tôi có thể hòa nhập tốt với sinh viên đến từ các quốc gia khác hay không. Tôi đã là một con sói đơn độc trong nhiều năm. Tôi có chút lo lắng về các mối quan hệ mới và có thể cả xung đột văn hóa. Nhưng tôi luôn tin mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng tốt đẹp.
Và đúng như thế, tôi nhận ra mình đang có một khoảng thời gian tuyệt vời với các bạn. Tôi thích thú quan sát các bạn nói chuyện bằng tiếng Việt trong lớp học. Cảm thấy chúng ta hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn qua từng ngày. Tôi nhắn tin chia sẻ với mọi người rất nhiều trên WhatsApp, nhất là trong Estudiantes inteligentes – Những sinh viên thông minh – của chúng ta. Tôi nghĩ mình là một trong những thành viên tích cực nhất đấy.
Tôi yêu quý tất cả các bạn. Tôi thực sự thích thú tham gia vào lớp học vì ở đó tôi có thể giao tiếp với mọi người. Học và chia sẻ văn hóa luôn là niềm yêu thích của tôi. Ngay cả sau khi tai nạn xảy ra và thính giác của tôi không còn bình thường, khát khao được khám phá và sẻ chia càng mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Học một ngôn ngữ là một thử thách lớn cho tôi. Bất kỳ âm thanh mới mà không có ký ức sẽ rất khó để tôi bắt chước và lặp lại hoàn hảo. Nhưng tôi nghĩ rằng không có gì khác biệt khi tôi học một ngôn ngữ mới tại thời điểm này và 20 năm trước. Tôi có thể cảm thấy bản thân vẫn hoạt động theo cách vĩnh cửu của riêng mình. Thời gian học đã cho tôi cơ hội được viết và đọc nhiều hơn. Tôi tin chắc rằng, không bao giờ là quá già hoặc quá muộn để học hỏi những điều mới quanh mình.
Thách thức lớn nhất của tôi, là gì nhỉ? À, tôi đã muốn có bạn gái nhưng không thể làm cho nó xảy ra. Chuyện này không dễ nhưng chúng ta không nên mất hy vọng phải không?
Tôi cũng gặp phải khó khăn khi giao tiếp với mọi người trong các cửa hàng, ngân hàng và điểm bán điện thoại. Tôi đã nhỡ chuyến xe buýt từ Zaragoza đến Bilbao, họ thay đổi nhà ga mà không thông báo trên bảng điện tử và tôi không nghe được. Những điều này không quá tệ, tôi nhận ra mình đang kém cái gì và tìm cách điều chỉnh. Khó khăn và thử thách sẽ làm chúng ta hoàn thiện mình hơn.

Tôi vẫn dành toàn bộ thời gian ngoài giờ học để trải nghiệm cuộc sống ở đây. Tôi uống bia trên đường phố. Thưởng thức những món ăn tự nấu tại nhà. Hầu như tất cả các ngày cuối tuần, tôi đều đi du lịch đến những thành phố ở Tây Ban Nha. Tôi yêu thích cuộc sống lang thang của mình. Tôi đã thực hiện thành công chuyến đi bộ trên con đường Camino de Santiago de Compostela trong mười ngày với 500 ki lô mét. Tôi yêu mọi thứ trên đường mình đi. Những cảm xúc thăng trầm trên hành trình ấy. Tôi đã trải qua nắng, mưa, gió, tuyết, đau đớn và cả niềm vui chỉ trong một ngày.
Những bữa tiệc, những cô gái xinh đẹp, rượu, chú chó đáng yêu, người hút thuốc thân thiện, những con đường xe đạp, bãi biển, mặt trời, những ngôi nhà ở làng quê,… Chúng giống như những mảnh ghép trong một giấc mơ.
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất ư? Tôi không thể nghĩ ra điều tốt nhất. Tôi nâng niu tất cả.”
Tôi nhớ đến những người bạn của mình ở Việt Nam. Tôi nhớ đến những lý do họ nói khi không thể làm được điều này điều kia. Cả chính tôi đôi khi cũng đã từng đặt lý do cho mình để khước từ, chối bỏ một thử thách. Randy cho tôi một bài học về tình yêu cuộc sống, khát khao khám phá mọi thứ bên ngoài và những khả năng tiềm ẩn từ bên trong chính con người mình. Trải nghiệm những điều mới là một con đường bất tận, cho đến khi nào bạn không thể bước đi.
Một giáo viên ngôn ngữ
Mái tóc màu hung đỏ, xoăn ngắn đến ngang vai. Một đôi mắt to như biết nói. Một nụ cười rộng mở thân thiện. Một giọng nói khỏe khoắn, rõ ràng. Một cơ thể đẹp, dáng thể thao. Cô di chuyển trên bục giảng đôi khi trông giống như một vũ công đang trình diễn.
Cô Marta là một phụ nữ Tây Ban Nha xinh đẹp trong mắt chúng tôi. Nhưng đây không phải là lý do khiến chúng tôi phải lòng ngôn ngữ cô đang dạy.
Cô Marta cầm chậu hoa nhỏ là món quà Randy thay mặt lớp tặng cô vào ngày kết thúc khóa học.
Ngay từ đầu tôi đã không đặt mục tiêu gì cho khóa học ngôn ngữ này. Tôi thoải mái nhất với nó và tưng tửng với việc học của mình giống như bao chuyến đi khám phá những vùng đất mới, khác chăng đây là chuyến du lịch qua miền ngôn ngữ.
Tôi cũng tò mò muốn trải nghiệm việc học ngôn ngữ ở chính nơi nó sinh ra và do một giáo viên bản ngữ dạy sẽ khác biệt như thế nào. Một nơi mà tiếng nói của tôi không còn là một lợi thế và giữa chúng tôi không có một ngôn ngữ trung gian nào, may chăng là tiếng Anh nhưng không phải trong lớp ai cũng có thể nói được ngôn ngữ thứ ba này.
Tôi biết làm giáo viên là một nghề không dễ dàng, giống như ông bố bà mẹ của mấy chục đứa con có những tính cách hoàn toàn khác nhau. Ở lớp học ngôn ngữ này, thách thức còn lớn hơn vì sinh viên đến từ bảy quốc gia, bốn châu lục, mang những nền tảng văn hóa khác biệt và ít nhất có sáu thứ ngôn ngữ hiện diện ở đây. Trình độ không đồng đều, tuổi tác không đồng nhất trải dài từ 17 đến 46, nghề nghiệp đa dạng: sinh viên, ngân hàng, kinh doanh, chính trị, giải trí, báo chí, IT,… Cô Marta sẽ làm thế nào kết nối chúng tôi, những cá thể không có điểm chung, bằng ngôn ngữ cô đang dạy? Đây rõ ràng sẽ là một thử thách cho cô và là một sự tò mò lớn với tôi.
Trong đầu tôi nghĩ, cô cũng chỉ có một giáo trình chung giảng cho tất cả sinh viên, ai hiểu được thì tốt, nếu không hiểu là do lỗi của họ. Vì thế, tôi không có ấn tượng gì trong thời gian đầu. Tôi không thấy mình có tình yêu thiết tha với ngôn ngữ này và cả vùng đất Zaragoza. Tôi không tìm thấy một người bạn nước ngoài thực sự ở đây, ngay cả những người bạn cùng nhà. Người Tây Ban Nha tôi gặp và tiếp xúc nhiều nhất là cô giáo của mình. Một ngày 5 giờ, một tuần 30 giờ, khá nhiều và có thể dẫn đến sự nhàm chán. Tôi luôn phải đấu tranh giữa đi học và ngủ nướng, rẽ hướng bên phải đi học hay rẽ trái đi chơi là vì thế.
Rồi mỗi ngày đến lớp, tôi lại nhận ra một đức tính tuyệt vời của cô giáo mình.
Những ngày trời mưa lạnh, chúng tôi thường đến lớp muộn, có khi 15 đến 20 phút vẫn chưa một ai đến ngoại trừ cô nhưng cô không tức giận hay tỏ thái độ trách mắng. Kiên trì ngồi đợi, đến khi thấy sinh viên bước vào lớp cô vui vẻ mỉm cười và bắt đầu buổi học.
Hôm lớp chỉ có bốn người trong tiết đầu, cô vẫn nhiệt tình dạy. Đến tiết hai, mọi người đến lớp đông hơn và thao thao nói chuyện với nhau, tôi thấy mặt cô sáng bừng lên khi bước vào.
Có những thành viên chuyên đến học vào tiết hai vì giấc ngủ quá đà, tôi cũng không thấy cô có sự phân biệt, yêu quý người chăm và ghét bỏ người lười. Vẫn một thái độ nhiệt tình, một khuôn mặt vui vẻ, một giọng nói sôi nổi và một ánh mắt yêu thương trìu mến dành cho tất cả.
Chúng tôi không mấy khi chủ động làm bài tập về nhà trước mà thường đến lớp mới nhớ ra. Cô kiên nhẫn lùi lại giờ giảng bài mới, chờ chúng tôi làm và chữa lại. Tôi cũng không thấy có biểu hiện bất thường nào từ khuôn mặt cô. Tuy nhiên, có một lần việc làm bài tập về nhà đã bị đẩy lên đỉnh điểm và lần đầu tiên chúng tôi thấy cô nổi giận. Khác ở chỗ cảm xúc ấy được cô nén lại đến tận cuối giờ học và vo tròn trong một câu ngắn ngủi trên khuôn mặt sắp khóc.
“I am angry. – Tôi giận đấy.”
Nói xong cô bước nhanh ra khỏi lớp học. Cả lớp tôi được phen ngơ ngác. Có lẽ cô bị dồn nén lâu rồi. Một kế hoạch xin lỗi được bàn thảo ngay lập tức. Cuối cùng Dương chốt lại: “Ngày mai cả lớp đi học sớm 5 phút, trước giờ cô đến. Randy sẽ đi mua một bó hoa và đại diện cho lớp lên tặng cô rồi nói lời xin lỗi. Nhưng mà phải làm một cách kín đáo và bất ngờ. OK?”
Sáng hôm sau, cô Marta bước vào lớp, sững người trước sự đúng giờ bất thường của tất cả chúng tôi. Randy rón rén giấu bó hoa sau lưng. Sau khi nhận được dấu hiệu của mọi người, anh nhẹ nhàng đưa bó hoa ra đằng trước, cố gắng không gây tiếng động, rồi bẽn lẽn đi lên tặng cô và thay mặt lớp xin lỗi. Phía dưới là hơn chục đôi mắt nhìn lên đầy hối lỗi và mong chờ được tha thứ. Marta xúc động rơi nước mắt và đến ôm từng người trong lớp. Kế hoạch thành công, chúng tôi nhận ra một điều: Làm lành với cô thật dễ! Có thể áp dụng kế hoạch này cho những lần sau.
Nhưng ngày hôm đó, không ai làm bài tập về nhà và cô Marta cũng không nhắc đến. Những lần sau chúng tôi vẫn chứng nào tật đó, có lẽ cơn giận chưa tích đủ nên không phát khởi lên hoặc nó không còn là vấn đề của cô. Chúng tôi không thấy cô nổi giận thêm lần nào nữa. Nhưng nếu ai muốn gia hạn để tiếp tục ở lại Tây Ban Nha và muốn có điểm số tốt thì đừng nghỉ quá 20% giờ học.
Chúng tôi dần dần yêu ngôn ngữ ấy khi bắt đầu nói được những câu hoàn chỉnh, thể hiện những đoạn thoại ngắn với nhiều hoạt động và trò chơi thú vị do cô Marta thiết kế. Tiếng Tây Ban Nha trở thành cầu nối để chúng tôi chia sẻ ngôn ngữ và văn hóa của nhau.
Cô bắt đầu một từ hoặc một câu trong tiếng Tây Ban Nha, sau đó chúng tôi chuyển thể sang tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Việt,… Thật thú vị khi được nói và viết một lúc năm ngôn ngữ khác nhau.
Những bài tập liên quan đến thời tiết, cảnh đẹp, lễ hội, giao thông, phong tục tập quán,… ở Tây Ban Nha, ở chính nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên. Trên con tàu ngôn ngữ này chúng tôi trở thành những hướng dẫn viên du lịch xuyên quốc gia, chia sẻ và khám phá vẻ đẹp của nhau.
Mỗi lần chúng tôi quên từ, quên câu, quên cấu trúc, cô sẵn sàng dành cả tiết đó để nhắc lại, giảng lại. Ai đó trong lớp muốn diễn đạt hay gọi tên một từ nhưng không thể nhớ được, cô sẵn sàng kéo ghế ngồi đối diện, mắt nhìn thẳng vào họ chờ đợi, khích lệ, động viên, hay cố làm một động tác cơ thể nào đó để gợi nhớ, đọc chữ đó nhưng không thành tiếng để họ có thể đoán từ qua khẩu hình miệng,… Mọi cách cho đến khi họ nhớ ra và cô thốt lên một câu vui mừng khôn xiết.
“Perfecto! – Hoàn hảo!”
Cô cũng kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn mỗi ngày qua những bài học chia sẻ về người thân trong gia đình, những kỷ niệm đáng nhớ, ước mơ trong quá khứ và tương lai,… Những bức tranh tự vẽ pha trộn nhiều phong cách, nhiều nền văn hóa. Những buổi diễn kịch cô trò ôm nhau, ôm bàn, ôm ghế cười đến chảy nước mắt. Mỗi giờ học như thế chúng tôi tiếp nhận được rất nhiều kiến thức khác nhau vòng quanh thế giới từ chính những người bạn của mình. Tôi thích gọi đây là khóa học trao đổi ngôn ngữ và văn hóa.
Chúng tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi bước vào lớp học. Không có áp lực học hành, thi cử; không có khoảng cách cô – trò. Đôi lúc, chúng tôi nản lòng cô lại động viên.
“Các bạn thấy đấy, hãy nhìn cả hành trình của chúng ta. Chúng ta gặp nhau từ con số 0 và giờ nhìn xem chúng ta đã có thể trò chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha rất tự tin. Các bạn có thể hỏi đường, tìm đường khi đi du lịch; tự mua hàng trong siêu thị, shop thời trang; gọi món ăn trong nhà hàng,… Các bạn đã học rất tốt. Tôi tự hào về các bạn!”
Những điều này bắt đầu làm thay đổi suy nghĩ trong tôi. Marta làm tôi cảm thấy mình cần học nghiêm túc hơn bởi tình yêu của cô dành cho tiếng Tây Ban Nha và sinh viên. Tình yêu ấy đã lan truyền và ngấm vào chúng tôi từng ngày. Tôi chưa từng gặp giáo viên ngôn ngữ nào kiên nhẫn, kiên trì và kiên tâm như thế.
Cả dòng họ đã từng hy vọng tôi sẽ trở thành giáo viên nhưng rồi tôi thành phóng viên. Chỉ cần nghĩ đến cảnh ngày ngày, tháng tháng, năm năm đi mãi một con đường, ở mãi một nơi, giảng mãi những bài học như nhau, tôi đã cảm thấy nghẹt thở. Điều quan trọng nữa, tôi không tin mình có thể chịu đựng được tính khí của đám học trò. Chính vì thế, tôi luôn khâm phục và ngưỡng mộ những người làm nghề cao quý này.
Tôi nên làm một bài phỏng vấn với cô chăng?
Được rồi, dù sao tôi cũng rất tò mò và hiếu kỳ.
Thưa cô Marta, trước khi là một giáo viên ngôn ngữ cô từng làm những công việc gì?
Khi kết thúc chương trình cử nhân ngôn ngữ học, tôi đã muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha cho người nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi những kỹ năng và kinh nghiệm đặc thù hơn một giáo viên ngôn ngữ bình thường. Vì thế tôi đã chọn hướng đi khác, trở thành một giáo viên dạy văn trong trường trung học cho học sinh Tây Ban Nha. Có lẽ bạn không tin nhưng tôi cũng từng là một nhân viên phục vụ nhà hàng.
Tôi không cảm thấy tiếc quãng thời gian trên vì qua hai công việc này tôi đã học được rất nhiều điều, trau dồi và phát triển thêm nhiều kỹ năng như tổ chức, lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia, nhẫn nại,… Những kỹ năng này đã giúp tôi đạt được hiệu quả tích cực trong vai trò của một giáo viên ngôn ngữ – công việc mà tôi yêu thích nhất.
Tại sao cô lại quyết định trở thành một giáo viên ngôn ngữ?
Thực lòng tôi luôn muốn trở thành giáo viên vì tôi yêu thích công việc giảng dạy. Tuy nhiên tôi quyết định trở thành giáo viên ngôn ngữ vì tôi thích gặp gỡ, làm quen với những người đến từ các dân tộc khác nhau. Tôi muốn dạy, muốn chia sẻ cho họ ngôn ngữ và văn hóa của chúng tôi.
Tôi nghĩ rằng thế giới là một nơi rộng lớn và giàu có vô cùng. Luôn có những con người tuyệt vời hiện diện ở khắp nơi. Việc trở thành giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha cho phép tôi có được cơ hội quen biết họ. Họ mang những nền văn hóa khác nhau đến đây để tôi có thể học hỏi. Và tôi cũng rất vinh hạnh chia sẻ với họ văn hóa của dân tộc tôi, làm chiếc cầu nối những nền văn hóa với nhau, để tất cả chúng ta nhận được sự hiểu biết sâu rộng, kết nối mạnh mẽ và thân thiết hơn qua ngôn ngữ.
Mỗi lần bước vào lớp học tôi có cảm giác như mình đang thực hiện chuyến du hành đến những vùng đất mới, nơi mà các bạn sinh ra và lớn lên. Nhìn ngắm những khuôn mặt khác tôi và lắng nghe các bạn trò chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi cảm thấy tò mò và phấn khích vô cùng. Mỗi ngày tiếng Tây Ban Nha của các bạn tiến bộ hơn là cơ hội cho tôi được nghe các bạn chia sẻ về đất nước các bạn cũng gần hơn.
Điều cô cảm thấy khó nhất đối với một giáo viên ngôn ngữ là gì?
Tôi nghĩ điều khó nhất của công việc này và cũng là điều tuyệt vời nhất là cố gắng hiểu sinh viên của mình – những người có nguồn gốc văn hóa rất khác biệt với tôi.
Đây thực sự là một thử thách. Hầu hết mọi người đều có xu hướng chỉ hiểu được những người trong cùng một dân tộc, một nền văn hóa, vì vậy khi đối diện với người đến từ nền văn hóa khác có thể sẽ phạm phải những sai lầm và tạo ra cho họ cái gọi là “sốc văn hóa”.
Tuy nhiên, khi cố gắng đặt bản thân mình vào vị trí của họ để hiểu họ, tôi đã nhận được rất nhiều món quà quý giá từ cuộc sống. Tâm hồn tôi được rộng mở. Tôi khám phá ra những cách khác nhau để “đọc” cả thế giới đẹp đẽ này.
Phương pháp dạy của cô rất thú vị và đặc biệt, cô biết không?
Tất nhiên rồi! Tôi xây dựng quy trình học trên cơ sở tập trung vào khái niệm – chức năng (el enfoque nocio - funcional) kết hợp với giao tiếp. Trong mô hình này, mỗi “khái niệm” là một ngữ cảnh cụ thể, trong đó mọi người thực hành giao tiếp. Mỗi “chức năng” là một mục đích cụ thể của người nói trong bối cảnh đó. Chẳng hạn, khái niệm “mua sắm” đòi hỏi nhiều chức năng “ngôn ngữ”, như hỏi về giá cả hoặc các tính năng của một sản phẩm và thương lượng. Phương pháp này giúp sinh viên phát triển khả năng giao tiếp hiệu quả trong nhiều bối cảnh thực tế khác nhau.
Nhưng nó phải dựa trên nền tảng tôn trọng sâu sắc tính cách cá nhân của từng sinh viên. Tôi nghĩ rằng một giáo viên tốt cần phải hiểu sinh viên của mình cần gì ở từng cấp độ cảm xúc khác nhau (khoảng cách, sự chú ý, tâm trạng, tình cảm,…) và đem đến cho họ những điều đó. Nói cách khác là tạo môi trường lớp học trở thành điểm gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thú vị của mọi người, đó cũng là nơi để họ hiểu và tìm ra chính bản thân mình.
Cô làm thế nào để truyền cảm hứng học và tình yêu với một ngôn ngữ mới cho các bạn sinh viên?
Tôi nghĩ cách duy nhất để truyền cảm hứng, để các bạn sinh viên có động lực và tình yêu với ngôn ngữ mà bạn dạy là chính bạn cũng yêu ngôn ngữ đó. Nếu họ cảm nhận được tình yêu này của bạn, họ sẽ yêu ngôn ngữ đó cùng bạn.
Một giáo viên ngôn ngữ không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn dạy cả văn hóa của ngôn ngữ đó. Bạn cần đam mê, bạn phải là người hiểu văn hóa, phong tục tập quán của ngôn ngữ cần dạy hơn ai hết. Khi đó ngôn ngữ không còn là những con số, con chữ khô cứng, vô cảm mà là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn, mang giá trị lịch sử, văn hóa bởi nó được sáng tạo nên từ những xúc cảm, suy tư của chính con người.
Bạn cũng cần một tinh thần hướng ngoại, luôn muốn giao lưu để trau dồi kiến thức của mình.
Ngược lại, các bạn sinh viên trong lớp học này để lại trong cô những ấn tượng gì?
Các bạn gây ấn tượng cho tôi rất nhiều vì các bạn có những phẩm chất rất tuyệt vời. Và trên tất cả, vì các bạn là những người khác nhau nhưng lại có mối quan hệ rất tốt với nhau. Tôi luôn có những cảm xúc tốt đẹp khi tiếp xúc với các bạn. Các bạn phóng khoáng, thông minh, có năng lực, chăm chỉ, vui tính và thú vị lắm! Tôi cảm thấy vinh hạnh khi được dạy các bạn.
Tôi cũng học được nhiều điều từ các bạn. Sáu năm giảng dạy, tôi có thêm rất nhiều bạn bè trên khắp thế giới, biết thêm những nền văn hóa mới, những vùng đất mới. Những biểu hiện khác nhau của các bạn trên lớp học gợi mở cho tôi nhiều ý tưởng trong giảng dạy và cũng giúp tôi tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để hoàn thiện mình hơn. Và hơn hết các bạn chính là động lực, là tình yêu, là lý do cho tôi đứng trên bục giảng.
Cô có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên muốn theo học tiếng Tây Ban Nha không?
Nếu các bạn muốn học được tiếng Tây Ban Nha các bạn cần phải yêu ngôn ngữ này, yêu văn hóa và con người ở đây. Các bạn đang có cơ hội được sống ở đất nước này, hãy tận hưởng nó trọn vẹn bằng nhiều cách khác nhau, kết bạn với người bản ngữ, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày cùng họ. Phim ảnh, âm nhạc, sách báo Tây Ban Nha cũng rất tuyệt vời. Lớp học chỉ là một phần trong hành trình học của các bạn.
Tôi nghĩ cái khó khăn nhất khi học tiếng Tây Ban Nha là ngữ pháp. Trong tiếng Tây Ban Nha cũng có rất nhiều cách để nói về cùng một vấn đề và chúng tôi sử dụng tất cả. Điều này sẽ làm cho các bạn sinh viên lo lắng khá nhiều. Nhưng nếu bạn thực sự yêu ngôn ngữ này, nó sẽ yêu lại bạn!
Giờ chúng tôi yêu quý cô và yêu cả tiếng Tây Ban Nha bởi cô chính là hiện thân sinh động và đẹp đẽ cho ngôn ngữ ấy.
Ăn socola và nghĩ về ngôn ngữ
Hai vế của tít này có vẻ không liên quan gì đến nhau nhưng dạo này tôi có quyết tâm cao độ muốn học tiếng Tây Ban Nha một cách nghiêm túc nên đầu lúc nào cũng suy tư về nó.
Sau hai ngày mưa gió rét buốt, nhiệt độ xuống 20oC, hôm nay cuối tuần trời cũng khô ráo hơn một chút. Những đám mây trắng sáng đang xóa dần những mảng màu xám xịt, báo hiệu mặt trời rất gần đây. Tôi nhìn vào điện thoại, 120C, nhiệt độ không quá tệ, vậy là cũng ra khỏi nhà và đi chơi được rồi.
Tôi vào nhà bếp mở tủ lạnh lấy hộp socola màu trắng sữa, rót một cốc nước ấm và ngồi nhấm nháp. Ước gì có tách trà ở đây hoặc cà phê sữa rồi gõ những dòng này, có vẻ sẽ lãng mạn và dạt dào hơn. Nhưng tạm thời không trà không cà phê, uống với nước lọc trực tiếp từ vòi cũng có cái thú riêng của nó. Đôi khi cảm xúc thăng hoa đến từ đồ ăn ngon và hợp, đôi khi lại đến từ chính người thưởng thức nó. Đơn giản là cô gái ngày hôm nay cảm thấy vui nên ăn gì cũng thấy ngon.
Socola trắng ngon tuyệt, không nhặng như socola nâu, màu trắng bắt mắt và quyến rũ. Tôi nghĩ đến nước Pháp khi nhìn cái hộp hình chữ nhật vẽ một đường hoa uốn lượn và tinh tế ở giữa. Những thanh socola trắng mướt, mượt mà và gợi cảm. Mặc dù nó được làm ở Tây Ban Nha nhưng nhãn hiệu Lindt xuất xứ từ Thụy Sỹ. Có một vị béo ngậy, ngọt bùi đặc biệt, nó tan chảy trong miệng tôi, rồi cuộn lại thành hình trái tim khi đi qua ngực xuống dạ dày, vuốt ve các giác quan, đôi mắt tôi mơ màng nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Tôi nghe đâu đó trong không trung một lời rao quảng cáo: “Khám phá tất cả hương vị của Lindor và tận hưởng khoảnh khắc chỉ dành cho bạn. Hợp nhất với niềm vui”.
Mắt tôi bắt đầu lướt qua những dòng chữ Tây Ban Nha trên hộp:
18 Porciones Inpiduales Monoporzioni
Irresistibile Scioglievolezza
Irresistiblemente Cremoso
Không dịch được. Tôi chỉ hiểu 2/7 từ này dù có thể đọc được hết. Đó là niềm an ủi còn lại dành cho tôi. Trong hệ ngôn ngữ Latin, tiếng Tây Ban Nha có cách đọc khá đơn giản, gần như viết thế nào đọc thế ấy. Cách phát âm hay xếp câu gần giống như tiếng Việt.
Ví dụ: A(a), B(b), C(ce), D(de), E(e),…
Sẽ là một lợi thế nếu bạn biết tiếng Anh bởi trong tiếng Tây Ban Nha có khá nhiều từ vựng na ná như tiếng Anh, bạn có thể đoán nghĩa của chúng dễ dàng. Nếu thành thạo tiếng Anh, bạn có thể nhận dạng được hơn 3.000 từ trong tiếng Tây Ban Nha.
Ví dụ: historia – history, patata – potato, cultura – culture, tomate – tomato, clima – climate,…
Nhưng đừng vội mừng, cái làm cho tất cả sinh viên phải đau đầu chính là giống và chia động từ. Tiếng Tây Ban Nha có nhiều biến tố, có hai giống cho danh từ. Phần giống phức tạp ở chỗ có cái tưởng là “đực” nhưng hóa ra là “cái” và ngược lại. Bạn dễ ăn một cú lừa ngoạn mục trong trò chơi ngôn ngữ này.
Trong tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức và một số nước khác không những buộc người nói phải nghĩ về giới tính của người thân, bạn bè, hàng xóm,… mà còn buộc chúng ta phải chỉ định giới tính đực hay cái cho cả những đồ vật vô tri vô giác.
Đối với người nói tiếng Anh hoặc nói tiếng Việt như tôi sẽ phải đặt câu hỏi: Tại sao phân biệt giới tính trong ngôn ngữ? Tại sao người ta không cho cái này là giống đực mà lại là giống cái và ngược lại? Dường như việc đặt giới tính làm cho mọi thứ trở nên rối rắm hơn vì nhiều khi nó không theo một quy luật nào cả.
Ví dụ, El lápiz – cái bút chì, bạn không thể dựa vào hình thức cấu tạo của từ để đoán giống mà phải học thuộc. Tôi cũng không hiểu tại sao El vestido – chiếc váy liên quan gì đến giống đực. Trong khi người ta đặt El coche – chiếc ô tô là giống đực thì lại cho La moto – chiếc xe máy là giống cái.
Hầu như lớp tôi đều ồ lên ngạc nhiên trong những bài tập về giống này. Bạn cũng đừng nghĩ mình là người Đức hay người Pháp sẽ dễ hơn. Mọi thứ có thể bị đảo ngược. Khi người Đức cho rằng cây cầu, đồng hồ, đàn violon mang giống cái, mang vẻ thanh lịch, mảnh mai thì người Tây Ban Nha lại cho chúng mang giống đực. Khi người Pháp nghĩ rằng cần lồng tiếng cho cái nĩa trong một bộ phim hoạt hình là giọng nữ, vì nó mang giống cái thì người Tây Ban Nha cho rằng nên là một giọng nam cho mạnh mẽ như giống đực của nó.
Thêm một rắc rối nữa, có những danh từ nếu bạn đặt trước nó mạo từ giới tính khác nhau nghĩa của chúng cũng khác đi và nhiều khi làm cho bạn tẽn tò. Bạn muốn nói đến Giáo hoàng (El Papa) nhưng bạn lại dùng La papa và lúc này nó mang nghĩa củ khoai tây.
Nhưng, hãy thử tưởng tượng xem, khi sử dụng một ngôn ngữ có giới tính đi kèm, nó sẽ giúp chúng ta, nhất là trẻ em, nhìn thế giới vô tri thông qua lăng kính được tô màu bằng những liên tưởng sinh động và phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Lúc này tiếng Anh dường như lại khô khan và đơn điệu khi gán cho thế giới này một từ đơn sắc “nó”. Nghĩ xong tôi nhìn chiếc cốc Nhật được Huyền tặng, trong tiếng Tây Ban Nha là La tazza, giống cái, lần này tôi thấy hợp lý, đọc tên đã thấy duyên dáng rồi. Chữ Z trong tiếng Tây Ban Nha phát âm như chữ “th” (như thing trong tiếng Anh) hoặc “s”.
“Buenos dias! - Buổi sáng tốt lành!
Hoy, vas a aprender 5 vebros - Hôm nay chị sẽ học năm động từ:
Escribir: to write - viết
Llevar: to take - cầm, mang
Sentar, sentarse: to sit - ngồi
Encender: to turn on - bật
Apagar: to turn off - tắt”
Tin nhắn của Sang. Mỗi ngày cậu em chăm chỉ soạn 5-10 từ mới để cổ vũ tinh thần học của tôi. Nếu bạn đem so sánh với chia động từ trong tiếng Việt, đây đúng là cơn ác mộng bởi vì có khoảng 50 hình thái chia động từ cho một động từ trong tiếng Tây Ban Nha. Năm động từ trên chỉ là nguyên thể. Chúng tôi hỏi cô Marta một con số cụ thể các động từ bất quy tắc trong tiếng Tây Ban Nha, cô chỉ nhún vai và nhăn mặt, ngụ ý rất rất rất nhiều. Động từ không chỉ được chia theo hai dạng số ít số nhiều mà phụ thuộc vào chủ ngữ, vì thế người Tây Ban Nha thường lược bỏ chủ ngữ cả khi nói và viết. Họ chỉ trú trọng và chỉ quan tâm đến động từ.
Hình thức này làm cho ngôn ngữ của họ phong phú và biến hóa vô cùng. Nó cũng khiến chúng tôi quay như chong chóng. Khi chuẩn bị mở miệng nói một câu nào đó, bạn sẽ phải xác định chủ ngữ, mặc dù có thể nó sẽ không được nói đến; các thì, để xác định động từ; giống đực giống cái, số ít số nhiều để xác định chia các từ còn lại trong câu. Sẽ phù hợp nếu bạn áp dụng câu thành ngữ Việt “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” trong trường hợp này.
Thách thức lớn nhất với chúng tôi là thì quá khứ. Dương luôn là cô gái mang đầy kỷ niệm, một danh sách dài bất tận những con đường, những địa danh, những người bạn,… trong những chuyến du lịch đường dài xuyên quốc gia. Mỗi lần kể về nó cô ấy lại rưng rưng và không bao giờ có thể dừng được nhưng khi học đến thì quá khứ, Dương đã phải thốt lên: “Cô Marta, bây giờ em nghĩ, em thực sự không muốn nhớ về quá khứ, nói về quá khứ thêm nữa. Em chỉ muốn sống với hiện tại và tương lai của mình. Tại sao ư??? Chỉ vì ngữ pháp của thì quá khứ vô cùng phức tạp!!! Có quá quá quá nhiều sự thay đổi cho động từ.”
Hiện tại ít thôi, ngay trước mắt, tương lai cũng chưa có gì nhiều nhưng quá khứ được đong đếm theo số tuổi chúng ta tồn tại trên hành tinh này, cộng với những người, những thứ chúng ta liên quan. Nó là kho chứa khổng lồ. Có lẽ vì thế người Tây Ban Nha nghĩ rằng cần chia động từ cho thì này cũng phải đồ sộ tương xứng chăng?
Nhưng cái gì càng khó, càng nhiều thử thách phải vượt qua mới đạt được thì càng giá trị. Bất chấp tất cả, tiếng Tây Ban Nha giống như điệu Flamenco và tiếng đàn guitar vẫn đang quyến rũ cả thế giới với những con số ấn tượng. Theo trang Speakinglatino, có khoảng 500 triệu người đang nói tiếng Tây Ban Nha và dự đoán con số này sẽ lên đến 600 triệu vào năm 2050. Đây là ngôn ngữ chính thức của 22 quốc gia, là ngôn ngữ quan trọng thứ hai trên thế giới (sau tiếng Anh) và đứng vị trị thứ ba trong bảng xếp hạng ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên internet. Cho đến nay có 11 giải Nobel Văn học được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Charles Quint V, Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh, vua của Đức, quốc vương Ý và cũng là bậc thầy ngôn ngữ, đã từng nói một câu nổi tiếng vào thế kỷ XVI: “Ta nói tiếng Tây Ban Nha với Thượng đế, tiếng Ý với Phụ nữ, tiếng Pháp với Đàn ông và tiếng Đức với Con ngựa của ta”.
Câu nói này hàm ý chỉ lãnh thổ rộng lớn bao gồm tất cả những ngôn ngữ trên. Vào thời đại của Charles Quint V, Tây Ban Nha đã trở thành đế quốc hùng mạnh nhất ở châu Âu, được biết đến như “đất nước mặt trời không bao giờ lặn”. Hệ thống thuộc địa trải rộng khắp Trung Mỹ, Nam Mỹ, Mexico, một phần lớn miền nam Hoa Kỳ, Philippines, bán đảo Iberia (bao gồm cả Bồ Đào Nha), miền nam nước Ý, đảo Sicilia, một số nơi thuộc các nước Đức, Bỉ và Hà Lan. Văn hóa và ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng theo đó ảnh hưởng khắp thế giới cho đến tận ngày nay.
Còn có một phiên bản khác giải thích cụ thể hơn về câu nói của Hoàng đế Charles Quint V: “Một người Đức, cũng giống như Charles V, từng nói rằng: Nếu cần nói chuyện với Thượng đế, ông sẽ nói bằng tiếng Tây Ban Nha bởi bản thân ngôn ngữ này thể hiện sự cao quý và uy nghi; với những người bạn, là tiếng Ý, vì ngôn ngữ của người Ý thân mật nhất; nếu vuốt ve ai đó, là tiếng Pháp, vì không có ngôn ngữ nào mềm mại hơn thế; nếu muốn đe dọa hay nghiêm khắc với ai, hãy dùng tiếng Đức, là tiếng thô ráp và mạnh mẽ.”
Gán cho ngôn ngữ một đặc tính, một vẻ đẹp nào đó tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người, không thể coi là chuẩn mực để đánh giá. Nhưng đối với mỗi dân tộc, ngôn ngữ là văn hóa, là cội nguồn.
Tương truyền ở một vùng nọ, hằng năm vào lễ hội cổ truyền người ta mở cuộc thi chửi rủa. Năm đó, sau nhiều ngày thi ban tổ chức vẫn không thể chọn ra người đạt giải cao nhất vì ai cũng chửi rất hay. Cuối cùng có một người phụ nữ ngày thường rất trầm lặng, tính tình vốn hiền lành xin thi. Cô ta chửi rằng: “Tôi nguyền rủa kẻ thù của tôi đời đời sẽ lãng quên mất tiếng mẹ đẻ của hắn và con hắn sẽ không bao giờ còn biết đến quê hương”. Người ta đã trao giải xuất sắc cho người phụ nữ này. Đó là câu nguyền rủa cay đắng nhất cho bất kỳ ai.
Vào năm 1999, UNESCO đã tuyên bố lấy ngày 21 tháng Hai là Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế để tôn vinh phong trào ngôn ngữ và quyền duy trì ngôn ngữ của mọi người dân trên toàn thế giới.
Có lẽ tôi không nên nghĩ đây là khóa học ngôn ngữ phải trả tiền mà tôi đang chạm tay vào cánh cổng ngôi nhà văn hóa đồ sộ của Tây Ban Nha. Tôi đang bước những bước đầu tiên tìm đến cội nguồn của dân tộc này. Khám phá những nền văn hóa khác nhau trên thế giới không chỉ là công việc hiện tại mà còn là khao khát và say mê của chính tôi.
Ô kìa, nắng đã len vào cửa sổ, một màu vàng nhạt thếch và yếu ớt nhưng thế cũng đủ làm cho mọi thứ, trong đó có cả tôi, bừng lên sức sống. Tôi đặt hộp socola vào tủ lạnh và chuẩn bị đồ đi ra ngoài. Tôi cần tắm nắng, người tôi đã ủ dột mấy hôm nay.
0 + 6 = B2
Đều đều mỗi ngày Sang gửi từ mới cho tôi. Tôi đang muốn trao tình yêu cho ngôn ngữ này, nhưng yêu cũng phải biết cách mới đem lại hiệu quả. Đến ngày thứ 10, tôi bắt đầu nghẹt thở trong đống từ mới khô khan và khát cháy ấy. Tôi tắt máy và đi ra ngoài hít thở chút khí trời, dù bên ngoài vẫn mưa lạnh. Mọi người cảnh báo những cơn mưa thế này có thể kéo dài từ tháng Một đến tháng Tư. Tôi ngây người đứng nhìn cây cầu nhỏ gần nhà, một thực thể có khoảng 6.900 ngôn ngữ khác nhau gọi tên cho nó. Trong khi nó đơn giản chỉ là chính nó. Giá như mọi thứ cũng đều giống như tên của con người có phải đỡ phức tạp hơn không. Chỉ có một tên và một cách gọi. Bản thân tôi chắc cũng chỉ có vài cái tên do người ta gọi nhầm.
Có lẽ tất cả chúng ta đều chung một thứ ngôn ngữ nhưng rồi cứ phân tách và xa dần cái ngôn ngữ bản thể đó. Cũng như tâm chúng ta xa rời tâm của bản thể. Ngôn ngữ chung của chúng ta là gì? Người xưa đã giao tiếp với nhau như thế nào nhỉ? Bằng ngôn ngữ ký hiệu và bằng một cái gì đó sâu xa hơn, vi diệu hơn? Có lẽ như trong Nhà Giả Kim đã viết: Đó là ngôn ngữ của trái tim. Một ngày nào đó tôi ôm tham vọng sẽ tìm được câu trả lời cho nó.
Nhưng hiện giờ có tới 6.900 ngôn ngữ khác nhau và tiếng Việt chỉ là một phần ngôn ngữ của toàn thế giới. Tôi đang ở Tây Ban Nha và tôi phải học tiếng Tây Ban Nha để gọi tên cây cầu là El puente. Hàng trăm, hàng ngàn thứ khác đang hiện diện thân thuộc quanh đây như cây cỏ, con sông, cây cầu,… nhưng giờ chúng bỗng thành xa lạ với tôi chỉ vì chúng được sinh ra ở Tây Ban Nha.
Trong 6 tháng, tôi thông thạo hết cuốn A1 tiếng Tây Ban Nha là tốt lắm rồi, đủ cho tôi đi đây đi đó, bi bi bô bô làm màu được rồi. Hoặc tốt lắm có thể lên A2. Cô em Thêu đã đạt B2 từ con số 0 trong 6 tháng. Sau đó vào học chuyên ngành cùng với sinh viên bản ngữ và hiện đang đứng ở top đầu. Tôi chưa thấy ai có thể làm được điều này.
Đây là kinh nghiệm mà tôi cũng chưa nghe thấy ở đâu:
“Mục tiêu của em là sang học tiếng sau đó sẽ học nghề, cao đẳng hoặc đại học vì thế em muốn chọn một trường có chất lượng tốt. Em đăng ký khóa học tiếng tại trường Đại học Complutense de Madrid (UCM) nằm ở trung tâm của thủ đô. Đây là một trong những trường đại học hàng đầu tại Tây Ban Nha.
Cũng giống như chị, lúc mới đến Tây Ban Nha em biết mỗi câu chào: Hola, cómo estás? – Xin chào bạn có khỏe không?
Tháng đầu tiên em như người câm điếc, không chuyện trò với ai cả. Tháng tiếp theo, em chuyển nhà đến ở cùng một cụ bà người Tây Ban Nha khác, 69 tuổi. Bà rất vui tính và yêu quý em. Bà nhận lời giúp em học tiếng. Giao tiếp chủ yếu ban đầu bằng Google translate. Bà hiểu ý rồi giải thích cho em cặn kẽ hơn. Hằng ngày bà khuyến khích em xem ti vi cùng để luyện nghe dù em không hiểu gì. Cuối tuần bà đưa em đi siêu thị, đi chơi.
Em ở đó liền ba tháng và trình độ tiếng Tây Ban Nha tăng nhanh trông thấy. Mọi thứ nó ngấm dần vào người thôi chị. Mỗi hôm biết thêm 1-2 từ, 1-2 câu, quan trọng là áp dụng vào giao tiếp nên em không quên.
Mỗi ngày đi học về, bà đều bảo em kể chuyện học ở lớp thế nào, các bạn ra sao. Em cố diễn đạt bằng mọi cách, Google translate, ngôn ngữ cơ thể… Trong lúc đó, điều gì không hiểu trên lớp em cũng hỏi bà và nhờ bà giải thích cho. Bà giống như gia sư riêng tại nhà vậy. Em thấy mình vô cùng may mắn khi gặp được bà – một người Tây Ban Nha tốt bụng.
Em học từ mới trong mọi hoàn cảnh có thể. Bà ở một mình nên lúc em ăn cơm bà cũng ăn cùng, thỉnh thoảng cho em đồ ăn nữa. Trong bữa ăn, bà cũng tranh thủ dạy em các từ vựng về ẩm thực, bếp núc,... Mà vui lắm nhé, lúc em chat video với bố mẹ, bà cũng ngồi cạnh hóng chuyện, sau đó em kể lại cho bà nghe.
Chủ nhật nào đẹp trời bà rủ em đi chợ Rastro (chỉ mở vào chủ nhật), có ti tỉ thứ và đó là một kho từ vựng cho em. Một khu chợ giống như chợ đêm phố cổ Hà Nội, đồ ở đây cũng rẻ hơn mua chỗ khác nên em rất thích. Bà thường rủ một người bạn già lâu năm đi cùng. Vậy là em vừa được đi chơi, biết thêm đường xá, vừa được luyện nghe với nhiều chủ đề khác nhau của hai bà. Thỉnh thoảng họ dừng câu chuyện để giải thích cho em một số từ ngữ mà em không biết.
Kỷ niệm vui nhất là gần Noel, ở Tây Ban Nha có tục lệ mua xổ số. Bà cũng mua vài vé và may mắn trúng giải thưởng nho nhỏ. Lúc đi mua vé số bà dẫn em đi cùng, lúc đi nhận tiền trúng thưởng cũng dẫn em theo. Hôm đó bà vui đến độ nhận tiền xong ra ngoài thấy người ăn xin còn hào phóng cho họ một ít, bình thường không cho bao giờ, rồi còn mua hạt dẻ nóng, hai bà cháu tung tăng vừa đi về vừa ăn, trên đường thỉnh thoảng tạt vào mấy tiệm quần áo ngắm nghía,…
Đó cũng là lần đầu tiên em biết năm mới ở Tây Ban Nha như thế nào. Mọi năm bà sẽ đến nhà con trai hoặc đến nhà bạn để “ăn Tết”, nhưng riêng năm đó bà ở nhà cùng em. Em cảm động vô cùng, cứ như mình đang được đón Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Năm đó, bà mời thêm một chị người Peru và con trai chị ấy đến chơi. Mọi người làm một bữa tiệc ăn đêm Noel trong không khí vui vẻ và đầm ấm.
Em lại khám phá thêm một nét văn hóa nữa của người Tây Ban Nha, vào giao thừa, đúng 0 giờ, mỗi người sẽ ăn 12 trái nho (phải ăn nhanh theo tiếng chuông), lấy may cho 12 tháng trong năm mới. Hầu như mọi người đều tập trung ở Quảng trường Cổng Mặt Trời – Puerta de Sol để chờ tiếng chuông báo năm mới và ăn nho. Vì sợ đông nên bà với em ở nhà mở ti vi xem truyền hình trực tiếp, rồi ăn nho cùng thời điểm với mọi người ở đó.
Cứ như vậy mọi hoạt động hằng ngày của em đều làm cùng với bà. Nhờ bà em cũng biết thêm về cuộc sống của người Madrid. Em cứ lắng nghe, cứ tập nói như đứa trẻ lên ba và luôn có một người mẹ theo sát hướng dẫn. Em gọi bà là mamá Nieves. Bà yêu quý em nên đi đâu cũng khoe Thêu thế này thế kia. Dù 69 tuổi nhưng bà trẻ lắm, cả ngoại hình lẫn tâm hồn và thích được khen như thế.
Đó là kinh nghiệm gặp may ở nhà trọ, còn kinh nghiệm học trên lớp của Thêu cũng không giống ai.
Em vào lớp lúc đã khai giảng được một tháng, các bạn biết khá nhiều còn em thì giống như mù chữ. Sau một tuần không hiểu gì, thầy cô quyết định cho em và một bạn người Việt nữa cùng hoàn cảnh học với trợ giảng riêng. Có tận ba trợ giảng là những cô gái xinh đẹp đang học cao học ngành sư phạm ngôn ngữ (tầm tuổi em). Họ giảng bằng tiếng Anh và rất nhiệt tình. Em cũng bị cuốn theo sự nhiệt tình đó nên không cảm thấy áp lực. Họ nghĩ ra đủ trò vui nên em ngấm rất nhanh. Sau một tháng rưỡi, khóa học trợ giảng này kết thúc, em đạt được được trình độ A1.
Sau đó em phải thi đầu vào để lên lớp A2 như các bạn. Trong đầu còn lo lắng không biết mình có qua nổi không, ai ngờ báo điểm em nằm trong danh sách lớp B1. Sốc quá chị ạ, nghĩ mình học được mấy chữ làm sao mà theo kịp các bạn. Y như rằng, lại như vịt nghe sấm. Em quyết định trình bày hoàn cảnh với giáo viên và muốn xuống A2 cho đúng trình tự. Ai ngờ thầy cô cứ khăng khăng em sẽ theo được và động viên em cố gắng.
Trong lớp còn có hai bạn nữ, một người Trung Quốc và một là người Nga, cũng nhảy từ A1 lên B1. Nhưng vài buổi sau bạn nữ người Trung Quốc xin xuống A2 vì không theo nổi. Đôi lúc em thấy tủi thân, hỏi bạn nào cũng học cả năm rồi, có mình em là học một tháng rưỡi, cảm giác như bị chênh lệch đẳng cấp. Em bị đuối hơn, trên lớp thấy mọi người nói chuyện ào ào mà mình có biết gì đâu. Em cắm đầu cắm cổ vào cày cuốc chữ, không làm bất cứ việc gì khác, chỉ học và học.
Cũng may trong khoá B1 em gặp được những thầy cô giáo giỏi, dạy rất hay. Đặc biệt là cô Elena – môn ngữ pháp và thầy Miguel – môn viết. Em học tốt hai phần này nhất. Thi cuối khoá B1, em cũng không tin vào mắt mình, 10 điểm ngữ pháp và 9.5 điểm viết (đứng đầu lớp). Kết thúc khoá B1, điểm thi của em lại cao hơn các bạn trong lớp.
Về tài liệu, em khuyên chị và mọi người không phải mua sách nhiều làm gì, rồi về vứt xó không đọc hết được đâu. Đây là kinh nghiệm em từng trải qua, em có vài quyển sách vẫn còn mới tinh, mới đọc được 2-3 trang rồi bỏ. Quan trọng là tài liệu thầy cô cho trên lớp phải cố mà đọc, dịch, hiểu cặn kẽ, làm tốt bài tập. Làm được thế đã là một thành công quá lớn.
Có một kênh trên internet em được cô giáo Carmen ở trường giới thiệu là rtve.es. Trên kênh này có vô vàn chương trình, nếu ai chưa học nhiều tiếng Tây vào xem có thể sẽ bị ngợp, không hiểu được. Tuy nhiên có mục Series chuyên phát lại các phim trên ti vi và quan trọng là kèm phụ đề. Nó cũng phát trực tiếp như tivi nhưng sẽ không có phụ đề. Em hay lựa chọn hôm nay xem tập của hôm qua, khi phát lại họ ghép phụ đề vào. Phần Series này sẽ có một lượng phim lớn cho mọi người lựa chọn. Lúc xem cứ bật phụ đề, không hiểu thì dừng lại tra từ điển. Có thể cày đi cày lại một tập nếu chưa hiểu rõ. Hồi đó em xem phải đến hơn 100 tập phim của một series. Đến lúc hiểu được thì hào hứng muốn xem tập tiếp mà không thể chờ có phụ đề, em xem luôn phát trực tiếp, nghe không hiểu hết nhưng đoán dựa vào hành động. Hôm sau lại mở ra xem lại có phụ đề và dịch phần chưa hiểu.
Cũng có cả phim hoạt hình, dễ hiểu hơn cho những người mới học. Dần dần mình sẽ tăng vốn từ vựng và học được cả nghe nói trong quá trình xem. Luyện nghe bằng xem phim là thích nhất rồi, không gây nhàm chán và buồn ngủ. Đơn giản vậy thôi, nhà ai cũng có internet. Học vui mà đỡ tốn tiền mua sách. Nhưng nên tạo thói quen mỗi hôm xem phim một chút, chứ không phải hôm nay xem rồi nghỉ một tuần sau mới xem tiếp sẽ không hiệu quả.
Em cũng nghe nhạc có phụ đề trên YouTube. Bài đầu tiên em nghe là Bailando, cứ nghe đi nghe lại, nhại đi nhại lại không biết bao nhiêu lần cho đến khi tự hát được mà không cần nhìn lời nữa.
Hành trình học của em là thế đấy.
Một tháng rưỡi học A1 + 2 tháng rưỡi học B1. Thời gian này em đều ở cùng người bản ngữ. Sau đó em tiếp tục học khoá B2. Khoá học này với em không có gì đặc biệt nên có phần học chậm hơn. Kết thúc em vẫn nhận được bằng B2 của trường UCM với tổng số 600 giờ học trên lớp. Sau đó em đăng ký vào trường chuyên ngành, việc học cũng khủng khiếp không kém vì phải chạy đua với các bạn sinh viên bản xứ. Nhưng em dừng lại ở đây thôi.
Người ta bảo cách học ngôn ngữ nhanh nhất là yêu nó vì thế việc học tiếng Tây Ban Nha sẽ theo em cả cuộc đời. Em thích ngôn ngữ này một phần vì yêu mến người Tây Ban Nha, văn hóa của họ, cuộc sống nhẹ nhàng dễ chịu của họ. Họ thân thiện hơn người dân các nước châu Âu khác. Em nghĩ rằng, học một ngôn ngữ không phải là học những từ ngữ khô cứng, mà học cả nền văn hóa của ngôn ngữ đó và vùng đất đó nữa.”
Đôi khi chúng ta yêu một ngôn ngữ nào đó ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ như duyên nợ. Thêu đã chọn được cho mình một “ngôn ngữ tình yêu” như thế. Còn tôi, tôi có thực sự thích tiếng Tây Ban Nha không? Học ngôn ngữ là một hành trình mà ở đó bạn không chỉ biết được nhiều hơn một thứ ngôn ngữ mà còn biết nhiều hơn một nền văn hóa và một con người khác của chính mình, hay như Charlemagne nói “có một tâm hồn thứ hai”.
I throw my Spanish in the air sometimes, Sayin Ayoo! No Comprendo!
(Đôi khi tôi ném hết tiếng Tây Ban Nha của tôi vào không trung, Ayoo, tôi không hiểu!).
Lời bài hát Dynamite của Taio Cruz đang rất đúng với tâm trạng của tôi “No comprendo! – Tôi không hiểu!”
Thứ duy nhất tôi yêu lúc này chính là âm thanh của tiếng Tây Ban Nha. Đối với tôi, nó giống như sóng biển, lúc nào cũng dạt dào và đầy cảm xúc mãnh liệt. Bạn không chỉ nói bằng miệng, bạn nói bằng cả cơ thể. Tiếng rền vang của chữ R rung lên trên đầu lưỡi, lời thì thầm của chữ Z. Tôi thích những từ có tận cùng là “cion”, miệng người đọc lúc đó như một lời mời gọi.
Tôi chống cằm ngắm nhìn nhóm người trong công viên đang trò chuyện. Tôi thấy mình như đang nghe nhạc, một bản nhạc được vang lên bởi nhịp độ nói, những lúc trầm bổng, lên xuống để phân biệt câu trần thuật với câu hỏi và câu cảm thán. Âm thanh của những chữ R, C và Z như sóng biển đang reo chạy vào bờ rồi chìm dần và lui ra biển, cứ thế hết lớp này đến lớp khác. Ngay cả khi họ to tiếng với nhau tôi cũng thấy như một bản nhạc. Họ nói rất nhanh, tôi không thể phân biệt được từ nào với từ nào vừa được phát ra, chúng đi vào đầu tôi và chuyển hết thành những nốt nhạc.
Ayoo, bản nhạc được chơi bên bờ biển vào một ngày gió lớn và tôi yêu những âm thanh này!
CHƯƠNG 3 - Du học sinh
Chuyện của những cái thẻ
Di chuyển từ nơi này đến nơi khác, từ nơi đã ở lâu sang nơi mới hoàn toàn là một điều rất tuyệt. Chúng ta làm mới chính mình.
Nhưng sự di chuyển này đôi khi gặp phải những vấn đề không mong đợi và cũng không mấy ai chuẩn bị gì cho nó.
Chuyện của những cái thẻ
Mọi người đã làm xong các loại thẻ chưa?”
Câu hỏi quen thuộc của nhóm sinh viên Việt Nam trong lớp. Để sống ở đây tôi cần làm một số loại thẻ.
Nhanh nhất và đơn giản nhất là thẻ sinh viên, thẻ này có thể làm kết hợp với thẻ ngân hàng. Hầu hết sinh viên Việt Nam đều qua các trung tâm du học vì thế họ được hỗ trợ làm giấy tờ khi sang bên này. Khi đến nơi, các bạn ấy sẽ được một sinh viên bản xứ dẫn đi. Ngoại trừ tôi vì thế mà câu hỏi này dành cho tôi nhiều hơn cả.
Đầu tiên là thẻ ngân hàng vì mọi khoản tiền liên quan đến học hành thi thố hay chứng minh tài chính đều thông qua ngân hàng Santander. Ngân hàng có một văn phòng đặt ngay tại trường.
Tôi theo Dương vào đó đăng ký thẻ. Dương đã làm trước đó nhưng gặp rắc rối về địa chỉ và cô bạn của tôi không nhận được thẻ ngân hàng gửi qua đường bưu điện. Dương dặn tôi cầm theo hộ chiếu. Trong phòng có hai nhân viên. Phía ngoài là một anh chàng Tây cao gầy đẹp trai, phòng phía trong là quý cô đẫy đà, mũm mĩm. Họ là hai bức tranh tương phản nhưng là một bản ghép hoàn hảo khi làm việc.
Dương vỗ nhẹ vào vai tôi và nói: “Mình có thể làm thẻ sinh viên ở đây luôn đó. Chị có muốn làm không? Có lúc mình dùng đến như làm những thẻ khác được giảm giá, lên thư viện trường. Em muốn đăng ký tập gym ở trường.”
Thẻ sinh viên à? Đã bao lâu rồi nhỉ? À, gần mười năm, tôi không còn nhớ cái thẻ hồi đại học của mình trông như thế nào. Hình như trong thẻ sinh viên đại học tôi để tóc ngắn ngang vai, trắng trẻo, ngây thơ. Có cô bạn cùng lớp hồi đó còn nói ảnh đó trông tôi giống diễn viên Hàn Quốc, Song Hye-Kyo.
Tôi chưa biết mình sẽ làm gì với cái thẻ này.
Lên thư viện trường ư? Chắc không. Tôi chỉ là sinh viên ngôn ngữ, học thuộc từ mới mỗi ngày với làm bài tập cũng hết thời gian. Với vốn tiếng Tây Ban Nha khiêm tốn của mình, thư viện và những quyển sách sẽ nhìn tôi đầy ngao ngán. Tôi nghĩ đến một ý nghĩa khác cho thẻ sinh viên mới này, đánh dấu và ghi lại quãng thời gian ở đây.
Cô nhân viên ngân hàng lấy điện thoại chụp ảnh cho chúng tôi. Dương cười rất tươi. Cô ấy lúc nào cũng như mặt trời vậy, cái tên thật hợp với tính cách. Còn tôi có chút ngượng ngùng, bối rối sao ấy, kỳ không cơ chứ! Vì thế nên cô ấy phải chụp lại cho tôi. Chỉ 5 phút sau, hai chiếc thẻ sinh viên đã xong, đang ì ạch một cách từ tốn đi ra khỏi máy in, giống thao tác tấm ảnh màu được in ra từ máy in ảnh. Nhanh thật đấy, ngày xưa tôi mất nhiều thời gian hơn.
Tôi nhìn vào thẻ của Dương, nó thật đẹp. Tôi rón rén lật chiếc thẻ của mình lên.
Trời đất quỷ thần ơi! Ai đây? Tôi ư?
Tôi không nhận ra mình nữa. Nó khủng khiếp đến nỗi có lẽ đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng tôi nhìn nó. Tôi cất vội tấm thẻ của mình vào ví, không muốn để ai nhìn thấy nó, ngay cả tôi. Đây sẽ là một kỷ niệm đau lòng trong đời sinh viên thứ hai này. Tôi thực sự không muốn nhìn cô ấy thêm nữa, khốn khổ cho tôi đây là người làm thẻ ngân hàng, vì thế tôi phải niềm nở, có thái độ hợp tác. Mặc dù ngoài trời nắng rất đẹp nhưng hôm nay là một ngày mưa giông bão tố trong lòng tôi.
Dương để tôi lại với cô nhân viên vì có việc phải đi. Tôi tự hỏi cô ấy đang nghĩ gì về bức ảnh của mình. Thỉnh thoảng cô ngẩng lên mỉm cười, làm hành động nhún vai, thở dài, nhăn mặt để giải thích rằng cô đang bận, phải làm nhiều thứ cùng một lúc. Tôi không có phản ứng gì ngoài việc nhoẻn miệng cười lại và ngồi một cách kiên trì ở đó, cố gắng không để lộ nỗi ấm ức cứ trào lên cổ họng rồi lại bị đẩy ngược xuống dạ dày. Chuyện thẻ sinh viên không quan trọng bằng thẻ ngân hàng, tôi hiểu điều này.
Cuối cùng giấy tờ của tôi cũng được hoàn thiện, tôi làm nốt thủ tục chữ ký điện tử. Dù sao sự ám ảnh về tấm hình cũng nguôi ngoai đi phần nào trước thái độ niềm nở, nhiệt thành của cô ấy. Tôi cười thật lòng hơn trước khi bước ra ngoài và đến phòng của anh chàng đẹp trai để nộp tiền vào tài khoản. Tối thiểu là 7 euro. Tôi đưa 100 euro. Chàng mỉm cười một cách xã giao rồi quay mặt vào màn hình máy tính, không có thêm một biểu hiện tình cảm hào phóng nào thành ra tôi lại thiện cảm với cô nhân viên hơn chút nữa. Tôi cầm giấy hẹn và chào họ. Ngân hàng cũng không phải là chốn tôi yêu thích.
Tôi chỉ còn hy vọng vào thẻ NIE – Número Identificación Extranjeros, tấm thẻ cư trú, ghi nhận tôi đang sống ở đất nước này một cách hợp pháp. Tấm thẻ sẽ giúp tôi lấy lại sự tự tin vì họ sẽ dùng ảnh do tôi cung cấp. Nhưng thủ tục làm nó cũng phức tạp và mất thời gian hơn rất nhiều.
Visa du học của chúng tôi là visa loại D, thường chỉ có thời hạn ba tháng. Vì vậy trong 30 ngày đầu sang Tây Ban Nha, chúng tôi phải đến trụ sở cảnh sát làm thủ tục cấp thẻ cư trú. Đây là chiếc thẻ tối cần thiết và thời gian làm thường mất từ 3-4 tháng.
Việc nộp hồ sơ để xin cấp thẻ cư trú thật ra không rắc rối, nhưng bắt buộc sinh viên phải làm trong khoảng thời gian vừa mới sang nên rất khó khăn. Khốn một nỗi, khả năng ngôn ngữ của tôi lúc này chỉ thuộc bảng chữ cái; vài câu chào hỏi sáng, trưa, chiều tối; dăm ba câu giới thiệu về bản thân. Tôi không thể đem mấy câu đó ra sở cảnh sát để làm thẻ vì sẽ còn nhiều câu hỏi nằm ngoài vốn từ tôi có.
Giá lúc này có Thêu ở đây! Tôi thầm nghĩ trong bụng như thế nhưng rồi lại gạt đi. Tôi 30 tuổi, tôi đã tự lo cho bản thân mình hơn mười năm. Tại sao chuyện này lại không tự giải quyết được.
Vừa đi tôi vừa lẩm bẩm nói một mình “Đầu tiên cần tìm một ai đó giúp. Người nói tiếng Tây Ban Nha tốt và đã đi làm thẻ NIE rồi”
“ Ơ, chị Uyên, chị cũng về đường này à?” Bỗng có tiếng ai đó hỏi tôi. Tôi nhìn xung quanh không có ai cả, từ nãy giờ cứ cắm đầu cắm cổ đi phăng phăng, mải suy tính chuyện làm thẻ nên tôi không để ý đến ai.
– Em Yến đây.
– Em ở đâu đấy? Sao thấy tiếng mà không thấy người?
Tôi tiếp tục ngơ ngác nhìn, còn tưởng mình hoang tưởng. Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi.
– Đằng sau chị đây này.
– Ôi! Em ở đâu ra đấy?
– Em đang đi từ trường về thấy chị vụt qua. Mà chị đang suy tính chuyện gì à?
– Chuyện thẻ NIE của chị. Chị vẫn chưa đi làm, chưa tìm ra cách nào để làm mà giờ đã sang tháng Hai rồi.
– Em cũng vừa mới đi làm nè. Thủ tục cũng đơn giản lắm, không có gì phức tạp đâu. Chị nên đi từ sáng sớm vì phải xếp hàng, em thấy lúc nào cũng đông người. Sau đó lấy số thứ tự và đợi họ gọi vào. Khi đi chị nhớ mang theo giấy tờ sau: Bản đăng ký làm thẻ – lát em gửi email cho chị; Thư mời học, giấy xác nhận đóng tiền và chỗ ở; Hộ chiếu, chị nhớ photo các phần có thông tin cá nhân và những nơi chị đã đi. Đó chỉ vậy thôi, họ sẽ gửi lại cho chị giấy hẹn đến lăn tay.
– Trong vòng bao lâu hả em?
– Tầm ba tháng đấy chị.
– Lăn xong rồi sao nữa?
– Lăn xong thì họ cho chị một giấy hẹn nữa ghi ngày đến lấy thẻ.
– Là…
– Là 45 ngày nữa…
– Ôi, thế có khi lấy được thẻ thì chị đi làm thẻ mới hoặc về nước luôn rồi vì tháng Bảy khóa học của chị kết thúc.
– Của em họ cho đến tận tháng Chín đấy. Các bạn khác cũng thế.
– Vậy chắc chị cũng thế.
– Vâng, em nghĩ vậy. Họ để dài hơn cho sinh viên có thời gian gia hạn thêm nếu muốn ở lại học tiếp đó chị.
– Chị nhớ các bạn nói, sau khi hết thẻ NIE mình vẫn được lưu trú lại Tây Ban Nha ba tháng. Trong thời gian đó vẫn có thể gia hạn thẻ nếu muốn phải không?
– Vâng ạ.
– Nhưng em đi làm cùng với ai?
– Em đi với một bạn người bản xứ.
Tôi gặp Yến trong buổi đầu tiên cô Vienes dẫn cô bé vào lớp nhưng ngay sau tiết một, cô Marta đã chuyển Yến sang lớp A2. Hóa ra trước khi sang cô bé đã học tiếng Tây Ban Nha ở Việt Nam. Thời gian ngắn ngủi đó đã đủ cho chúng tôi thân thân nhau mặc dù Yến kém tôi chục tuổi. Đầu tôi lóe lên một ý tưởng.
– Chị làm gì mà nhìn em xúc động thế?!
Hẳn nhiên rồi, tôi đang thấy cứu tinh của đời mình trước mắt. Tôi đan hai tay vào nhau để lên sát cằm, giống như kiểu các con chiên vẫn làm khi đi lễ nhà thờ và nhìn Yến với ánh mắt long lanh như vừa được ban phước lành của Chúa.
– Em đi làm thế, em nắm được hết quy trình rồi đúng không?
– Vâng.
– Vậy hôm nào chị nhờ em dẫn chị đi ra đó nhé. Tiếng Tây Ban Nha của em ít nhất cũng tốt hơn chị nhiều rồi.
– Em cũng không tự tin lắm nhưng để em thử xem.
– Ôi, nhẹ cả người!

Không cần biết chuyện gì xảy ra nhưng ít nhất giờ tôi cũng có một người bạn đồng hành. Tôi luôn hạnh phúc vì trong suốt hành trình đến đây, cho đến giờ này, mỗi khi cần giải quyết vấn đề gì tôi luôn tìm được đồng minh tuyệt vời và họ luôn xuất hiện đúng thời điểm. Điều này khiến tôi thấy cuộc sống của mình có gì đó phiêu lưu mà kỳ diệu.
Hai hôm sau, tôi và Yến xin nghỉ học tiết đầu để ra trụ sở cảnh sát gần đó làm thủ tục.
Mới 9 giờ sáng mà một hàng người xếp dài cả chục mét phía ngoài cửa. Chủ yếu là người lao động, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Tôi nhìn dòng người, tự hỏi thành phố này đủ sức chứa bao nhiêu con người và có khả năng nuôi sống bao nhiêu gia đình. Thế giới ngày nay là một sự luân chuyển không ngừng nghỉ. Những người này tìm đến vùng đất mà những người khác ra đi. Miền đất hứa của người này đôi khi lại là sự thất bại của người kia. Nơi nghỉ ngơi, hạnh phúc cho kẻ mới đến có khi là chốn khổ đau, rắc rối cho kẻ vừa rời đi,…
Trong dòng người mỗi lúc một nối dài hơn này, đây hẳn là vùng đất mang lại nhiều hy vọng cho họ về một công việc mới, một cuộc sống mới hay cũng có thể vì nhiều lý do cá nhân khác nữa.
Tôi đến đây làm gì nhỉ?
Để học một thứ ngôn ngữ mới, trải nghiệm một vùng đất lạ và chưa biết chuyện gì đang chờ mình phía trước. Có lẽ tôi là người duy nhất ở đây không rõ ràng mục đích và cũng chẳng tính đến tương lai.
Khoảng một giờ sau, chúng tôi cũng được tách ra khỏi hàng người và bước vào trong. Yến nói gì đó với người tiếp nhận hồ sơ mà tôi không nghe rõ nhưng người nữ nhân viên không hỏi tôi thêm điều gì. Cô ấy xem hồ sơ của tôi rồi cầm đi đâu đó. Lúc sau quay lại và đưa cho tôi tờ giấy hẹn, trong đó có ghi ngày 20 tháng Năm đến lăn tay, số thẻ NIE và hạn thẻ đến ngày 31 tháng Tám. Mọi thứ diễn ra trong vòng đâu đấy 20-30 phút. Hai chị em bước vội ra ngoài bằng con đường khác và thở phào nhẹ nhõm.
Lần tiếp theo đến lăn tay, tôi đi cùng Sang vì cậu em vừa lăn trước đó vài ngày.
“Chị mang theo ảnh thẻ, hộ chiếu và giấy hẹn đợt trước gồm bản gốc và bản photo. Chị nhớ chuẩn bị cả tiền để đóng thuế nữa nhé.”
Tôi chọn tấm ảnh đẹp nhất mình có và ra chỗ hẹn với Sang lúc 9 giờ sáng. Hàng người vẫn nối dài như lần đầu tôi đến đây. Người này đi lại có người khác lấp vào chỗ trống. Lăn tay xong, Sang dẫn tôi đến ngân hàng Santander gần đó đóng thuế.
“Chị có thể đóng bằng tiền mặt hoặc dùng thẻ thanh toán. Em nghĩ phải chờ lâu đấy.”
Một bác nhân viên đã luống tuổi đang thoăn thoắt rà soát lại giấy tờ của một khách hàng người Ấn Độ. Bác có vẻ thân thiện và là một nhân viên mẫn cán trong ngành. Tôi cảm nhận thế khi nhìn bác ấy làm việc, rất nghiêm túc, điềm tĩnh nhưng cởi mở và quan tâm. 30 phút sau đến lượt tôi. Vẫn thái độ ấy bác nhìn tôi và cầm quyển hộ chiếu. Tôi có một cảm giác an toàn và ấm áp. Mọi thao tác của bác đều rất cẩn thận, chắc chắn và nhanh nhẹn. Tôi rời khỏi ngân hàng và không quên gửi lại bác một lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng. Tôi hy vọng sau này về hưu bác ấy sẽ được trao bằng khen, chứng nhận hay giải thưởng nào đó vì thái độ làm việc tuyệt vời này. Từ lúc sang đây, tôi trở nên nhạy cảm với mọi biểu hiện, hành động của người bản xứ mà tôi tiếp xúc. Họ ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của tôi, có thể là cảm giác sợ hãi, thất vọng hoặc vui vẻ, tin tưởng thậm chí là rưng rưng nước mắt. Họ quyết định một phần lớn tình cảm của tôi dành cho vùng đất này.
“Giờ mình cầm tập giấy xác nhận đóng tiền này về sở cảnh sát nộp cho họ nữa là xong rồi chị.” Sang nhắc tôi. Chúng tôi quay trở lại chỗ cũ, người nhân viên làm nốt thủ tục và gửi lại tôi giấy hẹn trong vòng 45 ngày sẽ có thẻ. 15 ngày sau tôi đã cầm được tấm thẻ NIE hợp pháp của mình, tất nhiên với một bức hình chân dung rất đẹp và sáng sủa.
Tết ở xứ tây
Vài ngày trước Tết Nguyên đán Việt Nam, tôi gọi về nhà qua Facebook. Cô cháu gái năm tuổi hớn hở khoe chiếc váy mới rồi làm động tác theo một điệu múa Ấn Độ nào đó xem được trong phim. Một tay giơ lên cao, hướng ra phía trước, một tay thẳng xuống dưới hơi đưa ra phía sau, một chân kiễng lên, cố đẩy cái mông ra sau rồi xoay tròn, nhưng chỉ được một vài vòng lại loạng choạng vì mất thăng bằng. Vừa xoay vừa cố miêu tả động tác của mình, với giọng đứt đoạn. “Bá ơi, con… con… đang múa giống… Anandi đấy. Váy này… váy này… cũng giống của… Anandi, vòng… tay nữa này, vòng chân… nữa. Bá… thấy có đẹp… không?”
Cô nàng mê bộ phim Cô dâu 8 tuổi đến nỗi không bỏ một tập nào và có thể nhớ tên tất cả các nhân vật trong phim. Quay tròn một hồi, đột nhiên nàng ngồi phịch xuống, vuốt mái tóc dấp dính mồ hôi rồi nói chưng hửng một câu. “Thôi con đi nghỉ tí đây, mệt quá!”
Nói xong nàng bỏ lại cái màn hình trống trơn với tiếng cười của bà và mẹ. Lúc sau tôi mới thấy khuôn mặt mẹ trên màn hình. Bà vẫn khỏe, béo hơn một chút và đang rất vui. Tôi phải cố giấu xúc động. Hồi ở nhà, một tháng tôi cũng chỉ về nhà một lần vào thứ Bảy hay Chủ nhật. Nhưng chuyến đi này mang đến những cảm xúc hoàn toàn khác biệt bởi khoảng cách và thời gian quá lớn. Một lúc sau cả tôi và mẹ mới có thể bắt đầu câu chuyện.
– Thế bên đấy có ăn tết như ở nhà không con?
– Không mẹ ạ. Ở đây người ta theo Tết tây. Giờ mọi người lại đi học đi làm bình thường rồi. Ở nhà sắm tết đến đâu rồi ạ?
– Thì cũng chỉ làm mâm ngũ quả, bánh kẹo, gói vài cái bánh chưng. Năm nay có con rể lo đồ ăn tết cho rồi.
– Nhất mẹ nhé!
– Thế ở đó họ có bán đồ ăn Việt Nam không?
– Có cửa hàng Trung Quốc bán một vài món và gia vị tương tự nhưng con không biết ở chỗ nào. Để hôm nào con hỏi mọi người ở đây. Con cũng quen đồ ăn rồi vì bên này họ ăn cơm như mình, thịt với hoa quả nhiều, có rau không được phong phú như ở nhà thôi mẹ ạ.
– Mà có nhiều người Việt ở đó không con?
– Cũng khá đông ạ. Để con hỏi mọi người xem có tổ chức gì cho Tết ta không.
– Phải đấy, mấy anh chị em làm mâm cơm ăn cho ấm cúng!
– Vâng.
– Bá ơi, con có áo dài mới mặc tết đấy. Đẹp lắm! Bố con mua cho. Bá có áo dài không? Bá có tết không? Bá có tiền lì xì không?
Cô cháu nghỉ lại sức xong rồi lại chạy ra tranh máy với bà, đặt một tràng dài các câu hỏi không cần câu trả lời, cho đến khi máy hết pin và tự tắt. Tuổi thơ ai mà không thích tết. Lâu rồi, tôi không còn mong chờ tết đến với tâm trạng rộn ràng như cháu của mình nữa. Tôi thường mong nó qua nhanh vì đó là khoảng thời gian tôi ru mình trong những bữa ăn và giấc ngủ triền miên. Sợ hãi ngày mùng Một khi họ hàng đến chúc mừng năm mới, luôn gửi khéo trong đó một câu bất di bất dịch: “Chúc cháu/em/chị/cô năm nay lấy chồng!” Mỗi năm tết đến tôi như vác đá trên lưng, tảng đá tỷ lệ thuận với thời gian, ngày một nặng hơn.
Nhưng trong những ngày này, cảm giác bổi hồi bồi hồi, rạo rực xốn xang của tuổi thơ lại ùa về. Tôi nhớ trước ngày tết, mẹ luôn sắm cho hai chị em mỗi người một bộ quần áo hoa mới, thơm thơm mùi vải mà tôi cứ ngỡ mùi của những bông hoa li ti in trên đó tỏa hương. Trước khi mặc đồ mới, chúng tôi phải tắm với nước lá mùi để bỏ đi những gì không may mắn của năm cũ, mong một cơ thể khỏe mạnh, xinh đẹp trong năm mới.
Cả nhà sẽ ngồi quây quanh nồi bánh chưng hết đêm. Chúng tôi thường bỏ ngô, khoai vào nướng. Ngoài trời gió bấc thổi rít từng cơn, rét căm căm nhưng trong căn nhà nhỏ hơi nóng của lửa, mùi thơm của bánh tỏa ra làm cho mọi thứ trở nên ấm áp hơn. Mùi khen khét của củi cộng với mùi thơm nưng nức của bánh là thứ mùi no ấm nhất tôi từng biết. Không có ti vi, không có chương trình âm nhạc nào ngoài tiếng lách tách cháy của củi và tiếng lục bục của nước trong nồi bánh đang sôi, nhưng với tôi những âm thanh ấy vui nhộn như một bài hát mừng năm mới.
Trên đường đi học tôi cố nhìn xem quanh đây có dấu hiệu nào mang chút không khí của một năm mới thứ hai. Chỉ có màu xám xịt, mưa và gió lạnh. Mọi người ẩn mình trong những chiếc ô đủ màu sắc vội vã bước qua nhau. Dường như không ai biết đến sự tồn tại của ngày Tết ở vùng viễn Đông xa xôi, trong khi những cư dân ở đó lại hào hứng đón chào sự du nhập của năm mới phương Tây. Tôi đã bỏ lỡ cả hai thời khắc quan trọng của năm mới theo lịch dương và lịch âm, cảm giác như năm nay dài gấp đôi các năm khác. Không có dấu mốc nào cho tôi đánh dấu sự chuyển giao. Tôi đang quên dần ý niệm về thời gian với lịch học và lịch sinh hoạt đều đều từ tuần này sang tuần khác, một cung đường không hề thay đổi từ nhà đến trường.
Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho những ngày kỷ niệm, ngày thành lập, ngày tưởng nhớ, ngày chúc mừng, ngày lễ lạt, ngày tri ân,… Có khi nếu đem cộng tất cả các ngày này trên thế giới lại nó sẽ phủ kín 365 ngày trong năm cũng nên. Hôm nay cũng như bao ngày khác với tôi chỉ là một ngày đến lớp. Trong khi giờ này nếu ở Việt Nam tôi đang mải miết đi sắm đồ với mẹ, dọn nhà, gói bánh, cắm hoa,…
Cổng trường đã sừng sững trước mặt khi tôi kịp ngước nhìn lên. Nó kiêu hãnh đứng đó trong mưa gió ảm đạm thoáng chút cô đơn. “Này người bạn lớn, ông bao nhiêu tuổi rồi? Tôi là sinh viên thứ bao nhiêu được ông đón qua đây?”
Không có câu trả lời, chỉ có mưa gió đang tạt vào mặt tôi. Đại học Zaragoza được thành lập năm 1542, nhưng trước đó từ thế kỷ thứ VII, nó đã được biết đến là tập hợp những trường học thuộc Công giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Giám mục Braulio (người sau này trở thành vị thánh bảo trợ của trường). Các tài liệu từ năm 1335 còn cho biết, có một trường nghệ thuật, giảng dạy nghệ thuật tự do, với các môn học bao gồm Tam khoa (Trivium): văn phạm, tu từ học, logic và Tứ khoa (Quadrivium): số học, hình học, âm nhạc, thiên văn. Người ta cũng gọi đây là bảy nghệ thuật trong giáo dục khai phóng thời Trung Cổ.
Từ năm 1474 – 1476, ngôi trường này được nâng lên thành Trường Nghệ thuật Tổng hợp trước khi trở thành trường đại học vào năm 1542. Đây là một trong những trường lâu đời nhất ở Tây Ban Nha. Có thể cổng trường này cũng được xây dựng từ một trong những giai đoạn trên hoặc muộn hơn. Ngày nay Đại học Zaragoza nổi tiếng là trung tâm đổi mới công nghệ không chỉ ở trong nước mà cả châu Âu và trên thế giới.
Tôi chỉ đang bập bẹ nói tiếng Tây, không liên quan gì đến bề dày lịch sử và thành tích phía trên nên khi bước chân qua cánh cổng này, tôi cảm thấy mình nhỏ bé làm sao.
– Làm gì mà ngẩn tò te ra thế chị?
Tiếng Sang hỏi phía sau làm tôi giật bắn vì sợ lộ ra sự thật mình đang thầm trò chuyện với cái cổng trường.
– Em lầm lũi đi theo chị từ lúc nào đấy?
– Lúc chị qua đường tàu điện ấy.
– Ủa sao lúc đó không gọi chị?
– Em thấy chị trầm tư quá nên cứ đi theo xem sao.
– Ờ hớ. Vậy có phát hiện ra cái gì không?
– Em cũng chú tâm vào cuốn từ điển mà.
Nói xong câu này tôi mới thấy Sang ngẩng mặt lên cười nguệch ngoạch, cứ như thể nụ cười là một phần lầm lỗi trên toàn bộ khuôn mặt chữ điền, rồi lại cắm mặt trở lại cuốn từ điển. Chúng tôi lặng lẽ bước qua cổng trường vào lớp học. Nhóm sinh viên Việt Nam đang bàn luận vấn đề gì đó rất sôi nổi.
Dương đang chủ trò câu chuyện quay ra hỏi chúng tôi:
– À, hai người đây rồi. Mọi người đang lên kế hoạch làm bữa tiệc nhỏ mừng năm mới. Chị và Sang thấy sao?
– Tất nhiên là đồng ý cả hai tay rồi.
Tôi hào hứng đáp lại vì cũng có ý định nói với mọi người chuyện này vào sáng nay.
– May quá, giao thừa rơi vào tối Chủ nhật chị ạ.
– Vậy ăn xong chúng ta có thể đi đón giao thừa quanh Zaragoza.
Đầu bếp Tâm xen vào câu chuyện của hai chị em.
– Thống nhất là sáng Chủ nhật mọi người tập trung ở gần cổng trường rồi cùng nhau đi chợ mua đồ. Thực đơn thế nào thì sẽ bàn thêm sau.
Tâm vừa nói xong thì cô Marta bước vào lớp. Đám sinh viên Việt vẫn đang léo nhéo với nhau chưa dứt ra được.
– Các bạn có chuyện gì vui thế?
Cô Marta nhìn chúng tôi rồi như sực nhớ ra điều gì.
– À, sắp đến năm mới phải không?
Tất cả chúng tôi quay ra gật đầu. Dương nói về bữa tiệc và mời cô tham gia nhưng hôm đó cô Marta bận việc. Trước khi kết thúc buổi học, cô gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả chúng tôi.
Một gia đình nhỏ có sáu người, mang những họ khác nhau kéo dài từ Hải Phòng vào đến Thành phố Hồ Chí Minh dắt díu nhau đi chợ tết ở trời tây. Chúng tôi sẽ không thể làm một mâm cơm tết theo đúng truyền thống nên tinh thần nấu được gì thì ăn cái đó. Tâm đến Zaragoza trước chúng tôi và đã từng làm thêm cho một vài nhà hàng ở Đức và ở Tây Ban Nha vì thế đầu bếp chính hôm nay thuộc về cậu ấy.
Delicias là một khu chợ lớn ở Zaragoza. Thực phẩm ở đây rẻ hơn nhiều so với trong siêu thị nên cuối tuần bao giờ cũng đông đúc. Mọi người từ các nơi đổ về mua đồ dự trữ cho cả tuần. Người mua phải rút số thứ tự và xếp hàng. Tâm khá kinh nghiệm với cách làm việc của khu chợ này, cậu bảo chúng tôi chia theo nhóm để mua cho nhanh vì xếp hàng chờ sẽ rất lâu. Tôi nhìn quanh thấy quầy nào cũng một hàng dài người đứng chờ.
Tâm gọi chúng tôi ra một chỗ thoáng để thảo luận và phân ba nhóm đi mua rồi hẹn nhau ở cửa vào chợ:
– Mọi người, tập trung lại đây. Thực đơn mình sẽ mua là: thịt bò, tôm, cánh gà, bí ngòi4, hành tây, rau mùi, xà lách, cà chua và hoa quả.
Tôi và Sang đi mua thịt gà, kiwi và cam.
Khoảng một giờ chen chúc trong chợ, cuối cùng cả nhóm cũng thoát được ra ngoài. Tâm vừa nhét đống đồ ăn của cả nhóm vào trong ba lô vừa nói.
– Phúc nói sẽ mua đồ uống và có cả món mực nướng cậu ấy mang từ Việt Nam sang nữa.
Hải reo lên và xuýt xoa khi nghĩ tới mùi mực nướng chấm tương ớt.
– Ôi hương vị của quê hương!
Cả ngày hôm đó chúng tôi có món thịt bò xào bí và hành tây, tôm hấp, cánh gà nướng, mực nướng và bánh mì. Một mâm cơm tết của du học sinh Việt ở Zaragoza. Thêu cũng khoe vừa đi ăn năm mới với nhóm bạn bè người Việt ở Madrid. Ở xứ này, mỗi chúng tôi đều cố tìm cho mình một gia đình nho nhỏ, để quây quần trong những ngày tết đến xuân về. Tìm một chút không khí sum vầy qua bạn bè, cùng nhau nấu nướng, chia sẻ với nhau những câu chuyện tết ở quê mình. Đây cũng là cái tết đầu tiên xa nhà của tất cả mọi người.
Tối muộn chúng tôi rời khỏi nhà Dương, quyết định lang thang quanh thành phố để đón giao thừa. Vừa đi, tôi và Dương vừa tung tẩy nắm tay nhau vừa nghêu ngao bài hát Mùa xuân đầu tiên:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn
Là la lá la la la….”
Bầu trời tối như đêm 30 và lất phất mưa bay, những con đường chúng tôi qua cũng không một bóng người, cứ như thể họ dành cả không gian này cho chúng tôi có một đêm giao thừa trọn vẹn. Khi đi men theo một dòng sông nhỏ, tôi và Dương cùng òa lên trước một bông hoa đang nở, nó có màu hồng phớt giống hoa đào. Tôi không biết là hoa gì nhưng tôi đặt tên cho nó là hoa đào Tây Ban Nha. Dương lấy vội điện thoại ra chụp lại, những chấm hồng nhạt in trên nền trời đen đẹp như những vì sao. Đó là dấu hiệu duy nhất của tết mà tôi tìm thấy ở đây. Một loài hoa lạ xuất hiện trước mắt vào thời khắc giao thừa. Tôi tin đây là một điều kỳ diệu!
Chú thích:
[4] Hay còn gọi là bí ngồi
Chuẩn bị gì cho những nỗi cô đơn?
Nỗi cô đơn thường đến vào những ngày tháng đầu tiên, khi bạn chưa hòa nhập được với môi trường mới, vùng đất mới. Nó có thể qua đi nhanh nếu bạn xử lý tốt nhưng nó cũng có thể sẽ đeo bám bạn và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn. Đừng quên chuẩn bị cả điều này trong hành trang du học của mình.
Khi còn ở Việt Nam, mỗi lần nói chuyện với chị bạn thân đang học bên Úc là thấy chị kêu cô đơn và buồn chán. Tôi tự hỏi tại sao như thế? Và luôn đưa ra những lời khuyên đầy lý thuyết. Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ thấy chán, tôi sẽ đi thật nhiều, nói thật nhiều, khám phá vùng đất mới ấy với tất cả đam mê và sự tò mò. Vậy là trong hành trang sang đây của mình tôi bỏ lơ nó, chỉ có một tâm trạng háo hức đi để khám phá.
Nhưng giờ, tôi đang nằm ì trên chiếc giường trong phòng mình và trải nghiệm nỗi cô đơn ấy. Tôi không nói chuyện nhiều với các bạn cùng nhà. Chúng tôi đi làm và đi học lệch giờ nhau. Họ có cách sống khác tôi. Ser vừa học, vừa làm thêm và đến tối cậu vẫn có thể tụ tập trong quán bar thâu đêm với bạn bè. Không chỉ có Madrid mới sống về đêm đâu, ở đây cũng vậy, những quán bar luôn chật kín người. Thật xui xẻo, tôi không phải là người hướng ngoại như thế. Will bận với công việc và cuối tuần thường dành thời gian cho bạn gái. Cậu bạn da đen Jose cạnh phòng tôi thi thoảng mới thấy xuất hiện.
Mọi người thường gặp nhau trong bữa tối. Chào hỏi vài câu rồi ai lại vào việc của người đó. Tôi hay giáp mặt với Will vì giờ giấc có phần giống nhau. Will đến từ Ecuador, đang làm nhân viên cho một công ty điện thoại. Cậu ấy cũng là người tôi cảm thấy thoải mái nhất khi nói chuyện. Lần nào gặp nhau ở bếp, Will cũng trêu tôi là “La sirena preciosa” – nàng cá xinh đẹp.
Nguồn gốc của tên gọi là vì tôi thích ăn cá. Một lần Will lao từ trong phòng ra nhà bếp và mở toang cửa sổ, sau đó quay lại phía tôi xua tay loạn xạ. Mùi cá rán đã len lỏi khắp các phòng trong nhà, trong bếp làn khói quyện cùng hơi cá như một lớp sương mờ ảo. Tôi thích mùi cá rán nhưng Will có vẻ sợ. Will thích gà. Mỗi lần đi siêu thị cậu ấy xách hẳn một con gà to 5-6 ki lô gam rồi về tự lọc ra và chia thành các phần ăn dần.
Tôi nhìn khuôn mặt nhăn nhó vì khói và mùi tanh từ cá của cậu ấy mà ứng tác ra một câu tiếng Tây để thay lời xin lỗi.
“Yo soy Anna. Me gusta el pescado, así que soy una sirena preciosa y a ti, William, te gusta el pollo, así que eres un gallo muy guapo.”
(Mình là Anna. Mình thích cá nên mình là một nàng cá xinh đẹp, còn cậu Will, cậu thích gà nên cậu là chàng gà đáng yêu)
Will cười lăn lóc. Cái tên La sirena preciosa dành cho tôi từ đó. Nhưng sau tiếng cười tất cả lại chùng xuống vì chúng tôi thiếu ngôn ngữ, không thể nói được nhiều hơn, giống như một quả bóng từ trong một cái hố sâu được tung lên không trung, nó vui sướng được nhìn thấy ánh sáng, nắng, gió, cỏ cây, những âm thanh sôi động rồi sau đó lại rơi tõm xuống hố, im lìm và mất dạng.
Đã hơn một tháng. Thời tiết ở Zaragoza thỉnh thoảng mưa phùn, lạnh tê tái và nhiều gió, nhiệt độ có lúc dưới 20C. Tôi vẫn không dám bật ra khỏi quỹ đạo an toàn từ nhà đến trường và chỉ quanh quẩn vài chỗ gần con đường chính ấy. Tôi thích những ngôi nhà ngoại ô hoặc vùng nông thôn, không phải những thành phố trung tâm lớn như thế này, nhộn nhịp thật đấy, đông vui thật đấy, nhưng đó lại là nơi tôi cảm thấy cô đơn, bí bách, chật chội và tù túng làm sao. Niềm vui của mọi người ở đây là những buổi tiệc tùng, nhà hàng, quán bar, quảng trường, những nơi công cộng nhưng niềm vui của tôi là được ngồi bên lò sưởi, hay trong căn phòng ấm với một vài người để trò chuyện thân tình, dù cho bên ngoài là một vùng đồng không mông quạnh.
Ngoài giờ học, tôi nuông chiều bản thân trong những giấc ngủ. Tìm những cuốn tiểu thuyết liên quan đến Tây Ban Nha để đọc: Nhà giả kim, Bản thảo bằng đá, Don Quixote,… Cứ thế, tôi đánh mất dần ý niệm thời gian và không gian ở nơi này.
Tâm trạng, tinh thần và cả sức khỏe của tôi ngày càng xuống dốc. Bụng tôi hay đầy hơi rất khó chịu, có thể vì lạ nước và chưa hợp đồ ăn hay cũng có thể vì tinh thần không tốt. Tôi không xác định rõ cái nào ảnh hưởng đến cái nào. Thỉnh thoảng tôi bật khóc trong đêm, sợ hãi khi nghĩ đến sức khỏe của mình. Nếu phải vào bệnh viện, ai sẽ đi với mình, ai sẽ ở bên? Một cảm giác bơ vơ đến tột cùng và nhớ nhà đến cồn cào khiến tôi thêm bệnh mất ngủ buổi tối.
Tan buổi học Hương lo lắng nhìn tôi:
– Chị Uyên, nhìn chị mệt quá, chị bị ốm à?
– Ừ, chị bị đầy bụng gần một tuần nay rồi. Thường bị đau ở cạnh sườn bên trái và bị táo.
Hương hoảng hốt:
– Ôi, thế nguy hiểm đó chị ơi!
Tôi cũng hốt hoảng hỏi:
– Là làm sao hả em?
– Cẩn thận không chị lại bị thận đó.
– Làm sao mà em biết?
– Anh Long ở cùng nhà với em vừa đi cấp cứu tuần trước và phải mổ thận đó. Anh ấy cũng có biểu hiện giống như chị. Chị đến bệnh viện khám đi.
Đến bệnh viện ư? Tôi tưởng tượng ra cảnh một mình mình trơ trọi, đơn độc giữa những người áo trắng câm lặng đi qua đi lại mà không ai biết tôi tồn tại ở đó, giống một phân cảnh trong phim kinh dị.
– Cũng may chị gái em đi cùng còn biết tiếng để làm thủ tục cho anh ấy.
Thế ai đi cùng tôi và giúp tôi làm thủ tục? Tôi không thạo tiếng Tây Ban Nha. Cô Marta cũng chưa dạy tình huống này.
– Cũng tội anh Long, cứ phải nằm viện một mình. Bọn em học xong lại chạy vào chơi cho anh đỡ buồn. Cả bệnh viện ai cũng ngạc nhiên, chắc họ chưa thấy cảnh thăm nuôi thế này bao giờ.
Tôi tiếp tục tưởng tượng ra cảnh đoàn người áo trắng lẳng lặng đưa tôi vào một giường bệnh cũng toàn màu trắng, tôi nằm đấy trong héo hon và cô quạnh.
– Chị vẫn nghe em nói đấy chứ?
– Chị vẫn nghe.
– Chị ổn đấy chứ? Trông chị cứ như đang chìm vào hôn mê ấy.
– Chị không chắc. Chị đang mê sảng thì đúng hơn.
– Em nghĩ chị nên đến bệnh viện khám sớm để còn biết.
Tôi lắc mạnh đầu cho tỉnh táo lại và nhìn xung quanh định vị lại vị trí của mình và mọi thứ.
– Hừm, để chị theo dõi vài hôm nữa xem sao nhé!
– Vâng, nhưng nên đi sớm chị ạ. Mà cũng may anh Long mua bảo hiểm tốt nên không mất đồng nào. Ốm đau đúng là sợ thiệt chị ha. Để mai em cầm đi cho chị một gói thuốc chữa đầy bụng, chị uống thử xem có đỡ không nhé!
– Ừ, mai em cầm đi cho chị nhé!
– Vâng.
Nói xong tôi và Hương mỗi người một ngả về nhà. Tôi bắt đầu nghĩ đến bệnh thận.
Chiều thứ Bảy, tôi lầm lũi đi tới trường, ngồi trên chiếc ghế gỗ, nhìn lơ đãng mọi thứ xung quanh trong vô thức. Hôm nay là ngày nghỉ nên chỉ có vài người quanh đây dắt chó đi dạo. Trời nắng nhưng ngồi một chỗ sẽ lạnh vì thế tôi đi lại cho ấm người. Rồi một loạt câu hỏi cũng dồn dập đến theo bước chân, như tất cả ấm ức, dồn nén đang trào ra cùng nước mắt.
– Tại sao mình lại đến đây?
– Mình đến đây để làm gì?
– Mình bỏ lại tất cả công việc, gia đình, bạn bè để đến đây làm bạn với cô đơn sao?
– Mình phải đi đâu đấy?
– Nhưng mà đi đâu?
– Mình sợ đi một mình.
– Mình không biết đường xá, xe cộ ở đây thế nào.
– Mình không có ai ở đây thật sự thân thiết để hỏi.
– Mình không có nhiều tiền để mà hoang phí.
– Sức khỏe mình đang không tốt.
– Mình không biết bị làm sao.
– Mình có nên đi bệnh viện không?
– Nhưng đi bằng cách nào?
– Có ai đó giúp mình không?
– Mình sợ!
– Mình cô độc và cô đơn!
– Mình nhớ nhà!
– Đây đâu phải là mình?
– Mình đã đánh mất bản thân ở đâu rồi?
Cứ thế tôi đi hết vòng này đến vòng khác quanh trường cho đến khi nhận ra cả thành phố đã lên đèn và chỉ còn mình tôi chơ vơ ở đấy với những tòa nhà, những hàng ghế và bụi cây đã ẩn mình trong bóng tối. Tôi lại lầm lũi trở về nhà, mệt mỏi và trống rỗng.
Tôi nhắn tin qua Facebook cho Sang.
– Em đang làm gì đấy? Mai có rảnh không? Hai chị em mình đi đâu đó đi?
– Em đang chơi game. Ở đây có gì đâu mà chơi, ở nhà đọc báo, lướt web học được bao nhiêu thứ, lang thang không mục đích làm gì cho phí thời gian hả chị.
– Vậy chứ em đến đây để làm gì?
– Tạm thời thì để học. Vậy thôi.
Nói xong Sang gửi cho tôi một bức ảnh về món ăn mới vừa nghĩ ra. Sau một tháng ở nhà host với giá 600 euro/tháng và những ngày ôm bụng đói đi học vì không thể nuốt nổi đồ ăn chủ nhà nấu, Sang đã thuê một căn phòng khác với giá 190 euro/tháng. Dù phải tự nấu ăn nhưng anh chàng có vẻ thích thú với điều này vì thế luôn tìm cách sáng tạo ra những công thức nấu ăn có một không hai. Có hôm gói bánh đa nem với giăm bông, pho mát, cà rốt, khoai tây và rau diếp. Hôm nay lại một món ngẫu hứng gì nữa đây? Những món ăn này tôi sẽ không bao giờ tìm thấy ở đâu.
– Chị chưa nhìn ra. Cháo cũng không phải mà xúp cũng không.
– Em cho tất cả cơm, rau và thịt vào nấu chung cùng một lúc. Tiết kiệm thời gian mà ăn ngon phết. Bà chủ nhà rất tò mò với cách nấu ăn của em. Bà ấy hỏi em đây có phải món ăn Việt Nam không. Em bảo đây là món pha trộn giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.
Thảm họa ẩm thực! Nhưng vì nó tôi cũng kiếm được một nụ cười và niềm vui trong chốc lát. Không hy vọng gì với tên mọt sách, mọt game, mọt nhà này, có khi mời đến ăn cơm còn khả thi hơn, nhưng giờ tôi không có tâm trạng nấu nướng cho ai cả. Tôi chuyển qua Dương, cô nàng lúc nào cũng đầy rẫy những hoạt động và những buổi gặp gỡ các bạn mới, hy vọng sẽ nhận được lời khuyên tốt để thoát ra khỏi tình trạng này.
– Chị không hiểu sao, tâm trạng và sức khỏe của chị cứ tụt dốc không phanh Dương ạ. Đây đâu phải lần đầu tiên chị xa nhà và ở một mình. Chị đã quá quen với điều này rồi.
– Em cũng đang rơi vào trạng thái ấy Uyên ạ. Em cũng không hiểu nữa. Em cũng khóc rất nhiều. Thời gian cứ trôi đi và em cũng chỉ ăn với ngủ. Các bạn cùng nhà lúc nào cũng bận rộn với lịch học, làm việc và chơi không mệt mỏi.
– Chị thấy em đi suốt mà.
– Vâng, em tham gia hết mọi thứ để lấp đầy thời gian, tập gym, tập nhảy vì nếu một mình em lại rơi vào hụt hẫng.
Tôi cứ nghĩ một mình tôi chơi vơi chới với nhưng cả với cô gái hoạt bát và sôi nổi nhất mà tôi từng biết cũng thế. Dương là người thích du lịch một mình. Trước khi đến đây, cô ấy đã lang thang một năm trời ở Myanmar. Tôi hỏi thêm Thái và Thêu, hai người đã ở đây một thời gian dài. Liệu họ có trải qua những thăng trầm này không? Thêu trấn an tôi:
– Chị đừng lo. Hồi đầu em cũng thế đấy. Lúc mới đến Tây Ban Nha em cũng như chị, biết mỗi câu chào: Hola, cómo estás? (Xin chào, bạn có khỏe không?). Ra đường em như người câm điếc ấy, thảm vô cùng. Em ở cùng phòng với một chị người Việt, chủ nhà cũng biết tiếng Anh nên em có thể giao tiếp được. Nhưng tâm trạng lúc mới sang chị cũng hiểu rồi mà, như bị tự kỷ, chưa quen gì cả. Ngoài giờ đi học, em cũng chỉ ở trong phòng, đóng chặt cửa, không muốn nói chuyện với bất kỳ ai cả. Một thời gian nữa rồi chị sẽ vượt qua thôi. Ai đến đây hầu như cũng đều bị sốc vì văn hóa, sốc vì thay đổi môi trường, sốc vì thay đổi cuộc sống,…
– Còn bây giờ em thấy thế nào? Đã hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống ở đây được chưa?
– Bây giờ thỉnh thoảng em vẫn có cảm giác trống trải, nhất là lúc mệt và bị ốm, nhưng luôn động viên mình, cố lên, cố lên! Chị cũng cố lên!
Vì tôi đã nghỉ học quá lâu nên việc quay lại với cuộc sống sinh viên sẽ khó khăn hơn chăng? Tôi đã quen với cuộc sống tự do và ngẫu hứng của một phóng viên nên giờ tự dưng bị khép vào những khung giờ nhất định và bị chôn chân ở một chỗ mà cảm thấy tù túng chăng? Nhưng ít nhất bây giờ tôi cũng không phải là người duy nhất ở đây gặp tình trạng suy sụp này. Tôi không biết mình sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách nào nhưng tôi tin rồi nó cũng sẽ phải qua.
Tôi gọi điện cho Thái để kiếm người nói chuyện khi không biết làm gì vào một ngày mưa u ám như hôm nay và cũng muốn xem cậu em đã từng rơi vào tình trạng khủng hoảng này như thế nào. Nghe giọng nói sôi nổi nhưng nội dung thì trái ngược.
– Em vẫn cô đơn chị ạ. Mặc dù em có đội bóng ở đây nhưng em không thực sự có được cảm giác gia đình. Lúc nào cũng bất an. Thành phố này buồn tẻ và không có gì cả.
Dường như cô đơn đeo bám cậu ấy quá lâu. Hoặc có thể Madrid là một nơi nhộn nhịp và nhiều thứ để khám phá hơn thành phố này nên Thêu dễ dàng bắt nhịp hơn. Thái đang học ở Alcalá, đây là một đô thị trong Cộng đồng Madrid. Một nơi có lẽ còn yên tĩnh hơn cả Zaragoza.
– À, hay là em đến chỗ chị chơi nhé, em qua Barcelona rồi nhưng chưa ghé Zaragoza. Cách giải quyết cô đơn tốt nhất là đi du lịch chị ạ. Nhưng đi một mình chán lắm, giờ đi đâu em sẽ rủ chị đi cùng. Chị đi cùng em nhé!
Giọng Thái hào hứng hẳn lên như vừa phát hiện ra mỏ vàng. Câu cuối này mới hấp dẫn làm sao. Tôi có thể đi bất kỳ đâu, bằng bất kỳ phương tiện gì miễn là không phải đi một mình. Không phải vì tôi sợ cô đơn mà tôi sợ bị lạc đường. Từ bé và đến tận bây giờ, trong những chuyến trốn nhà phiêu lưu dù ngắn hay dài, gần hay xa của mình tôi đều có một đồng minh dẫn đường đầy hiểu biết và kinh nghiệm.
Người truyền cảm hứng đầu tiên là bố tôi, đi đâu ông cũng dắt tôi đi cùng, từ những bộ phim Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa tối tối ở nhà người bạn của ông ở cuối làng đến những cuộc tổ tôm của các cụ kéo dài lê thê hết buổi chiều. Ngay cả 10 phút đi bộ mua rượu tôi cũng tranh thủ nắm tay ông.
Chuyến gần đây nhất trước khi đến Tây Ban Nha, tôi đi cùng Hạnh sang Lào bằng xe máy. Tôi không thể là người dẫn đường hay lái xe chuyên nghiệp nhưng tôi chắc chắn sẽ là một người truyền cảm hứng tuyệt vời cho bạn đồng hành. Có lẽ Thái nói đúng, tôi cần một chuyến đi.
– Em đến đi, chị dẫn em đi khám phá thành phố này.
– Yeah, thế để em sắp xếp thời gian.
Cả hai chị em như lấy lại được sinh khí sau những ngày ủ ê, mệt rũ. Mặc dù mọi thứ mới chỉ là kế hoạch. Tôi và Thái còn chưa gặp nhau lần nào. Nhưng ở đây, nơi xa xôi và không một người thân bên cạnh này, sự đồng cảm và sẻ chia đã đủ để trở thành thân thiết.
Việc giữ cho mình một sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần là điều quan trọng. Trạng thái này có thể tồn tại một thời gian ngắn hoặc kéo dài tùy vào hành động của tôi. Tôi biết có bạn du học sinh đã bỏ cuộc trở về nhà, nhiều bạn rơi vào trầm cảm, tệ hơn nữa đã có bạn tự tử vì không vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tôi bước ra ngoài ban công, mở cửa và ngắm mưa bên ngoài. Con ngõ nhỏ phía sau tòa nhà không người qua lại. Trời đang chuyển dần về tối, vài chú mèo hoang lao qua đường, chốc chốc gió lại thổi từng cơn mạnh. Tôi để mặc cho nước mưa và gió lạnh táp vào mặt. Dù bao nhiêu tuổi đi nữa, dù kinh nghiệm thế nào đi nữa, khi đến một vùng đất mới, không phải là một người du lịch mà như một người cư ngụ, những chuyện thế này có thể xảy ra. Chúng ta không chỉ lệch múi giờ mà còn lệch mọi thứ so với nếp sống cũ và vùng đất cũ của chính mình.
Hai ngày cuối tuần tôi không đi đâu cả. Quyết định mua chanh về pha nước uống thật nhiều, tối ngâm chân và ngồi thiền, hít thở thật sâu để cơ bụng được vận động, cố giữ cho mình không rơi vào trạng thái sợ hãi và những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật. Tôi đấu tranh quyết liệt với tâm trí mình, mỗi khi nó chuẩn bị rơi vào hoảng loạn hay than vãn ốm đau, tôi lại cố gắng gạt bỏ bằng cách đi lại và lẩm bẩm: “Không sao đâu. Mọi thứ ổn thôi Uyên. Sẽ ổn thôi. Đừng sợ! Đừng sợ!” Hay đọc bất kỳ một thứ gì đó thật to, một câu chú trong kinh Phật, hát một bài và nhún nhảy. Làm mọi thứ lành mạnh nhất có thể, mang thổ cẩm ra khâu vá, bày biện nấu ăn, tập thể dục, làm tóc, cắt móng chân móng tay, cạo lông mày, tô son và chụp ảnh tự sướng,…
Bụng tôi bắt đầu có chiều hướng tốt hơn, không còn những cơn đau quặn bên cạnh sườn và cũng đang xẹp dần xuống. Tôi duy trì đều đặn phương pháp này, một vài ngày thì khỏi hẳn. Vậy là tôi không bị thận. Tạ ơn Đức Phật!
Cứ đi dọc dòng sông
Thứ Sáu, trên đường đi học, thay vì ngoặt tay phải đến trường, tôi rẽ tay trái. Xin lỗi cô Marta, hôm nay tôi bùng học vì một lẽ tò mò và muốn đi ngược, làm ngược lại những điều hằng ngày vẫn làm.
Tôi đã đến thành phố Zaragoza này hơn 1 tháng, chính xác là 1 tháng 13 ngày đến Tây Ban Nha và 1 tháng 9 ngày ở Zaragoza, nhưng gần đây mới tự tin ra đường không cần 3G, không cần Google map. Đó là một thành công lớn trong sự nghiệp đường xá của tôi và ít nhất tôi đã không cảm thấy mình lạc lõng với thành phố này, tôi đang bắt đầu thấy mình là một phần của nó.
Đi một đoạn ngắn mới phát hiện ra, con đường này nhập với con đường nhỏ cạnh nhà. Ngày đầu tiên tôi và Thêu đến đây đã đi dạo nhưng ở đoạn đầu tiên đi từ ngã tư đường Miguel Servet. Tôi thấy hào hứng quá, cảm giác như có điều gì đặc biệt đang chờ mình phía trước. Màu nắng ấm, những đám hoa dại nở bung hai bên đường. Ô kìa, trên một bục bê tông hình tròn, lũ chim bồ câu đang sà xuống, đậu kín và ríu ran trò chuyện dưới tán cây nở hoa. Ở đây, đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp bồ câu, chúng bình thản đậu ở mọi nơi, đi bộ cùng người trên vỉa hè, đậu trên những trái nhà,…
– Làm một chuyến đi dọc dòng sông nhỏ này chứ Uyên?
– Ừ, sợ gì đâu, cứ men theo nó mà đi, không bao giờ lạc!
Tôi nói với chính mình như thế và nhún nhảy bước đi. Tôi nhận ra mọi thứ quanh đây thật nguyên sơ. Con đường đất vẫn còn vài vũng nước nhỏ sau trận mưa hôm qua. Những đám cỏ bên sườn dốc, những bông hoa dại nhỏ li ti, đủ màu sắc nở trong nắng sớm. Dưới lòng sông, vài con vịt trời đang đứng rỉa cánh, những con mèo hoang vờn đuổi nhau. Ngay phía trên, bên phải tôi là dòng xe tấp nập qua lại. Dưới này, một con đường nhỏ bình yên và tĩnh lặng, chỉ có tiếng nước chảy và thiên nhiên đang hòa điệu vào nhau.
Men theo đó một hồi, dòng sông nhỏ ấy bỗng mở ra một dòng sông rộng lớn hơn. Hóa ra con sông này nhập vào sông lớn Ebro. Lòng tôi như cũng được mở rộng thêm. Vừa đi tôi vừa nhớ lại quyển sách mình đã đọc Câu chuyện dòng sông, khi người lái đò Vệ Sử dạy cho Tất Đạt nghệ thuật lắng nghe.
Hãy lắng nghe nữa đi, lắng nghe sâu hơn nữa, nhìn sâu hơn nữa vào dòng sông kia để thấy rằng: “Tất cả chúng ta đều là dòng biến chuyển, là khúc sinh ca.”
Tôi nhìn thấy những dòng sông khác ở đây, dòng sông chảy quanh ngôi làng nhỏ của tôi. Tôi đã sống và nô đùa với nó từ khi còn bé xíu. Hồi đó, bố mẹ đi cất vó đêm và thả hai chị em ngủ giữa cánh đồng. Nửa đêm tôi thường tỉnh dậy và chạy lang thang dưới trăng dọc bờ sông tìm họ. Rồi những ngày mùa hè trốn việc nhà lang thang cùng cậu cháu ra sông chơi, nằm trong cái lều nhỏ đọc những cuốn tiểu thuyết cũ mèm, bên ngoài sen nở những đóa hồng đóa trắng. Để được hưởng thụ như thế chiều tối về tôi phải chấp nhận những trận lôi đình của mẹ. Thôi thì mọi thứ đều có giá của nó, nhưng mẹ không bao giờ dùng roi đánh phạt.
Những dòng sông luôn đưa bạn đến những hồi ức xa xôi. Nó đang đưa tôi trôi ngược về tuổi thơ của mình và cả những chiêm nghiệm về đời người, về cuộc sống. Tôi đang muốn trải lòng mình ra với sông.
“Chào sông lớn, rất vui được làm quen với một trong những người già cả nhất Zaragoza. Tôi ở đây được hơn một tháng rồi. Tôi đã gặp sông vào hôm đầu tiên tới đây, nhưng hôm đó trời tối và tôi chỉ đi ngang qua. Hôm nay chúng ta mới thực sự gặp mặt nhau.”
“Chào cô gái nhỏ!”
Tôi nghe thấy lời chào lại từ dòng nước đang trôi vì thế tôi tiếp tục.
“Tôi đang cố vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Tôi biết sông có thể giúp được tôi. Tôi đang cảm thấy tốt hơn khi đi bên cạnh sông. Tốt hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy mát mẻ vì hơi nước. Tôi cảm thấy tâm hồn mình đang thênh thang vì sự dài rộng của sông. Tôi cảm thấy cơ thể khỏe khoắn hơn vì sự mạnh mẽ của sông.”
Từ hôm đó, tuần nào tôi cũng lang thang dọc bờ sông. Tôi không có bản đồ cho chuyến đi này mà hoàn toàn ngẫu hứng theo những tấm biển chỉ dẫn dọc bờ sông. Hãy bắt đầu từ cây cầu Santiago, nó rất gần quảng trường Plaza del Pilar và nhà thờ Basílica del Pilar. Phía trước cầu bên tay phải có một tấm bảng đá to khắc nổi cách điệu chữ “Puente de Santiago” (Cầu Santiago) ở giữa.
Cầu Santiago được hoàn thành vào năm 1967, là tuyến đường chính dành cho các phương tiện giao thông, một trong những điểm tiếp cận thẳng đến trung tâm lịch sử của thành phố. Quy mô rộng lớn của nó như một nét chấm phá hiện đại và là gạch nối cho những gì đã cũ với nhịp sống đang phát triển không ngừng hai bên sông.
Có vài chiếc khóa được khóa trên thành cầu, có lẽ của những cặp đôi đã để lại đây minh chứng tình yêu của họ. Lúc nào đi đến đây tôi cũng sẽ đứng trên cầu và nhìn về phía nhà thờ Basílica del Pilar và cây cầu đá. Khi có nắng chúng sáng bừng trên mặt nước lấp lánh và được nhuộm xanh bởi nền trời in bóng, khoe những đường nét, màu sắc của lớp trang trí trên mái vòm và tháp chuông, cả màu rêu thời gian phủ trên từng lớp đá. Khi có mưa chúng nhạt nhòa cùng màu nước đục ngầu, cuộn dưới lòng sông. Cứ như thể tôi đang đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó khi nhìn nhà thờ in trên nền trời trắng mờ ảo. Một cảm giác rất đặc biệt! Một cảm giác rất châu Âu!
“Dòng nước vẫn thật hiền hòa!” Tôi vừa nghĩ vừa đi sang phía thành cầu đối diện, nơi còn một tấm bảng có viết chữ và những bức ảnh đen trắng. Những lần trước vì đông người và xe cộ nên tôi chưa bao giờ ngó ngàng đến nó. Có lẽ họ ghi lại điều gì đó về cây cầu hoặc dòng sông.
“LAS CRECIDAS, UN PROCESO NATURAL”
(NHỮNG TRẬN LỤT, MỘT QUÁ TRÌNH TỰ NHIÊN)
Lũ xảy ra khi có sự thay đổi đột ngột và bất ngờ trong dòng chảy. Thỉnh thoảng lũ kéo qua làm ngập nhiều vùng ở Zaragoza. Chúng tôi vẫn sống chung với những trận lụt vì thành phố này nằm cạnh dòng sông Ebro.
Thành phố này cũng đã từng có lụt hay sao? Từ dòng sông này? Trước mắt tôi là hai bức ảnh ghi lại trận lụt lịch sử năm 1961.
Kèm theo bên cạnh là một tấm hình dòng người đi qua cây cầu đá và nước đã dâng lên gần hết chân cầu.
Tôi lia mắt sang bức ảnh ngay bên cạnh, nước ngập trắng cả một vùng rộng lớn. Phía dưới là một vài thông tin về các trận lụt lớn khác. Mùa đông năm 1380, trận lụt đã làm thay đổi chính dòng sông Ebro. Trận lụt tháng Hai năm 1643 đã phá hủy hai cột trụ của cây cầu đá Piedra. Trận lụt tháng Một năm 1871 đã làm tê liệt hệ thống giao thông từ đường ray cho đến đường cao tốc.
Tôi vừa nghĩ dòng sông Ebro hiền hòa và dịu dàng như Đức Mẹ Pilar đang ngự trong nhà thờ bên cạnh bờ sông kia. Ôi người Mẹ thiên nhiên đang êm đềm chảy bên cạnh tôi có lúc lại dữ dằn đến thế.
Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là dòng cuối cùng sau tất cả những hậu quả ghê gớm trên:
Món quà của lụt.
Nếu không có những trận lụt, sẽ không có những vườn cây ăn trái sum suê, màu mỡ quanh Zaragoza.
Chúng ta phải cảm ơn dòng sông Ebro, khi gây ra lụt đã đóng góp nước, trầm tích và chất dinh dưỡng, ba yếu tố chính giúp cây sinh trưởng và phát triển.
Lũ cũng góp phần tạo ra các hệ sinh thái tuyệt vời.
Người Zaragoza nhìn nhận những khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên thật khác biệt. Họ biết cách tìm ra ưu điểm của chúng và biến đó thành lợi thế phục vụ cho mình, thấy trong biển nước trắng mênh mông nhấn chìm mọi thứ là những vườn cây trĩu quả trong tương lai, thấy những đổ nát, hoang tàn do lũ quét qua là một sự sắp đặt mới tốt đẹp hơn. Người ta luôn nói về thảm họa với nỗi sợ hãi và lên án sự phá hủy của nó, ít ai nhìn thấy đằng sau những trận cuồng phong của đất trời là một sự sắp xếp lại của tự nhiên và kiếm tìm cân bằng cho tất cả.
Thực hiện chuyến đi bộ đường dài dọc dòng sông này là một ý tưởng không tồi. Tôi ước gì có thể quen một ai đó bên sông để kể cho tôi nghe những câu chuyện rất đời ở đây. Chuyện họ sinh ra và lớn lên cùng với dòng sông này. Nhưng tôi không bắt chuyện với ai cả, bởi sự bất đồng ngôn ngữ và sự tự ti của chính tôi khi không thể giao tiếp với họ. Tôi cứ đi theo dòng sông và nhìn nó chảy trôi, ngắm thiên nhiên hai bên bờ đổi thay, nhìn dòng người qua lại. Thế rồi tôi cũng nhận ra những biển báo dọc bờ sông chính là người kể chuyện tuyệt vời nhất mà tôi có ở Zaragoza.
“Chiếc thuyền của bác Toni.
Cách thông dụng để qua sông là ngồi lên chiếc thuyền của bác Toni. Chiếc thuyền của bác Antonio Maz (mọi người gọi thân mật là bác Toni) và sau đó là người cháu trai Ángel Bagües tiếp nối đã chở bao thế hệ người Zaragoza qua lại hai bên bờ sông.”
Tôi đọc đến đoạn này mà tưởng mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết giống như “Túp lều của bác Tom”. Bên cạnh là tấm hình chụp chiếc thuyền của bác Toni đang đón đoàn người, đối diện bên kia là nhà thờ Basílica del Pilar. Khung cảnh hai bên vẫn còn hoang sơ, chiếc thuyền của bác cũng đơn sơ, giản dị. Gia đình bác đã sống bằng nghề này ngót hơn 100 năm. Người dân Zaragoza nhớ đến chiếc thuyền và bác Toni vì nghĩa tình nhiều hơn vì công việc kinh doanh thời điểm đó. Tôi đi tiếp men theo bờ sông hướng về cây cầu đá. Lần này là một cây cột chỉ đường sơn xanh, trên thân có gắn những tấm biển màu đỏ marsala.
CAMINOS NATURALES
(NHỮNG CON ĐƯỜNG THIÊN NHIÊN)
Điểm khởi đầu từ Zaragoza (Rừng cây Macanaz)
Fontibre 576 km
Reinosa 571 km
Miranda de Ebro 336 km
Logroño 250 km
Tudela 112 km
Nếu như ở đâu cũng có những tấm bảng lịch sử và biển chỉ đường thú vị như thế này, chúng ta có thể sẽ đi đến ngọn nguồn câu chuyện của dòng sông. Tôi luôn tin, cứ đi dọc dòng sông sẽ không bao giờ bị lạc.
Fontibre là ngôi làng thuộc Cantabria, ở đó có một dòng suối, nơi bắt đầu của con sông Ebro. Thật khó tin khi dòng sông lớn nhất, dài nhất Tây Ban Nha lại khởi nguồn từ một dòng suối bình yên ẩn trong một ngôi làng nhỏ. Logroño, nơi nổi tiếng với rượu vang thượng hạng được chế biến từ những vườn nho quanh thung lũng được bồi đắp bởi sông Ebro. Tudela, một thành phố sành ăn, với ẩm thực được chế biến từ các loại rau. Mỗi vùng con sông đi qua, nó đều hào phóng ban tặng cho nơi đó một món quà vô giá. Tôi đi tiếp đến tấm bảng to hơn có mái che. Một bản đồ toàn cảnh dòng chảy của sông Ebro, dòng nước đi đến đâu, làng mạc và màu xanh được phủ đến đó.
Cây cầu đá (Puente de Piedra) ngày càng hiện rõ hơn trước mặt, cả đoạn đường này tôi có cảm giác nhà thờ Basílica del Pilar đang dõi theo mình. Từ mọi điểm, tôi luôn nhìn được toàn bộ nhà thờ với những shoot hình đẹp nhất. Dòng nước đến chân cầu như chảy mạnh hơn, những trụ cầu to, vững chãi phủ rêu phong tạo nên bảy vòm. Cây cầu Piedra được xây dựng từ năm 1401 đến năm 1440, nằm cùng một vị trí với cây cầu La Mã thời cổ đại đã mất, theo kiến trúc Gothic của thế kỷ XV và là cây cầu cổ nhất được bảo tồn trên sông Ebro hiện nay.
Thời điểm tôi chờ đợi nhất là lúc hoàng hôn. Mọi người ở đây cũng vậy. Mặt trời sẽ lặn xuống phía cây cầu Santiago và thả xuống lòng sông một màu da cam, rồi màu đỏ như cục than khổng lồ ai đó đặt dưới sông. Tôi để chân máy và bấm lia lịa khoảnh khắc ấy, rồi định bụng cất máy đi nhưng anh chàng cạnh tôi có vẻ không hào hứng gì với cảnh tượng rực lửa vừa rồi, chiếc máy ảnh vẫn đặt sẵn trên chân máy hướng về phía nhà thờ Basílica del Pilar trong tư thế chờ đợi.
Bàng hoàng và ngạc nhiên một lúc tôi mới kịp nhìn lại chiếc máy ảnh của mình để chụp. Cảm xúc lúc này cứ mênh mang một điều gì đó rất khó diễn tả, cứ như cả ký ức xa xưa đang dần sống dậy, những con người của trăm năm trước đang về. Khi mặt trời lặn xuống, khi ánh điện sáng lên, khoảnh khắc giao thoa ấy như một sự tiếp nối thần kỳ và huyền diệu. Tôi bị đắm chìm trong đó đến lặng người.
Cả thành phố bắt đầu lên đèn rực rỡ ngay sau đó, cây cầu đá cũng được trang hoàng bởi rất nhiều bóng điện nhỏ, người qua người lại như mắc cửi. Dệt ánh sánh trên mặt sông là rất nhiều cây cầu khác. Zaragoza có rất nhiều cầu bắc qua hai bờ sông, một số dành cho người đi bộ, một số dành cho các phương tiện giao thông, chúng không cách nhau là mấy.
Hành trình Camino del Ebro của tôi chỉ từ cây cầu Santiago đến Piedra nhưng đã có cả một kho chuyện khổng lồ. Đây cũng là đoạn đường dọc bờ sông được yêu thích nhất ở Zaragoza. Tôi đã chứng kiến sự đổi thay của khúc sông chảy quanh thành phố qua ba mùa: đông, xuân và hạ. Cứ như thế, một cách tự nhiên, Ebro đã là một phần chảy trôi trong miền thương nhớ của tôi mỗi khi nghĩ về Zaragoza.
Mùa đông lạnh những hàng cây hai bên sông cong queo, cằn cỗi, xù xì và khô khốc như đã chết từ trăm năm. Nó tạo cho tôi một điểm nhìn gai góc xuống dòng sông và nhà thờ đối diện bên kia. Mùa xuân những chồi non bắt đầu nhú ra khỏi cành khô khốc. Màu xanh tươi non khẽ lắc lư theo gió như một đứa trẻ hiếu kỳ và tinh nghịch. Nó làm cho mọi thứ quanh đây như cũng mới được sinh ra. Mùa hạ ôm ấp hai bên bờ sông một dải xanh rì và cuộc sống quanh nó tấp nập hơn, ồn ã hơn. Tiếng nhạc Latin từ nhà hàng ngay dưới chân cây cầu đá vang khắp mặt sông từ sáng sớm cho đến đêm khuya.
Còn tôi nhớ đến bài hát cũ “El Ebro guarda silencio” (Dòng Ebro lặng lẽ).
“Dòng sông Ebro lặng lẽ, chảy qua Đức Mẹ Pilar, Mẹ đang yên trong giấc ngủ, sông không muốn đánh thức Người.
Chàng đánh xe ngựa đang tới, hát vang bên ngoài ngoại ô, trên mái che sơn hình Đức Mẹ.
Anh đến từ Sierra de Luna, mang theo lúa mì từ năm nông trại và năm con la đeo chuông trên cổ.
Nụ hôn của tuyết và đỉnh núi, mang không khí Moncayo, những con la in dấu trên mặt đá.
Khi ngang qua cây cầu đá, bài hát cho linh hồn cất lên, trong tháp, chuông nhà thờ rung lên cầu nguyện.
Tôi mang theo hai nụ hôn trên môi, dâng lên Đức Mẹ Pilar, một của mẹ tôi gửi đến và nỗi cô đơn trong tôi.
Con chó của chàng đánh xe, vui đùa cùng con la xám, họ vào Zaragoza.
Dòng sông Ebro lặng lẽ, chảy qua Đức Mẹ Pilar, Mẹ đang yên trong giấc ngủ, sông không muốn đánh thức Người.”5
5. Tạm dịch lời bài hát El Ebro guarda silencio.
Đột nhiên trước mắt tôi có một cánh đồng. Tôi òa lên. Ebro là con sông lớn nhất Tây Ban Nha và dài thứ hai ở bán đảo Iberia, chỉ sau sông Tagus. Nó bắt nguồn từ Fontibre (Cantabria) đến Amposta trước khi đổ ra khu vực đồng bằng châu thổ Tarragona ven Địa Trung Hải, với tổng chiều dài khoảng 930 ki lô mét. Thành phố Zaragoza được con sông Ebro bồi đắp với hai nhánh Huerva và Gállego, kiến tạo cho vùng đất này những phong cảnh hữu tình và đa dạng từ hoang mạc ở Los Monegros đến những cánh rừng rậm rạp, đồng cỏ và cả núi cao. Từ lúc đến đây, ngoài căn phòng với những bức tường, gương sáng láng và những con đường bê tông nườm nượp xe, đây là lần đầu tiên tôi thấy một cái gì đó rất thiên nhiên, dân dã, một cái gì đó mênh mông, xanh mát đến tận đường chân trời. Tôi quyết định rẽ phải, đó vẫn là một con đường đất, cỏ lau trắng hai bên. Một cảm giác kỳ lạ cứ như tôi đang đứng trên cánh đồng lúa quê mình ở Việt Nam. Mọi thứ đều rất giống, xa xa khói bếp đang bay lên từ trong những ngôi nhà cấp bốn lợp ngói đỏ ở một ngôi làng nhỏ.
Tôi nhìn thấy có hai bóng người phía trước, một đôi bạn già đang dắt tay nhau đi dạo giữa con đường lau trắng. Tôi bước theo phía sau họ, định bụng sẽ cùng họ đi về phía ngôi làng. Nhưng đi được một lúc tôi bị cánh đồng cỏ trước mặt cuốn hút và ngôi làng kia có vẻ còn xa. Tôi rời mắt khỏi họ và đi về phía cánh đồng. Không có ai ở đó chỉ mình tôi với cánh đồng. Tôi đặt ba lô của mình xuống và bắt đầu chạy nhảy, cười đùa trên đám cỏ, hít hà mùi cỏ mới thơm ngai ngái và lắng nghe tiếng tanh tách của đám cỏ khô bị giẫm dưới chân. Một cảm giác thân thuộc như đã thực sự là nhà, là quê hương.
Từ hôm nay, con đường này là nơi tôi tìm cảm hứng và hạnh phúc cho mình. Cảm ơn dòng sông nhỏ đã dẫn tôi đến dòng sông lớn. Cảm ơn dòng sông lớn đã dẫn tôi đến cánh đồng và từ đây tôi tìm thấy nơi để cân bằng cho cuộc sống của mình.
Thỉnh thoảng chúng ta “refresh” cho cái máy tính, thay giao diện màn hình mới cho nó. Chúng ta mua thêm những bộ quần áo dù trong tủ vẫn rất nhiều, một đôi giày mới dù những đôi giày cũ chưa hỏng, màu son khác hay thay đổi kiểu tóc,… Chỉ là cách để ta thay đổi vẻ ngoài cho khác đi, để mình không nhàm chán, cũ rích. Vấn đề di chuyển từ nơi này đến nơi khác là một cách để làm mới con người bên trong mình. Trong những cuộc di chuyển đường dài và lớn lao đó cần những chuyến đi ngăn ngắn, nho nhỏ như thế này để làm quen, bởi mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân.
Và thời kỳ khủng hoảng nhất của tôi đã qua đi như thế.
Uyên Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những tấm gương xưa00000

Những tấm gương xưa Miếng Ăn Con Người có ăn mới sống. Cho nên miếng ăn quý nhất đời. Thầy Mạnh Kha nói " Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ ...