Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Lý do và chẳng có lý do

Lý do và chẳng có lý do

Ấn Độ không chỉ là nơi có nhiều sắc tộc, nhiều tôn giáo, nhiều ngôn ngữ. Đấy còn là đất nước có rất nhiều đảng phái. Thống kê được, có 60 chính đảng cấp trung ương và cấp bang, ngoài ra còn có 2.538 đảng đang tồn tại hợp pháp nhưng không được công nhận (chắc được coi như câu lạc bộ sinh hoạt tư tưởng).
Anh bạn tôi là Vivek, giám đốc quan hệ công chúng của một công ty dược. Đến nhà chơi thì gặp cha của anh, một ông đại tá đã nghỉ hưu. Ông đại tá là đảng viên đảng Quốc Đại I (Indian National Congress Party-I). I không phải là số một, mà là chữ viết tắt của tên bà Indira Gandhi, từng là chủ tịch đảng và thủ tướng Ấn Độ nhiều nhiệm kỳ.
Cha của Vivek là Quốc Đại I, nhưng Vivek là đảng viên đảng Quốc Đại U. Chữ U là viết tắt tên của Devaraj Urs, người vốn là thành viên ban lãnh đạo đảng Quốc Đại I, nhưng rồi bất đồng, ông tuyên bố từ bỏ và đứng ra thành lập đảng mới, đảng Quốc Đại U. Anh bạn Vivek của tôi cũng bỏ luôn đảng Quốc Đại I mà cha mình đang theo để gia nhập đảng mới. Ở những nước không nhiều đảng phái, thì Quốc Đại U chắc chắn bị coi là “đứa con hư” của Quốc Đại, nó dám bỏ nhà ra đi, nó dám “ly khai”. Nhưng ở Ấn Độ thì tôi đến nhà thấy ông đại tá Quốc Đại I vẫn nói chuyện với ông con Quốc Đại U như không. Chuyện hôm nay ông đến trường đón cháu muộn vì giữa đường gặp một ông bạn đồng đội cũ. Chuyện hôm qua ở công ty dược phẩm có thay đổi nhân sự, và Vivek rất có thể phải biệt phái một thời gian đi Calcutta (sau này đổi tên là Kolkata).
Tôi đoán, chắc khi chỉ có bố con với nhau, họ cũng có thể tranh luận về chính sách mới của chính phủ trung ương, về chiến dịch tuyên truyền chưa thích hợp của đảng này đảng nọ. Tranh luận thậm chí có lúc nảy lửa như tranh luận giữa các đảng trong kỳ họp quốc hội. Nhưng gay gắt đến mức nào thì rốt cuộc cha con vẫn ở một nhà, cha vẫn giúp con đưa đón cháu đi học. Đến mức nào đi nữa thì vẫn là các đảng phái chung sống trong cùng một đất nước. Mỗi người theo một đảng phái nhưng tất cả đều cùng tâm niệm một khẩu hiệu: Mera Bharat mahan. Tổ quốc Ấn Độ của tôi vĩ đại.
Bẵng đi dăm bảy năm, một lần tôi hỏi thì được biết Vivek đã bỏ đảng Quốc Đại U. Anh bất bình với một số chính sách mới của đảng mình. Có mấy chục đảng cho anh lựa chọn, nhưng anh không chọn cái nào, anh vẫn trung thành với Quốc Đại, anh quay về với Quốc Đại I. Từ I sang U rồi bây giờ lại từ U trở về I. Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Cáo chết nhé chứ không phải cóc chết như nhiều người viết sai. Cóc chết thì chỉ có bốc mùi thôi.
Lại vẫn theo một cách nhìn của người ngoài cuộc, niềm tin chính trị là thứ bất di bất dịch. Không phải cái áo mà muốn thay lúc nào thì thay. Nhưng người Ấn Độ không quan niệm như vậy. Nhận thức chính trị là một quá trình, nó có thể thay đổi theo thời gian. Nhận thức có thể thay đổi theo không gian, chẳng hạn Vivek đang ở thủ đô, anh theo Quốc Đại I, nhưng chuyển công tác đến Calcutta, nơi đảng Cộng sản cầm quyền, tình hình địa phương có thể khiến cho anh bỏ Quốc Đại I mà gia nhập đảng Cộng sản. Không hợp với người yêu cũ nữa thì đi theo người yêu mới. Đấy không bị coi là phản bội, là trở mặt. Không, chính trị Ấn Độ không có khái niệm ấy. Nhận thức mỗi thời kỳ là khác nhau, mỗi vùng miền là khác nhau, và một khi đã khác thì người ta không khăng khăng giáo điều bám giữ lấy một niềm tin đã lỗi thời.
Nhưng rồi như đã kể ở trên, sau ít năm gia nhập Quốc Đại U, chiếc áo đã trở nên chật chội khó chịu, Vivek quyết định quay về với Quốc Đại I. Người cha của Vivek cũng coi đấy là chuyện thường. Chọn lựa mãi thì anh ta thấy Quốc Đại I vẫn là hơn cả, và bản thân đảng cũng đã có những cải cách quan trọng, chính sách mà đảng đưa ra để tranh cử cũng đã thiết thực và hợp lòng dân hơn. Sự trở lại này không phải là đứa con hư nay tìm về nhà. Cũng không phải là “trở về với chính nghĩa”. Đảng phái nào cũng có chính nghĩa của họ, có lý tưởng của họ. Nói như Phật: Thế gian này có nhiều người thầy vĩ đại, họ có cách riêng của mình để dẫn dắt chúng sinh, đừng có suy tôn người thầy nào là duy nhất đúng.
Việc trở lại với đảng cũ như anh bạn Vivek đã làm cũng không nhất thiết phải như câu tục ngữ Việt: bước chân đi cấm kỳ trở lại. Không, bước chân đi, mà ta thấy con đường này gập ghềnh ổ gà ổ trâu, con đường này không nhiều bóng mát, ta có thể quay lại con đường cũ. Đấy cũng không phải là ngựa quen đường cũ. Người Ấn Độ khi chọn đảng thì có rất nhiều lựa chọn. Họ cần có ý thức và tri thức để chọn lấy nơi tốt đẹp hơn cả để đặt niềm tin và phấn đấu cho lý tưởng ở nơi đó. Tự thân đảng phái chỉ là địa điểm cho những người chung lý tưởng và chung nhận thức tư tưởng. Địa điểm ấy một khi không còn là nơi thuận tiện, người ta có quyền đổi nhà hoặc dựng lại nhà.
Chuyện nhà Vivek vẫn chưa dừng lại ở đấy. Ít năm sau, Vivek viết thư cho tôi. Kể rằng cha của Vivek đã quyết định từ bỏ hoạt động chính trị, không theo đảng phái nào nữa. A, thế là ông già về hưu đã mười mấy năm, nhưng bây giờ mới thật sự nghỉ. Người Ấn Độ là thế, có sáu chục đảng cho anh chọn, và khoảng hai nghìn năm trăm đảng cho anh đến chơi uống nước như câu lạc bộ, nhưng anh có thể không chọn đảng nào. Tự do mà. Từ bỏ không bị coi như bên tôn giáo rằng con chiên ấy đã khô đạo nhạt đạo. Từ bỏ không bị trừng phạt theo kiểu rút phép thông công. Từ bỏ cũng không bị án tử như bên Hồi giáo. Không bị thành kiến xã hội như nhà sư nào đó bỏ chùa hoàn tục. Chuyện đảng phái thì khác. Tôi thấy bất đồng thì tôi tuyên bố rời đi. Tôi thấy mệt mỏi thì tôi lặng lẽ rút lui để nghỉ ngơi. Tôi thấy thế này tôi thấy thế nọ. Rất nhiều lý do và cả không có lý do nào cả.
Tôi hình dung ông già rời bỏ chính trị sẽ ngồi nhà cãi nhau với tivi và lầm bầm chê trách đường lối mới của cái đảng mình đã theo suốt một đời. Cũng có khi ông chẳng trách ai, chỉ ngồi mỉm cười và khe khẽ dạy cho đứa cháu nội hát câu mà người Ấn nào cũng hát: Mera Bharat mahan. My India is great. Đất nước Ấn Độ của tôi vĩ đại.
Công nhận, đấy là một đất nước vĩ đại.
19/9/2023
Hồ Anh Thái
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...