Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Đá huyết rồng - Truyện ngắn của Lữ Mai

Đá huyết rồng
Truyện ngắn của Lữ Mai

Mặt trời bầm đỏ. Máu đổ đằng đông. Vằng vặc thân rồng quẫy nước. Núi Cỏ tin hin nằm sát núi Thằn Lằn hóa viên ngọc lục bảo long lanh, hào quang chói lọi. Máu ứa thân rồng, đuôi xẻ từng dòng thẫm đỏ hòa nước sông mùa cạn. Máu từ đỉnh núi tuôn thành suối, xói lở ngay phía nhà cô Nhạn, cổ thụ vọng trời, mỏm Cấm tang thương. Bức ảnh trên tường nhà ẩm mốc chập chờn sáng tối. Cái đầu ló ra từ máy cẩu đang kêu cứu, bàn tay vừa huơ lên đã bị chặt đứt bởi núi đồi… 
Những trái tim phập phồng, ứa máu. Tôi bỗng gặp cô Nhạn mười sáu tuổi, hòa trong lễ rước bóng, từng bước nhẹ như lướt trên mây, gót son ửng đỏ. “Thánh nhập, thánh nhập, kiệu quay, kiệu quay!” Kiệu càng quay, muôn vạt áo trắng xanh vàng đỏ hóa mây vần vũ thiên thanh. Thiếu nữ đồng trinh quay như múa. Đoàn người trong lễ rước từ già đến trẻ quỳ sụp, chắp tay thành kính niệm nam mô. Cậu Tuân chết lặng bên tảng đá bạc rêu, mắt sâu thêm sâu, hun hút như vực thẳm. Bỡ ngỡ gặp rồng, đuôi vẩy lên cả vầng mây lập lòa ngũ sắc.
“Thoát kiếp! Hãy cùng nhau thoát kiếp!”. Ánh mắt xa lạ bàng hoàng xoáy vào nơi mũi nhọn vừa xuyên thẳng. Đôi tay quen thuộc đang phủ lên bàn tay mềm mại, trắng trong. Phút cuối, bàn tay mềm mại ấy hóa vạt mây mê man như lụa, dịu dàng, bao dung xóa sạch mọi vết dấu tội lỗi. Con của rồng buông tay. Chầm chậm. Mờ nhòe. Hun hút. Xa xăm.
“Chào cô, tôi là Nguyễn Minh Tùng, cảnh sát hình sự. Theo dữ liệu chúng tôi thu thập được, cô có liên quan tới vụ án giết người tại xóm Sung, xã… huyện… mời cô theo chúng tôi”. Hoan chết lặng. Bước từng bước chông chênh mông lung theo điều tra viên. Người bị sát hại tên Nhạn, ngoài 50 tuổi. Khi dân làng ào đến, nạn nhân đã gục xuống nền nhà xám lạnh với một nhát dao sắc ngọt trúng tim.
– “Đó là tất cả những gì cô chứng kiến?” – “Vâng!” – “Nếu cô nhớ thêm những tình tiết khác, hãy liên hệ chúng tôi!” – “Vâng!”. Cuộc trao đổi chóng vánh, không gặp bất cứ trở ngại nào, nhưng ngực Hoan như đeo đá tảng. “Khoan đã, cô đang điều trị trầm cảm? Chúng ta có thể trò chuyện thêm không?”, câu nói của điều tra viên đột nhiên níu lại. Hoan định ngồi xuống thì Tùng nhẹ nhàng đề nghị: “Cô có thể ra ngoài cho thoải mái hơn”.
Không dễ để Hoan có thể cởi lòng chuyện mình sống chung với căn bệnh ấy nhiều năm nay. Con trai cô đã chín tuổi, cả ngày học ở trường, tối về len lén nhìn mẹ rồi chuồn vào phòng riêng. Chồng Hoan sự nghiệp vững vàng, kinh tế gia đình khá giả. Hằng tuần, bác sĩ vẫn qua thăm khám. Nguyên nhân căn bệnh không thực sự rõ ràng. Tùng nhìn xuống tay Hoan. Ngón tay cái của bàn tay trái liên tục miết mạnh vào bàn tay phải tạo nên nhiều vết hằn đỏ ửng.
Hoan kể, cô thường xuyên đối diện một miệng vực đang từ từ há ra như miệng cá nhà táng. Tối tăm. Hung bạo. Tanh tưởi. Luồng xoáy vòi rồng từ đáy vực cuộn lên. Sấm sét, cuồng phong thao túng. Những giọt mưa đầu tiên sắc lạnh hơn chông. Tóc ướt. Mắt ướt. Khóe miệng đắng đót. Nước tong tỏng nhỏ giọt. Mưa máu. Tứ phía sắc đỏ bủa vây, nhấn chìm tất thảy… Hoan bàng hoàng, điên loạn rồi gục ngã trên đường đi làm, vỉa hè, chợ búa. “Em không nên đi đâu một mình nữa”, sau câu nói ấy, chồng cô đưa đón tới công sở mỗi ngày và nhà có thêm người giúp việc.
– “Ngoài cô, thời điểm xảy ra án mạng, những ai có mặt?”, điều tra viên đột ngột quay trở lại tình tiết vụ án. “Cậu Tuân!”. Hoan chứng kiến cậu ruột mình đứng giữa gian nhà ấy, trước bức ảnh ấy. Trong cơn tuyệt vọng cùng cực, người phụ nữ bất hạnh lết từng bước về nhà mình, cố gỡ bức ảnh trên tường, đập vỡ khung kính. Bà ngỡ có thể kéo đứa con trai đang nhoài ra từ máy cẩu khỏi cơn biến loạn. Người đàn ông chết lặng. Hai con mắt mỏi mòn ứa ra hai dòng nước đục ngầu, thẫm màu huyết dụ.
Cô Nhạn ở xóm Sung. Người làng bảo đó là lý do khiến bà tôi nhất quyết ngăn cản cậu tôi yêu đương, cưới hỏi. Dáng cô dong dỏng, eo thon, làn da trắng mỏng mảnh, gương mặt trong veo, đôi hàng mi cong vây lấy cặp mắt ướt buồn thăm thẳm. Đàn bà con gái xứ này không ai có vẻ đẹp liêu trai đó. Hồi trẻ trâu, tôi vẫn gặp cô cào lá thông trên núi Thằn Lằn. Chất đốt hiếm, cả làng bòn lượm, tích trữ quanh năm. Lúi húi mạn bên này đã nghe lạo xạo tiếng cào lá sườn núi bên kia. Trơ nhẵn lá khô, những loài dây leo, gai bụi, cỏ dại… cũng được người ta nhổ lên, đập sạch đất, phơi khô ngay trên sườn núi, cuối ngày mới gánh gồng về. Đôi tay thon gầy, trắng xanh của cô bật máu vì cỏ sắc gai sắc. Có buổi, tôi ngẩn người dưới một gốc thông, nhìn nắng chiều chiếu xiên, những vệt máu loang chưa kịp khô, lóng lánh. Như nhựa thông. Như huyết của núi đồi.
“Hoan, sao thừ người ra thế, lại đây cô cho nấm!”. Loài nấm tôi mỏi mắt tìm suốt ngày suốt buổi. Cô Nhạn gọi là nấm thông, bởi chúng mọc dưới những gốc thông già. Nấm màu sắc rực rỡ thường là nấm độc. Mà loài nấm này lại rực rỡ quá sức. Chóp nấm đỏ san hô. Nhưng mẹ cô là cựu thanh niên xung phong ở rừng Trường Sơn nên dạy cả làng tìm nấm, phân biệt nấm lành nấm độc và cách nấu nướng. “Đẹp chưa chắc đã có độc. Ngon nhất phải là loại còn cụp nón, tròn tròn hình trứng, nấm đã xòe giống cái ô thì không giòn ngọt nữa. Hoan phải hái nhẹ tay, tránh làm gẫy dập. Về nhà rửa với nước mưa, chẳng cần cho dầu mỡ hay mì chính, cứ thế xào lên cùng chút muối thôi, nửa rừng nửa biển, thế là béo ngậy, ngọt thỉu tận đầu lưỡi rồi”. Lời cô quấn quýt gió đồi rười rượi.
Cậu tôi si mê cô Nhạn, cả làng ai mà không biết. Đêm nào cậu cũng tìm cách lách ra khỏi nhà, dù bà ngoại tôi đã cẩn thận cài then, khóa cửa. Làng nương vào núi. Nhà nội và nhà ngoại tôi ở giữa làng, khúc cao rộng nhất của núi Thằn Lằn. Đêm đêm, tôi gối đầu lên cánh tay gầy mòn, nghe bà kể chuyện. Rằng, người xưa truyền lại, vì núi có dáng con thằn lằn đang kiếm mồi nên mới có tên nôm na thế. Nhà nào ở phần miệng thằn lằn, cả đời sung túc ấm no. Nghiệm ra, những nhà phía ấy cũng đều giàu sang thật, có điều khi giàu thì họ đều chuyển đi xứ khác, không ai thiết sống ở miền heo hút này mãi. Nhà nào ở phần rốn thằn lằn, đất đai quanh năm mát mẻ, trồng trọt chăn nuôi thuận lắm. Nhà tôi ở đó, bốn mùa vườn tược tốt tươi. Rồi giọng bà ngắt quãng, người xưa nhủ rằng, phần đuôi thằn lằn, xóm Sung, suốt đời ly tán.
Nhà cô Nhạn chon von sườn núi, ngoảnh mặt bờ sông. Bến sông có cây sung cổ thụ chín ngọn quanh năm trĩu quả, rụng lõm bõm đầy mặt nước. Trẻ trâu ngụp lặn, sung rụng bồm bộp trên đầu. Cả nhà cấm tôi tắm sông, vì bến sông ấy có trẻ con chết đuối. Xóm Sung xưa nay toàn người chết trẻ. Nhỏ chết vì đuối nước, đậu mùa. Thanh niên trai tráng vì chiến trận hy sinh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, toàn cảnh mẹ góa con côi. Cha cô Nhạn hy sinh ở chiến trường. Mẹ cô cũng để lại một phần máu xương nơi đó. Bà làm ruộng, trồng tỉa hoa màu, phủ xanh đồi núi, chèo đò… chỉ với đôi bàn chân đầy thương tích và cánh tay trái còn lại. Mẹ mất đã lâu, cô vẫn sống trong căn nhà cũ. Bây giờ thì nhà nào cũng bếp ga, nước máy… bến xưa thành hoang phế, bậc đá xanh rêu, đất đai khỏa lấp, ôm vào lòng trọn vẹn nỗi buồn thương quá vãng. “Miệng thằn lằn hay đuôi thằn lằn, giàu sang sung túc hay ly tán, con người cũng dần bỏ đó mà đi”, bà tôi thở dài, mùi rượu địa liền thoang thoảng.
“Cô vẫn thường lên núi một mình thế này sao?”. Tùng đứng phía sau Hoan từ bao giờ. Chỉ cần anh dấn thêm vài bước nữa là đúng nơi mỹ nữ đứng ngày xưa. Buổi ấy, Hoan ngóng mãi không thấy dáng quen. Hoan ngẩn ngơ bên rổ nấm tươi còn cụp nón tròn vo như trứng đỏ. Nhớ nôn nao cái mùi hoai hoải của gai bụi, cỏ dại… héo dần trên đôi vai thân thuộc. Nhớ đôi tay rớm máu len nhẹ vào nón vốc từng vốc nấm cho vào mũ Hoan. Nhớ những lần Hoan lén tắm sông, vừa bước lên bờ đã thấy cô gái làng cầm chiếc khăn bông giục lau khô đầu kẻo ốm. Buổi ấy, sau mưa bão, cành khô, lá khô rụng nhiều, dây leo cỏ bụi cũng mọc nhanh, chỉ chờ tia nắng bừng lên, dân làng đều tranh thủ quẩy quang gánh lên núi. Không phải ngày mùa mà không khí đông vui như hội.
“Anh nhất định sẽ cưới em… không phải đắn đo, khổ tâm gì cả…” tiếng chàng trai ngắt quãng trong hơi thở gấp gáp. Không nghe cô gái nói câu gì. Chỉ rõ mồn một đôi bàn tay trắng mềm mại choàng qua mảng vai trần, lưng trần. Hai con người quấn lấy nhau ở phần đuôi ly tán của núi Thằn Lằn. Cây muỗm cổ thụ chênh vênh nơi mỏm núi che chắn, ôm ấp hai thân hình tuyệt mỹ đang cuộn trào, rên xiết. Mỏm núi tên Cấm. Người làng cấm trẻ con bén mảng. Bà ngoại Hoan kể, xa xưa, tin đồn núi Thằn Lằn có vàng loang khắp xứ. Bao người đến tế lễ, thăm dò, cả ngày lẫn đêm, đơn độc có, dắt díu bè lũ có. Mỏm Cấm thường xuyên bị sét đánh. Cây muỗm cổ thụ lúc cụt ngọn, khi mất cành, vậy mà vẫn trơ ra, không chết. Mỗi mùa xuân, cây lại đơm chồi. Dáng cây lững lững, oai phong hệt dáng vị thần giữ núi. Lá xanh ẩn giấu nghìn con mắt. Có buổi Hoan vừa ngả lưng, ngước lên, rành rành từng con mắt chớp, thân cây già nua cựa khẽ, cành xù xì chầm chậm đan vào nhau, cùng sà xuống muốn nhấc bổng Hoan lên. Lạ lùng, Hoan không sợ sệt. Hoan nhắm mắt, nín thở đợi chờ. Cành lá bỗng lao xao, vút lên như một trò đùa.
“Ở đâu? Chính xác không? Từ lúc nào?”, đám đàn ông làng quẳng những bó củi xuống, đàn bà dẹp quang gánh một bên, rầm rập lao về phía mỏm Cấm. Hai con người đắm đuối như hai thân mãng xà hốt hoảng, vội vã rời nhau. Chỉ Hoan nắm giữ bí mật nơi mỏm Cấm. Người vác cuốc, người cầm xẻng, người tay không. Nhớn nhác như ong vỡ tổ. Một cái am nhỏ đã lộ cửa sau giông bão. Phút chốc, đám đông tụ đủ già trẻ gái trai. Cả làng không ai vắng mặt. Vàng của núi là vàng của xứ, không ai được quyền mảy may tư hữu. Lời ông cả Thọ trấn át đám thanh niên đang chực chờ xông vào cửa am trông như tổ tò vò được vây bằng gạch cổ, đều chằn chặn. Ông thắp ba nén nhang, ngước lên trời, vọng xuống sông rồi cắm thẳng xuống mảng đất đồi vàng ruộm vừa xói lở. Chỉ chờ cái phẩy tay quyền uy, cả đám người xông vào, lần lượt chui qua cửa am như tò vò về tổ. Cô gái đã kịp đứng sau Hoan, đôi tay mềm mại đặt nhẹ trên bờ vai nhỏ. Cả buổi lùng sục, đào bới, tịnh không ai thấy gì, lũ lượt lại ủ rũ chui từ lòng am ra. Chàng trai là người ra sau cùng, đầu tóc áo quần lấm láp đất núi, cũng lại loang lổ màu máu. Ánh mắt thất thần, miệng lẩm bẩm như trúng tà: “Không có vàng, chỉ toàn huyết! Huyết rồng”. Rồi ngơ ngác nhìn tất thảy, như trước mắt mình không phải người, mà là giống loài nào xa lạ.
Gió thổi bạt sườn núi Thằn Lằn. Bất chợt, chính khoảnh khắc đó, Hoan  thấy khoảng cách giữa hai người yêu nhau là miệng vực đang từ từ hé mở. Khắp người nàng sơn nữ tỏa ra hương thơm vừa quen thuộc vừa kỳ bí. Mùi lá thông tê tê. Mùi bạch đàn ngai ngái. Mùi keo lá chàm chộn rộn. Mùi cỏ mật ngòn ngọt. Mùi dây leo, gai bụi thổn thức oằn mình trong lửa, mùi lá bùa mê bí ẩn của mấy bà lang Mường sắc giữa chợ phiên. Thấy rõ làn hương ấy từ người cô gái bay lên từng sợi, quyện vào từng vết máu trên thân thể chàng trai, trổ sâu thương tích.
– “Hoan về được bao lâu, dạo này xanh xao thế?”, cậu Tuân hỏi vương vất. Bên cạnh là ban thờ bà ngoại trang nghiêm, bốn mùa đủ đầy hoa thơm, quả ngọt.
– “Nhà có chè hạt sen long nhãn, dễ ăn lắm, lại tốt cho giấc ngủ. Cháu làm gì thì làm, nhớ giữ sức khỏe”. Lời cậu thân thuộc, trầm ấm bên tai tôi. Cậu thao thao kể, mấy năm nay người ta phát rồ vì dự án quy hoạch núi Thằn Lằn. Chỗ này sẽ thành khu du lịch sinh thái. Chỗ kia có tổ hợp dịch vụ. Thêm hồ nhân tạo, đường đôi, công viên nước. Người ta bảo, khó gì đâu, xẻ núi cho gọn ghẽ là làm được tất. Chữ xẻ thoát ra từ những khuôn miệng rộng, ám khói xì gà nhẹ nhàng hơn cả gió. Bất chợt, ngước lên, tôi chạm vào ánh mắt đầy bần thần, cạn khô, mỏi mệt. Không hiểu nổi giây phút ấy cậu ưu tư, khắc khoải những gì. Người làng đều nói, không trọn vẹn với cô Nhạn, rồi cậu cũng vất vưởng ở xứ nào đó thôi. Sao khác được.
– “Anh vẫn quyết định xẻ núi?” – “Ô hay, thế vướng mắc gì mà không xẻ được? À, chắc em lại tin lời bà, lời cậu, rằng núi là huyết mạch của làng, rồi thì thằn lằn thực ra không phải thằn lằn, mà đó là hóa thân của một con rồng, phỏng? Đợi đấy, em thích tim của núi hay tim của rồng gì anh cũng đào xẻ tuốt!”. Lời chồng tôi như dao chém đá. Không còn là anh năm nào. Hay thực ra có những phần thuộc về anh mà tôi chưa từng biết? Bóng bà ngoại lay động, chập chờn sau những nhành huệ trắng. Hương thơm quyện nhang trầm vẽ ra con đường mảnh mai, mềm mại như lụa bạch.
Mồng mười tháng ba âm lịch, lệ làng. Làng tôi có tục rước bóng rước nước. Lũ trẻ chạy trên đê, trỏ tay, nhón chân ngóng con thuyền phủ đầy cờ phướn, vải điều, đàn tế đang từ từ rời bến Sung ngược hướng thượng nguồn. Đến một khúc sông mà thánh thần đã chọn, thuyền bỗng quay ba vòng. Những cô gái đồng trinh quỳ trước mũi thuyền, đưa gáo múc nước giữa dòng, cho vào chiếc lộc bình cổ để cả làng thờ phụng suốt năm ấy. Ai cảnh nhà cơ hàn, ai ốm đau bệnh tật, ai gặp chuyện chẳng lành… đều vào đền xin nước thánh.
Lễ rước bóng sau rước nước một ngày. Chính ngọ, cả làng hành lễ trên núi Ông Voi, ngọn núi cao nhất vùng. Chiếc kiệu sơn son thếp vàng nặng trĩu, sáu cô gái đồng trinh ghé vai đúng đoạn đầu rồng, chẳng hiểu sao khênh nhẹ như bay, mà lại là lên núi, càng lúc càng cao. Mười sáu tuổi, cô Nhạn được chọn rước kiệu. Cô vận trang phục đường nét cổ xưa, đủ mọi sắc màu trắng xanh vàng đỏ. Gương mặt trong veo chỉ phớt chút phấn hồng lên má, chút son lên môi mà tuyệt sắc như tiên giáng trần. “Hồng nhan… đúng phận hồng nhan”, ông cả Thọ buột miệng khi ngắm nhìn cô Nhạn từng bước nhẹ tựa gót tiên trong lễ rước. Cậu tôi ngẩn ngơ. Tôi thấy tim mình thắt lại, phút chốc vụn vỡ trước dáng vẻ, ánh mắt và tất cả những nỗi xa xăm đang vương vất trong tâm trí cậu.
Tùng cúi nhặt, đưa cho Hoan mấy quả thông khô. Mỗi mùa đông, khi những quả thông già rụng xuống, cô gái làng đều dành dụm cho Hoan. Quả khô chi chút tinh dầu, bén lửa, kêu lép bép. Căn bếp quanh năm cáu bện muội nồi, bồ hóng bỗng sạch sẽ, thơm tho lạ thường. Bà ngoại vừa đun bếp, vừa có thể ngóng hiên nhà, đường làng, nghĩ ngợi vu vơ, nghĩ cả cách trói chân cậu Tuân khỏi lân la đến xóm Sung, mà không lo lửa bò lan, cháy rụi. Tùng còn lắng nghe không? Những mảng ký ức chập chờn có thực sự giúp ích gì cho dữ liệu điều tra? Hoan chẳng quan tâm nữa. Chỉ biết một điều, mọi thứ đã bám riết lấy cô như định mệnh từ thơ nhỏ. Hoan mãi là đứa trẻ không lớn nổi và vệt sáng le lói, ấm êm, mảnh dẻ trong lòng cứ mải miết bay theo mối tình của người lớn. Khói ngún lên, từ trong cõi lòng. Hoan nói với Tùng, những khi trống rỗng nhất, cô thường về căn nhà nhỏ của cô gái năm xưa. Nơi ấy, thời gian trở nên vô nghĩa.
Hoan và Tùng ngồi mé hiên, cạnh chiếc cối đá mòn vẹt. Vẫn căn bếp đốt lá khô, tàn tro đầy vun hình ngọn núi. Trước đây, trên tường còn bức ảnh chàng thanh niên ló mặt, vươn tay ra từ chiếc xe cẩu. “Con trai cô đấy! Hoan gặp có khi chả nhận ra, hồi Hoan đi, em còn bé tí. Mười bảy rồi, học hành chật vật, cô cho học nghề, đang lái máy xúc máy cẩu, công trình gần làng mình thôi”. Người phụ nữ rót bát nước lạc tiên. Ngày xưa, chính người dạy Hoan hái ngọn, hái lá bánh tẻ loài cây hoang dại này nấu canh. Thân phơi khô nấu nước thành vị thuốc giúp an thần, giảm đau. Ra dấu bí mật, người ấy khẽ khàng trút ra từ vạt áo mớ quả lạc tiên chín lấp ló vàng tươi, bên ngoài bao bọc lớp lông mềm mại tua rua như lồng đèn. Suốt tuổi thơ, Hoan được vỗ về bằng sự ngọt ngào, dịu êm vô điều kiện.
“Tôi có một lời khuyên cho cô. Không tránh được vực thẳm, hãy hít sâu, can đảm, lao thẳng vào xem sao. Hãy giành lấy thế chủ động để đến tận cùng. Đôi khi, tận cùng không hẳn sẽ là tan nát hết”. Lời Tùng neo lại, giữa bao nỗi bộn bề, bất trắc. Tận cùng vực thẳm là gì, Hoan chưa từng biết. Chỉ thấy trạng thái chông chênh đã đủ bóp nghẹt mình. Giữa không gian này. Giữa khoảng ký ức ngái xa mùi khói.
“Còn mồ ma ông cả Thọ, mỗi lễ rước bóng, đứng trên đỉnh núi Ông Voi, ông ấy khăng khăng núi làng mình dáng rồng, rồng nhả ngọc. Viên ngọc chính là núi Cỏ phía đằng đông. Lại còn bảo, nhẽ ra lệ làng phải rước bóng ở chính núi này, thánh thần đều tụ về đây cả. Không biết kẻ nào đả phá, trấn yểm mà tạo nên câu chuyện khác với nhẽ trời”. Cậu Tuân vừa ngắm cô Nhạn đun bếp, vừa rủ rỉ. Tôi định hỏi cậu thực hư bên trong cái am có miếu thờ như lời đồn đại không, và vì sao khi trở ra người cậu lại bết máu. Luồng gió buốt lạnh thổi lên từ mặt sông chặn lời tôi lại. Chỉ còn đầy dâng một niềm trống trải, mê man.
Hai cậu cháu cùng nhìn xuống đôi tay cô Nhạn. Đường gân báo hiệu tuổi tác, đa mang. Vậy mà mỗi ngày, cô vẫn đi cào lá. Căn bếp đẫm mùi lá khô. Mùi ký ức. Mãi rồi, cả làng chỉ còn cô cặm cụi. Chờ tôi, cô sẽ lại nấu nấm thông, khi với mướp, khi với bí, bầu, rau tập tàng trong vườn nhà… Nấm tươi không giữ được lâu, cô lại vẫn muốn đợi tôi về nên xâu bằng lạt, treo gác bếp. Cậu cháu tôi đều thấy cô còn rất đẹp. Vẻ đẹp biêng biếc, ảo mờ, không thuộc về trần tục. Mùi lá khô âm ỉ ngún lên dù đã lụi thành tro. Chẳng cần nhìn vào đám lá, cậu cháu tôi vẫn biết cô đã đun bếp bằng gì. Hương cỏ mật ứa lên, ngọt ngào, rấm rứt.
“Hoan, lần này về, không có chuyện gì chứ?”, cô Nhạn hỏi, giọng run run bất an. Tôi không thể kể với hai người, rằng mỗi đêm, tôi liên tục quay mặt lại phía chồng, xem khoảng giữa giường, nơi hai mảng lưng lạnh lùng hờ hững đối nhau, có phải vực sâu. Tôi tự chuốc thương tổn trên chiếc giường thân thuộc. Nỗi đau khiến con người khó bề khép mắt.
“Em cần đi chữa bệnh! Không thể sống mỏi mệt mãi thế này!” – “Anh có thể làm nhiều việc tồi tệ, nhưng không được xẻ núi”; -“Không lo làm ăn, liệu có cơ ngơi này không? Liệu cô còn ăn trắng mặc trơn, chẳng màng tiền bạc được không?”… Những cuộc cãi vãi không hồi kết. Đằng đẵng mộng mị mòn mỏi bạc đầu.
Chồng tôi ngoại tình. Tôi không còn thấy đớn đau. Vẫn chỉ gặp vực sâu hun hút. Chồng tôi muốn xẻ núi. Vẫn chỉ gặp miệng vực mở ra. Về quê vợ, chồng tôi hào hứng đốt xì gà, bàn việc xẻ núi, góp vốn cùng đám cai thầu. “Có cung có cầu, ta phải tính thêm cả khoản ấy anh ạ” – “Có chứ, đám gái mới lớn nõn nà, chân chất, sẽ hút hết đại gia bỏ phố về đây…”. Cậu tôi uất hận, đau đớn, bất lực khi biết những cuộc đối thoại ấy đều vẹn nguyên, ngập ngụa trong đầu óc tôi.
*
“Cán dao không có dấu vân tay nghi phạm, chỉ có dấu vân tay nạn nhân”, lời cảnh sát vẳng bên tai tôi. “Hãy bình tĩnh kể tôi nghe, lúc đó cô thấy những gì, quang cảnh, không khí chung quanh ra sao…”. Cách Tùng nói gần gũi, trầm ấm như người thân, nhưng đầy mê dụ.
Mỏm Cấm sạt khi nhát cẩu đầu tiên bổ xuống. Chẳng phải chồng Hoan chỉ mong xẻ núi, mong xóa sổ ngọn núi này. Thì núi đang sạt đó thôi. Một cách ngỡ ngàng, sạch bách. Nhưng cảnh tượng trước mắt khiến ai nấy sững sờ, hốt hoảng bởi nó trái ngược hoàn toàn tưởng tượng. Ai ngờ, ngọn núi lành hiền, ngút xanh lại ôm trong lòng toàn đá tảng. Cẩu bổ xuống, như bổ rách toạc mảng thịt da, và cứ thế đá tuôn từ lòng núi. “Đá huyết rồng! Mọi người chạy đi! Chạy ngay đi!”. Con trai bà Nhạn ngồi trong máy cẩu. Sau tiếng hô hoán thất thanh thì im như tượng, trân trân nhìn từng tảng đá thẫm đỏ từ từ tách khỏi lòng núi mẹ, bò ra, lăn ầm ầm vào phía đám đông đang bày biện đàn cúng, phông bạt, bàn ghế đủ mọi nghi thức lễ lạt, cỗ bàn.
Mẹ gào đến khản cổ, chàng trai vẫn im như tượng. Cả làng tán loạn mỗi người một phách. Bà Nhạn đập đầu, điên loạn. Khi nửa người chàng thanh niên vừa cố nhoài ra khỏi máy cẩu, đột nhiên đá huyết rồng dồn xuống, bổ thẳng vào đầu, vào thân, chèn chặt chân tay. “Giết người! Các người giết con tôi rồi!” Người phụ nữ sụp xuống, vái trời lạy đất. Hoan chợt thấy một hình bóng khác từ từ tách khỏi, bay lên theo khói, nhập vào vầng hào quang lục bảo. Cô Nhạn năm mười sáu tuổi, mặt tựa trăng rằm, đầu đội chiếc nón màu đỏ như mũ nấm thông, xống áo rực rỡ hoà trong lễ rước. Tay thiếu nữ đồng trinh loang loáng thanh kiếm sắc. Gió vang vang tiếng gọi cao xanh. Người là con của rồng. Rồng trú thân trong hình hài của núi. Mũi kiếm nhằm hướng trái tim tội lỗi. Máu lõm đá huyết rồng.
“Ánh mắt xa lạ đó thế nào?”, Tùng hỏi. Lời Hoan nhòe trong gió: “Là ánh mắt tôi chưa từng gặp. Ánh mắt xót xa tột bậc nhìn chàng trai trẻ nhoài ra từ máy cẩu. Ánh mắt phẫn uất cùng cực trước sự thật phơi bày”. Tùng đưa cô đến nhà bà Nhạn. Cảnh sát đang dựng lại hiện trường. “Cô Hoan này, hôm ấy, trên người cô có vết thương, có phải cô đã xô xát với ai đó?”, điều tra viên từ tốn hỏi. “Không. Tôi chỉ cố tránh những miệng vực”, Hoan lẩm bẩm. “Vậy còn đôi tay quen thuộc phủ lên một bàn tay mềm mại mà cô từng kể, nó quen thuộc đến mức nào?”, lời Tùng khe khẽ. Hoan từ từ nhìn xuống tay mình, bàn tay xanh xao hằn đầy vết đỏ. Cô chầm chậm nhấc lên, đưa về phía trước.
“Đúng rồi, cô Hoan! Không có cậu Tuân nào cả. Duy nhất cô có mặt tại hiện trường thời điểm nạn nhân bị sát hại. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, thời gian nạn nhân chết trùng khớp hoàn toàn thời điểm cô ở đây. Vết thương trên người cô, vết máu trên áo nạn nhân, tất cả mọi dữ liệu đều liên quan đến nhau. Theo kết luận điều tra, mũi dao trúng tim nạn nhân là từ cô, trong tư thế đối diện, nạn nhân cầm dao và cô đã nắm chặt tay nạn nhân, ấn mạnh”, Tùng nói, từng lời chậm chắc, rõ rệt.
“Cậu mê xem rước bóng rước nước. Hồi bé, cậu cứ đứng ở đường đê nhìn mãi theo thuyền rồng. Rồi leo núi Ông Voi, mới nửa chừng đã thở không ra hơi, rớm mắt đòi bà ngoại cõng. Thế mà các cô gái đồng trinh rước kiệu nhẹ như bay, liêu trai, thoát tục. Cậu từng nghĩ rằng mình có thể ngăn cản việc người ta phá núi. Ai cũng nói cậu điên rồ. Chỉ mỗi Hoan tin cậu…”. Lời cậu tôi ngập trong sương gió. Lâu rồi chưa đặt chân vào phòng cậu. Căn phòng nhỏ bé, giản đơn, vị trí trang nghiêm nhất đặt ban thờ Phật. Mặt bàn gỗ thông vẫn bát chè hạt sen long nhãn phần tôi, dù giờ là quãng sen tàn.
“Bà đặt tên con là Hoan, mong cả đời con ấm êm, viên mãn”. Lời bà vang vọng. Chẳng rõ ký ức có theo bà bay về cõi thẳm hay không. Bà có nhớ núi, thương núi như cậu cháu tôi?
Ngày núi bị xẻ, nhiều miệng vực cùng lúc đã mở ra. Giữa cậu Tuân và cô Nhạn. Giữa cậu cháu tôi. Giữa ánh mắt xa lạ kia và tất cả sự hỗn độn đang phơi bày cõi thế gian. Bi thương. Tuyệt vọng. Mù lòa.
Vẳng bên tai tôi vẫn giọng nói ấm trầm của cậu và mùi lá khô hoang hoải theo dấu chân cô Nhạn trở về. Ai tin cô chửa hoang, phụ bạc. Ai tin cậu đã chết ngay khi rời cửa am sau cơn giông bão năm ấy…
Cậu lại dắt tôi vào đền, thành kính chắp tay lễ thánh. Nâng chén nước thiêng, tôi quỳ gối, cúi đầu, trả lại dòng sông. Xa xa, thấp thoáng bóng người chèo đò, cánh tay trái vươn theo nhịp sóng. Giọng hò thao thiết cất lên: “Nghìn năm lẫn sóng vô thường/ Mặt người mây nước tỏ tường đa đoan/ Vầng mây mười sáu hồng loan/ Mái chèo khỏa buốt lan man phận đời… Hò ơ!”
Tôi đang trở về nhà, hay về với núi. Tôi đang bước từng bậc thang, hay bước qua sỏi đá sắc hơn chông. Dưới mỗi bước chân này, đá huyết rồng có hoài thai, có phập phồng cựa quậy?
Bây giờ, tôi gặp mình trong hình hài phiến đá huyết rồng cuối cùng nằm lại trên mỏm Cấm, ngay dưới gốc muỗm cổ thụ. Không sét đánh, cây thiêng vẫn chết đứng giữa trời. Nghìn mắt lá vẫn mở chong chong. Muôn cánh tay cỗi cằn nhấc bổng tôi thả vào mây gió. Xôn xao tiếng gọi cao xanh.
20/9/2023
Lữ Mai
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu Nhà thơ Xuân Diệu đã có một định nghĩa rất thú vị và độc đáo về thơ và tình yêu: “Tình yêu và thơ là...