Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Phận ngải - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Phận ngải - Truyện ngắn
của Nguyễn Thị Mai Phương

Mưa một đêm mà nước trắng đồng. Cả một vùng chằm hoang toàn cỏ năn cỏ lác giờ mênh mông trắng xóa. Muốn đi vào xóm Ngoài chỉ còn cách lội bì lõm trên con đường duy nhất ven đồi. Hai bên đường cỏ lơ phơ ngả rạp theo gió làm ranh giới, cứ thế lần theo sẽ không bị sa xuống chằm sâu. Chị Đoan đi dọc bãi ngải cứu tốt đến thắt lưng nhìn ra con đường lớn lòng buồn mênh mang. Chị vừa đi thăm một người trên Đồi Ngải. Bây giờ, rất kỳ lạ, cả quả đồi thấp này mọc toàn ngải cứu, cái tên Đồi Ngải mới có gần đây. Cây ngải tốt lút đầu, mùa đông trổ hoa thơm hăng hắc. Đoan vò nát nắm lá ngải rắc xuống con lạch nhỏ. Vị đắng loang trong gió. Vậy là bà cụ Thảo đã mãi mãi nằm lại nơi này, có thể đã hóa thân thành đời ngải xanh tươi, chẳng còn đau khổ. Chị xắn quần lội ngược từ xóm Ngoài đi ra. Lâu lâu, chị ngoảnh nhìn lại, cái nấm cỏ trên Đồi Ngải chỉ còn bé xíu. Cả một rừng lá ngải trùm lên, xanh biếc, rung rinh. Trên cao là vệt sáng lấp lánh. Có thể bây giờ, cụ Thảo đã mỉm cười…
Đoan khua chân nghịch nước, những vòng sóng trổ hoa. Chị lại nhớ đến dòng nước ngầm chảy rí rách qua căn phòng cụ Thảo đêm nào. Cụ Thảo bị ngã rồi nằm bẹp một chỗ. Con trai cho cụ ở gian nhà ngang nhỏ, vốn làm nơi chứa thóc gạo nhà nông. Mái lợp ngói ta, nền lát xi măng, căn phòng hướng tây nóng như cái lò hấp bánh. Đầu hồi căn nhà là nền đồi cao, mưa xuống có dòng nước rỉ ra, chảy qua tường vào nền nhà, rí rách cả đêm. Chị Đoan thức dậy pha sữa và thay bỉm cho cụ Thảo mấy lần suýt ngã. Mọi người đến thăm có ý kiến với anh Đào con trai út, thì anh bảo: “Ôi dào, em biết rồi, đã bịt bên ngoài tường rồi đấy chứ, nó vẫn bị, chắc vài tháng nữa đằng nào em cũng phá đi”. Có người lắc đầu, “vài tháng nữa” chắc là thời gian anh ta hạn định cho sự sống của cụ Thảo chăng? Cụ không còn, anh ta sẽ phá nhà này đi. Chị Đoan góp ý, thì nhận được câu trả lời, “Không ai bắt chị ở, đây là chị tự nguyện, chúng tôi cũng không có tiền trả chị, chị không thích thì đi đi”. Nhưng Đoan không thể, dù có nhà cửa của mình. Đoan không bao giờ quên ơn cứu mạng của cụ Thảo.
Hồi đó, bà Thảo chỉ chừng ngoài 60 ở trong núi, trông vườn cho anh con cả. Anh ta làm ăn đang phất, mua cả mấy quả đồi làm trang trại nuôi gà. Bà Thảo ở một mình, trông nom. Đoan bụng chửa vượt mặt đẩy xe lúa lên dốc. Bỗng ục một cái, cơn đau xóc lên đầu, cả phần hông trĩu xuống không thể bước tiếp. Đi hết cái dốc này mới sang được mé đồi bên kia, nơi có cái nhà lợp rạ của Đoan. Cuộc đời mồ côi lam lũ, gá với anh thợ đào giếng làm chồng vợ có được miếng ăn đâu có dễ. Nay chồng đi vắng, cố kiếm vài đồng sang tháng cho Đoan ở cữ. Đoan khuỵu xuống, không thể giữ được xe lúa, cái xe cải tiến trôi xuống dốc, mắc lại bờ ruộng. Còn Đoan thấy máu bắt đầu rỉ ra hai chân, mỗi lúc một nhiều. Đoan lấy hết sức gào lên, “Có ai không, cứu với!”. Không biết đã gào câu thứ bao nhiêu thì bà Thảo chạy đến. Bà đỡ Đoan nằm xuống, cho Đoan uống nước và cuống quýt nói: “sắp đẻ rồi, thôi, đành phải thế thôi, chị thở đều đi, tôi chạy về ù cái tôi ra, ở đây vắng, không có ai đâu, khổ thế”. Đoan khô đắng họng, cố chịu cơn đau thúc xuống. Bà Thảo chạy ra với cái áo mưa, bình nước, cái khăn bông và con dao, gói diêm Thống Nhất. Bà thả vào mồm Đoan cục đường đen rồi bảo, “Tôi sẽ đỡ đẻ cho chị, phải nghe theo lệnh tôi, bảo rặn mới được rặn nhé”. Chị Đoan gật đầu, hai hàng nước mắt chảy dài, chị sợ mình và con sẽ chết, bà Thảo không biết có làm được không. “Chị yên tâm, tôi từng đỡ đẻ cho hàng xóm rồi, tôi biết làm”. Đoan lết vào tấm áo mưa, máu loang đỏ một bãi. Bà Thảo cho chị dựa vào gốc bạch đàn, miệng ngậm chặt cái khăn bông, hai chân dạng ra. Bà đứng dưới cái rãnh nhỏ nói rành rọt, “Rặn đi!”.
Đoan như trôi trong thế giới nào đó, người vỡ ra, lấy hết sức…
“Ra rồi, cảm ơn Trời Phật, con trai!”.
Bà Thảo quấn đứa bé vào cái tã bông. Tiếng khóc oa oa làm Đoan tỉnh táo. Bà Thảo lại hơ con dao trên lửa cắt rốn cho thằng bé, quấn tã bông đưa cho Đoan ôm. Rồi bà thu dọn. Hai bàn tay bà nhuốm máu. Bà chỉ kịp sát trùng bằng nước muối lúc ở nhà. Bà bảo, Đoan cho con bú, nằm đây, may có bóng cây, xíu nữa, bà bế em bé về, rồi ra cõng Đoan vào nhà. May sao thằng Lực cháu bà lên lấy trứng đã cõng Đoan vào nhà, bà Thảo bế đứa bé. Thằng Lực phi xe đi gọi người và đón bà đỡ dưới trạm y tế lên khám cho Đoan. Đoan ở lại chỗ bà Thảo một tuần. Bà Thảo cơm nước, chăm sóc chị như một người mẹ chăm con. Bữa cơm có cái trứng gà bà lén cho chị, đủ có sữa cho con bú. Bà dặn Lực đừng kể với bố mẹ nó. Thằng bố nó láo toét, được chiều từ bé, nên không coi ai ra gì, tiền là nhất. Bà ở trang trại này tự sống một mình, khác gì người làm thuê. Thằng Lực thương bà, lâu lâu giấu bố mẹ mua cho bà vài cái bánh, dăm thứ hoa quả ăn dè. Đêm bão đổ bất ngờ, cây cối xiêu vẹo, lũ gà bay nháo nhác, bà Thảo vặn đèn bão, mặc áo mưa đi đậy gà cả đêm. Gần sáng, bà ngồi vuốt vuốt tóc Đoan nói: “Mai được một tuần, bà không giữ được chị ở lại nữa, mai thằng Thăng nó lên bắt gà, nó biết thì mọi chuyện không hay chị ạ”. Đoan dụi mặt vào lòng bà òa khóc. Từ bé, mồ côi cha mẹ, đi ở hết các nhà họ hàng, chưa ai ôm Đoan vào lòng an ủi bao giờ, cho đến khi lấy chồng. “Thôi ngoan, sáng ăn cháo xong bà đưa chị về”- bà thủ thỉ nói chuyện với Đoan đến sáng. Đoan tự dặn lòng, bà sống, Đoan coi bà như mẹ, bà chết, Đoan thờ phụng, ơn này lớn như trời biển.
Cụ Thảo chăm chỉ nhất vùng Chằm Re. Thức khuya dậy sớm, cấy cày làm ruộng, riu tôm, bắt ốc tảo tần nuôi đàn con 7 đứa lớn lên. Cụ đi làm từ mờ đất tới tròn bóng trưa, hoặc trăng lên mới về, mỗi bữa chỉ ăn hai lưng cơm vơi. Ngày ấy, những năm 50 của thế kỷ 20, xóm Ngoài chỉ có nhà vợ chồng Thảo, cô gái ngoài 20 vùng khác đến làm dâu. Người mảnh dẻ, nhanh nhẹn, khuôn mặt thanh tú, Thảo lấy anh Ấm hiền lành. Thảo gánh vác mọi việc trong nhà. “Thì đã lấy được trai tân” – người ta hay bảo vậy.
Thảo vốn từng làm dâu một nhà địa chủ ở vùng khác từ khi mới 15 tuổi. Chồng đi học, Thảo sinh con ra không được ở cữ, làm lụng tối ngày, từ xay lúa giã gạo, gánh nước, chăn trâu, nấu cơm, hầu hạ mẹ chồng. Bắt đầu ngày mới từ 3 giờ sáng, nằm lên giường lúc 12 giờ đêm. Người Thảo như xác ve, mẹ chồng mắng nhiếc suốt ngày, con gái Thảo còi cọc khóc suốt. Chồng Thảo lúc ấy là công tử, tối ngày đi. Một đêm, Thảo ôm con sang sông bỏ về nhà mẹ. Nhà chồng đến cướp lại con, Thảo không trở lại. Vài năm sau đó, khi cách mạng người mỗi nơi. May mắn nhất là con gái Thảo được đi học theo bố. Thảo đã sống cuộc đời khác với anh Ấm, con trai một gia đình tử tế. Bảy người con ra đời, lớn lên bằng cơm gạo, cá cua, rồi dựng vợ gả chồng. Hai anh thành công, nghe đâu gia đình chồng Thảo tan đàn sẻ nghé, mỗi con trai được học hết cấp 3, riêng Thăng đi bộ đội về làm cán bộ địa phương. Thăng có máu làm giàu, lao vào buôn bán làm ăn, hỗn hào với bố mẹ, dần dần rồi coi như không đếm xỉa người đẻ ra mình nữa. Đằng nào chẳng mất tiền thuê người trông trang trại, mẹ làm cho là tốt nhất. Nhưng cũng không được lâu, bà Thảo lại về ở với ông Ấm trong cái nhà nhỏ xóm Ngoài. Mấy người con gái lấy chồng xa thương mẹ, lâu lâu qua thăm chứ không ai ở lại được, cũng không thể đón ông bà đi, bởi còn nhà chồng. Cơm niêu nước lọ, hai ông bà lần hồi sống qua ngày.
Người xóm Ngoài vẫn xì xèo, anh Thăng giờ đã là doanh nhân giàu có, nói có người nghe, đe có người sợ vậy mà chẳng khi nào thấy mua quà gì cho mẹ, nói gì với mẹ chỉ hai câu là hỗn láo. Anh Đào cũng quay cuồng xoay đủ kiểu buôn bán, không còn thời gian quan tâm ai. Ông Ấm mất, hai anh em Thăng bất đồng, gặp nhau là gầm ghè như hai con thú dữ. Nếu có súng, chắc chắn, cả hai gã đều giữ tay vào cò, lên đạn. Thăng lấy le con cả, sẽ cúng bố ở nhà mình. Đào không nhất trí vì bố mất ở nhà Đào, Đào cúng. Năm nọ Thăng làm giỗ bố linh đình, cỗ to nhất xã, người Chằm Re đi cỗ về lắc đầu, “Toàn khách làm ăn, phong bì nhiều lắm, nhưng anh em ruột thì không thấy”. Mấy chị em gái nghe theo Thăng thì Đào chửi, nghe Đào thì Thăng chửi, bàn việc thì thành cãi lộn, không giải quyết gì, đành chọn cách thắp hương bố ở nhà mình, giỗ chạp đến nhà Đào bởi ban thờ, bài vị trên đó cả.
Bà Thảo đến ở chơi với các con gái mỗi người vài tuần rồi lại về. Ngã xong thành nằm liệt, con cái nháo nhào chuyện trông nom. Mấy đứa cháu còn đi học cũng chạy qua chăm sóc nhưng không thể ở lại. Đoan bây giờ đã làm bà nội, cháu nội đã đi học, vợ chồng con trai đi làm công nhân ở trọ tuần mới về, chồng Đoan mất đã hơn chục năm. Đoan đến xin chăm cụ Thảo. Mọi người đã biết chuyện năm xưa nên đồng ý. Mấy con gái cụ Thảo nhiều năm nay đã coi Đoan như em mình, có gì cũng chia sẻ. Đoan mang theo gạo và thức ăn, tự nấu cho cụ Thảo và mình. Được một tuần thì cụ Thảo nhịn ăn, ai dỗ gì cũng không mở miệng, con gái con rể dỗ dành đón về nhà mình cũng không chịu. Duy nhất có cô cháu gái học xa nhà bón sữa là cụ ăn cầm chừng. Vợ Đào nhấm nhẳn: “Ra là đứa nào có tiền thì mới ăn”. Chị gái Đào đứng dậy cáu: “Mợ im đi, mợ xem giờ là lúc nào mà nói giọng ấy, nó học sinh tiền đâu ra, u không ăn vì cậu mợ bất hiếu, đối xử với u không ra gì, biết chưa”. Vợ chồng Đào nhảy xổ lên cãi lại. Vợ chồng Thăng mang đến một thùng cháo ăn liền rồi đi vội.
Lúc còn khỏe, cụ Thảo có thể thức cả đêm nói chuyện với con gái, vậy mà giờ, cụ im thít, mắt nhắm hờ, không nói một lời. Hai con trai nhòm vào, cụ ngoảnh mặt vào tường. Có lúc chị Đoan nhìn thấy hai dòng nước rỉ ra hai bên má cụ. Hàng xóm, bà con ruột thịt đến thăm, cụ nắm tay từng người như muốn chào từ biệt lần cuối.
Đoan lội hết con đường ngập nước, đi dọc lối vào đình làng. Hoa dâm bụt đỏ nhức nhối. Cái nắng như gay gắt hơn. Đoan không bao giờ quên cảnh tượng trưa hôm ấy, dâm bụt cũng nở nhiều như thế này. Năm đó trời còn mưa cả tháng ròng rã.
Sân nhà Đào lố nhố người. Thăng và Đào đứng đối diện nhau qua cái bàn gỗ. Đào gọi Thăng lên lo hậu sự cho mẹ. Thăng mặc sơ mi trắng, mặt đỏ gay, chắc vừa từ bữa rượu nào đó trở về. “Anh bây giờ chịu không thể lo được, chú biết đấy, anh mua mấy cái nhà ngoài Hà Nội, hộ khẩu chuyển đi rồi, anh lại ở xóm khác, đất trong nghĩa địa người ta có chủ hết rồi. Chú dù sao cũng được ở đất của ông bà, chú lo là phải”. “Anh vẫn bảo anh là trưởng cơ mà, u ở với em, u chết thì anh mang về nhà anh lo mới phải đạo chứ”. “Không được, u chết ở nhà chú, lo ở đây, hộ khẩu u ở đây chôn cất nó thuận….”… “Thôi được rồi, thằng này lo, ông mang tiền lên đây…”. Hàng loạt tiếng chửi thề, nói tục của hai anh em nhà Thăng văng ra. Các chị em gái khóc nức nở vây quanh giường cụ Thảo, lòng uất nghẹn mà không thể làm gì. Đoan thấy người mình tê dại đi. Lâu nay vẫn nghe người ta bàn tán, con trai cụ Thảo không thiếu tiền, chỉ thiếu nghĩa thôi… thế mà đúng. Không những đúng mà nó chua xót, trần trụi đến mức khó tưởng tượng. Hàng ngày ở với cụ, Đoan còn lạ gì tính nết của các con trai cụ. Con dâu vì thế mà làm cho xong lần, chiếu lệ. Mấy chị con gái xót xa mẹ già thay nhau ở lại, cũng chẳng thay đổi được tình hình.
Đám tang cụ Thảo đông nhất Chằm Re. Họ đến tiễn biệt người đàn bà lam lũ, tảo tần mà cả đời thua thiệt. Người ta cũng nhìn kỹ mặt anh em nhà Thăng rồi tự hỏi, sao sống thế mà lại giàu như vậy nhỉ? Thăng bàn với Đào đi chùa Hàm Long, nhờ sư thầy làm lễ quản thúc linh hồn cụ Thảo lại, không nhỡ về phá phách con cháu, vì ông thầy bói bảo cụ đi vào giờ nặng. Các bậc cha chú lắc đầu, “Có bao giờ cha mẹ hại con cháu mình không, hả giời”?
Đoan nhớ, tuần đầu, cỗ nhà anh em Thăng – Đào rất to, rất nhiều phong bì. Hai gã đàn ông sau một hồi gằm ghè nhau cũng chịu ngồi chung chiếu chia tiền phúng điếu. Mấy chị em gái ngồi lặng lẽ buồn. Đoan cũng đến và theo chân các chị lên nghĩa địa hóa vàng.
Có tiếng gọi làm Đoan giật mình: “Ới Đoan, vừa lên Đồi Ngải à?”. Thì ra cụ Liễu, bạn đi riu tôm của cụ Thảo mấy chục năm, nay đã 90 tuổi đang ngồi ở cửa đình hóng mát. “Vâng, cháu lên thăm mộ cụ Thảo”. “Mai là giỗ bà ấy phỏng? Người đâu mà khổ, sống tử tế mà con trai chẳng ra gì, tôi mà biết chị lên thì nhờ cắt cho tôi ôm lá ngải. Ngải ở đó đắng và thơm, đun nước tắm nhẹ người lắm”. “Vâng, ngải bạt ngàn cụ ạ”. “Bà ấy cuối cùng cũng được chở che, mô Phật”…
Đoan đưa hai bàn tay ra trước gió, mùi ngải đắng sực lên. Áp hai bàn tay vào má, dường như Đoan thấy cụ Thảo đang vuốt tóc mình trong đêm Đoan đẻ rơi. Đoan tin rằng, bây giờ, cụ đã trở thành ngải đắng, reo vui trong gió ở ngọn đồi sau xóm Ngoài, khu đất cao nhất của vùng Chằm Re này…
23/9/2023
Nguyễn Thị Mai Phương
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ấm áp tình quê

Ấm áp tình quê Buổi sáng ngày đầu tiên của năm 2021, chúng tôi tản bộ dọc công viên để tận hưởng bầu không khí thanh tao trong nắng sớm ng...