Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Đến thu này thì mộng nhạt phai

Đến thu này thì mộng nhạt phai

Tôi là đứa con gái duy nhất trong xóm Cù Lao thời đó may mắn được học hành tử tế. Ba mươi hai tuổi vẫn chưa có chồng, tôi là một hiện tượng điển hình của xóm, là nỗi bất hạnh của gia đình, dòng họ, là tấm gương sống để các bà mẹ Cù Lao đưa vào giáo trình giáo huấn con gái.
Mới đầu tôi: thây kệ. Nhưng càng ngày tôi càng bị ám ảnh bởi những câu hỏi kiểu như: nay nhiêu (tuổi) rồi bây, chừng nào lấy chồng, chừng nào cho bác uống rượu, chừng nào… Những câu hỏi cùng những cái nhìn tội nghiệp, trách móc, gièm pha khiến tôi ngày càng sợ về nhà, nhất là vào những ngày Tết.
Năm đó, chiều hăm chín Tết, cả nhà tề tựu đông đủ cúng rước ông bà. Tiệc tàn. Hai má con lui cui dọn dẹp. Má tôi tới tới, lui lui không nói tiếng nào. Nhưng tôi biết rất rõ má đang nghĩ gì. Tôi cố tìm câu gì đó để nói với má như đã từng an ủi má về việc tôi chưa lấy chồng. Nhưng tìm mãi vẫn không có câu nào mới hơn, hay hơn và thuyết phục hơn. Má vẫn không nói tiếng nào, lủi thủi tới lui dọn dẹp. Má không nói tiếng nào cho đến khi tôi nổ tung như một quả bóng bị bơm lố tay: “Má xấu hổ vì có đứa con gái “ế”, má muốn con lấy chồng chứ gì. Vậy thì con đi kiếm chồng để lấy đây”.
Thế là, tôi quẩy ba lô lên đường. Cùng với tiếng xe máy nổ giục giã, tôi nghe tiếng má tôi gọi với theo: “Lài! Lài! Trở vô má biểu…”. Tôi nhấn ga lao nhanh ra cổng, nước mắt tuôn thành dòng. Tôi phóng một mạch lên Sài Gòn. Dãy nhà trọ vắng tanh. Tôi lao vào phòng, úp mặt xuống gối hu hu khóc. Khóc đã, tôi thiếp đi. Hôm sau, tôi quyết định quảy ba lô lên Đà Lạt.
Đà Lạt đêm ba mươi lạnh cắt da. Mọi người lục đục xuống xe gấp gáp và rời đi vội vã. Đêm phố núi tĩnh mịch, lặng lẽ. Phố thưa người. Tôi phóng tầm mắt về phía   Đồi lộng gió. Ở đó có “Căn nhà xưa”- quán cà phê Guitar mộc nằm trên ngọn đồi vi vu gió, bên dưới là một thung lũng nhỏ xanh rì những hàng thông. Trong “Căn nhà xưa” có một người đàn bà hát. Khi chị đặt tay lên phím đàn, tôi thấy mình mềm nhũn ra cùng với những giai điệu trầm buồn da diết của Trịnh Công Sơn, của Ngô Thuỵ Miên, của Phú Quang, tôi thấy mình bồng bềnh trôi theo lời tự tình của Phạm Duy, của Vũ Thành An và khi chị buông nhẹ những giai điệu cuối cùng của Dạ khúc cho tình nhân: “Chết bên nhau thật là hồn nhiên…” thì tôi thật sự gục ngã.
Tôi không biết mình có điên không khi thỉnh thoảng thấy buồn, tôi lại từ Sài Gòn chạy lên đây chỉ để co ro khăn áo thưởng thức cái lạnh của Đà lạt, uống vài ly vang đỏ trong triền miên nỗi nhớ về một người xa lơ xa lắc và để nghe chị hát những bản tình ca xưa cũ, rồi… về.
Không phải một lần. Nhưng lần này thì khác, tôi đang chạy trốn, chạy trốn sự rượt đuổi của số phận.
Tôi vượt con dốc dài leo lên Căn nhà xưa. Vẫn ánh nến lung linh trong một không gian tràn ngập hương thông, tràn ngập tiếng đàn guitar như tiếng suối chảy, vẫn bình hoa thạch thảo phơn phớt tím đặt ở một góc bàn, vẫn chiếc lò sưởi cũ kỹ đầy hoài  niệm đang bập bùng ánh lửa. Quán vắng, tiếng hát chị như lọt thỏm vào đêm.
Tôi ngồi xuống, kêu một ly vang. Cầm ly rượu xoay vòng nhẹ nhàng, rượu màu nâu sẫm sóng sánh lên thành ly rồi từ từ trôi xuống chậm rãi. Hớp một ngụm, cảm nhận hơi rượu lan tỏa khắp cơ thể, vị chát chát nồng nồng và mùi thơm của vang khiến tôi thấy dễ chịu. Sự dễ chịu làm cho cõi lòng tôi bằng phẳng trở lại. Tôi nhâm nhi sự dễ chịu đó bằng cách gọi hẳn một chai Vang Bordeaux đỏ.
Chợt nhớ câu nói lẩy với má: “Vậy thì con đi kiếm chồng để lấy đây”, tôi mỉm cười, rót rượu ra ly, lại xoay vòng, lại uống, lại cảm nhận không gian ngập tràn men rượu, lại cảm nhận hơi rượu lan tỏa khắp cơ thể… Lại rót, lại xoay vòng, lại uống…
Đêm đã sâu. Chị vẫn ngồi hát. Giọng chị bắt đầu khàn đục. Những ánh nến vàng bắt đầu thoi thóp, lò sưởi đã thôi tí tách. Mọi người đã ra về từ hồi nào, chắc là để đón giao thừa. Tôi đứng dậy đi về phía chị, cũng vừa lúc tiếng đàn chị đánh rớt giọt cuối cùng: “Ngày vực sâu… rớt hoài xuống hư không… cuộc tình đau”. Tôi chào tạm biệt chị, theo cái cách của một người có lỗi.
Tôi rời Căn nhà xưa vào thời khắc chuẩn bị giao thừa. Con dốc dẫn xuống chân đồi ướt đẫm sương đêm. Tôi trượt dốc bằng một cơ thể không thể nhẹ hơn như thế trên đôi giày cao mười phân. Lúc tôi cúi xuống định cởi giày ra đi chân trần thì… con dốc bắt đầu xoay, Đồi lộng gió bắt đầu xoay và cả thành phố phủ đầy sương cũng bắt đầu xoay.
Tôi tỉnh giấc vào lúc tai nghe tiếng đàn guitar réo rắt và mũi thì ngửi thấy mùi hương thoang thoảng của vang đỏ. Tôi mở mắt ra. Một chút nắng vàng mõng tan như những sợi tơ trời xuyên qua khe cửa. Không khó để tôi nhận biết tôi đang nằm trong căn phòng ở một khách sạn. Tôi cố nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra kể từ lúc tôi rời Căn nhà xưa. Một nỗi sợ hãi không tên đang xâm chiếm lấy tôi. Tôi thu hết can đảm mà giọng vẫn lẫy bẫy như đuôi con thằn lằn đứt. Tôi gọi: “Anh gì ơi!”. Người đàn ông đang ôm đàn ngồi quay lưng về phía tôi trên chiếc sopha màu tím. Anh ngưng đàn, nhẹ nhàng rót rượu rồi cầm ly xoay vòng. Tôi nhìn anh từ phía sau nhưng cũng đủ để nhận ra một hình ảnh rất quen thuộc. Chỉ một sát na thời gian, cánh cửa ký ức trong tôi chợt mở toang. Tôi thảng thốt gọi: “Anh Thành!”. Anh quay lại, tiến về phía tôi đang lùng nhùng trong chăn như một đống giẽ. Không ngăn được cảm xúc, tôi ôm anh nức nở khóc.
Hồi ấy, chúng tôi yêu nhau. Không phải. Hình như chỉ có mình tôi yêu anh. Còn anh, anh có cái cách để làm cho mọi người con gái xung quanh anh tưởng rằng anh yêu họ.
Năm đó, chúng tôi đang ở năm hai đại học. Sư Phạm khoa Văn, con trai như gươm lạc giữa rừng hoa. Anh, giọng Quảng Ngãi lai Sài Gòn, vừa đủ nặng để ấm trầm, vừa đủ nhẹ để buông lơi, vừa đủ dặt dìu để những giai điệu tình ca bay bổng cùng tiếng đàn guitar điêu luyện và một phong cách ga lăng kiểu Tây hiếm có vào thời đó. Chỉ bấy nhiêu là đủ để anh luôn trở thành tâm điểm giữa muôn trùng các cô nàng xinh đẹp trong khoa Văn. Tôi không ngoại lệ. Nhưng tôi say anh theo cái cách của tôi. Giữa đám đông vây quanh, tôi chỉ đứng ở xa xa nhìn lại, tôi không sợ thua cuộc, chỉ là tôi sợ sự kiêu hảnh trong anh biến thành ngọn lửa thiêu rụi tình yêu trong tôi.
Cuối năm ba, anh được gia đình bảo lãnh ra nước ngoài. Chỉ có mình tôi tiễn anh ở sân bay. Chúng tôi ngồi bên nhau yên lặng. Hồi lâu, anh choàng tay qua vai tôi siết mạnh. Tôi được thể, tựa hẳn vào anh, ấm áp và bình yên. Tôi không dám động đậy cũng không dám thở mạnh, tôi sợ cái khoảnh khắc ấy rớt xuống vỡ ra như cái ly thủy tinh rớt xuống nền gạch. Không hiểu sao trong hằng hà sa số những âm thanh cuộc sống, tôi rất sợ tiếng thủy tinh vở trên nền gạch. Nó thường làm tôi nhói tim.
Hôm ấy, trước khi chia tay, Thành hỏi tôi: “Sao em yêu anh mà không nói, sao cứ cố tạo ra khoảng cách làm gì?”. Tôi thành thực trả lời : “Vì em không chắc anh yêu em”. Thành nhìn thật lâu vào mắt tôi, giọng anh nhẹ như sợi khói: “Anh yêu em!”
Trong khi tôi biết, đó không phải là lời tỏ tình của anh thì Thành vẫn cố dẫn giãi. Mục đích của anh là để bù đắp, an ủi, tạo niềm vui cho tôi và tìm sự an yên cho anh. Anh tuyệt đối không bao giờ bỏ mặc họ – nếu như anh biết người đó có tình cảm với mình. Tính cách đó tạo nên sự khác biệt giữa anh và mấy tay bạch diện thư sinh ít ỏi trong khoa văn.
Nhưng biết là biết vậy mà yêu tôi vẫn cứ yêu. Tôi mang lời tỏ tình “từ thiện” của anh gọp chung với tình yêu mê muội của tôi cất giữ bên mình hơn mười năm nay.
Tôi đã thôi khóc. Thành trở lại bàn rót hai ly vang mang đến đưa cho tôi một ly:
“Uống một ly giải nghễ đi em!”. Tôi cười: “Em có bị làm sao đâu. Anh về hồi nào? Sao em lại ở đây ?”. “Anh về tuần trước. Trở về quê hương sau mười năm, anh như người lạc thời giữa Sài Gòn. Anh lên đây, với hy vọng Đà Lạt không thay đổi mấy. Anh nhìn thấy em từ lúc em mới bước vào Căn nhà xưa. Anh ngồi ở góc bên kia quan sát em và “lượm” em ở con dốc đồi lộng gió mang về đây đó cô nương. May mà là anh…”.
Chúng tôi quyết định ở lại Đà Lạt ăn tết. Má tôi suốt ngày điện thoại “con đang ở đâu, sao không về nhà, con khỏe không, con về đi, đừng để má lo, ba mày ổng “bố” quá chừng … bla…  bla… bla…”. Lần nào tôi cũng trả lời: “Con đang ở Đà Lạt chơi với bạn, vài bữa con về, con khỏe, má đừng lo, đừng gọi con nữa… bla…  bla… bla…”. Má vẫn gọi. Gọi cho tới lúc tôi nổi khùng: “Con đi kiếm chồng để lấy đây” thì má thật sự hốt hoảng: “Thôi, thôi má không nhắc chuyện đó nữa”.
Lúc má nói với tôi câu đó thì tôi và Thành đã vượt qua cái giới hạn được người đời gán cho một khái niệm hết sức tầm cỡ: “Vòng lễ giáo”.
Sau một tuần lễ ở Đà Lạt. Chúng tôi chia tay nhau. Phố núi vẫn còn xuân. Anh đưa tôi về Sài Gòn rồi ra thẳng phi trường. Cũng vừa vặn hết kỳ nghỉ tết, tôi ở lại Sài Gòn đi làm luôn không về quê. Má tôi suốt ngày gọi điện khóc tỉ tê, năn nỉ, vỗ về, biểu con về với má, má nuôi, má không bắt con lấy chồng nữa. Tội, người già hay cả nghĩ, hay lo lắng, cái gì cũng làm ra vẻ quan trọng… Tôi thương má hứa rằm tháng sau về đi chùa với má. Má thôi không gọi nữa.
Đúng ngày hẹn với má, sáng sớm, tôi nghe hình như có cái gì đó không ổn, toàn thân rã rời, sống lưng ớn lạnh, đầu đau như búa bổ…  Chưa kịp nghĩ xem mình sẽ làm gì bây giờ thì mùi hành phi bên nhà Cô Tư hủ tíu bay sang làm tôi nôn thóc nôn tháo. Tôi gọi điện cho má nói con bệnh rồi không về được, cảm xoàng thôi, má đừng lo. Ba tiếng đồng hồ sau đã thấy má tôi lên tới: “Đi! đi bác sĩ với má”. Tôi gượng dậy đi với má cho má vui.
Ông bác sĩ trẻ trai nhìn má, rồi nhìn tôi: “Hình như cô đã có thai. Cô nên đi kiểm tra cho chắc nhé”. Tôi chưa biết thế nào là chết nhưng với tôi cái giây phút ấy khủng khiếp hơn là chết. Trong khi má tôi cười thật tươi trả lời vị bác sĩ: “Dạ nếu đúng như vậy thì thiệt là mừng quá. Cám ơn bác sĩ”. Bà còn ríu rít cám ơn bác sĩ thêm mấy lần nữa mới lôi tôi ra ngoài.
Chỉ đến khi hai má con ngồi lên taxi rồi, má tôi mới lấy vạt áo chùi nước mắt. Nước mắt chảy xuôi, nhỏ xuống ướt hết một bên vạt áo bà ba của má mà vẫn còn chảy. Tôi ôm má khóc theo.
Má không về quê nữa. Má ở lại Sài Gòn với tôi cho đến ngày Tony ra đời. Má chưa lần nào hỏi tôi về một người đàn ông nào đó, nhưng má đoan chắc Tony được tượng hình vào những ngày “con đi kiếm chồng để lấy đây”. Điều đó làm má day dứt. Má càng thương tôi nhiều hơn, má nâng niu Tony: “Cục vàng của ngoại”. Với tôi, vậy là hạnh phúc.
Đã sáu cái Tết trôi qua kể từ đêm giao thừa đó, tôi chưa lần nào trở lại Đà Lạt. Tony – con trai tôi đã năm tuổi. Một đứa trẻ không có cha vẫn có thể sống hồn nhiên, vui vẻ, ngoan ngoãn, vẫn có thể trở thành đứa bé thông minh, lanh lợi, giỏi giang. Tôi dám chắc ai đã có dịp tiếp xúc với Tony cũng đều sẽ nghĩ như vậy. Không ai dạy nó nhưng Tony luôn luôn nghĩ về chuyện nó không có ba theo một cách tích cực nhất.
Tony đang lướt trên phím đàn bằng những ngón tay bé xíu. Tôi nhìn con trai từ phía sau, bất giác thốt lên: “Thành”. Tony quay lại: “ Má nói gì con?”. “Không. Má nói con đàn hay quá”. Tony nhảy phịch xuống đất: “Mình đi bây giờ chưa má?”. “Má sửa soạn xong rồi mình đi con!”. Lần nào cũng vậy, Tony cũng đều mừng rỡ líu lo mỗi khi được về ngoại.
Xe qua cầu Rạch Miễu. Tôi đưa tay hạ kính cửa xe xuống vừa hít khí trời phả vào ô cửa vừa cảm nhận cái rời rợi của gió từ mặt sông thổi lên nghe lòng mình bình yên đến lạ. Phương Nam mùa về dịu dàng và ấm áp. Xe xuống hết đường dẫn, tôi vừa đánh tay lái cho xe rẽ phải vừa cao hứng ngân nga: “Chuyện chúng mình ngày xưa em ghi bằng nhiều thu vắng… đến thu này thì mộng nhạt phai”.
29/9/2023
Ngô Thị Thu Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...